Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 15 VÀ 16

TÔI PHẢI SỐNG  (15)

Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ

Tỉnh Cơn Mê

Đứng nhìn trời, nhìn nước một lúc, tôi cảm thấy đỡ căng thẳng, mùi nước sông và làn gió nhẹ mang theo hơi nước lạnh làm tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi ngửa mặt lên trời, hít một hơi dài cho làn khí trong lành ngập tràn hai buồng phổi, và lui lại lần theo cầu thang leo lên từng trên và ngồi nơi một ghế ngay cạnh đó, định bụng là để chốc nữa xuống cho dễ. Lúc đó tôi tự nhủ: “Phải bình tĩnh trước những biến động, rồi cái gì cũng sẽ qua đi, nhưng phải có thời gian cho mỗi việc”. 

Tôi nhớ lại thời gian ở họ đạo La Mã, lúc đầu, cơn sốt thời cuộc cũng bốc lên như sóng cồn, nhưng sau một thời gian ngắn cũng xẹp đi. Nghĩ như vậy nên tôi thấy yên tâm và tự nhiên thương anh chàng ăn xin lúc nãy đã hát bài Vọng Cổ “ cách mạng”. Tôi nghĩ rằng, chắc anh ta không cố ý chạy theo thời cuộc, nhưng biết đâu loại bài hát có lời lẽ như vậy sẽ giúp anh kiếm ăn dễ hơn trong lúc này. Ngồi một chốc tôi đã thấy hàng quán phía cầu bắc Mỹ Tho dần dần hiện lên rõ nét. 
Hành khách bắt đầu nhốn nháo và đứng lên khi chiếc bắc giảm tốc độ và chuẩn bị vào bến. Vừa định bước nhanh xuống tầng dưới để lấy xe Honda lên bờ, tôi chợt nhớ ra có điều gì mình chưa làm. Thì ra, tôi nhớ tới số tiền định cho người ăn xin, nhưng lúc nãy vì bực mình, tôi đã bỏ lại vào túi. Lúc này, luồng hành khách xô nhau đang nhốn nháo chuẩn bị dồn về phía đầu cầu thang trong khi tôi len ngược trở lại về phía người ăn xin và cô bé đang ngồi ủ rũ trên một chiếc băng trống ở gần đầu kia. Anh ta chỉ hát và xin tiền trong lúc bắc đang chạy, còn lúc này không còn ai để ý tới anh, tới giọng hát của anh cũng như hoàn cảnh của anh. 
Tôi bước tới nhìn hai người và cảm thấy thương tâm, nhất là khi nhìn vào chiếc rá nhỏ đan bằng mây cô bé đang cầm trong tay để xin tiền, tôi thấy nó rỗng tuếch, chỉ lèo tèo vài tiền lẻ. Tôi vội cho tay vào túi quần vơ hết số tiền lẻ lúc nãy đặt vào chiếc rá. 
Cô bé lọ lem ngoái đầu lại trợn tròn đôi mắt to và đen ngước nhìn tôi thật lâu. Lần đầu tiên, tôi thấy cô bé biểu lộ thái độ ngạc nhiên trên mặt. Tôi biết không phải em ngạc nhiên về số tiền khá lớn mà tôi vừa đặt vào chiếc rá, mà ngạc nhiên tại sao lại có ông khách phá lệ cho tiền trong lúc bắc đang cập bến như thế này. Tôi cảm thấy chưa yên tâm, và bằng một thái độ chuộc lỗi, tôi đứng lại, lần tay móc bóp ở túi quần sau, lấy ra một số tiền khá lớn và đứng tại chỗ đếm. Tôi vô ý đứng chặn giữa lối đi hẹp của hành khách đang hối hả tiến tới cầu thang. 
Một bà khá lớn tuổi và mập mạp bị cản đường bất ngờ, dùng cùi chỏ hẩy tôi sang một bên, miệng càu nhàu: “Cái ông này vô duyên, tự dưng đứng cản đường người ta!” Tôi vội né sang một bên, ném vội số tiền vào rá của em bé rồi bước theo đoàn người, vừa đi vừa cười thầm: “ Mình vô duyên thật, tự dưng lại đứng cản đường người ta!”

Thành phố Mỹ Tho 


Hành khách đi phà đông hơn tôi tưởng, lúc nãy tôi thấy họ ngồi đầy cả hai tầng của chiếc bắc, lúc này tôi thấy càng đông hơn. Đoàn người từ cầu bắc bước lên đông như trẩy hội. Tôi biết đa số trong đó là những người buôn bán vì trên tay người nào cũng có giỏ xách căng phồng mà tôi không biết họ đựng gì bên trong. Điều tôi biết rõ là lúc bấy giờ, có rất nhiều người đi buôn đủ các loại mặt hàng. Thứ gì cũng có thể bán và mua được. Nhất là thuốc tây, vải vóc và các loại đồ dùng trong nhà. Lúc tôi còn ở họ đạo La Mã, có mấy bà, mấy cô trong họ đạo cũng đi buôn bán kiểu này và họ kể tôi nghe một ngàn lẽ một chuyện về “mặt trận” đi buôn trong những tháng đầu sau khi cộng sản vào miền Nam. 
Họ kể về mánh khóe những con buôn qua mặt các trạm kiểm soát, rồi trạm kiểm soát gài bẫy bắt con buôn. Rồi con buôn tìm cách lòi tiền để được thả ra, rồi công an tìm “mánh” bắt họ lại để tiếp tục làm tiền. Thôi thì hàng trăm hàng ngàn loại mánh khóe, ai có ngón nào đưa ra sử dụng ngón đó. Có lúc, tôi buồn cười nghĩ quẩn, có lẽ nhờ có thời thế này đã tạo ra hoàn cảnh như thế mà dân tộc Việt Nam tự nhiên lại ‘‘khôn’’ ra, vì lúc nào đầu óc cũng làm việc và làm việc không ngừng để tìm cách lừa đảo, dối gạt, phỉnh phờ và nói dối, không dối gạt nhau thì không có thể nào sống được! 
Nếu định luật về sự tiến hóa có cơ sở thì dân tộc Việt Nam, nếu không có sự thay đổi nào khác hơn, thì càng về lâu về dài, sẽ phát triển đến mức tối đa đầu óc gian manh lừa đảo do tích lũy di truyền của thế hệ này để lại cho con cháu. Càng nghĩ, tôi càng đau lòng cho số phận không may của dân tộc tôi đã phải rơi vào một giai đoạn lịch sử đen tối, trong đó, người ngay thẳng và lương thiện không có chỗ để sống. 
Thấy còn sớm, tôi cỡi Honda đi một vòng thành phố Mỹ Tho, nơi mà tôi đã một thời đi học ở đây. Tôi lượn xe xuống cầu tàu, ngang vườn hoa Lạc Hồng, bọc qua đường Trưng Trắc ở bờ sông, chạy qua cầu sắt quay mà ngày còn đi học tôi hay đi qua. Thành phố cũng không đổi khác nhiều sau một năm dưới chế độ mới. Chỉ có khác là bộ mặt thành phố bây giờ đượm vẻ u buồn và dân chúng đang bước đi đầu cúi gầm âm thầm lặng lẽ. 
Khi rảo qua các phố, tôi để ý thấy một số tên đường và trường học đã được đổi tên mới, những cái tên rất lạ tai như Trừ Văn Thố, Mai Thị Non, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi... Cái thiếu sót của tôi là lu bu nhiều chuyện quá nên chưa có giờ tìm đọc tiểu sử các vị anh hùng có tên lạ tai này để biết sự nghiệp họ đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam như thế nào hầu bày tỏ lòng tôn kính với họ cho đúng mức. 
Khi chạy xe trên đường Hùng Vương ngang qua trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, tôi sực nhớ lại cũng nơi này, năm 1961 lúc tôi học ở Mỹ Tho, có lần tôi suýt bị mật vụ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến hốt lên xe bít bùng trong một buổi sáng tôi cùng anh bạn tới đây tìm một vị giáo sư. Không ngờ, hôm đó học sinh trong trường rải truyền đơn chống chính phủ Ngô Đình Diệm. Người bạn tôi bị bắt, tôi may mắn thoát được, vội về nhà cuốn gói chuồn ngay về Vĩnh Long. 
Hơn một tháng sau, tôi mới dám trở lại Mỹ Tho, tìm gặp lại người bạn bị bắt lần đó. Tội nghiệp anh bạn, nước da anh xanh xao như tàu lá chuối và không đứng dậy nổi vì bị tra tấn quá nhiều sau 15 ngày bị nhốt ở Ty cảnh sát Định Tường. Thời đó, mật vụ của ông Ngô Đình Nhu do Bác sĩ Trần Kim Tuyến đứng đầu ra sức ruồng bắt và tra tấn những người chống chế độ gia đình trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hình ảnh những chiếc xe bít bùng cùng với những người công an chìm đi lảng vảng trong các trường học, làm bọn học sinh chúng tôi khiếp đảm.

Đường xưa lối cũ 


Rời thành phố Mỹ Tho, tôi theo con đường tráng nhựa hai bên có những vườn mận sai trái dẫn ra ngã ba Trung Lương. Loại quả mộng nước, to cỡ như trứng gà, có vị vừa chua vừa ngọt, bên trong có mấy hạt bằng đầu ngón tay út, người Bắc gọi là quả roi, người Nam chúng tôi gọi là trái mận. Vùng này mận ngon có tiếng, chẳng những nhờ giống đặc biệt mà còn nhờ vào phong thổ của vùng đất bồi sông Tiền Giang nữa. Các hành khách trên xe, khi có dịp dừng lại một nơi nào gần đây, cũng thường mua một ít mận Trung Lương để thưởng thức hương vị của đặc sản vùng này. 
Chạy chưa đầy 10 cây số đã tới ngã ba Trung Lương, nằm trên Quốc lộ 4, nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây trù phú của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi rẽ trái về hướng Vĩnh Long, gia đình tôi ở một làng quê thuộc quận Vũng Liêm trong tỉnh này. 
Lúc này nắng đã lên cao, tôi đưa tay trái lên kéo quai chiếc nón ny-lon trên đầu cho thật chặt để khỏi bay. Đi xe gắn máy mà đội loại nón này khá bất tiện vì rất dễ bị gió giật tung về phía sau, nhưng vì thời cuộc mà tôi phải dùng nó. Trước kia, khi đi xe gắn máy, tôi thường đội mũ lưỡi trai, rất gọn nhẹ, ôm sát vào đầu và không cần có quai dưới cằm. Mũ lưỡi trai vừa che được gió khỏi tạt vào mặt, vừa tránh được ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt. 
Nhưng từ hôm tôi bị mấy anh du kích chận lại trên đường tôi về giáo xứ La Mã, mạt sát tôi một hồi rồi giật cái kết “đồi trụy của thằng Kỳ” ném xuống đất, từ đó, tôi không còn đội loại kết “đồi trụy” nầy nữa, vì tôi không muốn những việc rắc rối không cần thiết xảy ra, trong khi cuộc đời tôi trong giai đoạn này tự nó đã có nhiều rắc rối với những người có quyền thế trong chế độ mới này . 
Đoạn đường tráng nhựa trên Quốc lộ 4 này tôi đã đi lại nhiều lần, và đã ghi lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm về nó. Nhớ lại mới vài năm trước đây, công binh Mỹ làm lại con đường nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây nầy, rất đẹp và rộng rãi. Một hãng thầu Mỹ có tên RMK-BRJ mà tôi cũng không biết viết tắt của những chữ gì, cũng đã xây dựng lại hai cây cầu quan trọng trên tuyến đường này là cầu Bến Lức và cầu Long An, trên đoạn đường từ Sài Gòn xuống ngã ba Trung Lương. 
Từ một năm qua, khi về làm cha sở họ La Mã, tôi cũng có dịp đi lại trên đoạn đường này khá nhiều lần, nhưng không chú ý lắm về tình trạng của nó. Lần này, sau khi bánh xe bị sụp một ổ gà lớn, tôi giật mình và chợt nhận ra con đường bây giờ đã xuống cấp khá nặng. Thỉnh thoảng, có mấy ổ gà sâu trên mặt đường tráng nhựa, vài chỗ bị sụp lún xuống, tạo nên nhiều đường nứt, chỗ dài, chỗ ngắn, báo hiệu tình trạng hư hại nặng nề tiếp theo nếu không kịp thời tu bổ. 
Sở dĩ con đường này bị sụp, một phần vì ở đây là vùng đất ruộng, được ủi lên để đắp làm móng làm đường, nên chân không chắc chắn như vùng đồi núi. Hơn nữa, trong thời chiến tranh, các loại xe tăng và xe có dây xích sắt chạy tự do trên lộ đã cày tróc nhựa trên mặt đường tại khá nhiều nơi. Theo tôi nhớ, từ ngày công binh Mỹ làm đường tới nay quảng 6 hay 7 năm rồi, nhưng chưa có lần nào con đường được tu bổ hoặc có dấu hiệu là sẽ được tu bổ. 
Đoạn đường 150 cây số từ Sài Gòn tới Vĩnh Long có ba địa điểm đáng chú ý mà không một hành khách nào không biết qua, đó là cầu Bến Lức, cầu Long An và bắc Mỹ Thuận, và từ đó, có các tiếng “kẹt cầu” và “kẹt bắc”. 
Việc kẹt bắc thì khỏi phải nói, vì đây là con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long, xe cộ và người đi lại lúc nào cũng tấp nập, nên hệ thống bắc đưa xe qua con sông rất rộng là Mỹ Thuận, luôn luôn là một vấn đề nan giải và đầy trở ngại. Ngoài bắc Mỹ Thuận ra, còn những bắc khác sau khi qua khỏi tỉnh Vĩnh Long, như bắc Cần Thơ đi Cần Thơ, bắc Vàm Cống để qua các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và bắc Cao Lãnh đi từ Sa Đéc qua Kiến Phong. 
Riêng hai chữ “kẹt cầu”, có từ thời hai cây cầu sắt do người Pháp xây là cầu Bến Lức và cầu Long An. Hai cây cầu này có lối kiến trúc giống nhau, nhưng cầu Bến Lức dài hơn cầu Long An khá nhiều. Thời đó, cầu hẹp và yếu nên chỉ cho xe chạy một chiều. Vì xe bên nầy chạy thì bên kia phải dừng lại chờ, nên có tình trạng kẹt cầu. Kẹt cầu và kẹt bắc có nhiều bất tiện cho hành khách, nhưng lại có lợi cho nhiều người dân trong vùng, nhờ đó, họ có thể bán thức ăn, hoa quả... Những người ăn xin cũng kiếm sống được nhờ tình trạng ứ đọng giao thông này. 
Riêng ở hai bên bờ của bắc Mỹ Thuận, cách Vĩnh Long 9 cây số, hàng quán rất sầm uất và nhiều người tới đây lập làng, làm ăn phát đạt, có người trở nên giàu có nhờ vào tình trạng kẹt bắc ở đó. Đây cũng là một triết lý về sự “tương đối” của cuộc đời, cái bất tiện của người này lại là cái may cho người khác! Cảnh kẹt cầu ở Long An và Bến Lức cũng giúp cho một số người buôn bán và ăn xin, nhưng không phát đạt lắm vì xe kẹt không lâu, chừng nửa tiếng là cùng, nên chỉ kịp buôn bán thổ sản gọn nhẹ như khóm, mận, hoặc thức ăn đơn giản như bánh mì thịt, cơm dĩa, nem chua...

Chuyện một chiếc cầu 


Vì lượng lưu thông quá lớn của xe cộ, hàng hóa và người trên Quốc lộ 4 này, nên mỗi khi gặp trở ngại lưu thông thì đúng là một thứ tai họa như thời gian cầu Bến Lức bị Việt cộng giật mìn phá sập. Tôi không nhớ rõ vào năm nào, nhưng phải là trước năm 1970, vì lúc bấy giờ tôi đang học tại Đại chủng viện Sài Gòn. Trong những lần về quê, tôi phải đi qua đây và có dịp chứng kiến “tai họa” này của dân chúng đi đường. Lúc bình thường, khi cây cầu sắt dài nhất trên Quốc lộ 4 này còn đứng vững, đã có tình trạng kẹt cầu rồi, nói chi lúc nó bị giật sập xuống! 
Cầu Bến Lức đứng vững để làm chức năng phục vụ xe cộ và hành khách có lẽ đã gần trăm năm qua. Hình ảnh chiếc cầu sắt có lối kiến trúc chằng chịt và có hai móng cao thật hùng vĩ, từ xa người ta đã nhìn thấy hình ảnh oai hùng của nó vươn trên bầu trời xanh. Nhưng sau khi bị Việt cộng giật sập mất một nhịp ở đoạn giữa, từ xa nhìn tới, thấy cây cầu trở nên rất thảm hại!

Ngày trước nó đẹp đẽ bao nhiêu thì lúc này trông nó xấu xa, kỳ dị giống như hàm răng sún của một người khổng lồ đang nhe ra, mất đi hai chiếc răng cửa! Nhưng tôi không có ý bàn về thẩm mỹ ở đây, tôi muốn nói chuyện khác, chuyện về cảnh khốn nạn mà đồng bào tôi phải gánh chịu do hâu quả gây ra bởi cây cầu Bến Lức bị Việt cộng giật sập lúc đó. 

Sau khi một bàn tay xương xẩu, có các móng tay dài bên trong đầy đất cát như những cái đầu người nhỏ tí đang đội nón đen đó, ấn nhẹ cái chốt. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ một nơi cách đó khá xa. Tiếng nổ này là kết quả của bao nhiêu chất xám của những cái đầu cái đầu tuy nhỏ nhưng tinh ranh, đã mày mò nghiên cứu trong một thời gian khá lâu. Tiếng nổ ấy đã gây ra hai hậu quả rất thảm hại. Tác hại thứ nhất và trước mắt về phần vật chất, là một nhịp của cây cầu sắt rơi xuống, chìm sâu dưới đáy sông Bến Lức nước đang chảy thật siết. 
Tác hại thứ hai, về con người, tuy lúc nổ chỉ thiệt hại vài nhân mạng một số nhỏ những người lính canh cầu, nhưng tiếng nổ đó đã gây ra một vết thương quá lớn trong đời sống của đồng bào, nhất là những đồng bào ở miền Tây. Từ sau tiếng nổ của Việt cộng phá cầu đó, cuộc sống người dân trong vùng và sinh hoạt của họ cũng giống như những “tiếng nổ phụ” tiếp liền theo.

Cảnh tượng cầu Bến Lức sau đó, giống như cảnh một đám tang vĩ đại kéo dài hàng tháng trời. Ngày nào cũng có hàng mấy trăm chiếc xe đủ loại cùng với hàng chục ngàn người đứng lố nhố ở hai bên bờ sông như đưa đám tang chiếc cầu chôn xuống lòng sông sâu nước chảy. Cái khác ở đây là những người đưa đám ma này, không mặc đồ đen và âm thầm cúi đầu cầu kinh như thường thấy ở các đám tang khác. 

Ngược lại, đám đông hàng chục ngàn người này lại ăn mặc đủ loại màu sắc, tay xách nách mang, bồng con, bế cháu và di chuyển không ngừng! Họ không yên lặng như các đám tang khác mà ồn ào, náo nhiệt như cảnh chợ trời. Tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng trẻ con kêu khóc, tiếng gà vịt kêu cạp cạp từ các giỏ đan sơ sài bằng những thanh tre họ mang trên vai, cộng với những tiếng kêu trời xen vào với loại ngôn ngữ họ dùng để bày tỏ sự bực tức những kẻ phá hoại chiếc cầu. Những ngôn ngữ đó, tôi nghĩ là tốt hơn không nên ghi lại ở đây! 
Một lần nọ, tôi qua Bến Lức trong một cơn mưa lớn. Nước mưa làm cho con đường dẫn tới bờ sông trở nên bùn sình, ngập lên tới mắt cá chân. Có vài chiếc xe chở khách đang trở đầu bị lún bánh, cố rướn lên làm bùn non bắn tung tóe vào đoàn người rất đông đang tấp nập đi về hướng bờ sông. Dọc hai bên bờ sông Bến Lức nước đang chảy xiết, cây cỏ đã bị giẫm nát, lẩn vào với bùn sình lầy lội. Người ta chen lấn nhau, tranh giành nhau để leo lên những chiếc xuồng máy của dân chúng đang chờ sẵn để đưa qua bờ bên kia với giá cắt cổ. Cảnh tượng này trông như một đoàn quân chiến bại đang cố chen lên những chiếc thuyền để chạy ra biển thoát thân. 
(CÒN TIẾP)
TÔI PHẢI SỐNG (16)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Tuổi thơ thời chiến

Trong cảnh nhốn nháo đó, tôi chợt nghe tiếng khóc thét của một em bé gái chừng 5,6 tuổi, đang ngồi bệt xuống trên một vũng bùn của con đường mòn còn cách bờ sông một quãng khá xa. Tôi không biết em bé đó mặc đồ gì, chỉ biết là em bị ướt như con chuột lội nước và bùn đất bám đầy từ đầu tới chân em, chỉ chừa ra hai con mắt cũng đang ướt đẫm. Em bé khóc thất thanh trong lúc người đàn bà còn trẻ mà tôi biết là mẹ em cũng mình ướt như chuột lột, trên tay đang bế một đứa bé trai chừng hai tuổi cũng đang khóc thét, một tay bà mẹ kéo cô bé đứng dậy đi. 

Nhưng có lẽ em không còn sức để bước đi nữa, nên đánh liều ngồi bệt xuống bùn rồi muốn ra sao thì ra. Người đàn bà trẻ kéo con lên không được nên bực mình, cúi người đặt cái giỏ sách trên vai xuống mặt đất bùn sình. Trong giỏ có hai con vịt đang ló đầu ra cũng đang kêu thất thanh cạp... cạp... cạp... Người mẹ giận tát em bé gái đang ngồi bệt trong bùn một tát tai và giật mạnh cánh tay bé xíu của em bắt đứng dậy đi! 
Cô bé bị đòn càng khóc tợn hơn và nhất định ngồi lỳ không chịu đứng lên, làm người mẹ càng tức thêm, nên giật tay cô bé rất mạnh làm tôi tưởng cánh tay nhỏ xíu đó sẽ bị sứt ra và rời khỏi thân hình dính đầy bùn đất của em. Bên cạnh đó, đoàn người vẫn bước đi một cách vội vã hướng về bờ sông dưới cơn mưa tầm tã.

Tôi đang dẫn xe gắn máy đi lẫn lộn trong đoàn người. Nhờ có khoác áo mưa nên người tôi không bị ướt, nhưng nước mưa táp vào mặt làm mờ cả đôi kính và thỉnh thoảng tôi phải gỡ ra lau vào lần áo khô bên trong. Nhìn cảnh bé gái đang giằng co với mẹ, tự nhiên tôi thương em. Tôi biết là không phải em không muốn đi, nhưng vì đường sá lầy lội, mưa to quá và em đã bị té nhiều lần, nên không còn sức để bước nữa. Càng bị mẹ đánh và kéo lên, em càng bày tỏ sự phản kháng mãnh liệt và quyết tâm ngồi lỳ xuống đất đầy bùn sình như một vũng trâu nằm. 

Theo hành động của trực giác, tôi vội chống chân xe xuống bên vệ đường, chỗ có đất cứng, và bước tới bên hai mẹ con cô bé lúc này đang giằng co nhau dữ dội, không ai chịu thua ai. Tôi vừa đi vừa lần cởi nút áo mưa trên cùng, để lộ chiếc cổ áo trắng của y phục giáo sĩ tôi đang mặc. Tôi bước tới, chuẩn bị cúi xuống bồng em bé lên, vừa nói với bà mẹ: 
- Chắc là cháu mệt lắm, để tôi giúp chị một tay lo cho cháu. 
Người đàn bà trẻ, mặt đầy nước nôi, tóc trết lại từng lọn nhỏ, bùn văng lấp tới đầu gối, chợt nhìn tôi, mở to mắt ngạc nhiên không nói gì. Tôi hiểu chị đang lo lắng, nên nói tiếp: 
- Chị đừng lo, tôi là một Linh mục, thấy chị quá bận rộn với hai cháu bé nên tôi muốn giúp chị một tay. 
Nghe tôi tự giới thiệu là một Linh mục, chị bèn nhìn vào cổ áo tôi cố ý để hở. Nét mặt chị dịu lại sau cái nhìn đó, chị bày tỏ sự yên tâm qua câu nói: 
- Con cám ơn cha! Cháu bé bước đi không nổi cha ạ! 
Tôi vừa bồng cô bé lên, vừa nói lời trấn an: 
- Nín đi con, đừng khóc nữa, chú giúp cho con. 
Lúc đầu, cô bé tỏ vẻ sợ người lạ, nhưng nhìn thái độ của mẹ đang đứng kế bên, cô bé yên tâm để cho tôi bế lên. Tôi ôm lấy thân hình đầy bùn đất và đang run bần bật của cô bé. Tôi cố ý ôm sát vào lòng cho cháu đỡ lạnh và bước lại chiếc xe Honda đang dựng gần bên, trước cặp mắt quan sát chăm chú của người mẹ. 
Tôi đặt em ngồi trên bình xăng xe, bảo em nắm thật chặt tay lái xe kẻo ngã và tôi quàng tay qua bên kia, giữ em ngồi yên, rồi hạ chân xe xuống, dẫn đi bên cạnh người mẹ trẻ đang ẵm bé trai và đeo cái giỏ có hai con vịt đang kêu cạp cạp. Tôi không biết mấy tiếng kêu này của loài vật có bày tỏ sự bất mãn nào như tiếng rủa sả của loài người trước cảnh khổ cực này hay không! 
Cô bé lúc này đã nín khóc, nhưng mặt em nước vẫn chảy dài, cả nước mưa lẫn nước mắt, tự nhiên tôi thương cô bé hết sức, thương cho số phận trẻ thơ sinh ra trong thời chiến. Chừng ấy tuổi đầu đã nếm mùi gian khổ của người dân trong đất nước đang có những người lớn gầm gừ chực giết nhau và tìm hết mọi cách để làm khổ nhau. Có lẽ em cũng cảm thấy yên tâm khi có linh cảm là tôi không làm gì hại em, nhưng giúp em vượt qua được quãng đường lầy lội dẫn xuống bờ sông. Quãng đường này, đối với người lớn đã là dài và khó khăn, nói gì tới đôi chân bé nhỏ của em bé 6 tuổi, nhất là giữa cơn mưa tầm tã như thế này. 
Tôi chợt mỉm cười, nhớ lại lúc nãy, người đàn bà trẻ gọi tôi bằng tiếng “cha“, thực ra tôi chưa phải là Linh mục, tôi còn đang là một chủng sinh và phải một hoặc hai năm nữa, tôi mới có thể thụ phong Linh mục, nhưng chủng sinh đại chủng viện và Linh mục cùng có sắc phục như nhau, nên khi tôi tự giới thiệu là Linh mục, chị ta gọi tôi là cha. Tôi nghĩ cũng chẳng cần phải đính chánh làm gì trong hoàn cảnh này. Thì giờ đâu mà đứng đó giải thích thế nào là một chủng sinh Đại chủng viện, thế nào là một Linh mục và họ khác nhau ra sao! Điều cần nhất là chị tin tưởng để tôi có thể giúp chị và cháu bé là được rồi. 
Vừa đun xe, tôi vừa cúi xuống sát bên tai cô bé hỏi: 
- Con có lạnh không? 
Cô bé quay lên nhìn tôi bằng đôi mắt thiên thần, không trả lời, nhưng gật đầu khá sâu. 
Không hiểu tại sao, cái gật đầu của em làm nước mắt tôi tự nhiên tràn ra hòa lẫn với nước mưa chảy dài xuống ngực. Tôi để cho hai dòng nước mắt rơi tự nhiên và cúi đầu yên lặng đun xe trong lúc một em bé xa lạ đang ngồi trên bình xăng, thân hình bé nhỏ đầy bùn đất của em đang run nhẹ trong vòng tay che chở của tôi. Người mẹ trẻ bước đi kế bên tôi một cách vất vả với đứa bé trên tay và cái giỏ có 2 con vịt trên vai. Thỉnh thoảng chị xốc nách lại đứa con trai ẵm trên tay. 
Cháu bé lúc này đã hết khóc và cả hai con vịt cũng không còn kêu nữa. Có lẽ lúc nãy, em bé trên tay và hai con vịt cũng lên tiếng phụ họa với cô bé ngồi trên bùn, bây giờ cô nín thì phía kia cũng yên, một phần chắc cũng nhờ cơn mưa lúc này đã nhẹ hạt dần. 
Xuống tới bờ sông, vì chiếc ghe nhỏ đã có sẵn mấy người, chỉ có thể chở thêm vài người nữa, không còn chỗ cho xe gắn máy của tôi. Tôi dựng xe xuống để đưa em bé lên thuyền máy với mẹ em. Nhưng đất mềm quá không dựng chân xe được. Sau một vài lần không dựng được xe, tôi phải nhờ một người đàn ông giữ xe giùm, rồi ẵm cháu gái xuống ghe đặt ngồi bên mẹ em. Người đàn bà nở nụ cười thật ươi: “Con cám ơn cha! Tôi không đáp lại và cũng không đính chánh. Tôi đưa tay vuốt tóc cô bé và nói: “Con đi cho ngoan, đừng khóc nữa”. Vừa nói tôi vừa lùi trở lên bờ trong khi cô bé nhìn tôi, gật đầu, giống như lúc nãy khi tôi hỏi em “con có lạnh không?” 
Khi chiếc ghe có gắn máy đuôi tôm tách ra khỏi bờ sông, người đàn và em bé gái vẫy tay chào tôi và chị cũng cầm tay cháu bé trai đưa lên vẫy theo trong tay chị. Tự nhiên, tôi cảm thấy một chút mất mát khi phải chia tay với những con người xa lạ này. Tôi đứng tần ngần trên bờ, đợi chuyến sau và nhớ lời chị nói:“ con cám ơn cha.” Thực ra, tôi phải cám ơn chị và cháu bé mới đúng vì cuộc gặp gỡ bất ngờ này cho tôi hiểu rõ hơn về hoàn cảnh đồng bào tôi trong thời chiến tranh và nhờ đó, tôi thương cho số phận đồng bào tôi nhiều hơn. 
Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại người đàn bà và hai em bé đó nữa. Thực ra, cho dù có gặp lại, chúng tôi cũng chẳng nhận ra nhau vì trong lần gặp nhau ở cầu Bến Lức đó, đâu có ai nhận rõ được gương mặt của ai! Riêng hai cháu bé lúc đó còn quá nhỏ và cô chị thì lại bùn đất bám đầy người, lại càng khó nhận ra hơn. 
Ngồi trên xe gắn máy chạy ngon trớn, vừa suy nghĩ miên man, không mấy chốc tôi đã gần tới bắc Mỹ Thuận, cửa ngỏ vào tỉnh Vĩnh Long. Tôi nhớ lại, con đường này trước khi người Mỹ tới Việt Nam là con đường nhỏ, hai bên toàn là cây cỏ và có nhiều đoạn dài không trải nhựa. Dù vậy, lúc đó nó cũng là “xa lộ công danh”, vì dưới thời ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, có biết bao nhiêu ông bà, tai to, mặt lớn, đã theo con đường này đổ dồn về Vĩnh Long để “chầu” Giám mục Ngô Đình Thục và cả vị Linh mục trẻ, rất uy quyền, là Nguyễn Văn Tự, làm Giám Đốc Trung Tâm Nhân Vị lúc bấy giờ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét