10 giờ 40, mười phút sau lệnh đầu hàng cộng
sản của Dương văn Minh, Đặng Xuân Côn và tôi ra vỉa hè trước cửa nhìn Sài gòn
chờ đợi cộng sản vào. Tại sao chưa đánh đã đầu hàng? Tôi nghe rõ câu hỏi nghẹn
ngào đó trong những ánh mắt ngơ ngác của người Sài gòn quanh tôi. Trời hết âm
u, nhưng vẫn chưa có nắng. Vẫn thiếu nắng vàng rực rỡ. Dân Xóm Lách kéo lên. Lề
đường Công Lý, gần nhà tôi đông nghẹt. Dẫu lòng ngổn ngang bối rối, tôi còn
chút hạnh phúc trên những khuôn mặt buồn bã của đám dân "vô sản" Xóm
Lách. Không một nụ cười. Khó tìm ra niềm hân hoan. Ngay cả những người đã truy
nã kỹ thân phận mình, sự nghiệp của mình ròng rã hai mươi năm Việt Nam cộng
hòa, thấy chẳng dính líu gì tới "nợ máu" với cộng sản, cũng hồi hộp
vì "biển máu." Chưa bao giờ tôi thấy, kể từ nhận Sài gòn làm quê
hương, một cảnh tượng Sài gòn não nề đến thế. Tôi có cảm tưởng Sài gòn đang sợ
hãi cơ hồ tôi đang sợ hãi, cơ hồ mọi người đang sợ hãi. Xe cộ ngưng chạy. Những
gia đình có "máu mặt" rút hết vào nhà. Cổng đóng kín mít. Cửa sổ gác
cao he hé mở. Ai đã nhìn tôi qua ô cửa kính mắt lệ mờ?
Tôi sinh ra ở miền Bắc, thị xã nhỏ bé, êm đềm
Thái Bình. ấu thơ của tôi, trải dọc theo hàng cây hồi thấp và vương vấn cùng
khắp cầu Bo. Niên thiếu của tôi lãng đãng vùng trời Hà Nội. Tôi khôn lớn ở Sài
gòn. Sài gòn cho tôi những bước xuống đời cay đắng để tôi làm cuộc đời tôi Sài
gòn cho tôi tình yêu, cho tôi thi ca, cho tôi tiểu thuyết. Công sinh không nặng
bằng công dưỡng. Sài gòn đã nuôi dưỡng tôi. Sài gòn là mẹ tôi. Mẹ Sài gòn săn
sóc tôi hai mươi năm. Tôi đã làm gì cho Sài gòn? Đã làm gì, vẫn chưa đủ, vẫn
chỉ mới là cái hữu hạn trong cái vô hạn. Bây giờ, đứa con phóng đãng ôm ghì mẹ
mình bằng đôi tay rời rã, nước mắt ròng ròng. Đứa con bất lực, đứa con hèn hạ,
đứa con khiếp nhược, đứa con mải rong chơi nỡ để mẹ mình lạc vào tay thù. Mà
chỉ biết khóc. Mà chỉ rên rỉ Mà chỉ luyến tiếc hàng me xanh, ghế đá công viên
và những cuộc tình phù phiếm. Tôi hiểu những giọt nước mắt của tôi vô nghĩa,
chẳng dám khóc, chẳng thiết khóc, mà mắt tôi cứ căng mọng và lệ cứ rơi. Tôi đã
biết khóc vì Sài gòn, vì một thành phố kỷ niệm.
Một toán quân xuất hiện. Quân ta. Tôi đếm: 19
người. Mười chín người lính, mười chín người chiến sĩ, đầu trần, chân đất, quần
xà lỏn, áo thun, máng súng trên vai, mũi chúc xuống, mặt cúi gầm, lầm lũi bước.
Tối hôm qua, tôi đã thấy quân ta ngang qua đây. Quân ta và xe tăng. Hình ảnh
người lính sửa xích tăng đã in vào tiềm thức tôi. Tối hôm qua, tôi đã thấy
tướng Vĩnh Lộc chủ chiến. 10 giờ 30 hôm nay, tôi nghe Dương văn Minh đọc lệnh
đầu hàng. Và, sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh, tôi lặng người ngắm toán
quân chiến bại. Cảm giác đầu tiên của tôi là ngậm ngùi. Tôi nhớ một câu thơ của
Corneille: "ô cruel souvenir de ma gloire passée" mà Thế Lữ cảm hứng
viết: "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu? Thời oanh liệt đâu? Những
chiến tích rực rỡ dội vang sông núi của quân lực Việt Nam cộng hòa, những chiến
tích làm bàng hoàng thế giới, làm vỡ mộng xâm lược của cộng sản, nay còn đâu?
Tôi không bao giờ quên người Do Thái đã bầy tỏ công khai với nhân loại rằng, họ
mơ thành người An Lộc. Tôi vốn không ưa các chế độ, các nhà lãnh đạo, một số
tướng lãnh bất tài vô học, tham nhũng của miền Nam sau 1963, nhưng, luôn luôn,
tôi yêu mến và cảm phục quân đội. Chế độ đã xóa bỏ chế độ, lãnh đạo đã hạ bệ
lãnh đạo, quân đội tồn tại như quê hương. Bởi vì quân đội bảo vệ quê hương.
Quân đội không phải là công cụ riêng của chế độ, của lãnh tụ. Một số tướng lãnh
hèn mạt, vì quyền lợi cá nhân, vì địa vị khốn kiếp, đã bán mình cho chế độ, cho
lãnh tụ để bán xương máu của quân đội và làm nhạt nhòa cái kiêu sa của người
lính. Kẻ bán xương máu của lính nhiều nhất, kẻ dùng quân đội làm thang lưng leo
lên danh vọng là Nguyễn văn Thiệu.
Bây giờ, Thiệu đã bỏ đi. Cao văn Viên đã bỏ
đi. Vô số tướng lãnh đã đào ngũ chạy trốn. Dương văn Minh đã đầu hàng. Quân đội
tiếp tục chiến đấu. Quân đội sẽ tiếp tục chiến đấu, nếu Dương văn Minh không
hám cái hư vị "tổng thống miền Nam trung lập" đến nỗi thỏa hiệp với
cộng sản. Tham vọng bằn tiện của Dương văn Minh còn là tham vọng của vài ông
tướng, vài ông nghi sĩ, vài ông dân biểu "nhất định" ở lại làm Tổng
trưởng. Bùi Tường Huân là một thí dụ. Những người khác đã đi học tập cải tạo,
đã vượt biên sang âu châu, Mỹ châu thì xin miễn kể tên, sợ mất ép-phê chống
cộng của quý vị ấy.
Thế giới đã thiếu sự công bình tối thiểu để
khắc nghiệt lên án sự tan hàng bệ rạc của quân đội ta. Họ không thèm quan tâm
tới sự tôn trọng kỷ luật tối đa của quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân đội không
tuân lệnh đầu hàng của Dương văn Minh mà tuân lệnh đầu hàng của vị Tổng thống
nước Việt Nam cộng hòa kiêm Tổng tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân đội
nước nào cũng thế cả, trừ trường hợp người ta làm cách mạng, làm đảo chính lật
đổ Tổng thống. Tôi yêu quân đội của đất nước tôi. Tôi không xuẩn ngốc phán xét
quân đội. Tôi có bổn phận ngưỡng mộ quân đội quốc gia. Và tôi đau đớn nhìn quân
đội của tôi đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun, máng súng trên vai, mũi
chúc xuống, mặt cúi gằm, lầm lùi bước. ông Nguyễn văn Thiệu không chứng kiến
thảm cảnh này. Các ông tướng đào ngũ không chứng kiến thảm cảnh này. Tôi nghĩ
các ông ấy chẳng nên nói về quân đội, nhắc đến quân đội nữa.
Một bà mẹ hớt hơ hớt hái, từ dốc chợ Xóm Lách,
chạy lên đuổi theo toán quân, (tôi quả quyết quân đội ta không thua trận. Quân
đội ta mãi mãi chiến thắng, mãi mãi anh dũng. Chế độ Nguyễn văn Thiệu thua
trận, các ông tướng đào ngũ thua trận và chính sách Mỹ ở Việt Nam thua trận).
Bà mẹ già ôm chặt lấy một người lính:
- Mày đi đâu nữa con? Sao không về nhà? Hết
chiến tranh rồi, hòa bình rồi. Về thôi, con?
Người lính cố gỡ nhẹ tay mẹ mình ra:
- Con không thể về được. '
Bà mẹ khóc. Bà mẹ khóc tức tưởi:
- Sao vậy? Có lệnh hàng rồi mà.
Người lính lắc đầu:
- Con không thể về được.
Toán quân đã băng qua ngã tư Công Lý - Yên Đổ.
Bà mẹ vẫn níu chặt người con chiến sĩ lại:
- Mày đã đi đánh nhau bao lâu nay, có được
hưởng gì đâu?
Người lính nghẹn ngào:
-Con không thể nào bỏ các bạn con.
Bà mẹ rên rỉ:
-Bỏ hết, bỏ hết đi con, về với má, không sao
đâu.
Người lính gỡ mạnh tay mẹ mình ra:
- Má về đi, con phải theo các bạn con.
Người lính chạy nhanh để bắt kịp các chiến
hữu. Bà mẹ đứng bên đường mắt đẫm lệ, nhìn theo con mình...
***
- Rồi người lính có về không?
Đó là câu hỏi của ký giả Patrick Sabatier của
nhật báo La libération đã đến tận nhà tôi ở Ivry sur Seine phỏng vấn tôi để làm
số báo đặc biệt cho ngày 30-4-1985. Tôi đã kể câu chuyện trên nhằm trả lời câu
hỏi "Điều gì còn làm ông nhớ Sài gòn nhất"?
- Tôi không biết, ông Patrick ạ! Sau 6 năm tù
đầy trở về, tôi hỏi thăm người Xóm Lách, được rõ là bà mẹ còn sống, và người
con vẫn biệt tăm...
- Anh ta đi đâu?
- Tôi nghĩ rằng anh ta đi làm cuộc chiến đấu
mới, không cần viện trợ Mỹ, cố vấn Mỹ và lính Mỹ. Dân tộc tôi cần thiết cuộc
chiến đấu mới mẻ này.
- Tại sao?
- Nó mới đích thực là cuộc chiến đấu của dân
tộc tôi nhằm tiêu diệt chế độ cộng sản, chủ nghĩa cộng sản để giành lại tự do,
dân chủ, độc lập cho Việt Nam. Cuộc chiến đấu mới của dân tộc tôi loại bỏ hết
tay sai của Mỹ, của ngoại bang. Như thể, chúng tôi gọi là một cuộc chiến đấu có
chính nghĩa, tuy cô đơn, lãng mạn nhưng tổ tiên chúng tôi đã lãng mạn, cô đơn
chiến đấu.
-Rất đẹp, rất cao quý.
- Ông ủng hộ cuộc chiến đấu mới của chúng tôi
chứ?
-Vâng, tôi hết lòng.
Số báo đặc biệt của La libération, một tờ báo
khuynh tả, xuất bản ngày 30-4-1985 viết về Việt Nam đã như gáo nước lạnh hắt
vào mặt đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Số báo này có đăng
thêm một đoạn trong bài thơ Sài gòn ra đường của tôi trên trang nhất.
***
19 người lính đi tới đâu, đi về đâu, tôi không
biết. Hình ảnh bi thảm của họ khiến lòng tôi se lại nhưng cũng sưởi ấm tâm hồn
tôi. ít ra, tôi còn được tự hào là người Sài gòn, người miền Nam. 19 người lính
quốc gia đã anh dũng chiến đấu cho tới phút giây nghe lệnh đầu hàng. Vẫn 19
người lính này, biểu tượng của quân lực Việt Nam cộng hòa bất khuất, tháo bỏ
quần áo Mỹ, giầy nón Mỹ, tiếp tục chiến đấu sau lệnh đầu hàng. Tôi đã thèm sống
hèn, càng thèm sống hèn hơn. Để nói lên được cái hào hùng của người lính, cái
tâm sự não nề của người lính, những con người không được phép chiến thắng,
những con người bị tước đoạt quyền chiến thắng cộng sản. Thế giới đã không có
hân hạnh nhìn 19 chiến sĩ Việt Nam. Thế giới đã không có hân hạnh nghe người
lính giã từ mẹ mình lên đường nhập cuộc chiến đấu mới. Thế giới, cái thế giới
mù lòa, điếc, ngọng đã bảo chúng ta thua trận đã miệt thị quân đội chúng ta tan
hàng bệ rạc. Tôi đợi, tôi đã đợi, tôi đang đợi những kẻ tự nhận mình sống hùng
viết những trang tâm sự của người lính sau 30-4-1975.
Thú thật, tôi đã chai lỳ từ dạo cắm sừng nhọn
vào đầu đề đương đầu với cuộc đời và người đời. Thế mà tôi còn khóc được hôm
nay, khóc như kẻ mau nước mắt nhất. Giống hệt người mẹ anh lính, tôi cũng mắt
đẫm lệ nhìn theo anh ta.
- Buồn quá hả, Long? Côn hỏi.
-Buồn hơn một chuyện tình buồn trong tiểu
thuyết. Tôi nói.
-Nếu mày còn sống và có cơ hội viết nhỉ?
- Ở đâu?
-Mỹ.
- Ông mơ mộng hơn cả tôi rồi.
- Sống phút nào mơ mộng phút ấy.
11 giờ, đường Công Lý nườm nượp những người
đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun cắm cúi rảo bước. Nhiều người chạy. Đó
là lính, là sĩ quan của chúng ta. Họ đã liệng súng đạn. Họ về nhà mình, nhà
thân nhân của mình. Khuôn mặt họ, sự sợ hãi pha trộn sự phẫn nộ. Dân chúng hai
bên đường im lặng. Không một nụ cười rè bỉu. Không một ánh mắt khinh khi. Người
ta đã thù ghét chế độ, thù ghét Nguyễn văn Thiệu và tập đoàn thống tri tôi mọi
cùng đám tướng lãnh dốt nát, hống hách nhưng chẳng bao giờ người ta thù ghét
quân đội* . Chỉ thiếu những tiếng hoan hô nồng nhiệt, những tràng pháo tay bất
tận như những lần quân ta chiến thắng sau mỗi chiến dịch trở về thành phố.
Tiếng nhạc quân hành, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay, lúc này, là tiếng vỡ của
trái tim, tiếng nứt của mạch máu, tiếng rơi của nước mắt. Lúc này, cả thành phố
thấy mình chiến bại, cả thành phố chia xẻ nỗi đau chiến bại, bởi vì, những kẻ
đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun là anh, là chồng, là cháu, là em của
người Sài gòn. Của Sài gòn. Có phải khi người ta đã quá sợ chết thì người ta
hết biết mình sợ chết? Tôi bỗng quên nỗi sợ chết của tôi. Hoặc là tôi đã chết
rồi, linh hồn tôi đậu trên chân đất của người lính tìm về nhà mình. Người lính
ấy, hai mươi năm ròng rã đứng giữa biên giới sống chết, hai mươi năm chưa một
lần cúi đầu, nửa tiếng đồng hồ trước vẫn ngẩng mặt và, lúc này... Tôi hết biết
mình sợ chết. Hơn cả thế, tôi biết mình nên sống hèn, không nên sống hùng để
cùng bị chết hèn lãng nhách.
-Côn!
-Hả?
-Ông nhớ sau hôm đảo chính 1945 chứ?
-Nhớ.
-Thực dân Pháp đã chạy dài, đã lột bỏ quần áo,
giày vớ, đã chân đất, đội nón mê cắm cúi bước. Đã bị phát xít Nhật truy lùng.
- Chúng ta đứng bên kia cầu Bo nhìn các ông
Tây kéo xe bò chở đất, các bà Đầm khóc sướt mướt và phát-xít Nhật cười hoan hỉ.
-A, chúng ta đã vỡ lẽ chiến bại và chiến thắng
từ năm mười tuổi.
Chúng tôi trở vào nhà, đóng cổng kỹ lưỡng.
Chuông điện thoại reo vang. Tôi nhấc máy.
- Alô, alô, tôi muốn nói chuyện với Duyên Anh.
-Chính tôi.
-Phạm Lê Phan đây...
Phạm Lê Phan, nhà văn, nhà thơ, tác giả nhiều
truyện ngắn đăng rải rác trên các tạp chí Bách Khoa. Chi Đạo từ 1960 là bút
hiệu của thượng sĩ Phạm văn Kiệm, phục vụ tại Cục tâm lý chiến. Anh ta đã viết
thi phẩm Chiến ca mùa hè mà Phạm Duy phổ nhạc. Chiến ca mùa hè như những trang
quân sử bằng thơ ghi lại mùa hè đỏ lửa.
- Mày chạy không thoát à?
-Ừ.
- Tao gọi bạn bè, chẳng còn thằng nào. May
quá, còn mày.
- May cái con c...? Mày chưa về nhà ư?
-Về hả? Tao là thượng sĩ nhưng là chiến sĩ,
hơn cả, tao là kẻ sĩ. Tao đại diện quân lực Việt Nam cộng hòa chuẩn bi tiếp xúc
với Việt cộng.
-Cục mày hết người... lớn rồi à?
- Còn mỗi mình tao. Tao là tân Cục trưởng. Cục
trưởng cút lâu rồi. Cục phó Phan Trọng Thiện vừa về... nhà.
- Mày cũng nên về đi.
-Tại sao tao lại phải về? Lính văn nghệ đang
chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè. Tao thủ trái lựu đạn, ngồi tại văn phòng Cục
trưởng Tâm lý chiến thuộc Tổng cục chiến tranh chính trị của quân lực Việt Nam
cộng hòa. Chai whisky trên bàn vơi quá nửa rồi. ông tu chất cay. Bọn nó vào mà
tử tế, ông giao Cục, dở trò hỗn láo, ông cho lựu đạn nổ... Tao sẽ gọi mày sau.
Thôi nhé!
Người lính văn nghệ, thượng sĩ Phạm Lê Phan
không muốn cộng sản vào Cục tâm lý chiến như vào nhà hoang. Anh ta ngồi đợi kẻ
thù tới tiếp thu. Không còn cấp bậc và huy chương nào tưởng thưởng anh ta cả.
Anh ta có quyền về nhà, được phép về nhà mình mà không ai dám kết tội anh ta
đào ngũ hèn nhát. Nhưng mà "lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị
Nghè." Anh ta kiêu hãnh nói "tại sao tao phải trở về"? Sẽ chẳng
một ai đủ liêm sỉ bắt chước Phạm Lê Phan tự vấn lòng mình "Tại sao tôi lại
đào ngũ”. Tôi ngồi hút thuốc, chờ điện thoại của Cục trưởng Tâm lý chiến:
Thượng sĩ Phạm văn Kiệm.
XÁC T-54 BÊN KIA CẦU THỊ NGHÈ
"Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở
cầu Thị Nghè". Tôi biết rõ những người lính ấy. Họ là nhà báo vô danh, là
kép cải lương thứ yếu, là ca sĩ tân nhạc hạng xoàng. Họ còn là thanh niên Chợ
Lớn, thanh niên con nhà giàu sợ hãi chiến trường, được ẩn thân ở Cục Tâm lý
chiến dưới sự "bảo trợ" của tướng bà Cao văn Viên. Hai hạng người dưới,
lương quân đội lĩnh xong phải cộng thêm tiền gia đình nộp cho người bảo trợ
hàng tháng, chưa kể khoản tiền nặng ra mắt và được chấp thuận bảo trợ. Lính văn
nghệ cơ hữu của Cục tâm lý chiến chỉ có bổn phận canh gác giữ an ninh cho Cục
ngày và đêm. Sự canh gác mang tính cách trình diễn, dù đã học 9 tuần quân sự ở
Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Vòng đai an ninh của Cục bé nhỏ. Đã có lực
lượng bảo vệ an ninh của Cục an ninh quân đội, của Đài phát thanh Sài gòn lo
giùm hết. Vậy bên đây cầu Thị Nghè, kế sát Cục, là nơi lính văn nghệ canh gác
ban đêm để bảo vệ Đài phát thanh quân đội, tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, văn
phòng của các quan văn nghệ... Nói ra hơi buồn, lính văn nghệ gác cầu, chỉ nhằm
trình diễn tinh thần kiểng và tạo oai phong cho các quan tâm lý chiến chơi xì-phé,
mạt chược những đêm trực.
Truyện kể về những người lính văn nghệ gác cầu
Thị Nghè sáng 30-4-1975 như sau: Xe tăng cộng sản vào thành phố Sài gòn để vô
Dinh Độc Lập bằng hai ngả. Ngả thứ nhất: Từ ngã tư xa lộ Hàng Xanh, T-54 của
cộng sản chia đôi. Không nhiều gì đâu. Có 10 chiếc thôi. 5 chiếc rẽ phải vô
Hàng Xanh, qua đường Bạch Đằng, qua đường Chi Lăng, Võ Tánh Phú Nhuận, bọc lên
đường Cách Mạng, Công Lý. 5 chiếc rẽ trái vô Thị Nghè, qua cầu, qua đường
Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua đường Thống Nhất. Chiếc thứ nhất bị lính văn nghệ chặn
đánh ở bên kia cầu. Với súng M- 16, lính văn nghệ đã nhắm T-54 mà khạc đạn. Lúc
ấy, 10 giờ 45 phút, sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh 15 phút. Lính văn nghệ
đã gây cảm hứng cho quần chúng. Sự phẫn nộ nổi lửa, nhiệt tình và lòng tự phụ
của tuổi trẻ Thị Nghè bốc phừng phừng. Bất chấp cái chết, thanh niên Thi Nghè
đã viết những trang sử đấu tranh mới bằng những chai xăng châm lửa ném tới tấp
vào T-54 của kẻ thù. Lửa cháy trên nóc T-54. Lửa cháy dưới T-54. Lửa cháy xích
T-54. Lửa cháy đàng trước T-54. Lửa cháy đàng sau T-54. Lửa Thị Nghè bất khuất.
Lửa Thị Nghè của Sài gòn. Ngọn lửa tiên phong của cuộc chiến đấu mới. Chiếc
T-54 dẫn đầu đứng khựng. Nó bất động. Năm người bộ đội xe tăng, công cụ tội
nghiệp của cộng sản, đã chết thảm dính chùm trong một sợi xích khốn kiếp. Đã
chết mà không biết mình bị mê hoặc:
Năm ngón tay trên một bàn tay
Như năm người con cùng một mẹ
Năm ngón tay trên một bàn tay
Không xa rời nhau
Như năm người con cùng một mẹ
Năm người bộ đội trong xe tăng
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Như năm người con cùng một mẹ
Không xa rời nhau
Sống bên nhau và chết bên nhau*
Một chiếc T-54 bị bốc cháy. Là thừa thắp sáng
cuộc chiến đấu mới. Là thừa mở mắt thế giới đui mù. Bốn chiếc sau phải dừng
lại, ngơ ngác. Kẻ thù hoảng sợ. Nó hung hãn khạc đạn. Nó trấn áp. Nó vất vả qua
cầu Thị Nghè. Hà Nội phải hiểu họ không có đại thắng. Bởi vì, theo Ngô Khởi,
chiếm được đất mà không chiếm nổi lòng người thì không bao giờ chiến thắng cả.
Xác chiếc T-54 nằm nhục nhã bên kia cầu Thị Nghè trọn ngày 30-4 và những ngày
kế tiếp là biểu tượng bất hủ của lịch sử nòi giống và của quân sử Việt Nam cộng
hòa.
Tôi nhớ đã xem một phim, hình như tên phim là
El Alamein do Frederick Stafford thủ vai đại úy quân đội ý, diễn tả một trận
đánh tuyệt vọng giữa đám quân đồn trú ở sa mạc Phi Châu với đạo quân xe tăng
của tướng Montgomery lừng danh Anh Quốc. Tăng của tướng Montgomery đã phơi xác
lớp lớp. Và rồi, kẻ chiến thắng đã nghiêng mình kính cẩn chào tinh thần chiến
đấu quả cảm tới phút chót của kẻ chiến bại. Người cộng sản, chắc chắn, thiếu sự
hào sảng đó. Và, tôi còn thấy, thiếu cả những trang sách vinh tôn những người
lính văn nghệ đã chết hay vẫn sống đã hạ chiếc T-54 của cộng sản bên kia cầu
Thị Nghè buổi trưa ngày 30-4-1975 của những ông quan văn nghệ tự cho mình sống
hùng trong ngục tù cộng sản rồi thoát ra ngoại quốc. Tôi cố tìm ở hồi ký dầy
cộm của họ. Chẳng thấy gì ngoài sự kể khổ, lên án cộng sản man rợ và phô diễn
cung cách sống bần tiện của mình.
CHƯƠNG 6
Chuông điện thoại reo. 11 giờ 40 phút. Tôi
nhấc máy:
- Phạm Lê Phan đây.
- Sao?
- Xong rồi. Tao đã giao Cục cho họ. Tốt đẹp
cả. Tự nghĩ mình chỉ là thượng sĩ nên tao không đủ tư cách làm Hoàng Diệu. Tao
về. Thôi nhé!
Phạm Lê Phan đã về. Tôi rủ Côn ra đường. Vỉa
hè nhà tôi, vỉa hè bên kia phố đã ngổn ngang mũ sắt, mũ vải, giầy vớ, ba lô,
súng đạn. Không ai thèm lượm nhặt. Không ai nỡ lượm nhặt. Vợ tôi và ba đứa con
cũng mở cổng ra đường. Khi nhìn quân trang, quân dụng, võ khí của quân đội ta
xép lớp trên vỉa hè, vợ tôi òa lên khóc. Các con tôi khóc theo. Những tiếng
khóc, những giọt nước mắt muộn màng. Tại sao người ta chỉ biết khóc vào hoàng
hôn? Cảnh tượng bây giờ, đã thay đổi chút chút. Tôi thấy có nhiều người đeo
băng vải đỏ ở cánh tay phải. A, những người này tôi đều biết. Họ ở dưới chợ Xóm
Lách. Họ đã là nhân dân tự vệ chọc chó, hái trộm khế nhà tôi và gây phiền nhiễu
cho dân lương thiện. Họ đã là những tên sống cù bơ, cù bất ngoài vòng pháp
luật. Họ đã là ông thợ may hiền lành, bà chạp phô dễ tính. Họ đeo băng đỏ chờ
đợi hoan hô cách mạng, hoan hô quân giải phóng. Họ thuộc sư đoàn 304 tân lập* .
11 giờ 45 phút, xe tăng cộng sản thị uy trên đường Công Lý. Nó tiến vào thành
phố theo ngả Hàng Xanh, Bạch Đằng, Chi Lăng, Võ Tánh, rồi rẽ sang Cách Mạng,
qua cầu Công Lý. Nó ngang qua nhà tôi. Năm chiếc. T-54 treo hoa ny-lông phía
trước. Nóc xe đầy nhóc lính 304 phất lia lịa cờ đỏ sao vàng và cờ trên đỏ, dưới
xanh, giữa sao vàng. Bên hông xe đeo tòng teng lồng gà, lồng vịt. Hẳn là tăng
cộng sản đã dừng lại để nhận quà của "nhân dân" và để lính 304 leo lên...
giải phóng Sài gòn. Gà và vịt cũng hãnh diện tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh!
Những người đeo băng đỏ dơ cao tay, hét lớn
"Hoan hô bộ đội giải phóng". Tôi có thể làm chứng nhân rất trung thực
cái phút giây buồn bã này. "Nhân dân" đã không hoan hô theo.
"Nhân dân" đứng trố mắt nhìn. "Nhân dân" suy nghĩ gì khi họ
gặp xe tăng cộng sản, tôi không biết. Nhưng tôi đọc từ trong ánh mắt của họ một
nỗi bẽ bàng. Chính nỗi bẽ bàng đó đã giữ tình nghĩa Việt Nam nguyên vẹn. Và Sài
gòn không hề có đấu tranh giai cấp Xe tăng đi qua một lát thì mô-lô-tô-va và
GMC Trung quốc tiến vào. Bộ đội miền Bắc đội nón cối. Quân giải phóng đội mũ
tai bèo. Tất cả đứng trên xe cười thỏa mãn, vẫy tay rối rít. "Nhân
dân" vẫy tay chào theo phép lịch sự. Tuyệt nhiên, "nhân dân"
không hoan hô, dù cò mồi cách mạng 304 đã lấn xuống đường hô những khẩu, hiệu
chào mừng quân giải phóng. Không còn cách mạng "diễn binh" nữa,
"nhân dân" tản mạn về nhà mình. Đường phố nổi bật lính sư đoàn 304
đeo băng đỏ.
Tôi bảo vợ tôi đưa các con vào nhà, đóng cổng,
khóa kỹ rồi rủ Đặng Xuân Côn đi bộ lên Sài gòn.
-Ông thấy gì?
- Thấy gì?
-Tôi sợ biển máu của nhân dân, không sợ biển
máu của cộng sản. Rất may, nhân dân không thích biển máu.
- Sẽ không có biển máu.
-Phải, biển máu sẽ là đại dương nước mắt.
Dọc vỉa hè số lẻ đường Công Lý, chúng tôi rảo
bước. Tôi không thấy đi, thấy khát. Quân trang, quân dụng, võ khí từng đống,
từng đống trên vỉa hè. Tôi đã no nghẹn ngào. Mười tuổi, tôi đi đếm xác đồng bào
tôi chết đi tháng ba năm ất Dậu, 1945. Cái thị xã Thái Bình nhỏ bé của tôi, xác
chết đói cùng khắp. Gầm cầu. Xó chợ. Vỉa hè... Tôi đã nhìn đồng bào tôi chết từ
từ. Tôi đã nhìn người mẹ chết, đứa bé nhay vú mẹ một lúc rồi chết theo. Hồi đó,
tôi chỉ biết sợ hãi, thương xót mà chưa vỡ lẽ đau đớn. Những người bạn thơ ấu của
tôi như Côn, như Luyến đã cố gắng làm những gì mình có thể làm được để cứu đói
Và chúng tôi, đã đi ăn mày xin cơm cứu đói. Hôm nay, 30-4-1975, ba mươi năm
sau, 40 tuổi, tôi lại nhìn quần áo, nón mũ, súng đạn của quân đội nước tôi nằm
ngổn ngang, chất đống trên vỉa hè Sài gòn. Tôi đã vỡ lẽ đau đớn. Nón mũ, giầy
vớ, quần áo của quân đội tôi yêu dấu, cơ hồ xác chết đói năm 1945. Đời tôi sao
lại phải chứng kiến nhiều thảm cảnh thế? Nước mắt ròng ròng, hai chúng tôi bước
nhanh.
- Long, cuộc chiến đấu chống cộng sản của dân
tộc ta thật sự bắt đầu từ năm nào?
- 1951.
- Tại sao?
- Vì cuối 1950, cộng sản quy định thành phần,
giai cấp Quốc gia bị loại bỏ khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành
độc lập, tự do.
- Như thế, dân tộc ta đã chống cộng sản 24
năm. Bốn năm chống cộng sản với Pháp thì mất nửa tổ quốc. Hai mươi năm chống
cộng sản với Mỹ thì mất cả tổ quốc và nuốt nhục.
- Chúng ta có thể xin cơm cứu đói 1945 mà
không thể cất dấu xác chết 1975.
- Chúng ta làm gì?
- Làm gì? Lúc nãy, Phạm Lê Phan nói nó không
đủ tư cách làm Hoàng Diệu nên nó về nhà nó. Ông muốn làm gì? Trong một biến cố
lịch sử nào đó, có những người cần chết và những người cần sống. Chúng ta không
có cả hai. Chúng ta chỉ có những kẻ sợ chết, cho nên, chúng ta thiếu sự chết
cho sự sống.
-Mày nghĩ sao, nếu Trần văn Hương không chịu
"hy sinh" cho Dương văn Minh?
- Có thể có đánh đấm.
- Rồi sao?
- Ông ta sẽ sống như Dương văn Minh thôi.
- Nếu mày là Dương văn Minh?
Những kẻ như Nguyễn văn Thiệu, Dương văn Minh,
ngoài tham vọng quyền bính còn tham vọng đi vào lịch sử. Dương văn Minh đã có
cơ hội duy nhất đi vào lịch sử, nhưng ông ta tình nguyện khước từ. Từ một tên
lính của thực dân Pháp, nhờ sự chuyển mùa của đất nước khan hiếm tài năng, ông
ta trở thành tướng lãnh của chế độ Ngô Đình Diệm, trở thành người anh hùng của
các chiến dịch tiêu trừ loạn quân Bình Xuyên, Hòa Hảo... Tên lính Xuân tóc đỏ
của quân đội, đáng lẽ, đứng ở đó là đẹp rồi. ông ta không chịu. ông ta nhúc
nhích vì ngỡ mình là Nasser. ông ta bị dìu vào tội ác thoán nghịch. Và Dương
văn Minh thỏa chí Quốc trưởng. Triều đình của Dương văn Minh thật phù du. Tên
vũ biền không thích truy nã thân phận mình, ông ta tưởng ông ta có... đế mạng.
Bị tước đoạt quyền bính, bị đuổi khỏi đất nước, Dương văn Minh cựa quậy quay về
giành bằng được tước vị tổng thống. ông ta thỏa mãn. Thánh nhân thường đãi kẻ
khù khờ. Thánh nhân đãi thêm đứa ngu dốt. Đất nước phải có đến thứ Dương văn
Minh gánh vác, kể như đất nước tàn tạ. Dương văn Minh, trong diễn văn nhận chức
vụ Tổng thống, biết nói về Trằn văn Hương: "Thầy đã hy sinh nhiều
rồi" mà không biết ông ta đã già rồi và ngôi vị tổng thống ngáp ruồi vào
giờ thứ hai mươi lăm của ông ta là cáo phó tuyệt vời bế mạc cuộc đời mình.
Dương văn Minh chỉ cách biên giới lịch sử một sợi tóc: Nếu Dương văn Minh không
ngu, lệnh đầu hàng của ông ta sẽ như thế này: "Đồng bào thân mến... Tôi,
Dương văn Minh, tổng thống nước Việt Nam cộng hòa kiêm Tổng tư lệnh quân lực
Việt Nam cộng hòa, tưởng đã đem những ngày cuối cùng của đời tôi chuyển vần lại
vận mệnh của đất nước vào thời kỳ nghiêm trọng nhất của lịch sử, nhưng suy nghĩ
lại, tôi thấy không đủ tài năng, e rằng xương máu của đồng bào đổ thêm vô ích.
Vậy tôi tuyên bố đầu hàng cộng sản và xin đem cái chết của tôi để tạ tội cùng
đồng bào, cùng chiến hữu, cùng tổ quốc..." Và Dương văn Minh tự sát ngay
tại chỗ, ngay sau khi tuyên bố đầu hàng. Phát súng Minh tự bắn vào đầu ông ta
cả nước sẽ được nghe trên vô tuyến truyền thanh, cả thế giới được nghe. Và đó
là cái chết cần thiết cho cái sống. Dương văn Minh bất trí. ông ta không nên
làm hàng tướng, vì sự sống của ông ta vô tích sự.*
- Không có so sánh hay "nếu" quái
đản ấy. Dương văn Minh là tên lính tẩy chưa vỡ lẽ sống chết.
Hai chúng tôi vẫn cắm cúi bước. Lính của sư
đoàn 304 xuất hiện khắp đường phố Sài gòn. Triết lý sống cỏ đuôi chó mà Lý Cẩm
Dương đề cập trong cuốn Mạ nháy và chế độ mới đang là cái mốt ở đây. Nhưng cỏ
đuôi chó mới chỉ mọc ngoài đường phố và là thứ cỏ dân giả. Những con thò lò trí
thức chờ đợi quay. Góc độ còn tùy hoàn cảnh. Không thể thiếu cỏ đuôi chó vương
giả. Mỗi biến cố lịch sử, chúng ta lại thấy lòi mặt một hạng người không ra cái
giống người. Cái hạng người này sáng tạo thứ nhân sinh quan đốn mạt. Chỉ cần
cái miệng hét lớn. Họ đã hoan hô Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại. Họ đã hoan hô
hụt Nguyễn Chánh Thi đảo chính Ngô Đình Diệm. Họ đã hoan hô Dương văn Minh tàn
sát Ngô Đình Diệm. Họ đã hoan hô Nguyễn văn Thiệu loại bỏ Nguyễn cao Kỳ. Họ đã
hoan hô hụt cộng sản tổng tấn công Mậu Thân. Trí thức cả đấy. Bây giờ, họ chuẩn
bị hoan hô cách mạng "đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào"...
Sư đoàn 304 tự đảm trách việc hướng dẫn lưu
thông đường phố, bảo vệ an ninh, trật tự công cộng. Cách mạng vô sản thường ồn
ào nhờ cỏ đuôi chó. Tôi nghĩ, cỏ đuôi chó đã mọc khắp vỉa hè Sài gòn. Chúng tôi
đã đến Dinh Độc Lập. Lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam đã thay thế cờ vàng ba
sọc đỏ. Nó không phất phới bay theo khí thế giải phóng. Nó rũ rượi trong ngày
thiếu nắng, thiếu gió. Chiếc xe tăng thứ nhất theo ngả Thị Nghè, Hồng Thập Tự,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thống Nhất đã vào khuôn viên Dinh Độc tập ngon lành. Cổng mở
rộng sẵn. Không hề bị T-54 ủi sập như báo chí cộng sản tường thuật. Sư đoàn 304
đông đầy hai bên cổng dinh. Dân chúng đứng xa ngó vào. Lác đác ở vườn sao hai
bên đường, vài người đứng nhìn về phía sau nhà thờ Đức Bà. Ở phố Hàn Thuyên nhỏ
hẹp, dân chúng thập thò ngoài cửa. Cộng sản vào Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30
phút.
Chúng tôi băng sang nhà thờ Đức Bà. Một người
quen vỗ vai tôi, nói nhỏ:
- Cách đây nửa tiếng, quân ta nghênh giặc ở
sau lưng nhà thờ.
- Quân ta?
- Một trung đội nhẩy dù quyết tử.
- Có diệt được chiếc T-54 nào?
- Không.
- Đánh đấm ra sao?
- Đánh lấy chết. Chết vinh. Tôi vừa mới khô
nước mắt. Trung đội nhẩy dù chết hết. Giặc cũng chết bộn. Xác quân ta và xác
giặc đã được mang đi. Chiến trường đã rửa sạch vết máu. Ông ra mà xem, đường
còn ướt mèm.
- Ngoại quốc có quay phim?
- Họ tới không kịp. Chỉ quay T-54 vào Dinh Độc
Lập. Tôi ngỡ chúng ta đã bất hạnh cả đến phút chót.
- Tại sao?
- Bọn ký giả ngoại quốc chỉ quay những cảnh có
lợi cho cộng sản.
Đặng Xuân Côn và tôi lần ra phía sau nhà thờ
Đức Bà. Quả thật, một khúc đường Thống Nhất cạnh vườn sao còn ướt mèm. Cộng sản
đã hiện diện khắp cơ cấu quốc gia. Bọn nằm vùng chỉ đợi thời cơ hành động.
Chúng đã kịp thời đưa xe vòi rồng tới tải xác chết, rửa đường. Đề chứng minh
với thế giới rằng, quân đội ta tan hàng bệ rạc, cộng sản vào Sài gòn như vào
chỗ không người.
- Côn.
- Hả?
- Ai sẽ viết trận đánh này? Ai sẽ vinh tôn
lính nhẩy dù, lính Việt Nam cộng hòa? Ai biết ngọn ngành trận đánh mà viết?
Chắc chắn, phải có vài trang tiểu thuyết. Ai sẽ viết những trang này? Tôi đã là
bạn của lính nhẩy dù. Nguyễn Minh Tiến, Hà Huyền Chi, Hoàng Ngọc Liến, Vũ Khắc
Niệm, Phạm Huy Sảnh... Bạn tôi cả đấy, lính nhẩy dù cả đấy.
- Vậy mày cần sống.
- Phải, dù sống hèn.
NHỮNG THIÊN THẦN MŨ ĐỎ CỦA CHƯƠNG CÒM, DZŨNG
ĐAKAO, BỒN LỪA, HƯNG MẬP
Một vài trang nhỏ mọn dưới đây trích từ truyện
tuổi thơ Nhánh cỏ mộng mơ của tôi viết năm 1985 ở Paris mà nhà xuất bản Nam á
Paris đã phát hành. Tôi không muốn thế hệ con cháu tôi quên trận đánh danh dự
này. Và tôi, tự cho mình còn thiếu nhiều thành thật khi vinh tôn những người
lính mũ đỏ. Vậy nên để tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, đôn hậu bày tỏ hết lòng
ngưỡng mộ lính quốc gia bằng những rung động thuần khiết, nguyên khối của các
em. Với riêng tôi, vài trang truyện nhỏ mọn này nằm trong ý nghĩ: Sự thật nói
ra không ai tin, thì nó biến thành tiểu thuyết. Lịch sử bỏ quên thì vẫn còn dã
sử, huyền sử...
***
Hai chiếc xe cam-nhông từ đâu không rõ, chạy
tới đậu ngay chỗ bùng binh, sau nhà thờ Đức Bà. Lính trên xe nhẩy hết xuống.
Dzũng Đakao vui mừng:
-Lính nhẩy dù!
Bốn ông nhóc đứng dậy, tiến sát ra lề đường.
Những thiên thần mũ đỏ còn nguyên vẹn là thiên thần. Vị đại úy chỉ huy rất trẻ,
mai vàng rực rỡ trên cổ áo. ông cằm cây gậy nhỏ, say mê nhìn quốc kỳ ủ rũ trên
nóc Dinh Độc Lập. Rồi ông xoay lưng lại, quan sát phía Phủ Thủ Tướng. ông hơi
cúi đầu giây lát. Đoạn, ông ngó thằng chiến hữu của mình, dõng dạc nói:
- Lần cuối cùng, tôi nhắc nhở anh em: Dương
văn Minh đã đầu hàng. Nhiệm vụ của anh em chấm dứt. Ai muốn về nhà cứ thản
nhiên về. Anh em không nợ nần gì tổ quốc nữa.
Những người lính nhẩy dù đứng nghiêm, đồng
loạt trả lời:
-Chúng tôi ở lại chiến đấu với đại úy. Vì danh
dự của người lính.
Đại úy dơ tay chào:
-Cám ơn anh em. Chúng ta chuẩn bị nghênh địch.
Dzũng Đakao, Chương còm, Hưng mập, Bồn lừa
phóng tới ôm chặt lấy vị đại úy.
- Thưa chú, tên chú là gì? Chương còm hỏi.
Vị đại úy xoa đầu bốn ông nhóc, giọng cảm
động:
-Lính nhẩy dù. Mà cháu hỏi tên chú làm chi?
Chương còm nắm tay vị đại úy:
- Mai này, tên chú sẽ thay tên đại lộ Thống
Nhất.
-Chú tin không?
Vị đại úy chớp mắt:
- Chú tin, thế hệ các cháu phải làm lại lịch
sử, phải xóa bỏ dấu tích ô nhục hôm nay.
Dzũng Đakao nói:
-Chúng cháu đặt tên chú cho con đường này. Chú
cho biết tên chú đi.
Vị đại úy vỗ nhẹ vai Dzũng Đakao:
-Tên chú gắn liền với lính nhẩy dù. Lính nhẩy
dù là tên chú. Các cháu nhớ đặt tên đại lộ này là đại lộ Mũ Đỏ nhé? Bây giờ
chạy thật nhanh về nhà. Sắp nổ súng.
Bồn lừa hỏi:
- Cháu có thể giúp chú việc gì?
Vị đại úy lắc đầu:
- Các cháu đã giúp chú rồi, đã làm tăng ý
nghĩa chiến đấu của chú, đã sưởi ấm lòng chú. Chú không còn cô đơn nữa. Nào
chạy lẹ, các cháu yêu dấu...
Bốn ông nhóc co cẳng chạy. Nhưng chúng không
chạy về nhà, mà núp dưới gốc cây đầu đường Alexandre de Rhôdes. Phía bên kia,
đường Hàn Thuyên, dân chúng cũng đang lấp ló dưới những gốc cây sao. Nhiều
người vào nhà thờ Đức Bà để xem chiến tranh qua kẽ hở của mấy khung cửa bên
hông. Nhiều người tụ tập ở sân Bưu Điện. Xe tăng cộng sản, từ xa lộ Biên Hòa,
vô Sài gòn hai lối Lối thứ nhất: Hàng Xanh, qua Gia Định, qua đường Chi Lăng,
đường Võ Tánh đến Tổng Tham Mưu, rẽ trái qua đường Cách Mạng, qua cầu Công Lý.
Rồi chạy thị uy khắp phố Sài gòn. Mười hai giờ trưa, xe tăng vô lối này đã xuất
hiện. Lối thứ hai: Thị Nghè, qua cầu Thị Nghè (bị chặn đánh). Mãi gần bốn giờ
mới lại qua cầu Thị Nghè, qua Hồng Thập Tự rẽ trái, qua Nguyễn Bỉnh Khiêm, rẽ
phải, qua Thống Nhất để vào Dinh Độc Lập.
- Xe tăng cộng sản rét rồi.
- Bọn điên ấy không rét đâu.
-Bao giờ chúng đến?
-Cứ từ từ.
Vị đại úy đứng ngạo nghễ giữa đại lộ Thống
Nhất, khẩu Colt của ông trễ xuống bên đùi. Lính của ông đứng sau những thân cây
sao với tư thế sẵn sàng khạc đạn..
-Chú ấy oai quá.
- Cứ như shérif đợi bọn cướp.
- Tao hồi hộp thấy mồ.
- Im lặng.
-Thằng nào chạy ra, ngó xuống Sở Thú xem chúng
nó vô chưa?
- Tao.
- Để Bồn lừa đi. Mày mập chạy đâu nổi, Hưng.
Bồn lừa cắm cổ chạy ra đường Thống Nhất. Nó
chạy vào ngay, hổn hển:
- Rồi, rồi, sắp tới!
Tiếng xe tăng nghiến xích sắt trên đường nhựa
nghe rõ dần rồi sôi sục trong tâm hồn bốn ông nhóc. Như chính mình tham dự trận
đánh, Dzũng Đakao hét:
- Nó kia kìa.
Chiếc xe tăng dẫn đầu đã đến bùng binh. Nó có
vẻ làm bộ làm tich. Nó có vẻ khinh khi, ngạo mạn. Đằng sau nó, đám bộ đội nón
cối, dép râu ngụy trang cành lá trông dễ ghét. Chúng ôm súng AK lò mò bước y
hệt chúng diễn trò khỉ. Vị đại úy đâu rồi? Chiếc xe tăng thứ hai lừ lừ bò ở cửa
Bộ Tư Pháp. Một phát súng nổ. Lính nhẩy dù xuất hiện. Không thèm nấp. không
thèm nằm, lính nhẩy dù đứng thẳng, bước tới, chắc tay súng, nhằm xe tăng và kẻ
thù nhả đạn xối xả. Vị đại úy đó, thần tượng của Dzũng Đakao, Chương còm đó,
sát cánh chiến hữu, phóng nhiệt tình và danh dự vào trận chiến cuối cùng. Để
trả lời thế giới: Chúng tôi không đầu hàng. Bọn Mỹ và bọn tướng phường chèo
khiếp nhược đầu hàng. Lính Việt Nam không biết đầu hàng. Chiến trường kết thúc
mau lẹ. Vị đại úy và hơn ba mươi người lính nhẩy dù gục chết trên đại lộ Thống
Nhất. Máu của họ, máu Việt Nam anh dũng, bất khuất đã thấm đỏ đường lịch sử
tháng 4. Lính nhẩy dù, tại sao anh không chạy trốn ở phi trường, ở tòa đại sứ
Mỹ, ở bờ sông? Tổ quốc đã cho anh cái gì? Dân tộc đã cho anh cái gì? Ngôi sao
nào trên cầu vai anh, trên mũ anh? Bảo quốc huân chương nào, Bắc đẩu bội tinh
nào trước ngực anh?
-Thế là xe tăng nó vào Dinh Độc Lập!
Bốn ông nhóc, nước mắt đầm đìa, thằng nọ nhìn
thằng kia mếu máo.
Xe tăng nghiến lên xác chết của lính nhẩy dù.
Chúng nó thù hận cả xác chết. Bọn bộ đội phân tán, bao quanh khu vườn sao.
Dzũng Đakao và Chương còm muốn tới vuốt mắt vị đại úy và những người lính cũng
không được. Chương còm thầm thì:
- Vâng, mai này, đại lộ này sẽ mang tên Mũ Đỏ
và chỗ các chú chết sẽ là Đài Tưởng Niệm Anh Hùng. Cháu hứa, các cháu hứa...
(Trích truyện dài Nhánh cỏ mộng mơ)
CHƯƠNG 7
Tôi không hiểu, trong Dinh Độc Lập, Dương văn
Minh và bọn hàng thần lơ láo đến mức độ nào trước ống kính xấc xược của bọn
phóng viên cộng sản và trước những câu hạch hỏi hỗn láo của bộ đội giải phóng
cấp tá. Họ có nghe những tiếng súng danh dự, trách nhiệm, tổ quốc của lính văn
nghệ diệt T-54 ở cầu Thị Nghè, của lính nhẩy dù cách cổng Dinh Độc Lập chẳng
bao xa? Chúng tôi vào trung tâm thành phố. Dân chúng đang bu kín công viên dựng
hai người chiến sĩ thủy quân lục chiến Việt Nam họng súng nhắm thằng vào Hạ
Viện. Những chiếc loa gắn trên cây cao đã oang oang giọng nói mới chào mừng
giải phóng miền Nam. Bài hát Tiến vào Sài gòn ta quét sạch giặc thù muốn rung
chuyển thành phố. Nhưng trời vẫn thiếu nắng. Cộng sản đã tiếp thu Đài phát
thanh, Bưu điện... Giọng nói cầy cáo của Lý Quý Chung và ca khúc Nối vòng tay
lớn không còn nữa.
Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài
của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy
ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá. ông ta mặc đồng phục màu
xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây Cộng sản
để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất
lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm trung tá Long,
nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im
lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lởi hoan hô bộ đội giải phóng.
Trung tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết.
Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng trấn Sài gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài
gòn là Đô trưởng Sài gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng giám đốc
Cảnh sát quốc gia đã đào ngũ. Không có Hoàng Diệu, ở những trạng lịch sử chó đẻ
của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến
đấu của những con người tự nhởn sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy
một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của trung tá Cảnh sát tên Long. Cộng
sản đã chẳng ngu dại phong anh hùng, liệt sĩ cho quốc gia. Họ độc quyền anh
hùng, liệt sĩ. Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại,
chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ trung tá Long. Có lẽ, liệt sĩ đích thật
không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái
thời đại gì nhỉ? Nó không chịu, không thích vinh tôn cái thật, đã đành, nó còn
nhởn chìm cái thật và vấy bẩn lên cái thật một cách thô bạo, ẩn ý và lạnh lùng.
Khi cái thật bị nhận chìm, bị vấy bẩn, cái giả nổi bật, sáng giá và chói lọi,
thơm tho. Như vậy, mọi giá trị về tinh thần, về đạo nghĩa bị nhởn chìm theo.
Rốt cuộc, bọn giả hình sống với cái giả của chúng, huyễn hoặc mọi người bằng
cái giả với bạo lực của quyền uy hợp pháp và cả quyền uy ảo tưởng hậu thuẫn. Và
người công chính thụ động, buông xuôi. Cuối cùng, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết
liệt sĩ đất sét, anh hùng gian dối, vĩ nhân phường tuồng.
Tôi muốn biểu dương trung tá Long như Hoàng
Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài gòn. ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài
thủy quân lục chiến Việt Nam anh dũng. Máu trung tá Long đã thấm xuống lòng đất
mẹ. Cái chết của trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự
do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí
phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. Tôi không mấy hy vọng cái
chết của trung tá Long lay động nổi cái bóng tối vô liêm sỉ trùm đặc tâm hồn
những ông tướng đào ngũ. Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì
chúng ta còn trung tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho
danh dự miền Nam, danh dự của tổ quốc.
- Tôi chứng kiến tự phút đầu.
- Ông nói sao?
- Tôi nhìn rõ ông ta rút súng bắn vào thái
dương mình.
- Thật chứ?
- Đáng lẽ tôi phải nói dối.
- Tại sao?
- Vì nói thật lúc này không có lợi.
Tôi nghe hai người Sài gòn nói chuyện. Và tôi
được nghe "Huyền sử một người mang tên Long" do một trong hai người
kể. Truyện như vầy: 10 giờ 30, Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng, quân đội và
cảnh sát tuân lệnh Tổng thống, lột quần áo, giầy vớ, nón mũ, vất súng đạn bỏ
chạy về nhà mình hay nhà thân nhân của mình. Một mình trung tá Long không lột
chiến bào, không phi tang tích huân chương, không liệng súng đạn. Trung tá Long
từ nơi nào đến, chẳng ai rõ. ông xuất hiện ở công viên trước Hạ Viện hồi 12
giờ. Ngồi trên ghế đá, ông ta trầm ngâm hút thuốc. Rồi ông ta nhìn trước, nhìn
sau, ngó ngang, ngó dọc. Rồi ông ta đưa tay ôm lấy đầu, cúi thấp. Khi ấy, Sài
gòn đã ồn ào tiếng hoan hô cộng sản giải phóng. Bất chợt, ông ta đứng dậy, chậm
rãi bước gần chân tượng đài. Trung tá Long đứng thẳng. ông ta ngẩng mặt. Thản
nhiên, ông ta rút khẩu Colt, kê họng súng vào thái dương mình bóp cò. Tiếng đạn
nổ trùm lấp tiếng hoan hô cộng sản. Trung tá Long đổ rạp.
- Đó, diễn tiến cái chết của trung tá Long.
- Ông có mặt ở đây trước lúc trung tá Long
xuất hiện?
- Phải. Tôi tuyệt vọng, không thiết về nhà
nữa.
- Rồi sao?
- Dân chúng bu quanh xác trung tá Long. Cộng
sản chưa có thì giờ kéo xác ông ta đi. Phóng viên truyền hình Pháp thu cảnh này
kỹ lắm. Chỉ tiếc họ đã không thu được cái oai phong lẫm liệt của trung tá Long.
Họ đến quá chậm và họ chỉ quay phim một xác chết. ông hãy nhìn cho kỹ. Trung tá
Long tuẫn tiết cùng chiến bào, cùng cấp bậc, cùng tên mình.
Tôi đã nhìn kỹ. Lịch sử của chúng ta đã có
những vị anh hùng chỉ có tên mà không có họ. Như Đô đốc Tuyết, Đô đốc Long...
Hôm nay, chúng ta có thêm trung tá Long. Những ai sẽ viết lịch sử? Và liệu sử
gia đời sau có soi tỏ niềm u ẩn của Trung tá Long chảy máu mắt nhìn quê hương
lạc vào tay quân thù mà bất lực cứu quê hương, mà chỉ còn biết đem cái chết tạ
tội quê hương, dân tộc. Đã hàng tỉ tỉ chữ viết về những chuyện khốn nạn, viết
về những tên khốn kiếp, viết về những sự việc khốn cùng. Dòng chữ nào đã viết
về Trung tá Long? Người ta đã viết cả pho sách dày cộm để nguyền rủa xác chết.
Người ta cũng đã viết cả pho sách dầy cộm để suy tôn xác sống. Người ta ồn ào.
Người ta vo ve. Dòng chữ nào đã viết về Trung tá Long? Ai đã làm công việc sưu
tầm lý lịch đầy đủ của vị liệt sĩ đích thực này? Than ôi, lịch sử đã hóa thành
huyền sử. Cho nên người ta nhìn quốc kỳ mà không cảm giác linh hồn tổ quốc phấp
phới bay. Chúng ta đang bị sống trong cái thời đại của những ông tướng đào ngũ,
của những ông tổng trưởng đào nhiệm không hề biết xấu hổ. Thời đại của chúng ta
còn đòi đoạn ở chỗ, kẻ sĩ và kẻ vô lại đồng hóa trong "lý tưởng"
nguyền rủa xác chết và suy tôn xác sống.
Xưa, Hàm Nghi 8 tuổi, hỏi cận thần:
- Tay bẩn lấy gì rửa?
Cận thần đáp:
- Nước.
Hàm Nghi hỏi thêm:
- Nước bẩn lấy gì rửa?
Cận thần ngơ ngác:
- Tâu bệ hạ, thần không hiểu.
Hàm Nghi nói:
- Nước bẩn lấy máu mà rửa!
Trung tá Long đã lấy máu rửa một vết ô nhục
30-4. Lính nhẩy dù đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính văn nghệ đã lấy máu
rửa một vết ô nhục 30-4. Những kẻ tạo ra ô nhục 30-4 lấy gì nhỉ? Họ đang cầm
ca, cầm đĩa xếp hàng ngửa tay lấy cơm, lấy nước ở đảo Guam. Biết đâu chẳng xẩy
ra tranh cơm như tranh quyền bính. Và biết đâu chẳng bị ông quân cảnh Mỹ đen
tặng một vài cái tát xiếc! Những kẻ này vẫn thừa thãi vô liêm sỉ để họp bàn,
hiến kết cứu nước. Lịch sử lại thêm vài phụ trang chó đẻ.
Giải phóng quân đã đổ đầy trước thềm Hạ Viện.
Cỏ đuôi chó hoan hô tưng bừng. Dân chúng chiêm ngưỡng Trung tá Long tản mạn.
Trung tá Long nằm nguyên chỗ ông ngã rạp cho máu rửa nhục Sài gòn. Giã từ liệt
sĩ! Vĩnh quyết liệt sĩ. Xin hãy phù hộ tôi kéo dài cuộc sống hèn để có ngày
được viết vài dòng về Trung tá.
Đặng Xuân Côn và tôi qua Hạ Viện. ở đây, chỉ
có bộ đội của Mặt trận giải phóng miền Nam mà người ta quen gọi là quân giải
phóng. Quân giải phóng mặc quần áo bà ba, quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo, chân
mang giép râu. Nhiều người mặc quần xà lỏn. Bộ đội miền Bắc mặc đồng phục, đội
nón cối, mang giép râu luôn. Quân giải phóng treo cờ Mặt trận, thay thế cờ vàng
ba sọc đỏ. Khi lá cờ của Việt Nam cộng hòa bị vất xuống, cỏ đuôi chó bày tỏ
lòng căm hờn Mỹ-ngụy, xúm nhau giành giật, xé nát. Có đứa dẵm dí dưới chân
mình. Có đứa quấn quanh hạ bộ. Bây giờ, tôi đã nhận diện cỏ đuôi chó. Chúng nó
là sinh viên ồn ào xuống đường tranh đấu năm xưa. Chúng nó là mấy thằng ký giả
thân cộng sản. Chúng nó cách mạng hơn cách mạng. Chúng nó giải phóng hơn giải
phóng. Truyền hình Tây Đức thu hết cảnh tượng này. Cỏ đuôi chó ôm quân giải
phóng hôn hít thắm thiết, đưa thuốc lá mời mọc vồn vã, chuyện trò thân mật. Tôi
cố gắng quan sát và chỉ quan sát giải phóng quân.
Trên thềm Hạ Viện, một gã giải phóng quân béo
tròn trùng trục. Anh ta để ria. Mặt mày nở nang, phấn khởi. Mặc quần xà lỏn,
chân đất, anh ta đeo hai giây đạn tréo trước ngực như Django. Chưa đủ, anh lính
giải phóng máng hai khẩu Colt trễ xuống gần đầu gối. Trông anh ta hề như
Fernando Sanchoz. Đó là hình ảnh người lính giải phóng không đội mũ tai bèo. Rõ
ràng một thứ thảo khấu. Giải phóng quân vào thành phố còn đeo lá cây ngụy
trang. Tôi nhìn những quả đạn B-40, B-41, những quả đạn này đã thụt sập nhiều
nhà cửa, đã sát hại vô số lương dân hồi Mậu Thân. Người Sài gòn chưa quên một
đám tang tập thể. Những chiếc quan tài khiêng qua khắp đường phố. Lúc này,
người Sài gòn đứng đây, ngẩn ngơ nhìn cỏ đuôi chó "ôm hôn thắm thiết"
những kẻ đã âm mưu giết mình.
Tôi vừa hiểu tại sao hôm nay Sài gòn không có
nắng. Nếu tôi có thể có mặt ở khắp đầu đường, góc phố, xó chợ, gầm cầu Sài gòn
hôm nay? Không ai có thể có cái có thể này. Tự nhiên, tôi cảm giác mình được an
ủi vì đã được sống với Sài gòn từng phút giây buồn bã của Sài gòn 30-4. Tự
nhiên, tôi cảm giác trời đất cũng chia xẻ nỗi buồn Sài gòn. Có tiếng la hét ở
công viên nơi Trung tá Long tuẫn tiết. Chúng tôi chạy sang, đứng trước cửa Sài
gòn ngân hàng.
***
Một nhánh cỏ đuôi chó, tên lính sư đoàn 304,
leo lên tượng đài thủy quân lục chiến Việt Nam. Nó buộc hai sợi giây cáp vào cổ
hai pho tượng. Nó siết chặt, kỹ lưỡng. Nó dùng cái búa bổ mạnh trên đầu pho
tượng cao nhất. Cỏ đuôi chó hồ hởi phấn khởi reo hò. Ống kính điện ảnh của cộng
sản thu kỹ cảnh này, cảnh mà họ đã dàn cảnh. Phóng viên truyền hình Pháp, Mỹ,
Đức, Nhật... quay không tiếc phim. Phía dưới, cỏ đuôi chó, búa dài, búa ngắn
chuẩn bị đập phá tượng đài. Xác Trung tá Long đã được kéo lết ra xa. Vũng máu
bất khuất của ông chưa kịp khô. Khi tên cỏ đuôi chó ở trên tụt xuống, cỏ đuôi
chó ở dưới xúm nhau lại đập nát chân hai pho tượng Cộng sản thuyết minh là
"nhân dân Sài gòn đã biểu lộ lòng căm thù Mỹ-ngụy cao độ." Rồi tất cả
cỏ đuôi chó kéo hai sợi giây cáp Pho tượng thủy quân lục chiến từ từ ngã rạp.
Cỏ đuôi chó vỗ tay, hoan hô cộng sản. Truyền hình Pháp diễn giải: "Biểu
tượng của miền Nam sụp đổ."
Vỗ vai tôi, Côn nói:
- Đi chỗ khác, Long.
Tôi hỏi:
- Đi đâu?
- Đi đâu không có cảnh ô nhục này.
- Phải ở đây mà nghiến răng nuốt nhục.
Tôi không biết đã có người lính thủy quân lục
chiến nào chứng kiến cảnh tượng này. Tôi cũng không biết ông tướng Lê Nguyên
Khang, ông tướng Bùi Thế Lân đã xem những thước phim giật đổ tượng đài thủy
quân lục chiến mũi súng nhắm thảng Hạ Viện chưa. Rất bất bình với tượng đài khi
người ta dựng lên. Thủy quân lục chiến, những người lính của dân tộc, của tổ
quốc, của quê hương như tất cả lính của các binh chủng khác, đã bị bọn ngu xuẩn
nịnh bợ chế độ quân phiệt độc tài dùng làm bình phong đe dọa lập pháp, chế ngự
dân sự. Tại sao họng súng nhắm thằng Hạ Viện? Lúc này, 16 giờ thiếu 10 phút,
đứng ngắm hai pho tượng ngã gục, nứt vỡ, tôi quên bất bình cũ. Và cứ tưởng
những nhát búa bổ xuống đầu pho tượng là những nhát búa bổ xuống đầu mình.
- Đã có những ông tướng đào ngũ nuốt nhục giùm
mày bên Mỹ.
- Bọn bất tri vong quốc hận ấy nuốt gì? Chúng
nó đã nuốt máu xương của lính, chúng sẽ tiếp tục nuốt tiền bán xương máu lính.
Lảng chuyện, Côn hỏi tôi:
- Trong Dinh Độc Lập có gì lạ?
Tôi dịu giọng:
- Có gì lạ? Tôi đang muốn biết đây...
HÀNG THẦN VÀ HÀNG THẦN BẤT ĐẮC DĨ
Cuốn phim tài liệu của cộng sản nhan đề Tháng
5, những khuôn mặt do Đỗ Chu* viết lời thuyết minh, chiếu ở các rạp Sài gòn
ngay trong tháng 6-1975 đã khiến dân Sài gòn buồn nôn. Nó mở ra bằng cảnh trống
vắng của phòng họp của Hội đồng An ninh Quốc gia trong Dinh Độc Lập. Nó vào
bằng cảnh triều đình Dương văn Minh quy hàng. Rồi nó bung ra những xóm lao động
tăm tối trước tháng 4-1975. Nó giới thiệu đầy đủ khuôn mặt cỏ đuôi chó buổi
sáng một tháng 5-1975. Những chủ báo nào vác cờ đỏ sao vàng. Những nhà văn nào
căng khẩu hiệu chào mừng cách mạng... Mẩu bài này chỉ viết về những khuôn mặt
hàng thần bất đắc dĩ.
Khuôn mặt thứ nhất là tiến sĩ Nguyễn văn Hảo,
phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế, Tài chính kiêm Tổng trưởng Canh nông của nội
các Trần Thiện Khiêm. Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo đã mất hết chức tước từ khi Nguyễn
văn Thiệu thoái vị, nhường ngôi cho thầy giáo Trần văn Hương. Nội các Nguyễn Bá
Cẩn không có tiến sĩ Hảo. Nội các Vũ văn Mẫu không có tiến sĩ Hảo. ông tiến sĩ
họ Nguyễn đã quá xa "chính quyền" bằng hai đời... Tổng thống. Tại sao
ông ta lại có mặt trong đám hàng thần lơ láo ở Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975?
Truyện kể rằng, tiến sĩ kinh tế Nguyễn văn Hảo
và thống đốc ngân hàng Lê Quang Uyển đem bầu đoàn thê tử leo lên nóc ngân hàng
Việt Nam Thương Tín, đường Hàm Nghi, từ sáng 29-4. Đây là điểm hẹn của người
Mỹ. Tiến sĩ Hảo và thống đốc Uyển tin chắc người Mỹ không thể, không nỡ bỏ rơi
hai ông. Hai ông kiên nhẫn chờ đợi. Sáng qua, trưa tới, tối đến... Trực thăng
Mỹ vẫn chưa đến. Sao không thấy em lại? Tiến sĩ Hảo và thống đốc Uyển chơi một
đêm không ngủ trên nóc ngân hàng Việt Nam Thương Tín. 9 giờ ngày 30-4, biết
chính xác bị người Mỹ cho đi tầu suốt, hai ông dắt díu bầu đoàn thê tử xuống
đường. Thống đốc Lê Quang Quyền về nhà lo sợ biển máu. Rồi ông trình diện học
tập cải tạo. Trại cuối cùng của ông là Hàm Tân Z30D. ở đây, thống đốc Uyển đã
nổi tiếng là người phá kỷ lục ăn thịt chuột. Ông ăn đủ các loại chuột. Chẳng
hiểu sự ăn chuột có giúp ông soi sáng nghĩa đời hôm nay, khi ông hiển vinh tại
Kuweit? Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo không về. ông bảo bà Cao thị Nguyệt về căn nhà
đầu đường Miche, gần nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi và bà vợ nhỏ về căn nhà đường Yên
Đổ. Còn ông tiến sĩ Hảo chạy vô Dinh Độc Lập làm hàng thần lơ láo.
Mưu của tiến sĩ Hảo rất cao. ông sẽ thoát biển
máu vì quốc tế chứng kiến ông "hàng" ở Dinh Độc Lập. Cộng sản khó thủ
tiêu ông ta. Có thể, cộng sản còn đánh giá cao cái thiện chí... hàng của tiến
sĩ Hảo. Y trang. Tiến sĩ Hảo, nhờ khuôn mặt nghiêm túc trong những thước phim
Tháng 5, những khuôn mặt mà sau 30-4 lại phom phom mặc sơ-mi hoa hòe hoa sói
lái DS-19 chạy rông trên nỗi quằn quại của Sài gòn. ông ta tiếp tục chơi
ten-nít ở sân quần vợt Duy Tân, Hồng Thập Tự. Rồi ông ta ra Bắc tham quan và
nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Rồi cùng tiến sĩ Nguyễn Xuân
Oanh, ông ta giúp Võ văn Kiệt "mở bung kinh tế" thành phố Hồ Chí
Minh. Rồi ông ta leo lên Air France... di tản - cũng có thể gọi là tỵ nạn chính
trị - và được phép mang theo cả trăm chiếc áo dài thêu sẵn làm vốn lưu vong.
Hàng thần lơ láo "tỵ nạn chính trị"
bên Pháp có Dương văn Minh, Nguyễn văn Hảo. Dương văn Minh còn biểu diễn xé
giấy thông hành qua cửa phi trường Tân Sơn Nhất do cộng sản cấp phát khi máy
bay của Air France sắp đáp xuống Charles de Gaulle! Nguyễn văn Hảo thì tiết lộ
Nguyễn văn Thiệu đã ăn cắp vàng của quốc gia mang theo. Tự nhiên, hàng thần lơ
láo đổi màu như kỳ nhông, biến thành những người yêu nước chống cộng. Nguyễn
văn Hảo tình nguyện làm hàng thần lơ láo thì được, vì ông ta đã từng là phó thủ
tướng. Nhưng nghị sĩ Nguyễn văn Huyền sao cũng cam đành làm hàng thần? Ông ta
do dân bầu. Dân đâu có hàng giặc. Dân đâu có thua trận. Nghị sĩ Huyền mình hạc
vóc mai không thể leo lên hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất được. Ông ta trở về.
Thay vì đợi số phận mình chìm trong biển máu hay đem tấm thân già tạ lòng cử
tri, ông ta vẫn tham sinh bon chen vào đám hàng thần. Rồi ông ta cũng đã chết
già, chết bệnh. Cái chết của ông không để lại một ý nghĩa sống nào cho đời sống
kế tiếp. Rốt cuộc, những vạt nắng óng lên trong hoàng hôn của lịch sử hiu hắt
Sài gòn chỉ là máu lính văn nghệ cầu Thị Nghè, máu lính nhẩy dù đại lộ Thống
Nhất, máu Trung tá cảnh sát Long dưới chân tượng đài thủy quân lục chiến Việt
Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét