Tiếp tục trích lược Hồi Ký của Pierre Darcourt do Cựu Đại Tá
Dương Hiếu Nghĩa VNCH dịch sang Việt ngữ:
Sau khi TT Thiệu ra đi, Đại sứ Pháp Mérillon nghĩ rằng CPLTCHMN
sẽ chấp nhận ông Dương văn Minh, nên hối thúc ông Trần văn Hương nên mời ông
Minh lập một Chánh Phủ gọi là "Chánh Phủ để Thương Thuyết".
Ông Đại sứ Pháp thấy rằng tình hình đã quá nghiêm trọng rồi nên
cần phải có những quyết định cấp bách. Nhưng từ 48 giờ qua, ông vẫn giẫm chân tại
chỗ trong sự nhẫn nại. Ông đã hai lần ngồi xe D.S của ông có gắn cờ Pháp để đi
vào Dinh Độc Lập hối thúc ông Tổng Thống già nua nên sớm "có hành động"
kịp thời.
Sau đó, tướng Minh đã mời các nhà báo và đã nói với họ rằng:
"Tổng Thống Trần văn Hương đã mời tôi nhận chức vụ Thủ Tướng. Tôi đã từ chối.
Ở cương vị Thủ tướng tôi không thể mở đường đi đến một cuộc thương thảo được với
"phía bên kia". Tôi đã trả lời cho Tổng Thống Hương là: điều kiện
tiên quyết mà những người "cách mạng" đặt ra là Tổng Thống phải từ
nhiệm. Đó không phải là một điều mong muốn, mà là một sự bắt buộc.
Sự từ chối chức vụ Thủ tướng của tướng Minh đã nói lên ý muốn
"đốt giai đoạn" của ông ta.
Đại sứ Pháp, người đã hướng dẫn cho ông ta, đã chơi một ván bài
nguy hiểm. Sơ đồ hành động của ông, nhằm đẩy cụ già Hương ra khỏi ghế Tổng Thống
và thay thế ông bằng một người chưa từng bao giờ "bị phía bên kia chỉ
trích", chủ yếu được dựa trên niềm tin rằng cộng sản sẽ sẵn sàng thương thảo
trên căn bản của Hiệp Định Paris 1973. Và theo ông thì không có gì là không vững
chắc. Mười hai ngàn người có quốc tịch Pháp ở Miền Nam Việt Nam, được Tổng Thống
Giscard d’Estaing và Đại sứ của họ kêu gọi hãy ở lại tại chỗ, có thể có nguy cơ
phải trả giá rất đắt với tài sản và sanh mạng của mình, nếu giải pháp chánh trị
nầy bất thành.
Cân nhắc kỹ lưỡng rồi, ông Mérillon ước tính là cơ nguy đó phải
được qua và ông dùng cách để thuyết phục cộng đồng người Pháp ở đây là không có
gì đáng phải lo sợ hết.
Trước tiên là ông quyết định vẫn giữ nguyên ngày giờ thi Tú Tài
toàn phần là ngày thứ hai 28 tháng 4, mặc dầu có những sự vận động khẩn thiết của
các phụ huynh học sinh.
Kế tiếp là trong lúc hầu hết các tòa đại sứ Tây Phương ở đây đều
đóng cửa, ông Jean- Marie Mérillon đã công khai cho sơn lại mặt tiền của tòa đại
sứ và cho trồng thêm bông hoa trong khu vườn của tư dinh ông.
Có 12 người hiến binh được gởi tới bằng đường hàng không để tăng
cường canh gác, Ông đã cho họ thay phiên nhau đứng gác ngoài cổng rào của tòa đại
sứ. Ông cho một số thợ hồ xây thêm tường rào tòa đại sứ cho cao hơn lên, vừa để
tránh những sự dòm ngó của kẻ tò mò nhằm bảo vệ cho các nhân sĩ Việt Nam ra vào
tiếp xúc với Ông, vừa có thể dùng tòa đại sứ như một nơi tỵ nạn đúng theo quyền
tỵ nạn chánh trị, nếu có xảy ra chiến trận ở đây.
Và cuối cùng, để dự trù trường hợp xấu nhất, có một số tiêu lệnh
đã được ban ra cho một số người "đầu đàn" trong cộng đồng người Pháp.
Ba điểm tập trung đã được dự trù: đó là bệnh viện Grall, trường trung học Saint
Exupéry (Chasseloup Laubat cũ) và cư xá Lareynières, nơi cư trú của các giáo chức
Pháp. Tất cả những cơ sở công cộng, tất cả những tiệm buôn và nhà cửa, tài sản
hay nơi cư trú của người Pháp đều phải được treo cờ tam tài Pháp.
Những người nào còn nghi ngờ về tương lai và thiện chí của cộng
sản, tự thấy mình "bi quan thái quá" và muốn nghe câu trả lời thì
đây:
"Hãy làm một bản thống kê chính xác tất cả tài sản của
mình. Thiết lập hồ sơ thật đầy đủ, nhưng vẫn phải ở lại tại chỗ. Vì khi rời khỏi
nước Việt Nam, trước tiên là mình sẽ mất hết tất cả các quyền cứu xét để được bồi
thường vì lý do chiến tranh, nếu có."
Mặc dầu ông Đại Sứ Pháp đã cho thấy tất cả sự lạc quan của mình,
cuộc khủng hoảng chánh trị xem ra khó có thể tháo gỡ được.
Luật sư Trần văn Tuyên thì tố cáo Đại sứ Pháp đã có hành động
không thể tha thứ được là xen vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ông Tuyên nói:
"Ông Mérillon đã dám xấc xược nói với tôi rằng Tổng Thống
Hương đã già yếu bệnh hoạn. Phải đưa ông ta vào bệnh viện để người ta giải phẩu
cho ông, và nếu ông nằm ở bệnh viện thì bài toán sẽ được giải quyết "
Ông Trần văn Tuyên, 62 tuổi, một luật sư có tài, là trưởng nhóm
xã hội trong Quốc Hội và là một đối thủ của ông Thiệu. Ông là một trong những
người hoạt động tích cực cho "Phong trào Tự Do Báo Chí". Ông Tuyên
nói tiếp:
"Tổng Thống Trần văn Hương rất phẫn uất vì thái độ khinh khỉnh
và không thân thiện của ông Mérillon. Nản lòng vì những lời mỉa mai cay độc nhắm
vào ông, và những áp lực đối với ông, vị Tổng Thống lớn tuổi của chúng ta đã đe
dọa sẽ tự tử bằng ống thuốc thạch tín mà ông luôn luôn đeo ở bên mình."
Thứ Sáu, ngày 25 tháng Tư, Tổng Thống Hương lại tiếp ông M.
Mérillon trong vòng 80 phút và sau đó lại họp với ông M. Martin, Đại sứ Hoa Ky.
Cả hai nhà ngoại giao nầy người nào cũng cố thuyết phục Tổng Thống Hương là nên
cấp tốc đưa ra một phương thức khả dĩ có thể mở đường cho một cuộc thương thảo
với những người "cách mạng" (nguyên văn: révolutionnaires") Cả
hai đều nói "phương thức nầy nên gạt ra ngoài Hiến Pháp năm 1967,… cần có
sự từ chức của Ngài, và giao lại cho một toán nào đó mà "phía bên
kia" có thể chấp nhận được.
Vị Tổng Thống già đồng ý chấp thuận mục đích của các đề nghị,
nhưng khăng khăng muốn tìm một giải pháp theo đúng với Hiến Pháp. Ông Mérillon
càu nhàu:
"Ông ta cứng đầu lắm! như một con lừa vậy! Lúc nào cũng
"Tôn trọng hình thức hợp Hiến"., ông ta chỉ nói hoài có bấy nhiêu đó.
Như một người nghèo sắp sửa bị cháy nhà mà cứ từ chối không chịu kêu lính chữa
lửa, vì nghĩ rằng mình đang có trong túi một hợp đồng bảo hiểm đúng cách."
Trong cuộc tiếp xúc nầy, Ông Hương đọc lại một bài thơ trào
phúng của văn hào Pháp Sully Prud’homme tuyên dương hành động anh hùng của một
người chỉ huy Ba Lan, khi ông nầy muốn chận đứng đoàn quân Nga trước một con rạch
cạn, bằng cách làm cho họ tin tưởng rằng con rạch nầy khó có thể lội qua được.
Để chứng minh điều nầy người Ba Lan lội xuống nước và gập hai chân lại đi bằng
đầu gối, rồi sau đó nằm sấp xuống, trước khi giả bộ chìm hẳn và bị chết đuối.
Jean M. Mérillon trợn tròn đôi mắt lên nhìn thẳng Tổng Thống Hương và vừa nhún
vai vừa sốt ruột nói:
"Chúng ta không còn ở thế kỷ 19 nữa, thưa Ngài Tổng Thống,
và những tên cộng sản bây giờ đã có những chiến xa lội nước và đã có cầu nổi được
kéo theo để qua sông dễ dàng."
Kết quả là sau mấy ngày thu xếp lòng vòng, Chủ tịch Thượng Viện
Trần văn Lắm triệu tập quốc hội và tuyên bố
"Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là giao hết quyền
hành cho tướng Minh Dương. Đây là văn bản mà tôi đề nghị với quý vị:
"Quốc Hội với đầy đủ quyền tự do của chế độ, thấy rằng phải
mở ngay các cuộc thương thuyết không thể tránh được. Tướng Dương văn Minh được
chỉ định thay thế Tổng Thống Trần văn Hương để lãnh đạo Quốc gia, là người có
nhiệm vụ phải tiến hành công tác thương thuyết nầy."
Lưỡng viện Quốc Hội đã đưa tay bỏ phiếu, chấp thuận bản quyết
nghị với đa số 120 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 20 phiếu trắng. Lúc đó là 9
giờ đêm Chủ Nhật ngày 27 tháng Tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét