Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG: ‘CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN LÀ CHẾ ĐỘ MAN RỢ VÀ PHI NHÂN’

NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG: ‘CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN LÀ CHẾ ĐỘ MAN RỢ VÀ PHI NHÂN’
Ðinh Quang Anh TháiLTS: Nhà văn Dương Thu Hương đã có lần công khai bầy tỏ rằng, Tháng Tư năm 1975, bà đã ngồi trên lề đường của Sàigòn ôm mặt khóc vì khám phá ra rằng, chế độ chiến thắng cuộc chiến chẳng qua chỉ là một thể chế man rợ. Từ đó, bà chọn cho mình một hướng đi riêng, là đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ.Nhà văn Dương Thu Hương, nổi tiếng không những về những tác phẩm như “Thiên Ðường Mù,” “Bên Kia Bờ Ảo Vọng,” “Khải Hoàn Môn,” mà còn do thái độ can đảm và thẳng thắn phê bình giới lãnh đạo Hà Nội.
Bà từng bị chế độ giam giữ gần một năm. Hiện nay, bà Dương Thu Hương sống đơn độc tại Paris và hầu như không giao du với ai.
Nhân đánh dấu 26 năm ngày 30 Tháng Tư 1975 và cũng là dịp Ðảng Cộng Sản Việt Nam khai mạc Ðại Hội 9, nhà văn Dương Thu Hương dành cho Little Saigon Radio cuộc phỏng vấn đặc biệt và do biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái (ÐQAT) thực hiện.
Tuy bài phỏng vấn đã cũ, nhưng vẫn có giá trị trong thời điểm hiện nay. Tuần báo Người Việt San Jose xin đăng lại nguyên văn sau đây.
Nhà văn Dương Thu Hương nói chuyện với giới cầm bút Hoa Kỳ tại New York năm 2007 (Hình: Ðinh Quát)
ÐQAT: Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc Ðại Hội 9 vào ngày 19 Tháng Tư (2001) này tại Hà Nội, là một người sống ngay tại thủ đô và là người luôn trăn trở đối với tình hình của đất nước, bà có nhận xét gì về đại hội này?
Dương Thu Hương: Nếu bảo rằng nhận xét thì tôi không dám nhận xét, bởi vì mấy năm nay tôi không theo dõi sinh hoạt của đảng Cộng Sản, mà tôi cũng không đọc báo. Nói chung, hoạt động của đảng Cộng Sản thì nó rất nhàm chán nên tôi không theo dõi. Nhiều người cũng thờ ơ nhưng người ta không dám nói như tôi (cười…). Tính tôi vốn dĩ nghĩ gì nói nấy nên thành thật thưa với quý đài là tôi không chú ý tới đại hội của họ. Nhưng mà tôi biết có một số người chú tâm tới những cuộc đấu đá giữa những phe phái trong đảng Cộng Sản, xem là kẻ nào ngã ngựa, kẻ nào thì lên ngựa… đại khái như thế.
ÐQAT: Lý do nào khiến cho một người như bà, một người đã có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng Sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ,” để rồi bây giờ hoàn toàn không chú ý tới sinh hoạt của đảng Cộng Sản, mặc dù bà đang sinh sống ngay tại lòng của thủ đô Hà Nội?
Dương Thu Hương: Chuyện này thì ông Thái lầm đấy. Thứ nhất là chưa bao giờ tôi tận tụy với đảng Cộng Sản. Tôi vào chiến trường năm 1968 là vì lòng yêu nước truyền thống. Lúc ấy đó tôi tưởng rằng đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Cho nên giống như cha ông chúng ta, hễ quân Minh, quân Thanh đến là đánh thế thôi. Khi vào trong Nam, năm 1969, họ có nhã ý kết nạp tôi vào đảng, nhưng tôi đã thẳng thắn trả lời với chi bộ Văn Hóa Quảng Bình nơi tôi phục vụ là “cái chi bộ này đảng viên đàn ông còn có người tư cách khả dĩ, chứ còn đảng viên đàn bà thì toàn những đồ ăn mày ăn nhặt, toàn những con đĩ thì tôi vào làm gì cho nó bẩn người tôi ra.” Cho nên tôi không vào đảng. Ðến năm 1977, khi tôi chuyển vào Xưởng Phim Giải Phóng, thì chính những anh em ngoài đảng cứ tha thiết nói tôi phải vào đảng để đấu tranh cho mọi người. Vì thế tôi vào đảng với tinh thần rất thực dụng. Lúc bấy giờ, tất cả lương bổng, tất cả những chuyến đi nước ngoài béo bở, có thể buôn bán kiếm tiền để đạt một cái thiên đường vật chất nhỏ bé nào đó, tất tật những bổng lộc ấy đều tùy thuộc vào các chi bộ quyết định, vì vậy, anh em ngoài đảng bảo tôi vào để đấu tranh với họ chống lại những tệ nhũng lạm, cửa quyền, đút lót xẩy ra trong đảng. Và tôi vào và đã làm được việc ấy. Tính tôi có lẽ vì không tham và thẳng thắn nên thứ trưởng, bộ trưởng, gặp thằng nào tôi chửi thằng ấy nên họ phải im thôi. Huống hồ các cấp lãnh đạo đối với tôi (cười) thì tôi thấy cái gót chân Achille của họ có tới bẩy, tám, chín gót cơ, bản thân họ mềm yếu có lẽ vì họ có nhiều dục vọng quá.
Tôi nói lại với ông Thái rằng tôi vào đảng không vì tận tụy với đảng, mà lúc đấy tôi thấy đảng thối lắm rồi và tôi vào để làm những việc cụ thể là đấu tranh cho anh em, là những người thấp cổ bé họng. Khi tôi bộc lộ một cách rõ ràng quan điểm của tôi chống lại cái nhà nước độc quyền và đấu tranh cho một chế độ dân chủ, một chế độ đa đảng, một chế độ nhất thiết phải có đối trọng thì lúc bấy giờ tôi có làm một bản kiểm điểm mà tôi nghĩ là nó thành công, vì tôi đứng trong đảng, như người ta nói trong chăn mới biết chăn có rận, cho nên với tính cách đảng viên, tôi nói được quan điểm của mình và tôi đã làm được việc đó.
ÐQAT: Mặc dù bà nói rằng không hề chú tâm đến các hoạt động của đảng Cộng Sản Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi nhớ không lầm thì trong một bài viết của bà cách đây khoảng 10 năm, bà phát biểu rằng không có gương mặt nào của Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam tiêu biểu cho nguyện vọng của dân tộc, vậy thì bà nhận định ra sao nếu như trong Ðại Hội 9 này, ông Nông Ðức Mạnh sẽ lên thay ông Lê Khả Phiêu trong chức vụ tổng bí thư đảng?
Dương Thu Hương: Những nhân vật mà ông vừa đề cập đến, tôi chưa hề trực tiếp gặp họ, tôi chỉ nhìn ảnh của họ, mà cũng hãn hữu thôi tôi mới ném một cái nhìn vào ảnh của họ. Theo tôi, giữa những cái mặt của những người đó, thì cái mặt của Nông Ðức Mạnh còn có vẻ là sáng sủa hơn. Ðôi khi tôi thấy ông ta có cái nhìn buồn rầu, có lẽ vì ông ta thấy nước non thối tha quá, và đảng của ông ta thối tha quá. Có lẽ cái nhìn buồn rầu ấy chứng tỏ người ta còn một chút lương tâm, chứ nó không phải là những bộ mặt nham nhở, lúc nào cũng nhăn nhở cười hềnh hệch, xin lỗi phải nói lời của các cụ ngày xưa là “xằng xằng như… cái gì phải nước sôi ấy.” Tóm lại, những người do đảng cử ra đại đa số là họ tự bầu cho nhau, nhân dân không bầu họ. Cho nên cái mặt của họ trông tăm tối lắm, ăn nói thì nham nhở, ngu độn, nói chung là câu nọ chửi bố câu kia, chẳng ra cái thể thống gì cả. Nó ngớ ngẩn đến mức độ tất cả những người dân Việt Nam, dù người mù chữ đi nữa cũng xấu hổ vì vua chúa sao mà tối tăm ngu dốt đến thế. Tôi cũng chẳng biết ông Nông Ðức Mạnh có lên cầm quyền được không nhưng vấn đề là ngay cả trường hợp ông Nông Ðức Mạnh nắm quyền đi chăng nữa thì cơ chế này vẫn cứ phải thay đổi. Không một cá nhân nào có thể tử tế được. Vấn đề phải có cơ chế để buộc con người phải tử tế. Trước sau tôi vẫn nghĩ phải có một chế độ để cho dân chúng được quyền bầu lên những người đại biểu của mình. Có nhứ thế thì bản thân những người đại biểu ấy khi họ được bầu, họ cũng có cái sự tự tin của họ. Bởi vì họ được đảm bảo bởi lá phiếu của người dân, do đó, mặt họ dù có xấu xí chăng nữa thì ánh sáng của lòng tự tin cũng làm họ khá hơn. Ngoài ra, trí tuệ của 80 triệu dân cũng không ngu dốt gì mà lại đi bầu cho những khuôn mặt tối tăm quá, hoặc những kẻ ngu dốt quá. Cho nên, đất nước Việt Nam muốn tiến bộ thì phải xóa bỏ chế độ độc đảng và người dân phải có quyền bầu cử thực sự. Lúc ấy giờ thì tôi mới có thì giờ nhìn lại những khuôn mặt lãnh đạo, chứ bây giờ thì tôi không có thì giờ nhìn mặt những người lãnh đạo hiện nay.
ÐQAT: Bà là người mang nhiều trăn trở về tình trạng tụt hậu hiện nay của đất nước và con người Việt Nam, theo nhận định của bà, làm sao để có được một bước đột phá nhằm đưa đất nước đến một cơ chế dân chủ tự do như ước vọng chung của mọi người, khi mà giới lãnh đạo tại Hà Nội lúc nào cũng khăng khăng là Việt Nam phải nhất quyết tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa, phải đeo đuổi chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh?
Dương Thu Hương: Tất cả những lời lẽ của giới lãnh đạo vừa ngu xuẩn vừa dối trá. Bản thân họ biết sự dối trá đó. Tất cả những kẻ mở mồm nói Xã Hội Chủ Nghĩa thì con cái chúng nó đều buôn bán, đều làm mọi cách tận thu, tận dụng, ăn cắp thật là nhiều tiền và trở thành những thằng tư bản. Chúng nó phát huy tối đa khả năng ăn cắp, ăn cướp, biến tất cả tiền tài, của cải của nhân dân trở thành vốn liếng riêng của chúng nó, hoặc là gởi tiền ra nước ngoài để sau này bỏ trốn, hoặc là nếu tình hình còn thuận tiện thì chúng nó sẽ ở lại trong nước để giữ một vốn liếng to lớn trực tiếp lấy từ xương máu của dân chúng. Như thế có nghĩa là không biết bao thế hệ nữa của con cháu chúng tôi, nhất là con cháu của hơn 60 triệu nông dân, phải trả nợ cho hành động nhũng lạm của bọn chúng. Còn về Xã Hội Chủ Nghĩa thì những người nào không ngu lắm thì họ cũng đều biết rằng chủ nghĩa này chỉ là câu nói đầu lưỡi. Tại sao giới lãnh đạo đảng nói thế? Họ nói thế vì họ dựa vào sự hèn hạ, sự hèn nhát của dân chúng. Dân chúng sợ hãi họ vì bản thân của chế độ này là chế độ dựa trên nòng súng theo đúng nguyên tắc của Lênin, cho nên người dân vì sợ hãi mà phải hèn nhát cúi đầu, cho dù dân chúng biết rằng, cả người nói và người nghe đều biết những điều ấy là những điều giả dối. Người nói thì trơ tráo vô liêm sỉ, còn người nghe thì vì sợ hãi nên đành nuốt nước bọt thôi. Tôi nghĩ rằng ai cũng biết, toàn thành phố Hà Nội này người ta biết từng con cái đám lãnh đạo, con “thằng” Phan Văn Khải thì thế nào, con rể “thằng” Ðỗ Mười thì như thế nào.v.v … dân chúng người ta biết từng chi tiết một. Tóm lại, không có gì đáng bàn về cái thứ Chủ Nghĩa Xã Hội, tất cả chỉ là trò lừa bịp của danh từ và sự lừa bịp này còn tồn tại vì nó dựa trên hai vế. Vế thứ nhất, kẻ cầm quyền thì dùng sức mạnh và bạo lực đàn áp dân chúng, còn vế thứ hai là dân chúng cam phận, hèn nhát vì sợ bạo lực và vì tinh thần nô lệ nó đã tẩm nhiễm quá lâu rồi.
ÐQAT: Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam như bà vừa phát biểu ảm đảm và u tối quá. Bản thân bà, bà có tin tưởng vào tương lai của Việt Nam không?
Dương Thu Hương: Nếu không có một chút niềm tin nào thì chẳng ai sống nổi. Theo tôi, dân tộc ta là dân tộc nhỏ, nên năng động hơn những nước lớn như nước Tầu. Nhưng mà tôi không biết dân tộc ta đã hết vận số tận cùng dưới đáy chưa. Còn những năm vừa qua thì quá tăm tối. Cứ nhìn mặt những người lãnh đạo thì cũng đủ thấy nhục nhã và đau đớn như thế nào cho 80 triệu dân. Tôi không phải là nhà tiên tri nên tôi không biết bao giờ thì cuộc hạnh ngộ với tương lai mới đến với dân tộc chúng ta. Nếu chúng ta có sự thay đổi thì tôi cho rằng vì là dân tộc nhỏ nên chúng ta sẽ thoát khỏi quá khứ một cách gọn nhẹ hơn. Ðó là điều hy vọng của tôi cho tương lai.
ÐQAT: Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt ngày 30 Tháng Tư năm 1975, lúc đó bà ở đâu, đang làm gì và có cảm tưởng gì?
Dương Thu Hương: Lúc đó tôi ở Quảng Bình, và một vài tuần sau đó thì tôi tìm cách vượt qua cầu Hiền Lương để vào Sàigòn với mục đích thăm những người thân và tìm hiểu xem người dân miền Nam sống như thế nào. Trong suốt một tuần lễ đi đường, tâm trạng của tôi là cả một mớ hỗn độn. Bởi vì một khi thông tin có quá nhiều thì nó trở thành hiện tượng bị nhiễu trắng. Còn về cảm tưởng khi nghe chiến tranh chấm dứt thì khó nói vắn tắt lắm, nhất là cuộc chiến quá dài. Nhưng khi tham dự cuộc chiến chống Mỹ, tôi nghĩ rằng đây là cuộc chiến chống xâm lược, tôi đã từ bỏ cuộc sống ở hậu phương mà tôi cho là hèn hạ, hoặc đi ra nước ngoài là hèn hạ, để rồi tôi dấn thân vào chốn chông gai như thế. Nhưng mà sau khi vào Sàigòn, thì tôi biết rằng một cuộc chiến tranh khác lại nẩy nở trong tôi. Tôi nghĩ là cuộc chiến tranh trong lòng tôi nó lâu dài và khốc liệt hơn, vì lúc bấy giờ, khi người khác vui sướng nhất thì tôi hiểu rằng tôi hoàn toàn lầm lạc. Theo tôi, cái mô hình xã hội của cái miền đất bại trận mới chính là mô hình của nền văn minh, và chúng tôi là người trong đội ngũ chiến thắng thì thực ra chúng tôi đã chiến đấu cho một mô hình xã hội man rợ. Và điều đó khiến tôi hết sức cay đắng. Tất nhiên ngay lúc ấy cảm tưởng nó còn mù mờ, nhưng sau này, càng ngày thì sự hồ nghi của tôi nó càng rõ rệt hơn, cho nên tôi phải nói thật là trong ngày 30 tháng Tư, cái khoảnh khắc vui sướng như mọi người qua đi rất nhanh, nhưng đối với tôi thì trong nội tâm đã xẩy ra một chiến mới và nó đã kéo dài mãi cho đến 10 năm sau đó thì nó mới biến chuyển hoàn toàn và khiến tôi trở thành một người “dissident” quyết liệt như vậy.
ÐQAT: Tâm trạng của bà có phổ biến trong hàng ngũ những người chiến thắng không ạ?
Dương Thu Hương: Tôi chắc là nếu tâm lý của tôi mà phổ biến quá trong hàng ngũ đó thì chế độ này đã bị lật đổ từ lâu rồi. Vì họ cũng nhìn rõ như tôi thì không thể tồn tại mãi cái chính quyền dựa trên nòng súng như thế này được. Tôi không khinh bỉ con người đâu, có điều là con người ta nói chung, thường an phận và có lẽ bản chất con người bao giờ cũng nương theo phe mạnh, bản chất con người bao giờ cũng tìm những lý lẽ để bào chữa cho mình để được sống còn. Cho nên không phải là ít người đã nhìn ra cái khía cạnh phi lý của cuộc chiến tranh, không phải là ít người đã khám phá ra chế độ cộng sản là chế độ man rợ và phi nhân đâu, nhưng nói chung con người là hèn yếu, gió chiều nào che chiều ấy. Cho nên để nói ra miệng thì cũng khó, nhất là người Việt Nam hay nghĩ vụng, nghĩ lén, chứ bảo họ nghĩ thẳng thắn thì cũng khó.
ÐQAT: Bà đã viết một bài tựa đề là Tiếng Vỗ Cánh Của Bầy Quạ Ðen, nhận định rằng các “nhà Việt Nam học” thường băn khoăn trước một nghịch lý là tại sao một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh như dân tộc Việt Nam mà lại tỏ ra hèn mọn như thế trong cuộc sống thời bình. Bà có lý giải được hiện tượng này không?
Dương Thu Hương: Ðiều thứ nhất, cuộc chiến tranh vừa rồi nó quá khốc liệt, người chết quá nhiều, chết vì bom đạn, vì đói ăn, chết vì căn bệnh tâm thần .. v.v.. Khi nó quá khốc liệt thì nó như một cái lò làm cho nhiều thế hệ tan chẩy trong đó. Con người là hữu hạn, cuộc đời là hữu hạn và sức lực của con người cũng hữu hạn, lòng can đảm của con người cũng hữu hạn. Tóm lại, con người là một thực thể rất dễ dao động, vì thế khi đã ra khỏi lò lửa chiến tranh thì rất dễ nẩy sinh ra tâm lý dầu sao thì sống vẫn hơn chết. Người Việt Nam mình, nghĩa là cả tôi lẫn cả ông Thái nữa, dũng cảm bao nhiêu trong chiến tranh thì hèn nhất bấy nhiêu khi hòa bình, đó cũng là tâm lý dễ hiểu. Là vì họ đã khổ đau, họ đã lội qua địa ngục rồi nên thà họ cam chịu sự thống trị của một chính quyền hà khắc để còn được tồn tại, còn ăn được miếng cơm với nước mắm hơn là chết. Người Việt Nam dễ hài lòng, và vẫn chưa ý thức được quyền sống, chưa ý thức về nhân phẩm, chúng ta không thể đòi hỏi những người quá nghèo khổ có ý thức được về quyền tự do, một thứ quyền xa xỉ mà phải ở cấp độ nào đó người ta mới yêu được tự do, còn khi người ta đói quá thì người ta chỉ cần một bát cơm chan nước mắm cua hoặc một tý muối ớt, một tý mỡ ngoáy vào cơm là đủ qua ngày rồi. Người Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh đã sống cùng khổ như thế cho nên là khi đã lội qua địa ngục thì phải rất lâu người ta mới phục hồi lại cuộc sống bình thường như là các dân tộc khác. Ðấy là mặt tâm lý.
Ðiều thứ hai, đất nước chúng ta chịu chiến tranh liên miên nên nó sản sinh ra hai loại tâm lý con người. Tâm lý của lớp tướng và tâm lý của lớp quân sĩ. Chiến tranh dạy cho con người ta tâm lý tuân lệnh. Thái độ tuân lệnh là một gông cùm đào tạo ra phẩm chất nô lệ. Cho nên sau khi hòa bình, lập tức người lính rất ngoan cường trong chiến tranh đã trở thành những công dân hèn nhát. Họ chưa có khái niệm về quyền công dân, chưa có tri thức để làm một công dân như công dân của các nước tự do.
Ðiều thứ ba là thói quen tuân lệnh, tuân lệnh và tuân lệnh đã tẩm nhiễm vào tâm hồn họ rồi cho nên họ chỉ trở thành những người lính trong thời bình, nghĩa là những kẻ hèn, chỉ biết cúi đầu tuân lệnh mà thôi. Những người lính này sẽ lại ra lệnh cho con cái của họ, hoặc những kẻ yếu thế hơn họ. Nói cách khác, tâm lý đó là, hoặc là làm sếp của những người bên dưới, hoặc là làm con ở, đầy tớ cho những thằng bên trên. Một dân tộc mà mang cái tâm lý song trùng đó thì rất là khó trở thành một dân tộc có tự do dân chủ, bởi vì muốn có tự do dân chủ thì xã hội phải hình thành được những người công dân tự do, biết quyền của mình, biết mình được được hưởng những gì và như thế họ phải có ý thức về quyền công dân đã. Và lúc đó họ mới khao khát làm công dân.
ÐQAT: Trong một bài viết khác của bà tựa đề là Tự Do Ảo Khoảng Sinh Tồn Của Ngòi Bút, bà thiết tha cho rằng không có khát vọng nào phải trả giá đau đớn cho bằng khát vọng tự do, cũng như không có thách thức nào khắc nghiệt hơn là tự do. Bà có lạc quan về tương lai tự do của dân tộc mình không?
Dương Thu Hương: Tôi cũng không dám lạc quan lắm. Bởi vì dân tộc ta gần 90% là dân cầy, cho nên không thể đòi hỏi những người nông dân một sớm một chiều có ý thức về quyền công dân được. Tất cả mọi việc đều phải cần thời gian. Những người nông dân chỉ đòi hỏi một lãnh chúa, một minh chúa thôi. Còn muốn dân chủ thì cần có tri thức về xã hội, về quyền sống của con người và tri thức về quyền công dân. Chúng ta phải tập, phải chờ đợi. Tất nhiên tôi cũng không đến nỗi tuyệt vọng. Tôi nghĩ bây giờ với phương tiện của văn minh tràn vào Việt Nam, dù muốn hay không muốn thì cộng sản không thể giữ được cái chế độ ngu dân tuyệt đối như trước nữa. Bây giờ đã có TV, có radio, bây giờ nhân dân người ta đã nghe đài của các ông, đài VOA, đài RFI, RFA .v.v.. cũng nhiều rồi, không đến nỗi người ta bị chọc mù mắt, bị bịt tai như ngày xưa đâu. Thành ra người dân cũng tỉnh ra, nhưng cũng cần phải có thời gian, không thể đốt cháy giai đoạn được.
ÐQAT: Câu chót xin phỏng vấn bà Dương Thu Hương; mỗi năm, cứ đến dịp 30 tháng Tư, nhà nước Hà Nội lại tổ chức những lễ hội kỷ niệm biến cố lịch sử này, tâm trạng của bà về những ngày này như thế nào, và ngày 30 Tháng Tư liệu còn mang ý nghĩa nào trong lòng bà hay không ạ?
Dương Thu Hương: Ngày 30 Tháng Tư là một ngày mà tôi nhìn thấy sự trớ trêu của số phận đất nước Việt Nam. Ngày 30 tháng Tư là một kỷ niệm nặng nhọc và buồn phiền. Tôi nghĩ rằng sau này lịch sử sẽ nhìn lại ngày 30 Tháng Tư là một ngày đau khổ và cuộc chiến tranh bấy giờ là một cuộc chiến tranh tồi tệ nhất của người dân Việt Nam. Những người Việt Nam có lương tri, dù là chống cộng hay dù là cộng sản, sau này họ chết đi, họ cũng nên lội qua vạc dầu một lần để hiểu thế nào là chân lý.

ÐQAT: Cám ơn bà đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét