Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ 2

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG SÁU
- Mày từ chối bằng cách nào?

- Thì tao cứ thẳng ruột ngựa thôi. Tao nói thưa anh, tôi bị nạn ở đầu và đang chờ giải ngũ thì Cách mạng vào giải phóng. Trí nhớ tôi từ đó rất kém. Nhiều chuyện vừa xảy ra chừng dăm ba phút tôi đã quên ngay. Xin anh cho tôi được học tập lao động như mọi người, và cái chức năng mà anh thương chọn tôi để giao cho xin giao lại người khác có trí nhớ tốt hơn.

- Rồi nó xử trí ra sao?

- Nó nói xa xôi rằng xã hội bên ngoài cũng cần những công dân có trí nhớ tốt. Trí nhớ tồi như của tao chắc còn phải phấn đấu lâu dài.

- Nó có ép mày, dí súng vào lưng mày bắt mày nhận chức năng ấy không?

Nghe hỏi, Đính vội vung hai tay.

- Ấy, tao vốn ăn ngay nói thật. Cái gì chứ cái này tao thề không nói dối. Tao cả quyết nó không hề dí súng vào lưng tao, hoặc đánh đập tao bắt tao nhận cái chức năng ấy. Nó chỉ xỏ xiên gọi tao là nòi nhà lừa, nhẹ không muốn muốn nặng. Nó nói từ mai tao đi lao động trở lại, bảo thằng Trai kiếm đứa khác kẻ khẩu hiệu.

- Tốt, thế hiện giờ mày thấy thế nào?

- Thế nào là thế nào?

- Thất tình lục dục nổi lên mặt nào rõ rệt nhất?

- Mừng quá đi chứ. Đi lao động với chúng mày coi vậy mà nhẹ nhỏm lương tâm hơn.

- Đúng, mày đã làm đúng. Vĩnh đùa với bạn. Nhân danh Bác và Đảng, tao... hạ tầng công tác mày.

Trong suốt buổi chiều Vĩnh và các bạn đầm mình trong mấy hố cứt thì Nguyễn Thành Đính được Cách mạng ưu ái lôi lên văn phòng trại. Cách mạng dịu dàng rót mật vào tai hắn, rồi tính âu yếm đè hắn ra gắn trên lưng hắn một cái cần ăng-ten thật nhạy và nơi tai hắn cái máy nghe thật tinh xảo để hắn bắt đầu bước vào nghề chỉ điểm, báo cáo anh em. Thấy hắn là người chăm làm, hiền lành lại tốt bụng, Cách mạng tưởng ngoan ngoãn. Ai dè nó từ chối quách! Dầu sao Cách mạng cũng chả nỡ chụp mũ nó phản động, vì nó vẫn xin được làm đúng như lời Bác dạy: Yêu lao động chân tay và coi lao động chân tay là vinh quang mà lại!

Đính bỗng nói như báo động.

- À, lúc tao bước ra khỏi văn phòng tiểu đoàn, tao thấy thằng Ba Tô ngồi với một thằng quản giáo ở một phòng khác.

- Kệ cha nó!

- Đúng, nhưng mình cũng cần thủ. Tao gớm cái thằng trọ trẹ ấy quá. Nội giọng nói của nó thôi cũng thấy sợ rồi. Không ai đoán nổi nó là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam!

Câu chuyện của hai người phải tạm cắt ngang nơi gốc cây điệp vì tiếng kẻng tập họp buổi chiều. Hai người lục đục kéo nhau về khối.

Khối trưởng Trai đã đứng chờ mọi người trước vuông sân. Anh đứng ngó trời ngó mây trông buồn vời vợi. Vĩnh nhìn thấy cảnh ấy thốt nhiên nghĩ ngợi. Làm sao chúng lại đẻ ra được động từ cải tạo nhỉ? Ngoài cái chết, ai có thể xóa nổi trong đầu Trương Thành Trai, lúc anh nhìn trời mây, sự hồi tưởng đầy luyến thương về một dĩ vãng hào hùng của đời anh với những chiếc F.5 hùng tráng phóng như tên bay về một phía chiến trường rực lửa nào đó... Và ai có thể xóa được tất cả những uất hờn trong tâm hồn hàng triệu người trai trẻ như thế này?

Khối tập họp thật nhanh. Như mọi chiều, khối trưởng Trai thông báo lại cho các tổ những nhận xét về lao động, tác phong, về kỷ luật cũng như kỹ thuật lao động trong ngày. Riêng tổ A.10 phải sửa soạn tinh thần để mai đây khi có lệnh, sẽ là 10 công tố viên trước phiên tòa khối để xử tên phản động Phạm Điểu. Tổ A.5 ngày mai ở nhà sửa sang lại nhà cửa, anh Tâm thay anh Đính kẻ cho dứt điểm các khẩu hiệu. Tổ A.5 sẽ phối hợp với anh Tâm treo các khẩu hiệu trong nhà tại những nơi dễ nhìn thấy nhất và cho có mỹ thuật, sáng sủa. Riêng tổ A.7 sẽ phụ trách sửa sang lại mặt tiền nhà. Trên chỉ định khẩu hiệu chính trang trí cho mặt tiền nhà của khối 10 là khẩu hiệu "Đời Đời Nhớ Ơn Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại". Khẩu hiệu này anh Đính đã kẻ xong, nhưng Trên nói bỏ dấu như thế là không rõ ràng, không đạt yêu cầu. Dấu sắc phải ra dấu sắc, dấu huyền phải ra dấu huyền. Dấu sắc dấu huyền đều kẻ một đường xọc thẳng như anh Đính đã kẻ... Khối trưởng Trai bỗng bỏ lửng không nói tiếp.

Vĩnh ngồi cạnh Đính hỏi nhỏ.

- Mày kẻ sao mà chúng nó chê vậy?

- Người ta chơi chữ. Ở đây chơi chữ nằm connex. Vậy, thì tao phải chơi dấu. Dấu huyền dấu sắc tao xọc thẳng xuống. Ai muốn đọc sao thì đọc. Riêng tao, tao đọc là Đói Đói Nhờ Ơn Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại.

Khối trưởng Trai nói tiếp.

- Chiều nay giao ban về, tôi cũng nhận được những chỉ thị đặc biệt xin thông báo anh em. Hôm nay đã bước sang tuần lễ thứ hai, ban quản giáo nhận định chúng ta còn rất luộm thuộm trong các mặt ăn ở, lao động, nhất là mặt liên hệ linh tinh. Kể từ ngày mai, lệnh trên bắt chúng ta phải chấp hành tuyệt đối nghiêm chỉnh những điều như sau.

1. Tuyệt đối người khối này không được sang khối khác nếu như không được phép vì những lý do cần thiết. Bố con ở khác khối muốn gặp gỡ phải có phép quản giáo.

2. Khối 14 là khối nữ. Tuyệt đối cấm nam cải tạo bén mảng sang đó. Trong khối ta có một hai anh hay mò sang đó lắm.

Ở dưới có tiếng xì xào. Khối trưởng Trai sực nhớ ra điều gì, chợt nói tránh. Cán bộ quản giáo nói vậy nhưng thực tế tôi không thấy anh em nào ở khối mình cả. Có lẽ ở khối khác. Vậy tôi yêu cầu anh em cảnh giác và chấp hành lệnh cho nghiêm chỉnh. Bị vồ hậu quả sẽ khó lường!

3. Khối sẽ bầu ra một người cầm càn.

- Cầm càn là gì khối trưởng? Một người chợt lớn tiếng hỏi.

- Trước đây ta gọi là quản trò, quản hát; tức là người chịu trách nhiệm về hát hò trong đời sống sinh hoạt tập thể. Ngày nay, Cách mạng gọi là người cầm càn. Chúng ta sẽ xúc tiến bầu ra một anh cầm càn. Anh cầm càn sẽ trách nhiệm tập hát những bài ca Cách mạng cho cả khối.

- Có ai làm Cách mạng ở đây đâu mà thuộc bài Cách mạng?

Một anh bạo mồm lên tiếng hỏi. Khối trưởng Trai nghe câu hỏi ngó ngang dọc ra chiều e dè. Anh thấp giọng.

- Yêu cầu anh Tuấn lần sau có đặt câu hỏi nên đặt cách khác. Hỏi kiểu đó dễ bị ngộ nhận và không có lợi cho anh!

- Tôi có ý gì đâu. Thực tế là thế.

Khối trưởng Trai không muốn kéo dài vấn đề này nữa, vì anh vừa thấy thấp thoáng mấy cái áo bộ đội từ cổng trại đang tiến vào. Anh lại lớn giọng.

- Các anh cứ yên tâm, người cầm càn ngày mai sẽ nghỉ lao động, lên tiểu đoàn hợp với những người cầm càn của các khối khác; một văn công từ trung đoàn sẽ xuống tập dợt trước cho những người cầm càn. Nói tới đây khối trưởng Trai lái sang vấn đề khác. Sau đây tôi phổ biến thêm hai lệnh đặc biệt quan trọng, yêu cầu các anh em khi về phòng sắp xếp chấp hành ngay.

Một là, các tổ trưởng lập danh sách thu tiền ăn 10 ngày 3.475 đồng như Cách mạng đã quy định. Hai là, dù đã có lệnh gạo cá nhân đem theo phải nộp cho khối để đưa hết về kho hậu cần tiểu đoàn, nhưng một số anh em vẫn dấu diếm để nấu ăn cá thể. Kể từ ngày mai, chủ nghĩa cá nhân này bị triệt để cấm chỉ. Quản giáo bắt được ai nấu nướng linh tinh, ngoài những hình phạt thông thường còn bị ghi vào hồ sơ cá nhân, kéo dài ngày về của người ấy.

Hai cái lệnh sau cùng đã đẻ ra đủ thứ bàn tán. Đối với cái lệnh nộp tiền ăn cũng gây ra lắm chuyện sau đó. Những anh nghèo không có tiền thì than thở.

- Sổ sách chưa sòng phẳng, mai mốt có lệnh thả chắc chắn mình mắc kẹt!

- Tao mới khổ! Tháng lương cuối cùng tao đâu được lãnh. Thằng sỹ quan tài chính đơn vị ôm luôn mấy triệu bạc của đơn vị cút mất. Khi tao đi trình diện, ở nhà vợ năm con không còn nổi 100 đồng. Vợ tao ngó quanh chỉ có cái cassette là đáng giá 300 đồng. Rao bán khắp xóm không ai mua. Ra chợ trời mấy ngày cũng không ai nhòm tới.

Tuy nhiên vụ bàn tán về tiền bạc rồi cũng qua, nhường phần cho vụ nộp gạo. Nhiều anh còn đầy máu "phản động" thì rỉ tai nhau.

- Chúng mày thấy không, đây là một mở màn của sự bóc lột.

- Gạo tao gạo Nanh Chồn. Tao mang đủ ăn nửa tháng. Nộp cho chúng nó để nhận về mỗi bữa hai bát cơm gạo mục chôn trong mật khu à? Đâu có được!

Một giọng mỉa mai.

- Mày lầm to rồi mày ơi! Gạo Nanh Chồn vợ mày mua sai mày đem vào đây là để biếu các anh quản giáo lấy lòng đó. Mày không nộp, ở địa phương vợ mày khai ra có mà cải tạo mịt mù con ạ.

Lại một tiếng rên khóc.

- Trời ơi tôi đau bao tử trầm kha. Tôi đem được ít nếp vào đây để sống cầm hơi. Nộp cho hậu cần lấy gì tôi sống!

- Rồi sống được hết. Bộ Cách mạng không có người đau bao tử à? Sao họ ăn khoai ăn sắn quanh năm được?

Anh chàng đau bao tử nổi quạu đâm phát ngôn linh tinh.

- Tao người, tao đâu phải súc vật.

- Ừ thì mày cứ đợi xem rồi đây người và súc vật có còn khác nhau không!

Phiên họp khối tan hàng, Vĩnh lang thang ngoài sân tìm các bạn. Ai cũng biết mạng lưới ăng-ten đã được thiết lập ở mỗi khối, nhưng thủa ban đầu chưa ai sợ lắm, dù rằng trong các cuộc họp tổ họp khối không thiếu những nhân vật đã tiến bộ trông thấy! Thôi thì đủ thứ thảo luận, phê bình, kiểm thảo, đấu tranh sai trái và tố giác nhau trước tập thể. Hơn nhau một lát cuốc trong ngày, kém nhau một hạt cơm trong bữa cũng biến thành những mũi nhọn công kích cho những anh chàng tiến bộ vội vã ấy. Nhưng khi mổ nhau xong rồi, những kẻ có cùng tần số vẫn bám riết lấy nhau, thầm thì bàn tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất qua đủ thứ bộ môn chính trị, văn hóa, quân sự, nghệ thuật cho đến chuyện người sống người chết, chuyện hiện tại dĩ vãng tương lai, chuyện nhà chuyện nước, chuyện nhớ vợ nhớ con... Mục đích chẳng qua là con cà con kê cho đêm chóng hết. Bao nhiêu niềm vui nỗi khổ, đủ thứ chuyện khóc chuyện cười, nói chung tình cảm và ý nghĩ giữa những người cùng tần số vào giai đoạn này đã được bộc lộ với nhau hoàn toàn thẳng thắn và thoải mái. Một phần mạng lưới ăng-ten còn đương bộ... đào tơ non trẻ chưa có gì đáng ngại cho lắm, một phần Việt cộng chưa tích cực ra tay xiết; thành thử việc tụ tập hàng đêm tương đối dễ dàng. Ngoài những chuyện họ bàn tới đã nói bên trên, họ cũng có thể học hỏi lẫn nhau vài vấn đề mà xưa kia họ khiếm khuyết, hoặc giả họ phác họa cho nhau một chút tương lai đáng phấn khởi dù trong đáy lòng họ, họ tin là tương lai ấy khó có thể có được!

Dù sao thì các cuộc dạ đàm đa số có tính chất vui nhộn kiểu đốt thời gian. Và khi bọn vệ binh vác súng vào sân trại quãng 10 giờ đêm thì những cuộc dạ đàm vui nhộn ấy xẹp xuống như những gánh xiệc về khuya. Mọi người lại rút nhanh về phòng, rúc đầu tìm một chỗ ngủ hoặc trăn trở đánh vật với cơn mơ... Sáng mai lại quần quật lao động hơn trâu và ăn thua chó dưới họng súng của quân thù.

Nhóm của Vĩnh cũng như hầu hết các nhóm khác, sau khi đoán già đoán non về chuyện bản tự khai lại bàn qua chuyện biên chế đổi trại.

- Tụi nó đồn tuần tới mới làm bản tự khai. Làm xong tự đọc trước tập thể để được tập thể sửa sai hoặc thông qua.

- Cấp khối hay cấp tiểu đoàn?

- Tao nghĩ chắc là cấp khối. Cấp tiểu đoàn phải kéo dài bao nhiêu ngày mới đọc hết cả ngàn người?

- Tao lại nghe nói đổi trại. Một số sẽ bị lôi đi.

- Lôi đi đâu?

- Thánh biết! Chúng nó làm việc như âm binh, cái gì cũng về đêm.

Tiến bỗng nói chen vào.

- Cá một khẩu phần cơm rau. Một hai ngày nữa thế nào cũng có chuyển trại. Tụi mình chắc chắn sẽ không có dịp ngồi nghe tiểu sử của nhau đâu!

- Lấy gì làm chắc mà nói mạnh miệng vậy? Đính lên tiếng hỏi.

- Khi trưa theo đội trực lên tiểu đoàn nhận thực phẩm, tao nghe bọn hậu cần trại chúng kháo với nhau 2 ngày tới ngưng mọi xuất nhập, đợi chuyển trại xong điều chỉnh kế toán mới cho xuất nữa. Lần lãnh khi trưa theo tao biết là lãnh lần cuối. Tiến ngừng một chút. Lúc tao đi ngang phòng hội của tiểu đoàn, trên bảng đen tụi mày biết nó viết gì không?

-.....?

- Tao đọc được một đoạn văn như sau: Xưa kia kẻ thù đối diện tao đã là nguy hiểm, ngày nay kẻ thù nằm ngay dưới nách ta lại càng nguy hiểm hơn nữa. Nhiệm vụ ta là phải luôn luôn cảnh giác đề phòng những con quỷ không tim. Cán bộ ta, chiến sỹ ta phải hơn bao giờ, phân biệt cho rõ bản chất và hiện tượng. Dù ta đang nhận nhiệm vụ vinh quang Đảng trao phó là cải tạo kẻ thù, nhưng ta lại không có quyền thương xót chúng để có thể lâm nguy trước chiến thuật xanh vỏ đỏ lòng mà tuyệt đại đa số kẻ thù đang đưa ra một cách chậm chắc để trường kỳ chống lại chính sách cải tạo giai cấp tư sản phản động của giai cấp chuyên chính vô sản... Tụi mày nghĩ sao?

- Nghĩ cái quái gì. Ứng len vào. Thì dĩ nhiên chúng phải giáo dục cả cán binh của chúng nữa chứ.

Bác sỹ Tuyên cất giọng buồn buồn.

- Sao bây giờ chúng còn xài chữ kẻ thù nhỉ? Nặng quá!

Vĩnh cười.

- Ông yên tâm. Chúng xài danh từ ấy với bọn bóp cò này thôi, với các đấng tu-bíp chắc không đến nỗi nào đâu.

Tuyên vẫn buồn buồn.

- Nói 10 ngày đến hôm nay sắp hết 10 ngày rồi mà vẫn chẳng thấy một dấu hiệu gì đặc biệt để mình có thể tin rằng họ sẽ thả mình nay mai. Lại còn tin đồn chuyển trại nữa. Chuyển đi đâu? Thật điên cha nó cả người!

- Ông có vợ chưa mà xón về quá vậy?

- Có, moa có vợ rồi. Kim từ đâu lết tới nói chen vào. Hắn to con, chậm chạp và lù lù như một con gấu. Trông con người lúc nào cũng xốc xếch, tay chân dính nhọ nồi chứng tỏ một người cải tạo rất kém vì hay nấu nướng... linh tinh, cá thể. Hắn xà tới kiếm chỗ ngồi và tiếp tục cất giọng nhừa nhựa. Moa đây, moa có vợ rồi. Vợ mới cưới! Chẳng biết bao giờ nó mới thả mình nhỉ!?

Tiến đùa.

- Yếu lòng tin Cách mạng trước sau như một rồi à?

- Ai tin bao giờ. Có điều thắc mắc là không biết chúng có "dám" nhốt mình quá 10 ngày hay không?! À, moa có thắc mắc này tính hỏi các toa chơi.

- Thắc mắc gì?

- Moa có nghề vẽ, mai mốt về liệu nó có cho moa hành nghề kiếm tí cháo nuôi vợ con không?

- Mày vẽ gì?

- Vẽ người.

- Trường phái?

- Lập thể.

- Vậy thì lộng kiếng là vừa. Hiện thực con ạ!

- Vẽ hiện thực ấy à? Kim hỏi vu vơ như chả hỏi ai.

- Ừ, như chụp ảnh ấy mà!

- Bố láo

Kim phản đối Tiến. Tiến cười.

- Thế mày không nhớ cái hôm khai giảng, thằng chính trị viên nó đã chẳng lên lớp về cái gọi là phục vụ văn hóa xã hội xã hội chủ nghĩa hay sao? Tiến nó đoạn khều cái lon sữa bò đựng than cho hồng lên. Anh vê vê một bi thuốc lào trên hai ngón tay nhưng chưa vội nhét vào nõ điếu. Tớ nhắc lại nguyên văn cho các cậu nghe nhé. Tiến bắt chước giọng của tên chính trị viên lúc hắn lên lớp về văn học nghệ thuật hiện thực xã hội xã hội chủ nghĩa. Công nhân vẽ của xã hội ta ấy à? Công nhân vẽ của xã hội ta phải có ý thức cao độ về nghệ thuật hiện thực xã hội, chống chủ nghĩa tùy tiện, chống chủ nghĩa co dãn. Vẽ con người phải cho ra con người. Vẽ con cáo phải cho ra con cáo. Cái bọn rì nhỉ? Cái bọn mà các anh gọi nà... nà... Pi-Cát-Thồ, nà... nà... Ma-Tít-Sờ gì đó!? Vẽ gì mà đầu voi đuôi chuột, trên điền ông dưới nại nà điền bà. Tranh như thế xã hội ta chỉ nấy mà vây ổ chó!

Tôi nói các công nhân vẽ của ta ấy à! Bốn mươi năm tuổi nghề đôi khi còn bị kiểm thảo cơ đấy. Nhiều anh vẽ chân dung Bác mấy mươi năm rồi, ấy thế mà vẫn có nần vẽ thiếu một sợi râu của Bác. Tôi nói thế để các anh coi nại vấn đề tỉ như sau này các anh muốn nàm nghề vẽ, một đỉnh cao nghệ thuật của phe xã hội xã hội chủ nghĩa. Nó không rản rị tí nào đâu các anh ạ!

Anh em rúc rích cười khi nghe Tiến nhái giọng thằng chính trị viên. Riêng Tiến nói xong cúi thổi lon than đốt đóm. Hắn kéo một hơi thuốc dài, ngửa mặt nhả khói lên trời rồi quay trở lại với câu chuyện. Lùng bùng trong khói thuốc lào, Tiến tiếp. Trở lại vấn đề thằng Kim muốn hành nghề vẽ, đồng ý, nhưng nó phải nghiên cứu nhiều để triển khai cái định nghĩa mang tính chất chân lý về vẽ của phe xã hội xã hội chủ nghĩa. Nói tới đây Tiến nhún vai. Chỉ có tao kẹt thôi. Sau này vô phúc tao phải hành nghề đàn hát dạo dưới Bắc Mỹ Thuận độ nhật qua ngày, cái đó mới là gay go.

- Tụi nó cũng chơi đàn vậy!

- Đàn bà ấy à? Tao muốn nói tao kẹt ở chỗ tao chơi guitar, nhưng làm sao đánh guitar mà ra được tiếng đàn Ta-Lư đây!?

Tuyên chen vào.

- Ông nhiêu khê quá.

- Không nhiêu khê đâu ông tu-bíp ạ. Xã hội này cái gì cũng cần phải có tính dân tộc. Trong điếu thuốc Bác hút phải nồng đậm tính dân tộc, dù là dân tộc Mỹ vì bác nghiện thuốc Phillip Morris. Trong thơ Tố Hữu phải có tính dân tộc dù là dân tộc Nga vì Tố Hữu đã làm thơ như thế này. Nói đoạn Tiến tằng hắng lấy giọng ngâm luôn.

Stalin! Stalin! Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Gì nữa Vĩnh? Đọc được ba câu Tiến vội quay sang Vĩnh hỏi. Vĩnh chưa kịp trả lời thì hắn đã nhớ thêm được mấy đoạn và đọc tiếp luôn.

Hôm qua loa gọi ngoài đồng. Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao. Làng trên xóm dưới xôn xao, Làm sao, ông đã... làm sao mất rồi!? Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi! Hỡi ông ông mất đất trời có không! Thương cha thương mẹ thương chồng, Thương mình thương một thương ông thương mười...

- Ôi chao, tao nhiều khi cũng nghe người này người nọ nói đến Tố Hữu, nhưng thành thật tao chưa nghe thơ Tố Hữu bao giờ. Thế ra thơ Tố Hữu là như thế đấy?

Đính cất giọng thành thực bày tỏ trước mọi người. Vĩnh cười.

- Ừ, thơ của đại thi sỹ Tố Hữu đấy. Mày thấy thế nào?

Đính ngao ngán.

- Thật là khiếp đảm, thật là vô tiền khoáng hậu. Tìm được một thằng Nga chính tông bà lang Trọc mà nó làm được những câu thơ trung hiếu đến thế e không thể có.

- Thế cho nên Đảng ta mới dám tự nhận mình là "đỉnh cao trí tuệ của loài người", "cái nôi thứ năm của nhân loại", "trung với Tầu hiếu với Nga, mọi khó khăn đều vượt qua mọi công tác đều hoàn thành".

Đính bỗng cắt ngang lời Tiến.

- Tao không hề nuôi mộng trở thành thi sỹ, âu cũng là cái may trong xã hội này. Tao đã dự trù sau này về chỉ sống bằng nghề đổ thùng thôi. Vậy đổ thùng theo kiểu Hiện thực Xã hội phải như thế nào, Tiến?

Tiến làm mặt nghiêm trang.

- Yêu cầu đồng chí Đính không được triển khai công tác khác trong khi tôi đang tiến hành công tác ngâm thơ của đồng chí Tố Hữu vĩ đại. Nần này tha, nần sau sẽ xử ný. Xét trên cơ sở đồng chí Đính đã nổi lên mặt yêu nao động chân tay đúng như lời Bác rậy, nghĩ tình cũng tạm giải quyết thắc mắc tâm tư nguyện vọng của đồng chí như sau: Đổ thùng tiếng Bắc có nghĩa là đổ cứt. Hành nghề đổ cứt trong xã hội xã hội chủ nghĩa cũng là một nghệ thuật và vinh quang không thua hành nghề lãnh tụ và cán bộ. Áp dụng nghệ thuật hiện thực xã hội vào nghề đổ cứt là:

Cứt ròng, Không lộn rác, Đổ chính xác, Theo yêu cầu, Không càu nhàu, Không bịt mũi...

Cả nhóm phá lên cười vì câu vè. Đây là một câu Vĩnh cao hứng đặt ra và có đọc cho Tiến nghe một lần, không dè hắn còn nhớ đến hôm nay.

Tán dóc một lúc mỏi miệng, cả bọn lại quay ra hút thuốc lào, một trò trơi thứ hai sau tán dóc để phá thành sầu của bọn sa cơ thất thế. Rồi cứ thế đêm tàn, nhưng những chiếc điếu cầy vẫn rú lên như những tràng cười quái quỷ không bao giờ tắt...

CHƯƠNG BẢY
Đúng 12 giờ trưa ngày thứ 10 kể từ khi chui vào rọ, tại L4T1 vang lên một tiếng nổ. Cả một trại tù hơn 1.000 người náo loạn cả lên. Bọn vệ binh từ khung 1 vác súng chạy vào vị trí chiến đấu, nhưng tuyệt nhiên không thằng nào dám mò vào bên trong trại tù.

Trời tháng Sáu Tây Ninh nắng thật rùng rợn. Da người như bốc khói. Một tiếng nổ vang lên bất chợt làm những trái tim mệt mỏi bỗng đập mạnh trở lại. Thời khí trút lửa, tim nhóm lửa đã biến đám tù thành những động cơ cuồng chạy. Họ phát ngôn rất là linh tinh nói theo kiểu Cộng sản.

- Ở đâu? Ở đâu?

- Anh em ta về hả? - Có đám nào bắt tay được chưa?

- Biệt động hay nhảy dù?

- Trung đội? Đại đội? Tiểu đoàn? Quân số bao nhiêu biết không?

- Hướng nào hướng nào?

- Hướng nhà tắm kia kìa mấy bố! Một thằng tự tử bằng lựu đạn chứ chẳng có đếch gì đâu.

Một giọng nói uể oải cất lên bên cạnh một đám đông trong nhiều đám đông đang tụ tập bàn tán khiến mọi người tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.

- Thế mà ông lại cứ tưởng...

Một tay cất tiếng nửa vu vơ nửa thất vọng và rảo bước về phía nhà tắm.

Lúc ấy Vĩnh đang ngồi ăn cơm trưa cùng với tổ A.3 bên cánh trái khối 10, tại chỗ nằm của tổ trưởng Quách Tứ và gần với cái nhà hầm của ông vua thuốc lào Nguyễn Thành Đính trước đây. Vĩnh buông bát chạy bổ về phía có tiếng nổ nằm trước khối 11.

Từ bên trong một cái nhà tắm mới được dựng lên bằng những lớp thùng gỗ thông chất đè lên nhau tọa lạc ngay trước khối 11, khói và mùi khét đang ngùn ngụt bốc lên. Khu nhà tắm lúc này đã đầy người. Ai cũng biết có người tự tử nhưng không ai chui vào nhà tắm để cấp cứu được! Mùi khói và những đám lửa lập lòe cháy trên gỗ thông cho mọi người biết đó là loại lựu đạn lân tinh.

Bỗng nhiên có một người cầm cây nhảy vào nhà tắm, nhưng chỉ một tích tắc sau anh ta phóng ra, cầm cái cây đập phành phạch vào gấu quần. Vĩnh nhận ra người đó là Bùi Công Kiện, hải quân trung úy. Kiện ở khối 11, tính nhảy vào cứu người tự tử nhưng lân tinh đốt cháy gấu quần lại phải nhảy ra.

- Sao? Một người lên tiếng hỏi Kiện. Ông thấy sao?

- Nó còn dẫy nhưng lân tinh cháy lung tung, tôi không cách gì đụng vào người nó được. Với lại khói kinh quá!

- Nhưng cũng phải tìm cách cứu chứ, để mặc sao được.

Sau cùng người tự tử cũng được đưa ra ngoài. Bọn cán binh Việt cộng trên tiểu đoàn đã lấy lại được máu mặt bủa vào như bầy kiến. Có tiếng thầm thì của một vài anh bạn tù khối 11.

- Nó có để lại tuyệt mạng thư.

- Đâu rồi?

- Mấy thằng cùng tổ dấu mất rồi.

-.....?

- Nhỡ nó chửi bậy bạ mang họa cho cả tổ.

Người tự tử là một thiếu úy còn rất trẻ. Đánh trận cuối cùng ở một mặt trận miền Đông, khi đơn vị giải thể theo lệnh Dương Văn Minh, anh trở về Sài Gòn, trở về để biết rằng cả gia đình anh từ cha mẹ đến các em không còn ai sống trên cõi đời này nữa. Nước mất nhà tan, cộng với nỗi ân hận "trao thân" cho giặc; từng đó lý do đã đủ để không còn ai cầm chân được anh phải sống mà hưởng cái thiên đàng Cộng sản này nữa!

Đây là một cuộc tự tử mở màn, do đó, nó được hưởng đầy đủ nhất sự phê phán khen chê ở cả hai phía bạn và thù.

Kẻ thù thì khỏi phải nói! Với cái tài thứ hai là "nâng quan điểm" 2 sau cái tài thứ nhất là nói phét, người tự tử dù đã chết hay bại liệt hoàn toàn vẫn được lần lượt đem đi dí tận mũi hàng ngàn ông công tố - những tù cải tạo khác - với tội danh sau cùng luôn luôn là: Chống đối Đảng, chống đối Cách mạng, chống đối nhà nước, chống đối nhân dân một cách... tiêu cực.

Và bản án, cho những người đã hoặc sẽ chết, cũng luôn luôn được kết thúc bằng sự nhất trí của mọi người với hình phạt: Chôn không hòm, thông báo địa phương để tiếp tục giáo dục gia đình kẻ phản động.

Dầu sao người tự tử tiên phong của L4T1 chưa chết, điều ấy có nghĩa là anh ta còn khốn khổ trăm bề hơn là chôn không hòm! Anh được đem ra đặt nằm trên một nền nhà xi măng lởm chởm đất đá phía trước khối 10. Hai ông bác sỹ tù thuộc khối 10 - bác sỹ Đỉnh và bác sỹ Tuyên - lúng túng chưa biết làm cách nào "chẩn bệnh" cho người chán đời, vì chất lân tinh vẫn còn âm ỉ bốc khói trên toàn thân co quắp và đen như than của anh ta.

- Các anh còn kem đánh răng xin đem hết ra đây. Bác sỹ Đỉnh chợt quay lại nói với đám đông. Một số người chạy trở về phòng.

- Anh nào làm ơn lấy tấm poncho căng che nắng hộ. Bác sỹ Tuyên đề nghị với vài người còn tò mò đứng lại.

Một lúc sau, một số người lo căng bạt, một số người khác tiếp tay hai ông bác sỹ bóp kem thoa trét khắp mình mẩy nạn nhân.

Đôi mắt nạn nhân đã bị cháy. Mái tóc giờ đây trông giống những sợi cao su quăn queo như đang tìm cách rút sâu vào lớp xương sọ nám đen. Hiện thân nạn nhân co quắp bầm dập như thân phận một con sâu bị một đám trẻ nghịch ngợm đem nướng.

- Chỉ làm được thế này thôi. Phải báo cáo xin cho đi viện ngay chứ không còn cách nào khác nữa.

Bác sỹ Đỉnh người ngợm đầy mồ hôi, nói xong đứng xuôi hai tay nhìn cái tác phẩm bi thương mà anh vừa được nhiều người tiếp tay cấu thành bằng kem răng trên một xác người. Anh ngao ngán xòe bàn tay như muốn phân trần với đám đông nhiều hơn nữa, nhưng hình như anh không rõ mình phải phân trần cái gì.

Ngay lúc đó tên quân y tiểu đoàn đã ghé đến. Bộ mặt thằng xếp quân y lúc nó đứng ngó người tự tự trông còn dữ hơn cả thằng mật thám! Thốt nhiên nó quay nhìn đám đông, trợn mắt quát.

- Đi sốt cả. Ai về khối nấy!

Tù hiếu kỳ tản mát dần. Nói đoạn nó lại cất tiếng hỏi vu vơ. Ai đã chữa người này đây?

Bác sỹ Tuyên còn nấn ná quanh đấy lên tiếng trả lời.

- Tôi.

- Anh là gì?

- Dạ cải tạo.

- Ai chả biết là cải tạo. Tên quân y có vẻ cáu. Nhưng tôi muốn hỏi anh là gì mà dám chữa người ta?

Bác sỹ Tuyên ú ớ không biết trả lời ra sao. Nói mình là bác sỹ ư? Lấy gì làm bằng! Mà nếu không nhận là bác sỹ, nạn nhân tịch có khi mang họa. May thay vừa lúc ấy tên quản giáo Cư trờ tới.

- Gì đấy đồng chí Hoạch? Anh Tuyên là bác sỹ ngụy quân người khối tôi đấy.

Nhờ tên quản giáo xác nhận, Tuyên chỉ còn phải nhận một cái nhìn ác cảm của tên quân y chứ không bị hạch sách gì nữa. Quan sát người tự tử một lúc, nó quay hỏi Tuyên.

- Anh chữa thuốc gì vậy?

Tuyên trả lời.

- Bị lân tinh cháy, ở đây không có phương tiện cấp cứu, chúng tôi buộc phải lấy kem đánh răng bôi khắp người nạn nhân để cách ly với không khí.

- Nân tinh với không khí có niên hệ rì với nhau?

- Dạ lân tinh gặp không khí thì bùng cháy.

- Nạ nhỉ. Mà ngụy các anh chữa cũng phức tạp nhỉ. Người Cách mạng chẳng may bị nựu đạn nân tinh của Mỹ ngụy cứ nấy bùn non trát nên nà rứt điểm ngay...

Quan sát thêm một lúc nữa, tên quân y quay nói với tên quản giáo Cư. Đồng chí cho tôi mượn anh này lên tiểu đoàn tí nhá. Thấy Cư gật đầu, nó lại quay sang Tuyên. Anh lên quân y tiểu đoàn với tôi.

Tuyên lẳng lặng đi theo tên quân y. Mười lăm phút sau bác sỹ Tuyên trở về với một cái võng. Khối 11 được lệnh cắt 3 người hợp với bác sỹ Tuyên của khối 10 cáng nạn nhân lên bệnh xá trung đoàn.

Đồng lúc ấy lệnh nghỉ lao động ban chiều được ban ra. Mọi người tập trung về phòng chờ lệnh. Không bảo nhau nhưng hồ như ai cũng tự sửa soạn lỗ tai để nghe những tên quản giáo phun châu nhả ngọc, mà theo như dự đoán, nhất định đề tài phải là kẻ chán đời tự tử vừa qua.

Vĩnh cũng về phòng ngồi đợi như mọi người. Tiếng kẻng báo 2 giờ trưa đã ngân lên. Vĩnh ngồi nhìn ra sân nắng. Thốt nhiên một người la lên.

- Ồ thẳng Điểu được thả về kìa!

Tiếng la vừa dứt thì Vĩnh cũng vừa nhìn thấy Điểu khập khễnh từ phía cổng đi về khối 10. Trông dáng dấp gầy còm nhỏ bé, Điểu bước qua ngưỡng cửa khối 10 với một nụ cười khinh bạc cố hữu trên môi.

- Sao mày? Một người khẽ hỏi. Có mềm xương không?

- Đâu có đánh.

-.....?

- Nó chỉ đá vào háng tôi thôi. Nhưng ăn thua gì. Ớn là ớn muỗi kìa. Muỗi trong connex khủng khiếp lắm...

- Giờ sao?

- Có sao đâu. Chỉ đổi khối khác.

- Khối nào?

- Chưa biết, tôi chỉ được lệnh thu đồ lên tiểu đoàn ngồi đợi.

Nghe Điểu nói ai cũng lo cho nó, ấy thế nhưng thái độ của nó vẫn lạnh lùng như không hề có chuyện gì xảy ra. Điểu lặng lẽ thu đồ vào bao. Thu xong, nó đứng lên chào chung anh em một tiếng rồi tấp tễnh ra đi về phía cổng trại. Trong lúc mọi người xì xào về Điểu thì quản giáo Cư xuất hiện. Một tiếng hô nghiêm thật lớn cất lên dựng mọi người bật dậy.

Tên Cư bước vào phòng. Cái nón cối vẫn xùm xụp trên đầu. Và luôn luôn như thế. Hắn đảo mắt nhìn quanh một vòng rồi ra lệnh.

- Thôi được, các anh ngồi xuống tại chỗ đi.

Mọi người đồng ngồi xuống sàn nhà ngay trên chỗ nằm của mình.

Tên quản giáo lại nhìn quanh chăn chiếu của mọi người được cuốn ngay ngắn đặt trên đầu chỗ nằm. Trong con mắt hắn người ta đọc được sự không vừa ý, thế nhưng hình như chủ đề hôm nay không phải là vấn đề vệ sinh ăn ở, mà là một chủ đề quan trọng hơn. Không thèm đả động đến vấn đề chăn chiếu mùng mền như mọi bữa, tên quản giáo cất giọng. Chiều nay trên cho các anh nghỉ lao động. Các anh sẽ ở nhà làm bản tự khai lý lịch...

Nghe tên Cư nói ai cũng thấy mừng vui trong lòng. Phải thế chứ! Đã mười ngày qua hồ như ai cũng mong ngóng chuyện này. Sự mong ngóng cũng hợp lý thôi, vì nếu không khai báo lý lịch làm sao có sổ sách, có tên tuổi, có đủ những yếu tố cá nhân cho một cuộc thiết lập hồ sơ hành chánh, làm căn bản cho sự huấn luyện trước khi... thả về!? Đúng thế, với mọi người hiện nay việc làm bản tự khai lý lịch chính là một trong vài cái chìa khóa cần thiết để mở được ổ khóa nơi cánh cổng trại cải tạo khép kín 10 ngày qua.

Vĩnh nhớ lại mấy tin đồn trong vài ngày qua và thấy phấn khởi. Quả tin đồn nhiều khi không phải không đúng. Vĩnh đã nghe đồn rằng trước hết sẽ làm bản tự khai lý lịch kèm tí tự thú những tội ác đã phạm với Cách mạng, sau đó học tập một số bài chính trị cần thiết về xã hội mới, cuối cùng mọi người sẽ trải qua một đêm "phản tỉnh" để đấm ngực ăn năn thống hối về những tội lỗi đã phạm với Cách mạng, với nhân dân. Ai cũng phải làm một tờ cam kết sau đó, đại khái kiểu... Cách mạng đặt đâu con xin ngồi đó. Một buổi sáng đẹp trời, mở mắt ra, các quản giáo sẽ xuất hiện trước các khối với những bộ mặt tươi cười, cởi mở chứ không như ngày thường. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? A! Mọi người sẽ hớn hở nhận lấy "bằng tốt nghiệp đại học tổng hợp" và tự do trở về nhà. Mẹ sẽ có con. Con sẽ có cha. Vợ sẽ có chồng... Khổng Tử tiến vi quan thoái vi sư, mình tiến vi quan thoái vi dân âu cũng là may mắn lắm rồi.

Tên Cư vẫn tiếp. Chiều hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các anh cách khai cho đúng, cho đạt yêu cầu. Tuyệt đối cấm mọi sự tẩy xóa. Trên những mẫu khai chút nữa sẽ phát cho các anh, tỉ như anh nào có lịch sử quá dài, nô lệ từ thời Tây Nhật, thì phải viết thêm ra những tờ giấy lẻ trong vở học sinh các anh đem theo. Các anh có đem theo bút đủ cả không? Chút nữa anh Trai sẽ dẫn tổ trực lên khung. Hậu cần sẽ tính toán và phát đủ mẫu giấy khai. Nhớ là mỗi khối còn được phát thêm 2 lọ mực và 10 ngòi bút nữa đấy. Đừng quên không thiệt thòi quyền lợi của tập thể khối.

- Gớm, câu nói mới là nhân nghĩa! Ý ngồi cạnh Vĩnh thầm thì. Ông nghĩ sao về vụ này?

Vĩnh có nhiều ý kiến nhưng không tiện nói ra. Anh chỉ thở dài.

- Khôn sống mống chết!

Ý hiểu ra, anh vẫn thầm thì.

- Nó trao dây thừng cho mình để mình tự xiết cổ!

Vĩnh biết điều đó, biết rất rõ. Sự biết của anh không do khôn ngoan, mà do thừa hưởng những lời dặn dò từ trước của bậc cha anh. Những ngày qua, Vĩnh đã sửa soạn và học thuộc lòng một tiểu sử được lược bỏ rất nhiều... râu ria. Tuy rằng anh có một người bạn thân làm ở trung tâm an bài điện tử TTM đã cho biết về thực trạng bất khiển dụng của các hệ thống computer sau khi Mỹ bị "thầy Mẫu" đuổi cổ khỏi miền Nam, thế nhưng anh vẫn hồi hộp với sự cố tình sẽ man khai của mình.

Sau khi thông qua vài điều quan trọng, quản giáo Cư cho khối trưởng Trai dẫn tổ trực lên tiểu đoàn. Trong lúc chờ đợi, mọi người được phép hút thuốc lào thoải mái và sửa soạn giấy bút.

Khối trưởng Trai và tổ trực đã trở về khối. Họ khuân vào phòng nhiều xấp giấy in sẵn. Trừ Điểu đã rời hẳn khối và bác sỹ Tuyên lên bệnh xá trung đoàn chưa về, 118 tờ đôi mẫu khai lý lịch được phân khối cho 118 người còn lại. Tên quản giáo ra ngồi hóng gió ngoài hiên. Trong nhà tù bò lê trên nền xi măng làm bản tự khai. Với lối hành văn nôm na của Việt cộng, có nhiều câu hỏi khiến bọn tù đều thắc mắc như nhau và đều trả lời sai bét như nhau. Thí dụ trong phần giữa của bản khai lý lịch có cái tựa: Liên Hệ Ban Thân. Ban là gi? Ai cũng đoán có lẽ mẫu in bỏ thiếu dấu nặng. Và câu ấy có nghĩa là Liên Hệ Bạn Thân. Chà! Mình chơi mình chịu, ai lại khai thêm một lô bạn bè vào đây làm gì cho khổ lây cả đám. Đồng ý nghĩ đó, mọi người đều mạnh dạn phê một chữ không. Không đây có nghĩa là không bạn không bè với ai cả.

Nửa giờ sau tên quản giáo quay vào phòng và cầm lên bản tự khai của khối trưởng Trai đọc thử. Đọc một lúc hắn nhăn mặt. Hắn đi một vòng, cầm lên thêm năm bảy bản tự khai khác nữa. Hắn vẫn nhăn mặt. Sau cùng như tìm ra mục tiêu, hắn bắt tất cả ngừng tay để khởi sự bắn phá. Hắn hét.

- Các anh ngừng hết đi.

Mọi người ngồi lại ngay ngắn, giấy bút đặt trên đùi. Tên quản giáo bắt đầu. Tôi đã xem qua một số bản tự khai. Nhận xét chung tất cả đều ngoan cố khai man. Tôi nhấn mạnh với các anh rằng về sớm hay về muộn đều tùy thuộc hoàn toàn vào những bản tự khai này. Các anh phải nhớ Cách mạng đã biết hết! Các trung tâm lưu trữ hồ sơ cá nhân các anh Cách mạng đã nắm hết. Có bắt khai là để đo bụng các anh mà thôi. Ai thành khẩn khai báo, ai ngoan cố khai man nó sẽ lòi ra liền. Đừng tưởng xanh vỏ đỏ lòng mà được với Cách mạng. Đây này...

Nói tới đây quản giáo Cư cầm lấy bản tự khai của khối trưởng Trai. Đây này, hắn nói lớn. Các anh thấy không? Nội cái phần Liên Hệ Bản Thân, có nghĩa là tự xét mình xem trong quá trình hoạt động chống phá Cách mạng, chống phá nhân dân mình đã giết bao nhiêu chiến sỹ Cách mạng, đã hãm hiếp bao nhiêu đàn bà con gái, đã đốt phá bao nhiêu làng mạc của nhân dân. Anh nào cũng phê một chữ không.

Nói tới đây bỗng dưng đôi mắt hắn đỏ rực lên. Hắn quăng tờ giấy xuống đất. Các anh tính đùa với Cách mạng đấy phỏng? Tiến lên vài bước, nghĩ sao hắn lại hằn học quay lại, khom người cầm tờ giấy tự khai của khối trưởng Trai lên, tiếp. Còn đây nữa. Cái mục ông bà cha mẹ các anh chỉ phê mỗi chữ chết. Cái mục tiếp theo hỏi chết thế nào, trong tình trạng ra sao, chết ở đâu, các anh chỉ ỡm ờ phê một chữ không biết! Tôi bảo thật với các anh, bản tự khai sẽ không được coi là đạt yêu cầu trừ khi các anh bốc mả ông bà cha mẹ các anh lên để hỏi cho rõ đã chết như thế nào, chết vì bơ thừa sữa cặn, chết vì ăn chơi trụy lạc hay chết vì bị nhân dân đòi nợ máu, vì bị bao lực Cách mạng trừng trị.

Mọi người đều lạnh toát vì câu nói thú vật không ngờ của thằng Việt cộng.

Tên quản giáo ngó đồng hồ tay rồi ngó ra ngoài cửa. Nắng chiều đang nhạt dần bên ngoài. Gần nửa ngày ngồi ngó bọn tù khai lý lịch mà không thằng nào đạt yêu cầu khiến hắn vừa bực vừa chán. Dù muốn dù không, hắn phải nhận lãnh trách nhiệm hơn một trăm thằng tù trước mặt cấp chỉ huy. Vinh quang chưa thấy đâu, chỉ thấy nhất cử nhất động của bọn tù đều có ảnh hưởng đến tiền đồ của hắn. Nội cái thằng tự tử trưa nay cũng đã là một phiền toái không nhỏ cho cả khung. Bản thân hắn và các đồng chí tối nay chưa biết sẽ phải ngồi thảo luận đến mấy giờ sáng! Hắn chợt quay lại bọn tù cất giọng mệt mỏi. Gần năm giờ rồi. Tôi cho các anh nghỉ sửa soạn cơm chiều. Tối nay các tổ phải đốt đèn thảo luận về bản tự khai, phải tìm cho ra các điểm yếu và vạch phương hướng hạ quyết tâm khắc phục những điểm yếu ấy trong giờ tự khai sáng mai. Các anh phải nhớ rằng đây là đợt đầu khai lý lịch...

Tên Cư tính nói tiếp nhưng nghĩ sao hắn im bặt. Một lúc hắn tiếp. Có thể ngày kia các khối sẽ họp để thông qua các bản tự khai. Chính các anh phải đọc bản tự khai trước mọi người. Và nhiệm vụ của từng cá nhân là phải đóng góp phần ý kiến để bổ sung và hoàn chỉnh bản tự khai cho mọi người. Tôi cũng cần nhấn mạnh ở điểm này, trước đây thế nào cũng có những anh quen biết nhau, có thể từng là bạn học chung quân trường, có thể từng ở chung đơn vị... Đã biết nhau từ trước lại càng phải có nhiệm vụ giúp đỡ nhau học tập cải tạo tiến bộ. Mà giúp đỡ nhau cụ thể trước mắt là phải công khai sửa cho nhau những sai lầm thiếu sót trong bản tự khai của nhau. Một điểm chót, các anh đừng quên rằng Cách mạng đã biết hết! Sự thành khẩn khai báo chính là ưu điểm nổi bật trong bước đầu học tập. Nó sẽ là tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng để Cách mạng xét thả.

Sau khi địch vận một hồi, tên quản giáo có nhiều mệt mỏi. Hắn ngoắc khối trưởng Trai lại. Cho anh em nghỉ, hắn nói. Các khối khác người ta đã nghỉ cả rồi. Thốt nhiên hắn lớn giọng. Anh Tô đâu?

- Có tôi. Từ cuối phòng Nguyễn Văn Tô chợt đứng bật dậy với vẻ hớn hở một cách thô bỉ ra mặt.

- Chốc nữa anh lên tiểu đoàn làm việc.

- Dạ.

Tiếng dạ ngoan ngoãn của tên Ba Tô cũng là tiếng tiễn chân tên quản giáo ra khỏi cửa.
--------------------------------
1
Khung: Bộ chỉ huy của một đơn vị Việt cộng.
2
Nâng quan điểm: Từ ngữ CSVN dùng trong những cuộc đấu tranh phê bình kiểm thảo. Thí dụ một đồng chí vào trại chăn nuôi ăn vụng một quả trứng, đồng chí ấy bị đồng chí phụ trách bắt quả tang, bị tố và bị đem ra kiểm thảo. Đồng chí ấy sẽ được các đồng chí bố, đồng chí mẹ, đồng chí bạn, đồng chí thù, đồng chí đực, đồng chí cái vân vân và vân vân lôi vào một cuộc kiểm thảo. Sau khi được mọi người mổ xẻ, phân tích bằng cái lý luận có tính chất "lôrích móc xích" tăng trưởng theo cấp số nhân kiểu... cô Bê-Rét đi mang liễn sữa; để kết thúc cuộc kiểm thảo, đồng chí ăn vụng sẽ được nâng quan điểm về hành động sai trái của mình, theo đó, anh sẽ tởn đến già vì tôi danh phá hoại sản xuất của nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là anh ăn vụng đã nuốt chững của nhà nước và nhân dân nhiều triệu... con bò béo tốt, tính theo mức lợi mà một quả trứng có thể sinh sôi ở một tương lai... 100 năm sau!

CHƯƠNG TÁM

Quả như Tiến đã nói "chúng ta sẽ biên chế và không có dịp ngồi nghe tiểu sử của nhau", bản tự khai lần đầu chưa hoàn tất thì lệnh chuyển trại đã được ban ra. Cả trại nhốn nháo hẳn lên. Ai đi? Ai ở? Đi xa hay đi gần? Nơi sẽ đến có hứa hẹn gì nhiều hơn cho một ngày về hay không? Mới chiều hôm qua Vĩnh còn nghe được nhiều tin đồn quanh vụ chuyển trại. Nào là lúc hai giờ sáng có người thức dậy đi tiểu đã nghe thấy những tiếng động tạo nên do sự di chuyển của nhiều trăm chiếc Molotova, chạy từ hướng thành phố Tây Ninh về phía phi trường Trảng Lớn. Từ sự kiện đó, có người lập luận rằng không có chuyển trại gì cả, mà một số đông sẽ được những chiếc Molotova đó đem trả về Sài Gòn do áp lực của quốc tế nói chung và của Mỹ nói riêng đối với Hà Nội. Một lập luận khác nghe bi quan hơn, ấy là những chuyến xe đó sẽ đem một số đông các thành phần "ác ôn" đến một nơi khỉ ho cò gáy không ai biết tới, để nhờ sơn lam chướng khí hủy diệt họ. Câu vè từ hôm khai lý lịch lại sống lại mạnh mẽ trong đầu mọi người.

Nhất phi, nhì pháo, tam báo, tứ an. Phi là phi cơ, chỉ thành phần lái khu trục oanh toạc. Pháo là pháo binh. Báo là tình báo và an là an ninh. Bốn thứ này, theo ẩn ý của câu vè, sẽ là đối tượng chính trong việc trả nợ máu cho nhân dân!

Hoặc: Quân nhân công chức thì tha, An ninh cảnh sát lóc da bêu đầu.

Hoặc: Con tôm con tép 1 đi đầu, An Ninh tình báo theo sau đắp mồ. Lính thủy đánh bộ, nhảy dù, Có tha tội chết cũng tù chung thân.

Hôm nay có đến một phần ba trại L4T1 ra đi. Khối 10 toàn bộ. Lệnh cuối cùng ban ra vào lúc sắp di chuyển là tổ trực của mỗi khối phải gánh gồng theo cả các chảo lớn chảo nhỏ của nhà bếp khối cùng các vật dụng dùng để nấu nướng. Lệnh mới vừa được ban ra lại tạo dịp cho mọi người tha hồ đoán già đoán non. Phải đem theo những cái quỷ nặng nề ấy thì chắc là không đi xa.

Rồi thì giờ ra đi cuối cùng đã tới. Những khôi ra đi xếp nối đuôi nhau theo đội hình một hàng dọc và tiến ra ngoài cổng trại L4T1. Gánh gồng, khuân vác! Mặc dù chưa đến nỗi mọi người bị trói vào nhau để biến thành một lũ tù dây, nhưng lần đầu tiên chuyển trại, bọn tù đều ngơ ngác, lo âu và mệt mỏi không khác gì một lũ tù dây!

Tiến ra con đường nhựa nằm trước mặt tiểu đoàn dưới một bầu trời nắng tốt, ai nấy vừa đi vừa nhìn ngang liếc dọc như cố thu vào mắt mình quang cảnh chung quanh càng nhiều càng tốt.

- Điên cha nó cả người!

Câu than thở cố hữu của bác sỹ Tuyên lại khẽ vang lên bên tai Vĩnh. Vĩnh uể oải đáp.

- Đâu còn đó ông ơi, có gì mà phải điên.

Tuyên hỏi.

- Chúng nó đưa mình đi đâu ông đoán được không?

- Không đi về phía phi đạo như anh em nói thì ắt đi về phía cổng chính.

- Tới cổng chính rồi đi đâu?

Vĩnh buồn cười cho cái ngây thơ bất chợt của một anh tu bíp.

- Ô hay, ông làm tôi cứ như là ông cố nội của Bác Hồ không bằng ấy!

Bác sỹ Tuyên xốc lại túi quân trang trên vai, tiếp tục đi tới và không buồn nói thêm câu nào nữa.

Đoàn người vẫn nối đuôi nhau di chuyển. Vĩnh ngó lên ngó xuống dọc theo con đường. Phải cả năm sáu trăm người chứ không ít. Ai cũng tay xách lưng vác. Từ đầu đến đuôi đoàn người, bọn quản giáo và bọn vệ binh súng ống tua tủa giữ an ninh suốt dọc lộ trình.

Khi những người đầu tiên đi tới một ngã ba, giao điểm của con lộ đang đi và con đường chính trong căn cứ thì được lệnh quẹo phải. Quẹo trái sẽ ra cổng chính nếu đi thêm chừng một cây số nữa. Nhưng quẹo phải sẽ dẫn về đâu?

- Rồi, thế là không đi đâu xa hết!

Một giọng nói chợt reo lên. Đây là giọng nói của ông Hòa, một thiếu úy già từng là sỹ quan hỏa đầu vụ một đơn vị thuộc BTL/SĐ 25 trấn đóng tại căn cứ này trước đây. Hai năm làm việc tại Trảng Lớn đủ để cho ông biết rành rẽ tất cả đường đi nước bước trong căn cứ. Giọng ông Hòa vui vẻ như một đứa bé đang mang một niềm vui được biết trước mọi người về một điều gì. Như thế là, ông Hòa tiếp. Nó sẽ đưa minh đến chỗ ban hành chánh tài chánh sư đoàn nằm ở tuyến sau cùng của căn cứ.

Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, tù L4T1 bị chuyển vào trại, quả như lời ông Hòa đã nói, bước cả vào một doanh trại khác nằm sát dãy ụ đất phòng thủ phía trái trong cùng căn cứ. Các khối được lệnh tập họp ngay giữa sân trại. Bọn vệ binh thì túa ra chung quanh giữ an ninh. Bọn quản giáo cũ mới xúm lại bàn giao một mớ sổ sách cho nhau.

Vĩnh đứng quan sát chung quanh. Quang cảnh nơi đây thật bừa bãi. Trước các dãy phòng - cũng ọp ẹp, dơ bẩn và vá víu y như ở L4T1 - lon cóng, giấy vụn, quần áo rách vứt bừa bãi. Sự bừa bãi này chứng tỏ trước khi bọn Vĩnh được đem sang đây thì đã có một lớp người khác ra đi. Nhưng họ là ai? Đi đâu?

Tiếng loa từ một thằng Việt cộng có bộ mặt trông tệ hơn một cái xác ướp đang đứng trên một gò mối giữa sân chợt vang lên.

- Yêu cầu tất cả các khối trưởng tập họp khối khẩn trương. Cấm chỉ người khối này chạy sang khối khác. Các khối trưởng so hàng, điểm danh và báo cáo nhân số cho quản giáo khối để bàn giao.

Mặc cho tiếng loa hò hét, bọn tù vẫn chạy ngang dọc tìm kiếm bạn bè. Cả 15 phút sau đó hàng ngũ các khối mới thật sự ổn định khi bọn vệ binh vác súng ùa vào để rượt bắt những người không chấp hành lệnh, vẫn ngoan cố chạy xuôi chạy ngược. Lúc các quản giáo đã nắm vững nhân số, chúng tổng kết và báo cáo lại cho cái xác ướp cầm loa đứng trên gò mối. Xác ướp bắt đầu phát ngôn trở lại. Hôm nay, nhân danh chính trị viên triểu đoàn L4T3, thay mặt thủ trưởng, thay mặt toàn thể các cán bộ, các anh chiến sỹ, tôi chào mừng các anh, những học viên cải tạo vừa biên chế từ L4T1 sang đây. Để tranh thủ thời gian cho các anh về nhận nhà và các phương tiện sinh hoạt, tôi chỉ vắn tắt vài điểm chủ yếu như sau: Qua quá trình nửa tháng học tập bên trại cũ, tuyệt đại đa số các anh đã được đánh giá cao trong học tập, thế nên Trên chiếu cố cho biên chế các anh sang trại mới để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được. Nói chung chung, các anh đều đã đạt được một cơ sở tốt trong bước đầu cải tạo. Ngày về hẳn không còn xa lắm. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh tốt như thế chưa đủ. Các anh còn cần phải phấn đấu để tốt nhiều hơn nữa. Trại này sẽ là nơi để các anh tự chứng tỏ mình tốt hơn. Hãy nhớ rằng về hay không về hoàn toàn tùy thuộc ở nơi các anh. Đây là điểm then chốt tôi tranh thủ quán triệt với các anh sáng nay, rồi sẽ còn nhiều dịp tôi và các đồng chí quản giáo sẽ đi sâu đi sát với các anh, giúp đỡ các anh học tập tiến bộ để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình theo đúng yêu cầu của Cách mạng và nguyện vọng của nhân dân. Bây giờ tôi trao loa lại cho đồng chí phụ trách hậu cần phân chia các lán cho các khối.

Nói tới đây cái xác ướp bước xuống gò mối. Hắn trao cái loa lại cho một tên Việt cộng khác. Tên này vồ vập lấy cái loa và nhảy lên gò mối. Hắn hăm hở tuồng như đã khát nói từ mấy kiếp. Cũng như những thằng khác, hắn gõ vài cái vào loa trước khi cất cao cái giọng "con tâu tắng buộc bờ te túc tụi" đặc quánh nhựa thuốc lào.

- Đồng chí Thảo, chính trị viên tiểu đoàn vừa chỉ thị tôi công tác phân chia lán cho các đồng chí. Hắn khựng lại vì biết mình lỡ lời gọi tù bằng đồng chí. Một thoáng hắn tiếp. Các anh, à, các anh. Thôi thì nà thế này nhá. Bây giờ để tranh thủ thời gian, tôi đọc danh sách khối nào về khối nấy cho tiện. Tuy nhiên về tới khối rồi, tôi dặn kỹ, cấm mọi phá phách tháo gỡ tôn gỗ, cấm mọi tùy tiện sửa sang. Các anh phải cơ động hết chiều nay vì có thể sẽ có biên chế lại các khối cho toàn trại. Trước mắt các anh cứ về khối mình được chỉ định và lo sinh hoạt cơm nước.

Nói tới đây tên hậu cần lại khựng. Và lần này hắn khựng hơi lâu. Dù gì thì hắn cũng là dân hậu cần, có nghĩa là khó mà ăn nói cho lưu loát được. Nghề nói như vẹt dẫu sao vẫn là nghề ruột của mấy thằng chính trị viên mà thôi. Tên hậu cần khựng một lúc nhưng nghĩ mãi không biết nói gì thêm, hắn đành vắn tắt. Thôi tôi trao các anh lại cho các đồng chí quản giáo, nhá.

Nói xong hắn nhảy vội xuống gò mối. Tuy nhiên chưa bước đi được một bước nào hắn đã bị tên chính trị viên chận lại cự nự gì đó. Nét mặt tên hậu cần có vẻ ngượng và lúng túng. Hắn chần chừ một chút rồi quay lại gò mối. Xin lỗi các đồng chí, à quên các anh. Bận quá tôi quên triển khai công tác chính. Bây giờ thì nà tôi tranh thủ đọc thật nẹ ranh sách các khối sỡ hữu các lán nhá. Nói rồi hắn mở tờ giấy cầm sẵn nơi tay ra, nâng lên tận mắt và ê a đọc.

- Khối 1 gồm 2 dãy lán phía trong cùng, sát hàng rào phòng thủ. - Khối 2 gồm 2 dãy lán nằm bên cánh trái cổng vào. - Khối 3 gồm 2 dãy lán nằm bên cánh phải cổng vào. - Khối 4 gồm 1 dãy lán nằm trước mặt khối 2. - Thành phần cũ vẫn ở nguyên như cũ.

Đọc xong, hắn cuộn tờ giấy nhét vào túi quần, nhìn xuống đám quản giáo đứng bên dưới, tiếp. Bây giờ đề nghị các đồng chí quản giáo khối nào phụ trách hướng dẫn khối đó về cơ sở của mình.

Nói xong câu cuối cùng, tên hậu cần nhảy vội xuống khỏi gò mối. Hắn bước thẳng ra cổng trại như sợ còn sơ sót điều gì sẽ bị tên chính trị viên lôi cổ trở lại.

Phải đến lúc mặt trời đứng bóng cả trại mới tạm ổn định. Khối 10 bây giờ đã biến thành khối 2. Vĩnh khênh đồ theo các bạn tiến về dãy nhà được chỉ định. Trong lúc một số người có tính cẩn thận, vội vàng chụp giật đây đó một vài miếng ván thông, một mảnh tôn để đắp điếm sửa sang lại chỗ nằm của mình thì Vĩnh quăng cái túi quân trang lên cái kệ trên đầu chỗ nằm và bước ra sân đứng quan sát.

Ngoài những dãy nhà chính, anh còn thấy ở sâu trong góc trái có một căn nhà nhỏ. Trước sân căn nhà này Vĩnh thấy có một số người đứng nói chuyện. Vĩnh rà tới. Thì ra họ đều là những người đã sống ở đây từ trước, thuộc thành phần đui mù què chột lao phong cùi hủi được để lại khi mà những người bạn cùng trại với họ đã bị biên chế đi chỗ khác từ chiều hôm trước.

Thấy một anh chàng tóc quăn da đen đeo kính râm ngồi dưới một gốc cây trứng cá - rõ ràng anh là một cậu con rơi của một ông Tây đen nào đó thời Pháp thuộc để lại - Vĩnh bước tới làm quen.

- Anh đến đây lâu chưa? Vĩnh lên tiếng hỏi.

- Dạ đêm 28 rạng 29 tháng 6.

- Ồ, thế thì mình cùng đợt với nhau cả.

- Anh ở bên L4T1 qua hả?

- Vâng. Thế những người cùng trại với anh trước đây đi đâu hết cả rồi?

- Họ bị đưa đi hôm qua. Có người nói họ được đưa qua L2, cũng có người nói họ bị đưa ra Phú Quốc.

- Thế sao các anh còn ở lại?

- Tôi không rõ, nhưng có lẽ tụi tôi thuộc thành phần thương phế binh. Nói tới đây anh chàng da đen không ngần ngại gì mà không lột cái kính râm đang đeo trên mắt xuống.

Con mắt trái trên mặt anh ta giờ đây chỉ là một cái lỗ sâu hoắm còn rỉ nước vàng. Con mắt phải đo ảnh hưởng của con mắt trái cũng đang lâm tình trạng mờ nhạt và chảy nước mắt sống trông rất thảm.

Vĩnh ái ngại hỏi.

- Trước đây anh làm gì?

- Tôi thiếu úy Biệt kích anh ạ. Tôi bị thương đang nằm Cộng Hòa. Lúc tổng y viện Cộng Hòa bị chiếm chúng nó tống cổ tất cả các thương bệnh binh ra khỏi bệnh viện.

Vĩnh nghiến răng.

- Bầm dập như thế anh đi trình diện làm gì?

Người đối diện cất giọng buồn bả.

- Tụi Tân-gia-ba 2 nó đến tận nhà nó lôi tôi ra phường. Bọn quân quản phường giam tôi 4 ngày 4 đêm trong gầm cầu thang phường Phú Nhuận trước khi đẩy tôi lên xe cây đưa vào trung tâm tập trung trường Trưng Vương.

Vĩnh ngao ngán.

- Thế bây giờ con mắt anh ra sao?

- Sao là sao?

- Chữa bằng thuốc gì?

Người đối diện lắc đầu, vung tay.

- Tôi khai bệnh bọn quân y nó cho mỗi ngày một phần tư quả chanh bảo vắt vào mắt ngày 4 lần. Xót đái ra quần. Tôi cố gắng được mấy ngày đầu thấy còn ra mủ nhiều hơn. Bây giờ nó phát miếng chanh nào tôi ăn miếng đó.

Thốt nhiên Vĩnh thấy thương xót vô hạn cho thân phận người chiến hữu của mình. Với một kiến thức trung bình về y học, anh đã có thể đoán chắc người đối diện không cách nào tránh khỏi được một tương lai mù lòa. Trong bóng tối Cộng sản phủ trùm trên đất nước, người chiến hữu đang đối diện anh rồi phải chịu đựng đến hai lần bóng tối so với những người đồng cảnh ngộ.

Câu chuyện qua lại làm hai tâm hồn thông cảm. Vĩnh và người bạn mới cùng đứng lên, tiến chầm chậm đến một ụ đất gần hàng rào trong cùng. Tìm chỗ ngồi dưới bóng mát của một cái lô cốt cũ, Vĩnh hỏi bạn.

- Có hy vọng nó thả những người như anh không?

- Trời biết được! Thằng chính trị viên năm lần bảy lượt lên lớp đã hứa nhưng lấy gì làm tin.

- Nó không thả kịp thời để về mà chữa, tôi e...

- Mù chứ gì? Người bạn cắt lời Vĩnh và đeo cái kính trở lại. Anh lấy chân di di mấy con kiến gió đang bò ngổn ngang trên mặt đất, lạnh lùng tiếp. Anh có nghĩ rằng sống trong xã hội này mù lòa lại hóa hay không?

Vĩnh không trả lời. Anh hiểu cái u uất trong lời nói của bạn. Anh im lặng nhìn mông lung ra những cánh đồng cỏ lau bát ngát ngoài vòng rào phòng thủ. Thỉnh thoảng dưới nắng, một vài con thỏ cuồng cẳng nhảy cỡn ra khỏi bụi lau, làm những con chim sâu xanh mướt hốt hoảng bay loạn đi nơi khác. Muông thú bây giờ đã sướng hơn ta! Thốt nhiên Vĩnh cay đắng nghĩ. Anh chợt quay lại người bạn.

- Ngồi đợi tôi tí nhá. Tôi có cái này rất tốt cho anh.

Nói đoạn Vĩnh đứng lên chạy nhanh về khối. Vài phút sau Vĩnh quay trở lại và tặng cho người bạn mới lọ thuốc đau mắt Neosporin opht. Sol 10.CC anh đem theo từ những ngày đầu. Sau đó Vĩnh được biết tên người bạn mới là Nam, một cái tên cực kỳ tương phản với con người của anh ta, càng tương phản hơn nữa khi anh ta nói giọng Bắc sành sõi như bất cứ một người miền Bắc chính hiệu nào.

Người bạn mới dẫn Vĩnh đi một vòng. Bây giờ Vĩnh mới biết trại còn một dãy nhà nữa dùng làm hội trường. Dãy này nằm về cánh phải của khối 1. Bên ngoài trông nó cũng y hệt các dãy nhà ở, tuy nhiên một bên vách nhìn ra cánh đồng lau đã được mở trống. Bên trong một sân khấu được dựng ở một đầu nhà. Phần còn lại là những hàng ghế được dựng bằng đòn gỗ loại 3cm X 30 cm có chân là những cọc sắt ấp chiến lược đóng chặt xuống nền đất. Hội trường này do những người đã ra đi tạo dựng dở dang và để lại. Quang cảnh ngổn ngang bên trong cho thấy hội trường chưa hề được dùng một lần nào.

- Vĩnh! Một giọng quen thuộc chợt cất lên từ phía ngoài hội trường.

Vĩnh quay nhìn ra. Anh nhìn thấy Đặng Thế Tiến đang hăm hở bước vào hội trường. Vĩnh lên tiếng chào bạn.

- May quá, mày cũng sang đây hả?

Tiến bước vào đảo mắt nhìn quanh hội trường một vòng. Nam thấy Vĩnh gặp bạn cũ nên không muốn nán lại. Anh cám ơn Vĩnh về lọ thuốc, hẹn gặp rồi quay lưng đi thẳng. Tiến hỏi.

- Mày khối mấy?

- Khối 2.

- Khối 4 của tao hiện tại toàn dân lạ mặt.

- Ủa, vậy khối 8 cũ của mày không sang đây hết sao?

- Không, chỉ có vài thằng bị lôi đi thôi. Tụi nó nhập tao vào cái khối lạ hoắc ngay trước khi di chuyển khỏi L4T1.

Vĩnh kéo bạn ngồi xuống một thanh gỗ.

- Đừng lo, trước lạ sau quen hết.

- Đồng ý. Nhưng tao vừa gặp thêm một người quen mà tao không bao giờ muốn gặp!

- Tình địch!

Tiến nhìn chỗ ngồi thấy không thoải mái, hắn nắm tay Vĩnh đứng dậy chỉ vào một góc nhà.

- Lại đống gỗ kia ngồi tao nói mày nghe.

Cả hai tiến về đống gỗ kê trong góc hội trường. Mỗi người chọn một chỗ ngồi thoải mái. Tiến lôi trong người ra một bao nylon. Hắn mở bao lấy ra một thệp giấy quyến xé một tờ. Hắn nhón tí thuốc rê để trên mặt tờ giấy và se nhè nhẹ.

- Thuốc rê đâu vậy?

Tiến không trả lời. Hắn se xong điếu thuốc quăng nguyên gói cho Vĩnh. Vĩnh chỉ cầm lấy gói thuốc rê mà không vấn.

- Thật là phiền cho tao.

- Gì vậy?

Tiến ngậm điếu thuốc trên đầu lưỡi trông rành như một anh nông dân.

- Tao vừa gặp lại cố nhân!

- Vui chứ sao.

- Không vui tí nào!

- Sao vậy?

Tiến lôi cái hộp diêm rách nát trong túi ra và chọn một cây diêm còn tốt đánh lửa hút thuốc. Hắn kéo hơi thuốc đầu tiên nhưng có vẻ không thú vị lắm vì hơi thuốc rê cay xè. Hắn lùng bùng nói.

- Vừa rồi đây tao đụng một thằng quản giáo.

-.....?

- Nó tên Quỳnh, hiện nay đang là tổng quản giáo của trại này. Trước kia nó xách dép cho thằng trung tá trưởng phái đoàn Việt cộng, còn tao xách cặp cho lão đại tá trưởng phái đoàn phe ta ở Vĩnh Long. Không ngờ tao lại gặp nó ở đây!

- Rồi câu chuyện ra sao?

- Khi nãy tao chợt thấy nó tính lỉnh đi nơi khác nhưng không kịp. Nó nhìn tao một lúc rồi ngoắc tao lại. Trông anh quen quá, nó nói. Tao biết nó đã nhận ra tao.

- Mày xử trí ra sao?

- Tao cười. Vâng, chúng ta đã gặp nhau nơi bàn hội nghị. Tao thẳng thắn "thú tội" trước.

- Rồi sao nữa?

- Nó chợt la lên. A! Đúng rồi. Anh là Tiến, thiếu úy ngụy quân Đặng Thế Tiến đây mà. Tao chỉ cười cười thôi. Cuối cùng tao nói. Vâng, tôi đúng là Đặng Thế Tiến. Chào anh Quỳnh.

Vĩnh quan sát Tiến trong lúc hắn kể lại câu chuyện. Quả thực trông Tiến không hề có một vẻ gì bối rối lo âu. Miệng hắn vẫn cười. Cả đôi mắt mầu hạt dẻ cũng cười. Tiến kể tiếp. Hình như lúc ấy nó vội vã họp hành gì đó nên chỉ vắn tắt với tao vài lời. Không ngờ trái đất lại tròn như thế anh Tiến nhỉ!? Bây giờ tôi bận. Sẽ còn rất nhiều dịp mình làm việc với nhau. Ngay lúc ấy một tên quản giáo trờ tới. Nó ngoắc tên quản giáo đó lại và đi luôn một đường giới thiệu. Này đồng chí Cẩn, giới thiệu với đồng chí anh này trông nhỏ người chứ mồm mép chửi Cách mạng thì vô địch đấy. Cái ngày còn ngồi trên bàn hội nghị ngoan cố ngoan cường lắm!

- Sao nữa?Trục trặc gì không?

- Không, có lẽ tụi nó bận họp nên kéo nhau đi. Trước khi đi thằng quản giáo Quỳnh còn cười tình với tao và phán một câu sau cùng: Thế chiến quốc thế xuân thu anh Tiến nhỉ?...

- Nó biết cả câu ấy à?

Tiến quăng điếu thuốc rê hút dở ra ngoài khung cửa sổ. Hắn nhảy xuống khỏi chỗ ngồi.

- Biết dấu cũng chẳng được, tao đã phải nói thật với nó tao hiện ở tổ 7 khối 4.

Tiếng kẽng báo cơm muộn nhất từ trước đến nay đã vang lên...
--------------------------------
1
Con tôm con tép: Chiến tranh chính trị.
2
Tân-gia-ba: Tân là mới. Gia là gia nhập. Ba là 30 tháng Tư. Tiếng lóng dùng chỉ những tên trở cờ sau quốc nạn 30 tháng Tư năm 1975.

CHƯƠNG CHÍN

Chỉ một ngày sau các khối đã ổn định đâu vào đó. Khối 2, hậu thân của khối 10 vẫn do Trương Thành Trai làm khối trưởng với Nguyễn Ngọc Đỉnh làm khối phó. Tổ A.3 vẫn do Quách Tứ làm tổ trưởng. Quản giáo vẫn là tên quản giáo Cư từ trại cũ theo sang. Nền nếp sinh hoạt nơi đây cũng không khác gì bên L4T1. Các tổ thay phiên nhau ứng trực nấu bếp một ngày. Mỗi ngày nhân số trực tiếp lao động phải bảo đảm 90 phần trăm. Hàng ngày sau những giờ lao động, vào lúc 6 giờ chiều, phải tiến hành những cuộc họp khối rồi họp tổ để phân tích, mổ xẻ, phê bình, kiểm thảo, đấu tranh sai trái và đề ra phương hướng khắc phục mọi điểm yếu, phát huy các điểm mạnh của từng cá nhân trong ngày. Căn bản lý luận trong đấu tranh sai trái về mặt lao động sẽ là: Mỗi người gian lận 5 phút lao động, 5 phút ấy đem nhân với 50 triệu người trong cả nước sẽ biến thành một số lượng thời gian khổng lồ. Và Tổ quốc xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ bị chậm lại trên con đường phát triển so với các nước văn minh tiên tiến khác là 476 năm. Nếu mọi người chỉ gian lận nửa tháng thì nước ta sẽ chắc chắn thụt lùi về tới thời đại đồ đá! Khẩu hiệu: Lao động là thước đo lòng yêu nước của mỗi người! Khẩu hiệu này phải được dán khắp nơi. Nhưng chỗ được kẻ và dán nhiều nhất phải là trong trái tim và trong khối óc của mỗi cải tạo viên. Mọi người phải nhắc nhở đến khẩu hiệu ấy như một kinh nhật tụng. Tất cả các cải tạo viên phải tự thực hiện một lời hứa nho nhỏ có tên chung là bản "Hạ quyết tâm" gắn trên đầu chỗ nằm. Bản hạ quyết tâm tiêu biểu có thể như sau.

Tôi không bao giờ quên rằng tôi là kẻ có tội với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân. Tôi cũng không quên rằng Đảng đã khoan hồng tha tội chết cho tôi, lại tập trung tôi lại, tạo điều kiện cho tôi học tập cải tạo để trở nên người công dân lương thiện. Để đền ơn Đảng, tôi, Trần Văn X, tổ viên tổ A.3, khối 2, trại L4T3, nhất trí

HẠ QUYẾT TÂM:

1. Tích cực học tập cải tạo lao động tốt. 2. Giải phóng mọi tình cảm gia đình yếu đuối và tình nguyện ở lại trại học tập lao động cho đến khi nào được Cách mạng công nhận tiến bộ cho về phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân.

3. Trong thời gian học tập tại trại, tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội quy quy định. Khắc phục mọi khuyết điểm tồn tại. Đấu tranh sai trái để thủ tiêu mọi mặt yếu của các bạn cải tạo khác, hầu biến trại ta trở thành trại cải tạo tiên tiến về mọi mặt.

4. Tố giác kịp thời với Cách mạng bọn xấu trong và ngoài trại (nếu biết) đang còn tiếp tục ý đồ chống phá Cách mạng.

5. Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối khoan hồng trước sau như một của Cách mạng.

Trại mới với những huấn thị mới của khung đem xuống là như thế. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào lao động, một khâu quan trọng bậc nhất không được phép bỏ qua: Màn khai lý lịch được tái diễn.

Hai ngày, một thời gian tương đối rộng rãi, Cách mạng ưu ái dành cho những kẻ có tội với Đảng, với nhân dân được nghỉ lao động nằm nhà làm bản tự khai thêm một lần nữa. Nhờ kinh nghiệm của lần trước, lần này tương đối đa số đều thoát qua vòng đầu của việc làm bản tự khai một cách êm ả, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt gặp chút trở ngại như ông Thiệu của khối 2 không biết viết, anh chàng Thân của khối 4 điên điên khùng khùng nhất định không làm tự khai vì theo anh nói: Anh chẳng có tội với thằng đếch nào cả!

Khi bản tự khai đã được thu nộp lên ban chỉ huy, bọn tù lại quay trở lại với công tác chính dọn nơi ăn chốn ở, sửa lại các hầm cầu tiêu, đắp lại bếp, phát quang những cỏ lau chung quanh trại, dọn sạch các connex chứa súng đạn của chế độ cũ, vét giếng, đào mương, sửa hội trường và phải thực hiện một tấm bảng thật lớn treo ngay trước hội trường với một câu nói của Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!...

Vừa lao động được hai ngày chưa kịp dãn xương cốt thì mọi người lại được lệnh ngừng mọi lao động để thông qua các bản tự khai của mình trước khối. Từ 5 giờ sáng các khối trưởng đã dựng mọi người dậy bắt gấp chăn mùng mền xếp cho ngay ngắn. Tổ trực phải quét nhà quét sân thật sạch. Tổ trực bếp lên lửa nấu cơm liền. Nói chung mọi công tác vệ sinh ăn ở cá nhân và tập thể phải xong trước 8 giờ. Quãng 8 giờ thiếu 10, khối trưởng Trai đã cho tập họp mọi người trước khối. Theo đúng chương trình và sự sắp xếp của quản giáo, Trai cho chia khối thành hai bán khối. Bán khối 1 sẽ ngồi đọc bản tự khai và thảo luận trong nhà. Bán khối 2 sẽ làm việc với nhau bên hông phải của căn nhà dưới những tấm bao cát lớn được giăng ngang từ mái hiên xuống tới bếp. Chỗ này cũng là "phòng ăn" của cả khối, có những dãy bàn dài được kê bằng những tấm PSP trên các cọc sắt ấp chiến lược.

Đúng 8 giờ quản giáo Cư xuống tới khối, đi theo hắn còn có một tên khác nữa. Sau những màn hô hoán nghiêm nghỉ để chào đón ông quan Cách mạng mọi người được an vị. Tên quản giáo Cư sau khi nhìn ngang liếc dọc để lượng định sự tiến bộ của bọn tù trong nền nếp ăn ở, hắn dõng dạc tuyên bố.

- Theo Trên quy định, hôm nay tôi và đồng chí Thịnh sẽ xuống làm việc với các anh về bản tự khai.

Nói tới đây hắn quay sang đồng chí Thịnh của hắn, vỗ tay làm cò mồi. Bọn tù chậm hiểu nên cứ trố mắt ngồi nhìn. Thấy không ai vỗ tay hưởng ứng, tên Cư vừa vỗ dồn dập vừa nói. Khối 2 chúng ta vỗ tay chào mừng đồng chí Thịnh đi chứ!

Thế là vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt, nghe chán như những cái rắm của bọn nhà nghèo đói bụng từ đám tù nổi lên để góp phần chào mừng đồng chí Thịnh của đồng chí Cư. Như để đáp ứng sự chào mừng mình của đám tù, tên quản giáo mới tằng hắng lấy giọng và cất tiếng.

- Xin tự giới thiệu với các anh tôi là quản giáo Thịnh. Chấp hành lệnh thủ trưởng, tôi với đồng chí Cư sẽ hướng dẫn và kiểm tra buổi sinh hoạt của khối 2 hôm nay. Qua bản tự khai các anh đã nộp và Trên đã nghiên cứu, ban quản giáo thấy rằng tuyệt đại đa số đã đấu tranh tư tưởng tốt, lời khai phù hợp với thực tế. Có nhiều anh thành thực một cách xuất sắc, đã kê khai chi li những tội ác mình đã phạm với Cách mạng, với nhân dân. Có cả những anh đã thú nhận mình giết đến trên 500 chiến sỹ Cách mạng... Rồi đây những cái gương sáng của sự thành khẩn khai báo ấy sẽ được công bố trước trại để biểu dương trước tập thể. Hôm nay, thay mặt khung, tôi biểu dương chung cả khối về thành quả rất đáng ghi nhận trong lần làm bản tự khai vừa qua. Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại. Tôi cũng cần cho các anh biết trong khối ta vẫn có một thiểu số chưa thành thật lắm trong lời tự khai. Những kẻ ấy chắc chắn sẽ còn phải làm việc với Trên nhiều nữa. Nói tới đây tên quản giáo Thịnh nhìn Cư như dò hỏi một điều gì. Khi thấy Cư gật nhẹ đầu, hắn tiếp. Sáng nay thì là Trên cho các anh nghỉ lao động để tự đọc bản tự khai của mình trước tập thể. Đây là một thủ tục quen thuộc trong xã hội ta. Tập thể quyết định mọi việc. Do đó, các anh phải làm quen với lề lối này và không nên có những ý nghĩ sai trái này kia kia nọ. Các anh cứ biết rằng bất cứ cái gì chưa có quyết định tối hậu của tập thể đều vô giá trị trong xã hội ta, kể cả những bản tự khai. Vậy thì theo đúng lề lối ấy, bản tự khai của các anh sẽ có giá trị hay không là ở chiều nay, sau khi nó đã được chính các anh đọc lên, kế đó được tập thể cùng nghiên cứu, bổ khuyết và thông qua nếu bản tự khai thực sự đã đạt yêu cầu.

Tên quản giáo Thịnh nói tới đây thì ngừng lại như để lấy hơi và cũng để nhớ lại bài bản. Một lúc hắn tiếp. Hẳn ở đây thế nào cũng có những anh dây mơ rễ má với nhau từ thời Mỹ ngụy. Có thể là bạn học của nhau. Có thể gia đình từng quen biết nhau. Có thể là láng giềng của nhau. Có thể đi lính cùng khóa hoặc ở cùng đơn vị trong thời gian thi hành tội ác lùng diệt Cách mạng, bắn giết nhân dân. Thế nên, nếu như nhận biết được bạn mình có gì lấn cấn trong bản tự khai thì phải thẳng thắn lên tiếng sửa sai liền. Các anh đừng nghĩ rằng đó là những hành động không tốt. Bây giờ đổi đời rồi, các anh phải học theo các nguyên tắc sống của Cách mạng. Phải nhớ rằng đối với Cách mạng, mọi nguyên tắc về đạo đức, về lòng thương yêu, về những mối quan hệ giữa người với người... hoàn toàn đã ly khai với những nguyên tắc lạc hậu lỗi thời của chế độ cũ. Phải nhớ rằng chủ nghĩa Cộng Sản đem con người tới mức tiến bộ như ngày nay chính nhờ bởi những nguyên tắc mới, những ý niệm mới cấu thành tư tưởng mới hiện thực và ưu việt. Bây giờ tôi chưa có thì giờ lên lớp với các anh nhiều về vấn đề này. Mai đây, khi sống lâu ngày dưới xã hội mới tốt đẹp này các anh dần dần rồi sẽ nhận ra. Tôi chỉ tóm tắt, để đạt yêu cầu trong lần thông qua bản tự khai hôm nay, tôi nhắc nhở các anh hết sức phấn đấu tránh nhận định bản chất và hiện tượng dựa trên những nguyên tắc cũ. Sẽ sai bét bè be cả. Đấu tranh sai trái, thú nhận cái lỗi của mình, vạch ra cái lỗi của người trước tập thể là nghĩa vụ cao quý của mọi người. Nó chẳng những giúp cải thiện chính ta, cải thiện thêm một người bạn, mà còn góp phần tích cực xây dựng những con người mới của xã hội xã hội chủ nghĩa cho ngày mai như Bác hồ đã dạy.

Thật bất ngờ, vừa nói tới đây tên Thịnh chỉ ngay vào một người ngồi gần hắn, hỏi. Anh, anh tên gì?

Người vừa được hỏi là khối phó Nguyễn Ngọc Đỉnh. Đỉnh vội trả lời.

- Dạ tôi là Đỉnh.

- À, anh Đỉnh! Thế anh có nắm vững những lời tôi vừa nói hay không? Anh có biết nguyên tắc là gì không?

Đỉnh cố nén bực mình.

- Thưa tôi chỉ hiểu sơ sơ!

Tên quản giáo bỗng giơ hai tay ôm lấy đầu.

- Hiểu sơ sơ là chưa đạt yêu cầu. Trong xã hội ta, một khi đã nói hiểu là phải hiểu thật vững vàng, không thể hiểu một cách lơ vơ lờ vờ như người say thuốc lào được. Tôi nói thêm để các anh nắm vững vấn đề. Trong xã hội ta, khai báo sự sai trái của một cá thể hay của cả một tập thể nếu ta biết được là một nghĩa vụ của mọi người. Ngày xưa các anh cho đó là hành động xấu xa, là đi guốc vào đời tư người khác vân vân và vân vân. Đấy chẳng qua là các anh bị nhiễm độc bởi một một nền giáo dục ngu dân, ích kỷ, coi cá nhân chủ nghĩa như là một cứu cánh tối hậu cho đời sống. Ngày nay nền giáo dục ấy đã cáo chung. Ta tiến bộ chưa đủ, ta còn có nghĩa vụ giúp cả cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, láng giềng của ta cùng tiến bộ nữa mới được. Muốn như thế ta phải can đảm, phải thẳng thắn, phải sẵn sàng đấu tranh sai trái và phải thấm nhuần ý nghĩa câu nói mình vì mọi người, mọi người vì mình.

Thốt nhiên mọi người đều kinh ngạc vì trong đám tù bật lên một câu hỏi khá lớn.

- Thưa anh, nếu như tôi phát hiện được sự sai trái của quản giáo hay bất cứ một cán bộ chiến sỹ Cách mạng nào, tôi có được phép đem ra đấu tranh sai trái trước tập thể không?

Mọi người điếng hồn vì câu hỏi. Cả hai tên quản giáo cùng tê tái trước câu hỏi quá bất ngờ của một tên tù. Tên Thịnh vội hỏi.

- Anh tên gì nhỉ?

Người vừa hỏi thản nhiên trả lời.

- Dạ tôi tên là Nguyễn Văn Hảo.

Mọi người đều lo cho cái nhà chị Hảo này. Hảo là một sỹ quan cấp thiếu úy, người miền Nam, tính tình thật thà và nhu mì như con gái. Ở với nhau một thời gian anh em đặt vấn đề Hảo có lẽ bệnh lại cái. Từ dáng đi, cách ăn nói... nữ tính nhiều hơn nam tính. Nhất là sống trong tập thể tù, mọi cái đều phải chạy đua theo tiếng kẻng, riêng Hảo vẫn luôn luôn thong thả, khoan thai như một cô gái thứ thiệt. Đặc biệt những lúc "chị" đi tắm! Buổi chiều lao động về, mọi người đều nhào ra giếng trần truồng đứng tắm với nhau. Riêng chị Hảo thì khác. Chị len lén tìm đến một cái giếng ít nước không ai thèm tắm, múc lên và gạn từng miếng nước trong đổ vào một cái thùng đạn đại liên trống. Chị xách thùng đại liên nước cất dấu vào đầu chỗ nằm. Khi màn đêm đã buông xuống, chị mới xách thùng nước ra cái connex gần hàng rào tắm thật kín đáo. Bọn tù khối 2 đã nhiều đứa từng rình nàng tắm. Một ngày kia, một tên đã nhìn thấy được trọn vẹn tấm thân nàng. Hắn công bố với mọi người: Nó có đầy đủ tất cả và coi mòi còn... kiện tướng hơn cả của tao!Thằng này không phải lại cái, chắc nó đồng tính luyến ái...

Khi lời công bố ấy được lan truyền ra, Hảo bỏ luôn cơm chiều, rúc vào một góc tối ngoài chái nhà khóc thút thít như một cô gái bị hạ nhục. Chả hiểu hôm nay chị cao hứng thế nào mà lại nhét ngay một cái... xú cheng vào họng tên cán bộ quản giáo như thế!

Dù sao thì câu hỏi của Hảo đã như một mũi tên cắm sâu vào lỗ tai của hai thằng quản giáo không cách gì nhổ ra được nữa. Trong khi hai tên quản giáo ngỡ ngàng thì vẻ hiền hòa, chân chất của một người miền Nam thuần túy vẫn được giữ nguyên vẹn trên nét mặt của thiếu úy Nguyễn Văn Hảo.

Tên Thịnh liếc nhìn tên Cư như ngầm hỏi ý. Tên Cư hơi nhíu mày, bẻ bão tay rồi ậm ừ cất tiếng.

- Anh Hảo hỏi như thế cũng có lý của anh ấy. Tuy nhiên nhân đây tôi cũng nhắc nhở các anh thêm một điều. Các anh cần phải ý thức cho đúng vị trí của mình. Hiện tại các anh chỉ mới là những cải tạo viên, có nghĩa là chỉ mới có nhiệm vụ phấn đấu học tập lao động cải tạo tốt, giúp đỡ bạn bè chung quanh cùng học tập lao động cải tạo tốt. Kỳ dư, những cái khác các anh sẽ đương nhiên có quyền khi đã hoàn toàn tốt, được Cách mạng công nhận, được phục hồi quyền công dân, được cho về phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Lúc ấy, các anh mới được hưởng quyền làm chủ tập thể, có nghĩa là được hưởng quyền phê phán các thành phần quản lý, tức là các thành phần cán bộ viên chức nhà nước.

Tên Cư chợt ngừng nói, hắn nhìn đám đông mỉm một nụ cười khó hiểu rồi nhìn về phía Hảo, hỏi. Anh Hảo, anh đã nhất trí chưa?

-.....!

- Thôi được, rồi chúng tôi sẽ làm việc riêng với anh sau, bây giờ chúng ta bắt đầu đi vào công tác chính của ngày hôm nay. À, thế tổ trực hôm nay đã lo cơm nước sẵn sàng chưa đấy, anh khối trưởng?

- Dạ đã xong cả.

Tên Thịnh chợt quay sang bàn nhỏ gì đó với tên Cư, một lát sau hắn quay lại nói với bọn tù.

- Như quản giáo Cư đã gợi ý cho khối trưởng, chúng ta sẽ chia khối làm hai bán khối. Bán khối 1 từ tổ 1 đến tổ 6. Bán khối 2 từ tổ 7 đến tổ 12. Bán khối 1 sẽ đọc bản tự khai trong nhà. Bán khối hai sẽ làm việc ngoài sân. Trước khi bắt tay vào việc, tôi nhắc lại mục đích yêu cầu của buổi thảo luận sáng nay để các anh nắm cho vững. Vậy thì mục đích sáng nay là thông qua các bản tự khai của các anh trước mặt tập thể. Yêu cầu là các anh phải có thái độ nghiêm túc, thành thật, thẳng thắn và tích cực trong thảo luận. Các anh phải ý thức cho đúng tầm mức tối quan trọng của công việc làm sắp tới đây. Nó ảnh hưởng cụ thể đến sự ở sự về của các anh trong những ngày tới. Các anh có nghe rõ cả không?

- Rõ!

- Thế thì tốt. Bây giờ như tôi vừa quy định, các anh hãy tự động chia đôi khối và ổn định theo bán khối của mình. Khẩn trương và im lặng. Bọn tù đứng hết lên. Kẻ chạy ra người chạy vào. Kẻ lấy giấy người lấy bút. Năm phút sau đâu đã vào đó. Khối phó Đỉnh trụ trì bán khối bên trong nhà. Khối trưởng Trai trụ trì bán khối bên ngoài nhà. Hai tên quản giáo đi tới đi lui kiểm soát cuộc bới móc đấu tố nhau được ngụy trang dưới mỹ từ của Cộng sản: thông qua bản tự khai trước tập thể!

Giọng bác sỹ Đỉnh.

- Bây giờ ta theo thứ tự từng tổ. Yêu cầu anh tổ trưởng tổ 1 đọc bản tự khai trước.

Tổ trưởng tổ 1 tên Khải. Anh này cao và gầy như một cây sào. Sự khôn ngoan của một người có cấp bằng cử nhân khoa học, sỹ quan biệt phái về bộ giáo dục, đã giúp cho bản tự khai của anh có thứ tự lớp lang từ đầu chí cuối, không có gì đáng mổ xẻ khi anh khẳng định rằng.

- Tôi sinh trưởng ở miền Bắc nhưng lớn lên ở miền Nam. Từ bé chí lớn tôi chỉ lo học hành. Vừa học xong thì bị lệnh tổng động viên chi phối sau lần Cách mạng tiến công vào Sài Gòn dịp tết Mậu Thân như hầu hết các bạn hiện diện ở đây. Tôi rời quân trường một thời gian ngắn thì được biệt phái về dạy học. Tôi chỉ dạy toán, ngoài ra tôi không dính dáng gì đến các môn văn sử địa. Bố tôi là công nhân hãng bia. Mẹ tôi may vá. Ông bà tôi chết từ hồi tản cư vì Tây dội bom...

Tiểu sử của một anh nhà giáo thực tế không có gì quá hấp dẫn đối với hai tên quản giáo, do đó Khải được thông qua tương đối dễ dàng.

Giọng khối phó Đỉnh lại cất lên.

- Mời anh kế tiếp.

- Tôi tên là Trúc, sinh ngày tháng năm tại,..., cấp bậc thiếu úy, làm việc tại Cục mãi dịch.

Như cốt cho hai tên quản giáo hiểu được cục mãi dịch là gì để tránh sự thắc mắc tuyệt nhiên không có tí lợi nào, Trúc vội đi một đường dông dài diễn giảng. Cục mãi dịch là nơi lo tổ chức sắp xếp những cuộc đấu thầu, mua bán linh tinh cho quân đội ngụy những hiện vật ngoài thị trường tự do. Riêng tôi, dù làm ở cục mãi dịch nhưng tôi không giữ chức vụ nào liên quan tới những chuyện đó. Tôi chỉ phụ trách mỗi việc lo mời ca sỹ hát hò mỗi khi có lễ lạc ở đơn vị.

Tên quản giáo chợt len vào.

- Thế ra anh là sỹ quan chiến tranh chính trị?

Trúc giẫy nẩy.

- Ấy thưa không. Tôi xuất thân trường chính...

Trong lúc hơi hoảng, Trúc tính phun ra câu tôi xuất thân trường chính trị kinh doanh, nhưng vì sực nhớ ra có chữ chính trị trong đó nên anh ngưng ngay lại. Anh vội chữa. Tôi vốn xuất thân trường kinh doanh, có nghĩa là dạy về cách tính toán tiền bạc, buôn bán... đại khái như kế toán ấy mà. Vợ tôi là Lệ Thủy đào hát cải lương, nhờ đó tôi quen biết nhiều trong giới hò hát ở Sài Gòn. Tên cục trưởng của tôi thấy vậy cho tôi cái chân chạy liên lạc ca sỹ. Cô A hát hai bài mình phải trả bao nhiêu? Anh B hát một bài mình phải trả bao nhiêu?... Miễn sao cuộc lễ lạc được tổ chức tốt và sự tiêu pha của đơn vị được hợp lý và không quá tốn kém.

Với lối lý luận con cà con kê, thêm vào đó bản tính Trúc hiền lành, không ân oán với ai, thành thử Trúc qua mặt được hai tên quản giáo ngu dốt và được tập thể tù thông qua mau lẹ.

- Mời anh kế tiếp đọc bản tự khai.

- Tôi tên là Tứ, Quách Tứ. Sinh ngày tháng năm tại Bình Định. Cấp bậc trung úy. Chức vụ hoa tiêu trực thăng huấn luyện...

Vĩnh đếm thầm và thấy còn vài người nữa tới phiên mình.

Thốt nhiên anh em trong phòng, trừ người đang phát biểu, đều im phăng phắc lắng nghe bên ngoài.

Chúng nó đang giết nhau!

Mọi người đều đang nghe thấy giọng Trương Thanh Long. Long từng nói anh là giáo sự biệt phái, dù rằng sống một thời gian với nhau, chẳng mấy người còn tin anh có gốc mô phạm. Dĩ nhiên không phải ông thầy nào cũng có tư cách, nhưng ít ra sống trong tập thể, thường những nhà giáo vẫn giữ được một phong thái riêng như ôn hòa, lặng lẽ và thủ kín hơn bọn lính tráng thuần túy. Long hoàn toàn thiếu những cái đặc tính ấy. Anh ồn ào kể chuyện tục tĩu, biển lận vì lợi dụng bà con với khối trưởng Trai ăn cắp gạo của bếp, áp phe vặt vì sớm móc nối được bọn vệ binh, mua bánh kẹo về bán lại cho anh em với giá cắt cổ... Đặc biệt hơn, Long cũng là tay duy nhất của khối 10 thường xuyên léng phéng mò sang khối nữ tù, khi trở về phòng phóng đại nhiều chuyện nhảm nhí. Do những cái tính xấu ấy, anh em trong khối đều đồng loạt gọi anh bằng một cái tên mới: Long giáo gian!

Hiện tại Long giáo gian đang bắn phá Trần Trọng Minh.

Trần Trọng Minh, trung úy phi công A.37. Anh ruột của Minh cũng là một trung tá phi đoàn trưởng của không quân Việt Nam. Theo Minh nói, Vĩnh được biết anh là vai chú của Trần Trọng Thức, chồng cô kịch sỹ bánh nhè Kim Cương. Minh tính nóng nảy, phổi bò, thích giải quyết những xung đột với anh em bằng quả đấm. Thế nên Minh, trong giai đoạn đầu, ít được anh em thương mến. Cái tên Tí Quạu mà anh em đặt cho Minh đã diễn tả được một phần nào cái nóng tính của anh ta. Cũng vì cái tính nóng ấy, tránh sao khỏi có lần Minh đụng chạm với Long! Ân oán chẳng qua vài chuyện nhỏ nhặt...

Ở bên ngoài, không hiểu Trần Trọng Minh đọc bản tự khai của anh ra sao, mọi người bên trong hiện chỉ nghe thấy giọng sửa sai của giáo gian Long mà thôi.

- Tôi nằm gần anh Minh. Anh Minh đã có lần nói với tôi như thế này: Mỗi chiều tao đứng nhìn núi Bà Đen tao cứ sôi gan lên. Mới ngày nào tao đánh A.37 ở đó tụi nó banh xà rông xấp lượt. Từ trên cockpit nhìn xuống, tao thấy tụi nó thằng phơi xác, thằng chạy như vịt. Phi vụ cuối tao đánh sáng 28 tháng 4, ít lắm tao cũng thịt tụi nó hơn trăm... Sau khi kể lại một cách đầy đủ những câu tâm sự của Minh trước mọi người, Long tiếp tục tố giác. Thế mà bây giờ trong bản tự khai vừa đọc lên, tôi không hề thấy anh Minh đả động gì đến điều này.

Anh em ngồi trong lẫn ngồi ngoài đều thầm oán hận sự độc ác của Long.

Giọng Đính bỗng thầm thì bên tai Vĩnh.

- Anh em có giận chém nhau đằng sống, ai nỡ chém nhau đằng lưỡi như thế?!

Vĩnh cũng thấy sùng trong bụng.

- Thằng giáo gian ấy mà anh em với ai!

Bên ngoài giọng tố khổ của Long vẫn đều đều.

- Anh Minh còn phát ngôn linh tinh nhiều điều phản động hơn thế. Anh ấy từng nói rằng anh ấy không sợ thằng nào trên đời này cả. Thằng Trần Văn Trà mà gặp anh ấy, anh ấy thoi vỡ mặt...

Cả hai tên quản giáo thấy câu chuyện coi mòi nghiêm trọng đều chạy ra ngoài bán khối 2 đứng coi. Bên trong không có quản giáo, anh em bán khối 1 tranh thủ một dịp bằng vàng, chỉ không hơn 5 phút đã thông qua được 3 người.

Bên ngoài tên quản giáo Cư chợt lên tiếng.

- Sinh hoạt như thế này mới là sinh hoạt! Đầy khí thế đấu tranh! Cách mạng rất biểu dương những người trung thực và can đảm như anh Long. Riêng anh Minh, nếu anh có khuyết điểm, anh cũng cứ yên tâm. Nói cho cùng các anh ngồi đây ai mà chả có tội. Nếu có xử bắn thì tội nhẹ như anh Long cũng phải một viên, còn tội nặng như anh Minh thì năm bảy viên, mười viên... Nhưng Cách mạng đã quyết không xử tội chết các anh mà chỉ tập trung các anh lại để cải tạo, vậy các anh cứ yên tâm và làm đúng theo yêu cầu của Cách mạng là tốt. Nói tới đây hắn quay sang Trần Trọng Minh. Bây giờ anh Minh cầm bản tự khai của anh lên tiểu đoàn và làm việc riêng với tôi. Chúng ta sẽ bàn đến những thiếu sót trong bản tự khai đó. Còn các anh khác cứ tiếp tục sinh hoạt đọc bản tự khai dưới sự kiểm tra chung của đồng chí quản giáo Thịnh.

Trước khi quay lại nói nhỏ với tên Thịnh vài điều và bỏ đi về phía cổng trại, tên Cư ráng dặn dò bọn tù một câu cuối: Các anh nhớ tiếp tục phát huy cái trung thực và can đảm trong đấu tranh sai trái như của anh Long mới là đạt yêu cầu của Cách mạng!

Minh cũng đứng dậy. Anh không biện bác một lời. Tay cầm tờ tự khai, Minh lẽo đẽo đi theo thằng quản giáo Cư về phía tiểu đoàn.

Không khí của cả khối bỗng dưng chìm xuống như cùng chịu tang một điều gì! Rồi thì công tác đọc bản tự khai cũng phải tiếp tục tiến hành. Lúc tên Thịnh trở vào quan sát bán khối 1 thì đến lượt khối phó Đỉnh đọc bản tự khai của anh ta. Vừa dợm giọng đọc, Đỉnh đã bị Nguyễn Văn Tô tự Ba Tô giơ tay xin có ý kiến, lúc hắn thấy tên quản giáo vừa ngồi xuống gần bệ cửa.

- Tôi có ý kiến. Để noi gương tích cực đấu tranh sai trái của anh Long, tôi đề nghị chúng ta đọc lại bản tự khai từ anh Bính. Khi nãy tôi nhận thấy chúng ta đã thông qua vài người một cách rất tiêu cực, lấy lệ.

Cả đám đều chửi thầm trong bụng vì sự lấy điểm cực kỳ trắng trợn và mất dạy của thằng Ba Tô. Riêng tên quản giáo lấy làm lạ vội quay hỏi Đỉnh.

- Anh trụ trì bán khối này, khi nãy vắng mặt tôi, anh làm việc ra sao để anh em phải kêu ca như thế?

Khối phó Đỉnh bình tĩnh trả lời.

- Thưa anh tôi không rõ anh Tô muốn đọc lại bản tự khai của một số người vì lý do gì!? Từ đầu đến giờ anh em trong này đều làm việc có thứ tự và rất nghiêm túc. Mỗi người đọc bản tự khai của mình xong, tôi đều hỏi trước tập thể có ai phát hiện được gì sai trái thiếu sót không? Và rồi tất cả đều đồng ý cho thông qua...

Vì Thịnh là quản giáo mới chưa biết Ba Tô là gà của Cư, nên hắn quay sang Ba Tô hỏi với giọng bực mình.

- Anh đã biết là không tốt, tại sao từ nãy anh không phản đối? Đợi qua đến ba bốn người rồi mới kêu ca là làm sao?

Nguyễn Văn Tô ú ớ không biết trả lời thế nào. Tên quản giáo thấy bộ mặt thằng Ba Tô vừa trơ vừa bóng có lẽ cũng không có cảm tình cho lắm, thành thử hắn chiếu tướng Ba Tô luôn. Thôi được, bây giờ anh đọc bản tự khai của anh cho tôi nghe xem nào!

Nguyễn Văn Tô như mèo bị cắt tai. Hắn cầm bản tự khai lên, thoáng liếc quanh một vòng xem có ánh mắt nào hận thù mình không, rồi mới bắt đầu đọc.

- Tôi là Nguyễn Văn Tô, sinh ngày tháng năm tại Quảng Ngải. Cấp bậc trung ý trợ y. Đơn vị... Cha tôi chết vì đi làm Cách mạng chống Tây. Ông tôi chết vì đi làm Cách mạng chống Tây... Vợ tôi và gia đình vợ tôi đều thuộc thành phần nông dân...

Nguyễn Văn Tô làm một hơi dài. Không một chi tiết nào trong tiểu sử đời hắn mà hắn không cố nhét vào tí hơi hám Cách mạng, tí giai cấp bần cố. Đọc xong một quá trình được kê khai một cách chi li dài gần 10 phút, Nguyễn Văn Tô liếc nhìn tên quản giáo, đoạn ngó mọi người rồi hạ giọng khiêm nhường. Thưa các anh, đó là tiểu sử đầy tội ác với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân của tôi. Tôi biết tôi là kẻ có tội. Tôi đã phản bội lại con đường oanh liệt của cha ông, đi làm tay sai cho Mỹ ngụy. Một tiểu sử đầy tội ác như thế, dù tôi có cung khai thành khẩn nhưng hẳn thế nào, cũng có những sai sót. Tôi thành thật xin được tập thể nghiên cứu và bổ khuyết cho bản tự khai của tôi được hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu của Cách mạng.

Bộ mặt hèn hạ của Nguyễn Văn Tô chẳng ai muốn đếm xỉa đến làm gì. Nó muốn nói hưu nói vượn gì thì cũng mặc kệ cha nó. Thế nhưng trong tập thể không thể tránh được một vài người tiểu tâm, không nghĩ đến chuyện vạch áo cho người xem lưng là chuyện chẳng tốt đẹp gì, mà chỉ nghĩ rằng: mày đã chơi ông thì có dịp ông chơi lại cho mày biết tay...

Một trong thiểu số ấy đã lên tiếng: Trần Văn Tuấn tự Tuấn chuột.

Tuấn là một sỹ quan trẻ, rất trẻ, tuổi độ 21 hoặc 22. Trông cu cậu không ai có thể tin được cu cậu từng là một sỹ quan! Từ vóc dáng cho đến tính tình đều nhỏ mọn và loắt choắt như một con chuột. Bản tính Tuấn dù sao, không phải là một bản tính ác độc. Nó có vẻ hơi điên điên thì đúng hơn. Nhưng chính cái hơi điên điên ấy mới là khổ cho anh em. Hễ cứ thấy chướng tai gai mắt là nó đem anh em ra bổ tận tình trong những buổi họp khối mỗi chiều. Tai hại hơn nó bổ luôn Cách mạng khi cao hứng. Khối trưởng Trai và khối phó Đỉnh rất là phiền hà về nó. Nhớ dạo bọn chỉ huy trại bắt mỗi khối phải cử một người cầm càn tập hát những bài Cách mạng cho anh em, Tuấn đã ngang nhiên phát biểu: Ở đây có ai làm Cách mạng đâu mà biết bài hát Cách mạng!?

Hôm nay cột ăng ten Ba Tô vô phúc bị Tuấn chuột hỏi thăm sức khỏe.

Tuấn giơ cao tay ngay khi Ba Tô vừa dứt tiếng.

- Căn cứ trên bản tự khai của anh Tô, tôi có ba vấn đề đặt ra để xét lại sự thành khẩn tự khai báo của anh ấy.

Thứ nhất, anh Tô khai rằng anh là một sỹ quan trợ y thì điều này đã sai với lời anh nói với anh em hồi còn ở bên trại L4T1. Hồi ấy, như mọi người ở đây đều biết, trong một lần tự giới thiệu làm quen trước khối, anh Tô đã tuyên bố rằng anh là một bác sỹ quân y. Tại sao hôm nay anh lại tự hạ mình xuống chỉ còn là một sỹ quan trợ y? Nhìn qua sự kiện, tôi xin đào sâu vào vấn đề để phân tích cái nguyên do khai man của anh Tô như sau: Anh Tô muốn chạy tội! Anh thừa biết một ông bác sỹ quân y tội ác nặng hơn một sỹ quan trợ y. Cụ thể là anh Đỉnh khối phó của khối ta, tôi tin chắc trong quá khứ anh Đỉnh đã phạm muôn nghìn tội ác với Cách mạng nhờ vào cái thẩm quyền bác sỹ của anh ấy.

Khối phó Đỉnh bỗng giẫy nẩy khi bị Tuấn chuột tự nhiên lôi vào trận với lời buộc tội cực kỳ nặng nề. Mặt anh tái xanh vì giận nhưng cố kiên nhẫn chịu đựng. Tuấn quay ngay sang bác sỹ Đỉnh hỏi luôn: Tôi nhận định như thế đúng hay sai anh Đỉnh?

Đỉnh cáu điên người, tuồng như nếu không kẹt có tên quản giáo ngồi lù lù bên cạnh, chắc là anh đã nhảy xổ đến thoi vào mặt thằng oắt con mấy đấm rồi. Sau cùng, lấy hết bình tĩnh và khôn ngoan, Đỉnh trả lời.

- Tôi không có đủ thẩm quyền khẳng định tội ác giữa một bác sỹ quân y và một sỹ quan trợ y ai nặng hơn ai. Cái đó tùy ở sự xét xử của Cách mạng.

Tên quản giáo không góp ý mà chỉ gật gù.

Tuấn bỉu môi với giọng điệu thật ngang ngạnh.

- Thôi được, anh chưa tiến bộ nhiều nên chưa dám công khai nhận tội ác của mình. Tôi xin trở lại với vấn đề của anh Nguyễn Văn Tô vậy. Tại sao mới đầu anh Tô xưng là bác sỹ, bây giờ chỉ còn là trợ y? Đây là một điều gian dối có ý đồ, có tổ chức...

Thứ hai, anh Tô khai rằng cha ông anh đều chết vì chống thực dân Tây. Điều này lấy gì làm chứng? Trong bản tự khai không thấy nói cha ông anh chết trong trận nào, ngày tháng năm nào, cũng chẳng nói rõ mồ mả chôn ở đâu vân vân. Mập mờ như thế tôi thắc mắc lắm. Tôi vẫn có thể nghĩ rằng biết đâu cha ông anh lại chính là những người đã theo Tây chống phá Cách mạng và bị Cách mạng trừng trị!?

Thứ ba, anh khai vợ anh là một nông dân. Không bao giờ có chuyện này xảy ra ở miền Nam. Một bác sỹ như anh, hay như anh Đỉnh, anh Tuyên của khối này hoặc bất cứ một anh tu bíp nào của miền Nam trước đây mà lại có can đảm yêu đương và cưới làm vợ một cô nông dân chân lấm tay bùn cả. Man trá hoàn toàn. Anh khai như thế chẳng qua anh muốn thấy sang bắt quàng làm họ, muốn dây tí vô sản cao quý vào tiểu sử đầy tội ác của anh mà thôi.

Nói tới đây, Tuấn chuột nhìn tập thể và trang trọng đề nghị. Tôi yêu cầu tập thể khối nghiên cứu và buộc anh Tô phải làm lại bản tự khai từ đầu.

Nguyễn Văn Tô chết lặng người. Nhưng hắn làm gì được trước cái lập luận vững chắc ấy, dù hắn thừa biết thằng khốn nạn Tuấn chuột là thằng có tí máu điên trong người!?

Con gà của tên quản giáo Cư càng tê tái hơn nữa khi cả một nửa khối chưa ai lên tiếng, thì chính tên quản giáo Thịnh đã lên tiếng giùm.

- Tôi thay mặt khung biểu dương anh Tuấn và tôi xác nhận anh Tô đã man khai. Chúng tôi sẽ xét lại trường hợp của anh Tô. Bây giờ anh Đỉnh tiếp tục cho các anh khác lần lượt đọc bản tự khai.

Buổi trưa khi giờ phát cơm đến, mọi người chỉ có 15 phút để ăn. Ai cũng trợn trạo cố nuốt cho xong hai bát cơm hẩm với vài cọng rau muống già chấm nước muối. Một giờ trưa mọi người đã phải trở lại vị trí cũ để đi cho hết cái đoạn đường Núi Sọ của thời đại mới.

CHƯƠNG MƯỜI

Tổ A.3 nhận phần nhiệm vụ đào ao rau muống nơi những thửa đất nằm bên cánh trái của trại. Đất căn cứ được Mỹ dùng xe hủ lô hạng nặng nén những lớp đá ong xuống mặt đất, thời gian đã biến mặt đất thành một lớp bê tông. Với những cuốc xẻng tự chế, tù vô cùng cực khổ khi phải khai quật cho hết những lớp đá ong nén cứng đó lên.

Tên quản giáo Cư lồng lộn khắp chốn. Không ai được ngồi nghỉ lấy một phút. Buổi sáng tổ A.3 đã bị hắn bắt quỳ cả tổ giữa trời giữa đất hơn một tiếng đồng hồ vì cái tội phè! Nói phè thì quá đáng, mà nói không phè thì cũng không phải. Thực ra thì tổ A.3 đã sáng tạo ra một lối lao động mới, ấy là làm việc gối đầu. Cứ bán tổ này làm thì bán tổ kia ngừng tay nghỉ. Lề lối lao động này bọn quản giáo rất ghét, tuy nhiên nếu tổ đoàn kết với nhau thì vẫn bao che cho nhau được. Thoạt đầu tổ trưởng Quách Tứ rất ái ngại với sáng kiến lao động này của anh em. Dần dần thấy có thúc hối mấy anh em cũng phè ra, anh đành phải chấp nhận một thực tế và lên tiếng chính thức đề nghị: Cả tổ, trừ khi nào thấy tên quản giáo xuất hiện, có thể thay phiên nhau cuốc cho đỡ mệt. Nhưng điều quan trọng là lúc nào cũng phải có người cuốc cầm chừng. Miễn sao khi hết giờ lao động chỉ tiêu phải đạt được hoặc cũng phải đạt một tám một mười.

Sáng nay tổ trác, tên quản giáo nấp trong bụi rậm và thấy tất cả mọi sinh hoạt lao động của tổ A.3.

Hắn đột ngột xuất hiện sau một gò mối lớn và hét.

- Mấy thằng phản động kia! Chúng mày lao động như thế à? Thằng hút thuốc, thằng đứng tán nhảm, thằng chui vào bụi ngồi tránh nắng... Tập họp lại!

Quách Tứ rầu rĩ hô anh em tập họp trình diện quản giáo. Mười thằng tù, theo lệnh quản giáo, xếp hàng ngang như một đội banh sầu thảm. Thằng quản giáo mặt đằng đằng sát khí. Hắn khởi sự chửi rủa. Toàn một bọn gian trá, xanh vỏ đỏ lòng, nín thở qua sông! Tao đã nấp trong bụi nhìn thấy chúng mày múa rối như thế nào rồi. Chúng mày nhấc cái cuốc lên thì con cò đậu, hạ cái cuốc xuống thì con mối xông. Tao bảo thật với chúng mày, ngoài việc lao động như thế có mà ăn cứt, ngày về của chúng mày còn có thể bị kéo dài đến vô tận. Tao đã lên lớp chúng mày nhiều lần rồi. Cách mạng không có tình trạng lơ lửng con củ c... Một, chúng mày học tập lao động cho tốt để có ngày mà trở về. Hai, bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát chúng mày trong này mất thôi!

Nói đến sùi bọt mép mà thấy nét mặt của mười thằng "ngụy" vẫn trơ thổ địa ra, thằng quản giáo cáu quá, hét. Tao phạt chúng mày quỳ 2 tiếng. Quỳ xuống!

Bọn tù chỉ liếc nhìn nhau. Chẳng ai chịu quỳ. Thằng quản giáo đâu có chịu thua. Hắn móc súng bắn đến đùng một phát. Để hắn giận chơi tới súng rồi cũng hơi phiền, nghĩ thế tổ trưởng Quách Tứ bèn quỳ ngay xuống để... làm gương! Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Cả đám lần lượt êm ái quỳ theo. Thằng quản giáo Cư đứng chửi rủa thêm một lúc nữa mới chịu bỏ đi. Đợi hắn đi khuất khỏi những dàn mướp rậm rạp nơi khu canh tác gần đó, tổ A.3. mới đồng lòng ngồi bệt xuống đất với nhau.

- ĐM nó! Kể từ cái thời để chỏm đi học đến nay, hơn 30 năm rồi tao mới bị quỳ trở lại. Lê Văn Trợ lên tiếng chửi đổng.

Với máu võ biền trong người, Đặng Xuân Bính như chịu cái nhục không thấu, mắt hắn cứ long lên sòng sọc. Vĩnh an ủi bạn.

- Đừng buồn mày ơi. Nếu mày muốn có một ngày nào vồ lại được chúng nó thì mày ráng chịu nhục. Trừ khi mày muốn làm anh hùng của một giây, một phút hoặc dài lắm là một tuần ở trong cái trại này...

Bính không nói lời nào. Tự dưng anh đứng lên và cuốc hùng hục, cuốc hăng say như bất cứ một tay lao động tiên tiến nào của cái xã hội khốn khổ này.

Vĩnh không tìm ra cái chân lý cuốc cho vơi hận thù như của Bính. Anh ngồi nghĩ ngợi lan man. Cuộc đời thật quả là một giấc mộng. Mới ngày nào mà giờ đây ra thân tù tội! Vĩnh nhìn quanh một vùng đất bao la vây quanh chỗ mình. Xã hội xã hội chủ nghĩa đang xuất hiện dưới mắt anh là một hiện trường lao động, trong đó con người phải quần quật với đủ mọi thứ khổ dịch. Những tiếng động, những lời tranh cãi của bọn tù, những lời chửi bới của cai tù... vang lên chung quanh tạo thành một thế giới xa lạ mà anh biết sẽ chẳng bao giờ anh hòa nhập được với nó. Thốt nhiên một tiếng hát khe khẽ vẳng lại. Vĩnh lắng tai nghe. Tay nào hát hay quá. Giọng hát thật khẽ, thật êm như chỉ đủ để rủ Vĩnh trở về với dĩ vãng... Mẹ già ở đất phù sa, đói no (là no) ai biết, rách lành ai có hay?... Đó là bài hát của phù thủy Phạm Duy từng có thời làm anh rơi lệ. Ôi những bà mẹ phù sa, ngày nay các con của mẹ - những người mà mẹ gọi là đã học xong chiến lược giữ xóm làng - đã đi tù hết bởi những người mà mẹ gọi là giải phóng, nhưng với tấm lòng hiền như cam quýt của mẹ, một thời mẹ cũng thương cũng che chở như con của mẹ, giờ đây đã lộ hình ngạ quỷ, đang bắt giam cả dân tộc của mẹ, chả hiểu mẹ có còn thấy thương chúng nữa không!? Mẹ phù sa ơi, bây giờ mẹ ở đâu? Những anh giải phóng mẹ thương dấu dưới gầm giường năm xưa có trở mặt bắt giam cả mẹ hay không? Có chụp lên đầu mẹ cái tội danh không phân biệt bạn và thù hay không? Có xỉ vả mẹ vì cái lòng không hận thù, chỉ có tình thương yêu vô bờ bến của mẹ hay không?

Sự hồi tưởng đưa Vĩnh đi tới nhiều nơi của dĩ vãng.

Có thực mình thua Cộng sản không? Tại sao lại xảy ra một cuộc tháo chạy lạ thường dường ấy? Đã bao lần Vĩnh nghĩ tới hai chữ gia đình. Vĩnh khẽ lắc đầu như không muốn nghĩ tiếp, không muốn sự lý luận của mình dẫn tới việc kết tội hai chữ thiêng liêng này. Thế nhưng cũng như bao lần trước, Vĩnh không tránh khỏi một kết luận rằng: Ngoài những nguyên nhân xa là sự tương nhượng của các cường quốc có dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam, nguyên nhân gần đem đến sự sụp đổ nhanh như một tòa nhà trên vùng động đất của miền Nam chính là vì hai chữ gia đình!

Nếu năm 1954 cũng vì hai chữ gia đình, bảo vệ cho gia đình được toàn vẹn, người miền Bắc đã di cư xuống miền Nam, lập thành một chiến tuyến chống lại chủ nghĩa tam vô của Cộng sản một cách hữu hiệu; thì cũng vì hai chữ gia đình, 21 năm sau người quốc gia đã thua về tay Cộng sản. Đánh làm sao được khi mà thê tróc tử phược!? Đánh làm sao được khi mà người quốc gia hoàn toàn khác Cộng sản ở chỗ Cộng sản chỉ có mục đích duy nhất phục vụ Đảng và coi Đảng như là một cứu cánh tối hậu cho ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Đảng còn, còn tất cả. Đảng mất, mất tất cả. Còn người quốc gia thì từ anh binh nhì lên đến ông đại tướng, từ anh xích lô lên đến ông tổng thống, ai cũng có khuynh hướng đầu tư tất cả vốn liếng đời mình vào gia đình, vào bầy con... Với cái ý niệm huyết tộc trên hết, lâu ngày chầy tháng ý niệm này đã tiêu thực mất cả ý niệm về tổ quốc và tôn giáo (mà ít ai ngờ tới!). Nói tóm, gia đình đối với người quốc gia Việt Nam trước năm 1975 đã thực sự trở thành một cứu cánh sau cùng. Cứu cánh ấy mất là mất tất cả. Thế nên trong lúc biến, hầu hết chỉ lo làm sao bảo vệ được toàn vẹn gia đình, dù bảo vệ một cách tiêu cực nhất ấy là đem gia đình bỏ chạy!...

Phạm Công xưa nhận lệnh vua ra trận, nách đeo hai con thơ, theo sau lại có quan tài vợ. Tướng giặc động lòng thương cảm tự cắt đầu mình trao tặng cho Phạm Công về nộp triều đình chứng tỏ một chiến thắng. Tướng giặc ngày nay, bọn CSVN làm gì có trái tim ấy! Thế là tan nát tất cả...

Chao ôi tình cảm gia đình thiêng liêng lắm, nhưng đớn đau thay, chẳng ai ngờ được rằng có lúc chính cái tình cảm ấy đã hủy diệt đi sự sống của cả một dân tộc!

- Nó đến, quỳ lên!

Tiếng báo động hốt hoảng của tổ trưởng Quách Tứ làm mọi người quỳ phắt lên.

Vĩnh nghe trong người đau nhói. Nhưng anh biết nó không còn là cái đau của tủi nhục nữa mà là cái đau của sinh lý. Mấy ngày nay Vĩnh biết bệnh sạn thận bắt đầu trở lại hành hạ anh. Triệu chứng thốn buốt nơi bộ phận sinh dục về đêm làm anh mất ngủ bơ phờ. Ta sẽ không quỳ mà ta sẽ nằm xem nó đến đâu. Nghĩ xong Vĩnh lăn cù ra nằm trên mặt đất. Anh co rút người lại như một con tôm. Cơn đau bỗng nhiên dồn dập kéo đến, nhanh và táo bạo không ngờ. Vĩnh cắn răng không rên la. Rên la trước mặt quân thù là điều tối kỵ. Đau quá! Nơi lưng Vĩnh giờ đây như đang bị một con ác quỷ dùng những chiếc móng sắc xé toạc ra.

Anh em trong tổ bất kể thằng Cư vừa bước tới, họ nhào đến nâng Vĩnh dậy.

- Thằng Vĩnh nó làm sao thế này?

Cơn đau làm ù tai nhưng Vĩnh vẫn nhận ra giọng của Lê Văn Sanh hốt hoảng cất lên. Tiếp tiếng la của Sanh là giọng thằng quản giáo Cư.

- Chúng mày đóng kịch gì đấy?

Giọng Quách Tứ.

- Báo cáo anh anh Vĩnh bị ốm nặng mấy ngày nay.

- Ốm gì? Đừng giả vờ giả vịt!

Bọn tù chả biết nói sao đành trố mắt đứng nhìn. Thằng quản giáo bước tới gần Vĩnh. Hắn vẫn đứng thẳng lưng, hỏi. Anh kia, đau cái gì?

-..... !

- Anh nghe tôi không? Đau cái gì?

- Tôi bị sạn thận.

- Sạn thận là cái gì?

-.....! Thấy Vĩnh làm biếng trả lời, Quách Tứ lên tiếng cắt nghĩa.

- Thưa anh ấy bị đái ra những vật cứng như viên sạn. Đau lắm...

Thằng quản giáo như hiểu ra. Hắn lên giọng.

- Cái ấy người ta gọi là sỏi bọng đái. Hiểu chưa? Gọi là sỏi bọng đái. Sỏi bọng đái mà nói là sạn thận thì ai mà hiểu được. Hắn lại ngó xuống Vĩnh, hỏi. Bị lâu chưa?

- Tôi đau từ mấy năm về trước.

- Thế ngụy nó không chữa cho anh à?

- Có chữa nhưng không dứt. Lâu lâu nó lại tái phát.

Như được dịp, quản giáo Cư làm luôn một bài tố khổ nền y khoa lạc hậu của Mỹ ngụy. Bọn tù lại bành lỗ tai tiếp thu bài học mới. Lên lớp đã đời, hắn lại quay hỏi Vĩnh.

- Thấy đỡ chưa?

- Chưa!

- Thôi được, tôi cho phép anh nằm đây nghỉ. Các anh kia tiếp tục lao động. Tôi nói lại, các anh mà lao động lếu láo nữa là tôi sẽ cất hết vào connex. Tổ trưởng đâu?

- Dạ tôi đây.

- Anh đi theo tôi.

Tổ phó Khoa thay tổ trưởng điều động cả tổ làm tiếp công tác khai quật những lớp đá ong được nén trên mặt đất căn cứ Trảng Lớn có độ dày đến 40 phân. Vĩnh cố ngồi dậy. Anh tìm một bụi rậm trên một gò mối chui vào ngồi tránh nắng. Nơi đây, Vĩnh có thể thả mắt quan sát một vùng rộng rãi.

Những tiếng đục đẽo, những tiếng lăn rầm rầm của các thùng phuy, tiếng hò hét chỉ huy, tiếng rên la của những người chẳng may bị kẹp tay, bị đạp đinh, đạp gai vang rền khắp nơi. Cảnh tượng nô lệ của thời La Mã xa xưa đang tái diễn nơi đây. Những tên nô lệ thời mới - Vĩnh và các chiến hữu của Vĩnh - nếu không có một cuộc tự cứu vĩ đại xảy ra thì chắc chắn sẽ rục xương trong kiếp nô lệ này. Nhưng tự cứu bằng cách nào bây giờ? Hình ảnh Spartacus và những chiến hữu nô lệ của ông xanh mét trên thập giá lại hiện lên rõ mồn một trong trí tưởng của Vĩnh...

Một tiếng la thật lớn bỗng cất lên phía sau lưng Vĩnh.

- Có ai trong bụi đi ra nghe. Cuốc vô đầu ráng chịu!

Vĩnh hô to.

- Ê, có bệnh nhân ngồi tránh nắng trong này nghe mấy cha!

- Bệnh thật hay bệnh giả? Tôi là bác sỹ đây.

Vĩnh nhận ra giọng Ngô Văn Tuyên. Anh bỏ ra khỏi bụi rậm. Phía bên kia bụi rậm tổ A.4 đã dàn hàng ngang, người nào người nấy cuốc trên tay đang sửa soạn "hạ sát" cái gò mối đầy những cây cỏ hôi để làm tròn chỉ tiêu của buổi sáng.

Thấy Vĩnh, Tuyên hỏi. Sao vậy?

- Sạn thận ông ơi.

- Rồng thiêng mới có ngọc. Ông cũng có ngọc trong người, lên bàn thờ đến nơi rồi đấy!

Vĩnh không cười trước câu pha trò của bác sỹ Tuyên. Anh ngồi nhìn những nhát cuốc của anh em tổ A.4. Khi những nhát cuốc hạ dần những bụi cỏ hôi, để lộ ra bên cạnh một gò mối lớn là một cái nền nhà Mỹ loại nhỏ (có thể xưa kia nó là một cái nền nhà tắm?) thì Vĩnh lại phải đứng lên lùi sâu hơn vào những bụi rậm sau lưng. Một con cút đất vụt chạy trốn qua mặt Vĩnh. Những con cắc ké đủ màu chạy loạn để tránh nạn. Đôi ba con chim sâu hốt hoảng rời tổ vụt bay về phía ruộng khoai mì xa xa. Vĩnh buồn bã ngồi nhìn cái nền nhà Mỹ, hồn chìm sâu trong một hồi tưởng thương đau. Họ đến đây làm gì nhỉ? Vĩnh thầm nghĩ. Họ đến đùng đùng như một cơn bão rồi lại ra đi nhanh như một cơn lốc, để lại cho miền Nam một di sản đầy những thương đau...

Tổ trưởng tổ A.4 có dáng đi lạch bạch như con vịt bầu chợt cất giọng la lớn.

- Mình trúng mối rồi!

Trúng mối ở đây là trúng phải một cái nền nhà đúc bằng xi măng đá xanh. Điều ấy có nghĩa là tổ A.4 ngày mai đây phải bằng mọi cách phá cho xong cái nền nhà ấy để biến nơi đây thành những ao rau muống theo đúng quy hoạch của trại.

Tổ A.4 giờ đây gần như đã nhập chung với tổ A.3. Thêm người thêm chuyện. Vĩnh thấy trong người đã khá hơn. Anh cũng cầm một cái cuốc đứng lên, chống cuốc nói chuyện với các bạn.

Bác sỹ Tuyên khẽ cằn nhằn.

- Cái me-xừ Tuấn hôm qua nhảm quá.

- Thẳng nhỏ điên khùng ấy chấp mà làm gì.

- Nhưng nó lập luận đâu có điên chút nào. Tự dưng nó lôi me-xừ Đỉnh vào cuộc, rồi lôi cả tôi nữa! Khi sáng thằng quản giáo nói hỏi tôi.

- Hỏi sao?

- Nó hỏi chắc hồi xưa tù binh Cách mạng lọt vào tay các anh, các anh đem vào trường y khoa làm vật thử nghiệm phải không? Nghe nó hỏi mà mình muốn điên cha nó cả người!

- Việc quái gì phải điên!

- Ông coi, nó nghi ngờ, nó ngâm tôm hồ sơ mình không cứu xét có mà rũ tù!

Vĩnh yên lặng, vì thấy mình không được hào hứng với lời than thở của Tuyên. Tiếng ông già Chuân ở mút đầu tổ A.4 đang nói chuyện với Ba Trợ.

- Ông coi, nó là thằng chó đểu. Tôi có ân oán gì với nó đâu. Chỉ vì mấy điếu thuốc lào mà nó thù tôi. Tôi mang bệnh nghiến răng từ cha sinh mẹ đẻ, thế mà nó cũng đem tôi ra chụp mũ...

Vĩnh chợt nhớ lại ngày hôm qua mà buồn cười. Ông già Chuân cũng là một nạn nhân của Tuấn chuột. Nó dzũa Ba Tô đã đời, đến lượt ông Chuân đọc bản tự khai nó cũng không tha. Nó bổ túc cho phần tự khai của ông Chuân bằng ý kiến: Anh Chuân khai như thế là chưa thành khẩn và chưa hết. Tôi nhận thấy anh đã dấu diếm và không khai về sự nghiến răng hàng đêm của anh. Cả phòng gần 120 người, chỉ có mỗi mình anh là nghiến răng trèo trẹo ban đêm. Tôi không cho đó là bệnh, mà là hậu quả của một quá trình ý thức. Ban ngày chắc anh căm thù Cách mạng ghê lắm dồn nén nói không được, nên ban đêm anh nằm nghiến răng đến độ cả phòng ngủ không nổi!

Lời phát biểu của Tuấn khiến cả khối phải nén cười. Tên Thịnh hình như hiểu biết, hắn đã phải chận lại lời phát biểu quái quỷ của Tuấn và nói.

- Không, cái này thì anh Tuấn có thể phát biểu sai đấy. Tôi biết có bệnh nghiến răng...

Tên quản giáo và Quách Tứ đã trở lại. Sau khi đứng hò hét một lúc hắn lại bỏ đi. Quách Tứ không đợi anh em hỏi vội lên tiếng.

- Không hiểu lý do gì quản giáo lại lôi tôi lên khung hỏi về Trần Trọng Minh.

Giọng Ba Trợ. - Nó hỏi gì?

- Thì đại khái nhận xét thế nào về Minh? Hồi xưa ở không quân có chơi với nhau không? Minh lái loại máy bay gì? Trước đây chiến đấu ra sao? Cấp bậc có phải là trung úy hay là trung tá? Có bao nhiêu Anh Dũng Bội Tinh?...

- Rồi ông trả lời sao?

- Dĩ nhiên tôi đâu biết gì mà trả lời. Nó lái khu trục, tôi lái trực thăng; nội sự khác biệt này cũng đã không có dịp mà quen biết nhau rồi.

- Thế sao làm việc lâu thế?

Quách Tứ có vẻ giận trước câu hỏi hơi thiếu tế nhị của Đặng Xuân Bính. Anh không nói thêm gì nữa, chỉ kêu gọi anh em cầm cuốc làm việc trở lại.

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét