BBC Tiếng Việt - Một nhà ngoại giao và một học giả Trung Quốc nói Công hàm
1958 là bằng chứng Việt Nam công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.
Công hàm 1958 gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại
được Trung Quốc đề cập trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đối đầu vì vụ giàn
khoan HD-981
Căng thẳng Việt – Trung đã gia tăng, với việc nổ ra các
cuộc bạo động ở Việt Nam, sau khi Việt Nam lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
tại khu vực biển Hoàng Sa.
Hôm 20/5, đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở
Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post để biện hộ cho Trung Quốc.
Ông Liu Hongyang nói quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc dùng
để chỉ Hoàng Sa) là “lãnh thổ vốn vẫn thuộc về Trung Quốc”.
“Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt
Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai.
“Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt
Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây
Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc.”
Ông Liu Hongyang cáo buộc “việc chính phủ Việt Nam gần
đây thay đổi và từ chối công nhận Tây Sa là của Trung Quốc thật vô cùng gây sốc”.
“Việt Nam rõ ràng vi phạm nguyên tắc ‘estoppel’ [không được
nói ngược],” ông Liu cáo buộc.
Bày tỏ lập trường chính thức của Trung Quốc, ông Liu nói
tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ tồn tại ở quanh quần đảo Trường Sa.
Ông Liu cáo buộc Việt Nam có “tiêu chuẩn kép” khi đã
“đánh dấu 57 lô dầu khí ở trong vùng biển tranh chấp”.
Nói về cuộc đối đầu quanh giàn khoan HD-981, ông Liu nói
Việt Nam “phải bỏ mọi ảo tưởng và tiến hành hai biện pháp quyết định”.
“Một, ngay lập tức dừng mọi hoạt động nguy hiểm chống lại
giàn khoan Trung Quốc và rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển thuộc Trung Quốc.
“Hai, thực thi lời hứa dừng mọi bạo lực trong nước để bảo
vệ công dân và tài sản công ty Trung Quốc ở Việt Nam.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về bài báo của ông
Liu Hongyang.
Trong một diễn biến liên quan, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc
Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có bài trả lời phỏng vấn hãng tin Đức
Deutsche Welle (DW), được đăng trên mạng hôm 20/5.
Ông này cũng nhắc lại về Công hàm Phạm Văn Đồng.
“Năm 1958, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã
công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa trong công hàm gửi Thủ
tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
“Hà Nội chỉ thay đổi lập trường sau khi đất nước thống nhất
năm 1975,” tiến sĩ Ngô nói.
“Nhưng theo nguyên tắc estoppel, Trung Quốc không tin rằng
Việt Nam có thể thay đổi lập trường về vấn đề chủ quyền.”
Công hàm Phạm Văn Đồng vẫn gây tranh cãi sau 50 năm
Công hàm tranh cãi
Công hàm ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958 để phúc đáp tuyên bố của CHND Trung Hoa hôm
04/9 năm 1958 về hải phận 12 hải lý của nước này.
Viết trên BBC, Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban
Biên giới Chính phủ Việt Nam, cho rằng công hàm “không liên quan gì đến 2 quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa, càng không có nghĩa là Việt Nam thừa nhận 2 quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”.
“Bởi thời điểm này 2 quần đảo đang do chính thể Việt Nam
Cộng hòa, đại diện cho nhà nước Việt Nam quản lý, thực thi chủ quyền,” ông Trục
giải thích.
Tuy vậy, tranh luận trên BBC, ông Lý Thái Hùng, một
lãnh đạo của đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, lại nói công hàm “vẫn đã thừa nhận
chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện
minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay”.
Nói như một nhà nghiên cứu khác, Dương Danh Huy, công hàm
có gây ra nghĩa vụ ràng buộc cho Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa hay
không là một vấn đề “còn tranh cãi”.
KHÓ XỬ CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG
Trong bài viết mới đây của Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng
“Công hàm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký gửi Trung Quốc chỉ ủng hộ và thừa
nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố, không có chữ nào nhắc đến
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền
với tên gọi Tây Sa, Nam Sa.”
Do đó mà việc kêu gọi hủy bỏ công hàm này là mắc lừa chủ
trương hiện nay của Bắc Kinh.
Tiến Sĩ Trần Công Trục đã chỉ nói một phần ý nghĩa của
Công hàm 1958, và là phần phụ, phần bao quát không bao gồm ý nghĩa và hệ quả
đích thực của Công hàm này.
Đó là lý do vì sao đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có những
biện pháp cứng rắn hơn đối với những hành vi xâm phạm ngày một gia tăng của Bắc
Kinh trên Biển Đông.
Kẽ hở của Công hàm 1958
Đúng là Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề
cập gì đến Hoàng Sa hay Trường Sa.
Nhưng Công hàm đã viết:
"Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận
và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc."
Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã viết:
"Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo
ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần
đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc."
"Việt
Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được
quốc tế công nhận"
Ông Trần Công Trục
Dù giải thích thế nào đi nữa, Công hàm 1958 vẫn đã thừa
nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng sa và Trường
sa của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện
minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay.
Nói cách khác, cái “thòng lọng pháp lý của Bắc Kinh đang
giăng sẵn” như mô tả của Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ có thể có được từ chính sợi
dây thừng mà Công hàm 1958 đã cung cấp.
Trong bài viết, Tiến sĩ Trần Công Trục cũng đã đề cập:
“Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế
được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho nhà nước Việt
Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.”
Tôi tán đồng cách nhìn này và vì thế Tuyên bố của Việt
Nam Cộng Hòa vào ngày 4-2-1974 là một văn kiện quan trọng để cho nhà cầm quyền
Việt Nam hiện nay khai dụng trong việc tranh luận với Trung Quốc về vấn để chủ
quyền biển đảo.
Chính tư thế pháp lý của VNCH năm 1974 đã nói lên giá trị
của Tuyên Bố 4-2-1974 và do đó, trực tiếp hủy giá trị của Công hàm 1958 trong
“chiêu bài lập lờ đánh lận con đen cho tham vọng bành trướng” của Bắc Kinh.
Công hàm này chỉ mang tính ngoại giao trong bối cảnh của
giai đoạn 1958 và càng không phải là một bản cam kết giữa hai quốc gia.
Tiến sĩ Trần Công Trục đã nhầm lẫn giữa một “diplomatic
note” với một “bilateral agreement” khi viết rằng: “theo luật pháp quốc tế nếu
như một chính thể đã chính thức công nhận một vấn đề thì không thể hủy bỏ đơn
phương một cách đơn giản như vậy là xong. Tiền hậu bất nhất là điều tối kỵ khi
đưa một vấn đề tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế”.
Hơn thế nữa, ngay cả một cam kết giữa hai quốc gia cũng
chỉ được tôn trọng trong bối cảnh ngày nào nó còn bảo vệ được quyền lợi của cả
hai quốc gia.
Ngày nào còn tránh né việc công khai xác định với Trung
Quốc sự sai trái về pháp lý và vô hiệu lực của Công hàm Phạm Văn Đồng, thì ngày
đó nhà quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bị lúng túng trong sự giải thích
lòng vòng, vừa khó thuyết phục được công luận vừa cho Trung Quốc thấy thế yếu của
Việt Nam.
Mặt trận pháp lý
Công hàm Phạm Văn Đồng khiến chính quyền cộng sản
Việt Nam vẫn tiếp tục bị lúng túng trong sự giải thích lòng vòng
Trong nhiều thập niên vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản
Việt Nam đã chọn phương thức "ngoại giao” để giải quyết các tranh chấp biển
đảo đối với Trung Quốc. Đến nay thì phương án này không những không hiệu quả mà
còn gây nguy hiểm cho Việt Nam khi thời gian kéo dài chỉ càng củng cố và có lợi
cho các ý đồ bành trướng tiếp của Trung Quốc.
Khi Trung Quốc ỷ thế lớn và tìm cách gây chia rẽ nội bộ
các nước trong khối ASEAN thì việc ASEAN có thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC) với Trung Quốc hay không cũng sẽ chỉ mang giá trị hình thức.
Đã đến lúc Việt Nam cần mạnh dạn tiến hành phương án đấu
tranh pháp lý, tức kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc như
Philippines đã làm vì có khá nhiều điểm tương đồng.
Mặc dù Philippines không kiện Trung Quốc về chủ quyền biển
đảo, mà kiện Trung Quốc "áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển 1982 (UNCLOS)” như Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích, thì đó ít ra
cũng là điểm khởi đầu cần thiết trong việc dùng công pháp quốc tế buộc Trung Quốc
phải “nói chuyện”, chứ không thể để họ cố tình tránh né, phớt lờ như hiện nay.
Đương nhiên tiến hành một vụ kiện cần phải nghiên cứu thật
kỹ, nhưng không vì thế mà chần chừ quá lâu và nuôi hy vọng quá nhiều vào việc
ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC) như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố hôm đầu năm 2014.
Sức mạnh toàn dân
Vận dụng bằng ngoại giao hay pháp lý để lấy lại chủ quyền
biển đảo đã bị xâm chiếm là những phương thức cần thiết nhưng chắc chắn là chưa
đủ và khiếm diện.
"Trách
nhiệm giành lại chủ quyền không thể ủy thác vào chính quyền hay bất cứ một tập
thể nào mà phải dựa trên nền tảng toàn dân"
So với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam có ít nhất
138 chiến sĩ từ hai thể chế chính trị khác nhau đã hy sinh trong cuộc chiến chống
Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Nếu coi nỗ lực bảo vệ và lấy lại chủ quyền các phần lãnh
thổ, lãnh hải của cha ông là mục tiêu tối hậu, Việt Nam cần vượt lên trên mọi
khuynh hướng chính trị, mọi nhu cầu ngắn hạn của những chính phủ đang cầm quyền.
Nhưng để thực hiện được ước muốn tối thượng đó thì phải
có nền tảng tối thiểu.
Nền tảng đó chính là sức mạnh của Toàn dân.
Lịch sử Việt đã chứng minh quá nhiều lần rằng không có
cách nào khác.
Vì vậy, nếu thực tâm muốn bảo vệ chủ quyền đất nước dựa
trên nền tảng sức mạnh toàn dân, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần phải:
Thả ngay những người yêu nước đang bị giam giữ và tôn trọng
quyền bày tỏ lòng yêu nước của người dân;
Thực hiện tinh thần Hội nghị Diên Hồng bằng cách chấm dứt
ngay chính sách độc quyền yêu nước;
Dẹp bỏ thái độ thù nghịch đối với những tiếng nói xây dựng,
ôn hòa vì quyền lợi của Tổ quốc.
Nói tóm lại, khi một phần lãnh thổ, hải đảo đã bị nước
ngoài xâm chiếm, trách nhiệm giành lại chủ quyền không thể ủy thác vào chính
quyền hay bất cứ một tập thể nào mà phải dựa trên nền tảng toàn dân.
BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét