Thưa các Quý vị và các bạn,
Tôi tên là Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh sự Việt
Nam tại Genève (2008-2012), cựu Vụ Phó Bộ Ngoại giao đã quyết định ly khai với
Đảng cộng sản Việt Nam từ 18/10/2013. Tôi xin cảm ơn UN Watch đã cho tôi cơ hội
để đề cập đến tình trạng phi dân chủ và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đây cũng
là lý do dẫn đến việc tôi quyết định ly khai.
Tôi sẽ trình bày quan điểm của cá nhân tôi,
một góc nhìn từ bên trong về thực trạng Nhân quyền Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng đưa
ra những nhận xét và dẫn chứng để lý giải câu hỏi mà - từ lâu - tôi đã đặt ra
cho chính mình:
+ TẠI SAO KHÔNG CÓ DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN TẠI
VIỆT NAM?
+ PHẢI LÀM GÌ ĐỂ MANG LẠI DÂN CHỦ VÀ NHÂN
QUYỀN CHO VIỆT NAM?
Một chế độ dân chủ cần hội tụ đủ hai yếu tố:
Cơ chế dân chủ và Tư tưởng dân chủ. Chỉ khi nào có một người lãnh đạo có tư
tưởng dân chủ thì cơ chế dân chủ mới có cơ hội hình thành. Việt Nam thiếu cả
hai nhân tố đó. Tức là các nhà lãnh đạo đương thời ở Việt Nam không hề có tư
tưởng dân chủ, dẫn đến việc họ xây dựng ở Việt Nam một chế độ PHI DÂN CHỦ, không
tôn trọng nhân quyền.
Tôi vào đảng cộng sản năm 1986. Lúc đó đảng
đang có những cố gắng đổi mới. Lúc bức tường Berlin sụp đổ, đã có một vài nhân
vật có tư tưởng dân chủ xuất hiện như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Trần
Quang Cơ. Nhưng họ nhanh chóng bị loại ra khỏi guồng máy lãnh đạo. Những tư
tưởng dân chủ vừa nhen nhóm đã bị dập tắt.
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ,
đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa Mác-Lê Nin một cách mù
quáng, khước từ việc tiếp thu những tư tưởng dân chủ và nhân quyền đã trở thành
phổ quát, từ đó họ đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đến tình trạng khủng
hoảng toàn diện như hiện nay. Từ đây tôi cũng lý giải được câu hỏi: “Tại
sao Việt Nam không có nhân quyền?”. Chính đảng cộng sản
là cội nguồn phát sinh mọi suy vong của đất nước. Trước tình
hình Việt Nam ngày càng nguy cấp, tôi không thể tiếp
tục im lặngmà phải công khai bày tỏ thái độ: dứt khoát
từ bỏ đảng cộng sản. Lúc này đây, tôi muốn hô to với thế giới bên
ngoài rằng:
- Đất nước chúng tôi đang lâm nguy!
- Đồng bào tôi đang bị đàn áp dưới chế độ cộng
sản!
- Hãy quan tâm đến tình hình nhân quyền
và dân chủ của Việt Nam!
Về thực trạng ở Việt Nam, tôi có những nhận
xét, kết luận như sau:
+ Chế độ hiện tại là chế độ độc tài, đảng trị,
phục vụ quyền lợi của những người cầm quyền. Điều 4 Hiến pháp - được sửa đổi và
có hiệu lực từ 1/1/2014 - quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại
Việt Nam, đồng thời là chính đảng duy nhất được phép hoạt động. Chủ nghĩa
Mác-Lê Nin coi luật pháp chỉ là công cụ đàn áp của giai cấp thống trị.
+ Hệ thống bộ máy nhà nước được xây dựng và tổ
chức nhằm mục tiêu cơ bản là bảo vệ sự cai trị của đảng lên toàn xã hội, coi
nhẹ nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của công dân. Do đó, Nhà nước Việt Nam không có
thái độ tôn trọng quyền của người dân. Những lãnh đạo cộng sản hiện
nay đã trở thành những nhà tư bản đỏ.
Lực lượng công an, cảnh sát được xây dựng
hùng hậu. Thay vì tập trung vào nhiệm vụ chính là bảo đảm an ninh và trật tự
xã hội, phần lớn họ lại đổ nhiều công sức vào việc theo dõi, trấn áp
và ức hiếp nhân dân. Trong thể chế xã hội chủ nghĩa, công an là công
cụ bảo vệ sinh mạng của chế độ – nên họ được dung túng như một lực
lượng kiêu binh. Tôi rất tâm đắc với khuyến nghị của một quốc gia trong kỳ
kiểm điểm định kỳ vừa rồi là Việt Nam nên đào tạo kiến
thức về nhân quyền cho lực lượng công an.
Lực lượng quân đội được quy định trong Hiến
pháp là phải trung thành với Đảng rồi mới đến Nhà nước và Nhân dân.
Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp
(Quốc hội, Chính phủ, Tòa án) đều là bộ máy của đảng, phục vụ mục đích cai trị
của đảng. Tôi đã từng phát biểu rằng Quốc hội Việt Nam chỉ là một chi bộ của
Đảng. Vừa rồi, trước những đòi hỏi chính đáng và thiết tha của trí thức và nhân
dân, Quốc hội vẫn bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp với tỷ lệ 98%. Các đại
biểu Quốc hội không thể làm khác được vì họ đều là đảng viên.
+ Các quyền cơ bản của con người không được
tôn trọng
Không có bầu cử tự do: Trên nguyên tắc,
5 năm một lần, người dân bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trong thực
tế, họ chỉ được bầu ra những người mà đảng đã lựa chọn từ trước. Không ai có
quyền được tự ứng cử. Gần đây, có luật sư Cù Huy Hà Vũ đã cố tự ra ứng cử,
nhưng đã bị loại ngay và hiện nay ông đang nằm trong tù. Do vậy, bầu cử chỉ là
hình thức. Bản thân tôi đã từng bỏ phiếu thay cho cả gia đình. Có trường hợp, vì
để lấy thành tích thi đua, nên có ông tổ trưởng dân phố đã bỏ thay cho
những gia đình vắng mặt.
Tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến cá nhân đang bị
đe dọa nghiêm trọng nhất: Chính quyền đang áp dụng những chính sách
đàn áp tàn bạo lên những người bất đồng chính kiến. Bên cạnh những bản
án tù dài hạn, họ đẩy mạnh hình thức sử dụng bạo lực, kể cả việc sử
dụng côn đồ để hành hung đối phó, sách nhiễu những nhà bất đồng chính kiến.
Theo các danh sách do các tổ chức nhân quyền
tự tìm kiếm và chúng tôi tìm hiểu, hiện có khoảng khoảng 250
người bị chính quyền giam giữ vì các hoạt động xuất phát từ lương
tâm. Con số thực cao hơn nhiều vì kiểm kê thiếu sót và vì có những trường
hợp bắt giam với những lý cớ ngụy tạo để che giấu lý do chính trị.
Chính quyền thường sử dụng các điều 79, 87,
88, 258 trong Bộ luật hình sự để bắt giam, xử án một cách tùy tiện các nhà đấu
tranh dân chủ. Gần đây, họ lại chuyển sang bắt giam các nhà bất đồng chính kiến
bằng những lý do khá ấu trĩ. Luật sư Cù Lê Hà Vũ vì tội quan hệ bất chính
(với bằng chứng là bao cao su), bắt giam Luật sư Lê Quốc Quân về tội trốn thuế.
Họ bắt giam cả những thanh niên mới 20 tuổi như Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha
chỉ vì họ bày tỏ lòng yêu nước, chống lại Trung Quốc.
Có nhiều tù nhân lương tâm đang mắc bệnh
hiểm nghèo và trong tình trạng hấp hối nhưng vẫn tiếp tục bị giam
giữ. Điển hình là 3 ba trường hợp:
- Ông Vi Đức Hồi bị kết án hoàn toàn không
có lý do chính đáng, bị kỷ luật biệt giam sáu tháng vì phản đối giám thị
cai tù đánh một tù nhân lương tâm khác là Paulus Lê Sơn. Sau 6 tháng biệt
giam, ông Vi Đức Hồi tiếp tục bị gia hạn kỷ luật. Hiện nay ông Hồi đang
bị biệt giam, trong lúc bệnh tim và cao huyết áp của ông ấy luôn trong
tình trạng cấp cứu.
- Ông Đinh Đăng Định, sau một thời gian bị
giam giữ đã phát bệnh ung thư. Khi đưa đi khám, bệnh ung thư của ông
Định đã vào thời kỳ cuối. Các bác sĩ điều trị cho hay nếu được điều trị
sớm hơn vài tháng, ông Định đã có thể cứu được. Hiện nay ông Đinh Đăng Định
đang trong tình trạng hấp hối, không còn ăn uống được. Mãi đến vài
ngày gần đây ông Định mới được "hoãn thi hành án trong 12 tháng"
để trị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối.
- Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị bịt miệng
tại toà và xử mức án 8 năm. Đã bị tai biến mạch máu não và tê liệt, nhưng
vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Về tự do báo chí: theo bảng xếp
hạng năm 2013, của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trên tổng số 180 nước
trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 174, Trung Quốc (175), Bắc
Triều Tiên (179), Sudan (172), Iran (173), Somalia (176), Syria (177).
Chính quyền đã gia tăng đàn áp, kiểm duyệt
thông tin, tăng cường kiểm soát Internet, hạn chế tự do báo chí với nhiều vụ bắt
giữ và xét xử bất công. Bộ máy nhà nước Việt Nam rất sợ sự thật.
Việt Nam vẫn là nhà tù đứng hàng thứ hai trên
thế giới đối với các blogger và công dân mạng, hiện có 34 blogger đang bị
giam giữ. Tháng 09/2013, đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến thêm một bước trong
việc đàn áp quyền tự do thông tin, với việc ban hành nghị định 72, 174, cấm các
trang blog và trang mạng xã hội tổng hợp và chia sẽ các thông tin thời
sự.
+ Không có ai (cơ chế, tổ chức) nào đứng ra
bảo vệ người dân
Tình trạng dân oan: Do không được ai đứng ra
bảo vệ, người dân phải tự lo lấy, tự đấu tranh, những tiếng kêu cứu của họ rơi
lạc vào sự thờ ơ của giới lãnh đạo. Tình trạng chiếm đoạt đất đai của các nhóm
lợi ích, hậu quả của liên minh tiền-quyền, đã đẩy người dân bị mất đất vô
cớ, hình thành nên tầng lớp dân oan ngày một đông đảo. Khi xẩy ra phong
trào người dân đứng lên đòi lại đất đai thì chính quyền lại đàn áp ngày càng
thô bạo, như vụ Đoàn Văn Vươn, Hải Phòng và vụ nông dân Văn Giang, Hưng Yên.
Tình trạng tham nhũng: Việt Nam là một trong
những nước tham nhũng hàng đầu trên thế giới. Những vụ tham nhũng liên quan đến
các quan chức cao cấp vừa bị phanh phui. Việc xét xử Dương Chí Dũng Vinalines
đã tiết lộ liên hệ đến không chỉ cấp Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, mà
còn dính líu đến những quan chức lãnh đạo cao cấp hơn nữa.
Những chính sách sai lầm của lãnh đạo Việt Nam
đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Cả về chính trị, kinh tế, văn
hóa, giáo dục, y tế, đạo đức con người. Cái xấu xa đang dần lấn át cái tốt đẹp
trong xã hội Việt Nam. Quan thì rất giàu, dân lại nghèo khó; đất nước
thì không mạnh, xã hội thì suy đồi, hạnh phúc thì xa vời.
Để thay cho lời kết luận về tình hình vi phạm
nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, tôi xin dẫn một nhận xét của ông Benjamin
Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc tổ chức Phóng
Viên Không Biên Giới: “[…] Hà Nội không thể tiếp tục lừa bịp Liên
Hiệp Quốc và thế giới kiểu này nữa. Hơn ai hết, họ hiểu rõ những gì họ đang làm
và những chính sách đàn áp tàn bạo mà họ đang thực hiện.”
Những suy tư và nhận định vừa trình bày
đến quí vị không chỉ xuất phát từ một cá nhân đơn lẻ mà là của đông đảo
nhân dân Việt Nam và ở ngay cả trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhưng,
do hoàn cảnh, họ chưa thể lên tiếng được. Tuy nhiên, niềm hy vọng vẫn mạnh hơn
nỗi sợ hãi.
Người dân Việt Nam mong muốn một chế độ
chính trị văn minh và lành mạnh, trong đó các quyền con người và các
quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ để Việt Nam hòa nhập vào với cộng
đồng văn minh nhân loại. Ngay thời điểm này, tôi chỉ có một ước mơ cháy
bỏng: chính quyền đương nhiệm Việt Nam hãy nghĩ đến tương lai của
quốc gia. Việt Nam vẫn có thể làm như Miến Điện: bắt tay
xây dựng thể chế dân chủ đa nguyên, thực hiện tinh thần hòa giải và
hòa hợp dân tộc.
Tất nhiên, để thực hiện được khát vọng
này, ngoài những nỗ lực bền bỉ của phong trào đấu tranh đòi dân chủ và
nhân quyền tại Việt Nam ngày một dâng cao, còn cần sự quan tâm và hỗ trợ cộng
đồng quốc tế.
Những buổi kiểm điểm Nhân quyền của Liên
Hiệp Quốc như vừa qua và những cuộc hội thảo quốc tế như hôm nay chắc chắn
có tác động tích cực lên chính quyền Việt Nam. Theo những tín hiệu mới
nhất mà tôi nhận được, họ đã bắt đầu hiểu rằng thời đại mà các chế độ độc
tài có thể đàn áp một cách vô tội vạ những người chỉ có tội công khai bày tỏ
chính kiến đã qua rồi.
Tôi xin chân thành cảm ơn UN Watch, cảm ơn sự
chú ý lắng nghe của toàn thể quý vị.
Đặng Xương Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét