Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

HỒI KÝ NHẤT LINH CHA TÔI CỦA NGUYỄN TƯỜNG THIẾT - KỲ 3


1      2      3      4

Mưa đêm cuối năm

1975 - Năm đó tôi gặp lại anh thật bất ngờ. Đúng vào cái buổi sáng đầu tiên tôi đặt chân lên đất Mỹ. Chiều hôm trước chúng tôi được chuyển đến một trong bốn trung tâm tiếp cư cho người tỵ nạn, trại Indiantown Gap thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sáng sau tôi đến Processing Center lập thủ tục nhập trại. Chúng tôi ở barrack số 8. Từ đó đến khu Trung tâm tôi phải cuốc bộ khá xa, trên một con đường có hàng cây phong thâm thấp trồng rất thẳng hàng. Bên trái là dẫy mess halls một từng nền xi-măng nhô cao mái màu xanh lá cây dùng làm phòng ăn cho dân tỵ nạn. Bên phải là bãi cỏ trống rất rộng hình như là sân banh của trại lính. Tuy là tháng sáu mùa hè nhưng sáng hôm đó trời cũng lành lạnh như đã vào thu. Khi đi qua cánh đồng cỏ trống tôi hít thở không khí của nước Mỹ và cảm thấy không khí nhẹ tênh. Một con sóc từ trên đùm lá phong thoăn thoắt đổ dọc thân cây, chạy băng mặt đường. Một con khác đứng cạnh thùng rác của barrack, nó đứng thẳng trên hai chân sau đang gậm nhấm thức ăn bằng hai chân trước, đôi mắt lơ láo nhìn tôi thách đố. Hồi đó tôi không quen thấy cái dạn dĩ của những con thú hoang nên rất đỗi ngạc nhiên. 
Làm xong thủ tục tôi đi lơ ngơ trong khu Trung Tâm nơi được xem là "downtown" của trại Indiantown Gap. Ở đây người tị nạn đông vô kể. Đông nhưng lại không ồn. Cố nhiên. Vui nhộn sao được những ngày tan tác ấy. Từng đám từng đám thầm lặng đứng xếp hàng. Đâu đâu cũng thấy xếp hàng. Tôi cũng tấp vào một đám đứng xếp không cần biết cái hàng này nó dẫn mình đến đâu. Nửa giờ sau khi đã lọt vào trong phòng tôi mới biết đó là nơi phát chẩn quần áo cũ. Mỗi người được chọn hai bộ. Tôi bước vào cái kho tôi tối dành cho đàn ông. Quần áo được móc tươm tất trên những giá cao đặt song song, giữa là lối hẹp người đi phải lách vai để tránh nhau. Tôi chọn cái sơ-mi ướm thử vào người. Thấy không chắc ăn tôi lại đưa thẳng hai cánh tay ra trước căng cái áo ra ngắm nghía, vô tình tôi bước thụt lùi đụng mạnh vào đít một người đàn ông, chắc cũng đang lui cui thử áo như tôi. Tôi quay hẳn người lại tính nói xin lỗi. Bỗng tôi kêu lên sửng sốt: "Trời! Anh Võ Phiến...". 

1958 - Bút danh Võ Phiến tôi nghe đầu tiên từ cửa miệng thầy giáo tôi. Trong một chuyến du ngoạn ở Tây Ninh mười bẩy năm trước đó. Năm ấy tôi học lớp Đệ Tứ trường trung học Chu Văn An Sài Gòn. Cái tuổi còn mộng mơ. Giờ học tôi thường lơ đãng nhìn ngoài cửa sổ có cây phượng đại thụ thòng xuống chi chít những quả đen dài queo quắt. Nhưng vị thầy trẻ tuổi dậy môn Việt văn của chúng tôi lại cứ bắt tôi về với thực tế. Thực tế lại không hay ho gì lắm. Những ngày nóng bức từ nhà xí sát cạnh lớp một mùi khai khai thoảng nhẹ qua hoà vào những lời giảng thơ văn của thầy. Biết tôi là con một nhà văn tên tuổi, thầy cứ chắc mẩm là tôi phải xuất sắc về môn học của mình. Thầy không để tôi yên. Bình giải thơ Nguyễn Công Trứ xong thầy cho chúng tôi 20 phút viết phần dẫn nhập bài luận đề, thầy nói là sau đó thầy sẽ kêu tên một hai trò trong lớp đọc to cho cả lớp nghe và cho điểm. Nói xong thầy liếc xéo về phía tôi. Tự nhiên tôi có linh cảm chắc chắn thầy sẽ kêu tên mình. Thế là trong lúc hai thằng bạn ngồi cùng bàn Đỗ Diễn Nhi và Tạ Huy Sáng đánh cờ ca-rô thoải mái thì tôi hốt hoảng nặn bút viết. Mà viết phải cho hay để khỏi mất mặt ông cụ! Tôi nhớ là mình mới đọc có dăm câu: "Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang trong nền thi giới nước ta..." tức thì ở dưới "đám nhà lá" đã có tiếng trầm trồ khen hay! Cái đám vờ vĩnh đó chúng khen xúi tôi để lần tới thầy lại tiếp tục gọi tên tôi nữa. 

Cuối niên học, thầy Việt văn của chúng tôi hướng dẫn lớp Đệ Tứ B đi du ngoạn Tây Ninh. Chúng tôi lên đầy một xe buýt. Đến Tây Ninh chúng tôi leo núi Bà Đen và thăm thánh thất Cao Đài. Đó là chuyến du ngoạn duy nhất trong đời học sinh của tôi. Ngày hôm ấy theo lịch trình thì xe buýt phải quay lại đón chúng tôi lúc hai giờ trưa để về Sài Gòn nhưng không biết sao đến ba giờ cũng chưa thấy xe tới. Buổi trưa trời hè nóng gay gắt. Tôi mệt đừ ngồi bệt xuống vỉa hè đường dưới bóng mát hiếm hoi của hàng cây sao cao vút . Trên một khúc đường rộng đâm vào toà thánh thất mấy chục học sinh với đồng phục quần xanh áo trắng đứng ngồi tản mạn từng đám. Bỗng thầy Việt văn lại gần, thầy ngồi xổm nói chuyện với tôi. Chúng tôi nói về sinh hoạt văn nghệ. Hồi đó ông cụ tôi đang chủ trương nguyệt san Văn Hoá Ngày Nay. Trong câu chuyện thầy vụt hỏi tôi: "Em đã đọc Mưa đêm cuối năm chưa?". Tôi trả lời thầy là tôi chưa đọc. Thầy nói: "Em nên tìm đọc. Võ Phiến viết hay lắm!". Võ Phiến? Cái tên lạ hoắc! 

1975 - Anh cũng sững sờ nhìn tôi lắp bắp: "Trời! Anh... Anh...". Chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau không thể tưởng tượng gặp lại nhau trong cảnh huống này. Tôi chưa kịp hỏi thăm anh đã hỏi về hoàn cảnh tôi. Tôi nói là vợ con tôi đã đi trước bằng máy bay của cơ quan DAO. Còn chúng tôi, bốn quân nhân mà vợ con đã cùng nhau đi trước, đến sáng ngày 30 tháng 4 mới thoát ra nhà Bè lên tàu trong đường tơ kẽ tóc. Chúng tôi lạc vợ con cả tháng trời và gần đây mới biết là vợ con tất cả đang ở trại Pendleton, California. Còn anh, anh cho biết là anh chị đi bằng đường máy bay cùng với người con gái út và anh chị có đứa con trai thứ ba đang du học ở bên Úc. 

Thấy nói chuyện lâu trong phòng chật chội không tiện tôi rủ anh chốc nữa vào câu lạc bộ trong khu Trung tâm uống nước. Chúng tôi tiếp tục lựa quần áo. Có tiếng anh than thở ở sau lưng: "Người mình nhỏ thó khó lựa quần áo quá! Được cái sơ-mi màu ưng ý thì lại rộng thùng thình. Cái áo nào vừa vặn thì màu sắc chim cò trông kỳ cục quá! Quần cái nào bụng vừa thì lại ngắn cũn..." Tôi đáp: "Anh còn đỡ hơn tôi. Anh còn có chiều cao." 

Vào câu lạc bộ chúng tôi ngồi vào một bàn trống. Không có ai bán cà-phê ở đây. Ở góc câu lạc bộ có mấy cái máy bán nước ngọt có vẽ cái chai Coca Cola. Nhìn cái máy "hiện đại" quá tôi không biết sử dụng thế nào nên chúng tôi đành nói chuyện suông. Tôi nói với anh: "Anh biết không. Ngày chót ở Sài Gòn tôi tình cờ gặp Trần Phong Giao. Trên đường Trương Quốc Dung gần phi trường Tân Sơn Nhất. Thấy tôi anh quặt xe mô-bi-lét, nói với tôi gần như hốt hoảng: "Viên Linh đi rồi! Tôi thấy hắn ở phi trường!" - "Thế hả?". Anh chồm tới, có vẻ lưu tâm. Tôi tiếp tục: "Lúc đó tôi vội vã quá! Vợ con chúng tôi đã lên máy bay rồi mà bốn chúng tôi còn ở lại. Lúc đó tôi chỉ có đúng 15 phút để về nhà từ biệt bà cụ. Tội nghiệp bà. Ông anh cả tôi từ bên Pháp đã gửi vé máy bay Air France cho bà cụ. Chuyến máy bay ngày Hai tháng Năm. Không kịp rồi. Bà cụ sợ. Nội cái tên bà Nguyễn Tường Tam...". 

Nói đến đây tôi thấy trong mắt anh Võ Phiến loé như có một làn điện giật. Tự nhiên người anh như bừng dậy. Anh rối rít. Tôi hiểu ra. Té ra sau nửa giờ nói chuyện với anh, anh vẫn chưa nhận ra tôi là ai. Là một người tế nhị anh không để hé lộ ra là anh không nhớ. Tôi sực nghĩ ra là từ lúc gặp anh mặc dù vồn vã anh ít nói hơn tôi và những câu thăm hỏi của anh chỉ có tính cách chung chung. Chắc hẳn là trước đó anh thấy tôi quen quen. Chắc hẳn là khi tôi nhắc đến Trần Phong Giao thì anh cũng đoán là giữa anh và tôi có tương quan văn nghệ. Nhưng anh không nhớ đích xác. Cho đến lúc cái tên của ông cụ được bật ra. Mà anh không nhớ cũng phải thôi. Trước đó tôi chỉ gặp anh có hai lần, hai lần đó cũng đã xa rồi. Còn tôi tôi nhớ ra anh ngay cũng không gì lạ. Bởi vì tôi mê văn anh đã từ lâu, lâu lắm. Phải nói một cách thành thực là hồi đó tôi mê đọc văn anh còn hơn là tôi đọc văn của chính ông cụ tôi. Bởi vì văn anh gần gũi với tôi hơn. Anh có cái nhìn sâu sắc của Nhất Linh, nhưng là một Nhất Linh nhìn vào đời thường của cái không gian chúng tôi đang sống. 

Lúc đó cả anh và tôi đều không thể có bất cứ một dự tính gì về tương lai. Ngay cả một nơi để định cư cũng không biết chắc được. Nhưng chúng tôi đều biết là thế nào cũng phải liên lạc với nhau. Anh cho tôi địa chỉ người con của anh ở bên Úc. Tôi cho anh địa chỉ của ông anh tôi ở bên Pháp. Rồi chúng tôi chia tay. 

1959 - Có tiếng chân bước lên cầu thang. Tôi đang ngồi học bài trên lầu hai chung cư chợ An Đông Sài Gòn. Đó là bước chân ông cụ. Bao nhiêu năm sống chung trong căn phòng hẹp ấy chúng tôi có thể phân biệt tiếng bước chân của từng người lên lầu. Năm đó tôi bỏ trường Chu Văn An để học nhẩy lên lớp Đệ Nhị ở trường tư thục Hoàng Việt đường Phan Đình Phùng, trường này vừa xây xong mới được khánh thành. Ông cụ đặt cái cặp da xuống sàn, ông ngồi xuống cái ghế xếp quen thuộc của ông (Chính trên cái ghế này bốn năm sau ông uống liều thuốc ngủ Belladénal kết liễu đời mình). Tôi đưa ông xem cái tờ quảng cáo của trường Hoàng Việt. Tờ quảng cáo nêu rõ ông là cố vấn của trường. Tôi ngợ là người ta lạm dụng tên tuổi ông. Ông hỏi tôi những ai trong ban sáng lập trường. Tôi đọc nhiều tên. Có Trần Bích Lan, có Trần Văn Tuyên, có LM Hoàng Quỳnh... Và nhiều người nữa. Ông không nói gì. 

Ông cụ mở bia uống. Bière Larue đầu cọp. Ông châm điếu Bastos xanh. Trông ông mệt nhọc nhưng thoải mái. Tôi với cuốn truyện mỏng tang trên kệ sách đưa ông rồi nói: "Con đọc rồi. Hay lắm!". Ông cụ bỏ cuốn truyện vào trong cặp da, cái cặp mà lúc nào ông cũng tha đi theo người, trong cặp có nhiều cuốn sách truyện và những tài liệu lỉnh kỉnh. Thời gian này ông đang cố viết cho xong tập biên khảo: Viết và đọc tiểu thuyết. Cuốn truyện mỏng kia tôi vừa đưa trả ông cũng được lôi ra từ cái cặp ấy vào tuần lễ trước. 

Ông cụ tôi về nhà rất thất thường. Ông làm việc say mê và thường ngủ lại ở toà báo. Thảng hoặc ghé nhà ông thường hỏi việc học hành của tôi và đôi lúc, như tuần trước, ông và tôi bàn chuyện văn nghệ. Cũng hiếm thôi. Mặc dù hồi đó tôi có viết ít truyện ngắn đưa ông xem và ông rất thích nhưng ông không hề có ý khuyến khích con cái đi vào con đường của ông. Dù là đường chính trị hay văn nghệ. Ông cụ cho con cái tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn đời mình. Mặt khác ông cụ nhìn người rất tinh. Đó là biệt tài của ông. Năm ngày trước khi chết ông đến nhà in Trường Sơn đánh máy tờ uỷ quyền: "Tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, giám đốc nhà xuất bản Phượng Giang và Đời Nay, ký tên dưới đây xác nhận rằng: trong khi tôi vắng mặt (bất cứ vì lý do gì) thì con tôi là Nguyễn Tường Thiết sẽ thay thế tôi điều khiển hai nhà xuất bản kể trên và quyết định việc xuất bản các tác phẩm của tôi. Làm tại Sài Gòn ngày 2 tháng 7 năm 1963". Suốt 40 năm qua, sáu chữ trong dấu ngoặc đơn ám ảnh tôi... nó ám ảnh tôi quay quắt. 

Trong câu chuyện nhân bàn về các nhà văn ở miền Nam và sực nhớ tới lời thầy Việt văn ở Tây Ninh tôi nói: "Cậu phải đọc Võ Phiến. Hay lắm!". Tôi nói càn như vậy chứ thực sự lúc ấy tôi cũng chưa đọc truyện của ông ta. Không ngờ ông cụ lại nhìn sâu vào tôi hỏi lại: "Con đã đọc chưa?". Tôi nói chưa đọc nhưng nghe nói là hay. Ông mở cặp da lấy ra hai tập sách mỏng. Thần tháp rùa của Vũ Khắc Khoan và Mưa đêm cuối năm của Võ Phiến. Đưa tôi cuốn sau, ông nói: "Con đọc thử xem. Viết được lắm!". 

Tôi có một tuần để đọc. Lần đầu tiên tôi làm quen với dòng văn của anh. Nhưng phải thú thực là tôi bị chia trí hơi nhiều. Bởi trong lúc đọc văn anh tôi có lẫn cái nhìn của ông cụ. Cầm cuốn sách mỏng trên tay - Mưa đêm cuối năm của Võ Phiến do cơ sở Tự Do xuất bản - tôi lật từng tờ, từng tờ chi chít những ghi chú những lời bình phẩm của ông cụ. Nét chữ nhỏ nhít của ông gần như chiếm hết lề sách. Ở chỗ này ông phê: "Nhận xét rất sắc!". Ở trang nọ ông phết: "Hay lắm!". Chỗ này: "Đoạn này nên thêm chi tiết. Sẽ hay hơn!". Chỗ kia: "Văn cầu kỳ. Lập dị". Chỗ khác: "Lại lập dị...". Tôi không ngờ ông cụ tôi đọc kỹ thế! 

2003 - Bốn mươi bốn năm sau vào một ngày cuối năm Ngọ vợ chồng chúng tôi đến Los Angeles thăm anh chị Võ Phiến. Trước khi đi chúng tôi ghé khu Bolsa. Nhà tôi lựa một bó hoa phong lan màu nghệ rất lạ và đẹp làm quà biếu anh chị. Hoa lan vốn là loài hoa tiên cảnh của ông cụ. Trên xa lộ đến nhà anh tôi cứ bị ám ảnh bởi một món quà khác và cứ tiếc mãi phải chi tôi có trong tay để tặng anh. Hẳn là anh sẽ xúc động xiết bao! Đó là cuốn sách của anh với chi chít những hàng chữ chăm chút của ông cụ. Trong cái tiếc của tôi còn có lẫn một chút hận mình, một chút xót xa. Bởi vì chính tôi đã cầm nó trên tay, vào cái ngày cuối hãi hùng 29 tháng 4 năm 1975 ấy, tính bỏ chung vào cái bao nylon cùng với bản thảo cuốnXóm Cầu Mới và Giòng sông Thanh Thuỷ để đem đi, nghĩ sao tôi lại bỏ xuống. 

1973 - Lần đầu tiên tôi gặp anh tính đến nay đã vừa đúng ba thập niên. Năm đó tôi phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang. Cuốn sách đầu tiên là cuốn Xóm Cầu Mới của ông cụ. Cầm cuốn sách nguyên tinh mới ra lò, tôi nghĩ ngay đến việc tìm anh để tặng sách. Hồi đó sách Võ Phiến tôi đều đọc nhẵn, ngay cả cuốn truyện dài Về đâu của anh đăng từng kỳ trên báo Bách Khoa, tôi cũng theo dõi không bỏ sót một số nào. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội gặp anh, một nhà văn lúc này đã nổi tiếng và cũng là người tôi hâm mộ. Buổi sáng ấy tôi lái xe gắn máy đến bộ Thông tin đường Phan Đình Phùng, nơi anh làm việc. Hình như anh làm sở Kiểm duyệt hay Điện ảnh gì đó. Tôi nhớ là mình lên lầu, đi vòng một cái hành lang, văn phòng anh ở mé phải. Tôi gõ cửa. Gặp anh tôi hơi khớp. Không phải theo cái nghĩa một độc giả lần đầu được gặp người mình ái mộ đâu. Lúc đó óc tôi thấm đầy những nhân vật của anh. Tôi sợ bị anh nhìn tôi hệt như anh nhìn các nhân vật trong truyện của anh vậy. Anh tinh quá đi! Nhân vật nào trong cái nhìn sắc nét của anh cũng như bị lột truồng ra, cũng lộ những chỗ hớ hênh! 

Tôi yên tâm ngay khi nói chuyện với anh. Mặc dù anh hơn tôi những 15 tuổi nhưng anh xem tôi ngang hàng. Chúng tôi xưng hô anh tôi trong tình văn nghệ thân mật thoải mái. Mới bước vào nghề xuất bản, tôi có rất nhiều câu hỏi về tình hình sách truyện trong nước cũng như kinh nghiệm ngành xuất bản của anh. Tôi đã không học được một chút gì kinh nghiệm từ ông cụ, bởi lẽ mười năm trước đó khi ông mất tôi mới là một sinh viên khoa học không hề nghĩ một ngày nào đó mình sẽ đi vào ngành sách. Gặp anh tôi thấy Võ Phiến con người cũng y như văn phong anh. Chừng mực, điềm đạm, tế nhị có phần hơi quá nhã nhặn, lễ độ nữa. Tôi chỉ không thấy được ở anh lúc ấy cái duyên thầm nó thể hiện rất tự nhiên trong văn anh, nó bật lên ngay cả trong cách anh sử dụng ngôn từ. Còn về sự tinh tế của anh thì hôm đó tôi được dịp nhìn thấy. Sau khi nói chuyện khá lâu tôi sực nhớ là anh đang làm việc và tôi đã lấy thì giờ của anh lâu quá. Tôi ngừng lại, tính xin cáo từ. Hai cánh tay anh đặt trên bàn giấy. Tôi thấy anh nhìn thoáng vào cổ tay trái của mình có đeo đồng hồ tay. Rất nhanh, dường như sợ tôi hiểu cái nhìn đó như một cách nhắc nhở khách, anh chăm chú nhìn vào cổ tay ấy lâu hơn rồi anh đưa ngón chỏ bàn tay phải búng một vết bụi gần khuy manchette trên chiếc tay áo trắng tinh. 

Cầm trên tay bộ truyện Xóm Cầu Mới, anh tiễn tôi ra tận ngoài hành lang. Trên đường về vương lại trong tôi giọng nói của anh, giọng đặc biệt địa phương của người miền Bình Định. Nó lạ tai với tôi, bởi vì hồi đó giọng miền Trung tôi chỉ quen nghe giọng Huế, thảng hoặc giọng Quảng thôi. Thấm cái giọng nói của anh, tự nhiên - như thể cái giỏ cua đồng của chị Bốn Thôi hễ động mạnh thì những con cua trong giỏ cựa mình kêu rạo rạo - những nhân vật trong truyện Võ Phiến, ông Ba Thê, anh Bốn Thôi, ông Bốn Tản, chị Bốn Chìa Vôi, bà Hai Hồ, anh Ba Càng Cua... nay cũng trở mình trong tôi kêu lên, gọi nhau rối rít bằng cái giọng đặc biệt của miền đất khô mặn ấy, chúng mới linh hoạt làm sao! 

Hai hôm sau, trước sự ngạc nhiên của tôi, anh Võ Phiến đến thăm tôi ở chợ An Đông. Anh đến vào buổi tối, chắc là theo địa chỉ nhà xuất bản Phượng Giang tôi ghi sau cuốn sách Xóm Cầu Mới. Cuốn sách đó tôi đã đem biếu đôi ba chục người. Anh là người duy nhất đã tìm đến tôi trả lễ và để tặng tôi cuốn sách anh mới ra, cuốn tuỳ bút Đất nước quê hương. Sự ân cần đối với một người kém xa tuổi anh mà tôi tưởng rằng chỉ có nơi ông cụ tôi khiến tôi rất cảm động. 

1976 - Hôm đó nhân rạp hát gần nhà có chiếu phim cũ Cuốn theo chiều gió ấn bản mới vợ chồng tôi kéo đi xem, nhân thể cho biết mặt mũi rạp xi-nê ở nước Mỹ ra sao. Hồi còn ở Sài Gòn chúng tôi mê xem xi-nê lắm. Rạp Rex, rạp Eden, rạp Vĩnh Lợi, rạp Đại Nam... Lần nào cũng thế hết phim ra khỏi rạp là cảnh vật bên Mỹ đứt rụp, đối diện ngay với thực tại là cái trưa hè nắng chói chang, cái bùng binh Sài Gòn đông ngụt người. Lần này ra khỏi rạp, đứng trên thềm cao đảo mắt tìm chiếc xe hơi của mình đậu trong khu parking vắng hoe của Lakewood Mall, thốt nhiên tôi lặng người. Thoáng cái tôi không biết là mình đang ở Mỹ vừa đi ra khỏi rạp xi-nê hay là tôi đang ở Việt Nam vừa bước vào trong rạp! Cứ như thế... như thế... năm đầu tiên của tôi ở Mỹ đời sống trôi đi mơ màng như không thực. Đầy những khắc giây những giấc mơ Trang Tử thời đại! 

Tôi viết thư cho anh. Hồi đó cả anh và chúng tôi đều chọn miền cực bắc nước Mỹ để định cư. Nhiều bức thư bay qua lại giữa hai tiểu bang lạnh lẽo Minnesota và Washington. Anh trả lời tôi ngay. Bức thư anh mào đầu bằng một lời gọi: "Anh Thiết ơi!" nghe như vọng từ vùng quê hương xa lắc... "Đấy anh xem! Anh là người của thành phố đã quen lối sống thị tứ mà còn thấy ngỡ ngàng. Huống hồ chúng tôi..." Tôi hiểu anh muốn nói gì. Trước kia những nhân vật trong chuyện của anh - hay chính anh - đã từng ngỡ ngàng lạc lõng ngay trong lòng quê hương mình, ngay trong lòng thủ đô Sài Gòn. Từ Gò Vấp, từ Hoà Hưng vọng về Bình Định, về Quy Nhơn... những cánh Thư nhà... lại Thư nhà... 

Tôi mường tượng anh đứng ở giữa cái Mall ấy, ngơ ngác... 

Năm đầu định cư tôi vớ được nhà thơ Xuân Hiến, ở cùng thành phố. Kể cho anh Hiến nghe về cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh ở trại Pennsylvania, anh Hiến mừng quá rối rít xin tôi địa chỉ anh. Hoá ra hai anh Xuân Hiến, Võ Phiến đã biết đã thân nhau từ lâu, hồi còn làm tờ Bách Khoa. 

Anh Võ Phiến ơi! Để tôi kể anh nghe đôi chút kỷ niệm với người bạn văn đã khuất bóng của anh. Tính anh Xuân Hiến xuề xoà lắm, anh đã biết. Năm ấy anh khoe với tôi anh bắt được cái job hay lắm. Anh làm janitor cho một trường đại học cộng đồng, "ca" đêm. Ban ngày anh ngủ, tối anh đi làm. Giờ Mỹ và giờ Việt Nam như đêm với ngày. Anh tâm tình với tôi, cảm động: "Mình ngủ với quê hương, mình thức với quê hương". 

Hồi đó tôi mê đi câu cá lắm. Đến bây giờ vẫn còn mê. Tôi nói với anh Hiến là giá tôi mê viết như tôi mê câu thì chắc là tôi cũng sẽ thành văn sĩ le lói như ai. Một hôm nọ tôi mới mào chuyện đi câu với anh thì chị Xuân Hiến đã đâm bổ vào, chị xoắn xuýt. Thế là tôi có ngay một người bạn câu mới, còn mê câu hơn cả tôi. Một bữa đứng câu với chị ở chân cầu Purdy, câu đã nửa ngày trời mà chả được con nào, tôi nghỉ tay. Từ thành phố Tacoma đến Purdy cũng xa lắm đến 20 dặm. Từ sáng sớm thấy chị đi câu có một mình tôi cứ đinh ninh chị lái xe lấy. Không ngờ thấy tôi nghỉ, chị nói, tỉnh khô: "Anh Hiến chở tôi đi, anh ấy ở trong xe, chỗ parking ấy!". Tôi giật bắn người: "Trời! Chị để anh ấy chờ những bốn tiếng đồng hồ trên xe... Sao chị ..." - "Anh đừng lo cho anh Hiến. Giờ này là giờ ngủ của ảnh!". Tôi chạy bổ lên trên cầu đến parking tìm anh. Thấy tôi anh mừng lắm. Trông anh không có vẻ gì là người mới ngủ dậy, anh tỉnh táo, mặt tươi rói. Vừa mở cửa xe anh vừa giơ cao một xấp giấy: "Tôi vừa mới viết xong được một truyện ngắn! Thú lắm! Đang nghĩ đến chuyện gặp ai để khoe, thì may quá gặp anh! Chúng mình tìm chỗ nào ngồi tôi đọc anh nghe!". Trông anh sung sướng thấy rõ. Mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe cầm bút hạnh phúc của anh cũng phơi phới ngang ngửa với chị Hiến cầm cần câu dưới chân cầu. Chúng tôi đi kiếm chỗ ngồi trên ghềnh đá, nhìn ra vịnh Puget Sound. Trời trong vắt. Những con chim hải âu bay lượn vui nhộn trông cũng rạo rực như anh Xuân Hiến. "Đây tôi đọc anh nghe. Truyện có cái tựa "Cái sọt rác". Gió thổi từ vịnh ùa vào lật phật mấy tờ giấy anh cầm. Vừa căng giấy anh vừa đọc tôi nghe. Lẫn trong truyện anh kể tôi nghe có tiếng kêu chíu chíu của bầy hải âu bay là trên đầu, tiếng sóng đập vào ghềnh đá rồi rút ra choàng vào chúng tôi những bụi nước mặn li ti. Đêm đêm, một mình, anh Xuân Hiến sống trong thế giới câm lặng của đồ vật trong những văn phòng trống vắng của trường đại học ấy. Công việc quét dọn quá nhàn nhã, mất chừng hai giờ cho một việc trả lương tám tiếng. Khi anh đến chỗ làm, cái sinh hoạt nhộn nhịp của văn phòng đã dứt từ lâu. Khi anh trở về nhà, cái sinh hoạt ấy còn lâu mới bắt đầu. Đêm đêm anh nghe bước chân mình đơn độc trên hành lang, trong văn phòng. Xẹt qua bàn giấy này anh nhấc xem một khung ảnh gia đình. Ghé bàn kia anh phát giác hai ba cái "cấp" cà-phê cái nào đấy cũng đen ghét. Có bàn ngăn nắp, có bàn thật bừa đến phát ngợp. Anh tẩn mẩn quan sát dòm ngó đồ vật trên bàn giấy rồi tưởng tượng con người ngồi sau bàn ấy phái tính, trẻ già, tính tình... Còn những cái sọt rác nữa chứ! Chúng tố cáo nhiều thứ lắm. Chuyện công chuyện tư nằm trong đó cả. Một bữa nhẩn nha anh lấy hai ngón tay gắp lên tờ giấy đã vò nhầu mở ra đọc anh khám phá một bức thư tình viết dang dở. Qua sọt rác ấy anh theo dõi mối tình của cô gái trong nhiều tháng... Những bức thư cô viết dang dở nằm trong sọt rác đã đành, ngay cả các bức thư khác tuồng chữ, bức thư hồi âm, cũng cùng chung số phận. Rồi đêm này, tháng nọ trôi qua, cái thế giới ban ngày của văn phòng ấy hiện rõ như chắc nịch trong trí tưởng của anh Xuân Hiến. Cho đến một hôm... 

Anh Võ Phiến à, ông cụ tôi ngày xưa đã cầm kéo cắt cái xoẹt khúc đuôi truyện ngắn "Đôi guốc trắng" của nhà văn Nhật Tiến. Truyện này đăng trên Văn Hoá Ngày Nay có kết cục bỏ lửng đâm ra hay hay. Tôi cũng bắt chước, ngừng ngang xương "Cái sọt rác" của anh Xuân Hiến ở đây. 

1981 - Gọi tên bốn mùa. Mùa nào cũng mưa. Đó là tiểu bang xanh nơi chúng tôi ở. Cuối năm ấy anh chị Võ Phiến từ California lên thăm. Sau có hai năm ở Minnesota anh chị đã tìm về miền nắng ấm để định cư. Còn chúng tôi vẫn gắn bó với tiểu bang ủ ê này. Đêm hôm đó trời đổ lạnh. Buổi chiều đã có dấu báo hiệu. Trời âm u mà nhiệt độ hạ thấp. Tối nay tuyết sẽ rơi. Điện thoại reo. Tiếng anh Xuân Hiến: "Lát nữa chúng tôi ghé thăm anh chị. Có anh Võ Phiến lên chơi!". Trước khi cúp, tôi còn nghe ở phông tiếng nói líu ríu của hai chị. Trời! Tôi nghĩ. Anh chị Võ Phiến đã quá hãi cái lạnh, cái tuyết của Minnesota, đã trốn nó từ bốn năm nay. "Cái bang" này thiệt tệ! Không điệu với khách quý của chúng tôi chút nào. Để chữa lại tôi nghĩ ngay đến việc sưởi ấm phòng khách để tiếp anh. Ra ga-ra tôi check mấy khúc củi. Lâu không dùng củi ẩm quá, không khéo đốt không ra lửa mà khói um ra nhà, khóc cả đám! Tôi lái xe ra Safeway gần nhà tha về năm sáu khúc Duraflame. Bảo đảm cháy gọn. Ngọn lửa trong lò sưởi vừa bùng lên thì có tiếng xe hơi đỗ ở ngoài. Anh Xuân Hiến dẫn anh Võ Phiến vào nhà tôi qua ngả ga-ra. Cả hai anh trang bị kỹ lắm, mũ, khăn cổ, áo măng-tô. Tôi nhìn anh Võ Phiến đang phủi tuyết lấm tấm trên áo. Sáu năm không gặp tôi thấy anh mập ra. Anh trả lời: "Mập bịnh đó! Không tốt đâu..." Nhà tôi trách anh Xuân Hiến: "Hai chị đâu? Sao anh không chở hai chị đi luôn!" - "Thì cũng tính đi đó. Nhưng thấy trời sắp tuyết hai bà sợ..." 

Hơn hai mươi năm đã qua tôi không nhớ rõ trong hai tiếng đồng hồ ở nhà tôi cái đêm tuyết lất phất rơi đó tôi đã nói những chuyện gì với anh. Tôi mừng là không nhiều. Tôi cứ chạy lăng xăng lo nhóm cái lò sưởi, lo tiếp củi, giữ cho cái ngọn lửa luôn luôn toả hơi nóng tối đa. Lâu lâu tôi góp với hai anh một tí rồi chạy đi. Nhưng một hình ảnh rất đẹp ghi sâu trong ký ức tôi. Hình ảnh đêm đó anh Xuân Hiến và anh ngồi trên cái love seat ấy dưới ánh hồng của lò sưởi đỏ rực mê mải nói chuyện với nhau. Các anh nói chuyện cũ, cái thời báo Bách Khoa đường Phan Đình Phùng của Sài Gòn thuở nào, cái thời không có tôi tham dự. 

Sáng hôm sau tôi gọi cho anh Xuân Hiến thì anh cho biết anh chị Võ Phiến đã rời từ sáng sớm. Anh chị đi xe hơi. Đi vội vì đài khí tượng tiên đoán một trận bão tuyết sẽ đến trong ít ngày tới. Anh chị cần phải vượt qua một khúc đèo dài khủng khiếp ở tiểu bang Oregon trước khi cơn bão ập xuống. 

Ngày mười tháng Chín năm sau anh Xuân Hiến qua đời. Cái chết của anh bình thản đôn hậu như con người anh. Một vài người bạn rủ anh đi chùa Việt Nam ở Seattle. Trong lúc chờ để mạn đàm với Thầy trụ trì, anh ngồi ngủ gục trên ghế xa-lông. Chuyện này rất thường xẩy ra nên tất cả để yên anh ngủ. Không ai biết anh bị stroke. Chở đến nhà thương anh vẫn mê man. Chị Xuân Hiến nhờ tôi thông báo cho các bạn văn của anh dưới Ca-Li. Khi anh Lê Tất Điều bay lên đến nhà thương anh vẫn không tỉnh. Cho đến khi anh ra đi... 

Sáu năm sau, tôi nhận được cuốn sách Tuỳ bút Võ Phiến do nhà Văn Nghệ xuất bản. Trang đầu có lời đề tặng: "Thân mến gửi anh chị Nguyễn Tường Thiết. Ghi nhớ một đêm ở Tacoma, bên lò sưởi. Võ Phiến. Los Angeles XII-1987". Vâng. Cái đêm đó thật đáng ghi nhớ... nhớ một người bạn đã ra đi quá sớm. Anh Xuân Hiến. 

2003 - Một buổi sáng đầu năm Mùi. Tôi hẹn gặp Tạ Huy Sáng ở tiệm phở Nguyễn Huệ. Quận Cam còn vương không khí Tết. Sau bốn mươi lăm năm tôi mới gặp lại hắn, thằng bạn ngồi cùng bàn lớp Đệ Tứ Chu Văn An thuở nào. Chúng tôi cũng trên 60 cả rồi. Nhưng gặp nhau vẫn "toa", "moa" loạn xị như xưa. Tôi bảo nó: "Toa chuẩn bị đi! Gặp thầy Lưu Trung Khảo. Thầy Việt văn ấy mà. Moa hẹn thầy 10 giờ ở Coffee Factory". Hắn dẫy nẩy: "Chết cha! Moa ăn nói làm sao với thầy. Toa ở xa còn có lý. Moa ở ngay đây cả chục năm mà chưa tìm gặp thầy, thầy chửi chết!" Rồi hắn lo lắng: "Quên cha nó mất rồi, không nhớ hồi đó mình xưng em hay là xưng con với thầy nhỉ?" - "Em iếc gì. Con! Thầy gọi mình là em thì OK. Còn mình phải xưng con với thầy. Hiểu chưa?" 

Chúng tôi chờ mãi mới có bàn trống. Sáng Chủ nhật thật đông. Tôi nghe nói chỗ này là một La Pagode của Sài Gòn ngày nào. Lần đầu tiên tôi đến đây nhưng cái tên Coffee Factory tôi đã đọc đâu đó trong một hai truyện ngắn mới đây. Truyện nào nhỉ ? À, một chuyện tình của cô cháu gái tôi, nhà văn Thơ Thơ. Thầy Khảo tìm bàn chúng tôi dễ dàng. Thầy nhận ngay ra chúng tôi. Chỉ vào thằng bạn tôi, thầy nói: "Sáng đó phải không?" - "Vâng, con đây. Thầy còn nhớ?" Tôi chịu trí nhớ của thầy. Bốn mươi lăm năm trước, tôi nhớ thầy nhìn sổ điểm danh để gọi trả bài có lần thầy nói to cho cả lớp: "A, cái tên anh này ghê lắm đây! Đã Huy rồi mà lại còn Sáng nữa! Để xem thử anh này có sáng dạ như cái tên gọi không!" 

Bên tách cà-phê nóng chúng tôi ôn chuyện cũ. Thời của cái đời học sinh vô tư. Thầy nói đó là khoảng thời gian thầy hãnh diện nhất trong đời thầy. Là giáo sư của một trường danh tiếng Thủ Đô thầy chứng kiến những đứa con yêu của thầy sau này là tinh hoa của một nửa phần đất nước. Đặc biệt thầy nhớ nhất học trò của lớp Đệ Tứ B niên học 1957-58 vì đó cũng là năm đầu tiên thầy dậy ở trường Chu Văn An. Thầy nhắc đến tên nhiều bạn học cùng lớp mà chính tôi không biết: "Em nhớ Lê Tất Luyện không? Chồng của nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê ở bên Pháp đấy!" Tôi nói: "Chắc thầy nhớ Đỗ Diễn Nhi? Ngồi cùng bàn con. Hiện ở Washington DC". Thầy trò nhìn nhau cười. Ai mà quên hắn nổi. Thằng bạn sau này, thời tướng Kỳ, trở thành nhân vật "nổi đình đám" nhất của lớp Đệ Tứ B chúng tôi. 

Tôi nhắc thầy Khảo về kỷ niệm chuyến du ngoạn Tây Ninh và nhân đó đến anh Võ Phiến. Vợ chồng tôi tuần trước mới đến thăm anh chị ở Los Angeles. Hôm đó chúng tôi ở chơi anh gần suốt một ngày. Cũng là lần đầu tiên kể từ khi quen biết anh tôi mới có dịp tâm tình với anh lâu nhất. Chúng tôi bàn về đủ chuyện. Về đủ mọi đề tài. Nhưng dù là chuyện gì thì rốt cuộc anh cũng đi đến cái kết, cũng quy về cái "tình người". Tôi có cảm tưởng "tình người" như một ám ảnh mới của anh. Cái tình người bây giờ nó không được như xưa. Anh nói giọng luyến tiếc: "Anh không biết đâu bây giờ họ kèn cựa, họ gấu ó lắm! Không có trật tự có trên dưới gì ráo trọi!"... "Anh có đọc hồi ký của Hồ Dzếnh chưa. Để xem người xưa họ xử đẹp như thế nào. Cái lòng của họ thế nào. Trên chuyến tàu Hải Phòng - Hà Nội, Hồ Dzếnh lúc đó mới tập tễnh viết văn, còn đang đọc lại tập bản thảo của mình, thì một người hành khách lên nửa đường, từ ga Cẩm Giàng, tới ngồi cạnh. Toa tàu hôm đó vắng. Người khách hỏi mượn xem tập bản thảo. Đến khi tàu từ từ dừng lại ở ga đầu cầu Long Biên, chuẩn bị xuống, người khách ướm hỏi có thể mang về nhà đọc được không và hứa một tuần sau sẽ đem trả tận nhà. Vì còn giữ tập bản thảo viết lần thứ nhất nên Hồ Dzếnh đưa ngay. Sau khi đưa địa chỉ của mình Hồ Dzếnh sực nhớ ra là không lấy địa chỉ của người khách lạ thì người ấy đã xuống tàu. Đúng một tuần sau, người khách đem trả tập bản thảo, niềm nở bắt tay Hồ Dzếnh và ngỏ ý, nếu ông muốn, sẵn sàng viết cho lời tựa. Lúc đó người khách mới tự xưng tên: Thạch Lam!"... Kể xong câu chuyện, anh lặp lại câu anh đã nói, vẫn giọng u hoài: "Bây giờ họ kèn cựa nhau, họ gấu ó lắm... không được như người xưa!". 

2002 - Chúng tôi tất cả 9 người chất đầy một xe van. Mùa thu năm ấy chúng tôi hai gia đình cùng đi chung về Việt Nam. Gia đình anh Việt và tôi đã chiếm 7 người. Ngoài ra lại có thêm Maya, cô bạn Mỹ của Thi, con gái tôi, đi cùng. Từ Sài Gòn chúng tôi thuê xe van đi Hội An, chủ đích là đưa vợ con chúng tôi đến thăm mộ ông bà cụ mà di cốt đã được chôn cất vào mùa hạ năm trước trong nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Tường. Ngồi ở băng trước của xe van, cạnh tài xế, là đích tôn của dòng họ, nhà văn Tường Hùng. 

Sau khi ở lại Nha Trang chơi hai ngày, phái đoàn chúng tôi tiếp tục hướng bắc quốc lộ 1. Khúc đường từ Nha Trang đến Hội An cực kỳ xấu. Suốt ngày trời chúng tôi bị nhồi lên nhồi xuống trên chiếc xe chật hẹp. Mấy đứa con chúng tôi sinh đẻ hoặc lớn lên ở Mỹ, lần đầu tiên về Việt Nam, kêu la oai oái. Trời lại nóng, chúng tôi gật gưỡng. Con Thi ngủ miệng há hốc, chẩy cả nước dãi. Maya đưa máy hình chụp con Thi lia lịa. Mấy đứa nhỏ thật tức cười. Suốt chuyến đi chúng phí phim vì những cảnh tào lao. Bao nhiêu cảnh đẹp không chụp chỉ chụp toàn những chó, những bò, những đứa bé đen đủi... 

Xe lên một cái đèo thấp đến đỉnh rồi lại bắt đầu đổ xuống. Ở băng trước có tiếng nói của anh Hùng: "Thành phố nào đẹp quá vậy?". Chú tài xế trả lời: 

"Thị xã Qui Nhơn!" 

Tôi nhỏm dậy. Từ trên tầm cao thị xã Qui Nhơn hiện ra nguyên vẹn bên bờ Thái Bình Dương nước biển một màu xanh ngắt. Quốc lộ phía trước trải xuống một đường vòng cung ôm lấy thị xã. Những cây dừa, những hàng thuỳ dương xen lẫn vào những mái ngói đỏ tươi. Từ xa Qui Nhơn vụt hiện trong tôi như một cảnh trí giả, xinh xắn như món đồ chơi. Tôi giật lấy máy ảnh của Maya tính chụp một pô thì không kịp nữa. Chiếc xe đã xuống đến chân đèo. Thị xã vụt khỏi tầm mắt. 

Tôi nghĩ ngay đến anh. Anh Võ Phiến ạ. Đây là thị xã của anh, đúng ra của cậu học trò họ Đoàn bẩy mươi năm về trước. Thị xã đã nuôi anh những ngày thơ ấu, đã được nhắc tới trong nhiều bức Thư nhà của anh. Với tôi, mặc dù đã nhiều lần trong đời nhìn thấy nó từ tầm xa, nhưng tôi chỉ ghé sống với nó thực sự được có một đêm, đêm ấy cũng đã rất xa rồi, hồi đó tôi còn là một sinh viên, nhân một chuyến ra Trung để cứu lụt. 

Tôi nhớ gì về một đêm ngắn ngủi ghé ngủ ở cái thị xã hẻo lánh của miền Trung ấy? Không gì cả ngoài âm vang của những tiếng chim kêu. Tiếng chim kêu? Vâng. Thị xã mùa biển động náo lên vì những bầy chim từ ngoài hòn bay về, chúng bay tơi tả bay rối loạn trên cái bồn nước của thị xã. Những cánh én bay khinh khoái trong ráng chiều, những cánh én nhào lộn khi bình minh ló rạng. Tôi nhường lời diễn tả cho anh Võ Phiến. Tôi không thể qua mặt anh. 

Một buổi chiều, cuối mùa đông, anh Tư đi làm về, trong người rân rân mệt mỏi, nằm trông theo những con én bay ngược bay xuôi trong xóm. Én bay rạo rực. Nó không bay vì nhu cầu chuyển dịch. Nó lướt qua rồi tức thì lộn trở lại, bay vô ích. Nó bay như chỉ để phô trương, để biểu diễn những pha bất ngờ. Én bay trong xóm đôi ba con hay năm bẩy con? Khó đếm được. Nó bay loạn xị. Nó rạo rực niềm vui trên xóm nghèo, trong ráng chiều, khi người người mệt mỏi. Anh Tư nằm trông theo én bay cho đến khi đèn đường bật sáng. (Một ngày để tuỳ nghi - Võ Phiến) 

Thành phố đã tỉnh dậy, dưới đất. Trên trời én như được khuyến khích, như đắc thắng, càng ríu rít hơn. Bây giờ trên nền trời xanh bạc đã trông thấy những cánh én lao tới lao lui, rộn cả lên. Chrirr... Chrirr... nó cuống quít, nôn nao, rộn rực một niềm vui không chịu được, niềm vui rung lên trong tiếng kêu. 

Nhào lộn ngoài trời một lát, lại có một con én bay vụt vào dưới mái ngói, đến sát bên cạnh tổ, nó chao qua chao lại, chập chờn cặp cánh nhọn như vẫy chào cái tổ rồi bay vụt đi. Nó không vào tổ, nó không đậu, không nghỉ, nhưng nó trở về, ghé chào, rồi ra đi. Không hiểu tại sao vậy. (Mùa xuân, con én - Võ Phiến). 

Tôi cũng vậy. Anh Võ Phiến à. Như cánh én kia, lâu lâu tôi trở về, ghé chào, rồi ra đi. Nhưng tôi hiểu vì sao. 
Seattle, một đêm mưa cuối năm 2003

Người học trò của hoạ sĩ
Viết cho Thái Vân, Thao, Thi &Tyler, 
Những người rất thân yêu của tôi.

Đám cưới tổ chức trong căn phòng rộng trên lầu cao chót của nhà hàng Majestic. Giữa phòng mấy chục chiếc bàn phủ khăn vải trắng tinh. Trên bàn những đoá hồng đỏ thắm cắm trong những lọ thuỷ tinh cổ cao. Cạnh mỗi bình hoa là một liễn pha lê đựng rượu sanglia màu đỏ Bordeaux có lẫn những lát cam, táo, nho màu vàng, xanh. Một người hầu bàn mặc đồng phục thắt nơ đen bê chiếc bình giỏ mây lớn đựng rượu chát rót thêm rượu vào liễn. Trừ những người già ngồi ghế cùng với đám phụ nữ đa số những người đàn ông đứng tụm lại nói chuyện, trên tay mỗi người một cốc rượu vang. Lúc đó thực khách đã đến đông đủ và bữa tiệc cưới sắp bắt đầu. Ánh đèn lộng lẫy từ những chùm đèn pha lê ở trên trần cao toả xuống căn phòng rộng của nhà hàng màu đỏ rực rỡ của tấm thảm sàn và của các bức màn nhung ở chung quanh. 

Có tiếng gõ gõ vào micro, tiếng testing một, hai, ba rồi tiếng giới thiệu cô dâu chú rể và song thân. Bốn người bước lên bục. Ngoài cô dâu chú rể, hai người đàn bà được giới thiệu là những người mẹ của dâu rể. Người ta có thể thấy ngay được sự chênh lệch về tuổi tác hai bên nhà gái và nhà trai. Cô vợ nom trẻ măng so với người chồng mà bà mẹ của cô lại càng trẻ hơn so với bà mẹ chàng rể. Ở một bàn ăn gồm những thực khách đứng tuổi, hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẫy người anh của chú rể lại gần. Người ấy cúi xuống. Ông Trí hỏi nhỏ vào tai: "Ông Nguyễn Xuân Thực đâu không thấy ở đây?". Hỏi xong hoạ sĩ giơ tấm thiệp cưới có ghi bà quả phụ Nguyễn Tường Tam ở một bên và bên kia là ông bà Nguyễn Xuân Thực. Người anh của chú rể trả lời: "Ông Thực còn ở ngoài Bắc. Năm năm tư ông chọn ở lại Hà Nội. Bà Thực một mình dẫn theo bốn đứa con nhỏ đi Hải Phòng theo đoàn người di cư lên tàu vào Nam". 

Thực khách ở những bàn tiệc phía cuối phòng có thể nhìn thấy màn đêm đen của thành phố Sài Gòn qua một tấm cửa kính thật lớn. Cuối bữa ăn một vài người đàn ông tay cầm cốc rượu rời bàn ra đứng sát cửa sổ nhìn ra phía ngoài. Từ trên từng cao của nhà hàng khách sạn, dưới đường Bạch Đằng những chiếc taxi nhỏ như món đồ chơi êm êm chạy trên mặt nhựa. Trên bờ sông Sài Gòn dăm ba nhà hàng nổi toả rực ánh đèn. Giữa dòng hai chiếc chiến hạm nằm im lìm đậu. Bên kia sông bóng tối mênh mang của vùng trời Thủ Thiêm. Nơi đó ở chân trời lâu lâu loé sáng một trái hoả châu vàng rực. Ánh vàng nở ra rồi lụi vào bóng đêm. Đêm đó mồng 7 tháng Giêng năm 1973. 

"Thái Vân nó nói ông Nguyễn Gia Trí có nhắc đến bố..." 

"Vâng, ngay trong ngày cưới của chúng con..." 

"Vậy hả? Trong ngày cưới?" 

"Vâng, thế mà đã 25 năm rồi đó bố!" 

"Thế hả con! Ông ấy còn nhớ đến bố à? Bố là học trò của ông ấy..." 

Đó là một buổi sáng vào đầu mùa thu của Hà Nội năm 1998. Bố Thực đã nói với tôi như thế. Câu chuyện tôi kể đây ghi nhớ lần sau cùng tôi đi dạo Hồ Gươm với ông. Lúc ấy chúng tôi vừa bước vào cầu Thê Húc. Hai người ngừng lại ở đầu cầu. Sau một cái bàn gỗ là một cô bé bán vé vào đền Ngọc Sơn. Tôi nói với cô bé: "Cô bán cho tôi hai vé". Cô ngước nhìn chúng tôi, xé hai cái vé có màu khác nhau, đưa tôi: "Chú cho cháu hai mươi nhăm nghìn. Vé của cụ năm nghìn. Vé chú hai chục": "Ơ kìa, sao lạ vậy? Lại có đến hai cái giá khác nhau?" "Vé hai chục nghìn cho người nước ngoài mà chú..." "Tôi? Người nước ngoài? Tôi ở Sài Gòn mới ra mà...". Cô bé nhìn tôi tinh quái rồi cười ngoặt nghẽo: "Chú mà không phải người nước ngoài thì cháu cứ mà chết ngay đấy!" Tôi vội vàng chìa cho cô ta tờ giấy năm chục ngàn: "Thôi! Cô ơi! Cô bán cho tôi đi! Cô thề thốt thế tôi nghe mệt quá!". 

Chúng tôi bước lên cầu. Cầu Thê Húc nước sơn mới đỏ tươi. Du khách đứng từng đám tựa lưng vào thành cầu chụp ảnh. Một ông thợ hướng ống kính về phía một cặp du khách ngoại quốc liền bị xua tay. Ông ta tính hướng máy về phía tôi nhưng thất vọng ngay khi thấy trên vai tôi đeo một cái máy ảnh trông cũng hiện đại không thua máy của ông ta. Tôi đứng sát thành cầu nhìn xuống dưới. Mặt hồ dưới chỗ rợp bóng cầu nước thẫm lại. Một nhà văn nào của Hà Nội đã ví màu nước Hồ Gươm như màu của một bát nước canh rau muống. Quả đúng thế. Nhìn xa dưới ánh nắng thu mặt hồ nhạt như một bát nước rau đã được vắt thêm chanh, ngả sang màu vàng lục. 

Tôi chặn một thanh niên nhờ chụp bức ảnh hai bố con đứng trên cầu, rồi chúng tôi vào đền Ngọc Sơn. Hai người đi dọc con đường nhỏ ở ven đảo vòng phía sau đền. Gần năm mươi năm trước hồi mười tuổi tôi vẫn đi con đường này tìm đến cây si già phía cuối đảo. Thân cây si uốn còng sát bờ nước. Những ngày xưa ấy những ngày tháng hạ tôi trốn cơn nóng kinh hồn của Hà Nội tìm đến vùng mát rượi này của bóng cây si leo ngồi vắt vẻo trên cành, thò hai chân khoắng nước, ăn những quả nhãn và ném hột xuống hồ. Bây giờ những cây si đó vẫn còn nguyên. Tôi nhìn những nhánh si xoè lan trên nước, những dây rễ chi chít từ cao buông cắm xuống mặt hồ, nói với ông Thực: "Hồi con còn bé con hay ngồi trên những nhánh cây này. Thế mà đã gần năm mươi năm qua. Bao nhiêu là thay đổi. Chỉ có cây si này vẫn thế". Bố Thực nói: "Bố cũng như con. Lần cuối cùng bố vào đền Ngọc Sơn này dễ cũng đã năm mươi năm rồi. Hồi đó bố vào đây để vẽ..." Ngạc nhiên tôi hỏi: "Sao lạ vậy bố? Bố ở ngay Hà Nội mà từ ngày ấy bố cũng chưa trở lại đây?" Ông Thực nhìn xa về phía tháp rùa, giọng nói của ông trầm xuống: "Từ ngày mẹ con vào Nam, bố chả có đi đâu cả. Bố chỉ đi quanh quẩn trong làng..." 

Làng đó xưa kia là làng Hoàng Mai bây giờ thuộc quận Hai Bà Trưng vùng ngoại ô Hà Nội. Từ ngày đất nước chia đôi ông Thực ở vậy. Ông ở một mình một gian rất nhỏ trong nhà của bác Nghĩa, người chị ruột của ông và sống lay lắt bằng nghề vẽ và kiến trúc, cái nghề mà trong suốt thời chiến tranh nó chỉ thoả được trái tim ông chứ không thể nuôi nổi ông dù chỉ là một đời sống khiêm tốn. Lần trước trở về Việt Nam xe taxi đưa vợ chồng tôi đến căn nhà đó. Khi xe đi qua chợ Mơ trên đường Trương Định nhà tôi bỗng nắm chặt lấy tay tôi: "Cả đời em, em ao ước được gặp bố... Thế mà bây giờ sắp gặp em lại thấy ngại ngùng sao ấy. Em chả có gì để nói với bố cả". Câu nói của nhà tôi khiến tôi chợt nhớ đến hàng chữ ông Thực viết ở mặt sau một tấm ảnh ông gửi cho con gái đã lâu lắm. Những lời ngắn ngủi này đã nói lên hết. Gửi Thái Vân. Cái người này 20 năm xưa là Bố của Thái Vân đây. 20 năm qua, hình ảnh xưa đã mờ, mà nước mắt đã cạn... Bố gửi con mà lòng rỗng không. Không còn gì nói với con nữa... Nguyễn Xuân Thực. Hoàng Mai, ngày 9 tháng Tám 1975. Xe đến phường Hoàng Văn Thụ rẽ vào một con đường rất nhỏ chỉ lọt vừa một chiếc ô-tô. Đi sâu vào làng chừng nửa cây số xe dừng lại gần chợ Hoàng Mai. Chú tài xế nói: "Cô chú xuống đây. Xe không vào được nữa. Cô chú đi bộ chừng trăm thước là tới". Chúng tôi đi theo một con đường hẹp ngoắt nghéo dò tìm số nhà bác Nghĩa. Tổ 20 số nhà 172. Địa chỉ này tôi thuộc nằm lòng vì từ 20 năm tôi đã gửi không biết bao nhiêu lá thư của nhà tôi đến đó. Căn nhà có cổng sắt, sau một vườn cây là mái ngói rêu của một căn nhà gạch cũ ba gian. Bác Nghĩa ra mở cửa. Năm đó bác đã trên 80 tuổi nhưng còn mạnh khoẻ và tinh tường lắm. Bác rót nước chúng tôi uống và nói là bố Thực đi dạo trong làng chắc cũng sắp về. Bác nói là sáng nào bố Thực cũng phải đi bộ một tiếng đồng hồ. Trong khi nhà tôi nói chuyện với bác Nghĩa tôi nhìn qua cửa sổ khu vườn cây. Trên một cây ổi một con bé xinh xắn ngồi vắt vẻo trên cành giương mắt tò mò nhìn chúng tôi (sau này tôi biết đó là con bé Phương Mai, cháu của nhà tôi, leo lên cây cao để nhìn trộm người cô vừa mới từ một hành tinh khác lạc về). Trong sân nắng, treo dưới cành ổi là mấy giò lan. Giữa hai gốc cây căng mấy sợi thép phơi quần áo. Dưới sân một con gà đi quanh quẩn bên giếng nước. Không khí yên bình quá. Thoáng trong một giây tôi cảm giác như một rung động hết sức nhẹ nhàng. Chính ở nơi này trong cái khung cảnh êm đềm này mà bố Thực của tôi đã gửi trọn cuộc đời. Chờ mãi một giờ đồng hồ sau vẫn không thấy bóng dáng bố Thực trở về, nhà tôi hỏi bác Nghĩa: "Thưa bác, bố cháu có biết hôm nay chúng cháu đến không?" - "Biết chứ sao lại không biết! Cả tháng nay biết tin ngày nào ông ấy cũng như ngồi trên lửa... Cái ông này làm sao ấy! Sáng nay ông còn nói sẽ về sớm vì ông biết mấy giờ con và anh Thiết sẽ đến. Thế là cái ông này đi trốn rồi... Ôi gàn ơi là gàn!" Tôi lại nhìn ra ngoài vườn. Ông Thực lúc này chắc đang lang thang trên con đường làng cố tình kéo dài cái giờ phút gặp gỡ chỉ cốt là để hưởng thêm cái thú đợi chờ đớn đau mà trong bao năm đã trở thành thói quen trong tim ông. Chờ thêm nửa giờ nữa khi mà nhà tôi đã bắt đầu sốt ruột nghĩ đến chuyện đi vào làng tìm bố thì có tiếng mở cửa sắt. Ông Thực bước vào vườn cây. Người ông cao, ông bận quần đùi, áo dài tay bỏ ngoài quần, đầu đội mũ lưỡi trai, một chùm râu bạc dưới cằm. Nhà tôi chạy ra đón ông. Tôi vội đưa cao máy ảnh. Qua song cửa sổ, dưới bóng xanh cây ổi, ống kính thu hình hai bố con - sau 42 năm xa cách - lặng lẽ ôm nhau. 

"Thái Vân nó ốm hả con?" "Vâng, nhà con mệt nằm nghỉ ở khách sạn. Chúng con vừa đi du ngoạn Trung Quốc. Từ Hồng Kông thay vì trở về Mỹ chúng con bay về Hà Nội ở thêm một tuần. Sáng nay nhà con kêu mệt nhưng cứ đòi con đưa bố đi dạo hồ". Chúng tôi bước lên bực đá vào trong đền. Ngay phía trước đền một đám đông du khách đứng tụ quanh một hộp kính dầy có trưng một con rùa đen bóng cực lớn. Mặt kính loé sáng lên từng chập dưới ánh flash từ những chiếc máy ảnh của du khách ngoại quốc. Tôi nghe hướng dẫn viên du lịch giải thích bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp về lịch sử của con rùa và giải thích vì sao hồ này được gọi là Hồ Gươm (Sword Lake). Chúng tôi tham quan đền một lát rồi trở ra. Trông bố Thực đã có vẻ mệt. Chúng tôi ngồi nghỉ trên một bệ đá trước đền, dưới bóng cây mát. Dọc theo bệ đá những cây sứ trồng trong chậu sành trổ hoa trắng. Dưới một cây sứ trên sàn đá hai người đàn ông ngồi bó gối trước một bàn cờ tướng. Tôi móc trong túi bao thuốc lá Marlboro đưa mời bố Thực: "Ở phi trường Hồng Kông chờ chuyển máy bay Thái Vân có mua tặng bố một bịch thuốc lá Mỹ. Lần trước về chúng con biết bố hút thuốc. Nhà con dặn là nếu bố đã bỏ thuốc rồi thì bịch thuốc sẽ dùng để biếu người khác. Sáng nay con không thấy bố hút nên không biết là bố đã bỏ thuốc lá chưa?" Bố Thực đón điếu thuốc với cả hai bàn tay run run. Gương mặt ông tươi hẳn lên. Tôi đánh que diêm. Ông bặm điếu thuốc, thở khói, thẫn thờ một lát, rồi ngửng lên nhìn tôi. Lần đầu tiên từ sáng hôm nay tôi mới thấy ánh mắt ông loé được một tia vui. Đúng lúc ấy ông lặp lại câu ông đã nói: 

"Thái Vân nó nói là ông Nguyễn Gia Trí có nhắc đến bố..." 

"Vâng, ngay trong ngày cưới của chúng con... Bố là học trò của ông Trí?" 

"Lâu lắm rồi con ạ. Từ những năm đầu thập niên 40, cái thời trường còn là l’École des Beaux-Arts l’Indochine. Bố chỉ phục có có hai hoạ sĩ là ông Nguyễn Gia Trí và ông Tô Ngọc Vân. Thế ông Trí sau này ra sao?" 

Tôi biết bác Trí từ ngày tôi còn bé, từ những năm đầu của thập niên 50 ở Sài Gòn trước hiệp định Genève chia đôi đất nước. Bác Trí thường lại thăm cha tôi. Hồi đó bố con tôi còn ở nhờ nhà bác Nguyễn Tường Thuỵ, căn nhà mang số 12P đường Chasseloup-Laubat Sài Gòn. Bác giúp cha tôi trình bày mẫu bìa các cuốn truyện của Tự Lực Văn Đoàn qua nghệ thuật cắt và dán giấy màu của bác (tôi còn giữ được một số mẫu bìa này cho đến tận ngày nay). Chúng tôi - những người con của bác Thuỵ và tôi - biết bác nhưng không thân vì bác có vẻ nghiêm không thích đùa với trẻ con. Nhưng có một lần chúng tôi nhớ mãi. Đó là một ngày bác Trí và cha tôi tổ chức một cuộc thi vẽ cho bọn nhóc tì chúng tôi. Bác Thuỵ tôi có rất nhiều con nên đám hoạ sĩ thiếu nhi tham dự cũng khá đông. Tôi nhớ hôm đó tôi vẽ rất là hồ hởi. Tôi thè cả lưỡi ra để tô màu, thế mà bác Trí loại bức của tôi ở ngay vòng đầu có tức không chứ! Bác chấm tranh của anh Nguyễn Tường Vũ tôi nhất (sau này anh Vũ được cha tôi mời vẽ trong báo nguyệt san Văn Hoá Ngày Nay). Mãi sau này tôi mới được cha tôi giải thích là bác Trí chỉ nhìn thoáng cái nét vẽ nó mạnh tay hay không mà cho điểm, không cần biết đến cái công tô màu công phu của tôi. Nét vẽ của tôi rụt rè và chân phương quá tôi không có triển vọng trở thành hoạ sĩ khá được. Sau này lớn hơn tôi ít gặp bác. Mấy năm tôi ở Đà Lạt với cha tôi, tôi cũng không thấy bác Trí lại chơi. Rồi cái chết của cha tôi năm 1963. Chính bác Trí là người đã vẽ kiểu và kiến trúc ngôi mộ cha tôi xây ở nghĩa trang chùa Giác Minh Gò Vấp. Mộ có cái bia phía trên cong lên bốn phía như một mái chùa. Bác Trí cũng là người đã phóng vẽ một bức tranh cực lớn (phác lại bức chân dung Nhất Linh mà bác đã vẽ 12 năm trước) dùng trong lễ truy điệu cha tôi ở vườn Tao Đàn đầu năm 1964. Mười năm sau ngày bố tôi mất, năm 1973, lần đầu tiên tôi đến nhà bác trong một cái ngõ cụt rất yên tĩnh ở đường Công Lý. Cũng là lần đầu tôi nói chuyện với bác trong tư thế một người đã trưởng thành. Tôi nhờ bác vẽ bìa cho cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của cha tôi sắp xuất bản. Cố nhiên là bác sốt sắng nhận lời. Ngay từ năm 1949 ở Hương Cảng bác đã ở bên cạnh cha tôi chứng kiến những ngày cha tôi miệt mài ngồi viết bản thảo cuốn truyện này trong căn nhà hang đá ở trên núi Sường Châu. Mẫu bìa là một bức vẽ cô Mùi bên cạnh chiếc cầu gỗ dưới bóng cây đa. Hôm đó lần đầu tôi thấy mặt cả bác Trí gái. Bác gái trẻ hơn bác trai rất nhiều và có một khuôn mặt thanh tú. Bác gái nhai trầu bỏm bẻm. Tôi lấy làm lạ vì ở trong Nam tôi không thấy ai còn trẻ như bác mà lại ăn trầu. Tôi cũng đi thăm phòng tranh sơn mài của bác trai. Trong lúc thăm phòng tranh bác Trí chỉ vào một bức sơn mài bác vừa vẽ xong, hỏi tôi: "Cháu thử nhìn bức này và nói cho bác biết nó gây cho cháu ấn tượng gì?" Đó là bức vẽ một cây đa đứng trơ trụi trên cánh đồng dưới bầu trời một màu xám xịt. Tôi trả lời bác: "Nó cho cháu ấn tượng một sự chờ đợi. Như thể một cái gì sắp sửa xẩy đến". "Cháu nghĩ đúng. Cái gì sắp sửa đến là một cơn giông. Bức tranh rất tĩnh nhưng nó báo hiệu một cái rất động". 

Kể xong những gì tôi nhớ được về bác Trí, tôi nói với bố Thực: "Lần xem tranh đó cũng là lần cuối cùng con gặp bác Trí. Năm 1993 bác mất, báo chí Việt ngữ ở nước ngoài có đăng tin, nên con mới biết". Rồi tôi tiếp theo: "Bố chắc là phải biết hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường? Ở bên đó con có quen thân với các con của bác Cát Tường. Một người con trai của bác là anh Nguyễn Tất Đạt có kể cho con biết một số giai thoại lý thú về hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí". Trong lúc tôi nói, ông Thực đứng lên làm mấy cử động thư giãn gân cốt rồi ông lại ngồi xuống bệ đá, hai bàn tay ông nắm chặt đập đập nhẹ nhẹ vào hai đầu gối. Tôi móc ra bao thuốc trong túi, kéo một điếu thứ hai lòi ra khỏi bao rồi đưa mời ông. Bố Thực xua tay. Tôi nhét nguyên bao thuốc Marlboro và hộp diêm vào túi áo trên của ông: "Phải đấy! Bố cũng không nên hút nhiều. Một ngày bố chỉ nên hút đúng hai điếu thôi". Bố Thực nhìn xa về phía Tràng Tiền. Bên kia hồ cuối tầm nước xanh thoáng qua hàng cây là những đốm nhấp nháy của đoàn xe cộ nối đuôi bò như một đàn kiến. Ánh nắng phản chiếu trên kính của đoàn xe ở tít xa lóe lên những chấm sáng li ti. Tiếng ông Thực bên tai tôi: "Giai thoại gì? Kể cho bố nghe đi..." 

Tôi kể cho bố Thực rằng qua anh Đạt tôi biết hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí là một người con rất có hiếu. Cho đến năm 47 tuổi hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn còn sống độc thân. Trước khi thân mẫu ông Trí qua đời, cụ có ngỏ với bà hoạ sĩ Cát Tường mong ước được thấy ông Trí lập gia đình trước khi cụ nhắm mắt. Niềm mong ước này của cụ đã được toại nguyện. Bà Cát Tường giới thiệu người em họ của mình tên là Nguyễn Thị Kim với ông Trí và hôn lễ sau đó diễn ra nhanh chóng. Bà Kim trẻ hơn ông Trí những 20 tuổi. Hai vợ chồng ông Trí ở với nhau không có con. Sau này ông bà có một người con trai, đó là con nuôi, tên là Nguyễn Gia Tuệ. Vào khoảng những năm cuối thập niên 50, ông Nguyễn Gia Trí có vẽ nhiều bức tranh sơn mài thật lớn theo đơn đặt hàng của Phủ Tổng Thống. Những bức tranh này được trang trí trên tường trong phòng khánh tiết của Phủ. Một số tranh sau này được trưng ở Thư viện Quốc gia đường Gia Long. Tất cả những bức tranh đó ngày nay trở thành quốc bảo. Anh Đạt cho tôi biết theo lời kể của người cô của anh là bà Kim thì trước đó ông Trí có nhận được giấy của tổng thống Ngô Đình Diệm mời vào dinh nói chuyện. Sáng hôm đó ông Nguyễn Gia Trí đạp xe đạp đến dinh Độc Lập. Đến đường Gia Long, ngay sát cổng hông của dinh, ông dựng chiếc xe đạp dưới gốc cây me. Một người lính gác xua tay đuổi ông đi. Hoạ sĩ liền móc trong túi ra và đưa tấm giấy mời của tổng thống. Nhân viên kiểm soát nhìn đi nhìn lại tấm giấy mời, lại nhìn người khách kỳ lạ ăn bận complete đeo cà vạt đàng hoàng mà cưỡi xe đạp, rồi nhấc điện thoại gọi vào trong dinh để xin xác nhận. Văn phòng Đổng lý cử nhân viên ra cổng đón ông Trí vào. Đi bộ được một đoạn, sực nhớ ra cái xe đạp, ông Trí sợ mất xe, đòi mang xe cất vào phía trong. Nhân viên ấy nói xe cứ để đấy không ai lấy đâu mà sợ. Hoạ sĩ đáp lại: "Cái xe đạp ấy tôi quí lắm. Nếu ông không cho tôi mang xe đạp vào cất bên trong thì tôi đi về". Nói xong ông Trí quay trở ra thật. Người ấy vội vàng đi theo ông trở ra sai người lính mang xe đạp của ông Trí cất tận phía trong cổng. Trong cuộc gặp gỡ ấy hoạ sĩ Trí yêu cầu tổng thống Diệm ứng trước cho ông một ngân khoản để hoạ sĩ thực hiện hai chuyến bay: bay ra Huế chụp bức ảnh chùa Thiên Mụ và bay đi Nhật Bản để mua vật liệu vẽ. Sau chuyến đi Nhật Bản về xưởng vẽ của ông ở tư gia đường Công Lý được tân trang". Kể xong chuyện đó tôi ngừng lại một lát rồi kể tiếp cho bố Thực nghe một giai thoại khác. Năm 1959, một bữa bà cố vấn Ngô Đình Nhu đi xe có lính hộ tống ghé xưởng tranh của hoạ sĩ Trí. Bà muốn thửa cho riêng bà một bức sơn mài có vẽ năm cô thiếu nữ trong vườn. Ông Trí nhận lời vẽ và hẹn bốn tháng sau bà trở lại lấy tranh. Trước khi về bà Nhu hỏi về giá cả. Ông Trí nói: "Tôi chỉ nói chuyện nghệ thuật. Chuyện tiền xong xin bà sang phòng bên nói chuyện với nhà tôi". Bà Nhu sang phòng bên cạnh gặp bà Kim và được trả lời thẳng thừng: "Cứ tính theo mét vuông mà thành tiền. Thưa bà, tôi tính mỗi mét vuông một triệu đồng". Mấy tháng sau, tuy chưa đến ngày hẹn lấy, có lẽ nóng ruột muốn xem trước bức tranh, một bữa bà Nhu bất thần ghé phòng tranh. Ông Trí hướng dẫn bà đến chỗ bức vẽ 5 cô thiếu nữ. Bà Nhu ngắm bức tranh vẽ dang dở, đề nghị sửa đổi cánh tay của một thiếu nữ, thay vì cánh tay đưa lên thì bà muốn nó hạ xuống, đại khái thế. Hoạ sĩ chắc trong bụng rất bực, nhưng ông chỉ nhẹ nhàng nói mỉa: "Nếu bà không thích bức này thì tôi sẽ để cho người khác. Tôi khuyên bà nên đến xưởng tranh sơn mài Thành Lễ ở Thủ Dầu Một. Họ sẽ vẽ đúng theo ý của bà". Bà Nhu nín thinh ra về. Đến cửa nghĩ sao bà trở lại hỏi bức tranh đó bao giờ mới vẽ xong. Ông Trí nói khi nào xong ông sẽ báo cho bà biết. 

Có tiếng đập mạnh con cờ xuống sàn đá rồi tiếng cười ha hả. Bên cạnh chúng tôi bàn cờ tướng lúc này đã có thêm mấy người đứng xem. Người đàn ông chơi cờ đứng dậy vươn vai. Người ngồi bó gối ngửng đầu nói to như phân bua với mọi người: "Chơi thế chó nào được nữa! Còn độc có một con ngựa già này..." Bố Thực cũng đứng dậy vươn vai. Chúng tôi chầm chậm đi về phía cầu Thê Húc. Vừa đi tôi vừa nói với bố Thực: "Bố chắc phải là một người học trò đặc biệt của bác Trí nên 30 năm sau mà bác còn nhớ tên. Bố có nhớ không? Mấy năm trước bố có gửi chúng con một bức hí hoạ của bố, bố vẽ ông tổng thống Bush và ứng cử viên Clinton trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ năm 1992. Xem bức vẽ chúng con phục bố quá! Bố ngồi tít ở làng Hoàng Mai mà sao bố biết được chuyện bên Mỹ còn rõ hơn là chúng con ở bên đó!" "Bố ngồi buồn thì cũng vẽ vớ vẩn cho đỡ buồn thôi... Cái thời bố mê vẽ nó xa lắm rồi con ạ..." Ông Thực ngừng lại. Óc tôi lại trở về làng Hoàng Mai. Bố Thực buông nhà tôi ra, cầm lấy bàn tay con gái, cái bàn tay mà lần cuối cùng ông cầm còn bé xíu, bàn tay của một con bé ba tuổi. Hai người bước lên bậc tam cấp vào gian phòng bên cạnh. Tôi cầm máy ảnh sang phòng bên chào ông bố vợ. Ông ôm lấy tôi. Rồi ông ẩy tôi ra ưỡn người về phía sau ngắm tôi, nói trông tôi béo hơn là trong bức ảnh chúng tôi gửi ông mấy năm trước. Lát sau, trong lúc bố Thực và nhà tôi nói chuyện tôi đưa mắt nhìn khắp cái thế giới bé nhỏ nơi ông đã sống. Căn phòng hẹp và hơi tối, nền đất, tường không quét vôi, nom còn rõ nguyên từng viên gạch. Một cái giường gỗ thấp ở mé phải rải chiếu. Bên trái sát tường kê một tủ kính cũ kỹ, trong tủ là tạp chí, sách báo, sách ta, sách tây, sách tiếng Pháp tiếng Anh... Tôi hiểu ra là từ căn phòng bé tí ấy, chỉ qua sách báo, ông Thực đã phóng tầm mắt nhìn hết cả thế giới bên ngoài. Tôi cũng sực nhớ tới lời than phiền của người cháu ông là trong bao nhiêu năm tiền chúng tôi gửi về để giúp ông, ông chỉ tiêu vào mỗi một việc là mua sách. 

"Hồi đó bố hay rủ chú Kỳ về làng Hoàng Mai để vẽ cảnh..." Bố Thực tiếp tục. "Hồi đó chú Kỳ là bạn vẽ của bố cùng học trường Mỹ thuật. Chú Kỳ là con của ông Nguyễn Văn Vĩnh và là anh của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Chú để tâm đến vẽ cảnh thì ít mà để ý đến cô em gái của bố thì nhiều. Bây giờ chú Kỳ là em rể bố." Tôi nói: "Thỉnh thoảng con vẫn nghe mẹ nhắc đến chuyện ấy... Hoá ra nhà con có liên hệ với ông Nguyễn Văn Vĩnh. Ba con ở dưới suối vàng mà biết được chuyện này chắc ông cười lắm... ờ... mà con nghe nói cô Chung vợ chú Kỳ ngày xưa đẹp lắm phải không. Chả thế mà mẹ vẫn bảo cô Chung giống y như là nữ minh tinh màn bạc Dorothy Lamour. Còn mẹ con nữa. Ngày xưa cũng đẹp lắm. Mà sao bố lại quen được mẹ con nhỉ?" "Bố gặp mẹ trong một ban kịch của thanh niên... Ngày ấy..." 

Bố Thực tự nhiên bỏ lửng câu nói. Tôi chờ đợi ông nói tiếp nhưng ông chỉ im lặng. Lát sau ông đứng dừng lại, một tay ông vịn vào một nhánh cây thấp ở gần, tay kia ông đưa lên chặn ngực. Thốt nhiên tôi cảm nhận được nỗi đớn đau trong tim ông như thể câu ông vừa thốt ra đã đụng đến một vết thương cũ không bao giờ lành. Đưa tay chặn ngực vô tình bàn tay ông Thực đụng bao thuốc lá ở túi áo trên. Sực nhớ ra, tay ông lẩy bẩy móc ra cái bao và đánh mãi que diêm mới châm được điếu thuốc. Thở khói, ông Thực nhìn về phía cuối hồ nơi chân trời xa của riêng ông... Có lẽ ông nhớ đến người vợ đã sống với ông một thời xa xưa nào đó, thời mà vợ ông còn trẻ và đẹp nổi tiếng làng Quỳnh Lôi. Mùa thu Hà Nội đầu tiên của một đất nước thống nhất, với tuổi đời đã gần sáu mươi, ông Thực đã gửi vào Nam cho bà những dòng tha thiết sau đây: Từ cái đỉnh cao của tuổi tác, anh nhìn suốt chân trời xa của dĩ vãng... vẫn cái nhìn tha thiết của anh xưa mong em... qua sương mờ của thời gian... cái nhìn xứ Bắc gọi em... cái nhìn xứ Bắc chờ em... (22 tháng 8 năm 1975). Về hướng ấy... tôi cũng đưa mắt nhìn theo. 

Cuối tầm mắt tôi là khung cảnh của một con hồ khác của Hà Nội. Khung cảnh của một buổi chiều mấy năm về trước, hình như nó xẩy ra ngay sau cái hôm mà lần đầu tiên nhà tôi gặp lại bố Thực ở làng Hoàng Mai. Tôi nắm tay Thái Vân bước qua cầu vào toà bát giác nằm trên một hòn đảo nhỏ chính giữa hồ Bảy Mẫu. Đang đi dạo nhà tôi bỗng rụt tay về, chậm bước lại. Nàng nói với tôi: "Em phải sống xa bố từ bé... Có những lúc em thấy buồn vì mình không có bố. Nay gặp bố em lại càng buồn hơn nhưng lần này em buồn vì thấy bố trong bao nhiêu năm sống đơn độc thui thủi một mình. Có lẽ trong bất cứ một mối liên hệ tình cảm nào, sự chia cách đều tạo nên đau buồn mất mát cho cả hai phía..."Tôi biết cái đau buồn đó nó ám ảnh nhà tôi rất nhiều. Hơn hai mươi năm trước nhà tôi bồng bế con ra đi không có tôi bên cạnh. Sau này gặp lại nhau trên đất Mỹ nhà tôi kể lại rằng sau khi nghe máy phóng thanh loan tin nước mất, nàng phải rời trại Anderson của đảo Guam để đi Mỹ. Trên xe buýt ra phi trường, nhà tôi nhìn thằng Thao ngủ trên xe, lại nghĩ đến đứa bé còn trong bụng, nàng sực nhớ ra và bật lên khóc". ... em đang đi lại đúng hệt con đường của mẹ đã đi hai mươi mốt năm trước. Mới chỉ từ Bắc vào Nam mà đã hơn hai mươi năm biệt tăm tích, huống hồ nước Mỹ xa xôi thế kia biết đến ngày nào mới gặp lại anh. Rồi ở một nơi xa lạ nào đó thằng Thao và con Thi sẽ phải sống lại cuộc đời thuở bé của em..." 

Chiều hôm đó chúng tôi không định bụng đi chơi hồ Bảy Mẫu. Tôi cứ nằng nặc đòi đưa nhà tôi xem hồ Thiền Quang. Khi chiếc xích lô đi trên phố Huế ngang qua một rạp hát mang tên Rạp tháng 8 tôi bấm vào vai nhà tôi: "Này em! Hồi bé anh hay đạp xe đến phố Huế xem xi-nê ở cái rạp hát này này, hồi đó là rạp Majestic. Mỗi lần đạp xe qua một ngã tư anh nhìn suốt qua một con đường lớn cắt ngang thấy ở cuối đường có một khu cây cối rất um tùm mà anh biết sau đó là hồ Halais, nhưng không bao giờ anh rẽ vào con đường đó. Rời Hà Nội vào Nam từ năm 1951 cho đến nay đã gần năm mươi năm hồ Halais vẫn mãi trong tâm tưởng anh là một cái hồ kỳ bí ở sau một lùm cây. Sáng nay từ khách sạn anh hỏi cái chú xích lô này đạp đến hồ Halais chú ta nói là không hề nghe nói tới cái hồ này bao giờ. Sau anh phải vào trong khách sạn hỏi mới vỡ lẽ đó là hồ Thiền Quang". Nhà tôi cười bảo tôi: "Anh nói toàn những chuyện xưa như chuyện cổ tích ai mà biết được! Cái thời anh kể là cái thời em chưa sinh ra đời nữa cơ mà... Nhưng... muốn đẹp mãi anh đừng đến xem hồ Ha-le nữa. Anh bảo chú xích lô đưa mình đi thăm chỗ khác đi... Cũng như là bố Thực không bao giờ gặp lại mẹ em và vẫn giữ mãi một hình ảnh đẹp..." Quá muộn rồi chú xích lô đã hãm xe trước hồ. Halais trong tâm tưởng tôi trông quả có trông tầm thường hơn. Nó bé nhỏ và ít thơ mộng tuy chung quanh hồ vẫn trùm lên bóng cây lớn. Phía mé hồ trên một cù lao nhỏ là một nhà hàng hay là một câu lạc bộ. Chung quanh cù lao là những chiếc xe đạp nước cho thuê, màu sắc xanh đỏ sặc sỡ. Từ trong nhà hàng vọng ra tiếng trống thình thình của một ban chơi nhạc thời trang. Bây giờ cái hồ Thiền Quang đã bị thương mại hoá, trở thành trung tâm ăn chơi của giới trẻ Hà Nội. Trong lúc chúng tôi vẫn còn ngồi trên xe, chú xích lô nói: "Cái hồ này nhỏ lắm. Không có gì đáng xem đâu cô chú. Để cháu chở cô chú sang bên kia đường. Bên kia sau cái công viên là hồ Bẩy Mẫu. Hồ ấy to và đẹp hơn nhiều". Xe vòng một cái bồn nước ở ngã tư qua bên kia đường Trần Nhân Tông rồi dừng trước một công viên lớn mang tên công viên Lênin. Chúng tôi đi bộ theo một con đường rộng có nhiều bực đá vào trong công viên. Cuối vườn hoa là một cái hồ thật rộng, có lẽ còn to hơn cả hồ Hoàn Kiếm. Giữa hồ là hai cái đảo nhỏ có cầu bắc sang. Hồ có một vẻ đẹp thoảng khoát và yên tĩnh. Tôi không nghe thấy tiếng động của xe cộ và tiếng còi xe nhiều như ở Hồ Gươm. Ngạc nhiên tôi ngắm hồ Bảy Mẫu. Trong ký ức tôi không có tên cái hồ này. Rời Hà Nội từ thời hồi còn bé tôi chỉ mang theo tên gọi của Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm và hồ Halais. Bây giờ tôi mới biết là Hà Nội có nhiều hồ đẹp hơn là tôi tưởng. 

Tôi nắm lấy tay nhà tôi. Chúng tôi đứng tựa lan can của toà bát giác nhìn mùa thu lá vàng một nửa hàng cây thấp ven hồ. Trên mé đảo bên bờ nước một người đàn ông và một đứa bé đang câu cá. Trông như hai bố con. Người đàn ông ngồi trên ghế xếp dưới một gốc liễu, cầm hờ hững cái cần tre, chiếc mũ rộng vành chụp trên đầu hơi cúi xuống, nom như một người đang ngủ gục. Dưới chân ông ta thằng bé con lom khom kéo sợi dây câu cuốn giây từng vòng từng vòng quanh một cái lon sữa bò. Tôi nói với nhà tôi: "Anh nhớ có lần lâu rồi em cứ phân vân tự hỏi vì sao năm 1954 bố Thực đã chọn ở lại. Chính anh cũng đã nhiều lần tự hỏi thế. Bây giờ lớn tuổi anh nghĩ là anh hiểu bố hơn... Anh cho là đàn ông có những thứ mà đàn bà không hiểu được và ngược lại cũng thế... Sự khác biệt nó nằm ở ngay trong bản chất. Đàn bà trời sinh ra có nhiệm vụ sinh con đẻ cái nên trời cũng phú một thiên tính riêng mà người đàn ông không có được. Do thiên tính ấy mà lẽ sống của phần lớn những người đàn bà là gia đình là con cái. Đàn ông cố nhiên cũng coi gia đình là rất hệ trọng, nhưng trong thâm tâm, có thể không phải là lẽ sống của họ. Khi mẹ quyết định lên chiếc tàu há mồm di cư vào Nam và khi em quyết định lên máy bay Mỹ không có anh bên cạnh, anh nghĩ rằng cả hai người đều được hướng dẫn bởi một thiên tính hay một trực giác mà chính mẹ em và em không tự biết. Cái trực giác ấy nó cho mẹ em và em biết là bằng mọi giá phải rời bỏ cái chế độ ấy, cái chế độ mà nếu ở lại sẽ không có một chỗ đứng nào cho tương lai của con cái..." Tôi dừng lại. Rồi tôi ngạc nhiên thấy mình nói thêm được một điều thầm kín mà trước đây tôi không tâm sự với ai, ngay cả người bạn đời của mình. Tôi nói với nhà tôi nếu hồi đó nhà tôi không quyết chí đi thì hầu như chắc chắn cả hai người đều kẹt lại rồi. Điều mà nhà tôi không biết là ở sâu trong tôi chuyến ra đi năm bẩy lăm ấy là một điều buồn tủi không đáng được nhắc đến. Cái buồn tủi phải sống xa quê hương, phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, như ở tôi, như ở bố Thực, như ở rất nhiều người khác, là cái ý niệm về quê hương đất nước. Cái ý niệm đó có thể là rất mơ hồ đối với nhiều người nhưng cũng có thể là lẽ sống của nhiều người khác, trong đó có cha tôi với tấm lòng tha thiết yêu nước thương nòi của ông. Tôi nói với nhà tôi: "Tuy không hẳn như trường hợp em nhưng chính anh cũng là người phải chịu cảnh sống thiếu vắng cha. Cho mãi đến năm anh mười tuổi anh mới được thấy rõ khuôn mặt của ba anh. Cả cuộc đời bôn ba lo việc nước của ba là những năm tháng ông sống xa cách gia đình... " 

Tôi nhìn ra phía hồ. Lúc này người đàn ông đã bỏ chiếc ghế ngồi ra đứng cạnh thằng bé. Hai bố con lúi cúi gỡ dây câu vướng mắc dưới đáy hồ. Chúng tôi yên lặng dắt tay nhau ra khỏi đảo đi trên con đường vòng hồ. Một đám thiếu niên đi trên đường nói cười ròn rã. Tiếng nhà tôi bên tai: "Những đứa trẻ này làm em nhớ tới mấy đứa cháu của em ở làng Hoàng Mai cũng vào trạc tuổi thằng Thao con Thi nhà mình... Sao cuộc đời của chúng nó và con mình khác nhau quá anh nhỉ... Lắm lúc em nghĩ nếu hơn bốn mươi năm trước bố mẹ em cùng ở lại Hà Nội thì cuộc đời em bây giờ ra sao? Chắc chắn là sẽ khác hẳn..." "Em sẽ không gặp anh" "Đúng! Nhưng chưa chắc đã là bất hạnh... điều mà em cho là bất hạnh nhất có lẽ em phải sống một cuộc đời như bố, như các anh em họ của em, một cuộc đời mà không có được sự lựa chọn, không như cuộc đời chúng mình và con cái đang được hưởng". Đi ngược chúng tôi là một thằng bé cỡ chừng mười tuổi. Nó vừa nhìn tôi vừa cười tủm tỉm. Hơi lạ vì cái cười đó, lúc thằng bé đi ngang qua vai, tôi quay đầu lại nhìn nó, thì nó cũng vừa quay đầu lại nhìn tôi, nó nhíu con mắt nháy tôi một cái, ra chừng như muốn nói: "Ông ơi! Tôi biết hết rồi..." Tôi sực nhớ ra là ở Hà Nội không thể có cái cảnh vợ chồng đi dạo hồ nắm tay nhau và tôi đọc ngay được ý nghĩ của nó: "Tôi bắt quả tang ông rồi nhé! Ông già này dám trốn vợ ra đây tình tự với bồ nhí". Ở một khúc quanh hai người bước qua thanh ray của một khúc con đường tàu điện cũ. Con đường tàu nhỏ nhắn kia đã một thời dóng lên tiếng leng keng rộn rã trong tuổi thơ của tôi nay không còn nữa. Đường sắt đã bị tháo gỡ hết, chừa vài khúc ngắn trong khuôn viên hồ Bảy Mẫu như muốn lưu lại một chút gì của Hà Nội ngày xưa. Vài chiếc lá khô chạy lăn dọc theo đường tàu... theo đó chúng tôi đi về cánh cổng đường Lê Duẩn. 

Ra khỏi hồ Bảy Mẫu óc tôi vụt trở về Hồ Gươm. Bố Thực và tôi vừa ra khỏi đền Ngọc Sơn bước lên đầu cầu Thê Húc. Người thợ chụp ảnh ban sáng giơ cao một cánh tay đưa máy hình về phía chúng tôi nhưng mắt ông ta lướt trên đầu tôi để về hướng một cặp người ngoại quốc vừa từ phía sau chúng tôi vượt lên trên. Bố Thực đứng dừng lại nghỉ, tay ông vịn vào thành cầu. Tôi nhìn ông. Tự nhiên óc tôi loé lên hình ảnh một hôm nào ông cũng đứng dừng lại trên cầu thang, tay ông cũng vịn vào lan can của chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ. Ông đứng giữa hai người. Thái Vân đi lên trước vừa bước vào căn gác gỗ ọp ẹp của nhà hàng ăn chả cá Lã Vọng. Bố Thực giơ tay kia lên chặn ngực quay nói với tôi đứng ở ngay sát sau lưng ông chỉ cách một bực thang: "Giời ơi!" Ông Thực kêu lên "Cái cầu thang này! Lần sau cùng bố bước lên cái cầu thang này thế mà đã sáu mươi năm!" Tôi lạnh cả người nghe ông Thực nói. Khung cảnh ấy là một buổi chiều chúng tôi mời ông đi ăn tại một nhà hàng chả cá nổi tiếng của Hà Nội. 

Bố Thực nghỉ một lát trên cầu Thê Húc rồi chúng tôi tiếp tục bước đi trên đường trở về nhà. Lúc đi ngang qua chỗ cô gái bán vé vào đền Ngọc Sơn bố Thực bỗng quay sang tôi nói: 

"Thái Vân nó nói ông Nguyễn Gia Trí có nhắc đến bố?" 

"Vâng, ngay trong..." 

Tôi ngừng bặt. Tôi đưa mắt nhìn ông Thực. Mắt ông lơ đãng nhìn về phương trời xa... đôi môi ông mấp máy rung rung nhè nhẹ. Tôi chắc là ông Thực không biết là ông đã lặp lại câu này đến lần thứ ba. Lần này giọng nói của ông cất cao ở sau chữ "bố" như một dấu hỏi khiến tôi sực nghĩ ra là ông bố vợ gần 80 tuổi của tôi đã bắt đầu lẫn rồi.
° ° °
"Bố gặp mẹ trong một ban kịch của thanh niên... Ngày ấy..." Cho đến hết buổi đi chơi ông Thực không một lần trở lại câu chuyện tôi hỏi ông ở trong đền Ngọc Sơn. Câu trả lời ngắn ngủi của ông chỉ như một lời buột miệng ông lỡ thốt ra. Ngày ấy... vẫn và sẽ mãi mãi chỉ còn trong trí tưởng của tôi. Ngày ấy... đã mang theo ông sang bên kia thế giới. 

Đúng một nửa thế kỷ trước, năm 1954, ông Nguyễn Xuân Thực đã chọn ở lại làng Hoàng Mai. Ông nhìn người vợ và bốn người con thơ đi Hải Phòng xuống con tàu há mồm của hải quân Mỹ theo đoàn người lũ lượt vào Nam. Gần năm mươi năm sau, năm 2003, đến lượt chúng tôi nhìn ông ra đi... lần này không một ai biết ông đi về đâu. 

Trong một căn nhà ở Little Saigon, miền nam của bang California đất Mỹ, bà Nguyễn Xuân Thực nay già yếu và cũng đã bắt đầu lẫn. Lâu lâu sực nhớ ra bà hỏi con cái tin tức về người chồng cũ. Lần nào bà cũng nhận được cùng một câu trả lời: "Bố vẫn thế!" Con cái không một ai dám cho bà biết là bố Thực đã qua đời. 
Mùa thu miền Tây Bắc, 2004


Bà Cẩm Lợi
>Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi. Mẹ tôi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Tôi nằm ngửa bên cạnh bà, hai tay cầm giơ trước mặt cuốn truyện Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Đọc đến đoạn cảnh mẹ chồng ác nghiệt với con dâu, tôi nhỏm dậy hỏi mẹ tôi: "Mợ này, mợ có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu như cậu tả trong truyện không?". Mẹ tôi ngửng lên nhìn tôi nói: "Đấy là cậu viết tiểu thuyết... Bà nội con có khó tính thật nhưng đâu đến nỗi khắc nghiệt thế...". Rồi mẹ tôi tiếp tục nhặt cau. Lát sau, khi tôi đang đọc tiếp cuốn truyện thì có tiếng bà bên tai: "Khi bà nội con có chuyện gì không bằng lòng thì bà đổi cách gọi. Thường thì bà kêu mợ là bà Tam. Bà Tam ơi! Ra tôi bảo cái này... Gọi thế là âu yếm đấy. Nhưng khi bà đổi giọng gọi thế này thì mợ biết ngay là sắp sửa có gì to chuyện: Này! bà Cẩm Lợi! Nghe tôi nói đây!" 

Bà Cẩm Lợi! 

Tại sao bà nội tôi lại yêu bà Tam và ghét bà Cẩm Lợi nhỉ? Bởi vì với tôi, không bao giờ mẹ tôi là bà Tam, không bao giờ mẹ tôi là bà Nhất Linh. Với tôi, mẹ tôi luôn luôn là bà Cẩm Lợi, từ ngày tôi lọt lòng mẹ tôi cho đến ngày mẹ tôi qua đời. Cuộc đời của bà gắn liền với cái tên hiệu Cẩm Lợi và cái tên hiệu này gắn liền với những hạt cau khô, mặc dù đôi lúc Cẩm Lợi còn bán cả cá mắm, cá khô, thậm chí còn là tên của một tiệm may y phục phụ nữ... 

Từ những ngày rất xa xưa ở Hà Nội ở căn nhà số 9 Hàng Bè trước khi tản cư và số 15 Hàng Bè sau khi tản cư về, tuổi thơ tôi lớn lên bên những bồ cau và mùi diêm sinh. Căn nhà rộng có nhiều phòng. Nguyên một phòng giữa chứa đầy những bồ cau, chất chồng lên nhau đến sát trần. Thuở bé chúng tôi thường chơi trò đi trốn và căn buồng đó, tối tăm và nhiều ngõ ngách giữa những bồ cau, là nơi đi trốn lý tưởng. Tôi thường trèo lên những bồ cau trên cao gần đụng trần, nằm áp mặt trên những bao tải, cảm thấy cái vải bố nháp in hằn trên má và thở cái mùi cau khô toát từ những bao bố. Mẹ tôi kinh hoảng khi khám phá ra cái trò chơi nguy hiểm này của chúng tôi: "Mấy cái bồ cau nó mà đổ xuống thì chúng bay cứ mà chết bẹp!" Mẹ tôi khi mắng chúng tôi hẳn là bà nghĩ tới cái tai nạn chết đuối đã giết chị Thanh tôi trong cái ao ở trại Cẩm Giàng. 

Thuở ấy những người đàn ông hình như trốn tiêu đâu mất cả. Tôi lớn lên như người không cha. Chả ai hỏi tôi ông Tam đâu hay ông Nhất Linh đâu? Luôn luôn người ta gõ cửa rồi thò cái đầu vào hỏi: "Có bà Cẩm Lợi ở nhà không?" Chả bao giờ tôi thấy ông nội ông ngoại, bố tôi hoặc các bác các chú. Xúm lại quanh tôi toàn những đàn bà: bà nội, bà ngoại, bà mẹ, bà vú, và một đống bà cô bà thím... Không có ông Nhất Linh, ông Hoàng Đạo, ông Thạch Lam. Chỉ có bà Cẩm Lợi, thím Long, thím Sáu... như thể một bên là tiểu thuyết, một bên là đời thường. 

Bà Cẩm Lợi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Đó là hình ảnh quen thuộc đã ăn sâu trong ký ức tôi từ ngày tấm bé. Đầu vấn khăn, chiếc áo cánh trắng, chiếc quần lĩnh đen, mẹ tôi cúi xuống chà chà cho sạch những hạt cau khô ẩm bị xanh mốc. Trên chiếc sập gụ giang sơn riêng của bà, mẹ tôi vừa nhặt cau, vừa tiếp khách hàng, vừa đôn đốc đám người làm, vừa chơi rỡn nựng nịu con cháu. Đêm đến khi căn nhà đã chìm vào yên vắng bà trải trên sập đống giấy bạc kiếm được trong ngày, đếm từng tờ và xếp buộc thành bó dầy cộm rồi cất trong chiếc két sắt trước khi bà ngủ trên sập gụ ấy. Trong túi áo cánh của bà lúc nào cũng sệ xuống một chùm chìa khoá nặng trịch. Mẹ tôi hay dùng chùm chìa khoá này làm đồ chơi cho trẻ con, bà lắc lắc chùm chìa khoá kêu rộn ràng trước mặt đứa bé cho đến khi nào nó ngoẻn miệng cười mới thôi. 

Người đàn bà già nhất sống gần tôi thuở nhỏ là bà ngoại. Bà chết lúc tôi còn bé nên tôi chả nhớ gì nhiều về bà. Hình như người bà gầy đét. Vấn khăn. Răng đen. Một bà già trầu điển hình. Kỷ niệm của tôi thời thơ ấu nếu có chừa một chỗ nhỏ cho bà thì lại là một kỷ niệm không mấy gì đẹp đẽ. Xấu hổ là đằng khác. Hồi đó tôi ngủ chung giường với bà ngoại. Trong một căn buồng trên gác của căn nhà số 15 Hàng Bè. Trước buồng là một hành lang hẹp trông ra phố. Có một đêm ăn phải cái gì mà tôi mót đi cầu quá. Nghĩ tới chuyện phải mò xuống cái cầu tiêu hôi thối ở mãi tít sau nhà dưới giữa đêm tối lại phải lần qua những bồ cau mà tôi lạnh cả người. Bước ra ngoài hành lang người đã bủn rủn. Tôi bèn nghĩ ra một cách giải quyết rất gọn là ngồi phịch xuống ở một góc làm một bãi tướng. Sáng hôm sau ngủ dậy tôi ra hành lang nhìn thì ô hay cái sàn sạch bóng! Mình có ngủ mơ không chứ? Buổi trưa ăn cơm tôi nghe hai người làm nói chuyện với nhau: "Rõ khổ! Cụ bây giờ già lẫn quá rồi... Cứ bạ đâu là ỉa đó!" Khám phá ra điều bí mật này, sau đó tôi còn làm thêm vài bãi nữa và đều bình an vô sự! 

Bà nội tôi thì trái lại có tướng võ, người cao to. Dưới mắt tôi hồi nhỏ bà nội trông như đàn ông. Gương mặt bà có đường nét không thể lẫn với ai. Đôi mày rậm, mắt sâu, sống mũi cao. Cái tướng đó mà chui vào chiếc áo tu hành tôi thấy có vẻ lệch lạc. Từ một thuở xa nhất, hồi ở Cẩm Giàng lúc tôi mới lên năm, hình ảnh và tiếng tụng kinh của bà đã thấm sâu vào tuổi thơ tôi. Bà ngồi trên sập, khoác áo nâu xồng, một tay chắp trước ngực, một tay gõ mõ. Nam mô a di đà Phật... Nam mô á di đà Phật... Nam mô ạ di đà Phật... Tiếng tụng kinh đều đều tôi nghe cứ nhỏ dần đi như tiếng kêu rỉ rả của những con ve sầu. Tôi lại có cảm tưởng như bà vừa ngủ vừa tụng, lâu lâu chợt thức, tiếng tụng bỗng to lên như tiếng ve ran. Và như một giọng ru buồn nản Nam mô a di đà Phật đã trôi vào giấc ngủ ấu thơ của tôi. 

Sau này biết rõ hơn về bà nội tôi thấy bà là người phi thường. Chồng chết khi bà mới 37 tuổi, một mình xây dựng và cai quản cả một dinh cơ Cẩm Giàng, lại nuôi bẩy con trở thành những người lỗi lạc. Một người đàn bà như thế "dễ có mấy tay" phải là người cứng rắn và độc đoán. Mẹ tôi vào làm dâu nhà bà, lại không phải đến từ một gia đình giầu có và danh vọng, chắc chắn phải chịu cảnh "mẹ chồng nàng dâu" nếu không quá quắt như bà Phán Lợi trong Đoạn tuyệt thì cũng khó sống cho yên. 

Thế mà mỗi lần có gì không vừa ý bà nội Lê Thị Sâm chỉ lôi tên bà Cẩm Lợi ra nhiếc. Mẹ tôi quả là người may mắn! Gần đây đọc cuốn hồi ký của cô Năm tôi (Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường- Nguyễn Thị Thế) đoạn viết bà nội đối xử nghiêm khắc và độc đoán với người con gái duy nhất của bà, tôi hiểu là vì sao mẹ tôi may mắn hơn cô Năm. Bà nội tôi và mẹ tôi (và có lẽ phần lớn những bà mẹ của thế hệ ấy) có một điểm giống nhau. Đó là đối xử thiên lệch với con cái: con trai bao giờ cũng được cưng chiều và nể trọng hơn. Huống hồ trong số sáu người con trai, bà nội tôi hình như lại yêu và nể bố tôi nhất. Tôi nghĩ rằng khi bà nội gọi mẹ tôi bằng cái tên thân thương "bà Tam", bà đã gửi cái trìu mến về người con trai thứ ba của bà. Cộng thêm vào đó mẹ tôi lại là một người hết sức khéo léo trong cách ăn ở. Chả thế mà trong gia đình nội ngoại chúng tôi nói đùa là mẹ tôi đã tước cái chức bộ trưởng ngoại giao của bố tôi. 

Dưới mắt tôi mẹ tôi không bao giờ là người đàn bà đẹp. Đôi lúc tôi còn thấy xấu là đằng khác. Có thể là vì khi tôi được sinh ra đời mẹ tôi đã đẻ trên mười người con. "Đẻ như thế thì còn gì là người", tôi nghĩ. Hơn thế nữa qua hình ảnh bà Cẩm Lợi mẹ tôi lúc nào trông cũng lam lũ và luộm thuộm. Một hình ảnh và một nhan sắc như thế làm sao mê hoặc được bố tôi nhỉ? Cho đến mãi gần đây chị Thoa tôi từ bên Pháp gửi tôi một tấm ảnh rất cũ, chụp tám năm trước khi tôi lọt lòng mẹ, lần đầu tiên tôi mới thấy dung nhan của bà thời trẻ. Một người đàn bà đẹp. Bức ảnh chụp năm 1932, mẹ tôi 25 tuổi. Năm ấy mẹ tôi dẫn chị Thư tôi, lúc ấy 5 tuổi, đi dự thi trẻ em đẹp và chị tôi được chấm giải nhất. Tôi nhìn đôi mắt của bà trong ảnh và chợt nhớ tới đoạn viết của nữ sĩ Anh Thơ. Đôi mắt bà chớp chớp. Tôi chợt thấy đôi mắt bà đẹp quá! Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Rồi tôi chợt thấy thương mẹ tôi quá! Một lòng thương cũng mênh mông như đôi mắt to của bà. Nông nỗi nào mà người đàn bà trong ảnh bỗng trở thành bà Cẩm Lợi tiều tuỵ như thế trong tâm trí tôi? 

Những năm tháng tôi sống ở Hà Nội phố Hàng Bè là thời gian tôi sống lêu lổng và làm buồn lòng mẹ tôi không ít. Bố tôi biến đâu mất ở bên Tàu, mẹ tôi suốt ngày đánh vật với các bồ cau, lũ chúng tôi lớn lên hoang như cây cỏ. Một bữa tôi thấy trên tủ chè có một chai nước màu đỏ đỏ, dán nhãn hiệu tiếng tây, lại có vẽ hình con mèo, tôi nhấp thử thấy nó ngọt ngọt ngon ngon, bèn rủ thằng Thái em tôi mỗi đứa nốc mấy ngụm. Mẹ tôi đi chợ về trông thấy hai đứa con của bà nằm lăn lóc, mặt đỏ tía, nói lảm nhảm thì biết ngay. Bà quát người làm lấy nước chanh cho chúng tôi uống và mắng họ là từ rầy rượu phải cất trong tủ chè khoá trái lại. 

Thuở mẫu giáo tôi ở nội trú cùng với chị Thoa tôi trong trường bà xơ phố nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội. Trường có tường cao quét vôi vàng bao quanh nom như một nhà tù. Tôi sợ nhất là nhìn các bà xơ mặc áo đen cúi mặt đi lại trên hành lang. Họ lướt yên lặng như những bóng ma. Giờ ăn cũng không được nói chuyện. Tôi phải đứng nghiêm cùng với đám học trò mặc đồng phục đọc kinh. Lạy cha chúng tôi ở trên lời... Chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng... Tuổi thơ của tôi hết nghe tiếng niệm Phật lại nghe tiếng cầu kinh. Lớn lên tôi chả biết tôn giáo nào để theo. 

Lên tiểu học chị Thoa sang học trường Thanh Quan còn tôi học trường Hàng Vôi. Nhưng tôi thường trốn học đi xem xi nê tặc-dzăng ở rạp Lửa Hồng hoặc giao du với đám trẻ mất dậy ở ngõ Phát Lộc. Cầm đầu bọn quỷ sứ thời ấy là tay Đỗ Bá Viễn. Hắn hơn tôi mấy tuổi, lõi đời. Hắn bầy cách cho tôi lấy cắp tiền của mẹ tôi. Cách ấy thật là thần sầu. Chả là tôi cứ bị ám ảnh bởi cái túi áo cánh lúc nào cũng sệ xuống của mẹ tôi, trong đó là chùm chìa khoá. Trong chùm ấy cái chìa to nhất, không phải là chìa bẹt mà là chìa ống có khía ở đầu, dùng để mở cái két to tướng và nặng nề. Thằng Viễn bảo tôi phải đánh cắp cái chìa khoá ấy. Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng ôm chìa khoá trong người ngay cả lúc bà ngủ. Thằng Viễn chờ mãi thấy tôi không lấy được chìa khoá nó bèn nghĩ cách khác. Nó cầu cứu thằng Đồng con ông thợ khoá ở phố Hàng Mắm. Thằng Đồng đưa tôi một miếng gì dẻo dẻo trông như ruột bánh mì, bảo tôi đút vào lỗ khoá, chờ cho khô thì rút ra. Rồi nó đem cái khuôn bánh mì ấy về cho bố nó đúc thành chìa. Mở được két tôi hoa cả mắt lên vì trong két nhiều tiền quá. Tôi vớ đại một bó. Mấy hôm sau tôi kinh hoảng thấy mẹ tôi la lối tra khảo người làm đã lấy cắp tiền của bà. Mẹ tôi cho là mình mất tiền trong lúc đếm bạc chứ không nghĩ là ai có thể mở được cái két chắc chắn kia. Tôi tiết lộ với Viễn. Nó bầy mưu khiến mẹ tôi không bao giờ biết là mình bị mất tiền. Mỗi lần mở két, thay vì lấy nguyên bó, tôi chỉ nhón mỗi bó một hai tờ. Những bó bạc này mẹ tôi giao cho khách hàng, thường thì họ không bao giờ đếm lại trước mặt mẹ tôi, và sau này nếu có đếm thấy hụt cũng không sao, chẳng kiện cáo gì. Mẹ tôi bán buôn, làm ăn lớn, khách có biết cũng bỏ qua, sá gì mấy tờ bạc mất lẻ tẻ. 

Có tiền tôi ăn tiêu vung vít. Người bán hàng thấy tôi trả tiền bằng tờ giấy đỉnh thì trố mắt nhìn tôi kinh ngạc. Tiêu cho mình thì ít nhưng bao mấy thằng du côn thì nhiều. Tôi khoái nhất là bỏ tiền thuê bao xích lô nguyên ngày chở tôi và Viễn đi chơi cùng khắp Hà Nội trên những con đường rợp mát bóng cây trong tiếng ru râm ran của những con ve sầu. Hai đứa thủ hai khẩu súng cao su, bốc nhãn ăn thả dàn rồi dùng hạt nhãn làm đạn bắn lung tung lên ngọn cây. Nhưng cái thời "huy hoàng" của tôi không kéo được lâu. Một bữa mẹ tôi bắt gặp tại trận tôi đứng trước tủ két mở và tước cái chìa khoá của tôi. Bà sai anh tôi (hình như là anh Triệu) đè sấp tôi ra trên chiếc sập gụ của bà dùng đuôi chổi phất trần đét mấy cái vào mông. Tôi giả vờ khóc rống lên chứ tôi thấy anh tôi đánh cũng nhẹ tay lắm (chắc hẳn anh nghĩ trong bụng mình cũng chả gương mẫu gì hơn thằng em). 

Dịp may đến với mẹ tôi. Năm 1951, lúc ấy bố tôi ở bên Tàu về Hà Nội đã được mấy tháng, ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Đầu tiên bố tôi chỉ cho chị cả tôi là chị Thư đi cùng. Nhưng mẹ tôi cứ bắt bố tôi phải mang theo tôi. Đến tận bây giờ, khi tôi viết những dòng này, trong gia đình không một ai biết là mẹ tôi đã cố ý "đuổi" tôi vào Nam. Tôi rất cám ơn mẹ tôi về quyết định rất sáng suốt này của bà. Bởi vì vào Nam tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. 

Năm đó tôi mười một tuổi. Lần đầu tiên trong đời tôi đi phi cơ. Lại là phi cơ của hãng Air France. Sang trọng quá! Máy bay đến phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi lạ lẫm đọc cái chữ "Nhứt" và hỏi chị tôi họ viết như vậy có phải là sai không. Tôi trố mắt nhìn những căn nhà nhiều từng, những tên phố Tây Pellerin, Charner, Catinat, Pasteur, Richaud... và cứ nghĩ là mình đi Tây chứ không phải vào Nam. Cái gì tôi cũng thấy nó văn minh và lạ mắt. Sau này tôi nghe kể nhiều lần về những ông cán ngố ngoài Bắc sau năm 1975 vào Nam lần đầu nhìn thấy thành phố Sài Gòn, tôi nghĩ là họ chắc cũng chỉ ngố như tôi là cùng. Ba bố con tôi ở chung với gia đình bác Thuỵ trong một căn nhà lớn do chính phủ cấp cho nhân viên sở Bưu điện (mà bác tôi là giám đốc) số 12P đường Chasseloup Laubat (sau đổi là Hồng Thập Tự và bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai). Đối diện nhà bác Thuỵ là hai cái cao ốc 5 từng. Tôi thích trốn sang đó chỉ để chui vào cái lồng thang máy bấm nút cho nó thăng thiên lên lầu thượng rồi lại bấm nút cho nó tụt xuống... cứ thế... cho đến khi những ông Tây bà đầm trú ngụ trong cao ốc biết được la lối om sòm đuổi tôi đi. Nhà bác Thuỵ ngăn nắp và sạch sẽ quá, các anh chị họ tôi nói năng lịch sự, cư xử quý phái không chửi tục om sòm như đám "bạn" tôi ở ngõ Phát Lộc, họ học trường Tây, khoe tôi những cuốn sách màu đẹp đẽ Tin Tin, Spiroux, Quatre Frères Dalton... Xa rồi những bồ cau khô, mùi cá mắm, hơi diêm sinh và căn nhà, con phố bẩn thỉu nghèo nàn của thành phố Hà Nội. Xa rồi mẹ tôi, bà Cẩm Lợi. Xa rồi các anh tôi vẫn còn lối sống "lạc hậu" ở miền đất Bắc xa vợi kia... 

Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự sống gần bố. Tôi luôn luôn nhìn ông như ngắm một người lạ. Bởi vì cho dẫu tôi có ở sát bên ông, sống cạnh ông nhiều năm sau này trong đời thì giữa ông và tôi, và giữa ông với gia đình, hình như luôn luôn có một khoảng cách. Tôi tự hỏi vì sao không bao giờ tôi có được cái cảm giác thật gần gũi với bố như tôi đã luôn luôn có với mẹ. Nếu có thấy chút nào gần ông thì cái gần ấy chỉ trên phương diện tâm hồn. Bố tôi có gương mặt Tây phương, mang nhiều nét đặc thù di truyền từ bà nội tôi. Ông có một phong thái hài hoà rất thanh nhã trong cách cư xử nó cho người ta biết, chỉ qua dáng ngoài, cái chiều sâu của con người ông. Bố tôi rất ít nói. Lúc nào cũng thấy ông lắng nghe với một cái nhìn sâu và đằm thắm. Ông lại rất chuộng sự yên tĩnh, ngăn nắp và sạch sẽ. Những gì tôi biết về ông khiến tôi hiểu vì sao ông sống được và thích hợp trong một gia đình như bác Thuỵ và không thể nào sống bên những bồ cau với mẹ tôi được. 

Năm 1954, đất nước chia đôi, mẹ và các anh tôi lục tục vào Nam. Mẹ tôi mua căn nhà số 39 chợ An Đông để ở và lấy chỗ buôn bán. Vào Nam mẹ tôi chuyên bán sỉ cau khô chứ không bán cau khô lẫn cau tươi như ở ngoài Bắc. Nguồn cung cấp cau chính của hiệu Cẩm Lợi là tỉnh Quảng Nam vì cau là thổ sản của tỉnh này. Mẹ tôi tiếp tục giao dịch với các hiệu Phước Xuân, Phước Hiên ở Hội An, nơi mà bà đã mua bán từ những năm đầu của thập niên 1940. Vào Nam mẹ tôi lại thêm một thị trường cung cấp mới là tỉnh Bến Tre. Bà ít có dịp ra Trung nhiều như dạo còn ở Hà Nội trước khi di cư, nhưng bà lại thường xuyên liên lạc với các bạn hàng ở Bến Tre, đặc biệt là bà Thái Nguyên, có khi mẹ tôi xuống ở lại đó nhiều ngày. Nhà của các bạn hàng thường ở miệt vườn, cách xa thành phố, phải đi ghe xuồng mới tới. Sau này tình hình ở tỉnh Bến Tre mất an ninh, chúng tôi cảnh giác mẹ tôi là các bạn hàng cau ở tỉnh đó nằm sâu trong mật khu của Việt cộng nhưng mẹ tôi không bao giờ tỏ vẻ sợ hãi. Mẹ tôi không bán cau lẻ. Mua cau khô về, mẹ tôi sấy khô, đóng bao, và bán lại cho các đại lý, thường là những người Hoa ở trong Chợ Lớn. Một trong những đại lý mà mẹ tôi đã giao hảo tốt đẹp là ông Cơ Tấn. Chúng tôi xem ông Cơ Tấn như người nhà. Sự giao dịch với ông Cơ Tấn gắn liền với đời buôn cau của mẹ tôi, kéo dài từ thập niên 40 cho đến có lẽ sau cả biến cố tháng Tư năm 75. 

Cái sập gụ, tủ chè, két bạc và cái cân được chở từ ngoài Bắc vào. Tôi trở về với những bồ cau và làm quen lại với mùi diêm sinh đã làm tôi ho sặc sụa trong những năm tháng cũ ở Hà Nội. Cau mốc được tẩy trắng bằng khói diêm sinh. Trong một vòng nan cuốn tròn, những cái sàng cau lớn xếp chồng nhau ủ trong vải bố, dưới là cái lò nhỏ đốt diêm sinh, khói xanh từ những kẽ vải bốc ra toả khí độc khắp nhà. Tôi thoát được mấy năm xa lánh cái không khí bụi bặm ồn ào của chợ An Đông khi tôi theo chân bố tôi lần thứ hai lên sống trên Đà Lạt. Mấy năm sống trên cao nguyên với bố tôi là thời gian thần tiên nhất trong đời tôi. Năm 1958 khi bố tôi quyết định "xuống núi" về Sài Gòn làm báo, tôi cũng theo chân ông về sống với mẹ tôi ở chợ An Đông cho đến tháng Tư năm 1975. 

Nghĩ lại tôi thấy tội nghiệp mẹ tôi vô cùng. Những người con của bà, trừ anh cả tôi đã sang du học bên Pháp từ hồi còn ở Hà Nội, tuy ở gần bà nhưng không ai giúp bà đúng mức trong việc buôn bán. Nhà có thuê người làm cau nhưng họ chỉ cáng đáng những việc nặng như khuân vác, sấy cau, còn việc giấy tờ, sổ sách, thư từ, mẹ tôi rất cần người giúp. Mẹ tôi lại chiều con trai nên ngại nhờ con. Mà đôi lúc có nhờ thì chúng tôi lại làm với sự miễn cưỡng, thậm chí còn gắt gỏng. Đối với con gái, nhất là bà chị cả tôi, thì mẹ con không hợp tính. Cứ nói chuyện được dăm ba câu thì hai người lại cãi vã. Chị kế tôi hợp với mẹ tôi hơn thì sau này đi Pháp và ở luôn bên đó. May mắn cho mẹ tôi là trong những năm của thập niên 70 bà có hai người con dâu ở gần là chị Triệu và nhà tôi. Mẹ tôi tín nhiệm và cưng chiều hai người con dâu có lẽ còn hơn con đẻ. Chị Triệu và nhà tôi, ngoài việc giúp mẹ tôi trông coi sổ sách và các công việc buôn bán khác, lại thường ngồi rủ rỉ tâm tình với bà. Đây là điều hết sức quí đối với mẹ tôi vì bà rất ít có được những phút tâm tình thân mật như thế đối với những người con. Tháng Sáu năm 2005 vừa qua vợ chồng tôi qua bên Montreal dự đám cưới đứa con của anh Triệu tôi, một đêm thức giấc nửa khuya tôi nghe hai người con dâu của mẹ tôi ngồi trong bóng tối rù rì nói chuyện, hai người nhắc đến những kỷ niệm xa xưa với mẹ tôi hồi còn ở chợ An Đông trên ba mươi năm về trước. Tôi nghe được câu nói: "Mợ đối với con dâu thật không có một điểm gì để chê trách". 

Trong những lần giúp mẹ tôi tính toán sổ sách tôi ngạc nhiên về trí thông minh của bà. Mẹ tôi thuộc thế hệ xưa không được đi học nhiều, trình độ có lẽ chỉ ngang mức tiểu học. Bà viết những câu văn không thành cú, chữ viết lại nghệch ngoạc như gà bới. Để tính tiền cau - những con số thành thường lớn đến mấy trăm ngàn - chúng tôi phải lấy giấy bút cặm cụi làm những con tính nhân chia. Thế mà chỉ liếc qua giá thành là bà đã gật gù đồng ý hoặc bà nói: Con tính sai rồi, tính lại đi! Trăm lần như một mẹ tôi nói đúng! Tôi tự hỏi với cái trí thông minh ấy cộng với sự lanh lẹ của bà nếu mẹ tôi ra sinh ra trong một hoàn cảnh khác hoặc một thế hệ khác được ăn học thì tôi không biết là bà sẽ tiến xa đến đâu. 

Mẹ tôi viết thư cho những bạn hàng cau bao giờ cũng nhập đề bằng câu: "Tôi có lời hỏi thăm bà được mạnh khoẻ tôi mừng..." Biết như thế mỗi lần viết thư cho bà chúng tôi viết sẵn trước, khi bà vừa đọc xong câu đó thì chúng tôi nói ngay: "Con viết xong rồi, mợ đọc tiếp đi!" Người mà mẹ tôi viết thư giao dịch nhiều nhất ở Hội An là bà Phước Xuân mà chúng tôi còn gọi là cô Năm Dung. Trong ba mươi năm giao dịch buôn cau với hiệu Phước Xuân chúng tôi đã viết đến cả mấy trăm lần câu Kính gửi bà Phước Xuân... Tôi có lời hỏi thăm bà được mạnh khoẻ tôi mừng... Chính tôi đã dán không biết bao nhiêu con tem để gửi về địa chỉ hiệu Phước Xuân số 37 đường Nguyễn Thái Học ở Hội An. Những lá thư đưa tôi về một thành phố mà từ hồi tấm bé tôi đã nghe nói tới nhiều lần. Hội An. Làng Cẩm Phô. Họ Nguyễn Tường. Chốn ấy mơ hồ trong tâm tưởng tôi như một miền quê hương hư ảo. 

Năm 1964, một năm sau khi bố tôi qua đời, lần đầu tiên tôi có dịp đến tỉnh Quảng Nam thăm thành phố Hội An. Cảm tưởng đầu tiên của tôi ra sao nhỉ? Khi đến một nơi đã được nhắc nhở hoài trong quá khứ? Thay vì bắt gặp một quê hương trong tâm tưởng, tôi bàng hoàng nhìn thấy một Hà Nội xưa cũ của tôi. Một Hà Nội lồng vào Hội An trong từng căn nhà, từng con phố. Từ căn nhà từ đường của dòng họ ở gần chùa Cầu tôi rảo bộ trên đường Nguyễn Thái Học để tìm hiệu Phước Xuân bỗng thấy mình lạc vào phố Mã Mây vào ngõ Phát Lộc vào những con phố cổ mà tôi đã lìa xa mười ba năm trước. Trên đường tôi đi qua chùa Cầu thằng bạn cũ Đỗ Bá Viễn vẫn nhỏ bé như ngày nào giơ tay chào tôi, tôi nhìn lại căn nhà xưa của mình ở phố Hàng Bè và tất cả Hà Nội từ từ hiện ra. Rưng rưng. Bé nhỏ. Thân thương. Tôi ra đi khi tôi còn là cậu học trò tiểu học, tôi trở về "Hà Nội" đã là một giáo sư. Mười ba năm đủ xa để Hà Nội trở thành kỷ niệm. Đất nước chia đôi càng khiến ngày về trở thành vọng tưởng, khiến đường về trở thành thiết tha. 

Mấy ngày ở Hội An tôi ở nhà cô Năm Dung. Người con trai của cô tên là Tinh dẫn tôi đi chơi thành phố. Chúng tôi đạp xe đến cửa Đại tắm và ăn đồ biển trong những quán lá dưới bóng rợp lưa thưa của hàng cây thuỳ dương. Chiều đến chúng tôi ngồi trên sân thượng sau nhà nhìn con đường Bạch Đằng và dòng sông Thu Bồn lấp lánh ánh nắng. Bên kia sông nơi mà suốt đời tôi chưa từng đặt chân tới có làng Cẩm Phô. Nơi đó mới là chính quê của họ Nguyễn Tường. Nơi đó mới thực sự là miền quê hương hư ảo của tôi.
° ° °
Tôi là con út trong nhà. Khi tôi lớn lên và bắt đầu ở tuổi hiểu biết, tức năm tôi lên mười, thì cha tôi ở bên Tàu về tuyên bố từ bỏ cuộc đời chính trị, trở về với đời văn. Vì thế những gì tôi nhớ được về mẹ tôi vẫn là một bà Cẩm Lợi, vợ nhà văn, có đời sống bình thản. 

Cho mãi gần đây do muốn tìm hiểu thêm tôi hỏi anh Việt, người anh cả của chúng tôi, về những kỷ niệm mà anh còn nhớ với mẹ thì tôi được biết thêm một mẩu đời khác của bà Cẩm Lợi, đầy sóng gió, vợ của chính khách Nguyễn Tường Tam. 

Sau đây là lời thuật của anh Việt. Về chuyện xẩy ra cho mẹ và anh mấy tháng sau khi bố tôi, bộ trưởng ngoại giao của chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, bỏ trốn sang Tàu vào tháng 5 năm 1946. 

"Đây là một cái kỷ niệm nó đã ghi rất sâu vào trong óc anh. Khoảng tháng 12 năm 1946 gì đó bắt đầu đánh nhau với Pháp thì cả gia đình mợ và các em đi chuyến tàu cuối cùng từ ga Hà Nội về làng Phượng Vũ để tỵ nạn ở nhà bác cả Chi. Nhà bác cả rất lớn, bằng gạch hai từng. Về đó được một hôm thì đêm hôm sau quân du kích Việt Minh đến khám nhà. Họ kết tội những người trong nhà là Việt gian, bắt mọi người giải lên phủ Thường Tín xét xử. Đầu tiên họ khám nhà để xem có khí giới không. Anh rất lo vì lúc đó anh có một khẩu súng lục nhỏ, anh phải vội chạy ngay lên gác giấu khẩu súng dưới mái nhà, may mà tụi nó không tìm thấy". 

"Dù không tìm được gì tụi nó cũng giải tất cả, mợ, bác Nguyễn Tường Cẩm, cậu Phạm Hoàng Tín và bác cả Chi xuống thuyền ngay đêm hôm đó. Anh nhớ là sáng hôm sau anh với mợ vào một căn phòng để họ tra tội, trong khi bác Cẩm và cả gia đình bị giam ở chỗ khác. Trong khi đang thẩm vấn thì máy bay bà già của Pháp ném bom. Quả bom đầu tiên nổ ngay cái trại lính ở phía ngoài nhà, khiến trần căn phòng rung rinh sắp sụp. Anh bộ đội thẩm vấn hô mọi người chạy đi ra hầm trú ẩn. Hắn chạy trước, mợ và anh chạy theo sau. Ở phía trước anh thấy nhà bên trái đổ sụp, một thanh gỗ đè lên chân anh bộ đội. Chẳng hiểu sao lúc ấy anh còn chạy đến tháo miếng gỗ để giải thoát cho anh ta". 

"Anh và mợ chạy ra ngoài cánh đồng. Máy bay lúc đó cứ bay vòng vòng để bắn. Hai người ngồi sụp xuống nấp. Máy bay bắn một hồi rồi đi. Mợ và anh quay vào phủ Thường Tín vì cạnh phủ có hầm trú ẩn. Đúng lúc đó thì gặp bác Cẩm và cậu Tín. Anh thấy hai người bị xích tay vào nhau. Mợ nói: "Thôi! bác và cậu trốn đi chứ!" Lúc đó không hiểu là bác Cẩm hay cậu Tín nói là: "Thôi... thím... (chắc là bác Cẩm nói), chắc thím và cháu trốn đi vì hai người không bị trói. Chứ còn đây nó xích hai người với nhau thì có đi rồi cũng bị bắt lại". 

"Thế là mợ và anh chạy trốn khỏi phủ Thường Tín. Bác Cẩm và cậu Tín ở lại, sau này bị giải đi và bị thủ tiêu". 

"Không hiểu sao mợ lại tìm được đường đi từ phủ Thường Tín về làng Lê Dương, tức là làng của nhà anh Tý, anh Tý trước làm cau cho mợ. Khi vào làng tìm được nhà anh Tý may mà không gặp ai hết, mợ và anh vào thẳng sân, mợ nói với anh Tý là hai người bị bắt vừa trốn được. Anh Tý bảo hai mẹ con ở nhà anh. Trốn ở nhà anh Tý trong một căn phòng nhỏ khoảng một, hai tháng, ban ngày không ra ngoài, chờ đêm mới dám ló ra hành lang một chút. Lúc này máy bay bắn phá lắm nên anh Tý phải đào dưới giường một hầm trú ẩn. Mỗi khi có tiếng máy bay hai mẹ con lại chui vào hầm". 

"Lúc đó anh bắt đầu học vài chữ tiếng Tàu vì mợ tính là từ từ sẽ đi lên mạn ngược để trốn sang Tàu". 

Câu chuyện anh Việt kể còn dài. Trên đường đi lên mạn ngược mẹ tôi phải bỏ ý định đi sang Tàu vì đường đi xa quá và nghĩ là hai mẹ con thế nào cũng sẽ bị bắt trước khi đến biên giới. May mẹ tôi gặp được người quen tìm cách đưa mẹ và anh tôi về lại Hà Nội. 

Nghe chuyện tôi xúc động. Hình ảnh hai mẹ con dắt díu nhau tìm đường bộ sang Tàu kiếm bố tôi là một hình ảnh thảm thương. Năm đó mẹ tôi 39 và anh tôi mới 15 tuổi. Sau khi bố bỏ sang Tàu, Việt Minh lùng bắt thân nhân bố ở trong nước. Gia đình tôi như mảnh ván gẫy đôi, tan tác trôi theo hai dòng khác nhau. Anh cả tôi hướng dẫn mẹ trên đường tìm bố. Chị cả tôi hướng dẫn bốn người em, trong số có tôi, về Phát Diệm lánh nạn. 

Để sống còn bà Cẩm Lợi phải đổi tên trên căn cước: Phạm Thị Nguyên đổi thành Phạm Thị Liên.
° ° °
Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày tôi đặt chân lần đầu xuống đất Quảng Nam. Bốn mươi năm sau tôi trở về Hội An với một tâm cảnh khác. Đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Từ dạo đó. Tôi trở về lần này trên chuyến tàu hoả mang theo ba bình tro của những người tôi yêu thương nhất. Đó là bố mẹ tôi và người chị cả. Nếu đường về quê cũ của bố tôi và người chị cả từ Sài Gòn đi Hội An tương đối gần thì con đường của mẹ tôi đi thật dài, dài đến nửa vòng trái đất. Tháng Tư năm 1981 anh Việt tôi từ bên Pháp trở về Việt Nam dìu mẹ tôi lên máy bay sang Pháp chữa bệnh. Mẹ tôi mất ở Paris, cùng năm. Hai mươi năm sau, năm 2001, cũng vào tháng Tư anh Việt lại ngồi trên máy bay trở về Sài Gòn nhưng lần này tay anh mang bình tro người mẹ. Bình tro của ba người được chôn cất ngày 28 tháng Tư năm 2001 tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An. 

Cả cuộc đời buôn cau của mẹ tôi, bà Cẩm Lợi, gắn liền với chiếc sập gụ. Bà sống trên nó. Bà ngủ trên nó. Đó là một cái sập quý làm bằng gỗ lim màu nâu bóng, rắn chắc và trạm trổ. Mặt sập cao hơn đầu gối của tôi bây giờ. Thuở ấu thơ ở Hà Nội bàn tay nhỏ bé của tôi thường mân mê bốn cái chân sập bóng loáng nổi phồng lên phía trên và eo thắt lại ở phía dưới. Ngón tay nhỏ bé của tôi thường sờ dọc theo con đường rãnh có trạm những hạt gỗ nổi trông như chuỗi tràng hạt gỗ màu nâu bóng của mẹ tôi. Cái sập gụ ấy từ Hà Nội theo mẹ tôi vào Nam. Rồi cái sập ấy lại từ Sài Gòn theo mẹ tôi sang Pháp. Nay mẹ tôi trở về Hội An. Cái sập để lại ở Paris được trưng như một cổ vật trong phòng khách của một người chị họ. 

Mẹ tôi không cần chiếc sập gụ ấy nữa. Bà xa rời nó như xa rời cuộc đời nhọc nhằn. Bà Cẩm Lợi đã trả xong cái nghiệp mà chúng tôi kính cẩn ghi ơn. Bây giờ nằm vĩnh viễn bên chồng mẹ tôi mãi mãi là bà Tam của chúng tôi. 
Mùa Hạ năm 2005

1      2      3      4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét