Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 19 VÀ 20


TÔI PHẢI SỐNG   (19)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ

Ơn sinh thành dưỡng dục 
Trong những năm đầu đời này chỉ có hai nơi mà tôi còn nhớ được nhiều kỷ niệm. Đó là trong gia đình tôi và ngôi Nhà Thờ. Với các anh trai, tôi không nhớ được kỷ niệm nào, nhưng riêng chị Hai là người để lại trong tôi nhiều tình thương và kỷ niệm nhất. Cha tôi là người nghiêm nghị, rất đạo đức và có cuộc sống gương mẫu cho anh chị em chúng tôi. Má tôi ốm yếu và nghe nói là bị trận đau gần chết sau khi sanh tôi. Nghe như vậy tôi càng thương má nhiều hơn.
Đối với cha má tôi, việc đọc kinh tối sớm trong gia đình là một quy luật và không bao giờ được bỏ qua. Mỗi tối trước khi đi ngủ cả nhà phải ngồi ngay ngắn trước bàn thờ để đọc kinh. Các tối ngày thường thì đọc kinh tắt, nhưng thứ Bảy và Chúa Nhật thì lần chuỗi, và như thế buổi kinh sẽ dài hơn. Không hiểu làm sao lúc đó tôi rất sợ các buổi đọc kinh này. Có lẽ đối với tuổi thơ, đọc kinh như thế quá dài và mệt nhọc, nhất là trẻ con thì hay buồn ngủ. Khi đọc kinh các anh chị tôi phải ngồi trên ghế ngay ngắn, còn tôi vì còn bé nên ngồi xếp bằng bên cạnh má trên bộ ván ngựa.


Chị Hai tôi là người quán xuyến việc nhà cửa và lo cho các em, nhất là cho tôi. Sau này lớn lên tôi biết là má tôi bị đau tim nặng nên không làm được việc nhà vì thế vai trò của chị Hai càng nặng nề hơn. Lúc nhỏ tôi hay bị ăn đòn và chị Hai là người đánh tôi nhiều nhất, nhưng chị đánh không đau, chỉ giơ thẳng bàn tay ra vả tôi nhẹ như đuổi muỗi. Dù vậy tôi cũng giả vờ kêu lên để chị vui và tưởng là cú đòn có hiệu quả. Tôi bị chị đánh nhiều nhất là tội ở dơ và thường tắm lội dưới ao bên hè nhà, chị gọi không chịu lên, hoặc lên mà lên trễ. Chị có thói quen vừa nắm cánh tay tôi vừa mắng: “Coi mặt mày mầy nè, mầy ở dơ như tù!” Miệng nói tay kia giơ lên cao và vảnh bàn tay lên dọa nạt. 

Thấy thế, tôi lấy hai tay che mặt và cúi rụt người xuống né tránh. Trong mười lần dọa thì chín lần chị dừng tay. Trừ ra trường hợp nghiêm trọng thì chị vả cho mấy cái, nhưng toàn trúng vào hai bàn tay của tôi nên những cú đòn đó cũng chẳng có ép-phê gì! Thỉnh thoảng má cũng đánh đòn tôi, phần nhiều là đánh bằng roi. Má bắt nằm sấp cúi mặt xuống bộ ván ngựa. Và mỗi lần má đánh đòn đều có thủ tục khá lâu. Má cầm roi bằng một que tre nhỏ, nhịp nhịp hàng chục lần vào mông thằng bé và bắt đầu kể đủ mọi thứ tội của tôi ra, kể từ tội “tổ tông” trở xuống. Sau khi xong thủ tục, má tôi hỏi: 

- Như vậy mầy muốn mấy roi? 
Tôi nằm yên trả lời: 
- Con muốn hai roi! 
Má tôi cầm roi nói: 
- Không được, tội này phải năm roi. 
Có mấy lần tôi mặc cả xin bớt nhưng không mấy khi có kết quả, nên về sau tôi không xin bớt nữa và nằm yên chịu đòn. Má đánh không đau, vì roi là nhánh tre nhỏ như chiếc đũa và khi cảm thấy có triệu chứng ăn đòn thì tôi đã mặc thêm một lớp quần nữa rồi, nên tiếng roi nghe khá mạnh mà không đau nhiều. Dù vậy nhận đòn xong tôi cũng xoa mông, vừa khóc vừa quỳ xuống chắp tay: “Lạy má, con không dám vậy nữa!” Má tha, nhưng cầm roi chỉ theo và nói: “Đánh cho mầy chừa tội!” Nhưng rồi mấy hôm sau chứng nào vẫn tất ấy. 
Thường thì má tôi chỉ đánh qua loa để dạy con, nhưng cái tội nặng nhất mà tôi phải ăn đòn đau là tội hỗn với chị Hai. Không phải chỉ riêng tôi mà mấy anh lớn của tôi cũng vậy, nếu hỗn với chị Hai là bị má tôi cho ăn đòn đau đến nơi đến chốn. Có lẽ má cũng gián tiếp xác định vị trí và uy quyền của chị Hai trên đám anh em chúng tôi. Cha tôi chẳng mấy khi đánh con. Dù vậy trong nhà anh chị em tôi sợ cha hơn là sợ má. Còn chị Hai thì khỏi phải nói, dù sợ hay không sợ thì ngày nào tôi cũng phải qua tay chị. Nhất là chiều tối lúc chị tắm kỳ cọ cho tôi, lần nào cũng mắng: “Coi nè, mầy ở dơ như tù!”[1] Không lần nào chị không nói câu đó. 
Các Nữ Tu 
Ngoài gia đình với nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, còn có cái nhà “bánh ít”[1] phía sau nhà thờ là nơi tôi có nhiều kỷ niệm nhất trong sáu năm đầu cuộc đời. Sở dĩ gọi là “nhà bánh ít” vì nó trông giống như một cái bánh ít, nằm dính vào sau nhà thờ dùng làm nơi nghỉ ngơi cho cha sở khi lên thăm họ nhỏ và lúc khác thì kê bàn cho các Dì dạy trẻ con. 
Các Nữ tu này mặc áo dòng đen từ cổ tới gót chân, trên đầu lại có cái lúp đen phủ xuống tới lưng và bên trong có bọc vải trắng che cả đầu và tai. Như thế chỉ từ trán trở xuống tới cổ và hai bàn tay là không che kín. Khi các Dì đứng chúng tôi không thấy cả bàn chân, nhưng khi ngồi thì thấy bàn chân mang guốc. Việc dạy học chẳng có trường lớp gì, chỉ dạy nhìn mặt chữ trong cuốn vần có hình con rùa và con thỏ ngoài bìa. 
Các Dì được sự tin cậy thương mến và kính nể của bà con trong vùng. Còn chúng tôi xem các Dì như những người mẹ trong gia đình. Các Dì dạy dỗ, sửa phạt và đánh đòn chúng tôi nhưng chẳng ai lấy thế làm phiền. Nói cho cùng, chúng tôi cũng đáng bị ăn đòn lắm! Tôi còn nhớ có lần tôi bị Dì Ba phạt vì tội ăn vụng cơm rượu, có nơi gọi là rượu nếp. Dì Ba có một hũ rượu nếp để trong nhà bếp. Tôi thèm quá, nhân lúc Bà lên nhà thờ, tôi bóc ăn gần một phần ba hũ, chẳng may bị cô em họ tên là Sương bắt gặp và “báo cáo”! Bà Ba không đánh nhưng trói tay tôi lại và cho ngồi chung với con gái trong “nhà bánh ít” cho tôi xấu hổ vì tội ăn vụng! 
Ngoài giờ học, bọn trẻ con chúng tôi thường ở chơi trong nhà các Dì và được các Dì cho ăn bánh, ăn xoài... Lúc bấy giờ vườn các dì có rất nhiều xoài và những trái cấm này đã trở thành cơn cám dỗ triền miên. Nhiều đứa trong bọn trẻ bị ăn đòn cũng vì chọi xoài và lén bẻ xoài còn non. Các Dì lúc nào cũng bảo chúng tôi chờ cho xoài chín sẽ hái cho ăn, đừng ném đá rụng hết. Nhưng chúng tôi làm gì có đủ kiên nhẫn chờ cho xoài chín! Biết đời thuở nào nó mới chín trong khi mỗi ngày đi học băng qua vườn xoài, lúc nhìn lên những trái xoài treo tòn ten là đã thèm nhỏ dãi!
TÔI PHẢI SỐNG     (20)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Chân trời mới 


Tôi sống với kỷ niệm êm đềm đó tới năm 1949. Năm đó tôi tròn 6 tuổi và cũng là năm gia đình tôi phải tản cư về gần họ đạo Mai Phốp nơi có cha sở cai quản, lúc bấy giờ là cha Lê Vĩnh Trình. 

Dĩ nhiên, lúc đó tôi không biết tại sao phải tản cư. Cho tới nay, tôi chỉ còn nhớ được hai việc trong cuộc tản cư này. Việc thứ nhất, tôi được đặt ngồi trên chiếc bè mà cha tôi đã kết lại bằng gỗ, được tháo gỡ ra từ nhà cũ và thả trôi theo dòng sông 2 cây số ra tới Cầu Vĩ. Ở tạm tại đó một thời gian, rồi từ đó mới theo lộ xe hơi đi thêm 2 cây số để tới chỗ ở mới gọi là Cầu Đá, và từ đây còn cách nhà thờ Mai Phốp thêm 2 cây số nữa. 
Việc thứ hai là khi tới Cầu Vĩ, gia đình tôi ở nhờ một gia đình lạ trong một thời gian ngắn, tôi không còn nhớ bao lâu. Một hôm bà chủ nhà này làm bánh bò, tức là cho bột lỏng có đường vào trong các lon sữa bò hoặc lon cá mòi rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Khi chín, bánh sẽ phồng lên rất thơm và hấp dẫn, bên trong có những lỗ trống nhỏ và dài thẳng lên gọi là “rễ tre” vì nó tua tủa giống như chùm rễ tre. 
Hôm đó má tôi đi vắng và tôi ngồi cạnh nồi hấp chờ đợi và thèm thuồng. Nếu má tôi có ở nhà, chắc chắn bà chẳng đời nào cho tôi ngồi chực như vậy. Tôi vẫn nghĩ giống như những lần má tôi làm bánh, trước sau gì tôi cũng được ăn! Khi bánh chín, bà chủ nhà mở nắp vung ra, hơi bánh bốc lên thơm ngào ngạt, làm nước miếng tôi tuôn ra cuồn cuộn. Cặp mắt bé thơ của tôi nhìn gần như muốn thủng lỗ và làm thành “rễ tre” trên mặt mỗi cái bánh bò. Nhưng! Ôi chữ ‘nhưng’ thật quái ác. Bà chủ nhà vô tình chậm rãi lấy từng chiếc bánh ra khỏi nồi hấp, để cho nguội, xếp vào mẹt, đậy lại và... mang đi bán! Tôi ngẩn người tiếc rẻ vì chẳng được một chiếc bánh nào. Mấy chục năm sau, tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm đau thương của tuổi thơ nghèo đói trong lúc tản cư này. 
Trong đợt tản cư đó, gần như mọi gia đình Công giáo đều bỏ làng ra đi. Một số xuống Mai Phốp là một làng lớn, có khu vực người Pháp đóng, có chợ búa, nhà thờ, có cha sở, có trường học của nhà thờ và cả trường chính phủ mà lúc đó chúng tôi gọi là trường làng. Một số ít khác, trong đó có gia đình tôi thì tạm cư ở Cầu Đá, nằm cách Mai Phốp hai cây số cũng trên con đường liên tỉnh nối liền Vĩnh Long và Trà Vinh. Cầu Đá lúc bấy giờ là một ấp nhỏ, dân cư thưa thớt, không có trường học hay chợ búa gì. Tất cả mọi thứ sinh hoạt đều phải xuống Mai Phốp.

Sở dĩ có tên Cầu Đá vì trên tỉnh lộ có cây cầu bằng đá bắc ngang qua con sông nhỏ. Con sông này bề ngang chỉ độ mười thước, nối từ sông cái chạy dài vào cánh đồng ruộng bên trong. Dân chúng cất nhà dọc theo hai bên bờ sông rất đông. Con sông nhỏ này là nguồn cung cấp nước cho dân chúng sinh sống và trồng trọt, nhất là cho nhà nông làm mùa. Vì là sông đào nên nước lớn thì ngập cao đầu người, còn nước ròng thì cạn chỉ ngang đầu gối, có thể xắn quần lên cao và đi bộ qua bên kia được. Có những con nước rọt, đáy sông cạn queo, chỉ còn tới ngang mắt cá chân. Những lúc đó nhiều người thường be bờ tát nước bắt cá. 

Con sông này tuy nhỏ và cạn nhưng cá thì nhiều vô kể. Khi nước lớn, cá nước ngọt từ ngoài sông cái theo dòng lội vào sông nhỏ và lên ruộng kiếm ăn. Nước ròng lại trở ra sông cái, nhưng ra chưa tới nơi đã có đoàn người lội xuống xúc cá, nôm cá, lưới cá, mò cá... Mùa mưa nước ngập thì cá lên sống tràn lan trên cánh đồng bát ngát bao la và sinh sản ở đó. Đến mùa khô cá rút xuống sông hàng đàn hàng đống. Có những vùng đất hoang, nước ngập quanh năm và cá sống ở đó từ năm này qua năm khác sanh sôi nẩy nở. 

Cái thú nhà quê 
Tuổi trẻ tôi lớn lên trong cánh đồng ruộng mênh mông về mùa nào cũng có cá, chỗ nào cũng có cá. Ban ngày thì bắt cá theo ban ngày, ban đêm thì cầm đèn ra ruộng đi soi bắt cá ban đêm. Nhất là về mùa khô, trên ruộng bắt đầu cạn nước, đàn cá sau một năm tung hoành và sinh sản trong ruộng lúa, bắt đầu tìm đường ra sông. 
Chính lúc này những người mê cá như tôi hoạt động hăng hái nhất. Cách bắt cá nhanh và đơn giản nhất là móc hầm chặn ngang đường cá đi. Ban đêm cá tới đó bị chặn ngang, bực mình lấy đà phóng và rơi ngay vào hầm. Sáng ngày anh em chúng tôi chỉ việc lấy bao tải hốt cá vào và è cổ gánh về nhà làm mắm. Lúc đó cả làng ai cũng kiếm được cá nên ăn không hết và cũng chẳng bán cho ai được. Do đó nhà nào cũng làm một hũ mắm cá để khi mùa khan hiếm cá thì có mà ăn. 
Ngoài cá ra còn hai thứ khác cũng làm tôi chết mê chết mệt là chim và chuột đồng. Chuột sanh sôi nẩy nở rất nhiều và rất nhanh trên các cánh đồng lúa, nhất là sống trong vùng đất hoang vu chưa khai phá. Cái thú nhà quê của đứa trẻ con nhà nông như tôi biến quãng đời thơ ấu đó thành chuỗi ngày thần tiên. Dần dần tôi đã trở nên một “chuyên viên” trong việc đánh bắt cá, bắt chim và bắt chuột lúc nào tôi cũng không hay. Chẳng những tôi thích bắt chim bắt chuột mà còn phải làm sao tìm cách nào bắt cho hữu hiệu và nhiều hơn người khác. Kỹ thuật của tôi trong phạm vi này luôn được cải tiến. 
Cha tôi cũng cất nhà trên bờ sông nằm cách đường lộ liên tỉnh chừng hai trăm thước. Bên cạnh đó cũng có vài gia đình bà con của tôi, còn lại hầu hết là những người đã làm ăn sinh sống ở đây từ lâu. Tôi bắt đầu giai đoạn mới của tuổi trẻ. Hàng xóm mới, bạn bè mới nên buổi ban đầu tôi rất bơ vơ lạc lõng ở xứ Cầu Đá xa lạ này. Cũng may là có gia đình Ông Tám ở cách nhà tôi không xa. 
Ông Tám là em của bà Nội tôi cũng vừa tản cư trong đợt này. Ông Tám có người con út mà tôi gọi bằng chú tên là Hữu, chú út Hữu, chỉ lớn hơn tôi một tuổi nên hai chú cháu chơi với nhau từ nhỏ. Mặc dù hai chú cháu có nhiều lúc hục hặc nhau nhưng không thể nào thiếu nhau được. Nếu những năm đầu đời ở Bưng Trường tôi chỉ quanh quẩn trong khu vực nhà thờ và nhớ mãi về những xác chết trôi sông, thì về Cầu Đá này thế giới của tôi mở rộng hơn. Một phần lúc này tôi đã lớn hơn một tuổi và ở đây dân chúng đông hơn, nhờ đó tôi có nhiều bạn trẻ con cùng trang lứa. 
Phần đông những đứa bạn này sống ngay cạnh nhà và thường rủ nhau bày ra đủ mọi thứ trò chơi của trẻ con như đánh đáo, bắn bi, làm nhà chòi... và nhiều thứ trò chơi khác mà trí tưởng tượng của chúng tôi lúc bấy giờ có thể nghĩ ra được. 
Trong thời gian này nếu tôi say sưa với cá, chim, chuột và các trò chơi bao nhiêu, thì ngược lại tôi sợ đi học bấy nhiêu! Tôi đã phải ăn đòn không biết bao nhiêu vì sự tương phản quái ác này. Không biết là may mắn hay rủi ro, khi gia đình tôi vừa về Cầu Đá thì cha sở Lê Vĩnh Trình cho cất trường học ngay bên kia sông đối diện với nhà tôi bên này. Ngôi trường rộng rãi khang trang và lợp ngói này không phải cất bằng vật liệu mới, nhưng là mua lại một nhà cũ có lẽ vì tản cư phải bán đi. 
Vì ngôi trường đối diện ngang nhà tôi và có cây cầu khỉ bắc ngang sông nên tôi nhớ rất rõ cảnh bà con trong làng đưa trâu tới kéo cộ đất đắp nền nhà trường và ngày khánh thành thật tưng bừng. Ngày đó dân làng tới tham dự rất đông. Có nhiều đồ ăn thức uống và bọn trẻ con chúng tôi cũng được ăn xôi với thịt gà. 
Từ đó đám trẻ con trong vùng, cả người có đạo lẫn người ngoài đạo đều đưa con tới đó học với hai Dì phước Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn từ nhà thờ Mai Phốp lên dạy học. Thời gian đầu bà con trong vùng phải cử các thanh niên sáng ngày đạp xe lôi chở các Dì lên dạy, chiều lại đưa về. Nhưng về sau có lẽ vì quá bất tiện nên nhà trường được ngăn ra một phòng riêng và hai Dì ở luôn trong trường Cầu Đá. 
Chương trình học chưa được quy định hẳn hoi. Bọn trẻ trong trường được chia làm hai lớp, gọi là Lớp Lớn và Lớp Nhỏ. Hai lớp ngồi chung trong một nhà chỉ ngăn ra bằng một vách ván cao vừa bằng đầu một người lớn. Bên Lớn thì học Sách Phần, tức là sách Giáo lý, còn bên Nhỏ thì học vần, cũng là vần con rùa và con thỏ. 
Tôi bắt đầu vào bên Nhỏ, và Dì dạy chúng tôi đánh vần. Ngoài cuốn vần con rùa và con thỏ, trong lớp cũng có những tấm bảng vuông chừng một thước tây bằng giấy thật cứng, có đóng nẹp tre và quai bằng dây kẽm để treo lên tường. Trên bảng có in các chữ cái theo thứ tự A B C D Đ E Ê... thật to để chúng tôi nhận diện và đọc tên 
Học Lớp Nhỏ một thời gian tôi được đưa qua bên Lớp Lớn. Lúc này chương trình cao cấp hơn là được học bản “cửu chương” tức là phép tính nhân và học sách phần, tức là sách Giáo lý. Lúc bấy giờ sách vở viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng âm hưởng của chữ nho. 
Mỗi buổi sáng sau khi đọc kinh và trước khi bắt đầu giờ học là Dì phước “kêu sổ”, mà sau này gọi là điểm danh. Khi Dì gọi tên ai có mặt thì lên tiếng “Dạ”. Những người vắng mặt nhưng có nhờ bạn xin phép thì người bạn đó phải nói lý do tại sao nghỉ học. Em nào nghỉ mà không xin phép là trốn học, khi vào trường lại sẽ bị phạt quỳ gối đội tập. Con gái không đứa nào trốn học, chỉ có bọn con trai chúng tôi là phạm vào tội này. Hình phạt quỳ gối đội tập tuy không nặng nề nhưng nhục nhã trước mặt bạn bè.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét