Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

CHÂN DUNG "BÁC" HỒ - PHẦN 4

Đó là chuyện nghề ngỗng, bây giờ đến cái khoản ăn ngủ và hoạt động của bác.
Về khoản ăn, theo lời Trần Dân Tiên, bác thuộc loại dễ nuôi:
“Mỗi buổi mai, ông Nguyễn nấu cơm trong một cái sanh nhỏ bằng sắt tây đặt trên một ngọn đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Ông ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng phó-mát là đủ ăn cả ngày” (trang 35)
Về ở, bác lại vận dụng trí sáng tạo đưa ra một kiểu chống lạnh rất ly kỳ:
“Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rất rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.” (trang 36)
Nếu đây chỉ là lời bịa đặt thuần tuý, để tự đề cao, để cho đời thấy bác đã có thuở thiếu thời vô cùng rét mướt, vv… ta nên bỏ qua vì trí sáng tạo của bác chỉ có vậy. Nhưng nếu thật sự bác đã từng chống rét bằng cái kiểu gói viên gạch vào những tờ báo cũ thì lúc đó bác còn tối tăm lắm, không hơn gì cái thuở ăn xúp bằng nĩa.
Không ai gói giữ nhiệt độ bằng giấy báo cũ. Khách sạn bác trọ không có máy sưởi ở các phòng, mùa đông Paris sẽ lạnh tàn nhẫn vô nhân đạo. Lò bếp khách sạn đâu có ở cạnh phòng bác. Cục gạch lấy từ bếp ra, gói vào giấy báo thì chỉ một lúc sau, bác về tới phòng là nó lạnh như cục nước đá rồi. Để cục nước đá ấy xuống nệm mà nằm cho nó oặt xương sống ra à!
Yêu cầu các cháu văn nô của bác trong kỳ tái bản tới sửa lại khúc này là: bác bọc cục gạch nóng vào mớ giẻ rách. May ra đỡ lạnh hơn và nằm chắc chắn êm hơn, xương sống được an toàn.
Có Vẻ Dễ Yêu
Về sinh hoạt thường ngày của bác, chú Trần Dân Tiên kể:
“Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến ông đi dự mít tinh ở Paris… Hầu hết trong những buổi mít tinh này, ông đều phát biểu ý kiến” (trang 36)
Vừa kể đến đó, bác cầm lòng không đậu, lại tự khen ngay một phát ra gì:
“Vì ông là người ngoại quốc độc nhất trong những nơi này và vì ông có vẻ dễ mến cho nên thính giả thích nghe ông. Ông Nguyễn khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặt biệt là vấn đề Việt Nam” (trang 36)
Mới có mấy dòng kể chuyện đi mít tinh bác đã nhồi nhét vô được ba bốn lời tung hô vạn tuế: nào là bác “khéo lái”, bác được thính giả thích nghe, bác có vẻ dễ yêu mến. Nhưng ở đoạn này, bác muốn “nói có sách, mách có chứng” đàng hoàng, bác đưa ra ví dụ về chuyện “khéo lái” rồi chuyện “dễ yêu”. Bác kể:
“Có một lần bác sĩ Cu-ê (Coué) nói về thuật thôi miên. Nhiều người phát biểu ý kiến, người đồng ý, người phản đối phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên. Đến lượt ông Nguyễn, ông kịch liệt phản đối thuật thôi miên. Lý do của ông: Thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi”(trang 36)
Ông Nguyễn phát biểu ý kiến kiểu đó thì thính giả thích nghe ông thật. Người ta vẫn khoái nghe lời nói giễu, khoái coi vẻ mặt ngô nghê, hành động lố bịch tức cười của những thằng hề.
Các cụ hãy tưởng tượng phong cảnh một phòng họp: Các chuyên gia đang hăng say thảo luận về thuật thôi miên, đề tài tranh cãi là có nên dùng thôi miên trong y khoa không. Đột nhiên có một anh Mít nhẩy lên diễn đàn, phản đối thuật thôi miên ầm ĩ, kêu la rằng chính thực dân đã… thôi miên dân tộc của anh ấy! Thực dân nào dùng thuật thôi miên? Chúng nó đem vũ khí tối tân, quân đội hùng hậu, sách lược thâm độc đến Việt Nam để đàn áp bóc lột chứ thôi miên làm gì cho thêm rắc rối. Có bao giờ ta thấy một anh thực dân đứng đưa cái quả lắc trước mặt anh Mít ngơ nghệch và dụ khị “Ngủ đi! Ngủ đi! …” để rồi sau đó mới bóc lột, đàn áp! Bác “khéo lái” thế thì khán giả đến cười lăn ra mà chết. Sự ngô nghê của bác có khả năng chọc cười, làm khán giả bị bất ngờ. Lời nói càng ngu, mặt mũi càng nghiêm chỉnh thì người ta càng buồn cười, càng thấy bác “có vẻ dễ yêu”.
Khi kể chuyện lên diễn đàn chống thuật thôi miên, bác không nhắc đến phản ứng của khán giả. Nhưng ở một dịp phát biểu ý kiến khác, bác mô tả rõ hành động của mọi người sau khi nghe bác nói: Họ cười lăn ra! Bác kể:
“Một hôm, ông Nguyễn đứng lên phát biểu: “Các bạn thân mến! Các bạn đều là những người xã hội, rất tốt! Tất cả các bạn đều muốn giải phóng giai cấp công nhân. Vậy như thế dù đệ nhị, đệ nhị rưỡi hay đệ tam quốc tế phải chăng cũng thế cả.(trang 44)
Những Quốc Tế ấy đều không là cách mạng cả sao? Những Quốc Tế ấy đều không đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội cả sao? Dù các bạn gia nhập Quốc Tế này hoặc Quốc Tế nọ, các bạn cũng phải đoàn kết, nhất trí. Tại sao tranh luận nhiều thế. Trong khi các bạn tranh luận ở đây thì đồng bào chúng tôi đang rên xiết ở Việt Nam”. Mọi người cười .”
Bác làm thiên hạ phá lên cười. Nhưng nghe bà con cười, bác lại hiểu rằng: “Mọi người cười, nhưng không là mỉa mai, mà là cười cảm tình với một đồng chí non, chưa hiểu được vấn đề”. Có thể họ không cười mỉa mai thật. Nhưng cười cảm tình thì chưa chắc. Đó là những tiếng cười dành cho một anh lấc cấc, lố bịch, rất hề.
Từ trang 38 đến trang 46 bác Hồ kể lại những chuyện du lịch, thời gian làm tờ báo “NGƯỜI CÙNG KHỔ” và vụ gia nhập đảng Cộng Sản Pháp.Về tờ báo “NGƯỜI CÙNG KHỔ” thì
“Ông Nguyễn được mọi người cử ra để làm tờ báo chạy. Vì vậy ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc.”
Tờ báo do một ông tài nghệ mới mấp mé tới mức ký giả săn tin xe cán chó chủ trương kiêm nhiều chức vụ như thế nên “lúc đầu ông Nguyễn gửi bán tại những cửa hàng nhỏ. Nhưng bán không chạy lắm”. Nghĩa là không khá, báo ế. Ông Nguyễn giải thích cái sự báo ế này bằng lý do “vì ở Paris có vô số báo, người ta không thể đọc và mua tất cả.” (trang 41).
Bác nói phét, làm như người ta không mua báo bác là tại thị trường nhiều báo quá chứ không phải tại báo bác dở ẹc.
Về vụ vào Đảng Xã hội, bác than thở là người ta thảo luận nhiều quá và thú thực rằng bác chẳng hiểu mẹ gì:
“Ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: Chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghĩa xã hội, cách mạng không tưởng, khoa học, Xi mông, Phu-ri-ê, Mác (Saint Simon, Fourrier, Marx) chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa cải lương, sản xuất, luận đề, phản luận đề… Ngoài những ý kiến trên, còn có những lời giải thích và những lời tranh luận khác. Ông Nguyễn nhức đầu vì khó hiểu” (trang 43).
Riêng vụ du lịch, bác có vẻ rành, nên bác ba hoa:
“Sau mỗi chuyến đi, ông Nguyễn kể cho chúng tôi nghe cảm tưởng của ông. Thường thường ông nói nửa đùa nửa thật. Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thời giờ ở bãi bể để nhìn người đàn bà đi tắm, mà nên du lịch, học hỏi được nhiều” (trang 38).
“Không phải chỉ vì thích đi du lịch mà ông nhịn ăn, nhịn tiêu. Ðiều đó cũng có, nhưng nhất là ông muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào” (trang 40)
Khoe là đi các nước để xem người ta tổ chức và cai trị như thế nào, nhưng những đoạn văn đưa ra nhận xét của bác về các quốc gia thì toàn là văn tả cảnh hoặc mô tả sinh hoạt một cách mơ hồ và lèm bèm kiểu như:
“Va-ti-căng có nhiều lâu đài vĩ đạị Nhà thờ thánh Pi-e (Pierre) là một kỳ công kiến trúc. Viện bảo tàng Va-ti-căng là một cuốn sách sống về lịch sử tôn giáọ. Ngoài những vật quí khác, người ta còn thấy cả những bánh xe thời Trung Cổ. Khi nào nông dân không nộp thuế cho nhà chung, ngươì ta buộc chân tay người nông dân vào bánh xe vừa đánh, vừa quay” (trang 38)
“Phụ nữ Ý hát rất hay. Tiếng hát trong như tiếng chuông. Theo ông Nguyễn thì nước Thụy Sĩ xinh hơn hết. Bá Linh so với Pa-ri và La Mã giống như một miếng bánh mì so với bánh ga tô. So sánh như vậy cũng không đúng lắm vì Bá Linh cũng như tất cả nước Ðức đang khốn khổ vì nạn đói. Nạn lạm phát ghê gớm. Một chút gì cũng trả mấy ngàn Mác (đồng tiền Đức)” (trang 40).
Có thấy “cách tổ chức và cai trị” của nước nào đâu, chỉ nghe lời kể lảm nhảm, nhạt nhẽo của một nhà du lịch kiến thức nghèo nàn. Lời kể cũng đầu Ngô mình Sở, lộn xộn không đáng viết thành sách.
Sau những thảo luận kịch liệt “làm ông Nguyễn nhức đầu lên” vì khó hiểu, Đảng Xã hội Pháp chia ra làm hai: Phần lớn thành đảng Cộng Sản Pháp. Bác Hồ đi theo nhóm đa số và được đưa qua Nga học tập, bắt đầu dợt nghề làm tay sai cho điện Cẩm Linh.
Ra Đi Bí Mật
Sau đây là cảnh bác Hồ rời khỏi Paris, văn sĩ Trần Dân Tiên dàn văn, xếp ý, gò khúc này dữ lắm để cho cảnh biến mất của bác hết sức đột ngột, ly kỳ và cải lương ra rít. Cũng phải nói thêm: trong cảnh biệt ly ảo não này có mấy nhân vật như cô bé Alice và cậu bé Paul đột ngột xuất hiện đóng tuồng. Trước đó, không ai hề được nhắc tới. Bà B., Alice, Paul ra đời chỉ vì nhu cầu “lâm li” của đoạn văn mà thôi.
“Theo lệ thường, chiều thứ bẩy, những đồng chí Sê-nê-ga-le, Ma rốc, An-giê-ri, Man-gát, vv .. vv đến toà báo Người Cùng Khổ để thảo luận về những bài viết cho số báo sau. Ngày hôm ấy họ thấy toà báo đóng cửa. Họ gõ cửa. Không thấy trả lời.
Người ta bắt đầu ngạc nhiên và bàn bạc.
- Có lẽ ông Nguyễn ốm chăng?
- Không, nếu ốm thì ông đã báo cho chúng ta biết.
- Hoặc bị bắt chăng?
- Không thể. Chúng nó không dám làm như thế ở Pa-ri.
- Có lẽ ông bận đi việc gì.
- Ông Nguyễn sẽ để lại cho chúng ta một chữ. Ông Nguyễn thường làm như thế.
- Như vậy chúng ta đợi một lát.
- Không cần. Chúng ta đến nhà ông B…, chúng ta sẽ trở lại sau.
Ông B… là một luật sư người Ăngri. Ông Nguyễn thường đến nhà ông. Bà vợ ông coi ông Nguyễn như anh em. Ông Nguyễn rất yêu hai đứa con ông, một cháu gái tám tuổi và một cháu trai bốn tuổi, và cũng được chúng rất mến.
Những người bạn gặp ông B… trong phòng khách cùng vợ và hai con. Hai vợ chồng có vẻ buồn. Hai đứa trẻ khóc.
- Gì thế? Những người bạn hỏi ông B.
Bà B… gạt nước mắt chỉ mảnh giấy gấp để trên bàn và nói:
- Các bạn đọc đi sẽ biết…
(Sau đây là đoạn chót lá thư của “ông Nguyễn”)
“Tôi sẽ viết thư cho các bạn. Nhưng tôi không giám hứa với các bạn, vì không phải dễ viết thư khi người ta hoạt động bí mật. Dù tôi có viết thư cho các bạn hay không, các bạn hãy tin chắc rằng lòng tôi luôn luôn yêu các bạn. Nhờ các bạn bắt tay những người bạn Pháp của chúng ta. Bây giờ một vài lời với cháu trai và cháu gái.
Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam. Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không thấy được chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu chú sẽ không thấy cô A-lít-sơ (Alice) và cậu Pôn (Paul) của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu lớn bằng ba và má. Ðiều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé A-lít-sơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú. Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha me. Ðừng đánh con chó nhỏ Ma-ri-uýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.
Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú. Chú Nguyễn”
Bác sĩ R… ngừng đọc. Mọi người nhìn nhau không nói. Cậu bé Pôn phá tan cảnh im lặng hỏi mẹ:
- Chú Nguyễn đâu hở mẹ?
- Khi nào thì chú ấy trở lại hở mẹ? Cô bé A-lít-sơ hỏi theo.
- Chú ấy sẽ trở lại khi nào nước chú độc lập. Bà B… trả lời và ôm chặt lấy hai con.” (trang 47-50)
Các đồng chí Sê-nê-ga-le, Ma-rốc, An-gê-ri, Man-gát vv… cùng chung một lý tưởng, hoạt động “bí mật” cùng với bác, làm báo “Người Cùng Khổ” với bác. Tóm tắt, họ chia xẻ với bác những chuyện sinh tử lớn lao. Thế mà lúc bỏ Pháp qua Nga bác không báo trước cho anh nào một lời . Ðến nỗi cả lũ đồng chí phải lốc nhốc kéo nhau đến nhà ông bà B… Mà bác có ra đi bí mật hoàn toàn không? Ðâu có, bác gửi lại những dòng thư tâm tình tha thiết, cảm động mê tơi cho hai “đồng chí” Alice và Paul (một cháu tám tuổi và một cháu mới bốn tuổi). Với cậu bé bốn tuổi bác đem cả chuyện đấu tranh cho tổ quốc ra dặn dò, nhưng với các đồng chí lớn, bác hoàn toàn bí mật. Cho cả lũ tha hồ xớn xác tìm bác.
Ôi chao! Các đồng chí nước bạn Sê-nê-ga-le, Ma-rốc, An-grê-ri, vv… cũng chả nên buồn vì lối cư xử ngớ ngẩn, nhảm nhí của bác. Chẳng qua là tại bác mê cải lương quá đỗi. Và trong cảnh ly biệt rất cải lương này, các đồng chí không có vai trò nào gây cảm động bằng hai đứa bé con. Thế nên các đồng chí mới bị bác tỉnh bơ dẹp qua một bên.
Nghệ Thuật Vẽ Rồng
Viết xong khúc này, chú Tiên, bác Hồ có vẻ đắc trí, hả hê lắm. Bác lại long trọng hạ hai câu:
“Thế là một lần nữa ông Nguyễn biệt tích. Một lần nữa chúng tôi mất khâu chuyền” (trang 51)
Bây giờ thì độc giả biết tỏng ra rồi. Lời đe doạ của bác hết thiêng. Dù bác biệt tích, dù chú la lối mất khâu chuyền thì rồi câu chuyện vẫn tiếp tục như thường. Nhưng tại sao ông Nguyễn lại hay “biệt tích” thế? Sẽ có độc giả đặt câu hỏi như vậy, và đó là mối lo của nhà cầm bút Trần Dân Tiên. Cái trò bắt bác khi biến, khi hiện này là một nghệ thuật cao cường của chú. Nếu người đời không thấy được cái chỗ hay ho, tài tình ấy thì uổng lắm, thiệt thòi cho chú lắm. Thế là chú Tiên đành khơi khơi giảng huỵch toẹt cái hay trong nghệ thuật viết văn của mình ra:
“Một câu châm ngôn Trung quốc nói: ‘Một nhà họa sĩ vẽ giỏi không bao giờ vẽ nguyên cả một con rồng, mà vẽ con rồng khi ẩn, khi hiện giữa những đám mây’ ” (trang 51)
(Đáng lẽ chỗ này nên để cho lũ văn nô xúm lại bốc thơm hồi ký của bác, “phát giác” ra, nhưng bác sốt ruột quá, xí luôn công việc ấy. Thành ra bác viết văn tự ca tụng rồi lại viết ca tụng chính cái nghệ thuật tự ca tụng của mình)
Viết xong câu giải thích, ngẫm nghĩ lại bác thấy hình như chú Trần Dân Tiên hơi át giọng bác Hồ kính yêu. Ðộc giả có thể hiểu lầm rằng sở dĩ con rồng đẹp là nhờ nhà hoạ sĩ có tài. Cái kỹ thuật tài tình dùng mây che bớt rồng làm cho con rồng nổi bật, chứ sự thật, rồng có thể xấu xí hơn rồng trong tranh. Thế là, bác vội đè cổ chú Tiên xuống bắt viết những lời khiêm tốn.
“Chúng tôi không phải là những nhà họa sĩ có tài. Chúng tôi không để những đám mây trong tiểu sử của Hồ chủ tịch, nhưng đến đây thì chúng tôi phải thú thật rằng đã mất mối câu chuyện.” (trang 51)
Nghĩa là bức tranh đẹp không nhờ tài họa sĩ mà nhờ chính con rồng. Con rồng, khi đứng chụp hình, đã biết lấy mây che bớt vài khúc cho mình thêm mờ ảo tranh đẹp vì Rồng Hồ khéo dàn cảnh, không vì họa sĩ Tiên khéo vẽ.
Tất cả những trò ly kỳ rùng rợn như “bác biệt tích”, “chú Tiên mất khâu chuyền” được giải quyết dễ dàng bằng hai chữ “May thay…”. Từ nay thì độc giả có thể yên tâm, trong sách còn nhiều “may thay!” nữa.
“May thay lần nầy, khâu chuyền thiếu không lâu. Chỉ trong thời gian ngắn một người bạn Pháp đã kể cho chúng tôi nghe như sau: Tuyết xuống nhiều, phủ một lớp dầy trên chiếc tầu Xô viết tên là X… Chiếc tầu vừa thả neo trước cửa bể Lê-nin-gờ-rát. Vị thuyền trưởng đưa cho một người Á Đông trẻ tuổi một bộ áo quần lông và vừa nói vừa cười: “Anh tạm dùng, sẽ trả lại tôi khi nào anh không cần đến nữa”. Người Á Đông trẻ tuổi cảm ơn, mặc áo quần ấm và đợi. Hai người thủy thủ trẻ tiến đến và nói với người Á Đông: “Nếu anh cho phép, chúng tôi đưa anh đến trụ sở”.(trang 52)
Đến trụ sở thì một cán bộ ra tiếp, mời ngồi, mời một điếu thuốc lá Nga, dài bằng hai ngón tay, và hỏi:
- Xin đồng chí cho biết tên.
- Tôi là Nguyễn.
- Đồng chí muốn đi đâu?
- Tôi muốn đến đây, đến Nga.
- Đến có việc gì, đồng chí vui lòng cho biết?
- Để gặp đồng chí Lê-nin.
- Rất đáng tiếc, không thể gặp đồng chí Lê-nin, vì Người vừa mới mất hôm kia – Người cán bộ vừa nói vừa lau nước mắt.
- Trời ơi! Đồng chí Lê nin mất rồi sao?
Ông Nguyễn sửng sốt và vô cùng cảm động. Người cán bộ hỏi tiếp:
- Theo lời thuyền trưởng, đồng chí đi tầu… không có giấy phép?
- Đúng, tôi bí mật.”
Đến đây, độc giả thấy rằng ngoài cái tật mê những cảnh cải lương, bác còn khoái truyện gián điệp rẻ tiền, hơi một tí là kêu nhắng lên: “bí mật!”. Ở đây bác lên chiếc tàu Nga, “bí mật” thế nào mà đến cả ông thuyền trưởng cũng biết, được ông tặng bộ quần áo lông. Cả cán bộ và thủy thủ đoàn trên tàu đều biết bác. Rời tàu, bác phải đi bắt tay từng người, lại được cán bộ hướng dẩn đến tận trụ sở. Ông thuyền trưởng thì khai vanh vách về tình trạng của bác với cán bộ địa phương. Thế mà khi công an hỏi, bác cứ nghiêm nghị đáp tỉnh bơ: Đúng, tôi bí mật! “May thay” cho tên cán bộ Nga lúc đó, nhờ chế độ Cộng Sản kìm kẹp, nó hết biết cười. Nếu không thì đến đứt ruột mà chết.
Trò bí mật bác khoái từ hồi nhỏ. Quí vị độc giả còn nhớ: Ở đầu sách, cậu bé Nguyễn Tất Thành khi rủ một cậu bé khác ở Sàigòn đi ra nước ngoài cũng bắt cậu kia phải giữ “bí mật”. Vì lý do gì? Vì cậu Thành được gởi ra nước ngoài bằng đường dây cách mạng? Vì cậu sẽ lên đường trong một đêm tăm tối, mưa gió bão bùng, không để ai phát giác được hành tung? Không có. Cậu xuất ngoại bằng cách giữa thanh thiên bạch nhật đàng hoàng đến bến tàu xin việc. Xin hết tàu nầy đến tàu kia mới gặp một kẻ thương tình cho chân phụ bếp. Thế mà cũng cứ nhất định khăng khăng giữ… bí mật!
Bốc Thơm Quan Thầy
Con người đến Nga “một cách bí mật” ấy đã bị cán bộ Nga đón tiếp một cách không bí mật tí nào cả. Sau màn phỏng vấn, biết gặp được một tên tay sai đầy triển vọng, cán bộ Nga cho Hồ đến ở khách sạn quốc doanh và nuôi nấng cẩn thận, chỉ cấm không cho ra ngoài. Thế cho nên mấy hôm sau, được hỏi nhận xét, cảm tưởng về nước Nga, bác phang ra một câu xanh rờn: “Tôi thấy rất rét”. Nguyên văn đoạn đối thoại:
“- Anh đấy ư? Paul hỏi.
- Vâng tôi đây, ông Nguyễn trả lời.
- Anh làm thế nào mà đến đây được?
- Như lệ thường thôi, bằng cách bí mật.
- Anh đến đây vào lúc đang buồn. Lê Nin vĩ đại vừa mới mất.
Hai người bạn lặng yên một lát, buồn rầu. Rồi Pôn nói tiếp:
- Anh thấy xứ này thế nào?
- Tôi thấy rất rét. Ngoài ra không biết chuyện gì khác, vì tôi đã hứa với người cán bộ là không ra khỏi khách sạn.” (trang 54)
Coi bộ tình cảnh bác tới Nga lần đầu thảm hơn lần tới Pháp. Đến Pháp, bác còn được tà ta ra tiệm cà phê, được bồi gọi là Ông nên bác có nhận xét rất rộng ra rãi: “Người Pháp ở Pháp tốt và lịch sự v.v…”. Đến Nga, bị cán bộ cấm ra khỏi phòng bác sầu đời, phang ra một quả nhận xét cộc lốc: “Tôi thấy rất rét”. Nghe tuy quê mùa nhưng cũng khá dũng cảm.
Nhưng sự hậm hực chê bai nước Nga chỉ có thế. Sau đó là tràng giang đại hải những lời ca ngợi, kiểu như:
“Ông chú ý nhất đến chế độ xã hội nước Nga. Ở đây, mọi người ra sức học tập, nghiên cứu để tiến bộ. Chính phủ thì giúp đở khuyến khích nhân dân học tập. Ở đâu cũng thấy trường học…” (trang 56)
Điều này bác ca ngợi đúng. Nga mở ra nhiều trường lắm. Tây Bá Lợi Á cũng đầy trường. Chính phủ không những khuyến khích mà còn còng dân, dí súng vào lưng dân đẩy đến trường học tập.
“Có một số nông trường tập thể rất giàu mà người ta gọi là nông trường triệu phú. Những nông trường nầy có trường học sơ cấp và trung cấp, thư viện, nhà chiếu bóng, sân vận động, nhà thương, phòng nghiên cứu nông nghiệp, nơi chứa máy móc, vân vân…” (trang 56).
Trích dẫn nhiều chỉ làm nhàm tai độc giả. Hàng triệu cuốn sách, bài báo tuyên truyền của Cộng Sản đều có những lời tương tự.
Bác cũng còn dành một trang để ca tụng Nga là thiên đường của con nít (trong khi chờ đợi thành thiên đường của người lớn.) Những điều ca tụng của bác, nửa thế kỷ sau nước Nga vẫn… chưa thực hiện được.
Đặc biệt ở những trang ca tụng nước quan thầy này, bác viết như chép từ những tài liệu tuyên truyền hoặc nghe lại lời ba hoa của một cán bộ tuyên truyền. Bác không kể nổi tên một người, một địa danh nào đặc biệt. Có lẽ tụi Nga chỉ cho bác đi vài vòng ngắm cảnh rồi giam bác ở khách sạn cho học tập tối ngày. Cái khúc con rồng hiện ra ở nước Nga này hơi thảm. Giá bác cứ cho nó “biệt tích” luôn thì lại đỡ hơn.
Từ trang 62, bác kể lại thời gian hoạt động ở Tầu, ở Xiêm (Thái Lan).
Được quan thầy Nga huấn luyện, dậy dỗ, bác tiến bộ thấy rõ. Tài chôm chỉa của bác nhuyễn lắm rồi. Các sáng kiến, công lao của người khác, ở mọi địa hạt, nếu vừa mắt, hạp ý, bác vồ gọn. Thí dụ ở trang 62, bác kể:
“Ba nguyên tắc của bác sĩ Tôn Dật Tiên là:
- Dân tộc độc lập.
- Dân quyền tự do.
- Dân sinh hạnh phúc.”
Quí vị có thấy cái gì quen quen không? Vâng, mấy khẩu hiệu ấy, bác thuổng hết, xài suốt đời, thành ra ta cứ đọc thấy những câu dài dòng: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc” được gắn nguyên con cho miền Bắc.
Về vụ dựa hơi hại nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, bác kể:
“…Thực dân Pháp đã phạm một sai lầm là bắt nhà lão chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, lúc bấy giờ ở Trung quốc, và muốn kết án tử hình cụ Phan. Tất cả nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại vụ án này và yêu cầu tha cụ Phan. Chưa bao giờ có một phong trào quần chúng rộng rãi như vậỵ. Đây là một dịp tốt cho ông Nguyễn tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước” (trang 63).
“Nhà lão ái quốc Phan Chu Trinh ở Pháp trở về Việt Nam. Về được một năm thì cụ mất. Từ Bắc chí Nam, nhân dân ta tổ chức đám tang rất lớn. Bọn cầm quyền Pháp can thiệp cấm những cuộc truy điệu và bắt bớ những thanh niên, sinh viên hăng hái nhất trong cuộc vận động đó. Sự can thiệp này đã thổi thêm ngọn lửa yêu nước của ông Nguyễn…” (trang 64)
Bác Tự Cứu Đói
Nhưng lý thú nhất là vụ bác ăn cướp cơm chim, nghĩa đen.
Nguyên là hồi bôn ba ở Thái Lan, bác thất nghiệp nặng. Lúc ở Tầu, bác sinh sống bằng nghề thông dịch. Ở Nga, bác được nuôi. Ở Anh thì có nghề rửa chén. Thời gian ở Pháp huy hoàng hơn cả, bác cầy hai “dóp”: một là rửa và phóng đại hình, hai là ngồi sơn vẽ đồ cổ giả để bịp mấy bà già. Riêng thời ở Thái, bác khai nghề nghiệp rất mơ hồ: “Cuốc đất, đi buôn”. Chắc là đói, bác bèn kể lại một mưu mẹo thần sầu để cứu đói cho chính mình và đồng bọn. Bác kể:
“Người Xiêm mộ đạo Phật và rất hiền lành. Đến tuổi nào đó, con trai phải đi tu ở chùa mấy tháng. Vì vậy trong nước có hàng ngàn nhà sư. Sư rất được nhân dân kính trọng. Và được nhân dân nuôi. Mỗi ngày họ chỉ ăn một bữa, vào mười giờ sáng. Chị em mang cơm đến chùa. Sư cứ việc ăn không cảm ơn ai. Họ chỉ cảm ơn Phật Tổ. Khi sư ăn xong, cơm rau còn lại khách qua đường có thể ăn. Những người đưa cơm đều rất sung sướng được dịp bố thí. Nhờ thế mà ông Nguyễn và những người bạn của ông có thể đi đường không tốn tiền cơm. Nếu không gặp những người khách đói, người đưa cơm đem một phần cơm thừa cho chim ăn.” (trang 66)
Tội nghiệp những con chim bị những người khách đói “ăn chặn”. Trước khi có “ông Nguyễn và đồng bọn” xuất hiện, chim Thái Lan sống rất phủ phê. Cơm thừa của các nhà sư bao giờ cũng dư giả. Bây giờ thì “những người khách đói” vét sạch bách. Nguồn gốc của từ ngữ “ăn cướp cơm chim” chắc là đây. Nghĩ kỹ ra thì những con chim Thái Lan thửa ấy vẫn còn may mắn lắm. Ngày đó có bác đi nhẹ vào đời chim, chim phải một phen bữa đói bữa no, nhưng còn tự do đậu trên cành hót chửi bác và tự do bay đi. Còn dân Việt Nam bị bác đi nhẹ vào đời thì đói kinh niên, mất tự do thê thảm cho tới chết.
Bạn Đọc Hồi Hộp
Khi rời nước Tầu, đến Thái Lan hoạt động bác lại biểu diển tuồng “biến mất” thêm một phát nữa:
“Một lần nữa ông lại mất tích. Ông Nguyễn đi đâu. Không ai biết. Những đồng chí của ông cũng bị nghi ngờ và bị Quốc Dân Đảng bắt bỏ tù. Chúng tôi lại mất mối thêm một lần nữa…” (trang 65)
Trong trò “biến mất”, “mất mối” kỳ này, chú Trần Dân Tiên và vai trò của chú lại bị bác quên mất tiêu. Hai chữ “may thay” bác cũng quên luôn. Sau khi than bác mất tích, chúng tôi “mất mối” bác viết tỉnh bơ, không cần ai kể, không cần “may thay có người biết…” như thường lệ. Cả ở những việc không đáng gì bác cũng cứ nhơn nhơn, trắng trợn phơi sự láo khoét của mình ra như thế! Quái đản thật. Rồi đến cuối trang 85, thình lình bác Hồ lại la hoảng:
“Ông Nguyễn lại mất tích!”
Và lần này coi bộ bác sốt ruột lắm rồi, chịu không nổi, bác nói thẳng với độc giả:
“Các bạn thân mến, chắc các bạn cũng hồi hộp khi đọc chuyện của một người khi xuất hiện khi mất tích, lại xuất hiện, lại mất tích luôn luôn và đột ngột như thế”.
Hóa ra bác Hồ thèm thuồng sự vinh quang của mấy tay viết truyện trinh thám, gián điệp rẻ tiền. Bác xào đi xào lại cái trò “ông Nguyễn mất tích” để bắt bà con “hồi hộp” đấy. Nhưng hồi hộp thế quái nào được. Kết cuộc câu chuyện của bác đã được phơi ra từ những trang đầu. Độc giả biết tỏng rằng “ông Nguyễn” dù có biến, hiện loạn xị thì cuối cùng cũng về ngồi lù lù ở Bắc Bộ Phủ. Vả lại, cứ theo tình tiết câu chuyện thì thường mỗi lần gặp thế nguy, bác lại biến mất tiêu. Bị Quốc Dân Đảng Trung Hoa muốn hãm hại, bác biến. Bị thực dân giăng bẫy bắt, bác “mất tích”. An toàn khỏe ru như thế, hồi hộp vào cái khổ nào.
Đầu tiên, bác biểu diễn kỹ thuật viết: cho nhân vật lâu lâu biến một lần. Rồi bác giải thích cái hay của kỹ thuật ấy bằng thí dụ ông họa sĩ vẽ rồng để nhắc khéo độc giả rằng bác viết tài tình lắm đó. Sau chót, chả cần giữ ý tứ gì, bác huỵch toẹt hỏi thẳng độc giả: Tôi viết có hay không? Có khéo không? Chắc là tôi làm quí ngài hồi hộp phải biết! Loại văn sĩ nghĩ văn mình là nhất không hiếm trên đời, nhưng vừa viết văn vừa tự khen, cưỡng bách độc giả phải khen ngay tại trận thì chỉ có mình bác. Tình cảnh ấy thảm thương như một anh hề vừa giễu xong vội giải thích tất cả kỹ thuật giễu của mình rồi chất vấn khán giả: chắc là “các bạn thân mến” đang buồn cười lắm vì tài giễu của tôi!  
Kiều Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét