Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 39 VÀ 40

TÔI PHẢI SỐNG  PHẦN 39
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
 Chuyện Thương Tâm                   
Hai anh trật tự Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát, mỗi người một bên nắm lấy cổ tay tôi kéo lê về trại. Lúc đó lưng và mông tôi lết trên đường đá cục, đau đớn không chịu được, nhưng biết làm gì hơn lúc bấy giờ? Quãng đường từ con suối cạn vào tới sân trại khá xa, vì phải qua hết lán mộc và một dãy buồng giam nằm dọc theo con đường sỏi đá này, rồi mới tới cổng trại. Chúng kéo tôi thẳng vào sân trại và vất xác tôi nằm ngửa trên nền xi-măng của hội trường giữa sân trại. Nằm yên một chốc, tôi mê đi, không còn biết gì nữa, và tôi cũng chẳng biết mê man như thế bao lâu vì lúc đó tôi đã mất hết ý niệm về thời gian.
Lúc chợt bừng tỉnh lại, tôi mở mắt ra và thấy Bùi Đình Thi đang cầm xô nước lạnh giội lên mặt tôi. Vừa thấy tôi tỉnh lại, anh ta vội đặt cái sô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, anh ta nhảy chồm lên, hai tay túm lấy một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một cách điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi, miệng anh ta sùi bọt mép nghiến răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi:“ĐM mày Lễ! Ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt! Mầy muốn chết tao cho mầy chết!". Cho tới ngày tôi chết, có lẽ tôi cũng không bao giờ có thể quên câu nói này của Bùi Đình Thi, vì đó là lần đầu tiên tôi nghe một giáo dân chửi một Linh mục như thế.
             Đánh đập chán chê, anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này mới biết anh ta quay sang “thăm” hai anh Đặng Văn Tiếp và Nguyễn Sỹ Thuyên đang nằm rải rác gần đó. Tôi lại rơi vào cơn hôn mê một lần nữa, cũng chẳng biết trong bao lâu. Khi bừng tỉnh lại, tôi thấy Bùi Đình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lên các bậc thềm đúc bằng xi măng từ hội trường lên khu kiên giam, lưng và đầu tôi va mạnh lốp bốp vào các bậc thềm, cả thảy 12 bậc. Sự đau đớn thái quá đó làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh anh Đặng Văn Tiếp bị Bùi Đình Thi đánh chết tại chỗ. Cảnh tượng này đã in vào tâm trí tôi như một hình xâm trổ trên da thịt và chắc chắn sẽ không bao giờ có thể tẩy xóa được!

Mạng người thứ nhất
Bùi Đình Thi kéo tôi vào lại buồng 1, nằm quay mặt ra cửa. Buồng này là nơi chúng tôi vừa đào tường vượt ngục đêm qua. Vừa quẳng tôi vô buồng, Thi vội quay trở ra cửa khu kiên giam đẩy mạnh anh Đặng Văn Tiếp vào. Từ lúc thấy anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu, tôi cũng không thể đoán được vì tôi đã mất ý niệm về thời gian, và anh Tiếp bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết lúc này trông anh còn có vẻ khá hơn tôi, tuy dáng anh tả tơi sủng ướt nhưng anh còn đi đứng được.
 Chung quanh anh lố nhố một số cán bộ. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ, chắc là vợ con cán bộ cũng chạy lên xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Tôi không biết lúc bấy giờ ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ Bùi Đình Thi nhảy chồm tới vồ lấy anh Tiếp. Hắn dùng 2 tay túm lấy một tay anh Tiếp kéo lên và dùng gót chân dậm một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh Tiếp, giữa tiếng chửi bới cổ võ một cách điên cuồng của số đông cán bộ cộng-sản vây quanh.
             Nằm nhìn ra cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể nào chịu nổi cú đòn hiểm độc này, tôi nghe anh Tiếp kêu lên thật to:“Chắc con chết mất Mẹ ơi!” Tôi không ngờ đó là câu nói cuối cùng của đời anh. Anh  đã chết sau câu nói đó!
Không ai có thể ngờ được cuộc đời đã từng ngang dọc oai hùng của anh Đặng Văn Tiếp đã bị chấm dứt một cách tức tưởi, dưới gót chân của Bùi Đình Thi như thế này, vào một buổi sáng âm u, ngày 2 tháng 5 năm 1979 trong nhà tù Thanh Cẩm, lúc anh vừa 46 tuổi. Dĩ nhiên, chế độ cộng-sản là kẻ chủ trương, nhưng Bùi Đình Thi đã thay cho chế độ bạo tàn này, giết anh Đăng Văn Tiếp một cách thật dã man! Người cộng-sản ném đá giấu tay, họ đã dùng tù giết tù. Nếu tôi không sống sót, thì ai biết được để ghi thêm một thảm trạng tày trời, đau đớn và đầy nhục nhã này trong ngục tù cộng-sản?
            Hôm nay, ngồi nhớ lại cảnh tượng này lòng tôi đau nhói. Tôi có cảm tưởng như đang ngồi xem một đoạn phim chiếu những hình ảnh méo mó, bệnh hoạn làm ruột tôi co thắt lại và tôi cảm thấy buồn nôn! Trong cả cuộc đời tôi, không cảnh nào làm tôi đau xót bằng  cảnh này. Tôi nhớ lại một đoạn trong phim “Quo Vadis?” mà tôi đã xem qua. Đó là cảnh một đám khán giả khát máu trong một hí trường thời cổ đại La Mã đang la hét điên cuồng cổ võ những con ác thú cắn xé các nạn nhân Thiên Chúa Giáo bị kết án tử hình được vất cho chúng. Nhớ lại cảnh thương tâm này, tôi phải ngưng lại để nói chuyện với anh Tiếp:“Anh Tiếp ơi! Giờ này oan hồn anh đang ở đâu? Anh có thấy được nước mắt nước mũi của em đang chảy dài ướt cả áo khi em ngồi đây viết lên những hàng chữ này không? Mỗi năm vào ngày giỗ của anh, em tắt nghẹn nhưng chưa bao giờ em khốn khổ như lúc này, lúc mà em phải nhớ lại từng chi tiết về cái chết của anh.”
             Bùi Đình Thi lôi xác Tiếp vào và vất chồng lên người tôi, lúc ấy tôi đang nằm như một thây ma bất động dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây Đại tá công-an Hoàng Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Lúc này tôi nằm ngửa, còn xác anh Tiếp mềm nhũn nằm sấp áp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người thân yêu cuối cùng có mặt để đưa tiễn anh tôi về bên kia thế giới. Xác anh Tiếp thật nặng đè lên người làm tôi ngạt thở, tôi cố vùng vẫy lật xác anh qua một bên để có thể hít thở nhưng tay tôi không còn cử động được, và tôi cảm thấy mình sắp chết ngạt đến nơi. Cũng may lúc đó, có một cán bộ bước vào và tôi nghe tiếng của Bùi Đình Thi nói:
     -Thằng Tiếp nó chết rồi!
      Cán bộ ra lệnh.
    - Lôi xác nó lên!
            Xác anh Tiếp được lôi lên bệ xi măng, chỗ mà mọi ngày anh vẫn nằm, nhờ đó tôi không bị chết ngạt. Lúc thấy tôi còn cử động và co đầu gối lên tựa vào tường, một tên cán bộ đã rút thanh sắt cài cửa buồng, đập mạnh lên đầu gối bên trái, làm chân tôi gập xuống. Trong khi đó tôi nghe tiếng chửi rủa léo nhéo của các phụ nữ bên ngoài cửa sổ và chúng ném gạch đá vào tôi, những viên gạch mà chúng tôi đào tường lấy ra hồi đêm qua.
            Lúc đó nằm dưới lối đi nhìn lên, tôi còn thấy được đôi bàn chân gầy gò, dính đầy bùn đất của anh Tiếp thò ra ngoài bệ nằm xi-măng, và đó là hình ảnh cuối cùng tôi thấy nơi một người anh kết nghĩa mà tôi hết lòng yêu quý và kính phục.[1]
             Lúc nhìn thấy gót chân bất động của anh nhô ra từ bệ nằm, tôi còn nhớ lại trước khi vượt ngục, tôi có khâu chiếc nhẫn vàng hai chỉ vào cái cúc quần của anh. Đây là chiếc nhẫn mà anh Thụ, em kế của Tiếp, đã khéo léo giấu trong một hộp sữa hai đáy gởi ra cho anh cùng với tấm bản đồ và cái địa bàn lúc anh còn ở trại Hà Tây. Tôi chỉ nhớ được chừng đó, vì đây là hành trang quý nhất mà anh cần có khi quyết định vượt ngục. Không ngờ anh đã không sử dụng được thứ hành trang đó để đi tới nơi an toàn như anh mong ước.

Đi vào cõi chết
             Một lúc sau, tôi lại đi vào cơn hôn mê như một giấc chiêm bao kéo dài. Tôi thấy mình đang chới với bước đi trên một vùng đầy mây trắng, đóng thành từng mảng cứng như nước đá, trong một khoảng không gian hoàn toàn yên lặng. Tôi đạp trên các vầng mây lần bước tiến lên mà chẳng biết là đi về đâu. Thỉnh thoảng, một tảng băng vỡ ra, tôi bị hụt hẫng. Tôi bám vào thành các tảng mây khác leo lên và cố gắng bươn chải đi tới trong khoảng chân không mông lung huyền ảo. Kinh nghiệm của con người đang ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết cho tôi thấy cái chết thật nhẹ nhàng dễ chịu.  Sự chết  không phải là cái gì quá ghê gớm theo như quan niệm thông thường. Có đau khổ chăng là cho những người thân yêu còn ở lại.
            Sau này, khi nhớ lại cảm giác của buổi sáng âm u trong trại tù Thanh cẩm đó, khi mà xác tôi đã nằm bất động dưới sàn của buồng giam, lúc đó ai nhìn vào chắc sẽ ghê rợn hãi hùng trước cái thây ma bất động, áo quần ướt đẫm, mình đầy máu me và cát bụi. Nếu người thân yêu của tôi nhìn thấy cảnh đó chắc sẽ khóc hết nước mắt vì thương tôi đã phải chịu một cái chết quá là đau thương tàn nhẫn. Nhưng thực tình trong lúc đó tôi đang lơ lửng trên các tầng mây và cảm thấy rất nhẹ nhàng sung sướng trong một thứ hạnh phúc mà suốt cuộc đời với bao nhiêu lo âu phiền muộn, tôi chưa bao giờ được nếm qua.
 Cảm giác hạnh phúc mà tôi có được lúc bấy giờ vượt ra ngoài hết những gì đã ràng buộc con người vào cuộc đời trần gian khổ ải bị bao vây bởi thất tình lục dục. Cái khoảng chân không mông lung huyền ảo mà tôi đã được bước vào, trong khi thân thể tôi nằm dưới sàn đất, đó là một khoảng chân không yên lặng tuyệt đối và tôi nghĩ rằng không làm sao có được sự thinh lặng đó trong cuộc đời này.
Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa hẳn đã đi vào cõi chết, nhưng tôi đã được bước tới ngưỡng cửa của sự chết và đã được “nếm qua” mùi vị của sự chết. Tôi chưa có thể diễn tả về cái chết thực sự ra sao, nhưng có thể nói lên niềm hạnh phúc của tôi đã cảm nhận được trong buổi sáng sớm ngày 2 tháng 5 năm 1979 đó. Khi “tôi” đang ở trong trạng thái lơ lửng giữa các tầng mây, tôi còn biết là thân xác mình đang nằm bất động trong buồng giam và một cảm nghĩ rất lạ đã xâm chiếm lấy “tôi” lúc bấy giờ, và tôi không còn muốn quay về với thân xác nữa. Lúc đó tôi có cảm nghĩ là tại sao con người lại bận tâm trong những việc chẳng ra gì, mà người ta coi là quan trọng để rồi tự làm khổ mình và làm khổ người? Trong khi chỉ có sự thanh tịnh nơi cõi vĩnh hằng mới là nguồn vui đích thực và cuối cùng của nhân sinh.
            Cái số tôi chưa chết trong ngày hôm đó, vì thực ra chỉ cần một người nào đang có mặt trong buồng lúc bấy giờ bồi thêm một cú đòn, hoặc chỉ cần lật sấp lại để tôi không thở được là cuộc đời tôi chấm dứt. Mà cho dù có người nào đó đã làm như vậy, tôi cũng không oán trách, vì thân xác tôi đã hoàn toàn tê dại, không còn biết đau đớn là gì. Hơn nữa, nếu có ai làm như thế thì chắc chắn họ sẽ giúp đưa tôi thẳng vào vùng hạnh phúc tuyệt vời mà tôi đang chập chờn ở ngưỡng cửa. Dĩ nhiên là tôi rất quý cuộc đời và mạng sống tôi, vì cuộc sống con người chính là một hồng ân của Trời ban. Tôi chỉ muốn nói lại kinh nghiệm của một người đã chạm tới biên cương của sự chết và biết rằng chết là một trạng thái rất nhẹ nhàng êm ái.

Lần xuống "Đáy Địa Ngục"
Tôi chẳng biết cơn hôn mê đó kéo dài trong bao lâu, nhưng tỉnh lại trong khi Bùi Đình Thi đang vác tôi ngang qua vai anh ta. Hai tay cầm lấy hai chân tôi, bụng tôi áp vào vai anh, đầu và hai tay thõng ra sau lưng. Lúc này con người tôi đã mềm nhũn và không thể tự mình cử động được. Vì bị dằn vật quá mạnh theo nhịp bước chân của anh ta, tôi tỉnh cơn mê. Bùi Đình Thi vác tôi thẳng vào nhà kỷ luật và cùm chân lại. Đây là khu nhà kỷ luật vừa mới xây xong, để thay cho Nhà Đen không đủ kiên cố.  Sau khi đặt nằm yên, tôi lại đi vào cơn hôn mê, vì con người tôi lúc này đang chập chờn ở giữa biên giới của sự sống và cái chết.
 Khi tôi tỉnh lại thì trời tối đen như mực, chợt tôi nghe tiếng anh Nguyễn Sỹ Thuyên bên cạnh, mới hay anh cũng đang bị cùm chung một thớt với tôi.[1] Anh nằm phía trong sát vách tường. Anh Thuyên cho biết lúc ấy có lẽ quá nửa đêm rồi, anh thều thào:
     - Sáng nay, lúc thằng Thi nó vác ông vào, lúc ấy ông đang mê man, tôi gọi mãi không thấy ông tỉnh dậy, tôi lo quá, tưởng là ông đi luôn rồi. Có biết Tiếp đâu không?
      Tôi rên rỉ qua hơi thở:
     - Tiếp chết rồi!
      Thuyên kinh hãi kêu:
     - Tiếp chết rồi à?
     - Ừ, Tiếp chết rồi! Tiếp bị đánh chết trước cửa buồng mình. Nó vất xác Tiếp nằm đè lên người tôi.
      Anh Thuyên yên lặng hồi lâu mới nói được:
     -Tiếp chết rồi! Còn Tiếu và Văn ra sao?
     - Tôi không biết.
     Thuyên nằm lặng yên, không nói năng gì, nhưng tôi nghe tiếng anh đang khóc sụt sùi trong bóng đêm. Tôi nằm bất động, nước mắt giàn giụa.
            Khi tỉnh dậy được một lúc, tôi cảm thấy buồn nôn, định quay mặt nôn xuống sàn nhà nhưng tôi không còn sức để trở người nên nằm ngửa nôn thốc tháo ra ướt đầy mặt mũi, rất tanh hôi. Sáng hôm sau, khi trời sáng tôi mới thấy mình nôn ra toàn là máu tươi! Ban ngày, khi tiểu tiện cũng ra máu mà đại tiện cũng ra toàn là máu. Lúc đầu nhìn thấy cảnh tượng đầy máu me này tôi rất kinh hoàng. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu máu bầm trong cơ thể đã thoát ra ngoài được là điều tốt, còn nếu máu bầm ứ lại bên trong thì rất nguy hiểm.
            Tình trạng anh Nguyễn Sỹ Thuyên lúc đó cũng tệ hại không kém gì tôi, cũng bị đánh đập tả tơi, giập nát cả người cũng như tôi và anh Tiếp. Anh cũng bị nôn mửa và đại tiểu tiện ra máu dầm dề. Trong tình cảnh đó, anh tỏ ra tuyệt vọng và nghĩ là mình không thể nào sống được. Sáng hôm sau, tôi thấy anh Thuyên không chịu nằm yên mà tay anh cứ mò mẫm như đang tìm một cái gì. Tôi nhìn xuống thì ngạc nhiên thấy anh đang định cắt đứt mạch máu ở háng bằng một con dao làm bằng nửa nắp lon sữa bò được mài bén. Không biết anh tù kỷ luật nào ở buồng này trước bỏ lại con dao này ở đây và anh Thuyên rớ được. Thấy vậy tôi la lớn:
     -Anh Thuyên! Anh định làm gì vậy?
      Anh Thuyên thều thào:
     -Tôi biết trước sau rồi mình cũng chết, thà tự tử chết trước cho khỏe thân!
      Tôi phản đối ý của anh:
     -Anh Thuyên ơi, đừng làm như vậy! Thà để cho cộng-sản nó giết mình. Chúng ta không được quyền tự sát, hơn nữa làm như thế có ra gì?
            Nghe tôi nói, anh Thuyên dừng tay lại. Từ đó chúng tôi luôn an ủi và nâng đỡ tinh thần của nhau. Phần tôi, luôn để ý tới các cử động của anh Thuyên, mặc dù tôi đã lấy miếng dao rồi.
 Sự có mặt của anh Thuyên bên cạnh tôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là một sự an ủi và nâng đỡ rất lớn cho cả tinh thần lẫn thể chất của tôi. Nhân nhớ lại câu chuyện này, tôi cũng muốn gởi tới anh Nguyễn Sỹ Thuyên tâm tình yêu mến thiết tha và lòng biết ơn chân thành của tôi. Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng của những ngày đầu tháng 5-1979 đó, tôi đều nghĩ rằng, nếu không có anh Thuyên bên cạnh trong những ngày đầu sau khi bị đánh đập giập nát cả người đó, chắc là tôi không thể nào sống sót được. Xin anh Thuyên hãy biết rằng, trong một ý nghĩa nào đó, chính anh là người đã cứu lấy mạng sống của tôi.
Những ngày tiếp theo, anh Thuyên và tôi vẫn thấy máu trong người ra nhiều quá nên chúng tôi gọi báo cáo cán bộ xin thuốc. Sau khi chửi bới một hồi, cán bộ đưa anh y tá, lúc bấy giờ là anh Điện, nghe nói là chánh án tỉnh Bình Dương, lên tiêm cho anh Thuyên và tôi mỗi người một mũi Vitamin K là loại thuốc cầm máu. Mũi thuốc tiêm này là ân huệ duy nhất của đảng ban cho chúng tôi trong suốt thời gian này.
            Lúc đó, tôi tìm hết mọi cách cho máu bầm thoát ra khỏi thân thể, thoát càng nhiều càng tốt. Vài ngày sau, khi nước tiểu của tôi bắt đầu trong lại, tôi hứng lấy và uống mỗi ngày vài ba muỗng nước tiểu của chính mình. Một ít hiểu biết về y học cho tôi biết rằng trong nước tiểu có chất muối làm cho tan máu. Kết quả đúng như tôi mong muốn, mỗi khi uống thứ “thuốc” đó vào, tôi lại đi tiểu ra máu.
 Tôi tiếp tục tự chữa cho mình như vậy trong thời gian chừng mươi hôm, cho tới khi thấy trong nước tiểu không còn máu nữa tôi mới ngưng uống “thuốc”. Anh Thuyên cũng đã tự chữa trị cho anh cùng một cách thức như tôi. Nhờ cách đó cơ thể tôi dần dần khá lại và một tuần lễ sau có thể xoay trở người để đi đại tiểu tiện xuống sàn nhà. Nhưng phải mất ba tuần lễ tôi mới có thể ngồi lên được.
 Tôi còn nhớ trong lần gượng dậy đầu tiên, anh Thuyên phải giúp tôi vì anh đã ngồi lên được trước tôi vài hôm. Anh dùng ống tay áo cột vào cổ rồi kéo tôi từ từ ngồi dậy. Sự cố gắng quá sức này làm tôi đau đớn tưởng chừng như cả bộ xương của tôi bị rời ra từng mảnh, nhưng tôi phải cố gắng ngồi lên, vì tôi nghĩ rằng nằm lâu ngày quá có thể bị liệt cột sống. Thời gian đó tôi sợ nhất là ho hoặc hắt hơi, vì mỗi lần ho và nhất là hắt hơi, cơ thể tôi bị giật mạnh làm các khớp xương như long ra và bay đi tung tóe, đau đớn không thể nào diễn tả được.

Mạng người thứ hai
Mấy ngày sau tôi được biết hai anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn cũng bị đánh đập tả tơi và đang bị cùm chân trong nhà Nhà Đen. Cha Định cũng bị cùm bên đó, nhưng ở khác buồng. Khu kỷ luật Nhà Đen này sắp được phá đi và thay thế bằng khu nhà kỷ luật mới mà anh Thuyên và tôi hiện đang bị cùm.
            Ngoài anh Tiếp bị giết một cách tức tưởi, [1] bốn người còn sống trong vụ vượt ngục bất thành đang bị cùm ở hai nơi. Một tuần lễ sau ngày trốn trại, tôi được anh Nguyễn Tiến Đạt cũng đang bị cùm trên kỷ luật mới và được chỉ định làm trực sinh, báo tin anh Lâm Thành Văn bị Thi bỏ đói vừa mới chết . Nghe tin này, anh Thuyên và tôi bàng hoàng xúc động. Một người anh em nữa đã ra đi . Mãi tới gần một tháng sau khi Nhà Đen bị phá bỏ, anh Trịnh Tiếu và cha Nguyễn Công Định chuyển khu kỷ luật mới và ở chung buồng tôi và anh Thuyên. Lúc bấy giờ anh Tiếu mới kể lại chi tiết về cái chết của Văn cho chúng tôi nghe.
            Anh Trịnh Tiếu kể lại rằng, sáng ngày 2 tháng 5, khi vừa có ba tiếng súng báo động, cả anh và Văn đã bị cán bộ túm lấy đánh cho một trận, tuy không dữ dội như ba anh em chúng tôi bên ngoài nhưng anh Tiếu bị gãy một xương sườn. Sau đó cả hai người bị đưa vào cùm chung một buồng ở Nhà Đen.
 Những ngày sau đó, Văn yếu nhiều vì vốn có chứng đau dạ dày khá nặng, lại bị đánh đập trọng thương và nhất là không ăn gì vào miệng. Từ trước tới nay, anh Văn có tiêu chuẩn ăn cháo trắng. Mỗi bữa ăn, anh được một bát cháo trắng và một muỗng muối hạt. Số muối này anh ăn không hết và thường chia cho các anh em trong buồng mỗi người một chút. Trước khi chúng tôi vượt ngục, trại cho ăn sắn thường xuyên, nhưng anh Văn vẫn ăn cháo với muối. Nhờ vậy từ khi có kế hoạch vượt ngục, chúng tôi để dành được mỗi ngày một ít muối phòng lúc ra rừng có muối mà ăn. Tới ngày vượt ngục, chúng tôi gom góp được chừng non bát muối.
Khi chúng tôi bị bắt, Thi đã xét thấy số muối đó trong túi của tôi và đó chính là nguyên nhân cái chết của Văn về sau này. Từ đó Thi không cho Văn ăn cháo nữa, mặc dù tiêu chuẩn trại vẫn có. Anh Tiếu kể lại rằng, khi gánh cháo lên tới khu kỷ luật, Bùi Đình Thi đá phăng cháo đi, bắt Văn ăn khoai hay sắn, những thứ mà Văn không thể nào nuốt được vì chứng bệnh dạ dày quá nặng. Bữa ăn nào anh Văn cũng kêu van năn nỉ, nhưng anh trật tự ác ôn trả lời một cách dứt khoát:“Cho ăn cháo để chúng mày lấy muối trốn trại à? Không ăn sắn được thì chết.”
            Anh Trịnh Tiếu cho biết, trong suốt mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, anh Lâm Thành Văn không có gì để bỏ vào miệng. Vì đang thời gian trại phải ăn khoai ăn sắn liên tục, anh chỉ uống nước cầm hơi. Đêm trước khi qua đời, Văn đã nói sảng như người nằm mơ và toàn nói về các món ăn. Có lần anh hỏi anh Tiếu là lon muối sả của anh đâu? Anh Tiếu nói làm gì có lon muối sả. Văn trả lời là lon muối sả người em dâu của anh vừa thăm nuôi đưa vào cho anh. Nghe như thế anh Tiếu biết là Văn đã nói sảng và chứng tỏ cơn đói hành hạ anh dữ dội.
Sáng sớm ngày cuối cùng của cuộc đời, Văn gọi Tiếu nhờ đỡ ngồi lên, vì anh không còn gượng dậy nổi. Khi Văn ngồi lên, với một chân trong cùm, chân kia co lại, anh ngồi gục đầu trên hai tay đang khoanh tròn đặt trên đầu gối. Anh ngồi yên một lúc lâu trong tư thế này, như vẫn thường ngồi hàng ngày. Thấy Văn đã ngồi yên, anh Tiếu bước chân không bị cùm xuống sàn, với lấy ống bẩu đi đại tiện, nhưng mắt không rời Văn vì nhận thấy Văn đã có dấu hiệu gì hơi khác thường.
Trong khi anh Tiếu đang chân trên chân dưới vật lộn với cái ống bẩu như vậy, chợt anh nhìn thấy Văn gục đầu mạnh xuống và không gượng dậy nữa. Anh gọi mấy tiếng không nghe trả lời, anh vội ném ống bẩu xuống, đỡ Văn dậy, nhưng thấy Văn đã mềm nhũn! Lâm Thành Văn đã chết!
 Anh Tiếu đặt Văn nằm cho ngay ngắn, vuốt mắt cho Văn và lên tiếng gọi báo cáo cho cán bộ. Anh Lâm Thành Văn đã chết vì đói! Anh chết dần chết mòn như ngọn đèn cạn dầu tới lúc phải tắt, khi chết, một chân Văn vẫn còn mang cùm!
            Hai cái chết tức tưởi của anh Đặng Văn Tiếp và anh Lâm Thành Văn làm tôi đau đớn vô cùng. Niềm xúc động vẫn dâng trào như nén hương lòng tưởng nhớ đến hai người anh, đã cùng tôi chia sẻ khát vọng TỰ DO nhưng không thành.
             Văn không thuộc nhóm 48 Quyết Tiến, nhưng anh từ trại Quảng Ninh đến. Tôi nghe kể lại, Văn và anh Đông cùng làm nghề lái xe khách và cùng bị bắt vì tội tham gia tổ chức Phục Quốc. Nhưng sau khi bị bắt một thời gian, hai người xích mích nhau vì những lời khai báo của anh Đông với công-an. Khi đến trại Thanh Cẩm, chuyện xích mích giữa hai anh trở nên trầm trọng. Một ngày kia, trong giờ chia thức ăn trưa, hai người cãi vã nhau, sau đó anh Văn dùng thanh sắt nhọn đâm vào lưng anh Đông. Vì lý do đó, anh Văn bị đưa lên cùm trên Nhà Đen một thời gian rồi đưa qua khu kiên giam. Văn đã ở khu kiên giam thời gian khá lâu trước lúc chúng tôi từ Cổng Trời chuyển về đây. Lâm Thành Văn chết đi để lại vợ và sáu con thơ, lúc đó đang ở xã Xuân Hiệp, Thủ Đức.[1]
 TÔI PHẢI SỐNG     (40)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
 “Tôi Phải Sống”

Người chết đã yên phận, mặc dù chết thật đau đớn và đầy oan nghiệt nhưng hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn cũng đã thoát khỏi địa ngục trần gian Thanh Cẩm.  Riêng phần chúng tôi, ba anh em còn sót lại trong vụ vượt ngục đó, vẫn phải tiếp tục đền tội sống trong nhà kỷ luật suốt mấy năm trời. Nhà kỷ luật ở đây tự nó đã là địa ngục, có thêm trật tự Bùi Đình Thi vào, nó xuống sâu hơn mọi tầng của địa ngục và trở thành đáy địa ngục! Nhưng ngay trong “Đáy Địa Ngục”, con người cũng có phần có số. Anh Trịnh Tiếu và anh Nguyễn Sỹ Thuyên may mắn hơn một chút vì không bị chiếu cố nhiều. Còn số phần của tôi kém may mắn hơn.

Phần cha Nguyễn Công Định, vì không tham gia cuộc vượt ngục nên không bị đánh đập, nhưng cũng bị cùm trong nhà kỷ luật. Vì lý do đó, cha Định rất oán hận chúng tôi, và sau này khi bốn người bị nhốt chung một buồng, đã có nhiều chuyện đau lòng xẩy ra giữa cha Định và ba anh em chúng tôi.

            Trong tuần đầu sau khi bị đánh tả tơi, anh Thuyên và tôi bị cùm chân cả ngày lẫn đêm trong nhà kỷ luật mới. Cả hai chưa ai trở người được nên phải đại tiểu tiện và ói mửa ngay trên bệ nằm, xong dùng tay gạt phân xuống sàn và xé quần áo ra lau chùi. Tuy lúc ấy trong buồng có các ống bẩu, dùng cho việc đại tiểu tiện, nhưng làm sao chúng tôi xử dụng được khi trở người còn chưa nổi?

 Càng ngày đống phân trong buồng càng cao và bộ quần áo duy nhất của chúng tôi càng nhỏ lại. Tuy vậy, tôi không hề cảm thấy mùi hôi thối gì cả, nhưng mỗi lần cán bộ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, tôi thấy họ phải đứng lùi ra xa và lấy tay bịt mũi lại. Lúc đó tôi mới biết là buồng mình kém vệ sinh! Tôi đang lo ngại, không biết xoay xở ra sao để che thân, khi áo quần đã xé gần hết, mà kêu xin nhiều lần cán bộ nhất định không cho, thì không ngờ anh Thuyên có giải pháp hay.

Sau khi đã ngồi lên được, anh Thuyên ngồi tẩn mẩn xé mảnh vải dài chừng ba gang tay, rộng một gang và tại bốn góc,  cột dây vải khoảng hai gang. Nhìn thoáng qua trông như bộ Bikini của các bà các cô mặc khi tắm biển. Nhưng bộ “Bikini” này lại là hình chữ nhật, trông giống như loại diều giấy trẻ con hay thả chơi khi trời lộng gió. Với bộ “Bikini” này, khi mặc vào rất đơn giản, chúng tôi chỉ việc cột hai dây vải phía trước ra phía sau lưng,  và hai dây sau lưng ra trước rún!

 Tuy ăn mặc như vậy trông hơi có vẻ sexy nhưng gọn nhẹ, tiện dụng và đa năng. Khi cần, chỉ tháo hai gút dây ra là chúng tôi có ngay một khăn mặt để dùng. Thật tôi không ngờ, anh Thuyên là một giáo sư toán mà lại có khả năng bén nhạy của một nhà vẽ kiểu thời trang! Lúc bấy giờ không còn loại y phục nào phù hợp hơn cái “mốt” anh Thuyên đã sáng chế cho anh và tôi. Nhưng rất tiếc là mỗi người chỉ có một cái duy nhất, vì không còn vải để làm cái thứ hai.

            Một buổi sáng trong tuần lễ thứ ba sau ngày vượt ngục, chúng tôi được tháo cùm lần đầu tiên và cho xuống sông Mã tắm giặt. Tất cả khoảng hơn 20 tù nhân trong khu kỷ luật, trong số đó có vài ba linh mục. Ai nấy trông thật bệ rạc, đứng xếp hàng đôi trước sân, tay ôm áo quần và các loại đồ chứa nước, chờ trật tự đếm số trước khi ra lệnh cho đi. Dĩ nhiên là có cán bộ vác súng dài theo sau.

Lúc anh Thuyên và tôi mặc “Bikini” từ trong buồng 4 lê lết bước ra, tôi thấy mọi người trố mắt nhìn. Không biết anh em nhìn chúng tôi vì lối ăn mặc lạ đời, hay vì hai cái bộ xương biết đi, bị trét đầy cứt đái? Có lẽ cả hai! Hôm đó anh Thuyên và tôi không có gì để giặt, nhưng trước khi ra khỏi buồng, chúng tôi đã lẹ làng quơ hết số giẻ rách đã dùng trong việc đại tiện, vất rải rác dưới sàn, mang xuống sông giặt để dùng lại, vì chẳng còn đâu áo quần để xé nữa.

Vừa ra khỏi buồng, tôi bị quáng mắt và xiêu đảo, phải dừng lại hồi lâu mới bước đi, nhưng tôi lại không thể nhấc chân lên được vì quá kiệt sức. Người tôi bầm giập và tôi đã nằm một chỗ trong thời gian mấy tuần liền, nên gần như bị bại liệt. Cán bộ phải cho hai anh tù khác giúp kè tôi gượng bước đi. Anh Thuyên đỡ hơn tôi, có thể tự bước đi một mình nhưng trông dáng anh đi thật thê thảm. Hai chân dạng ra lết đi từng bước, lưng cong vòng như cái cạp nong, khi di chuyển, tưởng chừng đầu anh gần chạm đất!

Quãng đường tới bờ sông chỉ chừng hơn trăm thước, thế mà lúc đó tôi thấy sao đi mãi không đến nơi. Khi đi ngang qua hội trường giữa sân trại, tôi rùng mình nhớ lại cảnh tượng ở đây ba tuần trước với hình ảnh kinh hoàng của Bùi Đình Thi. Lúc này anh ta đi ngay sau lưng tôi vì tôi đang được dìu lê từng bước, một cách mệt nhọc ở cuối hàng.

            Khi tới nơi, cả bọn ùa xuống sông khua khoắng tắm giặt. Nước thượng nguồn sông Mã hôm ấy thật trong và cạn chỉ ngang tới cổ vì các ngày trước không mưa. Trầm mình trong dòng sông nước lạnh, tôi thấy rất dễ chịu. Nhất là vì đã tẩy rửa được bao nhiêu thứ dơ bẩn, cứt đái đang bám nặng trên người trong ba tuần lễ kinh hoàng vừa qua. Vừa kỳ cọ thân thể, tôi vừa nhìn các anh em, nhất là các anh em Linh mục. Tôi thấy họ cũng đang nhìn tôi cách ái ngại nhưng không ai dám nói năng gì, chỉ có bốn mắt nhìn nhau thông cảm, vì tôi bị cấm tiếp xúc với tất cả mọi người. Hơn nữa, tôi biết là từ trên bờ sông lúc nào mắt của cán bộ và trật tự cũng dán vào tôi.

Tắm một chốc tôi đã thấy mệt thở dốc nên đứng yên đưa mắt hướng về phía xuôi dòng nước, bồi hồi nhớ lại cái hốc đá dưới gốc cây to bên bờ sông, nơi mà ba người đã ẩn nấp cách nay mấy tuần. Giờ này chỉ còn lại hai! Tôi không dám suy nghĩ tiếp, và cứ đứng yên ngâm mình trong nước nhìn đàn cá mương đang lao nhao ngụp lặn chung quanh mấy anh tù để kiếm ăn. Bọn cá mương này cũng già kinh nghiệm, biết rằng chỉ có tù đi tắm chúng mới được một bữa ăn thoải mái. Theo dõi đàn cá đang tranh ăn, tôi chợt suy nghĩ vớ vẩn:“Mấy con cá ngu này, chúng mày rớ được ghét của tao, nuốt vào không hóa dại cũng ói mửa!” Tôi nghĩ quẩn thế thôi, chứ cá mương ăn phân người, thì làm gì có chuyện ói mửa!

            Một lúc sau có tiếng trật tự giục lên. Cả bọn chúng tôi lóp ngóp lội vô bãi cát lài ngay lối lên xuống. Lợi dụng lúc mọi người đang chen lấn không ai để ý, cha Trần Văn Nghị, có lẽ vì thấy tôi “ăn mặc” quá thảm thương, đã lẹ làng dúi vào tay tôi cái khăn mặt đã giặt sạch vo tròn to chừng bằng cổ tay. Tôi vội vàng nắm lấy vì lúc bấy giờ đó là món quà rất quý.

Trên đường trở về buồng, tôi cảm xúc về tình nghĩa anh em và sự cảm thông cha Nghị dành cho tôi. Tôi cảm thấy vui vì sự nâng đỡ tinh thần của các bạn tù, nhất là các anh em Linh mục. Từ nay gia tài của tôi ngoài nửa manh chiếu rách, nửa cái chăn, một cái “Bikini” do anh Thuyên làm, còn có thêm cái khăn cha Nghị vừa cho. Tôi mỉm cười tự nhủ:“Đời mình chưa đến nỗi nào!” Nhưng ở đời có mấy ai học được chữ ngờ!


Họa Vô Đơn Chí

 Về tới buồng, mọi người lo giũ quần áo ra phơi trên các cánh cửa sổ. Tôi gần kiệt sức vì vừa leo lên hàng chục bậc xi-măng vào khu kỷ luật, nhưng cũng cố gắng giũ mớ giẻ rách và cái khăn cha Nghị vừa cho ra phơi. Đó là loại khăn mặt khá lớn, màu trắng và có những ô vuông nổi lên như mặt trong của bao tử bò. Vừa với tay định máng cái khăn lên cánh cửa sổ, tôi bỗng giật mình vì câu hỏi quá bất ngờ từ phía sau:

     -Lễ! Cái khăn này ở đâu mày có?

      Quay lại tôi thấy trật tự Bùi Đình Thi đang đứng ngay sau lưng tôi, một tay anh ta chỉ thẳng mặt tôi, tay kia chỉ cái khăn. Tôi thất kinh vì biết là tai họa tới nơi, nên vội nói dối:

     - Tôi nhặt được dưới sông lúc đi tắm. Không biết của ai đánh rơi để tôi trả lại cho họ.

     - Vô lý mà nhặt được! Nói thật đi, thằng nào cho mầy?

      Tôi vẫn giữ lập trường nhưng lần này bằng giọng khẩn thiết:

     - Tôi nhặt dưới sông thật mà... anh Thi, có ai cho tôi đâu!

            Bùi Đình Thi ngần ngừ trong giây lát rồi bỏ đi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thoát nạn! Tôi cũng không biết nhờ nói dối hay ơn trên phù hộ mà tôi được thoát nạn. Khi anh trật tự đi rồi, tôi vội đi vào buồng, leo lên bệ xi-măng tưởng như đó là nơi an toàn . Nhưng tôi đã lầm!

            Chừng vài phút sau, Thi trở lại với người cán bộ võ trang có đôi mắt xước mà tôi không biết tên. Linh tính báo cho tôi biết chuyện chẳng lành, khi tôi thấy cả hai đi thẳng vô buồng tôi. Chẳng nói chẳng rằng Thi xồng xộc tiến tới nắm lấy cổ tôi lôi xuống, tên cán bộ mắt xước thuận tay tống ngay một quả đấm như trời giáng vào đúng cạnh sườn làm tôi gập đôi người lại. Vì đã quá suy nhược không thể chịu đựng được cú đòn đó, tôi kêu to lên một tiếng “Trời ơi!” rồi ngã vật xuống sàn. Có lẽ thấy tôi đã quá tệ, hay vì thấy tội của tôi không đáng trừng trị thêm nên anh ta đã dừng tay và đứng nhìn tôi, đang sùi bọt mép nằm oằn oại dưới đất, như con cá đang bị đập đầu.

Một lúc sau cán bộ ra lệnh:“Cùm cổ nó lại!” Bùi Đình Thi túm tóc kéo tôi lên và cùm chân lại. Vừa khóa cùm, Thi vừa mắng:“Đánh cho mầy chừa! Nói dối quen mồm!” Trước khi ra đi, cán bộ mắt xước còn nhổ đánh phẹt một bãi nước bọt xuống sàn, không hiểu để tỏ thái độ khinh bỉ hay vì mùi hôi thối trong buồng đang xông lên. Mặc dù lúc chúng tôi đang tắm dưới sông, anh trực sinh, lúc bấy giờ là anh Nguyễn Tiến Đạt, đã rửa buồng và quét hết các đống phân ra ngoài cửa.

            Sau này tôi mới biết là Bùi Đình Thi đã đi hỏi các buồng ai cho tôi cái khăn và đã khám phá ra chính cha Nghị đã cho tôi. Tội nghiệp cho cha Nghị, ngài vì thương anh em mà bị nạn. Sau khi đánh tôi xong, anh cán bộ mắt xước và trật tự đi vòng ra phía trước, nện cho cha Nghị một trận nhừ tử, dập môi chảy máu và cùm chân ngài bảy ngày đêm. Bình thường thì chỉ bị cùm ban đêm! Về sau, tôi có dịp gọi qua xin lỗi ngài, nhưng cha Nghị cười hề hề nói:“Lỗi quái gì? Được chia sẻ với anh một chút đau khổ là mình vui rồi!” Ngài còn nói thêm:“Tại hôm đó chúng nó đánh, mình đỡ trúng tay, chúng nó đau mới tức khí lên nện mình nhiều như vậy!” Nói xong câu đó, cha Nghị lại nhe răng cười hề hề!

            Tôi nằm liệt mấy ngày vì cú đòn hôm ấy. Ba tuần trước tôi bị đánh đập tàn nhẫn hơn nhiều, tuy nhiên lúc ấy cơ thể tôi còn khỏe mạnh nên có thể chịu đựng được. Vả lại lúc đó, khi bị đánh đập quá nhiều, cơ thể trở nên tê dại và tôi không còn cảm giác đau đớn. Tôi gồng sức chịu đòn và không kêu la. Nhưng lần này lại khác, cơ thể tôi đã bị tổn thương trầm trọng đến nỗi một cơn ho hoặc cái hắt hơi cũng tưởng như xương cốt long ra từng mảnh.

Như thế, có thể hiểu được cú đấm như trời giáng vào cạnh sườn tôi hôm đó của anh cán bộ mắt xước,  làm tôi đau đớn chừng nào! Tiếng kêu “Trời ơi!” lúc đó là một phản ứng tự nhiên, tôi không thể nào kềm chế được. Nhưng đó là tiếng kêu la duy nhất trong những lần tôi bị đánh đập trong nhà tù. Ngay cả trong trận đòn thập tử nhất sinh, như tôi sẽ kể về sau này, tôi cũng không kêu la như thế.


Nợ đời chưa dứt
  
            Sau vụ cái khăn mặt độ vài ba tuần thì Nhà Đen bị phá bỏ và số tù bị kỷ luật bên đó được chuyển sang khu nhà mới. Cha Nguyễn Công Định và anh Trịnh Tiếu vào ở chung buồng 4 với tôi và anh Thuyên. Buồng này nằm phía mặt sau của nhà kỷ luật. Lúc bấy giờ là mùa hè, trời nóng nực và oi bức, nhất là về đêm khi hơi nóng đã nung nấu nóc Nhà Bằng suốt ngày tỏa xuống. Buồng giam đã kín lại chật chội nên hơi nóng không có lối thoát ra đã biến căn buồng thành một thứ lò hấp bánh mì!

             Mỗi ngày, chúng tôi chỉ mong tới giờ cho ăn để được hít thở chút khí trời khi cửa mở ra. Có lúc tôi nghĩ, nếu lúc bấy giờ Chúa ban cho tôi được ơn làm phép lạ, thì phép lạ đầu tiên tôi sẽ làm là có một lỗ hổng to bằng miệng cái lon sữa bò trổ ra trên nóc nhà bằng, để hơi nóng dồn nén trong buồng có chỗ thoát ra và tôi có không khí để thở.

              Vào những buổi tối của mùa hè oi bức, tôi có cảm tưởng không khí trong buồng đặc quánh lại như sữa hộp hoặc như kẹo mạch nha, và chúng tôi đã phải hít thở cái loại không khí “dẻo” ấy. Mặc dù đang vướng một chân trong cùm, nhưng ban đêm thỉnh thoảng tôi phải trườn người, cúi mặt sát sàn nhà, để tìm hít thở chút không khí còn sót lại bên dưới.

            Lúc bấy giờ, tôi gần như chẳng còn quần áo gì. Khi ra ngoài đi tắm thì mặc “Bikini”, ở trong buồng thì ba anh em tôi đều trần truồng như người thời tiền sử. Riêng cha Định không trốn trại nên còn giữ được một ít quần áo. Tôi có kêu xin mãi, nhưng cán bộ cũng chẳng cho áo quần để mặc. Một ngày nọ thấy một cán bộ lạ mặt khá lớn tuổi đi ngang qua bên ngoài cửa sổ, tôi gân cổ gọi to:

     -Báo cáo cán bộ!

      Cán bộ dừng lại, đứng cách xa song sắt cửa sổ một quãng, hỏi vọng vô:

     -Anh nào gọi! Có việc gì?

      Tôi trả lời thật lớn tiếng:

     - Báo cáo cán bộ, tôi xin cán bộ một trong hai điều này: Hoặc là cho tôi áo quần để mặc, nếu không thì cho tôi một viên đạn. Tôi là con người chứ không phải là thú vật mà sống trần truồng!

      Vì đã có dự tính trước nên tôi nói luôn:

     -Nếu tôi chết trong nhà tù này thì thôi, nhưng nếu tôi còn sống, tôi phải tìm dịp nói cho thế giới biết cách đối xử vô nhân đạo đối với tù chính trị của chế độ Cộng sản Việt Nam! Tôi nghĩ rằng, trên thế giới này không một nước nào lại đối xử với tù chính trị cách dã man như vậy!

      Có lẽ vì quá bất ngờ, ông ta đứng đó một lúc lâu không nói gì. Sau cùng hỏi:

     -Anh tên là gì?

     -Báo cáo cán bộ, tôi tên là Nguyễn Hữu Lễ!

     - Anh thuộc diện gì?

     - Tôi là Linh mục Công giáo.

      Nghe nói thế ông ta cười nhạt và hỏi lại:

     -Thế ra anh là dạng ‘cha cố’ hả?

      Tôi trả lời cách nghiêm chỉnh:

     -Báo cáo cán bộ, tôi đã nói, tôi là Linh mục Công giáo.

      Ông ta hỏi tiếp theo:

     - Anh làm gì bị kỷ luật?

     -Báo cáo cán bộ, chúng tôi trốn trại.

       Ông ta chậm rãi nói:

     - Trốn trại à? To gan nhỉ!

            ...................................

     Không nghe tôi trả lời, cán bộ ngần ngừ một lúc rồi bỏ đi.

            Tôi và các anh em trong buồng đang chờ đợi hậu quả của cuộc đối thoại này thì ngay chiều hôm đó, cán bộ sai trật tự  Thi vất vào cho tôi một bộ quần áo, gồm một quần đen và một áo sơ-mi vải Oxford màu vàng còn khá mới, có đóng dấu “Cải Tạo” to tướng sau lưng. Mấy ngày sau tôi phải xé một đoạn ống quần ra dùng khi đại tiện và nếu trong những lần đi tắm tiếp theo mà tôi không nhặt được giấy báo hay giẻ rách nơi đống rác thì số phận các tay áo rồi cũng sẽ như thế, vì không còn cách nào hơn.

            Trực sinh khu kỷ luật bấy giờ là anh bạn trẻ tên Nguyễn Văn Hà, thay thế cho anh Nguyễn Tiến Đạt. Cả hai anh cũng là người trong nhóm 48 Quyết Tiến với tôi. Khi Hà vào buồng giúp đổ các ống bẩu phân và nước tiểu, anh thấy tôi xé ống quần dùng đi cầu bèn hỏi xin cái áo vàng để đổi thuốc lào. Tôi nói không có gì dùng khi đi cầu. Hà nói sẽ tìm cho một số giẻ rách dùng vào việc đó, vì cái áo vàng của tôi còn mới, xé các tay áo đi uổng lắm. Không nghĩ ngợi gì, tôi trao cho Hà cái áo. Ngay lúc ấy, tôi đâu ngờ rằng mình sẽ phải trả một giá quá đắt về việc này.

                 Mấy ngày sau tôi quên hẳn cái áo, và Hà cũng chẳng hề đưa tôi giẻ rách để dùng khi đại tiện như đã hứa. Thật ra, tôi thấy chưa cần thiết lắm, vì tôi còn một ống quần đủ dùng tới ngày được đi tắm, khi đó tôi sẽ tạt qua đống rác của trại nhặt giẻ rách đem giặt sạch để dùng. Mỗi lần đi tắm là dịp vui, vừa được tắm giặt sạch sẽ, có khi lén trò chuyện vài câu với anh em các buồng khác hay anh em dưới “làng”. Khi cán bộ và trật tự lơ là, chúng tôi có thể tạt qua đống rác trước trại, nhặt nhạnh một ít “chiến lợi phẩm”. Có lần tôi may mắn nhặt được của quý, đó là cái bàn chải đánh răng đã mòn quá phân nửa, có lẽ của một anh tù nào dưới “làng” vất đi. Tôi mang xuống sông chùi rửa cẩn thận cho hết vi trùng và dùng luôn trong gần hai năm, cho tới khi đã mòn hết răng.

            Vào một buổi sáng, chúng tôi được đi xuống sông Mã tắm như thường lệ. Sau khi trật tự mở khóa các buồng và đếm số xong, mọi người xếp hàng đôi đi xuống bờ sông. Lần này cũng chính anh cán bộ mắt xước vác súng dài theo sau canh giữ. Nhưng hôm nay chỉ có cán bộ mà không có trật tự đi theo. Vắng mặt Bùi Đình Thi, tôi cảm thấy thật dễ chịu. Các anh em khác cũng có vẻ thoải mái vì chúng tôi có thể trao đổi hay quan hệ linh tinh dễ dàng hơn, và dĩ nhiên là đống rác bên ngoài cổng trại cũng được chúng tôi chiếu cố kỹ hơn.

            Sáng hôm đó trời nắng ấm nhưng ánh nắng không gay gắt. Sau khi tắm rửa xong và trên đường trở về buồng, tôi thấy trong người sảng khoái lạ thường. Tôi ngửa mặt lên nhìn bầu trời trong xanh quang đãng và hít một hơi thật dài. Không khí trong lành chạy vào buồng phổi làm tôi dễ chịu. Tôi nở một nụ cười thật tươi và cảm thấy yêu đời, khi nhớ lại bao nhiêu tai nạn dồn dập trong mấy tháng trước bây giờ rồi cũng qua đi. Tôi đã bị đòn nhừ tử hơn hai tháng rồi, và cơ thể tôi lúc này có phần phục hồi khá hơn. Tôi có thể tự bước đi, nhưng đi thật chậm vì còn quá yếu.

Vừa bước đi, tôi thầm nhớ lại câu người đời thường nói: “Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai”, và nghĩ rằng tôi đã trả xong “nợ đời”. Trong chốc lát, tôi quên hết nỗi nhọc nhằn của cuộc sống hiện tại và cảm thấy yêu cuộc sống, yêu cảnh vật, yêu thiên nhiên, yêu con người, ngay cả những người đã hành hạ, đánh đập và ngược đãi tôi. Tôi âm thầm cầu nguyện cho ho, và lập lại câu nói của Chúa Giêsu khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá:“Lạy Cha! Xin Cha tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc chúng làm.” Nói xong câu đó tôi cảm thấy trong lòng phơi phới hân hoan.

            Tôi lê lết bước đi cuối hàng,  tay ôm một mớ “chiến lợi phẩm” lúc nãy thu nhặt được ở đống rác, lầm lũi bước theo các bạn về buồng. Khi vừa tới nơi, tôi chợt thấy Bùi Đình Thi đứng trước cửa buồng và nhìn tôi bằng một cặp mắt hơi khác thường. Có anh cán bộ mắt xước cũng đang đứng bên cạnh. Tôi vội làm một cuộc xét mình chớp nhoáng, coi mình có phạm tội gì không và tôi yên tâm vì chẳng thấy mình có tội gì cả. Tôi nghĩ thầm:“Có lẽ tại mình sợ anh ta quá nên thấy anh ta nhìn, đâm ra hoảng thế thôi, chẳng có việc gì đâu!”

Tôi còn đang suy nghĩ lan man thì chợt thất kinh khi thấy trật tự Bùi Đình Thi, với vẻ mặt hầm hầm bước thẳng tới tôi. Tay trái anh ta  cầm xâu chìa khóa to tướng, tay kia chỉ thẳng vào mặt gần đụng trán tôi, đôi môi run run hỏi:

     -Lễ! Cái áo vàng của mầy đâu?

            Tôi điếng cả người khi nghe câu hỏi đó! Người tôi tự nhiên chao đảo. Có cái gì như một dòng điện cực mạnh chạy rần rần dọc theo thân thể, khiến mặt tôi nóng bừng và các lỗ chân lông trong người tôi hở to ra. Một ít nước tiểu tự nhiên vọt ra quần, và tôi buồn đi đại tiểu tiện cùng một lúc!

Tôi chợt nhớ lại cái áo vàng mà tôi đã trao cho thằng Hà mấy tuần nay và biết là lúc chúng tôi đi tắm, Thi ở nhà đã lục soát khu kỷ luật và việc đã bại lộ. Đó là lý do tại sao hôm nay chỉ có anh cán bộ mắt xước theo xuống sông Mã canh giữ chúng tôi mà không có trật tự cùng đi như các lần trước. Đọc tới đây nếu có ai cho là tôi nhát đảm tôi xin chịu. Thành thật mà nói rằng lúc đó tôi sợ Bùi Đình Thi tới điếng cả người. Biết tai họa tới nơi, tôi vội nói dối:

     - Tôi phơi áo trên cánh cửa sổ này, ai lấy lộn mấy hôm nay tôi tìm mãi không thấy, anh có thấy ở đâu cho tôi xin lại đi anh Thi.

     - Sao thằng Hà nó nói mầy đổi cho nó?

            Tôi cảm thấy ù tai khi nghe tiếng “đổi”, vì luật lệ trong tù cấm mua bán đổi chác. Những người khác trong trường hợp này cũng gặp rắc rối huống gì tôi. Tuy đã tuyệt vọng nhưng tôi gắng gượng chống chế. Như người sắp chết đuối với lấy chiếc lá trôi bên cạnh, miệng lắp bắp tôi trả lời:

     - Đâu có anh Thi! Tôi đâu có đổi! Chắc thằng Hà nó lấy lộn áo tôi rồi nói thế! Tôi đâu có đổi!

            Trong lòng tôi lúc đó đang cầu mong sự thương hại của Thi. Tôi mong rằng anh ta sẽ tha thứ cho tôi vì thấy tôi quá sợ hãi và nhất là vì cái thân tàn ma dại của tôi. Tôi nhìn sang anh cán bộ mắt xước, nãy giờ đang theo dõi cuộc phán xét. Bộ dạng anh ta đã mất kiên nhẫn. Anh ta đứng yên không nói tiếng nào, nhưng hai bàn tay nắm lại chống lên cạnh sườn, các ngón tay đang co bóp liên hồi có vẻ ngứa ngáy khó chịu. Chợt Bùi Đình Thi chộp tay tôi dằn mạnh:

     - Đi lại phía trước, mầy nghe thằng Hà nói!

            Anh cán bộ mắt xước vội đi trước dẫn đường với dáng đi lanh lẹ khác thường.  Bùi Đình Thi đẩy tôi đi giữa còn anh ta theo sau. Chúng tôi đi dọc theo con đường hẹp độ ba thước bề ngang, nằm giữa đầu hồi nhà kỷ luật và bờ tường dẫn ra các buồng phía trước. Tôi biết mình đang lâm nguy vì thằng Hà đã khai tất cả. Dù vậy, tôi vẫn còn hy vọng mỏng manh cuối cùng là mong thằng Hà sẽ làm cử chỉ anh hùng kiểu như "Lê Lai cứu Chúa". Vì nếu nó có nhận ăn cắp áo thì cũng bị vài cái tát là cùng. Còn tôi, cho dù chỉ cần đổi cho nó cái áo thôi, cũng có lý do bị hành tội. Nghĩ như vậy nên khi còn cách buồng 1 của Hà khá xa, tôi gọi to lên cố ý làm ám hiệu cho nó:

     - Hà ơi Hà! Sao mầy lấy nhằm áo vàng tao phơi trên cửa sổ mà không trả làm tao kiếm mấy ngày nay. Anh Thi nói mầy đang giữ áo tao. Trả áo lại tao đi Hà!

      Tôi có ý bảo thằng Hà rằng tôi đã nói như thế, cứ nói vậy đi để cứu tôi. Nhưng có lẽ vì không hiểu ý tôi hay vì sợ bị đòn, nó nói vọng ra:

     - Em đâu có lấy áo của anh! Anh đổi cho em ấy mà!

      Chúa rất thánh ơi! Đó là câu trả lời tôi sợ nhất, nhưng ngược lại hai con người đi trước và sau tôi lúc này, chỉ mong có chừng ấy.


Bước đường cùng
  
            Câu nói của Hà chưa kịp dứt thì bất ngờ một cú đấm như trời giáng của Bùi Đình Thi từ phía sau, tống vào lưng làm tôi bay tới trước.  Anh cán bộ mắt xước vội quay lại chụp lấy tôi và đấm vào bụng khiến tôi ngã ngửa ra phía sau. Trật tự Thi đón lấy đấm vào lưng tôi khiến tôi nhào tới phía trước. Cán bộ đấm vào bụng tôi té ngửa ra sau. Trật tự lại đấm tới. Cán bộ đấm lui...  Cứ thế, kẻ đấm tới, người đấm lui làm bộ xương tôi bay đi bay về như hai cầu thủ đang chuyền nhau quả bóng trong một hành lang hẹp. Lúc bấy giờ tôi biết mình sẽ chết. Tôi muốn chạy nhưng chạy không thoát vì hành lang quá hẹp và đang bị chận cả hai đầu. Hơn nữa tôi đã gần chết rồi, còn sức đâu nữa mà chạy! Lúc đó tôi không còn biết mình là ai nữa. Tôi như một con thú bị dính chân vào bẫy, có vùng vẫy cũng không thoát ra được.

              Cuộc hành tội kéo dài khá lâu. Trật tự và cán bộ thay nhau, mỗi người đã đấm tôi, đúng hơn là đấm vào bộ xương tôi chừng mươi, mười lăm quả ở lưng và bụng. Đôi chân tôi yếu dần không còn chống đỡ được bộ xương, tôi bắt đầu ngã quỵ xuống đất trong khi miệng tôi lẩm bẩm:“Lạy Chúa! Xin nhận lấy linh hồn con!” Tôi nhắm mắt lại!

              Hình ảnh cái chết lờ mờ hiện ra trong trí tôi. Cuộc đời tôi như thế là hết! Nhưng bổng chốc tôi lại nghĩ :“Mình không thể chết như thế này được!Không thể được! Mình không có thể chết một cách phi lý như thế này được” Lúc đó tôi bèn dồn hết tàn lực của con người lên cổ họng và vận dụng tất cả ý chí, sức mạnh, sự quyết tâm và tất cả nhu cầu bảo toàn mạng sống của một sinh vật trước khi bị tiêu diệt để tôi hét to lên một cách khủng khiếp. Tiếng hét to nhất trong kiếp làm người của tôi. Tiếng hét to tới mức tối đa, mà cổ họng tôi có thể chịu được mà không bị vỡ tung bật máu ra. Tiếng hét to đến độ mà thân thể chỉ còn là bộ xương của tôi có thể chịu được, không bị bung rời bắn tung tóe ra từng mảnh. Tôi hét lên ba tiếng càng lúc càng to:

“TÔI PHẢI SỐNG!

                     TÔI PHẢI SỐNG!

                             TÔI PHẢI SỐNG!”

            Tiếng hét vang dội núi rừng đó đã đốt cháy tất cả sức lực, khí huyết và ý chí còn lại của con người tôi như một thứ nhiên liệu bị đốt cháy rụi ra tro. Tôi không còn là tôi nữa! Không còn một thứ gì để sự sống của tôi nương vào đó mà tồn tại nữa. Tôi nằm chờ chết!

              Bỗng dưng bản năng sinh tồn trong tôi trỗi dậy một cách vô cùng mãnh liệt!

              Tự nhiên tôi cảm thấy một sức lực phi thường ùa vào thân thể mà cả cuộc đời tôi cho dù là lúc sung sức nhất của tuổi đôi mươi cũng không thể có. Con người tôi như một quả bóng xì hết hơi bất ngờ được bơm căng cứng lên. Thân hình chỉ còn là bộ xương của tôi lúc đó tự nhiên biến thành thép! Lúc đó tôi nghĩ là tôi có thể quật chết và bẻ cổ một con bò mộng một cách dễ dàng như người ta bóp một con nhái. Đôi cánh tay khẳng khiu như hai que củi khô của tôi tự nhiên có sức lao tới như viên đạn đồng bay vọt ra khỏi nòng súng. Đôi chân của tôi trở nên vững vàng như hai trụ cầu. Ý chí cao ngất trời lúc bấy giờ bảo tôi:“Chạy! Chạy! Chạy! Phải chạy thoát bằng mọi giá, nếu không chạy thì chết!”

                Bất thần, như có một sức thiêng vô hình trợ giúp. Tôi bật vùng lên, và nhào lộn như con sư tử bị thương. Tôi vụt quay lại, lấy hết sức lực húc mạnh vào Bùi Đình Thi. Vì quá bất ngờ không kịp đề phòng, và nếu có đề phòng cũng không thể nào chịu được sức mạnh của tôi lúc bấy giờ. Anh ta ngã bắn về một bên, té ngửa dưới đất. Tôi vụt phóng chạy như bay về buồng.

               Bùi Đình Thi lồm cồm bò dậy rượt theo tôi bén gót. Tôi biết nếu anh ta tóm được, chắc chắn hắn sẽ giết chết tôi. Tôi nói điều này với tất cả sự xác tín, không phải suy luận để kết án con người.

            Tôi hành động lanh lẹ như một con khỉ, phóng vô buồng, nhảy phóc lên bệ nằm, hai tay vồ lấy cái móng cùm bằng sắt nặng chừng ký rưỡi giơ lên và đứng trên bệ xi-măng cao thủ thế. Điều rầt may mắn là lúc bấy giờ anh Thuyên đã rút song sắt xỏ luồn 2 cái móng cùm ra, và để sẳn cái móng cùm của tôi ngay trên bệ nằm.  Lúc đó tôi đã gần đứt hơi, há miệng thở hồng hộc vì trong cổ họng tôi hình như đang có cục than hồng và phải mở to miệng cho lửa phà ra! Bùi Đình Thi vừa trờ tới cửa buồng. Chợt thấy tôi đang đứng trên cao, tay cầm cái móng cùm quyết tâm thí mạng, anh ta còn đủ khôn nên khựng lại ngay cửa, cách chỗ tôi đứng độ 2 thước tây . Tôi trợn mắt hét thật to qua hơi thở gần muốn tắt nghẹn:

     - Bùi Đình Thi! Tao đổi mạng với mầy! Mầy đã dồn tao tới bước đường cùng. Bữa nay tao đổi mạng với mầy! Mầy vô đây! Vô đây! Vô đây!!!

            Mặc dù đang điên tiết vì vồ hụt con mồi đã bị thương, nhưng Bùi Đình Thi không dám bước tới. Anh ta đứng tại cửa nhìn vào, cặp mắt tóe lửa, và cũng đang thở hồng hộc như tôi. Hai bên khóe mép anh ta đọng lại hai bệt nước bọt trắng to và nhễ nhãi. Anh ta nghiến răng nghe ken két, làm cái mồm bị kéo xuống méo mó dị dạng trông thật tởm! Bùi Đình Thi điên cuồng giơ thẳng tay chỉ vào mặt tôi nói: “ĐM mầy Lễ! Tao giế-ế-ế-ế-ế-t mầy!”

            Đây là lần thứ hai, Bùi Đình Thi đã dùng cách nói “ĐM mầy Lễ” đối với tôi! Nghe cách anh ta nghiến chữ “giết” qua kẽ răng, tôi hiểu ngay chính cái móng cùm đã cứu mạng tôi.

            Cán bộ mắt xước cũng vừa đi tới cửa buồng, có vẻ rất hài lòng trông thấy hai tên tù đang gầm gừ chực giết nhau. Nếu anh ta biết hai tên tù đó là một giáo dân và một Linh mục, chắc là anh ta càng vui sướng hơn! Anh ta ra lệnh cho Bùi Đình Thi:

     - Cùm cổ nó lại!

      Thấy Bùi Đình Thi bước vào tôi nói: 

     -Báo cáo cán bộ, tôi không vào cùm. Nếu bị cùm anh Thi sẽ đánh tôi chết.

     - Tôi bảo anh vào cùm!

     - Nhưng cán bộ có bảo đảm là anh Thi không đánh tôi?

     -Anh cứ vào cùm, tôi bảo đảm!

            Có sự bảo đảm của cán bộ, tôi ngồi xuống để chân vào móng cùm cho Bùi Đình Thi xỏ luồn thanh sắt qua khóa lại. Lúc anh ta cúi xuống, tôi nghe hơi thở hồng hộc và hôi tanh từ miệng anh ta thoát ra tràn cả vào mặt tôi làm tôi buồn nôn không thể chịu được. Tất cả cảnh tượng này diễn ra trước mắt các anh Trịnh Tiếu, Nguyễn Sỹ Thuyên và cha Nguyễn Công Định. Cả ba người đang khép nép ngồi nhìn.

Lần đó tôi mới hiểu và cảm nhận được một loại sức mạnh của ý chí mà người ta thường gọi là bản năng sinh tồn. Bản năng sinh tồn là một bí mật của sinh vật, chỉ được khơi dậy khi sinh vật đó không còn phương cách gì để bảo vệ sự sống, lúc đó bản năng sinh tồn sẽ hoạt động. Trong đời tôi đã một lần phải dùng tới bản năng sinh tồn kỳ diệu này. Và nhờ có bản năng sinh tồn đó mà tôi còn hiện diện trên cõi đời này để chia sẻ kinh nghiệm đau thương nhưng vô cùng quý báu đó với các bạn.
  
Cơn điên loạn

             Khi cán bộ và trật tự khóa cửa buồng và đi rồi, tôi nằm vật xuống bất động, kiệt lực, ngạt thở vì phổi tôi bị thương quá nặng không hô hấp được. Nằm yên một lúc tự nhiên cơn đau đớn của thể xác, sự suy nhược tinh thần và cơn uất ức làm tôi phát điên lên.

Với bản năng tự nhiên, tôi không còn cầm mình được nữa, tôi không còn nhớ mình là ai và cũng chẳng cần biết chung quanh đang có ai. Nằm ngửa trên bệ xi-măng với một chân dính vào cùm sắt, cổ tôi tắt nghẹn và nước mắt chảy ra giàn giụa, máu ở mũi tôi trào ra lênh láng. Tôi đã điên cuồng, lăn lộn,  giật chân bị cùm phát ra tiếng rầm rầm... rầm rầm... và tôi đã thốt lên những lời nguyền rủa, tôi gào thét:“Bùi Đình Thi ơi! Tao thề với mầy! Tao thề với mầy Bùi Đình Thi ơi! Sau này tao mà còn sống, tao sẽ tìm hết mọi cách bắt cho được mầy và cả vợ con dòng dõi rắn độc nhà mầy để tự tay tao mổ bụng móc gan mầy,  đặt trên bàn thờ hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Như vậy tao mới hả dạ, Bùi Đình Thi ơi! Bùi Đình Thi ơi! Bùi Đình Thi ơi!”

 Trong cơn điên loạn và đau đớn tột cùng này, anh Trịnh Tiếu và anh Nguyễn Sỹ Thuyên đã vỗ về và an ủi tôi. Anh Thuyên xé vải lau máu mũi cho tôi. Trong khi đó cha Nguyễn Công Định ngồi bên kia dựa tường hát bản nhạc “Hè Về”:“Trời hồng hồng, sáng trong trong...” Thái độ này của cha Định làm anh Trịnh Tiếu nổi giận, và anh đã cho nổ bùng một cơn thịnh nộ thật khủng khiếp. Buồng giam của tôi lúc đó trở thành một đáy địa ngục, một đáy địa ngục được hiểu theo nghĩa đen.

  Phải một thời gian lâu tôi mới hồi tỉnh lại. Khi đã trở lại bình thường tôi cảm thấy thật hối hận vì câu nguyền rủa gớm ghê độc ác đó của mình. Tôi cảm thấy mình thật sự là một kẻ yếu đuối, chưa làm chủ được chính mình như đôi khi tôi đã tưởng. Nhân tiện đây, tôi công khai xin lỗi các anh Trịnh Tiếu, Nguyễn Sỹ Thuyên và cha Nguyễn Công Định, những người đã chứng kiến sự việc và đã nghe những lời nói độc ác đó của tôi. Tôi cũng xin lỗi anh Nguyễn Tiến Đạt, một tín đồ Công giáo trẻ cùng ở khu kỷ luật với tôi lúc đó. Ngay sau khi biết tôi bị trận đòn chí tử, anh Đạt đang bị cùm ở buồng bên gọi sang an ủi tôi và có hỏi:

     - Cậu Bảy nghĩ thế nào? Nếu sau này Bùi Đình Thi hối cải và xưng tội, liệu Chúa có tha cho anh ta không?

      Lúc bấy giờ vì cơn tức giận đang sôi lên sùng sục, tôi đã trả lời Đạt bằng câu nói nghịch đạo lý và phạm thượng:

     - Thằng đó hả? Nếu Chúa không vướng chân bị đóng đinh vào Thánh giá, Chúa cũng sẽ cho nó một đạp rồi! Ở đó mà tha cho nó!

            Chắc Đạt đâu có biết rằng, đã từ lâu tôi rất hối hận và xấu hổ, vì trong cơn tức giận tôi đã thốt lên lời bất xứng như vậy, từ cửa miệng của một Linh mục, và do đó tạo gương mù gương xấu cho những người chung quanh, trong đó có Đạt. Đáng lẽ ra lúc đó tôi phải trả lời với Đạt rằng: “Nếu sau này anh ta thực sự sám hối, chắc chắn Chúa sẽ tha thứ. Vì lòng nhân từ của Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi của con người.”

 Vài lời về Trương Văn Phát
  
Tôi cũng muốn có vài lời về trật tự Trương Văn Phát. Tôi không nhớ có bị Trương Văn Phát đánh trong vụ vượt ngục và thời gian kỷ luật tiếp theo hay không. Tôi không nhớ nhiều về vai trò của Phát trong thời gian ở nhà kỷ luật, mặc dù lúc đó Phát vẫn còn làm trật tự phó cùng với Thi và vẫn lên xuống khu kỷ luật. Chỉ có một việc sau đây có liên quan tới Phát là tôi nhớ và nhớ rất rõ.

            Vào khoảng tháng 7-1979, sau vụ vượt ngục 2 tháng, tôi đang bị cùm trong buồng 5 khu kỷ luật cùng với anh Nguyễn Sỹ Thuyên. Một buổi chiều nọ trong giờ điểm danh bên kiên giam, chỉ cách chúng tôi một bức tường, tôi nghe có tiếng la lối, tiếng chân người chạy, tiếng chửi bới, tiếng đánh đập một cách bất thường. Lúc đó chúng tôi ngồi trong cùm, đoán già đoán non, nhưng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra bên khu kiên giam. Một lúc sau nghe có tiếng người lên khu kỷ luật, tiếng đấm thùi thụi, tiếng chửi bới, tiếng mở cửa buồng kế bên và chúng tôi biết là có người mới vừa bị đưa lên cùm.

 Đợi sau khi trật tự và cán bộ đóng cửa buồng đi xuống, chúng tôi gọi vọng qua hỏi sự tình. Lúc đó mới biết người vừa bị đưa lên cùm kế bên là cha Phạm Quý Hòa, một Linh mục quãng 45 tuổi, người miền Trung. Tôi hỏi lý do và còn nhớ mãi câu trả lời đầy hài hước của cha Hòa. Bằng một giọng miền Trung rất nặng, cha Hòa nói:“Mình bóp ‘dại ngựa, bị ngựa đã!’”[1] Mặc dù tình cảnh lúc đó thật đau đớn nhưng chúng tôi cười vang khi nghe câu trả lời đó của cha Hòa. Sau đó ngài kể lại, khi bắt đầu giờ điểm danh buồng 3 khu kiên giam, sáu người trong buồng ngồi xếp bằng ngay ngắn trên bệ nằm, trật tự Trương Văn Phát đi vào điểm danh, tay cầm cái búa bằng gỗ dùng để gõ vào tường coi có chỗ nào bị đào bị khoét không.

Khi đi ngang trước mặt cha Hòa, không hiểu lý vì do gì, hay chỉ vì ngứa tay, Phát nện cái búa một cú như trời giáng vào đầu gối cha Hòa. Cha Hòa vụt nhảy xuống đánh trả lại Phát, làm anh trật tự bố láo này thất kinh vội chạy trở ra cửa thoát thân. Cha Hòa rượt theo, Phát quay lại ném chùm chìa khóa hàng mấy chục chiếc vào cha Hòa, ngài né tránh kịp, chùm chìa khóa bay vào trúng cửa nhà cầu đánh “rầm” một tiếng và rơi xuống đất. Phát định chạy vào nhặt lại nhưng không dám vì cha Hòa đang hờm bên trong.

 Phát ta hồn vía lên mây! Vì mất chùm chìa khóa cửa các buồng giam, coi như anh ta đã mất mạng, nên vội chạy như bay xuống nhà cầu cứu với Thi và cán bộ. Ngay sau đó, cả hai tên trật tự và mấy cán bộ chạy vội lên khu kiên giam. Tới nơi, Thi vô buồng nhặt chùm chìa khóa và lôi cổ cha Hòa ra sân, khóa tay lại, và hai anh trật tự thi nhau đập cho một trận mềm người. Sau đó đẩy cha Hòa sang khu kỷ luật, vừa đi vừa đánh cho tới trước cửa buồng. Tôi dùng chữ “mềm người” theo nghĩa đen, vì sau đó mấy ngày khi được tháo cùm đi tắm chung, cha Hòa bước đi vặn vẹo như người vừa ốm dậy. Sau trận đòn đó, cha Hòa còn bị cùm hơn một năm trời trong nhà kỷ luật chỉ vì tội “bóp dái ngựa”![1]


Lon nước ân tình
  
            Tôi nghĩ là một thiếu sót lớn nếu tôi không nói lên cách công khai để cám ơn một cán bộ có lòng nhân đã để lại một nét son trong đời tôi, ngay lúc tôi trong hoàn cảnh đau thương và tệ hại nhất ở nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm.

            Các cán bộ, nhất là những cán bộ trực trại, là những người trực tiếp ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi. Nếu gặp cán bộ hiền hòa, chúng tôi đỡ khổ; nếu gặp phải cán bộ khó khăn hoặc hung ác, chúng tôi bị khổ đủ điều. Nên biết rằng, đa số cán bộ làm nhiệm vụ cai tù, nhất là cai tù chính trị là những người được huấn luyện để thi hành chính sách chuyên chính của đảng. Họ coi tù nhân chúng tôi là kẻ thù, và rất nhiều người đã biết họ phải làm gì với kẻ thù đang nằm trong quyền lực của họ.

 Đại đa số cán bộ mà tôi đã gặp trong suốt 13 năm tù đã cho tôi một cái nhìn chung, phần đông họ chỉ làm việc như một nghề để sinh sống. Thỉnh thoảng có những người hành sử với tù nhân khắt khe và tàn nhẫn. Ngược lại cũng có những người hiền từ, dễ thương từ trong lời nói tới cách cư xử với tù nhân. Những cán bộ này đã để lại trong lòng tôi sự biết ơn và quý mến. Như một đoạn trên tôi đã nói, đồng tiền có mặt phải và mặt trái của nó. Nếu thời gian sống trong nhà kỷ luật Thanh Cẩm có những cán bộ mà vừa nghe tới tên, hoặc vừa thoáng trông thấy từ xa đã làm tôi nổi da gà như Thượng sĩ Hoàn, Chuẩn úy Lăng, Trung úy Bộ, Thượng sĩ Khải v.v thì ngược lại cũng có người như Thượng sĩ Hạ, người cán bộ mà tôi muốn dành riêng một đoạn trong tập bút ký này để bày tỏ lòng quý mến và biết ơn.

 Thượng sĩ Hạ là cán bộ trực trại trong ngày chúng tôi đào tường vượt ngục, có nghĩa là người chịu trách nhiệm về biến cố này. Bởi vậy, người mà tôi sợ nhất sau khi bị bắt lại không phải là ai khác ngoài Thượng sĩ Hạ. Hạ có thân hình cao lớn và rắc chắc, nước da ngăm đen, mái tóc bồng bềnh, mới nhìn qua thấy anh ta giống người Dân tộc thiểu số hơn là người Kinh. Điểm đặc biệt là anh có nhiều vết lang ben trên cổ và một ít trên mặt. Vì da anh khá đen nên các vết lang ben càng dễ nhận thấy. Tánh anh lầm lì, rất ít nói, mỗi lần lên khu kỷ luật hoặc kiên giam trong giờ cho ăn, anh thường đứng dựa vai vào tường, một chân đứng thẳng còn chân kia co lại gác chéo qua bàn chân kia. Cứ thế anh yên lặng nhìn trật tự chia thức ăn và nhìn chúng tôi đi lại nhưng chẳng bao giờ nói một lời nào. Sở dĩ tôi nhớ các chi tiết này vì trông anh lúc nào cũng có vẻ sầu đời hoặc như người đang thất tình, lúc bấy giờ anh khoảng chừng 27 tuổi.

Nhìn tướng người cao lớn, da đen ngăm và thái độ lầm lì, tôi rất ngại anh và dĩ nhiên là né tránh khi nào có thể tránh được. Tôi còn nhớ buổi chiều ngày 1 tháng 5-1979, chính cán bộ Hạ và hai trật tự Thi- Phát vào điểm danh buồng 1 kiên giam chúng tôi, và đêm đó chúng tôi đào tường vượt ngục. Sau khi vượt ngục thất bại, chúng tôi bị bắt lại và hành hạ dã man như tôi đã nói ở trên, nhưng điều đáng nói ở đây là tôi không hề thấy bóng dáng cán bộ Hạ trong số những người đánh đập chúng tôi lúc đó. Thay vào đó là thượng sĩ Hoàn, chỉ huy nhóm võ trang canh gác ban đêm trong ngày tôi vượt ngục, là người đánh đập và chửi mắng tôi nhiều nhất. Ngay từ lúc anh ta bắt chúng tôi từ dưới dòng sông Mã và cả lúc sau này khi tôi bị cùm trong nhà kỷ luật rồi, mỗi chiều lên điểm danh, Thượng sĩ Hoàn cũng đứng bên ngoài cửa buồng xỉ vả chửi bới tôi rất thậm tệ. Mỗi khi thấy thượng sĩ Hoàn và Bùi Đình Thi lên điểm danh, tôi ngán vô cùng! Cũng may là không phải chiều nào anh ta cũng lên điểm danh.

            Sau gần một tháng kể từ ngày trốn trại và bị cùm trong nhà kỷ luật, tôi không thấy bóng dáng Thượng sĩ Hạ đâu. Tự dưng tôi cảm thấy mừng vì nghĩ rằng nếu gặp lại chắc là tôi sẽ no đòn với anh. Tôi thầm cầu mong cho cán bộ Hạ đổi đi nơi khác, vô tăm biệt tích, và đừng bao giờ quay lại trại này nữa. Vào một buổi xế trưa, chúng tôi được lệnh mang hết đồ đạc ra để khám xét. Việc này cũng thường xảy ra và không có định kỳ nhất định. Từ lúc có vụ vượt ngục của nhóm tôi, việc xáo trộn tù giữa các buồng có vẻ thường xuyên hơn.

Vừa khệ nệ ôm đồ đạc bước ra, tôi giật thót người khi thấy cán bộ Hạ và mấy cán bộ khác đang đứng dưới bóng cây ở đầu nhà cạnh bờ tường. Thấy cán bộ Hạ nhìn tôi chằm chằm, tôi lại càng lo sợ hơn. Điều mà tôi lo sợ cả tháng nay bây giờ đã tới! Tôi cúi đầu né tránh cái nhìn của cán bộ Hạ, và ôm mớ đồ đạc để vào một góc khá xa nơi anh đứng. Lúc quay lại tôi vẫn thấy anh đang nhìn tôi, và tôi nghĩ giờ đền tội của tôi đã tới.

Thượng sĩ Hạ bước chậm chậm lại phía tôi. Tim tôi đập mạnh, người tôi nóng bừng trong khi đang chờ đợi để đón nhận điều tệ hại nhất sẽ xảy ra. Khi anh tới gần, tôi lên tiếng “chào cán bộ” theo luật trong tù. Anh chỉ khẽ gật đầu nhưng chẳng nói gì. Anh bước lại gần hơn, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói nhỏ vừa đủ nghe:“Anh Lễ, anh làm tôi mất tất cả!” Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng trước thái độ hòa dịu một cách không ngờ của cán bộ Hạ. Tôi đáp lại một cách chân tình:“Tôi thành thật xin lỗi cán bộ, nhưng xin cán bộ hiểu cho hoàn cảnh của tôi.” Đó là câu đối thoại duy nhất với một cán bộ mà tôi phập phồng lo sợ cả tháng trời qua. Tôi thật không ngờ cán bộ Hạ là người có lòng nhân như thế.

            Sau lần đó, thỉnh thoảng anh có lên điểm danh trên khu kỷ luật cùng với trật tự Bùi Đình Thi. Cán bộ Hạ vẫn lầm lì như xưa, trên mặt và cổ vẫn còn các vết lang ben. Từ khi gặp lại trong lần kiểm tra đồ đạc dưới bóng cây, anh ta cũng chẳng nói thêm với tôi một lời nào. Cho tới một hôm vào quãng giữa tháng 7, gần hai tháng sau ngày chúng tôi bị cùm, trong buồng tôi có chuyện xảy ra.

Trời Thanh Hóa lúc này nóng như thiêu như đốt, nhà kỷ luật nóc bằng trở thành lò hấp người. Lúc bấy giờ anh Thuyên và tôi bị cùm trong buồng 5, mỗi ngày tiêu chuẩn nước được phát chung cho hai người là hai lon Guigoz (mỗi lon độ 3/4 lít), sáng một lon chiều một lon. Với lượng nước này, chúng tôi phải làm sao gói ghém vừa uống, vừa rửa ráy, vừa tắm, vừa giặt, vừa lau mồ hôi ban đêm trong cái lò hấp người này. Chúng tôi đã quyết định, bằng mọi giá phải để dành một lon nước qua đêm, vì ban đêm hơi nóng từ nóc Nhà Bằng đúc bằng xi-măng tỏa xuống, nóng không tưởng tượng được, cần có nước nhắm vào miệng cho đỡ khát.

 Thời gian này trại thường cho tù ăn khoai lang với mắm chược, là loại mắm cá thối được nấu ra thành nước. Mắm chược tanh khủng khiếp, nhưng lúc bấy giờ chúng tôi lại thèm chất tanh nên mắm chược vô tình lại trở thành món ăn ngon. Giờ cho ăn trên kỷ luật sớm hơn dưới “làng”. Ban trưa quãng 11 giờ và ban chiều quãng 4 giờ. Tiêu chuẩn hai người chúng tôi mỗi bữa ăn là ba củ khoai lang, to hơn đầu ngón chân cái một chút. Nếu chia ra mỗi người một củ rưỡi thì ít quá, nên tôi có sáng kiến, thay vì bẻ ngang thì chẻ dọc củ khoai, như thế mỗi người “giống như” được ba củ! Làm như vậy để đánh lừa cặp mắt, nhưng hình như cũng đánh lừa được dạ dầy vì tôi thấy chia như vậy ăn vào “no” hơn và anh Thuyên rất phục tôi ở sáng kiến này.

 Mỗi bữa ăn chúng tôi bẻ khoai lang ra, dĩ nhiên là cả vỏ, cho vào tô nước mắm chược, chế thêm một ít nước lạnh vào, quậy cho đều và “húp”! Sau khi xong bữa “húp”, màn tiếp theo là uống nước. Ngồi trong lò hấp mà ăn khoai với mắm thối sẽ khát nước vô chừng. Cơn khát này không phải lúc đó mà thôi, nhưng sẽ kéo dài suốt đêm, nên việc để dành một lon nước qua đêm là yếu tố sống còn cho hai người. Những bữa “húp” của hai anh em tôi không có vấn đề gì xảy ra cho tới một ngày nọ. Hôm đó vì thèm thuốc lào quá nên anh Thuyên, một tay nghiện thuốc lào nặng, nói với anh trực sinh Nguyễn Tiến Đạt làm sao tìm cho một bi thuốc lào.

 Buổi chiều cùng ngày, trong giờ đổ ống bẩu và chia thức ăn, Đạt dúi vào tay anh Thuyên một bi thuốc lào to bằng hột đậu, một que diêm và tí giấy bìa bao diêm. Tôi phải nói là Đạt đã cho anh Thuyên một kho tàng vô giá, vì từ ngày bị cùm trong kỷ luật đã gần 2 tháng, ngày nào anh Thuyên cũng nhắc thuốc lào, bây giờ anh mới được toại nguyện. Khi làm việc này dĩ nhiên Đạt cũng phải gồng mình, vì nếu bại lộ thì Đạt cũng sẽ no đòn.

Chiều hôm đó, sau bữa “húp”, Bùi Đình Thi và cán bộ đã cùm chân chúng tôi lại và đi xuống, anh Thuyên nhờ tôi tiếp tay thu dọn các thứ trên bệ nằm cho gọn vì anh biết là sau khi hút thuốc lào, anh sẽ say nghiêng say ngửa. Ai đã hút thuốc lào thì biết, chỉ một đêm không hút, sáng hôm sau điếu đầu tiên là say quắc khước, đừng nói chi gần hai tháng không có hơi thuốc nào như anh Thuyên. Vì trong buồng không có điếu, nên anh phải dùng giấy quấn một cái “loa kèn”, nhét bi thuốc lào vào đầu to của “loa kèn”, rồi ngậm nước trong miệng, châm lửa và...hít! Trước khi hút anh còn dặn tôi, nếu anh có say quá thì lấy tay nhấn nhấn vào ngực giúp anh thở, vì đã có người say thuốc lào nghẹt tim không thở được mà chết.

 Anh Thuyên chuẩn bị tinh thần để hít điếu thuốc lào “lịch sử” này, cẩn thận và trịnh trọng như một nghi lễ tôn giáo. Sau khi giúp anh bật được ngọn lửa, mồi vào cái đóm bằng vải và kê vào đầu loa kèn, anh đã “hít...hít...hít” với tất cả sức lực của anh. Có lẽ trong đời anh Thuyên chưa bao giờ anh sung sướng như lúc anh đang ngửa mặt lên trời nhả khói ra trong lúc này! Bất thần anh ngã vật xuống! Ngụm nước trong miệng sặc ra ướt đẫm, mắt anh đờ đẫn và sùi bọt mép!

Sau khi ngã xuống, cả hai tay anh quơ quơ trên không, cái chân không bị cùm của anh đá tứ tung. Miệng anh ú ớ gọi tên tôi, giọng đứt quãng:“Ông Lễ ơi!, ông Lễ ơi!...ông Lễ ơi!...” Tôi thất kinh sợ anh chết, vội nằm xuống vuốt ngực anh, nhưng anh ta quay ngang, gạt tay tôi ra và cào cấu lung tung như người đang bị ong đốt. Trong lúc say quá độ,  anh Thuyên quơ tay đánh đổ lon nước “cứu mạng” duy nhất mà tôi đã cẩn thận nhét sát vào góc. Sở dĩ lon nước không thể để ở xa hơn được vì sau khi phát thức ăn chiều, chúng tôi đã bị cùm chân lại và mọi thứ phải được đặt vào tầm tay với để khi cần có thể lấy được.

 Một hồi lâu anh Thuyên mới tỉnh lại và thất kinh trước việc anh đánh đổ lon nước. Lúc đó quãng 4 giờ chiều và chúng tôi phải đợi tới trưa hôm sau, tức là 19 tiếng đồng hồ nữa mới được phát nước! Khổ nỗi, ngay lúc bấy giờ tôi đã bắt đầu khát sau khi húp tô mắm chược trộn khoai lang. Anh Thuyên cũng khát nước không kém gì tôi, nhưng lúc đó chúng tôi không làm gì khác hơn là chờ đợi cho tới giờ điểm danh, chừng đó có cán bộ lên để xin nước, mặc dù chúng tôi biết là rất ít hy vọng.

 Riêng đối với Bùi Đình Thi chúng tôi chẳng có chút hy vọng nào. Điều quan trọng là cán bộ nào sẽ lên điểm danh khu kỷ luật chiều nay. Nếu gặp phải cán bộ Hoàn chắc chúng tôi chết mất vì không lần nào anh ta thấy mặt tôi mà không chửi bới. Có lần còn nhào vô buồng đạp tôi mấy phát khi chân tôi đã xỏ vào cùm. Nếu Hoàn mà lên với Bùi Đình Thi nữa thì vô phương.

            Tới giờ điểm danh, chúng tôi đã khát gần cháy cổ. Nghe tiếng chìa khóa khua, chúng tôi mừng thầm, nhưng khi tới nơi nhìn ra chỉ thấy một mình Bùi Đình Thi. Có cán bộ nào đi sau hay không, chúng tôi không thấy. Khi trật tự  mở khóa vào buồng kiểm tra cùm, tôi đánh bạo xin Thi cho nước uống vì đã lỡ làm đổ hết, không còn nước uống qua đêm. Thi trả lời:“Tiêu chuẩn nước của trại, chúng mày dùng đổ vào tường để đục tường đủ rồi, còn đòi nước gì nữa!” Thế là anh ta bỏ đi ra ngoài và khóa cửa buồng giam lại.

 Lúc đó bên ngoài thấy có cán bộ bước tới, nhìn ra là cán bộ Hạ. Tôi mừng thầm trong bụng và tôi lớn tiếng xin cán bộ cho nước uống vì chúng tôi vô ý làm đổ hết và đang khát cháy cổ. Cán bộ Hạ chưa kịp trả lời thì Bùi Đình Thi đứng ngoài nói vọng vào câu anh ta nói với chúng tôi lúc nãy. Nghe câu đó, cán bộ Hạ ngần ngừ như muốn từ chối. Cảm thấy như tới lúc lâm nguy, tôi xin tha thiết hơn:

     -Xin cán bộ hãy lấy tình người mà thương chúng tôi, chúng tôi khát nước quá rồi.   Đêm nay mà không có nước uống chắc chúng tôi chết mất!

     Vừa nói tôi vừa bóp méo cái lon Guigoz cho lọt qua khe cửa sắt đưa ra bên ngoài. Cán bộ Hạ ngần ngừ một chút, xong ra lệnh cho trật tự:

    - Anh Thi, đến bể lấy cho mấy anh ấy một lon nước!

Không còn cách nào khác, Thi đành phải vâng lời cán bộ, đến bên bể cạn và múc cho chúng tôi một lon nước. Nhưng khi trở lại thành cửa sổ, anh ta dằn mạnh lon xuống làm nước đổ tung tóe và vơi đi gần phân nữa. Đây là nước lấy trong bể cạn ở góc khu nhà kỷ luật. Bể này chứa chừng một thước khối nước dành cho tù giặt quần áo, và sau khi đổ ống bẩu tay dính cứt thì rửa trực tiếp vào đó. Tới chiều bùn sình và những gì nhơ bẩn đã lắng xuống và nước lại trong.

 Phải nói anh Thuyên và tôi sống được qua đêm đó là nhờ lon nước ấy. Mặc dù đó là nước dơ nhưng có lẽ không còn vi trùng, vì theo tôi nghĩ tất cả vi trùng trong bể nước đó đã bị trúng độc chết hết rồi, còn đâu nữa để làm chúng tôi bệnh! Tôi không bao giờ quên ơn cán bộ Hạ và lon nước ân tình này.

Sau đó cán bộ Hạ rời trại một thời gian rất lâu. Cho tới một buổi trưa nọ vào năm 1986, tức là 7 năm sau, lúc đó tôi đã qua sống khu kiên giam mới cùng với các anh em Linh mục khác, có lần cán bộ Hạ lên khu kiên giam thăm chúng tôi. Tình thế giữa tù nhân và cán bộ lúc này đã có sự gần gũi nhau hơn. Trong lần gặp lại đó, tôi có nhắc lại với anh về lon nước vào năm 1979 với lời cám ơn chân tình, nhưng anh nói:“Tôi không còn nhớ!” Tôi trả lời:“Nhưng tôi còn nhớ và tôi sẽ nhớ mãi lon nước ân tình này”. Nghe nói thế cán bộ Hạ nhìn tôi mỉm cười, nụ cười rất hiếm hoi trên khuôn mặt lầm lì cố hữu của anh. Đó cũng là lần cuối tôi gặp lại người cán bộ đã để lại trong tôi kỷ niệm thật đẹp về tình người trong nhà tù cộng-sản.
  
  Gió thoảng trưa hè
  
 Không lâu sau đó, Bùi Đình Thi mất chức trật tự.  Sự kiện này đối với tôi rất quan trọng, vì kể từ ngày đó cuộc sống tôi được nâng cấp: Từ đáy địa ngục, tôi được chuyển lên tầng trên của địa ngục! Ngày anh ta mất chức trật tự  trong trại tù Thanh Cẩm cũng là một trong hai ngày vui mừng và hạnh phúc nhất trong 13 năm tù của tôi! Ngày đầu tiên là ngày 2 tháng 8 năm 1978, ngày tôi được chuyển ra khỏi trại trừng giới Cổng Trời!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét