Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

HỒI KÝ SÀI GÒN NGÀY DÀI NHẤT CỦA DUYÊN ANH - KỲ 4

1      2      3      4      KỲ CUỐI
CHƯƠNG 8
17 giờ. Đường phố Sài gòn ngập đầy bộ đội miền Bắc nón cối và giải phóng quân mũ tai bèo và cỏ đuôi chó. Cỏ đuôi chó mỗi lúc một đông thêm! Chắc ăn rồi, chắc ăn lắm rồi, lính sư đoàn 304 gây khí thế cách mạng. Xe tăng của cộng sản, trước sau chỉ có mười chiếc, nghiến xích sắt thị uy khắp đường phố Sài gòn. Xe tăng thị uy xong đến mô-lô-tô-va Liên xô và GMC Trung Quốc. Máy phóng thanh oang oang bài ca Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước.
Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước
Giết lũ đế quốc
Phá tan bè lũ bán nước
Ôi xương tan máu rơi
Lòng hận thù ngút trời

Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng
Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng
Thề cứu lấy nước nhà
Thề Chiến đấu tới cùng
Cầm gươm ôm súng xông tới
Vận nước đã tới rồi
Bình minh chiếu khắp nơi
Nguyền xây non nước vững yên muôn đời...
Và bài ca Tiến về Sài gòn:
Tiến về Sài gòn
ta quét sạch giặc thù
Tiến về Sài gòn
ta giải phóng thành đô *...
Cỏ đuôi chó hát theo. Vì hai bài hát lải nhải hoài nên cỏ đuôi chó thuộc lòng. Tôi nhớ lại: Hoạt cảnh này đã ba lần tôi được chứng kiến trong đời. Lần thứ nhất, buổi chiều 19-8-1945, năm tôi lên mười. Và tôi đã diễn tả thật trung thực trong cuốn Con Thúy, cuốn sách đã đưa tôi vào nhà tù cộng sản để chịu đựng những hệ lụy tự khai. Lần thứ hai, buổi sáng giữa tháng 7-1954. Một thị xã được giải phóng. Bộ đội cộng sản tiến vô thong thả. Cỏ đuôi chó mọc nhanh, tung hô những khẩu hiệu nịnh bợ. Bài hát thuộc nhanh của cỏ đuôi chó hồi ấy là bài Bàn tay chúng ta:
Hoan hô bàn tay anh Komsomol
đã khơi dòng Volga đông.
đã khơi nguồn hạnh phúc cho toàn dân..
Hoan hô bàn tay anh bạn Trung Hoa
chắn sông Hoài
ngăn đau thương
nước không về toàn dân no ấm
Raymondielle ngăn xe cho ngừng máu rơi
ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng
ta nhớ ghi tên người tươi sáng
bàn tay anh đem về thêm bông
bàn tay anh đem về thêm lúa
bàn tay ta băng miền thương xót
dắt dìu nhau tiến lên...
Hoạt cảnh giải phóng lần hai, tôi đã viết ở cuốn Vẻ buồn tỉnh lỵ chưa kịp xuất bản và bản thảo đã bị tich thu. Hôm nay, lần thứ ba, tôi biết thêm hoạt cảnh giải phóng 1975. Ba mươi năm. Vẫn thế. Vẫn thế ở mỗi biến động lịch sử trên quê hương tôi. Nếu cái vẫn thế còn làm cho tôi xúc động là, ngay cả tâm hồn cỏ đuôi chó, đã không dấy lên giông bão thù hận khi họ được khích lệ tuyết hận bừa bãi. Có phải tình nghĩa Việt Nam mãi mãi chế ngự chủ nghĩa cộng sản. Sài gòn chỉ bị cộng sản và cỏ đuôi chó quấy rầy ngoài phố. Sài gòn không hề bị cỏ đuôi chó đập phá nhà cửa, giết người. Cộng sản không dám ra mặt hành động. Cộng sản bất lực thủ đoạn châm lửa phẫn nộ cho người Sài gòn sát hại người Sài gòn. Không có bạo động đổ máu vô lý cho hợp lý khi cộng sản vào Sài gòn. Đừng bao giờ nghĩ cộng sản nhân đạo. Mà nên hiểu miền Nam nhân bản, Sài gòn nhân bản không chấp thuận tàn sát theo ý cộng sản hay theo ý của bất cứ một chủ nghĩa phi nhân nào: Lịch sử nào sẽ ghi chép chính xác? Thứ lịch sử gian dối của Mỹ và Tây phương thân cộng đã toa rập cộng sản, đã giả vờ quên tình nghĩa Việt Nam mà đề cao sự khoan dung, đạo lý cộng sản khi cộng sản xuất hiện ở Sài gòn. Đạo lý làm người của cộng sản đã thể hiện rõ nét ở Huế vụ Mậu Thân. Nó sẽ thể hiện rõ nét hơn, sẽ "phanh thây uống máu quân thù', sẽ "cờ in máu chiến thắng" ở Sài gòn 30-4-75 nếu người Sài gòn muốn. Nhưng người Sài gòn không muốn, cả cỏ đuôi chó đáng ghét cũng không muốn, cộng sản đành thúc thủ. Để được tiếng nhân đạo. Cộng sản nói nhân đạo như tư bản nói nhân đạo, còn đốn mạt hơn cả đĩ điếm, ma cô giảng giải luân lý. Người ta cố tình quên rằng, chỉ cần mảy may lương tâm, cộng sản hết là cộng sản. Và người ta nên sáng suốt, nên thức tỉnh nhớ ràng, cái vỏ ngoài của cộng sản giống hệt áo thầy tu chân chính, những lời cộng sản nói hay hơn Chúa nói, Phật nói. Cộng sản quán triệt bí kíp "một thời im lặng và một thời lên tiếng" ở bất cứ không gian nào. Cộng sản xúi dục người quốc gia lăng nhục người quốc gia, chia rẽ người quốc gia rồi hô hào đoàn kết. Cộng sản nằm vùng, cộng sản hải ngoại còn tinh vi đến độ biết ẩn thân thật lâu, dám sống nghèo hèn, cố tình phô bày tác phong đạo đức, trình diễn đạm bạc, khuất thân hòa hoãn với những kẻ chống cộng dữ dội nhất. Để trở thành biểu tượng gương mẫu của người quốc gia chống cộng. Và, sau hết, đòn muôn thuở nằm trong bản chất cộng sản: Tìm mọi cách hạ bệ uy tín các tài năng của quốc gia để vô hiệu hóa sự chống cộng sản của các tài năng này; công khai đề cao tài năng của quốc gia trên các cơ quan truyền thông cộng sản để cô lập các tài năng này với quần chúng thù ghét cộng sản.
Sài gòn động bên ngoài, tĩnh bên trong - cái tĩnh lo âu Cái động đã tôn vinh cái tĩnh. Đã không có "đấu tranh giai cấp" tình nguyện, tự nguyện và... tự học tập như cộng sản mong muốn. Điều đó đã "giải phóng" biển máu đe dọa của Mỹ và biển máu toan tính của cộng sản. Chúng tôi thả xuống chợ Bến Thành. Ngạc nhiên vô cùng, tôi thấy, ở các đầu đường, góc phố, người ta đã bán cờ đỏ sao vàng và cờ trên đỏ, dưới xanh, giữa sao vàng. Cờ may ở đâu nhanh thế? Vải của chúng ta nhập cảng cả đấy Chúng ta đã có những thằng bán thuốc âu Mỹ cho kẻ thù, bán súng đạn cho kẻ thù, chúng ta còn những thằng sản xuất cờ cho kẻ thù nữa. Cờ bán đắt như tôm tươi Kẻ hân hoan chào mừng cộng sản mua cờ, kẻ sợ hãi cộng sản cũng mua cờ. Những người bán cờ trúng mối lớn. Con buôn biết cách khai thác... cách mạng vô sản! Đã nhiều nhà treo hai mầu cờ, hai thứ cờ. Tôi thấm mệt:
- Về chứ, Côn?
- Tao nghĩ mày nên đi quan sát thêm.
- Không đủ sức. Chỗ nào ở Sài gòn chiều nay cũng giống chỗ nào thôi.
Chúng tôi trở lại. Tòa Đô Sảnh đã treo cờ kẻ thù. Công viên trước Hạ Viện đã hết náo động. Xác chết của Trung tá Long đã được kéo đi vất ở xó xỉnh nào. Pho tượng thủy quân lục chiến Mỹ đổ rạp nằm úp xuống đất. Chẳng thể diễn tả nỗi ngập ngùi. Chúng tôi cắm cúi bước qua nhà thờ Đức Bà. Giáo đường đóng cửa kín mít. Bưu Điện đã treo hai thứ cờ và giải phóng quân kè kè AK canh gác. Trong khuôn viên Dinh Độc Lập, "nhân dân" đông đầy. Cánh cổng dinh mở rộng, "nhân dân" tự do ra vào, tự do chạy nhẩy, tự do la hét. Và đó là chiêu thức giải phóng đánh đúng tâm huyệt bầy cừu. Người ta có một sự so sánh giản dị: Nguyễn văn Liệu phong tỏa Dinh Độc Lập, cách mạng giải phóng Dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập, cái triều đình của những tên cầy cáo, rồi sẽ có một Hồ sơ đầy đủ về nó như một thâm cung cố sử. Thiệu cấm dân lai vãng quanh Dinh. Cộng sản mở bung cho dân vào Dinh. Sư mị dân của cộng sản, ít nhất, đã làm trí thức Lý Chánh Trung bồi hồi, cảm động mà rên rỉ "xin được nhận Hồ chủ tich làm Bác". Tôi không thích nhìn cái Dinh ấy. Nó mang tên Độc Lập. Không, nó phải mang tên Nô Lệ. Nhưng không thích nhìn Dinh... Nô Lệ - còn nô lệ dài dài - tôi lại phải nhìn cách mạng tuyết hận danh nhân Trương Vĩnh Ký. ở cuối vườn sao góc phố Duy Tân - Thống Nhất, đối diện với hãng xe Peugeot, pho tượng Trương Vĩnh Ký đã bị giật sập. Trương Vĩnh Ký có tội gì với cách mạng vô sản? Kẻ thừa thãi công lao với nền văn hóa Việt Nam, kẻ tiên phong mở đường văn chương quốc ngữ cũng là kẻ thù của cộng sản ư? Người ta sẽ được trả lời ngay khi nghe bài hát này:
Ta là người nông dân
mặc áo lính
chiến đấu vì giai cấp bị áp bức
từ bốn nghìn năm* ...
Từ bốn nghìn năm đã có... cộng sản. Và các nhà nghiên cứu mác xít bảo là cộng sản nguyên thủy. Hùng Vương là kẻ thù của giai cấp vô sản. Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... đều là kẻ thù của giai cấp vô sản cả. Địa chủ Lê Lợi đã bóc lột giai cấp nông dân kỹ nhất? Thế thì Trương Vĩnh Ký, người đã tích cực đóng góp vào công cuộc làm thăng hoa chữ quốc ngữ để, từ chữ quốc ngữ, cộng sản Việt Nam xử dụng như võ khí tư tưởng mà truyền bá chủ nghĩa của mình, có bị thù hận là... "lô gích" rồi. Với cộng sản Việt Nam, tổ tiên của họ là Karl Marx, là Freiderich Engels, là Lénine... Họ rất nên vô ơn tiền nhân và rất nên thù hận tiền nhân tự bốn nghìn năm. Họ là quắc tế. Họ phủ nhận quốc gia. Những kẻ thân cộng sản làm dáng, những kẻ theo cộng sản ở hải ngoại nghĩ gì về "giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm"? Pho tượng Trương Vĩnh Ký bị giật sập nằm úp mặt xuống đất vườn sao. Cuốn sách trên tay ông chưa bị đập nát. Tôi mở mắt ngắm pho tượng. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi lại nghĩ đến thân phận những nhà văn chống đối tư tưởng mác xít hai mươi năm Sài gòn tự do. Và, hôm nay, khi ngồi viết những giòng chữ này ở thị trấn lrvine của Orange County thuộc tiểu bang California, tôi còn nghĩ đến thân phận những kẻ làm tay sai cho cộng sản Việt Nam trong lãnh vực chữ nghĩa và nghệ thuật. Họ có hiểu vì lý do gì Trương Vĩnh Ký cũng bị xóa bỏ. Và họ, họ là cái thứ gì, giá trị bao nhiêu để hy vọng tồn tại.
***
18 giờ 30. Chúng tôi có mặt ở ngã tư Hiền Vương - công Lý. Quân trang, quân dụng, võ khí vẫn xếp đống ngổn ngang trên vỉa hè. Súng đạn sẵn sàng, thừa mứa, tha hồ lượm mà bắn giết nhau vô tội vạ. Nhưng, người Sài gòn không giết người Sài gòn. Nhiều thanh niên biết xử dụng M16 đã lượm súng, bắn chỉ thiên vung vít. Bắn cho hả giận. Bắn cho quên nỗi nhục. Bắn rồi liệng súng, nước mắt ròng ròng. Thành phố rền vang tiếng đạn nổ chỉ thiên...Chúng tôi thản nhiên đi. Lúc này, vẫn còn nhiều người lính trên đường chạy về nhà mình. Tôi nhận ra những kẻ chiến bại bất đắc dĩ và tội nghiệp ấy, vì họ mình trần, quần xà lỏn, chân đất. Làm sao tôi biết chia xẻ tâm sự uất nghẹn của người lính quốc gia đường chiều 30-4? Những trang sách nào của những ông đại tá, trung tá của Cục tâm lý chiến "không chịu đứng chung đẳng cấp xã hội và văn học nghệ thuật" với người khác đã soi tỏ tâm sự uất nghẹn này? Bầy hạc gỗ của vua Vệ, bọn ý gẩy bút cùn chỉ đủ khả năng xướng họa thơ con cóc và vấy bẩn thiên hạ thì làm nổi trò trống gì mà cũng hiệu hiệu khẩu khí ôm mối thù nặng nghìn cân? Cho nên, chúng ta có hơn một nghìn trang "Việt Nam máu lửa quê hương tôi", gần một nghìn trang "Hồ sơ dinh Độc Lập", vẫn còn thiếu một trang viết về người lính buông súng, lột bỏ quân phục chạy về nhà mình tức tưởi, phẫn nộ và lo âu. Chưa bao giờ tôi thấm thía thơ Đặng Trần Côn bằng lúc này:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng rõi rõi soi
Chinh phu, tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...
NHỮNG TỬ SĨ KHÔNG CẦN AI GỌI HỒN
Xe tăng cộng sản từ Long Khánh qua Gia Kiệm, Hố Nai định ra xa lộ Biên Hòa đã bị chặn đánh tại Tam Hiệp trước lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. "Chiến lũy Tam Hiệp", phải coi như thế, được sáng tạo bởi một số lính nhẩy dù, lính thủy quân lục chiến mà đại đơn vị đã tan hàng từ đêm 29-4. Họ phối hợp cùng nhân dân tự vệ và dân chúng Tam Hiệp, dùng máy cầy ủi đất đắp mô ụ nghênh địch. Mẩu chuyện này nghe kể và xem những thước phim của đài truyền hình Pháp ghi lại.
Trận chiến thật ngắn ngủi nhưng rất anh dũng. Không cần hỏa tiễn Tow của Mỹ viện trợ, không cần không lực Hoa Kỳ yểm trợ. Lúc ấy, người Mỹ đã "cút", ông đại sứ Martin cũng cuốn cờ sao xọc leo lên trực thăng bay ra hạm đội số 7. Thế giới nên công bình ghi nhận rằng, Mỹ đã "cút", ngụy đã "nhào", chỉ còn quân dân miền Nam chiến đấu chống cộng sản xâm lăng. Xe tăng cộng sản phải dừng lại. Chúng nổi giận bắn thẳng vào chiến lũy. Đạn của T-54 khạc tới tấp, khạc không thương xót. Quân dân ta chống trả kịch liệt. Những em nhỏ trên 10 tuổi bám sát các anh lính để được sai bảo. Một em trúng đạn giặc, máu me đầy mặt. Hai anh lính dìu em vào chỗ an toàn, băng bó cho em. Em bé khóc. Khuôn mặt hai anh lính ưu tư. Một hình ảnh đẹp nhất, nhân bản nhất của lính quốc gia. Cuộc chiến vẫn tiếp tục. Những người lính mà tướng lãnh đã bỏ trốn phóng lên phía trước. Đạn thù bắn như mưa. Lính của ta gục ngã trên những vũng máu danh dự, trách nhiệm, tổ quốc. Họ chết hết. Họ yên lòng vì họ thật sự biết họ chết vì tổ quốc, vì dân tộc. Trận chiến kết thúc mau lẹ. Xe tăng cộng sản nghiến lên xác lính của ta, nghiến lên xác của dân ta, san bằng mô ụ.
Chúng ngạo nghễ bò ra xa lộ và tiến vào Sài gòn. Bất ngờ, đến cây cầu nhỏ gần nhà máy xi măng Hà Tiên, xe tăng cộng sản bị lính chi khu Thủ Đức chặn đánh thêm. Súng phóng lựu đạn, súng mọc chê, súng đại liên của lính chi khu dũng cảm đã bắn cháy một T 54. Chiến trận cũng không thể kéo dài. Cộng sản làm chủ tình hình và kết thúc lẹ. Chúng khẩn trương chạy vô thành phố.
Những người lính nhẩy dù, thủy quân lục chiến và chi khu Thủ Đức đã hy sinh vào buổi sáng 30-4. Họ không cần ai mạc mặt, gọi hồn cả...

CHƯƠNG  9
19 giờ. Bóng tối trùm thành phố. Đèn đường chưa lên. Đạn vẫn nhằm ông Trời mà bắn. Tôi đi trong cái âm u của Sài gòn lịm chết. Hình tưởng một nghĩa địa hoang vắng? Sài gòn ở đó. Tiếng đạn bắn chỉ thiên cơ hồ tiếng nứt vỡ của hàng triệu trái tim. Rồi tiếng đạn ngưng hẳn. Dân chúng bỏ chạy tán loạn. Bộ đội miền Bắc và quân giải phóng xuất hiện trên các vỉa hè. Mạnh phe nào phe ấy nhặt nhạnh "chiến lợi phẩm". Bộ đội miền Bắc chú trọng quân trang, quân dụng nhiều hơn võ khí. Chắc chắn, họ thèm quân trang, quân dụng của lính ta. Họ liệng "chiến lợi phẩm" lên mô-lô-tô-va. Quân giải phóng chú trọng vũ khí. Họ thu lượm vội vàng và phương tiện chuyên chở là xe ba bánh đạp và gắn máy. Đường phố, lúc này, đầy người. Chỉ còn xe quân sự của cộng sản qua lại Cộng sản nằm vùng đã sách động quần chúng xuống đường làm mùa vui giải phóng. Tôi thấy dọc phố Công Lý, cờ mới đã treo nhiều. Quả thực, tôi không nhận ra mầu cờ nữa. Vì bóng tối. Vì mắt tôi mờ. Tai tôi cũng đã điếc, chẳng thể nghe nổi tiếng hoan hô xem chừng đã cuồng nhiệt. Nhạc cộng sản muốn lấp vùng trời Sài gòn.
Hãy chọc mắt tôi mù
để khỏi nhìn người Babylone
Hãy đâm thủng tai tôi
để khỏi nghe nhạc Babylone
Hãy cắt lưỡi tôi
để khỏi hát nhạc Babylone...
Tôi không nhớ rõ có phải là Thánh vịnh trong Cựu ước. Mười tuổi, tôi đã nghe:
Nhanh bước nhanh nhi đồng
theo cờ đỏ sao vàng...
Mười chín tuổi tôi đã nghe:
Quê hương chúng ta
xanh ngát cánh đồng bao la
Noi gương Trung quốc, Liên xô ta xây cuộc đời
Quê hương chúng ta
toàn dân trường kỳ kháng chiến
Tiến bước dưới cờ Malenkov vinh quang
Bốn mươi tuổi, tôi lại nghe:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công
Việt Nam
Hồ Chí Minh
Việt Nam
Hồ Chí Minh...
Lần thứ nhất, nghe nhạc, tôi còn bé. Lần thứ hai, nghe nhạc cộng sản, tôi bỏ vào Sài gòn. Lần thứ ba tôi mắc kẹt lại Sài gòn để bị nghe nhạc cộng sản. Mà không dám đâm thủng lỗ tai! Ai đã dám đâm thủng lỗ tai? Ai đã dám cắt lưỡi? Có lẽ, người ta đang lột lưỡi để hát nhạc kẻ thù cho ngọt ngào.* Tôi nghĩ kẻ viết Thánh vịnh hay Thánh thi đã không chọc mắt mình, đâm thủng tai mình, cắt lưỡi mình. Tôi thì không đủ can đảm đó. Mà tôi cần sáng mắt, thính tai. Chưa hiểu số phận mình ra sao trong biển máu, nhưng tôi cứ mơ mộng những tác phẩm lớn của đồng nghiệp của tôi về một Sài gòn, ngày dài nhất
***
- Long ạ!..
- Gì?
- Hay là mày để tao về nhà trước xem có chuyện gì xẩy ra không đã.
- Chuyện gì?
Tôi nói tiếp:
- Nếu xảy ra chuyện gì, tôi sống vô ích.
Đặng Xuân Côn gạt đi:
- Mày có ích lắm. Ít ra, xuất bản trọn bộ Vẻ buồn tỉnh lỵ.
-Tôi và ông cùng về.
- Suy nghĩ kỹ đi.
-Tôi vững tin.
- Cộng sản?
- Không. Người Sài gòn không thích biển máu. Người vô sản Sài gòn không thích biển máu. Người Sài gòn sẽ khước từ học tập căm thù. ông thấy rồi đó, chưa có villa nào trên đường Công Lý bị người vô sản hay là nhân dân xông vào đập phá, cướp của, giết người. Ngay cả cái bảng "coi chừng chó dữ" cũng vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một dấu hiệu, ông hiểu chứ?
-Sao?
- Sài gòn vẫn là Sài gòn. Chúng ta không mất Sài gòn bởi vì Sài gòn chế ngự mọi thù hận. Bằng thù hận, mọi sự đổ vỡ. Sự đổ vỡ thê thảm nhất là đổ vỡ tình người. Còn chế độ vỡ đổ, chả nghĩa lý gì cả. Thù hận đạp đổ tất cả nhưng thù hận không xây dựng lại tất cả những gì nó đạp đổ. Thù hận không chinh phục nổi lòng người.
- Mày sẽ viết về cái đó?
- Tôi đã viết từ lâu. Tư tưởng của tôi đã gây nhiều hệ lụy cho tôi, sẽ còn gây nhiều nữa, nếu tôi sống sót sau cơn hồng thủy 30-4.
- Mày phải sống sót.
- Cám ơn ông, tôi mong được sống sót.
Hai chúng tôi đi sát bên nhau, như thuở mười tuổi, chúng tôi đã đi sát bên nhau trong buổi tối thị xã miền Bắc đầy xác chết đói.
- Long!
- Để tao về trước.
-Tôi đi đâu?
- Mày ghé sang Tân Định xem có "bắt" được vài chai Cognac không.
- Rồi sao?
- Tao đợi mày ở cổng. Hễ không thấy tao, mày vù lẹ.
- Vù đâu?
- Long Xuyên.
- Tôi đi mua rượu và tôi cứ về, dù ông không đợi tôi ngoài cổng.
Chúng tôi chia tay. Vỉa hè Tân Định không còn những đống quân trang, quân dụng, võ khí nữa. Mà thay bằng những lái buôn cờ. Nhà máy nào sản xuất cờ cộng sản nhanh thế? Cờ đảng, cờ "tổ quốc", cờ mặt trận. Chắc chắn Chợ Lớn đã "chế tạo" từ lâu. Dân chúng sợ hãi cộng sản, chen chúc nhau mua cờ mới. Tôi cố tình quan sát những người mua cờ. Khuôn mặt người nào, người nấy ủ ê. Cảnh tượng này không lọt vào ống kính điện ảnh cộng sản đã đành, còn không lọt vào ống kính điện ảnh Tây phương. Tại sao vậy? Dễ hiểu thôi, Tây phương luôn luôn mù. Có thể, họ còn giả vờ mù đề không thích nhìn một người đàn bà mà chồng "thua trận" đang nằm rên rỉ trong phòng kín ở nhà, phải ra phố xếp hàng mua cờ của kẻ chiến thắng? Tôi không biết vợ con tôi đã "sắm" cờ mới và nhà tôi đã treo cờ mới chưa?
***
19 giờ 30. Thành phố lên đèn. Đèn phố giúp tôi nhìn rõ một thay đổi mới của Sài gòn, 9 tiếng đồng hồ sau lệnh đầu hàng. Sự sang trọng của Sài gòn đã vội vàng dấu biến. Dân chúng ra đường ăn mặc tiều tụy. Đàn bà, con gái không áo dài, không son phấn, không sơn móng tay hoặc là đã rửa móng tay sơn. Nhiều bà, nhiều cô sợ hãi móng tay dài nhọn hoắt là lười biếng lao động, sẽ bị dùng kìm rút đi, đã nhanh nhẹn cắt móng tay. Đàn ông con trai, áo bỏ ngoài quần, lê giép Nhật made in Chợ Lớn. Xe Honda hết lạng bay bướm. Xe đạp chạy êm đềm. Khu Tân Định nhẫy nhụa những bài ca cách mạng tiết ra từ những cái loa gắn chung quanh chợ. Nhưng mà những kẻ gây khí thế cách mạng ồn ào, những kẻ cách mạng hơn cách mạng, vẫn chỉ là cỏ đuôi chó và sư đoàn 304. Rất lẹ, cỏ đuôi chó đã kết hợp thành những đội ngũ vác cờ, mang khẩu hiệu diễn hành.
- Long, Long....
Tôi ngó vào tiệm mì cạnh rạp Kinh Thành. Người vừa gọi tên cúng cơm của tôi là Thế Phong, tác giả Nửa đường đi xuống, một trong những phản đồ của Văn Nghệ chủ quan viễn kiến môn phái Nguyễn Đức Quỳnh. Thế Phong vẫy tay ra dáng bí mật. Tôi bước vô tiệm.
- May còn tiệm chú Ba mở cửa. Thế Phong nói.
Tôi ngồi xuống ghê. Thế Phong mời mọc:
- Ăn một tô nhé?
Tôi gật đầu. Cần thiết ăn một tô mì vịt trước khi bị ném vào biển máu. Tôi cũng thấm đói rồi.
- Mày không lọt lưới à? Mỹ bỏ rơi à?
- Ừ. Còn mày?
- Xêm xêm. Tao "đào ngữ' từ đêm qua. Tụi nó pháo kích khiếp quá, không vào "sở" được.
Trung sĩ văn nghệ không quân Thế Phong vẫn thích khôi hài. Tác giả Tôi đi dân vệ Mỹ nhấp ngụm bia:
- Mày đi đâu qua đây?.
- Xem Sài gòn đổi cờ và định ghé mua rượu về uống đợi chết.
- Không chết đâu.
-Tại sao?
- Không có biển máu nhưng chúng ta sẽ chết dần chết mòn, chết như cây cỏ, chết chẳng ai thèm biết.
- Nửa đường đi xuống!
- Đi xuống địa ngục.
- Vậy đó. Bố Quỳnh đã không sai.
- Nhưng mày thì là phản đồ Văn Nghệ chủ quan viễn kiến.
- Đồng ý. Bố Quỳnh đã tiên đoán Sài gòn sẽ bị đổi thành Hochiminhgrad.
-Tao cũng tiên đoán, sau ông Quỳnh.
-Trong Sa mạc tuổi trẻ?
- Đúng. Tao đã viết, rồi sẽ có ngày, bừng mắt dậy, chúng ta thấy cờ đỏ sao vàng treo trên nóc Việt Nam quốc tự, trên nóc chùa ấn Quang, trên nóc Hạ Viện, trên nóc nhà thờ Đức Bà...
-Tiếc rằng ông Quỳnh không còn sống.
Nguyễn Đức Quỳnh, nhà văn, nhà lập thuyết, kiện tướng của nhóm Hàn Thuyên, đồng chí đệ tứ quốc tế của Trương Tửu. Cuộc đời bôn ba hải ngoại của ông không thua gì Hồ Chí Minh. Kiến thức của ông thì Hồ Chí Minh khó mà sánh nổi. Nhưng ông là con người thiếu may mắn với lịch sử. Rốt cuộc, tác giả những Thằng Kình, Thằng cu So, Con Phượng cam đành sống những ngày còn lại ở miền Nam với bút hiệu Hoài Đồng Vọng và lập Đàm trường chủ trương nền văn nghệ chủ quan viễn kiến. Những khuôn mặt văn nghệ lớn của hai mươi năm văn nghệ Sài gòn đều đã ghé Đàm trường. ông có thiện ý giúp những người văn nghệ trẻ tiến xa. Và ông đã cho họ mang hia bẩy dặm. Thế Phong là người được ông ví như Marxime Gorki. Đáng lẽ, Thế Phong phải kiên nhẫn học hỏi và cố gắng sáng tạo cho bằng Gorki. Thì anh ta lại đem cái kỳ vọng của Nguyễn Đức Quỳnh nơi anh ta làm một sự tự mãn. Anh ta công kích vung vít. Cuối cùng, anh ta công kích luôn cả ông Nguyễn Đức Quỳnh.
- Bây giờ mày mới thương ông Quỳnh?
Thế Phong gật đầu, đôi mắt chớp nhanh:
- Tài của tao bất cập ý ông ấy. Ông Quỳnh là phù thủy cự phách mà tạo chỉ là âm binh hạng tồi. Tất cả bị tẩu hỏa nhập ma.
-Trừ một tên.
- Đứa nào.
- Lý Đại Nguyên.
- A, đúng đấy. Nó khá đủ mọi nghĩa, mọi mặt.
Thế Phong nằng nặc đòi trả tiền mì, tiền bia. Lúc chia tay tôi, anh ta nói một câu buồn bã:
- Tao và mày không biết thằng nào về đất trước. Vậy vĩnh biệt mày, Duyên Anh?
Dứt câu, Thế Phong bước nhanh. Anh ta khuất vào đám đông hoan hô giải phóng. Tưởng chừng người bạn văn nghệ của tôi đi vào cõi chết, tôi nghe lòng tôi những tiếng rạn nứt hãi hùng. Đứng ngẩn ngơ cả mấy phút tôi mới lết đi. Tôi đi đâu trong nỗi khôn cùng tịch mịch của đất nước tôi? Thế mà tôi vẫn cứ đi, tôi cứ đi. Đường phố đã đông nghẹt người. Xe cộ không chạy nổi. Người và cờ. Tự nhiên, trời lất phất mưa. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Dần:
Tôi đi không thấy phố, thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên nền cờ đỏ
Mấy câu thơ này rất hợp với tâm trạng của tôi chiều 30 tháng 4. Tôi đi, không thấy gì cả, ngoài cờ đỏ sao vàng, cờ trên đỏ dưới xanh giữa sao vàng dưới ánh đèn hiu hắt và trong bụi mưa ảm đạm. Tôi đi, không nghe thấy gì cả, ngoài tiếng hoan hô cách mạng điên cuồng. Tôi đi giữa cảnh đổi đời oan nghiệt. Ai đã đi như tôi? Ai đã thấy như tôi? Ai đã nghe như tôi? Nếu người ta đã thấy đã nghe như tôi, người ta sẽ thay đổi hẳn nhân sinh quan khi người ta thoát biển máu, luân lạc phương trời nào đó ngoài nước Việt Nam. Nhưng người ta không thấy, không nghe như tôi đã thấy, đã nghe. Nên cái nhân sinh quan đáng lẽ cần phải được hủy diệt thì nó.lại rực rỡ ánh sáng bần tiện. Và dưới ánh sáng bần tiện ấy, những người tưởng mình hạnh phúc đã trở thành những kẻ bất hạnh nhất. Bất hạnh và nhỏ bé thêm. Đó là những con người không dám thoát ly cái quan niệm sống ích kỷ, thủ lợi, hám hư danh, đố kỵ, gian dối... Ngay cả một số người bị kẹt lại Sài gòn, đã thấy, đã nghe như tôi - những người văn nghệ và tự nhận mình văn nghệ - cũng vẫn loay hoay trong cái nhân sinh quan cũ, thứ nhân sinh quan trải trên chiếu rách ăn mày. Và, hôm nay, trốn thoát sang Hoa Kỳ, họ vẫn thi triển nhân sinh quan hôi hám cũ và cộng thêm tính chất lưu manh họ tiếp thu của cộng sản Nếu Như văn úy là tên đã biết khai thác cái miệng của mình để thành dân biểu to mồm - tuy rất rỗng và ngu dốt - của chế độ Nguyễn văn Thiệu thì, ít ra, sau nó, khối kẻ đã làm sáng danh nó bằng cái miệng lớn hơn khỏa lấp thiên hạ. Để phô diễn "tài năng" chính trị, văn hóa. Hình như, ít ai suy nghĩ về hai tiếng đổi đời của cộng sản. Vậy thì một mình tôi đi...
Không thấy phố, thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên nền cờ đỏ...
***
Rồi tôi cũng mua được hai chai Courvoisier. Trên đường về nhà, bất ngờ tôi gặp Phan Kim Thịnh, chủ nhiệm tạp chí Văn Học. Xuất thân của ông chủ nhiệm họ Phan từ chân tùy phái của tạp chí Quê Hương. Tạp chí Quê Hương do ông Nguyễn Cao Hách đứng tên chủ nhiệm, quy tụ nhiều trí thức khoa bảng khuất thân chế độ Ngô Đình Diệm. Tạp chí Quê Hương nhận tài trợ của Sở nghiên cứu chính trị. Phan Kim Thịnh là mật vụ thứ yếu của Sở nghiên cứu chính trị được biệt phái "nằm" ở Quê Hương, giữ chức loong toong khiêm tốn để theo rõi sinh hoạt của tòa soạn Quê Hương. Thời ông Diệm, các nhật báo đều có người của Sở nghiên cứu chính trị "nằm" cả. Các "người" này, đa số là nhà văn, nhà báo có danh. Do đó, dưới chế độ ông Diệm không có nạn "tự ý đục bỏ" và "tịch thu bừa bãi". Riêng tạp chí Quê Hương, Sở nghiên cứu chính trị đã tỏ ra khôn ngoan, chỉ "cài" chân tùy phái sai vặt. Khoảng năm 1962, tùy phái Phan Kim Thịnh rầm rộ quảng cáo tạp chí Văn Học do ông ta làm chủ nhiệm. Xuất bản báo có nghị định của nhà nước vào thời kỳ này rất khó. Phan Kim Thịnh đã "vượt" khó, vì là người của Sở nghiên cứu chính trị. Với chủ bút Dương Kiền, mấy số đầu Văn Học thật giá trị. Về sau, Dương Kiền thành luật sư, bỏ chức chủ bút. Văn Học xuống dốc từ chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Năm 1968, Phan Kim Thịnh sang Gia Định làm phụ tá cho cò Tùy ở Ty cảnh sát. Tạp chí Văn Học ra số đực, số cái.
Phan Kim Thịnh luôn luôn để lộ sự hèn mọn của mình khi ông ta tiếp xúc với các nhà văn, nhà báo. Bà cụ thân sinh của ông quét dọn sân trường Régina Mundi. Ông thân sinh của ông bán hình Chúa, tượng Chúa, sâu chuỗi, sách kinh ở cửa nhà thờ Đức Bà. ông ta sống như những người cần cù làm ăn và ai cũng hiểu ông ta là mật vụ trốn lính. Bất ngờ, tối nay, tôi gặp chủ nhiệm Văn Học trên vỉa hè Hai Bà Trưng. ông ta mặc bộ quần áo xuềnh xoàng, chân diện giép râu, đầu đội nón tai bèo, vai đeo cái xặc cột vải Phan Kim Thịnh vỗ vai tôi:
- Đi đâu đấy, ông Duyên Anh?
Tôi không trả lời mà hỏi:
- Thay đổi lẹ thế?
Phan Kim Thịnh cười:
- Rồi sẽ thay đổi hết.,
Nhìn hai chai rượu kẹp nách tôi, ông ta nói:
- Uống tiêu sầu à?
Tôi đáp:
- Uống mừng cách mạng.
Tôi hất đầu:
- Mua mũ và giép ở đâu vậy?
Phan Kim Thịnh nhún vai:
- Ông về nhà ông uống rượu đi. Nhớ đừng say sưa. Sáng mai gặp nhau ở Trung tâm Văn Bút.
- Tôi sợ khó gặp ông.
- Tại sao?
- Vì tôi sắp bị liệng vào biển máu.
- Ai bảo thế?
- Mỹ.
- Mỹ cút rồi. Cách mạng đại xá, đại đại xá. Tôi quả quyết không một nhà văn, nhà báo nào bị trả nợ máu cả. Rồi Huy Cận sẽ đến tận nhà ông tìm ông.
- Ông lấy tư cách gì mà quả quyết?
- A, à... Khó nói lắm. Thôi, chia tay nhé!
Phan Kim Thịnh rảo bước. Tôi ngơ ngác. Chưa bao giờ tôi đánh giá Phan Kim Thịnh là một tên nằm vùng. Trời ơi, chúng ta đã có Phan Kim Thịnh nằm ở Sở nghiên cứu chính trị và Huỳnh văn Trọng nằm ở Dinh Độc Lập?
CHÂN DUNG MỘT TÊN NẰM VÙNG THƯỢNG THẶNG
Vũ Hạnh là một tên nằm vùng bị cháy. Vì cả nước đều rõ. Chỉ riêng linh mục Thanh Lãng không thèm rõ, không thích rõ nên ông ta mới cứu Vũ Hạnh ra khỏi Tổng nha cảnh sát quốc gia, cam kết với ông Nguyễn văn Thiệu và cho Vũ Hạnh làm việc tại Trung tâm Văn Bút Việt Nam, đường Đoàn thị Điểm. Trước khi bị cháy, Vũ Hạnh hoạt động ra sao?
Nó chỉ viết truyện đường rừng. Từ Mùa xuân trên đỉnh non cao đến Lửa rừng của nó, toàn là truyện vô tội vạ Nó tinh quái, biết ngụy trang bằng cách miêu tả những nhân vật vô sản của nó như hạng người bần tiện. Chưa hề thấy Vũ Hạnh đề cao một nhân vật vô sản chính thống nào trong sách của nó cả. Đi từng bước, Vũ Hạnh viết ngôi trường đi xuống rồi Con chó liêm sỉ, nó hơi hơi lộ văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng không mấy ai chú ý. Vì nó viết không hấp dẫn, ít người đọc nó. Vũ Hạnh không có tài lôi cuốn độc giả. Hà Nội đã sai lầm xử dụng nó và tưởng nó có thể thao túng văn nghệ Sài gòn. Thất bại sáng tác, Hà Nội chỉ thị Vũ Hạnh phê bình văn học. Nó dùng tạp chí Bách Khoa, phê bình văn nghệ với bút hiệu Phương Thảo. Cô Phương Thảo dịch sách Người Việt cao quý của nhà văn Y đại lợi. Rõ ràng dụng ý đạo đức dân tộc của nó. Nó đã thành công ngay khi nó phê bình một bà vợ ông chủ đồn điền ở Blao hám danh nhà văn. Bà này (tôi quên tên rồi) xuất bản tập truyện ngắn. Bất hạnh cho bà ta là có một truyện "thuổng" nguyên con của Vũ Hạnh. Cô Phương Thảo khám phá ra. Bà nhà văn chủ đồn điền đành "cáo lỗi". Từ đó, văn học Việt Nam mất một tài năng. Vì bà nhà văn "đạo văn ' không bao giờ viết nữa. Tất cả những bài phê bình văn nghệ của Vũ Hạnh đều đặt nặng vấn đề đạo đức văn chương, thứ đạo đức giả hình mác xít. Vũ Hạnh nhắm đối tượng mà phê bình.
Những năm 65, 66, 67, là những năm cực thịnh của nhật báo Sống và Chu Tử. Báo Sống chống cộng rất hỗn và rất ngoạn mục. Báo Sống nhiều độc giả nhất nước. Báo Sống lố bịch hóa lãnh tụ cộng sản. Báo Sống bảo "Hồ chủ tịch làm thơ như cục kít". Đảng cộng sản điên lên, chỉ thị cho Vũ Hạnh nhằm những điềm vô luân trong tiểu thuyết của Chu Tử mà đánh. Vũ Hạnh đánh luôn Lê Xuyên về phương diện dâm đãng. Đảng cộng sản lầm lẫn tai hại. Là đụng vào... báo phiệt, đụng vào thần tượng. Kết quả, Vũ Hạnh bị cháy, hết dở trò, kéo theo sự lộ hình của Lương thịt chó nằm ở Đài phát thanh Sài gòn và hai tờ báo thân cộng bị đóng cửa.
Thái Bạch là tên nằm vùng bị cháy. Ít ai dám nghĩ Thái Bạch nằm vùng, trừ ông tướng Nguyễn Ngọc Loan. Cảnh sát đặc biệt bắt nhốt Thái Bạch. Chủ nhiệm nhật báo Xây Dựng là linh mục (lại linh mục?) Nguyễn Quang Lãm xin ông tướng Loan thả Thái Bạch ra. Ông tướng Loan nể tình linh mục Lãm bèn thả Thái Bạch ra.
Ít ai dám nghĩ Thái Bạch nằm vùng. Tại sao thế? Vì vóc dáng và diện mạo của nó như con gà mái ướt. Nó mặc quần ống thấp ống cao, môi dề ra, mắt lơ láo. Nó "chuyên trị" ca dao miền Nam và luận cổ suy kim. Tôi làm việc chung với nó khá lâu ở toà soạn Xây Dựng mà cũng không biết nó nằm vùng. Ngày nó bị bắt, tôi tưởng nó bị bắt oan. Ngày nó được tha, tôi ngồi ăn ở quán Ngọc Hương, đường Gia Long, thấy nó thất thểu trên vỉa hè.
Tôi gọi nó lại:
- Thái Bạch!
Nó vào quán.
- Anh đi đâu vậy?
- Đi đòi tiền nhuận bút.
- Ăn uống cái gì đã.
- Tôi phải đi ngay, vì nó thất hẹn ba lần rồi, lần này bảo trả nhưng bắt đến đúng giờ.
- Bao nhiêu?
- Có tám trăm.
Thái Bạch nghèo nàn và thường tỏ ra hèn hạ.
- Ngồi xuống ăn một đĩa bánh cuốn, rồi tôi tặng anh một ngàn.
Thái Bạch ngoan ngoãn ăn bánh cuốn, ngoan ngoãn nhận một ngàn. Sau 30-4 một tuần lễ, văn nghệ sĩ phải đăng ký địa chỉ ở Tòa đại sứ Đại Hàn, đường Nguyễn Du. Tôi gặp Thái Bạch đeo súng lục, ngời bàn giấy oai vệ lắm. Nó đã quên đĩa bánh cuốn và ngàn bạc của tôi. Nó không còn tỏ ra hèn hạ nữa. Nó đã là... cách mạng! Bấy giờ tôi mới biết nó nằm vùng.
Những thằng nằm vùng lõa lồ như Thế Nguyên, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, không có gì đáng nguy hiểm cả. Vì chúng nó chỉ biết đi về một phía và húc đầu vào một phía. Thằng nằm vùng tôi sắp kể là thằng nằm vùng thượng thặng. Nó là biểu tượng của bọn cộng sản nằm vùng nên tôi không nêu đích danh. Có thể, nó vừa mới ăn phở với bạn ở California, vừa uống bia với bạn ở Stuttgart, vừa nhâm nhi cà phê với bạn ở Paris. Cũng có thể, nó vừa phẫn nộ, rất phẫn nộ chuyện bạn bị chụp mũ cộng sản và xui bạn nộp đơn kiện kẻ chụp mũ bạn. Và, rất có thể, nó đang điều khiển một cơ sở truyền thông chửi cộng sản vung xích chó. Tại sao kỳ vậy? A, xin bạn nhớ giùm câu này "Cứu cánh biện minh cho phương tiện". Đó là bí kíp... nằm vùng?
Thằng nằm vùng này, ta tạm đặt tên nó là Biểu Tượng, hành tung bí mật lắm. Biểu Tượng không thèm biết trường Bộ Binh Thủ Đức, dù nó tốt nghiệp đại học. Người ta mơ hồ hiểu rằng nó làm việc cho CIA. Hôm nay, ta gặp nó ra vào Juspao, ngày mai, ta gặp nó lởn vởn trong sân Usis. Khi nó tới Ấn Quang, khi nó lui Việt Nam quốc tự Buổi sáng nó ở báo đối lập, buổi chiều nó ở báo thân chính quyền. Nó quen với linh mục Hoàng Quỳnh, quen luôn thượng toạ Trí Quang. Sinh hoạt phát triển học đường, nó dính một tí. Du ca nó dính một tí. Phong trào bài trừ tham nhũng, nó dính một tí. Nó giao du đủ mặt nghệ sĩ lớn, nhỏ, đủ ngành sáng tác, trình diễn. Chẳng ai biết chỗ làm cố định của nó và lương bổng của nó. Bề ngoài, nó sống giản dị, không mất lòng ai, không hề tham vọng làm lớn. Nó thường ngồi đấu láo với Phạm Xuân Ẩn, Ngô Công Đức, Võ Long Triều và cả Cao Dao, Chu Tử, Mặc Thu, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hạnh...
Biểu Tượng chống Mỹ, chống Cộng hơn bất cứ ai chống Mỹ, chống Cộng. Đạo đức của nó vút lên Bắc đẩu. Tinh thần dân tộc của nó nặng như Thái sơn. Nó hoan hô tất cả những người chống Cộng quá khích, cổ võ Mặt trận kháng chiến HCM, khích lệ người quốc gia chụp mũ cộng sản lên đầu người quốc gia rồi xui kẻ bị chụp mũ kiện cáo. Đòn kiện ép-phê mạnh. Người quốc gia hết dám tố cáo cộng sản. Đòn chụp mũ cũng ép-phê mạnh. Hai tiếng cộng sản bị vô hiệu hóa. Riết rồi cộng sản chính cống và quốc gia bị chụp mũ cộng sản bình đẵng và hóa nhàm. Biểu Tượng rất ngại chức vụ. Nó sợ chường mặt. Nó khoái làm con bài chưa chia, con bài còn nằm trong bó bài bầy bán ở tiệm chạp phô. Nếu Biểu Tượng nuôi tham vọng thì tham vọng của nó là quy tụ các danh sĩ dưới trướng nó. Nó sẽ ban phát cơ hội tiến thân rồi đẩy danh sĩ vào quỹ đạo của nó.
Như Thái Bạch chỉ nói về ca dao miền Nam, chỉ luận cổ suy kim; như Vũ Hạnh chỉ viết truyện đường rừng, chỉ phê bình đạo đức văn chương; như Thế Nguyên chỉ đặt vấn đề lương thiện của người cầm bút, Biểu Tượng khoái viết về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi y hệt cộng sản Hà Nội hăng say ca ngợi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, làm như là quốc gia không biết đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi. Có kẻ nói: Cộng sản bốc Nguyễn Trãi lên chín tầng mây, thiếu một điều quật mả Nguyễn Trãi, dựng ngài đứng dậy, thấy tay trái ngài cầm Gia huấn ca, tay phải ngài cầm Lê-nin toàn tập! Biểu Tượng ca ngợi Nguyễn Trái, Nguyễn Du theo "chỉ đạo" của cộng sản. Nó dân tộc quá. Ai bảo nó cộng sản nằm vùng, nó sẽ kiện. Hoặc nó lôi CIA ra hù.
Này anh Biểu Tượng và các anh Biểu Tượng? Người quốc gia không mù, không điếc, không câm và không biết sợ hãi. Trần Dần đã viết:
Tôi chửa khi nào quên táo bạo
Chửa khi nào quên hát, quên đau
Chúng tôi cũng thế. Sở dĩ tôi chưa đánh anh là vì anh chưa dở trò cụ thể. Vậy đó. Anh đừng quên chúng tôi đã nhận diện anh.

CHƯƠNG 10
21 giờ. Tôi đứng vỉa hè Công Lý số chẵn nhìn sang nhà tôi. Đặng Xuân Côn đợi tôi trước cổng. Con đường Công Lý như con đường Hai Bà Trưng, như tất cả những con đường của Sài gòn, cuồn cuộn sóng người. Người người, lớp lớp. Phải nói lớp lớp người, lớp lớp cờ, lớp lớp khẩu hiệu. Không phải là sự sách động ngoạn mục của cộng sản đâu. Cũng không phải là sự tình nguyện hoan hô cách mạng vô sản đâu. Mà chỉ là lời hăm doạ biển máu của người Mỹ vất lại, trước khi họ cuốn cờ cút chạy. Người Mỹ thí quân dân ta khá nhiều. Người Mỹ bỏ ngỏ Mậu Thân cho cộng sản tiêu diệt quân dân ta, cho những nấm mồ chôn sống tập thể ở Huế. Người Mỹ đẩy quân ta sang Hạ Lào cho một chiến trường đợi sẵn của cộng sản để quân ta thảm bại. Người Mỹ oanh kích tự do như khai phóng tự do, dân chủ xuống những vùng nông thôn khó kiểm soát an ninh. Người Mỹ thả bom CBU thí nghiệm lương tâm dân tộc Mỹ và lương tâm nhân loại. Chẳng có phản ứng gì? Người Mỹ dọa biển máu, tặng cộng sản một cuộc tiếp rước linh đình của dân miền Nam. Và, một số người Việt Nam lý luận rằng, nhờ Mỹ dọa biển máu mà cộng sản không dám chơi biển máu. Người ta không chịu hiểu rằng thời đại của tàn sát đã cáo chung. Biển máu của Mỹ chỉ nhắm mục đích khiến chúng ta sợ hãi tìm lối thoát thân để quên hết chuyện kết đoàn chiến đấu ngăn chặn cộng sản. Và rồi, vì sợ hãi biển máu, dân Sài gòn cam đành ra đường phố hoan hô cộng sản. Chẳng còn nỗi đau đớn nào hơn nỗi đau đớn mỉm cười hoan hô cộng sản trong cảnh huống rụng rời sợ hãi. Con người có khôn lớn chút nào từ nỗi đau đớn này không nhỉ?
Tôi cố lách băng qua đường. Không còn chỗ cho xe đạp lưu thông nữa. Cũng không thấy bóng dáng bộ đội miền Bắc và giải phóng quân miền Nam trong người người, lớp lớp. Toàn là dân Sài gòn. Đủ mọi thành phần. Cỏ đuôi chó và bọn nằm vùng, tay đeo băng đỏ, điều khiển an ninh, trật tự. Tôi vất vả lắm mới len tới cổng nhà mình, hai chai rượu còn nguyên. '
- Mày đi lâu thế? Côn hỏi.
- Gặp thằng Thế Phong, ăn tô mì, uống chai bia. Tôi đáp.
- Bình yên.
- Bình yên cái gì?
- Chưa có dấu hiệu hỏi thăm mày.
- Đêm nay sẽ có.
Tôi nhìn hai lá cờ giấy dán trên hai cánh cổng sắt, ngao ngán:
- Ai dán cờ?
Côn thở dài:
- Cu Tý và con Ki.
Côn nói:
- Thằng Bảo và thằng Thân đang núp ở trong nhà.
Bảo và Thân là hai đứa em kết nghĩa của tôi. Bảo, thiếu úy bộ binh. Thân, trung sĩ thủy quân lục chiến. Chúng tôi vào nhà. Thảm cảnh đầu tiên trong nhà tôi lúc 21 giờ 10 phút là vợ tôi cầm lá cờ quốc gia, lá cờ vàng ba sọc đỏ đứng khóc. Tay vợ tôi run rẩy. Nàng nức nở:
- Làm sao bố?.
- Cái gì?
- Cái cờ.
- Em gấp lại, cất vào tủ quần áo.
- Nhỡ nó xét nhà?.
-Thế thì em xé đi, đốt đi, liệng ra đường.
- Không được.
- Vậy gấp lại, cất đi.
Giữa lúc đó, thiếu úy Bảo từ trong buồng bước ra, ôm chặt lấy tôi:
- Em lạy anh, anh cứu em, anh cứu em...
Tôi xoa lưng người em kết nghĩa:
- Anh không cứu nổi anh, cứu em sao được.
- Vậy em trốn đâu?
- Em cứ ở đây với anh rồi cùng chết với anh.
Tôi trấn an Bảo:
- Cả nước sắp chết. Anh em mình sống với ai. Có rượu đây, anh em mình ngồi uống chờ chết.
Trung sĩ Thân đã lò dò ra:
- Anh nói đúng.
Tôi lắc đầu:
- Anh sai lớn. Đáng lẽ các em phải bám sát bọn tướng lãnh đào ngũ mà chạy. Thì giờ này các em đang ở đảo Guam tội nghiệp anh. Nhưng các em đã can đảm chiến đấu đến phút chót, cũng nên can đảm đến phút chết. Ai mà không sợ chết, song nếu biết mình phải chết, hãy chọn thái độ chết. Đừng chết sảng.
Bảo hỏi:
- Anh nói mình thoát chết?
Tôi đáp:
- Anh nói mình chờ chết. Người khôn ngoan là người biết chờ đợi.
Vợ tôi đã gấp xong lá cờ. Tôi bảo nàng dọn cơm cho anh em tôi rồi đưa trẻ con vào hết trong phòng ngủ. Gia đình Đặng Xuân Côn ở lại với chúng tôi. ăn qua loa cho xong bữa, bốn chúng tôi rời bàn ăn tới xa-lông uống rượu, hút thuốc lá. Dù đã đóng chặt cửa, âm thanh hỗn loạn bên ngoài vẫn lọt vào. Chúng tôi uống Cognac không đá, không soda. Tôi đã tắt đèn để khỏi nhìn nhau. Đốm lửa đỏ đầu điếu thuốc, mỗi khi rít, chẳng đủ soi rõ khuôn mặt méo mó của từng người. Im lặng trong chúng tôi Tôi nghĩ đến Bảo. Nó không cha mẹ, không anh em như tôi. Nó tìm tôi bằng tiểu thuyết của tôi, yêu tôi như yêu nhân vật chú Nghị ở Con sáo của em tôi và ông Nghị thầy tuồng ở Mây mùa thu. Năm 1968, khi tôi viết về một ca khúc chống phản chiến Mỹ của một nhạc sĩ Mỹ, Bảo thích lắm. Bài hát thịnh hành ở Mỹ thời đó, có đoạn:
Bố yêu nước Mỹ như yêu con
Nếu con xé bỏ thẻ quân dịch
Con đã xé bỏ nước mỹ
và con đã xé bỏ tình yêu của bố cho con....
Năm 1971, vì không chấp nhận thái độ phản chiến trốn lính của bọn sinh viên thân cộng, cũng bầy trò đốt lệnh trưng binh, Bảo bỏ ngang đại học tình nguyện nhập ngũ. Nó thích làm lính chiến. Bao nhiêu tuổi trẻ miền Nam đã như Bảo và đã, hôm nay, vất bỏ quân trang, quân dụng, võ khí, chạy về nhà tìm chỗ nấp? Tôi nghĩ đến Thân. Nó kết nghĩa anh em với tôi vì mê nhân vật Trần Đại ở Điệu ru nước mắt. Thân đăng lính thủy quân lục chiến, chọn quốc gia làm lý tưởng. Nó yêu lý tưởng quốc gia đến nỗi xâm ở cánh tay mình hai chữ Sát cộng trên da thịt mình. Tôi nghĩ đến những người lính hiên ngang và chung thủy của quân lực Việt Nam cộng hòa, đã phẫn nộ buông súng, lột bỏ chiến bào chạy về nhà mình như những kẻ chiến bại thê thảm. Những con người không biết sợ chết ngoài sa trường ấy, giờ này, đang ngồi núp xó nhà, rên rỉ vết thương tươi rói. Và nước mắt của mẹ họ, của vợ họ, của con họ tưới xuống vết thương làm xót xa thêm. Người ta sẽ diễn tả thế nào về những tiếng khóc, tiếng rên rỉ trong bóng tối của kẻ thua trận và thân nhân họ? Ai đã được nghe những tiếng khóc và tiếng rên rỉ đó? Chưa đủ não lòng, tiếng loa bên ngoài còn vọng vào, réo gọi, răn đe. "Ngày mai, 1 tháng 5, mọi người, mọi nhà, bất kể ai, phải tập họp ở khu phố để đi mít-tinh chào mừng cách mạng thành công"! Này người may mắn di tản trước 30-4-1975, người suy nghĩ gì về tiếng khóc, tiếng rên rỉ, và tiếng loa réo gọi? Này, người tướng đào ngũ trước 30-4-1975, người suy nghĩ gì về tiếng khóc, tiếng rên rỉ và tiếng loa réo gọi? Này, người chính khách, người nghị sĩ, người dân biểu, người trí thức khoa bảng may mắn di tản trước 30-4-1975, người suy nghĩ gì về tiếng khóc, tiếng rên rỉ và tiếng loa réo gọi? Vết thương vẫn còn tươi rói. Xin hãy để chúng tôi ngồi liếm vết thương trong cô đơn. Xin đừng rắc muối, vắt chanh xuống vết thương của chúng tôi bằng những hô hoán vô tích sự. Người ta chỉ biết chiến đấu, chỉ dám chiến đấu với điều kiện tiên quyết:
Chửa khi nào quên táo bạo
Chửa khi nào quên hát, quên đau
Những kẻ đào ngũ, đào nhiệm, chạy trốn là những kẻ chưa một lần táo bạo để quên, chưa một lần hát, chưa một lần dám thử đau đớn. Thì chiến đấu của họ chỉ là chiến đấu giả. Tổ quốc và dân tộc Việt Nam triền miên bất hạnh đã chán chường những cuộc chiến đấu giả. Hãy chiến đấu thật? Bằng không dám thì nên im lặng. Để tiếng khóc, tiếng rên rỉ và tiếng loa réo gọi nguyên vẹn cảm xúc và phẫn nộ.
TƯỞNG TƯỢNG RA TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM XÂM TAY HAI CHỮ SÁT CỘNG
Anh ta ngồi trước bếp than. Con dao nung trong đó. Người lính Việt Nam đã lột bỏ chiến bào, quăng vũ khí, liệng quân trang xuống vỉa hè sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. Anh ta trở về nhà mình lúc hoàng hôn thoi thóp. Mẹ anh ta ôm anh ta khóc tức tưởi.
- Thua trận hả, con?
Người lính nghẹn ngào:
- Vâng, thua trận!.
- Rồi có sao không?
- Con chưa biết!
Người lính buồn bã, mệt mỏi. Anh ta không thể giải thích cho mẹ hiểu anh không hề thua trận, quân đội Việt Nam cộng hòa không hề thua trận. Mỹ thua trận giả vờ. Bọn tướng lãnh ngu dốt thua trận thật. Lũ thống trị tham nhũng thua trận thật. Chúng nó cút và đào ngũ, đào nhiệm cả rồi. Chỉ còn anh và chiến hữu anh chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Anh đầu hàng theo lệnh của Tổng tư lệnh quân lực Dương văn Minh. Vì anh là lính tôn trọng kỷ luật. Mẹ anh an ủi anh rồi để anh một mình ngồi góc phòng ve vuốt vết thương đời.
Người lính mân mê cánh tay mình. Anh ta quyết định xuống bếp nhóm than. Và nung con dao. ánh lửa soi rõ hai chữ Sát cộng trên da thịt anh. Nó nổi bật như chữ đắp. Anh nhìn hai chữ Sát cộng, ôn lại chuyện hai mươi năm...
***
Người Mỹ hiện diện ở Việt Nam với chiêu bài khai phóng tự đo, dân chủ cho một dân tộc kém mở mang. Đó là chiêu thức đầu tiên của ngụy quân tử Hoa-kỳ trong chính sách tân biên cương. Theo tiếng trống thúc dục của Kennedy, tuổi trẻ Việt Nam phấn khởi xây dựng đất nước mình. Muốn hưởng tự do, dân chủ phải bảo vệ tự do, dân chủ. Chống cộng sản được nâng lên hàng quốc sách. Lý tưởng quốc gia là chống cộng sản. Đơn giản lắm. Ngụy quân tử Hoa-kỳ tung ra các khẩu hiệu phó thác sự nghiệp chống cộng cho Nam Việt Nam. "Nam Việt Nam là thành trì bảo vệ tự do của Đông Nam Á." "Nam Việt Nam là tiền đồn bảo vệ thế giới tự do"... Nghe sướng tai. Chủ tịch Liên minh á Châu chống cộng là người Việt Nam. Dân Việt Nam nức lòng chống cộng cho Thái Lan, Mã Lai hòa bình và mở mang đất nước, phát triển kinh tế. Ngụy quân tử Hoa-kỳ sát hại anh em Ngô Đình Diệm để sự nghiệp chống cộng vẻ vang hơn. Quân Mỹ sang ầm ầm. Chiến tranh leo thang. Nông thôn mất gần hết. Bắc tiến xôm tụ. Bắc phạt inh ỏi. Người lính Việt Nam chỉ biết tổ quốc mình, dân tộc mình, không thèm hiểu âm mưu của ngụy quân tử Hoa-kỳ và đám tướng lãnh thống trị cầy cáo. Noi gương người xưa xâm lên tay hai chữ Sát thát, anh ta cũng xâm lên tay hai chữ Sát cộng, thề vì nước vì dân tiêu diệt cộng sản để bảo vệ tự do, dân chủ và hạnh phúc cho giống nòi. Trung thành với lý tưởng quốc gia, người lính đã xông pha vào chiến trận, coi cái chết tựa lông hồng.
***
Con dao đã đỏ. Người lính nhấc ra. Anh ta định đốt da thịt để tiêu hủy hai chữ Sát cộng. Nghĩ sao, anh ta lại đút con dao vào bếp. Anh ta tự hỏi: Có ông tổng thống Mỹ nào đã xâm tay hai chữ Sát cộng; có ông nghị sĩ, dân biểu diều hâu nào đã xâm tay hai chữ Sát cộng (Tôi có thể trả lời anh ta rằng không). Anh ta lại tự hỏi: Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Cao văn Viên, Đặng văn Quang, Trần Thiện Khiêm và các tướng lãnh có xâm tay hai chữ Sát cộng không nhỉ? (Tôi có thể trả lời anh ta rằng không). Người lính phân vân một lúc rồi lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp, mình chống cộng thật. Chúng nó chống cộng giả vờ!
Người lính Việt Nam cộng hòa anh dũng rút con dao đã nung đỏ ra. Anh ta nhúng con dao vào chậu nước. Tiếng xèo kéo dài. Nước sủi bọt. Anh ta đứng dậy, đứng thẳng. Anh ta mân mê hai chữ Sát cộng. Đôi mắt rực sáng, anh ta sảng khoái:
- Dẫu sao, mình vẫn chống cộng, mãi mãi chống cộng. Ta cần cho kẻ thù nhìn rõ Sát cộng trên tay ta.

1      2      3      4      KỲ CUỐI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét