Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

BÙI GIÁNG, HỒN THƠ BỊ VÂY KHỐN


Đối với đa số, Bùi Giáng là một nhà thơ điên. Không nhắc đến bọn tục, bọn tỉnh, bọn khôn suốt cả đời chẳng một giây nào thèm “thơ” đến tuyệt vọng, nói ngay những người quí ông – nhìn được ông như một thiên tài, thiên tài tự huỷ ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại – nhiều khi cũng né tránh, chẳng dám bước hẳn vào cõi thơ ông, hoặc có bước vào thì cũng theo cái lối “chân trong chân ngoài”, “mắt trước mắt sau”, cười cợt vui đùa hay nghiêm trọng lố bịch, tưởng như thế là làm thuận ý, vui lòng nhà thơ – người bầy trận nghiêm trọng và ta nên chiều người.
Chính thái độ của những kẻ yêu ông, những kẻ ghét ông chẳng đáng nói, càng khiến ông phát “bẳn”, càng khiến ông phát “điên” (điên tiết), càng khiến nhà thơ thêm lạc lõng, “một mình một cõi”, càng đẩy ông tới chốn hoang vu bờ bãi, chơi với mọi, với beo, với gấu, với châu chấu, chuồn chuồn.
Không. Bùi Giáng không điên. Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Đừng hiểu chữ “ngộ” trong cái nghĩa đơn giản của đạo giáo, Bùi Giáng sẽ nhăn mặt nổi quạu, ông có thể sẽ tông cửa chạy tuốt xuống Biên Hoà ngay lập tức. Hãy để cho tiếng ấy “phiêu bồng” từ Nam chí Bắc qua mọi nghĩa có thể có: (ngộ dại, giả ngộ, ngộ quá ta, ngồ ngộ, ngộ không, ngộ nhận, ngộ độc…)
Từ buổi đầu Bùi Giáng đã nói:
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em.
Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thuỷ
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là uỷ mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh.
Em đứng mũi chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương.
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
(Phụng Hiến)(1)
Bùi Giáng đó, Bùi Giáng của Mưa Nguồn “bát ngát” mặc dù những “đảo điên” không ngớt, còn nguyên vẹn đến giờ nếu chúng ta gặp Ông đúng lúc.
Muốn gặp Bùi Giáng hãy ngao du theo dấu chân Ông để lại, hãy đánh mất mình trong cuộc Lữ, hãy chịu cuồng si để sáng suốt. Nghĩa là hãy “thơ mộng” như Ông.
Chẳng khó khăn lắm đâu.
Hầu như Ông đã mở sẵn những cửa mời gọi kẻ đồng điệu.
“Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luận lý, không được “bốc đồng” vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy”.
“Thơ tôi làm (…) trong mấy cuốn thơ của tôi chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác.
Đi vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh tay mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng rộng, làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng, khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao…”.
“Hãy để yên cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hoài vọng. Một mai tôi chết. Nghĩa là tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống… Người yêu đừng bén mảng đến, bạn bè hãy đi xa. Để tôi một mình tha hồ tôi điên tôi dại. Ai có đến gần thì hãy thử điên dại cho như tôi…”.
“…Ông Whitman ôi. Tại hạ làm thơ nửa phần giống thơ ông, nửa phần giống thơ ông Dylan Thomas, nhưng giống theo một thể thái bê bối đười ươi, chứ không có được cái phong độ tiên thiên cốt cách. Vậy bây giờ tôi cố gắng làm một bài thơ rất mực cốt cách tiên thiên để tặng ông chơi một trận. Tuy nhiên càng hì hục bắt chước tiên thiên càng lộ ra cái nết na đười ươi phong thói. Vậy tôi xin ngậm ngùi dừng bút, chẳng dám ký tên dưới tờ thư cay đắng.”
Không có ai có thể nói về thơ Bùi Giáng hơn Bùi Giáng, bởi chẳng ai ở đây đã sống thảm hoạ trần gian thu trong thảm hoạ thơ hơn ông.
“Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài ấy là đạo vậy”.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Đó là mở phơi hào hứng một thời – như Whitman, “kẻ rỡn như ông già bơi đua cùng lũ trẻ và chịu thua lũ trẻ”.
Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua
Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu giao suốt cõi mù sa trên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô.
Đây là phiêu bồng “thơ dại nhất và sầu u nhất” – như Dylan Thomas.
Whitman kẻ mở, Dylan Thomas kẻ đóng, một chân trời. Kẻ say với “lá cỏ”, với “phố thị”, với “ta”; kẻ say với cơn chết, giọt sầu, với huyễn hoặc.
Nhưng còn chúng ta? Chúng ta nghĩ gì về thơ ông?
Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông, như ông từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn luôn nhắc bảo nơi ông là những bóng vang ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông.
Hãy để ông nghĩ cho chúng ta về những gì chúng ta có thể nghĩ tới và cả những gì chúng ta không thể nghĩ tới.
“Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuổi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ.”
“Cái thói học đòi vá víu thông thái đã âm thầm giết chết mất máu me thân thể chúng ta. Hết chạy theo đuổi ông Camus, tới chạy theo đít bà Simone Weil, rồi xô ùa chạy theo giò cẳng ông Krishnamurti… Đó chính là cái cõi của lai rai thượng thừa, của bê bối tối hậu. Tới bao giờ mới chịu đi về giũ áo đười ươi? Hỡi những thằng trung niên thi sĩ, và hỡi những đứa chẳng thi sĩ trung niên…”.
“Nghĩ cũng dị kỳ thật. Người Việt Nam vốn là người thơ mộng thi sĩ nhất thế giới (chỉ riêng cái màu da vàng Việt Nam thôi cũng đã thơ mộng hơn mọi màu da đen hay trắng) thì người Việt Nam lại chẳng bao giờ đọc thơ Việt Nam, lại luôn luôn trút hết cõi lòng thơ mộng của mình cho những thứ sách vở hổ lốn tạp pí lù ở đâu đâu. Lại chạy đi si mê những da trắng Marilyn, những da đen Phi Châu chiêm bao bờ cỏ. Làm bao nhiêu câu thơ thơ mộng lại đem gán hết cho châu chấu chuồn chuồn. Ẩn ngữ gì mà đoạn trường ra như thế”.
“Những bài thơ chuồn chuồn châu chấu của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, thật là tha thướt. Đôi phen cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn”.
Chúng ta hãy chịu chói lọi trong tan nát giữa trận đồ của Bùi Giáng. Mọi điều Bùi Giáng đều nói, chẳng bao giờ hết, nhưng chẳng thể ngậm miệng, nên chúng ta cứ việc ngậm miệng, si mê và chúng ta sẽ được nghe. Nghe bát ngát, nghe phiêu bồng, nghe tới cõi im ông trốn lảng, lượn vòng.
Đừng tưởng Bùi Giáng điên, cũng đừng tưởng Bùi Giáng rỡn, mặc dầu có lần ông tuyên bố là ông thích bày “cuộc vui”.
Bùi Giáng là một nhà thơ trầm trọng:
“…Như Lai rỡn từ bi, Jesus Christ rỡn bác ái, Sophocles rỡn trang nhã, Thâm trầm kỳ nguyệt, Euripide rỡn ẩn ẩn hiện hiện, Ngoạ Long Sinh rỡn u rùng, Kim Dung rỡn bất tuyệt, Hồ Dzếnh rỡn nên thơ chân thiết, Tú Mỡ rỡn như đười ươi, Shakespeare rỡn như Phượng Hoàng, Nietzsche rỡn tan tành xương máu, Gide rỡn lúc giật lúc buông lúc chùng lúc thẳng, Tô Mạn Thù rỡn não nùng đốt cháy máu tim.”
Còn Bùi Giáng?
“Nhe răng cười trong bóng tối… Không bao giờ bắt chuồn chuồn và cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn… Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài… Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát phiêu bồng… Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài, đêm tối trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo rằng trần gian lộng lẫy… chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh…”.
Rỡn trầm trọng là Bùi Giáng, rỡn đầy thảm hoạ, rỡn khắp mặt thế giới như Tôn Ngộ Không – Ngộ Không nhảy trên bàn tay của Quan Âm (Quan Âm biến thành Phùng Khánh, Trì Hải, Marilyn, Brigitte, Kim Cương, ba cô mọi bên bờ Phi Châu…) chỉ vì “Người tư tưởng không còn dám viết gì về tư tưởng nữa.”.
Bởi rỡn trầm trọng nên:
Chúng ta phải để cho thơ Xuân Diệu rúc vào trong tuỷ xương mình. Vì y đủ thói bông lông thắm thiết của con người thượng đạt. Y trẻ dại, y lăng nhăng, y nói tới nỗi đời rồi y xoá đa đoan dâu biển. Y hồn nhiên giũ áo, nắm lấy cung cầm Tăng Điểm đánh lên giữa mùa Xuân…”.
Nói vậy nhưng Bùi Giáng chẳng bao giờ là Xuân Diệu. “Tây Phương, Đông Phương cổ kim không có một nguồn thơ sánh kịp”. Cứ chịu khó theo ông “Đi Vào Cõi Thơ”, đi vào “Thi Ca Tư Tưởng” mà nghe ông bình thơ, mà nghe ông “Ngàn Thu Rớt Hột” nghe “Sa Mạc Trường Ca”.
Và hãy nhớ lời dặn dò này:
“Đi vào cõi tư tưởng, chúng ta luôn luôn phải lưu ý tới cái lối ăn nói nghịch lý của người tư tưởng. Họ nói một đường để ta suy ra một ngả.”
Sở dĩ Bùi Giáng trầm trọng, bởi nơi ông cả cái kiếp hoạ của thơ đang diễn: hồn thơ đang bị vây khổn. Bị vây khổn bởi “tư tưởng”, bởi “văn”. Thơ muốn bay thoát, chấp chới như những cánh chuồn chuồn giữa trời. Nhưng đâu là tổ chuồn chuồn đây? Nào ai biết. Bùi Giáng cố muốn biết, cố săn đuổi tới cùng.
Nhưng chuồn chuồn báo hiệu trời sắp mưa. Một trận mưa nguồn thuở cũ, Bùi Giáng mơ màng chăng? Ông Bùi Giáng ơi, Tang Phượng đâu? Trang Phượng đâu? Sau trận mưa nguồn kiếm nàng giáp cúng trận đồ ông chẳng thấy. Chỉ thấy trở đi trở lại hoài đây đó hai câu của Hồ Dzếnh:
Thơ về nắng sáng lừng bay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra.
Đến đây coi như tạm đủ, nói thêm đến bao nhiêu nữa rồi cũng vẫn là tạm. Tạm với Bùi Giáng. Tạm với chúng ta. Tạm hết.
Chỉ mong một lúc nào bạn “ngộ” cõi thơ kia.
“Đi Vào Cõi Thơ”. Thế nghĩa là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể đi theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao nhiêu diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín…”.
“Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý riêng độc đoán của ai.”
“Anh lùa bò vào đồi sim trái chín? Một mặt anh lưu tâm đến trái chiếu cố cho những con bò, đừng để chúng lạc lối vào sâu trong rú rậm rồi mất lối trở ra… Anh thong dong ngồi xuống một gốc cây sim. Anh có thể chọn một gốc cây sim già, hoặc sim trẻ, hoặc một cây sim sử lịch nào vốn đã từng chứng giám một u tình của một Hoàng hậu Phèdre xưa kia.”
“Rồi anh dần dần mở cõi. Đã gọi là mở cõi thì chẳng nên khép miền. Nghĩa là… tránh cái lối bưng bít…”
“Đó là điều kiện cần và đủ, không ai buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh.”
“Ta ngồi dưới gốc cây sim, lắng tai nghe bò đương gặm cỏ, thong dong đưa tay với một cành, hái một trái chín ăn chơi.”
“Bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ bí: bàn tay ta vừa chạm với một trái sim riêng rẽ, thì suốt dãy rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động vang lừng.Đó là bí quyết lạ lùng. Một bí quyết bất khả truyền”.


(*) Bài đăng trên Văn, số đặc biệt về Bùi Giáng, Sài Gòn tháng 5/1973.
Thanh Tâm Tuyền (1936 – 2006): Một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của văn học miền Nam trước 1975, quê Hà Đông, sinh tại Vinh, mất tại Hoa Kỳ.
(1) Các đoạn trích dẫn rút từ Mưa Nguồn, Đi Vào Cõi Thơ, Thi Ca Tư Tưởng, Mùa Thu Trong Thi Ca.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét