Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

NHÀ BÁO PHÁP PIERRE DARCOURT VIẾT VỀ NHỮNG NGÀY GIỜ CUỐI CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ: TRƯA 29 THÁNG TƯ: VĨNH BIỆT SÀIGÒN

Pierre Darcourt là một nhà báo người Pháp sinh năm 1926 tại Saigon và đã sống từ lúc khởi đầu cho đến hồi kết cuộc của chiến tranh Việt Nam. Suốt Tháng Tư 1975, ông sát cánh với các đơn vị VNCH giờ chót tại các phòng tuyến ven đô cho tới ngày cuối cùng và chỉ rời khỏi Saigon vào buổi trưa 29 tháng 4 năm 1975. Sau đây là phần trích lược từ sách "Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils" của ông, do Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa dịch ra Việt ngữ.
Trong hai tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ rời khỏi Sài Gòn trên chuyến bay chót của hãng "Hàng Không Trung Quốc". Điện báo quốc tế của Bưu Điện đầy nghẹt các liên lạc điện báo chánh thức cũng như tư nhân, nên các công điện tôi gởi về nhà báo của mình quá trễ.Tôi sẽ ghé lại Bangkok 48 tiếng để dùng điện thoại trao thẳng vài bài và tôi sẽ trở lại…
Thình lình một tiếng nổ vang trời làm rung rinh cả thành phố. Trong một vài giây, đám đông chung quanh tôi sững sờ kinh ngạc. Xe đang chạy đột nhiên thắng gấp, ngừng lại tại chỗ. Và sau đó nhiều tiếng nổ khác mạnh hơn và ngay sau đó súng liên thanh và đại bác phòng không lên tiếng. Đám đông hoảng hốt giải tán chạy tứ tán thành nhiều nhóm nhỏ, chạy qua chạy lại khắp tứ hướng, đụng đầu nhau. Các xe bắt đầu mở máy chạy lại, và chạy nhanh. Có nhiều xe mô tô bị hất tung lên, rồi ngã xuống….
Nhiều phát súng liên thanh được nghe khắp nơi. Cảnh sát và binh lính thi nhau bắn chỉ thiên. Các bà la hét, chạy đến gõ cửa bất cứ nhà nào để xin vào trong. Một số trẻ em bị lạc giữa rừng người đang chạy, đứng khóc la run rẩy. Đây là một sự hoảng loạn hoàn toàn hay đúng hơn là một sự cuồng loạn. Các tài xế bỏ xe giữa đám đông. Một tài xế xe vận tải bị một loạt súng làm vỡ kính xe, quýnh quáng nhảy vội khỏi xe và xe không người lái cứ thế tiếp tục lăn bánh, leo lên lề, phá tan cửa của một tiệm bán đồng hồ và tuông vào phá sập luôn cửa tiệm.
Các tàu chiến đậu dưới sông Sài Gòn bắn đại bác 30 ly lên trời, vào những mục tiêu vô hình. Ngay trên kinh đào, một chiếc C130 chở dân tỵ nạn bị nhiều đạn lửa bắn lên làm cho phi công phải hạ thấp cao độ để tránh đạn, bay sát kho cảng Sài Gòn suýt đụng gẫy cột buồm của mấy chiếc tàu hàng, lấy cao độ lại và bay thẳng về hướng Nam.
Các tiệm café trên đường Tư Do lật đật đóng cửa còn khách thì nằm bẹp xuống gầm bàn.
Phía trước Quốc Hội, rất bình tĩnh, một anh bạn to con, chĩa máy đứng quay cảnh dân chúng chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn. Hai anh lính bắn nhiều loạt M.16 lên khắp bốn phía, ngang tầm người, làm cho một bà trúng ngay ngực ngã ngồi xuống, lưng đầy máu.
Phía trên đó một đỗi, trong hẻm cạnh rạp chiếu bóng Eden, có người xác nhận là có mấy tên đặc công Việt Cộng đã lợi dụng chuyện bom nổ để tấn công vào Dinh Độc Lập và Bộ Quốc Phòng. Người khác thì lại nói khác: họ nói là nhóm của tướng Nguyễn cao Kỳ đảo chánh. Chung quanh nhà thờ Đức Bà, các pháo đội phòng không vốn có nhiệm vụ phòng thủ Dinh Độc Lập gần đó, đã xã đại bác bắn hết lên trời. Đại lộ có quá nhiều xe xích lô máy nằm chổng gộng ngang ngửa. Tài xế đã bỏ xe chạy hết vào nằm ở vườn cây lớn bên đường. Nhiều quân xa trên có trí súng liên thanh 50 và đại bác 20 ly cặp đôi, đến bố trí trên đường Thống Nhất và cũng bắt đầu tác xạ. Tiếng nổ inh ỏi khắp nơi nghe rợn cả người! Hơi khét của thuốc súng ngửi đến tận cổ, và các vỏ đạn đồng nóng bỏng rơi đầy đường.
Độ chừng 15 phút sau thì tự nhiên các vũ khí nặng ngưng bắn hẳn. Chỉ còn các tiếng súng cá nhân, nhưng cũng thưa dần. Trước câu lạc bộ thể thao cũ, một ông cảnh sát già rất bình thản cho tôi biết với một giọng đều đều "Các phi cơ cộng sản đã dội bom Tân sơn Nhất, và nghe như đã có thiệt hại"
Tôi chạy về đường Pasteur nhặt hết giấy tờ và hành lý du lịch của mình, xong gọi một chiếc xe tắc xi đang chạy rong, và với giá 10 ngàn đồng (coi như đắt gắp 10 lần), anh ta chấp nhận đưa tôi lên phi trường Tân sơn Nhứt. Cơn bão bây giờ mới bắt đầu: Mưa như trút và rất nặng hột. Chúng tôi chạy trong cơn mưa dày đặt và đường sá gần như vắng tanh. Đến hơn 7 giờ chúng tôi mới tới trạm kiểm soát vào phi trường. Quân cảnh và cảnh sát dã chiến xem giấy tờ rất kỹ, súng vẫn cầm tay. Mười phút sau tôi mới được cho vào phi trường.
Cơn mưa dứt hột thình lình. Vẫn có nhiều cột khói đen bay lên từ sân bay đang còn có nhiều tiếng nỗ nhỏ. Tiếng còi của đội chữa lửa thuộc Không Quân vẫn còn hụ lên inh ỏi. Tất cả các phóng pháo cơ đều bay lên hết. Các quân xa chở đầy binh sĩ từ khắp nơi đang đổ vào phi trường. Tất cả cửa sổ ở phi cảng đều bị thổi tung, trên mặt đất còn vương vãi các mảnh kiến vụn.
Một sĩ quan an ninh cho tôi vài tin tức chính xác: 3 chiếc phản lực A.37 bị cộng sản lấy được ở miền Trung đã dội khoảng 20 quả bom 500 cân anh xuống căn cứ Không quân và đã bay rất thấp. Toán trực bị hoàn toàn bất ngờ vì mấy chiếc A.37 nầy vẫn còn mang cờ V NCH và hình như đã đến đây từ căn cứ Biên Hòa. Thiệt hại cũng khá nặng: Một kho đạn lớn, 11 chiếc phi cơ (trong đó có 3 chiếc F.5), và 4 trực thăng bị phá hủy. Có trên 60 tử thương và mấy trăm bị thương. Tất cả các phi vụ đều được hủy bỏ. Chánh Phủ của tướng Minh vừa cho lệnh thiết quân luật 24/24 cho đến khi có lệnh mới.
Thế mà một chiếc phi cơ thuộc Hàng Không Việt Nam lại cất cánh được với hơn 100 hành khách. Dù sao tôi cũng không thể trở xuống thành phố. Tôi đi đến một hầm trú ẩn làm bằng bao cát. Trên đường đi tôi gặp nhiều toán khiêng cáng đang làm công tác tản thương.
Tôi qua đêm trong hầm trú ẩn nầy. Đạn rốc kết vẫn rơi vào phi trường không dứt. Cũng vẫn có những tiếng rít xé gió và những tiếng nổ đến điếc cả tai, và sau đó là các quả đạn pháo nặng 130 ly. Cứ mỗi lần đạn pháo rơi trúng một chiếc phi cơ nào đó thì lại có một vừng ánh sáng lóe lên xé tan màn đêm mưa gió và một cột khói đen bay lên cao.
Vào lúc 23 giờ thì một tiếng nổ lớn làm rung cả hầm trú ẩn của tôi. Cách đó chừng 50 thước, một chiếc trực thăng vận tải "Chinook" đầy binh sĩ bị cháy và đang rơi xuống đất. Có rất nhiều mảnh kim khí đỏ như lửa bắn tung tóe khắp phi đạo, và thây người cũng vừa bị cháy vừa bị bắn tung cùng khắp, trong một vùng khét lẹt mùi xăng dầu và thịt người bị cháy.
Từ xa, về hướng Đông, pháo binh vẫn nã vào Biên Hòa không dứt và đã biến vùng bị pháo kích thành một biển lửa.
Tôi biết rằng những ngọn lửa to trong đêm tối đó đã "thiêu hủy" cả một thị trấn; tôi biết là những nhà cửa bị đạn pháo của cộng sản làm sụp đổ đã nghiền nát nhiều gia đình mà tôi quen.
Tôi nghĩ tới các bạn thân của tôi, nghĩ tới Trinh, người thợ máy với hai bàn tay to lớn sù sì lúc nào cũng đầy dầu mỡ đang cặm cụi hí hoáy làm việc trong nhà xe lợp tôn của anh.
Tôi nghĩ đến cha Alain, một người Pháp già đã 83 tuổi rồi mà không bao giờ muốn đóng cửa nhà hàng của ông.
Tôi nghĩ tới anh Giang một nhà điêu khắc lúc nào cũng loay quay với các tượng Phật trong xưởng mà anh chỉ dựng lên bằng giấy bồi và vài tấm tôn.
Tôi nghĩ tới những người lính tự vệ công giáo trẻ của Hố Nai, những em 15, 16 tuổi chỉ với một khăn choàng cổ và hai quả lựu đạn mà vẫn hăng hái đương đầu với các chiến xa T.54 của cộng sản Bắc Việt! Trong lúc dưới ánh sáng ở thánh đường cha mẹ chúng đang quỳ gối cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng đầy đủ can đảm không chùn bước trước cái chết….
Trời rựng sáng thì tiếng súng chấm dứt, tôi trở lại phi cảng. Có ba xác phi cơ vận tải cong queo và bị cháy đen nằm giữa bãi đậu. Hai trung đội Dù đang đi qua phi đạo, Đầu vẫn đội mũ nồi đỏ (không có nón sắt) quần áo thẳng thớm, súng ống sạch sẽ, họ đi chậm chậm, nhẹ nhàng rất thong thả, lạnh nhạt dửng dưng nhìn khắp chung quanh mà đi tới.
Lúc 9 giờ sáng, tôi gặp được một người bạn, đại tá Lập. Anh chỉ huy một Không đoàn phi cơ săn giặc và vừa đáp xuống sau một phi vụ. Anh có vẻ mệt mỏi và bộ đồ bay của anh có vết máu. Anh mệt nhọc nói:
"Tất cả rồi sẽ sụp đổ, từng giờ thôi. Căn cứ Không quân Biên Hòa bị 600 quả pháo 130 ly đã hoàn toàn hư hại và đang bị cô lập. Sư đoàn 18 của thiếu tướng Đảo vẫn còn đánh nhau với bọn chúng và đang bám trận địa. Nhưng sư đoàn bị thiệt hại quá nặng và gần 2000 binh sĩ coi như phải thức trắng đêm suốt 5 ngày nay. Sư đoàn 5 thì bể rồi và coi như tan hàng. Thủy Quân Lục Chiến thì đang đụng nặng trên đường phố ở Vũng Tàu, nhưng thiếu đạn và không có pháo binh yểm trợ. Bốn (4) sư đoàn cộng sản Bắc Việt có chiến xa T.54 mở đường, được hàng trăm khẩu pháo yểm trợ đã tiến đến gần Sài Gòn lắm rồi. Đơn vị tiền sát của họ gồm toàn đặc công đang lùa cả chục ngàn dân tỵ nạn đi trước coi như làm khiên đỡ đạn cho bọn chúng. Họ đã đến Tân Cảng rồi, không đầy 3 cây số cách trung tâm thành phố. Các toán nhỏ Dù đã phản công và có nơi đang cận chiến, đánh xáp lá cà với cộng sản."
Đại tá Lập ngưng một chút rồi đặt tay anh lên vai tôi và nói với tôi với một giọng chối tai nhưng đầy tình bạn:
"Một chiếc phi cơ của công ty Dài Loan, đậu ở đây 2 ngày nay, sẽ cất cánh trong vòng 30 phút nữa mang theo trên 100 hành khách đến Bangkok. Tôi biết anh bạn phi công nầy, anh ta sẽ cho anh đi, Pierre, anh đi đi, đi ngay khỏi nơi đây. di ngay đi, trước khi bọn "chó chết" kia (nguyên tác: s……) vào thành phố…
Tánh tò mò nghề nghiệp của tôi không mạnh bằng nổi buồn đang siết chặt tim tôi.
Sài Gòn là thành phố của tôi. Tôi đã được sanh ra ở đây. Tôi không muốn và cũng không thể nào chứng kiến cảnh "bộ đội" từ Miền Bắc vào đây, vào cái thành phố mà tôi biết rõ từng hóc hiểm. Tôi không muốn thấy những người có hạnh phúc cùng thời thơ ấu với tôi sẽ biến mất dưới bộ mặt nạ bằng chì mà họ phải chịu mang suốt đời. Tôi cảm thấy không đủ sức….
Sáng thứ ba hôm đó lúc 11 giờ, lẫn lộn trong hàng trăm người Á Đông âu lo và vội vàng ra đi trong khẩn cấp, tôi rời khỏi Tân sơn Nhứt, phi cảng của Sài Gòn. Chiếc phi cơ Đài Loan đi Bangkok, cất cánh rất bạo và trực chỉ phóng thẳng ra biển, đi về hướng Tây Nam. Phía dưới chúng tôi là thành phố rộng mênh mông với nét đẹp lộng lẫy, có con sông uốn khúc bao quanh… một thành phố đã bị những tràng tiếng nỗ và khói bao vây ở chung quanh rồi.
Một người Tàu ngồi bên tôi, kỹ sư điện toán, nói với tôi là chỉ trong vòng vài giờ nữa thôi là trung tâm hệ thống viễn thông đầy mìn, sẽ "được điều khiển" cho nổ tung. Tất cả các sự thông tin với bên ngoài sẽ bị cắt đứt hết, và Sài Gòn, bị cô lập với thế giới bên ngoài, sẽ rơi vào tình trạng câm lặng.
Tôi thấy cổ họng tôi bị se thắt lại. tôi hết sức tuyệt vọng. Bây giờ tôi mới biết rằng tôi sẽ không bao giờ còn trở lại đất nước nầy nữa, một đất nước mà tôi rất yêu thương… Một dân tộc khốn khổ, bị dày vò, bị chặt hết tay chân, bị sạt nghiệp chỉ vì bị sa vào bẫy của một vở kịch chánh trị ngu xuẩn và bi thảm quá kinh khủng mà chính họ cũng không hề biết không hề hiểu gì cả… Xin vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt tất cả những anh em đã từng chia xẻ với tôi hạnh phúc cũng như đau khổ trong những năm dài….
Thật khổ cho những người bại trận! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét