Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn - II- Những Ưu và Khuyết-Điểm của Chủ-Nghĩa
Nhân-Vị
1-Những
Điểm Tiêu-Cực của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Ông Diệm từng than phiền với Ông Cao Xuân Vỹ,
Thủ-Lãnh của Phong-trào Thanh-niên Cộng-Hòa rằng: “Ngay cả đến các vị Bộ-trưởng
cũng không hiểu được Nhân-Vị là gì thì làm sao mà chúng ta thực hiện được cuộc
cách-mạng quốc-gia?” (17-3-95).
Ngoài ra Chủ-Nghĩa Nhân-Vị không những được
đưa vào thử-nghiệm ngay trong thời chiến lại còn phải ganh-đua với 2 chủ-nghĩa
lớn đương thời chia đôi thế-giới, Cộng-Sản và Tư-Bản. Vì thế không những kẻ thù
Cộng-sản, mà ngay cả các đảng phái đối lập và đồng-minh Hoa-kỳ, luôn tìm cách
phá-hoại, xuyên-tạc làm trở-ngại cuộc thử-nghiệm của Chủ-thuyết.
a-Quốc-sách Ấp-Chiến-Lược đã bị kẻ-thù
Cộng-sản tìm mọi cách đánh-phá. Việt-cộng xuyên tạc là “Ngụy-quyền Sài-gòn
đã ép-buộc dân chúng bỏ mồ-mả tổ-tiên nhà cửa làng-xã, ép-buộc đi làm không
công (corvée) xây dựng ACL” và “ACL chính là những nhà tù không song sắt.”
Người dân vì không hiểu được ý-nghĩa và những lợi-ích thiết thực của việc
xây-dựng ACL nên những lời tuyên-truyền này đã gây ảnh hưởng bất lợi cho vìệc
thi-hành quốc-sách. Trong khi đó các phóng viên ngoại-quốc như David
Halberstam, Neil Sheehan, Stanley Karnow v.v. . . và các thành-phần đối-lập lại
thường tung tin “quốc-sách ACL là một thất bại, không được lòng dân”
Nhưng, Ông Nhu đã có lần, rất tự hào, mô-tả
với Đại-sứ Maneli của Ba-lan về vai-trò quan-trọng của hệ-thống Ấp-Chiến-Lược
trong công cuộc dân-chủ-hóa Việt-nam. Ông nói:
“Người Mỹ cũng như Việt-cộng, cả hai đều lầm
tưởng rằng Ấp-Chiến-Lược là những định-chế quân-sự và sẽ bị hủy bỏ ngay sau khi
đã chiến thắng Cộng-sản. Họ lầm vì lý luận của họ đều khởi đi từ những tiền đề
vật chất. Hệ thống Ấp-Chiến-Lược là những định chế căn bản của một chế-độ
dân-chủ trực tiếp. Một khi những định-chế này đã phát triển và nẩy nở mạnh mẽ,
chúng sẽ trở thành những hạt nhân của cơ-cấu quốc-gia và đến lúc đó vai trò của
chánh-quyền trung-ương sẽ không còn cần thiết nưã. (Maneli, tr.145)
Sau này, Đại-Tá Ted Serong, trưởng phái-bộ
huấn-luyện Úc ở Việt-nam đã nói với các viên-chức cao-cấp Hoa-kỳ ở Washington
rằng “Ấp-Chiến-Lược là một thành-công lớn-lao nhất trong chiến-tranh Việt-nam
và chuyện này chưa được nói đến đúng mức. (M. Moyar, 2006, tr.107).
b- Chủ-Nghĩa Nhân-Vị không được Đồng-minh Hoa-kỳ ủng-hộ vì Chủ-Nghĩa Nhân-Vị của TT Ngô-Đình-Diệm tuy không hoàn-toàn
chống lại chủ-nghĩa tư-bản nhưng về mặt ý-hệ không chịu rập-khuôn theo mô-hình
dân-chủ và kinh-tế thị-trường do Mỹ đề xướng. Giáo-sư Sử-gia E. Miller và H.
Fairbanks nhận định rằng Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm chủ-trương đưa ra cái
viễn-kiến về công cuộc phát-triển Việt-nam của riêng Ông, một con đường thứ ba
nằm giữa hai Chủ-nghĩa cực-đoan, Xã-hội và Tư-bản. Chính Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm
cũng long trọng xác định với dân-chúng rằng Chủ-nghĩa Xã-hội và Tư-bản không
thể đem lại độc-lập tự-dọ và hạnh-phúc choViệt-nam! Con đường mới, con đường
Nhân-vị mới thực sự đem lại cho dân chúng Việt-nam một đời sống ấm-no hạnh-phúc
thực sự. Chủ-nghĩa Nhân-vị không nhận được sự ủng hộ của người Mỹ cũng là điều
dễ hiểu!
c- Các thành-phần đối-lập và chống đối chính-phủ
đã xuyên-tạc chỉ trích Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là một chủ-thuyết của công-giáo và ngoại-lai,
với mục-tiêu làm chính-phủ suy-yếu bằng cách khơi động vấn-đề chính-trị
nhạy-cảm, kỳ-thị tôn-giáo. Trong cuốn “Is South Vietnam Viable?,” Ông Nguyễn
Thái viết:
“Hồi trước chiến-tranh, lúc Ông Nhu theo học ở
École des Charles đã có tiếp-xúc với Emmanuel Mounier, người đã tỏ vẻ hoài nghi
về lý-thuyết dân-chủ tự-do Tây-phương và cổ võ một lý-thuyết dân-chủ xã-hôị dưạ
trên lòng bác-ái và giá-trị nhân bản, với cái tên là Personnalisme. Ông Nhu tỏ
ra say mê học thuyết này và khi về Việt-nam đã thuyết-phục Ông Diệm rằng
Personnalisme là một triết thuyết có thể đối đầu với chủ-nghĩa Mac-xit
nguyên-thủy mà Việt-Minh đang tuyên truyền ở Việt-nam.”
Do đó ông Thái cho rằng cái quan niệm nhân bản
này và mối liên hệ của nó với xã hội mà Ông Nhu cổ-võ, “chẳng có gì là mới mẻ,
và cái thuyết Nhân-Vị cũng chẳng có gì xa lạ bởi vì một trường-phái triết-học
Pháp trong đó có Emmanuel Mounier và Jacques Maritain đã hết mình cổ võ cho nó
trong tờ Nguyệt-san Công-Giáo L’Esprit do Mounier chủ-trương.”(tr.129-130)
Như đã trình bầy ở phần I, cả về nhận-thức
triết-học đến giải-pháp cải tổ xã-hội của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đều bắt nguồn từ
nền văn-hóa cổ-truyền và Nho-Giáo (Việt-Nho). Không có gì dính líu đến
Personnalisime của Mounier cũng như giáo-lý Công-giáo. Lời phát biểu của Ông
Ngô-Đình-Nhu tại Đại-Hôị Văn-Hoá Quốc-Gia ngày 11 tháng 1 năm 1957 về
Chủ-Thuyết Nhân-vị cũng cho thấy những nhận-định của Ông Nguyễn-Thái không có
cơ-sở vững chắc:
“Chủ-thuyết đặt nền tảng trên quan-niệm
tôn-trọng phẩm giá con người và đẩy mạnh sự phát triển đến mức độ cao nhất.
Quan-niệm này chẳng phải của riêng một giống người nào, một quốc gia nào, hay
một đảng phái nào mà là của moị người. Ở Tây-phương, “Tinh-thần của Phúc-âm”
được xem như phương tiện để nhận-thức về giá-trị nhân-bản của con-người và tại
Á-châu, những nguyên-tắc tôn-trọng con người nhân-bản nằm trong Kinh Vệ-Đà,
Kinh Upanishads, trong sách Mạnh-tử, và ở ngay trong truyền-thống dân-gian
Việt-nam.” (12-1-1957, Cách-Mạng Quốc-Gia)
Và khi trả lời với Phóng Viên Báo Toronto Globe and Mail, hồi đầu năm
1963 và được in lại trong Nguyệt-san
Gió-Nam, Ông Nhu đã xác định rõ ràng:
“Tôi phải nói ngay rằng ‘Chủ-Thuyết Nhân-vị
của tôi’ chẳng có dính giáng gì đến cái Nhân-vị Công-giáo hiện đang được giảng
dậy bởi các tổ-chức Công-giáo tại Miền Nam Việt-nam (Ông Nhu muốn ám chỉ
Trung-tâm Huấn-luyện Nhân-vị Vĩnh-Long do Giám-Mục Ngô-Đình-Thục chủ-trương).
Đây không phải là một lời chỉ-trích, nhưng là lời xác-định về một sự thật. Hiện nay cái học-thuyết
nhân-vị mà tôi cổ-võ là một nền dân-chủ đấu-tranh trong đó tự-do không phải là
một món qùa của Ông Già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh-phục
bền-bỉ và sáng-suốt trong đời sống thực tế, không phải trong một khung-cảnh
lý-tưởng mà trong những điều-kiện điạ-lý chính-trị đã được định sẵn. Chính cái
quan-niệm về tự-do này đã khai mào cho toàn-bộ chương-trình Ấp-chiến-lược.
Hệ-thống Ấp-chiến-lược này sẽ làm thay đổi cơ-cấu chính-trị thượng tầng của
chính-phủ hiện tại. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Hiến-Pháp, một
Hiến-Pháp đặt nền tảng trên các nguyên tắc tự-do và sáng-taọ. Chính vì vậy khi
nói là tự-do và sáng tạo tức là chúng ta đã mặc nhiên loại bỏ tất cả các
hình-thức chính-quyền hiện hữu.” (5-5-1963, tr. 68)
2-
Những ưu-điểm của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Trong suốt thời gian thử nghiệm 9 năm tại miền
Nam Việt-nam, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đã tỏ ra rất thực dụng và thuần-nhất. Một số
những ưu-điểm nổi bật cần được nhắc lại một cách chi tiết hơn.
a-Chủ-Nghĩa Nhân-Vị Chống Cộng-sản và nêu cao
Chính-nghĩa Quốc-gia
Những người từ bỏ quê-hương miền Bắc và mồ mả
tổ-tiên, chạy vào Miền Nam vĩ tuyến 17 chỉ để lánh nạn Cộng-sản tìm tự-do.
Trong khi đó những người miền Nam không chấp nhận sự cai-trị của đảng Cộng-sản
Việt-nam đã tự-nguyện ở lại miền Nam để cùng với người miền Bắc di cư lập ra
một quốc-gia mới chống cộng-sản. Như vậy chính-nghĩa quốc-gia của họ chính là
“chống đảng Cộng-sản Việt-nam và Cộng-sản quốc-tế và chống Chủ-nghĩa Cộng-sản
độc-tài chuyên-chế”. Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là chủ-thuyết tiêu-biểu nhất đề cao
nguyện vọng và lý-tưởng cao cả này của họ.
Trên căn bản nhận thức triết-học, hai
chủ-nghĩa Nhân-Vị và Cộng-sản hoàn-toàn đối nghịch nhau. Chủ-nghĩa Cộng-sản, vì
đặt căn bản trên ý-hệ duy-vật nên độc-đoán không tưởng nên không có “dụng”. Nếu
chẳng may người ta ép buộc phải thi hành (cưỡng hành), thì phải bù bằng đủ thứ
công-an mật-vụ để ép-buộc, khủng bố mới có làm, vì cái làm đó không do tự trong
phát xuất ra, thường trái với bản-tính con người, nên chỉ có làm bao lâu còn có
sự khủng-bố, ép-buộc. Ngược lại, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là hệ-thống triết lý đặt trên Tâm-Linh
Thái-Hòa tức trên nhu-yếu thâm sâu của con người tất nhiên có “dụng”, khỏi cần phải
thúc đẩy từ ngoài. Vì thế Nhân-vị khác với Ý-hệ, nhất là bái-vật, ở chỗ không
“dùng mưu gian đạo-đức” (vì đạo-đức mà đánh lừa ‘pia fraus’, như Cộng-sản
Việt-nam đã làm với những chiêu bài như : “Không gì qúy hơn độc-lập tự-do”,
“Lao-động là vinh-quang” v.v. . .) Triết-gia Kim-Định viết:
“Bái vật dùng tràn ngập ‘pia fraus’ đã đành,
cả đến triết lý nhiều khi cũng không chê, thí dụ ông tổ triết Tây Plato cũng
dùng bộn. Còn Cộng-sản thì khỏi nói: luôn luôn sống trên những lời hứa cuôị
(lơị hành) kèm thêm khủng bố (cưỡng hành), vì ý-hệ là triết học xây trên ý-niệm,
không đủ sâu để khơi động nguồn nghị-lực tâm hồn, đành phải dùng những trợ lực
ngoại khởi như ‘pia fraus’.” (tr.173)
Đứng về mặt cơ cấu, ở dưới hạ-tầng cơ-sở,
Chính-phủ Nhân-vị đã mô-phỏng quốc-sách Ấp-Chiến-Lược theo hệ-thống làng xã
cổ-truyền Việt-nam và trên thượng tầng là một tổ-chức chính-phủ cộng-hòa theo
tổng-thống chế kiểu Hoa-kỳ. Hệ-thống làng xã cổ-truyền Việt-nam, theo Giáo-sư
Nguyễn Đăng Thục thuộc Viện Đại Học Sài-gòn thì cái hệ-thống làng xã tự trị này
cũng là hình-thức dân-chủ rất phổ biến trong các quốc-gia Á-châu và đặc biệt
tại Việt-nam. Đấy là một định chế dân-chủ độc đáo, goị là làng hay xã, nó mang
những nhân tố xã-hôị rất sơ-khai, tồn tại và nổi trôi với những thăng trầm của
giòng lịch sử đã hơn 4000 năm. Giáo-sư Thục lập-luận rằng:
“Nếu chúng ta định nghĩa dân chủ là một
hệ-thống chính-phủ do dân bầu ra để phục vụ quyền lợi của người dân và trong
hệ-thống chính quyền này, quyền lực nằm ở trong tay của dân-chúng, thì chế-độ
làng hay xã, như hệ-thống làng-xã cổ của Việt-nam, qủa thật là một chế độ
dân-chủ đặc biệt. Điều độc-đáo nhất của cái nền dân chủ sơ khai này chính là ở
chỗ tự nó hình thành, mang bản chất tự-trị, rồi tự nó lại thích-nghi với một
hệ-thống trung ương chuyên-chế của chế-độ quân chủ Á-đông. Cho nên có thể nói
quốc-gia Việt-nam giống như một hệ-thống chính quyền liên-bang gồm có nhiều
tiểu-bang nhỏ và trên hết là một chính-quyền liên-bang. . . . . . Tổ chức
xã-hôị và chính-trị của Việt-nam gồm có hai hệ-thống đối lập nhau và chồng lên
nhau. Ở dưới hạ-tầng là một nền dân chủ đại-nghi, tự-trị và đại-chúng; ở trên
thượng tầng là một nền quân-chủ chuyên chế, tập-trung quyền lực bằng một
hệ-thống quan-lại. Hai định chế này tuy khác nhau trên căn bản nhưng lại cùng
tồn tại qua bao nhiêu thế-kỷ với biết bao nhiêu biến đổi của lịch sử, trong lúc
hòa bình thịnh vượng cũng như lúc chìm trong nôị chiến và ngoại-xâm.(1958, tr.
7-8)
Ông Diệm cũng xác-nhận với sử-gia Marguerette
Higgins:
“Chúng tôi có một nền dân-chủ truyền-thống và
một hệ-thống làng-xã tự-trị. Đó chính là một phần của truyền thống Nho-giáo với
những phong tục tập quán và các bổn-phận của con người trong xã hôị. Tất cả
những phong tục tập quán này không phải là những luật lệ thành văn nhưng được
truyền lại từ đời này qua đời khác bằng nghi-lễ gia-tiên hay đạo thờ cúng Ông
Bà. Chúng tôi chủ trương tìm lại những côị nguồn này để tái thiết xứ-sở chúng
tôi.”(Higgins,tr. 166)
Tóm lại, cái lối-sống hay cái sinh-hoạt
dân-chủ mà Chủ-nghĩa Nhân-vị muốn mang lại cho dân-chúng miền Nam-Việt-nam chính là những nét văn-hóa
truyền thống Việt-nam mà họ hằng yêu-mến tôn-trọng. Đấy là một lối sống
nhàn-tản phong-lưu, trọng nhân-nghĩa hơn là lý-lẽ, và trân-qúi các gía-trị
cộng-đồng. Vì thế họ hăng-hái tự-nguyện xây-dựng
và bảo-vệ nó. Đúng như triết gia Kim-Định giải thích, vì những gía-trị dân-chủ
này đã xuất phát từ nhu yếu thâm sâu của con người tất-nhiên có “dụng”, không
cần thúc-đẩy từ bên ngoài. Đây chính là ưu-điểm của giải-pháp Nhân-vị khi đem
so-sánh với các giải-pháp dân-chủ-hóa khác.
c-Ưu-tiên của Giải-pháp Dân-Chủ-Hóa: Cơm no áo-ấm
Nói đến Chủ-Nghĩa Nhân-Vị mà không nói đến
người khai sinh ra nó, người lãnh đạo và đích-thân chọn lựa giải-pháp và
thử-nghiệm nó, thì qủa là một thiếu-sót. Nhất là quan-niệm cho rằng “dân-chủ”
chỉ phát-triển nếu quan-niệm thiện-ích chung mỗi ngày một ăn sâu-rộng trong
dân-chúng và trong chính-quyền. Có-nghĩa là giải-pháp dân-chủ-hóa thành công
hay không phần lớn là nhờ vào “quan-niệm về thiện-ích chung” của người lãnh-đạo
có “sâu-rộng” hay không. Người lãnh-đạo phải là người làm gương dẫn đường. Bản
thân Ông Ngô-Đình-Diệm là một người nổi tiếng về đạo-đức và khí tiết chính-trị.
(Quách-Tòng-Đức & Lâm-Lễ-Trinh 2005) Đây chính là ưu-điểm nổi-bật của Giải-Pháp
Dân-chủ-hóa Việt-nam của Nhân-vị.
Ngoài “quan-niệm thiện-ích chung” mà người
lãnh đạo cần phải có, viễn-kiến về chiến lược thực hiện xây-dựng dân-chủ cũng
vô cùng quan-trọng. Anh em Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu đã chọn
giải-pháp“cơm-no áo-ấm”. Một trong những mục-tiêu của quốc sách Ấp-Chiến-Lược là
“Xây-dựng tại nông thôn một vùng thịnh vượng
với kinh-tế sơ-bản, mỗi gia đình vô-sản đều có được một nóc-nhà và một miếng
đất sinh hoa-lợi đủ sống, tức là đã trang-bị cho đại đa-số dân chúng một bảo
đảm thực sự cho tự-do cá-nhân và thói-quen tham-gia việc chung.”
Nói một cách đơn-giản là nếu chính-quyền có thể đem
đến cho đại đa số dân chúng những nhu cầu vật chất căn bản hằng ngày (cơm no
áo-ấm) tức là đã đem lại tự-do dân chủ cho họ rồi. Tục-ngữ Việt-nam có
câu “Có thực mới vực được đạo”, có nghĩa là khi mà bụng đói thì còn hơi sức đâu
mà nghĩ đến đạo-nghĩa! Hay là “Phú-qúy sinh lễ-nghĩa”, nghĩa là có của cải rồi
mới học làm sang, cũng có nghĩa là nếu tối ngày phải lo kiếm sống thì làm gì
còn có thì giờ để nghĩ đến văn-chương nghệ-thuật, đến các gía-trị tự-do dân-chủ
v.v. . . Tóm lại đây là một sự chọn lựa đúng đắn và là một quy luật chung trong
thiên-hạ. Người La-tinh nói: “Primo vivere, deinde philosophare”. Đã có lần GS
Tôn Thất Thiện viết: “Ta không nên quên rằng Đức Phật Thích Ca, sau một thời
gian sống không thiết đến ăn uống, bị ngất xỉu và sau đó, Ngài đã nhận thấy sự
cần thiết nuôi dưỡng cơ thể nếu muốn có sức để tìm Đạo.”(2005)
Nhưng tại sao vấn-đề “Xóa đói giảm-nghèo” đã
được thế giới chú trọng đến từ lâu sao đến nay vẫn không thực hiện được?
Giải-pháp “Dân-chủ với Kinh-Tế Thị-trường Tự-do” phát triển thế-giới thứ Ba của
LHQ vào thập niên 1950s bị thất bại. Vào thập niên 1980s, World Bank và IMF đã
đứng ra vận-động phát triển dân-chủ với giải-pháp “Basic Needs Approach” (Thực
hiện các nhu cầu căn bản) cũng chẳng đi đến đâu. Nhiều hội-nghị quốc-tế về xóa
đói giảm nghèo đã được World Bank đứng ra triệu tập và trở ngại nhất vẫn là hai
vấn đề “Delivery on the ground” (Làm thế nào đưa đến tận tay người nghèo) và
“Targeting” (Làm thế nào để chọn đúng khu-vực, nơi cần được giúp đỡ), vì nạn
tham nhũng gây ra! Những người có trách nhiệm, từ các tổ-chức quốc-tế đến
chính-quyền địa-phương, đã không làm tròn trách nhiệm vì chưa “khắc được kỷ và
phục được lễ”!
Dưới sự lãnh-đạo của TT Ngô-Đình-Diệm chỉ sau
2 năm trời ngắn ngủi miền quê Nam-Việt-nam đã có được một đời sống ấm-no.
Chính-phủ Ông Diệm đã chọn “giải-pháp no cơm ấm áo” cho 95 phần trăm dân chúng ở thôn quê
làm chiến-lược phát-triển quốc-gia, với quyết tâm của Ông giải-quyết cho bằng
được hai trở ngại “Delivery” và “Targeting” qua công cuộc cải cách điền-địa và
thực hiện vấn-đề “Tái-phân-phối lợi tức quốc-gia” với khẩu hiệu “ cá-nhân và
cộng-đồng đồng tiến”. Cho nên Chính-phủ của ông Diệm được tổ chức dưới hình
thức một Chánh-phủ của phúc-lợi (‘good’ government), vì trong “no cơm ấm-áo” đã
có sẵn mầm mống của “dân-chủ tự-do” (Phú-qúy sinh lễ-nghĩa). Sự thành-công này
là do bản thân Ông Ngô-Đình-Diệm đã khắc được kỷ phục được lễ, làm gương cho
quần chúng. Ông đã chọn con đường hy-sinh để bênh vực giá-trị con người: “Khi sự thể đáo-đầu, phải
xem “NHÂN” hợn sự-sống, nên có lúc giết cái thân mình, để vì nó mà hoàn thành
được đức nhân!” Khổng tử
thật chính-xác khi gọi những người này là “chí-sĩ”. Đại-sứ Mỹ F. Nolting viết
một lá thơ cho sử-gia M. Higgins, biểu-lộ lòng cảm-phục của Ông đối với một
quân-tử Nho-giáo:
“Tôi chẳng biết một quan-lại Nho-giáo là cái
quái gì, nhưng nếu Ông Diệm là một Nho-quan, tôi cũng muốn giống Ông ta. Trong
hơn hai năm rưỡi làm việc và quan sát kỹ lưỡng Ông ta, tôi thấy Ông ta qủa là
nhà lãnh đạo đầy thiện-tâm, chính trực, lại rất can-trường, và được tôn kính.
Mặc dầu tôi đã mất rất nhiều thì giờ và gặp phải rất nhiều khó khăn mỗi khi
phải thương lượng với Ông ta, nhưng lúc nào tôi cũng kính-trọng và khâm-phục
cái tính nhẫn nại cương quyết của Ông ta lúc phải theo đuổi một mục đích nào
đó. Tôi cũng rất kinh ngạc về con người quân-tử và lòng nhân ái của Ông ấy. Ông
ấy thường dành ra một ngày rưỡi để nghỉ lễ Giáng-sinh và đó cũng là ngày nghỉ
duy-nhất của Ông ấy trong năm, đi đến những tiền đồn xa xôi nhất để ăn mừng lễ
với các binh sĩ ở đó.” (1962, tr.162)
Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét