Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

DO “DÂN CHỦ” HAY DO “NÃO TRẠNG NÔ LỆ”?


Nguyễn Đại

Có quan điểm cho rằng dân chủ sẽ gây ra bất ổn định. Nghiêm như thế mà chạy xe còn cẩu thả, đánh cả công an. Bài viết này thể hiện quan điểm chính “não trạng nô lệ” mới gây ra bất ổn xã hội.

I. Yếu tố lịch sử.

Đất nước chúng ta không may phải trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, dù muốn hay không, não trạng nô lệ đã ăn sâu vào trong máu thịt. Đến khi giành được quyền tự chủ (Ngô Quyền) thì “quốc gia độc lập nhưng vẫn không có tự do”, nguyên nhân là học thuyết Nho giáo.
Học thuyết Nho giáo, về lý thuyết, rất tốt nếu có một vị minh quân lãnh đạo. Trong lịch sử, đó có thể là Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Lê Thánh Tông.. Tuy nhiên, độc quyền ắt sinh tiêu cực. Một vị vua anh minh chưa chắc con cháu đã anh minh. Triều đại nào cũng vậy, thường bắt đầu bằng một hai triều đại vua tốt, sau đó là thoái hóa – nguyên nhân của độc quyền lãnh đạo. Vì vậy, sẽ thật lố bịch nếu ai đó nói “cần phải duy trì Nho giáo để ổn định xã hội, một ông vua xấu không phải là chủ trương của Nho giáo”. Não trạng nô lệ kiểu Nho giáo này kéo dài cho tới khi Pháp xâm chiếm nước ta.


Chưa kịp thoát khỏi tình trạng “đất nước độc lập nhưng nhân dân nô lệ”, Việt Nam lại rơi vào cảnh đất nước nộ lệ lần nữa. Cảnh các nô lệ làm việc ở đồn điền cao su với ông cai (tây hoặc ta) có roi mây trên tay là cảnh quen thuộc nhất. Cái roi sẵn sàng quất xuống bất kỳ lúc nào nếu ai chậm chạp hoặc có ý định nghỉ ngơi. Người phu có cảm giác vừa căm thù, vừa sợ hãi những tên cai này.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Ngày 30/4/1975 Việt Nam thống nhất và đi theo con đường XHCN do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Ngặt một nỗi, đã gần 40 năm trôi qua, não trạng nô lệ trong phần lớn nhân dân vẫn không hề thuyên giảm. Đây là một số ví dụ:

1. Chúng ta hay nghe nói “sẽ không có vùng cấm trong vụ này”, hoặc là “chủ trương của Nhà nước là kiên quyết xử lý, không bao che..”. Tiếp sau đó là người dân ca ngợi “hoan hô, hy vọng, mang ơn…” Não trạng nô lệ làm cho người dân cảm thấy “Nhà nước không bao che” đã là một sự ban ơn! Sao không đặt câu hỏi “thế trong vụ khác thì có vùng cấm”? Hay “trường hợp khác thì chủ trương của Nhà nước là không kiên quyết lắm và có bao che?”

2. Việc TS. Nguyễn Thị Từ Huy nhận học bổng du học là do chị ấy có khả năng nổi trội so với các ứng cử viên khác. Nhà nước có trách nhiệm thay mặt nhân dân trao suất học bổng đúng người, đúng việc. Nhà nước thậm chí không được quyền trao học bổng cho người bất tài, kém đức. Cho nên chị Từ Huy không cần biết ơn Nhà nước. Nếu có ơn nghĩa ở đây thì chị Từ Huy phải biết ơn nhân dân. Những kẻ quy kết chị Từ Huy viết bài phản biện là “ăn cháo đá bát”, xét cho cùng, cũng là do não trạng nô lệ còn sót lại (rất đáng thương!).

3. Gần đây nhất là diễn biến bác Lê Hiếu Đằng. Vì não trạng nô lệ, người ta ý kiến rằng “ông Đằng đã ăn lộc nhà nước phải trả hết nhà cửa, chế độ hưu trí rồi mới nói được phản biện”. Không khác gì nô lệ kiểu Nho giáo “ăn lộc vua thì phải thờ vua”.
II. Hậu quả và cách giải quyết
Xét theo một logic thô sơ, máy móc thì “não trạng nô lệ dẫn đến dễ cai trị, dễ cai trị dẫn đến các chính sách được thực thi – kết quả là đảm bảo ổn định xã hội”. Nhưng thực tế, kết quả hiện nay là mọi trật tự, kỷ cương bị phá vỡ.

1. Đi đường, chỉ rình xem không có công an là vượt đèn đỏ. Ngược lại, có công an thì đến khi đèn xanh cũng không dám đi - cho đến khi được ngoắc tay ra hiệu “đi đi”. Một não trạng “sợ công an” điển hình. Mà sợ cũng đúng, CA sẵn sàng nện đến chết một công dân vì một chuyện rất nhỏ (có rất nhiều ví dụ). Mặt khác, sợ nhưng rất ghét công an – sẵn sàng tông CA, chửi bới CA, thấy CAGT là lẩm bẩm chửi – trong khi không có họ thì giao thông còn kinh khủng cỡ nào. Ta thấy nghịch lý ở đây: não trạng nô lệ làm giao thông không ổn định – mà lại rối bời.

2. Phía công quyền, ngược lại, rất tùy hứng trong việc ra những văn bản pháp quy. Ví dụ gần đây nhất là “phải xin phép khi quay CSGT làm việc”. Nguyên nhân sâu xa là, dù không cố ý, thì người nghĩ ra những văn bản kiểu đó đã quen với não trạng nô lệ của người dân.

Trong phạm vi một bài viết, tôi không thể kể hết hậu quả não trạng nô lệ với ổn định xã hội. Nhưng thử ngẫm xem, hầu như bất kỳ cái trái khoáy, kỳ dị của xã hội - từ kẹt xe đến tai nạn giao thông, từ chạy trường đến sổ vàng, từ ca ngợi lãnh tụ đến chửi bới trí thức - đều liên quan đến não trạng nô lệ.

Đã thấy được mối liên hệ đó, thì cách giải quyết vấn đề - rốt cuộc lại – vẫn là dân chủ. Một người dân - nếu hiểu hệ thống đèn giao thông là để bảo vệ cho mình, mình tuân thủ nó có nghĩa mình là chủ nhân của đất nước – sẽ tự nhiên dừng lại khi đèn đỏ mà không chờ phải huýt còi, vung gậy lên. Ngược lại, một cơ quan công quyền – nếu hiểu được người dân là chủ - thì tự nhiên sẽ không ban hành cái quy định “phải xin phép khi quay CSGT làm việc”.

Trước đây, chúng ta sống ở xã hội dân chủ gấp triệu lần tư bản (gần đây, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan giảm xuống còn vạn lần). Đi đâu, ở đâu cũng thấy hô hào dân chủ. Nhưng không biết vì sao dân mình vẫn giữ mãi cái não trạng nô lệ (***). Hay là nhân dân đang chờ khi nào Việt Nam dân chủ gấp…tỷ lần tư bản mới phát huy quyền làm chủ?

Nguyễn Đại (tháng 9/2013)



*** Có ai giải thích dùm tôi cái ngịch lý này không?



Bài do tác giả gởi đến, viết theo văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét