Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

HỒI KÝ NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG CỦA PHẠM GIA ĐẠI - KỲ 2

1      2      3      4      5      6      7
Thiên Hồi Ký về "Những Người Tù Cuối Cùng" nhằm nói lên tinh thần bất khuất, sức chịu đựng phi thường cùng lòng dũng cảm và sự tương thân tương ái của những quân dân cán chính VNCH đã bị giam giữ, lưu đầy trong các trại gọi là "Tập Trung Cải Tạo" của Cộng Sản sau khi miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

Thiên Hồi Ký cũng để nêu lên những sự diệu kỳ và linh thiêng của Ơn Trên, của Trời Phật của Mẹ Việt Nam đã che chở cho những người tù....trong nhà tù CS.

Đọc xong thiên Hồi Ký này, chúng ta sẽ thấy những sự tuyên truyền xuyên tạc của Cộng sản nhắm vào chế độ VNCH đã từ từ tan rã như bọt nước; và những sự trả thù tàn bạo của Cộng Sản dành cho những người tù chế độ cũ đã không thành công như ý chúng muốn và thế cờ đã được lật ngược như thế nào.
Phần VII: Thước Đo Lòng Người

Năm đó đột nhiên Trời nắng hạn, cây cỏ đều ủ rũ vì thiếu nước, trâu bò thì phì phò mệt nhọc trong đám ruộng thưa và cái nóng như gia tăng theo với cái khô khan trong không khí làm con người như muốn nghẹt thở, nhất là trong các buồng giam chật hẹp và chật ních người.

Tất cả đều tìm một bóng mát của một tàng cây rợp lá hay chút mát lạnh của ao nước bờ sông hay nhớ lại những ngày mưa bão. Nhiều người thì nghĩ sắp có thiên tai hay dịch bệnh vì chưa bao giờ mà nóng đến như vậy.

Thế rồi sau cơn hạn hán nắng cháy đó bỗng nhiên Trời đổ cơn mưa.

Nghe nói mưa rất lớn từ trên thượng nguồn và đổ về miền Trung Du và làm mực nước sông Hồng dâng cao tới mức báo động đỏ.

Trại giam nằm cạnh một con sông nhánh của sông Hồng và sau một tuần nước trên nguồn đổ về thì con đê bị vỡ ra một mảng và nước tràn vào làng xóm hai ven bờ sông và ngập luôn các buồng giam. Muốn đi đâu thì cũng phải lội bì bõm trong nước đục ngầu đầy rác rưởi tới đầu gối.

Thời Pháp thuộc hệ thống đê điều còn được sửa chữa và bảo quản thường xuyên nhưng từ khi Việt Minh cướp chính quyền thì các con đê bị xuống cấp rất nhanh và mỗi mùa mưa bão là dân chúng lại lo sợ con đê sẽ vỡ.

Người dân làng thì vốn đã nghèo xác xơ lo chưa xong hai bữa ăn hàng ngày, nhiều gia đình không đủ tiền đóng tiền học phí cho con đi học mà con đê không giữ được làn nước lũ tràn vào làng thì không những sinh mạng con người bị đe dọa mà trâu bò gia súc và ruộng nương sẽ không còn.

Trở lại với con đê đang bị nước lũ tràn qua và có nguy cơ cả vùng chung quanh sẽ bị ngập lụt trong mưa lũ thì bất ngờ một buổi sáng vừa thức dậy, tôi nghe tiếng kẻng trong trại đánh đồn dập và bên ngoài thì phèng la inh ỏi chưa biết chuyện gì thì ba tay cán bộ trại bước vào và ra lệnh cho chúng tôi đi hộ đê.

Từ bé đến giờ, tôi chỉ ở thành phố nên chẳng hay hộ đê là làm sao, bây giờ mới hiểu cách họ hộ đê là làm như thế nào ở một nước giật giải quán quân về nghèo và lạc hậu nhất thế giới.

Chúng tôi được dẫn ra tới bờ sông thì thấy mực nước đã mấp mé tràn qua con đê và khoảng cứ sáu người xuống một chiếc thuyền chèo ra ngoài xa bờ chỗ nông một chút rồi nhẩy xuống dùng mai và xẻng xúc từng cục đất lớn một đổ lên thuyền. Nước thì ngập lên đến ngực mà mỗi lần xúc được một  tảng đất lớn thì mừng lắm nhưng khi kéo nó lên trên mặt nước thì đất tan rã dần chỉ còn vài nắm tay nên họ yêu cầu phải ngụp lặn xuống mà xúc đất lên cho nhiều. Chúng tôi thay phiên nhau lặn xuống xúc đất lên mãi mới được gần lưng chiếc thuyền rồi chèo vào bờ đổ lên đắp vào con đê. Tôi sực nhớ tới ngày xưa thời Bắc thuộc, ông cha chúng ta cũng phải xuống biển mò ngọc trai san hô cho quân Tầu đang đô hộ thì mới thấy thương tổ tiên ông cha mình ngày trước.  

Nhìn thành quả của hai tiếng đồng hồ mà chỉ như muối bỏ biển, ai cũng ngao ngán, một phần vì ngâm nước quá lâu nên ai cũng bắt đầu thấm lạnh và run lập cập. Suốt một ngày quần thảo với mấy cục đất ngụp lên lặn xuống mà chỉ được có bốn chuyến đổ đất lên đắp con đê cũng chẳng làm cho nó chắc hơn được chút nào nhưng mà công tù có mất gì đâu.

Khi về đến buồng thì ai nấy đều mệt rã người ra và lạnh cóng.

May mắn năm đó nước lũ chỉ tràn vào có một lần, nếu nước sông Hồng dâng cao lên nữa làm vỡ đê thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra.

Trước đó, trong những ngày đi lao động bên ngoài trại dọc theo con đê, chúng tôi thường thấy mấy em bé trai gái đi chân đất, áo quần xốc xếch cắp sách đi ngang qua trên đường đến trường.

Một hôm khi mấy anh đại tá tù chính trị đang cuốc đất thì thấy  một em bé gái khoảng độ bẩy tám tuổi đi qua khu vực lao động của đội vừa đi vừa khóc. Mấy anh mới hỏi thăm thì được biết là em vừa bị đuổi học vì thiếu tiền đóng học phí cho trường.

Thấy vậy, mấy anh bèn bảo cháu là ngày mai cũng giờ này ra đây sẽ có tiền đóng học phí.

Tối hôm đó về buồng, mấy anh đại tá quyên góp được một số tiền và quần áo và sáng ngày hôm sau đem ra cho cả cô bé và Bố mẹ cô ta nữa giỏ quần áo, một số tiền và nhờ đó mà cô bé ấy đã được quay trở lại trường.

Ít hôm sau cô bé học sinh đó đem ra nào là đủ thứ trái cây trồng trong nhà và cả chục trứng gà nói là Bố Mẹ cháu biếu mấy bác mấy chú nhưng không thể ra gập để cám ơn được, và gia đình cô bé ấy đã lan truyền ra cả ngôi làng về tấm lòng nhân ái cuả mấy người tù chính trị.

Mấy anh từ chối và nói rằng thấycháu được đi học lại như những đứa trẻ khác là vui rồi và bảo Bố Mẹ các em đừng bận tâm.

Từ đó đội các anh còn nhận cô bé đó làm con nuôi nữa và thấy cô bé đã ăn mặc tươm tất hơn và luôn nở một nụ cười thật tươi mỗi khi đi học qua khu vực lao động của các Bố nuôi. Các anh vẫn tiếp tục trợ giúp gia đình bé gái ấy và vài gia đình nữa cho đến khi vài năm sau chuyển trại.

Trên một tờ báo Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội, tôi có đọc một bài viết của Nguyễn Khắc Viện, giáo sư đại học bấy giờ về "Giấc Mơ Năm 2000" và rất là ngạc nhiên bởi vì sau 45 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, con người sống tại Hà Nội vẫn còn những ước mơ rất là giản dị mà không bao giờ thực hiện được.

Ông Nguyễn Khắc Viện viết lên một giấc mơ về một Hà Nội đến năm 2000 thì sẽ khang trang sạch sẽ và sẽ không còn bị ngập lụt mỗi khi một cơn mưa lớn đổ xuống thành phố. Tôi lúc đó cứ thắc mắc mãi là sau khi cướp được chính quyền năm 1949 rồi thì Việt Minh họ đã làm được những gì cho nhân dân khi mà 45 năm sau người dân tại ngay thủ đô vẫn còn mơ ước một Hà Nội không bị ngập lụt sau mỗi cơn mưa? Người dân bên ngoài còn nhiều khắc khoải như vậy thì tù nhân trong trại tập trung sẽ sống còn được hay không?

Chế độ "tập trung cải tạo" (TTCT) là bắt chước y khuôn các trại tập trung lao tù của Nga Sô và một phần được "tô điểm" thêm từ Trung Cộng cho nên khi nó du nhập vào miền Bắc sau năm 1954 thì đã gieo kinh hoàng cho dân chúng ngoài Bắc để cho người dân phải sợ hãi đến tê liệt hết ý chí không còn dám chống đối Nhà Nước Cộng Sản nữa.

Sau khi xâm chiếm miền Nam tháng Tư 1975 thì kẻ chiến thắng đã dùng ngay con bài này để vừa trả thù vừa trừ khử những sĩ quan và viên chức chế độ VNCH cũ trong các trại TTCT này, và là đòn răn đe cho những ai còn mang lý tưởng chống đối lại chế độ vô sản chuyên chính của họ.

Đòn đầu tiên quật ngã ý chí của người tù là giam giữ không có bản án nghĩa là sau ba năm bị giam trong tù thì tự động chồng lên ba năm nữa không cần xét xử hay công bố, để khủng bố tinh thần những người tù mà họ gọi một cách mỵ dân và lường gạt dư luận là "cải tạo viên".

Đòn thứ hai là cưỡng bức lao động khổ sai nhưng chỉ cho ăn thật thiếu thốn cả về chất lượng và số lượng để những người tù này phải đói khát, giá lạnh, khổ cực triền miên hàng ngày, hàng tháng, hằng năm mà ... không chết được.

Họ phải chịu cái giá lạnh vì một năm Nhà Nước chỉ cung cấp mỗi người hai bộ quần áo tù và một cái chăn mền dù là họ đang bị giam tại những vùng nhiệt độ ban đêm có thể xuống tới zero độ C.

Nhưng nếu họ không lao động cật lực để qua lao động cải tạo bản thân họ thì nhà kỷ luật, thùng Connex, nhà biệt giam sẵn sàng mở cửa tiếp đón.

Lao động thế nào là tốt hay xấu là tùy theo sự phán xét của tay quản giáo và của trại giam và người tù không được có ý kiến.

Trên thế giới từ cổ chí kim có lẽ chưa có một quốc gia nào, một đất nước nào bắt người tù phải đóng tiền cơm để vào tù như chế độ Cộng Sản sau khi chiếm đóng miền Nam năm 1975.

Rồi sau đó loan báo là Nhà Nước sẽ nuôi các "cải tạo viên" nhưng khi giam giữ họ một thời gian thì ra lệnh cho tất cả trại giam đều phải tự túc lương thực có nghĩa là những người tù phải lao động cật lực để tạo ra của cải vật chất làm giầu cho trại và tự nuôi lấy mình hay nói một cách khác Nhà Nước giam giữ tù mà không hề tốn một xu nào cho ngân quỹ.

Thực tế, nhiều trại không những tự túc được về lương thực mà còn làm ra nhiều tiền nữa để trại đem nộp lên cấp trên của họ tuy nhiên khẩu phần ăn của tù nhân thì vẫn như cũ.

Mức quy định cho mỗi tù nhân còn sức khỏe đi lao động một tháng là 15 ký chất bột còn người nằm bệnh xá hay bệnh tại buồng chỉ còn 13 ký rưỡi.

Chất bột có nghĩa là nếu không có gạo thì thay bằng bo bo, sắn, khoai lang, khoai tây, bột mì quy ra bột. Nhiều trại cả năm chỉ vào những ngày Tết hay lễ lớn thì mới thấy nhà bếp phát cơm và ít thịt heo hay chỉ chút canh có mỡ màng, còn thì quanh năm suốt tháng chỉ có khoai sắn và bo bo.

Nhiều khi khoai sùng và sắn mốc xanh trong kho cũng được nhà bếp nấu cho ăn, chính vì chế độ ăn uống thiếu thốn và suy dinh dưỡng và thiếu vệ sinh như vậy đã làm cho người tù dần dần kiệt sức hay ngã bệnh.

Có anh đã cho tôi xem thư gia đình trong đó viết vợ và bẩy đứa con của anh hiện nay không biết sẽ xoay sở ra sao vì nhà đã hết gạo. Tôi nhìn đôi mắt đỏ hoe của anh mà trong lòng như bị xát muối. Người tù vốn đã cùng cực rồi còn phải chịu thêm nỗi đau cho vợ con ở nhà, không biết Ông Trời ở nơi đâu?

Hình như sau khi quê hương mất vào tay Cộng Sản thì toàn thể dân chúng miền Nam đều hứng chịu nỗi khổ đau phong ba bão táp, nhưng có lẽ những gì thiệt thòi nhất vẫn dành cho những người tù như trong lá thư của Phượng, người con gái Sàigòn sau này đã dành cho tôi bao tình cảm khi đến thăm tôi tại trại Hàm Tân.

Trong tình hình khó khăn như vậy nhưng có nhiều anh đã rất can trường và oai hùng đã thẳng thắn từ chối sự bảo lãnh của thân nhân ở phía bên kia và chấp nhận sự lưu đầy và lao động, nhưng cũng có nhiều người đã vượt quá sức chịu đựng của họ và trở nên lãng trí hay mất trí luôn.

Đại tá Luân, chỉ huy trưởng của đơn vị 101 có kể cho tôi nghe rằng Ba của anh đến trại thăm và ngỏ ý sẽ bảo lãnh cho anh sớm được thả.

Anh đã qùi xuống xá ông ba cái để trả ơn công sinh thành ngay tại nhà thăm nuôi nhưng nói rằng mỗi người có một lý tưởng khác nhau. Lý tưởng Tự Do của người Quốc Gia trong anh không bao giờ thay đổi, anh chào từ biệt Ba anh và thanh thản bước vào trại. 

Anh Bửu Uy, một bạn thân của tôi cũng có người cha đi tập kết ra Bắc và vào thăm anh để tiến hành thủ tục bảo lãnh nhưng anh cũng thẳng thắn từ chối. Anh cũng là một trong hai mươi người cuối cùng bước chân ra khỏi trại giam Hàm Tân năm 1992 sau mười bẩy năm tù.

Quả thật là như trong Kinh Dịch nói "Cùng thì tất Biến", trong những lúc đói khổ thiếu thốn như vậy thì xui khiến cho chính bà vợ của tay trưởng trại lại là người cung cấp thức ăn tươi cho tù nhân chúng tôi mới là điều nghịch lý.
Trại nơi tôi ở có bà vợ ông trưởng trại rất là độc đáo. Phải nói là bà ta có nhiều cái độc đáo thì mới đúng.

Trong khi chồng bà là Thiếu Tá Dũng luôn tỏ ra nguyên tắc thì bà ngược lại chỉ nghĩ rất thực tế là buôn bán, móc ngoặc làm giầu qua việc bán hàng cho tù nhân, đặc biệt là tù chính trị.

Bà ta là người có đầu óc phóng khoáng, phi chính trị, cho nên thường vẫn nói một cách tỉnh bơ với anh em chúng tôi là: "Các anh là tù quốc tế mà, việc gì mà phải sợ chúng nó, cứ mua bán ăn uống vào cho khoẻ". Chúng nó đây là đám cán bộ trực trại thỉnh thoảng lại tịch thu các món hàng anh em chúng tôi mua của bà ta khi gánh hàng qua cổng trại.

Phải công nhận rằng thời gian đó nhờ vào các thức ăn tươi rau trái mua được từ nguồn cung cấp là bà ta, cho nên sức khoẻ anh em tôi cũng đỡ phần nào.

Tuy giầu có như vậy, nhờ buôn bán với tù nhân trong trại, nhưng đi đâu cũng là chân đất. Hôm nào chúng tôi đang lao động mà thấy bà ta xỏ vào đôi guốc là có đại sự hoặc là lên tỉnh hay lên Hà Nội đi cất hàng.

Có hôm chúng tôi không nhịn được cười khi bà ta khoe rằng:" Các anh không biết chứ ngày xưa tôi là hoa khôi trong làng nên ông ấy mới mê mà lấy đó!" trong khi bà ta thì gầy đét như que củi và bộ răng như một hàng hiên mái nhà che mưa mà lúc nào cũng cứ tự khen mình là hoa khôi ngày xưa.

Ngoài ra, rất nhiều anh có hoa tay nên đã biến những cái sừng trâu thành bao nhiêu là cái lược sừng khắc tên cho vợ con ở nhà, bao nhiêu là tượng Phật, tượng Chúa rất đẹp và quan trọng nhất là cái lò nấu bằng dầu hôi chế tạo từ những lon sữa bò hay hộp cá mòi. Chính nhờ cái lò dâù hôi này mà mùa Đông chúng tôi có thể nấu ít nước trà nóng hay ít canh rau để giữ ấm được thân nhiệt. Các anh có đầu óc sáng chế và tài hoa này phải kể anh Quát, anh Quang Sừng, v.v.

Nội quy do trại đặt ra thì nghiêm cấm đủ mọi thứ vì vi phạm là kỷ luật, và mục đích của nó là đóng khung người tù trong điều kiện sống khắc khổ nhất để họ chết dần chết mòn.

Bởi vậy, tuân theo nội quy cứng ngắc đó không khác gì cho cổ vào dây thòng lọng bởi vì nó chỉ áp dụng cho tù nhân mà thôi còn cán bộ họ muốn làm gì thì làm cũng giống y như luật pháp bên ngoài xã hội vậy.

Trại giam cũng như một xã hội thu nhỏ lại, tù nhân là dân chúng bên ngoài đã bị tịch thu hết tài sản còn bị tròng vào cổ bao nhiêu tầng áp bức trong khi cấp lãnh đạo Nhà Nước thì làm giầu trên xương máu nhân dân nhưng lúc nào thì cũng hô hào nhân dân làm chủ, cũng phô trương lừa bịp với thế giới rằng chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn chế độ tư bản ngàn lần.

Viết Xong mùa Hạ năm Canh Dần, Nam California

PHẦN VIII: Tấm Lòng Người Vợ

Phụ nữ Á Đông, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam nói chung, so với những phụ nữ khác tại Á Châu, Âu châu, hay trên thế giới thì không những đẹp hơn về vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thanh tú, mà còn hơn hẳn về phương diện đức hạnh tức là cái đẹp ẩn tàng bên trong và cũng vựơt xa hơn về tình thương yêu vô bến bờ dành cho chồng con mình.
Cái đẹp này đã không mất đi mà còn thể hiện đậm nét hơn và tô đẹp hơn hình ảnh của người phụ nữ trong vai trò người vợ dù bao nhiêu cuộc chiến điêu tàn và thảm khốc đã diễn ra trên quê hương chúng ta.

Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì xã hội đã bị đảo lộn, trật tự không còn, căn bản đạo đức bị những người Cộng Sản làm băng hoại và phẩm giá con người, nhất là người phụ nữ, đang bị hủy diệt.

Trong khi chồng con bị giam giữ trong các trại tù mọc lên khắp nước thì một lần nữa, người phụ nữ, người vợ trong gia đình đã phải gánh vác trách nhiệm nặng nề là nuôi con cái và nuôi cả người chồng còn trong vòng tù tội và đọa đầy.

Các chị đã phải hứng chịu bao phũ phàng và kỳ thị mà kẻ chiến thắng đã phủ lên gia đình họ như là một hình thức trừng phạt.

Con cái thì không được tiếp tục con đường học vấn lên đại học dù là các cháu học rất giỏi và khi đi tìm việc làm thì bị đẩy ra vì lý lịch của người cha, nhưng các chị vẫn vững bước trên con đường mình đi để kiếm cách mưu sinh nuôi con cái trong lúc người chồng đã ra đi mà không biết ngày nào có thể trở lại.

Đa số các chị trước năm 1975 đều là nội trợ, chân yếu tay mềm sống vào đồng lương ba cọc ba đồng của chồng, nay phải đương đầu với bao khó khăn trong cuộc sống đảo điên của chế độ XHCN và còn phải chắt chiu dành dụm từng đồng một để thăm nuôi và tiếp tế cho chồng mình trong tù. Qủa là một cơn ác mộng dài.

Người chồng trong tù đã phải chịu đựng những sự trả thù tàn bạo của kẻ chiến thắng trên thân hình còm cõi của họ, nhưng người vợ ở nhà cũng không được yên thân với bao nhiêu là hạch sách nhiễu nhương bởi phường khóm, bị đuổi nhà và đầy đi vùng kinh tế mới, bị đánh tư sản, bị công an địa phương rình rập ngày đêm để tìm cách gây khó khăn và hãm hại.

Thế rồi khi được thư của người chồng báo tin là trại giam bắt đầu cho thăm nuôi thì người vợ vừa mừng vừa lo.
Mừng vì sau bốn năm trường bặt tin, bây giờ sẽ có cơ hội được gập mặt người chồng yêu thương nhưng lại lo lắng vì tìm đâu ra một số tiền lớn để mua vé xe lửa và chi phí trong chuyến đi ba ngày trời theo con tầu Thống Nhất ra tận ngoài Bắc mà thăm nuôi ? Chưa kể những trở ngại mà phường khóm và công an địa phương cố tình gây ra về giấy tờ thủ tục rườm rà để cản trở việc thăm nom đó với mục đích làm tiền một cách trắng trợn.

Chị Lãm là một trong những người vợ đang trong tâm trạng ấy.

Bốn năm qua, chị sống trong tình trạng khắc khoải lo âu vì không biết họ giam giữ chồng mình ở đâu và anh ấy còn sống hay đã chết?

Bây giờ được thư của anh Lãm thì chị bàng hoàng cả người vì không ngờ họ đã đầy ải anh ra tận ngoài Bắc trong khi ra đi thì anh có đem theo một cái áo ấm nào đâu?

Rồi không biết làm sao anh chịu nổi cái lạnh khủng khiếp của mùa Đông băng giá ngoài đó trong tình trạng thiếu ăn thiếu mặc?

Cầm lá thư của chồng trong tay mà hai hàng nước mắt thương chồng của chị lăn dài trên hai gò má xanh xao và nhỏ xuống thấm ướt cả lá thư.

Hai đứa con mới hơn mười tuổi nhìn chị hỏi có thư của Ba hả Mẹ làm chị lại càng đau xót, chị ôm hai đứa con và cả ba mẹ con đều ôm nhau khóc cho vơi đi bao nỗi tủi nhục từ ngày mất nước và cho vơi đi bao niềm thương nhớ chất chứa bấy lâu trong lòng.

Chị đâu có thể nào kể cho hai con nghe vì chúng còn nhỏ quá cũng không hiểu được rằng ngày ba nó ra đi để bước chân vào con đường tù đầy trong trại tập trung "cải tạo", thì ba nó đã mang theo cả bao nhiêu thương nhớ và cả nửa phần hồn của mẹ rồi. Thời gian sau, mẹ trở nên xanh xao qua bao nhiêu cuộc biển dâu của cái xã hội mới này, nhưng một phần cũng vì trằn trọc hằng đêm thương cho người chồng hiền hậu không biết có sống nổi hay không trong cái hoả ngục trần gian ấy.

Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi và công việc mỗi ngày của chị là phải đi giao hàng những đồ nan tre rổ rá thúng mủng cồng kềnh được máng vào và cột trên chiếc xe đạp đã mòn cả đôi lốp để kiếm từng đồng nuôi hai đứa con tại Sàigòn.

Nhiều khi các hàng tiểu thủ công nghệ bằng nan tre này hầu như muốn che khuất luôn cả con đường trước mặt và che mất luôn cả con người của chị, nhưng chị vẫn kiên nhẫn leo lên chiếc xe đạp cũ kỹ và nắm vững tay lái để giao từng chuyến hàng, từng chuyến hàng một để qua ngày đoạn tháng và nhất định không đầu hàng số phận nghiệt ngã đã phủ xuống gia đình của chị cũng như của hàng trăm ngàn gia đình viên chức sỹ quan chế độ cũ sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản tháng Tư năm 1975.

Anh Hoàng Lãm là một đại úy trong QLVNCH và được biệt phái sang Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo thuộc Phủ Tổng Thống, cho nên anh cũng như các anh em tù nhân chính trị khác trong ngành tình báo, an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt, đều bị cho vào danh sách các thành phần nguy hiểm cho chế độ và bị tập trung hết đưa ra Bắc để qua con đường lao động mà "cải tạo bản thân để trở thành người công dân tốt".

Bốn năm tập trung lao động trong một thứ xã hội phát triển ngược chiều, đưa con người ta trở lại thời kỳ sơ khai đồ đá như chế độ Cộng Sản tại miền Bắc đã làm anh kiệt sức nhưng tinh thần anh thì vẫn vững vàng.

Khi đặt bút viết lá thư đầu tiên sau bốn năm xa cách về cho người vợ yêu dấu, anh cũng trong tâm trạng vừa mừng vừa lo và không khỏi đắn đo vì anh biết bên ngoài người dân trong đó có vợ anh cũng đang chật vật gian khổ từng ngày để kiếm sống và đề sinh tồn trong một cái xã hội mà nó cũng chỉ là một nhà tù rộng lớn hơn mà thôi.
Chị Lãm cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn người vợ của tù "cải tạo", những người vợ chịu đựng bền bỉ bao đắng cay vùi dập sau khi Cộng Sản  xâm chiếm miền Nam, nhưng sao tôi thấy ở chị một cái gì rất là đặc biệt.
Dù sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và vật lộn với đời sống hàng ngày nhưng lúc nào chị cũng tỏ ra lạc quan, ít nhất cũng là trong thời gian lúc thăm gập người chồng và gập những bạn của chồng khi họ đang lao động hay trong khu thăm nuôi, và không bao giờ chị hé môi cho chồng mình biết về những gì bên ngoài để người chồng bớt phần lo lắng cho vợ con.

Những khi mà chị không thể ra thăm anh Lãm được thì chị gửi các bưu kiện để anh có thêm thức ăn và thuốc men hầu giữ gìn sức khỏe chờ ngày đoàn tụ.

Sau đó các chị liên lạc được với nhau và thành lập như một cái hội của các người vợ có chồng đi "cải tạo" để giúp đỡ nhau, thông báo cho nhau hay cùng nhau đi thăm chồng hoặc đem dùm các thùng hàng thăm nuôi nếu có chị nào không đi được chuyến đó ngõ hầu các người chồng trong tù không bị thiếu thốn về thực phẩm và thuốc men.

Nhờ có chị và các chị khác thay phiên nhau đi thăm nuôi chồng và tải đồ tiếp tế cho các bạn của chồng mà chúng tôi có được thêm thức ăn khô và thuốc men thường xuyên hơn.

Ngoài ra việc đến thăm chồng trong trại giam, các chị còn đem những tin vui về việc phái đoàn Hoa Kỳ thương thuyết với Hà Nội để sớm trả tự do cho những tù nhân chính trị và nhờ đó mà tinh thần các người tù được lên cao và sức khỏe cũng khả quan hơn.

Mỗi lần nghe tin chị đến thăm là hầu như cả khu giam bên tù chính trị đều vui mừng vì chị thường đem theo vài chục thùng hay giỏ quà tiếp tế cho hàng hai ba chục người bạn của chồng mình nữa.

Chúng tôi vui vì vừa đỡ được một buổi lao động cuốc đất ngoài nắng,  vừa được ra khu thăm nuôi gập chị, mà lại được biết thêm tin tức về gia đình của mình và những gì chúng tôi cần nhắn nhủ lại gia đình thì chị đều chuyển về đầy đủ.

Chỉ nghĩ đến cảnh chị đã vất vả khuân bao nhiêu là thùng đồ bao nhiêu là giỏ quà từ Sàigòn lên tầu hỏa và phải canh giữ chúng ba ngày đêm trên tầu sợ mất cắp, rồi lại kiểm soát từng thùng từng giỏ một để khuân chúng xuống tầu và thuê xe chở vào đến trại mất bao nhiêu công sức chúng tôi không khỏi xúc động và cám ơn chị nhưng lúc nào chị Lãm cũng xua tay và nở một nụ cười thật tươi.

Từ khi chị Lãm bắt được lá thư của chồng gửi về thì chị cứ như con thoi đi lên xuống từ Nam ra Bắc thăm nuôi anh ròng rã suốt 12 năm trời không biết mệt mỏi theo các chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc và cho đến khi anh được chuyển vào Nam năm 1988 thì chị lại cho hai con đến thăm anh tại trại Hàm Tân Z-30 thường xuyên hơn nữa.
Nhiều lúc tôi cũng rất phục chị Lãm và những người vợ có chồng đi tù như chị vì ở nhà chị đã phải đóng vai người Mẹ và cả vai người cha bươn chải ra ngoài kiếm tiền nuôi con và nuôi chồng nữa trong một xã hội bị cai trị bởi những con người Cộng Sản vô nhân tính đang tìm cách trù dập những gia đình có thân nhân theo chế độ cũ.
Tôi tin rằng Trời Phật đã nhủ lòng thương xót mà độ trì và che chở cho các chị để được mạnh khỏe và bôn ba được trong cái xã hội mới đầy hận thù ấy mà nuôi chồng nuôi con mình.

Tại trại Ba Sao, Nam Hà ở ngoài Bắc cũng như trại Hàm Tân trong Nam, không những tên của chị Lãm trở thành quen thuộc với chúng tôi mà tên của các chị Trần Q. Lựu, chị Trương V. Thụy, chị Trần T. San, chị Lê V. Hoan, chị Nguyễn H. Trân, chị Huỳnh T. Nhơn, v.v., cũng không còn xa lạ với chúng tôi trong trại vì các chị không những thay phiên nhau đi thăm nuôi chồng mình mà còn tải hàng cho các gia đình bạn chồng nữa.

Các chị cũng liên lạc thường xuyên với Mẹ và các em tôi trong những lần thăm nuôi để cùng hỗ trợ nhau và nối kết với nhau trong một tấm chân tình thật là hiếm có trong khi mà các giá trị đạo đức và nền tảng gia đình của người Việt Nam từ nghìn xưa đang bị những “con người mới” và các đảng viên của xã hội chủ nghĩa này chà đạp và chối bỏ.

Khu thăm nuôi nhờ có các chị và gia đình đến thăm nom thường xuyên nên khởi sắc, như sống lại và đã làm tan biến đi phần nào sự u ám nặng nề của trại giam.

Sau một thời gian tiếp xúc, các cán bộ phụ trách khu vực này cũng dần dần tỏ ra nhiều thiện cảm với những gia đình tù nhân chính trị và tỏ vẻ cảm động trước tình nghĩa vợ chồng bền chặt và gắn bó của những gia đình tù nhân chính trị từ trong Nam chuyển ra Bắc.

Họ cũng rất thành thật nói rằng so với phụ nữ trong Nam thì đàn bà ngoài Bắc ngày nay không thể sánh bằng được, chưa nói đến chồng vào tù một thời gian thì đã  bỏ đi lấy chồng khác chứ chẳng chờ đợi năm tháng dài đằng đẵng như các chị trong Nam đâu.

Trong suốt 12 năm chị Lãm đi thăm anh từ ngoài Bắc vào đến trại giam trong miền Nam, thông thường thì cứ khoảng ba tháng là chị lại vào trại thăm anh một lần hay gửi quà qua bưu điện, qua xe đò hay qua các chị bạn và bao giờ cũng kèm một lá thư thăm hỏi anh.

Bẵng đi một thời gian cả sáu tháng, chúng tôi không thấy chị đến thăm anh tại Hàm Tân và cứ ngỡ là chị đã vượt biên?  Anh cũng thao thức không yên cho đến một hôm chị lại xuất hiện nhưng gầy ốm hơn tuy miệng lúc nào cũng tươi cười khi gập anh em chúng tôi.

Tối hôm đó, ngồi uống trà và hàn huyên với anh Lãm thì tôi mới hay hung tin là chị Lãm đã bị chứng bệnh nan y là ung thư bao tử và đang chờ mổ và điều trị. Một điều may mắn là bác sỹ phẫu thuật lại là một bác sỹ quân y ngày trước của VNCH cho nên khi biết tình cảnh của chị thì ông hứa sẽ hết sức giúp đỡ.

Tôi thấy hai mắt anh đỏ hoe và anh thẫn thờ như người mất hồn và chỉ biết an ủi anh là có bác sỹ giỏi thì không sao đâu mà thôi, rồi nín lặng vì ai cũng đang theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Tôi chợt nhớ đến bài hát “Mầu Tím Hoa Sim”: “Sao không chết người trai khói lửa mà chết người em nhỏ hậu phương?” mà thấy ông Trời sao bất công quá.

Chị đã vượt qua không biết bao nhiêu là khó khăn gian nan để đeo đuổi không mỏi mệt việc thăm nuôi anh trong 12 năm ròng rã từ năm một chin bẩy chín đến một chín chín mốt để anh có sức khỏe và sống còn trong tù với một ước vọng chính đáng duy nhất là vợ chồng sẽ sớm có ngày đoàn tụ. Nhưng khi mà trái cây sắp chín và ngày đoàn tụ gần kề thì chị lại ngã bệnh. Quả thật chúng tôi không bao giờ ngờ được đó là sự thực.

Khi gia đình báo tin qua khu thăm nuôi là chị vừa mổ xong và đang nằm trong bệnh viện Sàigòn thì một sự kiện lạ lùng xẩy ra lần đầu tiên và duy nhất trong tù. Đó là tay cán bộ phụ trách khu thăm nuôi đã đề nghị với trại, lúc đó Thiếu Tá Nhu là một trưởng trại có đầu óc rất cấp tiến, để cho anh Lãm được đặc biệt về Sàigòn một ngày để thăm chị và đề nghị đã được chấp thuận.

Anh về thăm chị trong ngày rồi lại trở vào trại nhưng rất may mắn là chỉ vài tháng sau thì anh có tên trong đợt thả sau mười sáu năm bị giam giữ trong các trại tập trung. Anh là một trong số hơn một trăm người tù cuối cùng tại trại hàm Tân Z-30D.

Khi tôi được thả về một năm sau đó, tôi lại thăm gia đình anh chị và vẫn thấy tinh thần lạc quan ở con người đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhất của thế kỷ. Chị vẫn tươi cười dù là gầy ốm nhiều hơn trước.

Khi về thì anh làm thủ tục cho gia đình đi theo chương trình H.O và qua định cư tại Los Angeles, California một năm sau khi ra tù.

Sau khi cắt bao tử tại Sàigòn, chị Lãm lúc qua Cali đã được các bác sỹ Mỹ tận tâm chữa trị bằng Chemotherapy. Tôi đến thăm anh chị trong căn phòng apartment trên Los Angeles và không ngăn đựoc niềm xúc động vì sau vài năm chữa trị chị chỉ còn như bộ xương với làn da trắng trước kia bây giờ là xám đen vì hóa chất.

Vài năm sau khi qua được miền đất Tự Do thì chị trút hơi thở cuối cùng.

Rất đông bạn bè, nhất là những người đã cùng ở tù với anh Lãm đều đến phúng điếu và đưa chị ra nghĩa trang hoa hồng để an giấc nghìn thu.

Nhìn chiếc quan tài của chị đang hạ dần xuống để lấp đất, tôi chào vĩnh biệt chị lần cuối và nói khẽ với chị rằng chị là một trong những người phụ nữ Việt Nam, một người vợ của bạn mình mà tôi vô cùng mến phục.
Chị không những đã làm tròn bổn phận của một người vợ tù “cải tạo”, không những đã làm cho kẻ thù phải cảm động vì tình nghĩa vợ chồng trong xã hội của miền Nam ngày xưa, mà chị cũng đã làm bao nhiêu công đức giúp đỡ cho các bạn của chồng mình nữa trong suốt hơn một thập niên.

Nhờ có chị mà anh đã phục hồi được sức khỏe, lên tinh thần và đã sống sót sau mười sáu năm tù đầy. Gia đình chị đã được đoàn tụ trên vùng đất Tự Do, hai cháu bây giờ đã khôn lớn và đều có gia đình rồi cho nên chị hãy yên tâm an nghỉ.

Con người ta có sinh thì có tử nhưng con người ta không dễ gì mấy ai làm nổi những nghĩa cử như chị, không mấy ai có được một tấm lòng Bồ Tát như chị.

Vĩnh biệt chị Lãm

Viết xong vào dịp lễ Independent Day 2010 tại miền Nam California

Phần IX: Thân Mẫu Tại Đường - Như Lai Tại Thế

Trong thời gian được ở chung trong cùng một trại giam ở miền Bắc với quí thầy Nha Tuyên Úy Phật Giáo, tôi có cơ duyên học hỏi nhiều điều hay cả về đời và về đạo. Một lời chỉ dậy mà tôi ghi nhớ nhất trong lòng là hình ảnh diệu kỳ của người Mẹ trong câu:

"Thân mẫu tại đường -Như Lai tại thế".

Câu châm ngôn này nói lên vai trò và công lao to lớn nuôi nấng con cái của người Mẹ khi còn sống trong gia đình cũng ví như Đức Phật đang còn tại trần gian để cứu vớt chúng sanh ra khỏi sự trầm luân của bến mê khổ ải.

Điều này cũng nói lên sự may mắn cho những gia đình nào còn có  Mẹ thì sẽ vững vàng và được che chở giống như trên Thế gian còn Đức Phật đang đi hoằng dương Phật Pháp vậy.

Quả thật Mẹ tôi đã đóng một vai trò rường cột suốt bao nhiêu năm trong thời bình hay trong thời loạn lạc giặc giã triền miên hơn bốn chục năm trên đất nước Việt Nam từ Bắc vào Nam.

Mẹ tôi là con gái lớn trong gia đình và quê bên ngoại tôi trong tận Thanh Hóa. Vì là chị lớn trong nhà nên Mẹ tôi đã sớm phải rời sân trường mà ra đời buôn bán để đỡ đần ngoại và nuôi các em, và trở thành trụ cột của gia đình .

Tôi ít khi nghe Mẹ kể về ông Ngoại và chỉ biết là ông mất sớm và bà ngoại thì rất là hiền lành và chân chất của người phụ nữ miền quê.

Chuyện tình của Ba Mẹ tôi thì thật giản dị nhưng không kém phần lãng mạn.

Trong những chuyến đi buôn bằng xe lửa từ Thanh Hóa ra Bắc, Mẹ tôi đã gập Ba tôi lúc đó là "xếp" trên đoàn xe và y như trong tiểu thuyết, Ba tôi đã bị một “cú sét”  khi nhìn thấy Mẹ tôi trong những chuyến tầu ngược ra Bắc để bỏ hàng.

Mẹ tôi tuy ở miền thôn dã ngoại ô của  thị xã Thanh Hóa nhưng lại có một vẻ đẹp rất là tỉnh thành và tuy mới mười tám tuổi nhưng đã rất là chững chạc và đảm đang và rất nhiều trai tráng trong làng quê đã theo đuổi nhưng Mẹ tôi chẳng chịu ai cả.

Khi gập Ba tôi, một con người học thức, điển trai và "ga lăng" luôn giúp đỡ Mẹ tôi trong từng chuyến hàng thì Mẹ tôi cũng không khỏi cảm động trước tình cảm ấy.

Lúc đó chắc Mẹ tôi cũng không thể ngờ rằng cuộc đời mình sẽ phải trải qua ba giai đoạn thử thách ghê gớm theo vận nước thăng trầm mà nhiều người đã không vượt qua nổi.

Mỗi khi nghe Mẹ kể lại về cuộc đời mình, tôi đều nghĩ rằng chính cái Tâm của Mẹ tôi thật tốt, trung hậu và hay giúp đỡ người cho nên Trời Phật đã độ trì cho qua được bao nhiêu là gian nan thử thách và hiểm nghèo trong một quê hương đã quá lầm than vì giặc giã, chiến tranh và đói khổ.

Giai đoạn đầu tiên là khi Ba Mẹ tôi lấy nhau được hơn một năm thì chiến tranh Thế Giới lần Thứ Hai bùng nổ, Mẹ tôi không kịp về được Thanh Hóa để đón Ngoại và các em mà phải theo chồng ngược lên Yên Bái để đứng ra khai phá một đồn điền cao su với người em rể là chồng của cô em út Ba tôi.

Công việc tuy vất vả nhưng tiến triển rất tốt cho đến khi chiến tranh lan dần đến Yên Bái và các đồn điền trở thành vùng mất an ninh và hoang dã vì Việt Minh bắt đầu phá hoại các ruộng vườn và trang trại để chống lại Pháp trong chiến dịch "Vườn Không Nhà Trống", nên Ba Mẹ tôi lại tản cư về Nam Định để giúp ông chú rể là chồng bà cô ruột của Ba tôi gây dựng nên xưởng làm sà phòng.

Ông chú này chỉ biết công thức sản xuất nhưng lại không biết phương pháp làm sao để chế tạo ra được sà phòng nên mới mời Ba tôi cộng tác.

Nghĩ tình bà cô ruột của mình nên Ba tôi nhận lời. Chỉ một thời gian ngắn sau với sự tìm tòi và nghiên cứu ngày đêm của Ba tôi, xưởng sà phòng mới mang tên "Sao Mai" này đã thành công ngoài mức dự tính vì phẩm chất của nó còn tốt và rẻ hơn cả xà bông "Cây Đờn" của ông Trương Văn Bền, lúc đó hầu như là nổi tiếng nhất và chiếm lĩnh hầu hết thị trường từ Nam ra Bắc.

Nhưng thực tế thật là phũ phàng vì sau khi thành công và nắm được cách sản xuất và pha chế trong tay thì ông chú rể đã nhẫn tâm hất Ba tôi ra để hưởng lợi một mình.

Ba tôi quá tức giận và qua nhà ông chú này tính chuyện sẽ hỏi thăm sức khỏe cái ông chú rể vô lương tâm này nhưng mà bà cô ruột thì chắp hai tay lại mà xá Ba tôi xin tha cho ông chú rể và Mẹ tôi lại khuyên nên bỏ qua và tìm công việc khác vì Ba tôi là người có tài vì nếu có chuyện gì không hay thì Ba tôi sẽ vào tù, còn người nào ăn ở không phải thì Trời Đất sẽ trừng phạt họ.

Quả nhiên chỉ vài tháng sau thì nghe tin ông chú rể đó mắc bệnh nan y và đã qua đời, cũng chẳng mang theo được đồng xu nào.

Rất may là Ba tôi đã nghe theo lời Mẹ tôi khuyên nên bỏ qua, hơn nữa lúc đó bom đạn lại bắt đầu tàn phá thành phố Nam Định và các xưởng thợ nên Ba Mẹ tôi lúc đó được bốn con trai mà tôi là thứ tư vừa sanh được mấy tháng thì lại tản cư và gia đình rời Nam Định ra làm ăn ở Hải Phòng. 

Trong suốt các thời gian gây dựng lên cơ nghiệp từ làm đồn điền đến nhà máy dệt, xưởng sà phòng, bao giờ Mẹ tôi cũng là người theo sát bên Ba tôi như hình với bóng để yểm trợ và cố vấn những lúc khó khăn.

Điều mà tôi phục Mẹ tôi nhất là dù không được theo học hết bậc tiểu học nhưng đầu óc tính toán đâu vào đấy và làm gì cũng đều hợp tình hợp lý, và những lúc còn hàn vi hay khi đã giầu có thì Ba Mẹ tôi  vẫn coi trọng tình cảm và họ hàng trên đồng tiền.

Đằng sau sự thành công của Ba tôi với ba lần thành triệu phú trong khoảng hơn mười năm loạn ly ấy chính là công lao cần cù nhẫn nại và hy sinh của Mẹ tôi.

Khoảng năm một chín năm mươi thì Ba Mẹ tôi về đến Hải Phòng, còn gia đình cô ruột em út của Ba tôi là cô Hanh thì về Hà Nội và phát triển ngành buôn nước mắm vì có mấy người bạn thân của Ba tôi là bác Tăng và chú Huê trong Nam đang làm ăn phát đạt tại Phú Quốc và Phan Thiết.

Rồi không ngờ nước mắm Việt Hương của Ba Mẹ tôi lại được ưa chuộng và thế là phất lên thành triệu phú một lần nữa tại Hải Phòng và cô tôi thì triệu phú tại Hà Nội. Đó chính là công sức vô cùng kiên nhẫn và khổ cực của Mẹ tôi đã phải đi chào những mẫu hàng nước mắm ngon từ Hải Phòng qua Hải Dương lên gần đến Hà Nội mấy năm trời đến gầy rộc đi vì lao lực.

Ba tôi là người rất thương vợ con cho nên đã mua đủ thứ sâm, nhung, yến để tẩm bổ cho Mẹ tôi và ông Nội tôi cũng hốt thêm nhiều thang thuốc bổ nữa cho con dâu và pha chế các sâm nhung đó với các vị thuốc bắc và nhờ đó mà Mẹ tôi mau lại sức.

Ba tôi khi về Hải Phòng đã mua tặng cho Mẹ tôi đủ thứ nữ trang, kim cương, và vòng vàng ngọc thạch để đầy cả một hộp, nhưng trong những quà tặng của Ba tôi dành cho Mẹ thứ mà tôi thấy quí nhất là cái áo choàng bằng lông thú mầu trắng tinh mà khi mặc vào thì Mẹ tôi trông thật là đẹp và sang trọng.

Cái áo đó tôi nghe Mẹ nói là giá tới mười ngàn đồng, theo thời giá bấy giờ thì lương của công chức chỉ khoảng một ngàn một tháng.

Tôi còn nhớ khi còn rất nhỏ ở trong căn nhà rộng lớn như một dinh thự hơn một mẫu đất tại đường Cầu Đất, Hải Phòng, mỗi buổi tối tiền bán được trong ngày đổ ra đầy cả hai cái chiếu và bốn anh em chúng tôi ngồi xuống chung quanh chiếu để đếm và sắp xếp lại ngay ngắn từng chồng tiền một, từ loại một đồng, năm đồng cho đến mười đồng cho Mẹ. Mỗi ngày Mẹ lại cho anh em chúng tôi mỗi người một đồng bỏ vào ống để dành để dậy cho các con tính tiết kiệm.

Lúc đó chúng tôi chưa biết đến giá trị của đồng tiền nhưng quả là sống trên nhung lụa, nhưng tiếc rằng Ba Mẹ quá giầu có khi mà mình thì lại còn bé nên chẳng hưởng được bao nhiêu thì Hiệp Định Giơ Neo 20-7-1954 chia đôi Nam Bắc và khi chúng tôi trưởng thành trong miền Nam thì gia đình lại suy vi.

Suốt trong những năm tháng chiến tranh liên miên giữa Nhật và Pháp rồi Pháp và Việt Minh, bao lần gây dựng nên cơ nghiệp rồi lại đổ vỡ, bao lần tản cư đi tránh đạn pháo thì Mẹ tôi chính là người đã đem lại sự yên ổn và an toàn cho gia đình và nhiều họ hàng nữa cho đến ngày di cư vào miền Nam.

Giai đoạn thử thách thứ nhì là khi di cư vào miền Nam được năm năm thì Ba tôi bị bạo bệnh và qua đời khi Mẹ tôi mới vừa bốn mươi.            

Bây giờ nghĩ lại thì lứa tuổi bốn mươi thật ra còn quá trẻ mà Mẹ tôi đã nhất quyết ở vậy để nuôi con chứ không bước đi bước nữa.

Thời gian đó tôi thương Mẹ tôi rất nhiều vì thấy có lúc Mẹ đau khổ quá vì chồng thì không còn nữa mà nợ nần tứ tung. Khi ấy tôi đang học Đệ Tứ trường Trần Lục ở Tân Định và mỗi buổi tối phải nhận lại tư gia kèm thêm cho các em thi tiểu học để kiếm thêm ít tiền giúp cho Mẹ trong khi các anh lớn đã vào quân đội và các em gái thì tập may vá thêm.

Nhưng Mẹ tôi đã can đảm đứng lên làm lại từ đầu và chuyển qua nghề may sản xuất quần áo trẻ em và nhờ đó mà gia đình đứng vững trở lại và từ từ đã trả hết nợ nần khi Ba tôi mang bệnh.

Một lần nữa Mẹ tôi lại cứu gia đình thoát khỏi cơn nguy biến và gia đình bắt đầu hưng vượng trở lại khi tôi học xong Tú Tài II, vừa vào đại học vừa đi làm giúp cho Mẹ, và khi mà hàng quần áo trẻ em cũng đang trên đà phát đạt với cửa hiệu ngay ngoài mặt đường Trương Minh Giảng, Quận Ba, Sàigòn.

Giai đoạn thử thách thứ ba khi mất miền Nam vào tay Cộng Sản năm 1975 mới chính là khoảng thời gian mà hình ảnh người Mẹ hiền lại hiện lên rõ nét nhất để giữ vững cho đại gia đình anh em chúng tôi không bị tan vỡ trước những âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm phá hoại các gia đình có thân nhân theo chế độ cũ VNCH.

Trong lúc mà ba anh em chúng tôi đang bị giam giữ tại các trại tập trung thì ở nhà Mẹ tôi có tên trong sanh sách những gia đình trong thành phố Sàigòn bị trục xuất đi kinh tế mới để bọn cán bộ phường khóm tịch thu nhà cửa và tài sản theo chính sách ăn cướp của Đảng và Nhà Nước của chúng trên toàn miền Nam.

Bao nhiêu lần chúng kêu Mẹ tôi ra Phường, ra Khóm để họp hành nhưng mục đích là để ký tên vào tờ đơn giao nhà cửa cho chúng nhưng Mẹ tôi đã cương quyết không ký không giao nhà và cũng không đi vùng kinh tế mới luôn.
   Bọn chúng tìm cách chụp mũ Mẹ tôi là chống lại chính sách của Nhà Nước nhưng Mẹ tôi nói rằng Mẹ tôi chỉ hoãn thi hành chứ không phải chống lại lệnh của Nhà Nước. Lý do chưa thể giao nhà cho địa phương quản lý và chưa đi vùng kinh tế mới được vì ba con trai đang đi tù "cải tạo", nếu giao nhà thì khi ba người con được thả về biết tìm mẹ tôi ở đâu.

Suốt một năm trời chúng hạch xách mẹ tôi đủ thứ nhưng Mẹ tôi vẫn cương quyết theo lý luận của mình và không ký nhận bất cứ đơn từ nào.

May mắn là sau đó chúng đã để cho Mẹ tôi được yên thân trong một thời gian vì bọn cán bộ địa phương đã tịch thu được không biết bao nhiêu là căn nhà và tài sản trong thành phố Sàigòn để chia chác cho nhau và cho cả bọn cán bộ từ ngoài Bắc vào nữa.

Thế nhưng Họa vô đơn chí vì mới tạm yên vụ đi kinh tế mới thì chúng quay sang đánh tư sản để một lần nữa lại trấn lột một cách trắng trợn người dân miền Nam.

Các bài bản trước kia áp dụng tại miền Bắc sau năm 1954 bây giờ bọn chúng đem ra thi hành tại miền Nam để ăn cướp công khai và vơ vét thêm một lần nữa tài sản dân chúng.

Mẹ tôi chỉ có một cửa hàng bán quần áo trẻ em coi như một tiểu thương tại Quận Ba mà cũng không thoát khỏi cặp mắt cú vọ của chúng. Rất may cho gia đình là một anh trước kia giúp việc cho Mẹ tôi đã thông báo cho biết tin này nên Mẹ tôi đã di tản được hầu hết vải vóc, quần áo và những thứ quí giá ra khỏi nhà kịp thời.

Phường khóm đã cho một tiểu đội thanh niên nam nữ vào nhà Mẹ tôi và trú đóng ngay trong nhà 10 ngày đêm để đào bới, cậy vách, đào sân, xâm xoi mọi nơi chủ yếu tìm tiền và vòng vàng để tịch thu.

Mỗi khi các em gái tôi đi chợ thì chúng cũng cho người đi theo suốt từ nhà ra chợ và từ chợ về nhà, sợ tẩu tán tài sản.

Cuối cùng chán nản chúng cũng bỏ cuộc và rút quân bởi bọn chúng không lấy được gì vì còn mấy lạng vàng thì Mẹ tôi để ngay trước mắt bọn chúng trong phần giẻ lót của cái giỏ nan bọc cái ấm tích nụ vối mà Mẹ tôi vẫn uống hàng ngày mà bọn chúng không biết.

Ngoài việc phải căng thẳng đầu óc đối phó với bọn phường khóm ngày đêm rình rập để hãm hai, Mẹ tôi còn thường xuyên liên lạc với gia đình vợ con anh em chúng tôi để giúp đỡ, nhờ đó mà gia đình tôi trong những năm tháng tôi trong tù, cũng không đến nỗi cơ cực như nhiều gia đình khác.

Mỗi khi các cháu thiếu thốn gì thì lại chạy ra bà Nội ở Trương Minh Giảng, cho nên tuy các cháu sống cạnh bên Ngoại trong Phú Lâm nhưng lại gắn bó nhiều với bên Nội và các cô chú trong những năm tháng đầy khó khăn đó.

Đến khi mà gia đình được phép vào thăm nuôi anh em chúng tôi trong trại giam ở miền Bắc thì Mẹ tôi là người tổng chi huy việc mua bán, sắp xếp các thùng quà hay giỏ hàng, xin giấy phép tại địa phương, mua vé xe lửa ra Hà Nội, v.v. và giao cho các em tôi mỗi đứa một việc.
Trong khi chuẩn bị các thứ gửi cho hai anh em tôi thì ở nhà Mẹ và các em tôi lại luôn dành dụm tiết kiệm mọi thứ để ưu tiên cho hai anh em tôi trong tù

Chuyến đầu tiên ra Bắc thì Mẹ và cô em gái tôi là người đi thăm hai anh em tôi trước tiên để dò xét tình hình ra sao rồi những chuyến sau thì Mẹ tôi mới chuẩn bị đầy đủ cho hai nàng dâu ra thăm chồng.

Sự chu đáo của Mẹ và các em tôi trong suốt mười bốn năm trời ròng rã gửi quà và đi thăm nuôi từ Bắc rồi vào Nam, cộng với sự trợ giúp từ Mỹ gửi hàng về của vợ chồng anh Ba và vợ chồng cô Bẩy em gái tôi, đã giúp cho hai anh em tôi phục hồi được sức khỏe và thêm sức chịu đựng những năm sau này trong trại giam.

Anh cả tôi khi đang bị giam trên Hoàng Liên Sơn năm một chín bẩy chín đang trong tình trạng kiệt sức, đã nói rằng nếu mà không nhận được mười gói bưu kiện một ký lô gồm thuốc men, quần áo ấm và thực phẩm khô mà Mẹ tôi gửi ra ngay sau khi nhận được thư của anh gửi về, thì anh đã không còn trên cõi đời này rồi.

Lúc đó họ chỉ cho nhận mỗi người một bưu phẩm một ký lô mà thôi nhưng Mẹ tôi đã tìm ra đượcmột người quen làm trong Bưu Điện Sàigòn và nhờ đó mà em gái tôi đã gửi đi trót lọt mười gói mỗi gói đúng một ký nhưng trong mười ngày khác nhau.

Đó quả là một sáng kiến độc đáo mà tôi phục Mẹ tôi sát đất vì nếu gửi một gói 10 kí lô hay gửi 10 gói mỗi gói 1 kí cùng một lúc thì không những anh tôi không nhận được gói nào cả vì gói quà vi phạm quy định của trại giam mà còn có thể bị làm kiểm điểm.

Thế nhưng gửi làm nhiều lần khác nhau thì ở trại họ không để ý và anh tôi từ từ nhận được đủ cả mười gói bưu phẩm trước con mắt thán phục của các bạn tù.

Nhiều lúc nghĩ lại tôi nhận ra một điều là hình như có bàn tay an bài trước của Trời Phật cho người nào ra đi, cho người nào ở lại, người nào vào trong tù, khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, để bốn năm sau khi gia đình đã liên lạc được với thân nhân ở hải ngoại thì cũng là lúc mà trại giam cho phép gia đình gửi quà vào cho tù nhân.

Nhờ thế mà nguồn tiếp tế không những từ gia đình ở miền Nam mà còn từ nhiều nước trên thế giới gửi về Sàigòn nữa và nguồn hàng ấy và cả những thư từ cũng được chuyển vào trại giam đến những người tù.

Tôi nhớ lần đầu tiên nằm trong buồng giam, cầm trong tay lá thư của anh Ba tôi gửi từ bên Mỹ nằm trong thùng quà gửi vào, tôi không khỏi xao xuyến và ngậm ngùi trong lòng.

Bức thư có đoạn viết mà lúc đó tôi chưa lý giải được như sau:  "Tôi không hiểu tại sao và không thể giải thích được tại sao tôi và chú lúc nhỏ mình rất gần gũi và chơi thân với nhau và cùng một cha một mẹ, cùng đi học một trường, mà lớn lên bây giờ hai hoàn cảnh thật khác xa nhau".

"Tôi bên này thì đầy đủ trong một cuộc sống tạm gọi là sung túc và hạnh phúc có vợ con đoàn tụ trong khi chú thì gia đình ly tán và đang trong hoàn cảnh thật gian nan và đầy thử thách?".

Sau này khi tôi gập được Thầy Tâm và được đọc cuốn "Đức Phật và Phật Pháp" thì tôi từ từ hiểu rằng đó là do Nghiệp lực.

Năm 1989, sau mười một năm bảo lãnh thì Mẹ và hai em út tôi được anh Ba tôi bảo lãnh sang Hoa Kỳ và định cư tại miền Nam tiểu bang California từ đó đến nay.

Năm 1991 thì vợ chồng cô em gái kế tôi cũng được ông anh này bảo lãnh qua và một năm sau thì gia đình cô em kế nữa cũng rời Sàigòn để qua Mỹ trong chương trình ODP do anh tôi bảo lãnh.

Thấm thoát nhìn lại thì đã hơn hai chục năm kể từ ngày Mẹ tôi đặt chân lên vùng đất Tự Do ra khỏi vòng kìm kẹp và kiểm soát của chế độ Cộng Sản.

Mẹ và các em tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những ngày gian truân còn ở trong nước bị địa phương làm khó dễ vì thế mà Mẹ tôi mới mắc phải bệnh cao huyết áp và bàn chân với vết sẹo vẫn còn đau khi trở trời vì vấp trên toa xe lửa trong chuyến ra thăm tôi ngoài Bắc lần đầu tiên, và nhắc cả những khó khăn vất vả chuẩn bị quà cáp thuốc men quần áo đi thăm nuôi hai anh em tôi trong tù những ngày ấy.

Bây giờ Mẹ tôi đã già, sức đã suy yếu nhưng Mẹ tôi vẫn luôn luôn hãnh diện là cả cuộc đời mình đã hy sinh hết cho chồng, cho các con và không bao giờ đầu hàng và chấp nhận bọn Cộng Sản tại địa phương dù là chúng hăm dọa và áp bức gia đình dưới mọi hình thức trong những năm đầu khi chúng chiếm được miền Nam.

Mẹ tôi đôi khi nhìn con cháu và nói :
" Mẹ sẽ không bao giờ về VN khi mà bọn Cộng Sản còn ngự trị dù là Mẹ rất nhớ quê hương mình, nhớ miền quê Thanh Hóa của bên ngoại, nhớ căn nhà to như một dinh thự ở Hải Phòng, nhớ con đường Trương Minh Giảng đầy kỷ niệm và miền Nam hiền hòa, nhưng Mẹ nhất định không về."

"Chẳng hiểu sao bọn Cộng Sản chúng nó ác độc như vậy mà Ông Trời cho chúng nó sống lâu và quá sung sướng như thế?"

"Trên đời này có những người đã hãm hại Ba Mẹ để lấy tiền nhưng Mẹ đã tha thứ cho họ, chỉ riêng bọn Cộng Sản là Mẹ không bao giờ tha thứ cho các tội ác tầy trời của bọn chúng”.

Viết để riêng tặng Mẹ hiền - Cali mùa nắng ấm năm Canh Dần

Phần X: Sức Người Trong Vòng Xoay Định Mệnh

Phần X của thiên hồi ký này là một chương đặc biệt mà tác giả ghi lại để kính dâng lên hương linh của tất cả các quân dân cán chính của VNCH đã vị quốc vong thân và dâng lên hương linh của tất cả các đồng bào tử nạn trong cuộc chiến tranh trước năm 1975 và sau khi Sàigòn sụp đổ.)

Khi xâm chiếm xong miền Nam và nhuộm đỏ toàn bộ đất nước, và cái ngày mà Sàigòn sụp đổ thì nhà cầm quyền Bắc Việt đã hoạch định sẵn một kế hoạch khổng lồ và âm mưu thâm hiểm nhằm diệt trừ hết những mầm mống của chế độ cũ VNCH trên con đường đưa miền Nam vào hẳn trong quỹ đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Một mặt họ tập trung "cải tạo" hàng triệu viên chức sĩ quan chế độ cũ theo chế độ "học tập 10 ngày" hay "học tập 1 tháng" trong khi hàng triệu người khác phải theo học một khóa ngắn hạn ba ngày tại địa phương.
Mặt khác họ "cải tạo" lại xã hội bằng cách xua đuổi nhân dân trong các thành phố, nhất là tại Sàigòn ra khỏi nơi đang cư trú để đi vùng "kinh tế mới" mà thực tế là những vùng hoang dã chưa khai phá hay nơi rừng thiêng nước độc vắng bóng người, để chiếm đoạt nhà cửa và tài sản của người dân trong mục tiêu củng cố thế lực và triệt tiêu các lực lượng "thù địch".
Mấy năm sau thì họ đổi tiền và mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa lúc ban đầu là khoảng 200 đồng mà thôi, nếu có nhiều tiền hơn thì nó sẽ trở thành tờ giấy trắng vô giá trị. Mục đích của đổi tiền là nhằm "bần cùng hóa" nhân dân để cho dân chúng trong miền Nam vốn giầu có hơn miền Bắc sẽ phải trắng tay và nghèo đói như nhân dân ngoài Bắc để có thể dễ bề cai trị hơn.
Một Định Mệnh cay nghiệt vừa phủ xuống miền Nam từ thành phố về đến ruộng vườn nông thôn sau tháng Tư năm một chín bẩy lăm. Cả miền Nam bị đắm chìm trong đau thương sau những chính sách và biện pháp trục xuất dân đi kinh tế mới, rồi đổi tiền và đánh tư sản của cái chế độ mới tự xưng là chính quyền của nhân dân.
Mọi người dân lành chất phác của một miền Nam hiền hòa phút chốc rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi thương, thẩy đều ngơ ngác bởi từ ngàn xưa đến nay chưa từng xẩy ra trên đất nước và quê hương này bao giờ - chính người Việt đang tiêu diệt người Việt vì ý thức hệ Tư Bản đã bị thay thế bằng thể chế Cộng Sản.
Những con người của chủ nghĩa Vô Sản đang giáng những đòn chí tử vào chính nhân dân họ và reo rắc những nỗi kinh hoàng khắp nơi để làm tê liệt ý chí đối kháng nếu có còn rải rác trong xã hội.
Trong khi đó thì trại giam mọc lên khắp ba miền đất nước để giam giữ, trả thù và đầy đọa những người trước kia đã từng chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của miền Bắc vào miền Nam, và cũng để cô lập các viên chức sĩ quan chế độ cũ khỏi gia đình và ra khỏi xã hội.
Cái chế độ "khoan hồng nhân đạo" và "học tập cải tạo" thực chất chỉ là một nhà tù tập trung vô nhân đạo nhất trên thế giới nhằm giết dần mòn những tù nhân chính trị này từng ngày, từng tháng và từng năm với một cuộc sống tù tội, xúc phạm nhân phẩm con người, lao động khổ sai hàng ngày ngoài nắng mưa của mùa Hè hay sương gió giá lạnh của mùa Đông mà đói khát, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, và phải sinh sống trong những điều kiện vệ sinh hết sức tồi tệ của các trại giam.
Rồi trong các mùa viêm nhiệt tại miền Bắc thì các tù nhân phải hứng chịu các dịch bệnh tiêu chảy và kiết lỵ do vấn đề thời khí quá oi bức, buồng giam chật ních tù nhân, cộng với việc nấu ăn trong nhà bếp không vệ sinh và bảo quản không tốt.
Những dịch bệnh nhất là kiết lỵ tại nhiều trại đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng của tù nhân chính trị với lý do đơn giản là không có thuốc điều trị. Kiết lỵ là một bệnh rất đễ chữa trị nếu có thuốc trụ sinh vì là bệnh nhiễm trùng đường ruột vậy mà nhiều người đã chết vì nó một cách dễ dàng và oan uổng. Thực tế mà nói thì chính ngoài dân chúng cũng còn không có thuốc men thì làm sao mà trong tù có thể có được.
Bởi vậy nếu làm tù nhân trong các nước tiên tiến thì còn có thể giữ gìn được sức khỏe và còn có cơ hội sống sót mà trở về chứ sống trong một xã hội như miền Nam sau ngày Sàigòn sụp đổ thì cũng đã khó mà tồn tại rồi, đừng nói gì là trong bốn bức tường tập trung của trại giam XHCN.
Những đợt dịch bệnh ấy như những làm mây đen bao phủ các trại giam và quật ngã không biết bao nhiêu tù nhân. Nhưng trong những trường hợp bị căn bệnh quái ác này có một trường hợp thật lạ lùng và đối với tôi lúc đó mang tính cách huyền bí là anh Luân, Đại Tá chỉ huy trưởng đơn vị 101.
Khi đó anh Luân đang bị biệt giam tại trại Hà Tây, tỉnh Hà Sơn bình, thì anh bị kiết lỵ, trại cũng chỉ cấp cho Xuyên Tâm Liên và  anh dần dần kiệt sức chỉ còn nằm chờ chết vì không ăn uống được gì dù là cháo loảng.
Thế nhưng, có một cái gì thôi thúc anh cố gắng ngồi dậy và dựa vào bức tường trong phòng biệt giam rồi anh chuyên tâm niệm danh hiệu Đức Phật Bà Quán Thế Âm Cứu Khổ Cứu Nạn. Khi nào quá mệt thì anh nằm xuống nghỉ một chút rồi lại gượng ngồi dậy để chuyên chú niệm danh hiệu Đức Phật Bà trong mấy ngày đêm liên tục.
Trong thâm tâm anh cũng chỉ cầu mong Đức Phật Bà nghe được thì sẽ được Ngài thương xót mà đem anh đi khi anh nằm xuống mà thôi, nhưng như là một phép lạ, anh cảm thấy trong người từ từ bớt đau nhói trong bụng, kiết lỵ cầm dần dần, anh từ từ húp được ít cháo và sức khỏe dần dà hồi phục lại.
Anh đã khỏi bệnh truyền nhiễm này mà không có một viên thuốc trụ sinh nào trước con mắt cực kỳ kinh ngạc của bọn cai tù vì chúng đã bảo bên tù hình sự chuẩn bị làm sẵn một cái quan tài bằng gỗ mộc rẻ tiền để chờ khiêng anh lên ngọn đồi nghĩa trang của trại.
Sau này khi ra khỏi khu biệt giam, anh thực hành quán Thiền với thầy Tông và các anh Trãi, đại tá không quân và anh Đồng Tuy, một người thầy về khoa Tử Vi, và dù có gia đình thăm nuôi sau đó nhưng anh vẫn giữ ăn chay trường. Nhìn anh tóc bạc phơ nhưng lúc nào nói chuyện với tôi, anh cũng nở nụ cười hiền hậu như một tiên ông, tôi cũng học thêm được một nhân cách đáng quí của một con người mà tôi kính phục.
Trước kia khi còn là chỉ huy trưởng của cả một đơn vị quân báo oai hùng, anh vẫn luôn được sự kính trọng của thuộc cấp, bây giờ dù thân tù tội anh vẫn hiên ngang không đầu hàng kẻ địch dù đang sa cơ thất thế nên cuối cùng chúng cũng phải cho anh ra khỏi khu biệt giam. Tôi tin rằng Trời Phật đã ngó xuống và cứu anh trong giây phút thập tử nhất sinh đó bởi anh là một anh hùng.
Một thời gian sau anh được gọi ra thăm nuôi và khi vào trại, anh gọi tôi ra ngồi với anh trên băng đá trong sân thì anh tâm sự với tôi là chính Ba của anh vào thăm nhưng ông ta là người của phía bên kia, không phải người Quốc Gia VNCH mình cho nên anh đã dứt khoát từ chối lời đề nghị bảo lãnh của ông để anh có thể ra tù sớm. Tôi lại càng thêm yêu mến anh hơn vì anh đã đặt lý tưởng và chính nghĩa Quốc Gia VNCH của mình lên trên tình Phụ Tử dù là người cha đó biệt tích đã lâu nay bất ngờ xuất hiện.
Muốn trị các bệnh tật thì phải có thuốc nhưng thuốc men cung cấp cho các tù nhân không có gì ngoài Xuyên Tâm Liên, nó giống như một loại thuốc tễ cao đơn hoàn tán hình viên tròn nhỏ, không ai biết nó được bào chế ra sao, gồm những hợp chất gì, và không biết nó dùng để trị bệnh gì nữa.
Nhức đầu, cảm, sốt cao độ cũng cho Xuyên Tâm Liên, kiết lỵ cũng Xuyên Tâm Liên, đao bao tử cũng nó luôn, có anh khai bị ói mửa cũng Xuyên Tâm Liên. Riết rồi chẳng ai muốn đi khai bệnh xin thuốc làm gì vì đã biết loại thuốc nào mà bệnh xá trại sẽ cung cấp.
Chính vì thế mà trong ba năm đầu tiên chúng tôi bị chuyển ra Bắc, sức người chỉ có hạn trong những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chế độ ăn uống thiếu thốn nên người nào cũng ốm o gầy mòn dần một cách thảm thương như những bộ xương khô còn cử động bởi vì chúng tôi cũng giống như một sợi giây đã bị kéo ra quá căng rồi. Mỗi lần dịch bệnh tái phát thì có khi đến hàng nửa đội lao động bị bệnh phải nằm tại buồng hay khiêng xuống bệnh xá.
Vào năm thứ hai ở ngoài Bắc thì một đợt dịch Cúm lan tràn vào đến trong trại giam và hầu như tất cả mọi anh em chúng tôi đều bị nó quật ngã vì lúc ấy sức đã quá yếu rồi. Ngoài đó dân chúng cũng rất là sợ cái căn bệnh "ông Cúm bà co" này nhưng vì thiếu ý thức và thiếu kiến thức về bệnh dịch nên một khi nó xẩy ra thì bùng phát rất là nhanh.
Bệnh xá trại không còn chỗ trống và bệnh nhân phải nằm ngay tại buồng giam của mình và không gì ngán ngẩm hơn là các cán bô y tá của họ vào để chẩn bệnh xong rồi cũng phát cho mỗi người vài chục viên Xuyên Tâm Liên rồi quay gót ra đi.
Cuối cùng khi thấy quá nhiều người bị Cúm thì họ tìm cách trấn an người tù bằng hình thức cho các bộ phận y tế của trại vào từng buồng giam để nhỏ nước tỏi vào mũi.
Anh Lạt bạn thân của tôi, là một Thiếu Tá Cảnh Sát đặc Biệt, khi còn ở trại giam Long Thành, miền Nam, năm đầu tiên, dáng người khỏe mạnh rắn chắc như lực sỹ, bây giờ như que củi và nói với tôi rất bi quan rằng có lẽ mình sẽ không qua khỏi được cơn bệnh này.
Lúc đó tôi cũng chẳng khá gì hơn và chỉ biết an ủi anh rằng hy vọng đợt Cúm này sẽ chóng qua, nhưng không ngờ rằng ngày hôm sau thì chính tôi lại bị sốt cao độ và cơ thể đau nhừ khắp người như bị tra tấn rồi mê man không còn biết gì nữa.
Đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong bệnh xá trại và các giuờng đầy nhóc tù nhân. Chỉ có hai ngày bị "ông thần" Cúm này tấn công, tôi trở nên hốc hác đến độ các bạn tù xuống thăm không nhận ra tôi nữa dù là họ đang đứng ngay bên giường của tôi và hỏi thăm xem tôi đang nằm ở đâu.
Thế rồi tôi cũng chẳng hiểu sao, từ từ tôi lấy lại sức dù rằng bệnh xá cũng chẳng có gì "bồi dưỡng" ngoài ít cháo loãng mỗi ngày hai bữa, và vừa đứng dậy được thì chúng tôi được lệnh phải ra lao động ngay vì đợt Cúm đã làm cho kế hoạch sản xuất của trại bị chậm lại.
Đội của tôi lúc đó được phân công nhổ cỏ trong những đám ruộng còn ngập nước mà tay quản giáo nói là trại đã "ưu ái" cho lao động nhẹ.
Nhưng không may cho tôi là người chưa khỏe hẳn mà chân ngâm trong nước suốt ngày nên đêm hôm đó tôi lại lên cơn sốt mê man lần nữa.
Người lúc nóng ran lúc lạnh run như lên cơn sốt rét đến độ anh Luận, một Trung Úy trẻ tuổi nằm bên cạnh, phải lấy hai tấm chăn đắp cho mà hai hàm răng tôi vẫn đánh lập cập. Hôm sau tôi và cùng với ba anh nữa được cho nghỉ tại buồng ăn cháo một ngày.
Tôi tin vào Định Mệnh và có lúc cũng nói với anh Lạt lúc hai đứa đang bệnh một câu có vẻ như vô nghĩa nhưng rất thực tế và khôi hài rằng nếu mình không chết thì…mình sẽ sống và cả hai thằng đều mỉm cười.
Sau một năm tại trại Long Thành, miền Nam, và ba năm ngoài Bắc thì hình như Định Mệnh đã mỉm cười với chúng tôi khi mà gia đình trong Nam nhận được thư chúng tôi gửi liên quan đến vấn đề thăm nuôi và các thứ thật cần thiết như nhu yếu phẩm, thuốc men và quần áo ấm.
Tôi tin rằng Ơn Trên và Trời Phật đã nhủ lòng thương xót những tù nhân chính trị này mà xui khiến cho đám vô thần đó mở cửa cho gia đình chúng tôi được ra thăm nom và tiếp tế kịp thời. Nếu trễ một vài năm nữa thì có lẽ nhiều người trong đó có tôi sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời nữa.
Đến khi Mẹ và em gái tôi đến thăm lần đầu tiên, nhìn những loại thuốc tây hiếm quí mà anh thứ Hai của tôi là Quân y nên đã gửi ra rất đầy đủ từ thuốc trị kiết lỵ tiêu chẩy, cảm cúm Contac, B-complex, Aspirin cho đến cả kẹo ngậm ho thì lòng tôi rất vui vì nghĩ rằng mình sẽ có dịp dùng nó để trị bệnh cho mình và cho các bạn bè của mình nữa.
Con người ta sau nhiều năm bị tù đầy giam giữ cũng ví như một cây khô hạn mà sự sống chỉ còn lung linh như ánh nến trước cơn gió.
Cũng bởi vậy mà khi có được các loại thuốc men trong tay thì tác dụng kỳ diệu của các viên thuốc này giống y như thần dược trong các truyện cổ tích mà chúng ta đọc khi còn bé.
Một hôm tôi thấy anh bạn nằm cạnh bên là anh Bạch, Trung Úy trong số mấy trăm anh em từ trại Thạnh Mỹ Tây trong Nam theo tầu Sông Hương chuyển ra Bắc và về cùng trại với tôi đang ghè đầu vào tường.
Tôi lớn hơn Bạch hai tuổi nên coi như anh em nên lấy làm lạ bèn hỏi anh:
-"Ê! Cậu làm sao vậy?"
-"Nhức răng quá chịu không nổi phải ghè đầu vào tường cho bớt đau."
Tôi suy nghĩ mãi vì thông thường thì nếu ở ngoài xã hội thì chỉ có đi Nha sĩ mới chữa được thôi nhưng trong hoàn cảnh này đời nào họ chịu chở tù nhân ra thành phố để...chỉ chữa răng? Đến bệnh trầm kha nhiều lúc họ cũng vất xuống bệnh xá trại và chờ khi nào có chỉ thị mới đưa đi chữa bệnh ngoài tỉnh được nữa là.
Tôi sực nhớ trong tờ giấy anh Hai tôi chỉ dẫn là thuốc Aspirin chữa được các loại đau nhức nhưng không uống lúc bụng đói. Tôi bèn tự đóng vai bác sỹ bất đắc dĩ và lục trong ba lô ra ba viên Aspirin và đưa cho Bạch mà trong lòng cũng cầu cho bạn mình qua được cơn đau nhức này:
-"Anh mình bảo rằng Aspirin chữa được đó, bây giờ cậu ăn ít bánh bột hấp - là phần ăn mỗi ngày của chúng tôi trong khẩu phần 15 kí chất bột cho người lao động - xong rồi uống một viên rồi hai tiếng nữa uống thêm viên nữa xem sao.
Tôi không dám cho uống cùng một dose 2 viên vì sợ quá mạnh cho bao tử.
Bạch nghe lời tôi uống hai viên Aspirin trong hai tiếng đồng hồ và đúng là phước chủ may thầy không hiểu sao anh ta hết đau răng luôn từ đó.
Bạch chưa có gia đình thăm nuôi cho nên tôi bảo anh giữ lại viên Aspirin kia phòng hờ nếu nó có hành đau nhức lại thì uống khi không có tôi bên cạnh. Từ đó chúng tôi thành bạn thân ngoài tình anh em làng giềng nằm cạnh nhau. Bạch là một người rất dễ thương, tính tình nhỏ nhẹ như con gái và thường cười để lộ cái...răng vàng sáng chói.
Năm sau thì anh được tha về và có ghé thăm Mẹ và các em tôi tại Sàigòn kể những chuyện vui buồn khi tụi tôi sống chung trong traị những năm tháng tù đầy cho Mẹ tôi nghe trước khi anh về tỉnh.
Một trường hợp nữa về sự diệu kỳ của thuốc gia đình gửi vào là một ngày khi tôi đang nằm ở từng trên thì thấy có ai giựt chân mình, hóa ra là anh Nhơn, Đại Úy pilot trực thăng.
Tôi cũng thường là một khán giả hay nghe Nhơn kể chuyện về không quân ngày trước với những chiến công oai hùng của KQ VNCH.
Một trong những truyện làm tôi vô cùng xúc động là về người anh hùng phi công trẻ tuổi nhất của KQVN là Thiếu Tá Nguyễn Dzu, và về sự tàn bạo vô nhân tính như ác quỷ của những người cộng Sản.
Khi anh được vinh thăng Thiếu Tá thì cấp bậc đó đã bị hoãn lại một thời gian vì anh quá trẻ để gắn lon Thiếu Tá. Anh lập không biết bao nhiêu là chiến công kể cả diệt hàng chục xe tăng T-54 của Cộng Sản, phi đội của anh đã chặn đứng cả một trung đoàn địch không vượt qua được con sông Thạch Hãn. Anh luôn tình nguyện lái thay các bạn mình về phép nhưng không ngờ chuyến bay của anh thay cho một người bạn bên bờ sông Thạch Hãn trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm ấy lại là chuyến bay cuối cùng của Định Mệnh oan nghiệt.
Khi phi đội anh hoàn tất nhiệm vụ và lạng cánh bay về thì anh nhìn thấy một cụm pháo phòng không của địch, cụm pháo này đã bắn cháy một khu trục trong trận chiến hôm đó và anh quyết định vòng trở lại một mình bất chấp các bạn trong phi đội can ngăn và khi anh bắn được trái rocket trúng mục tiêu cũng là lúc mà máy bay anh trúng đạn phòng không bốc cháy và anh bị trúng thương nơi chân.
Anh phải nhẩy dù khẩn cấp và không may cho anh là tuy cố gắng để lái chiếc dù về phía bên này bờ sông nhưng gió lại thổi nghịch chiều và anh đáp xuống phía bên kia bờ sông nơi mà địch quân đang kiểm soát, một chân trên bờ một chân dưới nước.
Các bạn anh đều quay lại để tiếp cứu và ngăn được ba lần toán VC và du kích địa phương từ những tàng cây trong rừng nhào ra để bắt anh nhưng đến lần thứ thư thì không kịp nữa vì chúng đã lôi được anh vào trong rừng. Viên Đại Tá cố vấn Mỹ của Không Đoàn khi nghe tin anh vừa bị bắt thì lên ngay tần số và phát thanh liên tục ra ngoài Bắc và yêu cầu họ đối xử tử tế với Thiếu Tá Nguyễn Dzu, nhưng tin tức về anh thì vẫn biệt tăm.
Năm 1973, khi có trao đổi tù binh giữa hai miền Nam Bắc thì có một Hạ sỹ quan của chúng ta được trao trả có khai rằng anh đã phải mục kích cảnh bọn VC và quân Bắc Việt lập tòa án nhân dân trong rừng để xử Thiếu Tá Nguyễn Dzu. Thiếu Tá Nguyễn Dzu vẫn kiêu hùng không khuất phục nên chúng tức quá ra lệnh tra tấn anh, nhưng anh vẫn ngửng cao đầu, rồi chúng điên cuồng lên và ra lệnh hành hình anh bằng tùng xẻo cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng.
Tùng xẻo là cứ đánh một tiến trống thì xẻo một miếng thịt cho đến khi tội nhân chết thì thôi, một thứ hành hình dã man như thời Trung Cổ mà chỉ có VC còn áp dụng trong thế kỷ thứ 20 này.
Anh Nhơn cũng kể rằng trong các cơ khí sửa máy bay có một anh Hạ sỹ quan rất giỏi về khoa Tướng số có xem cho Thiếu Tá Nguyễn Dzu rằng anh có đại nạn về sông biển và nên cho anh ta đi theo trong một phi vụ trực thăng nào đó ra ngoài biển với Thiếu Tá Dzu thì anh hy vọng có thể cứu mạng được.
Thế rồi chiến sự lan rộng và quá căng thẳng những tháng ngày năm 1972 của Mùa Hè Đỏ Lửa và Thiếu Tá Dzu phải bay liên tục để yểm trợ quân bạn, không có một giây phút nào nghỉ ngơi và từ từ mọi việc dần rơi vào quên lãng nên người Hạ sỹ quan đó không có dịp "cải số" lại cho người pilot anh hùng tên Dzu. Âu cũng là Định Mệnh.
Dòng tư tưởng của tôi chợt bị ngắt quãng bởi câu hỏi của anh Nhơn và mấy cái lay chân của anh:
-"Nghe nói toi có thuốc trị tiêu chẩy phải không, để cho moi vài viên?
-"Xin lỗi nẫy giờ mình đang nghĩ về câu chuyện khác nhưng mà ông biết là tôi có bao giờ bán thuốc tây đâu chỉ dùng nó để chữa bệnh thôi, nhưng ai bị vậy?"
-"Ông Bẩy Bớp nằm dưới kia kìa, hai ngày nay có ăn uống tí cháo nào đâu?"
-"Ông đưa cho ông ấy uống ngay một viên Imodium này, đây là loại tốt nhất mới có và nói ông ấy ráng húp ít cháo đi và tối uống thêm viên nữa, khỏi nói là thuốc của tôi nghe.
Thuốc Imodium khi ấy trị liệu như thần và sau khi uống hai viên xong thì ông Bẩy Bớp đi lại được và không còn bị đi cầu nữa. Bẩy Bớp là biệt danh mà không biêt anh em nào đã đặt cho ông Tân là một người tù trong thành phần Đảng Phái cũng bị giam giữ.
Trước cửa buồng chúng tôi là một cái sân nhỏ và một bể chứa nước bơm vào từ nhánh sông Hồng cạnh con đê.
Buổi chiều trước khi kẻng điểm danh vào buồng thì chúng tôi hay đi bộ trong sân. Một hôm sau khi họ "biên chế" lại các buồng thì có một số anh chuyển qua buồng tôi và tôi chú ý thấy một anh đang cố chống gậy tập đi đi lại lại trong sân. Tôi bước lại hỏi thăm thì hóa ra là anh biết tôi do bạn bè nói vì tôi có thuốc tây nhưng anh rất ngại nên không tiện mở lời trước, tên anh là Chính, Thiếu Tá quận trưởng, anh nói:
-"Bà xã moi viết thư sắp ra thăm nên mấy hôm nay moi cố tập đi lại vì hai chân suy dinh dưỡng nên đã rất yếu, moi không muốn bà xã ra gập moi trong tình cảnh chống gậy như thế này thì tội nghiệp cho bà ấy lắm nhưng không biết phải làm sao. Nghe nói toi có thuốc bổ nên không biết nó có giúp gì được không?"
Tôi lại tìm trong các loại thuốc bổ ông anh gửi vào và đọc kỹ lại tờ hướng dẫn. Cuối cùng buổi tối hôm đó tôi đến chỗ anh nằm và đưa tặng anh một vỉ B-Complex của Pháp vì trong đó nó có B1, B-6 và B-12 hy vọng có thể làm cho hai chân anh mạnh hơn.
Sau khi anh uống hết vỉ B-Complex đó, tôi rất vui mừng vì anh đã bỏ được chiếc gậy và lững thững đi được từng bước một. Tôi bèn biếu anh một vỉ nữa và quả là như một phép lạ, hai chân anh trở nên vững hơn và anh đi lại được gần như thường.
Hôm mà bà xã anh đến thăm thì cũng đúng lúc anh bỏ được cây gậy, mặc vào người bộ áo Treillis mà trại phát một cách oai hùng như xưa mà ra gập vợ.
Khi anh trở vào trại sau lần thăm nuôi đó thì anh rất là vui và tinh thần phấn chấn hẳn lên và nắm tay tôi:
-"Cám ơn toi nhiều nhe, nếu không có thuốc của toi thì chắc bà xã mình khóc hết nước mắt rồi, vì moi không muốn thấy vợ mình khóc trước mặt bọn chúng, toi hiểu không?". Tôi gật đầu nói:
-"Anh may mắn lắm đó vì tôi chỉ có độc nhất hai vỉ B-Complex gia đình gửi cho chứ chẳng có thuốc bổ nào khác cả."
Tối hôm ấy anh mời tôi và một số bạn đến chỗ anh nằm để thưởng thức trà và cà phê ngon gia đình mới đem vào, và từ đó tôi trở thành một người bạn thân mà anh thích tâm sự.
Thời gian khi chúng tôi chuyển trại vào Hàm Tân, trong Nam thì lúc đó mới có loại trụ sinh Amoxycilin thay thế cho loại Ampicillin đã lỗi thời vì Amox có thể uống bất cứ lúc nào không cần bụng đói như Ampi. Có lần chính tôi bị viêm họng, cổ họng vừa đau rát lại mẩn đỏ nên ăn uống không được, may có anh bạn nằm đối diện là Lê Văn Hoan, Thiếu Tá Cảnh Sát Đặc Biệt, đưa cho tôi có một viên mà uống xong thì ngày mai thấy hết ngay bịnh. Quả là thần sầu thuốc men trong tù.
Luận, anh chàng nằm cạnh tôi trước kia, mà không biết ai đặt tên cho là "Nhái" có lẽ vì nhỏ con, một lần nói với tôi rằng:
-"Ông mà cho người ta thuốc men thì…ông khỏi phải uống nó chứ có sao đâu".
Sau này khi mà tôi có cơ duyên gập được thầy của tôi là Thầy Tâm thì thầy cũng bảo tôi rằng trong tù thuốc men rất là quí hiếm, một phần mình uống để chữa bệnh cho mình và một phần mình đem cho anh em là rất có phước. Cái Tâm tốt của mình truyền vào viên thuốc đó sẽ giúp cho viên thuốc bội phần công hiệu.
Chính nhờ vào tình thương yêu ruột thịt của gia đình đùm bọc và cưu mang nên tôi cũng như hàng chục ngàn người tù khác đã có được sự tiếp tế liên tục trong suốt bao nhiêu năm trời mà tôi ví như nước Cam Lồ tưới vào các thân cây khô héo. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi, người có dư lại giúp đỡ những người thiếu thốn hay người ít có thân nhân đến thăm hay gửi quà, nên đa số chúng tôi sức khỏe dần hồi phục và tinh thần cũng hưng phấn, thêm sức chịu đựng để chờ ngày ra khỏi trại về đoàn tụ với những người thân yêu.
Kể từ đó tôi bắt đầu tin rằng con người ta có số mạng. Số chúng tôi không chết trong tù nên xui khiến cho gia đình đã gửi bưu phẩm và đến thăm nuôi kịp thời.
Trong thời gian ở trại Ba Sao Nam Hà ngoài Bắc, tôi có ở chung trại với anh Nguyễn Phát Lộc, Quyền Đặc Ủy Trưởng của Phủ ĐUTƯTB.
Anh là tác giả của cuốn Tử Vi Hàm Số rất nổi tiếng xuất bản trước năm 1975, không may là anh bị bạo bệnh và được ra ngoài thị xã chữa trị nhưng cũng không thuyên giảm. Anh vẫn thường nói với anh em chúng tôi rằng số anh không chết trong tù.
Một hôm anh có gia đình đến thăm nuôi nhưng anh sức đã quá yếu không đi nổi nên phải cáng trên băng ca đưa anh ra khu thăm nuôi ở ngoài trại khoảng vài trăm thước và ngày hôm sau thì anh qua đời trong vòng tay của những người thân ruột thịt của anh.
Anh xem cũng đúng, vì khi anh mất anh không ở trong vòng rào của khu trại giam.
Tôi cũng tin vào Định Mệnh An Bài như anh Đồng Tuy đã chỉ dậy cho tôi một phần trong khoa Tử Vi: "Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định" tức là "Một miếng ăn, một miếng uống là đều có định trước".

Phần XI: Những Giấc Chiêm Bao 


Lời Tác Giả: Những giấc chiêm bao nhiều khi chính là điềm báo mộng, chúng cho ta một cảm giác rằng ngoài cái cuộc sống hiện hữu trên Trái Đất này ra còn có một thế giới khác rất gần với chúng ta. Các giấc mơ này đều có thật và bài viết này đã được đăng trên báo Người Việt tại Quận Cam, California vào tháng Năm năm 2001, bút hiệu của tác giả lúc đó là Phạm Đăng Trâm.


Cuộc đời của con người nếu trải dài được một trăm năm thì có lẽ không đêm nào mà chúng ta không thấy một giấc mơ dù là ngắn hay dài, và sẽ không thể đếm được bao nhiêu đêm đã ngủ say trên gối mộng.

Khi tỉnh lại thì nhiều khi tiếc nuối vì nó đẹp và ngắn ngủi quá, nhưng cũng rất nhiều lần ngủ dậy rồi chẳng nhớ được điều gì.
Tôi có cô em gái khoảng mười năm trước nằm mơ thấy mình trúng số Super Lotto, đến khi thức giấc thì cứ tiếc ngẩn ngơ vì tại sao nó không là sự thật. Tôi thì suy đoán rằng thời gian đó vì vốn liếng dành dụm của gia đình cô của cả nửa đời người phút chốc đã tan ra mây khói theo Mutual Funds và Stock ; và cô ta ban ngày thì cứ ao ước trúng số để bù vào số tiền khổng lồ đã không cánh mà bay đi cho nên ban đêm tiềm thức đã làm việc và tạo ra giấc mơ đó.

Có những giấc mơ đúng là chỉ đi qua chúng ta trong giây lát và không để lại một chút gì trong trí nhớ nhỏ nhoi, nhưng rất nhiều giấc mộng dù là đã trải qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn in hằn trong ký ức như mới tự hôm nào.
Có những giấc mơ hay chiêm bao đến thật là rõ rệt y như điềm báo mộng trước về những chuyện gì sắp xẩy ra cho chúng ta.
Thời gian tôi còn bị giam giữ tập trung "cải tạo" tại miền Bắc ở trại Ba Sao Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh thì Hòa Thượng Thích Thiện Chánh, là thầy Tâm của tôi là một vị sư trong Nha Tuyên Úy Phật Giáo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có bảo tôi rằng miền đất này gần chùa Hương Tích rất linh thiêng, nơi thờ phượng Đức Phật Bà Quán Thế Âm cho nên được hưởng nhiều phước lành.

Những núi đồi trùng trùng điệp điệp bao quanh khu trại giam cũng có nhiều vị Sơn Thần Thổ Địa ngày đêm hộ trì cho anh em tù nhân chính trị chế độ cũ.

Một buổi tối, thầy Tâm chỉ lên trên một đỉnh núi và hỏi tôi:
“Con có nhìn thấy gì không?”

-“Thưa thầy không.” Vì quả thật tôi chẳng thấy gì trên ngọn núi đó cả.

-“Trên đỉnh núi ấy, nhất là những đêm sáng trăng thì nhìn thấy rất rõ một vị Thần một chân đang chống gậy và nhìn về phía trại tù này. Đó là vị Sơn Thần vùng này.” Và thầy nói tiếp:

-“Các Sơn Thần Thổ Địa ở đây đều được lệnh là bảo vệ chúng ta trong trại giam này chính vì thế mà cuộc sống của chúng ta trong tù gần đây cũng đỡ vất vả hơn và ít tật bệnh nguy hiểm hơn.” “Con biết tại sao không?”

-“Dạ không.”

-“Bởi vì chúng ta có Chính Nghĩa, và bởi vì chúng ta biết thờ Trời, thờ Phật và các vị Thần Linh.” “Chúng ta mất Nước vì đó là Thiên Ý.”

Thầy bảo rằng chúng tôi đang phải trả nghiệp chướng cho chính mình và cho cả đất nước bị suy vong.
Tôi càng lúc càng thấy lời thầy nói là đúng vì những lúc cuốc đất đến hoa mắt trong mùa Hè nắng cháy da cháy thịt mà trên đầu chỉ có một chiếc nón lá đơn sơ; hay những ngày mùa Đông khi gió Bấc thổi qua từng cơn đứng giữa trời lạnh buốt mà hai chân trần đang đạp lên từng lớp đất sét dù đổ nước lên mà vẫn cứng như đá để sản xuất ra gạch ngói; thì tôi tự dưng nhận thức ra được rằng đây chính là cái nghiệp dành cho mình khi đất nước đã mất; và chính tôi phải gánh lấy và không một ai trên cõi đời này có thể làm hộ dùm mình.

Nếu từ chối nó thì vào nhà biệt giam cũng như nhau mà thôi. 
Trại Ba Sao, nhìn từ bên dưới thung lũng và đầm lầy nhìn lên thì sừng sững và kiên cố như một pháo đài thời Trung cổ đúc toàn bằng đá và chỉ liên lạc với thế giới bên ngoài qua một con đường đất sỏi đá độc đạo, ngoằn ngoèo chạy bọc quanh sườn núi từ trại qua khu gia binh đến thị xã.
Trong trại, hai dẫy buồng giam nằm hai bên ngăn cách bởi một cái sân rộng hình chữ nhật với hai vách tường cũng bằng đá được xây dựng lên bởi bàn tay của những người tù.
Khi chúng tôi chuyển trại về đây thì đã nghe một câu giống như sấm truyền từ những anh em sống trong trại kể lại:

"Bao giờ vách đá nở hoa, Nam Hà hội tụ thời ta lại về".

Vách đá làm sao mà nở hoa được, chúng tôi cứ thắc mắc mãi cho đến khi các nghệ nhân là những anh em khéo tay được phân công để trang trí và tô điểm lại trong khu sân trại và cho khu nhà ‘Văn Hóa” được nghệ thuật hơn. 
Một nhóm thì trồng các loại hoa trong khuôn viên của nhà “Văn Hóa”, và một nhóm khác thì khắc những bông hoa trên hai vách tường đá của khu sân trại ngăn đôi hai dẫy buồng giam, một bên là tù chính trị còn bên kia là giam tù hình sự.
   Từ đó, những đóa hoa đã nở ra trên vách đá và năm một chín tám ba thì các tù chính trị từ các trại khác cũng được lần lượt chuyển về hội tụ tại trại Ba Sao Nam Hà.  

Như vậy là “Vách đá đã nở hoa” và” Nam Hà đã hội tụ” nhưng cũng còn phải chờ đợi đến hơn ba năm sau nữa thì câu sấm truyền đó mới linh ứng.

Một điểm đặc biệt của khu giam tù chính trị là vụ “cầu cơ” và cụ Phan giáng bút cho những bài thơ thật là hay cả về hình thức lẫn nội dung.

Nhiều anh có ghi chép lại hàng chục bài thơ rất dài Đường Luật này và vừa cảm phục những áng thơ hay của Cụ vừa mừng vì trong ý thơ Cụ cũng hé mở những ánh sang hân hoan vui mừng cho người tù.

Cũng chính tại trại giam Ba Sao Nam Hà này mà nhiều giấc mơ kỳ diệu đã xẩy ra. Một đêm, không bao lâu sau khi tôi có cơ duyên gập được vị sư Nha Tuyên Úy ấy, thì tôi nằm mơ thấy mình đang đứng trước một vị Thánh Mẫu rất là uy nghi ngồi trên chiếc ghế to bọc vải mầu vàng lóng lánh kim tuyến giống như một cái ngai vậy.

Hai bên vị Thánh Mẫu có hai tiên nữ cầm quạt phe phẩy đứng hầu. Hai con mắt Ngài sáng như sao nhưng nhìn tôi thật là hiền từ và vẫy gọi tôi lại gần rồi hỏi tôi đúng một câu và Ngài phán cũng đúng có một câu.
"Con có phải tên họ là Đại, Phạm Gia Đại?"
"Cộng Sản nó sẽ không bao giờ thả con đâu, nhưng cuối cùng thì chúng cũng sẽ phải thả".
Nói xong thì Ngài và hai vị tiên cô biến mất, thoạt đến và thoạt đi, đúng là một giấc mộng linh hiển.
Tôi bèn đem giấc mơ này kể cho thầy Tâm là thầy của tôi nghe thì thầy nhìn tôi rồi bảo rằng đúng đó là vị Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thờ phượng và Ngài giáng xuống bảo tôi phải chuẩn bị để chấp nhận những thử thách lớn lao còn nữa sau này.

Thầy nói với tôi rằng Thầy cũng nằm ngủ thấy một giấc mơ giống như vậy tối hôm trước.

Thầy thấy một giòng sông mà nước đã cạn tới đáy nằm trơ ra mấy chục con cá mà lạ lùng thay là một trong những con cá đang nằm thoi thóp đang còn quẫy đuôi trên đáy sông đó lại chính là tôi.

Vào tháng Chín năm một chín tám bẩy và đầu năm dịp Tết Nguyên Đán năm một chín tám tám mới có hai đợt thả tù nhân chính trị chế độ cũ lớn nhất.

Sau hai đợt thả này thì trong toàn trại, tù chính trị chỉ còn sót lại chín mươi người cuối cùng trên đất Bắc và tôi là một trong số đó.

Đợt thả lớn đầu tiên vào tháng Chín năm một chín tám bẩy khi tất cả các vị Tuyên Úy Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Tin Lành được ra khỏi trại Nam Hà thì tôi và mấy người bạn có qua thăm thầy Tâm và Thượng Tọa Thích Thanh Long thì thầy Long có bảo tôi rằng phải bốn tháng nữa, đến Tết mới có một đợt thả lớn và các anh ráng giữ gìn sức khỏe.

Lúc đó tôi không tin và nghĩ rằng chỉ vài tuần lễ nữa là họ sẽ thả hết tất cả tù chính trị, vì tin tức gia đình đem vào cho biết là phái đoàn của cựu đại tướng John Vessey, Đặc Sứ của Tổng Thống Ronald Reagan đã thương thuyết thành công sau bao nhiêu là khó khăn và phía Bắc Việt đã đồng ý thả hết. 
Quả thật là sau đó không có một đợt thả nào nữa cho đến Tết năm một chín tám tám mới có đợt thả lớn lần thứ hai.

Tôi nghĩ rằng thầy Long là một vị chân tu và nhờ vào thiền và tu hành từ nhỏ mà thầy đã biết được nhiều chuyện quá khứ và vị lai nhưng chỉ nói ra khi thật cần thiết để nâng đỡ tinh thần những người tù còn ở lại.

Khi thầy trò chia tay nhau để tôi vào trại và quí thầy lên xe ra ga Phủ Lý lên xe lửa xuôi về Nam, thầy Tâm kể cho tôi nghe về giấc mộng linh thiêng báo cho thầy biết hạn tù đã hết. 
Một tuần trước, thầy nằm mơ thấy Sư Ông là vị thầy của thầy Tâm, người đã bị Việt Minh sát hại một cách man rợ tại một địa điểm gần chùa Châu Viên tỉnh Châu Đốc trong chiến tranh Việt Pháp.

Giấc mơ này y như trong truyện kiếm hiệp mà tôi đọc ngày xưa.

Sư Ông đứng bên ngoài bức tường thành bằng đá của trại giam và cố gắng dùng chưởng lực của mình để đánh sập bức tường này hầu cứu người đệ tử của mình và các anh em tù nhân khác ra nhưng tất cả sức mạnh của Sư Ông như chỉ dội lùng bùng vào một bức tường không phải bằng đá mà là bông gòn và không thể đánh thủng được nó.

Chưởng lực của Sư Ông cuồn cuộn công phá vào vách đá nhưng bức tường chỉ hơi rung rinh như mặt nước bị khuấy động một chút rồi lại trơ ra vô tri vô giác như vách núi và không sao phá thủng được vách tường bao quanh khu trại giam.

Con có biết tại sao không? Thầy hỏi tôi rồi nói bức tường đá đó chính là cái nghiệp chướng u minh quá nặng đã vây kín khu trại giam bao nhiêu chục năm nay không cho người tù thoát ra được.
Thầy thấy sau lưng Sư Ông chợt xuất hiện các vị Sơn Thần, Thổ Địa và Đức Thánh Mẫu với bao nhiêu phép thần thông đang hỗ trợ cho Sư Ông mà vẫn chưa phá thủng được nó. 
Thầy chợt nhìn ra phía xa xa thì thấy thấp thoáng bóng hình ẩn hiện của Đức Phật Bà Quán Thế Âm từ hướng ngọn núi của chùa Hương Tích và Ngài vừa ra tay ban phép lành thì bức tường bị phá thủng ngay một lỗ hổng lớn rồi như một phép lạ, thầy và các bạn tù được hút bay ra khỏi lỗ hổng đó ra ngoài trại giam. Đến đó thì thầy giật mình tỉnh dậy.
Bức tường đá đó tượng trưng cho u minh nghiệp chướng bao nhiêu đời của khu trại giam; và sự xuất hiện của các vị Thánh Thần, Đức Thánh Mẫu và Phật Bà Quán Thế Âm là điềm báo hiệu cho sự chịu đựng những nghiệp chướng của những tù nhân đã được hoàn thành viên mãn và cũng đã trả xong nợ tù đầy cho mình và nghiệp cho đất nước.
Thầy trò tôi chia tay nhau kẻ ở người đi và phải mất năm năm sau thì tôi mới được gập lại thầy tại chùa Thới Hòa, đường Quang Trung, quận Gò Vấp, Sàigòn. 
Thời gian sau hai đợt thả lớn đó trôi qua thật là lặng lẽ và nặng nề.

Mùa Đông năm ấy còn ảm đạm rét mướt và mưa phùn gió Bấc nhiều hơn những năm trước nữa. Trong lòng thì buồn bã và ngoài trời thì giông bão, có lẽ ông Trời cũng cảm thương cho chín mươi người tù còn lại tại miền Bắc quá xa xôi cái nắng ấm của miền Nam.

Tinh thần chúng tôi lúc đó xuống rất thấp vì số còn lại quá ít chỉ còn chín mươi người trong số hàng trăm ngàn người khi mới ra Bắc trước kia, và cũng không biết cái gì sẽ xẩy ra nữa, chỉ biết là cố gắng mà sống vậy thôi.

Rồi một cái Tết không vui và một mùa Xuân như không còn tiếng cười nữa thì chúng tôi mới được lệnh di chuyển vào miền Nam nhập vào trại Hàm Tân Z-30D trong tỉnh Bình Thuận vào tháng Năm năm một chín tám tám.
 
Trong khoảng hai năm cuối tôi ở trong trại Hàm Tân thì anh em tù nhân chính trị chế độ cũ chợt bỗng dưng xôn xao hẳn lên không phải vì tin tức các anh em đã được thả về trước đang chuẩn bị ra đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình H.O. mà vì nhiều người đã được vị Thổ Thần báo mộng cho ngày trở về một hai ngày trước khi trại đọc lệnh tha ra khỏi trại giam.

Một trong những anh em đó là Thiếu Tướng Tất của Biệt Động Quân, hay anh Nguyễn Công Hầu, Thiếu Tá ANQĐ, đã kể lại cho tôi nghe.

Sau đó còn nhiều người khác nữa đều mô tả giống nhau về vị Thổ Thần này râu tóc bạc phơ và chống cây gậy trúc đã hiện ra và báo mộng ngày về của họ.

Tôi nghĩ rằng nghiệp chường tù đầy của các anh em chúng tôi đã đến hồi chấm dứt nên những hiện tượng tâm linh như vậy mới xuất hiện trong giấc chiêm bao có vị Thổ Thần mang niềm vui và ánh sáng chiếu rọi vào trong trại giam.
Mùa Xuân năm một chín chín hai, tôi cũng không ngờ đó là mùa Xuân cuối cùng tôi ăn Tết trong trại. Lúc đó vào cuối mùa Xuân và gần cuối tháng Tư, tôi lại thấy một giấc mộng thật lạ kỳ mà vẫn còn nhớ như mới ngày nào.

Trong giấc mơ tôi thấy ông cụ thân sinh ra tôi hiện về rõ ràng như người còn sống vậy, và không phải là vị Thổ Thần, mà chính là ông cụ tôi đã báo trước cho tôi biết ngày được trở về.
Sáng hôm sau đi ra lao động trong khu lán trai của đội 23– lúc đó chỉ còn hai mươi người kể cả bốn ông Tướng Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Đỗ Kế Giai và Lê Văn Thân, tôi kể lại cho các bạn nghe thì ai cũng bán tín bán nghi.

Sau bao nhiêu năm sống như một cái bóng trong các trại giam từ Nam ra Bắc rồi lại từ Bắc vào Nam, hai chữ Tự Do hình như quá xa vời khỏi tầm tay và có vẻ huyền hoặc.
Ông cụ thân sinh ra tôi bảo rằng bỏ ngày thứ Hai sắp đến, thứ Hai nữa thì tất cả các anh sẽ được thả về. Tôi cứ suy nghĩ mãi vì ông cụ tôi đã mất ba chục năm rồi không lẽ vẫn chưa đầu thai hay vẫn chưa được siêu thoát? 
Rồi thời gian vẫn chầm chậm trôi qua và mọi người lại sinh hoạt như một cái máy và quên đi giấc chiêm bao đó của tôi.
Đúng vào buổi sáng ngày Thứ Hai đó, trong lúc anh em đang sửa soạn chờ xuất trại đi lao động như thường lệ thì được lệnh lên hội trường chờ trại trưởng đến nói chuyện. 
Tất cả hai mươi người anh em chúng tôi ngồi lọt thỏm trong cái hội trường rộng mênh mông có thể chứa đến hàng ngàn người để chờ đợi khoảng một tiếng đồng hồ sau thì có một tay Thượng Úy đại diện trại đến nói vài câu chuyện xong phát cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để viết kiểm điểm lại những ưu khuyết điểm trong thời gian vừa qua.
Chúng tôi nhìn nhau không hiểu cái gì sẽ xẩy ra?
Sau khi tên Thượng Úy thu góp hết các tờ giấy lại thì hắn mới lôi ra trong túi một lệnh tha các anh em còn lại ra khỏi trại giam, và đọc tên từng người một và ra lệnh mau chóng tập trung để xe đò sẽ đưa về Sàigòn.

Rất may là mọi người đều có kinh nghiệm sau bao nhiêu năm sống dưới chế độ Cộng Sản và nhất là trong trại giam nên chỉ khai rất ngắn gọn vì nếu mà tên Thượng Úy này có điều gì nghi ngờ thì người đó có thể sẽ phải ở lại để "làm việc".
Chúng tôi đều thở ra một cách nhẹ nhõm và trở lại buồng giam để thu dọn hành trang. Đến lúc đó thì tôi mới kêu mấy thằng bạn thân lại và nhắc đến sự chính xác trong giấc mơ mười ngày trước đó mà ông cụ thân sinh ra tôi đã hiện ra báo mộng ngày những người tù cuối cùng được thả ra khỏi trại.

Khi chiếc cổng sắt đóng lại đằng sau lưng chúng tôi thì tôi nhìn lên Trời, bầu trời hôm đó xanh ngắt không một bóng mây và tôi thầm cảm ơn Trời Phật.

Cuối cùng thì tôi cũng có được một ngày trở về

Phần XII: Tình Người Nơi Chốn Không Cùng

Có nhiều người đã hỏi tôi là lý do nào, động cơ nào đã giúp cho tôi sống sót được sau bao nhiêu là năm tháng trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn và đầy ải khổ nhục trong ngục tù?

Câu hỏi đó tôi không thể nào diễn tả lại được thật đầy đủ trong một câu trả lời bởi vì không phải chỉ có một lý do, một động cơ, mà có rất nhiều yếu tố đã giúp cho những người tù có thể tồn tại. Chính ngay những người tù khi bước chân ra khỏi trại giam thì họ cũng tự hỏi và phân vân tại sao mình vẫn còn sống sót được?

Trong những yếu tố căn bản cần phải nêu lên thì gia đình bao gồm vợ con, Bố Mẹ, anh chị em, họ hàng đã cưu mang, đến thăm, tiếp tế các nhu yếu phẩm và thuốc men tiền bạc cho họ trong tù là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, những lời nguyện cầu của gia đình và của chính họ hằng đêm cũng thấu đến Trời Xanh và Ơn Trên, Trời Phật đã nhủ lòng thương và ban phép lành cứu vớt những con người cùng cực trong lưu đầy đó và ban cho họ một nghị lực và một sức chịu đựng phi thường để vượt qua được những cơn phong ba bão táp tưởng nhiều lần đã vùi chôn cuộc đời họ trong bốn bức tường trại giam.

Nhưng có một yếu tố rất nhân bản đã giúp cho những người tù thêm sức mạnh trong cái chốn không cùng ấy chính là Tình Người với hai chữ viết hoa.

Trong một nơi chốn mà chỉ thấy toàn chết chóc, bệnh tật, khổ ải như một địa ngục, nơi mà con người không có quyền được sống như một con người hay còn thua một con vật thì Tình Người trong đó là Tình Bạn nở ra lung linh như giọt sương ban mai và tỏa sáng như cành Hoa Sen giữa chốn bùn lầy.

Tình Người mà trong đó là tình đồng đội, là tình anh em chiến hữu đồng cam cộng khổ trong cảnh tù tội, là tình bạn chia sẻ với nhau từng hạt muối, từng điếu thuốc lá thuốc lào trong những ngày Đông băng giá, chia sẻ những giọt mồ hôi nhọc nhằn của những tháng năm lưu đầy và lao động cưỡng bức trong một môi trường phi nhân tính.

Càng ở lâu trong tù thì cái Tình Người, tình bạn ấy lại càng thắm thiết và gắn bó, càng nương tựa vào nhau và đem cho nhau thêm sức mạnh.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng vợ chồng trước kia cũng không ở với nhau mỗi ngày hai mươi bốn tiếng và một tuần bẩy ngày như thời gian chúng tôi trong trại giam được.

Trong những năm đầu lưu đầy trên xứ Bắc với một năm chỉ hai bộ quần áo tù và đôi dép râu cho lao động, chúng tôi đã phải tự kiếm cho mình một đôi guốc mộc, phải nói là nhờ vào các anh trong đội Mộc rất nhiều mới cung cấp đủ guốc và sau đó hầu như ai cũng có một đôi.

Một hôm, tôi đang đi đôi guốc trên hàng hiên bước xuống sân thì trặc chân một cái và bị bong gân, bàn chân bên phải sưng vù lên một cách nhanh chóng và không biết phải làm sao thì anh Trung, Đại Úy Cảnh Sát Đặc Biệt và đệ tam đẳng huyền đai Thái Cực Đạo đã lại bên cạnh dìu tôi vào chỗ nằm và chữa cho tôi. Anh nói phải ráng nhịn đau thì mới chữa được nếu không để đến ngày mai thì chỉ có nước lết đi thôi.

Tôi bám chặt hai song sắt chịu đau và nhờ anh nắn lại ngay chỗ gân bị bong, tôi thấy đau thấu xương luôn nhưng khoảng chỉ mười phút thôi là thấy chỗ sưng từ từ xẹp xuống thật là hiệu quả nhanh chóng và mấy ngày sau thì tôi đi lại được như thường.

Sau đó thì tôi quen thân với anh và lại càng cảm thương cho anh hơn khi biết người vợ mới cưới của anh trước khi anh đi tù đã bước thêm bước nữa. Tuy vậy anh vẫn luôn vui cười với mọi người và hòa đồng với anh em và được mọi người thương mến.

Trong trại tôi ở có hai anh là huấn luyện viên về Thái Cực Đạo cho Cảnh Sát Quốc Gia và đều là đệ tam đẳng huyền đai là anh Trung và anh Xuân, không kể thầy Khuê là đệ tam đẳng Nhu Đạo của võ đường Quang Trung.
Tuy nhiên hành động anh tình nguyện đứng ra cứu giúp ông nguyên viện trưởng viện đại học Cần Thơ là Nguyễn Duy Xuân mới làm cho tôi cảm phục anh nhiều hơn.

Trong ba năm đầu thì ông Xuân tương đối khỏe mạnh và khi đó không hiểu sao lại ông lại thích mặc áo quần mầu đà như những tu sĩ tại gia, có thể lòng ông đã hướng về sự tu hành rồi, nhưng mỗi buổi sáng ông thường rất siêng năng luyện tập thể dục đều đặn.

Ít lâu sau, ông có triệu chứng ăn không tiêu hóa được và nhờ có gia đình vợ con ở bên Pháp gửi về thuốc lọc máu vì nghĩ rằng trong tù ăn uống không được  vệ sinh. Lúc đó sức khỏe tôi không khá nên ông Xuân có bảo tôi lấy vài gói về uống thử xem sao. Tôi từ chối vì ông là người cần thuốc hơn.

Thế rồi ông sụt cân mau lẹ và ăn uống rất là khó khăn và cuối cùng phải khênh xuống bệnh xá trong trại lúc ấy có bác sĩ Trương Như Quýnh trước kia tôi nghe nói ông làm việc tại bệnh viện Sàigòn, và anh Đại Tá Đức, trước thuộc lực lượng Đặc Biệt,  trông nom.

BS Quýnh là anh của Trương Như Tản trong Mặt Trận Giải Phóng và sau 1975  khi chiếm xong miền Nam thì Bắc Việt trở mặt và loại bỏ các người có công trong Mặt Trận và Thành Đồng trở thành Đồng Nát.

Vì vậy Trương Như Tản đã phải bỏ nước trốn đi và tố cáo Hà Nội đã diệt trừ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau khi đạt được chiến thắng.

Sau cả sáu tháng trời ông Xuân được điều trị tại bệnh xá và đưa ra thị trấn chẩn bệnh thì BS Quýnh một hôm nói nhỏ với tôi và anh Triệu Huỳnh Võ là ông Xuân bị cancer bao tử. Cả hai đứa tôi đều bàng hoàng khi nghe tin ấy vì ông Xuân rất là trí thức, hiền hòa và dễ mến không ngờ lại mắc phải chứng bệnh quái ác này.

Ông Quýnh nhìn chúng tôi lắc đầu nhưng vần đề ở đây là cần phải có một người túc trực bên ông Xuân vì ông Xuân không còn khả năng tự ăn cháo hay uống nước được nữa.

Khi đó thì anh Trung xuất hiện và anh tình nguyện xin xuống bệnh xá để tự tay chăm sóc cho ông Xuân những tháng ngày cuối đời.

Anh Võ, trước kia là Thứ Trưởng Bộ Thông Tin VNCH, và tôi rất là thân nhau và mỗi buổi chiều sau giờ lao động về trại thì vội vàng ăn qua loa để xuống thăm ông Xuân cho kịp trước giờ kẻng đánh vào buồng.

Khi ông Xuân còn tương đối tỉnh táo thì ông thường hay hỏi tôi về thời sự bên ngoài và về việc Mỹ can thiệp thả tù nhân có hay không?

Tôi cố tóm lược một số tin quan trọng lien quan đến vấn đề này cho ông nghe là mọi việc đang tiến triển tốt nhưng trong lòng lại nghĩ rằng có lẽ khi nó đến thì đã quá trễ rồi vì bệnh của ông đang phát ra rất nhanh.

Ông nắm tay tôi và nói:

-“Anh hãy nhớ rằng mai mốt có người bạn của anh nằm trên ngọn đồi ngoài kia nhe!”.

Tôi vội quay mặt chỗ khác để ngăn sự xúc động và cố an ủi ông:

-“Ông viện trưởng đừng quá bi quan, BS Quýnh của mình rất là giỏi và sẽ cố chữa cho ông mà, đừng lo.”

Thực ra thì ngay ngoài đời cũng còn bó tay với căn bệnh này, huống chi trong trại giam thiếu đủ thứ thuốc men và phương tiện.

-“Sao anh cứ gọi tôi là viện trưởng vậy?”

-“Chúng ta mất hết cả rồi nhưng cái học thức của mình thì không mất.”

Từ khi anh Trung xuống bệnh xá thì ông Xuân vui hẳn lên và tinh thần cũng phấn chấn hơn nhưng chẳng ai thoát khỏi Định Mệnh.

Lúc đầu anh Trung còn đút cho ăn được vài thìa cháo, sau thì BS Quýnh nói rằng nó đã di căn từ bao tử lên chẹt lấy cổ họng rồi nên ông Xuân phải khó khăn lắm mới nhấp được vài giọt nước cầm hơi.

Một hôm khi tôi và anh Võ xuống đến nơi thì tôi không cầm được nước mắt nữa vì nhìn ông Xuân chỉ còn đúng là một bộ xương và cái đầu chỉ còn là một cái sọ người không hơn kém. Nếu không có cái môi trên còn mấp máy một chút thì đó là một bộ xương của người đã chết rồi mà thôi.

Tôi và anh Võ lại nói chuyện một lát với BS Quýnh và anh Đức rồi vội về buồng.

Anh Đức tại bệnh xá một hôm kể cho tôi nghe về Mẹ của anh cũng bị cancer ruột trước năm 1975 và chỉ còn nằm chờ ngày ra đi mà thôi nhưng cụ vẫn kiên tâm hàng đêm niệm Phật và cầu nguyện Đức Phật Bà Quán Thế Âm.

Thế rồi một buổi tối khi đang ngủ thì Mẹ anh nằm mơ thấy Phật Bà hiện về sáng một góc trên Trời và Ngài rưới bình nước Cam Lồ xuống đúng vào miệng của Mẹ anh và Mẹ anh uống được một hớp nước thánh ấy.

Ngày hôm sau cụ tự nhiên thấy trong người khỏe lại và đòi ăn cháo rồi ăn cơm và dần dần bình phục hoàn toàn trước con mắt kinh ngạc của vị bác sĩ điều trị cho cụ. Anh nói rằng chính là Mẹ anh đã khỏi bệnh một cách diệu kỳ như vậy cho nên anh mới tin và theo đạo Phật, nhưng anh không biết cụ đã khấn nguyện những gì, nếu biết thì anh sẽ khấn cho ông Xuân.

Chỉ vài ngày sau thì ông Xuân qua đời đúng vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền.  Hôm đó là một ngày mùa Đông tiết trời ảm đạm mây xám giăng mắc đầy trời, gió Bấc thổi từng cơn lạnh buốt qua ngọn cây và lùa vào trong buồng giam.

Có lẽ ông Trời cũng thương cảm và tiếc nuối cho một nhân tài của đất nước vừa nằm xuống.

Bệnh xá đã đề nghị nhiều lần khi ông Xuân mới phát hiện ra bệnh xin cho về nhà để mau ra thì kéo dài thời gian gập đựợc vợ con nhưng các đơn xin đó đều bị bác.

Chính tôi cũng không hiểu sao họ ác độc đến độ không cho ông về nhà một thời gian để được chết bên cạnh người thân.

Ông trước kia chỉ là viện trưởng đại học và dù có tham gia vào Nội các cuối cùng của Dương Văn Minh đi chăng nữa thì ông cũng đâu có làm gì đến độ Cộng Sản họ phải căm thù mà nhất định không tha ông trong những ngày ông lâm trọng bệnh cuối đời?

Điều mà tôi rất khâm phục ở ông viện trưởng là khi biết mình mang trong người căn bệnh nan y của thê kỷ và hết phương thuốc chữa trong tình trạng tù tội nữa thì ông Xuân rất là bình tĩnh và sống với một thái độ can đảm chấp nhận chứ không than thân trách phận hay lộ vẻ bi quan.

Ngay cả khi căn bệnh phát  tác dữ dội và di căn lên chẹt ngang cổ họng gây khó thở, bao nhiêu là đau đớn, và không uống được dù là chỉ vài giọt nước thì ông vẫn bình thản đón chờ thần chết đang dần đến bên giường.

Anh Trung sau mấy tháng trời thức đêm thức hôm trông coi người bệnh thì người sút giảm trông thấy, nhưng anh vẫn gắng gượng cười nói chuyện với các bạn xuống thăm ông Xuân.

Đến khi ông Xuân mất thì anh Trung trở về ở cùng buồng giam với tôi và anh gần như kiệt sức và nhuốm bệnh. Tôi thấy buổi tối anh tìm cách xông hơi để ra bớt chất độc trong người nhưng không có phương tiện nên anh phải trùm chăn kín với cây đèn dầu hôi bên trong và ngồi dưới đất trong một góc phòng suốt ba đêm liền thì mới thấy anh tỉnh người ra một chút.

Trước khi chuyển trại thì chúng tôi có dịp đi làm cỏ ngọn đồi nghĩa trang và tôi có dịp tảo mộ và dựng lại tấm bia cho ông Xuân lần chót.

Ngọn đồi này trại không chịu làm hàng rào quanh khu nghĩa trang nên chỉ một thời gian sau là trâu bò qua lại sẽ phá húc đổ hết các mộ bia và dẫm đạp lên cả mộ phần nhưng cũng chẳng mấy ai quan tâm.

Ngày mà tôi được “biên chế” về đội gạch, tôi cũng không ngờ rằng công việc lao động lại quá nặng nề khủng khiếp đến như vậy như vậy, chả trách nào mà đội gạch được coi như đội trừng giới và bên tù chính trị bị kỷ luật xong thì đều thẩy về đội này.

Chỉ sau hai tiếng lao động của ngày đầu tiên thì chúng tôi mới biết thế nào là lao động khổ sai, hầu như ai cũng oải vì toàn thân đau nhừ và trong 15 phút “giải lao” thì đều nằm xõng xoài trên những tấm phên bằng tre nứa để nghỉ mệt.

Tay quản giáo đầu tiên đi qua nhìn chúng tôi rồi nửa đùa nửa thật:

-“Sao đã rã xương ra chưa?”

Tụi tôi vì quá mệt nên cũng chẳng ai buồn lên tiếng.
Khi con người ta gập phải những gian nan và hoạn nạn thì hầu như ông Trời cũng hé mở cho con người ta một con đường sống.

Trong những ngày tháng đầu tiên làm gạch, từ xúc đất sét chở về khu sản xuất của đội bằng xe cải tiến, đến đạp bằng chân trần những cục đất sét cứng như đá cho nó mềm ra để sang mai đánh chúng thành những bánh, rối cắt chở vào cái máy cũ kỹ cho ra từng viên gạch còn mềm, đem ra phơi nắng, rồi gánh chúng vào lò nung ba ngày đêm thành những cục gạch, tôi cứ nghĩ rằng mình đang làm một công việc quá sức người và chỉ một thời gian ngắn là phải bỏ cuộc.

Nhưng trong hoàn cảnh cực kỳ khó nhọc đó, tình bạn, tình đồng đội xuất hiện như một vì sao chợt sáng chói trên vòm trời, vì hình như tất cả anh em trong đội đều cùng một nhận định như vậy và cùng hiểu rằng nếu mình không cùng chung lưng lại làm được thì không có ai phụ giúp mình được cả - và đây là cái giá phải trả cho người thua trận.

Khi ấy anh Võ và tôi đều trong đội gạch, anh ở tổ máy còn tôi tổ đất nhưng không hiểu sao anh rất mến tôi và có gì đặc biệt là có mặt tôi.

Khi mới được thăm nuôi thì anh Võ có ít cà phê và phích đựng nước sôi. Trong đó nhất là vào mùa Đông mà có phích nước nóng thì không còn gì mơ ước hơn.

Mỗi buổi trưa có hai giờ để nghĩ ngơi tại buồng nên khi vừa ăn xong cái bánh bột hấp là khẩu phần ăn trưa thì anh pha một phin cà phê đen với cái vợt pha cà phê tự tạo, và ra dấu cho tôi qua cùng thưởng thức. Các bạn thì đều đang nằm sắp lớp như cá mòi trên ván gỗ để tìm giấc ngủ hầu lấy sức lại cho buổi lao động chiều nên tôi bước nhè nhẹ qua từng người một đến chỗ anh Võ.

Ngồi nhấp ngụm cà phê đầu tiên và khi tôi gật đầu là anh biết hôm đó anh pha ngon. Hai đứa cùng im lặng thưởng thức những giọt cà phê xong không ai nói với ai một tiếng, rồi về tìm giấc ngủ. Tình bạn đơn giản như vậy nhưng thật khó mà quên được.

Ngoài ra, uống trà không ngờ vừa là một thú vui trong tù nhưng cũng đem lại những người bạn cùng hợp “gu” với nhau. Anh Đại Úy Sơn Không Quân, Thiếu Tá quận trưởng “Y-Trong”, ông bầu Ngọc, anh Xuân võ sư, những anh Thiếu Tá Cảnh Sát Đặc Biệt như Huỳnh Thanh Nhơn, Nguyễn Hữu Trân, hay chú Wòng người Tầu, đều là những bạn trà tâm đắc của tôi một thời trong tù.

Uống trà nó có hai cái lợi là giải khát trong mùa Hè và sưởi ấm người trong mùa Đông. Vào mùa Hè, nhiều khi quá khát mà uống bao nhiêu nước cũng không hết khát, hoặc nhiều khi khát quá uống liều cả nước sông có thể gây ra nhiễm trùng đường ruột, nhưng chỉ một vài chung trà nhỏ là hết khát ngay.

Cũng như mùa Đông lạnh lẽo, buổi tối ngày thứ Bẩy ngồi quay quần với nhau ở tầng trên, vì là kín đáo hơn, bên cạnh một ấm trà nóng với vài bi thuốc lào hay vài điếu thuốc lá rồi uống chung trà “móc câu” và nghe buổi văn nghệ bỏ túi thì không còn gì hơn khi ngoài trời gió Bấc vi vu thổi từng cơn qua các hàng cây. Ngoài Bắc họ gọi trà “móc câu” là những đọt trà non xấy lên xoăn lại giống như hình móc câu.

Bởi thế dần dần trà trở thành một thú tiêu khiển của chúng tôi lúc nào không hay, nhưng vẫn không bì được với bên hình sự, họ uống trà với xác trà ngập lên đến một nửa lon guigoz, đắng nghét.

Trở lại với thành phần trong đội thì đa số là các anh cấp Úy còn trẻ tuổi từ trại Thạnh Mỹ Tây trong Nam chuyển ra Bắc theo tầu Sông Hương hay từ Hoàng Liên Sơn và Vĩnh Phú chuyển về, nhưng trong đó lại có vài người lớn tuổi như bác A., trước là Hội Đồng tỉnh, hay một anh nghĩa quân nữa, không hiểu sao cũng bị đưa ra Bắc.
Vì bác A. lớn tuổi nên thường khi ra lao động các anh trong đội vẫn nhường cho bác công việc nhẹ nhất hay nấu nước uống cho đội.

Thời gian ấy thiếu ăn thiếu mặc thiếu cả chất đường và muối nữa. Trại cấm tích trữ muối và chỉ thỉnh thoảng họ mới cho một ít “nước chấm”. Tụi tôi tưởng là nước mắm nên cũng mừng nhưng họ là siêu đẳng về môn lừa bịp và lường gạt cho nên “nước chấm” thực chất chỉ là nước muối pha loảng. Vì lao động mất rất nhiều chất muối trong người mà họ không cung cấp muối cho mỗi khẩu phần ăn cho nên nhiều người mới xỉu khi đang lao động tại ngay hiện trường.

Mỗi tháng mỗi tù nhân được cấp cho ba đồng để tiêu vặt, sau khi mua kem đánh răng, sà bông, vài bao thuốc lá hay thuốc lào thì tôi vẫn dư ra được khoảng một đồng. Một hôm bất ngờ trại cho bán bánh nướng và xe của nhà bếp lọc cọc kéo đến bên ngoài cửa sổ của từng buồng để bán, bán chứ không cho.

Bác A. cũng giống như một số anh khác là luôn luôn cạn tiền bởi vì ba đồng bạc đâu có là bao, và trong đội thì bác mến tôi nhất cho nên mỗi lần như thế thì bác lại nhìn tôi và tôi lại ra dấu cho bác cứ mua đi. Các anh em cũng chung lại với nhau để rồi cuối cùng thì ai cũng có một miếng bánh ăn cho vui buổi tối nhất là trong người đang thiếu chất ngọt dù là nó cứng vì làm bằng bột gạo và nhân thì chỉ pha ít bột đậu xanh không thơm ngon và mềm như bánh Trung Thu mà chúng tôi mơ tưởng nhưng cũng ấm lòng đôi chút vào mùa Đông.

Khoảng thời gian làm mẻ gạch để nung đầu tiên thì đầy những khó khăn và cực nhọc nhưng không ai bảo ai chúng tôi cùng nhẫn nhục chịu đựng, cố hết sức nương vào nhau, chia sớt nhọc nhằn để cùng nhau làm xong các chỉ tiêu mà họ giao cho mỗi ngày.

Có những hôm tôi tưởng không còn hơi sức mà lao động nữa nhưng nghĩ đến nếu mình bịnh nghỉ ở nhà thì các bạn mình lại phải gánh thêm một chút trên vai nên lại cố đi cùng với đội ra lao động.

Mỗi người ai cũng quyết tâm như vậy cho nên những mẻ gạch đầu tiên đã ra lò thành công ngoài dự tính cả về số lượng và chất lượng và tay Tự Giác là một anh tù hình sự chung thân và tay quản giáo đội vô cùng mừng rỡ. Quả thật tôi cũng không ngờ rằng các bạn mình trước kia chỉ quen cầm súng nay lại tài giỏi như vậy dù là sức khỏe chẳng còn bao nhiêu. Đúng là thời thế tạo anh hùng.
Tay quản giáo rất trẻ tên Tâm là một người tương đối hiền lành nói rằng trong đội có những anh là kiện tướng về lao động nên mới đạt được thành qủa như vậy, anh ta cũng tỏ ra rất là vì nể những người tù chính trị này cho nên mỗi khi ra chỉ tiêu cho đội thì nói rất là ôn tồn, chứ không có vẻ nghênh ngang như tay quản giáo trước, hay lúc nào cũng la lối như các quản giáo khác bên tù hình sự.

Anh ta cũng còn khen là đội gạch có nhiều anh đẹp trai hơn mấy đội khác nữa làm chúng tôi nhìn nhau mỉm cười không biết y có cà tửng hay không.

Về sau khi ngồi uống trà trong giờ “giải lao” anh ta tâm sự với chúng tôi thì tôi mới hiểu lý do là khi anh về quê thăm cha mẹ thì hai ông bà thân sinh ra anh đều bảo anh phải đối xử tử tế với những người tù chính trị này.

Không những quản giáo vì nể mà ngay cả anh tự giác là chuyên viên về nghề gạch của đội sau một thời gian làm việc chung với chúng tôi cũng tỏ lòng kính trọng và có gì cũng luôn bàn bạc với các anh em có trách nhiệm trong đội chứ không dám chuyên quyền, trong khi các trật tự hay tự giác khác đối với tù hình sự thì họ thẳng tay không thương tiếc đôi lúc chúng tôi cũng bất nhẫn nhưng không thể can thiệp được.

Vào mùa xuân và mùa Thu thì việc lao động tương đối bớt cực khổ một chút nhờ thời tiết mát mẻ. Mùa Hè thì khủng khiếp với cái nóng đến nung người mà phải ở ngoài trời suốt ngày và thỉnh thoảng lại thấy có người xỉu vì trúng nắng.  Mùa Đông là mùa chúng tôi sợ nhất vì ngoài cái băng giá mưa phùn gió Bấc là những cục đất sét nó cứng còn hơn đá mà phải rưới nước và dầm nó mềm ra bằng đôi chân trần của mình.

Đội gạch, đội ngói, đội rau xanh, và đội mộc, đội rèn là những đội đã đem lại nguồn lợi nhuận to lớn cho trại, không những đã giúp trại tự túc được về lương thực mà còn dư ra nữa.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn chỉ được 15 cân quy ra chất bột mỗi tháng không hơn, thỉnh thoảng thì họ thưởng cho một bát rau muống luộc là hết, tiền dư ra không hề biết họ làm gì.

Họ dùng chữ chất bột, ban đầu tôi cứ nghĩ là gạo nhưng khi họ cấp phát thì toàn là sắn hay miền Nam gọi là khoai mì khô có khi đã mốc meo hay khoai tây nhỏ xíu thứ không bán được giá, hay khi thì bo bo, bánh bột hấp, v.v. thì cũng không ai thắc mắc gì được.

Chính là tình anh em đồng đội đùm bọc lấy nhau và sự can đảm chấp nhận cái lao động khổ sai đã giúp cho chúng tôi sống sót qua được giai đoạn đầy gian khổ ấy.
Một đêm khi đang ngủ thì anh Trãi, Quốc Gia Hành Chánh, đánh thức tôi dậy và nói rằng cậu Út nằm bên cạnh đang ói mửa ra đầy cả mùng chiếu.

Anh Trãi và cậu Út đều là hai người làm việc rất giỏi của đội và ba người chúng tôi nằm cạnh nhau ở sàn trên. Trong ba người thì anh Trãi lớn hơn tôi và Út nhỏ nhất nên thường gọi cậu ta là Út.

Hỏi ra thì tôi mới biết là Út uống thuốc tự tử nhưng bị phản ứng thuốc.

Tôi bèn bảo Út vào trong mùng ngủ chung với tôi đêm đó và ngày hôm sau khi ra lao động tôi cố sức khuyên:

-“Út à! Đừng có dại dột làm vậy nữa nhe. Ít nhất thì Út cũng nghĩ đến Má ở miệt quê vẫn ngày đêm trông chờ Út về”.

Tuy nói như vậy nhưng tôi hiểu rằng cuộc sống trong tù quá là cực nhọc, không có một tia ánh sang nào cho người tù bám vào để mà hy vọng, chỉ còn nhìn về gia đình như cái phao cấp cứu, nhưng người yêu và là hôn thê của Út đã lập gia đình thì đi tìm cái chết cũng không có gì là lạ.

-“Út không có hứa gì với anh được vì lần sau Út biết rồi, uống một liều là đi luôn.”

Luôn hai ngày tôi theo sát bên Út và không thể tìm cách nào mà thuyết phục cậu ta được vì nói gì thì Út cũng khăng khăng bác đi.

Tôi suy nghĩ mãi và trong lòng rất lo lắng vì biết cậu ta nói là làm và lần sau mà Út tự tử thì không biết lúc nào mà ngăn cản được.

Một hôm tôi kéo  Út ra một góc sân vắng chỉ có hai người và tôi đã tìm mọi lý lẽ để thuyết phục, tìm cách trả lời hết những câu hỏi của Út thì cuối cùng Út móc ngéo ngón tay tôi và hứa sẽ từ bỏ ý định tự tử.

Tôi vô cùng mừng rỡ và báo tin cho anh Trãi biết và chúng tôi lại sánh vai nhau với các anh em hàng ngày xuất trại đi lao động bình thường.

Sau này có cơ duyên gập được thầy của tôi là Hòa Thượng Thích Thiện Chánh thì thầy Tâm có bảo tôi rằng:”Cứu một mạng người còn hơn xây ba cảnh Chùa, nhất là người đó lại đang trong khổ nạn như con.”

Khoảng năm năm sau thì anh Trãi và Út có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại và Út đã về đoàn tụ cùng với bà Mẹ tại miệt vườn ở Tiền Giang.

Khi tôi qua Mỹ vài năm và đang làm cho Hội Cộng Đồng Người Việt tại Quân Cam, một hội thiện nguyện để giúp cho những người tỵ nạn từ Việt Nam mới qua,  thì bất ngờ chị Xuân từ bên Pháp đến Cali, đi theo một người bạn đến thăm tôi.

Tôi kể cho chị nghe hết thời gian khi anh mang bệnh và được BS Quýnh, anh Đức nhất là anh Trung tận tình chăm sóc ngày đêm như thế nào.

Chị nghe xong, cám ơn tôi, lau nước mắt và ra về.
Khoảng bẩy năm trước tôi có dịp đến Virginia thăm gia đình người bạn, thì lại gập được những người bạn tù cuối cùng như anh Đệ biệt danh Cả Đẫn và anh Sửu con Trâu rồi ghé vào một ngôi chùa để thăm anh Trung.

Lúc đó anh Trung đã xuống tóc và trụ trì ngôi chùa nhỏ trong thành phố nhưng không có duyên gập anh vì anh vừa hướng dẫn một đoàn Phật tử đến một công viên để thuyết pháp vì nơi chùa cư ngụ không cho tập trung đông người.

Khi về lại Cali tôi gọi điện thoại thăm anh Trung và anh rất là mừng rỡ nói chuyện với tôi về những năm tháng còn trong tù và tôi cũng nhắc lại công đức anh đã làm được khi tận tụy với ông Xuân cả năm trời tại bệnh xá của trại và cầu chúc cho anh thân tâm thường an lạc.

Thời gian trôi qua thật nhanh như bóng câu qua cửa sổ nhưng mỗi khi nghĩ lại cuộc đời tù đầy và những năm tháng lưu đầy trên xứ Bắc ấy, tôi vẫn không sao quên được sự chịu đựng bao đau đớn một cách can đảm và sự ra đi trong âm thầm lặng lẽ của ông viện trưởng viện đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân; không thể quên được những hình ảnh hào hùng vị tha cứu người của anh Trung võ sư; không quên được ly cà phê đen cùng chia sẻ với anh Võ; và nhất là khuôn mặt còn nhiều nét ngây thơ và thất tình như mất hồn của cậu Út.

Sau đó thì tôi không được tin tức gì thêm về cậu Út nữa ngoại trừ là Út đã về đoàn tụ với bà Má, nhưng vài năm sau khi qua Mỹ, trong kỳ tôi đi công tác cho hội thiện nguyện lên Sacramento, tôi có dịp gập lại anh Võ và mời anh ăn trưa và ly cà phê đen. Anh Võ, tôi cùng với một người bạn nữa chúng tôi cùng ngồi bên nhau trong khoảng thời gian thật là ngắn ngủi và hồi tưởng lại những kỷ niệm không bao giờ quên được của một cơn ác mộng dài.

Con người ta khi vừa mới sinh ra với tiếng khóc chào đời thì quả thật mỗi người đã mang theo một số mệnh khác nhau không biết đâu mà nói trước được là ai sẽ còn ai sẽ mất trong chốn hồng trần này, khi mà miền Nam đã mất và Sàigòn không còn nữa.

Bởi vậy cứ chuyên tâm “Làm Phước” như lời thầy Thích Thanh Long vẫn thường khuyên bảo là điều nên làm hơn cả nhất là trong thời Mạt Pháp, như thầy Tâm vẫn thường nhắc nhở tôi, khi mà Quỷ Dữ đang lộng hành.

Viết xong vào cuối mùa Hạ năm Canh Dần, Quận Cam, Nam California

1      2      3      4      5      6      7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét