Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Hồ Chí Minh và Minh Cưu Chính Sách Nhất Cả Việt Nam Dân Tộc Chủ Nghĩa Ngụy Trang Giả


- Tưởng Vĩnh Kinh
Phan Thịnh giản lược, LV 181 1.5.1999

Ho Chi Minh 1945 Trong Con Rồng Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại đã có một cái nhìn rất chính xác về họ Hồ: "...Quả nhiên đây là tay đại hề, đóng kịch rất tài. Khi thì đạo mạo như cha già, khi thì thân thiết, rồi lại ẻo lả, yếu mềm hay nghiêm trang, trịnh trọng, nhiều khi trào lộng, mỉa mai. Tất cả những ai đã gần ông ta, đều tự lừa, hay đã bị lầm... Tôi biết ai ở trước mặt tôi là ai rồi, sau cái mặt nạ này. Một chiến binh mác-xít, một kẻ đã chai đá sau hơn ba mươi năm chiến đấu, bị đảng chi phối, trói buộc chặt chẽ, rồi một chiến sĩ đầy thủ đoạn. Thừa khả năng chịu đựng, dám tất cả mọi sự lừa lọc... và bất nhân đến độ tàn bạo..." (sđd, trg. 242).

Hồ Chí Minh, người chiến binh tiền phong của chủ nghĩa mác-xít đó, kẻ mang mặt nạ ái quốc đó, cũng đã có lần thố lộ với cựu hoàng: "...Thưa ngài, tôi không biết phải làm thế nào bây giờ! Tình thế rất khó khăn. Tôi biết chắc rằng bọn Pháp không muốn điều đình với tôi. Tôi không được đồng minh tín nhiệm. Ai cũng thấy tôi đỏ quá..." (sđd, trg. 231).

Sở dĩ chính xác vì cựu hoàng đã thoái vị với tâm nguyện được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị vào ngày 25-8-1945; hai ngày sau khi họ Hồ gửi vào Huế hai đại diện của Việt Nam Độc lập Đồng minh hội là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Lúc cựu hoàng còn tại vị, Trần Huy Liệu đã: "Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch HCM của Mặt Trận Giải Phóng đất nước cho chúng tôi vinh dự đến gần hoàng thượng, để nhận ấn kiếm". Thế nhưng khi cựu hoàng ra Bắc theo lời mời của chính họ Hồ, thì HCM lại ra vẻ thân thiết, tâm sự: "Thưa ngài, tôi không liên quan gì đến bức điện tín mà ngài nhận được ở Huế, yêu cầu thoái vị. Riêng cá nhân tôi, như đã từng nói hôm 22-8, tôi vẫn nghĩ để ngài lãnh đạo quốc gia, và đặt tôi vào địa vị thủ tướng, lãnh đạo chính phủ mà thôi. Tôi không đồng ý với những người đã ép Ngài đến chỗ thoái ngôi..." (sđd, trg. 198).

Trong thời gian gần một năm sinh hoạt bên cạnh họ Hồ, cựu hoàng với tư cách công dân Vĩnh Thụy và là Tối cao Cố vấn của chính phủ HCM đã bị họ Hồ mạo danh để gửi một thông điệp cho Pháp. Cựu hoàng kết luận cho trường hợp mạo danh trên: "... Và tôi tin chắc rằng, tôi không phải là người thứ nhứt và độc nhứt bị đem ra để lợi dụng..." (sđd, trg. 228). Cựu hoàng và tất cả chúng ta đều biết rõ, họ Hồ mời cựu hoàng làm Tối cao Cố vấn chỉ là để lợi dụng uy thế và ảnh hưởng chính trị (nhất là với Pháp và Trung Hoa quốc gia) của một cựu hoàng đế đã có 20 năm tại vị, cũng như lợi dụng uy tín và ảnh hưởng của Tối cao Cố vấn Giám mục Lê Hữu Từ trong cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Nhân danh dân tộc Việt Nam, họ Hồ đã gửi đại diện vào triều đình Huế nhận ấn kiếm hoàng đế, một hình thức áp lực phải thoái vị. Nhưng sau đó, khi tình hình chính trị rối bời, vượt khả năng mình, họ Hồ lại: "... Vậy tôi xin ngài, làm cuộc hy sinh thứ hai là ngài nhận lại quyền hành như trước..." (sđd, trg. 231). Đánh giá cái gọi là Hội đồng Bộ Trưởng của chính phủ HCM, cựu hoàng viết: "... Sự tham gia vào các cuộc bàn cãi quốc gia này làm tôi nhớ lại các kinh nghiệm cũ của tôi. Tôi lại thấy trở lại cùng một vấn đề, đã từng thảo luận với Ngô Đình Diệm, với Phạm Quỳnh, với Trần Trọng Kim. Thật là những người cao khiết, rất tài ba, sung mãn, nhiều ý kiến, nhưng chỉ khổ nỗi không có phương tiện để thực hiện quyền hành. Thế mà các đồng nghiệp của tôi bây giờ, lại chỉ là những nhà lý thuyết suông..." (sđd, trg. 209). Các đồng nghiệp của cựu hoàng trong hội đồng bộ trưởng lúc đó là ai? Là Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Nội vụ), Chu Văn Tấn (Quốc phòng), Trần Huy Liệu (Thông tin - Tuyên truyền), Phạm Văn Đồng (Tài chánh), v.v...

Những bộ trưởng, các nhà lý thuyết suông, những kẻ thân cận với HCM và là những nhân tố đầu tiên của đảng CSVN này, theo Thành Tín trong Hoa Xuyên Tuyết nhận định: "...Các ông đều tiếp thu phong cách sống của chủ tịch HCM..." (sđd, trg. 122)! Cám ơn ông Thành Tín.

Nhất Cả Việt Nam Dân Tộc Chủ Nghĩa Ngụy Trang Giả, tác giả là Tưởng Vĩnh Kinh, xuất bản tại Đài Bắc năm 1972. Đây là một tác phẩm được biên khảo rất công phu với nhiều nguồn tài liệu khác nhau từ sách vở Âu-Mỹ đến thư viện của tổng thống Tưởng Giới Thạch và văn khố của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Dương Thượng Cẩn lược dịch tác phẩm này với tựa đề HCM tại Trung quốc (HCMTTQ), đã ghi chú rất kỹ lưỡng, rõ ràng; cho thấy ông Dương cũng là một học giả đã dày công nghiên cứu, tìm tòi về cuộc đời và những hoạt động của HCM. Bản dịch bắt đầu được đăng dài hạn trên nguyệt san Việt Nam hải Ngoại từ 1-5-1978. Kẻ hậu sinh này có cơ duyên giữ được toàn bộ tập tài liệu trên, nay xin mạo muội cô đọng và trích dẫn như một tài liệu quí. Kính mong Dương tiên sinh, nhị vị chủ nhiệm, chủ bút và ban biên tập của Việt Nam Hải Ngoại thông cảm và đồng ý với chúng tôi.


Chương I:
Gia thế và tuổi thiếu thời

HCM là một nhân vật có tiểu sử mù mờ nhất trong lịch sử cận đại, điều đó hiển nhiên, vì "... Đời của lãnh tụ CS HCM hoàn toàn giả mạo từ ngày sinh cho đến ngày ông mất. Những tác phẩm tự tôn dương do chính ông viết với hai ba bút hiệu cùng các tác phẩm văn thơ đều có tính cách dối trá..." (Bùi Xuân Quang, HCM, Sự thật về Thân thế & Sự nghiệp, Nam Á xb 1990, trg. 13).

Trong tờ đơn viết tay xin nhập học trường thuộc địa của Nguyễn Tất Thành, tức HCM, thì Hồ sinh ngày 24.1.1882. Một tài liệu khác lại ghi "... quê huyện Nam Đàn, tỉnh Vinh, Nguyễn Tất Thành tức Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 15.1.1884 tại làng Kim Liên. Ngược lại, trong chiếu khán thông hành cấp năm 1923 để ông nhập cảnh liên bang Nga xô, thì ghi ngày 15.1.1985" (Nguyễn Thế Anh, sđd, trg. 24).

Thep HCMTTQ thì họ Hồ sinh ngày 19.5.1890 tại thôn Kim Liên, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung; đến năm 10 tuổi thì đổi là Nguyễn Tất Thành. Trong thời gian ở hải ngoại, Hồ đã thay tên đổi họ rất nhiều lần. Cuối năm 1938 thì tên HCM xuất hiện tại Diên An, Quế Lâm, Long Châu, Quý Dương, Trùng Khánh, Côn Minh và Tĩnh Tây. Họ Hồ sinh ra trong một gia đình khoa bảng, ông nội và thân phụ họ Hồ đều là lớp khoa cử chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Theo học giả Hoàng Văn Chí thì ông nội Hồ thi đậu cử nhân, được bổ làm tri huyện, sau đó vì mắc tội phạm thượng nên bị cách chức. Nội tổ họ Hồ có hai vợ: vợ cả (chính phòng) và vợ lẽ (thiên phòng). Thân phụ họ Hồ là con vợ lẽ nên không được đãi ngộ và chịu nhiều thiệt thòi. Sau khi thân phụ mất, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Hồ) ở với anh, nhưng vẫn bị đối xử như hàng nô bộc. Uất ức, Nguyễn Sinh Sắc quyết chí học hành để mưu cầu công danh. Thời đó ở Miếu thôn có cụ tú Hoàng Xuân An. Thấy ông Sắc chuyên cần cầu học nên cụ tú nâng đỡ, thương yêu và gả con gái là Hoàng Thị Oanh cho. Cuộc hôn nhân đó có thành quả là ba người con, con gái lớn là Nguyễn Thị Thành (Bạch Liên nữ sĩ), người con thứ là Nguyễn Khiêm sau đổi tên lã Nguyễn Tất Đạt, người con út là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi tên là Nguyễn Tất Thành, tức HCM.

Năm 1894 ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân và được triều đình Huế triệu vào Thuận Hóa (kinh thành Huế) nhận chức giám sinh. Năm 1905, ông Sắc nhậm chức thừa biện thuộc bộ Lễ, sang năm 1909 được bổ làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Theo vài tài liệu khác thì khi làm tri huyện, ông Sắc say rượu đánh người nên bị cách chức. Nhưng theo HCMTTQ của Tưởng tiên sinh thì ông huyện Sắc đã xử án và phóng thích can phạm bất minh nên bị bãi chức. Ông Sắc không trở về Nghệ An mà sinh sống bằng nghề đông y tại Cao Lãnh và qua đời tại đó vào năm 1930.

Theo sự nghiên cứu của học giả Dương Thượng Cẩn thì bà Nguyễn Thị Thành, chị của HCM, không lập gia đình, tham gia tổ chức chống thực dân Pháp, bị bắt và quản thúc tại Quảng Ngãi, cho đến năm 1945 thì trở về Nam Liên và mất tại đó vào năm 1954. Ông Nguyễn Tất Đạt hành nghề dạy học, đã từng làm kháng thư gửi toàn quyền Albert Saraut, bị Pháp bắt giam đến năm 1945 thì được phóng thích. Ông Đạt cũng không lập gia đình và mất vào khoảng tháng 11.1950.

Trong thời gian làm quan tại Huế, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa HCM vào học tại trường Quốc Học theo lối giáo dục Pháp-Việt (France Vietnamese education). Ông Sắc ủng hộ chủ trương thu nhập văn minh Tây phương để cứu quốc (phái Cải lương) của chí sĩ Phan Châu Trinh, mặc dù với cụ Phan Bội Châu vẫn có giao tình. Họ Hồ chịu ảnh hưởng thân phụ ở điểm này.

HCM theo học trường Quốc Học khoảng sáu năm thì đành phải nghỉ học vì thân phụ bị cách chức, không đủ tài chánh để Hồ theo đuổi đèn sách. Điều này khác với những trang đảng sử đã ghi lại rằng họ Hồ bỏ học vì nhận định rằng lối giáo dục Pháp chỉ đào tạo tay sai cho đế quốc (theo Trường Chinh). Còn Phạm văn Đồng thì lại cho rằng vì Hồ tham gia hoạt động chống Pháp nên không được cấp bằng tốt nghiệp. Hai lý do trên, theo đảng sử, cũng chỉ để tô bóng, lý tưởng hóa cho việc phải nghỉ học và vốn liếng học vấn sơ sài của họ Hồ.

Cho đến năm 1911, Hồ vào Phan Thiết làm giáo viên cho trường Dục Thanh, một cơ quan giáo dục của phong trào Duy Tân. Trường Dục Thanh có khoảng 70 học sinh tiểu học, chương trình giáo dục gồm Việt, Pháp và Hán văn. Trong thời gian này, họ Hồ vẫn chưa cho hành động hoặc tư tưởng chống Pháp.

Khoảng tháng 10.1911, HCM rời Phan Thiết vào Sài Gòn; ở đây, Hồ xin vào học trường công nhân hàng hải với khóa cấp tốc ba tháng. Đến cuối năm 1912, Hồ là công nhân bồi tàu của công ty hàng hải Pháp: SS LA Touche Treville. Theo Bernard Fall trong The Two Vietnams, Hồ là kitchen boy (phụ bếp - chú thích của TVK). Lúc này họ Hồ có tên là Ba và bắt đầu theo những chuyến hải hành qua các nước Âu Châu và thuộc địa của Pháp tại Phi châu.

Theo Trường Chinh trong Hồ Chủ Tịch thì họ Hồ qua Pháp và các nước Âu châu vì ở những quốc gia đó có tự do, dân chủ, dân quyền. Nhưng theo Tưởng tiên sinh thì Hồ đã ngả theo phái cải lương của cụ Phan Chu Trinh và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục mới, và đó là lý do chính để Hồ nuôi mộng xuất dương.


Chương II:
Bôn ba hải ngoại

Khoảng cuối năm 1917 đến 1923, HCM cư ngụ tại Paris. Trong thời gian đầu, Hồ có giao dịch, liên lạc với các nhân sĩ cách mạng thuộc phái cải lương của cụ Phan Chu Trinh. Nhưng sau đó, khi quen biết các thành phần nhân sự thuộc tả phái ở Pháp thì Hồ trở thành đảng viên của đảng Xã Hội Pháp. Ít lâu sau, Hồ lại bỏ Đảng Xã Hội và xin gia nhập đảng Cộng Sản Pháp.

Là công nhân hàng hải, HCM vẫn thường theo tàu qua các nước Phi châu và Bắc Mỹ, cho đến năm 1914, đế nhất Thế chiến, Hồ trôi giạt sang Luân Đôn và độ nhật bằng nghề quét tuyết cho một trường học, tối thì đến ngủ nhờ nhà một người Pháp, Escoffier, nấu bếp cho khách sạn Carlton. Escoffier thấy Hồ nói rành Pháp ngữ nên có cảm tình, chọn Hồ làm bồi bàn cho nhà hàng của khách sạn. Tại Luân Đôn, HCM giao thiệp và sinh hoạt với nhóm ngoại kiều Á châu, gia nhập tổ chức Công nhân Ngoại kiều có chủ trương chống chủ nghĩa thực dân; đa số thủ lãnh là người Trung Hoa. Sau đó, Hồ lại bỏ nghề bồi bàn, trở lại xin làm công nhân hàng hải và đến New York. Vào thời gian này, phong trào kỳ thị da đen đang thịnh hành, Hồ có dịp mục kích những đối xử bất công của những người Mỹ da trắng, và đó là cơ sở cho bản văn của Hồ nhằm nêu lên sự kỳ thị và mâu thuẫn chủng tộc của Mỹ quốc tại Mạc Tư Khoa vào năm 1924.

Năm 1917, HCM đến Ba Lê và định cư tại đây. Có căn bản Hán học, viết chữ đẹp, lại khéo tay nên Hồ mở một tiệm chụp ảnh, sửa và phóng lớn ảnh chụp. Từ năm 1918 đến 1921, họ Hồ cư ngụ tại số 9 Impasse Compoint Paris 16, một khu xóm nghèo nàn rách nát cũng như cuộc sống của Hồ. Một đảng viên CS Pháp ghi lại: "... Căn phòng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ có một cái giường sắt cũ và một cái bàn mục nhỏ. Dưới gầm nhét một cái chậu rửa mặt. Mỗi buổi sáng đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới chỗ sửa ảnh làm việc. Lúc về nấu một niêu cơm với canh cà, ăn một nửa còn một nửa để dành ăn buổi chiều. Trời mùa đông lạnh giá, chăn không đủ ấm, phải đem hỏa lò nhỏ đốt ở phòng một phụ nữ phía đông. Tối đến lại phải dùng giấy báo cũ đắp trên đầu cho ấm...". Năm 1922, Họ dọn đến nhà số 6 thuộc khu phố Gobelins, cạnh nhà luật sư Phan Văn Trường, cuộc sống của Hồ cũng vẫn đói rách. Nhưng cũng tại đây, HCM đã tạm quên nỗi đói rách để tìm cho mình một cuộc tình lãng mạn!

Ngày 10.5.1923, HCM đã gửi cho cô đầm Bourdon một thông điệp của trái tim "... mải miết chọn ảnh cô, mải miết ngắm chúng, cuối cùng tôi thấy cái nào cũng đẹp cả. Không thế sao được, khi mà chính người mẫu là một thanh nữ yêu kiều, duyên dáng quyến rũ. Tôi gửi cô hai tấm, tôi giữ lại ba tấm, tôi sẽ làm cả ba nếu có đủ thời giờ. Nhân dịp, cô có cho phép tôi làm thành hai bản không? Một cho cô và một cho tôi để kỷ niệm tình bạn của chúng ta...". Để rồi đến ngày 11.6.1923, họ Hồ đau đớn nhận lá thư tuyệt tình của cô đầm trong mộng: "...Tôi mới nhận được thư anh, và tôi xin anh hãy giữ các bức ảnh anh đã rửa cho tôi. Đâu phải là tôi đã nhờ anh phóng to ảnh đó. Tôi thấy bức thư gửi cho tôi quá là kỳ dị, và tôi không hiểu rõ cho lắm ý nghĩa của lời lẽ đó. Vậy nếu anh có ý định biếu tôi những tấm ảnh ấy, thì anh cứ đến tiệm ăn, còn nếu không thì là vô ích." (Nguyễn Thế Anh, HCM, Thân thế & Sự nghiệp, trg. 25). Cũng theo chú thích của ông Nguyễn Thế Anh, thì bức thư này bị giấu nhẹm, nhưng bản văn lại được lưu trữ tại Trung tâm Văn khố Hải ngoại, kho Slotfom 11/14. Yêu đương là tình cảm phải có của một con người, dù là vĩ nhân, vì ai cũng có một trái tim. Nhưng đảng CSVN đã cố ý tạo HCM thành một nhân vật phi thường, một con người CS siêu việt, suốt cuộc đời chỉ biết lo cho... đảng, nên không có vụ tình cảm linh tinh.

Cũng tại Pháp, họ Hồ có liên lạc với cụ Phan Chu Trinh nhưng lại không đồng quan điểm cải lương của cụ Phan, riêng luật sư Phan Văn Trường, vì có xu hướng CS nên Hồ có vẻ thân cận. Trong thời gian này, LS Trường và ông Nguyễn Thế Truyền (kỹ sư hóa học) ra một tờ báo tên là Việt Nam Hồn. Qua môi trường này và qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Thế Truyền, Hồ có dịp giao tiếp với các chính khách thuộc tả phái là Léon Blum, Marcel Cachin và Marius Moutet.

Đa số các Việt kiều tại Pháp vào thời điểm này đều mong muốn người pháp phải cải thiện chế độ thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Một nhóm thì tìm ảnh hưởng ở giai cấp tư sản, quyền bính; nhóm khác thì tìm sự vận động trong công nhân và thợ thuyền. Theo HCMTTQ thì trong lúc này, Hồ cũng chưa nhận thức được gì về chủ nghĩa Xã Hội hay Cộng Sản. Họ Hồ gia nhập đảng Xã Hội chỉ vì muốn hư danh, muốn được các chính khách trong đảng Xã Hội gọi mình là đồng chí, vì chính HCM cũng đã thú nhận như thế. Nguyên nhân thu hút và chi phối, để rồi HCM ngả qua đảng CS Pháp là cương lĩnh của Lénin về các dân tộc bị nô lệ và các chế độ thực dân trong hội nghị Đệ tam Quốc tế Cộng Sản lần thứ nhì. Tuy thế, vào tháng 12.1920 tại đại hội lần thứ 18 của đảng Xã Hội Pháp, họ Hồ tự khoác cho mình vai trò đại biểu của Đông Dương lên diễn đàn tố cáo chế độ thực dân Pháp đàn áp nhân dân VN. Qua sự trình bày của Hồ, tất cả những người dân Việt bị thực dân Pháp giết hại, bị tù đày hay quản thúc đều có khuynh hướng hoặc tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa. HCM được cử tọa của đảng Xã Hội Pháp vỗ tay tán thưởng và ủng hộ.

Thực tế thì những người VN bị thực dân Pháp bắt hoặc giết hại, quản thúc đều là những nhà ái quốc với ý thức bảo tồn dân tộc hoặc theo phong trào Cần Vương chứ chưa ai có ý thức về Xã hội Chủ nghĩa (XHCN). Nhưng với bản chất tinh quái, lừa đảo; Hồ đã lợi dụng chiêu bài XHCN để được tán thưởng, ủng hộ. Cũng sau kỳ đại hội này, đảng Xã hội Pháp chia làm hai phái, một phái theo đệ nhị Quốc tế CS, phái kia theo đệ tam Quốc tế CS nhưng do Liên sô lãnh đạo, họ Hồ đã ngả theo phái đệ tam và chính thức gia nhập đảng CS Pháp.

Khi đã là đảng viên, HCM được các cán bộ CS huấn luyện. Trường huấn luyện đảng CS Pháp do Radi điều khiển, ông này có hai con trai là Voltaire và Renan đều là bạn của Hồ. Hai người này đưa Hồ vào sinh hoạt trong đoàn thanh niên. Sau đó, họ Hồ lại được CS Pháp hậu thuẫn để thành lập hội Nhân dân các Thuộc địa Liên hiệp (Union Intercoloniale), đây là thời gian tờ báo Người Cùng Khổ (Le Paria) ra đời. Trong thời gian 1922-1923, ngoài số bài có tính cách thường xuyên trên Người Cùng Khổ, họ Hồ còn viết bài đăng tải trên các báo Nhân Đạo và Công Nhân Sinh Hoạt. Có giả thuyết cho rằng những bài viết trên đều được sự gợi ý và sửa chữa của ông Nguyễn Thế Truyền. Giả thuyết này hợp lý, vì trên thực tế, khả năng Pháp văn và căn bản học lực của HCM chưa đủ để viết những bài báo về chính trị bằng Pháp văn. Người Cùng Khổ, cho đến giữa năm 1923, sau khi họ Hồ được CS Quốc tế đưa sang Mạc Tư Khoa thì không ra đúng kỳ hạn nữa.

Là đảng viên đảng CS Pháp, được hậu thuẫn để lập hội đoàn, làm báo và được đảng CS Pháp gửi đi dự đại hội CS Quốc tế kỳ V tại Mạc Tư Khoa vào tháng 4-1924, nhưng trong đại hội này, Hồ lại phát biểu: "...Tôi là một người sinh trưởng tại một quốc gia bị thực dân Pháp cai trị và tôi cũng là đảng viên đảng CS Pháp". Sau đó, họ Hồ phàn nàn, than phiền với đại hội về những hoạt động yếu ớt, thiếu phương tiện liên lạc tuyên truyền của đảng CS Pháp tại các nước thuộc địa. Sự kiện này cho chúng ta thấy rằng HCM đã chuyển từ tư tưởng cải lương, cấp tiến qua chủ nghĩa CS.


Chương III:
Hướng về Phương Đông

Từ giữa năm 1923 đến cuối năm 1924, họ Hồ là tân khách của Mạc Tư Khoa. Hồ tham gia hoạt động của CS quốc tế và đi theo chính sách Đông phương của Mạc Tư Khoa đã đề xướng. Theo HCMTTQ thì Hồ xuất hiện lần đầu tiên trong trường CS quốc tế là đại hội kỳ V chứ không phải kỳ IV như sử gia CS Đức, Ruth Fisher ghi nhận, vì trong danh sách đại hội kỳ IV không có tên một đảng viên CSVN nào cả. Cũng theo HCMTTQ thì tư liệu của CS Trung Hoa có ghi: "...Đầu tháng 10.1923, An Nam chí sĩ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện tại Mạc Tư Khoa...".

Chuyển hướng về Đông phương là chính sách của Mạc Tư Khoa, vì thế Hồ đã tham gia những hoạt động của chính sách này như Công hội Đỏ Quốc tế, Nông Dân Quốc Tế và trường Đông phương Lao động Đại học Cộng sản từ tháng 6.1923. Thời kỳ này, họ Hồ có soạn một tập tài liệu tố cáo tội ác của thực dân Pháp, và trong các kỳ đại hội của Công hội Đỏ, họ Hồ lên tiếng kêu gọi công nhân tại các quốc gia Đông phương nên đề cao cảnh giác về nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra tại vùng Thái Bình Dương. Tuy nhiều lần phát biểu cũng như đề cao việc chống chiến tranh, nhưng khi chiến tranh bùng nổ, Hồ đã lợi dụng, nương theo những ảnh hưởng của cuộc chiến đó để lén về lại VN, và cũng nhờ vào cuộc chiến đó mà Hồ đã có cơ hội cướp chính quyền.

Họ Hồ được huấn luyện tại đại học Đông phương do CS Nga lập ra với mục đích đào tạo các đảng viên CS Á châu, để họ thấm nhuần tư tưởng Mác-Lê và sách lược của Bolshesvik. Theo nhật ký của họ Hồ thì: "...Trường Đại Học Đông Phương có 1025 sinh viên, trong đó có 151 nữ sinh viên. Trong số linh một nghìn sinh viên đó thì có 895 người là đảng viên Cộng Sản. Thành phần xã hội chia ra như sau: 547 người là nông dân; 265 người là công nhân; 210 người là phần tử trí thức. Cộng lại là 1022 người còn 3 người thuộc các thành phần khác. 105 người giáo sư phụ trách dạy các môn khoa học, toán học, lịch sử duy vật luận, công nhân vận động sử và chính trị kinh tế học, v.v..."

Được đảng CS Pháp tín cẩn, cử đi dự đại hội CS kỳ V tại Mạc Tư Khoa, nhưng khi thấy chủ thuyết Lénine được đề cao; Hồ đã muối mặt phát biểu và viết bài tố cáo đảng CS Pháp đi ngược lại chủ thuyết Lénine, Hồ còn trách các đảng viên CS Pháp có xu hướng khuynh hữu và tố cáo đảng CS Pháp đã không lưu ý đến những dân tộc bị trị. Những lời tố cáo vong ân bội nghĩa trên là những lý do để đoàn đại biểu CS Pháp tại đại hội kỳ V bị các phái đoàn CS của các nước khác khinh khi, coi thường. Và cũng vì vô ơn bạc nghĩa, Hồ không dám trở về Pháp mà đã chọn Quảng Châu để thực hiện âm mưu, dùng lớp vỏ ngụy trang Dân tộc Chủ nghĩa để âm thầm tiến hành bành trướng chủ nghĩa CS tại VN. Lúc đó, Mạc Tư Khoa còn coi nhẹ, chưa chú ý đến môi trường VN; nhưng vì Hồ không còn đất để dụng võ ở Pháp nữa, nên đã chuyển hướng về Đông phương. Đó là lý do chính khiến HCM thay đổi địa bàn hoạt động từ Tây qua Đông phương.


Chương IV:
Ngụy trang Dân tộc Chủ nghĩa

Họ Hồ rời Mạc Tư Khoa sang Quảnh Châu, thuộc phía nam Trung Hoa vào cuối năm 1924 và đến tháng 4.1927 thì rời Quảng Châu để đến Vũ Hán. Đến tháng 7.1927, Hồ lại trở về Mạc Tư Khoa. Đây là lần đầu tiên Hồ đặt chân đến Trung Hoa. Trong khoảng hai năm rưỡi đó, nhiệm vụ của Hồ là thi hành chính sách Đông phương và lợi dụng cách mạng Trung Hoa để gây ảnh hưởng vào cách mạng Việt Nam.

Quảng Châu không những là trung tâm lãnh đạo của cách mạng Trung Hoa mà còn là "thánh địa" của các lực lượng cách mạng Á châu chống lại chủ nghĩa đế quốc. Trường Quân Chính Cách Mạng còn có tên là trường Hoàng Phố do Tưởng Trung Chính, tức Tổng thống Tưởng Giới Thạch chủ trì. Hoàng Phố là nơi hấp dẫn một số lớn thanh niên trí thức có nhiệt huyết và tinh thần quốc gia dân tộc tại Á châu. Theo bản Học sinh Thống kê kỷ học kỳ thứ tư năm 1925, thì lúc này, trường Hoàng Phố đã có khoảng 4,400 người theo học đến từ VN, Miến Điện, Đại Hàn và Đài Loan. Những thanh niên theo học tại đây, không những được thụ huấn về chiến thuật, kỹ thuật, khoa học Tây phương mà còn học tập về Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn.

Dư luận quốc tế và đặc biệt tại Á châu chú ý vào Quảng Châu vì hai nguyên nhân chính:

1. Chí sĩ Cách mạng Dân tộc người VN là Phạm Hồng Thái đã mưu sát toàn quyền Đông Pháp là Merlin tại Sa Điền, Quảng Châu. Tuy bất thành và Phạm Hồng Thái đã tự trầm tại sông Châu Giang, nhưng tiếng bom Sa Điền và lòng quả cảm của liệt sĩ họ Phạm đã đánh thức những tấm lòng của thanh niên Châu Á nói chung và VN nói riêng.

2. Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đảng (VNQD Đ) là chí sĩ Phan Bội Châu bị HCM bán đứng cho thực dân Pháp, bị giải giao về VN, lên án tử hình và sau đó, ân xá bằng hình thức an trí tại Huế.

Hai sự kiện trên đã tạo thành cao trào đấu tranh đòi độc lập của dân Việt. Họ Hồ quỷ quyệt lợi dụng cơ hội tốt này để ngầm tổ chức và hoạt động cho đảng CS. Khi liệt sĩ Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Điền bùng nổ thì Hồ đang ở Mạc Tư Khoa, bản thân họ Hồ cũng không dính dáng gì đến Tâm Tâm xã của cụ Phan. Nhưng khi về lại Quảng Châu, Hồ đã liên lạc với Tâm Tâm xã và với luận điệu quốc gia dân tộc, Hồ dùng ngụy thuyết để vận động nhóm này thành lập Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (TNCMĐCH) với Hội chủ là cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hải Thần (cố vấn), Lý Thụy , tức HCM (tổng thư ký), v.v...

CS đã tạo ngụy sử về liệt sĩ Phạm Hồng Thái, khoác cho Phạm Hồng Thái xu hướng CS, nên khi đề cập đến Lê Hồng Phong, Những người Cộng Sản, (nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1977) viết: "...Tháng 4.1924 Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm Xã. Tổ chức này do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và một số người khác lập ra từ năm 1923 (cố ý không nhắc đến cụ Phan Bội Châu), nhằm tập họp những người Việt Nam yêu nước, mưu đánh Pháp giành độc lập dân tộc. Ngày 19.6.1924, Phạm Hồng Thái được Tâm Tâm Xã cử đi giết toàn quyền Méc-Lanh...". Nhưng ở một đoạn khác, trong cùng cuốn sách, khi nói về Hồ Tùng Mậu, thì: "...đầu năm 1924, Hồ Tùng Mậu trở lại Quảng Châu thì đã xảy ra vụ Phạm Hồng Thái..."

Nhũng dòng ngụy sử trên được viết ra, ngầm đưa liệt sĩ ho Phạm vào quỹ đạo CS, lại cố ý mập mờ, bóp méo sự thực về sự thành lập Tâm Tâm xã. Sự thực khác xa. Tâm Tâm Xã do chính cụ Phan Bội Châu thành lập để bảo bọc cho những thanh niên VN còn sót lại tại Quảng Châu, "...Cụ (PBC) viết báo Tàu để nuôi sống và châu cấp bọn thanh niên hoặc đang tòng học, hoặc đang hoạt động. Trong số đó có Nguyễn Công Viện, Trần Đức Quang tức Lê Quốc Đạt, Lê Tấn Anh tức Hồng Sơn và Lê Hồng Phong v.v..." (Ba nhà chí sĩ họ Phan, Đào Văn Hội, Văn Sử xb, trg. 127).

Lại một đoạn chính sử khác về liệt sĩ họ Phạm: "...Công việc đương tiến hành (thành lập Tâm Tâm Xã) thì gặp được cơ hội tốt là Toàn quyền Merlin đo công cán qua Nhựt lúc về có ghé thăm Quảng Châu, bị Phạm Hồng Thái mưu sát hụt tám giờ tối ngày 18 tháng 6, 1924. Trái bom mà Phạm liệng vào khách sạn Victoria, tuy không được kết quả như ý, nhưng thực đã có công dụng thức tỉnh đồng bào VN đang mơ ngủ trong nước không phải là nhỏ..." (Đào Văn Hội, sđd, trg. 128).

Trên thực tế hoặc chính sử thì Tâm Tâm Xã không cử đích danh Phạm Hồng Thái ám sát Merlin mà đó là hành động hoàn toàn tự phát, tự nguyện bởi lòng yêu nước của cá nhân họ Phạm, HCM thì đang ở Mạc Tư Khoa, Hồ Tùng Mậu thì về VN. Vì thế, theo chính sử, không thể nói rằng ý thức và tổ chức CS là nguyên nhân để trái bom Sa Điền của liệt sĩ họ Phạm bùng nổ như một đánh thức lòng yêu nước của người VN đương thời và ảnh hưởng cho đến ngày nay.

Sự kiện cụ Phan Bội Châu tức Sào Nam Tử bị mật thám Pháp bắt cóc tại Thượng Hải vào khoảng cuối tháng 6.1925 do HCM và Nguyễn Công Viện tức Lam Đức Thủ bán đứng đã tạo chỗ trống lãnh đạo của thanh niên VN yêu nước đương thời, họ Hồ đã quỷ quyệt trá hình, đóng tuồng lãnh đạo những người VN chống Pháp.

Trong thời gian này, không ai biết Hồ là Nguyễn Ái Quốc. Họ Hồ đã dùng nhiều tên khác nhau như đồng chí lão Vương, Lý Thụy, sau đó lại đổi thành Vương Sơn Nhì, nhưng trong các văn kiện được sưu tập của CS Trung Hoa, thì họ Hồ còn có tên là Vương Đạt Nhân. Cũng trong lúc này, họ Hồ tức Lý Thụy là thư ký kiêm thông dịch viên cho Pháo La Đình, Michael Borodin, một viên chức cao cấp của Liên sô được cử làm cố vấn cho chính phủ Trung Hoa, Hồ cũng bí mật công tác cho Viễn Đông Vụ của CS quốc tế. Thời kỳ này, Trung Hoa đang áp dụng chính sách "Liên Nga Dung Cộng" nên các đảng viên CS Trung Hoa vẫn hoạt động công khai tại Quảng Châu. Tuy vậy Hồ vẫn ẩn núp dưới chiêu bài quốc gia dân tộc và che giấu rất kỹ việc bản thân là cán bộ của đảng CS quốc tế do Liên sô lãnh đạo, nhằm dễ dàng chiêu dụ các thanh niên VN có lòng yêu nước.

Vào năm 1926, tuy đã thành lập Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, họ Hồ vẫn ngụy trang dưới chiêu bài chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Vào tháng 11.1926, theo HCMTTQ, trong đại hội toàn quốc của Trung Hoa Quốc Dân đảng triệu tập tại Quảng Châu, họ Hồ đã tự nhận là một người VN lưu vong gửi đến đại hội một văn thư tả nỗi thống khổ của dân VN dưới ách cai trị của thực dân Pháp, nguyên văn như sau:

Trung Hoa Quốc Dân đảng đệ nhị thứ toàn quốc đại biểu đại hội chủ tịch đoàn chư đồng chí giám:

Kính khải giả, tệ nhân thị Việt Nam vong quốc lưu dân, bôn ba đáo thứ. Hạnh đạt quý hội khai hội thanh minh viện trợ thế giới bị áp bách dân tộc giải phóng, bất thắng hân hỉ. Dãn thị: "Dục dữ rĩ dược tất tiên tri kỳ bệnh". Sở dĩ tệ nhân yêu cầu quý hội hoài hứa tiền lai bảo bạch tệ quốc thống khổ tình hình, sự dục trợ, ngã giả đắc dĩ, nghiên cứu nhi tẩm phương châm. Tệ quốc hạnh thâm! Cách mạng hạnh thâm! Lâm thư thần trí, kính chúc.

Trung Quốc cách mạng vạn tuế!
Trung hoa Quốc dân đảng vạn tuế!
Lý Thụy

Thông tin xứ: Bào công Quán Trường Xuyên Mộc tiên sinh chuyển. Trung Hoa Dân Quốc thập ngũ niên chính nguyệt lục nhật.

Bản dịch của Dương Thượng Cẩn:

Kính gửi,

Các đồng chí chủ tịch đoàn trong đại hội đại biểu Trung quốc Quốc dân đảng.

Thưa quý vị,

Tệ nhân (tôi) là một người Việt Nam lưu vong bôn ba đến đây. May mắn gặp quý đại hội khai mạc và lên tiếng viện trợ cho các dân tộc bị áp bức được giải phóng, nên rất vui mừng. Nhưng mà "muốn cho thuốc, tất nhiên trước hết phải biết rõ căn bệnh" cho nên tệ nhân muốn yêu cầu được trình bày rõ những nỗi thống khổ và tình hình của tệ quốc, để xin giúp chúng tôi tìm kiếm một phương châm.

Được như thế là một điều may mắn lớn cho tệ quốc và cũng là điều may mắn lớn cho cách mạng. Lá thư này gửi tới với tất cả tinh thần theo đuổi và mong mỏi.

Kính chúc,
Trung quốc cách mạng muôn năm,
Trung hoa Quốc dân đảng muôn năm.
Lý Thụy

Nơi thông tin:
Bào công Quán Trương Xuân Mộc tiên sinh chuyển (Bào công Quán tức là văn phòng của Bào La Đình hoặc Pháo La Đình tức Michael Borodin).
Trung hoa Dân quốc năm thứ 15 tháng giêng ngày mồng sáu.

Họ Hồ đưa phong thư cho Đàm Bình Sơn với ghi chú "khi thảo luận đến đề án dân tộc xin xuất hiện báo cáo". Đến ngày 14.1.1926 Hồ xuất hiện tại đại hội với tên Vương Đạt Nhân để báo cáo với đề tài "Sự thống khổ của dân tộc An Nam". Nhờ vào cơ hội này mà Hồ tiếp xúc được với Trung hoa Quốc dân đảng, theo gương CS Trung Hoa, là dùng hình thức dân tộc chủ nghĩa để vận động. Nhờ đó, HCM kêu gọi thanh niên gia nhập Đồng chí hội với sự hỗ trợ của các đảng viên Trung Cộng.

Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ra đời là nhờ vào ảnh hưởng của Tâm Tâm xã vốn là cơ sở thuộc VN Quốc dân đảng của cụ Phan Bội Châu. Như đã đề cập ở phần trên, các thanh niên nòng cốt của Tâm Tâm xã gồm có Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, v.v... Thâm nhập vào Tâm Tâm xã, họ Hồ chiêu dụ Hồ Tùng Mậu gia nhập đang CS Trung Quốc, Lê Hồng Phong được Hồ gửi đi học quân sự tại Mạc Tư Khoa, được bầu làm ủy viên dự khuyết trong đại hội Quốc tế Cộng sản kỳ VI vào năm 1935 và được cử về lãnh đạo đảng CSVN. lê Hồng Phong trở về Quảng Châu và trở thành tay sai đắc lực cho HCM. Trụ sở của TNCMĐCH đặt tại số 13 đường Văn Minh, Quảng Châu cũng là nơi cư ngụ của họ Hồ. Tại đây có những lớp huấn luyện cán bộ của hội. Chi phí cho những lớp huấn luyện này đều do Trung Cộng đài thọ. Sau thời gian huấn luyện, những phần tử ưu tú được giữ lại Quảng Châu để hoạt động, số còn lại thì được gửi về VN để thành lập các chi bộ, tiểu tổ. Trong lúc này họ Hồ thường mặc y phục "trung sơn trang", Hồ cũng được mô tả như một nhân vật ăn nói chậm rãi, giải thích mạch lạc, rõ ràng. Hồ Tùng Mậu (lão Lương) và Lê Hồng Phong (lão Hoài) đều ăn mặc theo lối sinh viên Trung Hoa và những ủy viên tuyên huấn của các khóa học này.

Tài liệu học tập của các khóa học được rút ra từ lý thuyết của chủ nghĩa CS trong tiến trình qua các chế độ tù trưởng, nô lệ đến phong kiến và từ Tư bản Đế quốc Chủ nghĩa đến chủ nghĩa CS; thêm vào đó là các bài học về học thuyết Mác-Lê. Sau đó nữa là phần học tập cách làm báo cáo, điều tra, tuyên truyền và xảo thuật vận động biểu tình đấu tranh bạo động, v.v...

Sau khi mãn khóa các học viên của TNCMĐCH phải đến thề trước mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái (!?) là phải hiến thân cho tổ quốc VN dù có phải hy sinh tính mạng cũng không từ.

"...Ngày 20-6-1924 thi thể của Phạm liệt sĩ nổi lên trên mặt sông Châu giang. Dĩ nhiên anh em cách mạng Việt Nam không ai tiện ra mặt đê lo việc tống táng. Nhà đương cục Trung Hoa lãnh giao việc này cho hội Quảng tế y viện rồi Phạm Quân được chôn cất chu đáo ở chân đồi Bạch Vân..."

"...tại Hàng Châu, cụ Sào Nam cũng rất phấn khởi liền soạn ngay một bài văn truy niệm họ Phạm và viết một cuốn sách nhỏ (Phạm liệt sĩ Hồng Thái tiên sinh truyện).

"Tại Xiêm (Thái Lan) các ông Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính cùng các đồng bào Việt kiều cũng làm lễ truy điệu, vừa để đánh thức hồn nước nơi hải ngoại.

...Rồi hơn 5 tháng sau (tháng chạp năm ấy) ba yếu nhân Quốc dân đảng Trung quốc là Liêu Trọng Khải, Uông Tinh Vệ và Hồ Hán Dân đã họp với cách mạng Việt Nam đứng cải táng Phạm liệt sĩ ở nơi hòn núi nhỏ (Nhị Vọng Cương) phía trước Hoàng Hoa Cương là nơi đã hợp táng 72 vị chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Vũ Xương vào thời Hán tộc chống chế độ Mãn Thanh trước Cách mạng Tân Hợi (1911). Mộ của Phạm quân được xây đắp theo một kiến trúc hùng vĩ và có dựng bia chạm mấy chữ "Việt Nam liệt sĩ Phạm Hồng Thái tiên sinh chi mộ". Người viết chữ bia là danh sĩTrần Lộ..." (Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, Chế độ Pháp thuộc tại Việt Nam, tập Hạ, 1972, trg. 224-225).

Đọc kỹ những dòng sử trên, từ khi tiếng bom Sa Điền bùng nổ, Phạm liệt sĩ tự trầm, chôn cất, đến khi mộ được cải táng, chúng ta không thấy tên của Lý Thụy hoặc HCM; nhưng sau khi họ Phạm được mồ yên mả đẹp, họ Hồ đã dùng cái chết của liệt sĩ và mộ phần để mưu đồ cho thâm ý riêng tư dưới chiêu bài tổ quốc Việt Nam.

Để ngụy trang, họ Hồ cho học viên học thêm về Tam dân Chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do và Dân sinh hạnh phúc), Tam Bất chủ nghĩa của Gandhi (Bất bạo động, Bất đề kháng và Bất hợp tác). Tuy thế, phần kết luận vẫn là so sánh các chủ nghĩa trên với những ưu điểm ngụy tạo của đảng CS quốc tế.

TNCMĐCH liên tục tổ chức các khóa trong 2 năm 1926-1927 thì huấn luyện được khoảng 250 học viên, độ 200 người được gửi về VN; một số khác được cử đi Thái Lan, Hương Cảng và những nơi có Việt kiều sinh sống. Nhờ vào đó mà số hội viên của TNCMĐCH đã tăng rất nhanh. Vào tháng 5.1929, hội này tổ chức đại hội toàn quốc. Căn cứ theo hồ sơ của cảnh sát Pháp thì tổng số hội viên của Đồng chí hội đã lên hàng ngàn người. Cho đến năm 1930 thì TNCMĐCH chính thức đổi tên là đảng CSVN.

Xuyên qua quá trình và sự hóa thân của TNCMĐCH, họ Hồ đã quỷ quyệt dùng một tổ chức có mục đích vì quốc gia dân tộc, lợi dụng bầu nhiệt huyết của những hội viên để ngầm thành lập đảng CS mà Mạc Tư Khoa đã chỉ thị cho họ Hồ.

"Minh cưu chính sách" là kết luận của dịch giả Dương Thượng Cẩn khi kết thúc những trang tài liệu về những hoạt động gian manh, lật lọng của họ Hồ. Minh cưu là chim tu hú, vẫn thường tìm tổ của loài chim khác, ăn trứng rồi đẻ trứng của mình vào để nhờ ấp, vừa no bụng lại vừa khỏi mất công nuôi con.

Các sử gia nhà Nguyễn khi phê phán vua Quang Trung, đã: "Tuy đắc tội ư bản triều diệc khoáng thế anh hùng dã" (Tuy có tội với bản triều nhưng cũng là một anh hùng khoáng thế vậy). Họ Hồ cho dù tự viết sách ca tụng mình, được cả một guồng máy tuyên truyền tâng bốc nhưng lịch sử không thể lầm. Sử sách sẽ chép ghi HCM là một tội đồ của cả dân tộc, là một kẻ gian manh dối trá, vì muốn củng cố ngôi vị nên không bao giờ chấp nhận sự ngay thẳng hoặc chân tài của bất cứ ai. Một con người như thế, dưới trướng hẳn cũng chỉ có những kẻ cùng loại. Thành Tín cũng cùng sự dối trá trên, khi viết trên báo Nhân Dân ngày 4.3.1984: "Vũ khí của chúng ta dùng để tiến công tập đoàn cứ điểm này (Điện Biên Phủ) chủ yếu là vũ khí do chúng ta lấy được của quân đội viễn chinh Pháp, nhất là trong chiến dịch biên giới thu đông 1950, và sau đó là ở các chiến trường Việt Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc...". Thành Tín quên không nhắc đến số lượng là bao nhiêu, nhưng báo Nhân Dân số ra ngày 22.12.1954 có liệt kê số vũ khí thu được ở các chiến dịch biên giới 1950, Hòa Bình Đông Xuân 1951-52, và Đông Tây Bắc 1952, tổng cộng khoảng... 8000 khẩu súng đủ loại. Số vũ khí này, nếu đem trang bị cho hơn 40,000 quân chính quy tại trận, thì lực lượng Việt Minh này chỉ có nước trên răng dưới... dép râu mà xung phong vào trận Điện Biên Phủ! Chiến thắng Điện Biên Phủ là do Cộng sản VN khôn khéo khích động, lợi dụng lòng yêu nước và chán ghét thực dân Pháp của dân Việt, đồng thời được sự viện trợ dồi dào từ vũ khí nặng nhẹ đến lương thực, nhân lực và cố vấn chỉ đạo của đảng CS Trung Hoa, chứ không bằng vào "thiên tài" quân sự Võ Nguyên Giáp như CS vẫn thường rêu rao.

Khoảng năm 1922, họ Hồ đã ngả theo đảng CS Pháp, đầu thú tam vô chủ nghĩa của Mác Lê. Thế mà 25 năm sau (1947), tại Nho Quan, Ninh Bình, Hồ đã quỉ quyệt mong lấy lòng Giám mục Lê Hữu Từ bằng cách xin được rửa tội: "...ông Hồ nói chuyện rỉ rón thân mật hết sức. Bỗng nhiên ông nắm chặt tay tôi và bằng một giọng run run, ông nói: 'Xin cụ làm Báptêm (rửa tội) cho tôi để tôi cùng làm con Đức Chúà'. Sau khi nghe thế tôi (Giám mục Từ) phải cầm mình bình tĩnh cho khỏi phát cười, đã sáng suốt và tế nhị từ chối: 'Thật là quí giá và bất ngờ cho tôi, tôi lấy làm sung sướng, nhưng là việc rất quan hệ, cần phải biết đủ các lẽ đạo và nhiều điều kiện phải được dự bị trước, nên sẽ tính sau...'" (Những bí ẩn đằng sau cuộc Thánh Chiến tại VN, Lữ Giang, 1994, trg. 184-185). Đáng phục thay, Giám mục Lê Hữu Từ, và may mắn thay cho Giáo hội Công giáo VN, đã không kết nạp một con chiên kiêm... đồ tể và là đầu nậu của minh cưu chính sách, một con người suốt cuộc đời, đến lúc chết vẫn không có lấy một phút thực sự hồi tâm, thức tỉnh.

Theo hồi ký của Nguyễn Lương Bằng, nguyên phó chủ tịch nhà nước CS: "...Tôi rời VN đến Quảng Châu sau khi Phan Bội Châu lão tiên sinh bị bắt, tôi nghĩ những người có bản lãnh như cụ Phan mà còn không có chỗ đứng, còn bị bắt thì sau đây còn kiếm đâu ra người để đảm đang việc quốc gia đại sự. Ít lâu sau, tôi gặp một người Hoa kiều từng ở VN tên là Cẩm Thuận (đảng viên CS), nhờ Cẩm Thuận giới thiệu tôi mới biết đến Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và đồng chí tên là Lão Ích, ít lâu sau tôi được gặp đồng chí Lão Vương. Mãi lâu về sau tôi mới được rõ đồng chí Lão Vương chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc".

Đoạn nhật ký trên chứng minh rằng, sau khi cụ Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt, thanh niên VN vừa thất vọng vừa bàng hoàng vì mất một lãnh tụ. Họ Hồ biết uy tín của cụ Phan trong giới thanh niên, đã một mặt bán cụ cho mật thám Pháp, mặt khác, ngấm ngầm điền mình vào chỗ trống để thực hiện mưu gian.

Sau khi đã bán đứng Phan Bội Châu, họ Hồ tìm cách triệt hạ ảnh hưởng còn lại của cụ. Hồ cấu kết với Nguyễn Công Viện tức Lam Đức Thụ, chỉ điểm cho mật thám Pháp tóm những thanh niên vừa tốt nghiệp đại học Hoàng Phố trở về nước mà không chịu tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Do đó tổng bộ Việt Nam Quốc dân đảng tại Quảng Châu mất dần liên lạc với các cán bộ đã thụ huấn tại trường Hoàng Phố và được gửi về nước để hoạt động. Nguyễn Công Viện dùng tiền chia chác được sau khi bán cụ Phan cho các thanh niên yêu nước để ăn chơi. Họ Hồ dùng những đồng tiền máu đó để thành lập và củng cố Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và sau đó là đảng CSVN. Sau khi ký hiệp định sơ bộ với Pháp ngày 6.3.1946, họ Hồ đã cả tiếng thề thốt với người Pháp: "...Tôi, Hồ Chí Minh, trong quá khứ lúc nào tôi cũng dẫn dắt đồng bào đi trên đường tự do, tôi đã dành suốt cả đời tôi đấu tranh vì độc lập dân tộc, đồng bào biết rằng thà tôi chết chứ nhất định không bán nước. Tôi xin thề là đã không bao giờ bán đứng đồng bào...". Họ Hồ không thể bán đứng tập thể "đồng bào" dù muốn; nhưng cá nhân "đồng bào" thì lịch sử đã chứng minh, HCM đã từng bán đứng, đã lợi dụng tâm, tài , trí của những nhà cách mạng tranh đấu cho nền độc lập của quốc gia, cho quyền tự chủ của dân tộc.

Bán đứng và dùng đồng tiềm máu để thực hiện và củng cố cho ý đồ bất lương của mình, tức củng cố, bành trướng chủ nghĩa và đảng CS tại VN; nhưng HCM vẫn thơn thớt chối mình là người CS. Trong bức thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, họ Hồ đã: "...Dưới đây, tôi xin nói riêng cho Đức Cha biết mấy điều: tôi hiện đang có trong tay một số tài liệu. Sau khi xam xét kỹ các tài liệu ấy, tôi nhận thấy có ba sự kiện sau đây:
1. Đồng bào Công giáo thù ghét bọn thực dân Pháp và họ rất có lòng yêu nước.
2. Họ cũng thù ghét cộng sản.
3. Có những kẻ lợi dụng sự dễ tin của một số đồng bào Công giáo, đã gieo rắc chia rẽ bằng cách nới với họ rằng: 'Chính phủ là Việt Minh và Việt Minh là cộng sản'."

Trong một đoạn thư khác, Hồ viết: "...Những kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên nhằm tạo ra một bầu không khí không lành mạnh. Nếu chính phủ là Việt Minh, thì tại sao lại có những bộ trưởng không thuộc đảng phái nào? Nếu chính phủ là cộng sản, thì tại sao chúng ta lại có những vị tối cao cố vấn như Đức Cha? (LM Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, tr. 73-74).

Cũng trong cuốn sách trên, Linh Mục Trần Tam Tỉnh đã thay Đảng để hạ một dòng ngụy sử: "...Không có đàn áp (sau tháng 4.1975), không có xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng..." (sđd, tr. 11), và một dòng ngụy sử khác, về họ Hồ: "... Suốt cuộc đời tham chính của Người, Cụ Hồ là một người yêu nước trên hết mọi sự... (sđd, tr. 76). Linh Mục Tỉnh còn rán gói ghém cho họ Hồ khi đưa đoạn chúc thư: "... Tôi để lại mấy dòng này trước khi tới ngày tôi sẽ đi gặp các bậc đáng kính là Các-Mác, Lênin và những bậc đàn anh cách mạng của chúng ta..." (sđd, tr. 80) để chứng minh rằng Hồ cũng là người... duy tâm. Thực chất, cho đến khi nhắm mắt, họ Hồ vẫn keo sơn gắn bó với chủ nghĩa CS đến nỗi mong "tái ngộ" các bậc đáng kính sắt máu đó.

Có lẽ chúng ta cũng nên để cho họ Hồ được phần tiện nghi. Trong lần nói chuyện tại Hội nghị Sản xuất cứu đói vào tháng 7.1955, HCM tuyên bố: "... Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân đói, rét, bệnh thì chính sách của ta có hay cho mấy cũng không thực hiện được..." Trong trường hợp này, xét từ quá khứ cho đến hiện tại, họ Hồ quả có khả năng... tiên tri.

Từ 1941, khả năng... sấm ngữ của Hồ cũng đã tiên báo những đợt xuất cảng lao nô ra nước ngoài (những nước CS anh em) của đám hậu duệ:

Sức đã yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài
(kêu gọi thiếu nhi, HCM)

Trước thảm cảnh quần quật làm việc mà vẫn không đủ ăn của nông dân miền Bắc, rồi miền Nam, họ Hồ cũng đã tiên liệu:

Thân người chẳng khác thân trâu
Cái phần no ấm có đâu đến mình.
(Dân cày, HCM)

Với những thương vay khóc mướn trên, HCM như một gã kép hát ma mãnh rán ca sáu câu cho thật mùi, thật cảm động; khán thính giả nghe bùi tai, lệ nhỏ giọt vắn giọt dài sụt sùi thương cảm, rồi tiền thưởng quẳng lên sân khấu, rồi ào ào vỗ tay. Xong tuồng hát, họ Hồ vơ vét tiền thưởng, về nhà âm thầm thụ hưởng.

Minh cưu chính sách, phong cách phường tuồng: "Trước tiên hãy nhìn hình dáng của Hồ: bé nhỏ, gầy còm, gân guốc, trán cao, mắt sâu, lộ vẻ sốt rét rừng, da mồi, chòm râu của một ông quan sắt máu. Cử chỉ cộc cằn hoặc dịu dàng tùy theo các tác giả. Hồ có thể khóc bất cứ lúc nào (chùi mắt trong khăn tay đỏ). Ông ta thích dùng khăn tay đỏ dù có nước mắt hay không..." (Oliver Todd, Huyền thoại HCM, Nguyễn Văn dịch - HCM, Sự thật về thân thế và sự nghiệp, Nam Á xb, 1990, tr. 276).

Đúng như Oliver Todd đã nhận định về đặc điểm "mau nước mắt" của họ Hồ, Daniel Guétin, lãnh tụ Đệ Tứ Quốc Tế Pháp lúc gặp Hồ tại Paris năm 1946, khi thắc mắc về cái chết của Tạ Thu Thâu năm 1945 (bị CSVN thủ tiêu tại Quảng Ngãi, trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội theo lời mời của chính HCM), đã được họ Hồ thổ lộ: "Ông ấy là một nhà ái quốc, và chúng tôi thương khóc ông ấy. Nhưng những người không theo con đường chúng tôi vạch ra sẽ bị đánh gãy gục". (Nguyễn Ngọc Huy, HCM, Tội phạm Nhơn quyền VN, Mekong Tị Nạn xb, 1992, tr. 102). Những người mau nước mắt, hay nói một cách khác, những kẻ dễ mủi lòng; lành thay, tự bản tính là những người dễ tha thứ, dễ nguôi quên. Họ Hồ xem ra cũng mau nước mắt, nhưng hiểm thay, không phải do bản tánh mà là đóng trò. Suốt cả cuộc đời gian manh độc ác, kép hát Nguyễn Ái Quốc đã thủ diễn vai trò Hồ Chí Minh quảng đại, lý tưởng với sự bao che, nhắc tuồng và tô bóng của các diễn viên khác trong tấn tuồng chủ nghĩa CS mà phông cảnh là dân tộc, đồng bào và đất nước. Anh kép hát chính mất đi, để trơ lại sân khấu lem luốc, vá víu, lỏng chỏng với trống chiêng, áo mão và cả đám phụ diễn của một tuồng hát quá dài, quá nản và quá thảm.

Minh cưu chính sách - theo suy diễn phương Đông. Đồi bại và quỉ quái - theo suy diễn phương Tây. Nhưng họ đã gặp nhau. Jean Francois Revel, một triết gia và một nhà báo có uy tín trong giới báo chí Âu Châu, đã nhận định về họ Hồ và những đồ tể dưới trướng: "... Không có sự đồi bại quỉ quái nào hơn là sự mưu toan chiếm đoạt những tâm tình hào hiệp và hàng triệu những tấm lòng tận tụy, những nhiệt tình sâu xa nhất và chính đáng nhất của bản chất loài người để dành cho nô lệ, bần cùng, nhục nhã và cho tội ác đơn thuần; bởi lẽ chúng ta đừng quên rằng hệ thống cộng sản là một trong những hệ thống giết người tàn bạo nhất trong lịch sử..."
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét