Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 9 VÀ 10

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 9
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
PHẦN HAI: Chiếc Lá Giữa Dòng

Cơn sốt thời cuộc

Trong đêm khuya thanh vắng, tôi trằn trọc không ngủ được và nằm ôn lại những biến động của cuộc đời như đang xem cuốn phim quay chậm. Từ ngày miền Nam rơi vào tay cộng-sản, mặc dù mới một năm qua thôi, nhưng đời tôi đã trải qua một bước ngoặt quá lớn. Kể từ cái ngày 30 tháng Tư đen tối đó, tôi cảm thấy mình đã sống trong một thứ nhà tù lớn, có tên là “Nhà Tù Việt Nam”, để rồi hôm nay lại rơi vào một nhà tù nhỏ tại một tỉnh lẻ Cao Nguyên.
Giờ này nằm đây, tôi nghĩ ngợi miên man và để mặc cho dòng tư tưởng quay về quá khứ. Bất giác tôi nhớ má tôi hết sức, đôi dòng nước mắt tôi chảy ra khi nhớ lại hơn tháng trước đây tôi rời nhà, ngồi trên xe gắn máy của Thạnh, ra đi trong lúc má tôi đang bệnh nặng, nhưng lúc bấy giờ tôi không đủ can đảm quay lại nói lời từ giã. Bây giờ má tôi ra sao, nếu biết tôi lâm vào cảnh này liệu má tôi có chịu đựng nổi hay không.

Tôi hồi tưởng lại giai đoạn tôi được chỉ định qua làm cha sở tại Nhà thờ La Mã, đúng hai tháng sau khi cộng-sản chiếm miền Nam. Mặc dù chỉ ở họ đạo này một năm, nhưng tôi cũng đã là chứng nhân và đồng thời cũng là nạn nhân của bao nhiêu cảnh nhố nhăng gây ra bởi những hạng người mà dân chúng lúc bấy giờ gọi là “sâu bọ hóa kiếp làm người”. Những con “sâu bọ hóa kiếp làm người” này đang ngất ngây vì say men chiến thắng. Sẵn có quyền lực trong tay, họ làm mưa làm gió, hết trò này tới trò khác. Họ đã hành sử quyền lực một cách thái quá, gây bao nhiêu thán oán trong dân chúng.

Tôi còn nhớ lúc đó, mỗi buổi sáng tôi thấy cô trưởng ấp của tôi, người nhỏ thó, ốm tong teo như con nhái mén, tay cầm roi tre đang “lùa” một tốp chừng 10 nghĩa quân chế độ cũ đi tới từng nhà của “cách mạng”, bắt quỳ gối trước cửa lạy từng người trong nhà để xin lỗi. Anh nào ương ngạnh không chịu quỳ là roi tre từ sau bổ tới! Màn kịch này được diễn đi diễn lại khá thường xuyên.

Bản thân tôi cũng hứng chịu bao cảnh uất ức nói không nên lời. Tôi còn nhớ một buổi trưa nọ, có một tốp du kích đi ngang qua nhà thờ xứ đạo của tôi. Vài tên dừng chân trước núi Đức Mẹ trước nhà thờ, chế giễu và nói những lời lộng ngôn phạm thượng. Sau khi tôi ngăn can, bọn chúng tức khí vào nhà thờ lật các ảnh tượng xuống, đặt ghế lên đầu các tượng thờ phượng. Tôi bảo thầy Đảm là thầy giúp xứ của tôi xuống xã trình báo sự việc, nhưng bọn du kích đã rượt đánh và thầy giúp xứ phải trốn chạy thoát thân. Hôm sau tôi làm đơn khiếu nại lên huyện và được trả lời: “Vì các đồng chí ấy say rượu!” Thế là hết chuyện!

Thời điểm đó, cơn sốt cách mạng dâng lên quá cao khiến cho nhiều người tự thấy mình cũng phải “cách mạng”. Cách mạng trong lối ăn nói, bằng cách dùng thật nhiều từ cách mạng như Mỹ-ngụy, đảng ta, khẩn trương, phản ảnh, tự giác, ý đồ. Cách mạng trong lối ăn mặc, bằng việc mua vội chiếc mũ tai bèo, một đôi dép râu, một bộ quần áo đen bằng vải nylon dầu, một khăn rằn quấn cổ, một cái xà-cột đeo vai.

Cách mạng văn hóa bằng cách hát rỉ rả như dế kêu các bản nhạc thời thượng như bài “Chiếc mũ tai bèo”: “Chiếc mũ tai bèo em gửi đến tay, khuya sớm em lo máy may càng nhanh, mối chỉ đường kim theo anh đi giết thù. Anh bộ đội ơi, em ngồi em may mà lòng miền Nam trong tim lửa cháy, có cả tình quê trong chiếc mũ tai bèo!” Hoặc “cao cấp” hơn một chút thì rên rỉ bài “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây. Trường Sơn Tây anh đi, thương em bên ấy mưa nhiều, con đường mà gánh gạo...”

Tình cảnh càng tệ hại hơn do thái độ gièm pha của những kẻ xu nịnh đã lợi dụng thời cơ để nương gió phất cờ. Chúng đã hiện nguyên hình là những quái thai của thời cuộc. Dân chúng gọi bọn này bằng cái tên đầy mỉa mai là “Cách mạng ba mươi”! Chính bọn cách mạng ba mươi này đôi khi còn ác ôn hơn đám Việt cộng có “môn bài”! Chúng lợi dụng thời cơ gây ra không biết bao nhiêu uất ức trong dân chúng. Để chứng tỏ thái độ cách mạng của mình, chúng đã biểu diễn nhiều trò quá đáng gây bao đau thương, phẫn uất cho người dân vô tội. Từ đó nỗi bực tức của người dân đã phát ra thành câu ca dao đen của thời cuộc:

“Việt cộng đứa giết đứa chừa,
 “Ba mươi” giết sạch cho vừa lòng dân”!

Điều đáng buồn hơn nữa, là ngay trong hàng ngũ các Linh mục lúc bấy giờ cũng có người nhi nha nhi nhô với cái “tước vị” trong Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo của Việt cộng dựng lên. Họ đâu có biết rằng, đây là thứ con đẻ của chế độ mới, một chế độ theo chủ thuyết vô thần, muốn lợi dụng chính những người trong hàng ngũ các tôn giáo để gây chia rẽ rồi đi đến khống chế và làm tê liệt hoạt động của các tôn giáo. Các đại diện trong Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo được ban phát cho một vài đặc quyền đặc lợi, và có người đã cảm thấy hãnh diện để khoe khoang về điều này. Tôi còn nhớ câu chuyện đã xảy ra cho chính bản thân tôi và khó quên được.

Lúc đó vào khoảng trước lễ Giáng Sinh 1975, và tôi vừa qua làm việc ở tỉnh Bến Tre được sáu tháng. Ngày kia, một cha bạn xứ đạo gần bên mời tôi tới dự tiệc cưới của cô cháu gái được tổ chức ngay tại nhà xứ. Mặc dù hai xứ đạo chỉ cách nhau có sáu cây số, nhưng vì khác xã và ở lại qua đêm nên tôi phải làm đơn xin phép đi đường. Đơn phải có trưởng ấp chứng trước rồi xã mới ký sau.

Khổ nỗi, ngày đó cô trưởng ấp của tôi đi bán dừa khô mãi xế chiều mới về, tôi chờ chực mãi rồi cuối cùng cũng xin được chữ ký của cô. Lúc đó đã bốn giờ chiều, tôi vội vàng chạy xuống xã vì sợ trễ giờ công sở đóng cửa. Cũng may là gặp ngay được ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã kịp lúc nên xin đóng dấu ký tên vào đơn không khó khăn gì lắm.

Cầm được giấy phép đi đường trong tay thì đã gần năm giờ chiều, mà tiệc cưới thì bắt đầu lúc bảy giờ tối hôm đó, như vậy tôi còn được hai tiếng đồng hồ.

Nhưng trong hai tiếng đồng hồ đó, tôi còn hai việc phải làm, là cuốc bộ sáu cây số và khi tới nơi, phải trình giấy đi đường cho chính quyền địa phương sở tại đóng dấu ký tên vào, rồi mới có thể an tâm vô nhà xứ dự tiệc cưới. Tôi phải làm cho đủ mọi thủ tục này vì ngày hôm sau, khi về nhà tôi lại phải trình diện một lần nữa với chánh quyền xã với đầy đủ bằng chứng là đêm qua tôi đã ở đâu, có đúng địa điểm như tôi đã ghi trong đơn xin đi đường hay không.

Sở dĩ tôi phải lội bộ vì trước đó mấy hôm chiếc Honda 70 của tôi hết xăng và không thể tìm mua được xăng. Sẵn có dầu lửa, tôi đổ vào xe chạy thử vì có người nói xe Honda chạy “tạm” bằng dầu lửa cũng được, chỉ tội là ra nhiều khói đen và 'bu-dzi' hay bị đóng chấu. Tuy không an tâm, nhưng mua không được xăng thì phải đổ dầu lửa vào chạy chớ biết làm gì hơn? Đổ dầu vào, đạp xe máy nổ ngon lành, có lẽ nhờ chỗ xăng còn sót lại.  

Tôi chạy được vài cây số, nhưng xe bắn khói đen mù mịt và cứ cà giựt, cà giựt với tiếng máy rống ò ò như tiếng bò bị cắt tiết! Lúc ấy tôi nghĩ bụng: “Mầy muốn gào muốn thét kiểu gì cũng được, miễn cứ chạy là được rồi!” Một lúc sau, bất thần tôi nghe khịt khịt mấy tiếng và xe yếu dần. Tôi cố vặn tay ga làm chiếc xe nẩy lên nẩy xuống mấy phát như người trúng phong đòn gánh rồi im lìm bất động. Tôi dựng xe lên và cố lôi hết bao nhiêu kiến thức tôi biết về xe Honda như chùi 'bu-dzi', đóng mở chắn gió.  

Tôi hì hục hàng giờ mà máy vẫn không nổ, chỉ còn nước đẩy xe về nhà dựng vào một xó sau khi đã cẩn thận rút hết dầu lửa ra. Ngày hôm sau, tôi mượn được một xị xăng đổ vào và cùng với một thanh niên đệ tử, hai cha con thay nhau đạp toát cả mồ hôi. Chiếc xe tội nghiệp vẫn cứ trơ ra, nằm yên bất động, tôi bảo: “Thôi cứ tạm thời đi bộ đã con ạ, chờ có dịp mua được xăng hãy sửa xe luôn thể.”

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ rảo bước, tôi tới nơi thì trời đã chạng vạng tối. Tôi vội vào nhà ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã địa phương để trình giấy đi đường, dù biết rằng ông không có con dấu ở nhà nhưng chỉ cần ông ký tên, hoặc biết là tôi có tới trình diện là đủ vì tôi không muốn để một sự rắc rối nào xảy ra sau khi tôi đã gặp quá nhiều khó khăn với địa phương nơi tôi sinh sống. Trước đó bốn tháng có người em từ Vĩnh Long qua thăm tôi, vì quá hạn giấy phép đi đường trễ một ngày mà bị bắt và còn đang bị giam tại huyện Giồng Trôm vì bị tình nghi là CIA. Tôi cũng biết rất rõ là tôi đang bị canh chừng và theo dõi từng bước đi.

Tôi vào tới nhà xứ thì tiệc đã bắt đầu. Có khoảng 50 khách đang ngồi kín căn phòng chánh của nhà xứ. Vị Linh mục chủ nhà và những người quen mừng rỡ đón tiếp tôi. Sau khi bắt tay chào hỏi, tôi ngồi vào bàn với một số các Linh mục trẻ cùng trang lứa và vài ba giáo dân mà tôi quen biết. Họ là những tay chịu chơi, uống rượu đế như hũ chìm. Cha  sở chủ nhà ngồi chung với vài ba người trong chánh quyền địa phương ở bàn giữa nha, cách bàn tôi khá xa.

Ngồi chung bàn với tôi có linh mục NVL, một thời học chung với tôi ở Tiểu chủng-viện Vĩnh Long, lúc đó là cha sở của một họ đạo nhỏ cách đấy vài ba cây số.  Linh mục NVL là con người thích khoa trương, hay khoác lác về tất cả mọi vấn đề. Tôi chưa hề thấy bất cứ một phạm vi nào khi có ai đề cập tới mà anh chịu đứng thứ nhì hoặc thứ ba bao giờ. Cứ phải là nhất! Bởi đó, tuy dù là bạn học nhưng sau này không mấy khi tôi tiếp xúc, gần gũi, nói rõ hơn là tôi không chịu được tính nết khoa trương của anh ta. Anh về làm việc trong tỉnh Bến Tre từ năm 1973, còn tôi mới đổi về đó sau ngày  mất miền Nam, nên vị trí thế đứng và sự quen lớn với người dân trong vùng có khác nhau. Hầu hết những người làm việc trong chánh quyền mới ở địa phương này đều quen biết NVL, trong khi đó tôi mới chân ướt chân ráo tới nhận họ đạo, chưa quen biết nhiều, lại còn bị tình nghi là CIA và bị chính quyền địa phương tìm cách gây khó dễ, cho người rình rập theo dõi ngày đêm.

Lúc bấy giờ trong tỉnh Bến Tre có một số Linh mục và tu sĩ Công giáo được mời vào Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo. Linh mục NVL cũng được mời tham gia, nhưng anh không giữ chức vụ gì quan trọng, chỉ là một thành viên tầm thường. Dù vậy Linh mục NVL cũng lấy làm hãnh diện và thích khoe khoang về những lần đi họp ở tỉnh được ở khách sạn loại sang, được ăn ngon, thức ăn đặt từ nhà hàng mang tới. Anh ta lộ vẻ hân hoan ra mặt vì có được một chỗ đứng trong chánh quyền mới, trong khi tại một vài nơi khác, cộng sản đang lùng bắt, áp chế, làm khó làm dễ đủ điều các Linh mục “phản động” và những giáo dân ương ngạnh, chống đối hoặc bất hợp tác với chế độ. Tối hôm ấy Linh mục NVL đang ngồi đối diện với tôi trong bàn tiệc.

Thức ăn ngon và bầu khí vui vẻ làm tôi quên mệt nhọc. Vừa ăn được một chập thì cha Thạnh, ngồi bên cạnh, hỏi tôi tại sao tới muộn. Tôi gác đũa, vui vẻ kể lại diễn tiến thủ tục xin phép đi đường, vụ chiếc Honda “ngộ độc” đang nằm nhà khiến tôi phải cuốc bộ và khi tới đây còn phải ghé vô nhà ông chủ tịch trình giấy tờ để tránh mọi chuyện phiền hà rắc rối v.v... Tất cả mọi người trong bàn tỏ ra hào hứng vui vẻ lắng nghe và lộ vẻ cảm thông với hoàn cảnh tôi đang bị “đì” trên họ đạo La Mã. Lúc tôi đang nói nửa chừng, NVL vội khoa tay “cướp diễn đàn” bằng một giọng mỉa mai châm chọc: “Trời! Ông La Mã sướng thiệt! Đi đâu cũng có giấy đi đường đóng dấu ký tên đàng hoàng! Còn mình á hả? (quơ tay) Hổng ai chịu cho mình miếng giấy nào. Mỗi lần mình muốn xin giấy đi đường thì mấy anh em trong Ủy Ban nói, (khoác tay) ‘Thôi đi cha ơi, cha đi đâu thì đi, ở đây ai không biết cha mà phải giấy với tờ, giấy tờ là những người khác kìa!’’’ Anh ta có vẻ cao hứng, chỉ mặt tôi nói tiếp:
- “Này, tôi ghen với ông La Mã đấy nhé! Hì... hì...”

Những người cùng bàn nhếch mép cười gượng gạo trước câu nói khoa trương có tính cách châm biếm này. Còn tôi, vốn rất nhạy cảm với tánh khoác lác của anh ta nên lúc đầu nghe nóng ở gáy, sau đó thấy nóng mặt và hình như biết mình muốn phản ứng một cách quyết liệt, nhưng tôi vội kềm hãm, bình tĩnh và nghiêm nét mặt trả lời:
- “Anh L. à! Hoàn cảnh anh khác, tôi khác. Anh nói lên những lời đó ở đây làm gì?”
  
Cha Thạnh ngồi kế bên tôi, dùng đầu gối thúc nhẹ vào chân tôi, ý bảo đừng thèm để ý, cứ nhịn đi cho xong chuyện. Tôi hiểu ý Thạnh, (và cũng nhớ có mấy người trong chánh quyền đang có mặt!), tôi cầm đũa vừa gắp thức ăn vừa nói một cách vui vẻ: “Thôi xin lỗi quý vị, phỏng vấn để lúc khác, giờ cho ăn cái đã, vừa lội bộ hơn tiếng đồng hồ, đang đói mềm người đây!”
  
Anh em ngồi chung bàn cười ồ sau câu nói giải thoát của tôi và mọi người cầm ly, cầm đũa lên. Nhưng Linh mục NVL chưa chịu buông tha. Khi nghe tôi nhắc tới đi bộ, dây thần kinh “khoác lác” của anh ta lại bị chạm lần nữa, bèn vung tay nói lớn: “Còn xăng ấy hả, trong nhà mình không đủ thùng mà chứa! Tiêu chuẩn mì ăn liền, bột ngọt, xà bông bột cũng vậy, mình xài không hết còn cho người khác! Chiếc Honda 90 phân khối của mình chạy không biết tới bao giờ mới hết xăng. Mấy anh trên Ủy ban nói mình chứa xăng làm gì cho nguy hiểm, coi chừng có ngày cháy nhà thờ, lúc nào cần thì lên cơ quan mà đổ. Mình cũng mong cho nó hết xăng, có dịp đi bộ cho nó khỏe người! Hì... hì...”

Đến đây, tôi không còn kềm chế được nữa! Bằng một phản ứng tự nhiên và nhanh như đòng điện, tôi buông vội đũa xuống, trợn mắt và hai tay nắm khăn trải bàn ăn giật mạnh một phát làm đổ vài ly rượu. Tôi nhìn thẳng vào mặt anh ta, nói rít qua hai hàm răng cắn chặt, vì ngại những người ở các bàn bên nghe thấy: “Câm mẹ cái giọng khốn nạn của anh lại đi!” 

Thạnh vội vàng ghì lấy tay tôi trong khi thực khách trên bàn lo chụp mấy cái ly ngã nghiêng, có vài ly rượu đổ tung tóe. Tôi cảm thấy choáng váng và mệt lả người sau câu nói đó, vội kéo ghế đứng lên, xin lỗi các người trong bàn ăn và bước ra ngoài. Có người nào bên cạnh cầm tay giữ tôi ở lại, nhưng tôi quyết định ra ngoài.

Vừa xoay người bước đi tôi còn nghe tiếng cha Thạnh ở phía sau trách NVL: “L., mầy không thấy thằng Lễ nó đã quá khổ rồi sao mà còn hành hạ nó nữa?” Tôi cho rằng đây cũng là một hiện tượng quái thai của thời cuộc, và nếu trong tiệc cưới đó không có mặt mấy người trong chánh quyền, có lẽ câu chuyện còn đi xa hơn.

Trò hề thế sự
  
 Tôi không thể nhớ hết được cảnh chướng tai gai mắt của thời buổi nhiễu nhương lúc bấy giờ. Tuy nhiên một vài sự việc gây ấn tượng mạnh thì tôi không thể quên được, như câu chuyện về cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 6, là Quốc Hội chung cho cả nước lần đầu tiên vào tháng Tư năm 1976 sau đây.

Trước ngày bầu cử, ai từ 18 tuổi trở lên được cấp phát thẻ cử tri như các cuộc bầu cử thông thường khác. Điều bất thường là các cử tri được chia ra thành từng tổ, mỗi tổ 12 người và có một tổ trưởng đứng đầu để lo việc điều hành và kiểm soát các tổ viên.

Tiếp theo là giai đoạn học tập bầu cử. Các tổ trưởng phải lo điểm danh và bảo đảm đủ số 12 người đến dự các buổi học tập được tổ chức trong trường học nằm ngay trước nhà thờ xứ đạo của tôi. Cán bộ ở tỉnh về lo tổ chức các lớp học tập bầu cử. Nội dung bài học cũng ngắn gọn và dễ hiểu. Sau khi giảng giải về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc Hội chung cho cả nước lần đầu tiên, cán bộ viết lên bảng tên của các ứng cử viên trong tỉnh Bến Tre.

Nếu tôi nhớ không lầm thì có cả thảy là 10 ứng cử viên và trước các tên có đánh số thứ tự 1,2,3,4... Cán bộ giảng dạy cho biết sẽ loại bỏ 2 người “đúng theo thể thức bầu cử dân chủ”. Cán bộ giải thích như thế. Sau đó cán bộ bầu cử tay cầm lá phiếu mẫu giơ lên cao cho mọi người thấy và lớn tiếng “dạy” tiếp:

“Trước khi bước vô buồng kín để bầu, bà con ta sẽ được phát lá phiếu y như lá phiếu này (cầm hai tay đưa lên cao và xoay qua xoay lại). Trong buồng kín có sẵn bút bi và thước kẻ, bà con chỉ việc gạch ngang tên hai người cuối cùng như thế này (làm thử), xong gập lá phiếu làm đôi như thế này (làm thử), sau đó bước ra khỏi buồng, đến bên thùng phiếu, giơ cao lá phiếu của mình lên và bỏ vào thùng như thế này (làm thử). Đơn giản chỉ có vậy thôi, bà con nắm cả chưa? Có ai còn muốn hỏi gì không? “

Từ cuối lớp có tiếng người đàn bà:
 - Tôi có thắc mắc xin hỏi. Gạch bỏ số nào cũng được hay phải bỏ hai số cuối cùng?

Cán bộ bầu cử trợn mắt đáp vội:
- Tôi đã bảo là bà con gạch bỏ tên hai người cuối cùng như tôi đã biểu diễn, chị không nghe kịp hay là chị có ý đồ gì?

Tuy bị chụp mũ là “có ý đồ” một cách bất ngờ, nhưng chị đàn bà này cũng không phải tay vừa, chắc cũng là hạng “mẹ chiến sĩ”, bà ta phản pháo:  
- Ý đồ gì? Không hiểu thì tôi hỏi, tại sao phải gạch bỏ tên hai người cuối cùng mà không thể gạch tên người khác?

Anh cán bộ lộ vẻ bất bình:
 - Đó là chỉ thị của “trên”, bà con cứ thế mà thi hành, không phải thắc mắc lôi thôi, hãy tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đầy sáng tạo của đảng.

Nghe tới tiếng “đảng”, người đàn bà từ từ ngồi xuống, cả lớp trở nên yên lặng như tờ, con ruồi bay ngang cũng nghe được. Cuối cùng anh cán bộ đánh tan bầu khí nặng nề bằng câu nói dõng dạc: “Bây giờ tới phần thực tập, bà con từng người một lên cầm phấn và thước kẻ đây thực tập bầu phiếu”. Mấy chục cử tri trong lớp lần lượt tiến lên “thực tập” bầu cử. Từng người một cầm thước kẻ và phấn gạch ngang tên hai người cuối cùng đúng như lời “dạy” của anh cán bộ, xong trở về chỗ ngồi.

Tôi ngồi giữa lớp lặng yên theo dõi màn hài kịch này ngay từ đầu, trong lòng đầy ngao ngán và uất hận cho cái trò hề của chế độ. Nhưng đó là một thực tế của thời cuộc, còn biết bao nhiêu thứ trò hề khác mà dù muốn dù không, trong hoàn cảnh đó người dân cũng phải chấp nhận. Tới lượt tôi lên thực tập, khi cầm lấy cây thước và cục phấn vào tay, tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình và với những người đang có mặt, cũng như xót xa cho hoàn cảnh của đất nước. Dưới chế độ này, người dân bị tước hết mọi thứ quyền, kể cả quyền được “thắc mắc”.

Chế độ cộng-sản cố biến toàn dân trở thành một thứ ngựa kéo xe bị che hai bên mắt, cứ phải đường thẳng mà đi theo sự điều khiển của người đánh xe đang cầm roi ngồi phía sau, và tên xà-ích ác ôn này cũng rất nhuần nhuyễn trong việc sửa trị các con ngựa chứng bất kham!

Cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 6 diễn ra vào sáng Chủ nhật 25-4-1976. Từ lúc tờ mờ sáng, tiếng loa đã kêu gọi inh ỏi để thúc giục đồng bào lo đi bầu. Các cử tri có mang thẻ trước ngực ghi tên, số thứ tự của mình và tên của tổ, đứng xếp thành hàng một dọc theo con đường đất bên hông nhà thờ cho tổ trưởng điểm danh. Có đội múa lân đứng đầu, theo sau là đội thiếu nhi “Cháu Ngoan Bác Hồ” cầm cờ xanh cờ đỏ, một số khác khua trống gióng chiêng, tạo nên bầu khí tưng bừng của một ngày hội lớn.  

Sau khi các tổ điểm danh xong và bảo đảm không còn sót người nào, chúng tôi được lệnh tiến bước, vẫn giữ hàng một theo thứ tự từng tổ. Các tổ trưởng tay cầm một bảng con dẫn đầu. Lúc này mặt trời đã lên khỏi ngọn cây.

Đoàn người chậm rãi tiến bước theo sau đám múa lân, trông như một con rắn khổng lồ, đầu có sừng, đang bò ngoằn ngoèo dọc theo con đê dài hàng mấy cây số để tới địa điểm bầu phiếu. Sau khi đi gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi tới nơi và tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy phòng phiếu được tổ chức ngay bên trong nhà thờ họ lẻ của tôi mà tôi không hề hay biết gì!

Trước khi bước vào “nhà thờ”, các tổ phải chỉnh đốn hàng ngũ lại một lần nữa cho tổ trưởng điểm danh bảo đảm đủ số 12 người. Sau đó tổ trưởng lần lượt gọi tên từng người theo số thứ tự 1,2,3,4,... tiến tới các bàn trình thẻ cử tri, lãnh phiếu bầu và bước vào buồng kín bên cạnh. Tôi bước vào buồng kín như một cái máy, tay cầm lá phiếu bầu có tên của các ứng cử viên được xếp theo thứ tự mà tôi đã được “học tập” phải làm như thế nào.

Vô buồng kín, đặt lá phiếu xuống mặt bàn cạnh bên cái thước kẻ và cây bút bi, tôi bỗng thấy cơn uẩn ức dâng lên ngùn ngụt, và muốn nhân cơ hội này bày tỏ một thái độ phản kháng bằng một hình thức nào đó với lá phiếu đang nằm trước mặt.

Trong lá phiếu, các con số đứng trước những cái tên hoàn toàn xa lạ đối với tôi, duy chỉ có tên của Thiếu tướng Đồng Văn Cống, nằm ở số 5 hay số 6 gì đó là tôi có nghe qua, vì ông xuất thân từ xã Hiệp Hưng này. Có vài người biết chuyện về ông kể lại. Lúc còn nhỏ con nhà nghèo, Cống đi ở đợ chăn trâu cho người trong làng, nhờ to con lớn xác và đá banh giỏi nên đám trẻ chăn trâu nể nang và coi như đại ca.

Lớn lên Đồng Văn Cống theo Việt Minh, tập kết ra Bắc và trở về miền Nam vào năm 1975 với cấp bậc thiếu tướng và được bổ làm Tư Lệnh Quân Khu 7. Từ đó Đồng Văn Cống trở thành niềm vinh dự cho bà con dòng họ còn đang sống tại đây và cả dân chúng xã Hiệp Hưng này nữa.

Ngoài ông Cống, mà tôi nghe biết chút ít, còn các người kia tôi hoàn toàn mù tịt, nhưng tôi biết tất cả đều là người của đảng Cộng-sản đưa ra. Lúc đầu vì quá phẫn uất, tôi định bụng là viết chữ “trò hề” và gạch chéo trên lá phiếu rồi cho vào thùng, nhưng biết là không ổn vì bọn họ sẽ điều tra ra ngay lá phiếu của ai.

Một cách phản kháng khác là gạch một số tên nào đó không phải tên hai người cuối cùng như tên cán bộ đã bảo, hoặc bỏ phiếu trắng vào thùng. Nhưng cuối cùng tôi bỏ ý định, vì biết rằng lúc bấy giờ tôi là cái đích cho họ theo dõi và quan sát, vả lại cho dù tôi có bỏ phiếu cách gì đi nữa thì kết quả cuộc bầu cử này cũng đã được ấn định trước rồi, chống đối trong chuyện nhỏ mọn này chỉ tội thiệt thân. 

Nghĩ như vậy, nên tôi cúi xuống gạch ngang hai tên cuối cùng rồi gập đôi lá phiếu bước ra khỏi buồng bỏ vào thùng phiếu bên ngoài, tự nhiên cảm thấy con người mình hèn đi vì cử chỉ này. Khi cho lá phiếu vào thùng, tôi tự an ủi và tha thứ cho mình với ý nghĩ: “Tên nào có đắc cử thì cũng là một lũ Việt cộng, suy nghĩ làm gì”.

Lần đó ấp 6 trong xã Hiệp Hưng của tôi được tuyên dương là ấp bầu cử gương mẫu với 100% cử tri đi bầu. Các tân Đại Biểu Quốc Hội của tỉnh Bến Tre đắc cử với 99% số phiếu. Thật là một cuộc bầu phiếu “dân chủ” thành công tốt đẹp chưa từng có! Nhưng chuyện bầu cử chưa chấm dứt ở đây. Tuần lễ sau, trong ấp tôi có 13 cử tri bị gọi lên cơ quan làm việc, trong số đó có anh thanh niên đệ tử của tôi.

Lúc trở về anh ta thuật lại, 13 người này bị ông chủ tịch xã hạch hỏi tại sao đã được học tập kỷ lưỡng rồi mà còn bầu cử sai qui cách, không chấp hành chỉ thị của “trên”? Không gạch tên hai người cuối cùng mà lại gạch càn qua các tên khác? Muốn phá hoại cuộc bầu cử hay có ý đồ gì? Sau khi nạt nộ quát tháo một hồi, ông ra hình phạt mỗi người ba ngày công, mang gạo theo đi đào thủy lợi.

Vị đại diện chánh quyền kết luận: “Vì đây là vi phạm lần đầu nên Đảng và Cách Mạng khoan hồng chỉ phạt cảnh cáo chừng ấy. Bà con biết không, trong thời ngụy ấy hả, mỗi lần bầu cử nó bắt bỏ phiếu cho ai là phải bỏ cho người đó. Trong phòng phiếu nó lên trần nhà khoét lỗ dùng kiếng hiển vi (nguyên văn!) nhìn xuống để theo dõi, ai mà bỏ phiếu không đúng ý nó, sẽ bị bắt đi không có ngày về, các anh chị đừng có tưởng...”

Về phần tôi, ít lâu sau một chị giáo dân làm tổ trưởng tổ Phụ Nữ trong ấp tới nhà chơi và cho biết: “Cha biết không, hôm bầu cử, khi cha bước vô buồng kín đã có sẵn ba người được gài phía sau để theo dõi xem cha làm gì trong ấy, và họ khen là cha bỏ phiếu tốt”. Nghe qua câu này tôi chỉ mỉm cười không nói năng gì nhưng nghe có cảm giác ớn lạnh ở lưng, cái cảm giác mà chúng ta thường có khi vừa may mắn thoát được một tai nạn trong đường tơ kẽ tóc! 

Cuối tháng Tư 1976, vì không thể sống được trong họ đạo dưới áp lực quá nặng nề đến từ nhiều phía, tôi buộc lòng phải từ giã họ đạo La Mã, trở về quê ít ngày rồi lại ra đi, lần này đi vào một tương lai vô định. Cũng như bao nhiêu anh em cùng chí hướng, tôi không thể ngồi yên nhìn cảnh quê hương và dân tộc đang bị một thứ chất độc tai hại tàn phá. Dù biết là tài hèn sức mọn, có thể không làm nên việc gì, nhưng tôi vẫn nghĩ, thà không làm nên việc gì còn hơn là không làm gì cả. Và từ lúc đó cuộc đời tôi đi vào ngả rẽ, dẫn đưa tôi vào nhà tù ở tỉnh lẻ cao nguyên này.
  
Quay về thực tại

  Giờ này đã quá khuya, buồng giam yên lặng, mờ ảo dưới ánh sáng leo lét của bóng điện nhỏ duy nhất trên trần nhà. Tiếng ngáy của Long càng lúc càng to. Chung quanh tôi, các anh em bạn tù đều đang ngon giấc. Bên ngoài cũng không nghe một tiếng động nào, chỉ lâu lâu có tiếng bước chân thật nhẹ nhàng, dừng lại bên ngoài cửa sắt buồng giam rồi lại bước đi. Tiếng bước chân nhẹ nhàng đến độ tôi phải chú ý lắng nghe mới nhận ra được như tiếng bước chân âm thầm của loài hổ báo đang rình mồi. Tôi biết ngay đó là cán bộ võ trang đang tuần tra về đêm.

Tôi cảm thấy lạnh nên nằm dịch người sát vào Long trọc đầu đang ngủ say. Tôi nhè nhẹ kéo mí tấm chăn Long đang đắp để phủ lên người cho đỡ lạnh. Long giật mình, phát ra mấy tiếng ự ự trong cổ họng, trong khi mắt vẫn đang nhắm nghiền, vặn người mấy cái, chép miệng và nằm yên thở đều. Long nằm ngửa, đôi môi hở ra để lộ hàm răng có chiếc răng cửa bị gãy. Lúc này tôi không còn thấy Long xấu xí và đáng sợ như lúc mới chạm mặt lần đầu.
  
Trái lại, tôi thấy một tâm tình yêu mến dâng lên đối với Long, một thanh niên xa lạ tự phương trời nào, mà tự nhiên đêm nay lại trở thành kẻ “chung chăn chung gối” trong đêm đầu tiên tôi sống trong tù. Bất giác tôi cười thầm với cái ý nghĩ rằng đây là một “Đêm Tân Hôn”! Một đêm tân hôn thật lạ kỳ, vì “tân giai nhân” nằm cạnh tôi trọc đầu, sún răng, hình hài vạm vỡ như một võ sĩ đô vật và mình trần để lộ hình con rồng xâm trổ to tướng trên ngực, con rồng lại đang nhe răng khè ra lửa! Tôi tiếp tục mỉm cười trong bóng đêm!

Những ý nghĩ miên man vụn vặt ấy từ từ ru tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay, một giấc ngủ thật nhiều mộng mị. Sáng ngày, lúc nghe tiếng kẻng báo thức, tôi giật mình tỉnh giấc và bàng hoàng không biết mình đang ở đâu! Tôi nằm yên dụi mắt. Một hồi lâu mới nhận ra được hoàn cảnh thực tại, tôi đang ở tù. Sau khi ngồi lên đọc kinh dâng ngày, tôi cố nhớ lại các giấc mơ đêm qua.

Trong cơn mơ, tôi thấy trở về thăm lại Đại chủng-viện Sài-Gòn, nơi tôi xa rời đã sáu năm qua, gặp lại một vài cha giáo sư và một số bạn cũ, trông mặt mày ai nấy đều ủ rũ buồn rầu nhưng không hiểu tại sao.

Trong một giấc mơ khác, tôi mơ thấy bóng dáng người con gái trong bài ca-dao, “Trèo lên cây bưởi hái hoa...” Tôi thấy nàng mặc chiếc áo bà ba trắng ôm sát thân người, tóc bỏ đuôi gà, gương mặt trái xoan trắng ngần và đẹp thanh tú, nhưng trong vẻ đẹp ấy có ẩn hiện một nỗi u buồn khó diễn tả. Hình như tôi thấy nàng đang đứng giữa ruộng cà để nói chuyện với tôi và vài người khác hay sao đó. Giấc mơ này tôi nhớ không rõ, nhưng giấc mơ trước tôi còn nhớ rõ như in

Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
 3
Tàu Sông Hương

Trong mấy ngày qua, các tù nhân trong trại Gia-Ray tỉnh Xuân Lộc bàn ra tán vào về một đồ vật có hình dạng lạ lùng, đang nằm trong lán mộc gần bên cổng trại. Mạnh ai nấy cố thử đoán xem “nó” là cái gì. Nhưng cuối cùng, xem ra chẳng một ai dám chắc về lý đoán của mình. Cũng có một vài cuộc cãi vã xảy ra vì bất đồng ý kiến về tên gọi của nó. Đó là một đồ vật bằng ván gỗ, nếu dựng đứng lên trông giống như cái kệ sách có bề ngang sáu tấc và cao năm thước.

Tuy nhiên có điểm khác là các miếng ván nằm ngang không bằng mà lại hơi chênh chếch cao, nên chỉ trông giống kệ sách thôi nhưng không thể là kệ sách được. Có ai lại đóng một kệ sách với khích thước chướng đời như thế! Có người bảo nó là cây thang, nhưng nấc lại cách nhau quá ngắn, và hai bên là hai mảnh ván rất to bản. Nếu nó thực sự là cây thang thì đây là một cây thang lạ lùng nhất mà tôi được thấy. Chính tôi cũng thắc mắc về nó.

Khi đi lao động ra vô cổng trại, ngày nào cũng thấy nó nhưng không thể biết được dùng vào việc gì. Một hôm gặp anh đội trưởng đội mộc, tôi hỏi về nó, anh cũng chẳng biết là cái gì, chỉ biết đóng đúng theo kích thước của cán bộ giao cho đội thực hiện.

 “Nó” nằm dài trong lán mộc một thời gian. Rồi một hôm, vào thượng tuần tháng Tư năm 1977, chúng tôi đi ngang lán mộc để xuất trại lao động, nhìn vào không còn thấy nó nữa. Như vậy là nó được chở đi ban đêm và không một ai trong chúng tôi được biết. Điều này cũng hơi khác thường vì các sản phẩm do anh em tù đóng như bàn, tủ, ghế, hòm v.v... đều được chở đi ban ngày và các anh tù phải khiêng vác ra xe. Nhưng rồi mấy ngày sau, chúng tôi quên khuấy nó đi, chẳng thấy ai còn thắc mắc gì về nó. Trong khi còn biết bao nhiêu chuyện khác phải bận tâm lo nghĩ trong kiếp sống tù đày ở trại Gia Ray đông nghẹt tù nhân, và thiếu thốn tất cả tiện nghi tối thiểu này.

Trại Gia Ray, còn gọi là Z 30D, trước kia là hậu cứ của trung đoàn 54, nằm trên một đồi cao có cái tên khá thơ mộng là “đồi Phượng Vĩ”. Trại nằm quay cổng ra núi Chứa Chan cao to sừng sững mà anh em tù thích gọi đùa là núi “Chán Chưa"! Sở dĩ tôi biết về lai lịch trại này vì có một số người tù trước kia là quân nhân đã từng đóng quân ở đây. Sau khi đổi đời, họ lại cũng vào đây ở tù tiếp theo.

Vì trước kia là một trại lính và nay biến thành nhà tù, nên nó không có một thứ gì cả, ngoài mấy dãy nhà tôn vách ván, cất trên nền đất đỏ đầy bụi bặm và hang chuột dọc ngang. Trại không có nước máy, cũng không có giếng hoặc suối để lấy nước.

Hàng ngày có xe bồn chở nước tới cung cấp cho cơ quan và hơn một ngàn tù nhân trong trại. Vì số lượng nước cung cấp rất hạn chế nên nước trở thành hiếm và dĩ nhiên cái gì hiếm thì quý. Các tù nhân chỉ được chia tiêu chuẩn nước uống mỗi ngày hai lon Guigoz trong hai bữa ăn trưa và chiều. Vì phần nước quá ít so với nhu cầu nên hầu như không có ngày nào trong buồng là không có cãi nhau về “việc nước”.

Có nhiều trận đánh nhau bưu đầu sứt trán “vì nước”. Có mấy lần, hàng trăm tù nhân hè nhau tấn công nhà bếp để... “cướp nước”! Những lúc đó thôi thì gậy gộc, gạch đá, có khi cả dao mác đều được dùng để ẩu đả nhau. Cả hai phe tù có nhiều kẻ lỗ đầu sứt trán máu me đầm đìa y như cảnh chiến tranh Quốc - Cộng trước kia giành nhau đất “nước”!

Trại Gia Ray

Nhóm chúng tôi từ trại Phan Đăng Lưu trong tỉnh Gia Định chuyển lên đây vài ngày trước Tết Đinh Tỵ năm 1977. Trong nhóm còn một Linh mục khác là cha Vũ Đức Khâm, người đã một thời làm việc với Đức Cha Lê Hữu Từ và cha Hoàng Huỳnh thời Công giáo tự trị chống Việt Minh tại chiến khu Phát Diệm trước năm 1954.

Vào Nam, cha Khâm được nhiều người biết đến qua các hoạt động xã hội của ngài tại Sài Gòn trong những năm đầu thập niên 70. Phần đông tù nhân trại Gia Ray lúc bấy giờ là nhân viên công chức của chế độ cũ và một số người trong Lực Lượng Dân Quân Phục Quốc, hầu hết là trẻ tuổi. Số khác can tội vượt biên hay phản động, chống chế độ cách này cách khác.

Khi chúng tôi chuyển tới đây thì trong trại đã có sẵn khoảng một ngàn người. Chừng vài tuần lễ sau, có một số anh em quân đội từ trại Cà Tum, Tỉnh Tây Ninh chuyển về nữa, nâng con số tù lên 1200 người. Trong số đó có khá nhiều anh em Công giáo.

Khi vừa tới, chúng tôi được phân tán vào các đội và ở các buồng khác nhau, mỗi buồng chứa khảng 60 người. Tôi vào chung đội với cha Vũ Đức Khâm và một số anh em tôi còn nhớ được như các anh Nguyễn Tôn Tính, Nguyễn Tiến Đạt, Trần Nhật Kim, Mai Văn An. Phạm Văn Thông…Hai ngày đầu tiên chúng tôi bị nhốt trong buồng cả ngày lẫn đêm.

Buồng giam trống trơn từ đầu tới cuối, hai bên có hai dãy sàn nằm bằng gỗ, ở giữa là lối đi chạy dài. Trong buồng không có cầu tiêu, và để thay thế vào đó là 3 cái ống sắt vỏ đạn pháo binh 155 ly, mỗi ống đường kính chừng hơn gang tay và cao khoảng một thước, được dựng trong một phòng nhỏ ở góc phía trong cùng. Tất cả mọi nhu cầu vệ sinh của chừng ấy con người trong buồng được giải quyết gọn trong ba cái ống đó. Tới sáng ngày mở cửa mới được mang đi đổ ở cầu tiêu công cộng.

Tuy tôi chỉ ở trại này thời gian ngắn, nhưng có mấy sự việc gây ấn tượng mạnh làm tôi không sao có thể quên được. Trước hết là chuyện về cái cầu tiêu công cộng. Như tôi đã nói, lúc bấy giờ trong trại có hơn một ngàn người, sống chen chúc nhau trong một cái trại lính cũ mèm và trơ trọi.

Nước uống thì mỗi ngày có xe bồn chở tới, củi đuốc thì có sẵn trong rừng, rau cỏ thì các đội rau xanh trồng cho cả trại ăn, về khoảng tắm giặt thì... khắc phục! Nước uống còn không đủ lấy đâu ra nước để tắm giặt? Nhưng còn vấn đề ‘đại tiện’ thì sao, việc này không thể nào “khắc phục” được. Giải quyết khâu này cho hơn một ngàn con người sống tập trung đâu phải là chuyện nhỏ!
  
“Đại hội” Ruồi Xanh

Sau hai ngày đầu bị nhốt kín trong buồng, qua ngày thứ ba chúng tôi được mở cửa ra ngoài đi lại tự do như những người khác. Tôi còn nhớ mãi buổi sáng đầu tiên được mở cửa, tôi có nhu cầu ra khu cầu tiêu công cộng lần đầu tiên sau khi đã 'khắc phục' suốt đêm trong buồng, vì 3 cái ống vỏ đạn pháo binh làm cầu tiêu dã chiến không đáp ứng được nhu cầu của 60 con người. Muốn ra tới cầu tiêu công cộng tôi phải đi qua vài ba dãy nhà, kể cả khu vực nhà bếp.

Sau khi qua nhà bếp một đỗi, có con đường nhỏ đi giữa hai hàng rào kẽm gai dẫn ra phía bờ rào trại bằng nhiều lớp kẽm gai cuộn tròn bao bọc chung quanh trại. Khu vực cầu tiêu công cộng nằm sát bờ rào trại. Khi vừa tới đầu nhà bếp, mặc dù chưa thấy hình dạng nhưng tôi đã “đánh mùi” được vị trí tôi muốn tìm tới. Ngay lúc tôi vừa nghe mùi cũng là lúc tôi nghe một âm thanh lạ kỳ của đám ruồi xanh đang bận rộn với hàng đống cải muối dưa đang được trải phơi trên mái tôn của nhà bếp.

Trời ơi, ruồi xanh ở đau mà lắm thế! Mùi dưa cải muối chua, mùi của nhà bếp, mùi của đường cống lộ thiên rộng gần 2 thước bên hông nhà bếp, cộng với mùi thối từ cầu tiêu công cộng cách đó không xa đã lôi cuốn không biết cơ man nào là ruồi xanh. Chúng bay thành từng đàn, từng mảng trên nền trời đông như giải trấu. Chúng đang giành ăn giữa những đám cải khô trên nóc nhà. Chúng bay vo ve trên miệng đường cống. Chúng đậu vào những nơi nào có thể đậu được trong khu nhà bếp và tạo nên một cảnh náo nhiệt khác thường.  

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy ruồi xanh nhiều như thế, nhiều không có thể tưởng tượng được. Tôi thầm nghĩ có lẽ toàn thể ruồi xanh trên thế giới hôm nay tập trung về đây để họp bạn, hoặc có đại hội đặc biệt gì đó của ruồi xanh! Về số lượng đông khủng khiếp của muỗi thì tôi đã có dịp thấy tại rừng Năm Căn trong tỉnh Cà Mau. Khi còn làm thầy giúp xứ, tôi đã có dịp xuống làm việc với cha Nguyễn Lạc Hóa, một Linh mục người Tàu tại biệt khu Hải Yến vào năm 1967. Lúc đó tôi nghĩ chắc là trên đời này không còn nơi nào nhiều muỗi như ở Hải Yến trong tỉnh Cà Mau và lúc này tôi có thể nói không chỗ nào nhiều ruồi xanh như trại tù Gia Ray, tỉnh Xuân Lộc!  

Khi tới nhà bếp tôi phải dừng lại vì đã có chừng vài ba chục người đang đứng xếp hàng dọc chờ từ trước, trên tay mỗi người cầm một tờ giấy. Tôi đến nơi ráp vào hàng. Đứng vô hàng xong, tôi ngoái lại sau lưng thì đã thấy độ mươi anh tù khác cũng đang lục đục kéo ra đứng tiếp theo. Một lúc sau, hàng người bất đắc dĩ phải tới đây như tôi, càng lúc càng dài hơn.

Lúc đó chẳng biết làm gì hơn, tôi đành đứng yên quan sát. Vì mới tới trại mấy ngày, và hôm nay được ra đây lần đầu nên cái gì đối với tôi lúc bấy giờ cũng lạ. Những người bạn tù bất đắc dĩ phải đứng xếp hàng trước và sau tôi, đại đa số cũng xa lạ nên tôi cũng chẳng có dịp nói chuyện với ai. Vả lại trông người nào cũng lầm lì câm lặng. Có người mặt mày nhăn nhó trông rất khổ sở, mà tôi đoán là họ đang bi ‘đuổi’ rất gấp, như thế còn tâm trí đâu để mà chuyện với trò?

Nhìn về phía xa trước mặt, tôi thấy cái hố hình chữ nhật rất to, chiều dài phải có tới 15 thước, chiều ngang quãng 10 thước. Trên mặt hố được dựng tạm bợ một dãy nhà cầu chừng 15 hay 20 cái dính liền nhau, cái nọ cách cái kia bằng một tấm phên nứa, cao khoảng 50 phân, phía trước có lá chắn bằng nứa cao chừng một gang tay, trên nóc có tấm cót che mưa che nắng một cách sơ sài vội vã.

Dãy nhà cầu nằm cách bờ đất khá xa và trước mỗi ô có một cầu bằng ván bìa bắt từ mép bờ đất đi ra. Nhìn từ xa, tôi thấy trong mỗi cái ô nho nhỏ đó có một con người đang ngồi. Mới nhìn thoáng qua trông giống như một hàng nhộng nằm trong tổ ong đang ló đầu ra ngoài. Tấm phên phía trước chỉ che được những nơi cần che của con người đang ngồi chồm hổm, đối diện với một hàng người đang đứng dàn hàng ngang trên bờ hố chờ tới phiên mình. Hàng người đứng hàng ngang này thuộc diện ưu tiên, trong khi những người ra muộn như tôi, phải đứng thành hàng dọc trên lối đi và đang kiên nhẫn chờ đợi.

Đợi chờ trong đau khổ

Một lúc tôi mới chợt để ý là hầu hết mọi người đều cởi trần chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi. Điều này làm tôi ngạc nhiên vì lúc đó là tiết xuân, sáng sớm trời khá lạnh, tại sao họ lại cởi trần, mặc quần đùi, trong khi tôi ‘diện’ khá chỉnh tề. Có nghĩa là tôi mặc cái áo sơ mi và quần dài.

Nhìn lại tôi thấy mình thật chẳng giống ai trong hàng. Tôi quay lại phía sau, thấy có vài anh cũng ăn mặc chững chạc như tôi, coi lại toàn là lính mới trong nhóm tôi mới nhập trại mấy ngày qua. Một số người đang khoanh tay cúi mình hoặc xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ lạnh. Lúc đó tôi nghĩ bụng: “Mấy tướng này đã ở đây lâu nên quen chịu rét, còn mình làm gì dám cởi trần buổi sáng sớm thế này!”

Hàng người nhích tới rất chậm, chẳng khác gì cảnh kẹt xe trên đường Hai Bà Trưng vào giờ tan sở. Có mấy tay đứng cạnh tôi, chắc là trong tình trạng “khẩn trương”, trông mặt mày nhăn nhó, bứt rứt. Cặp mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn cái hàng “nhộng” đang ngồi yên bất động, giương những cặp mắt lờ đờ nhìn ra, trong trạng thái nhẹ nhàng thoải mái.

Có một tay ngay sau lưng tôi coi bộ “rất khẩn trương”, chắc là đang bị Tào Tháo đuổi gấp, nhưng lại gặp đèn đỏ phía trước không thể làm gì hơn nên tức khí quát to, chửi đại, trúng ai thì trúng: “ĐM, ỉa cái đéo gì mà lâu thế mấy cha nội? Bộ muốn ngủ trong đó à? Mau ra cho bà con còn nhờ với chớ!" Cả đám cười ồ sau câu nói của anh chàng lỗ mãng vui tính này. Vài người phụ họa theo pha trò thêm vài câu gì đó cho vui hơn, để quên cảnh khổ lúc bấy giờ đang hành hạ từng con người. Chẳng ai buồn trả lời câu chửi lãng xẹt của anh ta, nhưng một lúc sau có tiếng nói của một trong những “con nhộng” đùa trả lại. Nghe cách nói, tôi biết là chỗ bạn bè thân thiết: “Cái thằng ăn nói vô duyên, chuyện gì chớ chuyện này thì nhanh cái chó gì được? Ngồi đây thối bỏ mẹ, có sướng ích gì đâu mà ở đó la với hét?" Cả bọn chúng tôi lại được một trận cười cho quên sầu trong giây lát.

Có mấy người xong việc, kéo quần đứng lên, bước vội ra như bị ma đuổi. Mỗi lần như vậy chúng tôi nhích thêm được vài bước, y như cái cảnh xếp hàng mua vé trước rạp Rex mỗi khi có chiếu phim hay! Chợt có một anh bạn đi ngược chiều, khi ngang qua chỗ tôi, dừng lại nói:
- Cậu Bảy có mặc quần đùi không? Cởi quần áo dài ra đi, mặc quần đùi thôi.
  
Tôi ngạc niên hỏi:  
- Sao vậy?  
- Trời ơi! Vô đó nó thối không thể chịu nổi. Cậu mặc quần áo dài, mùi thối ám vô mấy ngày còn chưa hết mùi. Ở đây làm gì có nước mà giặt. Cậu cởi quần áo dài ra đi, con mang về buồng cho!

Thì ra tôi mới hiểu tại sao gần như tất cả đều cởi trần mặc quần đùi, chỉ có bọn lính mới chúng tôi là ngây thơ trong việc này. Tôi nghe lời anh bạn, cởi đồ dài ra đưa anh cầm về giúp. Sau khi cởi trần tôi bắt đầu rét run, nhưng dù sao tôi phải ở đây, không thể nào rời bỏ vị trí được.

Kẻ ra người vào, rốt cùng tôi cũng trở thành dạng ưu tiên tới bên bờ hố và dàn thành hàng ngang đứng đối diện với một người xa lạ đang ngồi bên trong. Hai người chúng tôi, một đứng một ngồi, cách nhau chừng hai thước, nhưng chúng tôi tránh ánh mắt của nhau, vì đây là một cuộc “hội kiến” hoàn toàn bất đắc dĩ. Lúc đứng chờ, tôi nhìn xuống bên dưới và cảnh tượng thật là kinh khủng. Hố sâu chừng quá đầu người. Bên dưới mỗi ô nhà cầu là một thùng chứa phân có 2 quai bằng dây sắt. Nhưng phân tràn be bét ra ngoài và lấp đầy gần một phần ba cái hố. Các thùng chứa phân là của đội rau xanh. Mỗi ngày có mấy anh vào khiêng ra, bón cho vườn rau cải được trồng rất nhiều bên ngoài cổng trại. 

Vườn rau này là nguồn cung cấp thức ăn chính cho tù nhân trong trại. Khi đứng bên miệng hố, mùi hôi thối xông lên làm tôi gần ngạt thở. Đám ruồi nhặng đông như trấu đang quần thảo, cào cấu, nhào lộn trên mặt hố. Tiếng bay của chúng tạo thành âm thanh rào rào như đàn ong vỡ tổ. Mặc dù chúng đã chia ra một tốp khác đang làm chủ tình hình ở khu nhà bếp, số ruồi xanh ở đây còn dầy đặc mấy lần hơn. Trên lớp mặt nhầy nhụa, từng mảng dòi bọ lúc nhúc đang lăn lộn, trườn đạp lên nhau không khoan nhượng.

Tôi không dám nhìn lâu cảnh này và ngước nhìn lên cái chòi gác khá cao nằm ở một góc cách đó không xa. Có một anh công-an ngồi gác trên chòi, yên lặng nhìn chòng chọc xuống đám tù nhân đang nối đuôi nhau làm cái công việc thuộc bản năng. Tôi tự nhiên đâm ra thương hại cho anh ta và nghĩ thầm: “Mình mới đứng một chốc đã muốn điên người, còn anh ta ngồi đó hàng giờ làm sao chịu cho thấu!” Nhưng tôi lại nghĩ, cái gì cũng vậy, mãi rồi nó cũng quen đi.

Và tôi đã nghĩ đúng! Cái gì rồi cũng quen đi. Về sau này mỗi sáng tôi lại phải đến đây, dĩ nhiên là cởi trần mặc quần đùi, lại xếp hàng, lại đối diện với hai người bạn tù nào đó, một người tôi đứng chờ và một người khác đứng chờ tôi! Cái hố vẫn là cái hố cũ với tất cả sự nhơ nhớp và thối tha của nó, nhưng tôi không cảm thấy kinh khủng như lần đầu nhìn thấy. Có những ngày mưa gió tơi bời làm cho việc giải quyết nhu cầu tự nhiên của cơ thể này trở nên khổ nhọc hơn. Chúng tôi phải xếp hàng dưới cơn mưa và cái hố kia ngập nước trở nên lõng bõng những nước nhầy nhụa. Đám dòi bọ bị ngập lụt trôi lều bều, giãy giụa như người trong cơn chết đuối đang vẫy vùng cầu cứu. Cảnh tượng này trông càng khủng khiếp hơn.
  
Nhưng trời mưa lại giúp bầu khí đỡ hôi thối và đàn ruồi nhặng cũng hoạt động bớt hăng say, có lẽ chúng sợ bị ướt cánh. Những ngày tháng về sau, tôi vẫn phải tới nơi này nhưng cố gắng coi đó là chuyện tự nhiên. Tôi tự nhủ, đây là một phần trong giai đoạn mới của cuộc đời.
  
Người bạn tù Linh mục

Lúc đó cha Vũ Đức Khâm sống chung buồng với tôi và ngài đã để lại trong lòng tôi kỷ niệm sâu xa. Vì lớn tuổi nên ngài được cho làm việc nhẹ trong trại gọi là “trực sinh”, còn tôi phải vào toán lao động bên ngoài trại. Lúc bấy giờ trong trại có nhiều loại công việc khác nhau và mỗi đội làm các việc đó có tên riêng như đội cấp dưỡng (nhà bếp), đội mộc, đội rèn, đội rau xanh. Tôi được sung vào đội khai hoang dọn đất, tức là đốn cây, khai phá lùm bụi, cuốc dọn đất cho các đội khác trồng trọt rau cải cung cấp cho trại. Công việc của đội tôi cũng không vất vả lắm, nhưng phải phơi nắng cả ngày và là một công việc đầy nguy hiểm.

Điều làm chúng tôi lo sợ nhất là khi khai hoang cuốc đất, thỉnh thoảng lại có anh cuốc nhằm mìn, lựu đạn hoặc đầu đạn M79. Đã có người bị nổ banh thây, có người cụt giò hoặc bị thương tật. Ngoài ra còn một điều ngán nữa là đội chúng tôi lao động quần quật cả ngày dưới trời nắng chang chang, mình mẩy đầy cát bụi, mà chiều lại không có một giọt nước để lau người.

Có những hôm chúng tôi năn nỉ quá, cán bộ võ trang dẫn đi “tắm” ở một cái hố nước gần đó. Hố nước chừng bằng căn phòng, nước đục ngầu và chỉ cao vừa tới đầu gối. Khi đội chúng tôi tới nơi, đã có hàng mấy trăm con người ở các đội khác tới trước. Họ đứng tràn chung quanh miệng hố. Cảnh này nhìn từ xa giống như có đám ma của một nhân vật quan trọng, lúc hạ huyệt ai cũng muốn bu lại để cố nhìn thấy quan tài lần cuối cùng. Chừng ấy con người mà lội xuống ao, làm bùn non nổi lên nhào trộn với nước, đặc quánh lại như vữa xây nhà, chúng tôi đành bỏ cuộc.
  
Làm sao mà tắm cho được? Có những ngày nóng nực quá không thể chịu nổi. Sau giờ lao động ban chiều, cán bộ cho chúng tôi đến “tắm” nhờ bên đội rau xanh. Nơi đó có dòng suối nhỏ mà đội dùng để tưới vườn rau cải. Chúng tôi dùng lon múc một ít nước lau người. Nước này đã tưới các luống rau và chảy xuống suối, mang theo từng tảng phân người trôi lều bều trên mặt nước! 

Trong trại lúc đó, có một số đông anh em Công giáo. Những ngày Chúa Nhật hoặc ngày không đi lao động, anh em hay đến thăm cha Vũ Đức Khâm và tôi. Để tránh mọi phiền phức trong lối xưng hô, tôi bảo các anh em gọi cha Khâm là Cậu Hai, còn tôi là Cậu Bảy. Tôi mang cái tên “Cậu Bảy” từ lúc đó.

Các anh em Công giáo không những chỉ đến thăm viếng chuyện trò mà còn giúp nhau lo dọn mình xưng tội. Các anh em bạn bè cũng mang tới cho chúng tôi ít thức ăn, đồ dùng. Trong số những anh em thường tới chơi và giúp đỡ, tôi đặc biệt nhớ tới anh Phạm Hùng Thọ. Anh là một sĩ quan trước kia vào trại Gia Ray chúng tôi mới biết nhau. Người Thọ cao lớn, nước da ngăm đen, tính nết hiền hòa, nói năng chậm rãi.
  
Lúc đó anh ở đội rau xanh là đội có cơ hội được tiếp xúc với “nước” nhiều hơn các đội khác. Mỗi buổi đi lao động, Thọ gánh một đôi thùng thiếc lấy nước sạch mang về, chia cho tôi và cha Khâm một thùng. Một thùng nước trong trại Gia Ray lúc đó thật là quý, nhất là nếu biết công của Thọ đã phải gánh từ xa mấy cây số về thì mới hiểu hết được giá trị của thùng nước đó như câu người ta thường nói: “ Của một đồng công một lạng”. Tôi nhớ mãi về người bạn tốt này vì thường chọc đùa anh.

Biết tên anh là Phạm Hùng Thọ mà lúc đó Phạm Hùng là Bộ Trưởng bộ Nội vụ, còn Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch nước nên một hôm tôi nói đùa với anh: “Anh Thọ này, giá mà tên anh chỉ lấy mỗi hai chữ đầu là Phạm Hùng, anh em cũng được nhờ, hoặc chỉ lấy một chữ sau cùng là Thọ và cho đứng sau chữ Nguyễn Hữu, có phải anh em mình trúng mánh không? Tiếc là tên hai ông lớn gộp lại mới bằng tên anh mà chúng tôi chẳng được nhờ vả gì!” Thọ nghe tôi nói bật cười thật tươi. Tôi vẫn nhớ nụ cười hồn nhiên đó của anh.
  
Tết năm đó, phần đông các anh em được gia đình vào thăm nuôi tiếp tế, trong khi chúng tôi vừa mới từ trại Phan Đăng Lưu chuyển tới rất đột ngột nên gia đình và thân nhân không hay biết chúng tôi hiện đang ở đâu. Mặc dù lúc đó chúng tôi được quyền đi lại từ buồng này qua buồng khác và giao tiếp tự do, nhưng phần cha Khâm và tôi lúc nào cũng phải dè dặt với anh chàng Bùi Định.  

Vừa đặt chân lên trại này, chúng tôi đã được các anh em thông báo phải cẩn thận dè chừng với anh này. Vì mới tới, tôi chưa biết ai là ai, chỉ biết là anh Bùi Định được trại chỉ định làm đại diện cho tất cả tù nhân. Anh ta cũng lo việc phát thư, sách báo, gọi và dẫn tù ra nhà khách thăm gặp gia đình.

Khi từ nhà khách trở vô, anh ta cũng phụ giúp cán bộ khám xét hàng họ, quà cáp. Trong buồng tôi cũng có một anh tên là Đặng Báu, nghe nói là giáo dân ở nhà thờ Kỳ Đồng. Anh này chuyên rình mò báo cáo anh em để lập công. Tôi đã phải nhiều phen khốn đốn vì anh chàng Đặng Báu này. Khi lên tới trại này sau hơn 9 tháng bị bắt, lần đầu tiên tôi mới va chạm với hệ thống dùng tù rình mò và tố cáo tù, mà về sau chúng tôi gọi là “ăn-ten”. Lúc còn bị giam ở trại Phan Đăng Lưu cũng đã có hiện tượng này, nhưng chưa được tổ chức quy mô thành “mạng lưới” như khi sống chung đông đúc như ở trại này.

Chuyện năm xưa  

Chúng tôi sống yên ổn được gần một tháng thì có chuyện buồn xảy tới. Ngày nọ, có một anh Công giáo kể tôi nghe câu chuyện về cha Khâm và dặn tôi về nói lại với ngài. Anh ta nói, một hôm có một cán bộ người miền Bắc quen biết với cán bộ quản giáo đội của anh, nên tới đội chơi. Vì biết anh là người Công giáo nên cán bô miền Bắc này hỏi anh có có biết “tên Vũ Đức Khâm” không. Sau khi anh trả lời là biết, cán bộ này nói: “Chính thằng Vũ Đức Khâm nó giết bố tôi".

Nghe kể lại chuyện đó, trong lòng tôi bất an. Tôi rất lo sợ cho sự an toàn của cha Khâm, nhưng tôi không kể lại với cha, sợ ngài lo lắng vì lúc đó tinh thần ngài rất sa sút. Mặc dù không kể lại với cha Khâm, nhưng tôi hay tìm dịp hỏi riêng ngài về các việc làm lúc còn ở Phát Diệm. Cha Khâm cho tôi biết, có làm việc với Đức cha Lê Hữu Từ trong chiến khu Phát Diệm tự trị, chống Việt Minh. Ngài cũng cho biết, sau này người ta thêu dệt nhiều điều mà ngài không hề làm.

Có lần tôi hỏi về vết sẹo khá lớn trên mặt ngài, phía dưới cằm, cha Khâm cho biết là có lần ngài bị ám sát ngay trong nhà thờ vào một buổi sáng sớm khi ngài vào nhà thờ dâng lễ. Ngài bị bắn hụt chỉ bị thương và còn lại vết sẹo đó. Ngài nói sau lần đó, ngài không còn dính líu tới Tự Vệ Quân nữa cho tới khi di cư vô Nam vào năm 1954.

Khi vô Nam, cha Khâm đi du học ở Mỹ và có bằng tiến sĩ xã hội. Trở về Sài Gòn, ngài hoạt động mạnh trong phong trào Thanh Sinh Công và mở những khóa phụ nữ cắt tóc đầu tiên tại Sài Gòn. Lúc trước tôi không biết gì về cha Khâm, vì ngài là lớp đàn anh, lớn hơn tôi hơn 20 tuổi. Nhưng tôi nghe tên và biết về việc xã hội ngài làm tại Sài Gòn.

Vào tù chúng tôi mới gặp nhau khi cùng bị giam chung trong dãy xà-lim ở An ninh Nội Chính ((Nha Cảnh sát Đô thành cũ). Có 20 người trong 20 phòng liền nhau. Trong số những người nằm xà-lim lúc bấy giờ tôi còn nhớ các ông Vũ Quốc Thông, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, ông Tống Đình Bắc. Trong thời gian đó, cha Khâm là người bị gọi đi hỏi cung nhiều nhất, có khi gọi cả ngày lẫn đêm.

Cách mấy ngày sau, tôi nghĩ là nên cho cha Khâm biết câu chuyện mà tôi đã được nghe để ngài chuẩn bị tinh thần, hơn là có cái gì xảy ra quá đột ngột cho ngài. Trong một đêm tôi kể lại câu chuyện mà tôi được nghe và ngài rất lo lắng, mặc dù ngài khẳng định là không bao giờ có chuyện đó. Ngài cho biết là không bao giờ giết người lúc còn làm việc ở Phát Diệm. Vì cả hai chúng tôi đều có linh tính về chuyện chẳng lành có thể xảy ra, nên chúng tôi dành nhiều thời giờ lo giúp nhau chuẩn bị các việc về phần hồn. 

Lúc này cha Khâm coi tôi là người bạn tinh thần và là chỗ nương tựa trong lúc sầu khổ. Tôi nhận thấy rất rõ là ngài lo lắng và thương tôi hơn. Ngài luôn dặn dò tôi, cho dù bất cứ vì hoàn cảnh gì mà phải xa nhau, cũng hãy luôn sống xứng đáng với chức vụ Linh mục và giúp đỡ anh em, nhất là về phần tinh thần. Có lần tôi nói với cha Khâm là ngài dịch cuốn “Một tâm Hồn” của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu rất hay. Cuốn sách đó có ảnh hưởng tới cuộc đời tôi rất nhiều. Nghe nói thế ngài cảm động lắm.

Tôi còn hỏi tại sao ngài lấy bút hiệu là Kim Thiếu khi dịch sách đó? Cha Khâm cười trả lời: “Tại Cậu Bảy mày không biết chữ Nho đó thôi. Đây là lối chiết tự: chữ Khâm được kết hợp bởi chữ Kim và chữ Khiếm, mà Khiếm tức là thiếu, vậy thay vì Kim Khiếm thì là Kim Thiếu, tức là Khâm!” Có một đêm nằm gần nhau trên sàn ván trong buồng, tôi nắm lấy bàn tay cha Khâm và hỏi thẳng vào vấn đề:
- Cậu Hai, giả sử như cậu có Cậu mệnh hệ nào, cậu có muốn con làm gì không?

Cha Khâm trầm ngâm một lúc mới trả lời:
- Cậu Bảy mầy hãy nói lại với mọi người là tôi đã dọn mình ra đi bằng yên, và tôi không bao giờ làm điều mà họ gán cho tôi.

Cha Khâm vẫn có thói quen gọi tôi là ‘Cậu Bảy mầy’, nói xong ngài quay mặt đi với vẻ mặt rất buồn. Tôi hứa là tôi sẽ làm như lời ngài dặn.

Vĩnh biệt Cha Khâm

  Và chuyện gì sẽ tới nó phải tới. Một buổi chiều kia, vào khoảng cuối tháng ba năm 1977, sau hồi kẻng điểm danh, anh em buồng tôi đứng xếp thành 4 hàng như thường lệ bên ngoài, chờ cán bộ tới điểm danh vào buồng. Nhìn ra, tôi chợt thấy một chuyện bất thường. Có một nhóm cán bộ lạ mặt từ xa đi tới.

Thay vì các cán bộ có trách nhiệm điểm danh hàng ngày mà chúng tôi biết mặt, lần này là Thiếu úy Xuân, Sĩ quan An ninh của trại, và 2 cán bộ võ trang mang súng dài theo sau đang tiến thẳng về phía chúng tôi. Thiếu úy Xuân từ miền Bắc vào, thuộc diện “cùng hung cực ác”. Da mặt anh nám đen và đầy mụn trứng cá như dề cơm cháy, môi thâm sì, cặp mắt trắng dã, khi nhìn ai, không bao giờ chớp mắt. Tôi còn nhớ mãi  hình ảnh ghê gớm đúng vào đêm giao thừa Tết Đinh Tỵ năm đó, ngày 19-2-1977.

Trong lúc anh em tù nhân chúng tôi trong buồng chờ đón giao thừa và nói chuyện ồn ào vui vẻ. Thình lình có nhiều tiếng súng to, súng nhỏ nổ vang bên ngoài. Có mấy anh lạc quan hảo vội nhảy nhót vui mừng tưởng là phen này “tới rồi”! Lúc đó cộng-sản vừa chiếm miền Nam, có nhiều phong trào nổi lên chống trả. Và có tin đồn nào là “phe ta” đang nằm sẵn sàng trong mé rừng Long Khánh, chờ cơ hội thuận tiện đánh úp bất ngờ. Đêm nay khi nghe tiếng súng rền trời, nhiều người phấn khởi vỗ tay. Có anh cố khom người nhìn qua khe vách ván coi bên ngoài động tĩnh ra sao!

Một phần khác, có lẽ vì đa số anh em trong buồng, không nhiều thì ít đều có dính dáng tới súng đạn trong một cuộc chiến ác liệt vừa tàn, rồi hàng năm trời không có dịp nghe tiếng súng, đêm nay nghe lại tiếng súng nổ rền vang, tự nhiên cảm thấy nổi hứng như lân nghe pháo.

Trong khi anh em trong buồng đang nhốn nháo vui mừng, thình lình cánh cửa duy nhất của buồng ngay đầu hồi nhà bật mở tung ra! Cánh cửa mở rất mạnh như có một cơn bão lớn làm bật tung khóa. Tất cả chúng tôi đột nhiên yên lặng nhìn ra phía cửa, miệng há hốc.  

Thiếu úy Xuân hiện ra đứng ngay cửa buồng. Anh ta đứng sừng sững như một Thiên Lôi từ trời rơi xuống, đứng chết lặng như trời trồng, không nói một lời. Trên mặt nhiều người trong buồng còn lộ vẻ sững sờ và bẽn lẽn như đứa trẻ ăn vụng, bị mẹ bắt gặp tại trận! Thiếu úy Xuân “hiện ra” đúng giây phút đầu Xuân, nhưng không mang lại cho chúng tôi một chút “Xuân” nào! Mặc bộ đồ công-an màu vàng, đầu đội nón cối che gần hết trán.

Cặp mắt trắng dã của anh ta mở to hết cỡ, đang quét qua quét lại đám tù nhân đang đứng ngỡ ngàng, lúng túng. Ai đang ở tư thế nào thì giữ nguyên tư thế đó!  Một lúc sau, có vài người khẽ cúi xuống, tránh cặp mắt đằng đằng sát khí của vị đại diện toàn quyền cho Hung Thần! Anh ta giữ cho bầu khí nặng nề thêm một lúc, bằng cách đứng yên, hai tay chống nạnh, hai chận dạng ra như trong tư thế xuống tấn của người đang múa võ.  

Cuối cùng anh ta độc thoại: “Các anh hồ hởi cái gì, hả? Anh nào lúc nãy vỗ tay, hả? Bố láo! Các anh đừng có tưởng bở!” Cả buồng vẫn yên lặng, một lúc sau có vài người bắt đầu cử động nhè nhẹ và quay đi có ý như muốn nói “không phải tôi”. Có lẽ thấy màn biểu diễn uy quyền đã tạm đủ, anh ta to giọng: “Cả buồng đi ngủ! Nếu còn tiếp tục làm ồn thì đừng có trách!”. “Phán” lời đó xong, anh ta bước lui ra biến dạng vào bóng đêm cũng nhanh như lúc anh ta “hiện ra”.

Cánh cửa buồng giam tự nhiên đập “ầm” một tiếng, giống y như các cảnh trong phim thần thoại diễn tả lúc Hung Thần vụt biến. Có cái khác là Thiếu úy Xuân “biến” mà không để lại một vầng khói trắng như thường thấy trong phim! Sáng ngày chúng tôi được biết, đêm qua cán bộ bắn súng mừng giao thừa  thay cho tiếng pháo Tết!

Chiều nay, lúc đang đứng trong hàng tôi lại thấy “Hung Thần” xuất hiện. Lần này thì xuất hiện giữa ban ngày, có hai cán bộ võ trang xách súng dài theo sau. Thấy Thiếu úy Xuân đang xăm xăm đi tới, linh tính báo cho tôi biết là có chuyện chẳng lành. Khi anh ta tới nơi và dừng lại, đội trưởng của chúng tôi (lúc bấy giờ là ông già Lưu), hô to mệnh lệnh: “Nghiiêêmm!” Cái ông già Lưu này, người thì bé con con mà tiếng hô “nghiêm” của ông ngon lành nhất trại. Hô xong ông đứng cứng đơ người, hai bàn tay úp vào, kẹp sát hai bên đùi, gót chân nhún lên nhún xuống.

Vì cái tật này mà ông ta có biệt danh là “ông già lò xo”!  Sau khi hô khẩu hiệu xong, "ông già lò xo" định báo cáo số người như thường lệ, nhưng Xuân khoác tay, vì việc này thuộc nhiệm vụ của cán bộ trực trại chớ không phải của anh ta. Anh ta đến đây vì một việc khác. Thiếu úy Xuân đứng đó, giương cặp mắt lừ đừ trắng dã nhìn thẳng vào chúng tôi, nói thật gọn nhẹ: “Anh Vũ Đức Khâm, vào buồng mang tất cả nội vụ ra ngoài!" [1]

Trước giờ chia tay

Tôi nhìn cha Khâm thấy ngài giật mình một phát thật mạnh và lảo đảo bước ra khỏi hàng. Những gì tôi lo sợ đã đến. Lúc đó tôi nghe đau nhói trong tim khi nhìn thấy thân hình cao to của cha Khâm, lúc bấy giờ khoảng 65 tuổi, lưng hơi còng, mình mặc áo đen, quần ngắn đen, mặt tái nhợt và hai bàn tay run nhẹ, đang bước vội vào buồng. Vào tù ngài để râu nên trông càng già hơn.  

Tôi có thể đoán biết số phần của ngài sẽ ra sao! Các anh em khác cũng đứng yên nhìn cha Khâm với vẻ ái ngại, mặc dù họ chưa biết tính cách nghiêm trọng của sự việc như tôi biết. Thiếu úy Xuân vẫn còn đứng đó, trong khi hai cán bộ võ trong xách súng theo sau cha Khâm tới cửa buồng. Tôi đứng suy nghĩ một giây, và bước ra khỏi hàng tới trước mặt Thiếu úy Xuân:
- Báo cáo anh!

Thiếu úy Xuân ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:
- Có việc gì?

- Tôi sinh hoạt chung với anh Khâm và quản lý tất cả đồ đạc. Anh cho tôi vào buồng trả lại cho anh ấy.

Lúc đó tôi sinh hoạt ăn uống chung với cha Khâm và anh Trần Đình Ngành, một giáo dân xứ Tân Việt. Thật ra đó chỉ là cái cớ. Tôi còn một ý khác mạnh hơn và quan trọng hơn rất nhiều để xin vào buồng trong lúc này. Thiếu úy Xuân suy nghĩ một chốc, gật đầu: 
 - Được! Khẩn trương lên!

Tôi đi như bay về phía buồng, nhưng hai tên võ trang đứng ngoài cửa chận tôi lại hỏi:
-  Còn anh vào đây làm gì?
- Tôi đã báo cáo xin anh bên ngoài cho vào soạn đồ đạc của anh Khâm, vì chúng tôi sinh hoạt chung.  
- Khẩn trương lên nhé!
- Vâng, tôi khẩn trương!
   
Thấy hai anh này không có gì khó khăn lắm tôi cũng mừng, đi vội lại với cha Khâm lúc đó ở khoảng giữa buồng về bên trái. Lúc đó ngài đang lúng túng vội vàng lục tung đồ đạc ra, vất lộn xộn trên sàn gỗ.

Thấy tôi bước vào, cha Khâm mừng rỡ ra mặt, hai bàn tay run rẩy của ngài chụp lấy tay tôi, nói bằng giọng đứt quãng:
 - Cậu Bảy mày ở lại mạnh giỏi, xin Chúa chúc lành. Gửi lời chào Ngành và các anh em, nhớ cầu nguyện cho nhau. Cậu giữ tất cả thức ăn lại đi, tôi không mang gì đâu.

Lúc đó cha Khâm đã mất bình tĩnh, lụp chụp và cố nói với tôi thật nhiều trong khi còn có thể nói được. Tôi nhìn Ngài hết sức thương tâm, cố kềm hãm cơn xúc động và nói nhanh: 
- Cậu Hai dọn mình ăn năn tội đi, con giải tội cho. Con xin vào đây vì lý do đó.
  
Nói xong tôi ngước mắt nhìn ra cửa thấy Thiếu úy Xuân đang từ từ đi vào. Lúc này cha Khâm đang ngồi quay lưng ra cửa, mắt nhắm nghiền, đôi môi mấp máy. Tôi biết là ngài đang dọn mình ăn năn tội. Tôi bắt đầu đọc công thức giải tội bằng tiếng La-tinh, đọc thật nhỏ vừa đủ cho hai người nghe: “Dominus noster Jesus Christus te absolvat....” Tôi vừa đọc xong thì Thiếu úy Xuân cũng vừa tới nơi. Anh ra lệnh bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Anh Khâm khẩn trương! Mang nội vụ ra ngoài!”
  
Tôi đứng nhìn theo bóng dáng to cao của cha Vũ Đức Khâm đang vội vã tay xách nách mang trở ra cửa, theo sau là Thiếu úy Xuân, trông như cảnh tội nhân bước ra pháp trường, có tên lý hình theo sau. Có lẽ lúc đó cha Khâm cũng đã biết một phần nào số phận của ngài nên trông ngài mất bình tĩnh một cách rất đáng thương.

Nỗi Buồn Chia Ly

Tối đêm hôm đó sau khi đã vào buồng đóng cửa, một số anh em, nhất là các anh em Công giáo, lộ vẽ u buồn trông thấy. Phần tôi, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy thật lẻ loi và cô đơn. Tôi nằm nhớ cha Khâm và hai hàng nước mắt tràn ra. Lúc nãy khi thu dọn lại đồ đạc tôi thấy chiếc dây thắt lưng bằng da, có bảng khá to mà tôi thấy ngài vẫn thường mang. Có lẽ trong lúc vội vã ngài đã bỏ quên lại. Nhìn thấy vật này tôi càng nhớ cha Khâm nhiều hơn. Khi đi ngủ, nhìn sang chỗ trống bên cạnh tôi bồi hồi nhớ lại hơn một tháng qua, hai anh em Linh mục chúng tôi nằm gần nhau, an ủi nâng đỡ nhau, cùng nhau dâng Thánh Lễ trong mùng cách âm thầm.
  
Tôi coi cha Khâm như một người cha hơn là một bạn tù. Ngược lại ngài cũng rất quý mến tôi. Sự có mặt của cha Khâm và tôi trong trại tù hơn một ngàn người ở đây cũng là một niềm vui và là nguồn an ủi cho một số đông các anh em Công giáo. Giờ đây cha Khâm đi rồi, chỉ còn lại một mình, và tôi cảm thấy trách nhiệm mình trở nên nặng nề hơn.

Thời gian này cũng là lúc tôi thấy rõ vai trò một Linh mục trong nhà tù cộng-sản, là một chỗ dựa tinh thần cho nhiều người. Điều này tôi đã bắt đầu cảm nhận ngay trong thời gian gần hai tháng tù đầu tiên tại Ban Mê Thuột và sau đó là tám tháng ở An Ninh Nội chính và trại Phan Đăng Lưu, tỉnh Gia Định.

Đêm đó tôi nằm trăn trở không ngủ được. Việc cha Khâm bị đưa đi làm tôi sốc nặng, vì tôi đã hình dung được những gì đang chờ đợi ngài qua câu chuyện mà tôi được nghe. Trong đêm thanh vắng tôi nằm nhớ lại những ngày tháng qua, từ lúc tôi bị bắt trong vùng rừng núi ở Campuchia, giáp ranh tỉnh Ban Mê Thuột.

Nhớ lại những ngày đầu tiên tôi bước vào nhà giam tỉnh Ban Mê Thuột, sau đó chuyển về An Ninh Nội Chính và bị giam chung với cha Khâm ở dãy xà-lim, cha Khâm buồng 15, tôi buồng 20. Sau đó cả hai được chuyển qua trại Phan Đang Lưu tỉnh Gia Định, nhưng cũng ở khác buồng. Lúc lên trại Gia Ray này, chúng tôi mới sống chung một đội với nhau.
  
Những Bước Đầu

Nhớ lại kỷ niệm của những ngày đầu, lúc tôi còn quá ngỡ ngàng với nếp sống trong tù, cái gì cũng lạ, cũng bỡ ngỡ như chuyện buồn cười sau đây. Hai tháng sau ngày bị bắt, tôi được chuyển về trại Phan Đăng Lưu, tỉnh Gia Định. Phòng giam là một căn phòng trống trơn, các tù nhân nằm trên nền xi-măng xây lên cao khoảng ba tấc cập theo vách tường. Ở giữa có khoảng trống trũng xuống, mà chúng tôi gọi là “phi đạo” chạy thẳng ra cửa.

Ngay gần cửa về phía trái có một bể cạn cao chừng thước hai, có thể chứa được hai khối nước, có vòi nước máy chảy vào. Từ thành bể trở vô sát với bờ tường là một khoảng trống làm chỗ tắm giặt và trong cùng là cầu tiêu. Khu vực này được ngăn ra với “phòng ngủ” bằng một bờ tường cao tám mươi phân. Như vậy phải hiểu là vách chỉ che được người đứng bên trong kín được tới trên đầu gối một chút. Thật ra, công dụng của vách ngăn này chỉ để nước khỏi bắn tung tóe ra ngoài, chứ không có ý che kín con người tắm bên trong.
  
Buồng giam có mái nhà lợp tôn, không cửa sổ và bên trên thay vì trần nhà, là một vỉ sắt ô vuông đề phòng tù trổ nóc nhà vượt ngục. Mỗi buồng như vậy nhốt 60 người, có khi hơn, trong khi sức chứa thực sự chừng 30. Tù nhân trong buồng thật hỗn tạp, đủ mọi thành phần như phản cách mạng, phục quốc, vượt biên, văn nghệ sĩ, công chức chế độ cũ v.v...  và có vài anh cán bộ hủ hóa cũng bị nhốt vào đây. Trong buồng tôi lúc đó gần phân nửa là số anh em Công giáo, nhiều nhất là thanh niên các xứ đạo trong đô thành như Tân Việt, Tân Sa Châu, Bùi Phát. Đa số bị bắt vì tham gia phong trào Dân Quân Phục Quốc.
  
Vì phòng quá đông nên rất nóng nực, mọi người đều cởi trần và mặc mỗi chiếc quần đùi cả ngày lẫn đêm. Ban ngày chúng tôi thay phiên nhau giội nước tắm trong giờ được cả buồng ấn định. Khi tắm, mỗi người được giội ba “mũ” nước.[1] Người này tắm xong tới người kia, cứ xoay vòng theo chiều kim đồng hồ căn cứ vào vị trí chỗ nằm trong buồng.
  
Tất cả mọi người, khi tắm đều cởi truồng. Đây mới là cái khó cho tôi! Tôi để ý gần như ai khi tắm cũng làm những động tác giống nhau. Họ tới bên bể nước, bước vào “nhà tắm”, tuột nhanh cái quần đùi, giũ phành phạch hai lần và vắt nằm lên trốc vách ngăn. Hầu hết đều quay mặt vô vách khi làm các động tác này, nhưng cũng có người cứ bình thản quay mặt ra “khán giả”, vì còn mải mê tiếp tục câu chuyện dở dang. Có mấy anh chàng quá mê cờ tướng, chẳng còn biết trời đất là gì, tuột quần xuống quá đầu gối rồi mà còn đứng quay lại, tay trái giữ cạp quần, tay kia khua khoắng chỉ trỏ và gân cổ lên cãi về một nước cờ còn chưa ai chịu ai.
  
Trong lúc miệng nói, các ngón tay hạ xuống co tròn lại, gãi sồn sột chỗ vòng đai thắt lưng có một đường viền lồi ra vì cạp quần thun quá chật. Nhiều khi đứng lâu quá, làm người kế sau chờ sốt ruột phải lên tiếng giục mới chịu giở chân lấy quần ra. Xong động tác cởi quần là bước vô “nhà tắm”, cúi xuống cầm nón nhựa múc thật đầy nước và giội lên đỉnh đầu. Mỗi người chỉ được ba nón, ai giội quá bị cảnh cáo và khấu trừ lại chuyến sau. Tắm xong, chẳng lau người gì cả, chỉ vuốt mặt vuốt mày cho đỡ ướt.
  
Sau đó với tay lấy cái quần đùi, lại giũ phành phạch hai cái và cúi rùn người xuống xỏ chân mặc vào. Thế là xong một lần tắm. Chiếc quần đùi bị dính nước ướt lỗ chỗ một vài nơi, nhưng rồi một chốc lại khô ngay và lại chờ cho hết vòng rồi tiếp tục những động tác y như thế cho tới khi hết giờ quy định, thường là trước giờ ăn chiều. Mỗi ngày được chừng 4 hoặc 5 vòng, ai không cần tắm thì nhường cho người tiếp theo và như thế vòng tua lại được rút ngắn đôi chút.

Tôi vô buồng 6 Khu C2 trại Phan Đăng Lưu này vào một ngày cuối tháng 8 năm 1976. Mùa này nắng rất to, trong phòng nóng nực làm mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại trên người. Ngày đầu tôi không tắm vì ngại. Qua ngày sau nóng nực không chịu nổi, nên khi trong buồng bắt đầu xoay vòng đi tắm, tôi cũng vào phiên. Khi nhìn những anh tắm trước, tự nhiên tôi đâm ra e ngại vì tôi không quen tắm cởi truồng trước mặt người khác. Vòng tua càng nhích gần tới phiên mình, tôi càng bối rối, có nên hay không nên tắm, và khi tắm có nên làm cách tự nhiên như những người khác không?

Thật là tấn thối lưỡng nan! Không tắm thì nóng nực không chịu nổi, mà tắm trần truồng trước gần 120 con mắt, thật ngại chết người vì tôi chưa ở trong hoàn cảnh như thế bao giờ. Nhất là đa số các bạn tù trong buồng lúc bấy giờ là các anh em Công giáo! (không hiểu tại sao tôi lại có cái ý nghĩ là trần truồng trước mặt các anh em Công giáo mình sẽ ngại ngùng hơn!) Nhưng nếu tôi mặc quần đùi tắm thì làm gì có đủ quần để mặc và chỗ đâu để phơi.

Lúc đó tôi chỉ có hai chiếc quần đùi để thay đổi nhau, mà tắm xoay tua kiểu này, dù có tới hàng chục chiếc cũng không kịp để thay, không lẽ cả ngày phải mặc quần ướt? Nhớ lại hồi còn đi học, khi ở trọ với anh tôi trong trại gia binh ở Vĩnh Long, tôi cũng đã có dịp va chạm với cảnh tắm truồng tập thể. Những người lính đều tắm truồng, tôi vào phòng tắm chung với họ nhưng tôi chỉ đóng cai khán giả mà không bao giờ “nhập cuộc”.
  
Lúc này, anh bạn trước tôi đã tắm xong và đang vuốt mặt, vuốt mày. Cùng một động tác giống mọi người, anh với lấy cái quần đùi đang nằm chơi vơi trên trốc tường, căng ra, giũ phành phạch 2 cái, xong cúi xuống mặc vội vào và bước ra nhường chỗ cho tôi. Anh ta làm những động tác ấy nhanh như một người máy, có lẽ không muốn để tôi phải chờ lâu.  

Anh ta đâu có biết là cho tới giây phút cuối cùng, tôi cũng chưa dứt khoát được tư tưởng. Lúc nãy, trong khi đứng chờ, tôi ngoái đầu lại đảo mắt quan sát thật nhanh các bạn trong buồng. Tôi làm như vô tình, nhưng thật ra là có ý dò xét xem có ai chú ý tới việc tôi sắp sửa tắm hay không. Những gì tôi ghi nhận thật đáng khích lệ!
  
Trong góc đàng xa, một nhóm khá đông mải mê cờ tướng, đang cúi gầm trên bàn cờ được kẻ vạch ngay trên bệ nằm bằng xi-măng. Nhóm khác ngồi kế bên, đang tranh luận rất gay cấn, khua tay múa chân, mạnh ai người ấy nói như một đám ứng cử viên đang cố gắng trình bày kế sách cùng một lúc với cử tri!
  
Có vài người đang lúi húi với cái bị cói đựng đồ thăm nuôi đang bị lũ kiến đói tấn công! Có người đang ngồi đọc báo Nhân Dân. Có người trịnh trọng nắn nót que diêm trước khi đánh lửa hút thuốc lào. Các nhóm này mang lại cho tôi thật nhiều sự an ủi và dễ chịu.

Nếu cả 60 con người trong buồng này ai cũng đang bận rộn về một việc như vậy thì việc tắm truồng của tôi đâu còn là một vấn đề. Ngặt một nỗi, có mấy anh chàng ngồi trong các góc đối diện kia đang trầm ngâm như những triết gia. Họ đưa cặp mắt lờ đờ rảo qua hết nơi này tới nơi khác. Tôi không thể đoán được trong đầu óc họ lúc đó đang suy nghĩ gì.
  
Họ nhìn bốn phương tám hướng, nhưng thực sự họ chỉ nhìn để mà nhìn, hay có ý muốn quan sát một điều gì không, ai biết được? Chính những anh chàng này làm khổ tôi, chính họ tạo cho tôi sự bất ổn vì không thể đoán biết được gì trong cái nhìn vu vơ của họ. Tận trong một góc đàng xa, tôi thấy Bác sĩ Lý Trung Dung đang ngồi một mình, cởi trần mặc quần đùi trắng, vóc người nhỏ thó, đầu tóc bạc phơ. Ông đang dựa lưng vào tường, đôi mắt nhắm nghiền, miệng lâm râm đọc kinh, đây là thói quen thường ngày của ông.
  
Bác sĩ Lý Trung Dung có lần kể với tôi ông là tác giả công trình Hội Chợ Thị Nghè trong dịp Quốc Khánh năm 1957 thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lần đó cây cầu phụ bắt qua sông Thị Nghè bị sập trong đêm làm chết khá nhiều người. Tôi cũng có mặt gần bên, trong dịp tôi  Sài Gòn lần đầu tiên khi tôi vừa 14 tuổi.

Sau khi đảo mắt một vòng, tôi đi tới một kết luận thật nhanh: “Không đến nỗi nào, không có mấy người chú ý đâu, cứ tự nhiên thôi!”Tôi mạnh dạn bước vào”buồng tắm” và làm những động tác như các bạn tù . Tôi cố gắng làm một cách thật tự nhiên và nhẹ nhàng, trong khi liếc mắt nhìn, chẳng ai thèm để ý tới tôi. Từ đó tôi nhập cuộc vào sinh hoạt thông thường với anh em trong buồng. Việc đi tắm một cách tự nhiên đó không còn là vấn đề đối với tôi, vì đó là thực tế của cuộc đời tôi đang sống. Cuộc đời của một người tù.

Khi cha Khâm bị đưa đi rồi, nhờ có anh tù mang thức ăn cho khu kỷ luật mà tôi quen, nên tôi biết tin về cha Khâm và có thể gởi cho ngài ít thứ cần thiết. Cha Khâm bị đưa xuống cùm chân trong hầm kỷ luật. Hầm này trước kia là hầm truyền tin của trung đoàn, nằm giữa sân trại, ngay lối ra vào. Hôm sau tôi nhờ anh mang vào cho ngài nải chuối và dây thắt lưng da to bản mà ngài vẫn dùng. Những ngày sau chúng tôi cũng tiếp tục gửi thức ăn cho ngài, nhưng cũng có lần ngài nhắn lại là không cần thức ăn nữa, chỉ xin anh em Công giáo giúp lời cầu nguyện cho ngài.
  
Khi cha Khâm bị đưa đi rồi, chỉ còn lại anh Trần Đình Ngành và tôi sinh hoạt chung với nhau. Anh Ngành là người rất tốt và nhân hậu. Anh rất thương cha Khâm và tôi. Trong đêm đầu tiên cha Khâm bị dẫn đi, anh Ngành vô mùng nằm khóc nức nở và những ngày sau lúc nào cũng tìm cách gửi một thứ gì đó cho “Cậu Hai”. Anh Ngành và tôi gặp nhau trong khu xà-lim trại Phan Đăng Lưu, từ đó chúng tôi quý mến nhau.
  
Anh vẫn gọi tôi là “3 ngã” và tôi gọi anh là “3 huyền” theo các dấu trong tên của hai người là Trần Đình Nghành và Nguyễn Hữu Lễ. Một tuần sau, trong khi chúng tôi đi lao động về, thấy có một xe nhỏ bít bùng chạy từ trong trại ra. Hôm sau tôi được anh tù lo việc liên lạc cho biết Cậu Hai đã được đưa vào nhà tù Chí Hòa.[1]Kể từ đó không bao giờ tôi gặp lại cha Vũ Đức Khâm nữa.

Tin chuyển trại

Sau khi cha Vũ Đức Khâm bị đưa đi một thời gian, có tin đồn là chúng tôi sẽ được di chuyển về Đồng Tháp. Tin này được loan truyền đi rất nhanh trong trại. Có một điểm tâm lý dễ hiểu là trong tù lúc nào chúng tôi cũng mong có sự thay đổi. Ai cũng hy vọng là chỗ mới sẽ khá hơn nơi chúng tôi đang sống.

Vả lại, trại Gia Ray là một nơi rất tạm bợ, thiếu thốn tất cả mọi thứ, ngay cả những nhu cầu tối thiểu của con người, nên chúng tôi càng mong được chuyển đi nơi khác hơn. Lúc đầu không ai biết tại sao có tin đồn đó, nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ mới biết là những người bà con vào thăm nuôi đã báo tin. Trước khi vào thăm nuôi, thân nhân của tù thường dừng lại các hàng quán bên ngoài mua hoa quả, bánh trái và đã được một cô bán hàng cho biết tin đó với tính cách “bí mật”.

Số là cô bán hàng có quen một anh công-an cai tù trong trại. Ngày kia anh ta ra từ giã cô gái và nói là anh sẽ vắng mặt một thời gian. Cô gái vặn hỏi mãi lý do nhưng anh ta không nói, chỉ trả lời úp mở càng làm cho cô gái sốt ruột và sinh nghi sắp có chuyện gì liên quan tới số phận các tù nhân trong trại.

Cũng nên biết là lúc bấy giờ đồng bào trong Nam rất thương các người tù như chúng tôi, nếu có thể làm gì để giúp cho các tù nhân, họ không bao giờ từ chối. Cô gái bán quán này cũng trong tâm trạng đó. Mặc dù không làm gì được để giúp chúng tôi nhưng cô đã lợi dụng sự quen biết với cán bộ để “moi” tin tức, và tìm cách đưa vào trong trại.
  
Vì cô nghĩ đó là cách cô giúp cho những người tù mà cô thương mến. Lần này, sau mấy ngày úp mở về sự vắng mặt sắp tới của anh cán bộ, cô gái phải làm hết cách để hỏi cho bằng được. Cuối cùng anh cán bộ đành phải tiết lộ với câu dặn dò rất nghiêm trọng: “Đừng bao giờ nói lại với ai là anh sẽ áp tải một số tù về Đồng Tháp!”

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, không một người tù nào trong trại Gia Ray mà không biết tin “bí mật” là sẽ có một đợt chuyển tù về Đồng Tháp!

(Xin xem tiếp kỳ tới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét