Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

HỒI KÝ XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG-SƠN CỦA XUÂN VŨ - KỲ 3

1      2       3       4      5      6      Kỳ Cuối

- 9 -
Sáng hôm sau, mở mắt ra tôi bàng hoàng, tâm tư quay cuồng hồi lâu tôi mới lấy lại sự bình thường.
Một cái tin không vui đến ngay với chúng tôi trong buổi sáng đó. Kẹt đường ! Kẹt đường nghĩa là cuộc hành trình không tiếp tục được nữa. Đó là một đại họa.
Hôm qua khi tới đây thì tôi tưởng chỉ leo heo có mấy đứa sứt tay gãy gọng của chúng tôi chẳng ngờ sáng nay tôi thấy dầy đặc trong rừng nhung nhúc những người là người.
Có lẽ những chuyến trước tới đây rồi cũng nằm ỳ tại đây chớ không đi vô được nữa cho nên người mới đông đúc đến thế.
Tấn lân la đến chỗ chúng tôi chơi. Tôi bèn hỏi chuyện kẹt đường thử xem ra sao. Bởi vì chúng tôi đã từng bị kẹt nhiều lần rồi, kẹt vì mưa suối to, vì biệt kích. Không rõ lần này kẹt vì lý do gì.
Tấn nói:
- Kỳ này chắc nguy hiểm lắm. Vì nó nhảy dù xuống Bùi Gia Mập đến mười ngàn quân và nằm giăng ngang một tuyến dày đặc chặn ngang đường mình đi. Thế mới chết.
- Cha chả ! Chắc kế hoạch mình bị lộ quá !
Tấn nói:
- Vừa rồi có một đội tiền tiêu của một trung đoàn bị biệt kích Úc giết hết phân nửa. Trong đó có cả một ông trung đoàn phó, ông này bị mất tích. Ông ta mang cả kế hoạch và tiền ăn của đơn vị. Thế mới nguy. Có lẽ nó nhặt được tài liệu cho nên hôm sau đồ quân xuống ngay ở vùng này.
- Thế thì làm sao ? Tôi hỏi với sự sốt ruột lộ hẳn ra ngoài.
- Ai biết làm sao !
Tòi hỏi tiếp:
- Hồi đó tới giờ có khi nào đoàn bị nghẽn đường rồi trở ra không cậu ?
- Trở ra thì chưa thấy, nhưng thỉnh thoảng có một đoàn bị nghẽn nằm lại cả tháng trời không nhích được vào một bước.
- Thế làm sao ?
- Làm sao ai biết làm sao ?
Trời ơi, nếu phải nằm như vầy thì chết còn sướng hơn.
- Sao vậy, nằm nghỉ dưỡng sức chứ!
- Dường với cái gì hở cậu ; Với nấm độcc và vắt muỗi à ? Muối hết rồi. Lấy gì tẩm gân ?
- Sao anh hết sớm vậy ? Người ta phát cho ăn ba tháng mà.
- Đáng lý ra thì chưa hết, nhưng vì ngâm mình dưới suối đó nước vô, chảy trôi hết. Tôi còn giữ lại một ít trong hộp lon kia.
- Cha chả ! Tai hại quá !
- Ở trạm này có phát muối không ?
- Có. Nhưng không biết có hay không ?
- “Có nhưng không biết có hay không” là sao ?
- Nghĩa là đúng lý thì đến trạm này các anh được lãnh gạo và muối. Có cả khô, mỡ và đường nữa.
- Trời đất, ngon vậy à ?
Tấn cười:
- Nhưng đó chỉ là “trên nguyên tắc” thôi ? Còn thực tế là một chuyện khác. Có khi nguyên tắc và thực tế chỏi ngược nhau !
Năm Cà Dom xách cái bi đông sang, ngồi cùng với chúng tôi và nói:
- Uống bậy miếng trà chơi cho ấm bụng… khà khà… khà, văn sĩ còn nhớ hai câu đối rất phổ biến ở ngoài Bắc không ?
- Đối Tết hay đối gì ?
- Đối dán ở câu lạc bộ ấy mà !
- Nhiều quá biết câu nào mà nhớ !
- Tôi muốn nói hai câu này: “Sáng sáng trụn lòng trà giả tạo, chiều chiều súc miệng rượu khoai lang !” Nhớ chưa nào ?
- Tôi còn nhớ mang máng thôi !
- Anh viết văn mà anh không nhớ câu đó à ? Vậy thì chết một cửa tứ rồi!
Năm lấy mấy cái nắp gà mèn rót trà ra và mời mọi người.
Tấn hỏi:
- Nhưng tôi thắc mắc quá !
- Thắc mắc gì ? Sáng trong rừng được một bình trà vậy mà còn bất mãn cái nỗi gì nữa chớ.
Tấn nâng cái nắp gà mèn trà lên và hỏi:
- Trà giả tạo là trà gì 1 Có phải trà này không ?
Năm hớp một ngụm và xua xua tay:
- Không ! Không đâu. Trà này là trà Chính Xuân chánh hiệu con nai chà. Trà ngon nhất miền Bắc đấy.
- Vậy trà giả tạo là trà gì ?
- Là trà không đúng là trà. . . nhưng đó là tôi nói chuyện uống trà hồi thời 1957-58-59 kìa.
Tôi biết Năm Cà Dom sắp nói chuyện linh tinh, nên tôi nhìn Năm và nháy mắt. Năm cũng nhận thấy cái nháy mắt của tôi nhưng Năm vẫn vui vẻ kể tiếp sau khi hớp cạn cái nắp gà mèn.
- Trà giả tạo là xác trà ướp nước cau khô !
- Hả, cái gì ? Tấn nhìn Năm Cà Dom, rất đỗi ngạc nhiên.
- Thì nó vậy thật đó, chớ hả hừ cái gì ?
Tấn hỏi:
- Nhưng tại sao như vậy chớ ?
- Thì không có đủ trà uống, phải làm cái kiểu đó chớ sao ?
- Vậy sao bảo ngoài Bắc sướng lắm. Không thiếu món gì ?
- Ai bảo?
Tấn lúng túng không biết là ai đã bảo Tấn như thế. Sự thực thì có ai bảo như vậy đâu. Nhất là những người từ miền Bắc về thì họ không bao giờ nói như thế!
Vậy đó chỉ là do tư tưởng tượng của Tấn mà thôi. Và đó là kết quả của sự tuyền truyền của đài Hà Nội.
Năm Cà Dom say sưa nói tiếp:
- Sở dĩ tôi biết cái trà này là do một sự tình cờ. Một hôm tôi vào một quán trà ở Hà Nội, tôi cùng một thằng bạn kêu một bình trà ba hào. Hủ ki đem ra cho tôi một gói trà, một bộ bình và chung, và một “phích” nước sôi.
- Phích là cái gì?
-Trời đất, cái phích mà cậu không biết là cái gì sao?
- Ai mà biết!
- Là cái bình đựng nước nóng hoài không nguội hiểu chưa ?
- À, cái bình “thỉ”!
- Bình thủy chớ bình thỉ gì !
- Sửa lưng tôi hả cha nội ! Cha đi khỏi xứ mười mấy năm bây giờ trở về nói tiếng gì đâu đâu mà còn sửa mũi mấn người ở lại bám gốc cây vườn nhà ?
- Cậu nói tôi mới nhớ ra rồi. Đúng là cái bình thủy. Đó mới đúng là tiếng nói của xứ mình. Ra Bắc, không hiểu tôi đã xài cái tiếng đó từ lúc nào, tôi cũng không hiểu nữa. Mà chính tôi không hiểu cái tiếng “phích” là cái nghĩa quái gì ? Năm Cà Dom tiếp: Đúng ra thì người ta kêu là cái “phuých”.
- Nhưng “phuých” thì nghĩa gì ?
- Tôi cũng không rõ nghĩa gì. Có khi ông nhà văn này giải đápđược cho chúng ta.
Tôi lắc đầu:
- Tôi cũng chịu thôi ? Có những tiếng mình xài mãi rồi thành thói quen theo ước lệ chớ không chính xác nữa. Ví dụ như tiếng “kẻng”. Anh đó ăn diện “kẻng” lắm. Kẻng nghĩa là gì ?
Năm Cà Dom nói:
- Đúng lắm ? Có những chữ mình dùng sai mà mình không biết. Nhưng cứ tạm cho cái “phích” của miền Bắc là cái bình thủy của miền Nam đi ! Cũng như ở ngoài Bắc mà kêu “cái ghe” là không có được đấy !
- Sụyt!
Tôi lại nháy Năm ý bảo có Thu ngồi bên cạnh. Năm Cà Dom trở lại câu chuyện vô quán trà:
- Được phục vụ đầy đủ rồi, tôi bèn cầm gói trà lên ngửi ngửi ! Ngửi khá mạnh, nhưng không thấy mùi hương chi cả. Đến chừng rót ra chung, nước đen xậm mà không bốc lên một tí hương trà. Thằng bạn tôi kêu lên ngay:
“Nước cau khô, nước cau khô!”
“Thật à?”
“Xem đó thì biết.”
Nếu gặp ông văn sĩ thì ổng có thể làm một bài phóng sự được, còn tôi thì chỉ kể tắt như thế này là sau khi xác trà đã phơi khô thì họ đem tẩm bằng nước cau khô, đem phơi, lại đem tẩm, rồi lại đem phơi vài lần nữa. Thế cũng chưa xong, họ bỏ lên chảo rang cho dòn rồi trút vào hộp trong đó có một ít trà nguyên chất và hoa nhài. Độ một hôm thì họ lại sớt ra, gói đem bán cho khách. Đó, đại khái là trà giả tạo.
Tôi lắc đầu:
- Tôi ớn ông bác sĩ Cà Dom quá !
- Ớn gì?
- Cái gì ông cũng biết mà toàn là những chuyện không ai biết .
- Ừ’ đúng toàn những chuyện của lớp hạ tàng cơ sở không thôi. Nghĩa là tui ăn no, uống đậm, đi chậm làm việc chẳng ra cái nước mã gì cả.
Tấn lại hỏi:
- Còn rượu khoai lang ?
- Cái đó thì rõ ràng như tôi nói đó. Nghĩa là rượu nấu bằng khoai lang uống nhức đầu bỏ mẹ!
Tấn lại tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Rượu nấu bằng khoai lang thì nấu làm sao kia chứ!
Năm chậm rãi rót trà và nói tiếp:
- Nhưng nấu với khoai lang hãy còn khá lắm ! Người ta nấu với cùi bắp kìa.
Tấn kêu lên:
- Nấu với bắp hả.
Năm Cà Dom gầm lên:
- Khờ… ông ! Nấu với cùi bắp, cùi bắp, cậu nghe chưa ?
- Thế à?
- Chớ sao !
- Cùi bắp mà nấu rượu là nấu làm sao ?
- Làm sao ai biết làm sao ?
- Uống có bổ khỏe gì, cái thứ rượu nấu bằng cùi bắp ?
- Dẫu có bề nào cũng chẳng làm chi. Làm chi cũng chằng làm chi. Dẫu có bề gì cũng chẳng làm sao !
Năm Có Dom nói xong, nhướng nhướng mắt nhìn mọi người. Cái bi đông trà của Năm Cà Dom trở nên đậm đà nhờ câu chuyện của chủ nó.
Tôi ngồi uống trà mà nghe chuyện rượu khoai lang của Năm Cà Dom bỗng nhiên tôi thấy thèm rượu, thèm một cách đột biến và gay gắt vô cùng.
Năm Cà Dom vẫn chưa buông tha cái tiết mục uống trà của anh. Năm Cà Dom nói:
- Cái nghệ thuật uống trà kể cũng hay hay. Có nhiều lúc chính trị bị người ta cho xen vào cái chuyện vui thú riêng tư ấy.
Ông Chín thấy Năm nói chuyện rào rào, vừa có duyên lại vừa không ai bắt bẻ được, nhất là Năm lại nói những chuyện mà ông Chín cho rằng “mất lập trường”, ông Chín muốn rỉ tai hoặc sửa lưng anh ta một cái, nhưng lối nào cũng không tiện cả, bởi vì xem cái tính khí của thằng cha bác sĩ này, nói là nói làm là làm không ai can được, cho nên ông già đành ngồi nghe cũng gật gù như cũng hưởng ứng cùng với những người khác.
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Có một lần tôi đi xuống Hải Phòng, lại nhà một thằng bạn làm thuyền trưởng chơi. Nhằm ngày chủ nhật, cho nên bạn bè đến khá đông. Ở ngoài đó thì các bạn cũng biết rồi, thăng Nam Bộ ở chỗ nào cũng có bạn, hang cùng ngõ tận nào cũng tìm tới mà. Cùng dòng máu dễ tìm nhau. – Năm Cà Dom hớp chung trà rồi vui vẻ tiếp- Bữa sáng nào cũng uống trà nhưng trà khá cái là không phải uống trà cau khô, mà trà thật nhờ có thằng mua chợ đen ở đâu đó được một nhúm.
Ông Chín gầm lên:
- Đồng chí nói láo bỏ hết sách vở. Ngoài Bắc có xưởng chè Phú Thọ, có cả trăm ngàn mẫu chè, uống không hết đem bán ra nước ngoài, làm gì có trà cau khô với trà chợ đen ? Mình là cán bộ, ăn phải coi nồi, ngồi phải coi hướng , trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần. Đồng chí có làm như vậy không ? Có uốn lưới trước không ?
Năm Cà Dom cười. Tuy hơi quạu . nhưng Năm cố nén cơn giận xuống.
Năm Cà Dom nói:
- Dạ vâng, cháu biết rõ là mình có nhà máy chè Phú Thọ, có những đồi chè Phú Thọ rộng bạt ngàn… nhưng …
Ông Chín được thế cắt ngang:
- Đồng chí biết vậy mà còn ăn nói vậy thì thiệt là không biết uốn lưỡi trước khi nói.
Năm Cà Dom thấy ông già khăng khăng bắt “phốt” mình, nhưng chỉ trong một cuộc giao tranh luận về “phạm trù” lần ở ven suối Năm cũng đoán được cái tính của ông già, nên Năm vẫn vui vẻ:
- Thưa cụ cháu nói không cần đánh lưỡi, nhưng cháu nói cái gì cũng có cân tiểu ly cân đo cả, cháu là thầy thuốc mà, một chữ sai, một mi li khối sai cũng đủ giết người rồi, huống chi cả cái nhà máy mà cháu không biết.
- Tôi không nói với đám các anh nữa, các anh toàn kiếm chuyện không hay. . . Lập trường của các đồng chí để ở đâu kia chứ ?
- Ơ hay, ông Chín nói vậy, thì chuyện trà cau khô là chuyện không nên nói ra à? Vậy để cho cái bọn con buôn đó lột da mình à? Lấp trường của tôi ở chỗ là không để cho nó cho mình uống nước cau khô mà móc túi lấy giấy bạc cụ Hồ một cách ngang nhiên!
- Thôi tôi không nói với đồng chí nữa !
- Thì thôi. Tôi nói một mình tôi. Rồi Năm Cà Dom thản nhiên kể tiếp. Buổi sáng hôm đó, có bình trà ngon uống thiệt là đã vô cùng Vi lâu lâu mới có trà thiệt. Đang uống thì bỗng có một anh ba xạo tới. Anh ta không thân, nhưng nghe hơi trà thì xông vào chắt hết nước cốt uống rồi khen trà ngon nhưng lại bảo “trà mua chợ đen phạm chánh sách”. Mẹ nó cái thằng vô duyên quá. Trà của người ta nhảy vô uống càn mà lại còn lên lớp người ta. Mấy cái thằng như vậy, không nhiều chớ phải lúc nhúc như giòi thì mình sống sao nổi. Đó là cái chuyện uống trà hồi thuở 1956, hồi cái xưởng chè Phú Thọ hãy còn nằm trong kế hoạch của Bộ Công nghiệp. Hồi đó khác bây giờ ông Chín ạ ! Cháu nói chuyện gì cũng có dẫn chứng cụ thể.
Năm Cà Dom lại tiếp:
- Nhưng bây giờ lại có chuyện bây giờ.
Ông Chín thấy như khỏe nhẹ vì Năm Cà Dom đã kể dứt chuyện uống trà, nhưng ông lại tức giận cho cái thằng cha bác sĩ Cà Dom này, không biết chuyện ở đâu mà nó cứ lôi ra lằng nhẳng như thế, ông Chín hỏi:
- Chuyện bây giờ là chuyện gì chớ ?
- Đâu có chuyện gì đâu ông Chín.
- Ờ đâu có chuyện gì đâu mà nói. -ông Chín tằng hắng một cách sảng khoái rồi tiếp – Bây giờ thì nhà máy chè của mình sản xuất đều đều. Trà của mình ngon nhất thế giới rồi phải không các đồng chí ? Mỗi cán bộ hàng tháng được mua hai người một gói.
Năm Cà Dom xen vô:
- Đó là cán bộ lèm nhèm. Còn cán bộ khá khá mỗi người ít nhất được một gói chứ ông Chín. Riêng các anh lớn thì tha hồ mua. . .
Ông Chín lại tỏ vẻ bất bình.
- Lại móc lò hả?
- Đúng thật chứ. Ai ở miền Bắc mà không công nhận như vậy Chính tôi đây tháng nào cũng chạy sấp chạy ngửa năn nỉ người này người nọ để xin phiếu mua trà. Tôi ghiền thuốc lẫn ghiền trà. Đó là hai nỗi khổ của tôi mà. Sao tôi quên được. Trà tiêu chuẩn của tôi chỉ uống được sáu ấm. Đó là gói trà Chính Xuân phân ra thật đều. Uống nhín nhín thì được một ngày. . . Mẹ kiếp cái trà Tàu thiệt là gây cho mình nhiều khốn khổ.
- Ấy đã đồng chí lại mất lập trường nữa. Đồng chf thiệt lôi thôi quá ! Đồng chí không có học lớp chánh trị nào sao đồng chí.
- Không!
-Ít ra trước khi về Nam đồng chí cũng phải học một lớp ba tháng chớ. Có lý nào không ngơ.
- Có học nhưng tôi thích vác gạch đi bộ hơn là vô lớp ngồi như tượng gỗ. Vô ngồi mà bụng tưởng đâu đâu ! Nghe lỗ bên này qua lỗ bên kia ráo trơn.
- Vì thế đồng chí mới dễ mất lập trường !
- Mất gì đâu ông Chín!
- Trà Tàu ! Đồng chí nói là trà Tàu. Tiếng Tàu là cái tiếng của thời đế quốc nô lệ để lại cho mình. Nó là dấu vết của sự bất bình đẳng và mất đoàn kết.
Năm Cà Dom cười khè khè. Có lẽ Năm Cà Dom cũng biết lão già này quá gàn. Còn tôi thì tôi càng nực cười. Lúc nào cũng lắng tai nghe chung quanh xem có ai nói cái gì “mất lập trường” không ? Giống in như ông ta là cân tiểu ly chỉ để dùng trong cái việc độc nhất ấy vậy Cho nên tôi cứ để cho ông phân tích cái tiếng “trà’Tàu” nghe chơi.
Năm Cà Dom hỏi: .
- Theo ông thì ông nói là trà gì nào ?
- Tất nhiên là trà Trung Quốc.
- Vậy nếu trà đó sản xuất ở Đài Loan thì gọi là trà gì ?
Ông già hơi bí, nhưng lại tìm cách giải đáp:
- Đại khái là trà Quốc dân đảng.
- Vậy thì phải gọi trà Trung Quốc là trà Cộng sản mới cân xứng và rõ nghĩa hơn. Năm Cà Dom vui vẻ nói tiếp. Theo tôi thì trà Tàu hay trà Anh Quốc, trà gì gì cũng không có lập trường ở bông trà. Cũng như uống trà không có lập trường gì cả. Uống trà là một thú vui thế thôi !
Ông Chín nói:
- Nhưng mà không thể gọi là trà Tàu được !
Năm Cà Dom cười:
- Cái đó tùy. Ai muốn gọi gì thì gọi, còn tôi thì cứ “trà Tàu” !
- Hừm ! Đâu có được ! Phải thống nhất ý chí chớ ! Đồng chí nói ngang như cua vậy mà nghe được à ?
Tôi không ngờ ở đây lại cũng có một người kiêng cái tiếng “Tàu”. Tôi đã từng dùng tiếng “Tàu” và cũng đã từng bị sửa lưng một cách ngon lành như thế nhưng khác trường hợp này là trên giấy trắng mực đen.
Số là hồi thuở đó tôi làm ở Bộ biên tập báo Văn Học, tuần báo của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Miền Bắc. Tôi có viết một bài, trong đó tôi có dùng hai tiếng “truyện Tàu“. Ông thư ký tòa soạn gạch đít và ngoéo ra ngoài lề sửa lại là “truyện cổ Trung Quốc” khi bản thảo sắp đưa đi nhà in, tôi trông thấy việc “sửa” văn đó. Tôi bèn lên gặp đồng chí thư ký tòa soạn. Ông bảo là chữ “Tàu” ở đây không ổn cho nên phải thay bằng chữ khác. Tôi nhận và cứ để in theo những chữ ngoài lề. Tôi nghĩ. Truyện Tàu là truyện Tàu chứ không phải là truyện cổ Trung Quốc. Vả lại Tàu và Trung Quốc là mấy thứ ? Chằng có lẽ “Tàu” là Đài Loan còn Trung Quốc là Trung Hoa lục địa. Hơn nữa, là một người cầm bút, tôi có sự suy nghĩ và có tình cảm của tôi khi tôi ngồi trước trang giấy. Cho nên khi tôi viết hai tiếng “truyện Tàu” là tôi nghĩ ngay đến những quyền truyện với những cái góc cuốn tròn, nhũng trang rách mướp và đẫm mồ hôi, với những hàng chứ lu mờ chỉ vừa đủ trông thấy và với những cái nẹp tre vàng thô kệch cũng cũ nát cặp ở lưng sách. Tôi nghĩ đền những cặp mắt kính yếu nom vào những dòng chứ kê sát bên chiếc đèn dầu hỏa mập mờ với giọng đọc ê a ngập ngừng, với những thính giả nằm im lắng nghe, hưởng ứng từng đoạn truyện với những tình tiết vui buồn mà khóc mà cười với nhân vật trong truyện. Tôi nghĩ đến ông tôi, đầu bạc phơ nằm lim dim trên bộ ván gõ lắng nghe đứa cháu đọc và đến một ..trang đã được đánh dấu trước thì sẽ đưa thưởng cho nó một đồng nửa xu. Tôi nghĩ tới tôi, cậu bé nằm sấp trên đầu ván đọc mà bụng ..nghĩ tới những cuộc vui chơi rộn rực ngoài kia của chúng bạn, vì thế cho nên hễ thấy ông có vẻ ngủ thì lập tức đọc nhảy trang để mau hoàn thành nghĩa vụ, lãnh thưởng và vọt đi chơi ngay. . .
Ấy đó khi tôi viết hai tiếng “truyện Tàu” thì tôi nghĩ đến bao nhiêu việc , bấy nhiêu người đó, và tình cảm của tôi quyện lấy ý nghĩ đó trộn vào máu tim tôi mà chảy xuống ngòi bút nên hai chữ đó. Và đó, nói theo trong nghề văn là sáng tạo. Mà trong văn học nghệ thuật thì sự sáng tạo lớn nhất là thuộc về cá nhân chứ không phải thuộc về tập thể. Ngay như tiếng “Nga” và “Liên Xô” cũng vậy.
Hay tiếng “Pháp“, “Tây“, “Lang Sa” cũng vậy nốt. Phải biết dùng nó cho đúng chỗ, chứ không nên lệ thuộc vào tình cảm chủ quan mà bắt người khác sửa theo mình.
Ấy vậy, mà cái anh thư ký tòa soạn vốn là một nhà thơ không làm đến ba câu thợ, đã ngang nhiên chữa văn của một người khác như một ông thầy lớp dự bị chữa lỗi “đích tê” cho cậu học trò đầu trọc .
Tôi không phản đối, nhưng tôi không chấp nhận. Đó là vấn đề. Và hôm nay gặp ông bác sĩ Năm Cà Dom người cũng bị “quy kết” như tôi cho nên tôi mới nói ra.
Mà quả thật, Năm Cà Dom cũng như tôi, anh ta không chịu thua ông già lập trường. Năm Cà Dom nói:
- Ông Chín ạ!
-Có tôi !
- Cháu hỏi thật ông Chín nhé !
- Cứ hỏi, tôi sẵn sàng đáp lại.
- Cháu xin hỏi ông Chín, là một năm ông Chín sửa lưng những người khác chừng độ mấy lần, như vừa sửa lưng tôi đây ?
Ông Chín không nổi cáu được mà vui vẻ.
- Có nhiều, sửa nhiều, có ít sửa ít.
- Nếu như người ta cãi lại ông thì ông làm sao ?
Ông Chín cười, cái cười tự tin rằng không ai cãi thắng mình, ông Chín nói:
- Thì đồng chí cứ cãi thử xem.
Năm Cà Dom đứng dậy và nói:
- Xin lỗi các đồng chí, tôi ra ngoài một chút.
Tôi thì thích thú vì thấy trận đấu sắp nổ ra vui vẻ, còn Thu thì càng thích thú hơn vì thấy rằng trên trận tuyến chống ông già gân, mình có thềm đồng minh tích cực (Thu đã cãi nhau với ông Chín nảy lửa cũng vì “lập trường“) .
Năm Cà Dom trở lại với điếu thuốc trên môi, trông gương mặt của Năm phấn chấn hằn lên.
Năm ngồi vào chỗ cũ và nói ngay:
- Đây, vấn đề của tôi, tức bác sĩ Năm Cà Dom nêu ra như thế này. Tôi đồng ý với ông Chín rằng Truyện Tàu phải sửa lại kêu bằng Truyện Cổ Trung Quốc như anh bạn đây vừa nêu. Và Trà Tàu cũng phải sửa lại là Trà Trung Quốc, ví dụ như Trung Quốc Kỳ Chưởng… Nhưng có những chỗ chữ Trung Quốc không thay được chữ Tàu, mà nếu cố gắn bừa chữ này vào chữ kia thì thành ra thất chánh trị !
- Ví dụ ! Ví dụ xem ! ông Chín thách thức.
Năm gạt nhẹ cái tàn thuốc vào cạnh hòn đá và nói:
- Ví dụ như ghẻ Tàu !
Mọi người ngả ngửa, nhảy dựng lên mà cười như ở dưới đít và ở trước ngực có gắn lò xo bị bấm nút bật tung ra, làm cho ông Chín như người bị tấn công bằng võ lực thật sự.
- Cái gì mà cười dữ vậy t Cứ đơn cử ví dụ xem sao nào
- Ví dụ như ghẻ Tàu  ghẻ Tàu chứ không thể kêu là ghẻ Cổ Trung Quốc được !
Ông Chín lúng túng, không biết quơ quào câu đáp ở đâu. Năm Cà Dom lại tiếp tục pha trò:
- Đứng về mặt y học mà nói thì ghẻ Tàu là một thứ ghẻ vô cùng lợi hại, rất nguy hiểm khè khè. . . trong các thứ ghẻ có vi trùng Sta phi lô cốc, gô nô cốc…, (Năm nếu hai ba thứ vi trùng “cốc, cốc” gì nữa tôi không nhớ hết) .
Một anh bạn nhạy miếng tiếp ứng ngay:
- Ba-xi-đờ-cốc!
- Không phải đâu. Năm Cà Dom tiếp. Đấy trong trường hợp đó mà thay cho “Tàu”bằng chứ “Trung quốc Cổ ” thì nguy hiểm vô cùng ông Chín nghĩ sao !
Ông Chín lắc đầu. Mồ hôi rịn ra ở từng nếp nhăn trên trán lão già lập trường.
Lão cố chống đỡ miễn cường:
- Tôi không biết y học, tôi chỉ biết cái tiếng “Tàu” là cái tiếng của thời nô lệ. Ở chế độ tốt đẹp của ta không thể để cho nó tồn tại được.
Tôi chen vào:
- Thế thì đem nó bỏ vào chặng đường vắt này cho vắt cắn nó toi mạng đi ! .
Mỗi người góp vào một câu, nhưng vì đối tượng chính là ông Chín, mà ông Chín lại xụi lơ cán cuốc rồi, cho nên ý kiến của ai nấy đều trở thành những quả đấm nện vào không khí cho nên câu chuyện cũng nhạt dần theo cái bi đông trà của Năm Cà Dom đã châm nước sôi đến lần thứ mười tám.
Và mục đích của thiên hạ đến đây cũng đều để một là uống trà, hai là tán chuyện. Mà trà thì đã nhạt, chuyện lại càng nhạt hơn, cho nên ai nấy đều từ từ rút lui có trật tự. Còn tôi thì đi về võng nằm nói chuyện với Năm Cà Dom. Võng của hai đứa mắc giao đầu với nhau. Chả là cái con người của Năm cũng hợp với tôi mà !
Vừa mắc bi đông lên đầu võng, Năm đã nói ngay:
- Tôi chắc ông văn sĩ chê tôi kém xã giao lắm phải không ?
- Sao?
- Còn sao nữa, văn sĩ mà đóng kịch cũng tài thế à ?
- Thật mà ! Công bình mà nói thì không biết toàn bộ con người cậu như thế nào, chứ còn từ lúc gặp tới giờ thấy có nhiều cử chỉ tốt có “tính chất lương tâm nhà nghề”. Đặc biệt trong lúc này mà còn dám mời thiên hạ uống một bi đông trà Chính Xuân thì thiệt là “một con người không phải như những người khác”.
- Thôi mà, tô vẽ mãi.
- Thiệt mà. Còn cái việc cậu lội suối băng bó cho tụi nó.
Câu chuyện giữa tôi và Năm Cà Dom còn đang tương đối vui vẻ thì giao liên tới gọi đi lãnh gạo.
—>Chương 10


- 10 -
Trời đất ! Giữa lúc cái ruột tượng cũng như cái bao tử của mình sắp thủng ra rồi mà lại được đi lãnh gạo thì chằng khác nào chiêm bao. Tôi tưởng đâu là ai nói láo. Nhưng sự thật là cậu Tấn đang đứng tước mặt tôi đập đập đầu võng và nói:
- Đi! Đi ! Có gạo rồi.
Tôi đưa mắt nhìn quanh tôi. Lúc nhúc, lô nhô, loi nhoi trên những cái võng, những sinh vật bắt đầu ngóc dậy, nghển lên như những chú tằm đang ửng bụng trong nong mà nghe hơi dâu phất qua. Tôi nhìn sang ông Chín, thấy ông đang sửa soạn ruột tượng.
Tôi nói:
- Phen này là hết lo rách bao tử rồi ông Chín ơi !
- Sao, cái gì mà rách bao tử?
- Không rách thì thủng.
- Các đồng chí toàn nói chuyện bi quan.
- Có gạo rồi, thôi bây giờ lạc quan. Năm Cà Dom cười ré lên và rứt những chú vắt vứt đi. Lạc quan nè, lạc quan nè, một, hai, ba. . . hé hé hé ! Thế đó lạc quan chưa ?
Ông Chín không đáp. Nhưng Năm Cà Dom lại muốn gợi chuyện. Năm Cà Dom nói:
- Nhưng mà lội qua khỏi khúc đường vừa rồi chắc chắn có đứa bị ghẻ Tàu. Bởi vì vắt cắn chảy máu. Rồi vi trùng đột nhập vào. Cha chả ở trên con đường hắc xì dầu này mà bị một mụn ghẻ Tàu thì khổ sống lắm. Nó khoét tới xương.
Tấn giục:
- Thôi đi ! đi ! Người ta đi ào ào rồi kia kìa. .
- Đi thì đi. Nói vậy nhưng tôi trông thấy Thu vẫn ngồi ỳ trên võng .
Thu sịt mũi. Đôi mắt Thu đỏ hoe. Khổ quá. Lúc nào cũng có thể khóc, Thu tưởng như khóc để trút hết mọi nỗi niềm. Cho nên hễ khi đau khổ, bực tức, Thu đều khóc. Bây giờ được tin có gạo và chuẩn bị lãnh gạo, Thu cũng khóc.
Tôi biết Thu khóc không phải vì sung sướng mà vì không đi được. Cơn đau suốt mấy ngày qua của Thu kéo lê trong mưa và dầm dưới nước bây giờ trở nên trầm trọng. Thu sốt, nhưng không phải sốt rét. Ở giữa chốn này mà sốt như vậy, biết lấy gì mà trị ?
Tôi bảo Thu:
- Em đưa ruột tượng đây anh đi lãnh gạo cho. Em ở nhà coi ba lô cho anh và anh Năm.
Thu nhìn tôi với cặp mắt van lơn, phó thác, và tuyệt vọng.
Tôi và Năm Cà Dom vắt ruột tượng trên mỗi vai một cái, lòng thòng phía trước, lòng thòng phía sau. Năm vừa đi vừa hỏi tôi:
- Cậu có nghe ống chân cậu như thế nào không ?
- Ngứa.
- Xem tớ đây này. ..
Tôi nhìn cặp chân của ông bác sĩ Cà Dom tuy đã gầy đi nhiều nhưng vẫn còn dáng dấp khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Trên làn da vàng sậm những vết đỏ bầm nổi lên và những làn trầy sướt vì móng tay quàu. Năm Cà Dom nói:
- Cái lá mục ở rừng này độc thật.
Chúng tôi đi lẫn trong các dãy người nối đuôi nhau như kiến từ trong rừng đổ ra con đường mòn càng lúc càng đông hợp thành một chuỗi người càng lúc càng dài và càng dày.
Người ở đâu mà đông thế. Té ra vì kẹt đường mà họ bị dồn cục lại ở đây chờ lãnh gạo. Gạo ở đâu mà phát cho đủ kia chứ ? Gạo ở đây tải từng kí lô, bằng vai, bằng xe thồ xe ba gác thì lấy đâu được nhiều ?
Tôi đi, không cần hỏi đường, cứ lầm lũi đi như cái wagon xe lửa, cái trước lăn thì cái sau cũng lăn theo. Vì vậy cho nên hễ người kéo ngọn đi không kịp giao liên thì cả đoàn ở phía sau bị lạc hết. Có lần tôi suýt bị thiên hạ đánh vì tôi làm “đứt đuôi” không bám kịp người đi phía trước, cho nên đến ngã ba, thay vì rẽ vào ngả này, tôi lại rẽ vào ngả kia đi mãi, giao liên ở phía trước chờ không thấy đoàn tới bèn quay trở lại mới hay tôi đưa khúc sau vào tử địa.
Nhưng ở đây thì không sao, đường lên kho gạo chỉ hai tiếng đồng hồ thôi. Có lần tôi đã đi mất một ngày để lãnh mười sáu kí lô gạo, sáu giờ sáng đi, năm giờ chiều mới về tới nơi. Mệt hơn lần này nhiều. Lần này chúng tôi phải qua mấy con suối, leo một cái dốc đứng mất bốn mươi lăm phút, xuống hết cái dốc đó, rồi đi ngang một chập nữa thì thấy có người vác những cái ruột tượng căng rướn đi ngược chiều chúng tôi.
Thì tôi biết rằng mình còn cách sống được.
Kho gạo lợp toàn ni lông xanh, nóc đứng như nóc nhà người Thượng nhô lên trong những hàng cây rừng, và tiếng người rào rào như ong vỡ tổ Thấy đó nghe đó nhưng đi tới thì hãy còn khướt.
Cái dốc cuối cùng là cái dốc cao nhất. Nhưng rồi cũng đến nơi. Một quang cảnh lạ bày ra trước mắt tôi.
Người ta ngồi la hệt dưới đất, trên rễ cây. Đất nhẵn như nền nhà. Một con voi to sầm đứng bên một ngôi nhà đang vung vít cái vòi. Mấy người đứng xa chỉ chỏ ngắm nghía nó.
Tôi có cảm tưởng là tất cả miền Bắc đã kéo hết vào đây. Vậy mà gạo đào đâu ăn cho đủ ? Chỉ khổ thân con voi to tát kia, và mấy chiếc xe ba gác chõng gọng kêu trời không thấu đó.
Người ta đang bu lại phía kho gạo, vây quanh những bao gạo có lẽ vừa mới được chở tới.
Tôi đi về phía đó và cố đi rấn ra đằng sau một chút để tìm xem bằng con đường nào mà xe tải gạo tới đây như vậy. Thì có người quát:
- Đi đâu đó, muốn chết hả. Nè, thằng cha kia !
Tôi quay sang thì quả thật người ta đang la tôi:
- Trở lui lại không ? Vô kỷ luật !
Trước sự sừng sộ quá đáng của một đức ông sơn lâm chúa tể nào đó, nhà văn Xuân Vũ bèn ngó dáo dác, tuy biết rằng kẻ bị la là mình mà vẫn làm ra vẻ là không phải mình cho đỡ ngượng. Nhưng cũng chưa hết. Cái giọng kia lại quát tháo tiếp:
- Dòm dòm cái gì, muốn đi Bà Rá hả ? Lộn xộn hoài. Tôi bảo ngồi đâu ngồi đó rồi tôi phát gạo cho mà ăn. Tôi quạu là tôi bỏ đói nhăn răng hết.
Tôi quay trở lại và suy nghĩ:
- Cái gì mà ghê gớm dữ vậy. Mẹ nó, trên đường này sao mình bị người ta nói nặng nói nhẹ luôn vậy. Thằng nào cũng chửi được mình cả.
- Ê! ê! ông bạn!
Tôi quay lại nhìn vào một đám đông đang ngồi trên một hòn đá to. Có tiếng cười rộ lên. Đúng là họ cười tôi đang ngơ ngác.
- Đây này ! đây này !
Tôi nhìn thằng vào chỗ có tiếng nói đang phát ra. Một anh chàng gầy nhom với bộ mặt xương và đôi mắt to tròn nhấp nháy dưới một cái nền tóc trắng xóa ! Anh này cười:
- Không nhận ra à ?
- Ai đâu…
- Tôi đây này.
Tôi đi đến gần và lại ngơ ngác:
- Xin lỗi, tôi quên rồi.
- Nhìn kỹ lại xem.
- Ai vậy cà ? Tôi vừa nói vừa đi đến chỗ anh ta ngồi và càng chăm chú nhìn vào khuôn mặt ấy.
- Dân Lam Sơn đây mà !
Phải rồi !
Lam Sơn là một kỷ niệm đối với tôi. Nhưng trong cái kỷ niệm đó có hàng trăm mảnh kết thành hợp lại, làm sao tôi nhớ cái mái đầu bạc kia là mảnh nào ?
Làm sao tôi nhớ được trong cái vùng xanh bạt ngàn của núi rừng rét buốt ở phfa tây của tỉnh Thanh Hóa đó, mái tóc bạc kia tên gì?
Anh chàng đầu bạc lại cười và vò vò mái tóc.
- Đi đào gốc lim hoài mà quên à ? Trông cái đầu này không nhớ hay sao ?
Quả tình tôi không nhớ. Hình như từ sau cơn sốt đến nay trí nhớ của tôi sút hẳn đi.
- Hoa đầu bạc đây này ? Hoa đầu bạc đội trưởng móc gốc lim C2 nông trường Lam Sơn sư đoàn 330 đây nhớ chưa ?
- À trời đất ơi ? Tôi nhảy tới vồ lấy anh chàng tự xưng là Hoa đầu bạc và đấm thùm thụp vào lưng anh ta. Cũng đi đây nữa sao ?
- Cũng đi chớ sao không đi ?
- Tôi tưởng các cha chết hết lúc đào gốc lim rồi sang thời kỳ mắc gốc su hào rau muống ngoài đó chớ.
- Mắc cũng ráng gỡ mà đi. Cơ hội này không “về nước” thì chờ cơ hội nào bây giờ.
Tôi ngồi lại bên cạnh Hoa đầu bạc.
Đúng là một trong những người bạn có liên quan mật thiết trong cuộc đời viết văn của tôi. Lúc đó vào khoảng năm 1958, tôi lên nông tường Lam Sơn để lao động thực tế.
Đó là đợt lao động thực tế lớn nhất có lãnh đạo từ Trung ương.Tôi buồn quá, tuy không có dính gì tới vụ Nhân Văn Giai Phẩm nhưng không muốn ở Hà Nội. Cho nên tôi mới lựa các nông trường thật xa xôi mà đi cho yên ổn tâm thần.
Tôi vào cuốc đất ở đơn vị của Hoa tám tháng, mỗi ngày có chấm công ghi điểm, mỗi tuần có tổng kết, mỗi tháng có báo cáo về Hà Nội. Nhờ vậy tôi quen với rất nhiều cán bộ quân sự trong đó có Hoa đầu bạc. Hoa ít tuổi hơn tôi nhưng tóc Hoa bạc sớm quá. Hồi đó tóc Hoa bạc mới phân nửa, còn bây giờ thì hoàn toàn một màu trắng xóa như bọt muối. Hồi đó anh em gọi là “ép em” đầu bạc hay Hoa đầu bạc.
Nói chi tới bây giờ, tóc Hoa không còn sợi nào đen để mà bạc nữa. Hoa nhìn tôi và cười, cười rồi lại nhìn tôi, không nói.
Tôi hỏl.
- Gì mà cười hoài thế?
- Coi anh tức cười quá.
- Tôi kỳ cục lắm sao?
- Không phải anh kỳ cục nhưng cái sự anh đi về Nam nó kỳ cục.
-Như thế nào?
- Mấy cha mà về trong đó làm chi, chạy mệt lắm !
- Có võ có văn chớ.
- Văng xương thì có.
- Thì xưa nay vẫn thế mà.
Hoa vui vẻ:
- Cái nghề của tôi là cái nghề đánh đá, chỗ nào khua dao động thớt là người ta gởi tụi tui tới ngay. Đó, hồi đó tôi nhớ tôi nói một câu mà anh cười ngất. Bữa nhậu thịt heo rừng ở ngoài gốc khế, anh nhớ không ?
- Anh nói gì ?
- Cái gì anh cũng quên được cả.
- Lâu quá mà!
- Tôi nói là hòa bình thì tôi về vườn cuốc đất trồng khoai. Chừng chiến tranh nổ ra thì Hoa này xin một chưn.
- Bây giờ thì xin một chưn rồi hả ?
- Phì ! Xin luôn hai chưn ! ..
- Nhưng mấy cơn rồi?
- Cơn gì?
- Sốt!
- Cái đó thì kể không hết. Sốt của tôi không còn cơn nữa.
- Sao vậy ?
- Nó cứ liên miên, ngay bây giờ cũng đang sốt. Đáng lẽ phải nằm, nhưng nằm thì gạo đâu chạy về với mình. Cho nên phải bò
- Có ai quen đi nữa không ?
- Thiếu gì.
- Đâu hết rồi ?
- Tụi nó đi trước cả rồi. Chỉ mình sốt nên lọt lại sau đây.
- Mình cũng vậy.
Tôi lôi Hoa đi ra một góc và tìm chỗ, hai đứa cùng ngồi tâm sự Tôi hởi ngay:
- Anh biết đến đây là đâu không ?
- Mẹ tôi cũng không biết nổi.
- Ủa quân sự sao mà nói vậy ?
- Quân cái nước mã gì. Mù tịt. Vô đẩy chỗ nào như chỗ ấy. Đố ai moi cho ra một tên núi tên suối.
- Theo anh ức đoán thì còn bao xa nữa ?
- Độ hai phần ba đường !
- Hả ! Anh nói sao ?
- Mình đi mới một phần ba thôi cha non.
- Trời đất !
- Cái gì mà trời với đất. Tôi đoán chừng đây mới là đến khu sáu thôi, có khi chưa tới nữa là khác. Có phải tụi về khu năm mới vừa tách khỏi tụi mình độ nửa tháng đường không ?
- Hơn tháng chứ!
- Hơn tháng là vì anh kề cả ngày đau nằm ỳ lại, chứ đi thì chỉ mất nửa tháng thôi.
- Vậy à!
- Chớ sao!
- Còn xa thế à ? Vậy tôi tưởng là ít ra mình cũng đã đi được nửa đường rồi chớ.
- Chưa đâu, còn lâu lắm !
- Sức khỏe đâu nữa mà đi.
- Bồi dưỡng bằng nước suối, bằng lá bép.
- Lá bép là gì?
- Là lá bép.
- Nó ra làm sao ?
- Như lá sộp vậy. Cũng láng láng, ăn sống không được, nấu canh ăn nghe béo béo. Hoa đầu bạc tiếp. Ơ vùng này có một tiểu đoàn ăn lá bép ròng sáu tháng thay bắp.
- Chớ không phải thay cơm à ?
- Không có cơm. Đây là trạm cuối cùng mình được lãnh gạo. Rồi từ đây trở đi khi bắp khi lúa.
- Trời đất ! Nói thiệt chơi ?
- Tôi đâu nói chơi làm gì 7 Tôi đến đây nằm đã mấy ngày rồi tôi nghe người ta nói mà: Khà khà ! Kể cũng vui. Chớ sao ! Hồi ra đi thì ba ngày, lúc trở về thì ba tháng. Khà khà, bây giờ tôi mới biết là đi tàu mau tới hơn đi bộ. Khà khà… Anh coi hai cái bánh chè của tôi này, đi có ngày nó sẽ rớt ra và lăn lộc cộc trên đá như những trái bả đậu cho mà coi.
Tôi thở dài. Hoa đầu bạc nói tiếp:
- Nhưng thôi cũng là may, vì mình có ngày về nước, còn hơn khối đứa dính gốc rau muống su hào ngoài đó đời đời kiếp kiếp không có tài nào về nước được nữa ?
Tôi đặc biệt chú ý tới cách dùng chữ của nhà quân sự nhất là hai tiếng “về nước“. Lần trước, tôi có gặp hai cán bộ quân sự đi công tác bảo vệ hành lang ở Trung Lào, cũng dùng hai tiếng “về nước” một cách mỉa mai như vậy.
Nhưng dù mỉa mai mà nó đúng thật, đúng thật, đúng về mặt tình cảm cả về mặt công pháp quốc tế, lẫn về mặt địa dư. Thực ra Việt Nam đã chia thành hai nước rõ rệt có ranh giới và có hai linh hồn khác hằn nhau, mỗi cái ngự trị trong một thể xác hoàn toàn khác nhau !
Người từ phương Bắc đi vào phương Nam bây giờ đâu phải như trước 1954 nữa. Bây giờ từ Bắc vào Nam có ý nghĩa chính trị từ một nước sang một nước khác.
Có lẽ những anh bộ đội nằm đêm cay đắng nhiều nỗi lắm cho nên mới nghĩ ra và xài cái danh từ “về nước” chua chát này.
Tôi hỏi Hoa:
- Bây giờ lên lon gì rồi ?
- Lon gì. Hồi cải cách mình là trung đội trưởng. 1958 phong quân hàm xong, mình lãnh thiếu úy, bây giờ về Nam thiên hạ hứa đề bạt mình lên một sao nghĩa là hai sao gạch đít nhưng phải vô tới nơi và phải tốt kìa.
-Vậy thì có lên gì đâu.
- Lên chớ, lên trời.
- Mười hai năm mà không lên nổi một bậc à ?
- Còn lâu. Trong cải cách ruộng đất không tụt xuống là may chớ còn lên đâu nữa ?
Có người ngoắc:
- Vô lãnh gạo!
Tức thời tôi và Hoa như cái lò xo bật lên, tay quờ quạng chụp lấy ruột tượng và mạnh thằng nào thằng ấy chạy ào ào không cần nghĩ tới chuyện chia tay từ giã chi nữa.
Thế là tôi đến kho gạo. Người ta như kiến cỏ.
Tôi không chen vào nổi. Tôi đứng nhón chân nhìn qua vai mọi người nhưng cũng không trông thấy gì. Mồ hôi từ những tấm lưng những bộ áo, những mái tóc bốc lên chua lòm.
Tôi đành lui ra ngoài đứng chờ, không hy vọng lãnh được gạo trước ba giờ chiều.
Tôi quay ra nhìn con voi cho đỡ sốt ruột.
Chú voi to ghê quá. Có lẽ nó là của một vị hoàng thân quốc thích nào từ triều Quang Trung, nó đã từng chở lương thực hay đã làm chân cho một ông tướng thời ấy.
Một vành tai nó bị rách tua ra thành nhiều mảnh và nó chỉ còn có một cái ngà. Nhất voi một ngà, nhì người ta một mắt.
Những dấu vết vừa kể có thể chứng minh thêm tính nết và chiến công của nó.
Trông nó hiền lành cục mịch , chậm chạp , khờ khạo nữa là đằng khác Nó đứng sầm sầm như một quả núi con con, chỉ có cái vòi nhúc nhích đong đưa, còn toàn thân mốc cời đứng im như một màu đá rêu mốc, thỉnh thoảng tấm da của nó mới run run lên để xua đuổi ruồi muỗi.
Hoa đầu bạc ngoắc ngoắc tôi:
- Vô đi, vô kẻo hết.
Tôi cứ ngơ ngác không chịu vô. Hoa quát:
- Đã bảo vô mà cứ lừng khừng ở đó hoài vậy ? Muốn chết đói hả ? Trời đất ! Ở Hà Nội ăn phở xếp hàng, người ta không lấn, chớ ở đây không lấn thì không có lãnh gạo được đâu mà.
Sự thực ra, không phải là tôi không biết chen lấn. Nhưng nếu chen lấn tương đối khỏe như xếp hàng mua thịt hay mua hàng ở mậu dịch, chen lấn mà còn giữ được cái thể thống cái mặt mũi mình kìa, thì tôi cũng không ngại, còn đằng này thì chen như nêm, như cửi lên nhau thì tôi không có đủ sức khỏe. Nói thì mang tội, chứ nó chẳng khác nào một bầy vịt quá đông mà cái tô lúa quá bé.
Người phát gạo đứng trên sàn nhà, vừa quát tháo vừa vung tay đá chân. Tôi chỉ nghe la chớ không rõ anh ta nói cái gì. Chân anh ta dang ra thỉnh thoảng một chân đá hất một cái ruột tượng chìa vào Có lẽ anh ta không biết phải phát cho ai khi mà trước mặt anh ta có vô số ruột tượng và giấy giới thiệu chìa tới quơ quơ, ai cũng quơ thật mạnh để lôi kéo sự chú ý của anh ta.
Nên nhớ rằng trong sổ giấy giới thiệu có cả những tấm giấy giả. Trên đường Trường Sơn này đâu có giấy tờ gì cho ra hồn ? Ai muốn viết cũng được Tên đoàn đâu có gọi đúng sự thực, toàn những tên giả mạo A3, Kqt, BCS, A6, v.v… ! Cho nên ai muốn viết cho mình cái giấy giới thiệu gì cũng khó có ai kiểm soát cho ra nhẽ. Nhất là lại không có mộc mẹo chi cả. Cho nên anh quản kho không muốn nhận cái giấy nào mà anh ta cứ xem xem mặt một chút rồi độp một cái anh ta bảo:
- Anh kia kìaa, đưa ruột tượng đây !
Thế là cái anh nào được trỏ vào mặt một cách hết sức vô lễ đó, ngày thường thì có thể đánh nhau vì cái sự trỏ mặt người ta đó, nhưng ở đây thì người bị trỏ mặt lại rất lấy làm hân hạnh sung sướng, nghênh cái mặt lên và chìa ruột tượng ra để nhận… gạo !
Tôi đứng lùi ra xa và mặc cho người ta lướt qua trước mặt. Ở phía sau tôi còn mấy cô phụ nữ.
Tôi giật mình đánh thót một cái như bị ong chích. Sao lại có một cô ngộ nghĩnh giống như đầm lai thế kia ? Cô ta mặc áo bà ba đen, tóc hai bên thái dương hơi xoăn và chót mũi nhọn hơi hếch lên như mũi hia giống như mũi các cô đầm Tây.
Cô ta đứng bên cạnh một cô nữa . Trời xui chi có sự tương phản chua xót làm vậy ? Cô kia đứng bên cạnh cô tóc xoăn chi để làm cho cô tóc xoăn nổi bật thêm lên.
Đáng lý ra tôi lê chân tới một chút để cho gần cái lý tưởng lúc bấy giờ là gạo của tôi hơn, nhưng dường như có cái gì đang níu kéo ở phía sau tôi nên tôi cứ đứng lý ra đó với tất cả bình tĩnh của một gã giang hồ cao thượng không thèm đếm xỉa tới cái sự vật chất tầm thường kia, chẳng ngờ trong lòng trái tim đã rung rinh rồi.
Năm Cà Dom đã lãnh gạo, hai vai anh ta vác hai cái ruột tượng căng ườn như hai con trăn vĩ đại của gánh hát xiếc Tạ Duy Hiển. Mồ hôi từ trên trán trên cổ chạy xuống có dọc ướt cả ngực, cả vai anh ta. Anh ta vừa đi vừa thở hổn hển.
Trông thấy tôi đứng im, anh ta quát:
- Đi vô mau đi ! Không hết đấy.
Tôi lắc đầu:
- Vô gì được mà vô.
- Gạo tốt lắm, không có mục như kỳ rồi. Vô mau đi.
Tôi vẫn đứng im Năm Cà Dom sốt ruột:
- Vô đi kẻo hết.
- Đông quá chen ngả nào ?
- Thì phải chen mới vô được chứ đứng đó mà chờ người ta dâng cho hai tay à ?
- Thong thả đã !
Năm Cà Dom ngó dáo dác, rồi bảo:
- Thôi, giữ đây này t Đưa ruột tượng đây. Chán cha nội quá. Lúc nào cũng mơ mộng như trên cung trăng rớt xuống vậy.
Tôi không ngờ được lòng tốt của anh Năm Cà Dom tới như thế. Ai trong lúc này lại hảo tâm với một thằng mới quen (mà quen trên đường Trường Sơn) đến thế. Lãnh được gạo là người ta ba chân bốn cẳng chạy về ngay để nấu ăn chớ. Gánh làm gì công việc của người khác ?
Năm Cà Dom quàng cặp ruột tượng vĩ đại lên vai tôi và bảo:
- Coi chừng cho kỹ nhé. Mười bảy ngày sắp tới đây không có phát nữa đấy.
- Nghĩa là sao ? -Tôi nghe lùng bùng hai lỗ tai và hỏi – Nghĩa là không có phát gạo trong vòng…
- Mười bảy ngày tới đây, hiểu chưa ? Qua ngày thứ mười tám mới có phát. Mà cái đó thiên lôi nó tin chớ ai mà tin cho được ?
Tôi nghe mà hết vía. Mang mười bảy lít gạo trên người tức là năm mươi mốt lợn sữa bò gạo thì ít ra cũng mười kí lô. Chết còn sướng hơn, làm thế nào mà mang. Năm Cà Dom chạy phốc đi rồi quay lại bảo:
- Có một cái ruột tượng thì làm sao lãnh cho hết gạo ?
- Làm sao bây giờ ? Tôi đâu có dè.
- Cha nội thiệt, cái gì cũng không dè, không biết cả !
- Kệ nó, lãnh vài chục lon thôi.
- Bậy nữa. Thôi được rồi !
- Sao ?
- …Cởi quần ra, gút ống lại cho tôi.
- Mau lên ! Sao chết trân đó vậy ?
Tôi vẫn không chịu thi hành lệnh của Năm.
- …Ai hốt hồn… Năm vừa nói đến đó thì chợt thấy cô gái tóc xoăn bên gốc cây.
- À ạ…! Khổ quá !
Năm lôi tôi đi chỗ khác, khuất mắt cô ta rồi rỉ tai tôi:
- Lại gặp nữa he! Mắc cỡ hả ? Cởi mau lên!
Tôi cực chẳng đã phải làm theo ý muốn của Năm Cà Dom.
Năm Cà Dom chạy bay vô kho gạo. Tôi buông hai cái ruột tượng gạo xuống đất và tìm chỗ ngồi.
Thật là thảm hại. Hôm trước tôi nhìn cái bộ mặt của tôi trong gương mà hoảng kinh hồn vía, bây giờ tôi lại kinh hồn hoảng vía vì nhìn lại cặp giò của mình.
Còn tí thịt nào đâu. Cái bắp chuối nhão nhẹt, cái mớ thịt mềm èo như bọt bèo ở phía trong.
Vậy mà có lần Thu đùa, bảo “chân bộ đội chẳng khác cây cọc màn ” thì ông Chín làm cho một vố quá sá! Ông bảo là cô “mất lập trường”
Làm sao mà đi hai phần ba đường nữa với cặp chân này ?
Tôi không ngờ một cặp chân như thế lại là cặp chân của tôi, hay tôi không ngờ cặp chân của tôi lại hóa ra như thế được.
Người đi lãnh gạo vẫn rải rác từ các nẻo đường đổ tới như hàng trăm, hàng ngàn cái bao tử đang run rẩy, xoắn lại, gồng lên, co dãn ra trước cái kho gạo kia. Họ vừa đi, vừa giơ cái bao tử thủng tung lên như để làm ngọn cờ đấu tranh.
Người nào người nấy trông thật thảm hại. Tất cả đều thảm hại, nhưng mỗi người mỗi vẻ, chứ không giống nhau. Người thi đi khặc khừ người thì lê gậy lọc cọc, người thì buộc ruột tượng ngang lưng bỏ hai mối thòng dài xuống như cái thắt lưng hoa lý của các cô nàng trong một ngày hội chèo ở một làng quan họ. Có người thì vừa đi vừa thở phào phào, còn người lại gục xuống làm cho mái tóc rũ xuống như một chú gà chọi bị chém gục cần.
Tôi vẫn tiếc cô gái tóc xoăn. Không biết cô thuộc khối nào, đoàn nào, ai chỉ huy cô ta. Và nhất là cô ta đi về Nam theo cái tiếng gọi nào ?
Cô ta đã nhích lên được vài bước để có thể cái hy vọng gạo gần hơn cô ta hơn một chút, nhưng vì người ta không nhường nhịn phái yếu, mà cô ta thì không dám chen lấn như phái mạnh, cho nên đáng lý ra nếu có sự công bình trong cái xã hội trật tự thì cô đã tới cửa kho, nhưng những người đi sau cô mà đã lãnh được gạo rồi.
Thế đó, tình đồng chí đồng hành như thế đó.
Năm Cà Dom đã trở ra, với cái ruột tượng gạo no nức và một ống quần căng phình.
Tôi muốn nhảy lên bá cổ Năm mà hôn, mà cắn rồi quỳ sụp dưới chân mà lạy vài ba chục lạy.
Năm nói:
- Hết rồi !
- Cái gì hết?
- Gạo chớ còn cái gì !
Mấy người xếp hàng phía sau đố xô vào hỏi Năm:
- Gạo hết rồi à đồng chí ?
- Còn mẹ gì. Về đi mai mới có.
- Sao đồng chí biết ? Một người hỏi vặn.
- Thì tôi vừa ở trong ra đây mà. Năm Cà Dom nói. Đáng lẽ tôi lãnh đầy cả hai ống quần mà tôi chỉ lãnh được có một ống thôi không thấy sao hả ? Được rồi, ai không tin thì cứ chen vào tôi cam đoan mấy anh chen cho mệt rồi khi tới nơi cũng chẳng có cái mẹ gì hết !
Năm Cà Dom không để ý xem câu nói của anh ta có tác dụng gì hay không, anh ta cứ ngồi phệt xuống đất và mở cái ống quần ra mà bảo tôi:
- Cậu mở cái ruột tượng mà trút vào đây luôn đi.
- Chi vậy ?
- Ấy, mau mau đi mà. Rồi sẽ hay!
Tôi nghe lời Năm Cà Dom trút cái ruột tượng gạo vào ống quần. Năm Cà Dom cởi cái mũ tai bèo ném lại cho tôi và chạy bay trở về kho gạo với cái ruột tượng không trên tay.
Tôi ngơ ngác không hiểu Năm Cà Dom làm cái trò gì vậy.
Nhưng chỉ chập sau là Năm trở ra với cái ruột tượng đầy. Năm Cà Dom hí hửng.
- Thôi về, về !
Năm Cà Dom vừa nói vừa lôi tay tôi đứng dậy. Tôi quăng hai cái ruột tượng của Năm Cà Dom lên vai tôi và đứng dậy.
Nhưng trời ơi!
Trời đất ơi ! Cha mẹ ơi ! Tôi không đứng dậy nổi.
Chỉ có độ mười ký lô nằm trên vai mà một anh chàng ra đi từ Hà Nội khỏe như vâm, chỉ vượt Trường Sơn hơn một tháng với vài cơn sốt mà giờ đây chỉ với cái sức nặng đó trên vai mà không đứng dậy nổi.
Tôi không muốn để cho mọi người trông thấy điều đó, sự suy nhược của một “anh hùng giải phóng” cho nên tôi bám gốc cây trước mặt và cố gắng đứng dậy.
Tôi đứng dậy được rồi. Trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ chắc Năm Cà Dom không biết sự suy yếu của cơ thề tôi, nhưng Năm Cà Dom nói ngay:
- Cậu trông to xác thề mà rệu lắm rồi.
- Ư… Tôi lắc đầu và đi theo Năm.
Người từ dưới vẫn cứ như ốc như sên bò từ từ lên dốc chậm chạp, lặng lẽ và cố gắng giằn hơi thở không cho nó gây thành tiếng làm thối chí người đi bên cạnh.
Đến khúc vắng Năm nói:
- Gạo còn nhiều lắm ! Đi nhanh lên, về tới rồi tôi trở lên.
- Chi vậy?
- Lãnh thêm chớ chi.
- Tiêu chuẩn đâu còn mà lãnh ?
- Tiêu chuẩn là do cái bao tử của mình đặt ra thôi.
- Nhưng làm sao mà cậu lãnh được ?
- Được chớ. Mình ăn mặc khác đi. Đội mũ khác đi và rên rẩm kêu la. Đâu có cái gì làm chứng rằng mình đã lãnh gạo rồi. Kêu to, rên mạnh là nó phát nữa thôi. Nó đâu có nhớ mặt thằng nào. Cứ chìa ruột tượng vô là nó phát thôi mà. Dư thiếu gì nó đâu có cần.
Năm Cà Dom nói về cái mánh khóe của anh ta thao thao bất tuyệt. Anh ta hỏi tôi:
- Tại sao gạo còn mà tôi tung tin là hết, cậu biết không ?
- Không.
- Cậu gà tồ thật đấy. Cứ cái lối ngoan ngoãn thành thực như cậu rồi chết, đi không tới nơi cho mà coi!
- Sao ?
- Đời nó vậy đó !
Năm Cà Dom tiếp:
- Tôi tung tin hết gạo là để cho cái đám lúc nhúc phía sau đang lao tới kia phải thối chí rã ra trở 1ui! Thừa lúc đó có kẽ hở là mình chen vào. Mà quả thật vậy, lần vừa rồi, tôi vô rất dễ.
Tôi hỏi:
- Nhưng mà làm sao cậu lãnh lần thứ ba được vậy ?
- Tớ liệu bề cái bản mặt của tớ thằng phát gạo không quên, cho nên tớ nói là tớ đi lãnh dùm một đồng chí sốt nặng. Nó ngần ngại không muốn phát thế là tớ la toáng lên. Tớ càng sân si, càng nêu cao tình đồng chí, đồng đội.
- Tớ phục cậu ghê ! Cậu như con mẹ lái cá vậy.
- Tớ bảo nó, nếu đồng chí không phát cho tôi mười bảy lít gạo thì đồng chí sẽ phạm tội sát nhân, tôi trở về không có gạo thì đồng chí lấy gì ăn. Đồng chí vô tình đã tiếp tay cho giặc. . . Bị tôi kết án nặng quá anh ta phát cho tôi, nhưng anh ta nói. Anh ta nói đúng thật.
Năm Cà Dom tiếp:
- Anh ta nói: Các đồng chí ăn gian dữ lắm. Sở dĩ thiếu gạo là vì có nhiều đồng chí lãnh gạo hai ba lần. . . Hắc hắc hắc. . . (Trong đó cớ đồng chí Năm Cà Dom ! )
Một tốp người từ dưới dốc bò lên. Một người hỏi:
- Tới kho chưa đồng chí ?
- Tới rồi mau lên, kẻo hết, Năm Cà Dom đáp.
Tôi hỏi:
- Sao cậu bây giờ không bảo là hết gạo như lúc nãy ?
- Cậu thật là lơ tơ mơ ! Mình nói hết nó sẽ trở về làm sao ?
- Trở về thì trở về chứ !
- Nó trở về, nếu nó để mình yên ổn thì mặc kệ nó, đâu có ăn thua gì mình.Nhưng nó trở về mà không có gạo ăn nó sẽ la cà tới chỗ mình nấu cơm nó kêu đồng chí nọ, đồng chí kia nghe ngọt lịm như đường phèn, rồi nó hỏi mượn gạo của mình. Cậu làm sao từ chối ? Từ chối khó coi lắm, cậu hiểu chưa ? Trời đất ! Cậu không có một chút kinh nghiệm đi đường gì hết vậy ? Đó thuộc về tâm lý, cậu viết mà không nghiên cứu à ? .
- Tớ bái cậu luôn.
- Bái, bái cái gì. Đi một tấc đường học đặng trường khôn, nhất là tấc đường Trường Sơn thì học năm bảy trường khôn.
Đột nhiên Năm Cà Dom hỏi:
- Ơ này, cậu có quen với cô tóc xoắn ấy à ?
Tôi đáp:
- Không.
- Coi bộ rung rinh rồi đa!
- Rung rinh cái gì, run rẩy thì có!
- Chia lại mình một “Cu li” đi.
-Chia gì mà chia?
- Nè trên sân cỏ “deux contre un ” bị phạt đấy nhé !
- Tớ đâu có “hai chọi một ” mà phạt ?
- Sao lại không !
- Đã bảo không quen mà.
- Nhưng mà tớ bắt nhãn rồi. Cô ta nhìn cậu với cặp mắt “sương mờ rơi” lắm!
Đang đi bỗng có người từ trong rừng rẽ ra, trên tay xách một xâu cá khô. Không biết cá gì, nhưng rõ ràng là cá. Trời đất, ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Tôi chưa mở miệng thì Năm Cà Dom đã hỏi:
- Này đồng chí ! Khô mua ở đâu vậy ?
- Trong kho kia.
- Ủa đây có kho thực phẩm à ?
- Có chớ. Nhưng bí mật nghe. Vô ít ít chớ vô ào ào nó không có bán cho đâu..
- Được rồi tôi vô hai đứa thôi ! Nhưng đi thế nào ?
- Đi thẳng vô vài trăm thước thôi !
Thế là Năm Cà Dom bảo tôi:
- Đi vô kiếm chút “a dốt ” đi ! Chất đạm trong khô nhiều lắm. Có vài chục con khô bỏ theo thì vững bụng lắm.
Quả thật, hai đứa đi tới một cái chòi có người ở, bên cạnh chòi có một cái chòi cao cẳng, trên sàn chòi chất đầy khô.
Năm dừng lại và rỉ tai tôi:
- Cậu còn đá lửa không ?
- Còn.
- Đưa tớ vài viên.
- Chi vậy ?
- Tớ vô công tác chính trị thằng gìữ kho này. Tớ cũng có nhưng còn ít quá, sợ không đủ xài vì tớ hút thuốc lá như cậu biết đó
Năm Cà Dom đi thẳng vô tìm gặp anh giữ kho. Anh này còn rất trẻ. Vậy cậu ta sẽ là con gà con dưới nanh vuốt của con diều Năm Cà Dom.
Năm Cà Dom nói ngay với cậu ta:
- Tớ là bác sĩ đây ! Nhưng bây giờ chằng có thứ thuốc nào bằng khô với muối. Cậu bán cho tớ một ít. Tớ trả tiền đàng hoàng, và tớ tặng cậu năm viên đá lửa xài chơi. Ở rừng như cậu mà thiếu lửa là chết ngay. Tớ nói thật. Đứa nào nói gian cho hộc máu ra đi !
Năm Cà Dom hỏi tiếp:
- Khô bao nhiêu một ký vậy cậu ?
- Tùy ! Cậu thanh niên đáp không quả quyết .
- Tùy nghĩa là muốn mua bao nhiêu thì mua, trả bao nhiêu thì trả phải không ? Đúng rồi ! Cách mạng mà ! Tất cả đều là của chung. Cậu cho tớ mua năm kí lô đi.
- Nhiều dữ vậy ? Mỗi người chỉ được ba con thôi.
- Ba con bằng chân cái đó để làm gì ? Đứa nào ăn no, cho ăn no, đứa nào thiếu cứ chờ có thêm sẽ lãnh. Tớ ví dụ một trăm thằng oam oam đi khặc khừ không thể khiêng nổi một nòng pháo, nhưng mười đứa khỏe mạnh sẽ chuyển cái nòng pháo đó chạy te te… Hì hì. Thôi năm kí không được thì ba kí. Tụi tôi không phải mua cho hai đứa đâu mà cả đoàn còn hai chục đứa ở nhà, bác sĩ không thôi ! Hai mươi bác sĩ vô Nam cái là chiến sĩ ta khỏe lên ngay!
Anh thanh niên nhìn Năm Cà Dom lặng thinh. Năm Cà Dom bảo tôi lấy đá lửa cho cậu ta rồi nói:
- Cậu lại đây xem ! Tôi coi qua con mắt một chút.
- Dạ. Anh thanh niên ngoan ngoãn bước tới.
Năm Cà Dom vạch mí mắt, rồi sờ bụng, sờ vai. Năm Cà Dom ấn mạnh vào bụng ngay phía dưới hoành cách mạc và hỏi:
- Có đau không ?
- Dạ đau ạ.
- Lá mía cậu thòng rồi ! Sốt nhiều lắm phải không ?
- Dạ đúng rồi. Em lúc nào cũng sốt.
- Uống thuốc gì ?
- Dạ chẳng có thuốc gì hết. Em toàn uống nước dây bồ hòn thôi.
- Có cắt cử được không ?
- Khi được khi không.
- Để tôi cho quinine uống nhé !
Năm Cà Dom móc túi lấy hơn chực viên kí nín. Cậu thanh niên đưa tay ra nhận. Có lẽ lâu nay không ai cho cậu nhiều thuốc thế. Còn Năm Cà Dom tuy trong sinh hoạt thì có phần lém nhưng đi vào nghề thì bao giờ cũng tận tâm.
- Chậc ! Sốt thế này thì cả đời không chữa được.
- Dạ em đâu biết làm sao.
- Ăn uống được không ?
- Dạ khi được khi không.
- Đừng đòi vợ sớm nhé. Hại lắm. Hề hề.
Năm Cà Dom bảo:
- Thôi cậu bán khô cho tôi đi ? Em cưng !
- Dạ.
Anh thanh niên leo lên sàn nhà lấy một xâu rồi một xâu nữa thòng xuống cho Năm Cà Dom.
Năm Cà Dom bảo:
- Hai mươi bác sĩ đi vào Nam nhé ? Nhớ cho họ đắp đầu gối khá khá chút.
- Còn anh này cũng là bác sĩ hả anh ?
Cậu thanh niên chỉ vào tôi và hỏi. Dường như cậu ta chưa quan niệm được một ông bác sĩ như thế nào.
Năm Cà Dom cười:
- Ông này hả?
- Dạ.
- Ông này còn quan trọng gấp mười bác sĩ.
- Dạ.
- Ổng là bác sĩ nhưng chỉ chữa bệnh tinh thần. Thí dụ như cậu đang bi quan thì ổng làm cho cậu lạc quan, cậu đang bất mãn thì ổng làm cho cậu hết bất mãn.
Cậu thanh niên cứ dạ dạ vâng vâng chứ không hiểu gì cả, còn Năm Cà Dom thì cứ vừa pha trò vừa moi cái vựa khô của cậu ta. Năm Cà Dom tiếp:
- Nếu như cậu không chịu bán khô cho ổng thì ổng sẽ làm cho cậu bán rất nhiều. Ví dụ như thế. Nhưng ông ít hay nói như tôi ổng chỉ nhìn cậu là cậu phải nghe theo ý muốn của ông thôi. Đây cậu sắp đưa cho ổng một xâu khô rồi đó.
- Dạ. Cậu thanh niên như bị thôi miên, cậu ta lấy đưa cho tôi một xâu khô. Và còn hỏi thêm: Các anh có cần muối không ?
Năm không đáp mà hỏi lại:
- Cậu có nhiều không?
- Ít thôi.
- Cậu có thể cho tụi tôi mỗi đứa mấy kí ?
- Mỗi người một lon sữa bò.
- Ba lon nhé. Tôi đã bảo là hai mươi bác sĩ đi vô Nam mà !
- Dạ.
- Một lon thì chỉ nhỏ con mắt cũng hết rồi, nếu rủi cái mũi có đau lấy gì mà nhỏ?
- Thôi em cho các anh ba lon.
- Mỗi người ?
- Dạ.
- Thế thì tạm được, ba lon nhân cho hai mươi là sáu mươi lon. Như vậy là đoàn bác sĩ hai mươi người của chúng tôi chắc chắn sẽ tới nơi với số muối đó. Nhờ ai ? Nhờ cậu, cậu rõ chưa nào ?
- Dạ !
Cậu bé thấy Năm Cà Dom nói hay quá. Cậu ta phải tự hào chớ. Cậu ta hỏi:
- Các anh có cần khô rừng không ?
- Khô gì?
- Khô voi ?
- Ui chà t Không ngon lắm, nhưng ăn cũng tạm được !
Thế là cậu thanh niên rút trên giàn bếp khói ám đen ngòm và ném xuống đất những thỏi như củi dừa mà má tôi sấy trên bếp cho mau khô. Cậu ta quăng xuống đất nghe độp độp.
Tôi và Năm Cà Dom nhặt và nâng lên mắt xem không có vẻ gì là khô cả.
Cậu thanh niên bảo:
- Các anh về lùi nó dưới tro nóng một lát lấy ra đập nó tơi ra ăn ngon lắm. . . giống như bố tời vậy !
Thế là chuyến đi của chúng tôi thành công mỹ mãn.
Nhiều người đến nài nỉ mãi chỉ được có ba con khô thôi. Thấy hai đứa tôi được chiếu cố một cách quá đáng có nhiều người phàn nàn, nhưng cậu thanh niên nói theo cái giọng của bác sĩ Năm Cà Dom lúc nãy:
- Một đoàn bác sĩ hai mươi người! Họ mà vô tới trong Nam là tình hình sáng sủa lên ngay. Họ là người đặc biệt. Chúng tôi được chỉ thị cấp trên cung cấp cho họ với tiêu chuẩn đặc biệt.
Thấy đứng lâu chỉ để làm đề tài cho khách chống lại cậu thanh niên giữ kho, cho nên tôi và Năm chuồn thẳng. Đi một quãng, Năm cởi áo ra bọc ba xâu khô lại kỹ lưỡng. Năm bảo:
- Để người khác trông thấy không nên!
Chúng tôi đi lên thì vất vả theo sự đi lên, còn đi xuống vất vả theo đi xuống. Đi tay không thì bụng đói meo chân rã rời, còn lãnh được gạo vác thì mệt quá, đi không nổi. Tôi bị ngã một cái nên thân. Cả người tôi rơi vào một bụi gai lởm chởm, hai cẳng giơ lên trời còn hai cái ruột tượng thì đè xuống, tôi không sao ngóc dậy nổi. Năm phải đến lôi tôi, tôi mới đứng dậy nối. Vậy tôi mới biết sức khỏe của tôi tồi đến đâu.
Chúng tôi về đến địa điểm thì thấy trống trơn. Người ta đã cuốn tăng cuốn võng đi đâu hết. Chỉ còn lại một mình Thu ngồi khóc. Tôi vừa cáu vừa thương hại nàng, tôi hỏi:
- Cái gì em lại làm mưa thay trời nữa đó!
- Người ta đi hết hai đợt rồi.
- Đường ” xoi” thủng rồi sao ?
- Không phải.
- Chớ sao người ta đi?
-Đi lánh nạn.
- Nạn gì mà lánh?
- Ở đây gần địch lắm rồi. Anh không nhớ cách đây ba trạm mình cũng bị kẹt đường à ? Ở cái chỗ em xung phong múa hoa Champa, bị ông già Chín phá đám đó.
- Nhưng ở đó khác đây khác chớ !
- Không ! Theo như đồng chí đại diện bộ tư lệnh phổ biến thì bọn địch đang nằm trước mặt chúng ta. Có thể là. . .
- Ổng đâu rồi?
- Ổng đang đả thông anh em đằng kia!
- Đâu lại hỏi xem tình hình chút coi anh Năm.
- Thôi cậu đi đi! Tớ lo giấu gạo cái đã. Bộ tư lệnh nào cũng không bằng bộ tư lệnh gạo cả.
- Nhưng anh giấu đi đâu ?
-Trong ba lô!
- Để làm gì?
- Để không cho người khác thấy. Cậu cứ phơi bày ra đó, bị ăn trộm đấy.
- Gi ghê thế!
- Để rồi xem.
Mặc cho Năm Cà Dom lo chia sớt phân phối gạo, tôi đi về phía có tiếng còi văng vẳng. Tôi không phải lo âu gì về gạo. Bởi vì tôi không bao giờ ăn hết ba lon sữa bò một ngày. Cho nên nhiều lúc tôi cho bớt đi. Ngược lại có những người như Năm Cà Dom ăn một bữa hai lon gạo mà còn đòi thêm.
Tôi đến chỗ anh em tập họp. Anh đại diện bộ tư lệnh đứng trên một mô đất đúng ra là một cái nắp hầm cũ không ai dùng nữa.
Anh ta mặc đồ bà ba, quần xăn lên quá nửa ống quyển. Lưng đeo súng ngắn, vai mang sắc cốt da. Anh ta nói cà gật cà gật cái đầu và hét to từng chập:
- Ăn ở gì thế này hả ? Giống như một đám tàn quân thế này hả ? Tổ chức nát bét thế này đụng địch làm sao chiến đấu hả ?
Cứ mỗi câu ông đại diện bộ tư lệnh lại “hả hả ” một cái rõ to để chấm câu. Đám người lớp đứng lớp ngồi nghe ông ta nói thì cứ râm ran phản ứng từng lúc, từng câu ở từng khóm một. Cán bộ dân chánh thì phản ứng theo dân chánh, binh lính thì phản ứng theo binh lính, nhưng ông đại diện đang cáu nên cứ nói bừa lên đầu cái luồng dư luận vừa dấy lên kia.
Ông ta nói tiếp:
- Ỉa đái đầy suối thế kia. Than củi tùm lum thế kia. Quần áo phơi nhan nhản thế kia. Máy bay nó có mù nó cũng phát hiện được.
Một anh lính nói ngay, khá to:
- Máy bay nó ngửi được mùi cứt chúng mày ạ !
- Câm cái mồm tên vô kỷ luật ! ông đại diện bộ tư lệnh quát và trỏ vào cái nhóm lính đang cười rộ lên vì câu trêu tức vừa rồi.
- Chúng mày muốn tù hở! Đơn vị nào thế! Mất dạy? Này tao bảo cho biết ? Nó đánh không phải chỉ bằng máy bay thôi nhé. Trong rừng này không thiếu biệt kích nhé ? Người ta chết chỉ vì một cái tàn thuốc lá nhé ? Đừng có khinh người. Các anh ăn ở thế này nó thối ra nghe chưa ? Biệt kích nó đến ngay đấy, đừng có mà giỡn mặt Chừng chết nhăn răng ra rồi không ân hận kịp!
Ông đại diện Bộ tư lệnh tuôn ra một thôi dài không tả xiết. Xong ông đại diện bộ tư lệnh quát anh giao liên lập tức dời địa điểm đoàn khách, không được trì hoãn một phút.

- 11 -
Chúng tôi trở về, cuốn tăng, võng, vừa ôm, vừa xách lôi thôi lếch thếch đi theo anh giao liên.
Đúng là một đám tàn quân, như lời nhận xét của ông đại diện. Chúng tôi bị lùa vào một con suối cụt. Mà khi vừa bắt đầu đặt chân vô là chúng tôi phải kêu lên: “Khó thở quá ! Khó thở quá ! “
Một con suối nước trong vắt , nhưng mỗi lần nhúng chân xuống rút lên tôi có cảm giác là lông chân tôi rụng hết.
Tuy vậy Năm Cà Dom vẫn pha trò. Đang đi anh ta quay lại hỏi tôi:
- Cậu có nhớ hai câu ca dao không nhỉ ?
- Ca dao nào?
- Chết rồi! Nhà văn mà không biết hai câu ca dao Nam Bộ sáng tác ở miền Bắc thì chết rồi !
- Nhưng ca dao gì mới được chớ ?
Năm Cà Dom nói:
- Chú ý lắng nghe nhé ! E hèm ! Nghe cho kỹ nhé !
Ngang lưng thì giắt su hào
Đầu đội rau muống, chân quào bánh đa.
Tôi phá lên cười thích thú. Thu cũng cười. Và cả đám lóc nhóc đi đàng sau tôi cũng cười hưởng ứng.
Năm Cà Dom vẫn thản nhiên. Một chốc anh ta hỏi tôi:
- Bà con cười thế là cười gì ông ” nhà răng ” ?
- Cười rùm lên.
- Không phải.
- Cười ré lên ! Cười hùn !
- Không phải. Viết văn phải viết cho đúng tiếng ! Đây là cười tươi như mếu ! Chứ không phải à ? Trong lúc muốn khóc mà lại cười không phải cười tươi như mếu là gì ?
- Ái chà ! Đi vào lãnh vực của tôi rồi đấy hả ? Nhưng mà trong đời sống của dân gian, có mấy chục cái loại cười anh có biết không nào?
- ….
- Có nhiều, ai mà tổng kết cho hết. Chỉ có ông Nguyễn Tuân ổng mới làm nổi việc đó thôi. Ổng cho là có hằng trăm tiếng cười, kể ra đâu có xiết như cười xòa, cười khảy, cười mũi, cười rộ, cười trừ.
Năm Cà Dom cắt ngang tôi:
- Nhưng lúc nãy anh và cô Thu cười thì cười gì ?
Tôi ngẫm nghĩ và đáp:
- Có lẽ là cười rộ lên, phải không ?
- Chịp, tôi cũng không rõ. Nhưng mà thôi, để việc đó qua một bên. Tôi muốn nói đến cái thần tình của hai câu ca dao. Không biết thằng nào giỏi quá cơ. Nó chơi chơi mà thể hiện đúng cái con người của mình quá nhỉ.
- Ừ nhỉ thằng nào lại đặt ra mấy cái câu đó tài thật.
- Tôi chắc chắn không có một ông nhà thơ nào làm nổi !
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Tôi không phải văn nghệ sĩ, nhưng tôi xin phép bình hai câu anh xem có tài tình không ? Ngang lưng thì giắt su hào! …
- Ừ tài thật. Nó bắt chước bài Lính Thú Thời Xưa: Ngang lưng thời thắt bao vàng, Đầu đội nón dấu vai mang súng dài ! Nhưng bắt chước tài tình hả ?
- Ừ. Hay thật !
- Đầu đội rau muống, chân quào bánh đa ! Tuyệt hả, ông văn sĩ.
Tôi cười ngất:
- Cái hình ảnh đó giống như một chiến sĩ.
- Chiến sĩ cái kiểu như ông văn sĩ bây giờ vậy đó.
- Sao ?
- Thì còn sao nữa. Làm bộ hoài. Đầu đội rau muống mà chân thì quào bánh đa rồi còn gì nữa mà làm bộ gà mờ !
Tôi cười. Cái thằng cha này khó chịu thật. Nó xoi mói mình hoài. Nó lại còn trêu luôn cả Thu:
- Này cô Thu ạ! Cô đừng buồn nhé. Đó là ca dao rất phổ biến, chớ không phải tôi đặt ra đâu mà. Nước mình có ba kỳ Nam Trung Bắc. Mỗi Kỳ đều có đeo “anh xin” trên trán riêng hết thảy. Nam Kỳ thì khắc trái dưa hấu, Trung Kỳ thì in củ khoai, còn Bắc Kỳ vẽ cọng rau muống. Cho nên nói tới dân Trung Kỳ thì người anh em ta thường gọi là “Liên Khu Khoai” còn Nam Kỳ thì xanh vỏ đỏ lòng, còn Bắc Kỳ thì rau muống luộc. Ông bạn văn sĩ tôi đây ra Bắc hơn mười hai năm có lẽ ăn rau muống và su hào ngon hơn ăn dưa hấu rồi ! Phải không ông văn sĩ ?
- Còn anh ? Ra miền Bắc chắc anh không ăn cọng rau muống nào chắc?
-Úy úy ! Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy dân, sao không ăn ông bạn?
- Vậy sao ông bạn cười tôi ?
- Nhưng mà tôi thấy ông bạn ra đi đã một tháng trời rồi mà vẫn còn ngang lưng cứ giắt su hào và đầu vẫn cứ đội rau muống như thường.
- Úy ! Anh là bác sĩ, chắc anh cũng thừa hiểu rằng su hào với rau muống là những loại rau có nhiều sinh tố lắm chứ ?
- Hì hì…
- Và lại anh cũng công nhận là ngo…on chứ?
- Hé hé…
- Thế cho nên trong ba lô tôi có cả giống su hào rau muống đây! Về tới nơi là tôi kiếm đất trồng ngay, để lấy giống !
- Há há ! Ông văn sĩ giỏi thật ! Ông đối phó trong văn chương giỏi thật. Thế còn bánh đa thì ông làm sao mang về, bỏ nó trong ba lô thì nó vỡ hết. Này, nhớ là bánh đa chớ không phải cành đa hoặc củ đa nhé!
- Lại nữa!
Tôi tiếp:
-Ông bạn lại muốn nhảy vào làng văn ngồi chồm hổm trong đó rồi. Thì bánh đa chớ cành đa củ đa mang làm chi ? Trong mình thì có bánh tráng đó, có khác gì bánh đa mà phải mang cho tốn công ?
- Ừ ừ vậy hả.
- Chớ sao?
- Nhưng này ông văn sĩ !
- Gì?
- Tôi thú vị nhất là cái chữ quào bánh đa đó.
- Sao vậy ?
- Vì tôi hình dung bọn dưa hấu mình sống trên đất Bắc, anh nào cũng tham lam quá. Ngang lưng đã giắt cả lố su hào rồi, lại còn tham lam, dầu lại đội thêm rau muống, đầu đã đội thì hai tay phải vịn cho chắc kẻo rơi hết, thế là bận hết hai tay còn đâu mà hoạt động ! Cho nên hai chân phải “quào ” lấy bánh đa chớ không chịu ở không ! Gớm thật !
Năm Cà Dom bỗng đưa tay ngoặc cổ tôi lại và rỉ tai tôi:
- Như anh cũng giỏi đấy. Đi đây rồi mà còn ráng quào chớ cũng không chịu nghỉ ngơi!
Tôi cười và đẩy Năm ra vừa lúc Thu quay lại:
- Không nên nói nhỏ với nhau trước mặt người khác.
- Đâu tôi có nói trước mặt ai, tôi chỉ nói sau lưng thôi chứ.
- Trước mặt tôi đây còn không nữa à ?
- Tại cô quay lại cho nên tôi mới thành ra ở trước mặt cô như thế!
Thu quay lại giữa tiếng cười chế riễu thành công của Năm. Thu cứ lẩm bẩm:
- Các anh nói xấu tôi đó hả ?
- Cô đẹp thì ai nói xấu được ! Ai trở mặt làm trái được ?
- Gớm! Anh lắm mồm thế. Tôi chưa thấy anh Nam Bộ nào tay năm miệng mười như anh ! Người ta bảo Nam Bộ thật thà lắm !
- Ừ đúng ! Đú. . đúng ! Thiệt thà bắt con gà đổi con vịt như ông bạn văn sĩ của tôi đây này !
- Sụyt! Thôi mà.
- Thôi sao được ! Cô ấy bảo mình tay năm miệng mười ! Chúng mình chỉ có hai tay và một miệng chớ đâu có tới… nhiều miệng.. . ?
- Thôi, tôi lạy anh, anh như con đĩa đói ấy, bám vào đâu cũng khó gỡ cả.
- Hì hì… thì để cho dưa hấu thử tài với rau muống thử xem !
-Ai mà đấu cho lại anh!
Nói lải nhải như vậy mà chúng tôi đã đến nơi. Nói là đến nơi, nhưng không có vẻ gì đến nơi cả. Nhưng người ta bảo là đến nơi vì thấy có người hạ trại dài bên bờ suối. Kết quả của bài diễn thuyết của ông đại diện bộ tư lệnh là lùa đám tàn quân này vào cái suối này để ở ngoài ông ta nhét nút lại chắc !
Tôi bàn với Năm Cà Dỏm là đi tìm một chỗ nào tốt để đóng quân. Có nhiều đoàn cũng lao nhao như gà lạc mẹ đi tìm ổ như chúng tôi thành thử ra có cả một dãy người kéo lê thê đi tìm nơi hạ trại. Cứ đi dài dài, chân thì bước chậm rãi, mắt thì ngó hai bên bờ suối hễ chỗ nào tốt mình muốn dừng lại thì cũng đã thấy người nằm sẵn đó rồi.
Chúng tôi đi lộn xộn không còn giữ đoàn ba đứa như trước nữa hẹn với nhau rằng hễ đứa nào tìm được chỗ tốt thì gọi hai đứa kia đến.
Lộn xộn như thế nào mà một chốc, tôi lại đi sau lưng cô gái tóc quăn quăn lúc nãy tôi gặp trên kho gạo. Nghe cô nói chuyện với những người đi trước thì tôi biết đó là một cô gái quê ở vùng Tân Châu thuộc tỉnh Long Xuyên hay Châu Đốc chi đó và cô là người của Trường Nông Lâm Trung ương về Nam để chỉ dẫn cho nông dân vùng “giải phóng” cày cấy lúa và các thứ ngũ cốc khác. Đang đi bỗng có một nhánh tre ngã ngang qua đường. Ai đi qua cái nhánh tre đó cũng quẹt vào người và quặt lại phía sau như một cái ngọn cần bẫy.
Cô gái đỡ cành tre không cho quẹt vào người cô, và khi đi qua xong, cô không buông nhánh tre mà cầm giữ nó quặt ra phía trước, ý cô sợ nhánh tre quất vào mặt người đi sau bất ngờ không đỡ kịp. Cô quay mặt ra phía trước mà vẫn còn giữ cành tre như thế chờ cho tôi đi qua xong cô mới buông nhánh tre ra.
Ôi chao ! Bàn tay cô đẹp thế. Những ngón tay thon thon hơi béo tròn và đúng là mũi viết.
Khi bàn tay buông nhánh tre ra rồi, cái hình ảnh dịu dàng của bàn tay ấy cứ ở lại mãi trong đầu tôi.
Và cái cử chỉ lề độ nhã nhặn đó nữa ! Đi trên đường rừng này mà cô vẫn không quên cái văn minh của những nơi không phải là rừng.
Và có lẽ ở đời luật vay trả là sự công bằng chánh trực nhất để cho cái nhân tình thế thái, cho nên đi lộn tới trở lui thế nào mà chập sau tôi lại đi lên trước cô ta. Rồi lại đến một cái lạch nước và mấy bậc đá khá nguy hiểm, tôi phải chìa tay ra để lôi cô lên.
Tôi đưa tay cho cô, mà tim hơi rung động. Tôi bảo:
- Cô nắm tay tôi đây này, kẻo trợt ngã.
Cô gái tóc quăn ngần ngại mãi không chịu nắm tay tôi. Cô ta ngó quanh quẩn tìm xem có chỗ nào cô bước lên mà không cần đến bàn tay của tôi không ? Một bàn tay xa lạ với cô ta. Vậy cũng phải thôi. Ai người ta lại trao tay cho người khác dễ dàng như vậy ?
Tôi chờ đợi, với một ít xốn xang trong người.
Cuối cùng nàng phải đưa bàn tay cho tôi. Tôi hơi hoa mắt. Cái bàn tay gì đẹp kỳ lạ thế. Nó như một cái búp non đẫm sương vừa nhú đêm qua và khoe sắc trong tia nắng đâu tiền của mặt trời hồng mà tôi đứng trước nó là một gốc cây hết nhựa.
Tôi đưa tay tôi ra chậm chạp, e ngại, có phần rung động mà nắm lấy tay nàng. Tôi không cảm thấy gì ngoài sự tưởng tượng rằng mình đang nắm lấy một mảnh nhung.
Rồi thôi, chỉ trong chớp mắt tay tôi và tay nàng rời nhau ra, tạm biệt. Một ít đau khổ !
Tôi còn đang bâng khuâng trước cuộc tao ngộ và tạm biệt bất ngờ đó thì có tiếng Thu gọi từ bên bờ suối.
Tôi giật mình đánh thót như một kẻ cắp bị bắt quả tang.
Chết chữa ! Đáng lẽ một con người như tôi bây giờ thì không nên mơ ước gì hơn nữa. Vì trên đường Trường Sơn chó ăn đá gà ăn muối xác rác xơ rơ tả tơi tan nát như thế này mà lại có cả một mùa… Thu thì còn mơ ước cái gì nữa.
Vậy mà rồi tôi vẫn có trong tôi một sự nhóm lên của ước mơ. Thu đã trông thấy cái cử chỉ vừa rồi của tôi với nàng tóc quăn và ..có lẽ nàng cũng đoán ra những tình cảm tôi. Nàng đã tìm ra được chỗ tốt và đứng đó chờ tôi đi qua. Tôi đi theo nàng, không dám quay lại nhìn cái bàn tay kia lần nữa.
Thu nói:
- Chỗ này tốt lắm anh ạ.
- Còn anh Cà Dom đâu ?
- Ở kia kìa.
- Chào ông nhà. . . răng ! ông đi tìm đề tài hả ? Cha chả cái đề tài đó hay lắm đó, ông đã bắt được lúc ở kho gạo mà có hứng chưa ? Nếu tôi không nhầm ….
Năm Cà Dom tuôn ra có loạt nghe mà mệt đi thôi.
Tôi quát:
- Anh cho tôi nghỉ một chút !
- Khà khà… à à anh đang “mệt” phải không. Tim anh đang đập mạnh mà !
- Anh lúc nào cũng bắt mạch người ta.
Chúng tôi vui vẻ sửa soạn chỗ ở.
Thôi rồi ! ở đây là nơi “nghỉ ‘ngơi” lâu dài không hẹn ngày tái hành trình. Bao giờ đi tới được nữa ?
Anh giao liên không ló mặt ra lần nào để tôi có dịp hỏi chuyện, nhưng Thu thuật lại anh ta có nói với Thu rằng cứ nằm đây chừng nào có lệnh thời đi, nếu đi không được phải quay trở ra. Thu thuật lại cho tôi nghe, với sự thích thú lộ ra mặt về cái vế thứ hai của lời nói anh giao liên.
Thu đang mong điều đó.
Mưa, chao ôi mưa rừng. Ở giữa rừng lạnh, đã buồn lại thêm mưa mà mưa dai dằng vô cùng, mưa nặng hạt mưa tai hại chứ đâu phải những trận mưa mát thịt da tươi cây xanh lá như ở đồng bằng. Mưa trói chân trói cẳng và làm rệu rã cả lòng người.
Có lẽ trời đã về chiều, nhưng không có dấu hiệu gì của buổi chiều cả. Cuộc đời chúng tôi cũng đang lúc chiều tà như cảnh núi rừng này vậy.
Thu thì đang ước mong đường tịt để “quay” một cách hợp pháp, còn tôi thì đang xốn xang bứt rứt vì sợ đường tịt phải làm một tên “bê quay” bất đắc chí, riêng bác sĩ Cà Dom thì nằm võng hát hê hát hà không tỏ vẻ lo lắng ái ngại chút nào cả.
Tôi hỏi anh ta:
- Anh đang nghĩ gì đó ?
- Cái ăn.
- Cái gì?
- Xem cái gì ăn được thì ăn !
- Có khô có muối có gạo rồi.
- Bấy nhiêu mà đủ à ? Tôi nghi phen này nằm lại ít ra là một tháng Cậu biết chưa?
- Tôi đâu phải thầy bói.
- Bói biếc gì, nhưng để rồi xem. Tình hình này găng xi măng lắm. Nghe nói tốp đi trước mình bị biệt kích xơi một cú nặng. Nguyên cả đội xích hầu Trung đoàn bị giết sạch, một tay Trung đoàn phó bi mất tích. Tôi nghi là bị bắt sống. Nếu bị bắt sống thì nguy hiểm vô cùng. Kế hoạch hành quân lộ bí mật, nhất định nó sẽ chặn đường mình. Thế là mình treo võng nằm đây đến mục dây võng mới đi được.
Tôi thở dài.
Thu lặng thinh. Có lẽ Thu không vui trong lúc đáng lẽ Thu phải vui, vì nếu không đi được thì phải trở lại về. .. Hà Nội, giờ đối với Thu về Hà Nội đâu phải là nhảy lên tàu điện mua cái vé hai xu rồi đứng treo tay trên nóc tàu nhìn phố xá diễn hành qua mặt mình, chưa mỏi chân là từ Câu Giấy về đến nơi. Cho nên. theo tôi đoán thì tâm sự Thu bời bời. Cứ đi một bước đi một bước ngập ngừng nhưng phải đi vô mà đi làm gì, chính Thu cũng không xác định được, chỉ có đi ra là xác đinh được mục đích mà thôi. Ra để không bao giờ vô nữa.
Năm Cà Dom khuấy tan cái không khí vắng lặng mà thường thường nó là cái đống rơm đầy meo bất mãn ủ đến độ cho những tai nấm bất mãn muôn màu mọc lên.
Năm Cà Dom nói:
- Thôi mình đi kiếm ăn cái đi !
Tôi hỏi:
- Kiếm cái gì?
- Xách dao đi cái đã rồi sẽ biết mình kiếm cái gì chớ nằm lắc võng thì biết kiếm cái gì, mà có muốn kiếm cái gì cũng không kiếm được ngoài mấy chú “đòn xóc”.
Rồi Năm Cà Dom bảo Thu:
- Thôi Công chúa Nương Mỵ Ê ở nhà nhé. Đừng có mếu nữa xem nó ê ẩm ruột gan lẩm công chúa ơi !
Tôi bật cười. Thu cũng cười.
Cái anh chàng này không hiểu sao mà cứ càng nói càng có duyên thêm. Ở đâu mà y lại nhớ cái tiếng Mỵ Ê và phóng ra trong lúc này vậy?
Nhìn gương mặt Thu đúng là “ê” thật.
Hai đứa xách dao ra đi như hai chàng hiệp sĩ xách đoản kiếm đi phiêu lưu trong miền hoang dã.
Suy nghĩ mãi rồi, không lối ra cho nên tôi cũng không buồn suy nghĩ nữa, miễn sao đừng sốt thì thôi tới đâu thì tới.
Hai đứa cứ đi lang thang dọc theo bờ suối, nhìn chỗ này ít cái, nhìn chỗ kia ít cái, chỗ nào cũng có người. Chúng tôi đi mãi cho đến không còn người đóng trại nữa. Con suối lạnh buốt cho nên chúng tôi ít dám lội dốc nước và tránh ướt chân.
Tôi có cảm giác lạch suối như một làn máu bầm chảy ra từ một vết thương kinh niên.
Đi một chập thấy có mấy người chặn một khúc suối để tát bắt cá. Một chập lại thấy mấy người khác giở những hòn đá lên để tìm bắt những chú cua. Những chú cua này đen như than và to bằng những chú cua cắn mạ ở đồng bằng Nam Bộ nghĩa là bằng ngón chân cái, nhưng trông nó khô khan man rợ chứ không có vẻ màu mỡ như cua đồng.
Đi một chập nữa, lại gặp một anh cán bộ quân sự. Anh này cầm trong tay một khẩu K54. Anh đi rón rén và nom xuống xem xét những trũng nước, như một chú cò soi những con cá dưới ruộng . Bỗng anh ta dừng lại rồi, đoàng! đoàng !
Nước tóe lên trắng xóa, vằng vào cả mặt anh ta, vuốt mặt và càu nhàu, văng tục:
- Tao cho mày chết ! Đ. m ! Tao cho mày chết !
Rồi anh ta tìm mãi cái gì ở chỗ anh ta vừa nổ súng. Chúng tôi hỏi ra mới biết anh ta bắn vào một đàn cá lòng tong. Năm Cà Dom cười:
- Xạ thủ nhất hạng bên Tây
- Hạng nhì bên ta! Tôi cười và hỏi anh chàng xạ thủ: Đồng chí bắn được mấy con rồi ?
- Đâu có được cái khỉ gì đâu ! Trông kìa, nó chạy ngờ ngờ đó, bắn liền mấy phát mà không trong ma nào cả.
Năm Cà Dom lôi tôi đi và nói:
- Cái thằng khùng.
- Sao?
- Cán bộ quân sự gì vậy ? Không hiểu qui luật của đường đạn chi cả. Bắn bừa như vậy, viên bạn có thể xẹt trúng mình đầy ! Năm Cà Dom giải thích tiếp:
- Hồi kháng chiến chống Pháp, tôi cũng thấy một thằng cha bắn súng cái kiểu đó. Đó là thằng cha Thiếu lăng quân. Y đi cầu. Cá chốt bu lại rỉa. Thế là y móc súng bắn luôn một loạt remington. Viên đạn xẹt lên sượt trán may không thôi chết.
Không đợi tôi hỏi thêm, Năm Cà Dom tiếp.
- Vì viên đạn vọt ra khỏi nòng súng đỏ như thỏi sắt nung, chạm vào nước gây ra một phản ứng rất mạnh, cho nên đường đạn không còn bình thường mà nó quặt sang hướng khác rất bất ngờ, ông văn sĩ hiểu chưa ?
Năm Cà Dom ngẫm ngẫm một lát rồi nói tiếp:
- Cũng như bây giờ mình đang đi tìm cái ăn thơ thẫn dọc con suối này, nếu có thịt nai, thịt heo phía bên phải bên trái thì mình quay ngang ngay, ai can cho lại.
Chúng tôi đang đi thì thấy từ trên nguồn có hai người đi xuống. Họ cầm trên tay mấy cái gì giống như tàu hủ cau. Một người vừa bẻ ra từng mảnh và cho vào mồm. Tôi chưa kịp hỏi thì Năm Cà Dom đã hỏi trước:
- Cái gì đó, cho tôi thử với.
- Cây đái ! Kia kìa ! Thiếu gì đó !
Một người chỉ tay vào bụi rậm. Và tiếp:
- Hạ xuống mà ăn ! Coi vậy chớ ăn khá lắm. Giống in như cái củ hu cau trong mình.
Tôi và Năm Cà Dom nghển cổ cò lên nhìn.
Trong lùm rậm vượt lên những thân cây xám suông óng như thân cau, lá cũng giống như lá cau, nhưng nó lại không có buồng có trái. Cả một chòm mươi cây như một bờ cau nho nhỏ ở quê nhà.
Tôi biết Năm Cà Dom cũng đang nghĩ như tôi về giống cây rừng này, nhưng Năm Cà Dom không nói chi cả. Anh ta không hay biểu lộ tình cảm về quê hương ra ngoài , trái hẳn với tôi, cái cây ngọn cỏ cái gì cũng làm cho tôi nhớ quê hương lạ lùng.
Năm Cà Dom nói phang ngang, có lẽ để gạt phăng đi cái tình cảm trong tôi mà y đoán biết:
- Đốn được một cây có mà hụt hơi.
- Nhưng muốn ăn thì phải đốn.
- Cái gốc cây to quá cụ ơi !
- Sao mà to dữ vậy ?
- Xem kìa. Tôi trỏ vào bụi rậm. Cái gốc đó làm sao mình hạ cho nổi.
Năm Cà Dom nhìn tôi và cười:
- Sao cái gốc kia thì hạ nổi ? Nhứt… nhì kéo cưa mà !
- Hì hì… anh cũng hiểu rồi, lựa là phải hỏi.
- Thì hỏi vậy thôi! Nhưng gốc kia hạ nổi thì gốc này cũng phải hạ nổi chứ.
Chao ôi, bây giờ đứng lên ngồi xuống, ngồi xuống đứng lên cũng phải lượng sức mình nữa là chuyện đốn cả một cái cây to tướng như thế bằng lười dao găm to bằng ba ngón tay và lục như trành bằm.
Nhưng muốn ăn phải lăn vào bếp.
Phải nghĩ xa mà tiết kiệm số khô và muối vừa giật được, chứ nếu chúng tôi biết rõ lúc đi và ngày đến như mọi khách bình thường khác thì lựa là phải tiết kiệm làm chi ?
Năm Cà Dom đã lủi vô bụi vạch đường chui vào sát gốc cây và ngoắc tôi:
- Vô đây nghiên cứu!! .
- Ngửa còn chưa xong nữa là “nghiêng. “
-Có khi phải nghiêng, nhưng chính là phải ngửa!
- Gì…
- Nếu mà cậu làm cha ở dọc đường này thì con cậu sẽ tên là Trường Sơn hả?
Tôi giật mình đánh thót:
- Cái gì cơ?
- Ừ thì cái đó đó!
Tôi như bị bấm trúng mạch tim, tôi ậm ờ một chốc rồi trả lời.
- Nhưng mà theo luật ô-gi-nô thì không có đâu.
Nhưng Năm Cà Dom là bác sĩ. Hắn đâu có dễ gì mà nghe lời tôi phân bua. Hắn nói.
- Lần đó thì không sao, đúng rồi, nhưng lần khác thì biết đâu đấy!
Tôi lại muốn cãi nữa, nhưng Năm Cà Dom đã nói tiếp ngay:
- Tôi nói như vậy là vì ông bạn văn sĩ ơi, có những trường hợp kỳ cục lắm. Người vô Nam hai năm đi chưa tới nơi. Đấy, ông bạn thấy chưa?
- Gì mà ghê gớm thế hả?
- Ủa, có thật mà. Tôi có quen một thằng bạn. Nó khỏe như vâm.Nó đi vô nam rồi trở ra dắt vợ vào.Nói đúng hơn là nó cõng vợ nó đi luôn. Nhưng đó chỉ là một trường hợp mà cậu không tài .nào làm được. Còn có trường hợp một anh bạn đi hoài không tới. .
Cứ hễ nó vô tới khu Sáu là bắt đầu đau, đau nằm đã đời, chữa bịnh không khỏi, cho nên bắt buộc anh ta phải quay ra.
Năm Cà Dom kể tiếp:
- Nhưng số kiếp long đong, Trường Sơn nặng nợ, cho nên vào không thấu thì lại ra, ra rồi lại đút đầu vào. Mà anh ta thiệt cũng liều. Nhưng kể ra thì cũng không phải là liều, mà vì nhớ nhà nhớ cửa quá sá, chớ ai không biết con đường này là con đường chết. Mà vẫn phải đi. Qua cái chết, tìm cái sống. Thế đó.
Thấy ông Cà Dom đi vào triết lý, tôi chêm thêm:
- Thiì đúng vậy cũng như chúng mình bây giờ đây, nếu quê hương mình là Lào Kay, Yên Bái thì buộc mình đi sau đít xe tăng mình cũng chơi lại. Dễ gì mình đi ! . . .
- Ồ tớ đã nói cậu không có giấu giếm mà ! Tớ đã bảo tớ về đến nơi là tớ nuôi ngựa đua liền ! Đó là nghề của tôi, còn bác sĩ là nghề bất đắc chí. Chớ không bất đắc chí à ? Tôi nói thật, từ ngày tôi biết cầm kim chích cho người ta tới nay tôi toàn gặp những gì đâu, thật khó chịu. Nhất là trên đường này. Cậu xem đó, mổ ruột thừa mà bằng lưới cạo râu. Hỏi chớ thế giới cổ kim ở đâu có trường hợp này ?
Tôi lủi vào ngồi với Năm Cà Dom bên cái gốc cây mà Năm định hạ xuống để ăn củ hủ. Tôi hỏi:
- Phải kỳ được mình nghe vụ mố ruột thừa bên kia sông Bến Hải đó không ?
- Ừ, cái vụ đó chớ vụ nào, anh coi có chết người không ? Nếu anh là bác sĩ, anh lâm vào trường hợp đó thì anh nghĩ thế nào
- Nghĩ thế quái nào được. Thôi bỏ đi, bây giờ thì lượng thử sức xem có đốn nổi cái gốc cây này không ?
Năm Cà Dom hăm hở rút con dao găm mà Năm đã bao lần khoe là rất bén ra chém hai ba cái liền, rồi năm sáu cái tiếp nữa. Năm Cà Dom nhìn vết chém trên thân cây và lắc đầu.
Năm Cà Dom thở ra và lại lắc đầu.
- Không được.
- Sao ?
- Thử đốn vài nhát rồi biết.
Tôi nhìn vết chém, rồi sờ vào đó. Vết chém như vết trầy trên da bị gai quào. Nó cứng như gốc cau.
Rồi Năm mau mau lủi ra. Tôi cũng lủi theo. Tuy không được gì nhưng rất mừng. Thà nhịn còn hơn phung phí sức lực với gốc cây này. Đâu còn sức để mà phung phí. Ở đây thiếu tất cả. Chỉ có một cái thừa. Đó là tật bệnh, đói khát.
Chúng tôi trở ra bờ suối thả xuôi về. Tôi bỗng nom thấy một dáng gầy lóm thóm đi với bộ chân chằng hiu. Và đặc biệt mớ tóc bạc trắng như bông. Tôi gọi:
- Hoàng Việt !
—>Chương 12


- 12 -

(Độc giả nam nữ thân mến ! Tôi viết những dòng này với lòng yêu mến chàng nghệ sĩ tài hoa của đất Sài Thành ra đi kháng chiến chống Pháp đầu năm 1946. Có lẽ ngày nay vẫn còn đôi người yêu nhạc còn nhắc nhở tài danh Lê Trực đã từng làm rung lên hàng vạn trái tim nam thanh nữ tú bằng tiếng đàn son trẻ của Lê Trực đã hiện lên trên ngũ tuyến biểu của khúc ca “Tiếng Còi Trong Sương Đêm” như những cánh bướm say tình. ..
Tôi đã vượt Trường Sơn cùng với Hoàng Việt tức Lê Trực xưa của đất Sài Gòn. Hôm nay cả Hoàng Việt lẫn Lê Trực đều đã nằm im dưới đất ở một miền nào không rõ địa danh, nhưng có lẽ người yêu nhạc vẫn còn giữ lại cái dư âm của “Tiếng Còi Trong Sương Đêm ” như một kỷ niệm u buồn.
Vậy có thể những ngày cuối cùng của chàng nghệ sĩ mà tôi sẽ ghi lại trên con đường khổ ải kia, sẽ không đến đỗi làm mất thì giờ của độc giả.)
Đích thị là anh ta rồi ! Hoàng Việt quay lại.
Hoàng Việt gọi tên tôi, rồi phá lên cười. Tiếng cười của chàng nhạc sĩ vẫn tếu lại vừa châm chọc.
Hoàng Việt nhìn thẳng vào tôi và Năm Cà Dỏm đang đi tới và nói:
- Chà chà! Cái bụng teo là trông thấy. Thu vô mấy nấc dây nịt rồi vậy ?
- Mới có vài nấc thôi !
- Vài mà mấy?
- Tức là từ hai tới ba…!
- Khỏi tập thể dục he .
- Còn anh cái bộ bánh chè còn khua hết?
Rồi chúng tôi hỏi nhau ngay về tình hình của đoàn:
- Anh nằm lại đây hôm nào ?
- Nếu so với cậu thì bằng nhau.
- Bằng nghĩa là sao ?
- Nghĩa là tôi đi trước nhưng rồi cậu cũng bắt kịp chớ sao ! Nghĩa là trong lúc cậu nằm thì tôi đi, còn lúc cậu đi thì tôi lại nằm.
- Còn đứa nào ở lại với anh nữa không ? Tôi lo ngại hỏi.
- Không! Chúng nó đi mất mẹ hết rồi. Đứa nào thấy mình đau, cũng lẩn đi hết. Ở lại mần chi với thằng già này ? Ở lại để khiêng để vác à ?
- À,quên nữa !
- Sao?
- Thằng Lâm còn khóc dọc đường không?
- Hôm nay nếu cậu gặp lại nó chắc cậu sẽ không nhìn ra nó. Nó còn bằng con nhái bầu thôi !
- Anh ở đâu ?
- Ở đằng kia kìa.
- Quăng ” mấy cái tựa ” thì tới !
- Không xa đâu ! Đi giỏi thì tới trước mặt trời, đi chậm thì sau thì tới sau mặt trời.
Hoàng Việt nói với giọng bắt chước người Thượng. Chúng tôi nhại lại cái câu công thức của những anh giao liên người Thượng mỗi khi anh ta bị khách gạn hỏi bao giờ thì đến, mà cười xòa với nhau.
Hoàng Việt hỏi.
- Miss Thu ở đâu?
- Ở với “moả”.
- Ui cha cha, tài tử giai nhân mê mệt he!
- Ghé tụi tôi chơi, anh !
- Cậu thiệt không hở, buông cái này bắt cái khác !
Rồi chúng tôi dắt ông bạn nhạc sĩ về lều.
Lúc bấy giờ Năm Cà Dom mới đến trước mặt Hoàng Việt:
- Nhớ tôi không, ông bạn Lá Xanh ?
Hoàng Việt chớp chớp mắt nhìn Năm Cà Dom. Năm Cà Dom cười:
- Ông bạn đi Tây đi u nhiều quá rồi quên hết anh em.
Hoàng Việt vẫn nhìn Năm Cà Dom mà lặng thinh.
Tôi xen vào:
- Năm Cà Dom!
- À ạ…Năm Cà Dom!
Hoàng Việt như vớ được một đầu mối trong ký ức, nhưng nó hãy còn mơ màng chưa phăng ra gốc được.
Hơn nữa trên con đường này đầu óc minh mẫn của con người bị kí-nín nhuộm vàng đâu còn sáng suốt mà nhớ nổi những kỷ niệm của thời kháng chiến chống Pháp đã lộn xà ngầu cùng với nhữngsự việc mới như một mớ xà bần.
Năm Cà Dom trầm tĩnh và hóm hỉnh hỏi nhà soạn nhạc:
- Anh có nhớ lúc 307 xuống miền Tây’và chúng tôi gặp anh ở Ô Môn không nào?
- À tôi có xuống Ô Môn một vùng gạo trắng nước trong của miền Tây Nam Bộ. Cảm tình lắm.
- Rồi kế đến chúng tôi đánh đồn Tây ở Bảy Ngàn.
- Vâng, chính nhờ trận đánh đó, tôi viết bài “Đêm Mưa Dầm”.
- Rồi sau đó chúng tôi xuống vùng Cà Mau, Bạc Liêu, đánh tàu ở Kinh Nhật Nguyệt.
-Trận đó… Hoàng Việt bỗng kêu lên vỗ đánh bốp vào bắp đùi:
- Tôi nhớ ra rồi. Kinh Xáng Nhật Nguyệt. Trận đó tôi nhờ anh mang cái ” ba-lô-ma ” của tôi phải không ! Ôi chao ! Thiệt là gặp lại anh bất ngờ. Ừ ừ, có những người chiến hữu mình tưởng đã chết mất từ lâu, chẳng ngờ còn sống gặp lại mình.
Hoàng Việt tiếp:
- Trận đó, mình bị Tây rượt nột quá mà trước mặt thì con Kinh Nhật Nguyệt rộng mênh mông còn mình thì toàn “lội chó. ” Thế mới biết tài Năm Cà Dom. Gớm thật.
Hoàng Việt nói với tôi:
- Sông rộng thế mà anh ta một tay cầm ba khẩu súng trường giơ lên, một tay bơi xốc đứng.
Tôi cười:
- Vì thế mới có danh hiệu Cà Dom.
Hoàng Việt ngoặt sang ngay vấn đề ăn uống:
- Này, các cậu ăn uống thế nào ? Ủa Miss Thu đâu rồi ?
Tôi đáp:
- Tụi tôi vừa mới cướp giật được một mớ cá khô. Anh còn gạo không? Đem lại đây nấu cơm, còn thức ăn thì tôi bao cho một bữa.
- Bao có lủng không đó !
- Không sao đâu, cứ tự nhiên như một vị “khách… không mời mà đến. “
Hoàng Việt vui vẻ:
- Nhưng đãi món gì mới được chớ ?
-Thịt bò bảy món được không?
- Chà ! Dân Sài Gòn hả ông bác sĩ ?
- Không, Hóc Môn!t Còn anh ?
- Sài Gòn chánh cống con nai chà !
Hoàng Việt lại vui vẻ:
- Bỗng nhiên ông bạn làm tôi thèm rỏ dải vì cái món thịt bò đặc biệt đó. Kỳ thật, cái thằng cha này.
Hoàng Việt lên võng của tôi ngồi đu đưa. Và cười như nắc nẻ:
- Hay thiệt! Ở giữa chốn này mà nói chuyện thịt bò bảy món thì vui thật – Hắc hắc… chỉ tiếc cái là không có thực thôi…
Hoàng Việt là một con người hồn nhiên. Sống trong khung cảnh nào cũng vui vẻ bô lô ba la như vậy.
Hoàng Việt là một nhạc sĩ có tài, nếu không nói là nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Văn Cao đã ngợi khen anh chàng này khi anh ta đi học nhạc ở ngoại quốc về và cho biểu diễn bản nhạc giao hưởng Quê Hương ở nhà hát lớn Hà Nội. Cộng sản cũng thừa biết rằng anh chàng này có tài, nhưng vẫn bạc đãi anh ta như thường.
Một cái anh chàng mà sáng tác nổi một bản giao hưởng (symphonie) như thế đâu có phải là có nhiều, mà là hiếm có, chưa có từ trước tới nay ở xứ Cộng sản miền Bắc.
Ấy vậy mà… khi về Nam, Hoàng Việt cũng quảy ba lô mang dép râu lội Trường Sơn như đám cá kèo lóc nhóc.
Hoàng Việt cũng lãnh một lít muối, một lon khô, một túm thuốc và quần thô áo vải nhúng nước, ướt mưa, nặng như sắt !
Vậy mà Hoàng Việt không thắc mắc chi cả. Cái lốt nhạc sĩ, anh ta quẳng đi qua một bên, làm một người Nam Bộ tha hương lâu ngày, nay được dịp may trở lại quê hương, bất chấp mọi việc. Trong lúc đó thì không thiếu chi những vị dây mơ rễ má với các ông lớn, nhờ chạy cửa sau mà được đi ” mé bay. “
Các bạn cứ thử nghĩ xem, một con người như vậy mà lại mang bị gậy lội Trường Sơn. Trong lúc người ta luôn luôn bô bô cái mồm đề cao văn nghệ hết mức (để khai thác khả năng phục vụ chánh sách Đảng) .
Anh ta đi như một thằng lính tải, lẫn trong đám vô danh. Nhưng không riêng gì anh Hoàng Việt mà cả bọn ” kỹ sư tâm hồn ” ma khác chúng tôi, anh nào anh nấy cũng thế thôi.
Hoàng Việt ốm tong ốm teo, một người Việt Nam loại bé, chỉ có cái hồn nhiên và mái tóc bạc là cái hấp dẫn nhất trong người anh. Ngoài ra thì còn mấy ngón tay nhuộm nhựa thuốc vàng cháy.
Anh ra đi phấn khởi hăng hái thực sự, vừa đi vừa cười nói râm ran, cười như nắc nẻ. Anh vui vẻ nói oang oang lên: “Tao về tới nơi thì năm sau tháng này chỉ Bảy tụi bây (tức vợ anh) sanh một thằng con trai đặt tên là Lè Tương Phùng ! “
Anh đi dọc đường gặp cái gì cũng lượm, và có một sự giải thích rất hợp lý nên anh tự cho phép mình nhặt tất cả những thứ ấy gắn vào ba lô. Anh nhặt cái hộp lon thi bảo: “đây là một dụng cụ toàn năng dùng vào chuyện gì cũng tốt cả, múc nước, nấu cơm, ca uống nước, dụng cụ nhạc! “
Anh nhặt một sợi mây với sự giải thích: “bỏ sẵn trong ba lô đó có nặng bao nhiêu đâu, khi cần, nửa đêm mắc cái tăng quờ đâu ra!”
Anh nhặt một cái mẩu ni lông thì cho rằng “nó sẽ đắc dụng vô cùng . Tụi bây cứ quen ngồi trên ba lô hỏng đồ đạc hết ! ”
Cho nên cái ba lô của anh phình to hơn người anh và đầy râu ria phụ tùng lóc cóc leng keng ở bên ngoài. Vậy mà còn những thứ khác không thể dồn hết vào ba lô phải mượn đám thanh niên mang dùm. Cái áo ni lông hai da không biết anh mua được ở đâu chứ Hà Nội thì không có bán. Anh mang về cho thằng con trai. Cũng may là cái áo mất dọc đường chứ đem về cho thằng con trai thì chắc nó càng thấy phụ tử thâm tình . Cái Radio của ông thầy dạy nhạc anh ở Bungarie. Cả hai thứ này đều thừa nếu thãi ở Sài Gòn nhưng tội nghiệp anh đi xa Sài Gòn lâu quá anh muốn đem về cho con một chút tình cha. Ngoài ra còn cái băng nhạc bài “Quê Hương Giao Hưởng” của anh. Nhưng cậu mang dùm lại sốt rét ác tính chết dọc đường. Cậu này là họa sĩ tên Nguyễn Văn Núi.
Đấy rành rọt chi tiết về một con người mà tôi quen không nhiều chứ ít ra cũng hai mươi năm.
Cho nên gặp lại Hoàng Việt tôi rất mừng không ngần ngại đãi thức ăn cho anh (còn cơm thì tự túc) một cách thẳng thắn như thế đó.
Chúng tồi nấu cơm. Hoàng Việt cũng về lo nấu cơm để mang lại. Năm Cà Dom hỏi tôi:
- Thằng cha có tài vậy mà bắt đi bộ như mình à ?
- Ai?
- Hoàng Cò chớ ai!
- Suỵt, đừng gọi Hoàng Cò, ổng la dữ lắm.
- Sao la ? Việt cũng nhìn Cò vậy chớ khác gì ?
- Ổng đổi tên rồi.
- Tên gì?
- Lê Quỳnh.
- Tại sao phải đổi?
- Vi hai lý do. Lý do thứ nhất là trên đường đời này không ngờ lại có một thằng khác cũng tên Việt đi gần bên cạnh anh hằng ngày mà lại là một thằng xạo, một thằng láu cá vô dụng mà lại hưởng tiêu chuẩn cao hơn anh trong lúc đi đường.
- Là cái thằng chó chết nào kỳ cục vậy ?
- Là cái thằng Trí Việt đại úy quân đội dốt đặc cán mai mà làm biên tập Điện Ảnh đó. Nó mê con Thu lắm. Nó giả đau nằm lại trạm chờ con Thu để mong nhờ hoàn cảnh rừng núi mà hoạt động có kết quả, nhưng Thu vẫn không yêu như thường cho nền hắn lủi mất rồi. Có thể nay mai anh ta lại gặp mình, rồi tôi giới thiệu cho mà tiếp xúc.
- Chao ôi ! Văn nghệ của ông nhiều nhân vật đặc biệt lắm.
- Đó, vì thế cho nên cụ Hoàng ta mới thay danh đổi lánh. Nhưng còn một lý do nữa là… cụ Hoàng sợ lộ bí mật.
Năm Cà Dom ngẫm ngẫm một cuộc rồi nói:
- Đi giải phóng Miền Nam, la om trên đài nghe oai linh hùng vĩ lắm, thế mà trên mặt đất thì lén lút như đi ăn trộm. Đi đâu chẳng dám đi đâu, còn tên họ thì lại đổi hết. Nói chuyện thì xầm xì rỉ tai chằng dám nói to với nhau, giống tuồng bọn móc túi !
- Nói bậy cậu !
- Đúng vậy chớ, bậy sao được !
- Vậy sao cậu còn đi, còn đổi tên ?
- Chứ không đi đường nào về xứ được ?
- Vậy trên đường đi này cậu lấy tên gì ?
- Cà Dom!
- Nhưng có ai gọi bằng cái tên đó đâu ?
- Bây giờ thì tôi không cần, ai gọi gì cũng được, miễn tôi đi lọt vô Nam thì thôi.
- Đôi khi phải chịu nhục cậu ạ !
-Ứ hự!
- Tôi đây họ xét đi xét lại, “nghiền úp nghiên ngửa” mất ba năm trời mới cho tôi về đây.
- Tôi như cậu thì tôi không về làm mẹ gì. ở ngoài Bắc như các cậu, viết văn ngồi mát ăn bát vàng tà tà, về làm mẹ gì cho nó mệt. Ở đâu mà viết chẳng ra văn ?
- Cậu nói dễ ăn quá !
- Chớ sao.
Tôi cười:
- Cuộc đời của mình, mình không còn chủ động nữa, mà do ai đâu quyết định. Tôi bực mình lắm nhưng mà biết làm sao ? Có lần tôi đã nói thẳng với thằng cha tổ chức cơ quan: nếu kỳ này mà không cho tôi về, là tôi cưới vợ. Và khi tôi đã cưới vợ rồi thì tôi không về nữa. Có làm gì tôi cũng không về.
Năm Cà Dom cười khì khì:
- Trung thành với rau muống luộc dữ vậy ? Rau muống quấn chân hả ?
- Không phải vấn đề giản đơn là rau muống quấn chân nhưng đây là vấn đề nhân đạo.
- Nhân đạo làm ..?
- Nhân đạo đối với con người, với mình.
- Nghĩa là sao chớ ?
- Cậu có nhìn thấy ở đâu có tình trạng như nước mình không ?
: Nhưng mà sao mới được chớ ?
- Đất nước chia đôi, chồng Bắc vợ Nam ! Vợ trong Nam chờ đợi mười mấy năm trời, chồng ngoài Bắc cũng lóng ngóng mười mấy năm trời, kêu trời không thấu.
Năm Cà Dom cười:
- Khặc khặc ? Vì thế mới có câu thơ “đất Bắc anh gìn con tí ngẳng, trời Nam em giữ cái bề hê” là vậy đó.
Tôi không để ý tới sự pha trò của bác sĩ Cà Dom mà tôi quạu thực sự Tôi nói:
- Giữ với gìn cái con mẹ gì. Đàn bà mà bỏ đi mười lăm, mười bảy năm thời trẻ trung thì còn gì nữa.
- Chưa tới mười lăm năm, mới có mười bốn năm thôi, 1954-1967 mà !
Tôi nói:
- Bây giờ thì mới mười bốn năm thôi, chứ tương lai thì vô hạn định. Trời ! Vậy mà hồi được người ta đem vợ con theo lại không cho.
- Để tàu rộng người ta chở lúa ra Bắc chớ !
Tôi nói tiếp:
- Anh có thấy cảnh chia ly đó không ? Cha con không biết mặt nhau. Vợ chồng chờ nhau từ tóc xanh đến tóc bạc! Còn chờ làm gì?
- Ý, có nghĩa lắm chớ. Chờ ổng về bả ngoáy trầu cho ổng ăn!
Tôi lại tiếp:
- Cho nên tôi nhất định không lấy vợ Bắc, mà chờ ngày về Nam. Nhưng hễ không cho tôi về, tôi cưới vợ rồi thì tôi không về nữa.
- Cho rau muống quấn chết luôn.
- Nhất định, chớ có vợ con rồi về Nam bỏ vợ bỏ con mình ngoài đó mà chịu được sao ?
Năm Cà Dom cứ nói quát ra:
- Úy chu choa, anh Nam Kỳ mà lấy Bắc Kỳ thì đẻ con khôn nhất trần đời. Tôi thấy rất nhiều rồi đó !
Năm Cà Dom ngẫm ngẫm một chốc rồi nói:
- Nói đùa vậy chớ tôi có khác chi ông bạn, gần bốn mươi tuổi đầu rồi còn “solo” đây không thấy sao. Đi bướng về Nam để có mà “hốt ổ” cho kịp kẻo tụi nó về trước chúng nó hốt hết.
- Anh Hoàng Việt làm gì mà lâu thế nhỉ ? Cơm mình chín từ lâu rồi mà ảnh chưa xong à ?
Tôi bảo:
- Thôi cậu ở nhà tôi đi tìm lão coi. Cái lão này gà mờ lắm chỉ được cái tài “Tiếng Còi Trong Sương Đêm “ thôi. Còn ngoài ra thì vô tích sự lắm !
Rồi tôi đi tìm Hoàng Việt.
Kể thì gặp lại ông cụ non này cũng vui. Có người mình nói chuyện nhưng có một cái khổ khác cụ thể hơn là anh bạn yếu quá. Đi chung lại mệt cho mình. Đã phải dìu cô Ba Lê rồi, lại đèo thêm một ông Giao Hưởng nữa sao xuể ?
Hoàng Việt chiếm đóng một nơi rất hiểm hóc. Có tảng đá, có hang và có cả hai thân cây rất vừa làm để mắc võng. Tôi gọi:
- Anh Hoàng!
Hoàng Việt quay trở lại giụi mắt nhìn tôi, nước mắt nước mũi ròng ròng cặp mắt đỏ chạch. Tôi hỏi:
- Làm cái gì lâu vậy?
- Thì có làm cái gì đâu. Có cái nấu ga-men cơm mà nãy giờ chưa xong chớ đâu có làm cửa làm nhà gì.
Tôi nhìn vào bếp của anh. Củi leo heo vài cành. Mà của đáng tội toàn củi mục. Cho nên nhóm không cháy. Trong bếp chỉ có ít lá tre còn ga-men cơm thì chưa có hơi tí nào cả.
Hoàng Việt lại lắc đầu:
- Lửa gì mà nhóm mãi không cháy he?
Thôi xách cái cà mèn lại đằng tôi, tôi nấu cho. Nấu giờ này là nấu trộm mà anh cứ giềnh giàng mãi như vậy giao liên nó bắt gặp nó chọc lủng nồi của anh ngay !
- Ừ nhỉ ! Nhưng mà muốn đi đằng đó thì tôi phải cuốn hết đồ đạc quảy đi chứ nếu để ở nhà thì nó “mượn không thời hạn” hết ráo.
- Ừ thì đi.
Thế là Hoàng Việt quảy cả tăng màn ba lô đi theo tôi. Trở về đến nơi thì nghe tiếng Thu và Năm Cà Dom cãi nhau léo nhéo.
Vừa trông thấy tôi, Năm Cà Dom đã vọt miệng nói ngay:
- Mất mẹ nó hết thức ăn rồi.
-Thức ăn gì?
- Khô cá, khô voi, muối.
- Thế à ? Tôi tâng hẩng, đứng chết trân, chẳng hiểu ra làm sao cả Thật tình tôi không hiểu ra sao cả.
Tôi hỏi Thu:
- Chớ còn em đi đâu ?
- Thì em nằm bên võng em ngó sang.
- Ngó sang sao nó ăn cắp mà không biết ?
Năm Cà Dom đỡ cho Thu:
- Ngó sang nhưng ngó lâu quá thì mỏi mắt… mỏi mắt rồi thì mí mắt sụp xuống nhắm lại luôn. Thế đó.
Hoàng Việt cười khè khè:
- Thật là tài dách he ! Giữa ban ngày mà…
- Thôi cũng được. Vậy mình đãi ông bạn mình bằng món bình thường. – Năm Cà Dom vui vẻ nói- Gặp nhau đây liên hoan cái mồm thôi cũng đủ vui rồi.
- Nào dọn ra đi ! Tôi bảo.
Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên để lướt qua nỗi đau đớn trong lòng. Mất bấy nhiêu thức ăn đó trên đường này bằng người ta mất cả lạng vàng trong hoàn cảnh binh thường. Có khi còn hơn. Tôi dọn cơm ra. Nói là dọn vậy, nhưng có cái gì đâu, ngoài mớ thịt kho mặn mà tôi còn giữ được một phần, rất kỹ, dù thèm cách mấy cũng không mang ra ăn, định bụng để khi nào đau đắng miệng mới dùng tới. Nhưng hôm nay, tôi mang ra “đãi” Hoàng Việt là vì cụ Hoàng đã từng đãi tôi nguyên cả một cái lạp xưởng lúc đi được vài tuần lễ.
Một cái lạp xưởng ở giữa Trường Sơn, đó là một điều vô cùng bất ngờ, không thể đào bới ra đâu được. Ăn cái lạp xưởng đó, tôi tưởng đời tôi không bao giờ còn được hưởng cái gì, món gì, vật gì ngon lành, thú vị, khoái chí hứng thú hơn nữa. Bây giờ nhìn lại cụ Hoàng tóc bạc trắng dựng đứng lên như bọt suối mà đôi má thỏn, cái cầm nhọn hẳn xuống như một giọt chấm than, mà cái mồm hốc hác không ngậm kín lại được cứ phô hai hàm răng đầy nhựa thuốc lá vàng ệnh ra, tôi nhớ cái lạp xưởng lúc trước vô cùng. Giá bây giờ mỗi đứa được một cái thì chắc tất cả những nét thảm the đó sẽ biến đi .
Hoàng Việt sẽ lại là anh chàng nhạc sĩ tuy có tuổi nhưng vẫn bảnh trai, nho nhã, các cô nàng ở thủ đô nom thấy phải mê vì sắc kính vì tài. Nhưng bây giờ thì không có lạp xưởng cũng không có cái gì cả, cho nên Hoàng Việt nhạc sĩ số một của Nam Bộ kháng chiến và người nhạc sĩ đạt tới đỉnh cao nhất của nền âm nhạc Cộng sản ở xứ Bắc Kỳ, trông thiệt là gớm ghiếc quá !
Cái đầu chờ vờ như con cá lóc ghe. Tay chân tóp lại và dài ngoẳng như tay vượn, quần áo rộng thùng thình. Ấy vậy mà vẫn còn tếu, tuyên bố tháng này năm sau chị Bảy mày,. . . nọ kia ! Thấy tôi giở lon kho lưng đến phân nửa, Hoàng Việt kêu lên:
- Cậu phí quá! Chưa gì mà đã hết từng ấy hàng chiến lược rồi.
- Chưa gì là sao anh Bảy ?
- Tức là mới được đâu gần gần… nửa đường thôi.
- Thế à.
-Thế à thế ừ gì nữa.
- Thì cho là nửa đường đã qua rồi. Mình hết một nửa lon kho mặn cũng là hợp lý chứ sao.
- Cái “nửa”sau này bằng ba cái “nửa” trước cậu ạ. Đừng có dốt quá như vậy. Bây giờ cậu nhớ lại xem. Nếu con Phương còn đi chung với cậu thử xem cậu còn có dắt vô rừng rậm như lúc mới đi nữa không?
Tôi nháy mắt cụ Hoàng bảo có Thu. Thu đang nấu cơm đàng kia. Hoàng Việt trừng mắt nhìn tôi rồi lại gầm lên, tỏ ý hiểu tôi đang có “vấn đề” với cô Ba Lê Thu:
- Cũng nữa hè ! Nó kiểm thảo, nó bắt hứa là chấm dứt yêu đương ở trong trường mà thoát ra một cái là cứ thế!
Tôi cười:
- Chíp ! Con người không có sự đó như cục đất không mặt trời vậy anh Bảy à !
- Nhưng mà để cho cặp đầu gối còn nước nhờn mà co vô dãn ra với Nó đóng vôi lại một cái là bỏ mạng !
Thấy tôi sớt kho mặn nguyên chất ra, anh Bảy kêu lên:
- Ấy chết!
- Gì thế anh Bảy ?
- Trộn muối vào chớ ăn puya (pur) thế này à ?
- Thì lâu lâu mới đem ra đãi khách.
- Thôi đừng làm thế, nó phí đi. Để dành lúc đau hãy mang ra xài. Đau trên đường này khổ lắm. Ai lo cho. Chị Bảy cậu mà nó biết tôi đi đường như thế này nó không đồng ý đâu.
- Sao anh không xin đi máy bay ?
- Máy mẹ tôi chớ máy bay.
- Cỡ anh là thừa sức đi mà ! Chớ ông chủ trại cưa Kim Hữu (tức Lưu Hữu Phước ngủ có tật ngáy rầm trời như cưa cây nên anh em đặt ông ta là trại cưa Kim Hữu. Vì khi vô trường đi B, ông thay tên là Kiến Hữu) đi máy bay đó thì sao ?
- Ổng là vụ tưởng ! Ổng là người ” có chức , ” cậu hiểu chưa ? – Hoàng Việt nhấn mạnh chữ “có chức ” một cách cố ý. – Còn mình là thằng cán bộ quèn lo mà cuốc bộ cho có. Được về quê đây cũng đã là mang ơn mưa móc và hồng ân của Chúa Thượng rồi !
Bữa cơm không có gì đáng kể cả. Cơm xong, Hoàng Việt nấu nước sôi rồi lấy trà ra châm và mời tụi tôi. Hoàng Việt quay sang vui vẻ trò chuyện với Thu, còn tôi và Năm Cà Dom thì đi sưu tầm số chiến lợi phẩm bị ăn trộm.
- Sao ? Chân cẳng thế nào ? Hoàng Việt hỏi.
- Đau quá anh ơi.
- Liệu có đi đến nơi không cô em ?
- Chưa biết anh ạ.
- Cố mà đi chứ.
- Các anh thì nên cố, còn em. . .
- Còn em thì không à?
Thu lặng thinh.
- Tại sao bây giờ em có ý nghĩ lừng chừng như vậy?
- Các anh đi về quê, còn em thì càng đì xa quê.
- Thế ra em nghĩ rằng quê anh và quê em là hai quê à?
- Tất nhiên.
-Tại sao? .
Nam là một. Bắc là một !
- Nam Bắc một nhà mà !
- Khi em ở ngoài Bắc, ở tại nhà em thì em nghĩ như vậy, nhưng khi em đi một bước rời Hà Nội thì em lại nghĩ khác ngay.
- Sao bấp bênh vậy ? .
- Có những cái anh xa rồi anh mới hiểu.
- Tại sao vậy ?
- Đối với em có những cái như vậy. Ví dụ có khi em múa một điệu rồi, người ta hoan nghênh ầm ĩ, em chẳng thấy gì cả, không biết rằng mình và biểu diễn một tiết mục đặc sắc, mà chỉ gục đầu vào một cô bạn mà khóc, hoặc nếu không khóc thì cứ bàng hoàng lâng lâng không có cảm xúc gì cả. Nhưng sau đó có khi một giời, có khi một tuần, có khi một năm, em nhớ lại cái điệu múa mà mình đã biểu diễn, nhớ từng “phi-guya” một, từng cử chỉ một, cười ngạc nhiên, ngạc nhiên, em không hiểu sao em lại làm được những động tác đó .
Thu ngừng lại nuốt ực, rồi tiếp ngay như những ý nghĩ đã đến tràn đầy óc Thu. Thu nói tiếp:
- Cũng như khi em ở Hà Nội thì em đâu cớ nghĩ rằng những tình cảm của mình sẽ biến động ra sao khi em phải xa Hà Nội một ngày một tháng hay một năm?
Hoàng Việt ngồi thừ người ra.
Hoàng Việt cả tôi đều công nhận rằng Thu đúng là một cô gái thông minh, tình cảm rất tế nhị và chân thành
.Hoàng Việt cũng có những tình cảm đối với Sài Gòn như Thu đối với Hà Nội. Chính vì thế mà anh mang cái tấm thân còm cõi của anh trên con đường chết tiệt này.
Quê hương! Đó là bản giao hưởng thứ nhất cũng là bản cuối cùng của anh. Đó, Cộng sản dùng một con người như Hoàng Việt như thế đó ! Để rồi khi anh chết đi, thân thể tan tành, chỉ còn một chỏm tóc bạc thì ở ngoài Hà Nội làm một cái lễ truy điệu thật to đọc một bài diễn văn tràng giang đại biển, khóc khóc, mếu mếu, còn khi anh ta còn sống thì xem như con chó, đi lang thang trong rừng Trường Sơn không có một tấc sắt trong tay, không có ai giúp đỡ với cái chân què mưng mủ sưng to lên như cái bánh bò. Mỗi lần qua suối ai hảo tâm thì cõng dùm, không hảo thời thôi, ông bạn nhạc sĩ số một đó cứ lội bơi và đi cà lỉa với cái chân què.
Hoàng Việt bất thần bảo Thu.
- Đâu xăn quần lên coi.
- Cái anh này.
- Tôi nói thật mà, cô em !
- Anh kỳ quá, Hoàng Việt chứ phải Trí Việt sao ?
- Ừ thì Hoàng Việt chứ Trí Việt làm sao mà dám bảo Thu làm như vậy ?
- Anh kỳ quá hè!
- Cha chả, cô em bị lai Nam Bộ rồi đó nhé.
- Lai gì?
- Lai cái tiếng “hè “đó.
Thu ngồi tưng hửng. Hoàng Việt lại cười:
- Có lẽ cô đã Nam Bộ hóa hồi nào cô không hay phải không ?
- ….
- Bây giờ trong máu cô có chất Nam Bồ rồi đấy nhé.
Thu nhìn xuống đỏ rừ đôi má.
Hoàng Việt cười:
- Cho anh Bảy xem cặp chân thần kỳ của cưng chút cưng !
- Thôi mà anh… kỳ cục quá hà !
- Anh Bảy muốn xem xem vô Sài Gòn Thu còn múa “ba lê” được nữa không ? Hay vô tới đó rồi chỉ còn “lết, ba lết ? ” hả ? Cha chả… cặp chân của Thu đem mà mài trên đá tai mèo này lắm lúc tôi cũng xót ruột quá. Còn cái khỉ khô gì mà lê với lết ?
Thu bỗng òa lên khóc, úp mặt vào hai bàn tay.
- Úy chết. Sao vậy Thu ? Kìa, coi kìa.
Hoàng Việt có tính hay trêu đám con gái, mà trêu rất nghệ thuật, cho nên có đứa bị trêu thì cười lăn ra mà thích thú còn Thu thì khóc òa lên.
Hoàng Việt không ngờ Thu lại khóc như vậy. Hoàng Việt định đùa chơi chút thôi chớ đâu có ngờ đó chính là tâm sự của Thu mà lâu nay tôi không dám đụng vào.
Hoàng Việt hơi hoảng, cố vuốt ve Thu:
- Nói vậy chớ đâu có sao. Chân cẳng có rêm chút đỉnh vô trong đó mình tẩm bổ vài… tháng thế là đâu lại vào đấy, có gì đâu. Rồi thì đôi má căng lên, đôi chân tròn như ống chỉ, Thu lại lên sân khấu với đôi chân ngà ngọc chớp lóe như sao sa. . .
Thu vụt vén ống quần lên và nói:
- Sao sa đây này, anh xem đây này.
Hoàng Việt nhìn đôi chân của cô con gái mà Hoàng Việt đã quen mắt nhìn ngắm trong lúc cô nàng biểu diễn cũng như đôi lần lội suối trên đường này.
Cặp chân gầy đi, và đầy vết sẹo thâm thẩm, chẳng khác da con lươn bông.
Hoàng Việt quay mặt đi lắc đầu, tang thương quá. Nghệ thuật gì nữa. Đôi chân đã trở nên một nỗi khố tâm cả cho Hoàng Việt.
Hoàng Việt thấy ngồi lâu không ổn cho nên chàng nhạc sĩ ròm quảy đồ lề rút lui với cái chào của một bá tước gửi lại công chúa Trường Sơn. Chàng gập mình xuống ba mươi lăm độ, đặt bàn tay phải trên tim, và lại giơ lên một cách cung kính. Xong chàng ba chân bốn cẳng chạy tìm tôi mà kể lể hết mọi sự tình. Rồi chàng nói:
- Tôi lỡ tôi đụng nhằm trái mít ướt rồi. Nó đang sút củi đổ tòe loe ra đó. Vê mà gom mà hốt vô!
- Cái gì vậy anh?
- Nó khóc hu hu đằng đó.
- Sao vậy ?
- Thì có gì đâu, tôi thấy cặp chân của cô ta thảm hại quá…
- Thôi chết rồi. Cái vết thương của người ta mà anh đụng vào mần chi ?
Hoàng Việt cười khè khè.
- Vết thương “nòng” hả ? Vết thương mà hóa công đã rạch thì kim chỉ phàm cũng khó nổi vá may !
- Ở đâu mà ông nhạc sĩ lại gẩy Điệu Đàn Muôn Thuở của Lê Văn Trương vậy ?
- Khè khè. Thôi, tớ về nhé. Thỉnh thoảng rồi tớ sang.
Tôi trở về lều. Thu vẫn còn ngồi khóc. Tôi biết tính Thu. Ứccmà khóc cũng có, nhưng giá đáng khóc vài giọt thì đủ rồi, nhưng lại khóc đầm đìa ra cho có vẻ bi đát thêm lên. Mà nếu tôi có an ủi dỗ dành thì nàng lại làm già nên tôi hỏi sang chuyện khác, xoáy vào cái khuyết điểm của Thu vừa rồi:
- Sao em lơ là để cho mất khô và muối hết vậy ?
- Em có ngờ đâu?
- Không ngờ gì, đã bảo là nó ăn cắp như rươi mà ! Chứ em không thấy bao nhiêu vụ trước mắt đó à ?
Thu lặng thinh.
Tôi biết như thế là vừa đủ để đắp một cái đê ngăn con sông Hồng nước mắt cho nên tôi ngưng lại ngay chớ nếu xoáy sâu vào thêm nữa thì nước mắt lại trào ra và cái đê nọ lại vỡ ngay vì một lý do mới.
—>Chương 13

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét