Tôi vụt thức khi thấy cổ họng mình khô rang.
Ngó dạ quang của đồng hồ: 2 giờ 48 phút. Thì ra tôi đã chợp mắt trong cơn sợ
hãi. Thuốc lá làm họng tôi khô, lưỡi tôi khô, môi tôi khô nhưng rượu đã không
làm tôi say. Rượu đủ. Đó là tên truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Rượu chưa đủ,
không đủ khả năng trấn áp nỗi sợ biển máu của tôi. Có lẽ, thuốc phiện đủ khả
năng ấy. Tôi thèm được nằm bàn đèn với Nguyễn Mạnh Côn - với Hoàng Hải Thủy thì
nhất - hút vài cặp. Thuốc phiện sẽ bắt tan loãng mọi sợ hãi. Nếu ta say, thuốc
phiện giúp ta thoát thực tại ưu phiền, đưa ta lên cõi phiêu bồng lâng lâng.
Thuốc phiện lâu say mà say lâu. Và hễ say, dao kề cổ vẫn tỉnh bơ, bởi chẳng còn
ý thức nổi không gian, thời gian, nói chi sự việc quanh mình. Dẫu mắt vẫn mở.
Mắt mở không phải là thức. Dù mắt nhắm. Mắt nhắm không phải là ngủ. Tai vẫn
nghe người nói song không biết trả lời Lý Bạch mới say rượu mà đã trở thành thi
bá và chết đẹp vì say. Thời nhà Đường, Trung Hoa chưa "sáng tạo" được
dọc tẩu, đèn dầu lạc và cung cách nằm hít tô phe, nên Lý Bạch đã chưa phiêu
diêu trong cõi say phù dung. Do đó, nhân loại vẫn thiếu những bài thơ trác
tuyệt của thi sĩ thịnh Đường. Giá tôi được chết say thuốc phiện, tôi sẽ hoan hỉ
vô cùng. Tôi sẽ vượt khỏi sợ hãi chờ chết. Hạnh phúc cho những nhà văn nào bị
cộng sản đánh dấu, bị thất bại di tản, đang chong ngọn đèn dầu lạc soi tâm sự
và thả tâm sự ấy theo khói thuốc phiện vào giây phút mà cái thòng lọng thù hận
đang xiết chặt dần cổ mình.
Không có thuốc phiện, tôi đành đem hồi tưởng và
ý nghĩ vẩn vơ ra thay thế và coi như những lời giăng dối gửi cho hư vô. Trăm
năm trước tôi, Từ Diễn Đồng đã chờ sáng:
Đêm sao đêm mãi tối mò mò Đêm đến bao giờ mới
sáng cho Con trẻ u ơ chừng muốn dậy Ông già húng hắng ngại thèm ho Ngọn đèn giữ
trộm khêu còn nhỏ Tiếng chó nghi người cắn vẫn to Làng nước ai ai đà thúc dậy
Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho
Dân tộc bất hạnh của chúng ta chờ sáng dài dài,
chờ sáng đều đều. Đêm tối không chỉ một đời người mà từng thế kỷ. Trăm năm sau
Từ Diễn Đồng, Nguyễn Sĩ Tể lại Chờ sáng. Tôi không chờ sáng. Tôi muốn đêm tối
vô cùng, đừng bao giờ sáng nữa. Vì bóng tối vỡ, tôi sẽ nhìn rõ hình cụ của đao
phủ. Tôi đang chờ chết. Làm sao anh có cảm giác đích thực của kẻ chờ chết?
Người ta hằng nói về nỗi thống khổ, về nỗi sợ hãi đã kinh qua. Kinh qua chưa
đủ. Cần thể nghiệm. Cho nên, có nhiều nhà văn của chúng ta ôm trái ngọt thống
khổ mà không dám nuốt. Rốt cuộc, sự kinh qua thống khổ chỉ thể hiện trên những
trang giấy kể khổ, tố khổ mà không soi sáng cho đời sống một ý nghĩa nào. Đây
là một thiếu sót lớn trong văn nghệ của chúng ta. Sự thiếu sót đã khiến tác
phẩm văn chương của chúng ta thiếu kích thước, vắng cái chiều sâu thăm thẳm.
Hình như, chúng ta cũng bằng lòng sự thiếu sót đó. Và chúng ta đánh giá đại tác
phẩm của chúng ta bằng cuốn sách nào nhiều sổ trang nhất, dầy nhất, cầm nặng
tay nhất? Thế thì lại thêm một vấn đề đặt ra. Kinh qua nỗi khổ, thể nghiệm trọn
vẹn nỗi khổ mà nhiều tài năng phô diễn, xem chừng cũng vô tích sự. Tôi là kẻ
thiếu tài năng phô diễn nên tôi đã không phô diễn trọn vẹn cảm giác sợ hãi chờ
chết của tôi. Và tôi bắt chước Thanh Tịnh để khỏa lấp một sự bất tài: Bấy giờ
tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Tôi bắt chước câu văn của
Thanh Tịnh thôi. Trường hợp hồi tưởng buổi học đầu đời của Thanh Tịnh và trường
hợp của tôi khác hẳn. Rõ rệt tôi là kẻ bất tài. Súng vẫn nổ ròn ở phía phi
trường Tân Sơn Nhất. Trực thăng Hoa Kỳ vẫn vần vũ một góc trời Sài gòn. Ở những
nơi nào nữa, trên quê hương miền Nam, những người lính Cộng Hòa đang trả lời
chính quyền Mỹ, dân tộc Mỹ và thế giới rằng, họ không phải là tên bù nhìn
Nguyễn văn Thiệu. Khẩu khí Nguyễn văn Thiệu là, khẩu khí một tên lính đánh
mướn. Thiệu không chống cộng, Thiệu nhả ngôi vị tổng thống vì Mỹ cúp viện trợ.
Lính và sĩ quan liêm sỉ của nước Việt Nam cộng hòa tiếp tục chiến đấu chiến đấu
vào lúc "đại tướng" Cao văn Viên đã đào ngũ chạy trốn sang đảo Guam.
Bây giờ tôi mới thấy tôi hèn nhát. Nếu tôi đã là lính, lúc này, tôi được chiến
đấu, được chết anh dũng, chết xứng đáng. Dẫu không có quan tài, không có quốc
kỳ phủ trên quan tài, không cả da ngựa bọc thây, vẫn còn giọt nước mắt tiếc
thương của chiến hữu. Vì tôi trót hèn nhát nên tôi phải ngồi chờ chết, chờ chết
nhục, chết thảm. Chợt nhớ đoàn xe tăng tối hôm qua, tôi băn khoăn không hiểu xe
tăng của ta đi về đâu chặn giặc cứ điểm nào. Bên kia biên giới của tuyệt vọng
là hy vọng. Câu này áng trong tôi một đốm sáng. Tôi kiếm cái radio nhỏ mở nghe
tin tức xem Tân tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, trung tướng
Vĩnh Lộc, còn tuyên bố gì thêm không. Đài phát thanh Quân Đội im bặt. Đài Sài
gòn chỉ léo nhéo Nối vòng tay lớn và giọng nói no đầy đắc thời của tên dân biểu
ngu dốt chủ trương giữa Lý Quý Chung. Hắn đã là Tổng trưởng Thông tin của nội
các Vũ văn Mẫu. Tướng Vĩnh Lộc không còn tiếng nói. Ông ta đang ở đâu? Xướng
ngôn viên quen thuộc của đài Sài gòn loan tin giới nghiêm 24 trên 24 kể từ hôm
nay, 30-4-1975. Giới nghiêm 24 trên 24. Tình trạng cực kỳ nghiêm trọng rồi. Sài
gòn sẽ biến thành một Stalingrad chăng? Tôi mong thế. Để được chiến đấu và được
chết đúng nghĩa một cái chết. Tắt radio. Tôi ngồi hút thuốc chờ sáng. Tôi không
chờ chết nữa...
*** Những chuyện vừa xảy ra từ đầu tháng 4 mà
tưởng chừng xa lắm rồi. Lịch sử nào cũng có những trang buồn bã và những trang
chó đẻ. Những trang chó đẻ nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại tính từ ngày
12-3-1975. Và những trang này không chứa chất u ẩn cần các sử gia đời sau soi
sáng. Nó phơi ra thỗn thện như những miếng thịt bầy nhầy, như xác chết muông
thú nhung nhúc ròi bọ. Hiện nguyên hình, hiện rõ chân tướng trên những trang sử
chó đẻ là bọn thống trị tôi mọi chiếu nhất, chiếu nhì của cái chế độ bệ rạc đệ
nhị cộng hòa. Khi máu của dân, của lính chẩy dài dọc 300 cây số liên tỉnh lộ số
7, con trâu Nguyễn văn Thiệu và con bò Trần Thiện Khiêm vẫn húc nhau. Đứa tham
nhũng đòi lật đổ đứa tham nhũng. Và thầy tu Trần Hữu Thanh và "chiến hữu”
đã nhân danh cái Thiện chống cái ác vì cái ác khác. Cuộc chiến đấu của thầy tu
Trần Hữu Thanh không có tên để đặt. Có vẻ, cuộc chiến đấu ấy như thể là cuộc
khiêu vũ trên xác chết. Cao nguyên đã mất. Vùng đất chiến lược đã mất. Con trâu
hận chủ nó và hận con bò đã nộp dân, dâng đất cho cộng sản. Trâu bò không có
lòng trắc ẩn, nên cảnh tượng hãi hùng diễn ra dọc 300 cây số đường máu chỉ là
hoạt cảnh tương tự chương trình tạp lục của Tùng Lâm. Và tất cả đồng ý với trâu
bò, sự nghiệp nộp dân, dâng đất cho cộng sản của Nguyễn văn Thiệu là... di tản
chiến thuật?
Người ta bỗng nhớ những cuộc rút lui chiến
thuật theo "Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp"
vào những ngày trước 20-7-1954 và sau thất bại Điện Biên Phủ. Thoạt đầu, những
tỉnh thượng du "rút lui chiến thuật" rồi các tỉnh trung du "rút lui
chiến thuật" rồi các tỉnh đồng bằng "rút lui chiến thuật." Rồi
mất miền Bắc. Dĩ vãng đã không lay động cơn mê sảng hiện tại. Và cơn mê sảng
biến chứng thành lú lấp. "Rút lui chiến thuật" 1954 không phải, không
bao giờ phải là "di tản chiến thuật" 1975. Cái chính trường của Sài
gòn hoàng hôn chỉ đủ khả năng găm vào Nguyễn văn Thiệu và triều đình cầy cáo
của Thiệu. Và, thê thảm lắm, sự mong muốn của Thiệu, từ chức, người ta quả
quyết, là ý Mỹ. Đó là sự thật đau lòng. Mỹ muốn Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại,
thay thế ảnh hưởng thực dân cũ bằng thực dân mới. Bảo Đại bị truất phế. Mỹ muốn
thay thế Ngô Đình Diệm bằng đám tướng lãnh vai u thịt bắp, vô học và ngoan
ngoãn. Ngô Đình Diệm bị hạ sát. Ngô Đình Diệm trưng cầu dân ý để phản bội Bảo
Đại và tự biên tự diễn cách mạng nhân vị. Cách mạng nhân vị đã tiêu diệt quốc
trưởng Bảo Đại và toàn ban Hội tề ấm ớ. Đám tướng lãnh thoán nghịch cũng nhân
danh cách mạng tháng 11 tiêu diệt nhà Ngô và cách mạng nhân vị. Mỹ muốn thế. Mỹ
muốn hết. Mỹ chỉ cần tay sai một giai đoạn nào đó, cho một mục đích nào đó.
Nhưng Mỹ khoái chơi trò chơi dân chủ. Mỹ mở võ đài đánh đấm độc tài. Mỹ cổ võ.
Cả nước Việt Nam chống độc tài Ngô Đình Diệm. Cả nước Việt Nam tưởng mình làm
cách mạng, tưởng mình hạ bệ Ngô Đình Diệm. Nẩy sinh một số kiêu tăng mà Thích
Trí Quang là biểu tượng rõ nét. Ông thầy tu này coi miền Nam giống cái sân chùa
Từ Đàm của ông. ông đã thật "thiêng liêng" những giai đoạn chống
Diệm, chống Hương, chống Kỳ. ông thật sự hết thiêng khi chống Thiệu. Tòa Đại Sứ
Mỹ đã ngó lơ, mặc ông tuyệt thực đủ 100 ngày trước Dinh Độc Lập rồi ông âm thầm
về dưỡng sức tại Dưỡng đường "đỡ đẻ" của bác sĩ Nguyễn Duy Tài? Thích
Trí Quang cháy từ đó. ông ta không hiểu Mỹ chỉ cần ông ta cho một mục đích nào
đó, trong một giai đoạn nào đó. Nhiều kẻ đối lập Thiệu và đối lập tổ quốc cũng
không hiểu, không chịu hiểu và không biết hiểu như ông thầy tu Thích Trí Quang.
Mỹ xử dụng ông Trí Quang, thỏa mãn tự ái của Phật tử quá khích, giải tỏa niềm
tự ti lép vế 100 năm, đồng thời, hâm nóng tự ái Chúa tử, réo gọi cái lép vế
hiện thời. Giữa Trí Quang và Hoàng Quỳnh giàn trận. Hai đêm mù mịt con Phật,
con Chúa giao tranh giữa Sài gòn, thời Nguyễn Khảnh, là kết quả đẹp của Tòa Đại
Sứ Mỹ. Đến lượt Thiên chúa giáo quá khích biểu dương lực lượng
"kick-out" Cabot Lodge và "chiếm đóng" Dinh Gia Long. Tôn
giáo thay thế đảng phái. Đảng phái hoàn toàn tê liệt. Mỹ lại phân tán mỏng tôn
giáo. Phật Giáo chia ra hai hệ phái kình địch nhau: ấn Quang và Việt Nam quốc
tự. Giấc mộng hóa đạo (hóa các đạo khác thành đạo Phật) mà văn gia Nguyễn Đức
Quỳnh mớm cho ông Thích Tâm Châu bị vỡ. Thiên chúa giáo chia ra hai lực lượng
chống đối nhau: Lực lượng đại đoàn kết và Mặt trận công dân công giáo. Trò chơi
của Mỹ đã xong. Nguyễn văn Thiệu yên ổn đóng vai bù nhìn. Và Mỹ tự do toan tính
những âm mưu của Mỹ.
Những kẻ thèm quyền bính và những kẻ chống đối
ảo tưởng không quán triệt cái thủ thuật dùng tay sai cho mục đích nào, trong
giai đoạn nào của Mỹ nên đã đối lập hư vô, đã câu sao in mặt nước, đã cù trên
mũ sắt. Khi Mỹ còn cần Thiệu như một đầy tớ đắc dụng, chống đối Thiệu chỉ là sự
làm dáng dân chủ giả hiệu của Mỹ ở nước nhỏ. Nhưng khi Mỹ không cần Thiệu và
không cần bất cứ một tay sai nào thay thế Thiệu nữa, Mỹ muốn bỏ rơi Nam Việt
Nam - vì đến giai đoạn bỏ, bởi mục đích đã đạt - thì người ta lại chỉ có thể
hiểu rằng Mỹ sẽ bỏ Thiệu vì... ý dân bản xứ là ý trời. Ý ấy thể hiện ở công
cuộc bài trừ tham nhũng Nguyễn văn Thiệu của thầy tu Trần Hữu Thanh. Có lẽ, ông
thầy tu Trần Hữu Thanh ngây thơ, ông tưởng Trần Thiện Khiêm trong sạch như "con
cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao", hoặc Trần Thiện Khiêm
như cánh sen, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Ông ta "trụ
trì" ở Dòng Chúa Cứu Thế, đâu biết những cánh rừng thông non của tổ quốc,
Trần Thiện Khiêm đã bán hết, bán rẻ cho tư bản Nhật. Riêng vụ chặt thông non,
Trần Thiện Khiêm đã đáng đem ra xử tử Nếu có dịp - trước 1975, dĩ nhiên - ra
Cam Ranh, thấy gốc và ngọn thông xếp núi vất lại, lái buôn Nhật chỉ mua khúc
thân giữa thật ngắn, mới đếm được tội ác của Trần Thiện Khiêm. Và người tê liệt
lòng yêu nước cũng bỗng dậy lòng yêu nước. Thầy tu Trần Hữu Thanh không nhìn
thấy gì, nghe thấy gì cả. Thầy nhắm mắt bài trừ tham nhũng Nguyễn văn Thiệu
nhân danh tham nhũng Trần Thiện Khiêm. Và, như những kẻ bị Thiệu loại ra khỏi
chính trường, tước đoạt quyền bính, thầy tu Trần Hữu Thanh hồ hởi phấn khởi chờ
đợi ngày Nguyễn văn Thiệu gửi lời "cám ơn" đồng bào* . Tất cả đã chỉ
vì Thiệu, chỉ nhằm Thiệu mà quên suy diễn: Hàng tỉ đô-la tung sang Việt Nam,
không tiếc sao lại tiếc 200 triệu?
Nhưng cái chính trường vét đĩa ấy đã không suy
diễn sự kiện Mỹ cúp viện trợ, đã không nhớ lại sự "rút lui chiến
thuật" 1954. Nó bung ra tứ phía và tưởng cò sẽ béo khi nước đục. Nó rộn
ràng đó đây. Nó hân hoan Mỹ cúp viện trợ cho Thiệu. Nó tưởng Mỹ cúp viện trợ
cho Thiệu là đuổi Thiệu đi. Nó hy vọng tràn trề, kế vị Thiệu sẽ được Mỹ tiếp
tục viện trợ và viện trợ nhiều hơn. Những người đủ tư cách trả lời những kẻ ôm
ảo tưởng Mỹ viện trợ nhiều hơn là các ông tướng quân đoàn, tướng sư đoàn thì
đều im lặng. Chỉ cần một ông tướng pháo binh nói sự thật về sự giới hạn đến thê
thảm đạn phản pháo. Đã đủ thức tỉnh mọi người cái thế kết đoàn tự lực ngăn
giặc. Buồn thay, đã chẳng hề ai có thẩm quyền lên tiếng về những phi vụ Mỹ yểm
trợ hành quân càng ngày càng thưa từ sau hòa ước Paris và mất hẳn và chiến cụ
viện trợ nhỏ giọt bó tay quân lực Việt Nam cộng hòa. Bầy hạc gỗ nín khe. Đám
cầy cáo hưởng thụ no nê thì hóa đui, điếc, câm. Bởi thế, thay vì rộn ràng một
hội nghị Diên Hồng không cần Thiệu và quần thần đê tiện của Thiệu, người ta tấp
nập, vội vàng chiếm thế thượng phong vào... Dinh Độc Lập ngồi lên cái ghế nô
dịch của Thiệu. Ba trăm cây số đường máu oan nghiệt của quân dân "di tản
chiến thuật" không làm xúc động ai. Hình như ruồi nhặng chỉ thích đậu trên
máu quánh, và kên kên chỉ thèm xác chết rữa...
Đó đây, từng nhóm thống trị bù nhìn phế thải
họp bàn mưu đồ lợi dụng thời cơ phục hồi quyền bính cũ. Những khuôn mặt cá ươn
của chính trường bay ra cái chợ chiều dân tộc. Và những giọng nói cú vọ lại
phát ngôn lời sắt son yêu nước. ông Nguyễn Cao Kỳ là người cay cú Nguyễn văn
Thiệu nhất và thèm quyền bính nhất trong đám tôm tép chợ chiều. Thuở nắm quyền
bính "độc lập, tự do" trên: không có kỳ đà tổng thống cản mũi, dưới:
không có gà què quốc hội làm phiền, ông ta thường hay phát ngôn nhảm nhí bất
xứng với cương vị thủ tướng. Trong chợ chiều, ông ta buông một câu chính khí:
- "Tôi không đi đâu cả. Tôi nhất định ở
lại Việt Nam. Tôi đã quen ăn tương cà, canh mắm rồi. Sang Mỹ ăn bơ sữa dễ bị ỉa
té re. Đứa nào sang Mỹ, đàn ông làm cu-ly đàn bà làm đĩ "!
Nhiều người rất cảm động khẩu khí Nguyễn Cao
Kỳ, đinh ninh rằng ông ở lại chiến đấu, quyết xin được da ngựa bọc thây, dẫu
chẳng lật lại thời thế, bảo vệ miền Nam dân chủ tự do, thì cũng đem thân báo
đền nợ nước để khỏi thẹn với tiền nhân dưới suối vàng. Xin mở một ngoặc đơn.
(Rất tiếc ông Nguyễn Cao Kỳ đã ra đi. Người ta sẽ thông cảm ông, sẽ chia xẻ với
ông lời nói của cổ nhân "chấp kinh tòng quyền", nếu ông biết ẩn thân,
diện bích mà suy nghĩ một câu ngắn trong Cựu ước: "Có một thời im lặng và
một thời lên tiếng". Tại ông ham lên tiếng và lại lên tiếng nhảm, lên
tiếng không đúng thời nên ông mắc khẩu nghiệp. Và bị công kích. Khi viết cuốn
sách này và từ dòng này, tôi đã thiền, nên xin ông hiểu giùm rằng, tôi không
thích công kích ông nữa). Khép ngoặc đơn. Dù ghét ông Kỳ hay dù chẳng ghét ông
Kỳ, rất nhiều người đã vì khẩu khí Tân Sa Châu của Nguyễn Cao Kỳ mà ở lại, hy
vọng được cùng ông Kỳ chiên đấu. Rốt cuộc thì đa số vào tù nghĩ là ông Nguyễn
Cao Kỳ sáng giá nhất chợ chiều tôm tép, một ông tướng đã vội hạ quyết tâm:
- Lần này ông nắm quyền bính, thằng nào trình
văn thư cho ông ký ở bàn mạt chược, xin phép ông, tôi bắn bỏ hết!
Đó mới là sinh hoạt một cụm. Những cụm khác ra
sao? Quý vị mót làm Tổng trưởng lăng xăng như gà mót đẻ. Thiệu đổ sẽ có nội các
mới. Nội các nào? Người ta đi tìm chỗ cư ngụ của Thủ tướng tương lai. Thầy tu
Trần Hữu Thanh quên Chúa, nhất định phá bùa ếm dấu trong bụng con rùa đồng đen
làm chân tượng đài tri ân các nước viện trợ cho Việt Nam cộng hòa. Đất nước bất
hạnh của chúng ta đã có Tổng thống tin bói toán, tử vi, lại còn thêm những kẻ
đối lập Tổng thống tin tử vi, bói toán, ngải và bùa ếm! Phong trào của thầy tu
Trần Hữu Thanh quả quyết rằng, chỉ cho chất nổ phá tung con rùa đồng đen là
Nguyễn văn Thiệu... băng hà. Sự tham quyền cố vị của Thiệu nằm ở chỗ nào đó
trong bụng con rùa. Một cái bùa của cụ Diễn, chắc chán. Tôi chợt nhớ một chuyện
tương tự đã xảy ra cách đây 20 năm. Một số các ông Đại Việt quan lại đã gài mìn
giật sập Chùa Một Cột* . Các ông ngu si này lý luận: - Long mạch của cố đô nằm
dưới Chùa Một Cột. Phải đánh sập chùa, bít long mạch thì cộng sản bất yên mà
quốc gia mới có cơ hội Bắc tiến giải phóng quê hương. Cộng sản có bất yên, Bắc
tiến có thực hiện nổi không, chúng ta đã được trả lời. Cái ngu hôm qua lại vẫn
là cái ngu hôm nay. Dễ hiểu thôi, vì trong phong trào của thầy tu Trần Hữu
Thanh có vài ông Đại Việt? Người ta đòi phế bỏ một ông Tổng thống bằng cách đi
phá bùa ếm!
***
Tôi cảm giác thời gian ngừng lại. Khi tôi mong
trời vỡ sáng thì trời không muốn vỡ sáng. Mới 4 giờ. Tiếng súng từ phi trường
Tân Sơn Nhất vọng vào đã thưa thớt, nhưng tiếng phi cơ trực thăng vẫn ầm ĩ một
góc trời thành phố. Tôi bật ti-vi. Màn ảnh nhỏ trắng xóa. Không có cái bất ngờ
như tôi tưởng tượng. Tôi đâm ra tương tư người lính sửa xe tăng trước cửa nhà
mình tối qua và ông tướng Vĩnh Lộc. Tôi mở radio. Giới nghiêm 24 trên 24 kể tử
0 giờ ngày 30-4-1975. Lệnh giới nghiêm không thay đổi. Tôi tắt ngay radio để
khỏi bị nghe Nối vòng tay lớn và giọng tanh tưởi của Lý Quý Chung luận về tình
nghĩa Trung Nam Bắc. Có vẻ như thằng ở giữa đần độn này muốn mở đường chào đón
"anh em Việt cộng" của nó. Tôi nghĩ rằng đã có sự phân chia trong chế
độ phù du Dương văn Minh. Quân sự chủ chiến. Dân sự chủ hòa. Thật sự, tôi không
thiết nhớ lại cái chính trường vỏ tôm Sài gòn những ngày tháng tư. Mà tôi cứ bị
nhớ. Con người khó thoát khỏi sự chi phối của chính trị, dù là chính trị cà
chớn của những thằng cà chớn.
Tháng tư 1975 quả là tháng chó đẻ của 5000 năm
văn hiến, là tháng chó đẻ của 1975 năm sau Công nguyên, ghi niên biểu vào lịch
sử Việt Nam và cả lịch sử Hoa Kỳ. Thành quả khai phóng tự do, dân chủ của Mỹ và
thành tích 7 năm chấp chính của Nguyễn văn Thiệu nằm trong tháng 4-1975. Sự
nghiệp vẻ vang của Thiệu nổi bật ở bài diễn văn từ chức và bài diễn văn từ chức
rạng rỡ có một câu: "Bảo chúng tôi chống cộng sản mà không viện trợ thì
làm sao chúng tôi chống cộng được?" Rõ là khẩu khí của tên vô lại, của
thằng đánh mướn đê tiện. Nhân sinh quan của Nguyễn văn Thiệu in nổi trên xú
ngôn quốc sỉ này. Lý tưởng chiến đấu của Nguyễn văn Thiệu in nổi trên xú ngôn
quốc sỉ này. Chính vì xú ngôn quốc sỉ này mà Việt cộng dám thóa mạ quân đội
Việt Nam cộng hòa anh dũng của chúng ta là lính Ngụy là bọn đánh mướn. (Tôi
xin, một lần nữa, xác nhận ở đây, quân đội là của tổ quốc, của dân tộc, vì tổ
quốc, vì dân tộc mà chiến đấu. Quân đội việt Nam cộng hòa không phải là công cụ
của bất cứ một chế độ nào, kể từ chế độ Ngô Đình Diệm trở đi. Quân đội đứng
trên các chế độ). Lại mở ngoặc đơn. (Kẻ vô liêm sỉ Nguyễn văn Thiệu cũng đòi
học đòi danh sĩ Nhất Linh tuyên bố: Đời tôi để cho lịch sử xử? Thêm một kẻ vô
liêm sỉ, thứ tiến sĩ cơm thừa canh cặn ở Dinh Độc Lập, đã bình giảng xú ngôn
Nguyễn văn Thiệu thành một pho xú thư dầy cộm bêu riếu dân tộc). Khép ngoặc
đơn. Thiệu từ chức chỉ vì thầy Mỹ cúp tiền. Nhưng Thiệu không biết xấu hổ khi
phát xú ngôn, ông ta dùng câu đó để diễu cợt những kẻ chống đối ông ta với thâm
ý: Mỹ cúp tiền tao mới chịu từ chức chứ không phải tao từ chức vì áp lực chống
đối của chúng mày? Chúng ta đành ngậm ngùi đã có một vị Tổng thống nằm trong
một trang nào đó của những trang lịch sử chó đẻ tháng 4-1975.
Nguyễn văn Thiệu từ chức "đột xuất"
khiến Phong trào của thầy tu Trần Hữu Thanh cụt hứng. Bùa yếm của Thiệu còn
nguyên vẹn và con rùa đen cũng còn nguyên. Nhưng thầy tu Trần Hữu Thanh hét đối
tượng... bài trừ Nguyễn văn Thiệu nhường ngôi cho ông già gân Trần văn Hương.
Nội các Nguyễn Bá Cẩn thành lập thật nhanh, nhanh đến nỗi không ai biết tên một
vị Tổng trưởng nào. Nội các này cần lập nhanh để chạy trốn hợp pháp lẹ. Tổng
thống Trần văn Hương đòi chết như một chiến sĩ, nhưng ông hạ sĩ danh dự đã
không toại nguyện, ông chỉ gây khó khăn cho những người di tản với cái sắc lệnh
cấm công chức, sĩ quan và thanh niên trong tình trạng quân dịch chạy loạn cộng
sản. Dược sĩ La Thành Nghệ là nạn nhân của tổng thống Trần văn Hương. Ông ta
vượt biển quá sớm, bị hải quân bắt đem về đất liền, bị ở lại và bị đi học tập
cải tạo. Vào những ngày cuối tháng 4, ông chủ Hoa Kỳ không còn thiết làm chủ
bọn thống trị bù nhìn nữa. Ông ta... giải phóng nô lệ, thế nhưng cái chính
trường Sài gòn hèn mạt vẫn nơm nớp sợ hãi ông chủ và tưởng rằng ông chủ Hoa Kỳ
thích Dương văn Minh thay thế Trần văn Hương để thực thi hòa giải dân tộc.
Lưỡng viện Quốc Hội họp. Tất cả quay về sau lưng, thấy mấy ông Mỹ ở Tòa Đại Sứ
đến dự kiến, ngỡ rằng Mỹ gây áp lực. Bèn đồng ý Dương văn Minh cái rụp. Thế là
chúng ta có Tổng thống Dương văn Minh.
***
Tôi mở cổng ra vỉa hè, nhìn xuống cầu Công Lý,
nhìn lên Dinh Độc Lập. Đường phố vắng hoe. Trời lất phất mưa. Không phải sương
rây. Sẽ xảy ra chuyện gì những giờ sắp tới? 4 giờ 30 rồi. Tôi trở vào nhà, rất
mong những người lính Sài gòn, những sĩ quan quả cảm, những tướng lãnh đầy
trách nhiệm làm Sài gòn thành một Stalingrad. Chúng ta đã có những ngày Hà Nội
dân chúng đốt cháy phố phường, đục tường nhà này xuyên qua tường nhà nọ, sống
với thủ đô, chết với thủ đô để trả lời kẻ thù và thế giới lòng yêu tự do, dân
chủ và ý chí chiến đấu của chúng ta. Tôi mong được chết bởi đạn quân thù khi
đang chiến đấu. Tôi sẽ tình nguyện vác đạn. "Xin làm đôi giầy của dũng
sĩ" thôi. Tự nhiên, lòng tôi dạt dào cảm xúc. Tôi bỗng thấy cái bài hát
tôi ghét nhất trở thành hay nhất:
... Nhân dân tự vệ Vang lên lời thề Không để
quân thù giầy xéo quê nhà ta Từng khu phố đứng lên...
Cảm xúc, bây giờ, khiến tôi nhớ những bài báo
của Trần Việt Sơn, đăng mỗi ngày, trang 2, báo Chính Luận. Những bài báo của
anh Trần Việt Sơn đã bắt cả Sài gòn lạc quan trước khí thế tiến công của cộng
sản. Ngòi bút của Trần Việt Sơn thật giá trị. Anh đã trấn an Sài gòn khi Huế
mất, Đà Nẵng mất, Quy Nhơn mất. Anh quả quyết chúng ta sắp phản công và cộng
sản phải ngừng lại ở bên kia đèo Cả. Cùng với những bài báo của Trần Việt Sơn -
than ôi, chỉ có một con én quả cảm và bình tĩnh Trần Việt Sơn và chỉ có một
nhật báo Chính Luận - Nguyễn Trọng Nho bay trên vùng trời Long Khánh quan sát
mặt trận với các chuyên viên quân sự, tuyên bố cùng báo chí sự bạc nhược của bộ
đội miền Bắc sau hai trái bom CBU. Sài gòn tin tưởng lại. Chúng ta còn võ khí
xử dụng vào phút chót. Bom CBU. Bom CBU sẽ đẩy lui tham vọng điên cuồng của
cộng sản. Chính tôi cũng được kích thích mạnh bởi báo cáo của Nguyễn Trọng Nho.
Tôi đã đến Cục tâm lý chiến, tìm gặp ông đại tá Cao Tiêu, đề nghị ông can thiệp
với không quân chở một số nhà văn, nhà báo danh tiếng đi quan sát các mặt trận
gần để về, viết báo, nói trên các đài phát thanh, truyền hình gây lại niềm tin
tưởng. Đại tá Cao Tiêu đồng ý* . Nhưng ông đã không thực hiện. Tôi còn nhớ cả
cái sĩ khí của một số anh em văn nghệ ở những ngày cận kề 30-4. Họ đã họp nhau
tại một căn nhà ở đường Tự Do, quyết định xuất bản một tờ báo lửa. Nếu tôi nhớ
lầm, xin được tha thứ: Trong số anh em văn nghệ đó có anh đang ở đây và một số
còn kẹt lại quê hương, không tiện nêu tên. Người ta sẽ nghĩ gì về thái độ của
kẻ sĩ lúc tổ quốc lâm nguy, và sẽ nghĩ gì về bọn tướng lãnh đào ngũ trước buổi
họp của kẻ sĩ đòi xuất bản báo lửa?
Trong những phút giây mà mạng sống như sợi chỉ
treo mành, rất hiếm những con người còn dám ngẩng mặt. Những người này chung
thân im lặng, đôi khi còn xấu hổ nếu có ai nhắc đến thái độ sống của mình, dẫu
để vinh tôn. Chắc chắn, thái độ sống của những người dám ngẩng mặt khi những
người khác chạy trốn hay chuẩn bị cúi mặt cần phải được thắp sáng bất cứ lúc
nào, bất cứ nơi nào. ít nhất thì cũng để kẻ thù của chúng ta không dám mở miệng
khinh bỉ chúng ta hèn mạt. Vì khan hiếm những con người dám ngẩng mặt nên chúng
ta thừa những con người mê muội thèm khát quyền bính đến quên cả thế lẫn thời.
Lời thóa mạ nào dành cho những kẻ trí thức bám quanh Vũ Văn Mẫu bon chen danh
vọng giờ thứ 25? Những tên Tổng trưởng đê tiện của Vũ văn Mẫu rồi cũng vào tù.
Và cũng muối mặt nhận mình là tù nhân tư tưởng! Tôi muốn quên hết, quên hết,
quên cả những thảm cảnh đồng bào tôi di tản về đất hứa Phú Yên và bị ở lại với
cộng sản; đồng bào tôi nhục nhã xuống tàu từ Đà Nẵng vào Phú Quốc, từ Đà Lạt
xuống Phan Thiết. Quên để mường tượng một Sài gòn sắp biến thành Stalingrad vài
giờ nữa. Tôi chợt thấy mình còn hạnh phúc. Hạnh phúc ước mơ chết ngon lành.
*** 5 giờ. Tôi đã trải qua 300 phút của ngày
dài nhất. Ngẫu nhiên, tôi trở thành chứng nhân của thời đại tôi, một chứng nhân
không thích rườm rà chi tiết, một chứng nhân chỉ khoái vắn tắt từng sự kiện và
suy diễn những sự kiện theo kiến thức hữu hạn của mình. Nhưng luôn luôn sáng
tạo, cố gắng sáng tạo. Rất nhiều khi chứng-nhân-tôi quên hẳn những sự kiện quan
trọng mà chỉ nhớ những sự kiện vớ vẩn. Người viết tiểu thuyết khác người viết
lịch sử ở chỗ đó. Người viết tiểu thuyết thường khám phá ra ở sự kiện vớ vẩn
cái vóc dáng đẫy đà và quan trọng hơn cả sự kiện quan trọng dưới mắt sử gia.
Tôi mê huyền sử, dã sử nặng gấp bội chính sử, ngoại sử. Giản dị lắm, huyền sử
và dã sử không thèm quan tâm tới niên biểu. Thế mà tôi lại quan tâm tới niên
biểu của một ngày dài nhất đầu tiên trong đời tôi đã trôi mút mít 20 năm.
10 tháng 7 năm 1954, là ngày dài nhất ấy, là
ngày quân đội liên hiệp Pháp rút khỏi thị xã Thái Bình, là ngày dân chúng di
tản. Thực sự, những người có máu mặt và hiểu thời cuộc đã "rút lui chiến
thuật" trước 10-7. Ngày dài nhất ấy, với tuổi 19 của tôi, thật phũ phàng.
Tôi nhớ lại. Như thế này...
Hàng năm, tôi đều từ Hà Nội về Thái Bình nghỉ
hè. Hè 1954 xảy ra vụ "rút lui chiến thuật" trước khi tôi lên Hà Nội.
Sự hãi hùng bắt đầu từ 12 giờ ngày 10-7. Lính Hổ xám, lính pạc-ti-dăng và cả
lính Bảo chính đoàn nữa, xông vào các nhà buôn bán lớn tống tiền, cướp của và
hãm hiếp đàn bà, con gái. Y hệt những thảm cảnh đã diễn ra tại vài thành phố
miền Trung trước 30-4-1975. Hàng phố vội vàng đóng cửa kín mít. Bố mẹ tôi tìm
chỗ nấp nếu cửa bị xô mở. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi những bước giầy đinh rằm
rập trên vỉa hè trước nhà mình. Tim tôi muốn vỡ ra. Tình trạng nín thở kéo dài
đến tối. May mắn, bố mẹ tôi buôn bán nhỏ nên đã thoát cảnh tống tiền, cướp của,
hãm hiếp. Tuy nhiên, chúng tôi đã có một đêm không ngủ, một đêm không ngủ đợi
chờ bất hạnh. Đêm im lặng. Máy điện chạy nghe rõ. Và máy bay bà già lượn suốt
đêm trên vùng trời thị xã. Gần sáng, một tiếng nổ lớn ở phía cầu Bo. Rồi hoàn
toàn vắng lặng. Máy bay bà già đã hết lượn. Chỉ còn vang vang động cơ của máy
phát điện. Mãi 12 giờ hôm sau, 1 1-7, dân thị xã mới biết Pháp đã rút lui.
Người ta tự động di tản về nông thôn. Thị xã bỏ trống* . Tôi chờ hiệp định
Genève ký kết xong mới lên Hà Nội. Và Hà Nội trước những ngày cộng sản vào tiếp
thu rất bình yên. Như Sài gòn chiều ngày 29-4-1975. Không hề có tống tiền, cướp
của, hãm hiếp do một số lính vô kỷ luật tạo ra. Cũng không hề có "đấu
tranh" giành lại "xương máu bị bóc lột" của dân nghèo. Hai
mươinăm sau, 1975, tôi 40 tuổi, lại thêm một ngày dài nhất và một đêm không ngủ
trong đời mình. Đêm không ngủ, tôi vừa trải qua. Ngày dài nhất, tôi mới đếm
được 5 giờ. Với một nhà văn tài năng, 5 giờ đồng hồ đợi chết, ông ta sẽ cống
hiến chúng ta những trang sách rụng rời về cảm giác sắp chết. Và ông ta sẽ soi
sáng ý nghĩa sống của sự chết. Có thể, ông ta sẽ cho chúng ta biết chính xác
nơi chốn ngự trị của linh hồn. Chúng ta cần hiểu điều đó, thèm hiểu điều đó.
Rằng, những người công chính, sau khi chết, về đâu; những kẻ giả hình về đâu;
những người chịu đựng oan khiên ngộ nhận về đâu; những kẻ điêu ngoa, dối trá về
đâu; những người suốt đời cặm cụi ngậm cô đơn và thống khổ để làm đẹp cho con
người cho cuộc đời về đâu; những kẻ phì nọc rắn, phun nọc rết, nhẩy múa trên
cay đắng đồng bào chúng nó, của đồng loại chúng nó về đâu ông ta còn có thể mặc
khải một niềm sống tuyệt vời nếu con người vượt lên được trên nỗi sợ hãi chết,
nếu con người thản nhiên chờ chết. Tôi chợt nhớ sự thản nhiên sống và thản
nhiên chờ chết của cổ nhân Đông phương. Đến một tuổi nào đó, con người Đông phương,
con người cũ Việt Nam, con người nguyên thủy Việt Nam thừa ngạo nghễ rung đùi
ngâm thơ nhìn quan tài mua sẵn cho mình hay ngồi trên nắp quan tài mà say sưa
cuộc cờ Khi con người nhìn rõ cái phù ảo của cuộc sống thì nó không thèm lý tới
sự chết. Và, vì đã quán triệt cái lẽ phù ảo của cuộc sống, con người sẽ cố sống
cho ra con người, cố làm cái gì đó thật ý nghĩa cho những cuộc sống nổi tiếp.
Hẳn nhiên, ý nghĩa của sự sống khi con người thấu hiểu lẽ phù ảo của nó chẳng
bao giờ là tiện nghi vật chất thừa mứa, là tiền bạc phủ phê, là hư danh hão
huyền đến nỗi phải kèn cựa nhau, tranh giành nhau đến xầy da, sứt trán, đến
chém giết nhau, đến thù hận nhau làm phôi pha tình người và mất ý nghĩa của sự
sống, mất lạc thú của cuộc sống. Ca dao chẳng đã luận về sự bình đẳng của sự
chết đó ư!
Vua Ngô đi bốn tàng vàng Chết xuống âm phủ
chẳng mang được gì Chúa Chổm nốc rượu tì tì Chết xuống âm phủ khác gì
vua Ngô Nếu Chúa Chổm là Lý Bạch, là Tản Đà, là Tề Xương, là Hà
Huyền Chi, là Baudelaire, là Hoàng Anh Tuấn, là Nguyễn Bính..., Chúa Chổm hơn
vua Ngô triệu triệu lần. Vì Chúa Chổm có thơ để lại cõi thế mà vua Ngô chả có
gì. Vua Ngô chết là mục xác. Chúa Chổm sống mãi, Chúa Chổm bất tử, Chúa Chổm
phục sinh nhờ thơ của Chúa Chổm. Cái thứ sống mãi trong hòm kính là thứ sống
mãi bệ rạc không hứa hẹn hòm kính sẽ bị đập vỡ tan tành. Tôi không phải là nhà
văn tài năng nên tôi đã sợ chết ngâm rọ dưới sông, sợ chết sặc sụa trong biển
máu. Và tôi không thể có những trang sách tuyệt vời về cảm giác chờ chết. Tôi
đã sợ hãi chết, sợ hãi trời chóng sáng, đã muốn bóng tối mênh mang vô cùng để
khỏi nhìn rõ đao phủ và hình cụ của nó. Bây giờ, tôi chờ sáng, tôi hết sợ chết
nếu tôi được chết bởi đạn quân thù găm trong tim giữa lúc tôi đang chiến đấu.
Không một kẻ chiến bại nào được da ngựa bọc thây cả. Da ngựa biết chê thây
chiến bại. Tôi mở radio. Lệnh giới nghiêm nhắc đi nhắc lại. Không còn Nối vòng
tay lớn. Không còn cả giọng nói bầy nhầy đón gió trúng mối của biểu tượng Lý
Quý Chung. Tâm hồn tôi rạng rỡ khi hình tưởng người lính sửa xe tăng tối qua và
nhật lệnh quyết chiến của tướng Vĩnh Lộc, người hùng Pleime năm xưa, "vua
xứ mọi" của tôi. Ông đang ở đâu, ông Vĩnh Lộc? ở đâu cũng được, ông còn ở
màn ảnh nhỏ của Truyền Hình Việt Nam, băng tần số 9, tối hôm qua là đủ rồi. ít
nhất, với tôi. Lập tức tôi có ý nghĩ mới: Bằng hữu tôi, đồng bào tôi di tản
thoát, đã mất dịp làm Người Sài gòn. Sài gòn sắp thành Stalingrad, nơi đó phẩm
cách nguyên khối của người Việt Nam được chứng tỏ cùng thế giới: Rằng người
Việt Nam chiến đấu chống cộng sản cô đơn và lãng mạn không cần cố vấn Mỹ và
viện trợ Mỹ. Tôi cảm khái, khe khẽ hát: Từng bờ tường mái hiên Từng
mô đất Từng khu phố Từng khe cống Sài gòn vùng đứng lên... Hãy
đứng lên, hãy ngẩng mặt, Sài gòn! Có tôi làm giầy dũng sĩ ngăn giặc xâm lăng.
Có tôi làm công dân tải đạn...
CHƯƠNG 3
Ông Từ Diễn Đồng mâu thuẫn với chính ông. Đã hỏi:
Lòng nước ai ai đà thức dậy
Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho...
Ông lại chép miệng:
Thiên hạ có khi đang ngủ cả
Tội gì mà thức một mình ta
Không ai ngủ. Tất cả đều thức. Và thức trắng đêm qua. Và cùng
đợi chờ. Có ba tâm trạng đợi chờ trong một đêm bắt buộc không ngủ. Kẻ đợi chờ
cộng sản mang hạnh phúc cho mình. Kẻ đợi chờ cộng sản mang bất hạnh cho mình.
Kẻ đợi chờ cộng sản vùi xác giữa một thành phố bất khuất. Tôi đang ở tâm trạng
thứ ba sau khi thoát khỏi tâm trạng thứ hai. 6 giờ thiếu 10 phút. Thường lệ,
vào giờ này, sinh hoạt chợ Xóm Lách đã ồn ào. Hôm nay im vắng. Chẳng phải vì
giới nghiêm đâu, mà vì cuộc hôi đồ chiều hôm qua đã diễn sâu tới khuya, đã diễn
xa lên Sài gòn, đã diễn rộng khắp khu vực nên dân chúng ngồi nhà ngắm
"chiến lợi phẩm". Tôi lại mở cổng ra đường. Bước sát cột đèn lưu
thông, tôi đứng ở ngã tư Công Lý - Yên Đổ. Lần đầu tiên, từ hai mươi năm khôn
lớn tại Sài gòn, tôi được nhìn Sài gòn buồn bã. Như thể Sài gòn choàng khăn
tang và hồi chuông cáo phó đã đọng trên đầu cỏ, ngọn lá. Con phố Công Lý, con
đường của VIP, nườm nượp xe cộ từ tan giới nghiêm đến vô giới nghiêm, hôm nay,
vắng ngắt. Tôi mơ hồ thấy, trong hiu quạnh khôn cùng của ban mai Sài gòn 30-4,
những lời giối giăng đứt khúc. Chắc chắn không có sóng ngầm. Chắc chắn không có
Stalingrad ở Sài gòn. Không có một dấu hiệu nào chứng tỏ thành phố chuẩn bị
nghênh giặc. Tôi đã thất vọng. Tôi đã tuyệt vọng. Não nề hơn, tôi đã thất tình
với cuộc chiên đấu mơ ước. Với Dương văn Minh và đám cầy cáo đui què, không bao
giờ có chiến đấu, dù chiến đấu để chết đẹp, chết xứng đáng làm người. Tôi tự
trách tôi ngu xuẩn đã không chịu suy diễn sự dọn đường quỳ mọp của Lý Quý
Chung, phát ngôn viên chính thức của Dương văn Minh. Tôi ngu xuẩn hay tôi giống
người sắp chết đuối với được cái phao Giới Nghiêm 24 trên 24? Sài gòn của tôi,
Sài gòn của chúng ta đã lần nào chịu khuất phục trước bạo lực xâm lăng? Từ
thành phố này mang tên Sài gòn, ít nhất, đã hai phen nó phóng nhiệt tình và
lòng tự phụ vào mặt kẻ thù xâm lược. Còn nhớ Tiếng súng Nam Bộ của tháng ngày
1946 chứ:
Tiếng súng vang sông núi miền Nam
ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang lùng khắp non sông
dục ta ra tranh đấu
Tiếng súng vang sông núi miền Nam
vì mưu chiếm miền Nam
Ta muốn băng mình xuống phương Nam
xé xác quân tham tàn...
Còn nhớ nghĩa sĩ Bình Xuyên* thuở ấy chứ?
Bình Xuyên...
Bình Xuyên oai hùng ngàn năm
đoàn dũng sĩ máu sôi lòng hờn căm
Khi quân ta tiến ra
vung gươm lên chói lòa
muôn đầu rơi sát khí
ầm vang hát
chốn sa trường không tiếc thân...
Bình Xuyên...
Gò Công hai lần diệt Tây...
Còn nhớ tuổi trẻ Sài gòn thuở ấy chứ? Những gậy tầm vông của
thanh niên đã làm khiếp đảm súng liên thanh của liên quân Anh-ấn-pháp. Những
địa danh Cầu Quay, Cầu Mống, Rạch Đỉa, Thị Nghè đã làm nản lòng quân xâm lược.
Và đã làm Sài gòn ngạo nghễ, đã làm người Sài gòn bất hủ. Đó là lần Sài gòn
đứng dậy, đứng hết dậy viết những trang lịch sử mới sau 100 năm nô lệ. Lần thứ
hai, còn nhớ chứ, tháng ngày mùa hè 1955. Tuổi trẻ Sài gòn lại đứng dậy, kẻ sĩ
Sài gòn lại đứng dậy biểu dương nhiệt tình và lòng tự phụ cho bạo lực cộng sản
mở mắt. Những khẩu hiệu chiến đấu ăm ắp sáng tạo: Chặt cổ Hồ Chí Minh. chém
ngang thây Trường Chinh... Những bước chân săn đuổi Văn Tiến Dũng khiến nức
lòng đường phố. Nhiệt tình của tuổi trẻ bốc cháy Majestic, Galliéni. Gươm dáo
Bảo Tàng Viện cũng rung rinh nhạc võ Kẻ thù phương Bắc rụng rời... Nhưng hôm
nay... Đứa thoán nghịch đã học đòi Mạc Đăng Dung sẽ học đòi Mạc Đăng Dung
thôi...
Tôi nhìn ngang con đường Công Lý. Tôi nhìn dọc con đường Yên Đổ.
Tôi hình tưởng những con phố khác. Tôi hình tưởng cái toàn thể Sài gòn và những
vùng thân yêu Đakao, Tân Định, Phú Nhuận, Chí Hòa... Tất cả chìm vào mù khơi
hiu hắt. Tất cả rơi xuống hụt hẫng thinh không.
Sài gòn.
Em đã cho anh hai mươi năm sung sướng
Anh phải van lơn để hứng chịu cơ cầu
Tôi chôn chân cạnh trụ đèn lưu thông, ngã tư CôngLý - Yên Đổ.
Tôi thèm được chết đứng ở đây. Tôi thèm được chết đứng cơ hồ Từ Hải, cái chết
đứng bị phản bội nhục nhã. "Thiên hạ có khi đang ngủ cả," mình tôi,
một mình tôi thức, mình tôi chới với trong quạnh hiu ứa máu của Sài gòn đợi chờ
khuất phục. Và tôi, tôi lại đợi chết. Mơ ước cuối cùng của tôi đã tàn tạ khi
chưa kịp nở. Tôi mơ hồ nghe tiếng bước chân thù dẫm trên đường phố, tiếng rên
xiết của đất đá, tiếng chuông cáo phó rung lên cho Sài gòn chết oan. Tôi không
chết đứng nổi. Tội nghiệp tôi. Tôi trở về, đẩy cổng, vào nhà.
***
Đạn nổ phía phi trường Tân Sơn Nhất đã thưa thớt. Trực thăng Mỹ
vần vũ mạnh hơn ở góc trời đó, góc trời ân huệ của những người Việt Nam đã ăn
no đấm đá của lính Mỹ để leo lên nóc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ; góc trời thảm não của
những người Việt Nam không được ăn no đấm đá của lính Mỹ để bị ngồi bó gối
trước cống Toà Đại Sứ Hoa Kỳ.
Trời đầy sương mù. Tại sao sương mù mùa xuân, mùa khô của miền
Nam? Bỗng chuông điện thoại reo:
- Alô, bố Tí hả?
-Ừ.
- Tao lên được không?
-Giới nghiêm 24 trên 24 mà.
-Ở đây, thiên hạ đi lại ầm ầm.
- Thì ông lên đi?
Đặng Xuân Côn từ Phú Nhuận gọi cho tôi. Chuông điện thoại reo
làm các con tôi thức. Nhà tôi, vì uống thuốc an thần quá trễ nên vẫn còn ngủ mê
man. Thằng con lớn của tôi chạy ra phòng khách. Nó bật đèn. Thấy tàn thuốc lá
bừa bãi, chai Rémy Martin đã cạn nằm nghiêng, nó hỏi:
-Bố không ngủ à?
Tôi gật đầu.
-Bố sợ cộng sản à?
Tôi lắc đầu.
-Tại sao bố không ngủ?
Tôi đáp:
-Rất nhiều người không ngủ đêm qua.
Không để con nít biết chuyện nước non buồn thảm, tôi dục con
tôi:
-Cu Tí pha cà-phê cho bố.
Đặng Xuân Côn đã lái xe lên Sài gòn. Chúng tôi uống cà-phê, đàm
luận. Con nít bị đuổi hết vô phòng ngủ:
- Có gì lạ ở Phú Nhuận?
- Thiên hạ đợi Việt cộng vào.
-Hân hoan đợi?
- Một nửa sợ hãi, một nửa vui mừng. Chắc chắn, không có đánh đấm
gì đâu. Dương văn Minh là cái xác chết. Bọn tướng lãnh đầu xỏ cút hết rồi. Đào
ngũ hết rồi. Ông Vĩnh Lộc ví như chiếc lá cuối cùng. Gió cũng cuốn ông ta
bay...
- Tôi hiểu. Tôi đã mơ mộng Sài gòn sẽ là Stalingrad thứ hai. Rốt
cuộc, nó sẽ là Hochiminhgrad, đúng như tiên đoán trước của lãnh tụ văn nghệ
Nguyễn Đức Quỳnh mười tám năm cũ.
- Mày tính sao?
-Tính gì?
- Chuồn.
- Chuồn đâu? Mã cùng đồ rồi!
-Về Long Xuyên ẩn thân.
- Mai danh ẩn tích hả? Kệ mẹ nó. Đến đâu hay đến đó.
Đặng Xuân Côn có thể đưa vợ con di tản dễ dàng. Cứ bám lấy tôi
vào những ngày tôi bối rối nhất. Rồi tôi biến thành cái đầu tầu di tản, kéo các
toa em vợ. Nhà tôi không thèm nghĩ đến con mình, chỉ nghĩ vợ con của đứa em
trai mình, bắt tôi kéo bằng được vợ con đùm đề của cậu em trai du học bên Mỹ.
Rốt cuộc, kéo nặng quá, đầu máy chết. Phạm Duy, trước khi chạy,
cho tôi hay rằng anh đã phải vất vài đứa con lại. Anh khuyên tôi lo thoát lấy
thân mình. Tôi còn bận bịu lo thoát thân vợ con của em vợ. Than ôi!
-Thả một vòng Sài gòn chơi chăng?
Đặng Xuân Côn đề nghị.
- Thì đi.
Tôi trả lời. Lúc ấy đã 7 giờ, đường phố không còn hoang vắng như
cách đây một tiếng đồng hồ. Xe cộ xuôi ngược, bớt cảnh nườm nượp hàng ngày. Đèn
lưu thông chớp nháy tự động ở các ngã tư. Lệnh giới nghiêm của Dương văn Minh
vô hiệu quả. Luật pháp quốc gia đã bị coi thường. Người ta có thể tự do thanh
toán nhau vì thù hận riêng tư hôm nay. Người ta có thể cướp bóc, hãm hiếp hôm
nay. Cảnh sát vắng bóng. Quân cảnh vắng bóng. Nhưng cao quý thay là ngày Sài
gòn thả nổi, ngày Sài gòn có chính phủ như vô chính phủ, tất cả bình yên nhờ
chân lý mất gì không mất tình người Việt Nam. Tôi muốn vinh tôn dân tộc tôi
bằng vàng son chói lọi. Tôi muốn vinh tôn Sài gòn bằng gấm vóc kiêu sa. Thành
phố thân yêu của tôi, có trái tim của mấy triệu trái tim. Thành phố ấy không hề
khích lệ, đốc xúi trả thù, tuyết hận trong cơ hội tha hồ trả thù, tuyết hận và
tha hồ nhân danh đủ thứ chính nghĩa. Sài gòn, thành phố nhân bản, thành phố
biểu tượng của tình nghĩa Việt Nam, của tình người Việt Nam. Như thế, Sài gòn
vĩnh cửu, Sài gòn tồn tại như dân tộc Việt Nam. Tôi yêu Sài gòn.
Sài gòn,
tên em trên những vệt môi son
trong ánh mắt
và trong hơi thở
trong hạnh phúc
và trong đau khổ
ở tuổi non và ở tuổi già
ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua
ở hôm nay anh sống và ngày mai anh chết
Trước hết, Đặng Xuân Côn lái xe ngang qua căn nhà số 101 Phan
Đình Phùng. Tôi thấy Mai Thảo đang nói chuyện với cô bé Nicole, (cháu của ông
Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn). Tôi ấm lòng. Mai Thảo còn ở lại Sài
gòn. Chúng tôi sẽ cùng bơi trong biển máu. Đặng Xuân Côn cư ngụ tại cư xá Chu
Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Hắn cho tôi biết Văn Quang, Nguyễn Mạnh Côn, Trịnh Viết
Thành còn ở lại. Anh em văn nghệ còn ở lại, tôi mới rõ bốn người. Những ai nữa,
và những ai đã đi thoát,. không ai hiểu. Một ngày dài nhất còn là một ngày xa
cách nhất. Vẫy tay chào Mai Thảo, chúng tôi vòng lại đại lộ Hai Bà Trưng, đến
nhà thờ Tân Định. Gặp Nguyễn Tuấn Anh, ngỡ ngàng tưởng chừng gặp người trong
mộng. Tuấn Anh và gia đình đã xuống tầu chiều qua. Tôi đã bắt tay vĩnh biệt anh.
Thế mà anh trở lại, đang khuân "hành lý di tản" vào nhà. Con tầu đã
đi. Người bạn của tôi không đi nữa. Vài câu đối thoại nhanh, chúng tôi tạm biệt
Tuấn Anh lên Sài gòn. Tôi nghĩ Nguyễn Tuấn Anh sẽ chung số phận với tôi. Anh ta
là bác sĩ, đã phục vụ quân đội, đã là dân biểu đối lập trong nhóm Quốc Gia, đã
bày tỏ thái độ chống cộng quyết liệt như Nguyễn văn Cử, Nguyễn Trọng Nho, Đặng
văn Tiếp, Nguyễn văn Cung, Trần văn Ân. Anh ta sẽ bơi trong biển máu.
Chúng tôi đậu xe sát lề đại lộ Thống Nhất, ngay cửa tư thất của
ông Đại Sứ Pháp tại Sài gòn, thả bộ lên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Trực thăng lên xuống
đều đặn. Trên nóc tòa nhà biểu tượng cho quyền uy Hiệp chủng quốc ở Việt Nam,
vẫn đông nghẹt người di tản. Chung quanh tường Toà Đại Sứ, Thủy quân lục chiến
Mỹ mặc áo giáp, tay trần, kè kè M-16 gắn lưỡi lê sẵn sàng đàn áp những người
Việt Nam sợ biển máu, nhất định đáp lời kêu gọi di tản của tổng thống Ford.
Thủy quân lục chiến Mỹ, binh chủng vẻ vang của quân lực Hoa Kỳ, được thần thánh
hóa trong phim ảnh do Hồ ly vọng sản xuất, đã và đang diễn nghĩa cái nắm tay
thân hữu của Mỹ với các nước đồng minh. Năm 1954, lính thủy Mỹ thân ái cầm tay
người Việt Nam di cư bỏ trốn cộng sản. Năm 1975, "lính thủy đánh bộ"
Mỹ giáng báng súng xuống thân phận Việt Nam di tản bỏ trốn cộng sản. Hẳn nhiên,
lý luận theo cộng sản, đó là hiện tượng. không phải là bản chất. Bản chất tốt
đẹp là dân tộc Mỹ, là đất nước Mỹ. Hiện tượng xấu xa là chính phủ Mỹ, chính
sách Mỹ đối với nước nhỏ. Thế thì cái hiện tượng Hoa Kỳ đang lạnh lùng đề phòng
những người Việt Nam di tản xếp hàng đông đặc trên vỉa hè phía trước Tòa Đại Sứ
chỉ rình cơ hội là tông cửa xô vào, leo lên nóc Tòa Đại Sứ. Dân tộc Việt Nam
chưa được hưởng tí gì về sự nghiệp khai phóng dân chủ, tự do của Mỹ ở Việt Nam
ròng rã hai mươi năm. Dân tộc bất hạnh này chỉ hưởng dùi cui, báng súng, lựu
đạn khói, phi tiễn vì áp dụng bài học tự do, dân chủ. Và hôm nay, dân tộc ấy có
định nghĩa chính xác về tự do trước cổng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.
Chúng tôi lái xe ra bến Bạch Đằng. Những con tàu nghiêng lệch về
một bên đã đi cả rồi. Cái phà qua Thủ Thiêm còn sang ngang. Và trên sông, những
chiếc ghe chèo, ghe máy đuôi tôm vẫn thản nhiên xuôi ngược. Chúng tôi sang
Khánh Hội. ở kho 5, thiên hạ di tản ùn ùn kéo nhau vô. Có lẽ còn tàu. Chúng tôi
trở lại Sài gòn. Các cửa hiệu khu phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ đóng cửa. Ở
những căn nhà lầu, cửa sổ mở tung và những khuôn mặt ngó xuống nhìn Sài gòn dáo
dác. Khác với Sài gòn ngày 11 tháng 11 năm 1960, khác với Sài gòn buổi chiều
trước 1-11-1963, khác với Sài gòn ngày chỉnh lý, ngày biểu dương lực lượng,
ngày đảo chính cục bộ, Sài gòn sáng 30-4-1975 là ngày hân hoan dấu kỹ, là ngày
ngơ ngác phô ra, là ngày sợ hãi hiện rõ. Trời u ám. Người ủ ê. Hơn tám giờ mà
mặt trời còn ẩn kỹ. Không một sợi nắng. Có ba ngày lạ lùng trong tháng 4. Hôm
tên phi công phản phúc oanh tạc Dinh Độc Lập, trời lất phất mưa. Hôm Dương văn
Minh "lên ngôi" tổng thống, trời lất phất mưa. Và hôm nay, trời u ám
lạ thường. "Khí trời u uất hận chia ly". Câu thơ này đã diễn tả chính
xác Sài gòn buổi sáng 30-4-1975.
Tôi bảo Đặng Xuân Côn đậu xe. Chúng tôi lang thang trên hè phố.
Tôi nhìn vào Garden (Givral cũ) vắng hoe. Bên kia, Continental cũng thế. Mới
hôm nào, ngày Sài gòn hốt hoảng tin cộng sản tấn chiếm Đà Nẵng, tôi còn ngồi
chung bàn với Cao Dao, Đỗ Bá Thế luận bàn thế cuộc. Cao Dao, người biết quá
nhiều, cộng tác viên của vài tờ báo Mỹ lớn. Anh viết tiếng Việt và Phùng thị
Hạnh dịch sang Anh Ngữ. Sau này, sang Bỉ, viết báo Đức, anh lại viết bằng tiếng
Pháp. Đỗ Bá Thể, tác giả Thím Bẩy Giỏi. Ngã tư quốc tế* , tiểu thuyết gia, báo
gia, điện ảnh gia, kẻ lãng du tình ái không hề mỏi gối long chân. Cả hai, Cao
Dao và Đỗ Bá Thế đều bình thản trước cơn hấp hối của Sài gòn. Tôi hỏi Cao Dao:
- Cả nước lo di tản, ông còn ngồi đây tán phét à?
Cao Dao cười tít mắt:
- Để thiên hạ đi vợi, tớ chạy sau chót.
Tôi nói:
- Ông ơi, không có chuyến tầu vét Hải Phòng 1955 đâu
Cao Dao hít đẫy hơi thuốc, nhả khói:
-Thì ở lại. Di tản sớm mất giá. Chạy trốn sau có giá. Cậu là nhà
văn, cần buôn kinh nghiệm mà bán.
Tôi cười:
- Nhỡ vào biển máu, cạn láng?
Đỗ Bá Thế vỗ vai tôi:
- Tao đã đi mòn chân Âu Châu rồi, tao không viết được chữ nào
thời gian dài tao ở Pháp. Về Việt Nam tao mới biết viết! Mày muốn tác yêu tác
quái xứ người, mày cần ở lại. Thoát chết, bung ra được là mày nên người, Duyên
Anh ạ?
Nghe hai ông già này nói chuyện câu trăng, câu sao trên mặt
nước, tôi chợt nhớ hai câu thơ của Hoàng Cầm trong kịch bản Lên đường:
Đêm ba mươi còn đi cầu danh lợi
Vận nhà ta đến lúc hỏng mất rồi
Đó là ý nghĩ của tôi mấy hôm trước. Bây giờ, nhìn vào Garden qua
cửa kính, tôi nhớ Cao Dao, Đỗ Bá Thề, và trong tâm hồn tôi vừa nẩy mầm hy vọng
mới. Ừ nhỉ, nếu không dám tình nguyện đi buôn thì bất đắc dĩ đi buôn vậy
"Thoát chết, bung ra được là mày nên người, Duyên Anh ạ?" Thoát chết,
bung ra được... Di tản sớm mất giá. Tôi đã có niềm an ủi bị ở lại. Bước nhanh
qua La Pagode. Cũng vắng hoe. Các nhà văn nghệ chiếu nhất, hàng đầu, chiếu ba
hàng cuối, bằng hữu của tôi nơi mô? Sông chưa lấp mà tưởng chừng đã lấp. Biển
dâu tự lúc nào vậy? Tôi đọc khẽ Trần Tế Xương:
Sông kia rầy đã nên đồng
Nơi thì nhà cửa nơi trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên vai
giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...
Và đọc khẽ Vũ Đình Liên:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ...
Quay lại, tôi đã đứng trước cửa Phòng Triển Lãm. Nhìn sang
Caravelle, tôi thấy vài anh phóng viên ngoại quốc đeo súng! Phóng viên nhiếp
ảnh, quay phim, thông tín viên, ký giả ngoại quốc ví như lũ đỉa đói đã hút máu
cuộc chiến của chúng ta bằng những tin bẩn, phim bẩn, bình luận bẩn của họ.
Chính họ đã tiếp tay cộng sản tạo ra hôm nay. Sự hiểu biết thiển cận của họ, sự
làm dáng tiến bộ của họ, sự phản chiến một chiều của họ, sự xuyên tạc, bêu nhục
cuộc chiến đấu của chúng ta đầy ác ý và giúp cộng sản thắng lợi ngoài nước
trước khi thắng lợi trong nước. Phóng viên, ký giả ngoại quốc, đỉa đói và kên
kên gớm ghiếc, nhiều kẻ lãnh lương của Việt cộng, nhiều kẻ đần độn, nhiều kẻ tự
nhận lương tâm của mình là lương tâm nhân loại để phán xét chiến tranh Việt
Nam. Họ còn ở lại Sài gòn. Họ chưa muốn... di tản. Họ cần thiết có những thước
phim, những tấm ảnh, những bài báo ngưỡng mộ cộng sản. Họ chờ đợi cộng sản tiến
vào sài gòn. Họ đeo súng* . Không phải để đối phó với cộng sản mà để bắn chết
bất cứ một người lính vô kỷ luật, một người Việt Nam nào đe dọa mạng sống của
họ. Nhà báo đeo súng, thứ nhà báo vô liêm sỉ. Chắc chắn, nghĩa vụ luận báo chí
của nước họ không có điều khoản đeo súng hành nghề. Nhà báo đeo súng và nhà báo
đeo súng đã miệt thị ông Nguyễn Ngọc Loan bắn bỏ tù binh?
Nhìn những tên phóng viên ngoại quốc đeo súng nghênh ngang trước
cửa khách sạn Caravelle, tôi lấy làm ghê tởm. Làng báo Việt Nam cũng có ít
nhất, năm đứa đeo súng hành nghề. Đứa lõa lồ nhất, vô lại nhất là Như văn Uy.
Thằng này đem súng cả vào Hạ Viện, bắn loạn xà ngầu. Nhưng khi bị Đặng văn Tiếp
thách "bắn chậm thì chết", nó co vòi. Bẩn mắt vì ngó những thằng
phóng viên ngoại quốc đeo súng, tôi ngắm Hạ Viện. Hạ Viện đã giống chùa Quán Sứ
của bà Hồ Xuân Hương:
Hạ Viện sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm dân biểu đáo nơi neo
Nghị sĩ chạy cả rồi. Dân biểu chạy cả rồi. Chiến hay hòa không
có tiếng vang rung chuyển nơi đây. Cho nên, những trang lịch sử chó đẻ nhất của
dân tộc phải tính từ ngày 12-3-1975. Và những trang này không chứa chất u ẩn
cần các sử gia đời sau soi sáng. Nó phơi ra thỗn thện như những miếng thịt bầy
nhầy, như xác chết muông thú nhung nhúc ròi bọ.
Chẳng còn gì hấp dẫn ở trung tâm thành phố, cũng chẳng có gì lạ
lùng ở bất cứ một khu vực nào của Sài gòn. Câu thơ sau đây của Trần Tế Xương diễn
tả đúng cảnh tượng Sài gòn buổi sáng 30-4-1975:
Kẻ đi người lại dáng bơ vơ...
***
Chúng tôi trở lại tòa Đại Sứ Mỹ. 8 giờ 15 phút. Lính Mỹ vẫn lạnh
lùng canh gác. Con nít ngủ la liệt trên vỉa hè. Cụ già dựa lưng vào tường, nửa
thức nửa ngủ và nửa mơ màng thiên đường Mỹ. Chúng ta tìm về đất hứa không có
Moise hướng dẫn, không có Moise bênh vực, không có Moise bảo vệ và không có
Moise đầy phép tích nên chúng ta bệ rạc nằm, ngồi ngổn ngang trước Toà Đại Sứ
Mỹ, chúng ta ăn báng súng, ăn xô, ăn đạp. Quân dữ ở không gian và thời gian nào
cũng thế. Quân dữ ở thời đại của chúng ta hơi khác một tí là nó đã từng bảo nó
là bạn của chúng ta. Người ta cần nhớ bài học cay đắng di tản những ngày cuối
tháng 4-1975 ở phi trường Tân Sơn Nhất, ở tòa Đại Sứ Hoa Kỳ nằm trên đại lộ
Thống Nhất mà định mức hào hiệp của người Mỹ thống trị. Và người ta sẽ quán
triệt chân lý: Chỉ người Việt Nam mới giải thoát nổi thân phận Việt Nam khỏi
ách thống trị của cộng sản. Người Việt Nam phải làm chủ vận mệnh của dân tộc
mình. Mọi hậu thuẫn, trợ giúp tinh thần, vật chất là phụ. Chấp nhận viện trợ và
khước từ chỉ huy, lãnh đạo. Để không còn vết nhục quốc sỉ Nguyễn văn Thiệu:
"Bảo chúng tôi chống cộng sản mà không viện trợ thì làm sao chúng tôi
chống cộng được"?
8 giờ 17 phút, bất thần, Thủy quân lục chiến Mỹ rút hết một lượt
vào bên trong Tòa Đại Sứ. Dân di tản nhất loạt đứng dậy. Cụ già tỉnh táo. Con
nít thức giấc. Mọi người chờ đợi một "biến cố" như một quyết định ban
ân huệ vào phút chót. 8 giờ 25 phút, không thể chờ đợi lâu hơn, nóng ruột lắm
rồi. Dân di tản leo tường vào, xô cổng vào. Chiếc trực thăng bay lên đúng 8 giờ
30 phút. Dân di tản đã ùa vô đầy sân Tòa Đại Sứ. không có chiếc trực thăng nào
xuống, không còn chiếc trực thăng nào xuống nữa. Năm phút, mười phút, rồi ba
mươi phút. Trực thăng hết vần vũ trên một góc trời Sài gòn. Chiếc trực thăng
cuối cùng rời Sài gòn hồi 8 giờ 30 phút. Có thể, chuyến đó mang ông đại sứ
Martin, các nhân vật của Tòa Đại Sứ, và lính Thủy quân lục chiến Mỹ ra khơi. Dĩ
nhiên, ông đại sứ Martin đã không quên gấp lá cờ sao xọc vuông vắn, bê theo,
bước lên tàu bay. Thế giới có thể mường tượng cảnh cuốn cờ bỏ chạy của đại sứ
Martin qua hình ảnh đại sứ John Dean. Hình ảnh đại sứ John Dean cuốn cờ bỏ chạy
khỏi Nam Vang đã đăng trên báo chí.
Những người hụt di tản đau nhất, đau đến mất trí, là những người
đã chịu đựng "gian khổ" leo lên nóc Tòa Đại Sứ Đã ngồi trước cổng
Thiên Đàng mà lại bị xuống Địa Ngục, còn gì nghẹn ngào hơn? Tuyệt vọng vì người
Mỹ hào hiệp không trở lại, họ dắt díu nhau, tìm lối, mò mẫm xuống. Di tản trong
gặp gỡ di tản ngoài. Di tản trên gặp gỡ di tản dưới. Chỉ Picasso mới đủ khả
năng vẽ những khuôn mặt méo mó của người di tản hụt từ nóc Toà Đại Sứ xuống
sân, bước ra đường. Thảm cảnh này rất nên ghi vào những trang lịch sử chó đẻ.
Ông Hồ Chí Minh không có tham vọng đánh tan giặc Mỹ. Hơn bất cứ
ai, ông hiểu thấu binh pháp Tôn Vũ: "Tri kỷ tri bỉ." Cho nên châm
ngôn chống Mỹ của ông là"Đánh cho Mỹ cút", không đánh cho Mỹ thua.
ông ta đã thành công. Mỹ không thua mà Mỹ cút. Mỹ không bao giờ thua trận cả.
Mỹ càng không bao giờ thua Việt cộng. Mỹ mở chiến tranh như mở cuộc chơi. Chơi
lấy thắng mãi đâm ra nhàm chán, Mỹ chơi lấy... không thắng. Không thắng và thua
khác nhau. Cút và thua khác nhau xa tít tắp. Như ăn uống và tiêu hóa vậy. Người
ta có thể bắt bẻ: Không ăn lấy gì tiêu hóa, không thua tại sao cút? Bắt bẻ thế
là sai. Mỹ muốn thắng Việt cộng thì bố Việt cộng cũng chẳng đỡ nổi. Đằng này,
Mỹ không thèm thắng, dù Mỹ thí lính Mỹ chết thảm, què quặt, tàn phế như con nít
đốt kiến. Do đó, thế giới thân cộng mới bảo chiến tranh Việt Nam là chiến tranh
bẩn thỉu. Mỹ giao đấu với Việt cộng móc ngón tay: "Tao không đập mày chết
đâu." Việt cộng lạy lục: "Cám ơn ông, tôi chỉ mong ông cút." Và
Mỹ bèn cút...
***
Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh giai đoạn
cho một mục đích*. Sự nghiệp chống cộng sản bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ của
chúng ta chỉ là cái cớ để Mỹ khỏa lấp cái tham vọng hèn hạ của họ. Hai trái bom
CBU thả thử xuống chiến trường Long Khánh tiêu diệt dưỡng khí trong một chu vi
rộng lớn đã làm "chết sạch" gần hai sư đoàn Việt cộng và cả quân dân
ta luôn. Sự tiến công của cộng sản phải dừng lại. Mục đích thử bom CBU của Mỹ
đã đạt. Không có thèm trái thứ ba như đã không có ngày thứ mười ba trải thảm
bom B-52 ở Hà Nội. Mỹ hoàn toàn yên ổn lương tâm. Phi-la- tồ American rửa tay,
mặc xác cho Việt cộng với biển máu của nó. Người Mỹ thực sự hết trách nhiệm
khai phóng dân chủ tự do và bảo vệ dân chủ tự do ở Nam Việt Nam vào hồi 8 giờ
30 ngày 30-4-1975. Một nửa dân tộc bị bán đứng cho cộng sản. Một biển máu hứa
hẹn dâng tràn. Và tổng thống Gerald Ford thản nhiên tuyên bố: "Lịch sử đã
sang trang!"
Nếu có một sư đoàn bộ binh "phản loạn" bao vây Tòa Đại
Sứ Mỹ, nghênh súng phòng không hạ trực thăng Mỹ, không cho đáp xuống, liệu lịch
sử có sang trang dễ dàng?
TRUYỆN NGHE KỂ SAU 30-4-1975
Lịch sử thường làm nên bằng những bất ngờ. Lịch sử còn đãi ngộ
những kẻ có duyên và hờ hững với những kẻ vô duyên. Người vô duyên nhất trong
lịch sử hiện đại là cụ Nguyễn Hải Thần. ông Lý Thành Cầu, đại tá tình báo của
quân đoàn Lư Hán, người đã theo tướng Tiêu Văn sang Việt Nam tước võ khí Nhật ở
miền Bắc, người đã dẫn dắt Hồ Chí Minh gặp Tiêu Văn để hối lộ vàng cho Tiêu Văn
rút Tầu phù về nước, khi vào tù cộng sản* , kể cho Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Mạnh
Hùng và tôi nghe rằng:
- Cụ Nguyễn Hải Thần làm thơ chữ Hán trác tuyệt, hay gấp bội thơ
chữ Hán của cụ Hồ Chí Minh. Cụ mê thơ quên đại sự. Thống chế Tưởng Giới Thạch
kính trọng cụ Nguyễn lắm, nhưng bận việc nước non, rất hiếm dịp tiếp cụ Nguyễn
và nếu có dịp, chỉ tiếp được 15 phút. Cụ Nguyễn gặp Tưởng không bàn chuyện cứu
nước, mà cứ khoe thơ, bình thơ mãi hết thì giờ.
Đó là nỗi vô duyên thứ nhất của cụ Nguyễn Hải Thần. Nỗi vô duyên
thứ hai được nhà văn Trúc Sĩ, tác giả Kẽm trống khá hay, người đã tham dự ngày
tổng khởi nghĩa 19-8-1945 tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội kể lại trong trường
thiên tiểu thuyết Thét hận* . Theo Trúc Sĩ, cụ Nguyễn Hải Thần bôn ba sang Tầu
trước Lý Đông A có vài năm mà cụ nói tiếng Việt không sõi nữa. Vì cụ ấp úng
"tồng pào thân mến" nên Trần Huy Liệu mới dám vỗ vai cụ, mời cụ xuống
đểà thao túng diễn đàn. Và quốc gia bị cộng sản chế ngự. Cộng sản cướp luôn
công lao chiến đấu giành độc lập của các đảng phái quốc gia. Nỗi vô duyên thứ
hai của cụ Nguyễn Hải Thần xứng đáng là bài học quý giá cho những ai mưu đo
chuyện phục quốc, cho thế hệ trẻ trưởng thành tại quê người.
Vì vô duyên với lịch sử, cụ Nguyễn còn bị cộng sản ghép vào bộ
ba bán nước Tam Thần Sâm (Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn văn Sâm) và
nhục mạ cụ bằng bài hát:
Nguyễn Hải Thần.
Nguyễn Hải Thần ông ơi,
ông ra đi từ 21. 22
ông ra đi sang nước Tầu buôn sái
vì sái thơm ông hy sinh cả một đời...
Và nhái ca dao Thằng Bờm:
Thằng Thần có cái Việt Nam
thực dân gạ đổi ngai vàng nhà vua
Thần rằng Thần chung lấy vua
thực dân gạ đổi ba cô nàng hầu...
........
thực dân gạ đổi cơm đen Thần cười...
Người có duyên, dù thù hận cách mấy, dù không ưa một tí ti ông
lão nào cả, người ta vẫn phải công nhận ông ta có duyên với lịch sử, là Hồ Chí
Minh. Bất ngờ, về nước năm 1945, ông Hồ Chí Minh lơ thơ vài sợi râu. Và ông ta
được suy tôn là "cha già dân tộc", một cách lãng xẹt. Nguyễn Thanh
Trịnh, nhà văn trẻ của tuần báo Tuổi Ngọc kể với tôi rằng, đã gặp Nguyễn Đình
Thi, đã chất vấn bộ râu của "Bác Hồ" và được trả lời:
- Râu của Bác là cái may và còn là cái không may. Nếu 54 tuổi,
cằm bác nhẵn thín, lịch sử đã có khúc rẽ:
Nguyễn Đình Thi không dám "diễn nghĩa"... cụ thể về
mấy sợi râu lơ thơ tơ liễu buông mành của ông Hồ Chí Minh năm 1945. Cái may của
ông Hồ nhờ râu. Cái không may của dân tộc vì râu của ông ta. ông Hồ Chí Minh
khôn lỏi. Bí danh cuối cùng của ông chọn làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa đã chứng tỏ ông ta toan tính kỹ lưỡng. âm nhạc có bảy nốt. Hồ Chí Minh
chiếm ba nốt êm ái. Hồ Chí Minh muôn năm thì ông ta chiếm 4 nốt. Mà Bác Hồ Chí Minh
muôn năm là 5 nốt. Tình tính tinh: Hồ Chí Minh. ông Hồ Chí Minh đã đi giép râu,
mặc quần áo đại cán, cầm que điều khiển giàn nhạc đại hòa tấu chơi bài Kết
đoàn, có vẻ như ông ta rành âm nhạc. Ông ta gây dễ dàng cho các nhạc nô suy tôn
ông và gây khó khăn cho các nhạc nô muốn suy tôn lãnh tụ kế nghiệp và lãnh tụ
đối nghịch. Thí dụ: Tôn Đức Thắng, Đặng Xuân Khu, Lê Đức Thọ, Ngô Đình Diệm,
Nguyễn văn Thiệu... Ti tì tị: Ngô Đình Diệm. Nghe không du dương. Tí ti tị:
Nguyễn văn Thiệu. Càng chói lỗ tai. Tì tí ti: Hồ Chí Minh. Mê ly như hờ ly rút
tinh tủy? Thế là ông Hồ Chí Minh có hàng trăm bài suy tôn công đức và sự
nghiệp. ông ta xứng biệt danh Cáo Già.
Vì khôn lỏi, ông ta cố tình cấy râu ớ có râu lơ thơ. Nhờ râu lơ
thơ, ông ta tự nhận mình là "cha già dân tộc," là "Bác Hồ,"
là "Cụ Hồ". Cả nước gọi ông bằng Bác, bằng Cụ. ông ta, chó ngáp
phải... râu, trở thành bác của nam phụ lão ấu? Nếu 1945 về nước "cướp
chính quyền", ông Hồ Chí Minh không có râu, ông ta sẽ bị miệt thị:
Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con...
Ông ta chẳng bao giờ dám trơ trẽn để cho văn nô, thi nô, nhạc nô
ví mình như "cha già dân tộc," như Bác của nam phụ lão ấu, như Cụ...
trong dân! Lịch sử đã có khúc rẽ. Ôi, vì vài sợi râu lơ thơ mà ông Hồ Chí Minh
có duyên với lịch sử. Sự có duyên của ông ta đã khiến dân tộc đói khổ, ngu dốt,
lạc hậu, thù hận, tù đầy. Và đó là trớ trêu của lịch sử. "Với một chữ nếu,
người ta có thể bỏ Paris vào trong cái chai." Nếu cụ Nguyễn Hải Thần nói
giỏi tiếng Việt, Việt Minh đi về đâu từ 1 945? Nếu ông Hồ Chí Minh vô tù, dân
tộc Việt Nam đi về đâu? Chắc chắn, không đi vào quỹ đạo cộng sản.
Đừng tưởng lịch sử sáng suốt. Lịch sử đã mù lòa chọn kẻ có duyên
Hồ Chí Minh mà đãi ngộ. Nói cho hợp lý, muốn lịch sử mù lòa, những kẻ âm mưu
lãnh tụ cần tua tủa thủ đoạn và biết hóa trang. Hồ Chí Minh chính là một trong
những kẻ đó. Nhưng lịch sử không chỉ đãi ngộ những kẻ có duyên mà còn đãi ngộ
những kẻ liều lĩnh đúng thời. Nguyễn Nhạc là biểu tượng của những kẻ liều lĩnh
đúng thời. Kẻ phóng đãng đất Bình Khê, nhờ liều lĩnh mà dẫn lối cách mạng Tây
Sơn để Nguyễn Huệ* mở đường đi tuyệt vời cho dân tộc. Nếu Nguyễn Nhạc không
liều lĩnh, có nhà Tây Sơn không? Và nếu Nguyễn Nhạc không phóng đãng, Nguyễn
Nhạc là Biện Nhạc hiền lành, có nhà Tây Sơn không?
***
Ông Đinh Xuân Cầu, tác giả Bên kia Bến Hải và Đôi kính, kể với
tôi rằng:
-Lịch sử có thể thay đổi bằng một cú chơi bạo cuối cùng. Những
người chống cộng quyết liệt đã vận động xong một sự hợp tác với một tiều đoàn
nhẩy dù. Tiểu đoàn dù sẽ bao vây Toà Đại Sứ Mỹ, sẽ nhắm trực thăng mà hạ. Trực
thăng không đáp xuống được đểà cứu ông đại sứ thì thủy quân lục chiến Mỹ phải
đổ bộ vào cứu. Chúng ta lợi dụng cơ hội này hô hào chiến đấu vì Mỹ lại can
thiệp thì quân đội sẽ lên tinh thần. Kế hoạch định vào sáng 30-4. Bất ngờ,
30-4, Dương văn Minh ban lịnh giới nghiêm. Quý vị đầu não của kế hoạch nản
lòng, nằm nhà thở dài. Thế là lịch sử sang trang!
Cú chơi bạo cuối cùng sẽ ngoạn mục lắm. Người ta có thể mường
tượng ra phản ứng của Mỹ. Nhất định, Thủy quân lục chiên Mỹ sẽ can thiệp. Chúng
ta bắt Mỹ phải chơi trò chơi do chúng ta bầy ra. Chúng ta không cho "Mỹ
cút". "Mỹ đã trở lại." Chỉ cần bốn tiếng đó cho một khoảnh khắc
thế sự. Là có thay đổi lòng người. Là sẽ thay đổi mọi mặt. Nhưng vì thiếu liều
lĩnh cần thiết, vì hèn nhát, những kẻ định níu kéo lịch sử đã nản lòng. Và lịch
sử lạnh lùng sang trang như sự lạnh lùng của tuyên bố Ford. Và chúng ta có
những khuôn mặt méo mó di tản hụt, từ nóc Tòa Đại Sứ Mỹ mò mẫm xuống sân, lếch
thếch trên đường về...
CHƯƠNG 4
9 giờ. Tôi bảo Đặng Xuân Côn thả tôi xuống
trước rạp Kinh Thành. Côn chạy về Phú Nhuận. Mình tôi đứng bên dãy phố Hai Bà
Trưng nhìn sang vỉa hè bên kia, buổi sáng Tân Định. Chỗ đó, vài hôm trước, tôi
vừa gặp anh Trần Kim Tuyến, sơ-mi bỏ ngoài, giép Nhật Bản, thất thểu đi.
-Anh đi đâu đấy, anh Tuyến?
- Đi đâu?
Ông Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị,
"tên trùm mật vụ ác ôn thời Diệm" - cộng sản nó gọi thế - thở dài.
- Chúng ta đã chống cộng. Riêng tôi thì cứ
ngoác miệng đòi "chống cộng đến chiều." Và rồi chúng ta hỏi nhau đi
đâu. Anh sẽ đi đâu, anh Tuyến?
-Chẳng hiểu.
-Mỹ nó không đón anh à?
-Không. Còn cậu?
-Có lẽ cũng không. Người Mỹ dành ưu tiên số
một cho me Mỹ, cho bọn tham nhũng, thối nát, cho đám làm giầu bằng chiến tranh.
-Cậu định đi đâu?
-Chẳng hiểu, anh ạ!
Không có lối chạy cho người chống cộng. Những
kẻ chống cộng tự nguyện rất kiêu hãnh nhưng luôn luôn thiệt thòi. Tôi là một
trong những kẻ ấy. Vì chống cộng tự nguyện, tôi không bị xếp vào hàng ngũ đầy
tớ Mỹ. Đó là một thiệt thòi. Sự thiệt thòi nhìn rõ: Có cả chục ngàn chỗ cho
những người chưa hề chống cộng trên máy bay di tản của Mỹ mà lại không có chỗ
nào cho Doãn Quốc sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm
Tuyền... Trong cuốn Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận
văn hóa - tư tưởng* , ở "Lời giới thiệu", cộng sản viết: "...
Một số người khác như Duyên Anh, Nhã Ca... chấp nhận chủ nghĩa chống cộng với
một thái độ hoàn toàn tự nguyện. Nhưng nếu xét gốc rễ thái độ thù địch của họ
đối với cách mạng, thái độ đó có nguyên nhân ở sự tác động của chủ nghĩa thực
dân mới. Họ vừa là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Nhưng nếu xét đến cùng
họ cũng vừa là một nạn nhân của đường lối xâm lược tinh vi, xảo quyệt của Mỹ.
Dù xét dưới tác động nào, hoạt động chống cộng bằng văn nghệ của đội ngũ những
cây bút này cũng là những hoạt động có ý thức. Ý thức đó biểu hiệu trước hết
trong thái độ chấp nhận trật tự xã hội thực dân mới, chống lại một cách điên
cuồng chủ nghĩa cộng sản. Họ cho văn nghệ làm sự chọn lựa một phạm vi hoạt động,
một phương tiện đểà đạt mục đích và tự nguyện dùng ngòi bút của mình phục vụ
cho chế độ. Thái độ tự nguyện của họ cũng đã có nhiều người tự nói ra. Vũ Hoàng
Chương tự ví mình là "viên gạch để xây bức tường thành ngăn sóng đỏ."
Doãn Quốc Sĩ coi mình như một "viên kim cương, răng cộng sản không sao nhá
được." Thêm một thiệt thòi. Và cái thiệt thòi cay đắng là bị cộng sản chụp
cái mũ khả ố "chấp nhận trật tự xã hội thực dân mới". Như thế, vẫn
chưa đủ nghẹn ngào. Kẻ chống cộng tự nguyện còn bị những người tập sự chống
cộng, bập bẹ chống cộng, vỡ lòng chống cộng, ngớ ngẩn chống cộng phán xét một
cách dễ chửi thề. Hẳn nhiên, những kẻ chống cộng tự nguyện thường xuyên bị vây
hãm, bị bêu nhục bởi bòn đầy tớ Mỹ chống cộng ở bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào.
Nhưng mà những kẻ chống cộng tự nguyện phải chấp nhận, hiên ngang chấp nhận và
can đảm chống luôn cả bọn đầy tớ ngoại bang chống cộng, bọn làm thui chột niềm
tin chống cộng, bọn giúp cộng sản đánh bóng chính nghĩa của nó, bọn ảo tưởng và
thù vặt vì bất đồng quan điểm. Những kẻ chống cộng tự nguyện ngổn ngang kẻ thù.
Ngoài cộng sản, họ còn bị đánh dấu tuyết hận bởi bè lũ thống trị tôi mọi, tập
đoàn ăn cắp, thảo khẩu chính trị, lũ thời cơ chủ nghĩa, đám buôn bán Phật
Chúa... Song cần chi, hai tiếng tự nguyện mà kẻ thù cộng sản khoác hoa quanh cổ
họ cơ hồ hào quang đốt cháy mọi rác rưởi, bèo bọt thế thời. Và họ vẫn ngồi lên
tất cả như đã ngồi lên tất cả những khuôn mặt sa-đích chính trị rẻ tiền.
- Anh có lối nào khác lối Mỹ không?
Tôi hỏi. Bác sĩ Trần Kim Tuyến lắc đầu buồn
bã:
-Không.
Không. Chúng ta đã chống cộng sản hai mươi năm
và chúng ta không có lối chạy trốn cộng sản! Tại sao tổ tiên chúng ta đã không
tìm đường chạy trốn mà chỉ tìm chỗ tạm lui về chờ đợi tiến lên? Chắc chắn, tổ
tiên chúng ta chống giặc nước một mình. Còn chúng ta, chúng ta chống giặc nước
với người Mỹ. Chúng ta đã đổ xương máu cho KHÔNG. Và cái không ủ ê nhất là cái
không lối chạy trốn giặc. Liệu chúng ta đã học được một điều gì trong bài học
chống cộng sản với Mỹ rồi không còn lối chạy trốn cộng sản? Chỗ đó, vài hôm
trước... Chỗ đó, hôm nay...
Tôi đã thất thểu bước tới ngã tư Hai Bà Trưng
- Yên Đổ - Trần Quang Khải. Nỗi chết không còn ám ảnh mà nỗi chết hiện dần. Tự
nhiên, tôi thèm sống vô cùng. "Thoát chết, bung ra được là mày nên người,
Duyên Anh a! Đỗ Bá Thế đã phán vậy. Sự thèm sống khiến tôi quên sợ chết. Lạ
quá, lúc đó, tôi chẳng hiểu nổi tôi. Phải nói, tôi chẳng hiểu nổi sự chuyển
dịch tâm hồn tôi. Nếu tôi đã chưa biết cái cảm giác lênh đênh của tâm hồn thì,
bây giờ, tôi biết. Biết rõ. Tâm hồn tôi lênh đênh theo bóng ngã hoàng hôn của
cuộc chiến đấu hai mươi năm hư ảo. Lênh đênh chạy trốn. Lênh đênh bất bình chạy
trốn. Lênh đênh sợ chết. Lênh đênh chờ chiến đấu. Lênh đênh thèm sống. Lênh
đênh ước mơ.
Đi ngược đường Yên Đổ, tôi về nhà tôi.
***
Thành phố Sài gòn bất chấp lệnh giới nghiêm 24
trên 24 của Dương văn Minh. Thành phố này, hình như, cũng bất chấp cả nỗi ngậm
ngùi sắp đến. Sài gòn thản nhiên chờ đợi niềm bất hạnh. Mặt trời vẫn chưa mọc.
Có vẻ mặt trời không thích mọc hôm nay. Tôi buồn bã đứng trước cổng nhà mình
ngó ngang, nhìn dọc. Bà bán thuốc lá sát cổng nhà tôi hớt hơ hớt hải từ dưới
Xóm Lách chạy tới chỗ tôi:
-Cậu không đi được à?
- Không.
-Liệu người ta có để cậu yên không?
- Ai?
- Thì... Việt cộng?
Bà ta nói nhỏ:
- Cậu ạ, người ta vây kín Sài gòn rồi!
Tôi thở hắt ra:
- Thế à?
Nhìn bà bán thuốc lá, tôi hỏi:
- Sao bữa nay bà không bán?
- Tôi tưởng giới nghiêm.
- Chứ không phải mệt vì đêm qua lo hôi đồ à?
- Tôi thề với cậu, không quen làm việc ấy.
- Làm thì đã sao, của Mỹ chứ bộ.
- Mà không quen.
Tôi nhìn thẳng vào mặt bà ta:
- Việt cộng vào, bà có để tôi yên không?
Bà ta chớp mắt lia lịa:
-Tôi mong cậu đi lọt mà.
Từ người vô sản bán thuốc lá, tôi quan sát
những người vô sản Xóm Lách quanh tôi. Tất cả đều còn cho tôi những nụ cười,
những ánh mắt chứa chan tình cảm. Tôi yên tâm. Đã quá hiểu những bài học căm
thù của cộng sản, tôi sợ rằng những nụ cười, những ánh mắt chứa chan tình cảm
của người vô sản Xóm Lách sẽ biến mất. Chưa biết bao giờ. Có thể lát nữa. Có
thể trưa nay. Có thể chiều nay. Có thể tối nay.
-Bà Tẹo.
-Dạ.
- Tôi đã làm phiền bà điều gì chưa?
- Sao cậu hỏi vậy?
- Bởi vì sẽ thay đổi nhiều đấy.
- Không có gì thay đổi đâu cậu ạ? Tôi vẫn bán
thuốc lá trước cổng nhà cậu, vẫn xin được bán thiếu cho cậu để cuối tháng có
món tiền để dành lớn.
-Cám ơn bà.
Tôi bấm chuông. Nhà tôi ra mở cổng:
- Thế nào, bố?
-Thế nào là thế nào?
- Còn nước tát không?
- Cạn rồi. Mỹ thật sự cút rồi. Nhưng em yên
tâm. Bằng hữu của chúng ta còn ở lại khá đông. Anh đã gặp Mai Thảo, Nguyễn Tuấn
Anh...
Nhà tôi nín thinh. Tôi vào, gieo người xuống
ghế bành, gác chân lên bàn xa-lông. Tôi cảm giác căn nhà của gia đình tôi đã
trở thành cái nghĩa địa hoang vắng. Nỗi hiu quạnh đùn lên, đùn lên, dâng ngập
trắng xóa. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn rõ cái lẽ phù ảo của đời sống. Nhờ
vậy, tôi thanh thản dọn chết. Và tôi còn dọn thêm cả sự "thoát chết, bung
ra." Nếu lúc này có Mai Thảo ngồi đấu hót? Tôi trách tôi đã quên rủ Mai
Thảo đi nhìn Sài gòn hấp hối và rủ Mai Thảo về nhà tôi uống rượu. Tôi vẫn còn
vài chai Table du roi. Tôi nhớ, mới đây thôi, Mai Thảo tâm sự với tôi:
- Tôi ở một nơi chốn nào là lòng gửi nơi chốn
đó nên xa một nơi chốn là nhớ vô cùng, dẫu nơi chốn cũ chẳng xa gì nơi chốn
mới. Thật sự, tôi không thích di tản. Xa quá, xa quá...
Và Mai Thảo rất lừng khừng chuyện ra đi- Anh
ta cứ ra, theo triết lý cù nhầy của Nguyễn Bính "ngày mai ra sao rồi hãy
hay." Mai Thảo tâm sự tiếp:
- Tôi có ông thày học khá lạ lùng. ông ta đã
nói với tôi rằng, người ta chỉ cần sống đến 50 tuổi. Là đủ rồi. Tôi đã 50 tuổi.
Sống thêm có lẽ thừa thãi.
Mai Thảo đã 50 tuổi. Tôi mới 40. Cho nên, dù
đã vỡ lẽ phù ảo của cuộc đời, Cứ thèm thuồng "thoát chết, bung ra"
trong những giờ phút dọn chết.
***
10 giờ thiếu 10 phút. Chuông điện thoại reo
vang:
-Long hả?
- Ừ!
- Chúng nó xuất hiện ở Xóm Gà, Gò Vấp rồi.
Trên ấy ra sao?
-Im lặng.
-Mày nghĩ xem có nên chở gia đình lên bà
Nguyễn Đình Vượng tránh né cảnh tranh tối tranh sáng không?
-Không cần.
-Tại sao không cần?
- Vì bà Vượng cũng bị ném vào biển máu! Nếu
ông muốn cùng chết với tôi thì lên đây.
Đặng Xuân Côn, Thằng Côn, người bạn ấu thời
của tôi, người bạn đã, cơ hồ cái bóng, theo sát tôi 30 năm ròng rã, đã chia xẻ
vinh nhục với tôi, đã đau khổ vì tôi, đã ôm đau khổ của tôi làm đau khổ của
mình. Chúng tôi học tiểu học ở trường Monguillot thị xã Thái Bình. Côn là cháu
đích tôn của cụ Đặng Đình Điền, tự Hào Điển, một trong những lãnh tụ Việt Nam
quốc dân đảng. Năm 1951, sau khi cộng sản quy định thành phần, giai cấp, mặc dù
đã mù lòa, bệnh hoạn, cộng sản vẫn bắt cụ Hào Điển, bỏ cụ vào cái rổ xề, khiêng
cụ ra giữa cánh đồng hoang vắng và để cụ chết đói chết khát ở đó. Qua mấy năm
tao loạn, chúng tôi lại gặp nhau ở thị xã Thái Bình đổ nát vì tiêu thổ kháng
chiến. Tình bạn vẫn khắng khít. Chúng tôi học trung học tại trường Trần Lãm và
không ngớt tương tư thị xã đềm êm cũ với những hàng hồi thơm hăng hắc dọc vỉa
hè đường phố. Rồi chúng tôi lên Hà Nội trọ học. Mùa hè 1954, tôi về Thái bị kẹt
vì Pháp "di tản chiến thuật". Tôi ở lại chứng kiến quân cách mạng
tiếp thu Thái Bình. Rồi hội nhập đời sống mới.
Cuối tháng 7-1954, Côn trở lại Thái với nhiều
ưu tư. Nó không hé miệng nói cho tôi nghe những ưu tư của nó. Chúng tôi thường
lên cầu Bo ngắm dòng sông Trà Lý đỏ ngầu phù sa mùa nước lũ. Cầu Bo. cây cầu kỷ
niệm của chúng tôi, bị quân Pháp đánh sập nhịp giữa trước đêm rút lui. Người ta
bắc cầu giây đi tạm. Côn ở Thái hai tuần lễ và lỉnh tránh mọi công tác... cách
mạng. Một buổi sáng nó tìm tôi khi tôi đang bận kê bàn ghế cho lớp học dạy
"công nhân" vỡ lòng quốc ngữ. Côn rủ tôi sang Nam Định chơi. Tôi từ
chối, vì... công tác khẩn trương. Tôi bảo Côn đợi vài hôm nữa. Nó bỏ về. Rồi nó
sang Nam Định lúc nào tôi không rõ. Cuối tháng 8-1954, Nguyễn Thịnh từ Hà Nội
về Thái. Tôi hỏi thăm Côn. Thịnh nói Côn đã vào Sài gòn..
Tôi choáng váng. Côn đã nghi ngờ tôi theo...
cách mạng, không dám tâm sự với tôi. Tôi vội vàng chuồn lên Hà Nội, kiếm nhà Vũ
Thượng Văn ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, hỏi thăm đia chỉ Côn tại Sài gòn. Tiêu
pha hết đồng bạc cuối cùng ở Hà Nội, cuối tháng 9-1954 tôi mới vào Sài gòn, đến
phố Heurtaux bên Khánh Hội tìm Côn. Thế là chúng tôi có tháng ngày nhà hát Tây
ba đào, có tình yêu lẩm cẩm, có Đỗ Tiến Đức, Hà Huyền Chi... Chúng tôi thêm
những kỷ niệm cay đắng vào đời. Sự nghiệp văn chương của tôi, phần lớn, là do
Thằng Côn đóng góp. Bằng khích lệ. Bằng cả những đồng tiền mồ hôi của nó. Tập
truyện Hoa thiên I)" của tôi, Côn bỏ tiền xuất bản. Nếu có lần nào đền ơn
Thằng Côn thì chỉ một lần Thằng Vũ nghiến răng chịu nhục, chịu hành hạ cả thể
xác lẫn tâm hồn để ngậm miệng cho Thằng Côn bình yên ngoài nhà tù mà tìm cách
đưa vợ con trốn khỏi Việt Nam. Đáng lẽ, Côn ra đi bình yên trước 30-4-75, nó cứ
bám sát tôi Cho đến phút chót, nó vẫn lo tôi bị tàn sát trước nhất.
- Tao nghĩ mày nên đưa vợ con lỉnh chỗ khác.
-Chỗ nào? Không còn chỗ nào cho tôi ẩn thân
cả. Mà tôi cũng cóc cần ẩn thân nữa.
- Mày đừng chướng.
-Cúp điện thoại đi!
Tôi cúp trước, khỏi cần đợi Côn.
***
10 giờ 20 phút. Chuông điện thoại lại reo:
- Long hả?
- Ừ!
- Chúng nó đã lảng vảng khu nhà anh Hoàng văn
Đức rồi. Tao lên mày nhé?
- Hỏi chi nữa!
Tôi cúp điện thoại ngay. Và, thật sự, kể từ
phút này, tôi đã té nhào khói lãng du lênh đênh trên ước mơ, tôi hết dám thèm
"thoát chết, bung ra." Tôi sợ hãi. Tôi trở về với sự sợ hãi 0 giờ 1
phút. Nỗi chết gần kề. Đao phủ và hình cụ của nó đang chờ tôi bên bờ biển máu.
Làm thế nào đểà con người được chết ngon lành? Tôi chợt nhớ một truyện ngắn của
Jack London, nhan đề Mất mặt. viết về sự dọn chết tuyệt vời của một người không
thích chết đau đớn, sợ hãi chết khắc khoải. Câu chuyện như thế này: Một gã
phiêu lưu da trắng lạc vào một bộ lạc hung dữ nhất của một vùng Bắc cực. Các bộ
lạc ở đây đánh giá trị vĩ đại nhất bằng sự tàn ác nhất. Bộ lạc nào giết kẻ thù
chết từng giây, chết đếm nỗi chết từng giây, chết quằn quại, rên la lâu nhất,
bộ lạc ấy được tôn vinh và công nhận là minh chủ. Thế thì gã phiêu lưu của Jack
London đã rơi vào tay bộ lạc minh chủ. Gã hiểu gã sẽ bị chết co rút mỗi tế bào.
Gã cũng hiểu những kẻ tàn ác nhất đều là những kẻ thèm sống "muôn
năm", thèm bất tử, nên gã xin được kéo dài ngày chịu tội để kiếm lá luyện
thuốc bất tử. Môn thuốc này bôi khắp mình mẩy, tên bắn vào văng ra, búa bổ
xuống nẩy tung, lao phóng trúng cong oằn... Tù trưởng của bộ lạc minh chủ sướng
quá, bèn cho gã phiêu lưu đi tìm lá. Gã khôn ngoan, luyện thuốc bất tử thật
lâu. Khi đã luyện xong, gã yêu cầu vị tù trưởng thử. Vị tù trưởng sợ, không dám
thử. Không ai trong bộ lạc dám thử cả. Tất cả những kẻ hung ác đều sợ chết thảm
và đều thích người khác chết thảm. Cuối cùng, gã phiêu lưu tình nguyện thí
nghiệm thuốc bất tử của mình. Bộ lạc đồng ý. Gã yêu cầu kê cổ gã trên một 1 húc
gỗ tròn và chắc và phải dùng một cái búa sắc như nước do tay lực lưỡng xử dụng.
Gã bôi thuốc đầy cổ. Rồi gã dục hạ búa. Nhát búa vung lên, bổ mạnh xuống. Gã
phiêu lưu bay đầu. Gã được chết ngon lành. Bộ lạc minh chủ mất mặt, mất ngôi
minh chủ và bị các bộ hạ khác khinh bỉ, vì đã để kẻ thù chết sung sướng, chết
thanh, chết gọn...
Cộng sản ác hơn và khôn ngoan hơn bộ lạc minh
chủ bị mất mặt trong truyện ngắn của Jack London. Và tôi, tôi không có can đảm
dọn cho mình cái chết ngon lành. Tôi sợ luôn cả cái chết ngon lành, cái chết
của chiến sĩ, cái chết của liệt sĩ, cái chết của thánh tử đạo. Rốt cuộc, tôi
thèm sống, sợ chết. Bởi tôi vừa nhận ra tôi đích thực rằng tôi chỉ là nghệ sĩ.
Tôi cần sống sót. "Cậu là nhà văn, cần buôn kinh nghiệm mà bán." Cao
Dao khuyên tôi thế. Tôi cần sống sót. "Thoát chết, bung ra được là mày nên
người, Duyên Anh ạ"? Đỗ Bá Thế dạy tôi thé. Nhà văn không cần thiết tử vì
đạo. Vì y vô đạo. Nhà văn không cần thiết tuẫn tiết. Vì y tuẫn tiết sẽ chẳng
còn ai sống để viết về những cái chết đẹp trong cõi đời. Nhà văn cần thiết có
tác phẩm, và phải là tác phẩm rực rỡ kinh qua mọi sợ hãi, mọi thống khổ mỏi
mòn. Nhà văn là người viết về sự sống ngoạn mục, nỗi chết phi thường của người
khác, không bao giờ là kẻ trông đợi người khác viết về cái chết, nỗi chết của
mình. Do đó, nhà văn bất chấp những kẻ bỉ thử mình, lăng mạ mình đủ điều về sự
sống của mình. Rất tự hào và đủ quyền kiêu hãnh để nói, những kẻ bỉ thử, lăng
nhục nhà văn là những kẻ không biết viết hay viết chẳng ra gì. Những kẻ này
không bao giờ được phục sinh, bởi vì họ không hề có một cái gì đểà lại cho đời
sống kế tiếp. Tôi là nhà văn, tôi chẳng lấy gì làm xấu hổ mà công khai nhận
mình thèm sống sợ chết. Tôi đã bày tỏ thái độ của tôi rõ rệt trong bài Chút tâm
sự của người làm thơ trong tù. Theo tôi, sự tồn tại khác hẳn với sự sống. Tôi
chưa thấy một nhà văn chuyên nghiệp nào - nhà văn nuôi mình, nuôi vợ con mình
bằng hàng tỉ chữ thao thức viết - khi chết được vinh tôn như một anh hùng, liệt
sĩ. Người ta đã chỉ vinh tôn tác phẩm của nhà văn. Tôi cũng chưa thấy ai nhận
trách nhiệm nuôi vợ con nhà văn, nuôi nhà văn cả, nhưng người ta cứ bắt nhà văn
phải có đủ thứ trách nhiệm, đủ thứ đạo đức, đủ thứ can đảm. Người ta còn bắt
nhà văn dấn thân, nhà văn tranh đấu cho đủ thứ quyền của con người, nhưng, mỉa
mai thay, cái quyền lợi thiết thực của nhà văn là tác phẩm mồ hôi, tim óc của
họ bị đạo tặc công khai tước đoạt, không ai tranh đấu cho nhà văn cả Tôi đã
thấy chính xác nhà văn tạo hào quang rực rỡ cho anh hùng, liệt sĩ, thần thánh.
Nhân loại đã thờ phụng hình chúa Giêsu vẽ theo trí tưởng tượng của Michel Ange
mà không thờ Michel Ange. Những bức tượng, những tranh vẽ trong giáo đường của
Léonard de Vinci, của Raphael về Đức Mẹ, về thiên thần đều được kính cẩn thờ
phụng cả đấy. Ai đã nói cho nhân loại biết tài năng của Michel Ange, Léonard de
Vinci, Raphael? Nhà văn. Nhà văn viết về Thượng Đế. Nhà văn làm ra Thượng Đế.
Thượng Đế không làm ra nhà văn. Gần gũi chúng ta nhất, người Tầu và cả người
Việt Nam đều đèn nhang, trầm hương xì xụp vái lạy ba anh Lưu Bị, Quan Công,
Trương Phi mà quên nhà văn La Quán Trung đã phong thánh cho ba anh rất lơ mơ
trong lịch sử Trung Hoa. Tài năng của nhà văn La Quán Trung đã biến nhân vật
tiểu thuyết thành thánh. Không ai thờ La Quán Trung cả. Người ta hằng luận về
hào khí Võ Tòng, Lâm Xung mà quên Thị Nại Am; ngợi ca Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung,
Dương Quá, Quách Tĩnh mà quên Kim Dung. Vân vân... ở thời đại của tôi và ở đất
nước tôi, nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc đã phong thánh cho Hồ Chí Minh. Khi đất
sét được nặn hóa thánh, thánh tưởng mình thiêng đã bỏ tù những kẻ phong thánh
cho mình. Nhân Văn giai phẩm là thí dụ điển hình. Nguyễn Bính có câu thơ mà tôi
rất thích: Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ. Cái đám thế nhân mắt trắng có thánh
để thờ, có thần tượng để chiêm ngưỡng, có lãnh tụ để suy tôn, có ước mơ để mơ
ước, đã không đem gạo nuôi nhà văn, đã không biết ơn nhà văn, lại còn ong óng
lời chó dại, lại còn phun phì nọc rắn rết lên án nhà văn, thống trách nhà văn.
Vậy thì nhà văn, anh đã sáng suốt nhận ra anh chưa? (Tôi đã nhận ra tôi. Và tôi
cho rằng tôi chỉ có trách nhiệm với những thống khổ tôi đã kinh qua, đã thể
nghiệm. Tôi không được phép phản bội những oan khiên, những cay đắng, những cô
đơn đã soi sáng cuộc đời tôi. Và tôi hiểu rằng nhà văn có quyền phép ghê gớm.
Nhà văn đưa thằng bán chiếu Lưu Bị lên ngôi anh hùng và bắt kẻ anh hùng Tào
Tháo làm đứa gian hùng. Thế nhân mắt trắng, cái đám ưa hạch sách nhà văn, vấn
nạn nhà văn, thị phi nhà văn, chụp mũ nhà văn, sống nghìn đời vẫn không đủ tư
cách và khả năng hủy diệt nổi tác phẩm của nhà văn. Nhưng, nhà văn chỉ cần cuốn
sách mỏng, viết bằng chân trái, cũng đủ nhốt cái đám gian dối lương tâm vào
ngục tù muôn thuở. Đừng có đùa với văn chương Và đừng có rỡn mặt nhà văn. Chưa
quán triệt sức mạnh của văn nghệ, học đòi làm lãnh tụ, học đòi mưu đồ quốc sự,
đã không biết kính trọng nhà văn còn xúi dục tiểu yêu bôi bẩn nhà văn, quả là
bọn cắn hạt gạo chưa vỡ đôi Người ta chỉ đố kỵ niềm vinh quang của nhà văn mà
không chịu cảm thông nỗi nhục nhằn nhà văn phải kiên nhẫn chịu đựng, chịu đựng
không ngừng. Và nhà văn làm việc cho ai, tác phẩm của nhà văn để lại cho ai,
người ta cứ giả vờ không thèm biết. Rồi mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ tốt nghiệp và
bao nhiêu năm mới nẩy sinh một danh sĩ, người ta cũng cứ giả vờ không biết. Và
nhà văn chờ đợi cái chết vì tác phẩm của mình thì không ai biết. Nhưng cần gì
ai biết mình sống ra sao, viết trong những hoàn cảnh nào, nhà văn, có vẻ như
kiêu ngạo để không lý tới cái hôm nay. Mà đúng thế, nhà văn đã không lý tới cái
hôm nay, cũng chẳng thèm lý tới những phán xét ngu xuẩn của thời nay. Trên sầu
đạo và ngược dòng nghịch lũ oan khiên, nhà văn mang tâm sự của con gọng vó, âm
thầm bước, âm thầm lội. Và âm thầm đợi chết. Như tôi. Không ai chia xẻ với tôi
nỗi sợ hãi cả. Ngày nào đó "thoát chết, bung ra", tôi viết những
trang sách ghi lại cảm giác rụng rời của tưởng tượng nỗi chết, cách chết, kiểu
chết tính bằng co rút của tế bào, tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời
rạc của nhịp tim, chắc chắn, tôi vẫn được chiếu cố tận tình bởi soi mói của cú
vọ, bởi phẩm bình của quạ diều. Có phải đó là sự trả nghiệp, theo nhà Phật?
***
Đặng Xuân Côn chở vợ con lên. Tôi cũng tính
xong sổ đời. Thấy chẳng để lại vết tích nào dơ bẩn trên 200 số báo Tuổi Ngọc và
suốt 1 5 năm viết văn, làm báo, tôi cam đành đợi chết. Nói cam đành vì tôi thèm
sống, sợ chết. Để cực tả, phải viết: Tôi thèm sống vô cùng. Lúc này tôi mới cảm
Tư Mã Thiên và phục Tư Mã Thiên. Than ôi, Tư Mã Thiên chịu nhục hình, cố bám
lấy cái sống hèn chỉ vì chưa lo xong Sử ký. "Ta hồ văn chương chi sự thốn
tâm thiên cổ Nếu Tư Mã Thiên không chấp nhận hình phạt thiến, không vượt lên sự
khinh bỉ của thể nhân mắt trắng, không cô đơn những ngày tháng còn lại, sẽ muôn
đời không có Sử ký của Tư Mã Thiên. Kẻ làm việc cho muôn đời chấp nê chi cái lẽ
sống hèn, sống hùng. Những đứa chê bai Tư Mã Thiên đều đã chết như cây cỏ.
Chúng nó sống hùng lắm, sống hùng miệng lưỡi mà chẳng có gì để lại: Chúng nó
chê Tư Mã Thiên sống hèn, sống nhục nhã tội bị thiến, không dám chết giữa pháp trường,
nhưng nhờ biết sống hèn, sống nhục, Tư Mã Thiên có Sử ký. Tư Mã Thiên được phục
sinh bằng Sử ký. Và bằng Sử ký, Tư Mã Thiên bất tử.
Ông đau vết hoạn lưỡi dao hèn
Từ đó, cung giương một mũi tên
Theo hồn tài tử. tên bay vút
Ngạo nghễ hành tinh Tư Mã Thiên
Những đứa chê ông chết cả rồi
Nhưng ông sống mãi như mây trôi
Hai nghìn năm ngỡ chùng gang tấc
Mảnh đất oan này lại có tôi...
Sử ký và Tư Mã Thiên đã đủ soi sáng thân phận
nhà văn và tác phẩm hoàn thành bất chấp nghịch cảnh, bất chấp mọi hoàn cảnh,
bất chấp cung cách sống, bất chấp cảnh ngộ sống chưa? Có lẽ, với ngự sử vô học,
với "sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền", cần được giáo dục thêm nữa.
Tôi không thừa thì giờ nói với hai hạng người vừa kể. Tôi tâm sự với nhà văn.
Nhà văn có sức mạnh tuyệt luân. Nhà văn là con người như mọi con người. Y cũng
phải chết thôi. Có thểà, y sẽ bị chết theo cung cách Gandhi đã bị chết. Nhưng
tác phẩm của y không bao giờ chết. Y có thể chịu hình phạt nhục, chịu phán xét
ngu xuẩn như Tư Mã Thiên, như Gheorghiu. Chính sự chịu nhục sống hèn (hiểu theo
nghĩa bần tiện của thế nhân mặt trắng) của nhà văn đã làm tác phẩm của y rực rỡ
và tác phẩm của y phục sinh y sau cái chết. Nhà văn, có thể, chết thảm như Khái
Hưng và Lan Khai. Cộng sản đã nhận chìm Khái Hưng, Lan Khai dưới nước mà không
thể nhận chìm tác phẩm của tác giả Hồn bướm mơ tiên, Dọc đường gió bụi, của tác
giả Cái hột mận, Lầm than... dưới nước. Cộng sản kiêu ngạo nhất loài người, đầy
đủ quyền uy và biết chơi bạo lực mà vẫn ngậm ngùi sợ hãi văn chương - tư tưởng:
"Cơ sở giai cấp của bọn phá hoại còn tồn tại lâu dài trong xã hội ta. Khi
đã hết giai cấp, thù địch vẫn còn. Vì tư tưởng của giai cấp có sức sống dai hơn
giai cấp tính ra nó"* . Nghĩ cũng tội nghiệp cho đám lãnh tụ ễnh ương của
quyền uy ảo tưởng và đồ đệ cứ hăm hở đòi hủy diệt nhà văn và tư tưởng của nhà
văn. Phải nói rõ rệt là nhà văn cố gắng soi sáng những mê muội của thời đại
mình. Thời đại mê sảng, cố tình mê sảng thì người đời sau sẽ làm công việc
thương người đời xưa. Nguyễn Du còn ngờ vực, 300 năm sau, có ai hiểu ta chăng,
thì nhà văn xá chi những hạch hỏi vô lý, vô nghĩa, vô học, vô ơn của cóc nhái
thời thượng. Song, cần thiết, nhà văn phải nhận ra mình, phải nhận ra sức mạnh
tuyệt luân của mình và phải biết xử dụng, dám xử dụng sức mạnh đó để chế ngự bạo
lực đến từ bất cứ phía nào, ở bất cứ nơi đâu, dẫu sự chế ngự có mang tới những
cay đắng nghiệt ngã, những oan khiên ứa máu, những ngộ nhận nứt tim. Và cả nỗi
chết. Và luôn sự thèm sống hèn đểà thoát chết. Tôi nghĩ rằng cái cứu cánh biện
minh cho cung cách sống chết của nhà văn là tác phẩm y để lại cho đời sống.
Trong bộ cassette tưởng mộ Victor Hugo, một vị viện sĩ của Viện Hàn Lâm Pháp
quốc đã múa một tuyệt chiêu: "Nước Pháp không được phép nói tha thứ những
bê bối trong cuộc đời của Victor Hugo mà phải có bổn phận chấp nhận những bê
bối ấy. Vì sự nghiệp văn chương của Hugo đã làm rạng rỡ cho đất nước Pháp và
dân tộc Pháp."
Tôi không ở nước Pháp, không là nhà văn Pháp.
Georges Simenon viết nhiều, viết khỏe, chẳng cần phải quan tâm văn chương, tư
tưởng của Simenon, Jean-paul Sartre đã vinh tôn khả năng sáng tạo của Simenon.
Tôi cũng viết nhiều, viết khỏe, thì chỉ nghe Sài gòn dè bỉu và đợi Hà Nội vào
tàn sát. Và tôi thèm sống hèn. Để hy vọng có một Sử ký như Tư Mã Thiên.
***
10 giờ 30. Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Đặng Xuân Côn mở radio thật lớn. Tôi lặng người trong giọng nói cơm nguội của
Big Minh. Tôi mất miền Nam từ giây phút này.
- Tắt radio đi, Côn?
- Đểà nghe xem còn tin tức gì nữa.
- Hết rồi.
- Chưa.
-Tôi bảo hết rồi. Tắt đi?
Tôi nhìn Côn:
- Có thể ông thoát biển máu. Vợ con tôi cũng
có thể thoát biển máu. Tôi thì khó thoát.
Côn an ủi tôi:
- Mày sẽ thoát.
Tôi lắc đầu:
- Khó lắm. Tôi biết tôi. Cộng sản biết tôi.
Những kẻ muốn làm tốt đẹp cho xã hội miền Nam sẽ bị quăng xuống biển máu. Nếu
ông thoát...
Côn chớp mắt:
- Tao hiểu tao sẽ phải làm gì cho mày.
- Cho vợ con tôi thôi.
-Mày muốn tao sẽ làm gì?
- Đưa vợ con tôi rời khỏi Việt Nam.
Im lặng. Hai chúng tôi nhìn nhau, nước mắt ứa
ra. Trong phòng ngủ, hai người đàn bà và những đứa trẻ con khóc nức nở. Tôi
biết, cả Sài gòn đang khóc....
NẾU CUỘN BĂNG NHỰA GHI LỆNH ĐẦU HÀNG CỦA DƯƠNG
VĂN MINH THẤT LẠC
Mỗi biến cổ lịch sử xảy ra thường kèm theo
những chuyện ngoài lề. Và những chuyện ngoài lề được truyền kể, được thêu dệt
thành huyền thoại. Một trong những chuyện ngoài lề dưới đây không phải là huyền
thoại. Mà là chuyện ở quán cà-phê vỉa hè sau ngày 30-4-1975. Người ta thuật cho
nhau nghe, người ta luận bàn và người ta không thèm quan tâm đến cái vô lý của
câu chuyện.
***
10 giờ, Phủ tổng thống gọi cho Đài phát thanh
sài gòn, yêu cầu gửi gấp sang một chuyên viên ghi âm. Anh chuyên viên đem máy
móc, băng nhựa đến trình diện ông Giám Đốc Nha báo chí Phủ tổng thống. Anh vào
phủ bằng lối góc ngã tư Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân - Huyền Trân Công Chúa. Giám
đốc Nha báo chí hướng dẫn anh chuyên viên tới phòng họp của Tổng thống. Dương
văn Minh đọc lệnh đầu hàng cộng sản tại đây. Kẻ viết lệnh đầu hàng là Lý Quý
Chung, Tổng trưởng Thông tin của nội các Vũ văn Mẫu, "danh sĩ" của
môn phái Hoa Lan. Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng xong, anh chuyên viên Đài
phát thanh đem băng về đài. Anh ta lái chiếc Honda 50. Cuốn băng lịch sử được
giao cho phòng phát thanh và được ra lệnh phát vào đúng 10 giờ 30 phút.
***
Câu chuyện vắn tắt trên đây ví như Kinh Xuân
Thu của Khổng Tử. Các vị Đông Lai, các Mao Tôn Cương "phản động" đã
"bác nghị", đã "lời bàn" sôi nối.
- Tôi không tin đại sự lại giản dị thế.
-Dương văn Minh hiểu gì đại sự? ông thử nhìn
kỹ coi, bọn Minh sún có thằng nào ra cái giống người?
-Tôi nghĩ lệnh đầu hàng trực tiếp truyền
thanh.
-Trực tiếp con khỉ! Chúng nó quýnh hét, đâu
kịp chuẩn bị. Phải tin tôi, thằng chuyên viên Đài Sài gòn là bạn tôi.
-Là bạn ông à?
-Ừ! Nó lái Honda "chở" lệnh đầu
hàng. Tôi tự hỏi, nếu nó bị đụng xe, chết ngỏm, lịch sử sẽ ra sao? Hoặc nó phẫn
nộ, vất cha nó cuốn băng ghi lệnh đầu hàng của Dương văn Minh, về ngủ với vợ,
lịch sử sẽ ra sao?
-Chắc chắn Sài gòn nổ lớn.
-Nổ lớn, tôi đã mong mỏi. Rốt cuộc, chỉ tại
thằng chuyên viên mẫn cán, ngu đần, sợ lệnh lạc mà cộng sản vào Sài gòn ngon ơ.
Tức muốn hộc máu mồm.
- Tôi nghe nói cộng sản đã vô Dinh Độc Lập từ
đêm trước, chúng dí súng sau ót Dương văn Minh, bắt Minh đọc lệnh đầu hàng.
- Không có vụ ấy.
***
Nếu câu chuyện kể trên đúng 80%, nếu anh
chuyên viên của Đài phát thanh Sài gòn bị đụng xe chết giữa đường Thống Nhất,
nếu anh chuyên viên quên Dương văn Minh, quên lệnh đầu hàng về ngủ với vợ, tôi
tin chắc rằng lịch sử khác đi một chút. Nó cũng sẽ bị sang trang nhưng không
đến nỗi sang trong buồn tủi. Sẽ có máu, nhiều máu của Sài gòn 30-4-1975. Và đó
là những dòng máu cần thiết cho Sài gòn ngày mai...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét