Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

UKRAINE – CHUYỆN GÌ? CÙNG TÌM HIỂU QUA 20 CÂU HỎI ĐÁP

Đoàn người biểu tình tại Công Trường Độc Lập. Họ tuyên bố sẽ không rút lui cho tới khi Tổng Thống Yanokovych từ chức (hoặc bị lật đổ).

Trong suốt 3 tháng qua, họ đã chiếm cứ công trường Maidan (Độc Lập) của thủ đô Kiev, và phần nào chiếm lĩnh toàn đất nước Ukraine. Họ lớn tiếng tuyên bố: “Chúng tôi chỉ rời khỏi nơi đây khi quý vị [đưa Ukraine] xích gần đến Cộng Đồng Âu Châu, khi quý vị thay đổi hiến pháp, khi quý vị điều chỉnh cơ cấu quyền lực của chính phủ.”
Tại sao? 
Tại sao hàng ngàn người biểu tình đang đánh đổi mạng sống của họ cho sự khao khát thay đổi cơ chế chính trị? Và tại sao chính quyền Ukraine đã chống trả quyết liệt những đòi hỏi này?
Hãy cùng tìm hiểu:
1. Vì sao các cuộc biểu tình bùng phát?
Nguyên do chính của các cuộc biểu tình là một hiệp ước thương mại với Âu Châu. Trong suốt một năm qua, Tổng Thống Viktor Yanokovych luôn cho rằng ông sẽ ký kết một hiếp ước mang tính chất lịch sử, hợp tác chính trị và thương mại với khối Liên Hiệp Âu Châu (EU). Tuy nhiên vào ngày 21.11.2013 ông quyết định đình chỉ mọi cuộc thương thảo với EU.
2. Hiệp ước này có giá trị gì?
Hiệp ước “Hợp Tác Phương Đông” của EU với Ukraine sẽ tạo một liên hệ mật thiết hơn về chính trị và gia tăng hợp tác thương mại giữa Ukraine và các nước thuộc khối cộng đồng chung Âu Châu. Các nhóm ủng hộ bản hiệp ước cho rằng nó sẽ mở rộng biên giới cho các lãnh vực thương mại và tạo môi trường hợp tác và canh tân đất nước.
3. Tại sao Tổng Thống Yanukovych đổi chiều, thay đổi ý định?
Có nhiều lý do, điểm chính là sự phản đối của Nga. Nga doạ nếu Ukraine ký bản hiệp ước, Nga sẽ trả đủa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế với quốc gia láng giềng nhỏ bé này, cụ thể là tăng giá khí đốt thật cao [mà Ukraine đang lệ thuộc vào Nga]. Bằng ngược lại, nếu Ukraine xích gần vào quỹ đạo Nga, tham gia khối Liên Hiệp Thuế Quan (Custom Union) mà Nga chủ xướng, Ukraine sẽ được hưởng giá khí đốt cực kỳ thấp.
Bà Yulia Tymoshenko, cựu Thủ Tướng phát biểu trước đoàn biểu tình ngày 22 tháng 2, vài giờ sau khi được trả tự do.
4. Còn lý do nào khác?
Có, ít ra là một lý do cá nhân. Tổng thống Yanokovych cũng phải đối đầu với một yêu sách chính từ Âu Châu [trong bản hiệp ước này] là phải trả tự do cho cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko, đối thủ chính trị của ông. Cách đây hai năm, bà Tymoshenko đã bị tuyên án 7 năm tù với tội danh lạm quyền trong một vụ ký kết mua khí đốt với Nga. Đây là vụ án được nhiều giới cho là vì âm mưu chính trị. Giới ủng hộ bà Tymoshenko đòi hỏi bà phải được [phóng thích] và đưa ra nước ngoài để trị bệnh.
5. Rồi sao nữa?
Rất nhiều người dân Ukraine phẩn nộ. Họ túa ra đường, biểu tình đòi Tổng Thống Yanukovych phải ký bản hiệp ước với Âu Châu. Con số người tham dự tăng dần, với các cuộc biểu tình diễn ra tương đương như cuộc Cách Mạng Cam của Ukraine vào năm 2004 (mà kết quả của năm 2004 là đã đánh bật Yanukovych khỏi vai trò Thủ Tướng vào thởi điểm đó.)
6. Ai đang lãnh đạo khối đối lập?
Không phải chỉ một người mà hiện là một liên minh đối lập. Cá nhân nỗi trội nhất hiện nay là Vitali Klitschko. Klitschko là cựu võ sĩ quyền anh (boxing) và lãnh đạo Đảng Liên Minh Dân Chủ Canh Tân Ukraine (Ukrainian Democratic Alliance for Reforms party). Nhưng như đã nói, phe đối lập không phải chỉ một người hay một đảng phái mà là một thế liên minh của nhiều nhóm khác nhau.
Tổng Thống Yanokovych.
7. Tổng Thống Yanukovych phản ứng ra sao?
Với một hành động càng đổ dầu vào lửa, ông ta bay đến Moscow gặp Tổng Thống Putin của Nga. Hai bên công bố Nga sẽ bảo lãnh (mua lại) 15 tỷ Mỹ kim nợ của Ukraine và cắt giảm giá khí đốt mà Ukraine phải mua từ Nga. Và trong lúc các cuộc biểu tìng không có chỉ dấu thuyên giảm, Yanukovych lại ban hành luật chống cấm biểu tình.
8. Luật chống biểu tình này ra sao?
Luật này ngăn cấm người dân không được đội mũ an toàn và mặt nạ trong các cuộc tuần hành, cấm không được dựng lều và sử dụng các máy móc âm thanh nếu không được phép của cảnh sát. Điều luật này khiến người dân quan ngại nó sẽ được dùng dể trấn áp các đoàn biểu tình, ngăn chặng quyền tự do phát biểu. Và các cuộc đụng độ diễn ra, đoàn biểu tình đã chiếm giữ Toà Đô Chính của thủ đô Kiev gần 3 tháng trời.
9. Nhưng mà, điều luật này đã được huỷ bỏ?
Đúng, dưới áp lực ngày càng gia tăng, các đại biểu quốc hội (trung thành với Tổng Thống Yanukovych) cuối cùng cũng phải nhượng bộ và huỷ bỏ điều luật này. Tuy nhiên đến lúc đó, đoàn biểu tình đã không còn ngừng lại ở chính điều luật cấm biểu tình này. Họ đã nhấn tới, đòi hỏi một điều to lớn hơn: phải cải tổ hiến pháp.
10. Họ muốn hiến pháp cải tổ những gì?
Đoàn người biểu tình đòi hỏi cơ chế quyền lực của chính phủ phải được thay đổi. Họ cho rằng Tổng Thống Yanukovych đang nắm quá nhiều quyền lực trong khi Quốc Hội thì lại không.
11. Chính quyền phản ứng ra sao?
Vào cuối tháng Giêng (2014) Tổng Thống Yanukovych đưa ra một số nhượng bộ, trong đó Yatsenyuk, thủ lãnh đối lập, sẽ được cho làm Thủ Tướng và với sự cho phép của Tổng Thống, Thủ Tướng có thẩm quyền giải tán chính phủ. Yanukovych cũng đề nghị để ông Klitschko (thủ lãnh một đảng đối lập) giữ vai trò Phó Thủ Tướng. Ông ta cũng đồng ý sẽ có một uỷ ban lo việc thay đổi hiến pháp. Nhưng phe đối lập từ chối tất cả các nhượng bộ này.
12. Tại sao phe đối lập từ chối?
Theo họ, các nhượng bộ này từ phía Tổng Thống là chưa đủ, chưa thoả mãn. Họ nói Tổng Thống Yanukovych chưa hề nới lỏng nắm tay quyền lực, ông ta cũng chẳng hề có động thái nào nhằm giảm thiểu những trấn áp của chính quyền trên đoàn người biểu tình. “Chúng tôi sẽ kết thúc công việc chúng tôi đã bắt đầu” tuyên bố của Yatsenyuk, một thủ lãnh đối lập.
13. Nhưng cuối tuần qua mọi việc dường như tốt đẹp hơn?
Đúng. Vào Chủ Nhật 16 tháng 2, người biểu tình đã rời khỏi Toà Đô Chính Kiev, ngưng phong toả một con đường chính và rời khỏi một số toà nhà của chính phủ, để đổi lại việc chính quyền sẽ không truy tố tội hình sự với những người đã bị bắt giữ. Nhưng, các diễn biến “hoà giải” đó đã rời vào quên lãng cho đến ngày Thứ Ba (18 tháng 2).
Đoàn người biểu tình tại thủ đô Kiev ngày 21 tháng 2.
14. Tại sao? Chuyện gì xãy ra vào Thứ Ba?
Phe đối lập tại Quốc Hội muốn đệ nạp một dự luật nhằm giảm thiểu quyền lực đang nằm trong tay Tổng Thống, và đòi huỷ bản hiến pháp hiện nay mà quay trở lại bản hiến pháp trước đó, năm 2004. Nhưng Chủ Tịch Quốc Hội đã ngăn cấm việc này. Và các cuộc đối đầu đẩm máu đã diễn ra trên đường phố.
15. Ai chịu trách nhiệm cho các cuộc đối đầu đẩm máu này?
Điều này tuỳ thuộc vào việc ai sẽ trả lời câu hỏi trên. Phe chính quyền thì nói nhóm biểu tình bạo loạn. Ngược lại phe đối lập thì cho rằng chính quyền phải chịu trách nhiệm. Cuộc đối đầu qua lại đã khiến 28 người thiệt mạng.
Một người biểu tình bị thương đang được đưa rời khỏi hiện trường.
16. Chẳng lẽ không có một thoả thuận “ngưng chiến” giữa đôi bên?
Có, phía chính quyền và đối lập đã đồng ý một cuộc “ngưng chiến” vào chiều tối Thứ Tư, nhưng nó cũng không được thực thi đầy đủ, và máu lại tiếp tục rơi vào Thứ Năm.
17. Chuyện gì khiến đụng độ lại diễn ra?
Súng đạn nổ ra vào Thứ Năm tại quảng trường Độc Lập, là nơi cứ điểm của đoàn biểu tình. Có ít nhất 20 người thiệt mạng. Hiện chưa rõ điều gì đã khiến súng đạn nổ ra. Và một lần nữa cả đôi bên đều đổ lỗi cho nhau. Phe chính quyền cho rằng những người biểu tình đã vi phạm thoả ước “ngưng chiến” và ngược lại phía đoàn biểu tình tố cáo chính quyền vi phạm điều này.
18. Rồi sao nữa?
Các nhà ngoại giao quốc tế đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng. Hiện nay cũng đang có tin một số biện pháp trừng phạt (sanctions) từ cộng đồng quốc tế cũng đang được thảo luận.
19. Liệu các trừng phạt này sẽ giúp giải quyết vấn đề?
Giới nghiên cứu cho rằng các áp lực từ bên ngoài Ukraine sẽ khó tạo được ảnh hưởng đáng kể cho bối cảnh hiện nay, nhất là nếu phe quân đội Ukraine lâm trận và đứng về phía chính quyền.
20. Vậy cuối cùng, thấy được gì qua sự kiện này?
Các cuộc biểu tình diễn ra từ tháng 11 (2013) xoay quanh một hiệp ước thương mại đã nhanh chóng lan rộng thành một lý do to lớn hơn, đòi hỏi Tổng Thống Yanokovych phải giảm thiểu quyền lực của mình, đòi hiến pháp phải thay đổi. Và kết quả là quốc gia Đông Âu này đang trải qua một cơn lốc biểu tình chống chính quyền, một hình ảnh mà Ukraine chưa từng thấy trong vòng 10 năm qua.
Còn một vấn đề khác: Ukraine là quốc gia lớn nhất, về địa lý nó nằm phân cách giữa Nga và khối Liên Hiệp Âu Châu, về mặt chính trị Ukraine có thể là con bài trên bàn cờ chính trị giữa Nga và Tây phương. Âu Châu và Mỹ nghĩ rằng Nga đang thao túng quá nhiều ảnh hưởng trong khu vực, và tất nhiên Nga chống chế điều này.
Một câu hỏi rộng được đặc ra là liệu tình hình Ukraine sẽ còn tồi tệ tới mức nào? Richard Haass, chủ tịch Hội Đồng Bang Giao Quốc Tế (Council on Foreign Relations, Hoa Kỳ) trả lời “theo suy đoán của tôi, vấn đề [tồi tệ] sẽ còn tiếp tục leo thang”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét