Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

10 NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ – NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1975


1      2      3      4      5      6      7      8      9      10     11       12      CUỐI
Về phía Cộng sản, trong cuốn Đại thắng Mùa Xuân, Tướng Văn Tiến Dũng đã nói đến những vận động chính trị đang diễn ra tại Sài Gòn nhắm vào việc thương thuyết với Cộng sản là “những trò ngoại giao quỷ quyệt của những người chỉ muốn tìm cách ngăn cản bước tiến của quân đội (Cộng sản) và để cứu lấy thân họ thì chỉ là những việc vô nghiã”.
Sự thật thì từ ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính Trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chấp thuận kế hoạch cuối cùng của cuộc tổng tấn công, và ngày 14 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch 275 được chính thức cải danh là chiến dịch Hồ Chí Minh, tức là chiến dịch chiếm thủ đô Sài Gòn.
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Lê Duẩn đã gửi điện văn số 113 cho “Anh sáu” Lê Đức Thọ, “anh Bảy” Phạm Hùng và “anh Tuấn” Văn Tiến Dũng nguyên văn như sau: (*170: Văn kiện Đảng: trang 309)
“Hôm nay 26-4, Bộ Chính Trị đã họp để nhận định tình bình quân sự và chính trị ở Sài Gòn đã nghe điện báo cáo số 46/TK của anh Sáu .
Bộ Chính Trị nhận thấy chúng ta cần hành động hết sức mạnh bạo, hết sức khẩn trương và kịp thời, nhất là trong tình hình hiện nay.
BA”
Văn Tiến Dũng và bộ tham mưu sau đó đã soạn thảo xong kế hoạch hành quân chớp nhoáng sử dụng các đơn vị chiến xa và cơ giới tiến chiếm 5 mục tiêu trong thành phố Sài Gòn: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Quốc Gia và Phi trường Tân Sơn Nhứt. Tướng Văn Tiến Dũng trình kế hoạch hành quân này cho 2 uỷ viên Bộ Chính Trị là Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, nhân vật số hai và số 4 trong Bộ Chính Trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả hai nhân vật này chấp thuận kế hoạch và ra lệnh các cuộc tấn công vào vùng ven biên sẽ khởi sự vào ngày 27 tháng 4 và giai đoạn cuối cùng tức là tấn công vào Sài Gòn sẽ khởi sự vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. Trong các kế hoạch của Cộng sản Bắc Việt cũng như chỉ thị của Bộ Chính Trị, không hề có một điều nào, một câu nào nói đến việc “có thể thương thuyết với chính quyền mới của Dương Văn Minh”.
Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên sau này cho biết: “Tồng Thống Dương Văn Minh thú nhận ông bị Cộng sản lừa. Ông khuyên những cố vấn thân cận và con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài nên rời Việt Nam. Tướng Minh không phải là người duy nhất bị Cộng sản lừa: nhiều người dễ tin khác khi nhận ra sự lừa gạt của Cộng sản và muốn ra đi nhưng đã quá trể” (*171: Cao Văn Viên: sđd, trang 225).
Sáng ngày 26 tháng 4, Văn Tiến Dũng cùng đoàn tùy tùng của ông rời Lộc Ninh di chuyển bằng quân xa về Bến Cát khoảng gần 50 cây số ở phía tây-bắc Sài-gòn, tại đó ông ta thảo luận với phụ tá của là tướng Việt Cộng Trần Văn Trà về những chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Cấp chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, hai ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, không đi theo Bộ Tư lệnh Tiền phương của Văn Tiến Dũng mà vẫn đóng tại Lộc Ninh để phối hợp mọi hoạt động cả chính trị lẫn quân sự trong giai đoạn cuối của chiến dịch. Tại Trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất, tối 25 tháng 4, phái đoàn VC trong Ủy Ban Liên Hợp Bốn Bên đã nhận được mật điện của Văn Tiến Dũng cho biết quân đội Cộng sản sẽ khởi sự tấn công Sài Gòn, do đó Đại tá VC Võ Đông Giang đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên trong phái đoàn Việt Cộng phải đào hầm để tránh pháo kích. Bức mật điện của Văn Tiến Dũng kết thúc bằng câu “chúc các đồng chí may mắn. Hẹn gặp các đồng chí tại Sài Gòn “
Đúng 5 giờ chiều ngày 26 tháng 4, được lệnh của Lê Đức Thọ qua Văn Tiến Dũng, tướng CSBV Lê Trọng Tấn ra lệnh cho hiệu thính viên truyền lệnh cho các cấp chỉ huy thuộc 6 sư đoàn dưới quyền chỉ huy của ông ta tấn công vào quận Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hoà cùng các vùng nằm về phía đông Sài Gòn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức khai diễn, như vậy thì kể từ ngày 26 tháng 4, CSBV không hề có ý định thương thuyết với bất cứ ai nắm quyền ở Sài Gòn, kể cả Dương Văn Minh.
Quốc Hộl Không Đồng Ý Trao Quyền
Trong khi đó thì tại Paris, Nguyễn Thị Bình bắn tin cho các thân hữu người Pháp của MTGPMN rằng VC quả thật muốn thương thuyết với Dương Văn Minh với điều kiện là chính phủ mới không có nhân vật nào thuộc phe ông Thiệu. Cùng ngày, chính phủ Pháp gởi một điện văn cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết rằng Phạm Văn Ba, Trưởng Phái đoàn của MTGPMN tại Paris vừa thông báo với chính phủ Pháp rằng MTGPMN có thể sẽ chấp nhận một “công thức chính trị”’ nếu Dương Văn Minh đứng ra cầm đầu một chế độ được thiết lập “trên tinh thần hòa giải hoa hợp quốc gia.” Tại Sài Gòn, Trần Văn Đôn cũng nhận được tin qua các “trung gian” thân VC nói rằng họ có thể sẽ ngưng bắn nếu Dương Văn Minh lên nắm quyền và người Mỹ phải ngưng di tản người Việt cũng như các chiến cụ ra khỏi Việt Nam.
Trước những tin tức dồn dập về “giải pháp Dương Văn Minh” như vậy, tại Sài Gòn, các phe nhóm như nhóm ủng hộ Dương Văn Minh, nhóm Hoà-giải Hoà-hợp chịu ảnh hưởng của khối Phật giáo Ấn Quang, nhóm CIA của Thomas Polgar và nhất là toà đại sứ Pháp, tất cả đều dồn mọi nổ lực nhằm áp lực TT Trần Văn Hương phải từ chức càng sớm càng tốt để trao quyền tổng thống VNCH lại cho Dương Văn Minh.
Sáng ngày hôm ấy, Tổng Thống Pháp Giscard d’Estaingn đã trực tiếp gọi điện thoại nói chuyện với Đại sứ Pháp Mérillon. Khi tổng đài điện thoại của Bưu điện Sài Gòn gọi cho toà đại sứ Pháp để báo rằng “có điện thoại của tổng thống,” người Pháp tưởng rằng đó là điện thoại của tổng thống VNCH và nhân viên Bưu điện đã phải nói rõ và nhắc lại nhiều lần với toà đại sứ rằng không phải là tổng thống của chúng tôi, đây là điện thoại của tổng thống của các ông.”
Trong ngày hôm đó, Đại sứ Mérillon đã gặp TT Trần Văn Hương đến 3 lần để thuyết phục Cụ trao quyền lại cho Dương Văn Minh. Tuy nhiên, Cụ Trần Văn Hương là con người nguyên tắc và trọng pháp (legalist), cái gì cũng phải theo đúng tinh thần của hiến pháp và luật pháp, cho nên không ai ngạc nhiên khi Cụ nhất định từ chối việc trao quyền tổng thống vì cái đó không hề có trong hiến pháp.
Theo Hiến pháp 1967 của VNCH thì khi tổng thống từ chức, phó tổng thống sẽ lên thay và nếu vị phó tổng thống cũng từ chức thì nhân vật thứ ba trong việc kế nhiệm là vị chủ tịch lưỡng viện quốc hội, lúc bấy giờ là Nghị sĩ Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH. Hiến Pháp VNCH năm 1967 cũng nói rõ là sau khi nhận chức tổng thống, vị phó tổng thống phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng để nhân dân chọn một vị tổng thống mới chứ vị phó tổng thống mới lên thay thế không được tiếp tục phục vụ cho hết nhiệm kỳ pháp định.
Sáng ngày 26 tháng 4, Tổng Thống Trần Văn Hương đã yêu cầu Nghị sĩ Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, triệu tập một phiên họp đặc biệt của lưỡng viện quốc hội vào lúc 10 giờ sáng để thảo luận về vấn đề trao quyền tổng thống.
Tại quốc hội, TT Trần Văn Hương nói rằng “Nếu không khéo dàn xếp thế nào thì e rồi đây Sài Gòn sẽ thành một núi xương sông máu, điều mà những người có lòng yêu nước không thể nghĩ đến được, không thể chấp nhận được. Với sự chấp nhận của Quốc Hội, chính phủ của tôi sẽ đi tìm sự thương thuyết, nhưng thương thuyết không có nghĩa là đầu hàng vì nếu thương thuyết để đầu hàng thì thương thuyết gì nữa? Thà là chết cho đến cùng chờ sao lại thương thuyết như vậy được.”
TT Trần Văn Hương trình bày rằng Cụ đã nghe một số người nói rằng cựu Đại Tướng Dương Văn Minh có đủ điều kiện để đứng ra thương thuyết và Cụ đã mời ông Minh làm thủ tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận mà ngược lại ông ta lại đòi Cụ phải từ chức, phải giao quyền tổng thống lại cho ông Minh để ông ta có toàn quyền thương thuyết với Cộng sản. TT Trần Văn Hương nói với Quốc Hội nguyên văn lời ông Dương Văn Minh nói với Cụ như sau: ” thầy đã hy sinh đến mức này, tôi xin thầy ráng hy sinh một bước nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi.”
TT Hương nói rằng ông không có thể làm như vậy được vì làm như vậy là vi hiến, chỉ có quốc hội mới có quyền làm được việc đó vì chỉ có quốc bội mới có quyền tu chính, sửa đổi hiến pháp mà thôi.
TT Trần Văn Hương nói với quốc hội rằng ông chỉ có quyền chỉ định một vị thủ tướng, còn trao quyền tổng thống cho một nhân vật không có được chỉ định trong hiến pháp thì: “Hiến Pháp vẫn còn đây, quốc Hội vẫn còn đây, tôi không thể làm một chuyện qua mặt được Quốc Hội, qua mặt được Hiến Pháp. Đây không phải là cái khăn mu-soa, một tờ giấy bạc trong tay tôi móc ra đưa cbo Đại Tướng Dương Văn Minh”.
TT Trần Văn Hương nói với Quốc Hội rằng: “nếu Quốc Hội nghĩ rằng tôi phải giao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh, tôi xin phép vâng lời Quốc Hội tôi sẽ trao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh… Còn như quý vị nghĩ rằng không chấp nhận đề nghị đó bởi vì đây là một điều kiện khắt khe, một điều kiện của người thắng trận viết cho người bại trận, thì chúng ta không còn nước gì khác hơn là lúc đó chúng ta cứ việc chết tới cùng, không còn biết làm sao hơn được, thì chừng đó dầu cái thành Sài Gòn này có biến thành một biển máu, tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện của mình, không thể nào từ chối được, trừ một số người không đáng gì nói là không thể nào chấp nhận được chuyện đó . Nếu Thựơng Đế không muốn cho nước VNCH tồn tại nữa thì chúng ta hãy cùng chết với xứ sở, nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.
Tóm lại, TT Trần Văn Hương đề nghị với lưỡng viện Quốc hội hai giải pháp để chọn lựa: đồng ý cho tổng thống được chỉ định một vị thủ tướng với toàn quyền hành động hay là chấp thuận cho Cụ giao quyền lại cho Dương Văn Minh để thay thế ông trong chức vụ tổng thống VNCH ngõ hầu có thể tìm được một đường lối hay biện pháp nào đó để vãn hồi hoà bình cho Việt Nam dù rằng đây là một giải pháp không có ghi trong hiến pháp.
Sau khi TT Trần Văn Hương ra về, quốc hội bắt đầu thảo luận về hai đề nghị của tổng thống. Dư luận cạnh các giới quốc hội cho rằng ngoại trừ một số rất nhỏ nghị sĩ và dân biểu trong “khối thứ ba” ủng hộ ông, cựu đại tướng Dương Văn Minh không được cảm tình của phần lớn dân biểu và nghị sĩ vì họ cho rằng ông Minh thường tỏ ra xem thường quốc hội, ông Minh coi thường hiến pháp, do đó giải pháp bầu cho ông Minh lên thay Cụ Hương khó mà được quốc hội thông qua dù rằng nhiều thế lực đang ráo riết vận động cho giải pháp này. Ngoài ra trong quốc hội vẫn còn có một số người ủng hộ ông Thiệu, họ không bầu cho ông Minh và một số nhỏ khác thuộc khuynh hướng phe hữu, đa số là người Bắc di cư và tín đồ Thiên Chúa giáo lại muốn ủng hộ cựu Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, do đó mà cho đến chiều thì quốc hội vẫn còn trong vòng bế tắc, chưa dứt khoát chọn được một giải pháp nào.
Đến tối hôm đó, sau hơn 10 tiếng đồng hồ thảo luận, cuối cùng thì quốc hội cũng đồng ý thông qua một quyết nghị “tín nhiệm TT Trần Văn Hương và trao cho Tổng thống Trần Văn Hương đựơc trọn quyền làm bất cứ điều gì mà ông cảm thấy rằng cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này”. Như vậy thì quốc hội lại giao quả banh trở lại cho vị tân tổng thống 73 tuổi với một quyết nghị có nội dung rất mơ hồ, không nói rõ nên giao quyền gì và giao quyền cho ai và đó cũng không phải là điều mà Cụ mong muốn vì quyết nghị này vẫn chưa có đủ tính cách pháp lý để Cụ giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh như đề nghị của Pháp và Mỹ.
Theo ông Trần Văn Đôn thì chiều hôm đó, trước khi có sự biểu quyết của quốc hội, TT Trần Văn Hương gọi điện thoại cho ông ta và nói với ông rằng “Anh Đôn, tôi sẽ chỉ định anh làm thủ tướng toàn quyền khi quốc hội biểu quyết cho tôi chỉ định thủ tướng”. Ông Đôn cám ơn Cụ Hương rồi mời nhóm anh em của ông trong Phong Trào Dân Tộc Tự Tồn hội họp để chuẩn bị thành lập chính phủ. Ông Đôn gọi điện thoại cho cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ và ông Kỳ đề nghị mời Trung tướng Nguyễn Đức Thắng làm Tổng trưởng Quốc Phòng. Ông Đôn cũng nói với ông Kỳ rằng ” Các anh em Tổng Tham Mưu về Miền Tây để tiếp tục tổ chức phòng thủ và kháng cự. Tôi ở lại cố gắng tìm giải pháp thương thuyết đình chiến, nếu không đựơc tôi sẽ bay về Miền Tây lo việc phòng thủ với các anh em”. Ông Đôn nói rằng ông Kỳ đồng ý với ông. Sau đó, ông ta gọi điện thoại cho ông Dương Văn Minh và cho ông Minh biết rằng ông ta có thể được TT Trần Văn Hương chỉ định chức vụ thủ tướng toàn quyền thì ông Minh “cười khinh” (*172: Trần Văn Đôn: sđd, trang 469)
Thực ra thì không có một “anh em Tổng Tham Mưu” nào về Miền Tây để tổ chức phòng thủ như lời của ông Đôn. Vào hai ngày 27 và 28 tháng 4 năm 1975, chỉ có hai tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng ở Bộ Tư­Lệnh Quân Đoàn 4 và cả hai vị tướng này đã tử tiết vào ngày 30 tháng 4. Trước đó một ngày, ngày 29 tháng 4, cả hai ông Kỳ và Đôn đều đã có mặt trên tàu của Đệ Thất Hạm Đội. Theo Oliver Todd thì máy bay của Tướng Nguyễn Cao Kỳ có chở theo Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là chiếc trực thăng tị nạn đầu tiên đáp xuống hàng không mẫu hạm Midway vào lúc 1 giờ 12 chiều 29 tháng 4 năm 1975.
Ông Trần Văn Đôn cho biết rằng chiều hôm đó, trong khi nhóm anh em của ông đang “bàn thảo về lời tuyên bố với quốc dân đồng bào”, ông ta đã gọi điện thoại báo tin cho Đại sứ Pháp Mérillon biết rằng TT Trần Văn Hương có thể sẽ chỉ định ông ta làm thủ tướng toàn quyền thì đại sứ Mérillon tỏ ra rất thất vọng.
Đại sứ Mérillon nói với ông Đôn rằng “không thể được. Hà nội chỉ muốn nói chuyện với ông Dương Văn Minh. Nếu người thương tuyết không phải là ông Minh thì họ sẽ pháo kích tối nay”. Ông Mérillon nói thêm rằng sở dĩ mà ông biết được như vậy là vì ông ta có liên lạc với Hà Nội và họ đã hạn định thời gian là tối 26 tháng 4. Ông Đôn nghe như vậy bèn yêu cầu đại sứ Pháp trình bày việc này với TT Trần Văn Hương. Sau đó, ông Đôn gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ và ông cũng yêu cầu Đại sứ Martin nói chuyện với TT Trần Văn Hương.
Tối hôm đó, ông Đôn đến thăm TT Trần Văn Hương để trình bày với Cụ Hương về cuộc tiếp xúc với hai vị đại sứ Pháp và Hoa Kỳ thì được Cụ Hương cho biết là cả hai ông đó cũng vừa nói chuyện với Cụ qua điện thoại. Ông Đôn kể lại rằng TT Trần Văn Hương đã nói với ông nguyên văn như thế này: “Qua hiểu rồi! Họ muốn ông Minh, qua sẽ từ chức”.
Tiến sĩ Henry Kissinger sau này cho biết việc người ta đồn đại rằng Cộng sản Bắc Việt chỉ muốn nói chuyện với Dương Văn Minh là điều không đúng: “Vào ngày 24 tháng 4, người kế vị ông Nguyễn Văn Thiệu là Tổng Thống Trần Văn Hương đã chủ trương “mở rộng” bằng cách mời tướng Dương Văn Minh giữ chức vụ thủ tướng. “Big Minh, “biệt danh của ông ta, là nguồn hy vọng lớn lao của phong tráo “phản đối chiến tranh Việt Nam” từ năm 1967 khi mà ông ta đã thua ông Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc chạy đua tranh dành quyền lực tại Việt Nam. Ông ta được mọi người xem như là một người “trung lập” và mọi người hy vọng rằng với lập trường đó thì ông ta sẽ có thể được phe Cộng sản chấp nhận, tuy nhiên ông Lê Đức Thọ đã có những thái độ gây cho tôi có cảm tưởng ngược lại (Le Duc Tbo had given me the opposite impression.) (*173: Henry Kissinger: ‘Ending the Vietnam War,” trang 548.)
Như vậy, theo lời cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn kể lại trong Việt Nam Nhân Chứng thì ngày 26 tháng 4, TT Trần Văn Hương đã mời ông làm thủ tướng. Người viết có hỏi ông Trần Văn Đính, thứ nam của cố TT Trần Văn Hương, thì ông Đính khẳng định rằng không hề có chuyện đó. Theo ông Đính thì Cụ Trần Văn Hương không ưa những người vốn là dân Tây, mà thân phụ của ông Đôn, Bác sĩ Trần Văn Đôn là dân Tây, người con, André Trần Văn Đôn, không những là dân Tây mà lại còn sinh trưởng tại thành phố Bordeaux ở Pháp; Cụ Trần Văn Hương cũng không ưa những người đã đi lính cho người Pháp trước năm 1945 như ông Đôn và ông Dương Văn Minh.(*174: phỏng vấn ông Trần Văn Đính, Huntington Beach, California 2002)
Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, ông Đôn cũng có kể lại rằng tối 22 tháng 4, ông đến gặp Dương Văn Minh thì được ông Minh cho biết là ông Minh chưa tiếp xúc với tân TT Trần văn Hương vì “ông Hương chậm chạp, lại không thích ông Minh cho lắm nên kéo dài thời gian”.
Còn việc Cụ Hương muốn mời Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy làm thủ tướng thì khi Giáo Sư Huy còn sinh tiền, người viết có lần hỏi giáo sư về chuyện này và đã được giáo sư xác nhận rằng TT Trần Văn Hương có mời ông thành lập chính phủ vào ngày 24 tháng 4 năm 1975. Giáo sư Huy nói rằng chiều hôm đó ông có vào Dinh Độc Lập gặp Cụ Hương. Tuy nhiên tình hình biến chuyển quá mau lẹ trong những ngày kế tiếp, nhất là áp lực từ phía các cường quốc muốn thương thuyết với Cộng sản với lá bài Dương Văn Minh, cho nên ông đã từ chối và ngày 26 tháng 4, TT Trần Văn Hương phải ra quốc hội để yêu cầu ngành lập pháp tìm một giải pháp cho vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét