Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

HỒI KÝ NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG CỦA PHẠM GIA ĐẠI - KỲ 5

1      2      3      4      5      6      7
Thiên Hồi Ký về "Những Người Tù Cuối Cùng" nhằm nói lên tinh thần bất khuất, sức chịu đựng phi thường cùng lòng dũng cảm và sự tương thân tương ái của những quân dân cán chính VNCH đã bị giam giữ, lưu đầy trong các trại gọi là "Tập Trung Cải Tạo" của Cộng Sản sau khi miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

Thiên Hồi Ký cũng để nêu lên những sự diệu kỳ và linh thiêng của Ơn Trên, của Trời Phật của Mẹ Việt Nam đã che chở cho những người tù....trong nhà tù CS.

Đọc xong thiên Hồi Ký này, chúng ta sẽ thấy những sự tuyên truyền xuyên tạc của Cộng sản nhắm vào chế độ VNCH đã từ từ tan rã như bọt nước; và những sự trả thù tàn bạo của Cộng Sản dành cho những người tù chế độ cũ đã không thành công như ý chúng muốn và thế cờ đã được lật ngược như thế nào
Phần XVIII: Người Tù Bất Khuất

(Kính dâng lên anh linh của anh Cả chúng tôi là Phạm Gia Quang, khóa 20 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và dâng lên anh linh của em họ tôi Trung Úy Công Binh Kiến Tạo Tạ Mạnh Cường, người tù bất khuất.)

Đất nước chúng ta trải qua bốn ngàn năm văn hiến đã thành tựu trong việc gầy dựng lên một quốc gia hùng mạnh và đầy sức sống mãnh liệt cũng như trong công cuộc giữ nước đã bảo vệ được đất đai của tổ tiên chống lại không biết bao nhiêu lần ngoại xâm từ phương Bắc.

Chúng ta đã có những triều đại lẫy lừng như Đinh, Lê, Lý, Trần với những nền văn minh rực rỡ và mỗi khi tổ quốc lâm nguy thì lại xuất hiện nhiều anh hùng hào kiệt để giải nguy và cứu nước.

Bình Định Vương Lê Lợi với mười năm nằm gai nếm mật để đánh đuổi quân Minh và phục hồi giang san lấy lại Thăng Long thành.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thuật chuyển quân thần tốc đã đại phá quân Thanh chiếm lại kinh đô trong hào quang ngời sáng.

Vua nhà Trần với quốc sư Trần Thủ Độ, với danh tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã ba lần bẻ gẫy mộng xâm lăng của quân Mông Cổ làm rạng danh đất Việt và làm quân thù thất kinh hồn vía.

Lý Thường Kiệt đã xuất quân chinh phạt Tống và chiếm ba Quận phía Nam Trung Hoa viết nên trang sử vàng cho dân Việt.

Nhưng qua thế kỷ Hai Mươi thì vận nước bắt đầu suy vong và ngày 20-7-1954, Hiệp Định Genève đã chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam Bắc qua vĩ tuyến 17 và hàng triệu người đã phải bỏ lại quê hương đất Bắc sau lưng mà di cư vào miền Nam lánh nạn Cộng Sản.

Một chế độ Tự Do đã dần dần hình thành một cách vững mạnh trong miền  Nam và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng dần dà trưởng thành trong khói lửa của chiến tranh vì Miền Bắc theo chế độ Xã Hội chủ Nghĩa, đã theo mệnh lệnh của Cộng Sản Quốc Tế Nga – Tầu, lại xua quân qua vùng Phi Quân Sự để tấn công miền Nam, vi phạm trắng trợn Hiệp Định Genève vừa ký kết.

 Khi ấy trong miền Nam đang vui hưởng cảnh thanh bình và an lạc nhưng các chàng trai, các thanh niên đã lần lượt phải giã từ bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của núi sông để bảo vệ nền Tự Do cho miền Nam chống lại họa Cộng Sản muốn nhuộm đỏ cả giải đất hình chữ  “S”.



Họ đã trở thành những người lính, những sĩ quan tài giỏi thao lược và trở thành những anh hùng lưu danh muôn thủa trong các binh chủng của QLVNCH, nối gót cha ông và nối gót tiền nhân, đi trên khắp các nẻo đường của đất nước để bảo vệ quê hương chống họa xâm lăng từ phương Bắc.




Hầu như gia đình nào cũng có con em nhập ngũ trong những năm đầu của thập niên sáu mươi tại Sài Gòn và khắp các tỉnh miền Nam.




Gia đình tôi có chín anh em không kể “con bé dại”,  Mẹ tôi vẫn gọi đứa em gái vắn số của tôi như  vậy khi nó mất đi mới có vài tháng tại Hải Phòng lúc đó tôi nhớ còn ở đường Cát Dài chưa dọn về Cầu Đất.




Tôi tuy sanh đẻ tại Nam Định nhưng trong ký ức không còn nhớ gì về thành phố nơi chôn nhau cắt rốn này của mình, bởi mới sanh ra thì Ba Mẹ tôi đã đi tản cư liên miên ra khỏi Nam Định vì các thành phố lớn đều là mục tiêu cho các cuộc tấn công và phá hoại của Việt Minh và giao tranh của Pháp-Nhật tại Đông Dương. Người dân lành chỉ còn biết trốn chạy lúc thì trốn Việt Minh, lúc thì trốn quân phiệt Nhật để qua vùng Pháp kiểm soát, lúc thì trốn các cuộc giao tranh giữa Pháp - Việt Minh, thật vô vàn cơ cực. 




Thành phố Hải Phòng là nơi thiếu thời của tôi và ba ông anh lớn và là nơi mà tôi còn ghi lại được nhiều kỷ niệm, nhất là những năm tháng theo học tại trường Dòng Saint Joseph. Hai đứa em út thì sanh trong Nam nhưng ba em gái tôi sanh tại miền Bắc lúc đó cũng quá nhỏ nên tôi không nhớ tụi nó nhiều hay có nhiều kỷ niệm như với ba ông anh trai.




Bốn anh em trai lớn trong gia đình tôi mà Ba Mẹ đặt tên Quang, Minh, Chính, Đại, thực tế thì tính tình lại không giống nhau và có những cuộc đời cũng khác nhau dù là cùng một cha một mẹ.




Ông anh Cả thì hiền lành và đạo đức nhưng có khuynh hướng thiên về quân sự ngay từ nhỏ khi thích bầy binh bố trận với các tên lính bồng súng và các xe jeep bằng thiếc mà Ông Nội tôi đúc cho và anh cũng rất say mê họa các hình võ tướng ngày xưa như vua Quang Trung, Lê Lợi , Trần Hưng Đạo với áo mão gươm đai.




Ông thứ Hai thì tinh khôn trước tuổi và có lẽ lấy hết sự khôn lanh của ông anh đầu, có lẽ vậy mà sau này khi di cư vô Nam mới hai mươi tuổi đã lấy vợ và sống tự lập từ khi vừa xong hai cái Tú Tài ở Trung Học Võ Tánh, Nha Trang. 




Ông thứ Ba thì trầm tĩnh hơn, khôn ngoan và chín chắn hơn trong bốn anh em, có vẻ như già trước tuổi mà hồi bé tôi vẫn gọi anh là “ông cụ non”. Cũng không ngờ là “ông cụ non” ấy sau này lại là thủ khoa của khóa 13 sĩ Quan Hải Quân Nha Trang.




Khi anh đậu thủ khoa thì một số người ngạc nhiên bởi lẽ trong khóa 13 có một anh là cháu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên ai cũng nghĩ rằng anh này, vì con ông cháu cha, sẽ là thủ khoa. Nhưng xét lại điểm thì anh Ba tôi hơn anh kia đến 27 điểm, quá xa để có thể thay đổi thứ bậc được và đây cũng là một điệm son của chế độ VNCH chúng ta, khác hẳn chế độ Cộng Sản mọi việc đều do chỉ định theo giai cấp và đảng tịch chứ không do tài cán.




Còn tôi khi di cư vào Nam mới lên chín tuổi và tính vốn hiền và nhút nhát từ nhỏ nên bảo sao làm vậy là yên thân và được Ba Mẹ khen ngoan chứ không hay bị la rầy vì nghịch ngợm như ông anh thứ Hai.




Ba Mẹ tôi cứ nói là ông anh thứ Hai lanh quá nên lấy hết cái khôn ngoan của ông anh Cả rồi nhưng không ngờ khi lớn lên thì ông anh Cả lại nổi danh hơn nhiều so với ông thứ Hai dù là cả hai anh em đều là sĩ quan phục vụ cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh đóng tại Lai Khê, Bình Dương.




Khi chúng tôi lớn lên thì vận mệnh đất nước nổi trôi lại đưa bốn anh em tôi đi theo bốn con đường khác nhau, ngay sau khi mỗi người vừa đỗ xong bằng Tú Tài toàn phần.




Anh Cả sau một thời gian vài năm đi dậy học các trường tư thục tại Sài Gòn thì tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khóa 20 và trong thời gian thụ huấn anh có biệt hiệu là “Quang Râu” vì có bộ râu quai nón đẹp rất là con nhà võ. Anh tôi đã theo chân cậu em họ là Tạ Mạnh Huy đang theo học khóa trước là khóa 19.




Ông thứ Hai vào ngành Quân Y và thuyên chuyển về Sư đoàn 5 Bộ Binh tại Bình Dương để lo về y tế cho các thương bệnh binh hay cùng hành quân với tiểu đoàn. Một vài người lính của anh tôi về phép Sài Gòn ghé lại nhà chơi thường cười nói với Mẹ tôi là ông Trung Úy Minh, tên anh Hai tôi, bây giờ “ngon” rồi chứ lúc đầu ông ấy thấy máu là muốn xỉu à, vậy thì làm sao mà cấp cứu thương binh?




Ông thứ Ba vào khóa 13 sĩ quan Hải Quân Nha Trang và vui với những chuyến hải hành lấy biển khơi làm nhà, ít có dịp lên “Bờ”.




Có một thời gian anh tôi phục vụ trong đoàn Biệt Hải phối hợp với toán người Nhái oai hùng của HQVN để thi hành những hải vụ nguy hiểm tại vùng Phi Quân Sự làm cho Mẹ tôi nhiều khi cũng ăn ngủ không yên, nhưng làm sao được vì người trai trong thời loạn ly lúc đó thì chỉ có một chí hướng duy nhất là chống lại sự xâm lăng của đám vô thần cuồng tín Cộng Sản Bắc Việt để giữ vững miền Nam bằng mọi giá.




Anh Ba tôi những khi từ Nha Trang về phép Sài Gòn và khi ngồi ăn trong không khí ấm cúng của gia đình vừa nhấm nháp các món ăn mà Mẹ và các em gái tôi nấu, thường hay kể về người Nhái HQVN với giọng nể phục.

Anh kể về những trận đánh hầu như huyền thoại, về các cuộc hành quân chớp nhoáng rồi rút lui của toán Biệt Kích người Nhái này mà ít khi nói về đoàn Biệt Hải của anh, nhưng tôi ngầm hiểu rằng anh tôi cũng là những sĩ quan đã tham dự trong các trận chiến âm thầm nhưng vô cùng hiểm nguy với cái chết và cái sống chỉ cách nhau gang tấc đó nữa nhưng anh không kể ra vì sợ Mẹ lại lo buồn.



Vì từ khi Ba tôi mất thì Mẹ tôi đã ở vậy nuôi con lúc mà cậu em út của tôi mới lên một, và tất cả tình thương thì Mẹ đã hết dành cho chúng tôi dù là hầu như các con đều đã lớn. Ngược lại thì anh em chúng tôi cũng dồn tình yêu thương dành cho Mẹ và luôn làm vừa lòng cũng như tránh làm gì cho Mẹ phải lo nghĩ.




Các anh tôi nhất là anh Cả và anh Ba luôn hiếu thảo, mỗi tháng lãnh lương xong là anh Cả cho vài người lính về phép để ghé nhà đưa hầu như toàn bộ số lương cho Mẹ tôi. Anh Ba thì trong thời gian huấn luyện tại trường sĩ quan Hải Quân Nha Trang lãnh lương Trung sĩ một ngàn ba một tháng thì chỉ giữ lại đúng một trăm đồng bỏ túi và trừ các khoản chi phí thì gửi hết phần còn lại về cho Mẹ. Tháng nào tôi cũng đạp xe lóc cóc ra Bưu Điện Sài gòn để lãnh tiền lương anh gửi về và những dịp Tết, Trung Thu thì lại lóc cóc đạp xe ra Bưu Điện để gửi bánh trái ra Nha Trang cho anh.




Nhưng có điều tôi ít ngờ tới là cuộc đời tôi và anh Cả tôi lại có những thời gian gắn bó bên nhau trong những năm tháng lưu đầy nơi đất Bắc sau khi mất miền Nam.




Tôi lớn lên trong thành phố Sài Gòn hoa lệ. Sài Gòn là thủ đô miền Nam nhưng với tôi Sài Gòn là tất cả, là thời niên thiếu, là thời hoa niên học trò tại trường Trần Lục, Tân Định, là Chu Văn An trong Chợ Lớn, là nơi tôi đã trưởng thành trên con đườngTrương Minh Giảng thân thương với rạp hát Văn Lang gần bên, trường Lê Bảo Tịnh trước cửa, là nhà cô ruột tôi với các cậu em họ trong ngõ hẻm bên cạnh, và quá nhiều kỷ niệm.




Trước khi thi Tú Tài, tôi cũng theo anh Cả đi dậy kèm các trẻ em tư gia để kiếm thêm giúp cho Mẹ. Cho đến lúc đỗ Tú Tài toàn phần xong thì một hôm, tôi tình cờ đọc một tin trên báo Chính Luận, cái tin tức mà đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời sinh viên của tôi.




Đó là Không Quân Hoa Kỳ trong căn cứ Tân Sơn Nhất của KQVN tại Sài Gòn đang cần tuyển nhân viên. Vì muốn giúp cho Mẹ nhiều hơn là đồng lương ít ỏi của kèm trẻ tại tư gia nên tôi tham dự thi tuyển và được tuyển dụng về Phân Đội Sáu của Đệ Thất Không Đòan, một đơn vị quân báo của không quân Hoa Kỳ.




Tôi bắt đầu bước vào ngành tình báo lúc nào không hay nhưng tôi lại cảm thấy rất thích thú với vịêc làm mới mẻ này của mình vì hai lẽ. Thứ nhất, tôi sẽ giúp cho gia đình vững vàng hơn với số lương tháng đưa về cho Mẹ nhiều hơn, vì sau khi Ba tôi mất thì Mẹ nói là còn nợ nần nhiều với chi phí cho nhà thương Grall bao nhiêu tháng trước kia. Thứ hai là tôi có dịp góp mặt trực tiếp vào công cuộc chống lại họa xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt và diệt trừ lũ Cộng phỉ VC đang ngày đêm đốt phá xóm làng giết hại dân lành.




Trước đó khi nghĩ đến ba anh trai tôi đang xông pha ngoài chiến trận mà mình thì cứ mãi trong học đường làm nhiều lúc tôi cũng không yên trong thâm tâm và mang mặc cảm tội lỗi với cuộc sống quá yên bình tại Sài Gòn.




Nhất là có lần tôi đã đến tham dự buổi khao quân của anh Cả tôi lúc đó là Trung Úy, đại đội trưởng đại đội Trinh Sát của Trung Đoàn 7, Sư Đoàn 5 BB ở Lai Khê về các chiến công lẫy lừng của đại đội Trinh Sát. Những chiến công thì nhiều nhưng nổi bật có thể kể đến trận Ấp Ba, trong đó đại đội đã quét sạch được VC ra khỏi Ấp mà đơn vị không bị một tổn thất nào trong khi tiểu đoàn bạn đã không thể vào nổi mà còn khiêng ra ngoài gần chục lính bị thương; và chuyến nhẩy trực thăng vận xuống mật khu VC phá hủy một căn cư “hậu cần” của địch.




Tôi đã thấy Trung Đoàn Trưởng lúc đó là Trung Tá Lê Nguyên Vỹ lên micro biểu dương chiến công của đại đội Trinh Sát trực thuộc trung đoàn này, gắn huy chương cho các sĩ quan binh sĩ Trinh Sát có nhiều công trận và anh tôi được Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu.




Tôi có dịp nói chuyện với các sĩ quan trẻ tuổi trong đại đội trinh sát và thấy họ thật dễ mến hiền hòa nhưng lại rất dũng cảm hoàn thành được nhiều cuộc hành quân gian khổ mà Trung Đòan giao cho.




Mỗi Trung Đoàn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ có một đại đội Trinh Sát được trang bị với toàn những vũ khí tối tân và được xem như đơn vị tác chiến cơ động với hỏa lực mạnh nhất, thiện chiến nhất và là “con cưng” của Trung Đoàn.  Đơn vị Trinh Sát này luôn trong tình trạng ứng chiến và nhận lệnh thẳng từ Ban Chỉ Huy của Trung Đoàn và thường được giao cho những nhiệm vụ khó khăn mà tiểu đoàn bạn không thể thực hiện được.




Vì thế mà anh Cả tôi ít khi thấy về phép mà mỗi tháng chỉ cho hai người lính về Sài Gòn thăm gia đình họ rồi nhân tiện đem tiền lương của anh về cho Mẹ tôi mà thôi. Riết rồi anh Cả tôi không những nổi tiếng trong Trung Đoàn là một cấp chỉ huy không sát quân mà còn là một người con rất hiếu thảo.




Mẹ tôi mỗi tháng khi thấy chiếc xe jeep quân đội ngừng trước cửa hàng, lúc đó Mẹ tôi đã chuyển qua bán quần áo trẻ em, trên đường Trương Minh Giảng thì lại phập phồng lo sợ cho đến khi hai người lính nói là ông đại đội trưởng gửi lương tháng về cho Mẹ.




Thời gian đó, tôi thấy một niềm tự hào không những về anh mình mà về cả đại đội trinh sát thiện chiến của anh, về Trung Đoàn 7 BB, về Sư Đoàn 5 BB và cả về QLVNCH nữa đang trải rộng những hành quân ngày đêm ra trên khắp bốn vùng chiến thuật trong công cuộc tiễu trừ Cộng phỉ này ra khỏi miền Nam.




Bởi thế nên tôi đã quyết định dấn thân và và lao mình vào làm việc với hơn năm năm trời cho Phân Đội Sáu của không quân HK.




Tôi bay đi về từ Sài Gòn ra Đà Nẵng thường xuyên để cùng phối hợp với các đơn vị quân báo VN của Quân Đoàn I. Những khi ở Sài Gòn thì tôi cùng Phân Đội này ghé lại làm việc tại Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè để phối hợp thêm tin tức về những hoạt động của VC trong vùng của Ba Chiến Thuật.




Trong thời gian này tuy tôi dồn hết nỗ lực vào làm việc cho Phân Đội Sáu nhưng vẫn không quên việc học vấn nên cố theo học ban Cử Nhân Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn dù gập rất nhiều khó khăn vì không thể đến trường thường xuyên.




Số tôi luôn có quí nhân phù trợ hay sao cho nên có một anh bạn thân thời học chung trường Chu Văn An là Nguyễn Đình Phương đã lấy dùm “cua” cho tôi đầy đủ và năm đó không hiểu có sao may mắn chiếu vào hay không mà tôi đậu luôn hai chứng chỉ Văn Minh VN khóa I và đậu Văn Chương Văn Minh Mỹ khóa II.




Có một kỷ niệm mà tôi không quên được là khi tôi vừa xong một chuyến công tác ra Đà Nẵng, khi bay về Sài Gòn thì ngày hôm sau phải vào vấn đáp cho chứng chỉ Văn Chương Văn Minh Mỹ.




Hai giáo sư theo như sinh viên thì thầm thì đều khó như nhau. GS Diệm thì nhớ mặt các SV thường xuyên tới lớp và GS người Mỹ thì “quay” SV tối tăm mặt mũi lại về các tiêu thuyết phải đọc trong chương trình.




Một SV lên trước tôi là người mà không hề vắng mặt thì lại bị thầy Diệm hỏi là sao tôi không thấy anh đến lớp bao giờ và bị đánh trượt oan mạng. Khi tôi có tên lên kế tiếp thì chắc mẩm là sẽ ăn một quả trứng to tướng vì tôi chẳng hề đến lớp thầy bao giờ nhưng thật lạ lùng là thầy hỏi thẳng vào cuốn tiểu thuyết The Scarlet Letter như vậy là tôi trúng tủ vì học quyển này rất kỹ.




Đến khi qua phòng bên vào vấn đáp với GS Mỹ thì chính ông này lại hỏi là tôi có thường đến lớp hay không mới lạ chứ? Tôi bèn trình bầy sự thật là vì chiến tranh đang lan rộng và tôi đang phục vụ cho Phân Đội Sáu, một đơn vị Quân Báo của Đệ Thất Không Đoàn HK, nên không thể có mặt được thường xuyên. Nhưng nếu mà GS thông cảm cho tôi 10 điểm thì tôi sẽ chắc chắn đậu chứng chỉ này và tôi hứa sẽ thu xếp thời gian để có mặt tại giảng đường nhiều hơn. 




Chả hiểu ông bà phù hộ hay sao mà ông GS Mỹ này cho tôi đúng 10 điểm như yêu cầu.




Quả là học tài thi phận. Mẹ tôi có dịp lại khen tôi trước mặt các bà bạn của Mẹ hay với các chị đang giúp may vá trong nhà là tôi học giỏi vì vừa đi làm vừa đi học nữa mà được như vậy. Riêng tôi khi gập mấy cô bạn của các em gái tôi thì có vẻ hơi làm cao một tí.




Thế rồi chiến sự bùng nổ ra khắp bốn vùng chiến thuật. Sau hai lần VC mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 thì tôi cảm thấy người Mỹ hình như đang muốn rút bớt quân số của họ đang tham chiến tại miền Nam về nước.




Một hôm trong năm 1969, các người bạn Mỹ trong Phân Đội Sáu nói với tôi là họ đang chuẩn bị rời VN và muốn giới thiệu tôi qua Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn.




Tôi đến Tòa Đại sứ Mỹ nộp đơn để tham dự một kỳ thi và trúng tuyển vào làm cho họ nhưng cũng có duyên nghiệp với ngành tình báo hay sao, cho nên từ Tòa Đại Sứ họ chuyển chúng tôi gồm 27 nhân viên qua yểm trợ cho Phủ Tổng Thống, nhưng nhiệm sở thực tế lại là Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình Báo (PĐUTƯTB) trực thuộc Phủ Tổng Thống.




Chính vì thế mà sau khi miền Nam sụp đổ, tôi thường hay bị giam chung với các người tù thuộc các ngành ANQĐ, CSĐB hay PĐUTƯTB, hay Quân Báo.

Trong chế độ VNCH trước kia của chúng ta, có rất nhiều các quân dân cán chính tài giỏi và anh hùng, không những khi đối mặt với quân thù ngoài trận tuyến nhưng ngay cả khi họ sa vào trong ngục tù, và lưu đầy, họ cũng âm thầm chịu đựng một cách can trường mọi sự trả thù tàn nhẫn và phi nhân bản mà kẻ thù dành cho họ.



Thời gian lưu đầy ở ngoài Bắc có một dịp tôi được gập những người Biệt Kích nhẩy toán ra Bắc thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Các anh đều sống rất kỷ luật, vẫn tôn trọng cấp bậc quân đội, và buồng giam đều giữ sạch sẽ ngăn nắp. Khi ngồi tâm sự với nhau, các anh cũng nói tới cái niềm đau không thể diễn tả được khi nghe tìn Sài Gòn đâ mất ngày 30-4-1975.




Lần đầu tiên, nhiều anh đã không còn cầm được nước mắt vì chính trong thâm tâm các anh cũng như đồng bào miền Bắc đều trông đợi một ngày nào đó QLVNCH trong Nam sẽ ra giải phóng miền Bắc và các anh sẽ thoát cảnh tù đầy rồi trở về mái nhà xưa; nhưng tất cả đã hoàn toàn sụp đổ một cách chua cay và đen tối.




Khi nước mất thì nhà tan, ngoài anh Ba tôi được cử đi tu học một khóa HQ tại Rhode Island, HK và gia đình vợ con anh qua cơ quan D.A.O đã đi thoát được trước ngày Sài Gòn sụp đổ thì ba anh em tôi còn lại đều vào tù.




Bên gia đình cô Hanh là em út của Ba tôi với tám trai bốn gái thì bẩy con trai đã trong quân đội và năm người đi “cải tạo” sau ngày 30-4,  chỉ trừ một cậu là hạ sỹ quan, và một cậu nữa giải ngũ thì tránh được cảnh ngục tù, còn cậu út thì được miễn dịch.




Nhà Mẹ tôi thì ngoài mặt đường Trương Minh Giảng, nhà cô tôi thì trong hẻm nhưng chỉ cách nhau vài trăm thước nên bốn anh em trai chúng tôi rất thân với các cậu em họ dù là vài anh lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều. Trong những năm của thập niên sáu mươi thì hai gia đình từ từ vắng người dần bởi các anh tôi và các em họ tôi đều đã lần lượt nhập ngũ vào Thủ Đức hay Đà Lạt.




Mẹ tôi vẫn nói là cô ruột tôi rất là can đảm vì một lúc mất đến bốn người con trai sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.




Anh Hải là anh lớn thì sau hai năm “cải tạo” đã trốn được ra khỏi trại giam ở trong Nam và trốn vào rừng nhưng mất tích và không nghe tin tức gì từ đó. Điều lạ lùng là một thời gian cả chục năm sau, có lần tôi lại nằm mơ thấy anh y như lúc anh còn sống, và anh dắt tôi vào trong một khu rừng rồi chỉ vào một gốc cây rồi nói với tôi rằng: “Đại ơi! Tôi ở chỗ này này”.  Gốc cây ấy to như gốc cổ thụ và phát ra nhiều ánh sáng vàng nhạt trong khi những thân cây khác ở chung quanh thì mờ mờ trong bóng tối làm cho tôi tin rằng anh đã mất tại gốc cây này và đã hiển linh.




Khi tỉnh dậy tôi nhớ giấc mộng đó như in và thông báo cho gia đình bên cô tôi biết mà làm ma chay cho anh bởi lẽ cô tôi nhất định tin rằng anh đã trốn được qua Thái Lan dù là hơn mười năm đã trôi qua không hề có một chút tin tức nào về anh.




Anh thứ tư là Trường và thứ sáu là Linh thì mất tích và chết trên biển trên đường đi tìm Tự Do sau khi ra khỏi trại giam vài năm.




Anh Trường chết trong tình trạng rất là tội nghiệp vì khi ra tù thì anh nguyện ăn chay trường cho nên khi con thuyền lênh đênh trên biển nhiều ngày và hết lương thực, mọi người vớt được cá và sống sót nhưng anh nhất định không chịu ăn cá và nhịn đói - anh là người duy nhất thiệt mạng trên chuyến tầu đó.




Nhưng câu chuyện về anh Cường là con thứ ba của cô ruột tôi mới là câu chuyện bi thương và hùng tráng nhất của một người tù bất khuất đã có những hành động phi thường làm cho kẻ thù phải khiếp đảm.




Anh Cường, Tạ Mạnh Cường từ nhỏ đã ưa thích võ nghệ nên được cô chú tôi cho đi học võ cùng với người em là Tạ Mạnh Trường tại võ đường của Tổ Sư Lộc người sáng lập ra môn phái Vovinam ở Hà Nội.




Tôi nhớ lúc đó tôi mới năm tuổi cùng ba ông anh tôi được Ba Mẹ cho lên chơi Hà Nội ở nhà cô tôi ba tháng Hè. Anh Cường đã huấn luyện võ cho chúng tôi với thế tập đầu tiên là lộn mèo qua lưng một người khác trước khi có thể tập tự mình tung người lên trên không và lộn một vòng. Các anh thì đều tập được nhưng tôi có lẽ còn quá nhỏ và không có năng khiếu võ thuật hay sao mà lộn hoài không xong. Lúc ấy anh Cường thường nhìn tôi mỉm cười lộ chiếc răng vàng ra và cho tôi miễn tập làm cho tôi vô cùng khoái chí vì “ông thầy”không phạt mình.




Anh kể rằng Tổ Sư Lộc võ nghệ uyên thâm không biết đâu mà lường và là người mà lần đầu tiên trong đời anh thấy Tổ Sư chỉ ngồi tại bàn giấy và nghe tiếng gió mà tránh hết các đòn tấn công của học trò đứng chung quanh.




Anh Cường khi di cư vào Nam thì đã lên đẳng cấp Võ Sư và tôi đã có dịp hân hạnh được xem anh và phái đoàn Vovinam biểu diễn tài nghệ tại rạp Thống Nhất lúc đó tên là rạp Norodome tại Sài Gòn vào khoảng năm 1956. Đặc biệt của môn phái Vovinam là biểu diễn không có nệm tapis như Nhu Đạo hay các môn võ khác mà quật nhau thẳng trên sàn gỗ và dao sử dụng là con dao thiệt.




Dưới khán giả cũng có nhiều môn phái bạn ngồi xem và tôi cũng như tất cả khán giả đều vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt khi anh Cường biểu diễn cú chặt bằng cạnh bàn tay đánh rơi con dao của một võ sinh khác đóng vai kẻ cướp tấn công anh và màn anh tung người nhẩy qua một võ sinh để dùng hai chân cặp cổ quật một võ sinh khác.

V

õ sinh bị chặt rớt con dao thì cổ tay vẫn còn đau ê ẩm vì anh Cường biểu diễn thật, và võ sinh bị cặp cổ thì dù đã lộn người theo thế quật nhưng sau đó vẫn còn hãi sợ vì chút nữa thì bị trặc cổ.




Tôi thấy vị Võ sư trưởng môn phái Nhu Đạo và nhiều người của môn phái bạn và trong đó có chú bé con là tôi cũng đứng lên vỗ tay hoan hô mấy màn biểu diễn của anh Cường.




Vì hai nhà ở gần nhau nên tôi thường chạy qua nhà cô tôi chơi.




Có lần tôi vừa qua thì thấy cô em họ tôi đang nấp sau cánh cửa, tay cầm cái gáo bằng nhựa định hù anh mình. Khi anh Cường vừa bước chân qua cánh cửa thì cô ta đập cái gáo vào đầu anh Cường để rỡn chơi thôi nhưng phản xạ tự nhiên, anh vung tay lên chém và cái gáo bay tuốt ra sân, còn cô em họ tôi thì mất cả hồn vía ôm mặt khóc hu hu làm tôi không nhịn được cười.




Anh giòng giỏi con nhà võ vì chú ruột của anh có một gánh xiếc lưu diễn khắp miền Bắc qua nhiều tỉnh thành và từ vùng trung du lên cả mạn ngược, thời gian trước năm 1954. Đi đến đâu thì gánh xiếc này cũng đều gặt hái thành công. Gánh xịêc họ Tạ này nổi danh vì ông chú của anh là một người võ nghệ cao cường thường tay không chế ngự được con cọp và điều khiển nó theo ý mình.




Anh như vậy là nối giõi con đường võ nghệ theo chân ông chú chứ Ba của anh thì võ vẽ chẳng biết một tí gì lại rất là hiền lành và chỉ chuyên về buôn bán.




Tuy hai anh em đều theo học cùng lúc với Tổ Sư Nguyễn Lộc nhưng anh Cường tài nghệ giỏi hơn người em cho nên khi vào trong Nam một thời gian sau thì anh Cường được mời làm huấn luyện viên cho Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn.




Tôi nhớ có một lần tụi tôi cũng năm sáu người ra quán Mai Hương góc đường Lê Lợi và Công Lý ngồi ăn kem và nhìn ông đi qua bà đi lại cho vui.




Khi ấy, quán này có một toán cao bồi hay đóng đô tại đây và quấy nhiễu các khách hàng mà chủ quán cũng không dám ho he gì vì sợ chúng phá quán. Bọn chúng đông cũng khoảng chục mạng, tay nào tay nấy ăn mặc quần áo theo kiểu chim cò đúng là dân chơi cao bồi thứ thiệt, và hôm đó không biết chúng ngứa mắt ra sao mà tính qua bàn chúng tôi cà khịa.




Anh Cường vẫn thản nhiên như không, vẫn cười nói với chúng tôi và chỉ ngoái lại bàn phía sau nói với tên đầu đảng cao bồi này anh là Huấn Luyện Viên võ thuật cho Cảnh Sát và muốn hơn thua thì đến Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát.




Nghe đến đó thì chúng lấm lét rồi từ từ dông hết làm cho tôi vừa phục anh vừa khoái chí nữa vì “ông thầy” đã cho bọn chúng một bài học nhưng không cần phải ra tay. Cũng từ đó thì đám cao bồi này dời “đô” đi nơi khác không còn thấy tại quán kem Mai Hương nữa.




Tôi hồi nhỏ ở Hải Phòng thì theo học tại trường Dòng St. Joseph, không biết có phải vì kỷ luật và giáo dục tại trường này rất chặt chẽ hay không mà tính tôi vốn nhút nhát lại càng thêm hay sợ hãi và thiếu tự tin. Chính vì thế mà hồi mới di cư vào Sài Gòn, đi đâu có anh Cường hay các em họ con cô tôi thì tôi rất là yên tâm và tụi tôi thân với nhau nhất vì toàn là con trai và mang tiếng là em họ nhưng các anh ấy đều lớn tuổi hơn tôi nhưng vẫn thân mật gọi tôi bằng "anh" theo đúng lễ giáo ngày xưa.




Bên bác Phán là chị ruột Ba tôi thì ở Hải Dương và gia đình bác lại toàn con gái hay các anh thì quá lớn không thèm chơi với bọn tôi cho nên bốn anh em chúng tôi từ Hải Phòng thường được Ba mẹ mua vé máy bay mỗi dịp Hè để đến thăm cô tôi tại Hà Nội nhiều hơn là xuống Hải Dương. Những lúc như vậy thì có cơ hội tập hợp hết cả lũ con trai với nhau hơn chục đứa và tha hồ nghịch phá bởi cô tôi rất dễ tính và lại hay chiều con cháu.




Thế rồi Hiệp Định Genève di cư vào Nam, bốn anh em trai tôi lại có dịp ở chung một thời gian với các cậu em họ trong nhà cô tôi tại Bến Chương Dương cho đến khi cô tôi dọn về Trương Minh Giảng thì chúng tôi mới tách ra nhưng vẫn giữ tình anh em rất là thân thiết.




Rồi lớn lên, mỗi người vào quân ngũ và bay đi bốn phương trời cho đến ngày mất miền Nam thì tôi, anh Cả tôi và anh Huy là con trai thứ năm của cô tôi bị đưa ra miền Bắc.




Anh Cường, Trường và anh Linh vì là Trung Úy Công Binh và văn phòng nên bị giam giữ tại Suối Máu trong miền Nam. Ít năm sau thì anh Linh và anh Trường được thả về nhưng anh Cường vẫn bị giữ lại dù anh chỉ là Công Binh Kiến Tạo xây dựng cầu đường mà thôi.




Lý do giản dị vì anh là cái gai trong mắt của bọn cán bộ trại bởi tính tình cương trực của anh hay bênh vực đồng đội nên anh bị ghép vào tội chống đối "cải tạo và lao động".




Những khi họ đọc lệnh thi hành kỷ luật với người tù nào mà anh thấy bất công là anh đứng lên phản đối, đòi lại sự công bằng.




Sau đó họ di chuyển anh về một trại trong vùng Tống Lê Chân gần biên giới Việt-Miên và anh bị giam trong thùng "connex" sau lần bênh vực một người bạn tù.




"Connex" là một loại thùng lớn bằng tôn dầy của quân đội Mỹ trước kia dùng để chứa các kiện hàng di chuyển theo đường biển cho quân đội Hoa Kỳ trong miền Nam.




Cái nắng khủng khiếp của vùng rừng núi nhất là vào giữa trưa như hun đốt anh trong hỏa lò cộng với sự bỏ đói và bỏ khát là một hình thức tra tấn tàn bạo của trại giam mục đích để tiêu diệt ý chí và dũng khí của anh, nhưng anh vẫn không đầu hàng để được thả ra khỏi "connex" sớm hơn.




Các bạn anh bên ngoài đã khôn khéo mua chuộc được mấy tay nhà bếp nên anh đã được cho ăn khá hơn với miếng thịt hay miếng cá nằm dưới ít khoai sắn và họ đã chuyển vào cho anh được cái đinh bù loong mười phân.

Chính cái đinh này đã cứu anh sống sót sau hai tuần giam trong "connex". Mỗi khi họ cho ít nước hay phần ăn ngày một lần thì khi họ đóng cánh cửa thì anh lại nhét cái đinh này vào khe cửa, nhờ thế mà những trưa Hè nắng như đổ lửa và anh sắp ngạt thở trong cái thùng bít bùng này thì anh bò lại gần khe cửa và ghé mũi sát vào cái khe hở nhỏ xíu đó mà hít được ít hơi mát từ bên ngoài.



Sau hai tuần lễ hành hình trong thùng "connex" anh được khiêng ra ngoài nhưng quả là họa vô đơn chí vì chỉ một thời gian ngắn sau đó thì trực trại kêu anh ra "làm việc" vì anh vẫn nhất định không chịu ký tên vào biên bản nhận "tội" như họ đã viết sẵn.




Các anh em trong buồng đều bảo anh là không nên ra, mỗi người một câu:




-"Cậu cáo ốm ở lại trong buồng thì tụi nó làm gì được?"




-"Giăng mùng lên chui vào ngủ là xong, kệ nó."




-"Mình cảm thấy lành ít dữ nhiều đó nha, nên cẩn thận."




Cáo ốm ở lại trong buồng thì anh không thể làm được vì như thế là tỏ ra sợ chúng nó, anh vốn là con nhà võ, hơn nữa lại là võ sư không thể để mất danh dự của môn phái, nên anh không chịu cáo ốm như vậy vả lại anh nói trước sau gì cũng phải đối mặt với họ một lần:




-"Các cậu cứ để tôi ra xem chúng giở trò gì? Mình trong tay nó mà,  hôm nay không ra gập chúng thì ngày mai cũng phải gập thôi."




Anh từ từ đi ra ngoài cổng trại chiều hôm đó trong sự lo âu của các bạn tù cũng là các sĩ quan chế độ cũ.




Khi anh ra đến nơi thì thấy tay Thượng Úy chính trị viên đã ngồi sẵn tại bàn với các cán bộ trực trại. Tên Thượng Úy mặt lạnh như tiền đưa tờ giấy cho anh ký nhận "tôi trạng".




Anh bình tĩnh đưa lại tờ giấy:




-"Tôi không hiểu tôi mắc vào tội gì?"




Tên Thượng Úy đập bàn như hét lên:




-"Anh còn ngoan cố hả, không ký thì bỏ tù cho rũ xương ra."




Hắn hầm hầm đứng lên và bước ra khỏi phòng trực trại.

Anh chuẩn bị bước ra cửa để vào trại thì mấy tay cán bộ như có dàn cảnh trước đã ngăn anh lại:



-"Chúng tôi còn cần "làm việc" với anh chưa xong.

Anh cảm thấy một cái gì không ổn nhưng đã quá trễ để rút lui và chờ xem chúng giở thủ đoạn gì.



Tay cán bộ vừa dứt lời thì các cửa sổ được đóng kín lại chỉ chừa có cửa ra vào là còn mở và từ ngoài bất ngờ hàng chục cán binh mang theo gậy gộc và thanh sắt xông vào phòng. Lúc đó mấy tay trực trại  mới chịu bước ra ngoài.




Bấy giờ anh mới hiểu rõ dã tâm của bọn chúng kêu anh ra ngoài này "làm việc" là như vậy.




Anh nhìn quanh, căn phòng khá hẹp và anh lui dần vế phía góc phòng. Nếu ở bên ngoài thì với một lũ tép riu này chỉ cần học trò của anh cũng đủ dậy cho chúng một bài học nhưng mấy năm nay lao động khổ sai và ăn uống kham khổ đã làm anh mất đi rất nhiều sức lực nên không biết sao đây.




Dù sao thì cũng phải cho chúng biết thế nào là một Võ Sư được chân truyền. Anh ngầm lấy sức vận nội công lên hai cánh tay và đôi chân thủ thế.




Hầu như đã được chỉ thị trước, bọn cán binh đều không nói một lời vung các gậy và các thanh sắt lên xông vào tấn công anh túi bụi, nhưng vì anh đã lui vào góc phòng nên chỉ hai ba đứa có thể tấn công một lúc vì chúng sợ loạn đả vào nhau.




Thế rồi anh ra chiêu nhanh như gió và chỉ một loáng trước những con mắt kinh hãi của đám cán binh, các vũ khí của chúng đều rơi gọn nhẹ xuống đất. Đứa thì ôm cổ tay nhăn nhó, đứa thì ôm chân la bài hải và lùi dần ra phía cửa. Anh tính vọt ra cửa thì đột nhiên hai họng súng đen ngòm lên đạn hướng về phía anh, thì ra chúng đã tính trước là sẽ phải dùng đến súng tiểu liên để đối phó với anh.




Anh đứng lại tại chỗ và hai tay khoanh trước ngực chờ đợi. Chúng tiến lại gần và trói hai tay anh vào thanh sắt cửa sổ và trói hai chân lại với nhau. Xong đâu đấy rồi thì bọn cán binh, vốn đã được nhồi nhét những tuyên truyền xuyên tạc mọi thứ xấu xa về các sĩ quan "Ngụy"  cho nên đều nhẩy vào dùng các thanh sắt quất anh không thương tiếc.




Than ôi! Người Võ Sư hào hùng ngày nào của võ đường Vovinam, người tù anh hùng đã bảo vệ cho bao nhiêu bạn mình trước bạo quyền của trại giam "tập trung cải tạo" của chế độ Cộng Sản, người sĩ quan hiền hòa vẫn xây dựng bao nhiêu đường xá cầu cống cho dân làng miền Nam ngày trước, người tù bất khuất ấy bây giờ đã ngất xỉu đi trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác.




Mắt anh mờ dần đi và anh thấy lấp lánh đâu đó là những giọt nước mắt của Mẹ già tóc đã bạc phơ chỉ sau mấy năm Sài Gòn đã đổi tên và rồi anh không còn biết gì nữa.

Khi anh tỉnh dậy có lẽ vài ngày sau đó thì thấy những cặp mắt âu lo của các bạn tù trong buồng giam.



-"Ê! Cường tỉnh dậy rồi nè."




-"Lấy ít cháo loãng thôi."




Một anh bạn đến gần:




-"Ráng ăn ít cháo đi rồi uống thang thuốc này. Mình mới vào rừng hái ít lá cây nấu lên uống để xổ máu bầm ra."




-"Cậu là võ sư chứ người thường thì chết rồi. Chúng dã man hèn hạ quá. Loài thú chứ không phải loài người!"




Anh bị gẫy hết hai bên xương sườn, một chân bị dập, một bên vai xương bị nát. Rất may là các vết thương trên đầu không nặng sau trận đòn thù đó.




Tình hình trong trại mấy ngày sau đó cực kỳ căng thẳng, khi các anh đi lao động chúng đều đem súng theo hườm sẵn và được lệnh sẽ bắn ngay nếu có nổi loạn.




Anh bèn bảo các bạn thân của mình chuyển lời nói với các buồng chung quanh là án binh bất động vì anh không muốn vì anh mà nhiều anh em khác phải hy sinh. Anh đã là một biểu tượng oai hùng nhất trong con mắt của những người tù đồng cảnh ngộ nên lời nói của anh đã được nghe theo và đã tránh được một cảnh tắm máu vì anh em đều sôi sục căm hờn.




Từ ngày đó anh không còn khả năng đi ra ngoài lao động, không còn những giây phút vào rừng sâu kiếm củi, nghe được tiếng chim hót ban mai hay hưởng cái hơi mát lạnh của núi rừng khi chiều buông xuống. Anh chỉ có thể khó khăn lắm mới lê từng bước một tập đi trong buồng giam.




Năm sau, các bạn anh vì là cấp Úy nên cũng từ từ được thả ra nhưng anh là cấp Úy sau cùng ra khỏi trại giam đó.

Anh trở về gia đình trong căn hẻm Trương Minh Giảng gần nhà Mẹ anh và được thuốc thang chạy chữa nhưng vì lục phủ ngũ tạng đều bị chấn thương cho nên một thời gian ngắn sau anh qua đời trong sự thương tiếc của gia đình và bạn bè khắp nơi.



Anh mất đi lúc mới ngoài bốn mươi tuổi để lại người vợ còn trẻ và mấy đứa con còn nhỏ dại. Cô tôi vừa khô nước mắt khóc hai đứa con đi vượt biên mất tích lại mang thêm một cái tang nữa. Mẹ tôi ở gần bên cạnh cũng chỉ biết qua nhà an ủi cô tôi mà thôi vì chính Mẹ tôi trong lòng cũng ngày đêm lo sợ cho tôi và anh Cả tôi lúc đó đang bị giam lưu đầy ngoài Bắc.




Đám ma anh Cường được tổ chức đơn sơ nhưng rất đông người tham dự kể cả gia đình họ hàng và nhất là gia đình các bạn tù của anh cũng đến thắp nén nhang để tưởng niệm người anh hùng yểu tử, vị võ sư vì bảo vệ bạn tù, vì bảo vệ Chính Nghĩa mà vong thân. 




Hình bóng của anh vẫn sống mãi trong tâm khảm của mọi người. Anh là một sĩ quan Công Binh Kiến Tạo tận tụy với nghề nghiệp được đơn vị thương yêu, anh sống gần gũi với dân chúng và bảo vệ họ tại những cùng thôn xóm làng mạc xa xôi.




Anh là một người chồng gương mẫu, một "ông thầy võ" mà tôi kính phục khi tôi còn thơ ấu, một võ sư mà bao nhiêu võ sinh dưới quyền nể trọng nhưng trên hết anh là một người tù bất khuất, một anh hùng bất tử.




Khi tôi được thả về, nghe tin anh mất thật là bàng hoàng và xúc động bởi tuổi thơ của tôi đã nhiều kỷ niệm gắn bó với các em họ con cô ruột tôi từ lúc còn ở Hải Phòng và Hà Nội và ngay tại Sài Gòn trong thời thanh niên. Tôi vẫn không quên được những bài học vỡ lòng về Vovinam mà anh dậy cho bốn anh em chúng tôi trên sân gác thượng của nhà cô tôi ở Hà Nội.




Chùa Linh Giác đường Lý Thái Tổ là nơi mà gia đình để ảnh của các anh con cô tôi đã mất và cũng để ảnh của anh Quang, anh Cả tôi nữa.




Tôi đã đến ngôi chùa nhỏ ấy nhiều lần để thắp nén nhang dâng lên anh Cả tôi , dâng lên các anh Hải, Trường, Linh và nhất là anh Cường với bao niềm ngậm ngùi rằng thế hệ chúng tôi đã cống hiến hết cho công cuộc bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ miền Nam chống lại Cộng Sản xâm lăng trong hai thập niên, và mất hết những năm tháng đẹp nhất của đời người trong tù.




Không biết rồi mai này con cháu mình có còn nhớ rằng ngày xưa đã có những bậc anh hùng bất tử ghi lại bao chiến công oanh liệt không kém gì tiền nhân trong quân sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa? Và trong lịch sử của "trại giam tập trung cải tạo" của chế độ Cộng Sản vô thần tại Việt Nam đã có những người tù bất khuất mà võ sư Vovinam Tạ Mạnh Cường là một?

Một vị sư - Một đóa sen Hồng 




Mùa hè năm ấy có lẽ là một mùa hè nóng bức oi ả nhất của thập niên tám mươi tại miền Bắc. Trại giam Ba Sao, Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh như nằm yên dưới sức nóng như thiêu đốt, ngay cả về đêm cái nóng như vẫn còn âm ỉ, mọi thứ như tỏa ra hơi nóng – những bức tường, những sàn lót gạch hung hung đỏ, cái sân tráng xi măng trước mặt, ngay cả cái ván lót trên sàn nằm cũng toát ra hơi nóng. Những tù nhân chính trị chế độ cũ như trong một lò ngục tối trên trần gian, ban ngày thì lao động khổ sai đổ mồ hôi không phải đổi lấy bát cơm mà đổi lấy ít thức ăn độn như khoai hay sắn hay bo bo mà vẫn không đủ no, ban đêm thì cố giỗ giấc ngủ trong cái nóng như nung như đốt ấy trong cái cả nh nằm xếp hai từng như cá đóng hộp trong buồng giam. Mồ hôi lại đổ ra cho đến khi mệt lả người đi thì giấc ngủ chập chờn mới đến.



Cái nóng kinh người đã kéo dài cả tháng nay và đồng ruộng đã nứt nẻ, các em bé chăn trâu mà Trung và các bạn gặp trên đường đi lao động cũng môi khô và chui vào các bụi cây trú nắng. Các giếng nước cũng từ từ khô cạn đưa đến nạn thiếu nước trầm trọng cho cả dân chúng những làng bên ngoài lẫn những người tù khốn khổ trong trại. 



Buổi trưa hôm đó cũng như mọi ngày sau khi lao động về, ăn xong phần ăn trưa ít ỏi, các người tù cố nằm giỗ giấc ngủ ngắn để lấy sức lao động buổi chiều thì thấy một vị sư già đang ngồi ngoài sân nắng trong thế kiết già cả nửa tiếng đồng hồ và mặt ngước nhìn thẳng lên trời. Những khi hạn hán thì thầy vẫn cầu nguyện như thế và sau đó chiều tối hay trước nửa đêm thể nào mưa giông cũng kéo đến. Đêm nay cũng thế, Trung cố giỗ giấc ngủ để mà mai còn sức trả cái nợ lao động nhưng không làm sao nhắm mắt được, mồ hôi trên người cứ nhỏ từng giọt như làm cho sức khỏe của anh cạn dần đi theo đêm. Anh nhớ tới thằng bạn thân nằm bên cạnh nói với anh hồi chiều rằng chỉ ước ao ông Trời cho một trận mưa chứ đã tù cả chục năm rồi cũng chẳng mơ ước xa xôi gì ngày trở về nữa. 



Thế rồi, như một phép lạ những làn gió mát từ đâu từ từ thổi đến, len lỏi vào những khung cửa sổ, luồng dưới những cánh cửa buồng giam và từ xa xa vài lằn chớp nhoáng lên bên trời. Chẳng bao lâu sau thì những giọt mưa, ôi những giọt mưa cam lồ của Trời ban xuống như thêm sức mạnh cho những người tù biệt xứ lưu đày. Các buồng giam không ai bảo ai đều thức dậy và tung mùng ra để được hít thở những giây phút mát rượi của làn gió lùa vào trại giam. 



Vô tình Trung nhìn xuống nơi vị sư già giam cùng buồng với anh, thầy vẫn như còn đang ngồi thiền trong mùng, mặt quay vào tường trong thế kiết già. Trung chợt hiểu và các bạn anh cũng hiểu rằng chính nhờ thầy cầu nguyện mà đã có trận mưa đêm nay. Vị sư già đó chính là Trung Tá Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo của QLVNCH – Thượng Tọa Thích Quang Long, một người tù xuất chúng đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu kính nể. Giang sơn của thầy cũng là một tấm chiếu, hai bộ quần áo tù, và một cái chăn đỏ Trung Quốc như mọi người và nằm một dãy với các Đại Đức Tuyên Úy khác. 



Anh nhớ đến thầy Khuê, một vị Tuyên Úy Phật Giáo và Tam Đẳng Huyền Đai Nhu Đạo võ đường Quang Trung, một vị Đại Đức mà anh rất mến thương và kính trọng, đã từng nói với anh rằng nếu nói về đạo Phật, về sự tu hành thì hãy lấy thầy Long mà làm gương; đừng vì một vài vị Tuyên Úy đã không nghiêm giữ được giới răn mà hiểu lầm về đạo Phật mà mất đi niềm tin. 



Anh nhớ lại câu chuyện lúc mới bước chân vào trại giam Long Thành sau khi Sài Gòn sụp đổ và hầu như mọi người đều không biết bấu víu vào đâu, niềm tin vào các tôn giáo cũng bị lung lay thì một sự việc đã xảy ra làm mọi người đều kính trọng thầy, nhất là khi biết hai tòa đại sứ bạn đã đến đón thầy đi di tản trước đó nhưng thầy đã khẳng khái chối từ và thanh thản bước chân vào trại giam. 



Trong thời gian mới bị giam giữ, một hôm thầy được gọi ra làm việc để gặp hai vị sư quốc doanh là Thượng Tọa Thích Minh Nguyệt và Thích Thiện Siêu. Hai vị này ra sức thuyết phục và chiêu dụ thầy để thầy ủng hộ phong trào “Phật giáo yêu nước”, và nói sẽ bảo lãnh cho thầy ra khỏi tù ngay để nhờ thầy góp công góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo Yêu Nước này. Hai vị sư này chính là người mà Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giam trước năm 1975 vì hoạt động cho Cộng Sản. Thích Minh Nguyệt đã bị đày ra Côn Đảo, còn Thích Thiện Siêu thì thường được gọi là ông Từ Đàm vì tu ở chùa này ngoài Huế. Sau đó chính Thượng Tọa Thích Thanh Long là người đã bảo lãnh cho họ ra khỏi tù để ăn năn hối cải mà trở về lại con đường tu hành vì họ đã bị lộ hình tích. Không ngờ ông trời trớ trêu để có ngày họ lại đến trại Long Thành và đối đầu với thầy trong hoàn cảnh đặc biệt này của đất nước. 



Thầy nhìn hai vị sư quốc doanh kia và từ tốn chậm rãi nhưng thật cương quyết thầy nói: 

“Các ông đã dựng nên cái phong trào “Phật Giáo yêu nước” ấy thì các ông cứ tiếp tục công việc mà các ông đã làm, còn tôi là một Tuyên Úy trong quân đội và tôi sẽ theo chân các Phật tử trong các trại giam, họ đi đến đâu thì tôi cũng sẽ đi đến đấy với họ cho tới cùng. Thôi các ông về đi”. 

Và sau đó thầy chấp nhận việc chuyển trại ra Bắc mở đầu cho một quãng đời biệt xứ lưu đày.



Những ai có may mắn gặp thầy trong trại giam thầy đều kính trọng vị sư già này, người mà lúc nào cũng như mỉm cười, hòa nhã, giản dị, khiêm tốn và giúp đỡ tất cả mọi tù nhân mỗi khi thầy có phương tiện. 

Năm 1976, thầy cùng một số Tuyên Úy chuyển trại từ Nam ra Bắc và bị giam giữ tại trại 1 Sơn La hay còn gọi là trại Mường Thái là nơi mà trước kia Pháp đã từng giam giữ những tù nhân bị án lưu đày. Năm sau thì thầy có tên trong số những tù nhân di chuyển về trại Yên Hạ, trại giam này nằm dưới thung lũng và bao vây chung quanh bởi những dãy núi đá vôi, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trại Yên Hạ là nơi chuyên giam giữ những tử tội hình sự cướp của giết người mà đã được nhà nước “khoan hồng” tha cho tội chết. 



Chỉ hơn một năm sau thì các tù nhân này dần dần kiệt sức vì lao động khổ sai, thiếu dinh dưỡng, thiếu ăn nhất là thiếu chất mỡ và đường, và vì khí độc từ dãy núi đá vôi phả vào từ chung quanh. Bởi thế chỉ sau một thời gian ngắn chuyển trại từ trong Nam ra ngoài Bắc, ai nấy đều gầy như bộ xương còn biết đi. Khi đi lao động hay đi trở về trại, người ta chỉ thấy những bộ quần áo tù phấp phới bay mà chẳng thấy da thịt đâu. Thế rồi sau bốn năm trời giam cầm và lưu đày, một số những người tù lần đầu tiên được nhận một gói nhỏ tiếp tế cực kỳ quí giá từ gia đình trong Nam gửi ra, một số khác thì vẫn chưa nối lại được sợi dây với gia đình trong Nam. Trong gói nhỏ mà các Phật tử gởi cho thầy Long có 15 cục đường móng trâu, lúc đó ai mà có được 5 cục đường như thế thì đã là thần tiên rồi, nhưng thầy từ từ đem ra phân phát hết 15 cục đường quí giá đó cho những người cùng buồng. Ưu tiên những tù nhân nào mà đã kiệt lực thì được một cục, những người đau ốm khác thì mỗi người được nửa cục mà thôi, còn riêng thầy thì không có một miếng đường nào hết. Những người tù này khi nhận được cục đường từ tay thầy phân phát đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng vị tha, quảng đại vô biên của một vị sư mà tâm đã định và huệ đã ngời sáng. 

Thầy cũng không thoát được những vụ hỏi cung, một hình thức tra tấn tinh thần những người tù khốn khó này trong trại giam. Một tên cán bộ từ Hà Nội vào với mái tóc hoa râm có vẻ là một viên chức cao cấp thuộc Bộ Nội Vụ đã hỏi cung thầy trong ba ngày liên tiếp. Hắn vứt cho thầy tờ giấy để tối về khai báo những tội lỗi đã chống đảng, nhà nước và nhân dân trước kia khi hoạt động ở Sài Gòn cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sáng hôm sau, khi kêu ra làm việc tiếp tục, thầy đã nộp bản khai báo cho hắn, vừa xem xong thì hắn đùng đùng nổi giận ném tờ khai xuống bàn và quát tháo: 

“Anh khai báo thế này hả? Tại sao anh lại chép Chú Đại Bi vào đây? anh muốn tù rục xương ra không?”. 
Vẫn thái độ bình tĩnh và từ tốn của một vị cao tăng thầy chậm rãi trả lời: 
“Thì đây chính là những gì mà tôi đã làm và đã tụng niệm khi xưa, có thể thôi!”. 



Hắn với vẻ mặt hầm hầm liệng cho thầy một tờ giấy khác để khai báo lại một cách thành khẩn để được sớm khoan hồng. Sáng ngày hôm sau, thầy nộp cho hắn một tờ thứ hai và trên tờ đó thầy chép lại thật nắn nót bài Kinh Bát Nhã. Đến đây thì hắn nổi điên lên và mạt sát thầy thậm tệ và đe dọa rằng thầy sẽ tù mọt gông và đừng mong sẽ được hưởng lượng khoan hồng. Thầy ung dung trả lời rằng: 

“Các ông cứ việc giam giữ tôi bao lâu cũng được, tôi chỉ xin các ông hãy thả hết những người tù chính trị chế độ cũ mà các ông đang giam giữ mà thôi”.



Từ đó đến sau, chúng ít khi kêu thầy ra hỏi cung nữa cho đến mãi năm 87, trước khi có một đợt thả lớn tại trại Ba Sao Nam Hà thì trong các vị Tuyên Úy bị hỏi cung có tên thầy. Nhưng đặc biệt lần này chúng gọi thầy bằng thầy chứ không gọi là anh như trước nữa, tuy nhiên chúng vẫn dụ dỗ thầy nhận tội để được khoan hồng. Thầy trả lời rằng các ông cứ thả hết các ông đại đức tuyên úy ra đi vì họ chẳng có tội lỗi gì hết tất cả đều do tôi và họ đều làm theo chỉ thị của tôi hết, muốn gì thì cứ giữ tôi ở lại đến bao lâu cũng được. Chúng đành chào thua và chỉ vài tháng sau thì thầy có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại cùng với tất cả các đại đức và những vị mục sư linh mục khác trong các Nha Tuyên Úy quân đội. 



Thầy ở tù mười hai năm, một năm trong Nam và mười một năm lưu đày trong những trại giam được dựng lên nơi rừng thiêng núi độc miền Bắc. Về miền Nam, thầy trở lại chùa Giác Ngạn trên đường Trương Minh Ký cũ ở Sài Gòn để lại lo Phật sự, cúng kiến giúp đỡ các gia đình Phật tử. Khi đi đâu tụng kinh thầy vẫn đơn sơ trong chiếc áo nâu sòng và phe phẩy chiếc quạt đã sờn rách và môi luôn nở nụ cười hiền hậu giống như một ông già nhà quê chất phát hiền lành. 



Chùa Vĩnh Nghiêm có vời thầy ra nhưng thầy vẫn ở lại Giác Ngạn – ngôi chùa mà thầy góp công xây dựng lên và trụ trì cho tới khi mất nước – cho tới khi thầy viên tịch vài năm sau đó. 

Ngày Trở Về

Trại Hàm Tân Z-30D, tỉnh Bình Thuận, miền Nam Việt Nam, vào một ngày cuối tháng Tư năm 1992.


Trại giam này nằm giữa khu rừng chập chùng toàn lá buông, dân chúng thường gọi tắt là khu rừng lá. Nó được dựng lên từ sức lao động khổ sai của những tù nhân sau ngày mất Miền Nam, và là nơi giam giữ cả tù hình sự nam lẫn nữ và tù nhân chính trị chế độ cũ cũng như những thành phần được gán cho danh xưng là "âm mưu lật đổ chế độ".



Ðây là một trại giam khá lạ lùng và có lẽ độc nhất vô nhị. Lạ lùng bởi lẽ nó đã thay hình đổi dạng rất nhanh trong thập niên tám mươi từ khi có trưởng trại mới là Thiếu Tá Nhu. Sau nhiều năm sắt máu, trại khổ sai này hò hét lao động hàng đầu, nhưng đã "phát huy sáng kiến" làm tiền kiểu kinh tế thị trường. Việc thăm nuôi đã từ từ mở rộng để cho tù nhân có thêm đồ và tiền tiếp tế. Việc khai thác lâm sản có kế hoạch qui mô nên đã làm giầu nhanh chóng cho cả trại và túi tiền của Thiếu Tá Nhu.



Gọi ông ta bằng tỷ phú thì cũng chưa đúng với sự giầu có của ông ta trên xương máu của tù nhân. Sân trại tù được biến thành nơi làm ăn, để móc tiền tiếp tế của tù nhân, bằng mà chiếu phim video thu tiền ở hội trường hàng đêm.



Sân trại sau bữa cơm chiều, người ta thường thấy nhiều cặp nam nữ tù hình sự cặp đôi đi rảo bước bên nhau hay ngồi tâm tình trên ghế đá trong những bộ quần áo thời trang đủ kiểu rất ư là tình tứ, dắt nhau ra mua vé và hẹn hò nhau gập lại buổi tối cùng xem phim chiếu trên hội trường.



Mỗi buổi chiều thì tất cả đều phải tập họp vào buồng giam, tối đến những ai có mua vé xem phim thì được mở cửa cho ra tập trung thành hai đội nam, nữ và dẫn lên hội trường. Căng tin được mở rộng thành quán nước và nhà hàng thu nhỏ. Phim video chưởng, võ hiệp, tình cảm Ðài Loan, Hồng Kông được thuê về chiếu cho toàn trại xem một cách thoải mái, nhưng phải bỏ tiền ra mua cũng đem lại cho ông ta bộn bạc.



Bên cạnh những tù nhân nam nữ can tội hình sự đủ loại, là một khu dành riêng cho các tù nhân chính trị chế độ cũ. Hàng chục ngàn tù nhân chế độ cũ đã trải qua những năm tháng lao động khổ sai trại trại Z-30D này. Cho đến tháng Tư năm 1992, tất cả chỉ còn lại đúng 20 người sau cùng được dồn vào Ðội 23.



Buổi sáng hôm ấy, họ ngồi chờ đợi một cách bình thản ở trong hai căn phòng dành cho tù chính trị chế độ cũ đang bị tập trung cải tạo, phòng trên dành cho bốn ông tướng Trần Bá Di, Đỗ Kế Giai, Lê Văn Tâhn Thân và Lê Minh Ðảo, phòng duới dành cho số còn lại.

Tất cả hai mươi người bao gồm bốn tướng, bốn đại tá ANQÐ, Quân Báo, bốn trung tá Cảnh Sát Ðặc Biệt và ANQÐ, hai thiếu tá CSÐB và ANQÐ, nhân viên Phủ Ðặc Ủy TƯTB, một hồi chánh viên, một trinh sát tỉnh đội, và một người về từ tầu Việt Nam Thương Tín. Họ đã bị giam giữ qua năm thứ mười bảy kể từ ngày Saigòn sụp đổ.
Họ đang chờ đợi bởi vì ngày hôm nay là một ngày khác thường, các bạn Hoàng và chàng trong đội 23 đang chờ xuất trại đi lao động như mỗi buổi sáng, thì được lệnh vào trong tại và chờ lệnh mới.


Người ngồi đánh cờ tướng, người nấu nước pha trà để nhâm nhi trong lúc chờ đợi, hay nằm đọc lại tờ báo cũ. Cái xấu nhất có thể xảy đến là chuyển trại về một nơi xấu hơn hoặc cho một viên đạn, nhưng qui luật của trại giam Hoàng đã đi qua thường là di chuyển về ban đêm, không đi ban ngày bao giờ. Vậy thì cái gì đây sắp xảy ra?



Từ căn phòng trên vẳng xuống tiếng sáo của tướng Thân lúc trầm lúc bổng. Hoàng mỉm cười, thời gian trong tù, ông tướng này đã học được hai nghề, một là châm cứu từ một ông thầy người Tầu có tài châm cứu xuất chúng, bị bắt và bị gán cho tội gián điệp ở biên giới Việt Trung, và thứ hai là tài thổi sáo



Thế rồi tất cả 16 người, trừ bốn ông Tướng, bao gồm cả các anh đang ở ngoài trông coi các lô, lán của trại, hay đang đi chăn bò, cắt cỏ đều được triệu hồi vào hết bên trong hội trường. Mười sáu người ngồi lọt thỏm trên hàng ghế đầu trong cái hội trường rộng mênh mông có thể chứa đến ngàn người.



Và cái gì khó tin nhất đã xảy ra, 16 người trong đó có Hoàng được đọc tên thả ra khỏi trại, và năm ngày sau thì bốn vị tướng cũng giã từ cuộc đời tù tội và đóng lại cánh cửa tù sau lưng. Hầu như một cơn chấn động vừa chạy qua mọi người, họ nhìn nhau không biết có nên tin hay không? Hai chữ Tự Do hình như không còn hiện hữu kể từ này họ bị lưu đầy biệt xứ ra Bắc một năm sau ngày mất miền Nam.



Thế rồi chiếc xe đò của ông Tô, chiếc xe vẫn thường chuyên chở hàng thuốc men và thực phẩm tiếp tế của các gia đình từ Saigòn hay các tỉnh gởi lên cho tù nhân được gọi vào để chở những người tù cuối cùng này về Saigòn.



Vai khoác chiếc ba lô mà anh đem theo từ ngày đầu bước vào cơn bão lửa tập trung, anh từ từ theo các bạn đi ra con đường cái để chờ xe đò đến đón.



Ngồi trên xe đò mà hồn anh như để tận đâu đâu, chiếc xe bon bon lăn bánh trên quốc lộ số một xuôi về nam. Bây giờ, ngồi cạnh cái cửa sổ trên xe đò, Hoàng mới tin là mình còn sống, và cũng không thể giải thích được tại sao mình còn sống sót được sau bao nhiêu là tàn phá của những năm tháng qua. Nhìn qua cửa sổ những hàng cây bên đường như chạy thụt lùi lại phía sau và gió mát lùa vào trong xe như đưa anh trở về quá khứ, mắt Hoàng mờ dần mờ dần với ký ức, một cơn ác mộng triền miên, trong khảnh khắc như một cuộn phim bừng sống lại...



Những họng súng AK, CKC chĩa vào người chàng và các bạn, những ánh đèn pin lóa mắt, tất cả 40 người được đựng dậy trong đêm, đọc tên xác nhận từng người rồi đứng ra thành một nhóm từ một căn nhà tạm giam tại trại Long Thành, tỉnh Ðồng Nai năm 1976. Ðó là ngày mà chàng cũng như hàng vạn những quân công cán chính chế độ VNCH như Hoàng đã cùng lúc bị chuyển trại từ khắp nơi trong miền Nam ra Bắc, bắt đầu bước vào cảnh lưu đầy biệt xứ.



Những năm tháng dài thăm thẳm, quần áo không đủ che thân, đói rét lạnh cắt vào da thịt của mùa Ðông mưa phùn gió bấc nơi xứ Bắc. Những mùa Hè nóng đến nung người suốt ngày lẫn đêm, cái nóng gay gắt và hầm hập làm người lúc nào cũng như bị say nắng. Những bệnh tật, kiệt sức đã cướp đi hàng ngàn nhân mạng, những cái chết thật dễ dàng và vô lý.



Rồi mười hai năm lưu đầy qua hết trại giam này đến trại giam khác, và sau cùng tập trung về trại Ba Sao Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh. Sau bao nhiêu đợt thả, lúc nhiều lúc ít nhưng có lẽ tên chàng đã bị lãng quên.



Thế rồi những tin tức dồn dập về phái đoàn do cựu đại tướng John Vessey cầm đầu đề cử bởi Tổng Thống Reagan để thương thuyết với Hà Nội đã đi đến thành công đem đến cho các trại tập trung một luồng sinh khí, và họ đã như sống lại từ những cây khô.



Năm 1988, sau hai đợt thả lớn nhất, chín mươi người trong đó có Hoàng còn sót lại tại trại. Ba Sao Nam Hà đã được lệnh di chuyển bằng xe lửa từ ga Nam Ðịnh xuôi về phương Nam.



Khi vào đến khu vực rừng lá Hàm Tân trại Z-30D đầu tháng năm 1988, số người từ miền Bắc vào nhập với số anh em còn lại trong Nam tổng cộng còn lại một trăm năm mươi bốn người trong đó có Hoàng, trong số hàng triệu người bị cải tạo ngắn hạn đến tập trung không có bản án từ ngày Saigòn bị đổi tên. Và trại từ từ thả những người còn lại ra một cách nhỏ giọt làm nhiều đợt trong suốt bốn năm cho đến tháng Tư năm 1992 thì vỏn vẹn chỉ còn lại hai mươi người tù cuối cùng trong đó cũng có Hoàng.



Giòng tư tưởng của chàng chợt bị ngưng đọng lại khi chiếc xe đò tự dưng khựng lại giữa đường. Tiếng người tài xế kêu mọi người xuống xe và phụ giúp đẩy xe vào lề đường để sửa chữa làm chàng choàng tỉnh dậy. Nghe người tài xế phân bua một cách hài hước với mọi ngưới làm Hoàng cũng bật cười:"Tại các ông ấy đấy chứ, hôm nay trở về làm xe tui chết máy chứ xe này bà con thấy có hư máy bao giờ đâu. Ái chà, tù gì mà tới mười bảy năm, lâu dữ à nha, chắc tại học bài không thuộc chứ gì!"



Hỏi thăm thì biết mình đã về đến Biên Hòa, tim chàng tự dưng đập mạnh khi nghĩ chỉ một tiếng đồng hồ nữa là có mặt tại Saigòn. Saigòn hai tiếng này đã làm tim chàng đau nhói bao nhiêu lần mỗi khi nghĩ tới trong suốt bao nhiêu năm trường bị giam giữ giữa bốn bức tường. Tiếng bác tài hối mọi người lên xe vì máy đã sửa xong:

-"Lên xe đi các bà con ơi! Còn một tiếng nữa là về đến thành phố rồi" như nhắc Hoàng chợt nhớ tới câu chuyện "Khi Người Tù Trở Về" có lẽ nếu anh nhớ không lầm là tác phẩm của nhà đại văn hào Pháp André Malreaux.


Câu chuyện về nhóm tù binh Pháp được trả tự do sau Thế Chiến, khi Ðức bại trận. Có một viên sĩ quan trẻ khoe với các bạn tù về người vợ tuyệt vời của mình và mơ tưởng đến lúc trở về nhà sum họp hạnh phúc như xưa, nhưng trong lòng anh thì vẫn không chắc rằng vợ mình còn chờ đợi hay không?

Khi về tới ngôi nhà cũ, anh ta không vào thẳng nhà mà đi quanh nhà kín đáo quan sát và chờ bữa cơm chiều xem vợ mình có sống với ai không. Núp sau bụi cây sau nhà, anh thấy vợ mình gầy hơn xưa nhưng đang rất vui tươi lăng xăng bầy hai phần ăn với hai chiếc muỗng, hai chiếc nĩa, thì hai giòng nước mắt tuôn ra và lủi thủi đi mất. Trong khi người vợ được tin chồng mình sẽ trở về trong ngày nên nấu món soup đặc biệt cho chồng nhưng chờ mãi mà không bao giờ thấy người chồng trở về nữa.


Nghĩ tới gia đình, người vợ đã bao năm bặt tin và hai đứa con, lòng Hoàng bồi hồi xúc động. Ngày mà chàng giã từ gia đình ra đi không hẹn ngày trở lại, chúng mới đứa hai đứa ba tuổi, nay đã thành thanh niên và thiếu nữ rồi. Ngày chàng ra đi còn trong lứa tuổi hai mươi, bây giờ trở về đã trong lứa tuổi tứ tuần. Tuổi đẹp nhất của người đàn ông để lập nên sự nghiệp đã bị vùi dập trong tập trung cải tạo. Thời gian quả là lạnh lùng và không có trái tim.



Khi về tới Saigòn năm 1992 và tạm trú ở đây, Hoàng mới được biết là có một danh sách đặc biệt bao gồm hơn một trăm người tù sau cùng đã được thành lập gọi là thành phần Z-05 và được ra đi nhanh chóng trong những đợt của chương trình H.O.



Chỉ trong vòng một năm sau, Hoàng và gia đình các bạn chàng đã được ra đi tái định cư tại Hoa Kỳ. Hiện nay, những người tù cuối cùng xuyên qua mười bảy năm cải tạo tập trung và còn sống sót trở về năm ấy đang cư ngụ tại những tiểu bang trên đất Mỹ như New York, Virginia, Washington, Texas, Oregon; nhưng nhiều nhất vẫn là tại Quận Cam, California.

(Ghi Chú: Bài này đã được đăng trên Việt Báo tại Orange County, Nam Cali vào cuối tháng Tư năm 2002. Bút hiệu của tôi lúc đó là Đăng Tâm.)

Những Ngày Giáp Tết

Những ngày cuối năm vẫn là những ngày có đủ hai mươi bốn tiếng đồng hồ như mọi ngày nhưng sao thấy có cái gì thật là đặc biệt. Hình như trên trời dưới đất và trong không gian vạn vật đang giao hòa với nhau để chuyển biến dần sang năm mới. Con người cũng bận rộn chuẩn bị đón Giao Thừa và Năm Mới, người lớn thì lo cúng giỗ Ông Bà, đưa Ông Táo đi và đón Ông Táo và đón Ông Bà trở về trẻ con thì háo hức chờ Mùng Một Tết được lì xì và quần áo mới. Những gia đình khá giả thì đây là dịp để vui hưởng những ngày Xuân và những gia đình khó khăn thì đang chật vật với những khoản chi tiêu làm sao cho qua được những ngày Tết.


Tôi đã qua được mười tám cái Tết trên đất Mỹ, cũng chờ đón Giao Thừa, cũng chúc Tết Mẹ tôi và gia đình các em, các cháu ngày Mùng Một, cùng đi lễ Chùa, lễ Đền, hái lộc đầu năm nhưng sao vẫn không thấy được cái không khí ngày Tết của những năm tôi còn bé tại thành phố Hải Phòng trước khi di cư năm Năm Mươi Tư hay trước năm Bảy Mươi Lăm tại Miền Nam.

Tôi còn nhớ lúc nhỏ năm bảy tuổi là lúc mà Bố Mẹ tôi là một thương gia giầu có vào hạng nhất nhì của thành phố Hải Phòng và căn nhà mà tôi ở thì rộng lớn như một dinh thự trên một mẫu tây đất và phải dùng đến đúng một trăm ngọn đèn neon và đèn bóng tròn mới đủ thắp sáng hết căn nhà.
Căn phòng mà bốn anh em trai chúng tôi ngủ thì tường toàn là dát những bông hoa giấy và những chấm mầu đỏ mà Mẹ tôi nói là Ba tôi đã "com măng" từ bên Pháp qua.
Mỗi khi Tết gần đến là lòng tôi lại có một cảm giác háo hức chờ xem những sinh hoạt của những ngày cuối năm. 


Vì Bố tôi là Trưởng Tộc và lại giầu có nữa nên những ngày này thì các cô chú tôi và cả những bà chị họ của tôi đều đến nhà và lăng xăng chạy qua lại trên nhà dưới bếp để xắt thịt lợn tươi ra, lớp thì khô thịt, lớp thì làm thịt đông, lớp thì để gói bánh chưng theo sự sắp xếp của Mẹ tôi.

Mỗi cái Tết như vậy thì Mẹ tôi cần phải mua một con lợn thật là béo về thì mới đủ để mà gói bánh chưng và làm các món cho ngày Tết và cũng để chia phần cho tất cả những gia đình đến phụ giúp trong những ngày cuối năm nay. Tôi còn nhớ ông Cộng mà chúng tôi coi như là người Bõ già của gia đình là người đắc lực nhất trong mọi chuẩn bị cho một ngày Tết hoàn hảo của mỗi năm.
Bõ Cộng cũng là người rất là hiền lành nhưng mà giống hệt Ông Nội của tôi là mỗi năm chỉ tắm đúng hai lần Xuân Thu nhị kỳ mà thôi. Ông Nội tôi là thầy thuốc Bắc thật là tài giỏi lúc bấy giờ và mỗi khi mà bọn tôi có đứa nào bị ốm đau hay cảm hàn gì đó thì Mẹ tôi lại nhờ đến Cụ và đó là lúc mà Cụ lên lớp Mẹ tôi là mày cứ cho chúng nó tắm nhiều vào rồi thì đau ốm lại làm khổ Ông.


Tôi thích nhất là những ngày cuối năm, có lúc được Ông cho đến hiệu thuốc Bắc của ông, cho ngồi trên cái quầy và chờ Ông sửa soạn các thứ để đóng cửa mấy ngày Tết thì tôi được dịp nhấm nháp những quả ô mai cam thảo thật là ngon và được Ông cho những đồ chơi mà ông tự tay làm lấy như Lồng Đèn Kéo Quân, hay những thằng lính bằng thiếc bồng súng chào hay những chiếc xe Jeep con con mà Ông tự đúc lấy.



Trên lầu nhà tôi ở trên đường Cầu Đất ấy có một cái sân thượng to thật là to phải đến bốn trăm mét vuông là nơi mà mọi sinh hoạt chuẩn bị cho ngày Tết đều diễn ra ở đây. Tôi thường ngồi xổm bên cạnh Mẹ tôi để xem gói bánh chưng.

Mẹ tôi nói gì tôi cũng không hiểu nào là phải nấu đậu xanh ra sao, cắt những miếng thịt vừa nạc vừa mỡ ra sao, nào là phải gói cho thật chặt tay vào thì bánh chưng mới để lâu được để chỉ dẫn cho các cô tôi và các bà chị họ. Tôi thấy ai cũng đều vâng dạ và có vẻ như rất là kính trọng Mẹ tôi như là một vị tổng chỉ huy vậy.


Đến ban đêm mà luộc bánh chưng thì dù là thật buồn ngủ bốn anh em tôi cũng được đánh thức dậy để ngồi cạnh bên bếp lửa và cái thùng phuy thật là to chứa hàng trăm cái bánh chưng trong đó đang ùng ục sôi và thích thú nhất là lúc Bõ Cộng gắp lấy từng cái bánh ra thì tôi cố tìm xem cái bánh gói riêng cho tôi bé xíu ở đâu để cất riêng vào phòng của mình để suốt mấy ngày Tết nhất định chỉ để ngắm nhìn chứ không ăn nó.

Bánh chưng đậu và bánh chưng đường mà mẹ tôi nấu thì thật là tuyệt, tất cả họ hàng đều khen vì không thể tìm mua tại các cửa hiệu được lý đó giản dị là từ lá chuối đến nhân đậu thịt và đường đều là những thứ hảo hạng và tuyển chọn cả.


Rồi ngày hai mươi chín là mọi việc đều xong xuôi và hoàn tất, Mẹ tôi rất là cẩn thận và ân cần phân chia mọi thứ từ nồi thì Đông cho đến thịt kho tầu, bánh mứt tết và nhất là bánh chưng cho từng người và từng gia đình một. Bõ Cộng cũng nhận một phần kèm theo một số tiền mà mẹ tôi thưởng cho để đem về quê ăn Tết.



Và ngày ba mươi thì căn nhà tôi tự dưng vắng hẳn đi chỉ còn mấy chị giúp việc và các bà vú em đi theo Mẹ tôi quét dọn lại nhà cửa và chuẩn bị cúng Giao Thừa.

Đến bây giờ tôi mới thấy cái gia đình Việt Nam ngày xưa nó khác với gia đình ngày nay ở chỗ là một cái gì như là tình người rất là đằm thắm giữa Mẹ tôi và các chị giúp việc và nhất là các bà vú nuôi chúng tôi họ cứ y như là những người thân thích và ruột thịt của mình vậy. Lúc đó ba đứa em gái của tôi đều rất còn nhỏ và mỗi lần các bà vú xin phép Mẹ tôi để về thăm quê là tôi lại thấy cảm giác như thiếu vắng người thân vậy và mong các chị sớm về lại nhà với những món quà đơn sơ từ quê đem lên.

Vì Bố tôi học Tú Tài Pháp nên mọi thứ ông đều chuộng theo mốt của Tây khác hẳn với Ông Nội tôi lại là thầy lang và suốt năm cứ khăn đóng áo dài. Bốn anh em trai của tôi đều được ăn mặc rất là chỉnh tề và giống y hệt nhau chỉ khác có kích thước quần áo mà thôi để đứng sắp hàng một loạt chúc Tết Bố mẹ tôi ngày Mùng Một và chờ được mừng tuổi. Bốn anh em tôi đều được cho đi học trường Saint Joseph tại Hải Phòng là một trường Dòng nổi tiếng và những năm tháng học tại trường này và nếp sống Tây phương của Bố tôi vẫn còn ảnh hưởng đến tôi cho đến sau ngày di cư vào miền Nam năm Năm Mươi Tư và những năm sau này tiếp xúc với nhiều cố vấn Mỹ và văn hóa của người Mỹ nữa.
Thế rồi chiến tranh bùng nổ và gia đình tôi cũng như hàng triệu gia đình khác phải di cư vào Nam lánh nạn Cộng Sản.


Những cái Tết trong miền Nam có những hương vị đậm đà của nó nhưng tôi vẫn không quên được những ngày Tết khi còn bé.



Chiến cuộc vẫn tiếp tục lan rộng tại miền Nam và những ngày Tết sau đó là những ngày Xuân chiến chinh và các anh tôi lần lượt tòng quân vào sỹ quan Hải Quân Nha Trang, Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và tôi sau đó phục vụ cho Không Lực Thứ Bẩy của Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất và những ngày Xuân tại Sàigòn đều đượm mùi thuốc súng với những bài hát đón Xuân gửi ra tiền tuyến trên Radio và trên truyền hình, dù là Saigon rất còn xa với những chiến trường của Quân Đoàn III.



Năm nay Xuân lại đến trên mảnh đất tạm dung chan hòa ánh nắng của miền Nam Cali. Hai ngày nữa là Giao Thừa.

Một năm nữa lại sắp qua đi, một năm mới lại sắp đến với

những ước vọng mới và niềm hy vọng rằng cái Mới sẽ tốt 
đẹp hơn cái Cũ và cứ thế cuộc đời vần xoay.


Mấy ngày qua miền nam Cali như chìm trong mưa lũ và 

bão tố. Hai hôm nay trời đã nắng lên và thời tiết tốt trở lại 
và những chợ Hoa tại vùng Little Sàigòn thuộc Quận 
Cam như đang hồi sinh và chợ Tết Xuân của Sinh Viên 
với chủ đề "Xuân Yêu thương" sẽ khai mạc vào ngày mai 
hai mươi chín Tết và kéo dài đến hết ngày Mùng Một.

Nhìn lại những mùa Xuân đã qua trong cuộc đời mình 
như một cuốn phim quay chầm chậm lại và như thấy lại 
hình bóng của tôi từ lúc còn bé đến khi trưởng thành 
trong khói lửa chiến tranh, những năm tháng trong hỏa 
ngục tù đầy và những năm tháng trên quê hương thứ hai 
này như cũng mờ dần đi trong những bước thăng trầm 
của đất nước Việt Nam.



Viết xong ngày Hai Mươi Tám Tết năm Canh Dần

Sài Gòn Mùa Thu Kỷ Niệm

Chúng ta những người Sài thành đã từng sống trong thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông này thì đều thấy một điều là miền Nam nước Việt trong vùng Nhiệt Đới thì chỉ có hai mùa mưa nắng, hết mưa thì đến nắng chứ không có cảm nhận được khí hậu bốn mùa như các vùng Ôn Đới khác.


Tuy nhiên khi mà mùa hè chấm dứt theo tờ lịch treo trên tường thì mức độ nóng cũng có giảm dần đi một phần bởi vì trời đã sang Thu dù là trên lý thuyết.



Tôi có nhiếu kỷ niệm về những mùa Thu khi còn sống với Mẹ và các em. Đó là thời gian khoảng những năm đầu thập niên một chín sáu mươi khi mà cả ba người anh trai của tôi lần lượt nhập ngũ vì tình hình chiến sự đang leo thang và thanh niên nhất là trong thành phố bấy giờ đang nao nức tòng quân để bảo vệ quê hương.  



Sài Gòn dù đã sang Thu nhưng những năm ấy đường phố và nhà nhà đều mang một sắc thái đặc biệt của một thành phố trong thời chinh chiến với những người lính trong quân phục trên khắp ngả đường đất nước.



Lúc đó tôi vừa học xong Đệ Tứ và vừa đỗ Trung Học Đệ Nhất Cấp tại trường Trần Lục ở Tân Định; và chuẩn bị vào Đệ Tam Chu văn An.



Là học sinh Đệ Nhị Cấp cũng có cái oai của nó bởi vì tôi là anh lớn nhất còn tại nhà để phụ giúp Mẹ tôi buôn bán, chỉ thêm bài vở cho các em và đôi lúc còn được các bạn học của mấy cô em gái tôi bên trường Lê Bảo Tịnh nhờ vả chuyện này chuyện kia nữa, cho nên dù là gia đình cũng còn túng thiếu nhiều nhất là sau khi Ba tôi qua đời nhưng trong cái gia đình nhỏ bé đó gồm mẹ tôi, tôi, bốn cô em gái và cậu út mới biết đi chưa biết chạy thì tôi và các em tôi đều rất là an phận và vui tươi chẳng thấy gì là suy nghĩ vì cuộc sống thật là giản dị đó.



Mỗi sáng là Mẹ tôi dậy sớm để bắt đầu một ngày mới mở cửa hàng buôn bán tạp hóa trên con đường Trương Minh Giảng thân thương, đối diện với ngôi trường Lê Bảo Tịnh, con đường mà tôi đã ở trên mười lăm năm trời với bao là kỷ niệm.



Nhưng sáng nào cũng vậy Mẹ tôi không quên làm một chảo đầy cơm chiên và một đĩa dưa muối cùng chén nước mắm cho các con ăn cho no rồi đi học. Sáng nào cũng vậy 365 ngày không bao giờ thay đổi vì nhà nghèo không thể mua quà sáng cho cả lũ con như vậy được.

Mẹ tôi nói ăn cơm cho chắc bụng vậy mà sáng nào tôi cũng tận tình xơi hai bát đầy không bao giờ chán, trước khi đạp xe đạp lóc cóc đến trường Chu Văn An tuốt trong Chợ Lớn.


Thời gian đó với tôi sao thật là đẹp thật là nhiều bạn dù là tôi lớn lên và trưởng thành trong hoàn cảnh thiếu thốn không quần áo để se sua, cả các em gái tôi cũng vậy thật là ngoan bao giờ cũng yêu thương Mẹ và không hề đòi hỏi gì.



Mỗi năm chỉ có hai bộ quần áo mới Mẹ may cho là vào dịp Tết Nguyên Đán mà thôi, còn quanh năm có gì mặc nấy, miễn là lành lặn sạch sẽ là được rồi. Mẹ tôi đôi lúc cũng khuyến khích chúng tôi là nghèo mà học giỏi mới tài chứ giầu có thì còn nói chuyện gì nữa.



Có lúc tôi kể cho Mẹ nghe là ôi còn học giỏi hơn nhiều thằng bạn nhà giầu nữa thì Mẹ lại lên giọng:



-"Thấy chưa! Mẹ đã bảo mà. Các con học giỏi là giống Ba con còn thông minh biết tính toán là...giống Mẹ."



Anh em tôi thường nhìn nhau cười thầm vì thấy Mẹ lúc nào cũng tự hào về mình, nhưng những lúc về đêm trước khi đi ngủ tôi thường thấy Mẹ ra ban công thắp nén hương vài Trời Đất và cầu nguyện cho các anh tôi được bình yên vô sự thì tôi lại thương Mẹ thật nhiều và xót thương cho quê hương mình quá lầm than. Những lúc các anh tôi về phép để chiếc mũ sĩ quan trên bàn thì tôi lấy thử đội lên đầu ra gương ngắm xem sao thì Mẹ lại bảo:



-"Chảng cần phải đội thử con ạ, mấy năm nữa vào trường sĩ quan Thủ Đức thì tha hồ mà đội."



Tôi có nhiều kỷ niệm về mùa Thu là bởi vì mỗi năm chúng tôi nhất là các cô con gái thường trông đến mùa Thu và đến rằm Trung Thu để phá cỗ rất là vui và hào hứng.



Cỗ mà Mẹ tôi chỉ cho chúng tôi bầy ra chỉ ba ngày trước rằm Trung Thu và phải chờ đến đúng tối ngày rằm mới hội họp đầy đủ hết con cháu thì mới được phá cỗ.

Đến bây giờ các em tôi còn nhắc đến kỷ niệm đó vì làm xong cỗ thì rất là công phu mà phá cỗ thì chỉ mươi lăm giây đồng hồ là có thể phá tan hoang chẳng còn gì.


Thời gian đó thì cô ruột tôi làm bánh Trung thu tại nhà và các em họ tôi đem đi bỏ mối tại các cửa hiệu. Thế là có lý do để chay qua nhà cô tôi trong hẻm 359 cách nhà tôi hơn trăm thước.



Cô tôi cho phép chúng tôi tha hồ lựa các khuôn gỗ nhỏ có tay cầm hình con heo, hình bánh vuông hay hình mặt Trăng để nhào bột thành bánh dẻo và nhồi vào các khuôn rồi đập ra thành sản phẩm.



Tôi thường chỉ huy các em để tụi nó làm nhiều bánh dẻo đủ các loại hình theo ý thích nhưng riêng tôi thì nhào bột để làm một cái bánh dẻo mặt Trăng thật lớn cả kí lô để làm giải thưởng cho tối hôm rằm phá cỗ. Xong rồi mua các lồng đèn Trung Thu và hàng chục cây mía nữa là đủ.

Gian ngoài mặt đường thì là mặt hàng còn gian nhà giữa rất rộng làm phòng ăn được sử dụng luôn làm nơi bầy cỗ.


Cái bàn hình chữ nhật chiều dài gần hai mét và chiều ngang tám tấc được sử dụng làm nơi bầy cỗ. Mía được róc hết vỏ và cắt ra thành những đoạn dài ngắn bằng nhanh rồi xây mía lên thành hai cái tháp nhọn lớn y như Kim Tự Tháp vậy hai bên và phần còn lại là trang trí sao cho thật là hấp dẫn với các bánh dẻo con con đủ hình thể xen với các bánh nướng nhỏ mà cô ruột tôi cho chúng tôi nữa để bầy cỗ xung quanh cái bánh Mặt Trăng lớn nằm giữa và bánh kẹo lồng đèn treo chung quanh. Trong con mắt của tụi nhỏ gia đình tôi vàtụi nhỏ bên cô tôi thì đây là cái cỗ Trung Thu lý tưởng và đứa nào cũng nhắm sẵn một món để tối hôm rằm đúng tám giớ thì Mẹ tôi mới cho phá cỗ.



Mấy ngày hôm đó chúng tôi cứ đi ra đi vào ngắm bàn cỗ để tính tối hôm đó sẽ nhào vô giựt món gì. Các cô cậu em họ tôi cũng rảo qua nhìn ngắm nhưng tôi nói là chỉ được nhìn thôi cấm táy máy.



Chắc chẳng có bút mực nào tả được hết cái nét hân hoan của tụi nhỏ em tôi và bên cô tôi tối hôm phá cỗ.



Sau khi chiều tắm rửa và ăn tối xong thì các em họ tôi chạy qua nhà tôi hợp cùng với đám em gái tôi. Mê tôi bảo tôi ra đóng cửa hàng xong thì vào nhà trong thắp sáng hết các lồng đèn lên và bánh Trung Thu mà cô tôi biếu Mẹ tôi ăn còn bao nhiêu thì bỏ hết lên mâm cỗ.



Giờ phút nghiêm trọng đã đến và tôi nhìn thấy trên mỗi khuôn mặt trẻ thơ trong những ánh mắt ấy một niềm vui sướng khôn tả trong hồi hộp chờ lệnh của tôi đếm một hai ba là cả chục đứa con nít có mà choai choai có đều nhẩy vào mâm cỗ và giựt lấy chiến lợi phẩm. Chỉ nháy mắt sau là mâm cỗ chẳng còn gì đáng kể, có những đứa em bé hơn nên không giành giựt được các con giống bánh dẻo hay bánh nướng với các chị thì khóc như ri.

Tôi cũng lấy được một mớ trên tay rồi nên quay lại cho các cô bé này và thế là lại gạt nước mắt cười tươi như hoa và mọi người đều vui và hể hả.


Năm nào cũng vậy cứ vào dịp Trung Thu là  gia đình tôi lại tổ chức bầy mâm cỗ cho các em tôi và mấy em họ bên cô tôi vui ngày Tết cho nhi đồng - mà người lớn cũng hưởng vui lây - để cho Mẹ tôi vui và để cho Mẹ quên đi ba anh trai tôi đang xông pha nơi chiến trận.



Đến bây giờ đã gần bốn chục năm qua rồi mà các em gái tôi còn nhắc đến niềm vui  lúc phá cỗ ngày rằm Trung Thu.



Anh thứ Ba tôi hiện đang cư ngụ ở Diamond Bar thỉnh thoảng lại hỏi xem bây giờ có còn bầy mâm cỗ cho tụi nhỏ phá cỗ như thời mình còn ở đường Trương Minh Giảng hay không.



Em gái tôi chỉ cười và lắc đầu có lẽ vì bên này đủ thứ lo toan cho nên không còn để ý đến những phong tục tập quán ngày xưa nữa hay có thể vì các tập tục đó đang dần rơi vào quên lãng.


Viết xong Tết Trung Thu năm Canh Dần

Sài Gòn Ngày Tháng Cuối

Thế là sau năm năm làm việc với Đệ Thất Không Đoàn Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất, Sàigòn, tôi lại chuyển qua một nhiệm sở mới là Toà Đại Sứ Mỹ cũng tại thủ đô Sàigòn. Những tay sĩ quan và hạ sĩ quan trẻ của đơn vị gọi là Phân Đội Alpha của Đệ Thất Không Đoàn là những người lính thật là vui vẻ cởi mở và rất là thân thiện mà tôi không bao giờ quên được nhất là sau bao nhiêu chuyến công tác, bao nhiêu chuyến bay trên vận tải cơ khổng lồ Hercules C-130 ra Vùng I và Vùng II Chiến Thuật.


Thời gian vẫn không ngừng trôi và con người cũng phải thích ứng với không gian mới. Tôi được điều về Đoàn Liên Lạc Hoa Kỳ để yểm trợ một Phụ Bộ thuộc Phủ Tổng Thống. Nội dung công việc cũng không có gì thay đổi nhiều, cũng vẫn là tóm tắt và tổng kết những tin tức về quân sự mà hai bên Việt Mỹ đã thâu lượm được để tường trình lên cấp trên.


Nhờ vào thời gian làm việc cho Không Quân Mỹ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ mà tôi ý thức được rằng người Mỹ nắm rất vững về những tình hình biến chuyển trên chiến trường, tương quan lực lượng đôi bên và cũng biết rất rõ về đối phương tức là Cộng quân Bắc Việt và đám Việt Cộng trong Nam; và Hoa Kỳ có một sức mạnh quân sự phải nói là khủng khiếp thừa sức đè bẹp Cộng quân bất cứ lúc nào.



Chính vì thế mà niềm tin của tôi vào đồng minh Hoa Kỳ đã từ từ thuyên giảm một cách rõ rệt khi thấy người Mỹ khoanh tay để cho Cộng Sản tràn vào các đô thị kể cả Sàigòn và Chợ Lớn ngày Tết Mậu Thân. Họ cũng chấp nhận những sự di tản chiến thuật rút khỏi tỉnh Phước Long, rồi sau nầy khỏi Kông Tum Plei Ku, Vùng II để xẩy ra Đại Lộ Kinh Hoàng là dịp cho Cộng quân pháo kích giết hại hơn hai chục ngàn dân lành dọc theo Quốc Lộ này. Họ đã đem B-52 ra Miền bắc để rải thảm 12 ngày đêm kể cả thủ đô của Công Sản là Hà Nội và phong tỏa cảng Hải Phòng nhưng lại ngừng ngay cuộc ném bom đó khi Hà Nội đồng ý quay trở lại bàn đàm phán.



Hiệp Định Paris được ký kết một cách đơn phương giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt dù rằng phía VNCH chúng ta cực lực phản đối. Hoa Kỳ vẫn ký để đơn phương rút quân kể cả các cố vấn ra khỏi Miền Nam trong khi họ biết chắc chắn rằng Bắc Việt sẽ vi phạm hiệp định và vẫn bám chặt vào các căn cứ địa của nó tại Miền Nam. Những năm '60, khi họ đến với chúng ta trên danh nghĩa Đồng Minh thì họ cam kết với chúng ta để chống lại sự bành trướng của Cộng Sản trong vùng Đông Nam Á. Khi họ muốn rút đi những năm đầu của thập niên '70, thì họ lại ký kết với kẻ thù chứ không cần đến ý kiến và chữ ký của chúng ta nữa. Hiệp Định Paris chính là con dao mà đồng minh Hoa Kỳ đã ngầm đưa cho Cộng Sản Việt Nam và quan thầy của chúng để thanh toán chế độ VNCH chúng ta nhanh chóng hơn.



Quả thật là làm đối thủ của Hoa Kỳ dễ hơn rất nhiều so với làm đồng minh của họ bởi vì hầu như người Mỹ kể cả Tổng Thống của họ nhiều khi công khai hoá luôn cả những kế hoạch mà họ dự tính.



Sau khi ký kết được như ý muốn Hiệp Định Paris thì đồng minh Hoa Kỳ lại thi hành một chiến thuật cắt giảm viện trợ cả về quân sự lẫn kinh tế trong chiến lược bỏ rơi đồng minh VNCH đơn độc chiến đấu trong tình trạng thiếu súng ống đạn dược và nhiên liệu để chống lại cả một khối Cộng Sản Quốc Tế đầy gian manh và hiểm độc đang yểm trợ mạnh mẽ cho Cộng Sản Bắc việt và đám VC trong Nam "đánh cho đến người Việt Nam cuối cùng".

Trong lịch sử loài người tự cổ chí kim có lẽ không có một cuộc chiến đấu nào can trường anh dũng và oai hùng hơn cuộc chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà - chiến đấu trong đơn độc nhưng với một chính nghĩa sáng ngời và một lòng quả cảm vô biên đến viên đạn và hơi thở cuối cùng.



Một mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam chống lại cả một khối Cộng Sản bao gồm Nga Sô, Trung Cộng, Khối CS Đông Âu, Bắc Hàn, Cu Ba và CS Việt Nam, dù rằng Mỹ và đồng minh đã bỏ mình ra đi - chứ không chịu đầu hàng giặc phiến Cộng cõng rắn Trung Cộng và Nga Sô vào cắn gà nhà. 

Thế rồi cái gì phải đến đã xảy ra, Miền Nam bị lui dần vào thế bị động dù rằng tinh thần quân dân cán chính vẫn vững vàng nhưng súng thì thiếu đạn dược và chiến đấu cơ thiếu nhiên liệu thì không thể chống lại được quân xâm lược Cộng Sản đã càng lúc càng mạnh hơn kể từ khi Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh khác như Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, v.v., lần lượt rút lui khỏi Miền Nam ngay sau khi Hiệp Định Paris ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973.



Qua đầu năm 1975 thì tình hình càng lúc càng tồi tệ hơn và VNCH lúc đó giống y như vị anh hùng Samson, trong truyện phim Samson & Dalilah, mắt đã không còn nhìn thấy gì và với bộ tóc đã bị cắt ngắn, tượng trưng cho sức mạnh không còn nữa của Samson, và tay chân thì bị xiềng xích, đang bị một bọn người lùn khả ố đang dùng những chiếc kìm sắt dứt ra từng miếng thịt trên thân thể của mình.



Ngày 30 tháng Tư năm 1975 thì Miền Nam mà trái tim là Sàigòn trút hơi thở cuối cùng.



Trong thời gian bị tập trung trong trại giam ở Miền Bắc tôi có một dịp may được chuyền tay đọc một tạp chí Reader's Digest là cuốn nguyệt san mà tôi thích nhất trước kia, trong đó có một bài viết mà tôi không sao quên được của một vị luật sư người Cu Ba về sự thất bại của cuộc đổ bộ tại Vịnh Con Heo. Sau khi cuộc đổ bộ thất bại và chế độ Fidel Castro đang khủng bố, đàn áp và trả thù tàn bạo những người Cách Mạng Cu Ba Tự Do thì vị luật sư này đã trốn thoát được qua Hoa Kỳ và ông ta thề rằng nếu phải bỏ ra hai mươi năm để tìm hiểu tại sao cuộc đổ bộ hoàn hảo như vậy để tái chiếm lại Cu Ba và lật đổ chế độ của Fidel Castro mà cuối cùng lại thất bại thì ông ta cũng phải đi tìm.



Cuộc đổ bộ này đã được tập dượt và coi như là toàn hảo với sự yểm trợ của không quân Mỹ để làm cỏ những chiếc máy bay cũ kỹ của Cu Ba trong lúc lực lượng Cách Mạng Cu Ba lưu vong đang đổ bộ lên Vịnh Con Heo để tiến vào tái chiếm Cu Ba. Câu trả lời mà ông ta tim ra được là kế hoạch đã được chu toàn vào thời gian cuối của nhiệm kỳ Tổng Thống Eisenhower; nhưng lúc thi hành thì giờ phút chót TT John Kennedy đã ra lệnh hủy bỏ toàn bộ kế hoạch và không quân Mỹ đã không xuất hiện như mong đợi, và kết quả là lực lượng đổ bộ nằm phơi mình trên bãi biển cho từng đoàn máy bay của Fidel Castro đến dội bom và oanh kích. Cuộc nổi dậy và tái chiếm Cu Ba bị dập tắt trong uất hận và ngậm ngùi. Chúng ta có thể hình dung ra được sự trả thù tàn bạo của Fidel Castro đối với những chiến sỹ Cu Ba Tự Do còn sống sót sau lần đổ bộ ấy như thế nào rồi.



Đầu tháng Tư năm 1975, tình hình rất là xáo trộn bất lợi cho chế độ VNCH vì Hoa Kỳ đã để lộ rõ cho cả đồng minh VNCH và cả kẻ thù là CS Bắc Việt thấy rằng Mỹ đang di tản nhân viên Sứ Quán của họ ra khỏi Miền Nam. Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự (Defense Attache's Office: D.A.O) được lệnh di tản trước.



Tôi vào họp với các cố vấn Mỹ thuộc Toà Đại Sứ vào đầu tháng Tư thì nhận được chỉ thị rằng tất cả những nhân viên nào mà không thiết yếu (non-essential) thì sẽ được ưu tiên di tản trước với gia đình của họ, và những nhân viên nào thiết yếu (essential) thì phải ở lại để yểm trợ cho các Phủ Bộ, các cơ quan, Bộ Tư lệnh Cảnh Sát, v.v. của VNCH đến giờ phút cuối cùng.



Tôi và một số bạn đồng nghiệp được lệnh ở lại và được các cố vấn cam kết là sẽ có trực thăng đến tận nhà để đón chúng tôi vào giờ phút cuối cùng của Sàigòn.



Lần lượt một số bạn đồng nghiệp của tôi đã ra đi theo gia đình làm việc cho cơ quan D.A.O. và chúng tôi vẫn ở lại.

Đến ngày 27 tháng Tư năm 1975 tôi được triệu tập vào Tòa Đại Sứ họp một lần nữa và không ngờ rằng đó là lần họp cuối cùng khi các cố vấn Mỹ tuyên bố rằng bây giờ thì về nhà để chờ đợi di tản vì mọi công việc thường nhật đã không còn cần thiết nữa và tình hình không còn cứu vãn được.



Tôi ra về trong lòng nặng trĩu vì người anh Cả của tôi lúc đó là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã mất tích. Chỉ có độc nhất một gia đình người anh thứ ba là Thiếu Tá Hải Quân nhờ đi du học tại Rhode Island đầu năm 1975 nên đã may mắn đoàn tụ được trên đất Mỹ với vợ con đi theo cơ quan D.A.O di tản qua được giữa tháng Tư.



Vì gia đình tôi lúc đó cư ngụ tại vùng ngoại ô của Sàigòn, nên tôi đưa vợ và hai đứa con nhỏ lên bên Nội tại Quận Ba một thời gian xem sao vì ngày 28 một tên phi công nội tuyến VC đã dội bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất và kế hoạch di tản bằng đường hàng không đã phải hủy bỏ.



Tối ngày 29 tháng Tư, tôi quyết định cho vợ con vào Tòa Đại Sứ chứ không ngồi chờ đợi nữa. Sau khi giã từ Mẹ và các em, tôi lái chiếc xe kiểu Taxi đã được sửa lại làm xe nhà đến cổng sau của Toà Đại Sứ thì thấy thiên hạ đen nghịt và nhốn nháo đầy những người nhưng chiếc cổng sắt đã đóng và trên bức tường bao quanh khu vực thì Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang gườm súng không cho ai ra hay vào nếu không có lệnh. Họ chỉ nhận những người nào trình ra được thẻ của Toà Đại Sứ thì mới nhấc những người đó vào bên trong mà thôi.



Tôi đưa vợ con đến sát chân tường và tuy có thẻ nhân viên tòa đại sứ trong túi nhưng không biết rằng có thuyết phục được các tay lính TQLC này cho vợ con tôi đi theo hay không.



Nếu tôi vào được bên trong mà vợ con bị bỏ rơi lại thì có thể sẽ bị VC trả thù, ý nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi một lúc rồi đột nhiên trong một giây tôi quyết định, một quyết định đã làm thay đổi hẳn cả một đời người.



Tôi quyết định ở lại cũng vợ con và đưa vợ con tôi về lại nhà bên Nội.



Khi Mẹ tôi nhìn thấy tôi thì chỉ hỏi được một câu là tại sao con không đi? Tôi trả lời rằng tôi không thể ra đi một mình được trong khi Mẹ và tất cả gia đình đều ở lại và ông anh Cả thì chưa có tin tức gì. Lúc đó thì ông anh thứ Hai của tôi nghe tin đồn ở đâu không biết thì tỏ ra lạc quan và nói rằng thế nào cũng có chính phủ Liên Hiệp và chắc mình không sao đâu. Ông ấy là người may mắn nhất vì sau đó đi "cải tạo" chưa đến ba cuốn lịch nhờ làm việc cho ngành Quân Y.



Tối hôm đó tôi ngủ không được và chỉ có một điều an hận là mình mới 29 và chết quá trẻ.



Sáng ngày hôm sau 30 tháng Tư lúc khoảng 10 giờ thì đài phát thanh loan báo lệnh đầu hàng của Tổng Thống mới lên là Dương Văn Minh. Tôi nghe như một phát súng nổ bên tai vậy, bèn lên trên lầu của nhà Mẹ tôi trên đường Trương Minh Giảng để thu xếp quần áo trở về nhà trong Phú Lâm.


Một lúc sau thì nghe thấy tiếng xe tăng chạy một cách nặng nề vào trong thành phố, tôi đẩy nhẹ cửa sổ ra nhìn xuống đường thì thấy hai ba chiếc tăng T-54 đang lăn bánh từ hướng Ngã Ba Ông Tạ chạy qua nhà Mẹ tôi về hướng chiếc cầu và tôi thấy như toàn thể bầu trời đang sụp đổ trước mặt mình.


Chiều hôm đó thì tôi lái xe đưa vợ con về lại căn nhà cũ. Tôi đã mua sẵn một hộp thuốc ngủ loại mạnh và định cùng với cả gia đình quyên sinh chứ không thể sống nổi với Cộng Sản được. Nhưng nhìn hai đứa con đang say ngủ ngây thơ vô tội, lòng tôi chùng xuống, tôi lại bỏ ý nghĩ đó và quyết định là sẽ ở nhà và chờ họ đến bắt mình rồi phó mặc cho số mệnh.


Mấy ngày sau, một chiếc xe díp chạy vào trong sân nhà tôi, với ba tay mặc sắc phục như của công an trong đó có một tay có vẻ là tên chỉ huy, ngừng trước nhà và hỏi tìm tôi. Họ đưa tôi đến một căn nhà ba từng tại ngã Ba Ông Tạ bên ngoài là Tiệm Thợ May nhưng không ngờ trên lầu trước kia là VC nằm vùng trong đó. Sau ba ngày thẩm vẫn liên tục, tên chỉ huy tự giới thiệu là Trung Tá có lẽ thuộc cơ quan Phản Gián từ Miền bắc vào vì nói giọng Bắc bảo tôi về sửa soạn để đi "tập trung cải tạo". Lúc đó tôi vẫn chưa để ý đến hai chữ "tập trung". Sau này tôi mới thấu hiểu được cách dùng chữ của VC vì ở tù tập trung có nghĩa là bị giam giữ không hạn định và không có án lệnh. Thế rồi lệnh của Ủy ban Quân Quản ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị một tháng đi "học tập cải tạo", "để thành công dân tốt", để được hưởng "chính sách khoan hồng nhân đạo" của Đảng và Nhà Nước.


Những người đi "cải tạo" mười ngày thì kéo dài ra vài năm. Những người đi một tháng thì trở thành sáu tháng, vài năm, mười năm, mười lăm năm; và hai mươi người cuối cùng thì bị giam giữ đến năm thứ mười bẩy.



"Hãy nhìn những gì Cộng Sản làm đừng nghe những gì Cộng Sản nói", câu nói ấy chưa bao giờ đúng và đầy ý nghĩa như vậy.



Khi tôi bước chân vào chốn ngục tù thì hai đứa con gái và con trai của tôi mới lên bốn và lên năm, lúc tôi trở về thì chúng đã bước vào lứa tuổi đôi mươi.


Bây giờ cả hai cháu đều đã có gia đình riêng và mỗi khi có dịp gặp lại con gái và con trai của tôi trên San Jose hay khi hai cháu xuống đây thăm tôi, tôi lại nghĩ rằng có lẽ tôi đã quyết định đúng vào cái buổi tối đêm 29 tháng Tư năm ấy tại cổng sau của Toà Đại Sứ Mỹ Sàigòn.


Con người ta quả là có số mệnh dù là đôi lúc số mệnh quá nghiệt ngã với mình.

Viết xong ngày Rằm Thượng Nguyên năm Canh Dần


Tại Sao Phải Chống Cộng?

Vấn đề là có nên đặt câu hỏi như: nên chống Cộng hay không? hay là nên về VN làm ăn buôn bán với Cộng Sản (CS)hay không? Hay là nên thỏa hiệp với CS hay không để "xây dựng đất nước"? Hay là nên đầu hàng CS hay không vì nó đã chiến thắng rồi? Mà vấn đề then chốt là chúng ta PHẢI chống Cộng với chữ PHẢI được in hoa.


-Về VN để buôn bán làm ăn với CS thì chỉ từ chết tới bị thương mà thôi (trừ phi có họ hàng thân thích với những tên lãnh đạo đầu sỏ tại Hà Nội hay Sàigòn). Không phải Việt Kiều về bị lãnh đạn mà cả những công ty ngoai quốc cũng than Trời vì VN bây giờ là luật rừng và không có nguyên tắc nào cả. Cứ nhìn vào rừng xe cộ chạy náo loạn cả lên ngày đêm và lúc nào cũng tắc nghẽn tai Saigon mấy tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm thì sẽ hình dung ra được bộ máy hành chánh thiếu năng lực của CS như thế nào.



-Còn về VN để thỏa hiệp với CS và"xây dựng đất nước" thì những Viết Kiều này đã đi đúng theo hướng vạch sẵn của CS trong nghị quyết 36 để lùa những con mồi này về VN làm theo chỉ thị của nó và làm lợi cho chế độ CS. Còn những kế hoạch nào dù có làm lợi cho người dân đến đâu mà không thích hợp với đường lối của chế độ CS hiện hữu thi chúng thẳng tay gạt bỏ ngay vì người quyết định là chế độ CS hiện nay chứ không phải là những Việt Kiều có "tâm huyết" có tiền bạc và có kiến thức. -Có người con đòi đối thoại với CS về hiện tình đất nước về hiểm họa Trung Cộng, thực là nực cười vì chính họ không hiểu một chút gì về chế độ CS cả. CS không bao giờ muốn đối thoại trên căn bản ngang hàng và ngay thẳng; chính vì thế mà chúng thủ tiêu bao nhiêu là nhà chí sĩ cách mạng yêu nước của VN Quốc Dân Đảng, các vị lãnh đạo tôn giáo thời đấu tranh chống Pháp, HCM bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp,v.v.



-Trừ phi những Việt Kiều này về van xin CS, đâm vào sau lưng những chiến sỹ VNCH bằng lời nói và hành động để được chút cơm thừa canh cặn mà CS nó bố thí cho.



-Còn đầu hàng CS? Đã có một số Việt Kiều đã quy phục và đầu hàng chúng rồi để kiếm lợi nhuận như 75 người từ Mỹ về dự Hội nghị tháng 11 năm ngoái tại Hà Nội. May mắn thay con số này quả là ít ỏi nếu so sánh với ba triệu đồng bào VN tại hải ngoại. Một điều chúng ta nên nhắc nhau để ghi nhớ là ngày 30 tháng Từ năm 1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng theo ý định của Hoa Kỳ thi chỉ có Ông DV Minh (là người đã do Hoa Kỳ dựng lên để nhanh chóng dâng Miền Nam cho CS để Mỹ rảnh tay làm ăn với Trung Cộng) và chính phủ Hoa Kỳ lúc bây giờ và phong trào phản chiến ở Mỹ là đầu hàng mà thôi. QLVNCH không đầu hàng, dân quân cán chính và người dân VNCH không đầu hàng. Ngày quốc tang đó Sàigòn sụp đổ nhưng chúng ta chỉ thất trận chứ chưa thua trận. Sàigòn đã mất và đã bị đổi tên nhưng trận chiến chưa chấm dứt mà sau năm 1975 đã bước qua một trang sử mới oai hùng của dân tộc với hàng triệu người vượt biển tìm Tự Do; hàng triệu người bị đầy đọa trả thù trong những trại tập trung một hai chục năm nhưng vẫn kiên gan chịu đựng; những ngọn lửa đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ đang bừng cháy khắp nơi từ Bắc xuống Nam; trong khi chế độ CS tự chứng tỏ sự ươn hèn và yếu kém của chúng khi dâng đất đai và biển cả của Cha Ông cho Trung Cộng.



-Năm 1989, như một phép lạ, chế độ CS đã biến mất tại Châu Âu và một phần Châu Á do chính những đảng viên và dân chúng trong lòng chế đó đó đứng lên làm cách mạng.



-Ngày tàn của chế độ Cộng Sản tại Việt nam, Lào, Campuchia, Bắc Hàn Cu Ba và cả Trung cộng nữa cũng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.



-Còn tại sao chúng ta PHẢI chống Cộng? Đặt câu hỏi là đã tự trả lời được rồi. Chính vì chế độ đó là một chế độ phi nhân bản, chỉ dùng người dân làm công cụ để cho chúng cướp chính quyền rồi quay lại cướp chính đất đai, tài sản, ruộng vườn, và ngay cả tính mạng của những người dân đã từng cưu mang chúng nó. Như Cách Mạng Ruộng Đất 1956 tại Miền Bắc, Lê Duẩn, Trương Chính và HCM đã ra lệnh đấu tố ngay người đã từng dấu diếm chúng, nuôi nấng chúng trong thời kỳ chống Pháp. Cộng Sản chúng không có tổ quốc, không có gia đình, không tôn giáo, không bạn bè, ngay cả giữa chúng nó với nhau (như Stalin đã từng thủ tiêu hàng trăm, hàng ngàn những đồng chí của hắn ngày trước, không cần lý do chính đáng, để reo rắc khủng bố sợ hãi và bắt các cấp dưới phải thần phục hắn không điều kiện).



Một chế đó đã biến đất nước thành sa đọa suy đổi về đạo đức, nghèo nàn lạc hậu về kinh tế, xuất cảng phụ nữ và trẻ em như một món hàng xuất khẩu.



Một chế độ quỳ phục dưới chân những tên Tầu Ô Trung Cộng, dâng đất đai biển cả cho chúng thì chế độ đó có xứng đáng cho chúng ta thỏa hiệp, làm ăn buôn bán, đối thoại hay đầu hàng? Đương nhiên chúng ta phải chống lại chúng cho đến cùng cho đến khi chúng không còn tồn tại trên trái đất này nữa thì trận chiến lúc đó mới chấm dứt.



-Nhưng chúng ta phải chống Cộng như thế nào cho hữu hiệu? Nếu không hiểu được sự thâm độc của chế độ CS thì chúng ta chỉ đánh vào chúng như đánh vào không khí hoặc vô tình còn làm cho chúng nó mạnh thêm lên nữa. Muốn cho Cộng Sản mau bị tiêu diệt thì chúng ta mọi người đều:



*Phải đoàn kết một lòng như hội nghị Zien Hồng đời nhà Trần năm xưa. Đứng lên trên cá nhân và quyền lợi để đoàn kết.



*Thông tin, tố cáo tội ác của Cộng Sản để càng lúc càng cô lập chúng lại trên thế giới và kéo về phía Quốc Gia tất cả những người có lập trương chống Cộng (những nhà văn, đảng viên, quân đội của CS nhưng đã tỉnh ngộ và quay sang chống lại chế đó đó). Chúng ta không nên chỉ trích họ là những đảng viên trước kia hay đã sống trong chế độ CS và xa lánh họ bởi vì những người này như Dương Thu Hương, Nguyễn Chí Thiện, Bùi Tín, cựu Tr Tướng Trần Độ, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, LS Lê Thị Công Nhân, Đoàn Khải Thanh Thủy, LS Đài, BS Ng Đan Quế, Phan Thanh Nghiêm, và nhóm 8406, LM Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, v v. chính là những người đã và sẽ đấu tranh có hiệu quả nhất và làm cho Cộng Sản run sợ nhiều nhất, nhiều hơn là chúng lo sợ chúng ta tại hải ngoại chống đối lại chúng.



*Tránh có những hành động lời nói nào có thể làm lợi cho Cộng Sản như quyên góp tiền bạc cho chúng(qua những kinh tài CS dấu mặt); tuyên bố những câu đâm sau lưng chế độ VNCH hay chiến sỹ QLVNCH ngày trước để lấy lòng bọn lãnh đạo mà làm ăn trót lọt tại VN; đem tiền USD về VN ăn chơi vung vít. Nếu chúng ta còn cha mẹ già yếu phải chu cấp và thăm nom thì việc gửi tiền về cho bố mẹ tại VN hay về thăm be mẹ khi hấp hối là điều nên làm của một người con có hiếu với đấng sinh thành và điều đó cũng không thể làm suy giảm tinh thần chống Cộng của chúng ta được. Nên tránh những lời nói nặng nề có thể làm phương hại đến sự đoàn kết của cộng đồng chúng ta tại hải ngoại về việc làm phước thiện hay về VN có lý do chính đáng.



***Trên đây chỉ là một vài ý kiến đóng góp xây dựng bởi vì học vấn thì bao la, kiến thức thì rộng như biển cả, kinh nghiệm thì như núi non trùng trùng điệp điệp nên không ai có thể hiểu hết được ngọn nguồn của mọi vấn đề, nhưng nhiều người cùng hợp lực thì sẽ tìm ra được Chân Lý.


Tâm Linh Có Thật Hay Không?

Có nhiều người không tôn giáo hay có tôn giáo đi nữa vẫn chưa hoàn toàn tin vào hiện tượng tâm linh. Tôi có dịp nói chuyện với nhiều bạn bè và đoàn thể, nhiều lớp học tại đại học UCI chẳng hạn thì được khuyến khích là nên viết thành sách để những độc giả có thể tìm hiểu nghiên cứu thêm. Một anh bạn rất thân với tôi lúc còn học Trần Lục và Chu Văn An là Đặng Trần Đắc khoảng 10 năm trước cùng vợ con từ Pháp qua thăm thành phố ty nạn của người Việt tại hải ngoại là Little Sàigòn, sau khi nghe tôi trình bày những sự kiện và những câu chuyện khác nhau về tâm linh, đã nói rằng tại nước Pháp bây giờ người ta cũng nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này và khuyên tôi nên phổ biến sâu rộng.


Những câu chuyện thực mà tôi thâu thập được, thấu hiểu được, và được thuật lại thì rất là nhiều trong thời gian tôi bị tập trung và lưu đầy biệt xứ tại Miền Bắc Việt Nam. Chữ biệt xứ này là từ ngữ mà các tù nhân chính trị thường dùng, như trong một lần thẩm vấn một cán bộ từ Hà Nội vào hỏi là anh nghĩ thế nào về chế độ khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với các anh. Đại úy Quang, Quân Báo, mà tụi tôi thường gọi là Quang Sừng vì anh cùng anh Quát là những nghệ nhân rất khéo tay đã tạc được những bức tượng Phật, tượng Chúa và những chiếc lược rất đẹp từ sừng trâu, đã trả lời rằng:" Tôi thì ít học nhưng trong chế độ cũ VNCH chúng tôi, nếu bị tù không có án năm thì gọi là chung thân, nếu tù mà còn phải lao động thì gọi là khổ sai, nếu bị đưa đi khỏi quê hương mình đang sinh sống thì là lưu đầy biệt xứ". Tới đó thì tên thẩm vấn viên có vẻ lúng túng và xoay qua câu hỏi khác.



Trở lại với thời gian bị giam giữ tại Miền Bắc, tôi có một thời gian nhiều năm ở cùng trại với anh Sáng mà tôi coi như một người anh; đại tá Chu Văn Sáng thuộc ANQ Đ. Qua anh Sáng mà tôi mới biết được về huyền thoại của một nhân vật rất là nổi tiếng trước năm 1975 tại Sàigòn và cả Miền Bắc nữa trước năm 1954 là cụ Diễn và những mẩu chuyện mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ.



Một hôm buổi sáng Chủ Nhật tôi qua bên buồng giam của anh Sáng thì tình cờ thấy anh đang cúng rất đơn sơ tại bức tường cửa sổ trên đầu nằm của anh và được biết là năm nào anh cũng cúng cụ Diễn, là người thầy và cũng thân thiết như trong gia đình của anh. Anh Sáng cũng rất là mến tôi, lúc đầu như là một ủng hộ viên cho anh trong những lần tranh tài cờ tướng giữa các cao thủ với nhau và bao giờ thì anh cũng thắng. Tôi là người rất thích môn cờ tướng nên thường không bao giờ bỏ qua những trận tỉ thí của anh và từ đó hai anh em quên thân với nhau. Có một lần một anh bạn xứ Quảng nghe tiếng nên qua đấu với anh Sáng vài ván rồi ngỏ lời thách đầu ba ván để xem thực tài của anh Sáng ra sao. Sau vài lần từ chối anh Sang nhìn tôi nheo mắt lại cười và nhận lời. Lẽ dĩ nhiên là anh thắng trận đó. Anh có cái hay khi đánh cờ là không bao giờ để cho đối thủ bị thua không còn mảnh giáp nào, mà luôn giữ thế cờ ngang ngửa và phút chót mới dồn đối thủ vào thế bí. Có lẽ để tưởng thưởng cho tôi một ủng hộ viên gà nhà của anh nên những lúc rảnh rồi anh hay tâm sự cùng tôi về những thăng trầm trong cuộc đời của anh đều được cụ Diễn cho biết để phòng bị trước.



Cụ Diễn là một trong bốn người Việt Nam, trong đó có một người cháu thuộc dòng dõi của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng nhau sang Tầu để học về Tử Vi Tướng Số.



Khi sang đến bên Tầu thì ba người kia được ông thầy Tầu nhận vào và chỉ dậy tận tình. Riêng cụ Diễn thì ông thầy Tầu chỉ dậy qua sơ sơ mà thôi. Một hôm cụ Diễn mới thắc mắc hỏi thì ông thầy Tầu nói rằng ông ta và cụ Diễn không có duyên thầy trò và môn mà cụ Diễn sẽ học không phải là Tử Vi Tướng Mạo mà là về Địa Lý và mô tả rất kỹ tướng mạo của người thầy mà sau này sẽ chỉ dậy cho cụ Diễn về môn Địa Lý đó. Cụ Diễn có hỏi là bao giờ thì gập được người thầy này thì ông thầy Tầu chỉ cười mà không nói.



Sau một thời gian tu học xong thì cả bốn người trở về Việt Nam. Tuy không giỏi bằng ba người kia nhưng cụ Diễn lại may mắn nổi tiếng hơn trong khoa Tử Vi, và được nhiều quan chức thời Pháp lúc bấy giờ vời đến nhà.



Trong số đó có một vị thuộc gia đình giàu có tri phủ trước kia muốn cụ xem cho cô con gái. Cô gái tên là Kiều và rất là tự kiêu nên nằm trên giường mà đưa tay cho thầy xem. Dựa trên lá số cụ Diễn khuyên cô Kiều ngày tháng đó không nên ra đường mặc áo mầu hoàng yến vì sẽ gặp nạn. Vốn kiêu căng và được nuông chiều nên cô gái không nghe lời và cố tình mặc cái áo màu hoàng yến để đi dạo trên đường phố.



Bất ngờ có một xe "lục xì" là xe của "phú lít" Pháp bắt các cô gái giang hồ đang chạy trên đường thì có bóng một người nữ từ trên xe nhào xuống đường mặc áo màu hoàng yến và chạy vụt vào trong cái ngõ hẻm bên cạnh. Mấy phú lít đi hộ tống bèn nhẩy hết xuống đường và chạy lại bắt cô Kiều này vì tưởng lầm là cô gái vừa mới trốn khỏi xe. Mặc cho cô kêu oan và giải thích, cô bị lôi lên xe đem về bót giam giữ. Tối hôm đó quá ư là xấu hổ, cô đã rạch cổ tay để quyên sinh nhưng may mắn có một anh y tá đã trông thấy và vào cứu kịp thời. Cô gái sau đó không dám về nhà bố mẹ nữa và lấy anh y tá làm chồng. Sau năm 1954 hai vợ chồng di cư vào Nam và mỗi năm dịp lễ Tết lại đến nhà thăm cụ Diễn.



Sau khi xem cho cô con gái kia xong thì cụ được viên quan tri phủ trước kia đưa đi ra vườn ngắm cây cảnh. Khi cụ đi ngang qua một anh tuổi trung niên người Tầu đang chăm sóc các cây cảnh thì chợt cụ Diễn dừng lại và nhìn anh nầy chằm chặp.



Tướng mạo của người này giống y hệt người thầy Địa Lý mà cụ được mô tả khi còn ở bên Tầu. Đây đúng là người thầy đó rồi. Cụ bèn quay lại và hỏi thăm thì anh người Tầu kia một mực nói rằng anh ta không biết gì hết.



Cụ bên kể hết tất cả hành trình mình đi du học bên Tầu thế nào và ông thầy Tử Vi đã nói về người thầy của cụ ra sao và xin anh làm vườn này chỉ dậy cho cụ về môn Địa Lý. Lúc đầu anh ta khăng khăng từ chối và nói là cụ Diễn đã nhìn lầm người rồi.



Nhưng cụ Diễn vẫn kiên nhẫn chờ đợi và cuối cùng thì anh người Tầu này nhận lời. Từ đó cụ Diễn đã học được môn Địa Lý và sau này có nhiều dịp để thi thố tài năng của mình.



Khi cụ Diễn lần đầu tiên gặp ông Nguyễn Văn Thiệu lúc đó mới là Thiếu Úy thì cụ đã nhìn thấy tướng mạo rất tốt của ông Thiệu và nói rằng ông Thiệu nên rèn luyện về đạo đức tinh thần để sau này giữ trọng trách quốc gia. Đến khi ông Thiệu lên làm Tổng Thống thì có vời cụ Diễn vào dinh Độc Lập. Cụ có nói chuyện lại với anh Sáng rằng cụ đã về quê của Ông Thiệu tại Phan Rang để xem Địa Lý và thấy có một rặng núi không cao lắm nhưng nằm như hình một con rồng đất ứng vào điềm ông Thiệu lên làm Tổng Thống nhưng cụ đã đo từ đầu dãy núi đến cuối thì phước lộc của ông Thiệu chỉ gói trọn trong 10 năm mà thôi. Anh Sáng và cụ Diễn đều là đệ tử của Đức Thánh Mẫu mà dân gian văn thờ phượng: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" Giỗ Cha là giỗ Đức Thánh Trần và giỗ Mẹ chính là giỗ Đức Thánh Mẫu. Có lẽ vì vậy mà cụ Diễn đã có một cái giác quan thứ Sáu rất nhạy bén về môn Tử Vi và Địa Lý.



Có một lần vào khoảng đầu năm một chín bảy mươi, cụ nói với anh Sáng đưa cụ tới một địa điểm trong một tỉnh của xứ Quảng ở Miền Trung và khi xe jeep đang chạy trên quốc lộ thì cụ bảo dừng lại và chống gậy đi lên một ngọn đồi gần đó và quan sát rất là kỹ rồi lấy cây gậy chọc xuống vùng đất cát trên đồi và nói với anh Sáng rằng sau nầy thủ đô của nước chúng ta sẽ nằm tại đây vì đây là linh địa.



Cụ cũng nói xa gần cho anh Sáng biết là sắp có một sự thay đổi lớn và đến khi Sàigòn sụp đổ thì anh Sáng mới hiểu ra được lời nói của cụ. Có thể vì cụ đã tiết lộ thiên cơ quá nhiều cho nên có một thời gian hai mắt của cụ đều bị mờ và luôn chẩy nước mắt rất là khó chịu. Cụ có một số những bác sĩ quen làm việc trong Tổng Y Viện Công Hòa và có khám mắt cho cụ nhưng thấy hai mắt đều bình thường và không tìm ra được căn bệnh gì cả.



Cụ đã đi khám các bác sỹ nhãn khoa khác và tất cả cũng đều kết luận giống nhau. Cụ nói với anh Sáng rằng có lẽ Mẫu đã quở phạt cụ. Một hôm anh Sáng va cụ đang đi dạo trên một đường phố Sàigòn và khi đi ngang qua một ngôi Đền thì thấy trong đó đang làm lễ thì đột nhiên có một người chạy ra nói mời cụ vào bên trong.



Anh Sáng thấy một người nữ đang giống như cầu cơ và lên đồng xong thì đưa cho cụ một chén nước trà và bảo uống đi. Điều lạ lùng là sau khi cụ uống chung trà đó xong thì hai mắt từ từ trở lại bình thường và không còn xốn xang và chẩy nước mắt nữa.



Câu chuyện thứ hai mà tôi vẫn còn nhớ là anh Chín, đại tá không quân , đã tâm sự khi hai anh em cũng lao động chung trong một khu vực sản xuất tại Miền Bắc. Anh nói với tôi rằng anh từ trước không tin vào bói bài tây cho đến khi anh gặp một người bạn của em trai của anh tại Sàigòn vào dịp Tết năm một chin bẩy lăm.



Cậu này đã cúng bộ bài tây trên bàn thờ xong rồi xem cho anh một quẻ và nói rằng trước mặt của anh chẳng thấy gì ngoài những mây mù chập chùng bao phủ hết bầu trời và xa tít tận cuối chân trời mới thấy ló ra một chút ít ánh sáng mà thôi.



Cậu ta nói rằng chưa bao giờ thấy một quẻ bói quá xấu như vậy cả. Điều này ứng với việc mất Sàigòn tháng Tư năm đó và anh Chín cùng với hàng triệu người khác đã đi vào con đường tù tội và lưu đày. Ba năm trước, cậu ta cũng xem cho anh và nói rằng anh có thể bị tai nạn máy bay nhưng nếu anh sanh con trai thì sẽ giải được cái nạn đó. Vài tháng sau trong một phi vu tại Pleiku, trực thăng của anh bị rớt xuống một vùng đầm lầy và như là một phép lạ anh may mắn chỉ bị xây sát và không thương tích gì nặng. Khi anh được đưa về bệnh viện tại hậu cứ thì được tin là vợ anh vừa sanh thằng con trai.



Câu chuyện thứ ba mà tôi sẽ kể hầu quí vị sau đây khá ly kì và nhiều tình tiết liên quan đến một vị sư, một người thầy và cũng là dưỡng phụ của tôi, đó là thầy Tâm, cố hòa thượng Thích Thiện Chánh.



Trong những năm tháng khổ cực tù đầy thầy trò sống bên nhau tại Miền Bắc, thầy đã chỉ dậy cho tôi không những các điều căn bản của đạo Phật mà còn hun đúc cho tôi một sức chịu đựng phi thường để vượt qua bao gian nguy thử thách mà sống còn.



Thầy còn có cái tài về chế biến thức ăn rất là thần tình. Một anh làm trong nhà bếp cho thầy một lô những hạt trái khổ qua. Thường thì người ta vứt đi vì không làm được cái gì cả nhưng thầy thì phơi khô xong, rang nó lên, bóc vỏ ra, xắt nhỏ và trộn với ít rau sống thành một món ăn sà lách thật lạ miệng. Về tâm linh mà nói, có thể thầy đã tu hành từ lúc còn nhỏ hay nhờ vào ngồi thiền mà thấy biết được nhiều chuyện quá khứ vị lai.



Một buổi tối hai thầy trò đang ngồi cạnh bên cửa sổ buồng giam thì thầy chỉ lên một ngọn núi gần đó và bảo tôi rằng có một ông Thần một chân đang chống gậy đứng trên đỉnh núi nhìn về phía trại giam; và ông Thần Độc Cước ấy đã cứu giúp cho anh em tù nhân chính trị rất nhiều vì chúng ta có Chính Nghĩa và biết thờ phượng Trời Phật.Tôi chẳng nhìn thấy gì cả ngoại trừ những áng sương mù đang bao phủ quanh chóp núi. Thầy nói rằng trại giam ở gần chùa Hương Tích nơi thờ Phật Bà Quán Thế Âm Cứu Khổ Cứu Nạn cho nên các anh em tù nhân chính trị cũng được ánh sáng linh thiêng của Ngài cứu độ cho nên những thương vong tai nạn cũng giảm bớt.



Một hôm vào ngày mười sau ta, thầy bảo tôi chuẩn bị gạo muối để nấu cháo cúng những người Âm là những anh em đã chết trong trại giam này vì tối hôm qua thầy nằm mơ thấy họ kéo đến rất là đông, mỗi người trùm một cái chăn mền mầu đỏ -là loại mền Trung Quốc phát cho tù nhân- và nói rằng tôi đã làm phước nhiều cho người sống sao không làm phước cho người chết? Quả thật là những lần Mẹ tôi và gia đình gửi quà qua đường bưu điện hay đến thăm đem cho tôi những thuốc men, quần áo, thức ăn khô, thì Mẹ tôi thường gửi nhiều hơn một chút để tôi có thể san sẻ với các bạn tù mà chưa có gia đình tiếp tế kịp. Từ đó, mỗi tháng vào ngày mười sáu thì hai thầy trò lại nấu một nồi cháo để cúng những người đã khuất mặt. Sau này khi thầy Tâm đã được tha về cùng các quí thầy, linh mục và mục sư khác vào tháng chín năm một chín tám mươi bảy thì dù là còn lại một mình, tôi vẫn cố gắng nấu cháo để cúng cho họ mỗi mười sáu ta cho đến khi chuyển trại theo con tàu xuôi vào Miền Nam năm sau thì tôi không còn phương tiện để cúng cho họ nữa.



Cũng nhờ vào sự hỗ trợ và khuyến khích của thầy mà tôi đã hoàn tất được một việc mà tưởng như không bao giờ làm được, đó là chép lại hai bộ kinh rất là công đức của nhà Phật là Kinh Pháp Hoa và Kinh Địa Tạng sau bao nhiêu tháng trời ngồi chép lại bất cứ khi nào có chút thì giờ rảnh rỗi. Khi tôi chép xong thì thầy lấy hai bộ kinh để lên bệ cửa sổ và thắp nén nhang khấn vái.



Thầy lúc nào cũng hòa nhã và vui vẻ với mọi người cho nên có rất nhiều Phật tử đến thăm thầy và trò truyện mỗi ngày Chủ Nhật được thong thả một chút. Những người mà tôi thấy rất quí mến thầy là Tướng Mạch Văn Trường, Ông Xoàn, Trung Tá Cảnh Sát đặc biệt, đại tá Tồn, v.v.



Một hôm tôi thấy thầy vội vã cũng Thượng Tọa Thích Thanh Long qua khu bên kia trại giam. Khi gặp lại thầy tối hôm đó tôi mới được biết là thầy qua làm lễ lúc đại tá Tồn đang hấp hối. Thầy ôm anh Tồn trong cánh tay và niệm Phật. Anh Tồn có nhắn với thầy là sau này gặp các con của anh thì bảo chúng nó phải trả thù cho anh.



Thầy thương anh quá nước mắt ràn rụa nhưng thầy bảo anh là thầy đã ghi nhớ rồi nhưng anh phải niệm Phật để lòng lắng đọng lại thì mới ra đi thanh thản được, còn nếu lòng anh còn quá nhiều oán hận thì sẽ không siêu thoát được.



Anh nghe lời thầy và nhắm mắt ra đi trong lặng lẽ. Thầy bảo với tôi rằng khi anh ra đi thì Đức Thánh Mẫu đã đến đón anh vì góc buồng giam tự dưng sáng rực hẳn lên. 


Con người ta có những dịp may mà ta có thể gọi là cơ duyên. Những cơ duyên đó có thể thay đổi hẳn cuộc đời một con người theo hướng tốt. Đó là cơ duyên mà tôi đã được gập thầy Tâm vì nếu không có thầy chỉ dậy thì có lẽ tôi đã không thể chịu đựng nổi những năm tháng sau cùng và có lẽ đã nằm lại trên ngọn đồi nghĩa trang của trại giam đâu đó tại Miền Bắc rồi.


Một hôm, có một số tù nhân chính trị được chuyển đến nơi tôi đang bị giam giữ và tình cờ thầy Tâm và một số đại đức Phật giáo được "biên chế" vào cùng buồng với tôi. Một buổi tối nhìn thấy thầy đang cạo gió và lể để chữa bệnh cho cac anh em bị ốm đau và tìm bông gòn. Tôi bèn đem hộp bông gòn mà gia đình vừa gửi đến đưa cho thầy để thầy cứu chữa cho các anh em. Không ngờ đó là cái cơ duyên đưa tôi đến với thầy. Thầy bảo với tôi rằng tôi là một trong số bốn người đệ tử của thầy mà Ơn Trên đã bảo thầy về đây để cứu độ. Sau này, khi thầy đã được ra về và tôi còn lại trong số chín mười người cuối cùng tại Miền Bắc, và bốn năm sau thì là một trong số hai mươi người tù cuối cùng tại trại Z-30D Hàm Tân trong Miền Nam thì tôi mới thấy lời nói của thầy là đúng. Tôi vẫn nhớ như in lời thầy dậy bảo tôi là cái gì tốt mình cũng nhận cái gì xấu xảy đến với mình thì mình cũng nhận nó và từ từ rồi nó sẽ qua đi, vì đó là cái nghiệp không ai gánh chịu cho mình ngoài chính bản thân mình.



Những lúc lao động cực khổ quá hay nhưng khi thấy sức mình như đã cạn kiệt rồi vì thời tiết khắc nghiệt của khu trại giam tôi lại nhớ đến lời của thầy và thấy như có một hơi nóng nào giúp cho mình hồi sinh lại. Tôi chỉ có một điều ân hận là khi tôi đã qua được định cư tại Hoa Kỳ này được năm năm thì bất ngờ được hung tin là thầy đã vãn sanh miền Cực Lạc mà không kịp về thăm thầy lần cuối. Khi thầy được tha về, thầy đã từ chối không ra đi theo chương trình H.O mà ở lại Sàigòn để tu bổ lại ngôi chùa Thới Hòa thân yêu mà thầy đã xây dựng lên trước kia. Khi tôi được ra đi định cư tại Hoa Kỳ, thầy đã ra tận sân bay tiễn đưa tôi, thầy ôm lấy tôi và viết lên trên ngực áo tôi một chữ Nhẫn và bảo tôi rằng cuộc sống bên đó tuy trong xứ Tự Do nhưng cũng còn nhiều thử thách nên lúc nào cũng phải Nhẫn. 


Thái Độ Chính Trị


Tiếng Việt chúng ta không những khúc chiết, súc tích mà còn rất là phong phú nữa. Chúng ta cũng rất là may mắn vì đất nước Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á, lọt thỏm vào trong những quốc gia toàn viết những chữ nếu không hình tượng như Trung Hoa hay Nhật Bản, Đại Hàn, thì cũng ngoằn ngoèo như Cambodia, Laos, Thailand, v.v.; vậy mà chúng ta lại viết theo mẫu tự La tinh A,B,C, của phương Tây.

Trong mọi ngôn từ mới đầu thoạt nhìn tưởng như tương tự nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy các chữ đó như có chứa đựng một sự sâu lắng trong chữ nghĩa của nó và thảy đều khác nhau. Tôi xin đan cử vài thí dụ như:



LẬP TRƯỜNG CHÍNH TRỊ:

Minh xác cái chỗ đứng của mình, như chúng ta chống Cộng Sản chẳng hạn.



KHUYNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ:

Khi đã có lập trường chống Cộng rồi thì chúng ta có thể ngả theo đảng Cộng Hoà hay đảng Dẫn Chú, hay đứng độc lập.



ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ:

Những bước tiến tới hay con đường để thực hiện cái lập trường của mình.


THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ:
Có lẽ đây là từ ngữ mà tôi thích nhất để bày tỏ cái phản ứng của mình như lời tuyên bố của hòa thượng Thích Quảng Độ chẳng hạn.


Cộng Sản vặn vẹo Ngài là tại sao tu hành mà còn làm chính trị. Hòa thượng trả lời một cách dõng dạc rằng người tu hành không làm chính trị nhưng phải có thái độ chính trị.


Đó là phải biết yêu cái Thiện và ghét cái Ác, yêu cái Đẹp ghét cái Xấu, yêu cái Lành ghét cái Dữ, yêu cái Dân Chủ và ghét cái Độc Tài Đảng Trị.


 Có một số người ngoại quốc và một số người Việt nữa đã hỏi tôi rằng tại sao đã trên ba thập niên rồi mà các anh vẫn còn chống Cộng Sản và chúng ta chống Cộng Sản liệu có đi đến đâu hay không vì trước kia có Mỹ và Đồng Minh giúp đỡ mà QLVNCH cũng đâu tiêu diệt được Cộng Sản đâu?



Tôi đã trả lời họ rằng, cái thứ nhất phải chống Cộng vì nó là tượng trưng cho cái Ác, cái Dữ, cái Xấu, cái Độc Tài Đảng Trị đang áp đặt trên quê hương Việt Nam.



Cái thứ hai, trước năm 1975, chúng tôi chỉ thất trận vì Mỹ đã bắt tay được với Trung Cộng và bỏ rơi miền Nam và cắt viện trợ trong đó có vũ khí đạn dược xăng dầu cho QLVNCH - chứ QLVNCH chúng tôi lúc đó được coi như là một quân đội hùng mạnh và thiện chiến vào hàng đầu thế giới.


Tích Cực Triệt Để


Tích cực triệt để chống Cộng là chữ mà tôi thấy thích hợp nhất đã tìm thấy để sửa lại chữ chống Cộng quá khích mà một tác giả trong một bài viết đã dùng sai thành ra nghĩa tiêu cực.

Trong hoàn cảnh rất là tế nhị của chúng ta hiện nay tại hải ngọai một mặt VC tung ra Nghị Quyết 36 để làm suy giảm tiềm năng của chúng ta, một mặt Hoa Kỳ đang xáp lại gần Cộng Sản VN vì quyền lợi trong khu vực Biển Đông thì người Việt chúng ta tại hải ngoại nên làm gì?


Có người nói rằng rất bận làm ăn hay đi làm OT nhiều, hay lo cho gia đình con cái hết ngày giờ,v.v. nên không có thì giờ chống Cộng và ai chống thì tôi hoan nghênh vậy thôi.



Theo tôi bất cứ một ai tại hải ngoại hay trong nước đều có thể chống Cộng theo vị trí của mình dù là khiêm tốn và mỗi người một tay một lời nói thì bọn Cộng Sản sẽ phải lui dần và phải tôn trọng Tự Do Nhân Quyền và tôn trọng người dân VN nhiều hơn. Có nhiều hình thức chống Cộng khác nhau tuy cùng một cứu cánh:



-Chống Cộng quyết liệt bằng vũ lực:



*Theo tôi giải pháp về quân sự để lật đổ chế độ Cộng Sản hiện hữu tại VN này hiện nay là không tưởng vì CSVN được cả Trung cộng đứng đằng sau và HK từ bên này support thì không cách gì dùng vũ lực lật đổ nó được (như lực lượng Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn trước kia).


*Nhưng nếu chúng ta không làm được thì tham gia các cuộc biểu tình chống Cộng, viết các bài báo chống Cộng dựa trên kinh nghiệm của mình.

-Phổ Biến Thông Tin Chống Cộng:

*Nếu chúng ta không có thì giờ đi tham gia vào đoàn biểu tình, không có thì giờ viết lách, thì chúng ta tại những nơi làm việc, buôn bán hay  họp mặt bạn bè thân hữu gia đình, chúng ta cần phải nói lên tiếng nói không chấp nhận Cộng Sản trên quê hương VN - giải thích cho mọi người hiểu sự tàn ác của CS để đả phá âm mưu tung ra chiêu bài hỏa mù "Hòa Hợp hòa Giải" để chiêu dụ người Quốc Gia về với bọn chúng.

*Thí dụ như giải thích cho nhiều cơ quan HK biết lá cờ của chúng ta là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ/không phải Cờ Máu và tại sao bây giờ chúng ta vẫn phải chống Cộng.

-Không Hợp Tác với Cộng Sản:

*Nếu chúng ta không đi biểu tình, không viết lách được, không muốn lên tiếng nói chống Cộng trong các buổi họp mặt hay nơi làm việc, thì chúng ta cũng sẽ không làm gì có tính cách làm lợi cho CS và hợp tác với CSVN  kể cả CS quốc tế, như không về VN kinh doanh với CS, xây dựng cơ sở thương mại, kỹ thuật, đem vốn đầu tư về VN cho Cộng Sản, hay không tiếp tay cho các luận điệu tuyên truyền của CS tại hải ngoại.

*Nếu chúng ta không chống Cộng được một cách tích cực và triệt để thì vẫn có thể chống Cộng một cách thầm lặng nhưng vẫn hữu hiệu bằng nhiều khía cạnh như hạn chế về VN hay gửi tiền về VN trừ những trường hợp thật cần thiết.

*Dậy dỗ con cái về những cái hay đẹp của Văn hóa VN, tiếng Việt, cuộc sống Tự Do từ ngàn xưa do Cha Ông để lại, biết kính trong các giá trị VN, kính trọng các bậc anh hùng dân tộc từ đó biết ghét bỏ cái chủ nghĩa xã hội quái thai mà HCMinh đã du nhập vào VN và đang phá hoại đất nước VN đưa quê hương VN trở lại thời lạc hậu Đồ Đá, đang dâng biển dâng đất của Cha Ông cho bọn Tầu Ô Tầu Phù Trung Cộng.  (Vì CSVN đang cố lái xu hướng của thanh niên VN trong nước và hải ngoại vào làm ra nhiều tiền để ăn chơi, sống theo sở thích cá nhân. Không để ý đến chính trị hay không care bất cứ gì khác - đây là điều mà bọn cầm quyền CSVN rất là vỗ tay reo mừng vì nó rất mong các thành phần trí thức và giầu có cứ lo ăn chơi làm giầu để yên cho nó ngồi trên ngai vàng tha hồ cai trị dân theo luật rừng của nó.)

1      2      3      4      5      6      7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét