Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

TIẾN SỸ TRẦN CÔNG TRỤC BAO BIỆN VỀ HÀNH ĐỘNG BÁN ĐẤT CỦA CHA ÔNG CHO NGOẠI BANG

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Chủ quyền lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với dân tộc Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã đàm phán thành công với Trung Quốc (TQ) hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, hoạch định vịnh Bắc Bộ, nhưng trong dư luận vẫn còn không ít những mơ hồ, hoài nghi do thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác đặc biệt là về những địa danh vốn từ lâu đã in trong tiềm thức người Việt như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc.
Chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh câu chuyện về đàm phán biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thời kỳ đàm phán về biên giới trên bộ với TQ là Phó đoàn đàm phán, Trưởng nhóm công tác 3 bên của Việt Nam cho biết ông thường xuyên nhận được những câu hỏi đại loại như có hay không việc ta “nhân nhượng vô nguyên tắc”, thậm chí chính ông đã từng bị người ta chửi là “kẻ bán đất cho TQ” trong quá trình đàm phán như một số thông tin trên mạng.
  
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, lâu nay trong dư luận có nhiều ý kiến thắc mắc, băn khoăn, thậm chí đổ lỗi cho chính thể này, trước hết là các nhà đàm phán, sau là lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong khi đàm phán biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ với TQ mình đã “bán rẻ” đất đai của cha ông, nhân nhượng cắt đất cho TQ, nhân nhượng vô nguyên tắc trong đàm phán. 

Từng là Phó trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam cùng với TQ hoạch định và ký kết thành công Hiệp định biên giới trên bộ, Hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ, ông có nhận được những câu hỏi thắc mắc như vậy không? Những ai đã từng đưa ra các câu hỏi băn khoăn thắc mắc đó với ông?

- Ts Trần Công Trục: Đó là sự thật và tôi cũng đã trực tiếp được nghe những thắc mắc, băn khoăn này từ các bạn bè, học giả và thậm chí là các nhà quản lý mỗi khi có dịp gặp gỡ, trao đổi. Tôi đi đến đâu người ta cũng thắc mắc mấy chuyện này. Thậm chí đã từng có người chửi tôi là bán đất tổ tiên cho TQ.

Điều đáng nói là không chỉ dư luận người dân mà ngay cả những người làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học lẫn những nhà quản lý, lãnh đạo vẫn còn nhiều người mơ hồ, lăn tăn về chuyện này. Thậm chí có người suy đoán “chắc là dư luận nói đúng” bởi vì họ nghĩ Việt Nam là nước nhỏ, nước yếu ở cạnh một nước mạnh, nước lớn như TQ thì phải có sự nhượng bộ không thể tránh khi đàm phán tranh chấp biên giới, lãnh thổ. 

Ở đây có 3 đối tượng thắc mắc về vấn đề đàm phán ký kết các hiệp định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ giữa ta với TQ mà chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi, bởi mỗi một nhóm đối tượng sẽ hiểu lầm theo 1 cách khác nhau, có nguyên nhân và động cơ khác nhau.

Nhóm đối tượng thứ nhất gồm đại đa số cán bộ, nhân dân quan tâm lo lắng cho sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nước nhà mà tôi cho rằng mình phải rất chia sẻ với những băn khoăn thắc mắc của họ, tôi rất hoan nghênh những thắc mắc, đặt câu hỏi của họ bởi đó là những người yêu nước thật sự. Họ rất quan tâm đến những vấn đề của đất nước, đặc biệt là vấn đề độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhưng lại không có thông tin đầy đủ và chính xác. 

Trong tiềm thức của người Việt Nam, có những địa danh rất rõ như Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan trước đây trong lịch sử, thậm chí là trong văn học, ca dao hay sách giáo khoa thì đó là những vùng đất của mình, nhưng thực tế bây giờ sau phân giới cắm mốc có chỗ lại thuộc về TQ, hoặc toàn bộ hoặc một phần. 

Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, rõ ràng họ sẽ cảm thấy bức xúc khi những khu vực họ vốn nghĩ là “lãnh thổ, tấc đất của cha ông để lại nay lại rơi vào tay TQ”. Họ là những người Việt Nam, vốn trong huyết quản đã luôn tràn đầy tình yêu quê hương đất nước, không bao giờ muốn, không bao giờ chấp nhận để mất dù là 1 tấc đất mà ông cha để lại.

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với người Việt Nam là vô cùng thiêng liêng mà không một thế lực nào có thể áp đặt hay xâm phạm đến lợi ích của dân tộc này. Họ băn khoăn thắc mắc bởi vì họ không có thông tin, họ phải tự tìm hiểu tìm kiếm qua nhiều nguồn, mà ngày nay chủ yếu là thông qua internet.

Với nhóm đối tượng này chúng ta không nên quy kết họ có vấn đề gì đó về chính trị, động cơ không trong sáng hay phương hại đến an ninh. 

Phải nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng với nhau rằng, sở dĩ có những thắc mắc đó là do chúng ta, do những người trực tiếp làm công tác biên giới lãnh thổ không cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin cần thiết cho dư luận, không để dư luận hiểu rõ nguyên tắc, quá trình mình đàm phán phân giới với TQ và cách thức, phương pháp xử lý đúng sai ra sao nên dư luận trở nên tù mù về hoạt động đàm phán biên giới trên bộ cũng như trên biển giữa ta và TQ. 

Nhóm thứ 2 thì chúng ta đều biết, có những đối tượng, thế lực muốn lật đổ, bôi nhọ chính thể này. Hiện nay ngoài những vấn đề về kinh tế, tôn giáo, xã hội thì câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ chính là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng này có thể lợi dụng. 

Họ lợi dụng tất cả những sơ hở của chúng ta trong giáo dục, tuyên truyền với những tiềm thức, ý niệm đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người Việt Nam về biên giới lãnh thổ để làm điều này, tìm cách “chứng minh” với dư luận rằng chính thể này, những người làm công tác biên giới lãnh thổ này đã nhân nhượng vô điều kiện, vô nguyên tắc khi đàm phán với TQ, thậm chí họ cáo buộc rằng ta đã “bán rẻ đất nước này” cho TQ. Từ đó họ làm mất uy tín của chính thể này, nhà nước này nhằm thực hiện một mục đích chính trị nào đó của riêng họ.

Nhóm đối tượng thứ 3 nằm ngay trong nội bộ chúng ta. Tôi xin nói thẳng rằng có những cá nhân vì tranh giành lợi ích này lợi ích khác, để hại nhau thì cái nguy hiểm nhất và dễ “hạ” nhau nhất là sử dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, tung tin ông này ông kia nhân nhượng vô nguyên tắc với TQ, “cắt đất”, “bán đất” cho TQ nhằm tư lợi cho mình. Chính trong nội bộ chúng ta đã từng xuất hiện những thông tin như thế gây nghi kỵ, chia rẽ lẫn nhau, khiến dư luận người dân đã băn khoăn lại càng thêm thắc mắc, lo ngại mà không thể tìm thấy được lời giải.

Theo quan sát của tôi, 3 thành phần đó cho đến bây giờ nó vẫn tồn tại, và điều này hết sức nguy hiểm. Chính nó làm xói mòn niềm tin, xói mòn sức mạnh đoàn kết dân tộc, làm cho xã hội xuất hiện các vấn đề. Đó là những thực tế mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào nó, phân biệt trắng đen rõ ràng để có các phương án ứng phó cụ thể và tìm ra sự thật.
Lễ ký văn kiện tổ vẽ bản đồ biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
- PV: Theo chia sẻ của ông thì hầu như những thông tin về quá trình đàm phán phân giới cắm mốc giữa ta và TQ đã không được tuyên truyền phổ biến một cách kịp thời, rộng rãi và chính xác đến người dân nên gây ra những thắc mắc, hiểu lầm mà thậm chí cả giới học giả cũng như quản lý cũng còn băn khoăn, không chắc chắn. 

Từng trực tiếp tham gia đàm phán với TQ, ông có thể chia sẻ với dư luận về nguyên tắc, phương thức, cách làm khi ta và TQ đàm phán biên giới với nhau như thế nào, và tại sao lại xảy ra những hiểu lầm tai hại như ông vừa nêu?

- Ts Trần Công Trục: Trước hết tôi xin khẳng định rằng, những vùng đất tranh chấp phải thông qua đàm phán giữa ta và TQ thì cả 2 bên, ta và TQ đều không đủ cơ sở pháp lý thuyết phục để khẳng định nó là của mình. Chính vì không bên nào có đầy đủ chứng cứ khẳng định khu vực đó, đối tượng đó là của mình nên mới thuộc về khu vực tranh chấp. Nếu đã có đầy đủ chứng cứ pháp lý chứng minh được chủ quyền đối với những khu vực này thì không bao giờ có thể nhân nhượng được, kể cả là ta hay TQ. 

Những “vùng tranh chấp” là các khu vực chưa có thể nói nó là của anh hay của tôi, mà đàm phán phân chia theo luật pháp quốc tế, thì như vậy không thể nói là ta đã để mất các khu vực này vào tay TQ, hay ngược lại TQ mất các khu vực này vào tay ta.

Trước hết, khi chúng ta bắt đầu đàm phán với TQ thì vấn đề đầu tiên đặt ra và không thể bỏ qua được là 2 bên phải thống nhất với nhau 1 cơ sở pháp lý chung để xem xét khu vực tranh chấp chứ không phải cứ đem lịch sử ra để nói chuyện với nhau. 

Trong tranh chấp quốc tế, nếu nhắc tới quan điểm lịch sử sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, bất đồng khác nhau mà không thể giải quyết nổi. Chúng ta không thể lý luận kiểu cụ Lý Thường Kiệt đã từng dẫn quân đánh vào Lưỡng Quảng thì có nghĩa lãnh thổ của chúng ta kéo dài đến đó, TQ cũng không thể nói rằng họ đã từng đô hộ Việt Nam hàng ngàn năm thời phong kiến thì Việt Nam là một bộ phận hay một tỉnh của TQ.

Trước khi Pháp xâm lược Việt Nam và trở thành nước bảo hộ của Việt Nam, về mặt đối ngoại cũng như pháp lý, thì chưa tồn tại một đường biên giới rõ ràng, cụ thể, có dấu mốc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ngày nay giữa ta và TQ. Thời điểm đó ta chỉ có thể gọi là vùng biên cương. 

Chính vì vậy nếu dựa vào lịch sử thì không bao giờ 2 bên có thể giải quyết được tranh chấp, mâu thuẫn. Ta nói dựa vào lịch sử của ta, thì TQ cũng dựa vào lịch sử của họ. Chính vì vậy, trong xử lý tranh chấp quốc tế, ta hãy đặt quan niệm lịch sử sang một bên. Ai còn cố tình bám lấy quan niệm lịch sử sẽ làm cho vấn đề rơi vào ngõ cụt không có lối thoát.

Ví lý do đó, để đảm bảo cho sự công bằng, ổn định trên tuyến biên giới, chúng ta đã cân nhắc và chấp nhận dùng Công ước Pháp - Thanh giữa chính quyền bảo hộ Pháp với nhà Thanh TQ, đó là công ước quốc tế đầu tiên về biên giới giữa 2 nhà nước được ký kết năm 1887, năm 1895 ký Công ước bổ sung. 

2 bên đã tiến hành phân giới cắm mốc trên thực tế. Mặc dù hoạt động này đã diễn ra cách đây cả trăm năm, trình độ kỹ thuật cũng như cách làm, phương pháp lúc đó cũng có nhiều vấn đề chưa thể được như bây giờ, nhưng dù sao cũng để lại cho chúng ta và TQ một cơ sở pháp lý để hoạch định đường biên giới chung giữa 2 nước. 

Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có thể dùng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán, tiến tới hoạch định, đàm phán và xác lập đường biên giới chính thức, cụ thể, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Khi đã chấp nhận được nguyên tắc đầu tiên này, hai bên mới tiến hành ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đàm phán thì cả hai bên phải tuân thủ.


Lực lượng Biên phòng 2 nước Việt Nam, Trung Quốc kiểm tra khu vực cột mốc 147 trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc thuộc địa phận xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai và xã Kiều Đầu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày 20/8/2013
- PV: Sau khi đã thống nhất được nguyên tắc chung nhất để 2 bên dựa vào đó trình bày quan điểm và đàm phán biên giới, các bước triển khai cụ thể tiếp theo như thế nào, thưa ông?

- Ts Trần Công Trục: Về cách làm, đầu tiên 2 bên gặp nhau sau khi 2 nước đã bình thường hóa quan hệ và có 1 hiệp định tạm thời để xử lý các vùng biên giới tranh chấp. Sau đó 2 bên thỏa thuận với nhau về các hoạt động đàm phán chính thức. Cuộc đàm phán chính thức cấp chính phủ đầu tiên giữa 2 nước diễn ra tại Bắc Kinh tập trung bàn bạc, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết những vấn đề biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ. 

Trên đất liền, nguyên tắc quan trọng nhất mà 2 bên đều thống nhất ký là lấy Công ước Pháp - Thanh làm cơ sở pháp lý. Sau khi thống nhất được rồi, 2 bên về báo cáo Quốc hội để phê chuẩn thỏa thuận nguyên tắc này. Trong thỏa thuận đó, ngoài nguyên tắc, 2 bên còn thỏa thuận về cơ cấu tổ chức các đoàn đàm phán, thành lập các nhóm công tác liên hợp về biên giới trên bộ, trên biển. Các nhóm này gồm những chuyên gia đầu ngành có trình độ về pháp lý, về bản đồ, về khoa học và 2 bên trao đổi cách làm việc với nhau.

Trên cơ sở pháp lý chung là Công ước Pháp - Thanh, 2 bên đưa ra quan điểm về đường biên giới theo nhận thức, quan điểm của mình. 2 bên thống nhất với nhau 1 bộ bản đồ tốt nhất, khách quan nhất có thể trong điều kiện bấy giờ, sau đó mỗi bên thể hiện chủ trương đường biên giới của mình lên bản đồ chung đó. Tất nhiên ở đây chỉ có thể nói tắt các bước, để làm được việc này không hề đơn giản mà các chuyên gia phải nỗ lực rất nhiều và hợp tác cùng nhau nhiều ngày mới đưa ra được chủ trương đường biên giới của mình. 

Đoàn công tác biên giới không chỉ tham khảo nghiên cứu tất cả tài liệu liên quan, mà phải đến các tỉnh biên giới, báo cáo với chính quyền tỉnh sở tại đường biên giới theo chủ trương của ta như thế này xem họ có ý kiến gì không, sau khi thống nhất rồi mới báo cáo lãnh đạo nhà nước thông qua rồi mới thể hiện chủ trương chính thức của mình về đường biên giới lên bộ bản đồ chung đã thống nhất trước đó. 

Sau khi đã lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia và địa phương liên quan, lãnh đạo nhà nước mới giao cho tôi, khi đó là Phó ban Biên giới Chính phủ kiêm Trưởng nhóm chuyên viên đàm phán về chuyên môn cầm bộ bản đồ đã thể hiện đường biên giới chủ trương chính thức của ta trao cho đoàn chuyên viên TQ. 2 bên dùng bản đồ chung đối chiếu xem đường biên giới chung mà 2 bên chủ trương có bao nhiêu % phù hợp, bao nhiêu % chưa phù hợp. 

Lúc đó 2 bên đã xác định được 70% đường biên giới chủ trương chính thức của 2 phía ta và TQ trùng nhau căn cứ theo Công ước Pháp - Thanh. Đó đã là một thắng lợi rất lớn. Còn lại khoảng 30% đường biên giới 2 bên đưa ra có khác nhau. 

Các khu vực khác nhau được chia ra làm 3 loại A, B và C. Các khu vực khác nhau loại A, loại B là do kỹ thuật bản đồ vẽ chồng lên hoặc chưa đến, số khu vực này rất ít thôi. Còn lại các khu vực được xếp loại C là những vùng tranh chấp pháp lý, về mặt thực tế quản lý có tất cả 164 khu vực loại C với tổng diện tích hơn 200 km vuông.

Các khu vực loại C này 2 bên có quan điểm khác nhau, tài liệu pháp lý khác nhau. Loại A, loại B thì các chuyên gia 2 bên xử lý rất dễ và không mất nhiều thời gian, cũng không có nhiều điểm. Nhưng các khu vực loại C thì là khu vực tranh chấp, quan điểm và cơ sở pháp lý khác nhau. 2 bên ngồi lại và đem tất cả tài liệu căn cứ pháp lý ra chứng minh, thu hẹp dần dần những vùng tranh chấp, còn lại những vùng mấu chốt nhất 2 bên không thuyết phục được nhau thì lúc bấy giờ phải tính đến những nguyên tắc để giải quyết tiếp. Điển hình của các khu vực C chính là Hữu Nghị Quan (tức Ải Nam Quan), Thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét