Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

CỘNG CAFE, HAY MARX, LENIN, STALIN VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC

cong_cafe

Cà phê Cộng và những hành vi đáng nhận “điểm trừ”


Mới đây, website PetroTimes đăng loạt bài chỉ trích (gọi một cách suồng sã hơn là… “ném đá”) Cộng Cafe, nội dung chú trọng đến hình thức kinh doanh của quán vốn còn lạ lẫm với thị hiếu người Việt Nam. Được biết, đây là chuỗi quán cà phê tọa lạc trên địa bàn Hà Nội, do ca sĩ Linh Dung (thành viên nhóm Đại-Lâm-Linh) làm chủ.
Cũng không hiểu Cộng Cafe làm gì đụng chạm đến công việc của PetroTimes hoặc ngành dầu khí, nhưng việc họ bới móc một cách… hồn nhiên thì thực sự không đáng mặt người kinh doanh liêm chính. Điều thú vị là một trong những chi nhánh (Yên Hòa) của Cộng Cafe nằm khá gần trụ sở của Viện Dầu khí (Trung Kính). Loạt bài viết do hai phóng viên ký tên “Thiên Minh – Vương Tâm” (tôi đoán chỉ là biệt hiệu chứ không chắc là tên thật), đến nay còn hứa hẹn nhiều kỳ nữa. Phải chăng họ muốn tung “liên hoàn cước” vào công việc kinh doanh của Cộng Cafe.

Là một độc giả thân thiết của TTXVA, tôi tự thấy mình nên lên tiếng nhằm cảnh báo bạn bè tôi đừng vội tin vào những luận điệu bất lương của PetroTimes. Thực sự họ đã bộc lộ bộ mặt thất đức ngay trong môi trường kinh doanh – một không gian đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cũng như sự lịch thiệp tương đối cao, chuyên môn của họ là toàn bộ những gì liên quan đến năng lượng, vậy thì cứ tiếp tục… đưa tin về năng lượng đi, độc giả ít nhiều tôn trọng họ, nhưng họ muốn tạo cho mình cái mác vô liêm sỉ, thì OK thôi… họ sẽ bị cộng đồng tẩy chay và luật cung-cầu đào thải.

Communist_party
Trước tiên, nhóm phóng viên chỉ trích Cộng Cafe “khủng bố” xóm giềng bằng thứ âm nhạc huyên náo, thậm chí (có vẻ) họ đã phóng vấn một vài hộ dân và lên UBND phương Yên Hòa để kiến nghị. Nhưng không hề thấy đưa ra tên người được phỏng vấn, địa chỉ nhà riêng cũng không có, rồi từ cái việc UBND phường từ chối tiếp xúc thì họ chốt hạ một câu : Chính quyền địa phương “bảo kê” “nhắm mắt” trước những việc làm lố lăng, phạm thượng ! – Sao mà giống tiếng chửi thề quá, “không ăn được thì đạp đổ” chăng ?
Tuy nhiên, những vấn đề nhỏ nêu trên có thể tạm bỏ qua, bởi trước nay có tụ điểm kinh doanh nào mà không bị chỉ trích vì gây mất trật tự đô thị đâu, không việc này thì cũng việc khác. Chỉ có kẻ ưa “đâm bị thóc chọc bị gạo” mới soi đến chân tơ kẽ tóc thôi. Việc chính là cũng nhóm phóng viên kể trên phê phán hình thức kinh doanh của Cộng Cafe. Ngay từ tên gọi đến cách sinh hoạt, Cộng Cafe đã bộc lộ rõ hướng kinh doanh của mình : Lấy chủ đề là chủ nghĩa cộng sản và văn hóa của những người cộng sản. Logo của quán là biến thể của quốc kỳ Việt Nam, khẩu hiệu của quán thì là “Cộng, Cộng nữa, Cộng mãi“, “Ngồi im… Toàn thắng ắt về ta !“, thực đơn được tái chế từ những cuốn Lenin toàn tập đã bị lịch sử bỏ quên bên vỉa hè – đây có lẽ là loại văn hóa phẩm bèo bọt nhất và cũng ế khách nhất thời nay. Không gian quán được trang trí bằng những tranh ảnh, hiện vật gợi lên cái không khí hoàng kim của phong trào cộng sản quốc tế, nhưng trọng tâm vẫn là nét Việt.
Ừ thì tôi đồng ý rằng, Cộng Cafe đem văn hóa cộng sản ra làm hình thức kinh doanh, khách tới đó để tìm cái cảm giác thảnh thơi sau giờ làm việc, nhâm nhi tách cà phê và vùi đầu vào Internet chứ nào ai muốn hô “muôn năm” hay “ghiền” các loại sách lý luận cộng sản đâu. Cái độc đáo của Cộng Cafe là biết cách “mềm hóa” thứ văn hóa cộng sản vốn dĩ khô khan, chỉ toàn mệnh lệnh và lý thuyết rắc rối ; tôi nghĩ, các nhà quản trị quốc gia nên cảm tạ Cộng Cafe mới phải, trong khi chủ nghĩa cộng sản đã bị cộng đồng quốc tế vùi dập tả tơi và chính nó đang bị dân chúng nước Việt căm hờn, thì cái tụ điểm kinh doanh bé xíu ấy đã gỡ gạc được chút sĩ diện cho quý vị. Ví thử có khoảng 100 quán Cộng Cafe mọc lên khắp xứ Việt Nam này, thì hình ảnh của Đảng quang vinh vẫn đẹp biết chừng nào, thậm chí không có sự sa sút uy tín dữ dội đến thế, nhất là kể từ khi cuộc đối kháng trên biển Đông bùng phát (2007).
Trong các quý vị, không hiếm người từng đi ra nước ngoài, thậm chí không khác mấy mụ vợ thích la cà chợ búa, hẳn quý vị cũng thấy ở “xứ bển” người ta khinh những thứ mà quý vị coi là thiêng liêng như thế nào. Quý vị nhồi vào đầu dân cái tư duy cố hữu, hễ là quốc kỳ – quốc huy – quốc ca – anh hùng – danh nhân… hay thậm chí là lý thuyết cộng sản thì nhất định tuyệt đối tôn sùng, không được tô vẽ khác đi, dù nó xấu hay đẹp cũng phải giữ nguyên. Đấy là cách nghĩ rất phản văn minh, phản khoa học và phản nhân văn. Tại vì sao ? Sinh giới luôn vận động, biến đổi, nó đứng im tức là tự chết và tự đào thải. Con người và tất cả những gì con người tạo ra đều nằm trong sinh giới, cho nên chúng không thể bất biến. Hôm nay, trời bức sốt, nhưng mai có thể mưa giông và gió bấc ; hiện nay Window là con số 8, nhưng vài năm tới có thể lên tới hai con số hoặc hơn thế nữa ; trước đây người Nga sùng bái Lenin, Stalin bởi họ bị nền chính trị – giáo dục và cả quân sự đào tạo như thế, nhưng bây giờ người Nga chỉ thích thưởng thức phim-nhạc Âu Mỹ, tắm biển ở Italy… chứ nào còn ai gối đầu giường bằng cuốn “Thép đã tôi thế đấy !” hay căng sức trên những công trường, nông trang như thời “Kỷ nguyên Brezhnev” nữa ? Suy cho cùng, con người sinh ra là để vận động tất cả chức năng mà tạo hóa ban cho, chứ đâu phải cống nạp trí óc và sức lực cho những chủ nghĩa thần bí, càng đọc càng tắc tị ?
Thành thật tôi không biết những người “chế tạo” loạt bài viết phê phán Cộng Cafe có chút hiểu biết nào về thế giới đương đại hay không, nhất là sau khi phong trào hippie bùng nổ, nhưng thiết nghĩ họ nên gác bút một thời gian và chịu khó đi bar, đọc truyện tình cảm, hay đơn giản nhất là mở rộng tầm mắt bằng việc đọc sách báo đa chiều hơn, nếu có thể thì nên cập nhật tin tiếng Anh ; thay vì chỉ trích người không liên quan đến mình và giảng đạo đức bằng những luận điệu mà đến trẻ lớp 1 cũng không thể chấp nhận.
Tôi lấy thí dụ từ chính nước Nga, ngay từ thời Soviet, họ đã đem các lãnh tụ của mình ra để châm biếm, đó vừa là sự giải tỏa căng thẳng xã hội vừa là cách tự “mềm hóa” góc nhìn về chính trị. Cũng không hẳn vì họ không ưa những ông Karl Marx, F.Engels, V.I.Lenin, I.Stalin… nếu mà ghét thì đã không dựng nhiều chân dung bằng giấy ở các công viên chỉ để cho du khách chụp ảnh. Kể như vậy để thấy rằng, cách kinh doanh của Cộng Cafe chẳng gây ảnh hưởng gì đến tiêu chuẩn “đạo đức” của các nhà chính trị cộng sản, dù họ có thủ cựu đến mấy cũng khó tẩy chay được. Hình thức kinh doanh này tuy mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đối với dân Đông Âu thì… xưa rồi Diễm. Thế mới đáng nói rằng, phóng viên PetroTimes rắp tâm “ném đá” Cộng Cafe, nhưng cái đầu họ điều khiển đôi tay họ làm những việc lố bịch, thiển cận.
Ở nước Nga bây giờ, chính thể cộng sản đã tiêu vong nhưng lớp người hoài niệm về quá khứ bình yên thời Soviet thì còn – tuy rằng họ ngày càng lạc lõng với thời đại toàn cầu hóa. Liên Xô trong tâm thức người Nga là cái thế giới của sự thanh vắng, đời sống tuy thiếu thốn nhưng ai cũng lương thiện (đấy là tôi nói thường dân, chứ chính khách Soviet thì ông nào tay cũng nhuộm máu), chẳng qua chỉ là cách người ta phản ứng lại đời sống xô bồ, lo toan hiện nay – kinh tế thị trường mà. Thế nên, hình ảnh Liên bang Soviet vẫn là thứ đáng giá, cái mà giới làm kinh doanh không thể bỏ qua. Những cửa hàng bán đồ lưu niệm vẫn trưng bày hiện vật sao phỏng thời Soviet (huy hiệu, cờ xí, đồ chơi, súng đạn, phục trang…), có những nghiệp đoàn chuyên kinh doanh đồ lưu niệm Soviet và rất đắt khách. Các chương trình truyền hình vẫn đem chuyện của thời Soviet chế thành hài kịch, ngay giữa Quảng trường Đỏ, người ta thấy “Lenin”, “Stalin”, “Sa hoàng Nikolai Đệ nhị”… đứng làm cảnh cho du khách chụp ảnh, tất nhiên là phải có phí tổn (tính bằng USD). Từ lâu, tôi nghĩ rằng, lối tư duy của người Việt chúng ta chỉ toàn thành kiến và ngụy biện, cơ sở lập luận hầu như không có, càng chìm đắm trong cái “nhà tù” đó thì còn khoảng thời gian rất dài nữa, nước chúng ta mới thực sự biết đến “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”. Bây giờ, tóc tôi hẵng còn xanh, nhỡ mai này bạc đầu rồi hấp hối, không biết có chạm được tới ba cái khát vọng đó không ? Đến bao giờ thứ “văn hóa” giáo điều mới thôi hành hạ đầu óc chúng ta ? Ca tụng mãi, sùng bái mãi, rập khuôn mãi… ích gì ?

LSM
Lenin, Stalin, Marx – giá mỗi người là 100 USD cho một lần chụp. Số tiền này tại đô thị lớn như Moskva là chi phí nhỏ, chưa kể đám cảnh sát thỉnh thoảng “xin đểu” nữa. Làm “lãnh tụ” thật cũng chẳng sung sướng gì !
SLN
Brezhnev (“phiên bản” này không giống lắm), Lenin, Nikolai Đệ nhị. Những “người mẫu” đặc biệt này đều được chính quyền thành phố Moskva cấp giấy phép hành nghề, họ cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đóng tiền bảo hiểm… như mọi người lao động khác.
L-N
Lenin và Nikolai Đệ nhị. Trong thực tế, chính Lenin hạ lệnh Tcheka (cơ quan mật vụ Liên Xô, tiền thân KGB) sát hại cả gia đình Sa hoàng, vì sự việc đó mà cuộc Nội chiến 1918-1921 bùng nổ, khiến cho nước Nga kiệt quệ tới đáy và suýt thì tiêu vong.
L-N2
Chú nhóc này có lẽ đã tốn đến… 200USD.
Stalin1
Stalin.
L-S-M2
Cái này gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” – tất cả cùng nhìn về một phía.
lenin_marx_putin
Lenin và Marx đánh cờ, còn Putin thì… đứng gác.
L-P-N-M
“Bộ tứ siêu đẳng”.
S-L-O
Stalin, Lenin và Obama.
L-S11
Lenin và Stalin.
N-Ln-2
Nikolai Đệ nhị và Lenin.
P-L1
Putin và Lenin.
L-P-4
Lenin và Putin.
P-L-S2
Putin, Lenin và Stalin.
L-S2
Lenin và Stalin.
L-N3
Lenin và Nikolai Đệ nhị.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét