Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

HỒI KÝ QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ - CỦA ALEKSANDR SOLZHENITSYN - KỲ 4


1      2      3      4     5      6      7
7. ĐẦU MÁY KÉO VÔ TÙ ĐÀY

Bên cạnh "nhà ga" Byturki có một phòng đặc biệt. Đó là phòng khám người, tuốt người để thằng nào mới vô là phải chịu lục soát thật kỹ cái đã. Phòng đủ rộng để 5, 6 cán bộ Cơ quan làm 20 thằng ZEK một lúc. Có mấy cái bàn nhưng mặt bàn trơ trụi chẳng có gì. Ở một bàn cuối phòng ngồi sừng sững một ông Thiếu tá NKVD, quân phục chững chạc mớ tóc đen chải đàng hoàng nhưng dưới ánh đèn chụp khuôn mặt hắn mới mệt mỏi, chán chường làm sao! In hình hắn mệt vì có ngần ấy đứa mà cứ phải đưa vô từng đứa một, bắt hắn chờ đợi không đáng. Nếu cần một chữ ký thì bắt chúng ký cả loạt việc và lẹ hơn nhiều.

Thấy tôi vô, ông Thiếu tá biểu ngồi, hỏi tên họ rồi đưa tay lục kiếm "hồ sơ" của tôi trong chồng giấy phía mặt. Cách cái lọ mực cũng có một chồng in hệt, giấy mỏng như giấy đánh máy nhưng chỉ nhỏ bằng nửa tờ. Kiểu bông lãnh xăng, phiếu phát vật liệu các công sở. Đây rồi, hắn rút đúng tờ giấy của tôi, cao giọng đọc cho biết "bản án": 8 năm đi đày. Sau đó hắn lật tờ giấy nắn nót vài chữ, ra điều "án được đọc lên cho kẻ chịu án", đúng ngày giờ đã định. 
8 năm đi đày! Bản án được đọc lên nhưng tôi tuyệt đối không xúc động. Nó thông thường và dễ dàng quá khiến tim tôi cũng chẳng buồn đập mạnh chút xíu. Bộ khúc rẽ của cả một đời tôi chỉ có thế thôi sao? Muốn chuốc lấy ít cảm giác hồi hộp của một thằng bị tuyên án cũng không nổi! Ông Thiếu tá NKVD lẳng lặng chìa mảnh giấy trước mặt tôi, phía để trắng ngửa lên. Cây viết rẻ tiền nằm đó, chờ tôi đặt bút ký, chấp nhận bản án đi đày đây. Tôi không ngần ngại nói luôn:

"Trước khi ký, ít ra tôi cũng phải đọc lại?"

"Được, muốn đọc thì đọc! Bộ có gì nghi ngờ chắc? Đấy, đọc đi…"

Hắn đẩy tờ giấy ra một cách ngần ngại, chán chường quá. Tôi vội cầm lấy, cố tình đọc thật chậm rãi. Đọc rề từng nét chữ một chớ không phải từng chữ nữa! Mảnh giấy đánh máy nhưng không phải bản chính, rõ ràng chỉ là một bản sao.

Tôi nhớ đại khái có hàng chữ tựa như sau: "TRÍCH YẾU, chiếu Sắc lệnh của Hội đồng An ninh, Bộ Nội An, chính phủ Liên bang Xô Viết ngày 7 tháng 7 năm 1945. Số thứ tự…".

Phía dưới có hàng dấu chấm đánh máy chia đôi tờ giấy.

Một bên ghi: "Hồ sơ buộc tội tên… ngày sinh và nơi sinh…". Phía bên kia là bản án: NGHỊ QUYẾT: Nay quyết định tên… can tội hoạt động phản tuyên truyền với dự mưu thành lập một tổ chức nhằm chống lại chế độ Xô Viết… bị trừng phạt 8 NĂM đi đày trại Lao động Cải tạo. Phía dưới cùng là hàng chữ sao y chính bản, với chữ ký của một ông Bí thư.

Bản án chỉ giản dị vậy và chờ tôi ký tên chấp nhận thật sao? Tôi ngẩng nhìn coi ông Thiếu tá có ý định giải thích gì thêm. Không, hắn chỉ ngó tôi và đã vẫy tay ra lệnh cho gã giám thị hờm sẵn ở cửa, "sửa soạn đưa thằng này đi…, cho thằng kế tiếp vô".

Không thể chấp nhận quá máy móc vậy, tôi bắt buộc phải hỏi lại: "Ủa sao vậy? Tới 8 NĂM ĐI ĐÀY lận? Kinh khủng quá, mà tôi có tội tình gì đâu?". Tôi nói "kinh khủng" nhưng sự thật giọng nói nghe chẳng có gì "kinh khủng" và chính ông Thiếu tá NKVD cũng biết điều đó. Hắn đưa tay chỉ vào chỗ trống trên tờ giấy, lơ đãng biểu: "Đây, chỗ này! Ký cho rồi đi cha".

Tôi ký chớ. Ký liền tức thì. Vì còn làm gì khác được ngoài việc đặt bút ký? Nhưng bề nào cũng phải nói với một câu, chớ cứ lẳng lặng ký ngoan ngoãn vậy sao?

"Ký thì ký đây! Nhưng phải cho tôi viết thêm vài hàng kháng cáo chớ. Tôi có làm gì đâu mà khi không lãnh tới 8 năm, bất công vậy?"

Ông Thiếu tá gật gù, với tay lấy một tờ ở chồng giấy bên trái chìa ra trước mặt tôi, nói tỉnh bơ:

"Đây, kháng cáo. Luật pháp đã dự liệu rồi! Có sẵn mẫu giấy đây…"

Tất cả đã diễn tiến máy móc. Chưa xong gã Giám thị đã tới sát bên tôi: "Thôi, đi đi…".

Tôi đứng dậy đi theo liền, ngoan ngoãn.

Nhiều người không chịu ngoan như vậy. Như Geogri Tenno lúc cầm bản án 25 năm đã lên tiếng: "Hai mươi lăm năm kể như chung thân còn gì? Thời quân chủ tuyên bản án chung thân là phải đánh cồng tập hợp dân chúng lại, công bố đàng hoàng. Bây giờ chỉ một mảnh giấy như bông lãnh xăng cỡ này là đi!"

Arnold Rappoport còn hăng hơn. Hắn viết ngay sau lưng bản án: "Tôi cực lực phản đối bản án khuyên bảo, bất hợp pháp này và đòi hỏi phải trả tự do cấp kỳ". Ông sĩ quan NKVD chờ chữ ký cầm lấy đọc, uất quá xé tan. Nhưng bản án cố nhiên vẫn còn. Đây chỉ bản sao mà.

Trái lại, Vera Korneyeva hí hửng ký, thiếu điều giật vội lấy mảnh giấy ký lập tức "kẻo họ đổi ý kiến thì khổ". Đang sợ bị 15 năm mà liếc nhìn chỉ thấy một con số 5 thì mừng quá! Gã sĩ quan ngờ vực hỏi: "Bà có nghe tôi vừa đọc cái gì không?". Thì Vera cười ha hả: "Nghe chớ. Có 5 năm đi đày Trại Cải tạo chớ gì?".

Janos Rozsas người Hung bị 10 năm nhưng bảo ký là ký gấp. Nghe tuyên đọc (bằng tiếng Nga) có hiểu mù tịt gì. Họ lại đọc ngoài hành lang xà lim nên Janos cứ nằm chờ bản án mãi! Đi đày rồi cũng chỉ nhớ mang máng…

Lúc được trả về nhóm, tôi mỉm cười. Thấy vui vui, rõ ràng nhẹ thở hẳn. Mới có 8 năm mà. Bọn họ lãnh một chục năm chẵn, kể cả "thầy bói sáng" Valentin! Kẻ đau khổ gần chết là gã kế toán 5 năm, nhẹ nhất đám rồi đến tôi.

Bên ngoài cửa sổ nắng xuân reo vui, gió xuân mơn man, tiếng chim ríu rít, hạnh phúc biết mấy! Bên trong chúng tôi cũng bắt đầu cười vì mọi sự tiến hành tốt đẹp quá, và gã kế toán có 5 năm đã ngất xỉu được! Nực cười cho những niềm hy vọng ngớ ngẩn hồi sáng, bà con "tiễn biệt" lâm ly quá. Cứ tưởng "kẻ ở người về" thật, nhiều thằng đã dặn "mật hiệu" y củ khoai luộc mà.

Khốn nạn, lúc bấy giờ vẫn còn những thằng tin "Yên chí đi! Vấn đề thủ tục phải tiến hành vậy thôi. Rồi sẽ về hết! Tổng đại xá đến nơi…".

"Đúng vậy, Stalin tuyên bố với nhà báo Mỹ, có đăng báo đàng hoàng mà".

"Nhà báo Mỹ hả? Nhà báo Mỹ tên gì?"

"Tên gì tôi quên rồi! Chỉ nhớ sắp tổng đại xá…"

Tụi tôi cười nói cho đến lúc được lệnh xách khăn gói lên, sắp hàng hai đi ngược trở ra, lại đi ngang mảnh vườn hoa nhỏ. Và lại đi tắm, trời đất! Sáng mới tắm giờ lại tắm nữa. Quần áo lại phải cởi ra, khăn gói lại treo trên mắc. Xà bông hôi khét nhưng vòi nước nóng vẫn dễ chịu lạ. Được đi tắm cả bọn lại xôn xao, cười nói. Vui như học trò đi thi về chớ chẳng phải đám tù sắp đi đày. Cũng may là còn cười được để "bồi dưỡng cơ thể" phần nào!

Lựa đúng lúc lau khô người, Valentin tới bên tôi rỉ rả: "Thôi vậy, cho nó xong đi! Tụi mình còn trẻ, còn trẻ, còn sống nhiều. Chỉ cần ở Trại phải lo giữ mồm giữ miệng, họ biểu công tác là làm cho đàng hoàng là khỏi sợ lãnh thêm nữa".

Thì ra gã "thầy bói sáng" đã có kế hoạch chương trình đi đày rồi. Cứ vậy mà sống thì còn có hy vọng. Niềm hy vọng của hạt lúa nhỏ nhoi mắc kẹt giữa cái cối xay đá Stalin! Ai cũng muốn sống làm việc đàng hoàng ngậm miệng cho xong. Rồi ráng quên hết.

Nhưng trong tôi một sự thật chợt lóe lên: nếu muốn sống điều thiết yếu là phải không sống thì thử hỏi còn sống để làm gì?

Chế độ đi đày do quyết định Hội đồng An ninh chẳng phải sáng tác sau Cách mạng. Nữ hoàng Catherine không thích ông nhà báo Novikok nên phạt tù 15 năm có cần đưa ra Toà xử đâu. Hậu duệ của ông bà vua nào chẳng lâu lâu ghét mặt thằng nào hạ gục thằng ấy?

Từ 1860 mới canh cải chế độ tư pháp, từ vua quan đến dân đều ý thức vai trò tư pháp rõ hơn. Vậy mà Korolenko đào bới lại lịch sử khoảng 1870 - 1880 vẫn vạch ra thiếu gì những "biện pháp hành chính" giẫm lên quyết định của Toà án. Năm 1872 chính đương sự và 2 sinh viên cùng bị ông Thứ trưởng Tài nguyên Quốc gia tống đi đày… khỏi đưa ra Toà. Sau đó 2 anh em Korolenko còn bị đày đi Glazov. Vị "đại diện nông dân" Fyodor Bogdan lên bệ kiến nhà vua đã bị nhà vua cho đi đày, cũng như Pyankov được Toà tha bỗng vẫn có lệnh vua cho đi an trí như thường. Còn Vera Zssulich bỏ trốn ra nước ngoài vẫn có thư về vạch rõ: Không trốn vì sợ Toà tống giam mà không muốn đày đoạ tấm thân vì "biện pháp hành chính".

Những "biện pháp hành chính" kiểu bản án đánh máy sẵn chia làm 2 cột đã có từ lâu nhưng hiển nhiên ở một nước Á châu ngái ngủ còn được nhưng ở một xã hội văn minh tiến bộ gương mẫu thì không thể chấp nhận. Ai cho ra "biện pháp hành chính"? Hội đồng An ninh (OSO). Nhưng Hội đồng An ninh là ai? Là Nga hoàng, là ông Thống đốc, ông Thứ trưởng chẳng hạn. Tại sao Hội đồng An ninh lại có đặc quyền ghê gớm đó?

Danh từ Hội đồng An ninh chính thức xuất hiện khoảng 1920 trở đi với thủ tục tam đầu, công tác thường xuyên. Nghĩa là một bộ ba lập thành Hội đồng, họp kín trong phòng để thường xuyên qua mặt Toà án! Lúc mới đầu còn sử dụng mỹ từ "Ủy ban tay ba của GIẢI PHẪU" sau chẳng cần giấu tên các ông trong Ủy ban! Có thằng nào đi đảo Solovesty mà không nhớ quý danh bộ ba lừng danh của Mạc Tư Khoa? Gleb Boky, Vul và Vasilyev. Nghe chữ troika quả lạ tai. Dường như nó gợi nhớ hình ảnh một cỗ xe trượt tuyết thời cổ, nó tượng trưng cho cả một bí mật.

Tại sao phải cần bộ ba, troika? Toà án đâu phải Bộ Tư, cần sự thay thế của nó? Vả lại troika đâu thể là Toà án được?

Bộ ba troika dễ sợ ở chỗ nó chỉ họp kín, chỉ chiếu hồ sơ quyết định, không cần bị can. Bộ ba chỉ cần cho ra quyết định trên mảnh giấy nhỏ để "ký tên vô đó" nên khủng khiếp hơn Toà án Nhân dân nhiều. Tụi tôi hình dung bộ ba như một cơ quan cực kỳ bí mật. Từ ăn ngủ đến làm việc troika giống người khác, chừng bắt tay vô việc là không ai có quyền biết. Bộ ba tự cô lập trong bí mật để cho ra những bản đánh máy mà nạn nhân chỉ có quyền đọc hay nghe đọc rồi ký tên chớ không được giữ.

Những ủy ban tay ba chỉ xuất hiện trên giấy tờ, không ai biết mặt mũi ra sao, có nhiệm vụ ghê gớm là không trả tự do cho một thằng nào bị câu lưu điều tra. Nếu ngành Kỹ thương có Sở Kiểm soát Phẩm chất hàng hoá để cấm chặn hàng xấu thìngười xấu có troika GPU lo liệu! Trường hợp không có tội, không đưa ra Toà xét xử được thì troika vẫn có thẩm quyền cho hưởng thủ tục giảm khinh (thủ tục 32) nghĩa là biệt xứ, không được lai vãng các đô thị lớn hay cho đi an trí vài ba năm để "đẩy ra ngoài lề sinh hoạt xã hội" ở một địa phương nào đó.

(Kể ra còn nhắc tới danh từ có tội là còn lạc hậu vì nhà nước tống giam kẻ nào chẳng phải vì nó có tội mà vì nó là mầm mống đe doạ an ninh xã hội. Nói cách khác vô tội nhưng bị coi có thể làm hại cho xã hội cũng tù. Ngược lại, có tội nhưng được xã hội chấp nhận ắt sẽ được phóng thích. Ngay Bộ Hình Luật 1926 còn bị ông Chưởng lý Vyshinsky - sau trên ¼ thế kỷ áp dụng - chỉ trích là "nặng tinh thần tư sản không chấp nhận được", là "thiếu hẳn giai cấp tính" cũng như "quá đặt nặng vấn đề cân nhắc hình phạt căn cứ theo tội trạng").

Tôi không có bổn phận viết về lịch sử cái gọi là troika đó cũng như biến nó thành Hội đồng An ninh lúc nào, đổi tên ngày nào hoặc tỉnh nào cũng có Hội đồng An ninh địa phương hay chỉ có ở Trung ương. Tôi cũng không vạch rõ ông lớn nào có tên trong Hội đồng An ninh, Hội đồng họp mấy ngày một lần, mỗi lần bao nhiêu lâu và lúc họp có nước trà giải khát, có chuyện vãn hay các ông Hội đồng chỉ cắm cúi vào hồ sơ. Tôi chẳng phải thứ sử gia ấy. Vả lại có được biết gì đâu mà viết?

Chỉ được biết Hội đồng An ninh hình thức là tay ba nhưng căn bản công tác thì nhất thể. Nghĩa là tuy ba mà một. Không biết tên từng đơn vị trong Hội đồng An ninh nhưng chắc chắn Hội đồng gồm đại diện thường trực của 3 cơ quan: một đại diện Trung ương Đảng, một đại diện MVD, một đại diện Viện Công tố.

Tuy nhiên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu sau này phát giác ra có Hội đồng An ninh nhưng Hội đồng chẳng hề nhóm họp một lần! Tất cả chỉ có một nhóm thư ký đánh máy nhà nghề, chuyên sản xuất những trích lục bản án ma, dưới quyền điều khiển của một cán bộ tổng quản trị. Nhóm thư ký đánh máy hiển nhiên là có và họ có làm việc. Tôi có thể bảo đảm.

Cho đến 1924 thẩm quyền troika chỉ được quyết định tối đa 3 năm đi đày. Từ 1924 trở đi tăng lên 5 năm đi đày trại Cải tạo. Nhưng từ 1937, Hội đồng An ninh có quyền "ra án" 10 năm và từ 1948 trở đi còn nới rộng thẩm quyền tới 25 năm. Nhiều nhân chứng - trong đó có Chavdarov - còn cả quyết thời chiến Hội đồng An ninh còn tuyên nhiều bản án tử hình. Điều này chẳng có gì lạ.

Hội đồng An ninh là một cơ quan mà Hiến pháp không đề cập đến, không hề ghi trong Bộ Hình Luật này. Tuy nhiên đó là một guồng máy xay dễ xài nhất, tiện lợi, không đòi hỏi thủ tục rườm rà, không cần "đánh bóng" bằng pháp lý. Hình Luật đi một đường, Hội đồng An ninh đi một đường riêng. Guồng máy xay cứ tiếp tục nghiến người, không cần một điều nào trong số 205 điều của Bộ Hình Luật. Nhắc tới hay viện dẫn Hình Luật cũng khỏi! Dân đi đày ưa hài hước:

"Có tội gì mà phải cần Toà Án? Đã có Hội đồng An ninh bao hết!"

Nếu Toà án có những điều luật này, bộ luật kia thì Hội đồng An ninh cũng phải quy định một số tội trạng và cần phải có tên tắt cho dễ nhớ. Con nít cũng không thể quên vì các tội trạng tổng quát của Hội đồng An ninh chỉ gồm 10 chữ tắt. Xin nhắc sơ lại dưới đây:

• ASA: Tội xách động (nhà nước) Xô Viết

• KRD: Tội hoạt động phản cách mạng

• KRTD: Tội hoạt động phản cách mạng theo phe Trotsky (tội này chỉ thêm một chữ T nhưng chịu không biết bao nhiêu hành hạ)

• PSh: Tội tình nghi gián điệp (trường hợp gián điệp rành rành mới đưa ra Toà xét xử)

• SVPSh: Tội có những tiếp xúc có thể dẫn tới tội Tình nghi gián điệp

• KRM: Tội có tư tưởng phản cách mạng

• VAS: Thành phần nguy hiểm cho xã hội

• SVE: Thành phần có hại cho xã hội

• PD: Nó hành động phạm pháp (thường dùng để buộc tội các cựu tù nhân từng bị đi đày về)

Ngoài 10 tội tên tắt trên còn thêm một tội gần như có thể gán cho mọi người. Đó là tội chắc chắn, tức người cùng gia đình, thân thuộc của một người bị đày vì 1 trong 10 tội nói trên.

Xin nhớ 11 tội của Hội đồng An ninh không áp dụng nhất loạt, mỗi thời đại mỗi khác. Cũng như các điều luật và Sắc lệnh đặc biệt, có giai đoạn áp dụng ào ào như nạn dịch vậy. Cũng đừng quên Hội đồng An ninh không tuyên án. Hội đồng An ninh chỉ sử dụng biện pháp trừng phạt hành chánh mà thôi nên cố nhiên Hội đồng có quyền độc lập về pháp lý. Không phải một bản án nhưng "biện pháp hành chánh" của Hội đồng An ninh ngoài việc cho đi đày tối đa 25 năm còn thêm những khoản sau:

• Tước bỏ chức tước, cấp bậc, huy chương

• Tịch thu tài sản

• Câu thúc thân thể

• Cấm chỉ liên lạc thư từ, tiếp xúc

Một nạn nhân của "biện pháp hành chánh" Hội đồng An ninh bị biến khỏi mặt đất quá dễ dàng, chắc chắn hơn bản án của Toà án rừng nhiều. Độc hại nhất là nạn nhân hoàn toàn không có quyền thượng tố… nghĩa là không có cơ quan nào - hoặc lớn hơn, hoặc ngang hàng - để mà kháng cáo! Hội đồng An ninh chỉ chịu lệnh Bộ trưởng Nội An, Stalin và quỷ Sa-tăng!

Lại nữa, nhịp quyết định của Hội đồng An ninh vô cùng mau lẹ! Tất cả chỉ là đánh máy, nên chỉ sợ máy chữ đánh không đủ nhanh.

Còn điểm thuận lợi này mới đáng kể: Hội đồng An ninh không xử mà chỉ quyết định kín, căn cứ theo hồ sơ. Đỡ phải thấy mặt nạn nhân, đỡ phí tổn chuyên chở và một bức hình can phạm cũng khỏi tốn. Thời buổi tiết kiệm, nhà tù quá đông, đỡ phải nhốt những cái miệng ăn hại! Chỉ chưa xong hồ sơ còn được thí miếng bánh nhà nước. Hội đồng an ninh có quyết định là tống đi đày tức khắc để "lao động cải tạo". Nếu cần thì người đi trước, quyết định của Hội đồng sẽ gởi tới trại sau!

Thông thường bọn tù đi đày đều là "người đi trước", đi xe lửa. Lúc tới trạm xuống là bị lùa xuống, quỳ ngay ngắn dọc đường rầy để kiểm soát và tránh đào tẩu. Cảnh tượng này trông như họ quỳ gối trước Hội đồng An ninh để lắng nghe tuyên đọc thời hạn đi đày. Có khi tới trại Cải tạo (như trại Perebory 1938) mới có ông thư ký Ban Tiếp nhận cầm danh sách đọc. Chẳng hạn như: Tên X, tội SVE, 5 năm (thì ra công trường đào kênh Volga - Mạc Tư Khoa đang đòi hỏi gấp một số nhân công vĩ đại).

Nhiều kẻ đến trại, "lao động" mấy tháng vẫn chưa biết Hội đồng An ninh quyết định ra sao về số phận mình. Như trại Stalino, Ban Quản đốc lựa đúng ngày lễ Lao động 1-5-1938, treo cờ tưng bừng để đọc cho nghe quyết định của Hội đồng An ninh (thời gian này vì nhu cầu nhân công quá cao nên Hội đồng An ninh phải tản quyền về địa phương). Mà quyết định của Hội đồng An ninh địa phương đâu phải nhẹ. Từ 10 đến 20 năm.

Cũng năm đó, một đám Zek được đổi trại từ Chelyabinsk tới Cheropovets, chưa có quyết định. Đợi mấy tháng vẫn chưa có. Một hôm trời giá lạnh quá lại nhằm ngày nghỉ bị kêu tập họp ở sân trại để nghe ông Trung úy vừa tới trại thông báo quyết định của Hội đồng An ninh. Có lẽ ông sĩ quan trẻ còn chút lòng thương mấy thằng tù giày dép không đủ ấm mà phải đứng đợi lâu trên nền đất băng giá nên ra lệnh:

"Trời giá lạnh cỡ này mà tập họp làm chi cho khổ thân? Giá chung Hội đồng An ninh lần này cho các anh là 10 năm chẵn. Chỉ rất ít, rất ít được 8 năm. Nói vậy hiểu chưa? Thôi, giải tán!"

Bộ máy Hội đồng An ninh đã làm việc hiệu quả, trơn tru như vậy thì hà tất phải có Toà án? Có xe lửa tối tân, đi êm không tiếng động, tù lại không trốn nổi thì tại sao phải xài xe ngựa? Bộ tính nuôi mấy quan Toà cho mập chắc?

Nhưng không lẽ một quốc gia dân chủ lại không có Toà án? Năm 1919, một trong những mục tiêu do Đại hội Đảng kỳ thứ 9 đề ra là "tích cực hướng dẫn công nông học tập đường lối tư pháp". Hướng dẫn công nông sinh hoạt tư pháp thì hơi khó. Việc xử án tế nhị, phức tạp quá mà! Nhưng "bỏ qua" toà án thì không xong! Tuy nhiên toà Chính trị, toà Quân sự, từ cấp dưới đến Tối cao Pháp viện đều noi gương Hội đồng An ninh: làm việc cấp tốc, không mất thời gian xử án lôi thôi, khỏi tranh luận giữa hai bên nguyên bị. Đặc điểm số một của tổ chức tư pháp của chúng ta là tất cả mọi cấp Toà đều giống như ở điểm xử kín. Toà chỉ xử kín dân Nga đâm quen với lề lối xử kín đến độ nghe đòi hỏi "Toà án là phải xử công khai" thì ngay thân nhân những người từng lãnh án cũng cãi lại: "Toà xử mà công khai thế nào được? Địch biết hết còn gì? Phiên xử án cũng là tin tức chớ?

Khốn nạn, chỉ sợ địch biết hết tin tức mà chấp nhận xử kín? Họ có biết đâu ngay dưới thời quân chủ, phạm tội mưu sát nhà vua bằng súng như Karakozov ra toà vẫn có luật sư biện hộ, án chính trị cũng xử công khai không sợ bọn Thổ biết hết tin, Vera Zasulich mưu sát hụt, bắn qua đầu ông Trưởng ty Mật thám thủ đô đâu có bỏ xác trong hầm tra tấn. Phiên toà xử công khai, tha bổng Vera mà nữ phạm nhân còn được xe ngựa đến rước về nhà nữa!

Nói vậy không phải tôi có ý ca ngợi chế độ tư pháp thời Nga hoàng toàn hảo, tốt đẹp. Chỉ một xã hội văn minh, trưởng thành mới có nổi một chế độ tư pháp tốt. Và dĩ nhiên người bình dân Nga chẳng ưa gì Toà án, chứng cớ là Vladimir đắc lực nghiên cứu phong tục thời xưa đã xác nhận "trước thời đại giải phóng nông nô, kho tàng ca dao tục nữ Nga không hề có một câu ca ngợi Toà án bao giờ"! Nhưng ít nhất cũng có một cuộc cải tổ chế độ tư pháp năm 1864 để ít nhất xã hội thị dân Nga cũng bắt kịp Anh quốc về tổ chức Toà án.

Chính nhà vua Dostoievsky từng công kích lối xử án có Bồi thẩm đoàn và có các ông luật sư tranh luận chỉ cốt để trổ tài hùng biện. Theo Dostoievsky thì nhiều khi Bồi thẩm bị quyến rũ theo các cuộc lý sự đó mà quên phứt trách vụ công dân. Đồng ý những cuộc hùng biện quá trớn đó cũng có ảnh hưởng phần nào đến một chế độ tư pháp đang thời kiện toàn. Có thể là một chứng bệnh dân chủ nữa nhưng dù sao không độc hại bằng lối xử kín. Cũng Dostoievsky mơ tưởng đến một lề lối xử án mà tất cả những yếu tố cần yếu cho sự bênh vực can phạm đều được chính Ủy viên Công tố trù liệu hết. Đẹp quá, nhưng bao giờ có nổi, trong khi luật sư biện hộ thời buổi này - nhân danh công dân Xô Viết - buộc tội bị cáo là chuyện thường thấy!

Toà xử kín thuận lợi cho mấy ông thẩm phán quá. Dễ làm việc, khỏi cần áo thụng mà xắn tay áo lên còn được mà. Không máy phóng thanh, không có nhà báo, không công chúng. Lâu lâu cũng có mấy hàng ghế công chúng nhưng toàn một mặtđiều tra viên! Ở Toà Lêningrad nhân viên cơ quan ưa theo dõi tận phiên toà để coi cung khai ra làm sao để nếu cần đêm đến xuống tận xà lim "hỏi thăm".

Đặc điểm thứ hai của các phiên toà xử Chính trị của ta là quan toà chỉ ngồi cho có, bản án đã có sẵn từ trước rồi 1. Cấp trên muốn gì, quan Toà phải biết rồi (nếu cần chỉ phải nhấc điện thoại lên!). Nghĩa là bắt chước bên Hội đồng An ninh, Toà cho lập những bản án có sẵn, đánh máy để trống chỗ điền tên họ tù nhân bằng tay.

Năm 1942 trước phiên toà quân sự quân khu Lêningrad, phạm nhân Strakhovich kêu ầm lên:

"Xin Toà xét cho, năm ấy tôi đăng lính cho Ginatovsky thế nào được? Tôi mới 10 tuổi mà."

Ông Chánh thẩm gạt phăng, nạt lớn hơn: "Coi chừng! Bị can không được phép mạ lỵ Sở Quân báo nghe!"

Cũng phiên toà đó được lệnh sẵn: đứa nào dính dáng đến Ginatovsky là xử bắn hết. Kẹt một thằng tên Lipov không hiểu sao dính vô vụ này nhưng trước Toà, cả nhóm không biết mặt hắn mà Lipov cũng chẳng biết ai. Vì vậy chỉ bị 10 năm tù!

Xét cho cùng Toà xử theo lệnh trên càng đỡ khổ cho ông thẩm phán. Chẳng phải thắc mắc, ân hận vì xử oan ức cho một ai! Vì đỡ phải cân nhắc tội trạng nên nghiêm khắc nổi tiếng như Chánh án Ulrikh - chuyên viên tuyên án tử hình - cũng tự cho phép đùa bỡn, vui vẻ một chút. Chính Ulrikh người lùn, mập ngồi Chánh thẩm phiên toà quân sự xử bọn tự trị Estonia năm 1945 đã luôn miệng giễu cợt với các đồng nghiệp và cả tù nhân. Gọi đến tên Susi, biết hắn là luật sư nổi tiếng nên quan toà "chọc quê":

"Rồi, nghề của chàng đây! Thử trổ hết tài coi có hơn chút nào không?"

Làm sao hơn được? Lệnh trên đã quyết định rồi: phiên toà có xử (hay không) thì mỗi người trong nhóm Susi cũng lãnh đều 10 năm!

Vì lẽ đó phiên Toà diễn ra êm ả, vừa xử vừa hút thuốc cũng còn được, xế trưa tạm ngừng để ăn cơm trưa và tối đến ra lệnh cho tù ngồi đợi suốt đêm, đợi Toà đình nghị án. Đêm hôm mà nghị án gì? Các ông toà về nhà ngơi nghỉ, để 9 giờ sáng hôm sau quần áo tươm tất, râu tóc cạo đàng hoàng… ông Chánh thẩm bước vô oai vệ hết:

"Mọi người đứng lên! Toà tái nhóm…"

Toà tái nhóm, Toà nghị xử rồi Toà tuyên án! Vì bản án có sẵn và Toà còn diễn "phường tuồng" như vậy nên nhiều người cho rằng thà trắng trợn như Hội đồng An ninh còn hơn đóng kịch máy móc.

Đặc điểm thứ ba và cuối cùng của Toà án là xử theo biện chứng. Có điều khoản, có bộ luật rành rành nhưng xét vì "luật pháp không phải là đá tảng chặn đường" nên người ngồi xử án phải áp dụng biện chứng để linh động hoá việc xử án theo chiều hướng tiến bộ, thích nghi với hoàn cảnh. Đúng nghĩa nôm na của câu: "Miệng nhà quan có gang có thép!"

Ngay bên cạnh mỗi điều khoản của Bộ Hình luật đã có sẵn các hình thức suy diễn, chiều hướng, chỉ thị, để tròng vào cổ bị can. Mà dù hành động của bị can không một điều luật nào dự liệu trừng phạt cũng còn có thể tuyên án căn cứ vào một trong 3 biện chứng:

Suy diễn để đồng hoá tội trạng (danh từ "suy diễn" tự nó đã rộng nghĩa chán!)

Xét tới gốc gác, giai cấp. Chẳng hạn xuất thân giai cấp phản động, phản cách mạng 2.

Xét tới liên hệ, tiếp xúc với những phần tử nguy hiểm 3. Biện chứng thứ ba này vô cùng linh động: biết ai là phần tử nguy hiểm? Định nghĩa thế nào là liên hệ?

Xin đừng phàn nàn "biện chứng pháp cao su"! Ngay Sắc luật tuyên hủy án tử hình cũng thình lình bị Sắc luật ngày 13 tháng 1 năm 1950 hủy bỏ dễ như chơi. Vả lại trên thực tế có bao giờ án tử hình không tồn tại! Nhân chứng Beris còn đó! Sắc luật mới tròng án tử hình lên những phần tử phá hoại, gây rối trị an. Nhưng thế nào là hành động phá hoại, gây rối thì Sắc luật không quy định rõ. Lửng lơ vậy mới dễ suy diễn! Phải chăng dùng chất nổ TNT phá tung một khúc đường rầy mới là phá hoại? Không phải. Sản xuất hàng xấu, không đúng tiêu chuẩn cũng là phá hoại kinh tế. Còn phá rối thì hai người ngồi xe điện nói chuyện với nhau cũng có thể bị kết tội âm mưu phá rối trị an vậy! Lấy chồng ngoại quốc cũng có thể liệt vào hạng có hành động gây rối dễ như không…

Thực tế quan toà không xử án. Quan toà chỉ lãnh lương tuyên án. Xử án đã có các chỉ thị. Chỉ thị năm 1937: mười năm, hai mươi năm, xử bắn. Chỉ thị năm 1945: giá chung 10 năm cho tất cả mọi người, cộng thêm 5 năm an trí (vừa vặn 3 đợt nhân công cho 3 kế hoạch ngũ niên). Chỉ thị năm 1949: đồng loạt 25 năm hết 4.

Cũng như Hội đồng An ninh, Toà án được quan niệm như một thợ máy phát án, một đầu máy xe lửa kéo con người vào tù đày. Ngay lúc đặt chân vô phòng tuốt người của Nội an, từng hàng nút áo bứt ra là tù chắc. Hết cựa quậy mà có bị chồng án, kéo dài ngày ra cũng chẳng đến nỗi. Vì quan niệm chắc chắn và ngấm lâu đến quen quá mất rồi nên năm 1958 những đấng quen ra chỉ thị bị hố một cú quá nặng khi cho ra chỉ thị mới: "Nguyên tắc căn bản về thủ tục hình án Liên Sô". In trên báo rồi mới quên không chừa chỗ cho một trường hợp miễn nghị nào hết! Nhật báo Izvestiya ngày 10 tháng 9 năm 1958 nhẹ nhàng sửa lưng: "Chỉ thị như vậy dễ khiến người ta có cảm tưởng, các toà án của chúng ta chỉ có trừng phạt mà không có tha".

Tuy nhiên có thể đặt vấn đề. Tại sao cứ bắt buộc bản án của toà phải có 2 chiều là tống giam và tha bổng, trong khi tổng tuyển cử chỉ có một chiều độc diễn. Xét về kinh tế thì không thể có vấn đề tha bổng! Tha bổng phạm nhân nào là vô hiệu hoá bao nhiêu công tác, bao nhiêu cán bộ làm việc, kể như không sao. Nào điểm chỉ viên, mật báo, nhân viên đi bắt, điều tra viên thẩm cung. Công tố viên truy tố, thẩm phán ngồi xử đều vô ích. Còn giám thị gác khám, còn công voa đưa đi đày…

Dưới đây là một trường hợp xét xử điển hình của Toà án Quân sự. Năm 1941 đạo quân trú phòng Mông Cổ nhàn nhã quá nên có chỉ thị An ninh quân đội phải gia tăng hoạt động. Viên trợ y nhà binh Lozovsky biết thóp bèn áp dụng chỉ thị lập tức để quất tình địch là Trung úy Pavel Chupenyev. Lựa lúc rỗi rảnh chỉ có 2 đứa, Lozovsky bèn gợi chuyện "thảo luận thân mật" để cho ông Trung úy vào bẫy. Đề tài thứ nhất:

"Tại sao quân ta cứ triệt thoái mãi trước quân Đức vậy?"

"Tại chúng trang bị mạnh hơn, chúng điều động trước nên giành được chủ động."

"Đâu phải! Đó là chiến thuật ta triệt thoái để nhử địch vào sâu!"

Đề tài thứ hai:

"Anh có tin là Đồng minh sẽ viện trợ chúng ta?"

"Chắc chắn Đồng minh sẽ viện trợ nhưng chẳng phải giúp chúng ta khơi khơi."

"Xin lỗi. Họ cho chúng ta ăn bánh vẽ. Sẽ chẳng viện trợ gì hết!"

Đề tài thứ ba là: "Theo anh, tại sao Thống chế Voroshilov được gởi qua chỉ huy chiến trường Tây Bắc?". Sau mục "thảo luận thân mật" tay đôi cố nhiên Trung úy Chulpenyev được Phòng Chính trị Sư đoàn gọi lên, bị Đoàn Thanh niên Cộng sản khai trừ lập tức về 3 tội: (1) tinh thần chủ bại, (2) đề cao giá trị vũ khí địch và (3) đánh giá thấp chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh.

Trước phiên bình nghị, tố Chulpenyev hăng nhất là Bí thư đoàn Thanh niên Kalyagin. Chẳng là hắn tác phong quá hèn hạ trong trận Khalkhin Gol mà Chupenyev lại biết tẩy nên hắn mượn dịp quật địch thủ trước. Sau khi bị câu lưu, Chupenyev được gặp gã trợ y để đối chất theo thủ tục. Điều tra viên không chờ đối chất về nội dung cuộc thảo luận tay đôi mà chỉ hướng về nhân chứng Lozovsky hỏi một câu duy nhất: "Chulpenyev, anh biết người này không? Có hả? Tốt, cám ơn. Nhân chứng có thể về!"

Thì ra cuộc đối chất biến thành đối diện! 5

Đơn vị đóng ở Mông Cổ nên Chulpenyev được nếm mùi "nằm giếng cá nhân". Một tháng sau mới được đưa ra phiên toà của Sư đoàn 36 cơ giới, hiện diện có Chính ủy Sư đoàn 36 Cơ giới, hiện diện có Chính ủy Sư đoàn Lebedev và Trưởng phòng Chính trị Slesarev. Nhân chứng Lovzovsky không xuất hiện. Sau này chỉ có chữ kỹ trong hồ sơ. Trước Toà bị cật vấn, Chupenyev cứ sự thật khai và còn nhấn mạnh: "Tôi nói vậy có gì hại đâu? Nhiều người cũng nói có sao?". Toà vặn hỏi: "Ai nói? Cho tên họ đi". Đời nào chịu khai bậy, bị can bèn chối quanh và xin được nói "lời nói chót" là để chứng minh lòng yêu nước xin Toà cứ gởi đến một chỗ nào chắc chết nhất và nếu có thể xin mời ông bạn đã tố cáo đi cùng!

Có đời nào Toà quân sự lại trẻ con, chấp nhận đề nghị "anh hùng rơm" đó? Mật báo viên đã làm xong công tác thì Toà cũng phải làm công tác trừng trị để ngăn ngừa những thành phần nguy hiểm, tư tưởng lệch lạc chứ? Toà đình xử để các quan toà hút thuốc lá và nghị án. Sau đó bản án của Trung úy Chulpenyev là 10 năm tù cộng 3 năm an trí.

Thế chiến II vừa qua mỗi Sư đoàn phải có ít nhất 10 vụ Chulpenyev. Nếu không chẳng hoá ra lập Toà Quân sự cấp Sư đoàn tốn tiền vô ích? Mà chúng ta có bao nhiêu Sư đoàn cả thảy? Đó cũng là lý do những phiên toà quân sự đâm nhàm chán, buồn nản như khuôn mặt quý vị thẩm phán nhà binh. Bản án đã có giá sẵn, thi hành nhất loạt nên quan toà chỉ đóng vai những máy đóng dấu.

Toà như vậy, tuyên án như vậy nhưng ai ai cũng làm nghiêm trang quan trọng, dù biết là phường tuồng hết ráo! Lính áp giải vẫn gốc nông dân, đụng chạm quá nhiều với thực tế càng biết nhiều hơn hết. Nếu không ở trạm dọc đường Novosibirk năm 1945. Ban Tiếp nhận đâu có lối điểm danh phạm nhân lần lượt theo thứ tự điều khoản trừng phạt? Chẳng hạn như:

"Nào bạn 58/1A "đi" 25 năm đứng ra đây!"

Hoặc gã trưởng toán áp giải có thể hỏi một thằng: "Sao, anh làm gì mà bị?" Nghe trả lời: "Tôi có làm gì đâu", hắn cười gằn:

"Anh nói láo! Không làm gì đâu thì chỉ 10 năm."

Gặp trường hợp khẩn Toà Quân sự ngồi một vụ đâu có đến 1 phút. Đứng lên, ngồi xuống là xong! Những lần phải xử 16 giờ liên tiếp, Toà rút vào trong nghị án thì lúc nhìn vô sẽ thấy một bàn đầy trái cây trải khăn trắng. Lâu lâu rỗi rảnh các quan toà nhà binh mới chơi trò tâm lý, nồ phạm nhân bằng bản án tối đa để cho nó lịm người đi đã. Sau một hồi quan sát, ông Chánh thẩm mới hạ giọng: "Xét vì bị can thành khẩn hối ngộ, Toà truyền…".

Có dịp ghé mắt coi phòng xử án Toà Quân sự, để ý chỗ vách tường phòng tù ngồi đợi phiên xử thế nào cũng thấy cả rừng "lưu bút" nguệch ngoạc bằng viết chì hoặc móng tay. "Tử tội X…". "Kẻ lãnh 25 năm…". "Tôi 10 năm". Dĩ nhiên muốn xoá bỏ thì quá dễ nhưng nhà nước có ý để chúng nằm đấy để dằn mặt phạm nhân ngồi đợi xử:

"Cứ coi đấy! Đừng tưởng trước toà chối tội mà dễ. Muốn giở trò gì thì án vẫn là án!"

Đúng thế, cho dù có hiền như cừu, có khúm núm cũng một bản án. Dám hùng biện, tranh luận với quan toà hăng cỡ Olga Slioberg trước Tối cao Pháp viện năm 1936 cũng vô ích. Có ai làm cử toạ đâu, ngoài mấy ông Điều tra viên? Chỉ muốn tăng án là dễ ợt: Thay vì 10 năm muốn tử hình cũng được! Đó là trường hợp Nikolai S. Daskal, năm 1937 ra toà đặc biệt ở Maikop đã nổi hung chửi vào mặt phiên toà do Chánh thẩm Kholik chủ toạ:

"Tụi bay là những quân Phát-xít! Tao lấy làm hổ thẹn mấy năm trời đã hoạt động trong Đảng của chúng bay."

Dĩ nhiên bản án Daskal chỉ có thể tử hình. Nó đã dám mạ lỵ Đảng và cán bộ Đảng trước phiên Toà thì xử nó một lượt cho rồi, đỡ phải xử lần nữa.

Trường hợp bị cáo phản cung trước Toà thì sao? Cũng được, song coi chừng. Cả nhóm phản cung toà vẫn có biện pháp xử trí rất êm.

Chavdarov kể lại một phiên toà lớn, bao nhiêu bị cáo phản cung hết, chối hết tội. Công tố viên gật đầu đứng dậy, đưa mắt nhìn Toà. Vài giây sau Toà tuyên đình, khỏi nêu lý do. Các bị can được đưa khỏi phòng xử. Một số điều tra viên và "phụ tá" từ khám giam cứu chạy sang gấp. Mỗi điều tra viên lãnh một mạng phản cung đưa ngay vô một phòng nho nhỏ ở gần đó.Những gì hiện ra bên trong ai cũng biết. Chừng điều tra viên xong việc thì Toà tái nhóm và lần này chẳng bị cáo nào phản cung hết (vì Toà mà đình xử lần nữa thì nguy quá! Điều tra viên vừa "dặn" hờ mà!).

Vụ án rắc rối nhất mà Toà phải xử thực sự có lẽ là vụ của đồng chí Aleksandr G. Karetnikov, Giám đốc Nha Khảo cứu ngành Dệt 6. Trước khi Tối cao Pháp viện, ban Quân sự nhóm xử, Karetnikov "rỉ tai" lính gác. Gã chạy đi ngay và ông Chưởng lý đồng ý cho gặp gấp vì có mấy khi tự ý phạm nhân chịu khai thêm, khai nhiều chi tiết mới? Tưởng gì, phạm nhân chìa một bên xương quai xanh gãy còn chưa lành cho ông Chưởng lý coi và tuyên bố: "Đấy, bản tự thú như vậy đấy". Ông Chưởng lý "khoái khai thêm" biết mình hố, dính vào vụ rắc rối này dễ kẹt lắm lắm. Vị đại diện Công tố đâm rét, không dám quyết định và đã lỡ cưỡi cọp, Karetnikov đành liều làm tới. Ông Chưởng lý không dám tha, đành để Toà xử.

Trước toà, Karetnikov vẫn chìa chỗ xương gãy ra. Toà Quân sự chưng hửng đành phải nghị xử thực sự. Toà không thể trơ tráo kết tội mà cũng không dám tha bổng, bèn tuyên bố bế mạc, phạm nhân không có án!

Tuy nhiên, Karetnikov thay vì tự do thì chỉ được trả về khám giam cứu. Xương gãy chữa 3 tháng vừa hết lại lãnh trát mới, có ông điều tra viên mới.

Điều tra viên mới hỏi cung rất tử tế khiến Karetnikov tưởng đâu cứ làm tới chắc được tha bổng, làm găng luôn, không nhận bất cứ tội trạng nào. Đúng, hồ sơ không có gì thì Toà xử sao được? Nhưng đã có quyết định của Hội đồng An ninh. Nghĩa là vẫn 8 năm tù! Hội đồng An ninh đã lườm sẵn để làm công việc thay Toà cho tiện, dù Toà án vẫn bị thi sĩ Drezhavin "hạ" bằng mấy vần thơ sau:

Toà không vô tư là Toà ăn cướp
Là nơi Pháp luật ngủ yên
Để dân đen cúi đầu đưa cổ
Ra Toà, cho ông Toà hỏi tội.

Bao nhiêu con người như Karetnikov, như A. D. R… từng được dẫn ra trước phiên Toà ấy chịu phán xét. Tối cao Pháp viện, ban Quân sự! Thời cuộc đổi thay, đến lượt tôi cũng được hân hạnh diễn tiến. Đó là tháng Hai năm 1943, tôi cũng leo 4 thang lầu lên Toà nhưng không phải tội nhân vì bên cạnh tôi có ông Đại tá, chuyên viên nghi lễ rất lịch sử, hào hoa của Đảng. Cũng gian phòng mênh mông, hàng cột cao vút, cũng chiếc bàn móng ngựa khổng lồ bên trong có kê bàn nữa, với 7 ghế cho 7 ông Toà Tối cao ngồi xử. Nhưng bữa ấy tôi được dịp hầu chuyện đông đủ 70 ông Tối cao họp khoáng đại.

Bữa ấy tôi đã nói rằng:

"Thưa quý Toà, hân hạnh làm sao tôi gặp được quý Toà hội họp và đón tiếp long trọng thế này. Xin thú thật tôi là thằng tù bị đày 8 năm và an trí thì gần như vĩnh viễn… vậy mà chưa được thấy mặt một ông Toà nào!"

Theo tôi thì lúc bấy giờ các ông Toà Tối cao chắc phải dụi mắt ngó vì họ đã thấy tận mắt một thằng Zek nào đâu? Nhưng họ không phải thành phần tù cũ, họ xác nhận vậy. Những ông cũ, những ông thời đó không còn ngồi đây nữa. Họ một phần về hưu, một phần bị sa thải (như "chuyên viên tử hình" Ulrikh, năm 1950 dưới thời Stalin cũng bị sa thải. Có thể nào giảm khinh ghê gớm thế?). Có một số bị truy tố dưới thời Kruschhev nhưng đã ngồi hàng ghế bị cáo, có ông còn dám nạt lại rằng:

"Mấy anh coi chừng nghe! Bữa nay tôi đứng ra đây cho mấy anh xử. Nhưng rồi đây chính tôi sẽ xử lại mấy anh!"

Có điều ngày đó không hề có. "Phong trào" Kruschhev bất quá chỉ là lửa rơm, chỉ ồn ào sửa sai lúc đầu để rồi sau đó tắt ngấm. Chỉ được đến đấy là hết!

Làm sao tôi quên được buổi họp mặt hôm ấy và những điều tâm sự, những tiết lộ của những ông toà địa vị cao nhất nước? Có ông lên diễn đàn tố cáo những ông toà chế độ trước, trong các phiên họp công tác dám lấy làm vinh dự vỗ ngực khoe đã thành công hoàn toàn trong việc vận động ngưng giảm khinh. Do đó các đồng nghiệp mới có thể tuyên những bản án 25 năm thay vì 10 năm chớ. Có ông kể tội Toà hồi ấy lệ thuộc Cơ quan một cách quá nhục nhã. Phải nhắm mắt xử theo chỉ thị là thường. Biết sao hơn được? (Thì ra thế!). Có lần cơ quan gửi sang một thằng nào ở Mỹ về can tội nói láo rằng: "Đường sá bên Mỹ tốt hơn bên mình nhiều quá!" để yêu cầu Toà trừng trị. Ông Toà thấy vô lý quá, bèn gởi trả hồ sơ và người về "điều tra lại".

Kết quả là cơ quan nổi nóng, trừng phạt ngay ông Toà đã dám nghi ngờ việc làm của nhân viên cơ quan. Dĩ nhiên ông Toà ẩu vẫn còn làm Toà như thường, nhưng thuyên chuyển ra làm thư ký Toà Quân sự đảo Sakhlin! 7

Nói gì ông Toà, Công tố viện cũng còn phải nể Cơ quan nhiều quá! Năm 1942 Ryumin đã gây bao nhiêu tai tiếng trong ban phản gián Hạm đội miền Bắc. Cả nước biết, Công tố viện cũng biết nhưng không dám truy tố mà chỉ thông báo lịch sự cho xếp Abakumov! Quả nhiên Abakumov đã không trừng phạt còn kêu đàn em về để cho lên chứ" và sau này bị hạ bệ cũng vì Ryumin.

Phải chi bữa đó còn thời giờ thì tôi hẳn còn được nghe nhiều chuyện gấp mười! Nhưng bấy nhiêu đó xét cũng đủ rồi, có điều tôi ngạc nhiên là vì các ông Toà Tối cao vừa nhìn nhau vừa kể cho tôi nghe một cách giản dị quá. Họ cũng quan Toà. Họ cũng là người mà! Sao họ có thể hào hứng tố cáo dễ dàng như vậy? Họ kể có vẻ thiện chí lắm nhưng tôi có cảm tưởng nếu thời cuộc đổi thay, chính những ông này sẽ lại ngồi xử tôi. Có thể chính trong gian phòng Đại hội này. Cố nhiên là tôi sẽ phải có tội, sẽ phải đi tù chắc.

Như vậy tội ở người hay ở chế độ?

Ngạn ngữ cổ có câu: "Luật pháp không đáng sợ. Nên sợ quan án". Nhưng theo tôi thời buổi này phải lật ngược lại mới đúng vì luật pháp dữ dằn, dã man hơn người nhiều. Nhất là luật pháp của Abakumov!

Bữa hôm đó có ông Toà còn lên diễn đàn ca ngợi cuốn Một ngày của Ivan Denisovich, một cuốn sách đọc xong cảm thấy lương tâm yên ổn. Họ cho rằng những gì tôi nói ra còn quá ít, quá tốt vì thực sự đời sống trong Trại Cải tạo còn thậm tệ hơn nhiều, họ cũng biết như vậy. Trông vị nào cũng trí thức cả, đáng độc giả của Novo Mir cả! Họ hăng hái có ý kiến, nào đòi hỏi cải tổ lại chế độ, nào công kích những ung nhọt xã hội, nhất là ở miền quê.

Ngồi lặng yên trước mặt 70 ông Toà Tối cao hăng say như vậy tôi còn biết nói gì? Tôi ngồi yên và không thể không có cảm nghĩ cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovich dù sao cũng chỉ là một giọt nho nhỏ của Sự Thật. Một giọt mà đã thế. Nếu bao nhiêu Sự Thật trút xuống ào ào như thác nước trên đất nước này thì thử hỏi còn phản ứng đến đâu?

Tôi vững tin thế nào cũng có một ngày. Ngày của Sự Thật phải tới.
--------------------------------
1
Cũng trong tài liệu Chưởng lý Vyshynski, vấn đề bản án có sẵn là chuyện xưa rồi! Khoảng 1924-29 toà án phải chiếu "điều kiện" hành chính và kinh tế nữa". Từ 1924 vì nạn thất nghiệp lan tràn, Toà bớt tuyên án "cho đi lao động cải tạo" mà chỉ tuyên án ngắn hạn (đối với thường phạm) cho nên tù rặt những thằng cỡ 6 tháng, lỡ dở. Đầu 1929, Bộ Tư pháp Liên Sô có thông cáo số 5 đả kích những án ngắn hạn và ngày 6 tháng 11 năm 1929 - kỷ niệm 12 năm Cách mạng tháng 10, Ủy ban Hành pháp Trung ương có sắc lệnh tuyệt đối cấm chỉ những bản án dưới 1 năm tù.
2
Lề lối xử án theo gốc gác, giai cấp đã được tái áp dụng mạnh mẽ ở Nam Phi… lúc tranh chấp kỳ thị màu da nổ dữ dội: bất cứ một dân da đen nào bị liệt vào hạng "nguy hiểm cho xã hội" cũng bị giam 1 tháng. Không cần điều tra, xét xử.
3
Đây là một mới lạ… có thể kiểm chứng được trên tờ Izvestia tháng 7 năm 1957.
4
Vì chỉ thị xử án đồng loạt 10 năm + 5 năm để cưỡng bức lao động nên tù thường phạm Babayev đã hét lớn: "Có tròng lên đầu thằng này 300 năm cũng khỏi ngán! Nhấc một ngón tay "lao động" cho nhà nước hưởng thì không!"
Năm 1948 toà quân sự nhóm xử ở Bá Linh tuyên phạt điệp viên thứ thiệt Schultz 10 năm tù. Nhưng Gunther Waschau chưa hề biết gián điệp là gì thì bị quất 25 năm… vì lỡ kẹt đợt 1949, đã có chỉ thị "đồng loạt 25 năm hết"! Năm 1949 khác, năm 1945 khác hẳn chứ?
5
Xin ghi nhận là Lovzovsky đã tốt nghiệp y khoa và hành nghề đàng hoàng ở Mạc Tư Khoa, đời sống dễ chịu, Chupenyev vẫn còn sống cũng ở Mạc Tư Khoa. Ngày ngày đi lái xe điện.
6
Ban Quân sự của Tối cao Pháp viện có thể xử tối cấp tốc như vụ A. D. R., kỹ sư điện. Bị điệu ra Toà, thang máy nhiều người xài quá nên lính áp giải xách cổ hắn, chạy 4 tầng lầu lên phiên xử. Vừa vặn xử xong một thằng đang đưa ra thì A. D. R. bị lính nhét vô. Toà vừa đứng dậy lại ngồi xuống và hỏi sơ qua thủ tục, các ông Toà nhìn nhau gật gù: Bản án 20 năm được tuyên tức thì: Xét ra Toà quyết định còn lẹ hơn A. D. R. lắp bắp khai tên họ (vừa ở khám ra phải chạy 4 tầng lầu). Nhưng phải vậy mới kịp vì A. D. R. vừa bị tống ra đã có một mạng mới bị thảy vô liền.
7
Dưới thời Khruschhev, những ông Toà "lầm lỗi" không đến nỗi bị đi đày như vậy mà chỉ bị nhẹ nhàng đẩy ra khỏi ngành thẩm phán để làm… luật sư! Tờ Izvétiya ngày 9-6-1964 đã đăng tin trên. Thì ra quan điểm luật sư biện hộ là vậy! Dù sao cũng còn hơn dưới thời Lenin nhiều: thời đó ông Toà nào "giảm khinh" nhiều là bị khai trừ ra khỏi Đảng.

8. BÌNH MINH CÔNG LÝ

Không hiểu các dân tộc bạn có vậy không, chớ dân Nga chúng tôi mau quên lắm. Chúng tôi không nhớ nổi chuyện xảy ra mà chỉ nhớ những gì người ta đóng vào đầu óc hoài hoài bắt nhớ. Có thể đức tính mau quên do lòng tốt mà ra nhưng quả dễ bị lừa gạt quá. Nếu người ta muốn chúng tôi quên cả những phiên toà xử công khai thì cũng chẳng nhớ làm chi. Hãy nhớ những gì radio ong óng rót vào tai tối ngày! Tuổi trẻ chưa biết gì không nhớ đã đành, ngay lớp trung niên mắt thấy tai nghe mà hỏi lại về những phiên toà quan trọng quảng cáo rình rang có lẽ họ chỉ nhớ nổi vụ Bukharin, vụ Zinoviev… Nghĩ mãi có thể nhớ ra còn vụ Đảng Kỹ nghệ! Thế là hết, làm như chỉ có bấy nhiêu.

Sự thật thì biết bao nhiêu phiên toà đã diễn ra từ 1918, từ ngày sau Cách mạng. Hồi đó đã làm gì có Luật? Công nông muốn sao thì Toà xử vậy, làm gì có vấn đề hợp pháp hay không? Đó là buổi BÌNH MINH CỦA CÔNG LÝ mà chương sách này sẽ tìm về, băng qua đống tro tàn của quá khứ.

Những năm sôi động đó súng dao còn xài nhiều đâu đã nghỉ ngơi. Mãi sau này mới có lối ban đêm xách người xuống hầm, thảy một viên vào sọ khỉ. Cho đến năm 1918 thủ lãnh Cheka ở Ryazan là Stelmakh còn ra lệnh bắn tù giữa sân, ban ngày cho những đứa khác ngó thấy trước mắt. Hồi đó có danh từ trừng trị bên lề toà án. Không phải không có toà án để làm công việc này mà để Cheka trừng trị thuận tiện hơn 1. Toà cứ việc xét xử và tuyên án tử hình. Cheka cứ "làm riêng" và làm ngoài lề mà căn cứ theo tài liệu đích thực và những con số khiêm nhường nhất của chính ông Toà Latsis thì thành tích trừng trị "bên lề" của cơ quan trong 18 tháng (năm 1918 và nửa đầu 1919) như sau đây. Chỉ tính 20 tỉnh Trung nguyên tức phân nửa nước Nga nên dù sao cũng phải hiểu dưới sự thật rất xa!

• Xử bắn: 8.389 vụ

• Phá vỡ: 412 tổ chức

• Tống giam: 87 ngàn phản động

Xin ghi nhận tám ngàn ba trăm tám chín người bị xử bắn ngoài lề toà án nên quá ít thì bốn trăm mười hai tổ chức lại quá nhiều, xét vì hồi đó dân Nga quen sống riêng rẽ, nghi ngại nhau mà thực sự họ không đủ khả năng để kết hợp ngần ấy phe nhóm! Cũng như số 87 ngàn người bị bắt thì nào phải chỉ có ngần ấy.

(Theo tài liệu của nhóm Chống lại án tử hình năm 1907 thì suốt 80 năm thời Nga hoàng (1826-1906) tổng cộng có 1.937 án tử hình thì 233 vụ được ân xá, 270 vụ vắng mặt không bắt lại được nên thực tế chỉ có 894 người thực sự chịu án. Nếu kể cả 1906 thì nguyên một năm này đã tuyên 1.310 án tử hình, cộng thêm 950 án mà Toà Quân sự Stolypin tuyên trong 6 tháng hoạt động. Toà Stolypin nổi tiếng sát máu nhất nhưng tính bằng con số còn thua Cheka tới 3 lần, không cần án Toà).

Ở buổi bình minh của Cách mạng, tính từ tháng 11 năm 1917, Toà án toàn quyền xét xử, tuyên án. Cho đến 1919 mới có"Người ra chỉ đạo của hình luật Liên Sô", trong đó đặc biệt có điều khoản "câu lưu cho đến khi có lệnh mới". Có 3 hệ thống Toà án:

• Toà án Nhân dân

• Toà án Thông thường các cấp

• Toà án Cách mạng

Toà Nhân dân chuyên xử những vi phạm, những hình phạm không có tính cách chính trị. Không có thẩm quyền tuyên án tử hình đã đành, còn không được tuyên quá 2 năm tù. Cho đến tháng 7 năm 1918, nếu có yêu cầu đặc biệt của chính quyền, áp dụng từng cá nhân không thể hối ngộ mới được tuyên án 2 năm. Ngoài ra thẩm quyền tối đa 5 năm. Nhưng năm 1922 hết nguy cơ chiến tranh rồi, Toà án Nhân dân lại được tăng thẩm quyền lên 10 năm, với điều kiện không được kêu án dưới 6 tháng!

Toà án thông thường cũng như Toà án Cách mạng ngay từ đầu đã có thẩm quyền tuyên án tử hình nhưng bị rút quyền trong một thời gian ngắn. Toà thường năm 1920 và Toà Cách mạng năm 1921.

Riêng Toà Cách mạng, như tên gọi, đâu chịu ngủ yên. Toà làm việc theo lề lối cách mạng. Mỗi lần một đô thị được giải phóng là một lần khét lẹt mùi khói súng Cheka và duy nhất vì những phiên toà Cách mạng sáng đêm. Đâu phải ít án tử hình. Mà không cần phải Sĩ quan phản động, địa chủ, tu sĩ hay có chân trong các Đảng đối nghịch mới ra Toà Cách mạng. Có bàn tay không có chai cũng đủ chết!

Đó là thời gian những cuộc nổi dậy và đàn áp bùng nổ tứ tung ở địa phương mà thành phần nông dân còn lãnh nặng hơn nữa. Nhất là từ 1918 đến 1921, dù lịch sử Nội chiến không ghi lại những hình ảnh nông dân hè nhau vác gậy vác cuốc vùng dậy chống đại diện để rồi sắp hàng dài dài, tay trói quặt sau lưng chịu chết. Mười mạng đổi lấy một cũng cam! Có điều những cuộc nổi dậy quá lẻ tẻ, địa phương nào biết địa phương ấy, không đếm được.

Sau này ông Toà Latsis mới lập bảng thống kê: ít nhất ở 20 tỉnh đồng bằng năm 1918 và 6 tháng đầu 1919 nhà nước cũng phải dẹp tới 344 vụ nông dân khởi loạn. Tuy nhiên quan điểm của nhà nước thì đấy chỉ là bọn kulak làm loạn, chớ nông dân có đời nào chống lại chính quyền công nông? Nhưng làm loạn đâu phải một vài nhà. Cả làng nổi dậy! Họ vác cày vác gậy, không phải để diệt kulak làm loạn mà cùng với kulak xông ào vào các ổ đại liên của chính quyền công nông. Giải thích sự kiện ngược đời ấy, ông Toà Latsis cho rằng nông dân đã bị kulak xách động, hoặc xúi biểu, hứa hẹn hoặc đe doạ bằng mọi cách. Hứa hẹn thì còn gì hứa hẹn bằng các khẩu hiệu nhà nước… mà đe doạ thì có gì dữ dội bằng các ổ đại liên?

Để hiểu lề lối làm việc của các phiên toà Cách mạng không gì bằng thuật lại vụ án điển hình xử công dân I. Y. ở Ryazan năm 1919. Đó chỉ là một trong 54.697 thằng đào ngũ bị bắt và gởi ra chiến trường Ryazan tháng 9 năm 1919.

Năm 1919 Hồng quân có lệnh cưỡng bách nhập ngũ dù mới năm trước tung ra nhiều khẩu hiệu phản chiến "Đả đảo chiến tranh…", "Cho về hết…", "Lưỡi lê cắm xuống đất"…

Công dân I. Y. vốn Công giáo thuần thành, chịu ảnh hưởng Tolstoi nặng, bị bắt lính nhưng không chịu vác súng tập luyện để ra trận "bắn vào các anh em". Bị đưa tới Cheka vì tội "không công nhận chính quyền Sô Viết" và ba thằng dí súng lục Naguan vào hông hét lớn: "À, mày anh hùng hả? Bao nhiêu thằng anh hùng chỉ một phút là phải quỳ lạy tụi tao hết! Không đi chiến đấu là bắn bỏ". Bắn thì bắn, I. Y. không chịu nên đành phải ra Toà Cách mạng.

Trước Toà Cách mạng có ông luật sư già biện hộ I. Y. Ủy viên buộc tội (chưa gọi Công tố viện) cũng là một luật sư già. Có gã bồi thẩm cứ sỉ vả bị can: "Thanh niên công nông thứ anh mà lại chịu làm đệ tử của thằng Bá tước già quý tộc Tolstoi sao?". Chánh thẩm phải gạt đi hắn mới thôi!

"Anh không được cầm súng giết ngườI, còn hô hào người khác. Bọn phản động gây chiến, anh dám phá hoại cuộc chiến đấu tự vệ của nhà nước! Cho anh đi Kolchek, tha hồ cỗ võ hoà bình."

Bị can chấp nhận "Muốn đi đâu cũng được", nhưng Ủy viên buộc tội nhân danh một luật gia can thiệp:

"Xin lưu ý Toà Cách mạng chỉ xử những ca phản cách mạng, không phải để xử những vụ đào ngũ như thế này. Trên phương diện luật pháp, đề nghị Toà chuyển sang một Toà án thường cho đúng thủ tục…"

"Toà Cách mạng đủ thẩm quyền xử. Toà xử heo tinh thần Cách mạng, không xử thủ tục luật pháp."

Ủy viên buộc tội yêu cầu chánh thẩm ghi câu đó vào hồ sơ. Luật sư cũng lên tiếng ủng hộ, xin Toà Cách mạng chuyển sang Toà thường thì bị Chánh thẩm nạt: "Mấy anh già rắc rối! Để Toà thường xử thì đến bao giờ?"

Coi là bị nhục mạ, ông luật sư già cũng yêu cầu ghi hồ sơ thì Chánh thẩm cười hề hề: "Muốn ghi thì ghi! Ghi hồ sơ liền đi". Cả phòng xử cười rầm thì Chánh thẩm tuyên đình xử để Toà Cách mạng vô nghị án! Sau một hồi nghị án kín ồn ào như mổ bò, Toà tái nhóm để nghe ông Chánh thẩm tuyên án: Tử hình, xử bắn.

Phòng xử xôn xao, Ủy viên buộc tội la lên: "Tôi chống án! Tôi sẽ thượng tố lên Bộ Tư pháp". Luật sư hùa theo "Chống án" thì ông Chánh thẩm Toà Cách mạng xua tay tuyên bố:

"Toà bãi xử. Truyền giải tán."

Áp giải "tử tội" I. Y. về khám, trưởng toán hộ tống còn khen ngợi:

"Nếu mọi người đều dám như chú mày thì khá quá! Hết chiến tranh, không có đỏ mà cũng chẳng có trắng."

Vì bản án quá vô lý nên đơn vị Hồng quân ở Ryazan nhóm ban đêm để sáng mai đánh kiến nghị phản đối về Mạc Tư Khoa.

"Tử tội" I. Y. nằm khám đợi kết quả 37 ngày. Qua cửa sổ nhìn xuống ngày nào chẳng thấy hành hình. Nhưng rốt cuộc bản án tử hình bị bác, chỉ phải chịu án 15 năm cấm cố.

Đó là một vụ án điển hình nhưng đặc biệt. Có mấy người tranh đấu lì được như I. Y.? Ủy viên buộc tội có đồng ý với luật sư biện hộ bao giờ? Không phải trách nhiệm, toán lính áp giải còn uất ức, nhất định có thái độ là một điều hiếm có! Bản án chứng tỏ không phải Công nông và Toà Cách mạng muốn gì được nấy dễ dàng. Cũng gay go lắm!

Bây giờ lần giở lại những phiên toà của thời kỳ Bình minh Công lý quả là gian nan. Người viết sử biết căn cứ vào đâu? Kẻ chết ngậm miệng, kẻ đi đày mỗi người một phương, bị cáo, chứng nhân, luật gia hay lính áp giải chẳng ai dám nói sự thật. Chỉ có một nguồn gốc có thể đào lên được là núi hồ sơ Công tố.

Hồ sơ quý nhất tôi được hân hạnh tiếp nhận là tập tài liệu in nguyên văn những bản cáo trạng nảy lửa trong những vụ án lớn nhất mà tác giả không ai ngoài chiến sĩ Cách mạng Krylenko. Đừng quên Krylenko từng nắm chức Bộ trưởng Binh vụ đầu tiên của chính phủ Công nông, từng là Tổng Tư lệnh và từng lãnh trọng trách tổ chức những Toà án Đặc biệt của Bộ Tư pháp. Kể như lãnh tụ cốt cán cho đến khi bị chính Lenin gạch bỏ và từ cương vị Chưởng lý buộc tội biến thành kẻ thù lớn của nhân dân! Để hiểu rõ không khí những phiên toà những ngày đầu tiên sau Cách mạng (1918 - 1922) thì hồ sơ Krylenko quả là tài liệu giá trị số một.

Phải chi còn giữ lại được những biên bản tốc ký ghi không sót một lời đối đáp của nạn nhân, lời chất vấn hay buộc tội của những ông Toà đầu tiên giờ đã ra người thiên cổ, ở vào một giai đoạn bất trắc, không ai dám ngờ sẽ đốt cháy không tha một ai, kể cả những ông Toà Cách mạng!

Chưởng lý Krylenko giải thích vì rất nhiều lý do trở ngại kỹ thuật không thể công bố toàn bộ biên bản. Chỉ cần đăng cáo trạng buộc tội và bản án là đủ. Ông Chưởng lý còn chê tất cả biên bản tốc ký giữ trong Văn khố Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa và Toà Cách mạng Tối cao cho đến 1922 đều ghi vô trật tự đọc lại không hiểu nổi, đoán không ra! Có những vụ án quan trọng như xử đảng viên Xã hội Cách mạng, xử Đô đốc Schhastny hoàn toàn không có biên bản tốc ký.

Sau Cách mạng tháng 2, Cách mạng tháng 10, thì vụ trừng phạt đảng viên Xã hội Cách mạng kể như khúc quanh quan trọng thứ ba trong lịch sử Nga, đánh dấu sự chuyển hướng sang độc đảng, số tử hình khá cao. Vậy mà Toà không giữ lại biên bản, hay không làm biên bản?

Năm 1919, Cheka phát giác và dập tắt âm mưu khuynh đảo của nhóm tướng lãnh, sĩ quan. Theo Krylenko thì bắt được trên một ngàn phản động hiển nhiên phải có âm mưu thật, do đó Cheka phải xử chúng "bên lề Toà án". Số phản động đông như vậy Toà xử sao cho xuể?

Cũng nhờ tài liệu Krylenko mới hay thời đó Ủy ban Hành pháp Trung ương có quyền can thiệp vào bất cứ vụ án nào, có thói quen ân xá hay tăng án vô hạn định. Gọi là Ủy ban Hành pháp Trung ương nhưng thực tế chỉ một mình Chủ tịch Sevrdlov quyết định nên ông Chủ tịch cũng đồng ý với ông Chưởng lý là "Hành pháp và Lập pháp của chúng ta không mắc bức tường giả dối thẩm quyền như Âu Mỹ nên chúng ta làm hữu hiệu hơn, giải quyết công việc cấp kỳ". Nghĩa là việc gì cũng giải quyết gấp bằng điện thoại được, ngồi văn phòng ông Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, vẫn có thể tăng án từ 6 tháng lên 10 năm.

Thảo nào trong các cáo trạng, Chưởng lý Krylenko từng vạch rõ nhiệm vụ của Toà án Liên Sô vừa đẻ ra luật và là võ khí chính trị. Dù đẻ ra luật mà cầm quyền được 4 năm, vứt hết những bộ luật cũ của thời quân chủ, chế độ mới vẫn chưa có luật, xét vì "Toà Cách mạng thời đại Cách mạng không bó buộc phải dựa hoàn toàn vào những đạo luật có sẵn, mà cũng chẳng phải nơi khoe luật, đấu luật. Chúng ta tạo luật mới, đặt bình diện luân lý mới… không câu nệ ý thức nào công lý, nào sự thật mà vì nó chúng ta suýt phải trả giá đắt.

Quan điểm Krylenko là Toà Cách mạng không phải Toà mà là bộ phận tranh đấu của Công nông chống thù địch, đặt quyền lợi Cách mạng lên trên hết và phục vụ Công nông trước hết cho nên Toà không đặt vấn đề bị can có tội hay khôngtheo quan niệm trưởng giả lỗi thời. Yếu tố quyết định duy nhất phải là giai cấp. Toà Cách mạng không khoe luật, đấu luật, bao nhiêu lý luận pháp lý đều vô dụng một khi Toà không xử theo tinh thần một đạo luật, không đặt vấn đề giảm khinh mà căn bản là phải tiêu diệt kẻ thù giai cấp, không phải vì tội mà nó đã phạm nhưng có thể phạm sau này, nếu không tiêu diệt bây giờ.

Vậy thì tìm hiểu thêm làm gì buổi bình minh của Công lý khi quan điểm Krylenko đã rõ ràng như vậy và tự nó đã nói lên đầy đủ vai trò và công dụng của Toà án những năm đầu tiên sau Cách mạng? Hãy nhắm mắt một phút để tưởng tượng một phiên toà có ông Chưởng lý Krylenko ngồi buộc tội, chiếc áo vét lao động mở cổ để lộ áo lót kẻ sọc kiểu thủy thủ. Ngôn ngữ Krylenko thì điển hình ưa chơi chữ, lâu lâu xài điển tích Latinh (một nhà cách mạng có học, có chuyên môn mà). "Đặt vấn đề sự kiện đi", "Yếu tố khuynh hướng cần định rõ trong trường hợp này". Tuy nhiên, ông Chưởng lý cũng có thể có phản ứng rất bình dị để bật ra trước mặt bị can: "Quân vô loại chuyên nghiệp!"

Krylenko cũng chẳng phải giới thâm trầm, đạo đức giả. Trường hợp bắt gặp một bị can dám mỉm cười, người không ngần ngại dằn mặt thẳng thừng, không quanh co úp mở ngay trước khi buộc tội:

"Công dân Ivanova, chị sẽ trả giá nụ cười bằng thân phận của chị. Cố nhiên chúng tôi sẽ có cách để chị không bao giờcười được nữa!"

Ở buổi bình minh của Công lý có nhiều bản án có thể gọi là điển hình của thời đại mà nhân vật chính là ông Chưởng lý Cách mạng Krylenko. Xin kể qua một vài vụ:


Vụ báo Russkiye Vedomosti

Đây là vụ án tự do báo chí đầu tiên, một thử thách của chế độ vừa làm xong Cách mạng. Nhật báo Russkiye Vedomostinổi danh "chuyên nghiệp" ngày 28-3-1918 đăng bài "Lên đường" của Savinkov. Báo vừa ra là nhà nước muốn vồ tác giả gấp, nhưng không nổi vì Savinkov đã "lên đường" đúng lúc. Không có tác giả thì báo bị đóng cửa và ông Chủ nhiệm Yegorov ra toà để trả lời tại sao dám đăng bài ấy. Vì chế độ MỚI vừa vặn có 4 tháng nên ông chủ báo còn ngây thơ giải thích: "Bài do một cây viết lỗi lạc viết, nói lên một ý kiến mà toà soạn không nhất thiết phải đồng quan điểm". Theo Yegorov thì "Lên đường" không hề mạ lỵ, xuyên tạc mà chỉ nói lên một sự thật là "nhóm Lenin, Natanson đã về nước qua ngã Bá Linh" nghĩa là nước Đức của Hoàng đế Wilhelm đã đưa giùm đồng chí Lenin về Mạc Tư Khoa làm cách mạng vô sản.

Chưởng lý Krylenko gạt bỏ, nói rõ là báo Vedomosti không bị truy tố về tội "mạ lỵ, xuyên tạc" mà vì "âm mưu gieo ảnh hưởng trong quần chúng". Vì dám phạm tội ấy, tờ báo nhà nghề xuất bản từ 1864 trải qua bao giai đoạn khó khăn nhất đã bị Cách mạng đóng cửa vĩnh viễn. Chủ nhiệm Yegorov bị án biệt giam 3 tháng và ở tù như đi du lịch Hy Lạp vậy!

Nếu ông Chủ nhiệm còn sống lâu chút nữa chắc chắn sẽ còn vào tù ra khám hoài. Dầu sao cũng mới năm 1918 và dầu sao cũng có tiền!

Vì dù Cách mạng có bùng nổ ghê gớm thật thì hối lộ vẫn là "nếp sống" Nga từ thượng cổ thời đại. Như bây giờ và mãi mãi, người đưa vẫn đưa, người nhận vẫn nhận nhẹ nhàng. Lo lót nhiều nhất vẫn là ngành Tư pháp và Cheka! Sách sử vàng son cố nhiên không có ghi nhưng ông già bà cả sẵn sàng làm chứng rằng những năm đầu của chế độ Cách mạng vận mệnh tù chính trị nằm gọn trong một chữ tiền. Tiền đưa ra là người về một cách tự nhiên, vô tội! Giai đoạn 1919 - 1924, Krylenko xác nhận có khoảng 10 vụ, nhưng chỉ kể ra 2. Thực tế là ngay cả Toà Mạc Tư Khoa lẫn Tối cao Pháp viện cũng trưởng thành chật vật trên ngả đường quanh co của hơi đồng.


Vụ 3 thẩm vấn viên Tòa Cách mạng Mạc Tư Khoa

Tháng 3-1918 nhà buôn vàng khối Beridge bị bắt. Bà vợ chạy đi lo chuộc chồng, móc nối được một ông thẩm vấn viên Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa và kéo thêm 2 ông đồng nghiệp. Họ ra giá 250 ngàn đồng rúp nhưng kéo nài mãi thành giá 60 ngàn, đặt cọc ½ trước, tiền sẽ trao ở Văn phòng luật sư Grin. Thu xếp kín đáo vậy là xong, có đời nào vụ chuộc người lọt vào hồ sơ Krylenko và để Quốc hội bận tâm? Bao nhiêu vụ khác êm đẹp cả chứ? Nhưng phút chót mụ vợ chỉ mang tới 15 ngàn rúp tiền cọc cho luật sư Grin, đã vậy đêm về suy tính lại không chịu ông luật sư này. Sáng mai tới lo ông Yakulov. Cố nhiên ông đồng nghiệp này đầu cáo gấp.

Ngay tháng 4 nội vụ ra Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa. Nhân chứng chưa giác ngộ, cứ lo che giấu cho bị cáo làm Công tố viện khó xử. Họ bị Chưởng lý Krylenko cảnh cáo đầu óc chất hẹp, hủ bại với con buôn. (Nhưng họ đã dám đụng đến các thẩm vấn viên Toà Cách mạng quả đã liều lắm lắm!).

Điều đáng kể là cả 3 ông thẩm vấn vừa là cộng sự viên thân thiết của Toà Cách mạng, đồng chí và giúp việc đắc lực cho Công tố viện (như ông Leist từng nổi tiếng thẩm vấn quá gắt) nhưng vừa phạm tội là bị quật thẳng tay. Không phải vì tội tham nhũng, làm mất mặt Toà Cách mạng! Họ bị đào bới quá khứ, tới gốc gác nghĩa là vấn đề giai cấp được đặt ra.

Thẩm vấn viên Leist bị moi gốc tích: nguồn gốc trí thức thụ động, cha là giáo sư đại học Mạc Tư Khoa, nổi tiếng phản động từ 20 năm, không chịu sinh hoạt chính trị! Sự thối nát, tham nhũng đã bị bới tận gốc.

Thẩm vấn viên Podgaisky bị moi gốc con công chức cao cấp Toà án chế độ cũ, có ông cha phản động từng cộng tác với chế độ bảo hoàng 20 năm và điều nổi bật là bị cáo đang học Luật đã vận động, luồn lọt vào được Toà Cách mạng với dụng tâm phá hoại.

Bị truy gốc nặng hơn cả là Gugel trước khi lọt vô Toà Cách mạng đã làm nghề xuất bản. Hắn làm sách không phục vụ cho Công nông, không in tác phẩm Marx mà chỉ chuyên cho ra những thứ văn chương đồi bại của bọn trưởng giả có đầu óc thân Tây phương, cố tình đầu độc tinh thần quần chúng.

Theo Krylenko, cả 3 tên Leist, Podgaisky, Gugel đều không phải cán bộ tốt mà là phường sâu bọ trí thức, chui vô cơ sở để bôi bẩn Toà Cách mạng. Trong khi đó, luật sư Grin nổi tiếng có gốc lớn, bồ bịch ăn có với giới chức cao cấp Công tố - một chuyên viên vớt người ra khỏi tù đày - thì bị Krylenko liệt vào hạng "trí thức hoạt đầu, một con đỉa sống bám vào cơ cấu tư bản chủ nghĩa".

Do đó, Chưởng lý Krylenko yêu cầu Toà Cách mạng trừng trị gắt các bị can, không phải chỉ vì tội nhận hối lộ, tham nhũng mà thôi! Vậy mà Toà Cách mạng chỉ chịu tuyên án quá nhẹ: các thẩm vấn viên mỗi người 6 tháng tù còn ông luật sư "móc nối" chỉ phạt vạ. Lập tức Krylenko chạy lên ông Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương để xin can thiệp mạnh. Bản án tức thì được đổi: 3 ông thẩm vấn viên bị tăng án - theo thẩm quyền của Ủy ban Hành pháp Trung ương - lên mỗi người 10 năm tù. Luật sư Grin chỉ bị 5 năm nhưng tịch thu toàn bộ gia sản.

Vụ án 3 ông thẩm vấn viên Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa cho thấy 2 điều:

"Lập trường Công tố căn cứ thuần túy ở "giai cấp tính".

"Bản án Toà đã tuyên xử không có nghĩa gì trước quyết định "thẩm quyền" của Ủy ban Hành pháp Trung ương.


Vụ thanh tra đoàn Cheka hủ hóa, tham nhũng

Kosyrev và ba bồ bịch Libert, Rothenberg, Solovyev, là cán bộ Ủy ban Cung cấp Thực vật liệu chiến trường miền Đông. Trước Toà Cách mạng ngày 15-2-1919 cả bọn nhìn nhận đã lợi dụng chức vụ, nuốt nhiều số tiền từ 70 ngàn đến 1 triệu đồng rúp tậu nhà, sắm xe hơi, tiệc tùng xa xỉ, chơi ngựa đua và giải trí bằng đàn bà đẹp! Toà Cách mạng không truy cứu tội tham nhũng đó, dù Ủy ban bị giải tán tức thời. Cả ba từ mặt trận miền Đông về, không bị hạ công tác mà còn được cử vô Thanh tra đoàn của Cheka cùng với Nazacenko, cựu tù nhân khổ sai, từng đi đày Tây Bá Lợi Á cùng Kosyrev.

Điều làm mọi người kinh ngạc là không hiểu sao thành tích như vậy mà cả năm người lại được cử vào một chỗ quá nhiều quyền hành? Trong nội bộ Cheka Thanh tra đoàn đứng cao hơn hết, chỉ đứng dưới có Chủ tịch đoàn gồm 5 ông lớn: Dzerhinsky,Urilsky, Peters, Latsis, Menzhinsky và Yagoda. Có quyền điều tra, giám sát tất cả các Nha Sở trừ Chủ tịch đoàn. Bất cứ lúc nào cũng có thể mở hồ sơ công tác kiểm soát, toàn quyền bác bỏ mọi quyết định của các cấp kia mà.

Nếp sống của 5 ông Thanh tra Cheka được mô tả cực kỳ hào hoa. Cùng với một nhóm bà hủ hoá không phải đảng viên, họ lập nhiều "Câu lạc bộ du hí" có rượu, có đàn bà và có sòng bài ăn thua hàng ngàn đồng rúp. Ông Kosyrev còn có "tổ quỹ" riêng, trị giá 70 ngàn rúp, mỗi lần tiệc tùng bày toàn muỗng nỉa bạc, ly pha lê. Không lẽ ý thức hệ, biện chứng hay cơ quan đã cung phụng ngần ấy thứ? Không, ông Thanh tra được hưởng phần gia tài, cỡ 200 ngàn rúp để trương mục nhà hàng Chicago!

Cấp "thẩm quyền" Thanh tra đoàn như Kosyrev thì thiếu gì cơ hội can thiệp ra tiền. Buổi giao thời Cách mạng bọn có tiền của vòng vàng, châu báu bị cơ quan chiếu cố quá nhiều. Thân nhân muốn chuộc mạng chỉ cần tìm cho đúng trung gian. Còn tay trung gian nào "dẫn mời" đắc lực bằng người đẹp Uspenskaya, hai mươi hai tuổi… nữ sinh tốt nghiệp trung học, mật báo viên tình nguyện của Cheka? 2. Người đẹp xác nhận trước Toà làm mật báo viên chỉ để lấy tiền thưởng nhiều ít tùy từng vụ và có áp phe còn được "chia hai". Chia với ai Toà không bắt khai (để bảo vệ bí mật công tác!). Nhưng Krylenko vạch rõ nữ mật báo viên Uspenskaya có lãnh tiền Cheka là lãnh tiền thưởng chứ không phải lương vì không phải nhân viên chính thức 3. Số lương tháng 500 rúp của Hội đồng Kinh tế Tối cao nào có nghĩa gì so với số tiền áp phe 5 ngàn đồng (xin cho một nhà buôn một con dấu của Hội đồng Kinh tế Tối cao thôi!) và 17 ngàn rúp do vợ tù nhân Meschherskaya Grevs "đền ơn"!

Vụ Thanh tra đoàn Cheka tham nhũng đổ bể cũng vì mật báo viên Uspenskaya hướng dẫn mụ Grevs đi gặp Godelyuk, bồ bịch tin cậy của Thanh tra Kosyrev để xin hạ bớt số tiền chuộc 600 ngàn đồng rúp chạy không nổi! Móc nối bí mật thế nào mà bị ông luật sư Yakulov đánh hơi ra và đầu cáo tức khắc 4 với Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa. Chánh thẩm Toà Cách mạng cũng đang bận vì Cơ quan can thiệp với Ủy ban Hành pháp Trung ương quất 3 thẩm vấn viên bản án quá nặng nên mượn dịp này chơi lại Cheka. Nên thay vì gác hồ sơ, thông báo thân thiện cho xếp lớn Dzerhinsky để "giải quyết êm đẹp nội bộ" thì hắn quyết làm lớn chuyện.

Ông Chánh thẩm bèn đích thân thẩm cung Godelyuk, có tốc ký viên núp sau màn ghi lại đầy đủ chi tiết những lời khai của trung gian Godelyuk về vụ móc nối ăn chia với Thanh tra Kosyrev, thanh tra Solovyev. Biên bản ghi rõ trong Cheka những ông nào ăn, ăn bao nhiêu và sau khi lãnh tiền cọc 12 ngàn rúp hắn đã đưa mụ Grevs vô trong Cơ quan "nhờ vả" Libert và Rottenberg như thế nào. Phiếu nhập sở của mụ Grevs còn rành rành chữ ký của hai ông Thanh tra nằm ở Phòng Điều tra vừa được Thanh tra đoàn buộc chuyển gấp lên kiểm chứng lại.

Chứng cớ phạm pháp rành rành vậy, cả 5 ông Thanh tra cao cấp nhất cơ quan dính một lượt, nội vụ lại diễn tiến ngay trong sở và đang bị Toà Cách mạng lập biên bản chi tiết do chính kẻ móc nối phun ra thì còn gì là thanh danh, còn gì màu áo xanh da trời cao đẹp của Cheka? Đồng ý lâu nay vẫn có "xúc động công vụ" dài dài giữa Cơ quan và Toà án Cách mạng, nhưng không lẽ cùng phục vụ Cách mạng vô sản mà cán bộ cao cấp hai bên cứ rình từng cơ hội để gài chơi nhau sát ván? Gã chánh thẩm chỉ vì ganh tức, bực bội mà dám quất một lượt 5 cán bộ Thanh tra đoàn hay chính hắn cũng có liên hệ gì đó trong vụ này?

Những vụ lẻ tẻ đó khỏi bàn. Vấn đề lớn là thể diện, uy tín của Cheka. Không thể để Cheka mất mặt nặng như vậy!

Không hiểu cố ý hay tình cờ mà Toà Cách mạng gởi phạm nhân Godelyuk vô khám Taganka thay vì Lubyanka, nhà giam "ruột" của Cơ quan. Nhưng Thanh tra Solovyev vẫn xin phép Toà cho vô thăm Godelyuk. Toà khước từ. Với tài nghệ cá nhân, Solovyev vẫn lọt vô được xà lim của hắn để "nói chút chuyện", Không cần phép Toà. Sau đó phạm nhân Godeyuk bỗng lâm bệnh, bệnh nặng. Trước khi hấp hối, biết khó sống hắn đã thành tâm phản tỉnh, rất lấy làm hối hận đã vu cáo Cơ quan nên năn nỉ xin mảnh giấy để tự tay viết bản tự thú. Hắn đã bôi nhọ cán bộ Cơ quan nhất là Kosyrev và biên bản tốc ký ghi sau màn hoàn toàn không có thật.

Còn tấm giấy nhập sở có chữ ký Libert và Rottenberg cho mụ Grevs vô thì sao? Thì bỏ! Có ai đưa, ai tổ chức đưa Solovyev vô khám Taganka để có chút chuyện nói với Godelyuk? Ông Chưởng lý Krylenko cho rằng thiếu bằng chứng phạm tội, cũng như Solovyev có thể được đưa vô bởi nhóm người nào đó có liên hệ và còn tại đào.

Dĩ nhiên Toà Cách mạng phải cho đòi 2 Thanh tra Libert, Rottenberg. Có trát bắt buộc nhưng họ không ra. Họ lánh mặt. Đòi đến mụ Grevs thì đến mụ cũng không thèm ra mà Toà Cách mạng cũng chẳng có cách nào dẫn giải! Gốc trưởng giả phản động mà dám coi thường cả trát Toà Cách mạng thì lạ quá. Nhân chứng kiêm phạm nhân Godelyuk chết dở thì phản cung. Chánh phạm Kosyrev không chịu nhận bất cứ một tội gì. Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa còn ai nữa mà xét xử?

Ngay lúc đó có 2 nhân chứng không được Toà vời ra cũng "tình nguyện" làm chứng cho Kosyrev! Một là đồng chí Phó Tổng giám đốc Peters. Hai là đích thân đồng chí Tổng Giám đốc Feliks E. Dzerdzinsky. Nội sự hiến dâng của đồng chí Tổng Giám đốc Cheka bằng xương bằng thịt trước Toà cũng làm mấy ông Toà Cách mạng rầu quá! Ông Tổng Giám đốc quả quyết Thanh tra Kosyrev vô tội. Một đồng chí trung kiên, tinh thần phục vụ cao, chuyên môn lỗi lạc. Cố nhiên đây là một vụ vu cáo.

Vu cáo thật, nếu giở lại tiểu sử của đồng chí Thanh tra Kosyrev lỗi lạc, trung kiên của Cheka! Thành tích ở tù trước Cách mạng của Kosyrev lẫy lừng đô thị Kostroma với mấy bản án sát nhân: bẻ cổ giết bà già Smirnova, toan giết cha, sát hại một đồng đội để đoạt giấy thông hành. Số còn lại toàn án lừa đảo. Nhờ lệnh đại xá của Nga hoàng hắn mới được phóng thích chớ Kosyrev thì hết đi đày đến chịu án khổ sai. (Có dịp ăn chơi là ông Thanh tra chơi bằng thích cũng phải!).

Đặc biệt trong vụ án này Chưởng lý Krylenko nghiêng hẳn về phía chống tham nhũng, thối nát, dù được nghe ông Tổng Giám đốc Cheka doạ dẫm: "Kosyrev có thể là nạn nhân oan uổng của sự tranh chấp quyền hành giữa các Cơ quan".Nhưng dù sao cũng xác định thái độ để tránh mọi hậu quả vì phải có lý do gì tay tổ Cheka mới hối hả ra toà làm một nhân chứng tầm thường chứ? Nên nhất quyết buộc tội sau khi rào đón:

"Tôi không bao giờ muốn và cũng không đủ thẩm quyền để muốn biến vụ án Thanh tra đoàn này thành vụ án xét xửCheka. Hãy quan niệm giản dị rằng chỉ kẻ nào có tội là kẻ ấy sẽ bị trừng phạt đích đáng và để làm công việc ấy, Công tố viện cương quyết làm cho ra lẽ".

Có lẽ không dám phiêu lưu quá xa để bênh vực bọn thuộc cấp phạm pháp quả tang quá rõ nên Dzerdzinsky rút lui ngay để vận động ngả khác. Toà đình xử. Mấy ngày liền sóng gió tơi bời trong nội bộ Cheka. Phải chi cứ đà đó mà tiến thì ngày giờ này đâu còn Lubyanka? Chắc là ông Tổng Giám đốc Cheka đã phải xin gặp Lãnh tụ để "giải thích" không xong nên ngày 17 tháng 2 năm 1919 Lenin mới có lệnh đặc biệt tạm bãi bỏ quyền xét xử bên lề Toà án của Cheka.

Như vậy phải hiểu là Toà Cách mạng đã được bật đèn xanh, với điều kiện giới hạn. Tai hại là sau khi Toà tái nhóm có mật báo viên ngày nào và bây giờ là nhân viên Cheka đã phun bậy nhiều quá. Uspenskaya đã lồng lộn tố cáo giới thẩm quyềnCơ quan, kể cả đồng chí Phó Tổng Giám đốc Peters mà người đẹp đã mượn tên để hù ra tiền và từng nhiều lần ngồi vắt vẻo trên buya-rô trước mặt nhân viên dưới quyền! Lại còn tố cáo quá khứ Peters hồi ở Riga.

Mới có 8 tháng trời làm cho Cheka mà người đẹp đã nguy hiểm vậy! Đó là lý do Chưởng lý Krylenko lên tiếng trừ khử giùm một tai hoạ cho Cơ quan:

"Cho đến ngày chế độ ta vững mạnh, thì để bảo vệ cách mạng thiết tưởng không bản án nào thích hợp với nữ công dân Uspenskaya cho bằng bản án tối đa. Một bản án 10, 25 năm chắc chắn không đem lại kết quả nào hết. Một người như thế giam giữ không được!"

Đúng, Uspenskaya không phải là người giam giữ được. Một người biết quá nhiều nên quá nguy hiểm. Một người dám nói bừa.

Một người như vậy không để sống được. Phải thủ tiêu luôn cùng một lúc với bản án xử bắn Kosyrev. Phải hy sinh một ông Thanh tra để cứu gỡ những ông Thanh tra khác, cả thể diện Cơ quan chứ.

Sự thật bề trong của bản án như thế nào sau này chỉ có thể tìm trong Tổng văn khố Lubyanka. Nhưng cả núi tài liệu, hồ sơ đã ra tro trong lò lửa từ lâu.


Vụ án các hàng giáo phẩm Mạc Tư Khoa

Theo Chưởng lý Krylenko, đây là một vụ án sẽ ghi lại trong lịch sử án lệ Cách mạng Sô Viết. Nếu vụ Thanh tra đoànCheka tham nhũng chỉ cần 1 ngày để xin cái đầu Kosyrev thì vụ án tôn giáo kéo dài từ 11-1 đến 16-1 năm 1920 trước Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa.

Bị cáo chính là 4 cấp lãnh đạo Giáo hội:

• A.D. Samarin, chức sắc cao cấp của Giáo hội Nga, từng chống lại giáo gian Rasputin, cứu Giáo hội khỏi ách thống thuộc của Nga hoàng, nguyên Chánh đại diện Đại hội Tôn giáo toàn quốc

• Kuznetsov, học giả, Giáo sư Giáo luật Trường Đại học Mạc Tư Khoa

• Uspensky và Tsvetkov, hai vị Giám mục địa phận Mạc Tư Khoa (Giám mục Tsvetkov được Krylenko công nhận là một nhà đại hiền, chức sắc Công giáo thuần túy nhất trong hàng giáo phẩm Nga)

Tội danh thứ nhất của các bị cáo là thành lập "Hội đồng liên giáo khu" nhằm kết hợp một số giáo dân từ 40 đến 80 tuổi tình nguyện chia phiên nhau thường xuyên canh chừng (không võ trang) tư dinh Giáo chủ Tikhon để phòng trường hợp những người bị nhà nước làm khó dễ. Nếu có động họ sẽ giật chuông nhà thờ cấp báo hay điện thoại tập hợp một số đông giáo đồ để cùng đi theo Giáo chủ và sẽ thỉnh cầu Hội đồng nhân dân Trung ương can thiệp, không cho bắt giữ Người.

Quan điểm công tố viện là Giáo chủ Tikhon có bị đe doạ gì đâu mà phải đề phòng sẵn để tập họp giáo chúng bảo vệ? Công tố viện không cần biết ngoài những vụ xử án bên lề Toà án của Cheka từ 2 năm nay, mới đây Đức Tổng Giám mục địa phận Kiev bị 4 Hồng quân hạ sát và "hồ sơ giáo chủ Tikhon" đã hoàn tất chỉ chờ ngày đưa ra Toà Cách mạng vì không thể để kẻ thù của quần chúng Công nông ung dung tự do mãi. Hai năm liền Giáo chủ gởi nhiều thông điệp cho Hội đồng Nhân dân, cho các hàng giáo phẩm và giáo dân, vạch rõ sự khủng bố, tàn sát người vô tội và hiểm hoạ đất nước lâm nguy. Thông điệp của người không nhà in nào dám đánh máy từng tờ gửi đi).

Tội danh thứ hai là Hội đồng Liên giáo khu đã phổ biến lời kêu gọi giáo dân chống lại sự kiểm soát, xung công tài sản Giáo hội sử dụng chuông nhà thờ để cấp báo. Sau khi đóng cửa các tu viện, truất hữu tài sản (kể cả những đồ thờ tự chứ không phải ruộng đất, nhà cửa mà thôi) đến lượt giáo đường toàn quốc phải kê khai tài sản để nhà nước kiểm soát.

Tội danh thứ ba là họ đã liên tiếp gởi nhiều thỉnh nguyện thư đến Hội đồng Nhân dân Trung ương yêu cầu can thiệp để chấm dứt nạn chính quyền địa phương miệt thị, vu cáo các cấp giáo quyền xúc phạm giáo đường, công nhiên xâm phạm tự do tín ngưỡng. (Theo hồi ký của Bronch Bruyevich, quản trị viên Hội đồng Nhân dân Trung ương thì Hội đồng đã gạt bỏ tất cả thỉnh nguyện thư, miễn cứu xét.)

Với ba tội danh lớn như vậy thì cố nhiên ông Chưởng lý Krylenko phải xin mấy cái đầu, ít nhất toà Cách mạng cũng phải xử bắn Samarin và Kuznetsov để triệt hạ bằng hết mầm mống phá hoại, nhân danh nhu cầu cách mạng. Krylenko nhấn mạnh: "Đồng ý là đồng chí Dzerdzinsky đã áp dụng sắc lệnh, thông tư cho các cấp Cheka hủy bỏ án tử hình - một vinh hạnh của chế độ ta - nhưng không phải bản án tối đa đã được quyết định hủy bỏ vĩnh viễn. Còn Toà án Cách mạng, còn thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân Trung ương. Bản án tử hình vẫn còn duy trì ở đây!".

Quả nhiên án tử hình được duy trì thật, để triệt hạ bằng hết mầm mống phá hoại! Gậy ông lại đập lưng ông - nên bản thân ông Chưởng lý cũng sắp có một "bản án tối đa" cùng với một số dấu chỉ. Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa đã kéo dài năm ngày để nghe các bị cáo chối tội và luật sư biện hộ trổ tài hùng biện. Kết quả Chưởng lý đã xin hai cái dầu "phản động và cần thanh trừng", Samarin Kuznetsov thì Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa cũng thể theo… nhưng thòng thêm một ân xá: cho họ đi đày cho đến khi Cách mạng toàn thắng đế quốc. Giờ đây Cách mạng thế giới chưa hoàn thành mục tiêu thì hai người nếu sống sót hẳn còn nằm trong một trại cải tạo nào đó! Riêng Giám mục Tsvetkov, "vị đại hiền, chức sắc Công giáo thuần túy nhất trong hàng giáo phẩm Nga" thì lãnh án 15 năm, cho hưởng ân huệ còn 5 năm.

Cũng lồng trong một vụ án "các hàng giáo phẩm Mạc Tư Khoa" còn một số bị can được kể như những vai trò phụ, tiện việc mang ra xử luôn cho rồi. Vụ tu viện Zvengiorod xảy ra từ mùa hè 1918, tính ra các bị can đã bị giam cứu chờ xử trên 18 tháng chớ đâu có ít?

Nguyên một hôm các viên chức địa phương đột nhập Tu viện Zvengiorod, cho đòi Cha Bề trên Ion. Ông này nổi danh trong Giáo hội Nga, nguyên là Firguf, sĩ quan Kỵ binh trong đội Ngự lâm quân Nga hoàng được ơn trên kêu gọi nên bỏ địa vị, phân phát hết của cải cho dân nghèo rồi xin vô nhà tu kín. Họ bảo: "Mời quá bộ ra đây có chút việc" và yêu cầu ông Cha Bề trên giao nạp cho họ bộ hài cốt của Thánh tử đạo Savva. Mấy người nhà nước vô giáo đường vẫn phì phèo hút thuốc, ngay cả trước bàn thờ Chúa. Dĩ nhiên họ vẫn đội nón và một ông còn nhấc xương sọ của ông thánh lên, thử nhổ bãi nước bọt để coi Thánh có làm gì nổi. Họ còn xúc phạm nhiều nữa khiến các tu sĩ phải kéo chuông báo động. Giáo dân đổ xô tới và sau một chầu xung sát có 1 hay 2 ông thiệt mạng.

Trước Toà Cách mạng, các viên chức nhà nước không nhìn nhận có hành động xúc phạm tôn giáo. Họ khai như vậy và Công tố viện chấp nhận, chớ họ đâu phải ra toà? Chỉ có mấy ông tu sĩ bị áp giải.

Thông thường hồi đó Toà trung ương xử thế nào thì các Toà địa phương chỉ việc đúng tiêu chuẩn trung ương mà tuyên án cho thống nhất lề lối làm việc. Kể như một bản án mẫu. Sau "vụ án các hàng giáo phẩm" của Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa thì các toà án tỉnh bắt đầu xử dồn dập như sóng trào, đúng danh từ của Chưởng lý Krylenko. Không địa phương nào không có một vụ án tôn giáo để "triệt hạ bằng hết phản động", nghĩa là tu sĩ, linh mục, con chiên hàng loạt bị đưa ra toà. Trước vụ tu viện Zvengiorod bị xâm nhập, Đức Giáo chủ Tikhon từng nhiều lần phản kháng nhà nước cấm giảng đạo, bắt bớ tu sĩ hoàn toàn với tội danh mơ hồ "phản Cách mạng". Chỉ có một thời gian công tác triệt hạ Giáo hội tạm lơi vì nhà nước còn lo lấy lòng tín đồ Chính thống giáo để rảnh tay thanh toán nội chiến. Dẹp xong Denikin và Kolchak là những phiên toà lại dồn dập như sóng trào.

Ngọn sóng cao nhất có lẽ là vụ lục soát Đại tu viện Ba Ngôi Thánh Sergius ở Radonezh năm 1920. Ngay hài cốt của Đức Thánh Sergius cũng bị nhà nước tịch thu để đưa về trưng bày ở Bảo tàng viện Mạc Tư Khoa. Đây là đòn nặng cuối cùng của nhà nước giáng lên bộ phận đầu não tượng trưng của Giáo hội Nga, dù Bộ Tư pháp đã có thông tư từ ngày 25-8-1920 về việc thanh toán, triệt hạ bằng hết di tích cũ, những chướng ngại vật cản đường tiến tới một xã hội mới cao đẹp. Xưa nay, Đại tu viện St. Sergius vẫn là di tích gợi nhớ công cuộc dựng nước hào hùng của nhà Đại ái quốc Sergius, vẫn được toàn dân ngưỡng mộ, thờ kính. Theo Klyuchevsky thì cửa lớn tu viện chỉ có thể bị đóng, đèn thờ trên phần mộ của Sergius chỉ có thể tắt khi nước Nga mất hết sức mạnh tinh thần, đạo đức. Nào ngờ, chính Giáo chủ Tikhon đã thân hành xin yết kiến ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân để xin can thiệp đừng đụng chạm đến di tích lịch sử của Giáo hội và mớ xương tàn của Thánh Sergius nhưng vô hiệu, chỉ vì ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân bận công tác, chưa thể tiếp kiến ngay.


Vụ án trí thức khuynh hữu phản động

Tháng 8 năm 1920, một vụ án đặc biệt lại xảy ra trước Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa, lần này 28 người có mặt nhưng vắng mặt thì rất nhiều và Toà cũng phải xử từ ngày 16 đến ngày 20-8. Vụ án mệnh danh "Trí thức phản động", một thành phần Cách mạng đã lưu ý từ lâu nay đã tới lúc phải thanh toán sau khi đã thanh toán xong tư bản, địa chủ.

Ngay từ ngày 15-9-1919, trả lời thư của Maxim Gorky xin can thiệp cho một số trí thức bị bắt giữ, Chủ tịch Lenin đã thẳng thắn liệt họ vào hạng người bỏ đi, thay vì là tinh hoa của xã hội, một bọn cận thị phóng túng, thối nát phản lại quyền lợi Công Nông. Vì ông chủ tịch đã đánh giá trí thức không hơn một bọn vị kỷ, không xương sống, luôn luôn đi lùi lại sau thế hệ nên các nhà báo lập tức nhao nhao chĩa mũi dùi vào giai cấp trí thức. Ông Chưởng lý Krylenko dĩ nhiên còn đi mạnh hơn, vạch rõ Cách mạng là một dịp lớn để định lại giá trị xã hội và trí thức Nga đã chạy theo một số tướng lãnh phản động làm công cụ và đi ở mướn cho đế quốc Âu châu nên tự đánh mất giá trị, vùi sâu tên tuổi xuống đám bùn nhơ.

Quan điểm của Krylenko là xã hội không cần phải khai tử từng phần tử một trong hàng ngũ trí thức nữa vì cả giai cấp đã bị vượt qua, không bắt kịp đà tiến của xã hội. Lần này sở dĩ xã hội phải đụng đến họ vì họ đã kết hợp thành một khối, ít nhất cũng có 28 người (như những khối đã bị triệt hạ là khối Menshevik, khối Trostky, khối Zinoviev, khối Bukharinc). Đã lập khốilà hiển nhiên có tư tưởng phản bội hay chạy theo làm công cụ đế quốc, một tổ chức hữu khuynh.

Nhóm 28 trí thức bị đưa ra Toà Cách mạng có phải một tổ chức không? Họ đâu có quy chế, đâu có chương trình hành động, đâu có thu tiền nguyệt liễm, niên liễm? Nhưng vẫn bị coi như tổ chức vì nhiều người hay tụ họp và cùng nhau trao đổi quan điểm, thế thôi!

Tội danh của họ được trình trước toà: một bọn phản động chống chế độ mà bằng chứng cụ thể là hai bức thư của Myakotin và Fyodorov. Đồng ý là hai người này đã ra khỏi nước Nga, họ chỉ có thể tuyên xử căn cứ theo 2 bức thư đó, xét vì hồi trước Cách mạng họ cùng một nhóm, cùng sinh hoạt với Myakotin và Fyadorov.

Điều nguy hiểm cho 28 người hiện diện là vì hai bức thư ấy đã được gởi cho tướng phiến loạn Denikin từ thời nội chiến để bài bác một số vấn đề căn bản, chẳng hạn như vấn đề nông dân, vấn đề Do Thái, vấn đề quốc tịch của các nước liên bang, vấn đề cơ cấu Chính quyền.

Toà không xét nội dung những lá thư đó mà chỉ kết tội 28 trí thức hiện diện đã có liên hệ và liên lạc thư từ với Denikin, như vậy là rõ ràng là có tội rồi. Ngoài ra chính họ cũng có liên lạc thư từ với những người bạn ở Kiev (tuy vẫn ở trong nước Nga nhưng quân Cách mạng chưa chiếm được thì cũng kể như ở ngoại quốc). Đối với Toà Cách mạng, những lá thư đó là những tang chứng buộc tội phản bội.

Ấy là chưa kể tới những bài báo, những tác phẩm họ đã sáng tác trong thời kỳ nội chiến. Dĩ nhiên chẳng phải những sáng tác căn cứ theo Lenin, Trotsky, Bukharin! Giáo sư Xã hội học Kotlyarevsky viết về cơ cấu tổ chức liên bang, Stempkovsky viết về vấn đề cải cách ruộng đất, Muralevich viết về tổ chức giáo dục tương lai ở Nga Sô. Nhà sinh vật học Koltsov còn bị lên án nặng hơn là đã cho mượn cơ sở để cả nhóm lấy chỗ hội họp.

Nói chung, cả nhóm 28 người bị kết tội "dám tụ họp nhau lại, bàn bạc, thảo luận những cơ chế tổ chức chính quyền trong tương lai, trường hợp chế độ Xô Viết sụp đổ" thay vì ngồi một chỗ gậm khúc bánh mì. Ngồi một chỗ không hoạt động là đã có tội huống hồ có liên lạc với phản loạn Denikin?

Đó là lý do sau khi nhóm họp, đình nghị án 5 ngày liên tiếp Công tố viện yêu cầu xử tử các chính phạm về tội phản loạn và Toà Cách mạng cũng đồng quan điểm, tuy nhiên sau này ân xá cho đi đày trại cải tạo cho đến dứt nội chiến.

Cũng ngồi trên băng bị cáo còn có 3 nhân vật đặc biệt, không hề có hoạt động chính trị gì nhưng suýt bị treo trên cổ một bản án tử hình vì chỉ tham gia sinh hoạt chung với nhóm.

Hoạt động xã hội thuần túy, tổ chức Hội Hồng thập tự để trợ giúp những phạm nhân chính trị như Khruscheva cũng lãnh đủ: tại sao dám đi quyên tiền, gởi phẩm vật vào khám Byturky giúp tù?

Alexandra, cô con gái của đại văn hào Tolstoi trước toà khai không làm gì hơn là lo phụ trách cơm nước, tiếp khách cũng bị nằm trại cải tạo 3 năm trời.

Nhân vật được ưu đãi nhất trong bọn là Savva Morozov, một Mạnh Thường Quân từng tán gia bại sản vì ủng hộ cách mạng Bolsêvich. Riêng với nhóm trí thức hữu khuynh, Morozov cũng có đóng góp ít tiền. Do đó cũng lãnh 3 năm đi đày, coi như một cảnh cáo nên được hưởng án treo. Tuy nhiên ông Mạnh Thường Quân lại là người chịu án nặng hơn cả: về đến nhà Morozov đã tự lấy lưỡi lam cắt đứt cuống họng để giã từ cuộc đời vĩnh viễn.

Bản án 28 trí thức hữu khuynh có thể coi như chấm dứt ở đây.
--------------------------------
1
Cheka hồi đó mới ra đời, chưa được "bén nhọn" nhưng là võ khí ruột của Cách mạng mà chính Trotsky cũng tuyên dương: "Khủng bố là một biện pháp mạnh của chính trị mà chỉ những thằng không tưởng mới phủ nhận". Sau đó Zinoviev cũng ca ngợi hậu thuẫn của họ là GPU như một danh từ đặc biệt, cả thế giới phải biết đến". Zinoviev đâu có ngờ sau này cũng bị hại vì "danh từ đặc biệt".
2
Nghề mật báo viên được ông Chưởng lý Krylenko bênh vực trước Toà như một nghề không có gì xấu xa tồi bại và nếu nhằm phục vụ Cách mạng thì còn là một cần thiết.
3
Sự thật thì Krylenko chẳng phải cải chính! Nhờ tài dắt mối và có chút ít nhan sắc, cô mật báo viên đã được nâng đỡ vào làm nhân viên chính thức Cơ quan. Lại còn vô Đảng và làm thẩm vấn viên nữa!
4
Cũng ông luật sư Yakulov này từng tố giác vụ ba ông thẩm vấn viên Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa tham nhũng. Người tuyên bố làm cho bõ ghét vì hận thù lề lối làm việc vô sản của Toà án chế độ mới! Nhưng người tố ra vụ Thanh tra đoàn thì lập tức cũng bị Cheka vồ gấp: đang nằm khám Yakulov được lính hộ tống ra Toà Cách mạng để làm nhân chứng vụ Krylenko. Đã bị Cơ quan gài bắt bằng được để trả thù thì "con đỉa sống bám vào Toà" chắc khó lòng thoát khỏi xử bắn.

9. CÔNG LÝ LỚN LÊN

Buổi bình minh của công lý cách mạng đã sáng rõ với những bản án tiêu biểu như thế đó, những bản án mẫu làm nền tảng cho một nền Công lý đang lớn mạnh, tiến tới trưởng thành.

Giai đoạn lớn lên của luật pháp Sô Viết có thể kể từ hạ bán niên 1921, nội chiến gần dứt nhưng phía nhà nước cũng lâm cảnh con bệnh gần chết, sau 4 năm dồn nỗ lực chiến đấu mệt nhoài. Đời sống cực khổ hơn bao giờ hết, xăng nhớt cạn, than đốt cũng hiếm, nhiều chuyến xe lửa đã nằm vạ dọc đường, thị dân cám cảnh đói lạnh, thợ thuyền rủ nhau đình công ầm ầm. Sử sách cố nhiên không ghi lại một hàng! Thảm trạng đói khổ biết quy tội cho ai?

Không phải cấp lớn, cấp trung ương. Cấp địa phương cũng không. Muôn tội trút lên đầu bọn Spetsy là bọn cán bộ kỹ thuật - kỹ sư, cán sự, chuyên viên các cấp - được kết nạp để lãnh chỉ thị trung ương hoạch định chương trình, tính toán kế hoạch thực hiện tốt. Nếu trung ương không nắm vững tình hình thì bao nhiêu tội cố nhiên quy trách cho bọn kỹ thuật đặt kế hoạch sai, không cung cấp nổi thực phẩm, nhiên liệu là một con số không to tướng. Kế hoạch thổi phồng, sản xuất không tới mức dự liệu cũng là sai lầm của Spetsy. Không phải của cấp lớn ra chỉ thị, cũng không phải của Hội đồng lao động Quốc phòng hay Bộ chỉ huy trong Uỷ ban Nhiên liệu. Không than củi đốt lò, dầu xăng chạy máy là lỗi bọn Spetsy đã tạo tình trạng giao động, khủng hoảng, không tuân hành chỉ thị, phân phối bừa bãi.

Vì Spetsy lỗi nặng như vậy nên cơ quan nào gặp khó khăn bế tắc là đưa ra toà. Nhưng chỉ thị căn bản của Trung ương là "giơ cao đánh khẽ", nhà nước Công nông cố nén cho bọn kỹ thuật hưởng những bản án ân huệ, bởi lẽ không có chúng lấy ai làm việc? Tình trạng không bế tắc nữa, mà dám sụp đổ luôn. Do đó Chưởng lý Krylenko lý luận bọn Spetsy không phản động, cố tình phá hoại chính sách nhà nước. Chúng chỉ thiếu khả năng nên không thể làm hơn. Giản dị là dưới chế độ tư bản chúng đã không học tập, chỉ nghĩ thiển cận và lo ăn của đút! Giai đoạn giao thời, kiến thiết rõ ràng nhà nước còn nương tay với bọn Spetsy.

Qua năm 1922 - năm hoà bình nhất - toà án bỗng nhiên thân chủ gấp bội. Nhân dân sửng sốt hỏi nhau chiến tranh dứt rồi tại sao toà hoạt động mạnh đến thế? (Năm 1945, rồi năm 1948 lại tái diễn y hệt).

Tháng 12 năm 1921, Quốc hội thứ 9 liên bang Sô Viết có sắc luật giới hạn bớt thẩm quyền của Cheka, đổi danh hiệu thành GPU (tháng 10-1922 thẩm quyền GPU lại nới rộng) nhưng TGĐ Dzerdzinsky tuyên bố công khai: "Giai đoạn này phải đề cao cảnh giác, đặc biệt theo dõi những phe nhóm phản động; chống chế độ, cơ quan giới hạn hình thức tổ chức, nhưng tăng cường phẩm chất công tác".

Có lẽ đó là lý do tháng 2 năm 1922, một thành phần kỹ thuật thuần túy đã bị đặc biệt theo dõi và "bao vây" đến phải tự ý chọn cái chết. Bằng không sẽ lại có một khối ít nhất 10 mạng cùng ra Verkthrib (Toà án Tối cao) thay vì 1 đồng chí cao cấp là Sedelnikov, 2 ông Kiểm tra Công nông, 2 cán bộ Nghiệp đoàn.

Nguyên kỹ sư Thủy điện Oldenborger từ tay kỳ cựu 30 năm của Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa, từ hồi đầu thế kỷ để leo lên Kỹ sư trưởng. Trải qua ba cuộc chiến tranh, 3 lần Cách mạng dân Mạc Tư Khoa vẫn xài nước máy Oldenborger, nhân viên cơ quan hay tù phản động cũng chỉ có một thứ nước máy. Không vợ, không con, cuộc đời ông Kỹ sư Thủy điện chỉ biết có nước máy, chỉ lo chăm sóc cho hệ thống phân phối nước máy chạy đều. Năm 1905, lính gác mon men tới gần giếng nước, giàn lọc là bị Oldenborger cảnh cáo kịch liệt chỉ sợ "lính tráng làm ẩu" dám bể ống! Cách mạng tháng 2 vừa bước qua ngày thứ 2, ông xếp máy nước đã đôn đốc thợ đi làm đủ mặt vì "Cách mạng thì Cách mạng, vòi nước vẫn phải chạy đều". Tháng Mười đánh nhau giữa thành phố chỉ lo bảo vệ hệ thống cung cấp nước. Thợ thuyền Nhà máy Nước hưởng ứng lời kêu gọi đình công của phe Bônxơvich yêu cầu ông Giám đốc tham gia thì Oldenborger trả lời thằng: "Tham gia cái gì cũng có tôi hết, trừ việc ngưng cung cấp nước". Ủy ban ủng hộ đình công trao tiền cho công nhân thì ông Giám đốc ký biên nhận nhưng sau đó hối hả đích thân chạy đi gắn một ống nước bể!

Như nhiều người - kể cả các đồng chí tham gia tranh đấu - Oldenborger không tin chế độ Bônxơvich đứng nổi quá hai tuần lễ! Nhưng dù muốn dù không thì Cách mạng cũng phải phòng hờ cấp chỉ huy "người chế độ cũ" bằng cách gài cán bộ của Đoàn Kiểm tra Công nông thường xuyên theo dõi. (Một ông tên Makarov Zemlyanski, cựu nhân viên Nhà máy Nước bị sa thải vì tác phong bê bối. Hắn nhảy sang Đoàn Kiểm tra Công nông vì "lương hậu hơn" rồi cạy cục xong được một chân trong Hội đồng Nhân dân Trung ương vì "lương ở đây nhiều hơn nữa"! Sau đó được biệt phái về cơ sở cũ để theo dõi thì cố nhiên ông Giám đốc Oldenborger phải bị hắn trù đặc biệt).

Một cơ sở quan trọng như Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa thì Đảng bộ Mạc Tư Khoa phải gài người vô nắm địa vị then chốt. Đồng chí Zenyuk được cử đến giám sát ông Giám đốc "người chế độ cũ". Dù không có chuyên môn hắn cũng chỉ huy luôn Oldenborger! Kết quả là Đảng định nắm vững cơ sở Nhà máy Nước, nào ngờ công việc lại đình trệ, tệ mạt hơn. Trong khi đó Giám đốc Oldenborger uất ức vì bị xỏ mũi, phá thối một cách ngu ngốc nên quên phắt thực tại chỉ là thứ chuyên viên "không có người nhà nước phải dùng đỡ", không ngần ngại công kích đám kỹ sư nửa mùa chế độ mới, đụng đâu hỏng đấy, đứng đầu là Zenyuk! Lập tức báo cáo bay về Kiểm tra đoàn như bươm bướm, tố cáo đích danh Giám đốc Oldenborger mưu toan phá hoại, cố tình làm hỏng toàn bộ hệ thống cung cấp nước để nhằm những mục tiêu chính trị!Phe chế độ mới công khai tố ông Giám đốc là "linh hồn của một tổ chức phá hoại kỹ thuật" trong khi chính họ dựng lên nhiều chướng ngại vật để phá Oldenborger và phá rối luôn Nhà máy,

Nhưng hệ thống ống dẫn nước chủ yếu của Mạc Tư Khoa, công trình của Ivan Kalita đặt từ thế kỷ thứ XIV đâu thể phá trong một vài ngày. Dân thủ đô vẫn xài nước máy đều đặn, nhiều Ủy ban đến thanh tra cũng không tìm thấy dấu vết phá hoại trầm trọng, nghĩa là sự phá hoại nếu có chỉ ở trong nội bộ. Cho đến ngày bầu cử Sô Viết Mạc Tư Khoa 1 thì cuộc tranh chấp nổ công khai. Đa số thợ thuyền vẫn bênh vực ông Giám đốc kỳ cựu nay lại dồn phiếu cho Oldenborger làm đại diện Nhà máy Nước ra tranh cử. Đảng ủy dĩ nhiên cử đồng chí Bí thư Chi bộ Sedelnikov. Bao nhiêu căm thù chất chồng được dịp bùng nổ, Oldenborger bị làm khó dủ điều: bị đẩy bật khỏi Hội đồng Quá trình, thường xuyên bị theo dõi, đưa ra ỦY BAN điều tra cật vấn, bị thay thế bởi một Ủy ban giám đốc tam đầu,

Một bài báo ký tên Sedelnikov thổi phồng những vụ phá hoại kỹ thuật do nhóm Oldenborger cầm đầu, đe doạ phá sập toàn bộ hệ thống ống ngầm và hơn nữa, dám làm rúng động và trôi luôn chân móng của thủ đô Mạc Tư Khoa! Ủy ban Hành chính thủ đô cấp tốc gửi phái đoàn điều tra. Không có gì hết! Sedelnikov cáo giác thẳng GPU vồ trọn tổ chức phá hoại cách mạng nằm giữa Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa, có thể đưa đến thảm trạng đổ sụp cả bồn nước khổng lồ Rublevo.

Bị dồn ép quá, ông Giám đốc Oldenborger chịu hết nổi, phạm phải một lỗi lầm căn bản của thành phần trí thức tiểu tư sản cong lưng, thiển cận, là không muốn sống nữa. Công trình chăm sóc một đời người tiêu tan thì sống làm gì, huống hồ đặt mua mấy cái lò ở ngoại quốc vì trong nước chưa đúc nổi mà còn bị bác hết!

"Linh hồn của nhóm phản động" chết rồi, mà phản Cách mạng không phát giác ra một thằng, hành động phá hoại cũng không. Sau 2 tháng điều tra mật, nhóm Sedelnikov bị truy tố ra Toà Tối cao: một phe đã chết rồi thì phải cho phe kia một bài học chớ. Dù xác nhận trước là đối diện một kẻ không cùng giai cấp, người công dân có quyền nhìn hắn là thù nhiều hơn là bạn. Chưởng lý Krylenko vẫn gay gắt buộc tội Sedelnikov và đồng bọn: thù oán cá nhân, bịa đặt cáo giác vô căn cứ, lợi dụng chức vụ nhà nước, mượn danh đảng tác oai, vô trách nhiệm chính trị, phá hoại cơ sở Nhà máy Nước, làm hại cho chế độ, làm hại cán bộ chuyên môn giữa lúc cơ quan cần người làm việc.

Theo Krylenko thì tội ác của Sedelnikov chất chồng, Toà phải trừng phạt hắn thích đáng, chớ không thể giỡn chơi với Công lý!

Phiên toà Tối cao Mạc Tư Khoa cũng đồng ý tuyên một bản án làm gương, do đó một mình Sedelnikov lãnh bản án 1 năm tù!

Một bản án như vậy làm nhột nhạt đám cán bộ thật và nhân dân sung sướng đến muôn đời không quên. Họ không quên những ông kỹ sư của chế độ mới, những khuôn mặt ăn no ngủ kỹ đến mập lù.

Tiếp theo đó là hai bản án nội bộ gương mẫu để chuẩn bị cho một vụ án lớn với tầm ảnh hưởng vượt biên giới: đó là vụ án xử các đảng viên Xã hội Cách mạng làm xôn xao dư luận Âu châu cùng lúc đó khiến Bộ Tư pháp giật nẩy mình. Thì ra 4 năm nay Toà vẫn cứ xử ào ào mà nước vẫn không có luật! Luật cũ từ thời quân chủ thì hủy bỏ hết rồi, nhưng luật mới đâu?

Gọi là 2 bản án nội bộ vì đây là việc riêng của nước Nga, không ảnh hưởng, không liên quan gì đến châu Âu tiến bộ và vẫnkhông cần giữ theo luật! Đây là lúc vô cùng thích hợp để thanh toán cho xong vấn đề tôn giáo mấy năm nay vẫn phải tạm gác lại vì nỗ lực chấm dứt nội chiến. Đây cũng là lúc người Cộng sản phải minh định thế đứng trước người Công giáo, một thế đứng bất khả dung hợp ngay từ quan điểm căn bản "nhà thờ là nhà thờ và nhà nước là nhà nước". Không được.

Nhà thờ phải nằm trong nhà nước. Không thể có chuyện tách rời. Tài sản Giáo hội từ cơ sở nhà thờ, dụ ngôn, những món đồ thờ tự cũng nằm trong nhà nước và thuộc về nhà nước luôn,

Hai vụ án tôn giáo nội bộ được chuẩn bị đúng vào lúc dứt chiến tranh và nạn đói khủng khiếp sửa soạn diễn ra ở đồng bằng lưu vực sông Volga, một nạn đói chưa hề có trong lịch sử nước Nga từ thế kỷ XVII. Khi con người phải ăn thịt cả đồng loại thì còn gì đau khổ bằng! Có gia đình có những người đi lính hết nên ruộng đất bỏ hoang, nông dân buông cày đi vác súng đã đành nhưng những người còn ở lại sống trên mảnh đất cũng chẳng muốn sản xuất nữa: lúa gặt về họ có chắc chắn được một phần nào đâu.

Vậy để giải quyết nạn đói tại sao không đưa ra giải pháp độc ác là, trút trách nhiệm cho nhà thờ? Nếu người làm tôn giáo thực sự thương xót giáo đồ và chúng sinh tại sao không can đảm lãnh trách nhiệm cứu đói? Tinh thần Thiên Chúa giáo để ở đâu? Không lẽ nhà thờ thấy con người đói đến mức muốn ăn thịt lẫn nhau mà xuôi tay đứng ngó, trút bổn phận hết cho nhà nước? Một kế hoạch giải quyết được 2 vấn đề là vậy, quả là một cú bida chính trị thần sầu!

Nếu Giáo hội từ chối trách nhiệm cứu đói vùng Volga, sẽ có cớ trút tội "thấy dân đói không cứu" và nếu có thể quy trách nhiệm tạo nên nạn đói.

Nếu Giáo hội lãnh trách nhiệm thì tài sản Giáo hội chắc chắn chẳng còn gì! Đỡ phải tịch thu, xung công.

Nhân vụ tổ chức cứu đói này, nhà nước ít nhất cũng quơ được một số ngoại tệ không nhỏ của nhà thờ. Vàng bạc cũng có thiếu gì, trong các đồ thờ tự.

Vả lại Giáo hội Nga đã chính thức đặt vấn đề cứu đói ngay từ lúc nạn đói sông Volga sắp hoành hành. Giáo chủ Tikhon đã có thông điệp cho các địa phận từ tháng 8 năm 1921 về việc tổ chức các Ủy ban Cứu đói toàn quốc và công cuộc lạc quyên cũng bắt đầu. Nhưng nhà nước hồi đó không muốn Giáo hội trợ giúp đứng ra tổ chức để tiền quyên được biến thành bánh mì trực tiếp đến tận miệng dân đói. Nếu có công tác cứu đói thì cũng độc quyền nhà nước! Do đó các Ủy ban Cứu đói của Giáo hội bị cấm hoạt động, số tiền đã quyên được bao nhiêu phải xung nạp công quỹ hết. Giáo chủ Tikhon đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng ở La Mã cũng như Giáo chủ Anh quốc giáo tiếp tay cứu trợ nhưng gặp sự chống đối của nhà nước. Chỉ nhà nước mới có quyền liên lạc, tiếp xúc với ngoại quốc! Huống hồ nhà nước còn đầy đủ phương tiện chống đói, đâu đã đến nỗi phải kêu gọi tới người ngoài, nước ngoài?

Cũng được! Nhưng dân lưu vực sông Volga đã bứt cỏ, nhai đế già, gậm cả bậc cửa. Đột nhiên Ủy ban Nhà nước Cứu đói(Pomgol) đưa đề nghị Giáo hội san sẻ bớt tài sản cho dân đói. Không cho hết, chỉ cho những thứ không cần thiết cho việc hành lễ, thờ tự. Giáo chủ Tikhon chấp nhận. Một mặt Pomgol có chỉ thị chỉ được nhận phẩm vật, thúc giục Giáo hội tự ý quyên tặng. Một mặt Giáo chủ có thư luân lưu ngày 19-2-1922 cho các giáo xứ nhắc nhở quyên tặng những phẩm vật không phải đồ thờ tự. Nếu chỉ có vậy thì hoà hợp quá! Nếu vậy thì nhà nước "cấu kết" với Giáo hội sao?

Đột nhiên một tuần lễ sau thư luân lưu của Giáo chủ Tikhon - đúng vào ngày 26-2 - Ủy ban Hành pháp Trung ương có sắc lệnh tất cả tài sản của các nhà thờ đều được truất hữu xung công để giúp dân đói. Sau khi viết thư cho Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương không được phúc đáp, Giáo chủ Tikhon có thư khẩn ngày 28-2 cho các địa phận: Sắc lệnh ngày 26-2 của nhà nước là một xúc phạm đến cấm điều, Giáo hội không thể chấp nhận một cuộc xung công như vậy.

Ngày nay xét lại vấn đề ta thấy phải chi cấp lãnh đạo Giáo hội Nga hồi đó nhận thấy thế chết kẹt của nhà nước Sô Viết không đào đâu ra phương tiện cứu đói cũng như vì ai mới có thảm hoạ chết đói. Vả lại tài sản vật chất của Giáo hội có nghĩa gì đâu mà phải giữ, có phải vì chúng mà bảo vệ được giềng mối đạo giáo sau này? Tuy nhiên cũng phải thông cảm cho nỗi khổ tâm, hoàn cảnh khó khăn của một vị Giáo chủ mới toạ vị mấy năm sau Cách mạng tháng 10, vừa nắm quyền đã phải lo dẫn dắt Giáo hội đương đầu với bao nhiêu chướng ngại, phá hoại, khủng bố, ngoài trọng trách bảo vệ toàn Giáo hội nữa!

Phản ứng của nhà nước là một loạt bài công kích, triệt hạ Giáo chủ Tikhon và các chức sắc cao cấp Giáo hội Nga. Giáo hội bị buộc tội bóp nghẹt đời sống toàn vùng hạ lưu sông Volga, càng không nhượng bộ càng bị mạt sát dữ. Vì vậy từ tháng 3-1922 một số chức sắc thấy cần phải "điều đình" Giám mục Antonin Granovsky đại diện Giáo hội trong Ủy ban Cứu đói Trung ương xác nhận với Chủ tịch Kalinin: "Tín đồ Tôn giáo chỉ sợ số tài sản Giáo hội cung hiến để cứu đói bị sử dụng vào những mục tiêu khác mà họ không muốn" (đại khái lọt vào quỹ tổ chức Đệ tam Quốc tế Komintern hay quỹ tổ chức phong trào Đỏ ở Viễn Đông).

Tổng Giám mục Petrograd, Đức Cha Veniamin nói thẳng: "Tài sản của Giáo hội là của Thượng Đế. Chúng tôi muốn cung hiến tự nguyện". Nghĩa là không chịu chấp nhận "xung công", vả lại tiền bạc phẩm vật nhà thờ quyên góp để cứu đói thì phải có đại diện Giáo hội và giáo dân kiểm soát xem có tới miệng dân đói thực sự không. Như vậy lập trường của Đức Cha Veniamin đã sát gần lập trường nhà nước nhiều. Và cũng vượt ra ngoài ý chỉ của Giáo chủ khi Tổng Giám mục thành Petrograd chấp nhận: "Giáo hội Chính thống giáo sẵn sàng hy sinh bất cứ cái gì để cứu đói".

Trước sự cổ võ "đoàn kết" của Pomgol Petrograd, Đức Cha Veniamin tuyên bố một câu lịch sử:

"Gánh nặng đáng sợ nhất của đất nước này là chia rẽ, thù địch. Nhưng tôi tin rằng nhân tâm nước Nga sẽ có ngày thống nhất. Nhân danh các tín đồ Chính thống giáo, tôi sẽ có cử chỉ tượng trưng. Chính tay tôi sẽ gỡ khỏi tượng Đức Bà Nhà thờ Kazan, bóc hết vàng bạc châu báu để hiến dâng Ủy ban Cứu đói. Dĩ nhiên tôi sẽ đổ lệ, nhưng vui lòng hiến nạp."

Ba ngày liên tiếp, tờ Sự thật ở Petrograd ngày 8, 9 và 10-5 ca ngợi cử chỉ đoàn kết, hy sinh của Đức Cha Veniamin cùng lúc đó loan báo trước: "Số đồ thờ vàng và các pho tượng thánh quý ở các giáo đường Smolny đang được chuẩn bị để nấu đúc thành vàng khối, trước sự chứng kiến của các tín đồ".

Phải nói là tài sản của Giáo hội cung hiến có bấy nhiêu chưa thoả lòng mong ước của nhà nước. Vì vậy không có "điều đình" đoàn kết gì hết! Thứ đoàn kết đó, và cách cho như vậy chẳng phải là thứ mà dân chết đói vùng Volga cần đến!".Pomgol Petrograd bị chê là quá yếu, nhượng bộ quá nhiều. Biến cố toàn quốc lại có dịp nổi lên công kích những "linh mục tồi bại", những "ông hoàng của Giáo hội". Lúc bấy giờ nhà nước mới ngỏ thẳng:

"Chúng tôi không cần nhà thờ cung hiến như vậy, mà cũng không có chuyện điều đình. Tất cả mọi thứ trên đất nước này phải là tài sản của nhà nước hết và nhà nước sẽ có những biện pháp thích đáng."

Những "biện pháp thích đáng" khởi sự ở Petrograd trước rồi lan dần trên toàn quốc. Đó là căn bản mà cũng là nguyên nhân phát động các vụ án tôn giáo. Ý nguyện của nhà nước đã quá rõ qua 2 tài liệu học tập:

Giáo hội và nạn đói

Tài sản của Giáo hội sẽ bị xung công như thế nào?

Vụ án giáo khu Mạc Tư Khoa

Dĩ nhiên phiên toà xử phải là Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa, nhóm họp từ ngày 26-4 ở Viện Bảo tàng Bách khoa, Chánh thẩm Bek với 2 Công tố viên Lunin và Longinov. Cả thảy có 17 người, cả giám mục lẫn giáo dân bị cáo tội phổ biến ý chỉ của Giáo chủ Tikhon. Trước Toà Cách mạng thì tội phổ biến nặng hơn tội không cung hiến tài sản nhiều! Chứng cớ là Giám mục Zsozersky đã cung hiến tất cả tài sản trong giáo đường nhưng vẫn tôn trọng ý chỉ Đức Giáo chủ "xung công, truất hữu tài sản của Giáo hội là một xúc phạm cấm điều". Chỉ vì điều sau này mà ông giám mục bị coi là chánh phạm trong phiên xử - để rồi sau đó bị xử bắn!

(Sự kiện trên đây cho thấy cứu đói chỉ là một cơ hội viện dẫn để nhà nước nhằm việc bẻ gãy xương sống nhà thờ).

Ngày 5 tháng 5 đích thân Giáo chủ Tikhon bị mời ra Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa làm nhân chứng. Lúc người bước vô phòng xử, đa số những người có mặt lật đật đứng dậy chào kính. Dù sao cũng mới 1922, dù số cử toạ đã chọn lựa song dân Nga hãy còn lòng tôn kính chớ đâu phải như những năm 1937, 1968!

Trước hết Toà hỏi về tội viết và phổ biến lá thư khẩn ngày 28-2, Giáo chủ Tikhon xác nhận chỉ một mình người là tác giả, nhưng Chánh thẩm Bek nhất định hướng cuộc thẩm vấn sang một ngã khác:

"Giáo chủ nói vậy đúng không? Có phải tự tay ngài viết ra hết được không? Ngài viết ngần ấy hàng chữ một mình? Ngài chỉ ký tên mới phải chứ? Xin ông cho Toà hay ai đã viết, hoặc ai đã giúp ý kiến cho ngài viết? Tại sao ngài tố cáo báo chí có phong trào nhằm triệt hạ ngài? Để làm gì? Ngài muốn nói gì?"

"Câu hỏi đó thiết tưởng ông Chánh thẩm nên đặt ra với người khởi xướng phong trào đúng hơn! Họ định nhằm mục đích gì?"

"Nhưng điều đó có liên quan gì đến tôn giáo?"

"Có liên quan tới lịch sử."

"Ngài nói rằng Sắc lệnh của Ủy ban Hành pháp Trung ương ban hành lúc ngài đang họp với Ủy ban Cứu đói, do đó, ngài có dùng danh từ "làm lén sau lưng" phải không?"

"Phải."

"Như vậy ngài cho rằng chính quyền Sô Viết đã làm lén, tức là làm bậy?"

Câu hỏi này từng được các Điều tra viên nhắc đi nhắc lại cả triệu lần trong các phiên lấy cung. Sau này chúng tôi cũng từng nghe thấy cả triệu lần nhưng chưa ai trả lời thẳng, quyết liệt như Giáo chủ.

"Đúng vậy!"

"Ngài có nhìn nhận luật pháp của nhà nước có tính cách bó buộc hay không?"

"Tôi nhìn nhận, miễn là nó không chà đạp con người!"

Phải chi trước Toà người nào cũng dám trả lời như vậy thì chiều hướng lịch sử tất đã đổi khác. Cũng như dám khẳng định trước Toà sự khác biệt giữa cung hiến tự ý và xung công bó buộc!

Sau đó Toà bắt đầu mổ xẻ danh từ, chẻ hai theo chiết tự để bắt bẻ một chữ Giáo chủ đã dùng trong bức thư luân lưu. Đó là danh từ suyato-tatstvo (xúc phạm cấm điều) trong đó suyato có nghĩa "thánh" và tat có nghĩa "trộm".

"Ngài đã dùng danh từ ấy, ngài định ám chỉ những đại diện của chính quyền Sô Viết là bọn ăn trộm ăn cắp đồ thờ tự? Nghĩa là Ủy ban Hành pháp Trung ương là những quân trộm cướp?"

Cử toạ xôn xao, hò hét. Nhưng Giáo chủ Tikhon vẫn bình thản:

"Tôi chỉ nhắc đến Giáo luật!"

Chánh thẩm Bek xoay sang ngả khác. Nguyên bức thư của Giáo chủ có nhắc đến một vụ xảy ra ở nhà thờ St. Basil, những đồ vàng đồ bạc lấy ra từ các pho tượng thánh không được bỏ vô hộp đàng hoàng mà có người còn dùng chân mà đạp lên. Bữa đó Giáo chủ không có mặt.

"Xin ngài cho biết, linh mục nào báo cáo sự việc ấy? Ngài không có mặt lúc bấy giờ, tất nhiên phải có người thuật lại chứ?"

Giáo chủ Tikhon không tiết lộ. Như vậy khác nào ngài đã dựng đứng câu chuyện. "Ai đã đưa ra sự xuyên tạc đó?" Nếu không có thì hiển nhiên người xuyên tạc là ngài vậy.

"Bây giờ nếu ngài không chịu nói tên người kể thì chắc hẳn ngài phải biết tên kẻ chà đạp lên những món đồ thờ tự chứ? Xin cho biết hắn là ai? Bằng không chính ngài sẽ bị Toà coi là vu cáo".

Giáo chủ Tikhon dĩ nhiên không chỉ đích danh được (Có ai làm một việc như thế đó mà lưu lại tánh danh bao giờ?). Nhưngvu cáo đâu phải tội? Toà Cách mạng phải bắt buộc được ngài vào tội âm mưu lật đổ chính phủ Sô Viết kìa! Giáo chủ Tikhon phải bị ghép vào tội viết và phổ biến tài liệu vu cáo chính quyền có nghĩa là tuyên truyền để chuẩn bị môi trường xách động nhằm tiến tới một cuộc khởi loạn trong tương lai.

Trước Toà Cách mạng, tội trạng Giáo chủ Tikhon vậy là quá rõ, Toà đình xử để lập thủ tục truy tố sau.

Ngày 7 tháng 5 Toà tái nhóm để tuyên án 17 bị cáo của vụ Giáo khu Mạc Tư Khoa: 11 bản án tử hình được công bố nhưng chỉ 5 người bị xử bắn sau đó.

Số phận Giáo chủ Tikhon được quyết định một tuần lễ sau. Ngài bị truất ngôi vị và câu lưu, tạm thời gởi đến Tu viện Donskol giam riêng để "cô lập" với các giáo dân cho họ quen đi đã rồi mới xuống tay sau 2.

Sau đó hai tuần đến lượt Tổng Giám mục Veniamin bị bắt giữ ở Petrograd. Trước Cách mạng, ông chưa phải là một giáo quyền cao cấp, không phải được chỉ định, tấn phong như các vị Tổng Giám mục khác. Hồi đầu năm 1917 được công cửlên, cùng một lúc với Đức Tổng Giám mục Mạc Tư Khoa. Tính tình ông cởi mở, dễ dãi, đôn hậu. Luôn luôn gần gũi, tiếp xúc với công nhân nhà máy, xí nghiệp nên rất được lòng các giáo hữu cũng như các hàng linh mục thuộc cấp. Do đó mới được họ công cử lên. Lập trường Đức Tổng Giám mục rõ rệt; ông muốn tách rời nhà thờ khỏi chính trường xét vì "Giáo hội chịu đựng đau khổ đã nhiều chỉ vì chính trị!". Vậy mà vẫn cứ phải ra Toà Cách mạng.

Vụ án giáo khu Petrograd

Vụ án giáo khu Mạc Tư Khoa chấm dứt ngày 7 tháng 5 với 11 bản án tử hình trong số 17 bị cáo (sự thật nhà nước chỉ muốn nhằm triệt hạ Giáo chủ Tikhon) thì ngày 9 tháng 6 mở màn vụ giáo khu Petrograd 3.

Cũng là Toà Cách mạng, song phiên toà Petrograd quan trọng hơn vì số bị cáo lên tới nhiều chục người, với một tội danh rõ rệt hơn: "chống đối lại lệnh xung công, truất hữu tài sản Giáo hội". Bị cáo gồm đủ thành phần: Tổng Giám mục, linh mục, cai quản thánh đường, giáo sư thần học. Chủ toạ phiên toà là Semyonov, một thanh niên 25 tuổi, xuất thân thợ lò bánh. Đại diện chính của Công tố viện là Krasikov, cán bộ cao cấp trong Bộ Tư pháp, một đồng chí cùng thời và kỳ cựu của Chủ tịch Lenin, từng an trí chung ở Krasnoyarsk xuất dương chung và biểu diễn vĩ cầm rất được Lenin mến mộ.

Trên đại lộ Nevsky Prospekt dân chúng sắp hàng dài dọc đường chờ đợi hằng ngày. Mỗi lần xe chở Đức Tổng Giám mục đi ra toà chạy ngang là nhiều người quỳ xuống cầu khẩn: "Cầu xin Thượng Đế cứu vớt, che chở". (Nhiều người chỉ vì cầu nguyện mà bị Mật vụ lôi đi ngay ngoài đường và trước cửa Pháp đình). Tuy nhiên, ngay đám cử toạ ngồi trong phòng phần đông là Hồng quân cũng tự động đứng dậy, mỗi khi Đức Tổng Giám mục Veniamin mặc áo dòng tiến vào phòng xử. Trước toà ông vẫn bị kêu đích danh "kẻ thù của nhân dân", một danh từ mới của thời đại.

Phiên toà Petrograd đáng ghi nhớ ở điểm chưa bao giờ nghề luật sư biện hộ mất giá, xuống dốc thảm hại như vậy! Ông Chưởng lý Krylenko cố nhiên không xếp vào hồ sơ, nhưng một nhân chứng hiện diện cả quyết toà đã hướng mũi dùi vào mấy ông luật sư khiến họ ngỡ ngàng cảm thấy bị công khai nhục mạ. (Thí dụ điển hình là Toà đã lớn tiếng đe doạ bắt giữ tại chỗ luật sư Bobrischhev Puskin là người biện hộ chính của các bị cáo và làm dữ đến nỗi cử toạ gào thét đòi bắt nên ông luật sư Puskin tưởng họ sắp làm đến nơi, vội cởi chiếc đồng hồ vàng, lột bóp nhờ đồng nghiệp Gurovich giữ giùm. Lỡ có bề nào,)

Nhưng không, Toà không truyền giam ông luật sư Puskinh, mà chỉ ra lệnh bắt tại chỗ một nhân chứng là giáo sư Yegorov về tội, dám đứng ra làm chứng cho Tổng Giám mục Veniamin. Dù sao giáo sư Yegorov cũng đã chuẩn bị rồi. Bằng không ông đã chẳng ra toà làm chứng mà đã mang sẵn một chiếc cạc táp dày cộm, bên trong có ít đồ ăn, vài quần áo lót và một tấm mền nhỏ? (Quả thật phiên toà Petrograd hồi đó đã có hình ảnh in hệt những phiên toà gần đây!)

Tổng Giám mục Veniamin bị cáo tội "giả vờ có thiện ý "điều đình" với nhà nước, áp dụng trì hoãn chiến để lo đối phó với lệnh xung công tài vật". Tội danh thứ hai là lén lút phổ biến trong dân chúng bản kêu gọi Ủy ban Cứu đói 4. Thêm tội danh thứ ba là có hành động toa rập với đế quốc, tư bản.

Để có một tội danh cụ thể, không thể chối cãi trước Toà Cách mạng, Toà đã có một "nhân chứng" giá trị để khép án Tổng Giám mục Veniamin: đó là linh mục Krasnitsky, một vai trò quan trọng của Tân Giáo hội kiêm mật báo viên GPU. Nhân chứng Krasnitsky cả quyết hàng giáo phẩm Petrograd có âm mưu xách động một cuộc nổi loạn, dựa thời cơ nạn đói đang lan tràn.

Phiên Toà chỉ chấp nhận những nhân chứng như Krasnitsky, ngược lại làm chứng có lợi cho các bị cáo là bị gạt tức khắc. Công tố viên Smirnov xin Toà 16 cái đầu nhưng Công tố viên chính Krasikov đòi hỏi mạnh hơn nhiều: "Toàn bộ Giáo hội Chính thống giáo là một tổ chức phản động ngấm ngầm!". Nghĩa là tất cả hàng giáo phẩm đều có tội, phải tống giam hết. (Xét ra ý kiến Krasikov rất thực tế và sau này quả nhiên nhà nước đã làm gần đúng như vậy. Phải đối thoại với nhà thờ trên căn bản Krasikov mới hiệu nghiệm!).

Vì vậy, ngay từ hồi đó, trước Toà Cách mạng Petrograd, luật sư Gurovich biện hộ cho Tổng Giám mục Veniamin phải thốt ra cay đắng:

"Bằng chứng phạm tội không. Sự kiện cũng không. Lại không có đến một khoản phạm pháp luật định! Lịch sử sau này sẽ ghi chép thế nào? (Đồng ý luật sư Gurovich đã sớm biết mang lịch sử ra hù mấy ông Toà Cách mạng. Nhưng lịch sử quên hết, lịch sử có nói gì đâu?). Công tác truất hữu, xung công những tài sản của Giáo hội đã diễn ra êm đẹp, xuôi trót ở Petrograd là thế vậy mà hàng giáo phẩm Petrograd thì bị điệu ra toà như thế này. Hiển nhiên họ bị xô đẩy vào cái chết!

Quý vị vừa nhấn mạnh đến nguyên tắc căn bản là phục vụ nhà nước trước đã. Xin quý vị đừng quên nhà thờ có người đổ máu oan. Tôi xét thấy không còn gì để nói nữa. Nhưng muốn ngừng lời khó quá! Tôi biết rằng còn tranh luận đây được lúc nào họ còn sống lúc đó và tranh luận dứt là mạng họ cũng chấm dứt luôn!"

Toà Cách mạng Petrograd tuyên 10 bản án tử hình, nhưng những cuộc hành hình có lệnh ngưng tạm trên một tháng hình như có ý đợi kết quả của phiên toà xử các đảng viên Xã hội Cách mạng ra sao đã rồi hành hình một lượt cho tiện. Trong khoảng thời gian đó, Ủy ban Hành pháp Trung ương cứu xét và ân xá 6 người. Chỉ có 4 người bị hành hình là Tổng Giám mục Veniamin, Linh mục Tổng quản Sergius, Giáo sư Luật khoa Novitsky và Luật sư Kovsharov. Bốn người bị mang đi xử bắn trong đêm 12 rạng ngày 13 tháng 8 năm 1922.

Cũng xin ghi nhận điều này: trong lúc Toà Cách mạng nhóm ở 2 trung tâm Mạc Tư Khoa và Petrograd thì các địa phương cũng mang những vụ tương tự ra xử. Tổng cộng có thêm 22 vụ được xử ở các tỉnh.

Đã đến lúc phải truy tố đến bọn Xã hội Cách mạng, tạo một bản án chắc chắn sẽ gây nhiều tiếng vang ngoại biên thì ít nhất cũng phải có Luật chứ? Cũng phải có một nền tảng chắc chắn cho Công lý chứ?

Ngày 12 tháng 5 có phiên họp của Ủy ban Hành pháp Trung ương nhưng trọn bộ Luật chưa hình thành, mới có một bản dự thảo gởi tới điện Gorky (ngoại ô Mạc Tư Khoa) để đích thân đồng chí Chủ tịch Lenin nghiên cứu.

Bản giáp đệ trình chỉ có 6 điều dự liệu án tối đa: xử bắn. Đồng chí Chủ tịch tự tay ghi thêm ở ngoài lề 6 điều nữa (trong đó có điều 69 trừng phạt tội tuyên truyền, xách động, đặc biệt là kêu gọi quần chúng tiêu cực chống đối chính quyền bằng cách trốn lính, trốn thuế 5. Thêm một tội xử bắn nữa là tội ở ngoại quốc về nước lậu (bọn Xã hội là ưa có tật đi đi về về lắm!). Lại có một tội tương đương với xử bắn là tống xuất ra ngoại quốc. Chẳng là đầu óc đồng chí Chủ tịch đã phác hoạ sẵn một ngày gần đây dân Âu châu hẳn phải đổ xô sang Nga và đã được ở Nga chẳng ai dám nghĩ đến việc bị tống xuất đi!

Lenin đã đúc kết một văn thư gởi cho Bộ trưởng Tư pháp như sau:

"Đồng chí Kursky,

Theo ý tôi, phải nới rộng án tử hình dưới hình thức xử bắn (hoặc đày ra ngoại quốc) đối với mọi hoạt động của phe nhóm Menxơvich, Xã hội Cách mạng, Chúng ta phải tìm cách thức gài những hoạt động của chúng dính vào hoạt động của tập đoàn tư bản ngoại quốc".

Nới rộng bản án tử hình dưới hình thức xử bắn. Còn gì rõ nghĩa hơn nữa? Khủng bố là phương pháp khuyến cáo hiệu nghiệm nhất. Làm sao lầm lẫn? Vậy mà đồng chí Kursky cũng không nắm vững được chỉ thị vẫn còn thắc mắc về cách thức gài, nên mới xin diện kiến đồng chí chủ tịch để thỉnh thị ý kiến. Dĩ nhiên cuộc tiếp xúc tiến hành ra sao ta chẳng thể hay biết nhưng ngày 17-5 lại có văn thư của Lênin từ điện Gorky gởi tới.

"Đồng chí Kursky,

Sau cuộc tiếp xúc hôm rồi, đây là dự thảo điều khoản bổ túc cho Bộ Hình luật. Quan điểm căn bản rõ rệt, bổ túc những thiếu sót ở bản dự thảo, ấn định thành cơ chế hẳn hoi, vừa đúng nguyên tắc vừa đúng đường lối chính trị (không thiển cận về mặt pháp lý mà thôi) để giải thích nguyên lý cũng như về sự chính đáng, sự cần thiết và giới hạn của sự khủng bố.

Toà không thể gạt bỏ khủng bố. Hứa hẹn gạt bỏ chỉ tự chuốc lấy thất vọng. Để đặt nền tảng, chính thức hoá nó một cách rõ ràng, hợp nguyên tắc, không đạo đức giả, không đánh bóng, thiết tưởng cần phải đặt vấn đề khủng bố một cách rộng rãi để với tinh thần tiến bộ cách mạng sẽ tùy tiện áp dụng vào thực tế.

Chào Cách mạng".

Bức văn thư của Lênin thật sáng tỏ, gọn gàng. Đừng mổ xẻ phê bình vội, mà im lặng, suy nghĩ.

Chỉ thị vắn tắt song quan trọng, vì đồng chí Chủ tịch chẳng còn sống bao lâu nữa. Kể như một phần của chúc thư chính trị gởi lại cho đời sau. Lúc bấy giờ Lênin chưa ngã bệnh. Mãi mười hôm sau mới bị cú đầu tiên và chỉ tạm thời phục hồi mấy tháng mùa thu năm 1922. Không chừng 2 lá thư chỉ thị gởi đồng chí Kursky đã được viết trong căn phòng đá hoa ở lầu hai, nơi chiếc giường chết đã nằm chờ người.

Kèm theo thư là bản giáp 2 đoạn bổ túc điều luật sau này sẽ biến thành điều 58, khoản 4 và trọn điều 58 Hình Luật đáng ghi nhớ. Đáng phục ở chỗ chúng đã được cấu tạo thành văn một cách rộng rãi để tùy tiện áp dụng, theo tinh thần Cách mạng!

"Tuyên truyền hay xách động, tham gia một tổ chức hoặc trợ giúp (có thể hiểu đang trợ giúp hay có thể trợ giúp) cho những tổ chức hay cá nhân có những hành động được xem là,".

Hãy cứ đưa ông thánh Augustine ra đây! Tôi cam đoan chỉ trong một nháy mắt cũng khép cứng được ngài vào điều luật rộng rãi một cách ghê sợ đó.

Lenin đã có chỉ thị thì cố nhiên bản dự thảo Luật được sửa chữa bổ túc gấp - thêm đủ bằng ấy khoản nới rộng án tử hình -để đánh máy lại chuyển qua Ủy ban Hành pháp Trung ương chấp thuận nguyên vẹn ngày 20-5 để kịp ban hành kể từ 1 tháng 6 năm 1922.

Ít ra cũng phải có một bộ Hình luật, một căn bản pháp lý nòng cốt để còn tiến hành vụ Đảng Xã hội Cách mạng, một vụ án lớn kéo dài hai tháng trường,

Vụ án Đảng Xã hội Cách mạng

Một vụ án chính trị có tầm ảnh hưởng rộng lớn dĩ nhiên phải đưa ra Verkthrib, tức Toà án Tối cao. Cả thế giới xã hội chắc chắn nhìn vô theo dõi nên nổi tiếng hùng biện, lập trường vững (tình cờ đến oái oăm, trong ngôn ngữ Nga danh từ Karklin tên ông Chánh thẩm còn có nghĩa là "sủa, gáy, lớn họng", mà hùng biện, lập trường vững như đồng chí Chánh thẩm Pyatakov thì 15 năm sau cũng đâu bị thanh trừng đâu!).

Vụ án đặc biệt là không có luật sư biện hộ. Các bị cáo biện hộ lấy, toàn những tay gộc của Đảng Xã hội Cách mạng, những "cây tranh luận" nhưng vẫn không cãi lại nổi một mình đồng chí Chánh thẩm!

Ngày 8 tháng 6 năm 1922, Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng ra Toà Tối cao không phải vì họ phạm pháp. Toà đâu có xét xử họ có tội hay không có tội? Căn bản vấn đề ở điểm họ là thành phần phải triệt hạ, qua một phiên toà để lấy căn bản pháp lý. Không như phe nhóm Menxơvich, Đảng Xã hội Cách mạng đã đến lúc phải triệt hạ cho xong vì họ còn chưa chịu giải tán, còn là một mối nguy mà chế độ vô sản không thể chấp nhận.

Xin đừng hiểu là Đảng muốn xuống tay trả thù bọn Xã hội Cách mạng, dù "được làm vua, thua làm giặc" là chuyện thường tình của lịch sử. Trừ một vài nước chế độ đại nghị trong khoảng thời gian cỡ vài chục năm thì lịch sử các dân tộc trên thế giới còn là gì nếu chẳng phải Cách mạng và cướp chính quyền lên xuống liên miên? Ôi, còn gì vẻ vang cho phe thắng bằng nắm vững cả tương lai lẫn quá khứ trong tay, có quyền khoác tấm áo Công lý chói sáng để hạch hỏi, luận tội những thằng thất trận? Cái gì cũng luận tội được hết, có thể công nhiên trừng phạt trước toà được hết.

Đồng ý Bộ Hình Luật mới hoàn thành và ban hành được vừa đúng 1 tuần lễ. Nhưng đó quả là kinh nghiệm đúc kết của 5 năm chính quyền. Cũng như 20 năm, 10 năm về trước và 5 năm trước đây thôi, Đảng Xã hội Cách mạng còn là anh em láng giềng, đồng minh thân thiết để cùng nhau đứng lên lật đổ ngai vàng thống trị! Xã hội Cách mạng là chủ lực, là cánh tiền phong chủ trương Cách mạng bạo động khủng bố 6 nên đảng viên Xã hội Cách mạng sa cơ nhiều, lãnh đủ lao tù đày ải, chớ bạn đồng minh Bônxơvich gần như có hề hấn gì đâu?

Trước toà Tối cao, các đảng viên Xã hội Cách mạng bị truy tố về nhiều tội danh.

Tội danh thứ nhất là Đảng Xã hội Cách mạng đã phát khởi nội chiến! Họ bị buộc đã võ trang chống lại Cách mạng tháng 10 cướp chính quyền. Lúc chính phủ Cách mạng lâm thời (mà Đảng ủng hộ và tham gia mạnh) bị Hải quân quật ngã hợp pháp bằng đại liên thì Đảng Xã hội Cách mạng đã bảo vệ chính phủ bất hợp pháp đó dám bắn trả lại và còn kêu gọi bọn đảng viên Dân chủ Lập hiến cùng đứng về phe, cố bảo vệ đến cùng. Thua về quân sự họ không chịu đầu hàng về chính trị, không chịu khuất phục Hội đồng Nhân dân đã nắm chính quyền. Đảng Xã hội Cách mạng nhất định chỉ công nhận chính quyền cũ cũng như không chịu nhìn nhận đường lối hoạt động 20 năm của Đảng là cả một sai lầm, đã đến lúc phải giải tán hẳn.

Tội danh thứ hai là đào sâu thêm hố sâu nội chiến, tổ chức biểu tình phiến loạn chống chính quyền công nông trong hai ngày 5 và 6 tháng 1 năm 1918, tuyên bố ủng hộ Quốc hội Lập hiến (do tổng tuyển cử kín, tự do và trực tiếp) mặc dầu Hải quân và Vệ binh đỏ đã thẳng tay truất phế. Thử hỏi Quốc hội Lập hiến có làm được việc gì ngoài việc làm nổ bùng 3 năm nội chiến? Tại sao không ngoan ngoãn tuân theo những Sắc lệnh của Hội đồng Nhân dân?

Tội danh thứ ba là không chịu công nhận hoà ước Brest Litovsha mà lại còn chỉ đích danh chính quyền nhượng đất cho địch, rõ ràng có những dấu hiệu phản quốc, gây tội ác đẩy đất nước vào vòng chiến tranh (phản quốc, một danh từ mà cũng là một cây hai đầu sanh, tử. Cầm đầu này thì sống, đầu kia phải chết!)

Tội danh thứ tư còn nặng hơn: Mùa hạ, mùa thu năm 1918, vào giai đoạn cuối cùng Đức ráng cầm cự chống Đồng minh, chính quyền Sô Viết chiếu hoà ước Brest đã gởi sang viện trợ nhiều chuyến xe lửa vận lương cùng với số vàng phải đóng góp hàng tháng, Đảng Xã hội Cách mạng đã chuẩn bị (đồng ý bọn Xã hội bao giờ chẳng chuẩn bị, mồm, có làm nên việc bao giờ, nhưng lỡ họ làm thật thì sao?) để cho phá nổ nhiều khúc đường rầy, chặn những đoàn xe lại, không cho chở vàng sang Đức. Hiển nhiên Đảng Xã hội Cách mạng đã chuẩn bị phá hoại đường rầy là tài sản nhà nước).

(Ở đây xin mở dấu ngoặc cho rõ: năm 1922 Đảng Cộng sản còn chưa cần che giấu những vụ chuyển vàng sang Đức để giúp xây dựng chế độ Quốc xã Hitler sau này. Không hiểu Công tố viện hồi đó quan niệm thế nào là tài sản nhà nước? Nếu phá đường rầy là phá hoại tài sản nhà nước thì chở vàng sang ngoại quốc không phải là tội?)

Tội danh thứ năm cũng do tội trên: "Đảng Xã hội Cách mạng đã dự mưu mua vật liệu, dụng cụ phá hoại đường rầy bằng tiền của phe Đồng minh đưa (nghĩa là dùng tiền Đồng minh để hoạt động ngăn cản nhà nước chuyển vàng cho Đức). Đây là một trọng tội phản quốc.

Tội danh thứ sáu là đảng viên Xã hội Cách mạng làm gián điệp cho phe Đồng minh năm 1918. Trước đó làm Cách mạng nhưng về sau làm gián điệp. Năm 1922 tội gián điệp nghe còn nổ lắm nhưng dần dà vì nhiều gián điệp quá nên chẳng ai muốn nghe.

Từ tội danh thứ bảy đến tội danh thứ mười toàn là tội hợp tác. Hợp tác với Savinkov, với Filonenko, với Đảng Dân chủ Lập hiến, với nhóm Phục Sinh (không hiểu có nhóm này thật không?), với bọn sinh viên tiểu tư sản phản động và với, cả đám Sĩ quan phiến loạn nữa!

Những tội danh chằng chịt của Đảng Xã hội Cách mạng được Công tố viện bài ra dễ sợ thật nhưng giọng điệu buộc tội của đồng chí Krylenko không gay gắt, căm thù mà nghe như chỉ trích thân hữu, chia sớt tình cảm là khác. Chiến thuật "nói ngọt" bắt nguồn từ phiên xử này và đạt đến độ tận thiện tận mỹ năm 1937.

Qua giọng nhẹ nhàng buộc tội của Công tố viên, người ta có cảm tưởng kẻ xử án và người chịu án cùng chung một phe phái anh em. Nó đã đánh trúng nhược điểm của các "đồng chí" Xã hội Cách mạng. Làm sao không mũi lòng cho được, khi Ủy viên Chính phủ có lời trách móc:

"Dầu sao, các anh và chúng tôi, chúng ta cũng là người cách mạng với nhau! Tại sao các anh có thể cúi xuống, đi liên kết cùng bọn Dân chủ Lập hiến lạc hậu? Tại sao các anh có thể đi cùng bọn Sĩ quan phiến loạn? Các anh lại còn huấn luyện cho tư bản phản động, bọn sinh viên giá áo túi cơm về kỹ thuật, kế hoạch gây loạn nữa!"

Trước Toà Tối cao, các đảng viên cao cấp Xã hội Cách mạng đã bị buộc tội như vậy, nhưng họ đối đáp thế nào? Tuyệt nhiên không có tài liệu, hồ sơ trực tiếp ghi lại những lời tự biện hộ. Không biết có những người nào vạch ra rằng tính chất đặc thù của Cách mạng tháng 10 là tuyên chiến lập tức cùng bất cứ phe nhóm nào tham gia Cách mạng, gạt họ ra ngoài ngay từ đầu? (Họ đâu có mời tham gia, anh đâu dám ăn không nói có). Có thể một vài người thấm thía lời Công tố viên trách móc, tủi hổ cúi mặt cho sự xuống chân của mình. Coi, đang nằm xà lim tối om được ra chỗ sáng, được ông Công tố ngọt ngào như vậy sao khỏi động tâm?

Và ngay từ hồi 1922, Krylenko đã tìm ra đúng đường lối để sau này đàn em Vyshinsky cứ thế mà đánh vào tử điểm bọn phản động Kamenev, Bukharine; đã liên kết với phe nhóm tư bản phản động thì thế nào cũng nhận tiền của tư bản. Mới đầu đương nhiên anh chỉ nhận tiền với tư cách cá nhân để hoạt động hoặc vì lý tưởng. Cũng đương nhiên không phải đường lối Đảng. Nhưng làm cách nào vạch rõ thế nào là cá nhân, thế nào là hoạt động đoàn thể? Lý tưởng của cá nhân anh cũng có thể là lý tưởng của đoàn thể lắm chớ? Chao ôi, một đảng mang danh hiệu Xã hội Cách mạng mà nhận tiền tư bản thì còn gì là Cách mạng? Còn gì là thanh danh?

Khi tội danh đã vạch ra chất chồng thì dĩ nhiên Toà phải nhóm xử để rồi nghị án tùy trường hợp từng người, Nhưng tới đây lại nảy ra một chướng ngại làm đảo lộn hết, xét vì:

Tất cả những hoạt động của xã hội cách mạng kể như phạm pháp đều xảy ra từ hồi 1918.

Ngày 27 tháng 2 năm 1919 đã có lệnh ân xá riêng Đảng Xã hội Cách mạng, tha thứ tất cả những hoạt động chống đối phe Bôn-xê-vích trong quá khứ, với điều kiện là họ phải cam kết không hoạt động, tranh đấu trong tương lai.

Từ ngày đó họ không hoạt động, không tranh đấu thực sự.

Bây giờ mới là 1922. Vậy phải làm thế nào?
°
Đúng, phải làm thế nào để tròng tội vào cổ bọn Xã hội Cách mạng, đó là nhiệm vụ của đồng chí Krylenko.

Nguyên lệnh ân xá riêng các anh em Xã hội bắt nguồn từ sự can thiệp của Quốc tế Xã hội, yêu cầu chính quyền Xô Viết nương tay đối với anh em cùng một mặt trận. Vả lại từ đầu năm 1919, trước sự đe doạ của 2 mũi dùi Kolchak và Denikin, Đảng Xã hội Cách mạng tự ý quyết định ngưng chống chế độ Bôn-xê-vích, đảng bộ Xã hội Cách mạng ở Samara còn mở một lỗ hổng ở mặt trận Kolchak, do đó mới có lệnh ân xá. Ngay trước Toà, cán bộ Xã hội Cách mạng cấp Trung ương Gendelman còn tuyên bố thật ngây thơ: "Nhà nước thử nới lỏng, cho hưởng đủ các tự do căn bản coi. Chúng tôi đâu có phạm pháp nữa!". (Chao ôi, có bao giờ nhà nước nới lỏng, cũng như các tự do căn bản có cho ai bao giờ?).

Lập trường cấp Trung ương của Đảng Xã hội Cách mạng là thế đó! Được như vậy là hết chống đối, coi chế độ Xô Viết là hợp pháp, nghĩa là không cần xét lại vụ truất phế cả Chính phủ Lâm thời lẫn Quốc hội Lập hiến! Chỉ yêu cầu nhà nước cho tổ chức tuyển cử tự do, chấp nhận cho tất cả các đảng phái tự do tranh cử.

Đâu thể có chuyện nhà nước Xô Viết chấp nhận cho dễ dàng như vậy? Lại một "đòn xâm nhập của tư bản"! Thời buổi khủng hoảng, kẻ thù bao vây bốn phía thì chấp nhận thế nào được? (Hai chục năm, năm chục năm, một trăm năm nữa dĩ nhiên vẫn chưa hết, khủng hoảng, kẻ thù bao vây bốn phía!).

Nói làm gì đến tự do tranh cử. Để đối đáp lại thiện tình của anh em Xã hội Cách mạng đưa đề nghị hoà bình, nhà nước Xô Viết có ngay quyết định: phải tống cổ toàn thể Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng vào tù! Lượm được mạng nào tốt mạng ấy, ít ra cũng đỡ lo chúng ngo ngoe tuyên truyền chống đối.

Khi đã tống giam bằng hết rồi, liệu có cần phải đưa chúng ra toà không? Câu lưu tới 3 năm rồi mà. Nhưng nếu đưa ra toà thì truy tố chúng về những tội gì? Dù sao cũng phải tìm ra tội trạng của từng người và thời buổi đó, công việc thẩm vấn trước khi truy tố còn quá nhiều thiếu sót, như lời thú nhận của đồng chí Krylenko.

À, có một tội rõ rệt, không cãi vào đâu được. Tháng Hai năm 1919 Đảng Xã hội Cách mạng đưa ra một nghị quyết (chưa thi hành) song căn cứ theo Bộ Hình Luật mới thì làm rồi hay chưa cũng vậy! Cán bộ Xã hội Cách mạng được lệnh ngấm ngầm xách động hàng ngũ Hồng quân, kêu gọi binh sĩ ngừng tay, không tham gia vào những vụ bắn, giết trả thù nông dân. Xách động như vậy đủ là phản động, là âm mưu phản cách mạng rồi! Lại còn mớ tài liệu của Phái đoàn Đại diện Trung ương Đảng bộ ra ngoại quốc hoạt động nữa. Chỉ có nói miệng thôi, nhưng toàn là chứng cớ buộc tội được hết.

Tuy nhiên phải tìm cho ra một tội cụ thể, tội khủng bố bạo động chẳng hạn. Nói đến cánh tả Xã hội Cách mạng là người ta liên tưởng đến bạo động, khủng bố rồi. Càng dễ làm việc! Chẳng hạn như trước khi có lệnh ân xá, Đảng Xã hội Cách mạng chẳng có sẵn kế hoạch khủng bố các cấp lãnh đạo Xô Viết đó sao? Phải hiểu lệnh ân xá chỉ đặt điều kiện ngưnghoạt động, tranh đấu , nghĩa là nếu trước có tranh đấu cũng được ân xá, chớ có tha thứ cả tội bạo động, khủng bố đâu? Đó là một đầu mối chắc chắn để đồng chí Krylenko có thể phăng dần ra nhiều tội khác.

Và nếu nói đến vấn đề khủng bố thì mấy ông cấp lớn Xã hội Cách mạng rành lắm. Nhất là khủng bố mồm, đe doạ khủng bố!

Chẳng hạn như ở kỳ Đại hội Đảng thứ 4, Chernov đã hùng hồn đe doạ: "Nếu kẻ nào chà đạp lên quyền lợi của nhân dân, Đảng sẽ dồn sức mạnh đập nát liền, như đã chứng tỏ dưới thời Nga hoàng!" Và Gots còn mạnh mẽ tố thêm: "Nếu bọn độc tài ở Smolny dám đụng tới Quốc hội Lập hiến thì Đảng Xã hội Cách mạng nhất định không quên những chiến thuật đắc lực từng thử thách dạo nào". (Khủng bố miệng thì ghê gớm như vậy, nhưng thực sự Đảng Xã hội Cách mạng có làmmột cái gì đâu?).

Đảng Xã hội Cách mạng không quên. Có điều không hành động. Nhưng với Bộ Hình Luật mới thì đe doạ xuống cũng đủ rồi!

Đồng ý rằng Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng năm 1918 ra nghị quyết không áp dụng khủng bố với các anh emBôn-xê-vích, Đảng chỉ tuyên bố nếu phe Bôn-xê-vích không sát hại cán bộ Xã hội Cách mạng thì Đảng cũng không giở thủ đoạn khủng bố, cũng như năm 1920 đe doạ nếu phe Bôn-xê-vích làm hại đến sinh mạng các con tin Xã hội Cách mạng (tức tù nhân) thì Đảng sẽ võ trang nổi đậy. Nhưng làm sao ngăn được cá nhân Đảng viên nhúng tay vào khủng bố, phá hoại? Chẳng hạn một đảng viên Xã hội Cách mạng âm mưu gài mìn cho nổ đầu máy đoàn xe lửa chở các Ủy viên Hội đồng Nhân dân tới Mạc Tư Khoa. Tội mưu sát sẽ được quy trách cho Trung ương Đảng bộ Xã hội Cách mạng! Đồng chí Ivanora mang một bánh chất nổ nằm phục một đêm gần nhà ga. Vậy là có cuộc sắp đặt mưu hại lãnh tụ Trotsky và chủ mưu còn ai ngoài Trung ương Đảng Xã hội Cách mạng? Ngay như vụ Donskoi, Ủy viên Trung ương Xã hội Cách mạng ra nghiêm lệnh cho nữ đồng chí Fanya Kaplan, doạ trục xuất khỏi Đảng nếu cứ đi rình ám sát Lenin mà cũng cấu thành tội trạng để buộc tội Đảng Xã hội Cách mạng kia mà.

Giản dị là cá nhân vô kỷ luật gây rối thì đoàn thể chịu trách nhiệm và "chuyên viên gây rối", mấy tay bắn mướn thì Đảng Xã hội Cách mạng có khá nhiều, kiểm soát không nổi vì họ "thất nghiệp" đông quá! (Năm 1922 hai chuyên viên Konopleva và Semyonov cũng bị bắt và phản tỉnh kịp thời, cung cấp khá đủ tài liệu cho GPU. Dù không xài được vào việc khép án cấp lãnh đạo Xã hội Cách mạng, 2 ông cán bộ khủng bố mềm lưng này cũng được nhà nước trả tự do thật đột ngột).
°
Qua những tài liệu, nhân chứng mà Công tố viện nếu ra trước Toà tối cao, ánh sáng vàng vọt, le lói của Công lý thời đó cũng đã soi tỏ cả một đoạn đường lịch sử vòng vo bấp bênh, lạc hậu của một nhóm người ô hợp, không mục tiêu, hết hy vọng, chỉ mạnh miệng nói! Gọi là Đảng nhưng có thực sự hoạt động đâu, có được lãnh đạo bao giờ, nhưng bất cứ một hành động lẻ tẻ, quyết định hay không quyết định chiến hay hoà mà đã ra Toà Tối cao đều là tội hết! Không lật đổ nhà nước, không bạo động khủng bố, không chiếm hữu tài sản bất hợp pháp thì Đảng Xã hội Cách mạng vẫn cứ bị truy tố chỉ vì một tội mà ông Chưởng lý Krylenko đã xác định:

"Tất cả các bị cáo hiện diện sau cùng vẫn có thể bị ghép vào một tội, không trừ một ai: đó là một tội biết mà không chịu cáo giác với nhà nước!"

Chao ôi, Đảng Xã hội Cách mạng mà bị lên án không cáo giác lẫn nhau cho hết thì quả là không còn gì để nói nữa! Bộ Hình Luật mới rộng rãi đến như vậy quả là đã dọn đường sẵn để các thế hệ sau thẳng tiến về Tây Bá Lợi Á. Nó mới đến nỗi ông Chưởng lý Krylenko không biết đường mò, không nhớ nổi số các điều khoản quy định tội hoạt động phản Cách mạng. Hình như lưỡi dao máy chém treo đã lâu giờ chỉ nhằm các điều khoản này mà giáng xuống vậy! Nó thô sơ đến nỗi không cần phân biệt hành động và dự mưu. Tội trạng như nhau và hình phạt cố nhiên cũng như nhau!

Qua phiên Toà xử Đảng Xã hội Cách mạng người ta đã thấy thấp thoáng - như một hoạ sĩ xuống bút phóng hoạ vài nét thô sơ làm chuẩn - bóng dáng của những phiên toà sau này: 1937, 1945, 1949. Chỉ có một nét duy nhất trội hơn mà thế hệ sau không có: đó là tư cách các bị cáo trước toà. Họ chưa là cừu mà vẫn còn người vì qua lời Krylenko, họ nghiễm nhiên tin tất cả những chuyện họ đã làm đều có chính nghĩa, do đó họ đã khẳng khái tự tìm nguồn an ủi ở sự giữ vững tư cách, sau này thế nào cũng có người biết tới và ca ngợi. Họ còn sẵn sàng làm lại hết mà. Dĩ nhiên muốn tìm hiểu tư cách trước toà của đảng viên Xã hội Cách mạng cũng chẳng có cách nào khác hơn giở lại chồng hồ sơ Công tố viện, ở chính nhữnglời buộc tội của đồng chí Krylenko.

Chẳng hạn như Berg cương quyết tố cáo: chính các chiến sĩ Bôn-xê-vích phải chịu trách nhiệm về vụ hạ sát những người biểu tình chống lại lệnh truất phế Quốc Hội Lập hiến ngày 5.1.1918. Còn chiến sĩ Xã hội Liberov chỉ ân hận một điều: "Tôi cảm thấy phạm tội nặng đối với hàng ngũ công nhân vì năm 1918 đã không gắng hết sức để quật ngã bằng được chính phủ Bôn-xê-vích!" Nữ chiến sĩ Yevgenyia Ratner cũng chỉ ân hận in hệt, không tận lực chống bọn gọi là chính quyền Công nông, nhưng tôi hy vọng rằng còn có ngày làm lại!".

Chao ôi, ngày đó qua luôn rồi! Cũng như những lời lẽ hào hùng vì hăng say, vì quen thói, nhưng phải nhìn nhận dầu sao các đảng viên Xã hội Cách mạng năm 1922 không mềm lưng vẫn giữ trọn tư cách. Nếu không tư cách, chắc chắn Gendelmen Grabwsky đã chẳng dám tranh luận với đồng chí Krylenko (dù chính bị cáo cũng là một luật sư) để vạch rõ nhiều nhân chứng đã được chuẩn bị bằng những phương pháp đặc biệt trước khi ra toà (GPU thiếu gì những phương pháp đặc biệt để buộc nhân chứng khai trước toà?). Còn những vụ đột ngột xuất trình thêm bằng cớ, lời khai vào giờ chót và lần đầu tiên trước toà, dù theo thủ tục chính Chưởng lý Krylenko đã chịu trách nhiệm tổng quát, theo dõi để vá víu kịp thời các hồ sơ ngay trong thời kỳ thẩm vấn.

Chẳng qua những sơ sót đó chỉ là những mấu ráp nối chưa bào chuốt mà thôi. Có một cái gì hoàn toàn được? Chưởng lý Krylenko xác nhận ngay:

"Chúng tôi thực sự không quan tâm đến vụ lịch sử rồi đây sẽ phê phán ra sao!"
°
Sự thực không thể nói nổi một sự trơn tru, toàn vẹn từ đầu đến cuối trong công tác lập hồ sơ truy tố ra toà. Ít nhất cũng có đến 3 giai đoạn riêng rẽ chớ không thể giản dị chỉ qua thủ tục hồi cung mà xong! Phải có sơ vấn để trước khi đi sâu vàođiều tra để sau cùng tóm gọn trong bản cung khai có tính cách tự thú. Dĩ nhiên GPU phải đặt nặng công tác điều tra, đúng chiều hướng mà Cơ quan có chỉ thị,

Thiết thực mà nói thì ông Chưởng lý Krylenko đã phải mất đứt nửa năm trời chuẩn bị sắp đặt hồ sơ ở giai đoạn sơ vấn, cộng thêm đúng hai tháng để điều tra, thẩm vấn (phụ trách là nhóm chuyên viên Cơ quan, với thẩm quyền rộng rãi) để đúc kết thành những bản cung khai mà tối đa Krylenko cũng chỉ cần đúng 15 giờ để duyệt xét lại lần chót để truy tố ra Toà là phải có căn bản pháp lý đàng hoàng.

Dĩ nhiên có một cách truy tố giản dị hơn nhiều là bắn bỏ bằng hết! Trường hợp Đảng Xã hội Cách mạng xét chẳng thể giản dị hoá vậy được. Còn dư luận quốc tế chớ. Đó là ly do Krylenko xác định rõ là: "Cáo trạng do Công tố viện trình toà không có tính cách chỉ thị buộc Toà phải xử theo chiều hướng. Nhiệm vụ Toà là căn cứ trên cáo trạng để cân nhắc, xét xử và tuyên án".

Kể ra một Toà án Tối cao mà còn cần đến một giải thích như vậy quả là thừa thãi! Tuy nhiên Toà phải chứng tỏ là dù sao cũng còn quyền phán quyết, đâu thể cho phép bắn bỏ dân Nga đến thằng phản động cuối cùng? Toà chỉ tuyên 14 bản án tử hình. Đa số lãnh án phạt giam, còn hình thức đưa đi đày để "lao động cải tạo" thì khoảng một trăm bị cáo còn lại.

Nếu Toà Tối cao không nhận chỉ thị của Công tố viện thì trái lại tất cả Toà án các cấp trên toàn quốc đều phải chiếu bản án của Trung ương để làm gương. Đó là bản án mẫu để các Toà địa phương lấy làm căn bản chung tuyên án. Thủ tục áp dụng là như vậy nên số người chịu án kế tiếp cứ tính từng tỉnh hạt và làm tính nhân lên. Phần đông lên xe lửa đi đày trại Cải tạo!

Nhưng đặc quyền ân xá của Ủy ban Hành pháp Trung ương mới là quyết định tối hậu, ăn trùm tất cả các bản án Toà! Ủy ban Hành pháp Trung ương không ân xá một ai và Toà Tối cao chẳng phải án treo nhưng trên thực tế tạm ngưng thi hành. Đợi phản ứng của những thành phần Xã hội Cách mạng còn lọt lưới, nhất là đang ở ngoại quốc coi sao đã! Con tin của các anh đã nằm sâu trên thớt, liệu chừng mà hó hé, vận động phản đối.

Bước qua mùa gặt thứ hai của thời đại hoà bình, nhà nước đâu cần phải xuống tay hành chi cho lắm. Cần thiết lắm mới để Cơ quan làm ở sân trong, hay kẹt như vụ Yuroslav, Tổng Giám mục Veniamin ở Petrograd, Phải tạo điều kiện tốt, một bầu trời xanh lơ trong trẻo để cho các phái đoàn ngoại giao, báo chí khởi sự xuất ngoại chớ? Con tin đã nằm cứng trong tay Ủy ban Hành pháp Trung ương của Công Nông thì còn vuột đi đâu?

Tờ Sự Thật đã dành hẳn 60 số liên tiếp theo dõi, trần thuật tỉ mỉ vụ án Xã hội Cách mạng. Cán bộ cao cấp chính quyền là phải đọc hết - đọc Sự Thật là bổn phận. Tất cả đều gật gù: "Đúng lắm, Đích đáng lắm. Phải vậy mới được!". Có một giọng nào chống đối, nói khác đi đâu?

Vậy thì hà cớ họ ngạc nhiên sau này, năm 1937? Có gì đáng phàn nàn, phản đối? Nền tảng của vô luật đã chẳng được dựng nên từ 1922, khởi từ thẩm quyền xử án ngoài lề của Cheka, đúc kết bằng bộ Hình Luật trẻ trung, cơ sở pháp lý vững chắc của những phiên toà thời đó.

Nếu năm 1922 là năm cần thiết để giải quyết, thanh toán thì tại sao 1937 lại không? Đối với Stalin cần phải có. Không chừng một cần thiết lịch sử cũng nên! Dù chẳng phải nhà tiên tri, đồng chí Chưởng lý Krylenko đã biện chứng trúng phóc: "Toà không xét xử Quá khứ, mà xét xử Tương lai!". Lưỡi hái đã đưa cao, chỉ nhát đầu còn khó phần nào, Nhân vật lớn cuối cùng của Đảng Xã hội Cách mạng bị lọt lưới - hay tự ý chui đầu vào rọ - là Boris Viktorovich Savinkov bị cơ quan An ninh Xô Viết bắt được ngày 20 tháng 8 năm 1922 giữa lúc vượt biên giới về nước. Cố nhiên Savinkov bị đưa về Lubyanka nằm tức khắc.

Tại sao Savinkov lại đâm đầu về đến nỗi sa lưới dễ dàng như vậy. Mãi sau này tạp chí Neva số 11 năm 1967 mới tiết lộ sự thực qua mẩu hồi ký của một chứng nhân giá trị là Ardamatsky, một kẻ có thẩm quyền gần gũi các hồ sơ mật của Bộ Nội An. Sau khi bắt một số đảng viên cốt cán của Xã hội Cách mạng, Cơ quan đã mua đứt họ, lợi dụng họ gài bẫy giùm nhử Savinkov về. Mấy tên phản được GPU cho ra bí mật, xuất dương tìm đến đàn anh báo cáo: Tổ chức của Đảng ta có một cơ sở lớn, còn hoạt động được nhưng đành nằm yên chỉ vì thiếu một cấp lãnh đạo cừ. Chỉ thiếu Savinkov! Bị đánh trúng tự ái lãnh tụ, muốn phục vụ Đảng lần chót nên Savinkov đánh liều từ Nice (Pháp) về nước, cố gây dựng cơ sở Đảng. Được bọn đàn em hướng dẫn về, tổ chức thật kín đáo, nhưng lọt ngay lưới GPU giương ra chờ sẵn bên kia biên giới! Sự thực có thể gần như vậy).

Một cán bộ "phản nghịch" quan trọng như vậy mà Lubyanka khai thác quá lẹ: chỉ cần viết bản tự thú, khai rõ hoạt động là hồ sơ kết thúc ngày 23 tháng 8. Vì kết thúc quá cấp tốc nên người ta cho rằng Savinkov đã tự ý cung khai chớ tra tấn tối da cũng chẳng làm lẹ được cỡ đó!

Bản cáo trạng chính thức thì danh từ chuyên môn đã có mẫu sẵn, chỉ việc thu xếp sao cho giả cũng thành thiệt. Nghĩa là tưởng tượng ra được tội gì thì bị cáo Savinko lãnh tội đó! Trước hết là "kẻ thù gốc bần cố nông", tiếp tay tư bản thực hiện những mục tiêu đế quốc (nghĩa là chủ trương đánh Đức), có liên lạc với Bộ Tư lệnh Đồng minh (dù với tư cách Bộ trưởng Chiến tranh của chính phủ Cách mạng Lâm thời!), tham dự những Ủy ban gây hấn trong quân lực và chót hết là tội "có cảm tình với giới bảo hoàng"!

Ngoài mớ tội "căn bản" đó, Savinkov còn nhiều tội mới - những tội sau này trở thành "tiêu chuẩn" - nào nhận tiền bạc đế quốc, nào làm gián điệp cho Balan (chớ không phải cho Nhựt Bổn!) và cụ thể nhất là "dự mưu đầu độc Hồng quân bằng độc chất potassium cyanide!).

Toà khai mạc ngày 26.8 dưới quyền Chánh thẩm Ulrikh. Đặc biệt là không luật sư biện hộ mà đại diện Công tố viện cũng không.

Bị cáo Savinkov tự biện hộ quá ngoan ngoãn. Toà có đưa bằng chứng cũng không buồn cãi. Thái độ gần như thản nhiên chấp nhận bằng hết, Toà muốn xử sao cũng được. Lần chót được về nước, được nói trước công chúng và được dịp hối ngộ là tốt rồi!

Ngần ấy sự kiện đã lạ chớ? Nhưng lạ nhất là chính bản án! Xét vì để duy trì Công lý và trật tự cách mạng, án tử hình không cần thiết trong trường hợp này. Vả lại cũng cần khẳng định rõ Công lý của giai cấp vô sản chẳng phải là một dụng cụ trả thù cho nên Savinkov chỉ bị trừng phạt bằng bản án nhẹ nhàng là 10 năm tù.

Savinkov mà chỉ 10 năm tù? Quá nhẹ! Dư luận xôn xao, Chế độ ta khởi sự nương tay thiệt sao? Có sự thay đổi gì đây? Trên tờ Sự Thật, chính đồng chí Chánh thẩm Ulrikh còn phải lên tiếng giải thích lý do tại sao không cần phải tuyên án tử hình.

Phải biết là chế độ ta sau 7 năm cầm quyền đã vững mạnh thế nào! Tại sao lại phải e dè, sợ sệt một thằng cỡ Savinkov chớ? (Nhưng 20 năm sau nó lại yếu dần! Đừng trách cứ tại sao kỷ niệm 20 năm Cách mạng thành công mà phải xử tử đến mấy ngàn người).

Vụ hồi hương của Savinkov đã là chuyện lạ. Không bị án tử hình còn lạ hơn! Nhưng chuyện lạ nữa thì phải đợi đến tháng Năm năm 1925 mới đột biến. Chắc vì khủng hoảng tinh thần quá nên thình lình tù nhân Savinkov đã lao đầu ra ngoài khung cửa sổ (mở ngỏ, không bít bùng) để gieo mình xuống sân trong khám đường Lubyanka! Mấy cán bộ có nhiệm vụ theo sát, canh chừng nhảy lại đỡ không kịp.

Nhưng để một vụ nhảy lầu xảy ra ngay trong cơ sở Cơ quan đâu có được, Savinkov phải để lại một cái gì chứng tỏ người đã chán sống đến mức tối đa, quyết tâm chỉ đợi cơ hội là hủy mình! Có một lá thư tuyệt mạng.

Lá thư đã giải thích một cách sáng tỏ và hợp lý nguyên nhân chán sống của người. Từ văn phong đến ngôn ngữ, danh từ sử dụng đều thuần túy Savinkov, đúng chất Savinkov đến nỗi chính con trai nạn nhân là Lev Bhrisovich ở Bale cũng tin rằng lá thư đích thực của người quá cố, không ai có thể giả tạo nổi. Gặp ai ở Bale, Borisovich cũng khẳng định là thân phụ ông đã tự ý tìm đến cái chết chỉ vì thất vọng não nề cho cả một lý tưởng chính trị sụp đổ. Một phá sản chính trị! 7

Chao ôi, thế là xong một cuộc đời cách mạng!

Tuy nhiên Công lý đang lớn dần, còn nhiều vụ án lớn vô cùng quan trọng đang nằm chờ đợi.
--------------------------------
1
Sô Viết xin hiểu là Ủy ban Hành chính, có từ cấp xã đến trung ương.
2
Thì ra các giáo dân đã đặt vấn đề canh chừng để bảo vệ an ninh cho Đức Giáo chủ của họ không phải là vô lý như ông Chưởng lý Krylenko vạch rõ! Nhưng nếu nhà nước quyết ra tay thì giáo dân có giật chuông báo động cũng bằng thừa.
3
Chú thích của người dịch: Petrograd (tức Leningrad) thủ phủ của nhiều triều đại Nga hoàng là một trung tâm sinh hoạt văn hoá, trí thức, tôn giáo quan trọng ngang hàng với Mạc Tư Khoa. Phải hiểu như thủ đô của miền Tây Bắc trong khi Mạc Tư Khoa là thủ đô của miền đồng bằng.
4
Chú thích của người dịch: Dưới chế độ Sô Viết cố nhiên không một nhà in nào dám in những tài liệu "chống đối" này. Tư nhân hay phe nhóm (kể cả Giáo hội) muốn phổ biến chỉ còn cách đánh máy, quay ronéo. Do đó gọi vắn tắt là tội, tự ý xuất bản, phổ biến (tội SAMIZDAT!).
5
Đại khái những tội trạng như trong vụ Vyborg chống án mà luật pháp dưới triều Nga hoàng chỉ trừng phạt 3 tháng tù.
6
Xin nhắc lại Đảng Xã hội Cách mạng là tổng hợp một số đảng phái chống bảo hoàng, liên kết thành lập từ năm 1890 trong nước Nga. Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng lần thứ I tháng 12 năm 1905 ở Phần Lan, Đảng tách làm hai. Hữu phái ôn hoà, tả phái chủ trương Cách mạng bạo động khủng bố. Tả phía liên kết với phe Bônxơvich lật đổ Nga hoàng và nắm nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ Cách mạng lâm thời nên còn đi với phe Bônxơvich được ít năm.
7
Lớp tù nhân Lubyanka tụi tôi sau này bèn lý luận khẽ với nhau là những tấm lưới thép chằng chịt chăng ở mỗi góc thang lầu Lubyanka hiển nhiên là hậu quả của vụ Savinkov nhảy lầu. Tụi tôi ngớ ngẩn tin vậy đó, dù dư biết là truyền thống khám đường bao giờ cũng có tính cách quốc tế. Các nhà tù bên Mỹ đã chăng lưới sẵn từ hồi đầu thế kỷ, không lẽ khám đường Nga chịu lạc hậu hơn?
Năm 1937, nằm hấp hối trong trại Cải tạo đảo Kolyma, cựu cán bộ Cheka Artur Pryubel đã rỉ tai thú thiệt với một bạn tù rằng chính hắn là 1 trong 4 người đã thảy Savinkov từ lầu 5 xuống sân trong Lubyanka. Hồi ký của Ardamatsky sau này cũng kể trường hợp này với lời kể của Prvubel ở điểm "cánh cửa sổ lầu 5 đó trống trải như một cửa lớn mở ra ban công" vậy. Thì ra địa điểm đã chọn lựa rồi. Tuy nhiên Ardamatsky vẫn cho rằng lính canh sơ thất trong khi chính thủ phạm thì xác nhận.
Nếu lời thú nhận của gã cựu nhân viên Cơ quan mà tin được thì bản án Savinkov tưởng là quá nhẹ bỗng nặng đến tối đa!
Tiết lộ của Pryubel không có cách gì kiểm chứng. Nhưng được biết vụ Savinkov nên năm 1967 có dịp hỏi đồng chí già Yakubovich thì ông ta nó như reo lên: "Thế thì đúng rồi! Sự việc ăn nhập nhau. Thảo nào hồi đó Blyumkin có kể cho tôi nghe, lại bắt thề thốt đủ thứ, mà tôi không tin là không tin". Hồi đó ngoài 1920, Blyumkin tiết lộ được lệnh GPU viết thư tuyệt mạng của Savinkov. Cùng nằm khám Lubyanka, hắn được phép lui tới xà lim Savinkov để tỉ tê tâm sự, nhất là những buổi chiều tối. Có thể nhà lãnh tụ Xã hội Cách mạng cảm thấy cái chết gần kề mà không tiên đoán nổi nên sẵn có "bạn tù" nằm bên bèn trút bầu tâm sự, nghĩa là chia sẻ nỗi thất vọng, chán chường. Do đó, Blyumkin vừa thấu đáo tâm trạng Savinko vừa đọc được tư tưởng, cóp được nguyên văn "lời ăn tiếng nói" đặc biệt của đương sự! Còn một thắc mắc nữa: Tại sao phải đóng kịch nhảy lầu? Đầu độc dễ hơn nhiều chớ. Hay Cơ quan còn muốn có một cái xác Savinkov để xuất trình làm tin, do đó, không thể xài thuốc độc?
Cũng nên nói qua về con người Blynumkin, chuyên viên thủ tiêu của cánh cực tả Đảng Xã hội Cách mạng, "giác ngộ" theo Bôn-xê-vích, từng bị nhà thơ Mandelstam mạt sát. Nhà văn Ilya Ehrenburg đã tính lấy Blyumkin để xây dựng một vai trò tiểu thuyết nhưng giờ chót cảm thấy mắc cỡ ngòi bút đành phải liệng! Sau cú khủng bố Đảng Xã hội Cách mạng, năm 1918 riêng hung thần Blyumkin không hề hấn, dù từng ám sát Đại sứ Đức Mirbach. Lại còn được tay tổ Mật vụ Azerdzhinsky che chở để có chỗ sài sau! Quả nhiên sau khi tuyên thệ nhập Đảng, hắn được giao trọng trách bí mật sang Bale năm 1930 để thủ tiêu Barzhenov, một bí thư thân cận của Stalin trở cờ. Nạn nhân đã bị bắn liệng từ xe lửa xuống chết tươi! Sau đó không hiểu vì máu phiêu lưu liều lĩnh hay chỉ vì ngưỡng mộ Trotsky quá mà Blyukin lần mò sang tận đảo Ông Hoàng (Thổ Nhĩ Kỳ) nơi Trotsky đang lưu vong để ngửa tay xin công tác, bất cứ công tác gì ở nước nhà. Trotsky bèn ủy nhiệm hắn mang một gói tài liệu về trao tay cho đồng chí Radek, thật kín đáo. Nào ngờ hung thần sập bẫy nạp mạng cho GPU kết liễu, chỉ vì chính đồng chí Radek đã "đi hàng hai" với nhà nước từ hồi nào!

1      2      3      4     5      6      7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét