Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 21 VÀ 22

TÔI PHẢI SỐNG     (21)

Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ

Sợ trường học
Hàng ngày tôi vẫn phải cắp sách lần theo cầu khỉ trước nhà qua bên kia sông đi học, trong khi có mấy đứa bạn cùng tuổi lại không đi học, được tự do chạy nhảy, rượt chuột, bắt chim, lưới cá trong cánh đồng ruộng sau nhà. Mấy đứa bạn này gia đình nghèo phải ở nhà làm ruộng giúp gia đình. Có mấy đứa bằng tuổi tôi đi ở đợ chăn trâu cho những gia đình khá giả trong làng. Tôi phải cặm cụi trên những hàng chữ, những con số, những bài học thuộc lòng trong sách Giáo lý dài dằng dặc mà tôi cũng chẳng biết học để rồi làm gì? 

Kèm theo việc học lại còn bị ăn đòn nữa. Hết ở trường bị Dì phước đánh vì nghịch ngợm và không thuộc bài, tới về nhà bị chị Hai đánh cũng chỉ loanh quanh từng ấy tội. Lúc đó việc đi học đối với tôi là một cực hình. Một tuần lễ tôi phải đi học 5 ngày cả sáng lẫn chiều. Thứ Năm và Chúa nhật được nghỉ. Các ngày trong tuần của tôi được chia ra làm ba loại và mang các màu khác nhau: 
- Thứ Năm: màu hồng vì được nghỉ cả ngày. 
- Chúa Nhật: màu xanh, được nghỉ nhưng phải đi nhà thờ. 
- Các ngày còn lại: màu đen, không cần phải nói lý do!

Vì cái tội ham chơi và lười học, nên tình trạng sức khỏe của tôi cũng biến thiên theo chu kỳ thay đổi màu sắc trong tuần. Nếu các buổi chiều thứ Tư, sau giờ tan trường về tôi thấy người mình đầy sinh lực, hăng hái và khỏe mạnh thì ngược lại các buổi sáng thứ Hai làm tôi mệt nhọc như không còn chút nhựa sống nào sót lại trong người. 

Vào những ngày “đen”, quãng 7 giờ rưỡi sáng là có một hồi trống từ trường học vang lên, gọi là trống học, báo hiệu cho học trò tới trường. Một giờ sau Dì phước rung chuông bắt đầu vào lớp. Không hiểu tại sao mỗi lần nghe tiếng trống học là người tôi nóng ran lên và bắt đầu triệu chứng như bị sốt. Ngày nào cũng như ngày nấy, nghe tiếng trống học là tôi bệnh! Có khi chưa nghe tiếng trống mà chỉ vừa nghe hai tiếng nhịp rất nhẹ “thùng, thùng” của dùi trống chạm vào mặt trống trước khi bắt đầu hồi trống học là tôi đã bệnh rồi. 
Tôi sợ đi học vô cùng, nhưng lại không dám trốn học vì đó là một trong những tội trọng không có trường hợp giảm khinh trong “bộ luật gia đình” của tôi. Mỗi tuần chỉ nghỉ được ngày thứ Năm, nhưng không hiểu tại sao ngày thứ Năm mặt trời lại lặn sớm hơn những ngày khác trong tuần. Hiện tượng này làm tôi cứ thắc mắc hoài. Mấy đứa bạn học của tôi cũng nói như vậy, nhưng người lớn thì không thấy ai để ý điều đó. 
Những ngày thứ Năm tôi được theo cha và anh tôi đi ruộng, buổi trưa được lùa đàn trâu 7 con của gia đình nhập với bầy trâu mấy chục con trong làng vào đất hoang, ở đó nhóm trẻ chăn trâu chúng tôi tha hồ bắt chim, tát cá, rượt chuột là một thứ hạnh phúc không gì sánh bằng. Lúc đó tôi nghĩ trời sanh tôi ra là để chăn trâu bắt cá và rượt chuột! Nhưng một tuần lễ chỉ có một ngày thứ Năm, tôi cầu mong cho có những ngày nghỉ bất thường, nhưng khó quá. Muốn nghỉ học mà không có can đảm để trốn học, tôi chỉ còn cách là cầu nguyện cho Dì phước dạy lớp tôi đau. 
Từ đó tôi bắt đầu cầu nguyện theo ý này trong những đêm ngồi đọc kinh trong gia đình, “Xin Chúa cho Dì Tư đau, đau càng lâu càng tốt, nhưng đừng chết, chỉ đau thôi!” Tôi kêu xin cả với Đức Mẹ giúp tôi trong việc này nữa. Nhưng khổ nỗi, tôi càng cầu thì Dì Tư càng khỏe mạnh, hồng hào và đẹp người ra! Có một lần hình như Chúa cũng nghe lời tôi kêu xin. Một hôm tôi thấy Y sĩ Bá Phước Đường là một đông y người Hoa ở chợ Mai Phốp lên trường tôi. Nghe nói Dì Tư đau nên rước thầy coi mạch hốt thuốc. Tôi mừng thầm trong lòng! 
Chiều tối hôm đó tôi hỏi má vừa đi thăm Dì Tư về coi bệnh tình Dì ra sao. Má đâu có biết là tôi hỏi thăm không phải vì quan tâm tới sức khỏe của Dì Tư mà vì một ý đồ không lương thiện. Tôi gần như muốn nhảy cỡn lên khi nghe má nói Dì Tư đau khá nặng, người nóng ran đang nằm trùm mền sau khi uống thuốc bắc và cạo gió đỏ cả cổ và hai bên thái dương. Má tôi cũng nói có nhiều bà con trong làng tới thăm và cho nhiều cam và hột gà, vì trong vùng ai cũng thương quý các Dì phước. 
Mặc dù má tôi không nói nhưng tôi cũng đoán là ngày mai Dì Tư không dậy được và chúng tôi sẽ được nghỉ học. Viễn ảnh về một ngày màu hồng và được tung tăng trên cánh đồng phía sau nhà để bắn chim, câu cá, rượt chuột làm tôi vui sướng rộn ràng. Sáng hôm sau vẫn có tiếng trống học, nhưng tôi đoán là bên Nhỏ đi học còn bên Lớn tôi được nghỉ, mặc dù tôi chưa nghe nói tới chuyện này. Thấy gần tới giờ rồi nhưng tôi chưa chuẩn bị đi học, chị hai tôi giục: 
- Còn thằng “quỉ nhỏ”! Sao tới giờ rồi mà chưa thay đồ đi học còn ngồi đó? 
Chị Hai vẫn thường gọi tôi là “thằng quỉ nhỏ” và anh kế tôi là “thằng quỉ lớn”! Chắc là lúc đó anh em chúng tôi chẳng vừa gì. Tôi ngần ngừ trả lời: 
- Bữa nay Dì Tư đau mà đi học gì! 
- Thằng làm biếng! Ai nói cho mầy là được nghĩ? 
- Thì Dì Tư đau làm sao dạy được? 
Chị tôi chỉ tay ra lệnh: 
- Đi, đi mau, qua đó chừng nào Dì cho nghỉ thì về, đồ làm biếng! 
Chi Hai tôi vẫn thường mắng tôi là “đồ làm biếng”. Chị mắng như vậy cũng không sai chút nào. Tôi buộc lòng phải thay đồ đi học và cầm chắc là khi qua trường rồi Dì sẽ cho về. Dì Tư làm gì đã ngồi dậy nổi mà dạy học! Trong lúc lần bước trên cây cầu khỉ, tôi vẫn thầm mong cho mấy đứa kia cũng ở nhà hết để việc được nghỉ học càng có cơ sở hơn. Khi qua tới cửa trường tôi buồn bã thấy gần như ai nấy đều có mặt đủ hết và chẳng có dấu hiệu gì sẽ được nghỉ. Gần tới giờ rung chuông tôi vẫn hy vọng coi có một dấu hiệu gì mang lại tin vui không, nhưng không có gì bất thường. 
Tới giờ vẫn rung chuông, vẫn đọc kinh như thường lệ, nhưng chỉ có Dì bên Nhỏ xuất hiện. Sau giờ đọc kinh, trước khi kêu sổ, Dì bên Nhỏ nói với chúng tôi là bữa nay Dì Tư không được khỏe, nên Dì sẽ dạy một mình hai lớp và dặn chúng tôi không được làm ồn ào để Dì Tư nằm nghỉ, có thể ngày mai Dì Tư sẽ hết bệnh và dạy được. Tôi nghe mà chán nản trong lòng, nhất là Dì bên Nhỏ này lại khó tánh và sử dụng cây roi thường xuyên hơn Dì Tư của lớp tôi. Kể từ đó tôi không cầu nguyện cho Dì Tư đau nữa, vì chỉ khi nào cả hai Dì cùng đau một lượt chúng tôi mới được nghỉ. Mà việc cho hai Dì phước cùng đau một lượt chắc là Chúa không mấy khi làm!

TÔI PHẢI SỐNG     (22)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Nhận diện cuộc đời 


Sau hai năm học trường Cầu Đá, tôi đã hết lớp và phải đi xuống học dưới trường nhà thờ Mai Phốp, nơi mà anh kế tôi đã học ở đó một năm rồi. Cuộc sống tôi lại bắt đầu thay đổi và thế giới của tôi rộng hơn với một nơi có chợ búa, nhà thờ, cha sở, dân chúng đông đúc và nhất là căn cứ trú đóng khá lớn của người Pháp. 

Lúc bấy giờ tôi đã 11 tuổi và bắt đầu nhận thức được vài sự kiện trong vùng Mai Phốp. Tôi được nhập vào lớp nhì, còn anh kế tôi đang ở lớp nhất tức là lớp cuối cùng của bậc tiểu học. Ở đây trường ốc có quy củ hơn. Trường có từ lớp năm tới lớp nhất và cũng do các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn dạy, dưới sự điều hành và quan tâm của cha sở. 
Cha sở Lê Vĩnh Trình là một con người oai phong lẫm liệt mà lúc đó tôi nghĩ là trên đời này không ai sánh bằng. Lúc đó ngài quãng gần 50 tuổi, tóc bạc hoa râm, dáng người tầm thước, thân hình rắn chắc và tướng đi oai vệ. Sau giờ làm lễ, cha Trình thường mặc quần sọt xanh, áo sơ mi trắng ngắn tay cho vào quần, mang giày vải trắng và vớ trắng kéo lên tận đầu gối. Trông ngài rất khỏe mạnh. Tôi thấy tất cả mọi người đều sợ cha Trình. Không những chỉ riêng người Việt Nam mà cả những người Pháp cũng khép nép khi phải đối diện với ngài. 
Cha Trình nói tiếng Tây như gió. Mặc dù không biết gì về tiếng Pháp nhưng có mấy lần thấy cha Trình quát nạt cả những sĩ quan Pháp làm tôi vô cùng ngạc nhiên, vì tôi thấy người Pháp bấy giờ uy quyền hơn người Việt Nam rất nhiều. Các vị thế trong tôn giáo, chính trị và xã hội lúc đó đã tạo cho cha Trình một con người đầy quyền thế về mọi mặt. 
Ngay từ lúc còn nhỏ tôi cũng nghe kể lại là cha Trình còn có thể xin tha mạng cho bất cứ ai bị người Pháp bắt giam mà lúc đó gọi là “tội”. Sáng nào tôi cũng thấy nhiều người bị lính dẫn đi thành hàng bốn, nói là đi làm “cỏ quê”. Hồi nhỏ nghe như thế tôi tưởng là đi nhổ cỏ, nhưng không phải vậy. “Cỏ quê” là “corvée” trong tiếng Pháp được nói theo cách của tiếng Việt, nghĩa là đi làm tạp dịch.

Tôi nghe nói tới một địa điểm nằm phía sau chợ Mai Phốp không xa, gọi là Gò Dương, vì nơi đó có trồng nhiều cây dương là nơi người Pháp bắn những người “tội” khi họ bị tử hình. Mặc dù tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cảnh bắn người này, nhưng sự kiện đó làm tôi nhớ lại những xác chết trôi sông mà tôi thấy hồi còn bé thơ ở Bưng Trường. 

Cha Trình rất để tâm về việc học hành. Cha thường đi tới lui thăm các lớp học và cũng thẳng tay sửa trị những học sinh bướng bỉnh. Nhất là những đứa nào ăn cắp thì ngài đánh bằng roi mây lằn ngang lằn dọc. Tôi đã chứng kiến cảnh cha Trình đánh học sinh mà tôi hãi hùng. Trường tiểu học nhà thờ Mai Phốp này có quy củ và đi vào chương trình các môn học hẳn hoi, vì nơi đây chúng tôi được dạy để chuẩn bị thi bằng tiểu học. Nếu ai thi rớt sẽ không được lên ban trung học. Mặc dù trường đã đi vào nề nếp lớp lang, nhưng chưa hẳn là hoàn toàn. Có chuyện sau đây làm tôi nhớ mãi. 
Lúc đó trong lớp nhì của tôi có hai anh vừa dốt lại vừa nghịch ngợm phá phách tên là Ngàn và Ca. Dì phụ trách lớp tôi chịu không nổi hai ông tướng này đành phải “tống” lên lớp nhất cho Dì lớp đó có tiếng là nghiêm khắc trị giùm. Tưởng là sau khi qua khóa “huấn nhục” để hai anh thuần thục rồi quay về lớp cũ. Không ngờ hai anh đầu bò đầu bứu này lên đó rồi ngồi lại luôn. Cuối năm lại đi thi tiểu học sớm hơn lớp chúng tôi một năm! Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật và chỉ có thể xảy ra vào thời buổi lúc bấy giờ. 
Trong những năm phải xuống Mai Phốp học, tôi càng mệt nhọc và chán ngán hơn. Những ngày đi học, sáng nào tôi cũng phải thức dậy từ 4 giờ sáng cùng với cả nhà. Cha tôi và các anh lo đọc kinh sáng và ăn cơm để chuẩn bị ra đồng, còn tôi theo đoàn người quơ đuốc đi bộ 2 cây số dự Lễ sáng ở nhà thờ Mai Phốp. Lễ xong còn sớm, tôi qua chợ mua quà ăn sáng và ở lại học tới chiều mới đi bộ về Cầu Đá. Mỗi ngày má cho tôi 5 cắc, tiếng miền Bắc gọi là hào, ăn quà sáng, nhưng lúc nào tôi cũng đói và thèm thuồng nên một hôm do sự rủ rê của thằng em họ tên Long, bọn tôi bày trò lưu manh. 
Lúc đó chính phủ sắp phát hành tờ giấy bạc 2 đồng loại mới, và in hình mẫu trong báo, hình in trong báo này rất giống với tiền thật nên hai đứa tôi cắt ra xếp làm tư và mang tiền...giấy báo đi mua quà lúc còn tranh tối tranh sáng khi vừa đi Lễ ra. Khi đứng chờ bà bán hàng gói xôi bắp, tôi run quá là run vì chưa bao giờ tôi làm chuyện gian dối đó. Lúc nhận gói xôi bắp từ tay bà bán hàng, tay tôi run như cầy sấy. 
Vừa nhận xong gói xôi, tôi ném tờ hai đồng giả xuống và cắm đầu chạy. Bà bán hàng quá ngạc nhiên vội cầm tờ giấy bạc lên coi và la lên” Bắt nó! bắt nó!” Tôi bị tóm lại. Thấy tôi run rẩy và sợ quá, bà bán hàng thương cho gói xôi, vì bà biết là tôi đói quá làm liều chứ không phải là lưu manh chuyên nghiệp. Nếu lưu manh chuyên nghiệp thì đâu có run như vậy! 
Cũng may là bà không biết nhà tôi ở đâu, nếu việc này tới tai cha má và chị Hai chắc là tôi phải no đòn. Tôi biết cha tôi rất nghiêm khắc trong các tội như thế này, vì có lần tôi hái trộm quả đu đủ của Ông Tám mà cha tôi đánh tôi một trận đòn nên thân. 
Nhớ lại lúc bấy giờ tôi bị ăn đòn của nhiều người vì cái tội ăn cắp trái cây. Trước tiên là những trận đòn ra đòn của cha sở Lê Vĩnh Trình vì tội chọi me. Chung quanh nhà thờ và nhà cha sở có mấy cây me rất to và cao, cao còn hơn nóc nhà thờ, và tới mùa thì trái nhiều vô kể. Loại “trái cấm” to bằng ngón tay có những mắc nối liền nhau dài chừng 10 phân và có hình cong như cái sừng trâu này là cơn cám dỗ mãnh liệt và triền miên của bọn trẻ con học trò chúng tôi. Trái me khi còn sống rất chua phải ăn với muối ớt, khi đã gần chín gọi là “me giốt” thì vừa chua lại vừa ngọt! 
Người lớn, nhất là mấy bà mấy cô, mà nghe nói tới me giốt còn chảy nước dãi đầy miệng, huống gì bọn trẻ con chúng tôi? Mặc dù cha Trình bắt gặp chọi me, hoặc leo lên cây hái trộm me thì bị đòn đến nơi đến chốn, nhưng không một ngày nào trong “mùa me” mà cha Trình lại không có thân chủ. Lúc đó tôi nghĩ, trong các thứ tội thì tội gì cũng có thể chừa bỏ sau khi đã làm việc đền tội, riêng cái tội ăn cắp me thì không! Đánh chết cũng không chừa! 
Không phải chỉ những trái me giốt trên cành làm khổ chúng tôi mà thôi, nhưng còn những thứ hoa quả ăn được ngay trên mặt đất nữa. Nhớ lại năm tôi đang học lớp đệ lục tại Mai Phốp, có lần bà chủ của vườn mía trồng cạnh sân trường bắt gặp bọn học trò chui vào giữa đám mía bẻ trộm. Tôi không nhớ tên đứa nào nhưng trong số đó có trò Lễ! Bà chủ vườn vào “ mắng vốn” (mét) với thầy giáo. Thầy bắt chúng tôi đứng lên, giảng một bài mô-ran và bắt xin lỗi bà chủ vườn mía. 
Lần đó tôi nhớ mãi và rất thích câu kết luận của thầy nói với người đàn bà mặt mày đang đỏ gay vì giận dữ: ”Tôi đã rầy các em, nhưng sao bà lại trồng mía ngay cạnh trường học? Hàng ngày các em nhìn đám mía của bà như mèo thấy mỡ heo làm sao nhịn được?” 
Bà chủ nhà nghe nói vậy quày quả bỏ đi ra, sau khi đã liếc ông thầy giáo “dễ thương” của tôi bằng cặp mắt sắc còn hơn dao cạo râu! Từ những việc của trẻ con đó, sau này lớn lên tôi nghĩ, cách tốt nhất để “trị” cái tội trẻ con ăn cắp trái cây là... đừng bao giờ trồng cây ăn trái! Cả những cây mà thân ăn được như mía, vỏ cây ăn được như quế, rễ cây ăn được như khoai mì, củ ăn được như khoai lang, đậu lạc, hoa ăn được như gương sen, lá ăn được như cây gừa, cây chiếc... cũng không nên trồng. Ngược lại nên trồng nhiều hoa hồng vì thân cây có gai, trẻ không dám sờ tới và hoa hồng khoe sắc sẽ tô điểm thêm cho cuộc đời mà có người gọi là “thung lũng nước mắt “này! 
Chiều lại sau khi cả nhà cơm nước xong, cha tôi mang kính vào nằm lên ghế xích đu, tay cầm cuốn sách Giáo lý, gọi anh tôi và tôi tới để trả bài một chương nào đó mà cha tôi đã giao từ ngày hôm qua. Nếu không thuộc bài sẽ bị cha tôi bắt cúi nằm dài và đánh thẳng tay. Tôi nhớ chỉ bị ăn đòn của cha tôi trong trường hợp này và tội hái trộm trái cây mà thôi. Vì thế, làm gì thì làm tôi cũng phải học một chương sách giáo lý một ngày, và điều này càng làm cho tôi ngán việc học hơn. 
Trong khi đó có thằng bạn trong xóm hơn tôi vài tuổi, nhưng không phải đi học mà đi làm lơ xe. Tên nó là Chín, mà chúng tôi gọi là “Chín ghẻ” vì có một dạo người nó đầy ghẻ. Nhìn nó tôi thèm thuồng và cảm thấy cuộc sống của nó hạnh phúc biết bao. Chẳng những không phải đi học, không phải thức khuya dậy sớm, không phải ăn đòn, còn được chửi thề nói tục thả giàn, lại được tung tăng bay nhảy như con chim tung cánh trên bầu trời bao la! 
Có những hôm nhìn thấy thằng Chín ghẻ đầu đội nón vải có quai dưới cằm, mặc bộ quần áo màu cháo lòng, tay áo xắn lên đang đánh đu phía sau chiếc xe đò chạy đường Vũng Liêm -Vĩnh Long. Hình ảnh nó thật ngon lành, tôi đâm ra ước mơ sau này lớn lên tôi sẽ chọn con đường đi làm làm lơ xe. Nếu được làm lơ xe chạy lên Sài Gòn thì không còn gì hạnh phúc bằng, vì lúc đó thủ đô Sài Gòn là một cái gì quá với sự tưởng tượng của tôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét