Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

THỜI NGHỊCH LÍ

Phạm Đình Trọng - Một trang web của Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, mang tên miền nhà nước ta, gov.vn, để cho phía Trung Quốc sử dụng đưa thông tin theo ý đồ Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, đó thực sự là vụ việc xâm hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia, tiếp sức cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc thôn tính biển đảo của tổ tiên ta, gây tổn hại lâu dài đến pháp lí về chủ quyền của ta đối với Trường Sa, Hoàng Sa! Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sốt sắng đăng lại bài trên báo Trung Quốc đưa tin chi tiết về hoạt động của hải quân Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của ta mà Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1974, đưa cả lời giáo huấn binh lính của người chỉ huy hải quân Trung Quốc rằng những hoạt động của họ ở Hoàng Sa là để bảo vệ biên cương phía nam của tổ quốc Trung Quốc.
Đăng bài như vậy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp sóng tuyên truyền cho báo chí Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc, như các đài truyền hình các tỉnh ở ta tối tối vẫn tiếp sóng chương trình Thời sự của đài truyền hình trung ương phát đi từ Hà Nội. Việc làm nô lệ vọng về Bắc triều này không những xâm hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia, tiếp tay cho hành động cướp đất đai biển trời của ta mà còn xúc phạm vong hồn những người Việt Nam yêu nước đã ngã xuống để giữ gìn những núm cát Hoàng Sa của tổ tiên. Máu của họ đã tan trong nước biển, xác cũng không còn nữa, chỉ còn hồn thiêng của họ ở lại với đất đai tổ tiên. Nay báo điện tử của đảng cầm quyền cũng nói theo báo Trung Quốc rằng đất đai của tổ tiên những hồn thiêng ấy đã là biên cương Trung Quốc rồi!!
Hai sự việc gây nguy hại lợi ích quốc gia ở cấp nhà nước đã được cơ quan pháp luật bỏ qua! Nhưng những người dân thường bộc lộ lòng yêu nước, nhà giáo, nhà văn treo băng chữ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, nhà báo viết trên báo của cơ quan nhà nước, người chơi blog viết trên trang mạng của mình nói lên tiếng nói của hàng triệu trái tim Việt Nam lên án hành động cướp biển của Trung Quốc, ngang ngược phong toả ngư trường ngàn đời của dân ta, xua đuổi, bắt bớ, bắn giết dân ta đánh cá thì liền bị pháp luật trừng trị, bị bắt khẩn cấp vì tội xâm hại lợi ích quốc gia!



Những nghịch lí trên bộc lộ nhiều điều chưa ổn về đường lối đối nội, đối ngoại, về bộ máy nhà nước, nơi thực thi pháp luật với người dân, về nhận thức và cách thực hiện mối quan hệ giữa dân tộc và đảng cầm quyền. Chỉ xin nêu ba nghịch lí, ba điều chưa ổn nổi cộm.
1. MỌI CÔNG DÂN VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT
Hiến pháp năm 1992 là hiến pháp hiện hành đã dành riêng một điều để làm nổi rõ nội dung: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng thực tế, bộ máy nhà nước thực thi hiến pháp, pháp luật đã xử sự theo cách: Mọi công dân không được bình đẳng trước pháp luật! Thành ngữ mới của dân gian đương thời có câu: “Tắm từ chân trở xuống” để đúc kết một thực tế là luật pháp được vận hành quá nghiệt ngã, tùy tiện với dân thường nhưng lại quá nương nhẹ, bỏ qua với quan chức. Quan chức càng cao thì sự nương nhẹ, bỏ qua càng lớn. Tham những lộng hành tràn lan làm cho cơ thể xã hội VIệt Nam quá lem luốc, bệnh tật, cần phải mạnh tay tắm rửa, kì cọ, sát trùng từ đầu trở xuống. Phải có chức quyền mới có thể tham nhũng! Cấp trên phải đồng thuận, cấp dưới mới có thể tham nhũng! Tôi xin phép Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mượn chữ “đồng thuận” của ông khi ông nói rằng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được sự đồng thuận của xã hội! Thực tế khẳng định rằng hoàn toàn không có chuyện người dân đồng thuận với dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng trong một số vụ án tham nhũng lớn phải có sự đồng thuận trên dưới!
Số tiền gần một triệu đô la phía Nhật Bản hối lộ để trúng thầu dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước ở thành phố Hồ Chí Minh thì ông giám đốc dự án Huỳnh Ngọc Sĩ không dám và không thể nuốt một mình. Phải có sự đồng thuận của một cấp trên nào đó. Người đưa hối lộ phía Nhật Bản đã khai rõ tên tuổi, chức vụ người nhận hối lộ phía Việt Nam, đã khai rõ số tiền hối lộ. Toà án Nhật Bản đã phán quyết. Người đưa hối lộ đã chấp hành xong bản án. Sự việc rõ ràng, chứng cứ cụ thể đến thế, nếu bộ máy nhà nước Việt Nam thực sự quyết tâm chống tham nhũng, nếu không có uẩn khúc phía sau, không có vùng “kiêng tắm” thì cơ quan pháp luật Việt Nam phải chủ động, nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc. Nhưng phía Việt Nam, nơi có người nhận hối lộ lại nói ráo hoảnh, dửng dưng để hoãn binh và phủi trách nhiệm: Cứ đưa chứng cứ đây, chúng tôi sẽ xử lí! Cho đến nay, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, người bị phía Nhật Bản nêu tên nhận hối lộ mới chỉ bị truy tố về tội mang nhà công vụ cho phía nhà thầu Nhật Bản thuê, lấy tiền chia chác nội bộ, chỉ là tội riêng của mấy thầy trò ông Sĩ, không dính dáng đến cấp cao nào. Còn vụ án chính nhận hối lộ gần một triệu đô la thì hồ sơ vẫn đang nằm trên bàn các cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu và để chờ xin ý kiến cấp trên! Những diễn biến trên làm cho người dân dù vô tư, tin tưởng vào nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến đâu cũng phải nhận ra sự không bình thường, cũng phải nghi vấn về những sự đồng thuận ở phía sau và cũng phải nhận ra sự nương tay của pháp luật dành cho ông giám đốc nhận hối lộ!
Chỉ tội nghiệp cho những dân đen chốn nhân gian, những Mẹ Nấm, Người Buôn Gió… chỉ vì viết blog bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc ngang ngược lộng hành cướp biển của ta, bắt giết dân ta mà bị khép tội xâm hại lợi ích nhà nước! Lên án kẻ cướp đất, cướp biển, cướp đảo, khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam mà xâm phạm lợi ích nhà nước thì lợi ích nhà nước ấy là bảo vệ kẻ xâm lược sao? Thì nhà nước ấy chối bỏ Trường Sa, Hoàng Sa không phải là biển đảo Việt Nam sao?
Hiến pháp ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng Mẹ Nấm buộc phải cam kết từ bỏ quyền công dân đã được hiến pháp trao cho, cam kết không được viết blog nữa mới được công an Khánh Hoà trả tự do. Hiến pháp ghi: Công dân có quyền tư do đi lại và cư trú ở trong nước. Không có tội, không có lệnh của pháp luật cấm đi khỏi nơi cư trú, luật sư Lê Trần Luật từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội trợ giúp pháp lí cho giáo dân Thái Hà kiện cơ quan thông tin nhà nước nhưng luật sư Lê Trần Luật ra đến sân bay Tân Sơn Nhất thì bị công an thành phố Hồ Chí Minh buộc phải quay về nhà!
Nương tay với những quan chức nhà nước hư hỏng và vi phạm pháp luật gây nguy hại lợi ích nhà nước và an ninh quốc gia nhưng bộ máy nhà nước đã vận hành thô bạo và tùy tiện tước đi quyền công dân, tước đi cả lòng yêu nước của người dân! Một nhà nước như vậy mà là nhà nước của dân, do dân, vì dân sao?
2. NHÀ NƯỚC KHÔNG CÙNG TIẾNG NÓI YÊU NƯỚC VỚI NHÂN DÂN
Dân tộc nào cũng coi độc lập dân tộc là giá trị tối cao và giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ là sự sống còn của dân tộc, là nghĩa vụ thiêng liêng của các thế hệ nối tiếp. Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành lẽ sống, thành ý chí của mọi dân tộc. Không có ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, dân tộc sẽ bị xoá sổ. Có những dân tộc đã để lại cả nền văn minh huy hoàng, để lại những đền tháp uy nghi mang triết lí rất sâu sắc, thâm trầm mà dân tộc đó nay chỉ còn cái tên, không còn không gian lãnh thổ, không còn cộng đồng dân cư cố định. Tên gọi dân tộc đó chỉ nhắc đến sai lầm của người đứng đầu dân tộc ở thời điểm lịch sử không được phép sai lầm. Tên gọi dân tộc đó chỉ gợi một quá khứ đau buốn, tủi hờn, ngậm ngùi.
Ở liền kề với nhà nước Trung Quốc khổng lồ, luôn lăm le lấn đất, thôn tính lân bang thì ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta càng phải mãnh liệt, sắt đá. Ý chí ấy đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, tạo nên khí phách Việt Nam “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” và là yếu tố quyết định nhất để núi sông biển trời Việt Nam còn lại đến hôm nay, để dân tộc Việt Nam tồn tại đến hôm nay.
Vừa kết thúc cuộc chiến tranh giữ nước ba mươi năm chống Pháp rồi chống Mĩ, cả dân tộc đã kiệt sức, như lả đi, những người lính da còn tái xanh vì sốt rét, mặt còn hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ, hình hài xiêu vẹo vì thương tật nhưng khi phương Bắc đưa đại quân tràn qua biên giới nước ta, dân tộc ta lại đứng lên mạnh mẽ như Thần Phù Đổng, lại trùng trùng đội ngũ hành quân từ bưng biền Nam Bộ, từ rừng núi Khu Năm, từ châu thổ sông Hồng lên biên giới phía Bắc chặn giặc. Hàng chục ngàn dòng máu con Hồng cháu Lạc lại tuôn chảy, hàng chục ngàn sinh mạng Việt Nam lại ngã xuống để bảo vệ biên cương. Đó là ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
Khi Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa, máu thịt của cơ thể Tổ quốc Việt Nam vào phủ huyện Trung Quốc thì thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lập tức tự động gọi nhau tập hợp kéo đến cơ quan đại diện của Trung Quốc thét vang: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó là ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
Khi Trung Quốc giăng tàu chiến phong toả biển của ta, đâm chìm tàu hải quân ta, không cho dân ta đánh cá trên biển của ta, cướp tàu, cướp cá của dân ta, bắt bớ, bắn giết dân ta, trong khi cả hệ thống gần ngàn cơ quan truyền thông của nhà nước chỉ thông tin sự việc dè dặt và nhỏ giọt như chỉ dám nói thầm trong cổ họng, bàng quan như sự việc xảy ra trên cung trăng, đôi mắt của gần ngàn cơ quan truyền thông nhà nước như nhắm tịt lại trước lãnh thổ thiêng liêng bị xâm phạm, trước số phận đất nước bị đe doạ, trước cuộc sống của nhân dân bị cướp giật, tính mạng nhân dân bị mất mát, thì hầu hết những trang blog của người dân Việt Nam, những tờ dân báo, những đôi mắt chong chong thức cùng số phận đất nước, thức cùng sinh mạng dân tộc, đã nhanh chóng thông tin đầy đủ hành động lục lâm thảo khấu của phương Bắc, bày tỏ ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Những trang blog đó bừng bừng một khí thế Sát Thát.
Đó là ý chí của nhân dân. Nhưng nhà nước lại không cùng ý chí với nhân dân!
Ngày 17 tháng Hai năm nay, kỉ niệm tròn ba mươi năm, 1979 – 2009, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở phía Bắc nhưng gần một ngàn cơ quan thông tấn báo chí của nhà nước không một lời nhắc đến hàng chục ngàn dòng máu con Hồng cháu Lạc đã đổ ra bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đạo lí Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn” đâu có dạy người Việt Nam vô ơn bạc nghĩa! Sao nhà nước bây giờ lại xử sự bạc bẽo với liệt sĩ, với lịch sử như vậy?
Ngày 3. 12.2007, nhà nước Trung Quốc công bố quyết định sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đơn vị hành chính Tam Sa của Trung Quốc. Lập tức Chủ nhật 9. 12. 2007 và 16. 12. 2007, thanh niên Việt Nam mang cờ Tổ quốc và băng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” tập hợp đông đảo trước cơ quan đại diện Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là việc làm chính đáng và vô cùng cần thiết khẳng định ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Nhà nước huy động lực lượng công an hùng hậu trấn áp bạo liệt sự tập hợp của lòng yêu nước, bắt giam những người mạnh mẽ phản kháng sự xâm lăng của Trung Quốc thì nhà nước ấy có còn đại diện cho ý chí độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam?
Cơ quan Chính phủ, cơ quan thông tin nhà nước nối tiếp nhau nói tiếng nói của Trung Quốc, phụ hoạ với Trung Quốc trong việc hợp thức hoá việc cướp biển, cướp đảo của ta thì được pháp luật dung túng bỏ qua. Người dân nói tiếng nói yêu nước bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng thì bị bắt bớ! Sao nhà nước ta bây giờ lại không cùng tiếng nói yêu nước với nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước như vậy?
3. ĐẶT LỢI ÍCH CỦA ĐẢNG LÊN TRÊN LỢI ÍCH DÂN TỘC
Từ những nghịch lí trên, người dân phải cay đắng nhận ra một sự thật là: Đảng lãnh đạo nhà nước và nhà nước đã đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của dân tộc!
Sau khi chính quyền cộng sản ở Liên Xô và một loạt nước Đông Âu sụp đổ, vài nước cộng sản còn lại trở thành những hòn đảo lẻ loi, khắc nghiệt bên cạnh những lục địa tư bản rộng lớn và tươi xanh. Nước cộng sản nhỏ bé như Việt Nam thì hòn đảo ấy càng mong manh.
Trước sự tan vỡ của cả khối cộng sản lớn, đáng ra phải bừng tỉnh về nhận thức để thấy rằng sự tan vỡ đó là sự phát triển tất yếu của cuộc sống, của tiến hoá, là sự vận động nội tại ngay trong lòng xã hội các nước cộng sản đó để phá vỡ sự kìm hãm phát triển, từ bỏ những nguyên lí giáo điều trái qui luật, trái tự nhiên, trở về đúng qui luật phát triển xã hội. Nhận thức được như vậy ắt sẽ phải hiểu rằng muốn tồn tại không phải là phải tìm đồng minh liên kết với một nước nào mà trước hết phải tự giải phóng khỏi những tư tưởng kìm hãm phát triển để hoà nhập với nhân loại, trở thành một phần hữu cơ của nhân loại, đồng thuận với nhân loại trong mọi sinh hoạt, trong mọi lo toan vì cuộc sống tốt đẹp của con người. Khi đó cả nhân loại lương thiện và nhân văn sẽ ở bên Việt Nam, là đồng minh lớn lao và tin cậy của Việt Nam.
Trong xã hội cũng như trong mỗi con người, sự giải phóng luôn đặt ra, luôn có tính thời sự. Giải phóng đất đai khỏi xâm lăng. Giải phóng con người khỏi nô lệ. Giải phóng những trái tim khỏi những cuộc hôn nhân không tình yêu… Quan trọng nhất là gỉai phóng tư tưởng khỏi những trói buộc phản tự nhiên, phản con người, phản tiến hoá. Năm 1945 châu Âu được giải phóng khỏi hoạ phát xít nhưng một phần châu Âu lại vướng vào tư tưởng triết lí vừa viển vông vừa khắc nghiệt để rồi liên tục đấu tranh, liên tục bạo lực cách mạng, liên tục đổ máu mà xã hội thì triền miên trì trệ trong khi những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật liên tiếp đưa thế giới ào ạt phát triển mang lại phồn vinh cho xã hội và mang lại mức sống ngày càng cao cho người dân ở những nước không vướng vào tư tưởng triết lí giáo điều. Mãi đến 1990 – 1991 phần châu Âu trì trệ này mới tự giải phóng tư tưởng cho mình.
Cũng như một phần châu Âu sôi sục cách mạng, Việt Nam cũng bị cuốn vào cuộc cách mạng xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt. Gần nửa thế kỉ đấu tranh cách mạng và chiến tranh, Việt Nam đã giải phóng đất nước khỏi những đội quân nước ngoài chiếm đóng. Cùng chung hoàn cảnh, cùng chung số phận, cùng chung hệ tư tưởng nhưng khi phần châu Âu trì trệ làm cuộc cách mạng thứ hai giải phóng tư tưởng thì Việt Nam lại làm ngược lại: Kiên định tư tưởng xã hội chủ nghĩa! Đây là thời điểm có cơ hội đột biến tạo bước ngọăt lớn, đòi hỏi trí tuệ, tài năng và sự mẫn cảm, nhạy bén của người lãnh đạo đất nước. Nhưng những tư duy Việt Nam xơ cứng đã nhìn sự sụp đổ của thế giới cộng sản châu Âu không phải do sự vận động nội tại tất yếu trong lòng xã hội cộng sản mà là do: Mĩ và phương Tây muốn cơ hội này xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm! (Lập luận của ông Lê Đức Anh, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn trong hồi kí của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ). Tư duy phe đảng còn nặng nề như vậy, ý thức hệ tư tưởng còn thít chặt như vậy, tất phải tìm đến sự cố kết ý thức hệ: Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc (Vẫn lời ông Lê Đức Anh được dẫn trong hồi kí Trần Quang Cơ).
Để duy trì hệ tư tưởng cộng sản, để bảo đảm sự độc tôn thống trị xã hội của Đảng Cộng sản, từ năm 1990 Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động cố kết liên minh với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rõ ràng sự cố kết liên minh này chỉ vì hệ tư tưởng cộng sản, chỉ vì lợi ích của Đảng Cộng sản. Thật bất hạnh cho dân tộc Việt Nam khi nhà nước Việt Nam liên minh lép vế, bất bình đẳng với một nhà nước khổng lồ luôn rắp tâm thôn tính đất nước Việt Nam, nô dịch nhân dân Việt Nam. Sự thôn tính nô dịch này đã diễn ra từ hàng ngàn năm lịch sử, ngay từ khi có nhà nước. Những ngày gần đây sau khi có liên minh bất bình đẳng Việt – Trung, sự thôn tính, nô dịch đó càng ngạo ngược, dồn dập ở mọi mặt đời sống xã hội: Chính trị, Địa lí, Kinh tế, Văn hoá, Thông tin Tuyên truyền… Để che giấu, lấp liếm hành động thôn tính, nô dịch Việt Nam, họ vừa không muốn ai nhắc đến những hành động kẻ cướp của họ, họ vừa hào phóng ban phát những lời hào nhoáng nhưng giả dối. Từ mười sáu chữ vàng: Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai. Đến tứ hảo đại ngôn: Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt. Nay lại thêm mười sáu hạt soàn: Sơn thủy tương liên, Văn hoá tương thông, Lý tưởng tương đồng, Vận mệnh tương quan! Có thể ai đó vì lợi ích cá nhân cục bộ, vì tầm văn hoá và nhân cách quá thấp nên cố tình bị những lời vàng, lời hạt soàn này lừa phỉnh, song nhân dân Việt Nam thì không bị lừa.
Hệ tư tưởng, đảng phái chính trị chỉ là công cụ, là phương tiện để nhân dân thực hiện mục tiêu: Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, dân giầu nước mạnh, luật pháp nghiêm minh, người dân được hưởng đầy đủ quyền công dân. Mục đích là tối cao, bất biến, không thể thay đổi. Phương tiện thì vạn biến, thay đổi theo hoàn cảnh, tình thế. Phương tiện cũng rất cần phong phú, đa dạng để người dân được quyền lựa chọn. Vì mục đích có thể hi sinh phương tiện nhưng không thể vì phương tiện mà hi sinh mục đích. Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cướp đảo của ta, bắn giết dân ta nhưng vì mối liên minh cố kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nhà nước ta không dám tố cáo, phản kháng hành động kẻ cướp đó và nhân dân bộc lộ sự phẫn nộ với kẻ cướp đất đai lãnh thổ thì bị bắt bớ, tù đày. Đó là cách hành xử thiển cận vì phương tiện hi sinh mục đích, vì lợi ích của Đảng mà hi sinh lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích dân tộc.
Đó là nghịch lí lớn nhất của một thời đầy nghịch lí!
____________
Nhà văn Phạm Đình Trọng sinh năm 1944 tại Hải Phòng, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã xuất bản: Rừng và biển (1981), Một sự nổi tiếng (1987), Sự tích đảo (1993), Cuộc gặp gỡ muộn màng (1994), Ve ve nói chẳng thèm nghe (1995), Niềm vui lớn của mẹ (2004), Một thuở (2008)…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét