Phái đoàn nhân sĩ trí thức do ông Nguyễn Ðình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư Pháp CSVN dẫn đầu đến Quốc Hội trao bản thỉnh nguyện 7 điểm về sửa hiến pháp. (Hình: Ba Sàm)
HÀ NỘI (NV) – Một phái đoàn gồm 16 nhân sĩ trí thức đã đến Quốc Hội CSVN trao bản kiến nghị 7 điểm yêu cầu sửa đổi hiến phápcũng như trao bản hiến pháp mẫu do họ soạn thảo.
Họ đại diện cho 72 người đầu tiên ký tên trên bản kiến nghị mà hiện nay đã có trên 2,000 người tham gia (sau hai tuần lễ vận động ký tên) kêu gọi chế độ Hà Nội trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân.
Trong số những người tới Quốc Hội trao kiến nghị sáng Thứ Hai, có các đảng viên CSVN kỳ cựu và giữ các chức vụ quan trọng như nguyên Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Ðình Lộc mà ông cũng từng là đại biểu Quốc Hội, ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ tại Thái Lan, thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc Hội, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc…
Ðáng chú ý trong số này là nguyên Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Ðình Lộc. Ông từng là trưởng ban biên tập Hiến pháp 1992, trưởng ban soạn thảo Bộ luật Dân sự.
Trong bản tin ngắn sơ khởi kèm danh sách 16 người của phái đoàn, có một đoạn video hơn 6 phút lời phát biểu của Giáo Sư Tương Lai, thành viên của phái đoàn.
“Trên thực tế, hiện nay chúng ta mới có độc lập nhưng mà chúng ta chưa có dân chủ, chưa có tự do”. Lời ông Tương Lai phát biểu. Ông là một giáo chức nổi tiếng từng là viện trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam, cố vấn cho hai đời thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
Ông cho rằng “Chúng ta đã bao nhiêu núi xương sông máu đổ ra để dành được độc lập nhưng mà có độc lập mà không có tự do, không có dân chủ, không có hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì.”
Ông đả kích cái tư duy “chuyên chính vô sản” nay đã lỗi thời mà ông kêu gọi phải gạt bỏ. Nếu không, sự sửa đổi hiến pháp mà chế độ Hà Nội đang tuyên truyền ồn ào chỉ để sửa những cái râu ria phụ thuộc mà ông nói “đều trở nên vô nghĩa”.
Chỉ thấy một tờ báo nhà nước duy nhất là tờ Người Lao Ðộng có bản tin về cuộc tiếp xúc nói trên, thuật lời ông Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Ðà Lạt nói “Chúng tôi kỳ vọng nhận được phản hồi đối với bản kiến nghị và Hiến Pháp mẫu”.
Trong bản kiến nghị gồm 7 điểm kêu gọi chế độ Hà Nội sửa hiến pháp, nổi bật nhất là họ đòi bỏ điều 4 dành độc quyền cai trị cho đảng Cộng Sản và trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân.
Trong bản tin của báo Giáo Dục Việt Nam hôm 4 tháng 2 năm 2013, ông Nguyễn Minh Thuyết vạch ra cho thấy bản dự thảo hiến pháp mới của ban soạn thảo của Quốc Hội CSVN thấy công bố trên Internet đã xiết chặt hơn nữa quyền của người dân.
“Trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam, G.S-T.S. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Ðồng của Quốc Hội tiếp tục chỉ ra một số điểm mà ban soạn thảo Hiến pháp cần lưu ý để có điều chỉnh cho phù hợp.
Cụ thể, Ðiều 71 của Hiến pháp 1992 viết rõ: ‘Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân Dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật’.
Dự thảo chuyển Ðiều 71 thành Ðiều 22, nhưng toàn bộ quy định được trích ở trên (nhằm hạn chế việc bắt người tùy tiện) đã bị xóa. ‘Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ ràng như vậy mà vẫn còn có những trường hợp bị bắt và giam giữ tùy tiện. Nếu quy định này mà bị gạch khỏi Hiến pháp thì thì sẽ có nhiều vấn đề bất cập xảy ra?’ GS Thuyết nói”, báo GDVN kể lại.
Tiến Sĩ Hoàng Xuân Phú, giáo sư tại Việt Toán Học ở Hà Nội, cũng là một trong những người tới Quốc Hội Hà Nội sáng Thứ Hai, từng viết một bài phân tích và bình luận về dự thảo hiến pháp CSVN nói dành độc quyền lãnh đạo đất nước và cướp quyền sở hữu đất đai của người dân là hai tử huyệt của chế độ.
Trên báo điện tử VietNamNet ngày 2 tháng 2 năm 2013, Luật Sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội CSVN cho rằng dự thảo hiến pháp của nhà nước soạn thảo “vẫn phản ánh sự áp đặt ý chí, quan niệm cũ về Hiến pháp, quan tâm nhiều đến sự ổn định chế độ hơn là tự do và hạnh phúc của nhân dân và một số điều khoản mang tính tuyên ngôn thiếu nội hàm cụ thể”.
Trong số hơn 2 ngàn người đã ký tên trên bản kiến nghị, hàng trăm người là đảng viên đảng CSVN, cùng với rất nhiều chức sắc Công Giáo Việt Nam gồm cả một vị tổng giám mục, hai giám mục, hơn 100 linh mục và nữ tu, chưa kể giáo dân. (T.N.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét