Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN - HOÀNG VĂN CHÍ - KỲ 4


1      2      3      4      5     6  
Chương 12 - Năm bài học 

Khoá chỉnh huấn 1953 - 54 gồm có năm bài học:

Bài thứ nhất: Thái độ học tập 
Bài thứ hai: Lịch sử cách mạng Việt Nam 
Bài thứ ba: Tình hình mới, nhiệm vụ mới 
Bài thứ tư: Tác phong cán bộ và đảng viên 
Bài thứ năm: Cải cách ruộng đất 

1. Thái độ học tập 

Bài này giảng về thái độ đúng đắn của học viên trong lớp chỉnh huấn. Mỗi người phải có thái độ “thực sự cầu thị” nghĩa là thành tâm học hỏi để mong “tiến bộ” cho bản thân, không được “vờ vịt” làm bộ hối cải để mong đánh lừa Đảng. Mỗi lần phê bình bạn, phải có tinh thần “chữa bệnh cứu người”, nghĩa là yêu bạn mà chữa cho bạn thoát khỏi những tư tưởng phản động để bạn chóng lành mạnh, y hệt tinh thần của một bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân. Đảng cấm dùng “đao to búa lớn”, cấm “chụp mũ”, “truy kích”, những phương pháp trước kia thường dùng trong phong trào kiểm thảo.

Chính trong khi giảng dạy bài này đảng uỷ đã đưa ra lời hứa và lời đe doạ có liên can đến Cải cách ruộng đất. Đảng nói: “bất cứ tội nặng bằng mấy, nhưng hễ thành thực bộc lộ cũng sẽ được hoàn toàn tha thứ” và “nếu đồng chí không chịu bộc lộ ngay bây giờ thì sau này anh em nông dân sẽ bộc lộ hộ cho đồng chí”. Nhờ có lời đe doạ này mà mọi người đều phải rán sức học tập, mặc dù Đảng không sử dụng những phương pháp khủng bố tinh thần khác, vì mỗi người đều cảm thấy có một chiếc gươm của ông Damoclès treo lủng lẳng trên đầu mình. Trong tình trạng ấy, tất nhiên mọi người đều rán sức học tập và tuân theo lời Đảng. Những người khôn ngoan không ngần ngại lúc đầu làm ra bộ hết sức phản động, nêu nhiều thắc mắc rất lớn, rồi về sau bộc lộ rất nhiều tội lỗi, cũng rất lớn, để chứng minh rằng nhờ có chỉnh huấn mà mình đã hoàn toàn “lột xác”, quyết tâm đi hẳn vào con đường mới do đảng đã chỉ dẫn cho mình theo. 


2. Lịch sử cách mạng Việt Nam 

Đây là một bài giảng về lịch sử cách mạng Việt Nam dưới quan điểm đấu tranh giai cấp. Đại khái có những điểm như sau: 

1.     Thực dân là một chế độ hết sức tàn ác và những công cuộc khai hoá của người Pháp ở Việt Nam chỉ nhằm mục đích phục vụ quyền lợi ích kỷ của họ. Họ mở đại học và các trường chuyên nghiệp để đào tạo thêm tay sai, làm đường xe lửa để tăng thêm thuế ruộng. Vì vậy nên mọi người Việt Nam đều có nhiệm vụ đấu tranh chống Pháp, đuổi Pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. 
2.     Suốt trong thời kỳ Pháp thuộc ngọn lửa cách mạng lúc nào cũng bùng cháy, nhưng tất cả các cuộc khởi loạn đều đã thất bại vì lẽ giới lãnh đạo thuộc thành phần phong kiến hoặc trí thức tiểu tư sản, không được quảng đại quần chúng ủng hộ. 
3.     Nhưng từ ngày Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời năm 1930, thì cách mạng Việt Nam tiến bộ rất nhanh và rất vững vàng. Đấy là nhờ ở chủ nghĩa Mác Lê, ở sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và nhờ ở kinh nghiệm quý báu của cách mạng thế giới. Vì vậy nên mọi người nhiệt thành yêu nước phải tham gia kháng chiến chống Pháp và chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Lao động. 
Mục đích của bài này là thuyết phục mọi người về một điểm: cộng sản tức là yêu nước, và mọi người yêu nước phải gia nhập Đảng Cộng sản, hoặc ít nhất cũng phải chấp nhận sự lãnh đạo của cộng sản. 


3. Tình hình mới, nhiệm vụ mới 

Bài học bắt đầu bằng một bản báo cáo về tình hình trong nước. Cả lớp đều hết sức phấn khởi khi nghe giảng viên báo tin những thắng lợi mới nhất về quân sự và ngoại giao (chiến thắng ở Lào, và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tất cả các nước xã hội chủ nghĩa công nhận). Giảng viên cũng trình bày tầm quan trọng và tính cách bất vụ lợi của việc Liên Xô và Trung Quốc viện trợ Việt Nam, so sánh nền kinh tế tư bản và nền kinh tế cộng sản, nhấn mạnh về quân lực của Liên Xô và tài lực của Trung cộng. Đưa ra một tỉ dụ nhỏ, giảng viên nói hiện không có một công ty tư bản nào có đủ tiền để mua số lông lợn do mậu dịch Trung Quốc thu được trong một năm. Giảng viên phân tích kỹ lưỡng tình hình thế giới và tình hình trong nước để kết luận rằng chế độ tư bản đã đến ngày tàn và mặc dầu được đế quốc Mỹ viện trợ quân sự thực dân Pháp thế nào cũng thất bại. Nhưng vì Mỹ can thiệp giúp Pháp và Pháp đương gắng sức phá hoại nền đoàn kết dân tộc nên hiện nay tình hình rất khẩn trương. Muốn đạt tới thắng lợi hoàn toàn, chính phủ và nhân dân phải thực hiện ngay một số nhiệm vụ khẩn cấp như: 

1.     Thành lập chế độ dân chủ nhân dân chuyên chính, nghĩa là dân chủ đối với nhân dân và chuyên chính đối với “kẻ thù của nhân dân”. Chính thể phải vừa dân chủ vừa chuyên chính (độc tài) vì “chúng ta có dân chủ với nhân dân mới có thể chuyên chính với kẻ thù, và chúng ta phải chuyên chính đối với kẻ thù mới có thể bảo vệ được chế độ dân chủ nhân dân”. 
2.     Cần phải tăng cường đoàn kết toàn dân bằng các loại trừ những phần tử phản động trong guồng máy hành chính và để cho giai cấp vô sản tham dự chính quyền. 
3.     Cần phải liên kết mật thiết với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và cách mạng Việt Nam rất cần sự viện trợ của họ. 
Có một điểm rất đáng chú ý là nhiều học viên tỏ thái độ thắc mắc về chính sách kết liên với các nước xã hội chủ nghĩa. Họ viện lẽ rằng nhiều nước như Ấn Độ và In-đô-nê-sia chẳng cần liên kết với khối nào mà vẫn kiện toàn được nền độc lập. Hơn thế nữa, vì họ đứng trung lập giữa hai khối nên cả hai đều phải kính nể họ. Do đó họ chiếm được ưu thế trên luận đàn thế giới. Nhiều học viên rất thắc mắc về điểm này, không giảng viên nào “đả thông” nổi, khiến cuối cùng, ông Hồ phải thân chinh đến thuyết phục từng người. Ông đả phá chủ trương “trung lập”, ông gọi các nước trung lập là những nước “làm đĩ chính trị”, nay ngả với phe này, mai ngả với phe khác để kiếm ăn. Khi nói chuyện với cả lớp và nhân nhắc đến thái độ trung lập, không dứt khoát lập trường, ông Hồ nói: “Đối với những chú không dứt khoát tư tưởng, còn đang lưng chừng, thì tôi khuyên nên dứt khoát ngay từ bây giờ: một bên là tổ quốc, một bên là quân thù. Chú nào muốn dinh tề thì xin cứ việc. Công an địa phương sẽ cấp giấy ngay tức khắc”. Nghĩ một lúc, ông nói: “Có hai ghế trước mặt. Các chú muốn ngồi cái ghế nào thì tuỳ ý chọn. Nhưng tôi khuyên chớ ngồi giữa hai chiếc ghế, vì ngồi như thế có cơ ngã xuống đất lúc nào không biết”. 

Bài này giảng về tác phong đúng đắn của cán bộ và đảng viên, nhưng học viên chia làm hai nhóm. Cán bộ học riêng và đảng viên học riêng. Đối với cán bộ ngoài đảng thì bài học cũng đại khái như cuốn Sửa đổi lề lối làm việc 
[1] do chính ông Hồ viết năm 1946. Trong cuốn sách nhỏ này ông Hồ đã liệt kê những thói hư tật xấu của công chức dưới thời Pháp thuộc, như tham ô, lười biếng, nịnh trên nạt dưới, hống hách với nhân dân. Một điều đáng chú ý là từ ngày ông Hồ lên án những tật xấu này, guồng máy chính quyền của chính phủ kháng chiến gần như đã trở nên trong sạch hẳn, nhưng nhiều tật xấu lại tái phát từ ngày thành lập chế độ vô sản chuyên chính, năm 1954. Cũng những thói xấu ấy lại nẩy nở thêm dưới chế độ Bảo Đại và phát triển tới mức chưa từng thấy dưới chính thể Diệm Nhu ở miền Nam. 

Ngoài những thói xấu vốn có từ thời Pháp thuộc mà ông Hồ đã liệt kê trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, bài học trong khoá chỉnh huấn còn nêu thêm “bệnh” mới như: tả khuynh và hữu khuynh, cơ hội, tiêu cực, trùm chăn, lãng mạn, chủ quan, mất lập trường, mất cảnh giác, tự do (thích tự do cá nhân), bè phái, làm láo báo cáo hay, dân chủ quá trớn, bất mãn và vô số những bệnh thuộc về tư tưởng khác. Có một điểm đặc biệt là đối với các học viên không đảng thì tất cả các thói hư tật xấu này đều trút lên đầu giai cấp địa chủ và muốn diệt trừ những “chứng bệnh truyền nhiễm” này. Đảng dạy mọi người phải dứt khoát với giai cấp địa chủ và lật đổ giai cấp xấu xa ấy. Nhưng đối với các đảng viên, Đảng lại giảng rằng có một số bệnh phát xuất từ tư tưởng tiểu tư sản và Đảng dạy các đảng viên phải tích cực đấu tranh chống tư tưởng tiểu tư sản (tác giả không phải là đảng viên nên chỉ biết qua loa như vậy, không biết được nhiều điều giảng dạy khác). 

Sau khi học xong bài này, đảng viên bộc lộ riêng, những học viên không đảng không được dự; nhưng trái lại các đảng viên vẫn dự những buổi bộc lộ công khai của những học viên không đảng. Tất cả đều bộc lộ những “bệnh” có liên quan đến bài học, và có một bệnh được mọi người ưa nghe nhất là bệnh hủ hoá, một danh từ mới có nghĩa là dâm ô. Nhiều học viên theo tinh thần của Jean Jacques Rousseau và lối trình bày của Francoise Sagan vanh vách kể hết những chuyện dâm ô với các bạn gái, nữ đồng sự, chị em họ và ngay cả chị em ruột. Có một anh sau khi kể hết cho cả lớp nghe những “chiến công oanh liệt” của mình có thể so sánh với những thành tích của Casanova, đột nhiên kết luận: “Bây giờ nhờ ơn Đảng đã dạy dỗ, tôi hết sức hổ thẹn, không dám nhìn mặt một nạn nhân cũ của tôi hiện đương có mặt tại đây”. Tự nhiên anh chàng tung ra “quả bom” này, khiến cả hội trường xôn xao và giới phụ nữ đỏ mặt tía tai. Về sau mọi người to nhỏ với nhau là anh chàng chủ tâm trả thù một nữ học viên ngày trước có gian díu với anh nhưng đã bỏ anh để gắn bó với một người khác cũng có mặt trong lớp học. Câu chuyện trên đây chứng tỏ rằng bộc lộ có thể có nhiều động cơ khác, không hẳn chỉ có chủ tâm cải thiện linh hồn sa ngã. 

Sự thực thì bệnh dâm ô là một bệnh khá phổ biến trong vùng cộng sản kiểm soát. Lúc đầu Đảng có ý làm ngơ để phụ nữ có cảm tưởng được hoàn toàn giải phóng khỏi những “ách” của phong kiến trong đó có “tam tòng, tức đức” của Nho giáo. Ly dị được hết sức dễ dàng, nếu không phải là được khuyến khích trong nhiều trường hợp, khiêu vũ là một thứ mà người Việt đã quên từ ngàn xưa thì nay được Đảng để cao trở lại, bằng cách truyền bá một số vũ điệu nhập cảng từ Trung Quốc như “xôn lá xôn”, “yêu hoà bình” v.v. Lúc đầu nam nữ chỉ cầm tay, lượn đi lượn lại như múa rồng múa rắn, nhưng dần dà tiến tới những điệu mà nam nữ cũng ôm nhau theo kiểu khiêu vũ của Tây phương. Tại nhiều nơi, phụ nữ đi chợ phải nhảy một vài bước để tỏ ra có học nhảy mới được cán bộ cho vào chợ mua bán. Chữ “cô” bị coi là “phong kiến” và gạt hẳn ra ngoài từ vựng Việt Nam. Mọi người, không kể là chưa chồng hay đã có chồng đều được gọi là chị, nếu là “quần chúng” và gọi là “đồng chí” nếu là đảng viên. Thanh niên nam nữ được tự do hẹn hò để “tìm hiểu” không cần phải xin phép cha mẹ. Có trường hợp một nữ sinh bị phê bình là “phong kiến” vì không chịu chụp ảnh chung với một nam sinh. 

Sự giao thiệp giữa trai gái rất lỏng lẻo, nhưng chúng ta vẫn phải thành thực công nhận chính sách đả phá tinh thần “nam nữ thụ thụ bất thân” của cộng sản đã làm cho phụ nữ miền Bắc hết sức tự nhiên không còn e lệ như phụ nữ thuở xưa và bạo dạn hơn phụ nữ miền Nam, chưa nói đến phụ nữ các nước Á châu khác. Những chính sách cởi mở của cộng sản như cho phép tự do luyến ái, dễ dàng cho li dị, không nhằm mục đích giải phóng phụ nữ thực sự, mà cốt ngấm ngầm huỷ bỏ quyền lực của các phụ huynh, để thay thế bằng quyền lực của Đảng. Ví dụ: theo pháp luật thì trai gái vị thành niên phải được bố mẹ cho phép mới được kết hôn nhưng thực tế bố mẹ không có quyền vì trong bản giá thú không có chỗ giành cho cha mẹ ký tên. Mặt khác, năm 1951 Đảng ra chỉ thị buộc các đảng viên cấp xã phải báo cáo trước khi kết hôn, cán bộ cấp tỉnh phải được sự đồng ý của Đảng, còn đảng viên cao cấp trong chính quyền hoặc trong quân đội thì việc lấy vợ, lấy chồng là do Đảng xây dựng. Kết quả là cuộc trăm năm chăn gối không còn mang nặng tính chất “môn đăng hộ đối” mà cũng không dựa trên nền tảng luyến ái. Tiêu chuẩn mới của hôn phối là lập trường và công tác chính trị. Nạn dâm ô hủ hoá tràn lan trong mấy năm đầu, một phần tại chính sách thả lỏng của Đảng, nhưng một phần lớn cũng tại tình trạng sinh hoạt trong mấy năm kháng chiến, tạo ra nhiều điều kiện quá dễ dàng. Thanh niên nam nữ năng hội họp và học tập ban đêm, công chức và học sinh trú ngụ thường xuyên trong gia đình nông dân mà thường khi chỉ có đàn bà con gái ở nhà, vì đàn ông thường phải đi “dân công” hàng tháng không về. Những người buôn bán cũng di chuyển về ban đêm và đến đâu cũng chỉ việc gõ cửa là có chỗ ngủ. Tình trạng thường xảy ra là trong khi chồng đi dân công vắng, người vợ ở nhà dễ dàng ngoại tình với người đàn ông khác đến ngủ nhờ trong khi đi dân công. Tình trạng nghiêm trọng đến nỗi nhiều người thoái thác mọi lẽ để không đi dân công, nhưng thực sự là muốn ở nhà để “canh” vợ. Tới mức đó, Đảng trông thấy mối nguy lớn nên tích cực đả phá nạn hủ hoá. 

Một vấn đề khác cũng được đặt ra là vấn đề đa thê. Trong thời gian kháng chiến nhiều người thất lạc vợ con và muốn cho cuộc đời hậu phương đỡ “hiu quạnh”, đã lấy “tạm” một người khác vì không biết ngày nào mới gặp lại gia đình chính thức. Có nhiều cán bộ cho vợ về thành để chạy chọt tiền nong, nhưng các bà vợ tiểu tư sản cứ ở lì, không muốn trở lại chiến khu. Các ông chồng chờ mãi không thấy vợ ra phải lấy vợ khác, nên đến khi tiếp quản Hà Nội, họ trở về với 2 vợ, một vợ “tề”, một vợ “kháng chiến”. Nhiều cán bộ cao cấp đã cưới vợ mới để “xứng” với địa vị mới. Đấy là trường hợp của ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng bộ văn hoá, ông Trần Huy Liệu, nguyên bộ trưởng bộ tuyên truyền và ông Đặng Kim Giang, Bộ trưởng Bộ Quân nhu. Có người kể chuyện ông Hồ phải thân hành đến đả thông trong suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Trần Huy Liệu mới chịu công nhận có ba bà vợ là một khuyết điểm, đặc biệt là bà Ba lại là vợ goá của Phạm Giao, con Phạm Quỳnh. Cả hai bố con đều bị Việt Minh lên án “Việt gian” và thủ tiêu năm 1945. 

Có một điều cần phải xác định là nạn hủ hoá không hề có trong hàng ngũ quân đội nhân dân. Kỷ luật hết sức khắt khe và hễ hiếp dâm là bị kết án tử hình. Vì vậy nên có trường hợp một cô gái quê, sau khi bị hiếp dâm, nhưng vì thương tình anh vệ quốc quân đã hiếp dâm mình, vội vã khai trước toà rằng chị ta đã “xung phong ủng hộ bộ đội”. Mục đích của Đảng là bắt buộc bộ đội phải cư xử hết sức đứng đắn với nhân dân những vùng mới giải phóng để kéo họ về phe kháng chiến, trái ngược với tư cách của quân đội viễn chinh Pháp. Chính nhờ kỷ luật sắt của quân đội cộng sản mà một phần lớn họ được nhân dân quý mến, khiến họ chiến thắng quân đội Pháp tương đối dễ dàng. 

Câu chuyện sau đây chứng tỏ kỷ luật sắt trong hàng ngũ quân đội cộng sản. Trong cuộc Tây tiến năm 1950, quân đội Việt Minh đóng ở Sơn La thường bị con gái Thái ở địa phương trêu ghẹo. Con gái Thái không có tập tục “nam nữ thụ thụ bất thân” nên không e lệ như con gái miền xuôi và thường tròng ghẹo bất cứ thanh niên nào đặt chân đến bản thôn của họ. Nhưng họ hết sức ngạc nhiên khi thấy “bộ đội cụ Hồ” cứ trơ như đá, vững như đồng và họ đồn đại là cụ Hồ đã thiến lính trước khi đưa họ ra trận. 

Một điểm khác cần được chú ý là bộ đội, mặc dầu có vợ cũng rất khó khăn mới được về phép thăm gia đình. Có người tin rằng cộng sản nhằm mục đích nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội. Lời giải thích này kể ra cũng hơi có lý vì thông thường những người nuôi gà chọi và ngựa đua vẫn áp dụng chính sách ấy: Tóm lại “thả lỏng” hay “kỷ luật sắt đá” đều tuỳ thuộc nhu cầu của cách mạng. Việc cộng sản có thể tuỳ thời áp dụng hai chính sách trái ngược chứng tỏ cộng sản nắm vững chiến thuật, sử dụng mọi biện pháp để thực hiện một cứu cánh tối hậu. 


5. Cải cách ruộng đất 

Như đã trình bày ở trên, mục đích chính của khoá chỉnh huấn 1953-54 là chuẩn bị tư tưởng cho chiến dịch Cải cách ruộng đất, nghĩa là thuyết phục đảng viên và cán bộ bắt họ phải công nhận sự cần thiết và chính sách thực hiện cải cách ruộng đất. Tất cả vấn đề là, mặc dầu Đảng đã nắm quyền sinh quyền sát, Đảng không muốn thực hiện cải cách ruộng đất bằng sắc lệnh và nghị định từ trên ban xuống, mà Đảng muốn “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh”, nghĩa là dùng hình thức quần chúng bạo động. Tất cả năm bài học trong khóa chỉnh huấn này đều được xếp đặt trước sau theo một thứ tự rất khôn ngoan, cốt để lái học viên, xuất phát từ lòng yêu nước tự nhiên và bồng bột, đến chỗ chấp nhận việc thi hành chính sách cải cách ruộng đất theo đúng sách lược Mao Trạch Đông. Muốn tới kết quả như vậy, công tác tư tưởng phải chia thành nhiều giai đoạn tuần tự. 

Bài học mở đầu bằng cách nhắc lại một vài điểm quan trọng đã giảng trong các bài trước. Chế độ thực dân rất ác nghiệt, nên mọi người yêu nước phải tích cực kháng chiến chống thực dân. Các phong trào quốc gia đều thất bại, vì không lôi kéo được quảng đại quần chúng. Bây giờ nhờ có sự chỉ dẫn của Bác Hồ và Bác Mao - những đệ tử trung thành của Mác, Lênin và Sit-ta-lin - chúng ta đã huy động được sự tham gia đông đảo của các đồng chí nông dân. Nhờ có sự tham gia cách mạng của nông dân nên kháng chiến đã thành công rất lớn. Hiện nay, anh chị em nông dân là lực lượng bản bộ của kháng chiến. 

Sau khi nhắc lại những điểm này, bài học mới thực sự đi vào việc thuyết phục học viên về chính sách cải cách ruộng đất: 

1.     Bản chất anh chị em nông dân là rất “thực tế” (tránh chữ hám lợi). Trong khi anh chị em tích cực tham gia kháng chiến chịu đựng hy sinh, anh chị em cũng muốn được hưởng ngay tức khắc một vài quyền lợi vật chất và tinh thần. Vì vậy nên, nếu chúng ta muốn anh chị em nông dân tích cực hơn nữa, chúng ta phải làm cho anh chị em phấn khởi thêm bằng cách cấp phát cho mọi người có đủ ruộng đất để cày cấy, và để các anh chị em có toàn quyền tự làm chủ lấy vận mạng của mình. 
2.     Đường lối của Đảng, nói chung vẫn đúng, nhưng Đảng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong việc chấp nhận giai cấp địa chủ là một trong bốn thành phần chính yếu của chế độ dân chủ nhân dân. Thực tế đã cho chúng ta biết là giai cấp địa chủ không phải là bạn của nhân dân, mà là kẻ thù số một của chế độ dân chủ nhân dân. 
3.     Nhưng chỉ có anh chị em nông dân mới biết rõ ai là địa chủ và mỗi tên địa chủ phản động tới mức nào và đã phạm những tội ác gì. Vì vậy chúng ta phải “phóng tay” phát động các anh chị em nông dân “tố khổ” và trị tội bọn chúng. Đấy là công việc của anh chị em nông dân, còn về phần Đảng chỉ giữ nhiệm vụ “hướng dẫn”. Đảng không trực tiếp lãnh đạo. 
Có một điểm cần được nêu nên là chiến thuật cải cách ruộng đất do ông Mao thiết lập cho Trung Quốc, có nhiều chỗ không phù hợp với tình hình Việt Nam vì giữa hai nước tình trạng chiếm hữu ruộng đất có mấy điểm sai biệt như sau: 

a.     Chế độ phong kiến phát triển rất mạnh ở Trung Hoa và vẫn duy trì được ưu thế dưới chính thể Quốc dân Đảng. Các địa chủ lớn ở Trung Hoa đồng thời cũng là quân phiệt, có quân đội riêng, tự đặt ra pháp luật, mặc sức bóc lột và áp chế nông dân theo kiểu các tiểu vương thuở xưa. Tình trạng ở Việt Nam lại khác hẳn. Người Việt Nam thuộc chủng tộc In đô nê sia (cùng gốc với người Mường và người Mọi) mà đặc tính là tinh thần “làng bản”, một di tích của chế độ cộng sản nguyên thuỷ. Làng nào cũng có công điền, công thổ, và có khi tất cả ruộng đất trồng trọt trong làng, hoặc trong một huyện đều là công điền. Trong toàn cõi Việt Nam, 20 phần trăm ruộng đất đều là công điền. Việc sở hữu tư điền tất nhiên không đồng đều, người có ít, người có nhiều, nhưng sự chênh lệch không đến nỗi trầm trọng như nhiều nước khác. Trước thế chiến thứ hai, nhà kinh tế học người Pháp, ông Yves Henri, đã kê khai việc phân chia ruộng đất ở Việt Nam như sau: 
Ruộng đất 
Bắc kỳ 
Trung kỳ 
Nam kỳ 
Địa chủ % 
Diện tích % 
Địa chủ % 
Diện tích % 
Địa chủ % 
Diện tích % 
Trên 50 Ha 
0,10 
20 
0,13 
10 
2,46 
45 
Từ 5 - 50 Ha 
8,35 
20 
15 
25,77 
37 
Dưới 5 Ha 
90,88 
40 
93,80 
50 
71,73 
15 
Công điền 
20 
25 
b.    
(Y. Henri - Econonmie Agricole de l’Indochinne (Hanoi, 1932). Bản này được chính quyền Bắc Việt công nhận là đúng và trích đăng trong cuốn Xã thôn Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Sử Địa, cơ quan nghiên cứu chính thức của Đảng Lao động ấn hành, Hanoi, năm 1959, trang 62.) 
c.      Trung Hoa là một quốc gia độc lập. Địa chủ Trung Hoa được chính quyền Quốc dân Đảng bênh vực và che chở. Trái lại, Việt Nam là một thuộc địa, do ngoại bang cai trị. Do đó, dù là “giai cấp bốc lột” các địa chủ Việt Nam vẫn bị chính quyền thực dân áp bức và bóc lột. Vì bản thân là nạn nhân của chế độ thực dân nên địa chủ Việt Nam luôn luôn chống đối chính quyền thực dân. Không ai chối cãi được rằng họ đã ủng hộ cách mạng Việt Nam rất nhiều, nhất là về phương diện tài chính. Ngay cả Đông Dương Cộng sản Đảng, phong trào Việt Minh và phong trào kháng chiến cũng quyên được của địa chủ rất nhiều (Tuần lễ vàng, Ủng hộ bộ đội địa phương, v.v.) Sự thực thì họ đóng góp rất nhiều công của cho chính phủ kháng chiến từ đầu cho đến ngày đương ở địa vị “một thành phần của chính quyền dân chủ nhân dân”, họ bị giáng xuống là “kẻ thù của nhân dân”. 
d.     Khổng giáo xuất phát từ Trung Quốc, nhưng cũng bắt đầu suy tàn từ Trung Quốc, trong khi còn đương thịnh hành ở Việt Nam. Trong mấy thế kỷ gần đây, Trung Quốc trải qua nhiều triều đại đốn bại, và nhất là sau cuộc Cách mạng Tân Hợi thì tình hình trở nên gần như vô chính phủ, ban ngày thì quân phiệt sách nhiễu, ban đêm thì thổ phỉ hoành hành. Việt Nam cũng trải qua nhiều triều đại, nhưng lúc nào chế độ vua quan cũng đặt trên nền tảng Nho giáo. Từ triều đình cho đến thôn xã giới thống trị được chọn lọc trong đám khoa bảng, không có tình trạng quân phiệt chiếm đoạt chính quyền như ở Trung Quốc. 
e.      Trong 80 năm gần đây, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Nhân dân Việt Nam có dịp đụng chạm với văn hoá Tây phương một cách trực tiếp hơn nhân dân Trung Quốc. Sự va chạm giữa hai nền văn hoá khác nhau tất nhiên gây nên nhiều tai hại trong xã hội Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang lại một vài ảnh hưởng tốt. Một trong những ảnh hưởng này là sự hấp thụ được tính lý luận chính xác và khúc chiết. Do đó, người Việt Nam và nhất trí thức Việt Nam không ưa những lối lý luận hàm hồ, quanh co và “đại khái chủ nghĩa”. Nếu tính theo phần trăm dân số thì những người có thể gọi là tri thức ở Việt Nam nhiều hơn ở Trung Quốc bội phần. 
Tất cả những điểm sai biệt kể trên, và nhiều điểm dị đồng về nhiều phương diện khác nữa, khiến xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc có rất nhiều điểm không giống nhau, vì vậy nên chiến thuật cải cách ruộng đất từ Trung Quốc mang sang, không hợp với hoàn cảnh Việt Nam bằng hoàn cảnh Trung Quốc. Nói vậy không có nghĩa là công nhận chiến thuật của họ Mao hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh Trung Quốc và tinh thần nhân dân Trung Quốc. 

Vì vậy nên việc Đảng Lao động muốn bắt giới trí thức Việt Nam phải chấp nhận chính sách cải cách ruộng đất của Trung Quốc quả là một công việc gay go. Chính vì muốn bắt giới trí thức phải “chịu liều thuốc Bắc”, nên Đảng đã tổ chức khoá chỉnh huấn 1953-54. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày cặn kẽ, vì toàn bộ quả thật là một mưu mô kỳ diệu. 

Tài liệu học tập chính trong bài thứ 5 này là bản báo cáo của ông Trường Chinh, đọc tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Lao động, họp tại Việt Bắc, từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 2, 1953. 

Đảng đã dùng ngay những luận điệu của ông Trường Chinh để cố gắng giải thích, chứng minh và thuyết phục các học viên trong lớp. Sau đây chúng tôi xin trích những đoạn quan trọng trong bản báo cáo của ông Trường Chinh. Chúng tôi viết thêm những tiêu đề để nói rõ lên những điều ông Trường Chinh không muốn nói rõ. 

Chế độ cũ là một chế độ bóc lột. 

Địa chủ không đầy năm phần trăm dân số mà còn cùng với đế quốc chiếm đoạt vào khoảng 70 phần trăm trong nước, trong khi nông dân, gồm 90 phần trăm dân số, chỉ sở hữu chừng 30 phần trăm ruộng đất. 

Nếu chia đều ruộng đất thì mỗi gia đình sẽ được bao nhiêu? 

Đất trồng tỉa trong toàn quốc có đến 5 triệu héc ta. Nếu mà đem chia đều 5 triệu gia đình, thì sẽ được một héc ta. 

Địa chủ Việt Nam luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp. 

Từ ngày bị Pháp cai trị, giai cấp địa chủ luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp để bóc lột và áp bức nông dân mỗi ngày một ác nghiệt hơn. 

Địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù. Chúng ta cần phải tiêu diệt cả hai. 

Mục tiêu của cách mạng là tiêu diệt cả đế quốc lẫn phong kiến vì cả hai đều là kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam. Muốn lật đổ đế quốc thì đồng thời phải lật đổ cả phong kiến. Ngược lại, muốn lật đổ phong kiến thì đồng thời cũng phải lật đổ đế quốc. 

Chống thực dân chưa đủ. Phải là cộng sản mới đủ. 

Nhiệm vụ phản đế và phản phong không thể tách rời nhau được. Chúng ta cần đả phá thái độ muốn tách rời nhiệm vụ phản phong và nhiệm vụ phản đế, coi đế quốc là kẻ thù chính và phong kiến là kẻ thù phụ. (phản đế nghĩa là chống thực dân. Phản phong nghĩa là tiêu diệt giai cấp địa chủ.) 

Chương trình hai đợt 

Phong trào Cải cách ruộng đất sẽ gồm có hai đợt: 

1.     Giảm tô [2] để giảm ưu thế kinh tế của giai cấp địa chủ bước đầu để tiến tới tiêu diệt ưu thế chính trị của chúng. 
2.     Cải cách ruộng đất, bãi bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, tiêu diệt ưu thế chính trị của chúng. 
Có thực giai cấp địa chủ là Việt gian không? 

Chiến tranh càng khốc liệt thì giai cấp địa chủ phong kiến càng tỏ ra phản động. Chứng cớ là trong phong trào giảm tô, nhân dịp đấu tố, chúng ta đã phát hiện nhiều địa chủ làm Việt gian do thám cho địch. Chúng thành lập những căn cứ ở địa phương cho quân đội địch, thành lập nhiều tổ chức phản động để hòng phá hoại chính sách của chính phủ chống thuế, chống dân công v.v. Nhiều địa chủ đã ám sát cán bộ, đốt nhà nông dân, bỏ thuốc độc xuống giếng, ra hiệu cho máy bay địch bắn phá thả bom. 

Chúng ta đã phạm sai lầm. 

Trong những năm gần đây chúng ta đã đoàn kết một chiều với giai cấp địa chủ. Chúng ta coi nhẹ nhiệm vụ phản phong, và chúng ta không nhận định rõ ràng có đấu tranh phản phong thì đấu tranh phản đế mới thành công, chóng đạt tới kết quả . 

Tại sao chúng ta không bắt chước Bác Mao, chờ đánh Pháp xong rồi sẽ tiêu diệt địa chủ? 

Chúng ta áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc trong tám năm kháng Nhật, nhưng hồi đó, cách mạng Trung Quốc chỉ thực hiện giảm tô, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc còn phải liên minh với chính phủ Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Chính phủ Quốc dân Đảng đại diện cho giai cấp địa chủ và bọn quan liêu tư sản. Chúng ta không có vấn đề liên minh như vậy nên chúng ta không cần phải hạn chế chính sách ruộng đất của chúng ta bằng cách chỉ thực hiện giảm tô mà thôi. 

Chúng ta nhận là sai và sẽ chữa. 

Đảng ta là Đảng Mác-xít Lê-nin-nít, có truyền thống phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Chúng ta thành thật nhận là sai và quyết tâm sẽ sửa chữa. 

Phải cô lập giai cấp địa chủ để tiêu diệt chúng. 

Phải dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông. Muốn được như vậy chúng ta phải tôn trọng quyền lợi của họ, giác ngộ quyền lợi giai cấp cho họ và làm cho họ thấm nhuần câu: “Bần cố nông và trung nông là anh em một nhà”. 

Còn đối với phú nông thì chúng ta liên hiệp với họ (về phương diện chính trị (nghĩa là không đấu tố họ); về phương diện kinh tế thì chúng ta giữ nguyên lối làm ăn của họ (cộng sản chỉ giữ lời hứa trong đúng một năm). 

Liên hiệp với phú nông để cô lập giai cấp địa chủ, để lôi kéo phú nông vào hàng ngũ kháng chiến và để trung nông được yên tâm. Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông để thanh toán từng bước một chế độ phong kiến bóc lột, để tăng cường sản xuất và củng cố kháng chiến. 

Tại sao phải thực hiện hai chiến dịch? 

Giảm tô là bước đầu, cải cách ruộng đất là bước thứ hai của một chiến thuật chính trị duy nhất. Chúng ta thực hiện giảm tô để dọn đường cho cải cách ruộng đất. 

Tại sao mỗi chiến dịch gồm có nhiều đợt? 

Muốn thực hiện chính sách ruộng đất chúng ta phải chiến đấu chống lại những lực lượng chống đối. Tình hình quân sự quyết định sự thành bại. (Cộng sản chỉ thực hiện cải cách ruộng đất ở những nơi cộng sản kiểm soát chặt chẽ, không thực hiện ở những nơi giáp giới vùng Pháp chiếm đóng). 

Cần thực hiện cải cách ruộng đất làm nhiều đợt. Trước tiên ở những vùng thuận tiện sau mới tới các vùng khác, không bao giờ thực hiện một lúc khắp mọi nơi. (Có nghĩa là cải cách ruộng đất chưa thực hiện ngay ở những vùng dân tộc thiểu số đảng chưa nắm vững). 

Đừng hoảng sợ. Đảng có chính sách phân biệt. 

Giai cấp địa chủ phong kiến là phản động. Tuy nhiên hiện nay trong nước ta có ba loại địa chủ: 

1.     Địa chủ cường hào, gian ác, Việt gian, phản động 
2.     Địa chủ thường 
3.     Địa chủ kháng chiến và nhân sĩ tiến bộ 
Nếu anh nhận đường lối của Đảng, anh sẽ thoát. 

Chúng ta sẽ xử lý tuỳ theo thái độ chính trị của mỗi loại địa chủ. 

Nếu anh “tốt”, ruộng đất của anh sẽ không bị tịch thu. Trái lại sẽ được trưng mua. 

Sau khi phân chia địa chủ thành loại và xét từng loại ruộng đất, cần phải thi hành biện pháp sau đây để tước quyền sở hữu ruộng đất của đế quốc và địa chủ. 

1.     Tịch thu 
2.     Trưng thu không bồi thường 
3.     Trưng mua (theo giá chính phủ ấn định) 
Tiếp theo bài báo cáo của ông Trường Chinh, và đạo sắc lệnh về ruộng đất ấn định thể thức thi hành. Cả bản báo cáo lẫn bản sắc lệnh đều điển hình của lối hành văn cộng sản. 

Trở lại quang cảnh học viên đương khổ tâm nghiên cứu bản báo cáo của ông Trường Chinh. Họ thảo luận suốt trong mười ngày, bàn cãi từng câu từng chữ. Nhưng thực sự không mấy người hoàn toàn chấp nhận luận điệu của ông Trường Chinh, vì nhiều chỗ ông nguỵ biện một cách quá lộ liễu. Không ai chối cãi là từ trước ruộng đất ở Việt Nam cũng như ở mọi nước không cộng sản phân chia không đồng đều, và có những địa chủ bóc lột và đàn áp nông dân. Nhưng không ai có thể công nhận những con số quá đáng mà ông Trường Chinh đã nêu ra để lấy cớ áp dụng một chính sách cực kỳ bạo tàn trong chiến dịch Cải cách ruộng đất. Ông nói ở Việt Nam, 5 phần trăm dân số bóc lột 90 phần trăm khác. Trong số “bị bóc lột” ông bao gồm cả hai triệu dân thành thị không có ruộng đất, và hai triệu dân thiểu số thường sống lưu động, hoặc có ruộng nhưng không khai báo, vì không muốn đóng thuế. Trong số “bị bóc lột” ông Trường Chinh cũng gộp luôn cả giới trung nông là đại đa số những người sở hữu ruộng đất (90, 88 phần trăm ở Bắc kỳ, 93, 80 phần trăm ở Trung kỳ và 71, 73 phần trăm ở Nam kỳ). Ông Trường Chinh đổ diệt cho địa chủ Việt Nam và đế quốc chiếm hữu tới 70 phần trăm, ông kể cả công điền, chừng 20 phần trăm, và tập tục thì bao giờ cũng chia đều cho dân làng thay phiên cày cấy. Tại sao ông Trường Chinh lại bao gồm công điền vào số ruộng đất bị địa chủ chiếm đoạt? Khi bị chất vấn trong một khóa chỉnh huấn về vấn đề kể trên, ông trả lời: “Công điền chỉ còn là ruộng công trên nguyên tắc thực tế, những công điền đã bị bọn cường hào ác bá dùng thủ đoạn chiếm đoạt làm ruộng tư”. Mặc dầu vậy, trong cuốn Xã thôn Việt Nam xuất bản năm 1959, Đảng Lao động cũng phải công nhận như sau: 

… Chế độ ruộng công đã từng có lâu đời ở Việt nam. Cho nên nguyên tắc phân phối bình quân ruộng công cũng trở thành một tập quán ăn sâu trong nhân dân, nó có sức mạnh của truyền thống, và nhân dân luôn đấu tranh để bảo tồn nguyên tắc ấy. Cho nên chừng nào chế độ ruộng công còn tồn tại, thì những nguyên tắc đó không thể xoá bỏ được. Nghĩa là bọn cường hào địa chủ cho dù có dựa vào chính quyền thực dân chăng nữa cũng không thể nào công nhiên đem tất cả ruộng công mà lần lượt chia nhau không đếm xỉa gì đến nhân dân. (Xã thôn Việt Nam, Tr. 77). 

Một mặt khác, ông Trường Chinh cố tình dùng lối hành văn mập mờ “cùng với đế quốc” để bao gồm trong số ruộng đất mà ông coi là “chiếm đoạt của nhân dân” những đồn điền chè và cà phê do Pháp kiều khai khẩn ở những nơi trước kia mà vì sợ bệnh sốt rét nên không ai dám lui tới. Dĩ nhiên là ở các đồn điền Pháp đã bóc lột cu li Việt nam một cách tàn nhẫn nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng đấy là những đất mới khai hoang, không phải như ông Trường Chinh nói, là đế quốc “chiếm đoạt của nông dân”. 

Việc ông Trường Chinh hứa mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một héc ta đất (mẫu tây) ruộng cũng rõ ràng là một thủ đoạn lừa bịp. Đành rằng nếu đem số 5 triệu héc ta, nhưng ông Trường Chinh cố ý quên rằng trong số 5 triệu héc ta thì 2 triệu 3 héc ta lại ở Nam kỳ, không phải ở Bắc kỳ, nơi mà Đảng Lao động thực hiện cải cách ruộng đất. Nếu muốn gia đình Việt Nam có một héc ta ruộng đất thì phải di cư một nửa dân số Bắc kỳ vào Nam, nghĩa là di cư 10 triệu người đi xa 2.000 cây số vào miền đồng bằng phì nhiêu của sông Cửu Long. Dĩ nhiên là hồi năm 1954, khi ông Trường Chinh đọc bản báo cáo của ông trước Đại hội lần thứ nhất của Đảng Lao động, Đảng không có phương tiện thực hiện một cuộc di cư vĩ đại như vậy; nhưng phải chăng Đảng đã định tâm, nếu thống nhất được quốc gia dưới chế độ cộng sản sẽ đưa đến một nửa dân số Bắc Việt vào Nam để chia bớt ruộng đất của đồng bào ruột thịt Nam bộ”? 

Ông Trường Chinh cứ gọi địa chủ Việt Nam là “phong kiến” với ngụ ý “mập mờ đánh lận con đen” làm như thế từ xưa tới nay họ vẫn là “con vua cháu chúa” có quyền coi nhân dân như tài sản tư hữu của mình. Khi bị chất vấn về danh từ “phong kiến” dùng để chỉ “địa chủ”, ông Trường Chinh chỉ trả lời lờ mờ rằng “chế độ địa chủ xuất phát từ thời phong kiến”. Các học sinh trong lớp chỉnh huấn hiểu rõ ý định của ông Trường Chinh là “muốn giết chó thì kêu là chó dại”, và họ cũng hiểu rằng bản báo cáo của ông Trường Chinh chỉ là một cái bình phong dùng để che đậy thâm ý độc ác của Đảng: tiêu diệt giai cấp địa chủ đã từng tham gia kháng chiến, đã giúp cộng sản lên lắm chính quyền và củng cố thế lực. 

Trong thời gian học tập bản báo cáo, cuộc thảo luận vẫn sôi nổi như mấy bài trước, nhưng học xong bài này thì mọi người đều tỏ ra chấp nhận luận điệu của Đảng. Họ chấp nhận sự cần thiết của cải cách ruộng đất và cả phương pháp tàn bạo thực hiện cải cách ruộng đất một cách rất ngoan ngoãn vì một lẽ rất dễ hiểu: Đa số học viên thuộc thành phần địa chủ nên hy vọng rằng một khi đã chấp nhận chủ trương đường lối của Đảng, may ra sẽ được sắp xếp là địa chủ kháng chiến trong nhiều năm. Vì vậy nên đối với họ, thái độ khôn ngoan hơn cả là đứng về phe Đảng, hoặc ít nhất cũng tỏ ra như vậy. Học xong bài học về cải cách ruộng đất, tất cả lớp đều đồng ý về bản báo cáo của ông Trường Chinh và đồng thanh hô to: “đả đảo giai cấp địa chủ!” 

Nhưng sau khi mãn khoá ra về, nhiều người chợt nhớ tới cái câu ví của ông Hồ Chí Minh: “đế quốc là con hổ mà địa chủ là bụi rậm để cho con hổ núp. Vì vậy nên muốn đuổi hổ, phải phá cho kỳ được bụi rậm”. Mặc dù họ đi chỉnh huấn về, có cảm tưởng rằng bản thân mình sẽ được an toàn, nhưng họ quên rằng bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ bị Đảng coi là lang sói, và gia đình êm ấm của họ là sào huyệt của hổ báo mà Đảng sẽ đốt phá trong một tương lai rất gần. 




[1]Sửa đổi lề lối làm việc, nhà xuất bản Sự thật. Cuốn sách của tác giả XYZ, bút hiệu của ông Hồ.
[2]Giảm tô ở Trung Quốc (thực hiện ở những vùng Trung cộng chiếm đóng trước 1949) là chỉ giảm tô không mà thôi, không phải là chiến dịch giảm tô theo kiểu Trường Chinh trình bày, vì giảm tô theo kiểu này là đợt một của cải cách ruộng đất, có đấu tố và xử bắn địa chủ. Ý Trường Chinh muốn nói là: “địa chủ Trung Hoa được chính quyền Quốc dân Đảng che chở nên bác Mao không dám tiêu diệt họ trong khi đương liên minh với Tưởng Giới Thạch. Còn địa chủ Việt Nam thì chẳng được chính phủ nào che chở, nên chúng ta có thể tiêu diệt họ ngay bây giờ được”.
Phần 5 - Cải cách ruộng đất 

Muốn chữa một tình trạng bất công thì phải vượt qua giới hạn của công bằng.

Mao Trạch Đông (“Báo cáo về vụ nông dân bạo động tại Hồ Nam”) 

Cộng sản thực hiện cải cách ruộng đất bằng hai chiến dịch liên tiếp: chiến dịch giảm tô vào những năm 1953 và 1954, và chiến dịch cải cách ruộng đất đích thực vào những năm 1954 và 1956. 

Năm 1955, cộng sản tạm thời đình chỉ cải cách ruộng đất vì năm ấy có cuộc di cư ồ ạt của gần một triệu người từ Bắc vào Nam, trong thời gian 300 ngày do Hiệp định Genève ấn định để theo nguyên tắc, mọi người được tự do di chuyển giữa hai miền. Nhà cầm quyền miền Bắc tạm ngừng đấu tố vì họ sợ số người di cư sẽ tăng thêm; nhưng sau khi chiếm đóng Hải Phòng, hải cảng cuối cùng mà người Bắc có thể thoát vào Nam được, họ tiếp tục đấu tố trở lại. Có điều khác là lần này, khi thực hiện cải cách ruộng đất tại vùng đồng bằng sông Nhị Hà, họ muốn chóng xong nên dồn cả hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực làm một, thực hiện toàn bộ chương trình bằng một loạt đấu tố duy nhất, tất nhiên là khủng khiếp bằng hai những kỳ trước. 

Cả hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực đều nhằm một mục đích tức là tiêu diệt toàn bộ giai cấp địa chủ để tiến tới việc thành lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông thôn. Cả hai chiến dịch đều áp dụng một chiến thuật duy nhất, và chiến dịch thứ nhất và thứ nhì chỉ khác nhau ở mức tàn bạo và ở các loại tài sản tịch thu của các địa chủ. Nói một cách rõ hơn thì chiến dịch thứ nhất cốt tiêu diệt sơ bộ những phần tử “có máu mặt” ở nông thôn mà cộng sản gọi là những “phản động chính”, và tịch thu tiền bạc, nữ trang hoặc châu báu, tức là những “của nổi” mà họ giấu giếm hoặc giao cho quyến thuộc cất giữ. Chiến dịch thứ hai nhằm vào những người “có đủ bát ăn”, mệnh danh là “phản động phụ”. Nhóm thứ hai này tương đối nghèo hơn nhóm thứ nhất, và nói chung chỉ có ruộng nương nhà cửa, không có vàng bạc châu báu. Họ cũng là phần đông trong cái giới mà cộng sản quy định là “địa chủ”. Chiến dịch thứ hai, tức là cải cách ruộng đất đích thực cũng là dịp để cộng sản dựa theo “pháp luật” tịch thu toàn bộ ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc của tất cả giai cấp “địa chủ”. Họ chỉ được phép ra khỏi nhà cùng vợ con với hai bàn tay trắng. Trong các Chương sau, chúng tôi sẽ trình bày cách thức “đấu tố” và tịch thu tài sản trong mỗi chiến dịch. 

Nơi đây, chúng tôi sẽ giải thích tại sao cộng sản lại thấy cần thiết phải tiêu diệt giai cấp địa chủ bằng hai chiến dịch liên tiếp. Muốn có một ý niệm rõ ràng hơn, chúng ta hãy lấy một ví dụ sau đây: 

Giả sử trong một làng nào đó có 25 gia đình tạm gọi là A, B, C, D, vân vân, theo thứ tự bản mẫu tự và theo giầu, nghèo. A giầu nhất và Z nghèo nhất. Lúc khởi đầu chiến dịch giảm tô, Đảng dạy cho nông dân cách phân định nhân dân trong làng thành nhiều thành phần khác nhau, chiếu theo bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn 
[1] mà họ phải học tập kỹ lưỡng trong 10 hôm. Sau đó, họ phân định dân làng đại khái theo thứ tự sau đây: 

A, B, C : địa chủ 

D, E, F : phú nông 

G, H, I, J: trung nông cứng 

K, L, M, N: trung nông vừa 

O, P, Q, R: trung nông yếu 

S, T, U, V: bần nông 

X, Y, Z: cố nông 

Đồng thời cộng sản cũng đề ra khẩu hiệu: “Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông để tiêu diệt địa chủ”. Cộng sản kêu gọi những người từ G đến Z thành lập một khối liên minh hùng hậu để tiêu diệt mấy kẻ bất hạnh: A, B, C bị quy là “địa chủ”. Những phú nông D, E, F kế sát với địa chủ A, B, C không được phép tham gia đấu tranh, nhưng được hứa hẹn “yên thân” nếu chịu khó “ngoan ngoãn”, và đấy là tất cả ý nghĩa của khẩu hiệu “Liên hiệp phú nông”
[2] . Những người được quy là “phú nông” hết đỗi mừng rỡ vì lẽ ranh giới giữa “địa chủ” và “phú nông” quả là huyền huyền ảo ảo, không một người nào có thể biết trước mình sẽ là địa chủ hay phú nông. 

Trung nông được vinh dự đứng cùng hàng ngũ với bần cố nông (cũng gọi là thành phần bản bộ) cũng mừng rơn vì cảm thấy sẽ được an toàn dưới chế độ mới, mặc dầu không phải là “cánh ta”. Để củng cố lập trường, họ hăng hái đấu tranh chống mấy tên A, B, C. Họ muốn chứng minh với Đảng họ đứng hẳn về phe đảng, phe bần cố nông. 

Theo lệ thường, A sẽ bị bắn trước công chúng, B sẽ bị án khổ sai, nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Nhưng câu chuyện đến đấy chưa phải là hết. Khoảng một năm sau, Đảng lại phái một đội “cải cách” thứ hai tới làng để phát động một cuộc khủng bố thứ hai: đó là chiến dịch Cải cách ruộng đất đích thực. Một đoàn cán bộ mới tới làng, quan sát qua loa, rồi tuyên bố rằng việc phân định thành phần năm trước cả làng đã làm sai. Họ nói: “Các đồng chí nông dân không nắm vững các tiêu chuẩn phân định thành phần nên năm ngoái đã để quá nhiều địa chủ lọt lưới”. Họ bắt nông dân học tập lại bản Điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và thúc đẩy nông dân phát hiện thêm địa chủ. Họ nói rằng theo sự tính toán rất khoa học của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, đã điều tra rất cẩn thận ở các làng (thực ra chỉ có một đoàn cố vấn Tầu đi lướt qua các làng) thì lẽ ra số địa chủ phải nhiều hơn gấp bội. Họ bắt nông dân quy định thành phần lại, và lần này những người D, E, F (trước đây là phú nông) và G, H, I, J (trước đây chỉ là trung nông cứng) đều trở thành địa chủ, trong khi K, L, M, N (trung nông vừa) trở thành phú nông v.v. Như vậy tổng số địa chủ mới “tìm ra” đông gấp 5 lần số địa chủ phát hiện trong chiến dịch giảm tô năm trước. Theo lệnh của Trung ương đảng, con số tối thiểu những án tử hình cũng tăng từ 1 lên 5 tại mỗi xã. Con số những người tự tử hoặc chết đói vì chính sách “cô lập địa chủ” (sẽ giải thích sau) cũng tăng theo. Tổng số nạn nhân của phong trào Cải cách ruộng đất tại Bắc Việt chưa hề được công bố, nhưng nếu tin lời ông Gérard Tongas, một giáo sư Pháp ở lại Hà Nội cho tới năm 1959 thì “kết quả của cuộc tàn sát kinh khủng này là một trăm ngàn người”. 
[3] 

Cho tới nay chưa một ai có thể ước lượng được số người chết trong hai chiến dịch long trời lở đất này (đấy là danh từ chính thức của cộng sản khi đề cập đến Cải cách ruộng đất), nhưng theo lời những người vượt tuyến vào Sài Gòn năm 1957 thì khắp các vùng nông thôn Bắc Việt nhân dân mang toàn khăn trắng. Điều này rất dễ hiểu vì ngoài những người bị toà án nhân dân đặc biệt lên án xử tử và hành quyết công khai còn vô số những người chết trong các trại giam và những người tự tử ngay sau khi bị quy là địa chủ. Số người tự tử và chết trong các trại giam đã nhiều, nhưng chưa thấm vào đâu với số bố mẹ, con cái địa chủ chết đói vì chính sách bao vây kinh tế. Đấy chẳng qua chỉ là kết quả của phương châm: “Thà giết mười người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù”. Đấy là chính sách của Đảng Lao động, áp dụng trong Cải cách ruộng đất, mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lớn tiếng tố cáo trong bài diễn văn của ông, đọc trước Đại hội toàn quốc của Mặt trận tổ quốc, họp tại Hà Nội tháng 10 năm 1956. 

Mỗi chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực đều được thực hiện bằng năm “đợt” liên tiếp, theo một kỹ thuật gọi là “Vết dầu loang”. Thể thức như sau: Đợt thứ nhất khởi đầu tại một vài xã ở mỗi tỉnh. Những xã này là những nơi quả có những địa chủ cường hào trước đây vẫn bóc lột nông dân một cách quá quắt. Một đoàn cán bộ đặc biệt đã được huấn luyện tại Trung Quốc trực tiếp lãnh đạo chiến dịch tại các xã này, gọi là thí điểm. Trong khi ấy, rất nhiều cán bộ từ mọi nơi khác trong tỉnh được phái tới để quan sát học tập. Đợt thứ nhất chấm dứt thì những cán bộ mới huấn luyện này phát động một “đợt” thứ hai tới các xã xung quanh, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn Việt và các cố vấn Trung cộng. Y hệt một vệt dầu loang, phong trào khủng bố lan dần ra toàn huyện rồi đến toàn tỉnh. Đến hết “đợt năm” thì chiến dịch được hoàn tất trên toàn lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của cộng sản, trừ miền giáp giới với Lào, nơi có các bộ lạc Thái. Vì người Thái có liên lạc mật thiết với người Lào nên cộng sản muốn tránh không cho người Lào biết, sợ các “đồng chí Pathet Lào” hoảng sợ. Cho đến 1958 cộng sản không thực hiện một cải cách nào quan trọng tại miền này. Còn ở Quảng Trị, cộng sản cũng thực hiện cải cách ruộng đất một cách ôn hoà, lấy ruộng đất thừa của địa chủ phân phát cho bần cố nông mà không chém giết ai cả. Sở dĩ không chém giết là để tránh sự ngờ vực của những người không cộng ở phía Nam vĩ tuyến. Theo lời Trường Chinh thì: “Ở những miền đặc biệt, phải có chính sách đặc biệt”. 

Một điểm nữa đáng nêu lên là chính phủ làm bộ không dính dáng gì đến việc khủng bố. Họ làm ra vẻ đấy là việc riêng của nông dân, hoàn toàn do nông dân chủ trương để nâng cao “uy tín chính trị” của họ. Vì vậy nên có khẩu hiệu: “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh để thực hiện giảm tô”, hoặc “Cải cách ruộng đất”. Đảng cũng phủ nhận mọi trách nhiệm. Đảng nói Đảng chỉ giúp ý kiến cho nông dân để họ biết cách đấu tranh mà thôi. Còn quân đội thì phái một vài tiểu đoàn tới đóng các xã kế bên để đề phòng “phản động” có nổi dậy thì giúp đỡ nông dân một tay. 

Và giờ đây, chúng ta hãy xem thể thức thực hiện chiến dịch giảm tô tại một trong hàng vạn làng Bắc Việt. 


Chương 14 - Chiến dịch giảm tô 

Vài tháng sau cuộc “Đấu tranh chính trị” chấm dứt một đoàn cán bộ đã được huấn luyện tại Trung Quốc giả dạng làm nông dân bí mật tới làng. Nhờ tổ đảng địa phương mách mối làm quen với một vài cố nông túng bấn nhất trong làng, và xin cho ngụ cư trong nhà. Họ thực hành một chính sách gọi là “ba cùng”, nghĩa là cùng làm việc với chủ nhà (mà không lấy công), cùng ăn với chủ nhà (nhưng góp phần mình), và cùng ngủ một giường với chủ nhà. Nếu chủ nhà có vợ, như trường hợp thông thường, thì một nữ cán bộ tới ngủ cùng với bà vợ, và một nam cán bộ ngủ với ông chồng. 

Họ ở như vậy trong ba tháng. Anh nông dân rất hài lòng vì bỗng dưng có người giúp việc không công. Họ làm đủ mọi việc, cày bừa hoặc gặt hái, tuỳ theo vụ. Họ quét nhà, trông trẻ, và trò chuyện luôn mồm. Họ tìm hiểu đời tư của chủ nhà, rất chăm chú nghe và tỏ vẻ thông cảm mỗi khi chủ nhân kể cho nghe một cảnh cực khổ của mình. Chẳng bao lâu người nông dân chất phác coi họ là đồng tình đồng cảm với mình và có bao nhiêu tâm sự “to nhỏ” với họ cho kỳ hết. Họ chịu khó nghe và giảng giải cho anh thấy rõ nguyên nhân của mọi nỗi khổ của đời anh. Tỉ dụ trường hợp một anh nông dân bị vợ bỏ, đi lấy chồng khác, thì cán bộ giải thích ngay rằng: “Giá anh không bị tên địa chủ độc ác ấy bóc lột thì anh đâu đến nỗi túng thiếu. Anh đã sắm được cho chị ấy đủ thứ thì việc gì chị ấy lại nỡ bỏ anh!”. Tóm lại, theo cán bộ thì mọi nỗi đau khổ mà nông dân đã phải chịu đều xuất phát từ sự bóc lột tàn bạo của bọn địa chủ lang sói. Đấy chính là điều mà họ cố nhồi vào óc mấy anh bần cố nông đã chứa họ trong nhà. 

Sau đó họ bày vẽ cho nông dân biết rằng chỉ có một phương pháp duy nhất để cải thiện đời sống của mình là tin theo chính sách của Đảng, vùng lên tiêu diệt cho kỳ hết bọn địa chủ cường hào ác bá trong làng. Công tác tích cực nhồi sọ này tiếp diễn mỗi ngày đến gần 18 giờ, cho tới khi người nông dân trước kia hiền lành ngoan ngoãn, nay sẵn sàng đứng dậy chống lại chủ đất của mình. Người nông dân được giác ngộ gọi là cái “rễ”, và công tác kể trên được gọi là “bắt rễ”. 

Tới giai đoạn này, người cán bộ chấm dứt mọi hành vi xách động của mình trong làng, và từ đó chỉ ở miết trong căn nhà mà anh đã “ba cùng”. Từ đấy cán bộ chỉ hành động qua cái “rễ” của anh ta, người mà anh ta cấp dưỡng tiền nong và dùng làm gián điệp thường xuyên. Anh ta cổ động cái “rễ” mà ta tạm gọi là A đi kết nạp B, rồi đến lượt B đi kết nạp C, và cứ thế mãi. Công việc này gọi là “xâu chuỗi”, và B, C, D, v.v, được gọi là “cốt cán”. Phương pháp kết nạp này (mỗi rễ và mỗi cốt cán chỉ được phép giới thiệu một người mà thôi) nhằm phòng ngừa trường hợp vô tình kết nạp một số lớn “phản động” và nhằm tránh những cạm bẫy mà địa chủ trong làng có thể giăng ra. “Rễ” còn giữ nhiệm vụ bí mật liên lạc với những cán bộ khác, đang công tác tại những xóm lân cận, để trao đổi và đối chiếu những tin tức do các cốt cán cung cấp. Họ điều tra tỉ mỉ mọi chi tiết của đời sống trong làng, tình trạng sở hữu ruộng đất và tài sản, thái độ chính trị, hoạt động quá khứ, và ngay cả những cuộc tình duyên kín đáo nhất của từng người một (việc điều tra những cuộc tình duyên này nhằm một mục đích đặc biệt: người đàn bà nào thời còn con gái, có “dính líu” với một địa chủ nào, sẽ bị bắt buộc phải “tố” trước công chúng rằng chị đã bị người địa chủ kia “hãm hiếp”). Sau vài ba tháng hoạt động như vậy, người cán bộ thu thập được đầy đủ chi tiết cần thiết về cái làng mà anh phụ trách, để đích thân báo cáo trước một phiên họp bí mật của đoàn Cải cách ruộng đất đóng trong tỉnh. Tại đây, sau khi tham khảo ý kiến của đoàn, anh cán bộ đề nghị qui định thành phần cho tất cả dân làng, đặc biệt là thành phần địa chủ, và gán cho người nào “tội” gì? 

Tới lúc đó đội cải cách ruộng đất mới ra mắt công khai, uỷ ban hành chính xã và chi bộ đảng ở xã tức thì bị giải tán. “Đội” đứng lên điều khiển mọi công việc trong làng, cắt cử một đội công án mới gồm toàn nông dân cốt cán, và ra lệnh phong toả làng. Thường thường mỗi làng ở Bắc Việt có một luỹ tre xanh bao quanh, và có hai cổng. Họ đóng cổng lại, canh gác suốt ngày đêm và không cho ai ra vào nếu không có giấy phép của đội Cải cách ruộng đất. Đội liên lạc với đoàn bằng một đường dây điện thoại mới dựng lên. Khách bộ hành hễ thấy hàng cột tre con đang xanh mang dây điện thoại là biết ngay trong làng nào đó ở phía đầu dây đang có đấu tố khủng khiếp. Người nào khôn hồn hãy tránh ngay đường dây ấy, nếu không, có thể bị tai bay vạ gió, nguy hiểm đến tính mạng không chừng. 

Chiến dịch chính thức mở đầu như vậy và được thực hiện làm sau bước liên tiếp, mà bước cuối cùng là “phiên xử án”. 


Bước 1: Phân định thành phần 

Nông dân thuộc thành phần bản bộ, tức là bần cố nông, phải đi dự một lớp đặc biệt để học cách phân định thành phần tất cả dân làng. Những tài liệu học tập gồm có bản Điều lệ phân định thành phần ở nông thôn, các văn kiện về thể thức áp dụng bản điều lệ này cùng những tiêu chuẩn phân loại. Mỗi tỉnh có tiêu chuẩn khác nhau mà báo chí cộng sản không hề nói đến. Thí dụ trong một tỉnh, những tiêu chuẩn phân định các loại trung nông như sau: 

a.     Trung nông cứng: Những trung nông có một con bò, một con heo và một đàn gà. 
b.     Trung nông vừa: Những trung nông có một con heo và một đàn gà. 
c.      Trung nông yếu: Những trung nông chỉ có một đàn gà hoặc không có gì hết. 
Không những tiêu chuẩn ở mỗi tỉnh một khác mà còn thay đổi mỗi đợt đấu tố một khác. 

Sau mười ngày tích cực học tập và “bình nghị dân chủ”, các học viên biểu quyết một bản phân định thành phần mà thường thường là y hệt tài liệu cán bộ đã soạn thảo từ trước. Tất nhiên lúc đầu mỗi người một ý, nhưng sau khi thảo luận mọi người đều chấp nhận ý kiến của cán bộ. Điều này chẳng có gì lạ vì thực tế chứng tỏ cán bộ biết rõ về dân làng hơn hẳn người làng. 


Bước 2: Phân loại địa chủ 

Ngay sau khi đội Cải cách ruộng đất (thường gọi tắt là đội cải cách, hoặc đội) ra mắt công khai, tức là mười ngày trước khi thành lập danh sách địa chủ, những người sẽ bị quy là địa chủ đã bị bắt ngay và nhà cửa của họ đã có “cốt cán” canh gác suốt ngày đêm. Nhưng mỗi loại địa chủ sẽ bị đối đãi một cách khác nhau. 

Trên lý thuyết và theo lời ông Trường Chinh tuyên bố trong bản báo cáo của ông thì có ba loại địa chủ chính: địa chủ Việt gian phản động, cường hào, gian ác, địa chủ thường và địa chủ kháng chiến. Ngoài ra còn có một loại nữa gọi là “nhân sĩ tiến bộ” dành riêng cho mấy ông cựu quan lại hiện được cộng sản trọng dụng, như các ông Hồ Đắc Điềm, Phan Kế Toại, v.v. 

Nhưng trên thực tế loại thứ hai và thứ ba không hề có. Tất cả mọi địa chủ, không trừ một ai, đều bị quy vào loại “địa chủ Việt gian phản động”. Như đã trình bày ở trên, tất cả các địa chủ còn ở lại vùng kháng chiến cho đến năm 1953, dù muốn dù không, đều có tham gia ít nhiều vào công cuộc kháng chiến vì chính sách của cộng sản là tuyệt đối không để một ai có thể ngồi không, không có “công tác”. Thanh niên và những người tráng kiện thì gia nhập quân đội hoặc làm cán bộ chính quyền, ở xã, huyện, hoặc tỉnh. Những người tuổi tác thì tham gia những tổ chức bù nhìn như “Phụ lão cứu quốc”, “Mặt trận liên Việt”, v.v. Mọi người đã tham gia kháng chiến trong bảy năm trời nên tin tưởng rằng mình sẽ được xếp vào loại “địa chủ kháng chiến”, hoặc ít nhất cũng là “địa chủ thường” vì sau khi tự xét, họ thấy họ chẳng hề phạm một tội gì đối với nông dân. Đành rằng họ có “bóc lột” nông dân bằng cách cho nông dân thuê ruộng lấy tô nhưng họ lý luận rằng đấy chẳng qua là tính chất của chế độ cũ, và từ ngày lên cầm chính quyền, cộng sản cũng vẫn dung túng lối “bóc lột” đó trong bao nhiêu năm rồi. Nhưng đến khi chiến dịch Cải cách ruộng đất lan đến làng họ, mọi người đều giật mình thấy mình bị xếp vào loại “Việt gian phản động” và bị tố đủ thứ tội. Ngay cả những người tích cực phục vụ chính quyền kháng chiến và đã được ông Hồ Chí Minh tuyên dương công trạng cũng bị tố cáo là đã cố tình “chui vào cơ quan của Đảng và chính phủ để phá hoại cách mạng”. Không cần phải bằng cớ, chỉ cần một nông dân nào đó nói rằng đã trông thấy địa chủ vẫy tay ra hiệu cho máy bay Pháp là đủ lên án địa chủ đó là Việt gian, làm giáp điệp cho Pháp.

Loại địa chủ này, cũng gọi là địa chủ đầu sỏ, lại được chia thành ba hạng nặng nhẹ khác nhau: A, B, và C. Cán bộ không tuyên bố cho địa chủ biết là họ bị xếp vào hạng nào những chỉ cần một chút thông minh cũng đoán biết ngay. Nếu đám biểu tình hô “đả đảo tên địa chủ X, Việt gian phản động, cường hào, gian ác!” (4 danh từ kèm theo chữ “địa chủ”) thì có thể biết chắc chắn Y là địa chủ hạng B. Còn nếu họ chỉ hô: “Đả đảo tên Z địa chủ ngoan cố!” (1 danh từ) thì Z thuộc hạng C. Mỗi hạng sẽ có một số phận khác nhau. Địa chủ hạng B phải đi dự một lối cải tạo đặc biệt kéo dài trong ba bốn tuần, suốt ngày đêm không được ngủ. Mục đích của lớp cải tạo này là khủng bố tinh thần địa chủ để bắt cung khai những chỗ chôn giấu vàng bạc. Họ bị khủng bố liên miên đến nỗi họ trở thành nửa tỉnh nửa điên và sẵn sàng thú nhận bất cứ điều gì cán bộ bắt họ phải thú nhận. Họ phải viết thư về cho vợ con chỉ chỗ giấu vàng, bạc, bảo đào lên mang nộp cho nông hội. Ngoài ra họ còn phải viết tờ kê khai tất cả những người còn nợ họ tiền nông. Họ khai ra người nào thì lập tức đội cải cách bắt người ấy phải “trả” ngay cho nông hội. Vì địa chủ mất tinh thần, nhiều khi khai vu vơ nên có nhiều thương gia bị “vạ vịt”, mất sạch cơ nghiệp dù không có liên quan trực tiếp đến Cải cách ruộng đất. Địa chủ hạng C bị giữ trong một nhà nông dân cùng làng, nhưng đêm đến lại bị công an cầm kiếm đến điệu đi, chuyển từ nhà này sang nhà khác. 

Một điều đáng chú ý là việc quy định thành phần lúc nào cũng chỉ có tính cách tạm thời, và địa chủ hạng nào cũng có thể “kích” lên “hạ” xuống tuỳ theo thái độ của đương sự, hoặc “ngoan cố” hoặc ngoan ngoãn phục tòng. Vì cán bộ có giao hẹn trước, rõ ràng như vậy, nên phần đông các địa chủ tỏ ra khúm núm và sợ sệt. Nhưng vì Đảng đã ấn định một số tử hình tối thiểu cho mỗi xã nên dù tất cả địa chủ có khúm núm bằng mấy cũng có một số không sao tránh khỏi án xử tử. Nhưng nói chung, khúm núm vẫn có lợi hơn là bướng bỉnh, và người dân Việt, đã từng biết phải khúm núm như thế nào đối với quan lại và thực dân, nên sớm nhận thấy giờ đây họ còn phải khúm núm hơn nữa đối với “giai cấp mới”. 


Bước 3: Tống tiền công khai 

Sau khi chủ gia đình bị bắt và điệu đi, cán bộ đội cải cách gọi vợ con địa chủ đến và bảo cho biết phải lo trả ngay tức khắc số tiền gọi là “thoái tô”, hoặc nợ nông dân. Trước đấy bốn năm năm, chính quyền cộng sản có ra một thông cáo buộc địa chủ phải giảm tô 25 phần trăm. Hồi ấy, mới bắt đầu kháng chiến, báo chí chưa phát hành rộng rãi nên nhiều người không biết, và sau khi ban hành bản thông cáo, chính quyền cũng bỏ bẵng hàng năm không đả động tới. Giờ đây, nông hội cho rằng tất cả địa chủ đều không tuân luật và đòi gia đình địa chủ phải “thoái tô”, tức là trả ngay tức khắc số tô đã thu quá mức trong bốn năm năm. Sự thực thì đa số địa chủ đã giảm tô, hoặc tuân theo thông cáo hoặc sợ chế độ mà phải tự ý giảm, nhưng vì họ quen thói luộm thuộm và tự xét ruộng đất chẳng có là bao nên không nghĩ tới việc biên lai, sổ sách. Dù sao đi nữa bây giờ có khiếu nại cũng vô ích và cũng không có quyền khiếu nại nên địa chủ đều phải nhận “trả”. Số “thoái tô” phải mang nộp cho nông hội, một tổ chức do đội cải cách thành lập để núp sau ra lệnh. 

Cán bộ cải cách thường phán như sau: “Anh em nông dân đã khai rằng mày đã thu một số tô quá mức là X tạ, Y ký và Z gam (con số rành mạch từng gam một). Anh em hẹn cho mày đến ngày… giờ… phút… phải trả cho kỳ đủ, nếu thiếu thì coi chừng!”. Nói xong hắn đưa ra một mảnh giấy bắt vợ con địa chủ phải ký nhận. Việc “đòi nợ” này còn một vài điểm đáng chú ý. 

Theo cán bộ thì “số nợ” được tính theo lời khai của mỗi tá điền cộng lại, nhưng thực ra thì cán bộ không hề để ý tới lời khai của ai cả, và cũng không hề làm tính cộng. Việc bắt tá điền khai báo là chỉ cốt để có cớ “đòi nợ”. Còn số “nợ” là do cán bộ ước định, căn cứ trên sự ước lượng về khả năng có thể trả được của mỗi địa chủ: liệu chừng có bao nhiêu tiền mặt, nữ trang, v.v. và bao giờ cũng ấn định một mức tối đa. Mục đích của “thoái tô” là làm cho địa chủ và gia đình chỉ còn hai bàn tay trắng, trừ ruộng đất, nhà cửa và đồ đạc trong nhà. Những thứ này không thể thoát đi đâu được và sẽ bị tịch thu trong chiến dịch sau. Việc làm cho toàn thể giai cấp địa chủ chỉ còn hai bàn tay trắng, ông Trường Chinh gọi một cách “văn hoá” là “làm giảm uy thế kinh tế của địa chủ”. Chủ tâm bần cùng hoá địa chủ, cho tới mức độ cuối cùng biểu hiện tăng giảm số “nợ” tuỳ theo khả năng tột bực của “con nợ”. 

Nếu địa chủ hoặc gia đình địa chủ trả hết số “nợ” trong thời gian hạn định thế nào cán bộ cũng giở giọng nói: “Hôm nọ chúng tao tính lầm. Hôm nay tính lại thấy số nợ của mày thực sự là… (thường đưa ra một con số gấp đôi con số trước)”. Trái lại, nếu “con nợ” khôn khéo, đúng kỳ hạn trả một phần rồi gãi đầu gãi tai, van nài xin khất một thời hạn nữa sẽ cố gắng trả nốt, cứ mỗi kỳ lại trả thêm một chút, vừa trả vừa nằn nì để chứng tỏ cả thiện chí lẫn sự bất lực của mình, thì cán bộ có thể bớt dần số nợ, mỗi chuyến giảm xuống một ít. Không phải vì cán bộ thương tình nhưng vì Đảng muốn tỏ cho nhân dân biết quả thực đã có nhiều địa chủ trả đủ số nợ, việc đòi nợ hợp tình hợp lý và con số nợ cũng đúng với khả năng địa chủ. Nhưng nếu địa chủ cứ ì ra, không trả gì hết hoặc chỉ trả một số không đáng kể hoặc vì không xoay đâu ra tiền, hoặc vì liều chết bướng bỉnh thì nhất thiết số “nợ” cũ đứng nguyên, không tăng không giảm. Trong trường hợp ấy, đòi nợ không còn là vấn đề nữa và địa chủ sẽ bị “kích” lên hạng trên, quy thêm nhiều tội và cuối cùng có thể bị bắn. 

Trong khi địa chủ phải chạy tiền trả nợ hoặc bằng tiền mặt hoặc bằng vàng bạc thì nhà cửa của họ bị niêm phong, không được bán chác một thứ gì. Tất cả nhà cửa, trâu bò cho đến đồ đạc trong nhà đều được coi là tài sản của nhân dân. Những thức này sẽ bị tịch thu sau, nên địa chủ không được phép bán. Mục đích của việc đòi “nợ” không phải là đòi cho đủ số tiền mà chính là lấy cho hết những thứ địa chủ có mà có thể giấu như tiền mặt, vàng bạc, v.v. Mỗi khi địa chủ, hoặc vợ địa chủ chậm trả thì nông hội phái một nhóm hội viên (phần nhiều là bà con trong họ) đến thúc giục phải trả cho mau. Họ sẽ hỏi vặn những câu như: “Đôi vòng mày đeo hôm cưới đâu rồi?” (đám cưới có thể là 20 năm về trước), hoặc: “Mày bảo không có tiền, thế phần gia tài của bà ngoại mày để cho con mẹ mày tiêu đi đâu hết?” (việc thừa hưởng gia tài có thể là 40, 50 năm trước). 

Một cách “tống tiền” khác là bắt vợ địa chủ lôi đi biểu diễn khắp làng, mỗi tay mang một bãi phân bò tươi, cổ đeo một tấm biển lớn đề “Tôi là địa chủ ngoan cố”. Nếu bà ta có con mọn thì chắc chắn là hai mẹ con phải giữ ở hai nhà để con không được bú và mẹ bị căng sữa, trong một thời gian rất lâu. Nếu con đã lớn thì mỗi đứa cũng phải giữ ở một nơi và đứa nào cũng bị doạ nạt cho tới khi chúng cung khai đúng hoặc không đúng những nơi cha mẹ chúng chôn giấu của cải. Trẻ con non gan nên thường khai lung tung. Mặc dầu, hễ chúng khai chỗ nào là cốt cán lập tức đưa cuốc, bắt mẹ chúng phải đào chỗ ấy. Công việc “đào mỏ” này có thể kéo dài hàng tháng nên nền nhà địa chủ gần như không còn chỗ nào không đào bới. Nhiều nông dân, sau đấu tố, được lĩnh nhà địa chủ để ở thường không có phương tiện để sửa sang lại nên nhà cho bằng phẳng. 


Bước 4: Tố khổ 

Trong khi địa chủ bị “tống tiền” một cách hợp pháp thì nông dân được triệu tập đi học một lớp đặc biệt về “tội ác của giai cấp địa chủ”. Mục đích của lớp học là giảng cho nông dân hiểu địa chủ đã phỉnh phờ, cướp đoạt, bóc lột và áp bức như thế nào. Học xong, mỗi người bắt buộc phải “kể khổ”, nghĩa là phải tố chủ ruộng của mình ít nhất là một tội đối với mình. Để ôn lại trí nhớ nông dân, giảng viên đọc một bản kê khai những “tội điển hình”, nói là đã thu thập trong những lớp học trước. Kết quả là nhiều nông dân trước kia vẫn từ tốn với chủ ruộng, đứng lên gán cho chủ cũ một số tội ác nào đó trong số những tội ác mà giảng viên đã đọc cho họ nghe. 

Những người “tố khổ” có thể chia đại khái thành ba loại. Loại thứ nhất gồm những người mong có địa vị trong chế độ mới, hoặc ham được “quả thực” tức là lấy của địa chủ chia cho nông dân. Họ tố hăng vì đội cải cách có hứa rằng “ai tố nhiều sẽ được hưởng nhiều” và “ai tích cực đấu tranh sẽ được kết nạp vào các tổ chức của Đảng”. 

Loại thứ hai gồm những người cầu an bảo mạng, họ tố để tỏ vẻ “dứt khoát lập trường với giai cấp địa chủ” và đứng hẳn “về phe Đảng”. Những người “tố hăng” phần nhiều là những phần tử có thành tích bất hảo, trước kia có phạm một tội nào đó mà cán bộ làm ngơ chưa hỏi đến. Những người tố “quấy quá” phần nhiều là con cái địa chủ, cha mẹ cho phép tố để giữ lấy thân, tránh cho toàn gia khỏi bị tiêu diệt. Đoạn văn sau đây, trích ở tờ Thời Mới, số 8 tháng 5, 1957, nói lên sự thông đồng giữa bố mẹ và con cái về việc con cái “tố khổ” chính bố mẹ mình. 


Cứ tố hăng vào 

… Sau khi “đội” (cải cách) rút, người con dâu đi kể lể với bà con hàng xóm rằng: 

Tôi nào có phải hạng sấp mặt lên tố bố mẹ chồng. Khi “đội” người ta phát hiện (quy là địa chủ) rồi, thì hai mẹ con thì thầm suốt đêm. Tôi định ra kêu với “đội”, nhưng bà cháu cứ gàn đi: “Tao già bảy, tám mươi rồi, có lên địa chủ thì cũng gần kề miệng lỗ. Mày mà kêu thì chả tránh khỏi tiếng liên quan, rồi thì cả hai mẹ con tay trắng. Mày cứ tố hăng vào để giữ lấy số ruộng mà cày…” 

Loại thứ ba là những người tố chỉ vì sợ hãi. Tuy địa chủ là mục tiêu chính nhưng nhiều người dù không có ruộng đất cũng có thể bị quy là địa chủ, hoặc có liên quan với địa chủ, nếu cán bộ xét thấy họ có “tư tưởng địa chủ”. Liên quan là một danh từ rất mơ hồ, có nghĩa là quyến thuộc, bạn bè, hoặc chỉ là chỗ quen biết, lui tới. Đoạn văn sau đây trích ở tờ Nhân Dân, ngày 2 tháng 6 năm 1956, nói rõ dân chúng sợ bị quy là liên quan tới mức nào: 


Vợ chồng tôi từ nay thật hết lo 

… Mọi người đang đứng quanh xem giỏ tép của anh Tý vừa đơm đó ở đồng về, nghe nói đến chuyện liên quan đều quay lại. Bà Bền tiếp luôn: Bà con hàng xóm láng giềng ai còn lạ gì nhà tôi, mấy đời cực khổ, phiêu bạt ra giữa cánh đồng, vợ chồng già ngày đêm đến đó kiếm ăn. Mong đợi mãi, đội cải cách ruộng đất về làng, vợ chồng tôi được kết nạp vào nông hội. Thế rồi hôm họp xóm, ông Bền nhà tôi được cử làm đại biểu đi dự đại hội nông dân xã. Chả biết đầu đuôi thế nào đang dự đại hội, ông cụ nhà tôi bỏ về, trông như người mất hồn, mấy ngày đêm liền không ăn không ngủ. Tôi gặng hỏi mãi ông cụ chỉ nói: “Thế là khổ tao, bà mày tính thế nào chớ không thì nguy lắm”. Rồi có đến hàng tháng ông ấy không dám đi họp hành gì cả, cứ nằm lẩn thẩn bấm đốt ngón tay: nào là “Nhà ta một thằng rể, có họ hàng với địa chủ nữa. Thế là liên quan nhất định liên quan rồi”. 

Một người hỏi: “Thế bà có sợ liên quan không?” 

Bà Bền cười: “Anh bảo ai không sợ mới thật là tài…” 

… Đứng dậy ra đi, bà còn nói thêm một câu: “Vợ chồng nhà tôi từ nay mới thật hết sợ liên quan.” Một người mỉm cười nhìn theo bà nói: “Chả phải mình bà sợ, xóm tôi khối người lo sợ như thế!...” 


Có ba loại liên quan, mỗi loại được đối xử một cách khác nhau: 

1.     Loại có “liên quan nặng” với địa chủ, gồm những người “có tư tưởng địa chủ”, có thái độ bênh vực địa chủ. Những người này sẽ bị đối xử y hệt địa chủ, nghĩa là bị “cô lập”, bị đặt ra ngoài vùng pháp luật, bị bao vây kinh tế tức là bị quản thúc với vợ con ở ngay trong nhà của họ cho tới khi đói mà chết. 
2.     Loại có “liên quan vừa” gồm những người trước kia có nhiều “ân tình” với địa chủ. Loại này sẽ bị cùng với gia đình đưa đến một làng nào đó, đổi nhà, đổi cửa với một người nào khác cũng có “liên quan vừa” với địa chủ ở làng ấy và cũng bị đuổi khỏi làng. 
3.     Loại có “liên quan sơ” gồm những người bị nghi là chưa dứt khoát lập trường đối với địa chủ, không chịu đấu tố hăng. Loại này chỉ bị trục xuất ra khỏi nông hội. Sau khi giai cấp địa chủ bị tiêu diệt thì chỉ có nông hội là nơi mà nông dân có thể thuê trâu bò hoặc vay giống mạ khi thiếu. Trong một làng mà mọi người đều nghèo như nhau thì vận mạng của mọi người hoàn toàn nằm trong tay nông hội. 
Mặc dù những hình phạt ghê gớm kể trên, nhiều nông dân vẫn gan dạ, nhất định không chịu “tố” những người cùng làng bị quy là địa chủ. Họ bất chấp mọi sự cưỡng ép hoặc phỉnh phờ vì, dù ít học, họ cũng tiêm nhiễm ít nhiều luân thường đạo lý, và ở Việt Nam cũng như ở khắp mọi nơi, tố cáo người khác vẫn bị coi là một việc đáng khinh. Hơn nữa các Phật tử đều tin ở thuyết “nhân quả” và sợ “quả báo” nếu vu oan giá họa cho kẻ khác. Trong phong trào Trăm hoa đua nở, Phùng Quán đã làm một bài thơ đả kích chính sách bắt buộc nhân dân phải “nói điêu”. Bài thơ nhan đề “Lời mẹ dặn” có mấy câu như sau: 

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
 

(Báo Văn số 21, ngày 27/9/1957) 

Vì bài thơ kể trên Phùng Quán bị đưa lên mạn ngược “học tập lao động” cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong nhóm Nhân văn Giai phẩm. Từ ngày ấy không ai biết số phận ông ra sao. 

1      2      3      4      5     6  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét