Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN ĐƯỜNG BỘ - KỲ 5


1     2      3      4      5     6      7      8      9
"Tôi lúc ấy đã sợ quá nên cuống quít gật đầu lia lịa, chẳng biết Lục thum là nghĩa gì mà cũng gật đầu. Thế là tôi bị bọn chúng đánh gần chết. Hai thằng thay nhau dùng báng súng đánh rồi đá và đạp tôi. Mình mẩy tôi đau đớn ê ẩm, máu me chảy đầm đìa, ướt đẫm cả áo quần. Sau đó, bọn chúng bắt tôi cởi hết quần áo để chúng lục xét. Lúc ấy, tôi chỉ còn mặc có cái quần xà lỏn mà thôi."
Ông Nguyễn Văn Thuỵ Viễn, sinh năm 1951, cựu giáo sư cấp 3, môn Toán tại trường Lê Bảo Tịnh, Sàigòn. Ông Viễn đã vượt biên vào tháng 2, năm 1980. Tới Mỹ năm 1981. Hiện ông là kỹ sư công chánh, cư ngụ tại Whittier, California. Ông đã dành thì giờ cho Kim Hà phỏng vấn vào 12, năm 1984.

Trong quyết tâm đi tìm tự do, ông Viễn đã đi vượt viên bằng đường thủy đến bảy lần nhưng đều bị thất bại. Lần đi vượt biên bằng đường bộ, ông đã thoát chết và sống qua rất nhiều trại tị nạn như Non Chan, Non Makmun, Khoa Y Dang, biên giới Thái và Cambodia. Các trại Sikiew, Panatnikhom Transit Center tại Thái Lan và trại Bataan, thuộc Phi Luật Tân.Khi đến Mỹ, ông Viễn đã định cư tại Detroit,Michigan; rồi đến Missouri; Longview, Washington State trước khi dừng bước tại thủ phủ của người Việt tị nạn, Orange County.


Ông Viễn là em rể của Kim Hà, chồng của Nguyễn Phạm Kiều-Chi. Chi là người em gái của Kim Hà, cô đã ở lại chịu trăm cay ngàn đắng để việc ra đi của Viễn và gia đình Kim Hà được trót lọt. Sau cùng, cô cũng đã đoàn tụ cùng gia đình tại Mỹ và kết hôn với Viễn vào tháng 9, năm 1982.


Thư Viết Của Viễn Từ Khao Y Dang.
Khao Y Dang ngày 30, tháng 10, năm 1980.
Chị Hà mến,
Nhận được thư chị viết cho tôi đề ngày 18 tháng 10, 1980, tôi rất mừng cho gia đình của chị. Chúa đã giúp cho gia đình chị cách riêng. Gia đình chị là một trong số rất ít người đầu tiên đi đường bộ mà nay đã đến được nước thứ ba.
Còn biết bao nhiêu người còn ở trong các trại Sikiew, Khao Y Dang và NW 9 nữa hả chị? Đó là chưa kể đến chuyện gia đình chị với một số người đông như vậy mà đi thoát được để đến trại NW 9. Chắc chị cũng như tôi đều đồng ý có Chúa giúp chúng ta. Mong rằng gia đình chị khi đến được nước Mỹ, hãy sống đạo cho thật nghiêm chỉnh, đừng làm gì lỗi đạo luật của Chúa và của Trời vì đời sau mới đáng kể.
Mong anh chị hãy hy sinh và sống đúng với những giáo điều của Chúa. Làm gương và hướng dẫn những đứa con sau này trở nên những tông đồ trong Chúa. Đừng để những cám dỗ của vật chất văn minh, những yếu đuối của thế gian tầm thường chi phối.
Riêng tôi, trong đời sống ở đây. Từ khi Chúa ban liên tiếp những phép lành cho tôi trên đường vượt biên tới đây, không tối nào là tôi không đọc năm mươi kinh để cảm tạ Chúa, để cầu nguyện cho những người còn lại ở Việt nam. Tôi đã dứt khoát ở hiện tại cũng như trong tương lai, tôi phải là một tông đồ ngoan trong tiếng gọi của Chúa.
Và tôi cũng nói một điều này, tùy chị tin hay không là thời gian gia đình chị còn ở tại trại NW 9, ở ngay biên giới Thái-Miên, không đêm nào là tôi không đọc kinh và cầu nguyện cho gia đình chị ba kinh, mong Chúa giúp cho gia đình chị đi thoát qua cảnh cơ cực lúc ấy, cùng mau chóng được định cư.
Chị Hà mến,
Đọc thư chị viết về thái độ của người ngoại quốc khinh bỉ đám dân tị nạn cơ cực Đông Dương ở trên máy bay, tôi buồn lắm. Mặc dầu tôi biết đó chỉ là một sự thật trong những sự thật tương tự đã xảy ra và đang tiếp diễn.
Biết làm sao hả chị, khi mà chúng ta đã đánh mất quê hương. Rồi đây, tôi, chị và còn rất nhiều người khác nữa sẽ còn phải chịu đựng hơn nữa và hơn nữa.
Cũng như hiện tại, tôi đã phải nhìn, phải chịu đựng biết bao cảnh trái tai gai mắt: từ những cảnh tụi Pol Pot hãm hiếp tập thể các phụ nữ Việt Nam đi vượt biên đường bộ mà chúng nó bắt đuợc. Tôi không bao giờ có thể quên được những tiếng la thét đêm ấy, tại trại Non Samet (007), khi mà tụi nó hãm hiếp một thiếu nữ khoảng hai mươi tuổi, ngay cách đầu chúng tôi độ ba thước. Khoảng mười thằng. Khi xong, chúng còn tống một cái đèn pin vào cửa mình của cô ấy. Tiếng la hét đau đớn ấy, hiện nay nó còn ám ảnh tôi không nguôi.
Rồi đến đời sống tại trại Khao Y Dang ở những ngày tháng đầu tiên, chỉ một lon sữa hoặc nửa ký đường, là một cô gái đàng hoàng sẵn sàng hiến thân ngay. Ngay tổ tôi ở, đã có ba, bốn cô làm như vậy.
Tôi thật ghê tởm công việc làm đó và xót thương cho họ. Đó là chưa kể những cặp vợ chồng vá víu. Chồng chưa xa gia đình dược bao lâu đã quên vợ và ngược lại. Thật tội lỗi không thể tưởng tượng được. Nhiều lúc nhìn những cảnh đó, tôi chán nản cùng cực.
Người Viêt mình như thế, bảo sao người ngoại quốc không khinh sao được? Mặc dầu tôi không dám nói tất cả những người tị nạn đều như vậy cả.
Chị Hà mến,
Hôm nay, tự nhiên tôi muốn tâm sự với chị, biết đâu đây chả là dịp cho chị ôn lại những kỷ niệm tại trại tị nạn mà gia đình chị đã trải qua.
Sống trong trại tị nạn, lúc đầu nhiều khi tôi bị khủng hoảng tưởng muốn điên lên được. Hàng ngày chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt đó, cộng với những thiếu thốn tối cần thiết. Đến lúc này nghĩ lại vẫn còn rùng mình.
Khi mà hơn một tháng không đánh răng, ba tháng không có kem đánh răng để đánh. Khi mà suốt ngày chỉ mặc độc nhất một cái quần bộ đội. Tối thì nằm đất mà không có mùng. Khi mà hai ngày đi tắm với một thùng bốn lít nước. Tôi thèm chất ngọt, thuốc lá và đồ gia vị kinh khủng.
Cộng thêm vào đó, tình hình an ninh quá bi đát. Lúc đầu và cho đến giờ này vẫn tiếp diễn: Tụi lính Thái Lan cứ hứng chí lên là tìm cớ vào trại, bắt người này người nọ, mà đa số là thiếu nữ để đi hiếp dâm. Không ai dám hé môi khi mà sinh mạng mình không có cơ chế nào để bảo vệ.
Rồi tụi Pol Pot giả dạng dân, đêm đêm vào trại để cướp của và hiếp dâm. Có đêm báo động đến năm bảy lần. Đạn bắn trúng dân lành. Đến nay ở trại tôi ở là trại Khao Y Dang, số người lạc đạn đã năm người. Rồi lại tin đồn này nọ: trả về biên giới, bộ đội Việt cộng tấn công sang, nay mai được chuyển trại, lâu lâu lại được lá thư buồn của gia đình gửi sang. Trời ơi, tất cả những thứ đó, trong hoàn cảnh xa gia đình, nhớ nhà, nhớ người thân, tủi với những người chung quanh khi họ có tiền.
Thiếu thốn quá nhiều với những đồ cấp phát của HCR để ăn hàng ngày, tôi nhiều lúc muốn đập phá tất cả. Càng sống lâu trong trại tị nạn bao nhiêu, tôi lại càng thương mẹ của tôi quá. Có những cái thật nhỏ, lúc ở Việt nam tôi không để ý. Vậy mà khi đến đây, những cái tôi cho là nhỏ thì nó lại trở thành tối cần thiết, chị ạ.
Tôi đã tâm sự về vấn đề này với chị hơi nhiều. Nói vấn đề này để chị thấy tại sao tôi phải cầu nguyện cho gia đình chị hàng đêm. Thời điểm ấy, tôi rất lo và thương cho chị cùng các cháu lắm. Gần ngày sinh, con đông và quá nhỏ, sống làm sao đây?
Chị biết không? thời điểm ấy, tôi phải xung phong đi vác than cho ban tiếp liệu để mong xin họ thùng giấy rách và bao ni lông gói thịt về để đựng nó, gói bao gửi qua NW 9 cho chị. Và cô Huyền Chi, học trò của tôi, lúc đó đã có một hành động tuyệt vời với tôi là cho tôi mượn năm trăm baht, tức là hai mươi lăm đô la.
Nghĩ lại lúc ấy khổ quá, đi cầu không có giấy, tôi phải lấy lá để chùi. Viết những giòng chữ này, tôi chỉ muốn nói lên, để chị và tôi, chúng ta cùng ôn lại, cùng thương yêu và cùng đùm bọc nhau ở tương lai. Cùng cảm ơn Chúa đã thương yêu chúng ta, đưa chúng ta đến đây và đã ban cho chúng tôi đủ nghị lực thoát qua những cảnh khổ đó. Điều đáng nói nhất là chúng ta đã không làm gì cho Chúa buồn trong thời gian vừa qua.
Cầu xin ơn trên ban mọi ơn lành đến gia đình anh chị.
Thân Mến,
Nguyễn văn Thụy Viễn




Cuộc Hành Trình Từ Việt Nam Đến Thái Lan


“Liên tiếp thất bại bảy lần bằng đi vượt biên đường thủy, nên tôi chọn đi bằng đường bộ. Như sóng cồn, phong trào đường bộ lúc ấy đang thịnh hành, nhiều người bàn tán, đi qua lại buôn bán; lại thêm nhiều công nhân viên nhà nước qua lại làm việc ở Cambodia. Vì thế, tôi nghĩ việc xâm nhập biên giới cũng đỡ phần nguy hiểm. Tôi bèn đánh bạo để thử thời vận, may ra có thể thành công.

Tôi không nhớ đã ra đi ngày nào theo Tây lịch, có lẽ 27 tháng 2, năm 1980, nhưng nhớ rõ lúc ấy là ngày mùng tám Tết, năm Canh Thân (1980). Sau khi đã tìm hiểu đường dây vượt biên, chúng tôi, Nhật và tôi, cùng với người dẫn đường dự định từ Sàigòn sẽ ra bến xe Lục tỉnh đi thẳng xuống tỉnh Châu Đốc.

Tuy nhiên, vì sự di chuyển khó khăn và vì sợ lộ, chúng tôi phải đi hai chặng xe. Từ Sàigòn đến Cần Thơ ở lại một đêm rồi hôm sau mới từ Cần Thơ đi Châu Đốc. Số người đi gồm anh Nhật là học trò của tôi, tôi và người dẫn đường.

Khi tới Châu Đốc, người dẫn đường tên Dũng đưa chúng tôi tới nhà người quen để ngủ đỡ rồi chờ đến đêm sẽ qua biên giới để đến tỉnh Tà Keo của địa giới Cambodia. Khoảng 3:00 giờ đêm, tên Dũng đưa hai chúng tôi vượt sông và đi bộ khoảng hai dặm dưới bóng đêm. Chúng tôi lầm lũi băng qua các cánh đồng để tìm đến tỉnh Tà Keo.

Tới nơi, chúng tôi phải nằm ở nhà người quen của tên Dũng hai ngày để hắn có thể móc nối xe đò đi Nam Vang. Trước khi lên xe đò, chúng tôi phải ăn mặc giả làm dân buôn: áo sơ mi rằn, quần đen, khăn choàng cà ma, một loại khăn thông dụng của người dân Miên.

Từ Tà Keo đi xe đến Nam Vang mất khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ. Khi đến Nam Vang, anh chàng Dũng đòi chúng tôi đưa thêm tiền. Như đã quy định, mỗi đầu người chúng tôi sẽ trả bốn cây vàng. Từ Sàigòn đến Nam Vang, mỗi người sẽ giao một cây vàng cho người dẫn đường. Từ Nam Vang đến Sisophon, sẽ giao thêm một cây nữa.

Khi chúng tôi thành công, chúng tôi sẽ giao tín hiệu về Sàigòn thì lúc ấy, người nhà chúng tôi sẽ giao thêm hai cây cuối cùng. Như vậy mới chắc ăn. Thế mà nay hắn đã đòi chúng tôi giao hết. Vì thế, chúng tôi nhất định không chịu giao.

Trên đường đi từ Châu Đốc đến Nam Vang, tôi quan sát thấy Dũng không rành đường đi từ Nam Vang đến biên giới; vì thế chúng tôi sợ nên không giao hết. Thế là hắn bỏ rơi chúng tôi ngay tại chỗ và trốn đi.

Lúc ấy tâm trạng chúng tôi rất hoang mang: Nếu về thì không biết đường về, mà nếu đi lại không biết lối đi. Cũng may, lúc ấy ở Nam Vang có rất đông công nhân viên và dân buôn người Việt. Họ xài tiền Việt nam luôn, chỉ có nơi hẻo lánh mới dùng vàng để trao đổi và buôn bán.

Chúng tôi bèn đánh bạo ở lại đó hai ngày để đi vòng quanh, tìm hiểu và móc nối đường dây để mà đi tiếp. Nếu không móc nối được thì sẽ đi về lại Sàigòn, còn nếu tìm được đường khác thì sẽ đi tiếp.

Sau hai ngày, tôi có một nhận xét là có một số người dù đã cải trang vẫn có thể biết là họ đi vượt biên. Chỉ cần nhìn đôi mắt và dáng điệu lấm lét là biết ngay. Vì thế tôi đã đi theo họ để kiếm lối đi tiếp. Tôi để ý là hễ ăn xong thì cả bọn đều ra bờ sông Nam Vang, kế một cái chợ lớn và kế một bến xe vận tải để ngủ. Thế là hai chúng tôi cũng đi theo ngủ ké theo họ ở ngay các vỉa hè.

Sáng hôm sau, khoảng 3:00 giờ sáng, họ ơi ới gọi nhau cùng lên xe. Chúng tôi thấy họ leo lên xe thì cũng leo lên xe ngồi. Các tài xế và lơ xe của đoàn xe vận tải thì đã có sự toa rập với người vượt biên để đưa họ đi trốn và lấy tiền thù lao.

Khi xe đi từ Nam Vang ra ngoại ô độ mười cây số thì ngừng lại đến hai ngày và không đi tiếp nữa. Tôi đoán có lẽ đoạn đường phía trước đang có giao tranh nên họ sợ nguy hiểm. Lúc này mọi người đều đi xuống ăn uống và nghỉ ngơi.

Trong lúc đó, tôi bèn đi vòng các làng ven đường để quan sát sự sinh hoạt của người dân Cambodia. Họ bị lệ thuộc rất nhiều ở chính quyền Việt Nam. Người bộ đội Việt Nam rất có uy quyền, giống y như sự đô hộ của quân đội Pháp đối với nước Việt Nam ngày trước.

Trong hai ngày chờ đợi đó, người lơ xe liên lạc với chúng tôi để đòi tiền chuyên chở. Họ bảo là sẽ đưa chúng tôi đến một tỉnh giáp vùng Sisophon là tỉnh Battambang với giá sáu chỉ vàng cho một đầu người.

Chúng tôi lúc ấy không biết khoảng cách từ Battambang đến Sisophon là bao xa, nhưng chỉ biết càng đến gần biên giới là hy vọng càng cao. Vì thế, chúng tôi đánh liều đi đại. Sau khi năn nỉ, giá họ chịu lấy là bốn chỉ cho một đầu người.

Trong cuộc hành trình, khi đến các trạm không nguy hiểm thì chúng tôi vẫn ngồi yên trên xe. Xe chứa khoảng từ hai mươi đến ba mươi người. Những người vượt biên thì ngồi ở bên trong, còn dân địa phương buôn bán thì ngồi ở ngoài. Tới các trạm có lính Cambodia kiểm soát thì người lơ xe trao đổi tiền bạc và hàng hoá. Điều này cho thấy là họ cũng làm ăn chia chác với nhau cả.

Khi tới các trại có bộ đội Việt Nam canh gác thì người lơ xe không dám để người vượt biên ngồi trên xe. Họ dặn chúng tôi hãy xuống đi bộ hình chữ nhật, tức là đi vòng trong đường ruộng để tránh các trạm kiểm soát. Người tài xế xe vận tải ngừng xe cho chúng tôi xuống cách trạm cỡ một dặm và quá trạm một dặm để đón chúng tôi lên xe đi tiếp. Họ rất tử tế vì họ có thể bỏ rơi chúng tôi bất cứ lúc nào nhưng họ đã không bỏ rơi. Có khi họ phải đợi chúng tôi từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ.

Tôi không biết đoạn đường từ Nam Vang đến Battambang dài bao nhiêu cây số, nhưng chỉ biết có khoảng một trăm trạm kiểm soát trên lộ trình ấy, vì cỡ một trăm thước là có một trạm kiểm soát. Từ Nam Vang đi Battambang phải mất ba ngày đường. Số lính người Miên kiểm soát ở các trại lại ít hơn số lính bộ đội người Việt.

Đường lộ rất xấu và hư hại rất nhiều. Có nhiều đoạn đường hầu như không có nhựa. Bụi đỏ bay mù mịt, xe cứ nhảy nhổm như muốn hất người ngồi rớt xuống đất.

Trên chuyến xe đó, rất hên là tôi gặp một bà người Miên gốc Việt Nam. Chồng bà là giáo viên người Miên. Bà ta hình như biết chúng tôi là dân vượt biên nên mở lời trước. Cứ đến mỗi trạm, thì xe ngừng để mọi người mua nước uống và đồ ăn. Chúng tôi không dám xuống vì sợ lộ, nên chỉ ngồi trên xe ăn bánh mì cầm hơi.

Thấy vậy, bà này cứ săn đón và mời chúng tôi mua đồ ăn rồi lần mò hỏi chuyện. Bà ta hỏi có phải chúng tôi là dân Việt Nam không, có phải chúng tôi có ý định vượt biên không, rồi bà hỏi đủ chi tiết về chúng tôi. Khi tiếp xúc, tôi nhận xét rằng bà này muốn giúp đỡ chứ không phải soi mói. Bà ta còn mời chúng tôi uống nước dừa Thốt Nốt. Đây là loại nước phổ thông nhất ở Cambodia, nước đựng ở trong một đốt tre. Thế là hai đứa chúng tôi có một đốt tre nước Thốt Nốt, rồi ăn bánh tét và bánh bò trắng.

Sau khi ăn và nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục lên xe đi. Tôi có thú thật với ba ta về ý định vượt biên của chúng tôi. Tôi tả cảnh bị bỏ rơi và bị lừa. Nghe xong, bà ta tỏ ý thương hại và hứa sẽ đưa chúng tôi về nhà để bà kiếm đường giúp đỡ cho.

Sau khi xe ngừng tại bến xe ở Battambang. Chúng tôi theo bà này về nhà bà. Nhà bà ở cách bến xe độ hai cây số. Lúc ấy, vì tỉnh Battambang tương đối sôi động và đầy không khí chiến tranh nên bà không cho chúng tôi ra đường. Vì thế, chúng tôi chỉ quanh quẩn ở lại nhà bà. Bà ta lo cho chúng tôi ăn uống rất chu đáo.

Chồng bà ta cũng vui vẻ, mỗi khi ông ta hỏi thăm xã giao thì bà ta lại thông dịch lại. Bà ta hứa thêm là sẽ liên lạc với người em chồng để hắn ta dẫn chúng tôi vượt biên giới.

Thế là chúng tôi đành nằm chờ tại đó đến ba ngày vì người em chồng của bà chủ nhà đi buôn bán ở Nam Vang chưa về. Khi anh này về lại nhà, anh ta hỏi xem chúng tôi còn bao nhiêu tiền. Chúng tôi góp lại còn một lượng và một chỉ vàng.

Anh ta bèn giải thích là phải mua ít nhất là hai xe đạp cho hai chúng tôi để đạp xe đi tiếp. Nếu đi từng người thì không bị lộ, nhưng nếu chở đôi trên chiếc xe đạp thì rất dễ bị lộ. Mà với một lượng và một chỉ thì không đủ mua hai xe đạp. Nếu không đủ thì nên đi bộ. Chúng tôi bối rối nên đành chờ anh này quyết định thôi. Cuối cùng, anh ta đề nghị rằng anh và bạn anh sẽ dùng xe đạp chở hai chúng tôi đến tỉnh Sisophon rồi sau đó sẽ đi bộ qua biên giới.

Sáng sớm hôm sau, khoảng 4:00 giờ sáng, anh này chở tôi trên một xe đạp. Người bạn anh thì chở Nhật, cậu học trò của tôi, trên một chiếc xe đạp khác. Chúng tôi đi từ Battambang từ lúc bốn giờ sáng thì đến tỉnh Sisophon lúc 2:00 giờ trưa. Đoạn đường này tương đối an toàn cho chúng tôi.

Tại tỉnh Sisophon, chúng tôi mua đồ ăn và nước uống . Anh dẫn đường căn dặn rằng đêm nay, khi vượt biên giới sẽ rất gian khổ, vì thế phải ăn uống đầy đủ để chuẩn bị đi. Đoạn đường đi bộ sẽ dài khoảng ba mươi cây số. Khi tới trại sẽ có hội HTTQT cứu giúp. Anh còn cho biết rằng họ sẽ chở chúng tôi đi khoảng mười cây số nữa thì sẽ đi qua bờ đê vào biên giới Cambodia và Thái Lan. Cách bìa rừng biên giới, sẽ có một trạm kiểm soát. Đây cũng là trạm quyết định vì đã có nhiều người vượt biên bị bắt tại trạm đó.

Khoảng 4:00 giờ chiều hôm ấy, trời đã trở lành lạnh, chúng tôi lại ra đi. Thường thường thì người dẫn đường chở tôi đi trước. Nhưng hôm ấy không hiểu sao, bạn anh ta lại chở Nhật đi xe đạp lên trước, còn chúng tôi đi ở phía sau cách khoảng hai trăm thước.

Khi tới trại kiểm soát, nhóm lính bộ đội Việt Nam chạy ra đường chặn xe đạp chở Nhật lại. Chúng tôi vội ngừng ngay lại ở đàng xa và không dám đi tiếp nữa. Vì ở khá xa nên tôi không biết họ đã đối đáp ra sao. Chỉ thấy họ dùng báng súng đập lên người Nhật, rồi đá Nhật té lên té xuống, rớt xuống mặt đường. Họ trói và còng Nhật. Tôi không rõ có phải trói không nhưng tay Nhật bị bẻ quặt ra đàng sau và động tác trói đó rất lâu, có đến mười phút.

(Anh Nhật bị bắt giam ở Nam Vang nửa tháng, rồi bị đưa về nhốt ở trại giam Chí Hòa ở Sàigòn trên một năm. Cuối cùng anh ta lại trốn đi bằng đường biển và thành công. Hiện anh ta đang ở Texas, USA. Tuy nhiên, gia đình Nhật đã nhắn tin chửi tôi rất nhiều, vì nghĩ rằng tôi âm mưu hại Nhật bị bắt. Sau này, khi họ tỉnh ngộ, họ đã tìm đến xin lỗi tôi ở Mỹ.)

Sau đó, người dẫn đường đã bỏ xe đạp ở bên đường, rồi anh ta dẫn tôi vào một bụi rậm và dặn dò tôi ở lại đó, nhớ đừng đi ra. Anh ta sẽ quan sát đường để xem có nên đi tiếp không hay phải ngưng lại. Thế là anh ta băng đường đi sâu vào ruộng. Một lúc sau, không còn thấy bóng dáng anh ta đâu nữa.

Tôi ngồi chờ trong sự hồi hộp và nóng ruột. Mãi đến hai tiếng đồng hồ sau, anh ta trở về bụi rậm tìm tôi và dẫn tôi đi tiếp. Lúc ấy khoảng sáu giờ chiều, anh ta đi trước và dẫn xe đạp, còn tôi thì lò dò theo sau.

Chúng tôi đi sâu vào bìa rừng. Cỡ khoảng một lúc lâu, cách bìa rừng độ một trăm thước, tôi thấy nhiều đám cháy sáng rực, người dẫn đường bảo tôi ngồi cạnh đám lửa để lấy than đen bôi lên mặt mũi và tay chân tôi vì da tôi trắng quá, trông không giống người bản xứ.

Khi chúng tôi khởi sự đi tiếp thì trời đã tối mịt. Tôi không còn định được phương hướng nữa. Chúng tôi đi khoảng ba hay bốn tiếng trong rừng. Sau cùng vì quá kiệt sức, hai chúng tôi nằm đại dưới đất và ngủ giữa rừng.

Lúc ấy, vì mệt nên tôi ngủ rất ngon. Khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời chói chang, ánh sáng gay gắt. Khi đó cũng khoảng 9:00 giờ hay 10:00 giờ sáng. Người dẫn đường bèn mở cơm và cá khô cho tôi ăn, rồi anh ta đem bình nước cho tôi uống. Ăn uống xong, anh ta lại bọc hết đồ ăn lại, đeo lên vai và chúng tôi tiếp tục đi nữa. Chúng tôi vượt các trạm kiểm soát, lên lại lề đường cái, rồi lại dùng đường ruộng, rồi lại lên lề đường. Dần dần, chúng tôi đến một chợ biên giới. Tại đây, người ta đi lại buôn bán rất nhiều. Ra khỏi chợ độ ba cây số, chúng tôi đến lại một bờ đê, rồi lại ra khỏi bờ đê để đến một vùng trái độn.

Nơi này rất nguy hiểm vì gồm có đủ lực lượng quân sự như Cộng sản Việt Nam, Thái Lan, Para Miên, Pol Pot... Anh dẫn đường bập bẹ nói tiếng Việt Nam cho tôi biết sự nguy hiểm của vùng đất này. Qua ngôn ngữ và sự diễn tả của anh, tôi được biết rằng vùng này thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Khmer Đỏ, tức là Pol Pot. Họ có thể chém đầu người tị nạn Việt Nam bất cứ lúc nào.

Khi nghe xong, tôi mất bình tĩnh ngay vì biết rằng tính mạng mình có thể mất một cách dễ dàng. Tinh thần tôi căng thẳng. Cũng vì sợ hãi quá mà sau này tôi mới hối hận.Khi ấy, tôi thấy một con đường moon. Ở hai bên có những lực lượng Pol Pot dọc đường. Họ mặc đồng phục màu đen hay màu xanh da trời, đầu đội nón lá rộng vành. Người dẫn đường của tôi đi trước qua những trạm gác của Pol Pot khoảng độ vài trăm mét. Khi nhắm tình hình bất an thì anh ta về lại và cho biết tình hình không ổn, phải đi bọc vòng.

Chúng tôi đi bọc vòng qua được ba trạm. Người dẫn đường đạp xe đi trước, rồi đợi tôi vượt qua trạm gác để chở x echo tôi đi tiếp. Khi đến trạm kiểm soát thứ tư thì hắn ta đi trước, còn tôi đi vòng nhưng mắt vẫn hướng về con đường mòn để nhớ vị trí trạm gác.

Trong khu rừng rậm rạp, khi tôi đi xa khỏi đường mòn thì thấy bọn lính Pol Pot chạy về phía trước để chận đầu tôi và ngăn đường chạy ra của tôi. Thấy nguy hiểm, tôi vội vàng chạy ngược lại về hướng cũ. Thế là bọn chúng xả súng bắn liên tiếp.

Lúc ấy, tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, tôi càng chạy thì chúng càng bắn. Hình như có ba đứa bắn liên hồi. Tôi cố chạy để tránh tầm đạn bằng cách chạy từ gốc cây này qua gốc cây khác. Có những lúc hình như tôi bị hoa mắt nên thấy các lằn đạn nổ tóe lửa trước đám cây trước mặt. Cứ như thế, tôi chạy cho đến khi không còn nghe tiếng súng nữa. Cuối cùng tôi lạc mất phương hướng. Khi tôi càng tìm lối ra thì càng lạc sâu vào rừng rậm khác.

Thế là tôi đành lang thang cả đêm trong rừng. Lúc ấy tôi mới định thần nhìn lại thì tất cả bình nước, cơm khô, cá khô, nón, khăn cà ma để hóa trang đều đã rớt hết sạch sành sanh. Trong người tôi chỉ còn sót một bộ đồ và đôi dép Bình Trị Thiên. Sau cùng vì quá mệt và đuối sức, tôi đánh một giấc ngủ dài để giải quyết sự mệt mỏi.

Hình như tôi đã ngủ trên mười hai tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, tôi lại đi lòng vòng nhưng không tìm được lối ra. Tôi lại lạc trong rừng thêm một ngày nữa mà vẫn không tìm thấy lối đường mòn để đi ra. Cơn khát nóng bỏng cổ, tôi tưởng mình có thể chết được.

Đêm hôm sau, tôi lại ngủ trong rừng. Cái khát càng gia tăng cao độ. Tôi bèn lượm các chiếc lá mục nát rớt xuống đất đã lâu nên mục và ướt rồi nắm đám lá cây vắt chặt để kê vào miệng cho hơi nóng trong miệng bốc hơi, mong cho cơn khát dịu xuống để chận sự nóng bỏng cổ.

Trong lúc lang thang trong rừng, tôi cố moi óc để nhớ lại cách đây hai ngày, người dẫn đường chỉ mặt trời rồi ra dấu là khi mặt trời lặn thì mình sẽ tới bìa rừng. Từ đó, tôi cứ canh hướng mặt trời lặn để tìm lối ra con đường mòn. Tôi leo lên cây cỡ mười thước để tìm xem hướng mặt trời buổi sáng mọc ở đâu thì các cành cây phía sau hướng mặt trời sẽ có rêu xanh nhiều.

Sau khi quan sát, tôi quyết định đi theo hướng mặt trời lặn. Rốt cuộc tôi lần mò tìm được đường mòn vào lúc gần tối. Tôi suy nghĩ có lẽ mình mà đi ra đường vào buổi tối thì nguy hiểm vì có thể bị bọn cướp giết. Còn nếu đi ban ngày thì dân buôn đi lại nhiều nên đỡ nguy hiểm hơn. Suy đi tính lại rồi, tôi không dám ra vì trời quá tối. Thế là tôi lại ngủ.

Sáng hôm sau, tôi leo lên cây để quan sát phía đường mòn. Từng đoàn xe đạp đi lui tới tấp nập. Tôi đã quá chán nản nên bỏ ý định đi Thái Lan rồi. Vì thế tôi bắt đầu đi ra đường mòn để trở về Việt Nam. Vì muốn trở về nhà nên tôi không thèm trốn tránh bọn lính Pol Pot nữa. Lạ một điều là bọn nó chỉ ngó tôi chứ không hỏi han hay chận bắt tôi nữa. Tôi biết chắc là bọn chúng biết tôi là người Việt Nam vì lúc ấy đồ hoá trang trên người tôi đã rớt mất cả rồi.

Khi tôi đi ngược về phía bìa rừng thì thấy một đoàn xe bò đi ngược đường với tôi. Lúc ấy vì qúa khát nên tôi mất hết lòng tự trọng, tôi bèn chắp tay vái lạy bọn họ rồi ra dấu xin nước uống. Đoàn xe bò đầu tiên không cho tôi nước mà cứ lấm lét nhìn tôi. Sau này tôi mới hiểu lý do là vì họ đang chứa người vượt biên trên xe bò nên họ sợ. Những xe tiếp cũng tỉnh bơ, không cho tôi nước uống.

Sau cùng chỉ có xe cuối ngừng lại. Tôi lại lạy xin nước và ra dấu chỉ cái nhẫn vàng rằng tôi sẽ đưa cho họ nếu họ cho tôi nước uống. Người đi xe bò bèn cho tôi nước uống. Khi uống xong, tôi đưa vàng cho họ nhưng họ không lấy. Thấy họ quá tử tế, tôi sợ đường còn xa nên xin luôn cái bình nước. Anh này vẫn cho tôi cái bình mà không lấy một chút vàng nào của tôi.

Tôi cám ơn và lầm lũi đi. Hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi lại gặp bờ đê. Nơi đây, tôi thấy có một nhóm người bán nước Thốt Nốt và bánh trái. Tôi bèn bỏ vàng ra mua đồ ăn và nước uống. Ăn uống xong, tôi tới bờ đê và ngủ thêm một giấc.

Trong giấc ngủ, tôi cảm thấy có một bàn tay đang lay tôi dậy. Khi định thần tỉnh giấc, tôi thấy rõ ràng là người dẫn đường đã lạc tôi từ năm hôm trước, nay anh ta đang ở trước mặt tôi để đánh thức tôi dậy. Tội nghiệp! anh đã đi tìm tôi khắp nơi nay mới gặp lại. Gặp được anh, tôi mừng qúa, tay bắt mặt mừng.

Sau đó, anh ta lại bắt tôi ngồi sau xe đạp và anh ta đạp tiếp. Anh ta an ủi tôi rằng nếu thoát ách bọn lính Pol Pot thì sẽ thoát luôn, còn qua bọn lính Para thì không sao vì anh ta là người làm kinh tài cho Para.

Lúc này, anh ta đạp xe chở tôi vượt các trạm kiểm soát của Pol Pot. Đến khi tới vùng kiểm soát của Para thì anh ta bảo tôi ngồi đợi ở góc bìa rừng để anh ta liên lạc với Para. Trước khi đi, anh ta không quên bảo tôi giao hết vàng để anh đưa cho Para. Nếu có vàng, bọn Para sẽ đối đãi tốt hơn. Thế là còn bao nhiêu, tôi bèn đưa hết cho anh ta đem đi.

Sau đó, không biết tại sao, tôi nghe có nhiều tiếng súng. Có lẽ lại đụng trận giao tranh giữa các phe phái. Lúc ấy, tôi đang ngồi ở bên lề của đường mòn, tôi sợ quá nên lại chạy sâu vào rừng để tránh sự di chuyển của đoàn quân. Khi chạy sâu độ ba trăm mét, tôi lại nghe từng loạt súng ở phía sau bắn tới. Tôi lại chạy ngược hướng đó. Chạy lòng vòng một quãng thì tôi bị bọn lính Para bắt giữ. Bọn chúng nghi ngờ tôi là Việt Cộng nên tra hỏi đủ thứ. Lúc đầu tôi lầm tưởng họ là lực lượng Thái Lan nhưng sau mới biết họ là lực lượng Para của Sihanouk.

Xui cho tôi là khi ấy, tôi mặc đồ của sinh viên học đường có cầu vai, vì thế, bọn họ tưởng tôi là ông lớn Cộng sản nên hỏi tía lia:” Lục thum? Lục thum?”.

Tôi lúc ấy đã sợ quá nên cuống quít gật đầu lia lịa, chẳng biết Lục thum là nghĩa gì mà cũng gật đầu. Thế là tôi bị bọn chúng đánh gần chết. Hai thằng thay nhau dùng báng súng đánh rồi đá và đạp tôi. Mình mẩy tôi đau đớn ê ẩm, máu me chảy đầm đìa, ướt đẫm cả áo quần. Sau đó, bọn chúng bắt tôi cởi hết quần áo để chúng lục xét. Lúc ấy, tôi chỉ còn mặc có cái quần xà lỏn mà thôi.

Cuối cùng, chúng bắt tôi cởi hết quần lót để chúng xét trong hậu môn tôi xem còn vàng hay không. Sau khi xét kỹ lưỡng, bọn chúng trói gộp tôi lại rồi chuyển tôi về doanh trại của chúng để giải quyết.

Bị Bắt Vào Đồn Para, Tại Biên Giới Thái-Miên

Tại trại của Para, bọn chúng hỏi tôi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Lúc ấy, vốn liếng tiếng Anh của tôi quá kém. Tôi bèn cố gắng giải thích cho chúng rõ là tôi vốn là giáo sư Toán, vì không thích chế độ Cộng sản nên tôi muốn trốn đi Mỹ. Đến đây, tôi móc đồ ra lấy một giấy bảo lãnh của mẹ vợ tôi gửi từ Mỹ về, rồi tôi lấy giấy chứng nhận giáo sư có hình để chứng minh cho chúng biết rằng tôi không nói láo.
Khi xem xong giấy tờ chứng minh lý lịch của tôi, Para thay đổi hẳn thái độ và cách đối xử. Chúng trở nên tử tế và tốt hơn. Chúng hỏi tôi nếu dạy môn toán thì hãy vẽ một đường biểu diễn. Thế rồi một tên sĩ quan mang súng ngắn bảo một tên lính đi theo có mang máy truyền tin đưa giấy tờ cho tôi vẽ đường biểu diễn.
Tôi còn nhớ chúng bắt tôi giải một phương trình hữu tỳ. Lúc tôi vẽ xong, bọn chúng nhìn ngắm rồi tỏ ý tin tưởng tôi hơn truớc. Sau này tôi mới biết là bọn chúng là Para, còn tên sĩ quan kia là chỉ huy lớn nhất của vùng biên giới.
Vì tin tưởng rồi nên chúng kêu lính đem cơm và một hộp cá sốt cà chua ra cho tôi ăn. Đến 5 năm rồi, tôi mới lại được ăn món cá hộp này. Họ còn cho tôi một chai nước ngọt màu xanh loại lớn cỡ một lít. Tôi mừng quá, chỉ dám uống chút ít, còn lại để dành cho những ngày tới. Đây là bữa cơm qúy nhất và thịnh soạn nhất từ ngày tôi đi vượt biên.
Sau khi hoàn tất thủ tục, tên chỉ huy bảo một tên lính chở tôi đi sâu vào doanh trại bộ chỉ huy vì ở ngoài này nguy hiểm hơn. Tên lính đạp xe đưa tôi đi. Độ hai tiếng sau thì đến một trại rất lớn. Trại này có chợ, có nhà và lều xanh rải rác khắp nơi.
Khuôn viên trại rộng vô cùng, quanh vòng rào có các bồn nước bằng thiếc, có hàng rào ngăn nắp. Cuối cùng, tên lính dừng lại ở một căn nhà có một giếng sâu để cho tôi được tắm rửa. Tôi múc nước lên bằng thùng dầu bốn lít để tắm. Cả chục ngày chưa tắm nên lúc này, tôi rất mừng khi được tắm rửa mát mẻ và sạch sẽ.
Đang tắm, tôi nhìn ra đường thì thấy một xe Toyota có vẽ bảng hiệu Thập tự nhỏ. Tôi biết ngay là xe của hội HTTQT. Trên xe có người Âu Mỹ ngồi. Xe đi qua nhanh quá nên tôi không thể chạy theo. Tôi bèn nuôi hy vọng vì biết là xe hội HTTQT sẽ chạy qua đây nhiều lần.
Tắm xong, tôi bèn ngồi đợi cho quần áo khô và cũng để ngóng xe hội HTTQT. Khoảng bốn, năm giờ sau, tôi để ý và thấy xe hội trở lại đến vì bụi bay mù mịt. Khi thấy xe chạy xa cỡ năm trăm thước, tôi bèn chạy hối hả ra đường để chận đầu xe của hội lại. Xe ngừng trước mặt tôi độ một trăm thước rồi hai mươi thước, một người đàn ông người Pháp nhảy xuống xe, còn một người đàn bà Thụy Sĩ, bà Denyse Betchov ngồi trên xe.
Tôi bèn chạy tới gần họ rồi bập bẹ nói. Họ không hiểu tôi muốn nói gì. Vì thế, tôi bèn lôi hết giấy tờ bảo lãnh và giấy học tập của giáo sư ra để chỉ tên và hình của tôi cho họ xem. Cả hai vừa xem vừa gật gù rồi cho tôi lên xe chạy.
Lúc ấy, thằng lính Para đã chở tôi đi tắm, vừa chạy ra và đứng nhìn một cách tức tối. Hắn có thể bắn tôi nhưng hắn không dám. Tôi biết là Para có lẽ không giết tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy không an toàn ở lại với họ. Còn tên lính Para hình như còn được lệnh để chở tôi đi đâu đó, nhưng tôi bỏ chạy theo hội. Vì thế, hắn nhìn theo xe có vẻ rất bực tức.



Trại Tị Nạn Non Chan
Xe của Hội đưa tôi đi lòng vòng, sau cùng họ đưa tôi đến một khu bệnh viện. Ở đây tôi phải khai lý lịch. Bà Denyse hứa với tôi là sẽ đến vào hai ngày sau để “bốc”chúng tôi đi. Thế là tôi phải ở lại khu nhà lá ở Non Chan. Tại đây đã có sẵn một số người tị nạn gồm một cựu Thiếu Tá Việt Nam Cộng Hòa, hai đại úy và một người đàn bà có hai con, và hai cô thiếu nữ.
Chúng tôi chen chúc ở trong dãy nhà có mái tranh và nằm ngủ ngay ở sàn đất. Lúc ấy, trong bọn có một tên làm ”ăng ten” cho bọn lính Para. Hắn biết tiếng Việt, có thể nói và hiểu tiếng Việt. Hắn nằm tại đây để quan sát xem ai còn vàng hay không để rồi báo cáo cho Para. Những người đi trước đều biết dã tâm của hắn, nhưng không dám báo động cho những người đi sau.
Khi tôi vừa nhập trại, hắn cũng mon men tới hỏi han và dò xét. Tôi bèn tả oán là hết tiền. Mà thật sự, tôi cũng đã trắng tay rồi. Tuy vậy ban chỉ huy của Para cũng kêu tôi lên để xét lại một lần nữa. Hai ngày sau, có một tốp người Tàu ở Việt nam đến. Họ ba hoa khoe là không mất tiền. Ngay chiều hôm đó, họ bị kêu lên xét và cướp hết tiền. Họ buồn rầu và hối hận vì đã lỡ dại khoe khoang.
Bà Denyse hứa đón chúng tôi sau hai ngày, nhưng mãi đến bốn ngày sau, bà ta mới đến đón. Bà ta cho biết đây là lần đón người tị nạn cuối cùng vì sau đó, biên giới sẽ đóng cửa, không chấp nhận người tị nạn đường bộ từ Việt Nam đến nữa. Ngày đóng cửa sẽ là 25, tháng 3, năm 1980.
Sau ngày này, trại Sikiew sẽ không nhận người tị nan, mà cả trại Khao Y Dang cũng không nhận người tị nạn nữa. Sau đó, bà Denyse gửi chúng tôi ở trại Non Makmun, gần biên giới Thái. Nơi này do lính Thái đóng giữ.



Trại Tị Nạn Non Makmun
Cuộc sống của người tị nạn tại đây là cuộc sống của chủ nhân và đám nô lệ. Đồn lính được rào bằng kẽm gai. Họ không cho dân xâm nhập đồn lính. Họ cho dân ở vòng ngoài rồi rào kẽm gai lần nữa. Nếu có bị Cộng sản tấn công thì lũ người tị nạn ở vòng ngoài sẽ chết trước.
Lúc ấy có khoảng một trăm người tị nạn Việt ở trong đó. Mọi người phải ăn ở, tiêu tiểu tại chỗ, chỉ trong vòng rào giam mà thôi, không được đi ra ngoài.
Sau một tuần chúng tôi ở đó thì vấn đề vệ sinh trở nên trầm trọng vô cùng. Mùi hôi thối bay khủng khiếp, ruồi nhặng sinh sản mau lẹ vô cùng. Mỗi ngày chỉ có hai lần là chúng tôi được qua khu trại Thái Lan để múc nước từ giếng bơm tắm rửa và giặt giũ.
Lính Thái rất giới hạn về giờ giấc lấy nước, chỉ từ 9:00 giờ sáng đến 11:00 giờ sáng và từ 3:00 giờ đến 5:00 giờ chiều. Mỗi lần qua tắm chỉ được một người thôi. Như vậy cho dù một người tắm có mười lăm phút, thì cũng chỉ giải quyết bốn người trong một giờ, bốn giờ chỉ có mười sáu người. Thế là chỉ có một số ít được tắm.
Không thể kéo dài tình trạng đó, bà con tị nạn bèn bàn nhau là để cho các thanh niên nhịn tắm, và nên dành cho đàn bà con nít tắm rửa mà thôi. Vấn đề này cũng bất ổn nên sau đó, các thanh niên lực lưỡng sang trại lính Thái Lan xách nước đem về rồi phân phối cho các tổ xài. Sau này khi sống qua nhiều trại như Khao Y Dang, Sikiew và Bataan, tôi mới thấy là ở trại Non Makmun có chế độ ăn uống sướng nhất. Mỗi ngày cứ hai người là có một hộp cá Tuna tròn cỡ 8 ounces. Còn gạo thì nấu ăn tự do.
Tóm lại, từ khi rời Việt Nam đến khi đến trại Non Makmun là mười bốn ngày. Ở Non Chan có ba ngày, ở Non Makmun mười ngày, rồi tôi được chuyển giao qua trại Khao Y Dang ở nội địa Thái Lan.



Trại Tị Nạn Khao Y Dang
Trại này nằm gần chân núi Khao Y Dang. Đây là trại định cư lớn nhất vùng Đông nam Á. Trại này vốn không phải dành cho dân tị nạn Việt mà là trại tạm cư của dân Cambodia. Họ ở tạm nơi đây để chờ các vị lãnh đạo cũ của Cambodia như Sihanouk, Sonn San... về để giải phóng đất nước khỏi tay Cộng sản Việt và Miên và đưa dân chúng về quê cũ. Trại này đặt dưới quyền kiểm soát của bộ Nội Vụ Thái Lan và Cao Ủy tị nạn Liên hiệp Quốc (UNHCR).
Dân số của trại này gồm 123 ngàn người. Đại đa số là người Miên. Tất cả có hai mươi ba khu (sections). Mỗi khu chứa năm ngàn người. Sở dĩ sau này họ phải chứa thêm người Việt nam vì trại Sikiew đóng cửa, biên giới Thái đóng cửa, nên nạn ứ đọng người tị nạn lên cao.
Số người tị nạn Việt Nam không thể lên trại Sikiew, cũng không thể về lại biên giới nên được chuyển giao đến trại Khao Y Dang. Người Việt tị nạn được dồn vào khu 13. Khu này chia làm hai phần. Một phần còn là người Miên, một phần là người Việt nam tị nạn. Số người Việt nam tị nạn khoảng 1,500 người. Mỗi khu có một ban đại diện độc lập, gồm một trưởng trại, một phó trưởng trại, một ủy viên phụ trách an ninh, một ủy viên phụ trách hành chánh, một trưởng ban ẩm thực.



A. Vấn đề lương thực:
Các khẩu phần giữa người Miên và Việt đều giống nhau. Mỗi tuần, thì cứ hai người được một hộp cá sốt cà chua nhỏ cỡ 4 ounces, trong hộp chỉ có hai con cá nhỏ. Cứ mỗi tuần thì hai người được một cánh gà. Không phải nguyên cái cánh mà chỉ là phần xương của cánh gà mà thôi. Mỗi tuần một đầu người được 200 gramsrau tươi. Đôi khi khẩu phần cá hộp được thay thế bằng vài con cá khô mặn. Bà con ai cũng thích cá khô vì số lượng nhiều hơn cá hộp.
Lúc đầu, ai muốn ăn bao nhiêu dầu ăn, đậu xanh và gạo thì cứ việc lên kho mà lấy. Nhưng sau tháng 4, năm 1980 thì số này được phân phối lại như sau: mỗi đầu người có 400 grams gạo, 200 grams đậu xanh. Cứ một tổ thì được một thùng dầu ăn bốn lít, tức là một gallon dầu. Tuy vậy, số này vẫn dư ăn.



B. Vấn đề nước uống:
Đây là một sự thiếu thốn rất trầm trọng. Hai tháng đầu khi tôi ở trại thì nước rất thiếu. Bốn người được một sô nước hai mươi lít. Nhưng khi nước được xịt vào thì đầy, khi nước lắng lại thì chỉ còn có mười sáu lít nước thôi.
Vì thế, một đầu người chỉ có bốn lít nước mỗi ngày để tự nấu ăn, tắm rửa và uống. Với bốn lít, trừ việc nấu cơm ra, còn lại không đủ uống. Ai muốn mát thì phải nhúng khăn lau mình chứ không đủ nước để tắm. Suốt hai tháng trời, tôi sống rất cực khổ, thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mùng, mền và chiếu. Tôi còn thiếu tất cả mọi nhu cầu vệ sinh tối thiểu như xà bông, kem đánh răng, giấy đi cầu hay lược chải tóc.



C. Nhu cầu thiết yếu khác:
Trong hai tháng đầu, không ai có mùng, mền hay chiếu. Sau đó, cứ hai người có một chiếc chiếu đơn, phải nằm ép vào nhau mới đủ. Vấn đề tiêu tiểu quá mất vệ sinh, nên nạn ruồi muỗi sinh sản mau lẹ đến độ trầm trọng. Từ đó, trại phải tổ chức chiến dịch giết ruồi muỗi.
Sau đó cứ hai người được chia một cái mùng. Vì thế, bà con phải nằm chung với nhau. Từ đó xảy ra nhiều chuyện cười ra nước mắt. Hễ cứ gần tối là bà con có chia mùng mền chung phải đi kiếm nhau để ngủ chung. Vào mùa hè, đường gần trại được phá ra, nên đất đỏ có bụi rất nhiều, nếu không nằm mùng thì bụi sẽ bay bám đầy người.
Khi đến mùa lạnh thì cứ hai người được một cái mền chiếc. Có nhiều cậu độc thân ghiền thuốc và cà phê nên lén đem bán mùng và mền để mua thuốc lá và cà phê. Vì thế xảy ra nhiều vụ đánh lộn, ăn cắp và kiện thưa. Lại vì sự chia chác nên có khi một người đàn ông lại được chia chung mùng mền với một người đàn bà. Làm sao đây? Do đó, nhiều người anh hùng rơm nhường hết đồ dùng cho người con gái, còn mình thì đi nằm ké hết chỗ này qua chỗ khác.



D. Kỷ luật trại Khao Y Dang
Trại có lệnh cấm chợ búa và cấm bài bạc hay đĩ điếm. Với số lượng người tị nạn quá đông: 123 ngàn người. Đời sống rất khó khăn. Nếu ai không thích ứng sẽ có thể bị bịnh mà chết. Vì số lượng lương thực rất hạn chế nên người dân Miên phải cố gắng tự túc thực phẩm. Họ nuôi gà vịt và trồng rau cỏ như mướp, rau muống, xà lách... Họ còn ra sau núi để hái lá giang về bán cho người trong trại để mà kiếm tiền. Họ còn biến chế thực phẩm từ chỗ có dư dầu ăn, gạo và đậu xanh, họ làm bánh chiên để bán.
Cho dù lính Thái Lan cấm họp chợ, họ vẫn lén lút họp. Khi lính Thái bắt được thì chúng đánh dân tị nạn rất dã man. Đã có nhiều người trốn ra vòng rào và bị bắn chết.
Tôi ở đó khoảng mười một tháng mà đã chứng kiến khoảng mười người Miên bị bắn vì lén đi ra ngoài vòng rào buôn bán chợ đen. Nếu lính Thái bắt được ở vòng rào trại thì họ đánh đập dân chúng rất tàn nhẫn, đến nỗi mình mẩy đầy máu me lai láng, rồi họ đưa đám nạn nhân này đi lên xe, có lẽ để đem đến chân núi bắn và hủy xác nạn nhân luôn.
Trở lại câu chuyện của Dũng, người dẫn đường đã bỏ rơi chúng tôi ở Nam Vang. Sau đó, hắn dùng tiền của chúng tôi để đi vượt biên. Cuối cùng tôi gặp lại hắn ở Khao Y Dang, sau khi tôi đến nơi độ một tháng. Dũng vẫn nào tật ấy, hắn xài tiền quen nhưng nhịn không quen.
Sau đó, hắn móc nối với đám dân tị nạn ở trại để tìm cách trốn ra khỏi trại đi buôn chợ đen. Hắn đi trót lọt được hai chuyến, đến chuyến thứ ba thì bị bắn chết ở ngay vòng rào trại. Hắn bị lính Thái bắn khi đang chuyển hàng vào, chỉ cách vòng rào có mười thước. Bọn cùng đi chỉ có Dũng bị chết, một người khác bị thương. Sau đó, ban đại diện có làm lễ để cúng cô hồn, mong cho Dũng sớm siêu thoát. Ở đó, hễ ai lén đi buôn mà bị lính Thái bắt được là bọn chúng sẵn sàng đá nát đồ ăn và đánh đấm người một cách dã man. Phần lớn nguồn hàng chợ đen ở Khao Y Dang là do người Miên trong trại lén vượt rào, hoặc chui bò qua các hàng rào kẽm gai để đi buôn.
Cứ tối tối, họ bò vào trại cỡ 2:00 giờ hay 3:00 giờ sáng. Họ bó tất cả đồ mua được vào người của họ. Mỗi chuyến đi buôn chỉ gồm độ bốn chai xì dầu, hai ký đường và một cây thuốc lá Samit. Số lời hàng ngày chỉ khiêm nhượng đủ để gia đình họ ăn trong vòng một ngày, kể gia đình chỉ gồm bốn người mà thôi.
Vì thế, cứ hai, ba giờ sáng là có tiếng súng bắn. Rồi người bị chết, người bị thương. Người Miên đã quá đói kém, vì thế dù biết nguy hiểm, một số con buôn vẫn liều trốn ra buôn bán để kiếm ăn qua ngày. Với cảnh sống cơ cực mà còn bị chèn ép, nên có một số người Miên bất mãn. Họ làm đơn xin UNHCR để cho họ về quê cũ. Họ xin trước rồi được gọi trình diện.
Khi họ hồi hương thì dọc cổng trại có từng đoàn xe vận tải chờ sẵn. Xe tuần tự chở người hồi hương và hàng hóa. Hội UNHCR hỏi lại lần cuối xem có ai đổi ý để ở lại không. Nếu không đổi ý, thì cứ hai mươi hay ba mươi người được gọi lên xe. Trước khi lên xe, mỗi người được tặng một gói quà gồm gạo và thực phẩm khô.
Trong thời gian tôi ở trại thì có hai đợt hồi hương. Sau đó, việc hồi hương được ngưng luôn, có thể vì việc biên giới bị tấn công và đánh phá. Đa số người Miên hồi hương là đàn bà và trẻ con, hay người già yếu và bịnh hoạn.
Cho dù lệnh cấm đánh bạc nhưng tại trại Khao Y Dang có rất nhiều sòng bạc đánh lớn và có người canh cửa để báo động. Còn về phần đĩ điếm thì rất nhiều. Ở đây có cả hệ thống tú bà, bắt mối và đĩ điếm.
Có nhiều cô phải bán thân vì quá nghèo đói. Ở khu tị nạn Việt Nam thì có sáu cô gái Việt Nam được đưa về khu Việt Nam để đọc bản án tội trạng, nếu còn tái phạm thì sẽ trục xuất về biên giới. Khi bị bêu xấu, cả sáu người đều chỉ biết cúi đầu và khóc lóc.
Lúc ấy tôi đang cộng tác với cha Tom, cha là người Hòa Lan. Cha rất tốt và luôn cứu trợ người tị nạn. Cha xem xét tình hình để cứu giúp. Có nghĩa là gia cảnh nghèo mà đông con thì có thể được cha cho 500 bahts một tháng. Nếu gia cảnh ít con hơn thì được phát 200 bahts cho một gia đình. Còn độc thân thì được lãnh 100 bahts.
Nhân lúc các cô gái đi làm điếm bị xỉ nhục, tôi lấy tư cách là đại điện nhóm Công giáo nên đi tiếp xúc và tìm hiểu lý do tại sao các cô ấy lại làm nghề nhơ nhuốc đó. Trong số ấy, có một cô khai là cô đã bán ”bar” ở Việt nam từ lâu, nay thiếu tiền nên tự động đi làm nghề này để kiếm tiền sinh sống. Còn bốn cô kia thì vì chán đời, vì đã bị Para làm nhục, lại vì nhu cầu vệ sinh tối thiểu như không có băng vệ sinh cho những ngày hành kinh, không có kem đánh răng, không có áo quần để thay đổi khi đồ dơ và hôi thối. Có một cô mà chồng đã bị bắt dọc đường, con cô thèm thuồng quá nên cô phải lén lút làm nghề này để nuôi con.
Theo như tôi được biết thì các tổ chức buôn lậu, đánh bạc và chứa điếm đều được lính Thái đỡ đầu, tham gia và cộng tác. Người lính Thái ăn chia đến cả trung đội và đại đội. Sau đó, vì ăn chia không đều nên nội bộ lủng củng, mới đổ bể ra cho cả trại cùng biết.
Nếu ai phạm kỷ luật ở ngoài vòng rào thì ban lãnh đạo Thái Lan xử lý. Nếu ai phạm kỷ luật trong khu section thì ban đại diện của section sẽ xử lý. Nếu không xử lý được thì sẽ đưa cho ban lãnh đạo người Thái Lan.
Theo tôi, bản án nặng nhất là một nhóm người đóng kịch, ca múa bài hát ” Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Sau đó, họ bị ban an ninh bắt và bị trả về trại tị nạn NW 9. Còn những tội nhẹ thì giao cho lính Thái. Họ có thể cạo trọc đầu người phạm tội hay là nhốt vào chuồng cọp. Đây là một chuồng giam có những song sắt. Người bị giam sẽ chỉ được mặc một quần xà lỏn và bị phơi nắng. Phần lớn người bị giam là thanh niên, chứ không có phụ nữ.



E. Các sinh hoạt tại trại Khao Y Dang
Sinh hoạt hàng ngày:
Người tị nạn Việt Nam ở đây rất nghèo khổ, nhưng người dân Miên thì đỡ hơn vì họ có thể tự sinh sống bằng hai nghề: đi buôn lậu và dẫn đường cho người dân ở Việt nam đi vượt biên.
Những dân Miên ở đây lâu thì có lợi. Con cái họ gia nhập các lực lượng lính Para. Còn họ móc nối đường dây đi từ Khao Y Dang để về Tây Ninh hay Châu Đốc dẫn người Việt đi vượt biên. Vì thế họ có thể sống thoải mái nhờ số vàng kiếm được.
Một hạng người nữa cũng sống rất ung dung, đó là nhóm người Hoa ở Cambodia. Họ biết tiếng Miên, lại biết cách dấu vàng bạc nên ít bị xét, mà nếu bị xét, họ cũng có cách dấu vàng bằng cách nuốt rồi đi cầu ra, lượm lại cất.
Về sinh hoạt điển hình trong ngày thì cứ mỗi ngày bà con phải lo vấn đề lãnh nước và lãnh thực phẩm. Giờ còn lại thì đi học thêm Anh văn. Lúc đầu, trại có tổ chức bốn lớp cho dân chúng học thêm.
Về sau thì dẹp lớp Anh Văn chỉ còn những lớp tư nhân mà thôi. Mỗi tuần thầy dạy Anh văn dạy sáu giờ, chi phí từ 100 bahts đến 150 bahts ( từ năm đô la đến bảy đô la rưỡi). Giá cả đều tùy thầy giáo quyết định. Nếu ai quá nghèo thì đành phải tự học hoặc mượn bạn bè sách vở để chép mà học.
Ở trại Khao Y Dang vì có diện tích lớn rộng nên người tị nạn có quyền đi lòng vòng từ section này đến section kia, miễn là đừng ra ngoài vòng rào thì thôi. Vì thế, bà con thường có thói quen: cứ chiều chiều là từng nhóm đi vòng quanh trại để cho giãn gân cốt, hoặc đi cho khuây khỏa và có dịp để suy nghĩ hay suy gẫm các lời Kinh Thánh.
Bà con thường tổ chức nấu ăn chung cho đỡ tốn. Cứ ba, bốn người thì họp lại để nấu ăn với nhau vì lẽ nấu ăn riêng thì không đủ ăn.
Sinh hoạt tinh thần:
Mỗi ngày Chúa Nhật thì người tị nạn Công giáo đi lễ ở một nhà thờ mà họ tự xây cất. Hàng tuần có các tu sĩ Hòa Lan hay cha Tom đến dâng lễ. Cha Tom còn tìm cách đổi ngân phiếu (check), chuyển thư tín hay chuyển qùa từ trại này đến trại khác. Cuộc sống ở đây bình thản nhưng mọi người rất nôn nóng để được đi định cư. Trong mười tháng tôi ở kẹt tại trại, tôi thấy tình cảm trai gái trong trại phát sinh rất nhiều. Có ít nhất là hai đám cưới chính thức ở nhà thờ. Có khoảng năm đám cưới không chính thức. Còn thì rất nhiều đôi lứa quyết định sống chung nên mời bạn bè đến, rồi nấu một nồi chè đậu xanh để ra mắt và đãi đằng bà con.
Trong trại cũng có một số ít khai man lý lịch của mình. Hễ trung sĩ thì khai mình là đại úy hay thiếu tá. Nếu y tá thì khai mình là bác sĩ. Đã có trường hợp một bác sĩ thật lại không được ban điều hành trọng dụng. Còn một ông y tá ở Cần Thơ thì khi tới trại lại khai mình là bác sĩ và được dân chúng tin tưởng.
Lúc đầu cả hai đều được làm việc ở phòng y tế, nhưng về sau, ông bác sĩ thật lại bị truất phế, còn ông bác sĩ giả lại được chọn làm trưởng ban y tế. Mãi đến khi ông này lên đến trại Pananikhom ở Chonburi thì bị lộ hình tướng.
Thư tín và báo chí:
Về thư tín thì mỗi tuần hai lần, vào ngày thứ hai và thứ sáu, là người tị nạn được nhận thư. Hầu hết các thư đều có tiền hay chi phiếu của các thân nhân trên thế giới gửi về. Có khi thư từ Việt nam gửi qua. Đây là món ăn tinh thần vui sướng nhất của trại tị nạn. Ở đây bà con đâm ra siêng năng viết thư, hoặc viết thư ra ngoại quốc để xin tiếp tế, hoặc gửi thư về Việt Nam để bày tỏ lòng thương nhớ của mình.
Ngoài ra, báo chí cũng rất được bà con coi trọng và giữ kỹ. Hễ ai có báo chí tiếng Việt từ Hoa Kỳ, Pháp hay Canada gửi qua thì họ chuyền tay nhau đọc cho đến nỗi tờ báo nhàu nát và mờ hết chữ mới thôi.
Trong bốn tháng đầu, trại có nạn ăn chận thư tín. Hễ thư về hôm trước thì đến tay ban lãnh đạo. Rồi sau đó ban đại diện trại lên lãnh thư về. Họ không chịu phát ngay mà đợi đến tối để rọi lá thư lên đèn dầu. Hễ thấy thư có kèm tiền hay ngân phiếu (check) thì họ dùng mọi cách để lấy tiền. Có khi lấy tiền xong thì họ thủ tiêu luôn lá thư. Về sau dân chúng khám phá ra nên tệ nạn này mới chấm dứt.
Nạn bè phái:
Những người có quyền hành thì ăn chận đủ mọi cách để rút khẩu phần xuống. Cuối cùng mọi sự đều công khai hóa nên tệ trạng mới biến dần.
Nước là một nhu cầu thiết yếu vì thế nếu các người tị nạn có chút quyền thế thì lập bè phái này nọ để chia nhau ăn chận nước rồi bán nước lấy tiền. Thôi thì hết trưởng ban này đến trưởng ban nọ đến lấy nước. Rốt cuộc đến dân đen thì gần hết số nước.
Vật dụng dành cho người tị nạn:
Khi các quần áo được cấp phát, ban điều hành lo chọn các bộ quần áo vừa kích thước của họ rồi cất đi, còn lại những áo quần không đúng kích thước hay không hợp thời trang thì đưa ra cho dân tị nạn bốc thăm. Có nhiều chuyện buồn cười xảy ra như thanh niên thì bốc thăm được cái áo đầm. Cụ già thì lãnh cái quần cao bồi. Đàn bà rút được cái quần đùi. Nhiều thanh niên lãnh áo đầm thì mặc vào rồi nhảy nhót, múa hát, trông vừa buồn cười mà vừa chua xót.
Việc nhà cửa:
Trong bốn tháng đầu tôi ở thì nhà cửa sơ sài. Ai tới trại trước thì được ở những nhà đã cất sẵn. Còn kẻ tới sau thì nằm vất vưởng ở các sân cỏ, gần thùng nước hay ngay lối ra vào.
Về sau UNHCR cho thêm tiêu chuẩn tre để làm sườn nhà và lá tranh để lợp nhà, thêm vải nhựa xanh để lót cho đỡ dột. Từ đó, người tị nạn làm bồn chứa nước để đựng nước để dành. Hễ cứ một nhà rộng cỡ ba thước và dài cỡ sáu thước thì ở được mười người. Về sau bà con cất nhà lấy để ở hoặc nhờ người quen hay người Miên cất nhà ở cho mình.



F. Thảm cảnh của người tị nạn ở trại Khao Y Dang
Về tệ nạn hãm hiếp:
Có thể nói hầu như 90% phụ nữ tị nạn bị hãm hiếp. Ở trại có một phái đoàn Y khoa thường kêu gọi các cô gái hễ có thai bất đắc dĩ thì họ sẽ giúp cho phá thai, hay nếu ai bị bịnh giao hợp cần chữa trị thì nên khai, không nên vì mắc cở mà dấu diếm. Lúc đầu chỉ có một hay hai cô khai mà thôi. Cuối cùng vì xảy ra một trường hợp khá nghiêm trọng nên ban y tế phải cưỡng bách việc khám nghiệm.
Số là có một cô gái bi bịnh giang mai do bọn lính Para truyền qua. Cô ấy vì quá mắc cở và sợ sệt nên dấu, không chịu khai bịnh. Về sau, cô ta nổi điên loạn, nói lung tung. Đến một buổi trưa, cô ta ngất xỉu. Khi phòng y tế khám phá ra thì cửa mình cô ta đã hư hại hoàn toàn.
Sau đó, phòng y tế xuống kêu từng cô gái để khám riêng. Đây là một việc bí mật vì nếu không, các nạn nhân sẽ mắc cở và cảm thấy nhục nhã. Sau kết quả khám nghiệm thì hầu như đại đa số đều bị mắc bịnh hoa liễu. Còn một số thì có thai bất đắc dĩ.
Có một trường hợp là chồng đi thoát đến trại Sikiew còn vợ thì đến sau ở trại Khao Y Dang. Trên đường đi, cô vợ bị hãm hiếp bởi bọn Para. Sau đó, cô dấu chồng việc ấy nhưng rồi chồng cô biết được nhưng không thông cảm cho cô. Cô ta hỏi xin tiền chồng nhưng chồng cô lờ luôn, cũng không thư từ qua lại. Từ đó, cô sống rất thác loạn. Đôi khi vì chỉ có nửa ký đường hay một hộp sữa mà cô bán dâm một cách công khai. Hầu như các thanh niên ở trại này đều biết danh cô ta.
Một trường hợp khác, người chồng ở trại NW 9, còn vợ ở Khao Y Dang. Chi này nghe tin chồng ở bên kia bê bối nên ở đây chị cũng rất lăng nhăng.
Ở một trại nhỏ này, đời sống tình cảm của nam và nữ rất thác loạn. Có nhiều cô gái nhìn phong cách rất gương mẫu, cách nói năng rất đàng hoàng, có lẽ cô phải sống trong gia đình có giáo dục. Tới trại, các cô sống phóng túng có lẽ vì đã bị nạn hãm hiếp, nay lại sống xa gia đình, thoát sự gò bó của cha mẹ nên không còn ai kiềm chế, cá tính lãng mạn của các cô bộc phát nên các cô tung hoành.
Có một số ông tự xưng mình là bác sĩ, kỹ sư hay giáo sư nay chỉ vì một thùng nước hay một con cá khô mà hạ mình nịnh bợ những kẻ không ra gì hoặc hổ trợ chúng làm những việc thất nhân tâm.
Có một số người tị nạn khác vì sau khi gặp mọi nguy hiểm và khủng hoảng trên đường đi mà thoát được. Khi đến trại, họ cảm ơn Thượng Đế vì các ơn lành của Ngài nên họ trở nên ngoan đạo, lập thành các nhóm đọc kinh cầu nguyện chăm chỉ, và làm các công tác tông đồ cách đắc lực.



G. Các trẻ em bị lạc gia đình.
Lúc tôi ở trại thì có khoảng sáu em lạc cha mẹ hoặc ra đi với người quen, còn cha mẹ các em thì còn lại Việt Nam. Một em cùng đi với cha mẹ, nhưng bị lạc cha mẹ nên không biết họ còn sống hay không. Tới trại, em có nhờ hội HTTQT kiếm nhưng không tìm được cha mẹ ở các trại tị nạn khác.
Có hai em khác thì đi cùng với người dẫn đường để đến trại. Cha mẹ các em còn lại ở Việt nam để thu xếp và đi sau. Khi tới trại, người dẫn đường xua đuổi và ruồng rẫy hai em này. Số còn lại thì đi với anh hoặc chị. Giữa đường thì anh chị chết.
Cha Tom rất chăm lo săn sóc cho các em thiếu nhi mất gia đình này. Cha cho các em quy tụ và sống chung để có một số người lo giáo dục và hướng dẫn các em. Anh trưởng ca đoàn của ban Công giáo tại trại Khao Y Dang thì lo giáo dục các em về thể thao và văn nghệ. Còn tôi đặc trách về tài vụ. Cứ mỗi tuần, tiền chợ búa cho các em ăn tiêu là do tôi đề nghị qũy của cha Tom xuất chi.



H. Bà cụ già nhất ở trại tị nạn.
Trong số những tị nạn Việt nam ở trại Khao Y Dang có một bà cụ già đến 91 tuổi. Cụ bà được các cháu cõng đi. Cụ già người gốc Chàm và quê ở Châu Đốc. Cụ là bà nội của ông Phụng Hoàng Vân, ông Vân ở trong ban cố vấn sắc tộc thiểu số đời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cụ cũng là bà của ông Tôn thất Liêm. Cụ đã được thâu hình và phỏng vấn bởi đài truyền hình Thụy Sĩ vì cụ là người tị nạn già nhất ở trong trại.
Tóm lại, trại Khao Y Dang tương đối an toàn hơn các trại tị nạn ở vùng biên giới vì nó ở trong nội địa Thái Lan. Trại còn được đặt dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc và Hội HTTQT.



Trại Tị Nạn Sikiew
Từ trại Khao Y Dang có khoảng tám trăm người đã lần lượt được chuyển sang trại Panatnikhom, ở tỉnh Chonburi, Thái Lan. Số còn lại độ năm trăm người gồm đại đa số là thanh niên độc thân và không có người bảo lãnh thì được chuyển sang trại Sikiew vào cuối tháng 11, năm 1980. Đây cũng là đợt chót mà dân tị nạn được chuyển đi, thế là toàn thể section 13, section đặc biệt của người Việt tại trại Khao Y Dang được xoá bỏ hoàn toàn vào cuốt tháng 11, năm 1980.
Trại Sikiew ở sâu trong đất Thái Lan, và nằm trên vùng cao nguyên của Thái Lan, khí hậu mát giống như Đà lạt. Đây là một trại tù không hơn không kém. Trại gồm có chín buildings, gồm hai tầng lầu. Mỗi building dài năm mươi thước, ngang năm thước, chứa khoảng từ 280 người đến 300 người. Mỗi người có một diện tích chỉ đủ để đặt thân mình ngủ, bề ngang độ nửa thước, còn bề dài chỉ độ hơn một thước rưỡi.
Trong chín buildings thì có hai buildings là nhà tù, một building giam bộ đội Cộng sản Việt Nam, một building giam người tị nạn Việt Nam. Ngoài ra còn có một building trống.



A. Cơ cấu nhân sự:
Mỗi building có một trưởng building có quyền kiểm soát toàn building. Tiếp đó là một trưởng phòng trên lầu, một trưởng phòng dưới lầu, một trưởng ban an ninh, một trưởng ban thư tín, một trưởng ban ẩm thực, một trưởng ban chia nước và một trưởng ban xã hội và thể thao.
Toàn thể các trưởng buildings họp lại thành trưởng ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo làm việc dưới quyền một thiếu tá quân đội Thái. Phó trưởng trại là một nhân viên quốc gia hành chánh của Thái. Các trưởng buildings có quyền được ra phố xá Thái chơi hàng tuần và được quyền lợi về thực phẩm và nước uống nhiều hơn các người tị nạn khác.
Các buildings cách nhau bởi những hàng rào cho nên mỗi building như một lãnh địa riêng.



B. Tệ trạng quan liêu hống hách.
Ban an ninh trong trại Sikiew là những người Miên gốc Hoa được chọn lựa ra làm việc. Có thể nói là hầu hết người trong ban an ninh là thành phần bất hảo, lợi dụng quyền hành để bắt nạt dân đen.
Mỗi ngày, dân tị nạn phải tụ tập ở sân để chào cờ hai lần vào buổi sáng và buổi tối. Nếu ai trốn chào cờ hay chào cờ không nghiêm chỉnh thì sẽ bị thi hành kỷ luật như bị cạo trọc, hay bị nhốt trong tù. Ai cũng phải tỏ ra nghiêm trang khi nghe quốc ca Thái và nhìn quốc kỳ Thái lên cao. Mỗi building đều có hai người trong ban an ninh trại đứng kiểm soát. Thường thì tác phong của những người này rất tồi tệ.
Sân để chào cờ rất chật hẹp nên bà con phải chen chúc để đứng chào cờ. Sân dài độ sáu mươi thước, rộng mười lăm thước. Dân trong từng building đứng nơi sân của mình. Từ building này đến building kia rất khó vì mỗi building đều có tường xây, ở giữa có rào kẽm gai. Tiếng nhạc chào cờ được vang lên trong loa phóng thanh.
Tại đây luôn có bầu không khí căng thẳng. Diện tích sân và lầu đều quá chật hẹp cho nên bà con thường đi đứng lang thang ở trên lầu hay sân hoặc chen chúc nhau để lãnh nước và lãnh thực phẩm. Loa phóng thanh ồn ào suốt ngày để thông báo về nội quy, kỷ luật của trại. Tiếng ồn ào này làm cho người tị nạn không có thể học Anh văn hay đọc sách được. So với Khao Y Dang thì ở Sikiew rất tù túng và thiếu sự thoải mái.
Nói chung, các tệ trạng của Sikiew phát xuất từ các thành viên trong ban an ninh. Những người này đã sống lâu trong trại. Họ rất biết lấy lòng quan thầy lãnh đạo Thái nên họ được nhiều độc quyền buôn bán và kiếm ăn.
Họ có rất nhiều độc quyền như: Phân phối nước đá, thuốc lá, nước. Ban an ninh làm việc để thâu tiền cho người Thái và để được ăn chia chút đỉnh. Họ chia ra nhiều phe phái: phe thì dựa oai trưởng trại, phe khác dựa oai phó trưởng trại. Thế rồi hai phe kèn cựa nhau, thanh toán nhau bằng cách đâm chém. Họ là những kẻ nịnh bợ người Thái và là con cờ của chúng. Cuối cùng nếu họ vì đánh nhau mà xảy ra chuyện thì ban lãnh đạo Thái cũng cứ lờ đi. Người Thái không vì con cờ mà làm mất lòng nhau.
Ban an ninh còn lạm dụng quyền thế để mua tre dựng lều ở các khoảng trống rồi mở các quán cà phê kiếm lợi. Họ vặn nhạc ồn ào cả ngày với đủ loại nhạc Thái, Tàu và Việt.
Vòng rào như một phương tiện để canh giữ những tù nhân. Vì thế mỗi buổi sáng từ 8:00 giờ đến 11:00 giờ thì chỉ có mười người đại diện cho mười tổ để ra ngoài đi mua đồ ăn. Ngày hôm sau, đến mười người khác được đi.



C. Tình trạng lương thực và nước uống trong trại.
Trong thời gian tôi ở trại Sikiew gần hai tháng, tôi thấy đồ ăn ở đây rất ít. Tình trạng thiếu thốn lương thực đã làm bà con khốn khổ. Đồ ăn do nhà thầu đem đến. Vào mỗi buổi trưa và chiều, loa kêu gọi các tổ trưởng trong buildings mang sô hay thùng qua nhận đồ ăn cho tổ của mình.
Ngày nào cũng chỉ có mỗi một món duy nhất là canh bí. Canh bí gồm bí không lột vỏ được bầm nát ra để nấu với vài cái chân gà, cánh gà hay cổ gà. Có khi bí được nấu với vài miếng thịt heo lèo bèo. Cho dù là cánh gà hay thịt heo thì tiêu chuẩn thịt cũng rất ít. Trong building gồm có khoảng ba trăm người mà sô canh chỉ có vỏn vẹn hai hay ba cánh gà.
Về phần cơm thì mỗi người được hai chén nhựa. Cơm thì có bữa khô, bữa nhão,khê hay nát. Vì thế nếu ai không có tiền tiếp tế của thân nhân từ ngoại quốc gửi đến thì rất khổ cực.
Về nước thì cứ hai buildings có một hồ nước xây bằng xi măng. Cứ hai người được một sô nước mỗi ngày. Nếu lỡ hai ba ngày mà không có nước vào thì dân chúng sống rất khổ cực. Từ đó còn có thêm tệ nạn bán nước với giá cắt cổ. Thường thì những người Thái có quyền hành bỏ tiền ra thuê xe nước đem vào trại rồi bán lại cho dân tị nạn để kiếm lời. Tuy giá bán cắt cổ nhưng dân tị nạn vẫn phải mua để mà dùng.
Tại trại Sikiew có nhiều hàng quán và chợ búa. Ông trưởng trại cho người thầu để ăn hoa hồng. Hàng hóa rẻ và nhiều, gồm đủ loại: từ vải vóc, xà bông đến đồ ăn uống. Dân tị nạn có thể đặt hàng rồi họ đem hàng đến ngày hôm sau. Hàng hóa ở đây rẻ hơn ở Khao Y Dang.



D. Thư tín và thánh lễ:
Cứ ba lần trong tuần thì ban lãnh đạo Thái lãnh thư về và đưa cho ban thư tín của building để phát cho dân. Người tị nạn cũng có thể gửi qùa về Việt Nam hay đi các nước khác bằng cách giao cho ban thư tín đi ra phố Thái để gửi đi.
Mỗi ngày Chúa Nhật đều có cha Namvong, người Thái gốc Việt đến để giúp người tị nạn chuyển thư hay đổi những chi phiếu cho dân tị nạn. Cha biết nói tiếng Việt và rất tử tế, cha đã từng xây nhà thờ ở trại Sikiew và tìm cách giúp đỡ tài chánh cho những người thiếu thốn trong trại.
Cứ mỗi ngày Chúa Nhật, người nào theo đạo Công giáo thì được đi ra khỏi vòng rào để dự Thánh lễ. Họ phải xếp hàng một để đi qua cổng. Khi gặp người Thái canh gác thì phải chắp tay cúi đầu để chào theo kiểu nhà Phật. Hễ ai cố tình lờ đi thì bị phạt rất nặng.



E. Sinh hoạt chung tại trại:
Ở trại này có điện, mỗi người dân ở trong từng building phải góp nhau mua bóng đèn. Mỗi building có từ mười đến mười hai bóng đèn nê-ông. Bà con có thể thắp từ chặp tối đến sáng. Còn ở Khao Y Dang thì không có điện nên bà con phải dùng dầu ăn và vải để làm bấc thắp đèn.

Mỗi tháng, ban lãnh đạo người Thái có những buổi chiếu phim có tính cách bắt buộc. Ai cũng phải đem mùng mền ra xem và ngủ ở ngoài sân vận động. Thường phim được trình chiếu là phim Tàu về quyền cước hay tình cảm. Nghe nói sau này còn có những phim tục tĩu, khiêu dâm. Phim chiếu từ tối đến năm, sáu giờ sáng. Có khi chiếu đến năm, sáu cuốn phim. Có người ra để xem phim, nhưng có số khác ra để cặp bồ bịch hay ân ái.

Ngày chiếu phim là ngày vui cho cả trại vì bà con đua nhau mặc quần áo đẹp. Còn các hàng quán thì mọc ra như nấm để được dịp kiếm tiền. Ban an ninh còn được dịp để khai thác và thâu lợi trong việc ăn uống.

Ở Sikiew có hai cảnh sống trái ngược và mâu thuẫn nhau. Kẻ nào có người nhà ở ngoại quốc tiếp tế hay kẻ ấy biết “mánh mung” thì rất sướng. Trái lại phần lớn dân tị nạn rất khổ vì họ bị nạn bè phái, cá lớn nuốt cá bé nên khổ cực trăm bề.

Tệ nạn bài bạc và mãi dâm:
Các tệ nạn bài bạc, mãi dâm, lừa gạt , đánh lộn, chèn ép đầy dẫy ở trại này. Các người trong ban an ninh, phần lớn là người Tàu lai Miên thường tụ tập bài bạc rồi lấy tiền xâu góp cho ban lãnh đạo người Thái.
Ở building số năm nổi tiếng về tệ nạn mãi dâm. Building này có nhiều người Tàu. Các cô gái Lào từ mười lăm tuổi đến hai mươi tuổi thường là rất đẹp: da trắng và má hồng. Vì phải ở lâu trong trại nên sinh ra đói khát. Các cô này đành phải bán dâm để kiếm ăn.
Các cô gái Việt Nam cũng không kém gì. Họ bị vật chất quyến rũ, lại thêm những tai họa trên đường đi. Từ đó họ sinh ra chán nản,buông thả và bất cần đời. Cảnh lấy vợ, ghép chồng rất nhiều. Họ cần tiền và cần sự giúp đỡ nên lấy nhau rồi bỏ nhau như cơm bữa.
Tệ nạn lừa gạt: Tìm bạn bốn phương.
Ở trại này có một tệ trạng nổi tiếng là nạn: “Tìm bạn bốn phương”. Đây là một tình trạng lừa gạt có hệ thống và tính toán. Các thanh niên độc thân ở building chín thường là những bộ đội Cộng sản Việt nam đào ngũ trốn đi.
Khi qua đến Thái Lan, họ lại bị chính quyền Thái bắt nhốt ở đây quá lâu.Từ đó, họ nảy sinh ra việc đăng báo ở ngoại quốc. Họ giả làm các cô gái, tạo ra những câu chuyện thật thương tâm để làm các nam độc giả ở ngoại quốc xiêu lòng gửi tiền qua trại Sikiew giúp đỡ cho họ.
Các thanh nên này vì đã ở đây ba, bốn năm nên họ không sợ thư gửi qua bị lạc vì người nhận đã đi định cư. Họ còn bắt liên lạc với những người chụp hình để làm ăn. Những người có máy hình chỉ việc đi vòng quanh trại, thấy cô gái nào đẹp là chụp hình và không lấy tiền. Sau đó, họ rửa hình cất đi để làm ăn, đôi khi họ cho các cô đã chụp hình một vài tấm có hình cô ta. Vì thế, các cô này rất thích cho họ chụp hình, nhưng sau này, việc đổ bể nên họ mới dè dặt.
Tôi đã được biết rất rõ những trường hợp giả mạo này ở building chín trong mục tìm bạn bốn phương. Các cậu này lấy những tên con gái thật đẹp và thật kêu để ngụy tạo. Họ tạo những lá thư tả oán thật đáng tội nghiệp, chẳng hạn như cảnh: ”Nàng đi với chồng, rồi chồng bị giết, nay bơ vơ cần tìm người quảng đại và tử tế để lập lại cuộc đời.” Hay cảnh: ” Nàng đi với gia đình rồi gia đình bị chết, nay cô đơn cần người an ủi.” Rồi thì đến cảnh: ”Các cô cựu nữ sinh Gia Long hay Trưng Vương buồn nhiều trong cảnh ngộ vượt biên, cần tìm bạn an ủi, bảo trợ và giúp đỡ tài chánh.”
Từ đó, các thư hồi âm về trại rất nhiều. Có thư kèm theo những chi phiếu hai trăm đô la hay một trăm đô la. Có một lúc, một cậu giả làm một cô gái được rất nhiều thư có tiền đến cùng một lúc. Thế là anh chàng sống phè phỡn và đế vương.
Ở ngoại quốc, những người đã gửi tiền qua bèn xin hình để biết mặt người đẹp. Thế là các anh này đi móc nối với nhóm chụp hình để mua hình các cô gái đẹp và gửi đi lừa những người ở ngoại quốc. Giá hình cũng tùy thuộc theo cô gái trong hình xấu hay đẹp.
Thế là trong trại nảy sinh ra nghề viết thư mướn. Ai viết chữ đẹp và giống chữ con gái thì được người chủ mưu tìm bạn bốn phương thuê để viết thư theo ý họ muốn. Công viết một lá thư là từ năm đô la trở lên. Mỗi lá thư viết lâu từ mười lăm phút đến hai mươi phút.
Có lúc tệ trạng này bị đổ bể vì ở ngoại quốc có một anh viết thư cho ban đại diện building đó để hỏi xem có cô gái nào tên này, tên kia ở trong building chín không. Ban đại diện trả lời là trong building đó chỉ toàn là đàn ông mà không có đàn bà. Anh chàng bèn tức giận, đăng nghi vấn lên báo chí ở ngoại quốc. Rồi anh ta viết thư chửi cô gái giả mạo nọ. Nàng giả mạo bèn viết thư qua kể lể rằng: ” Em chính là con gái, nhưng vì người trưởng building của em muốn ”cua” em, em không đồng ý nên họ đặt điều để phá em. Nếu anh không tin thì cứ gửi quần áo về trại, em sẽ mặc để chụp hình gửi cho anh sau.”
Anh kia bán tín bán nghi nên sắm một thùng quà toàn áo đầm, quần jeans và áo thung gửi qua trại ngay. Cô gái giả mạo bèn đi tìm cho được cô gái đã chụp hình để nói láo rằng gia đình hắn gửi quà cho em gái hắn. Nay em gái hắn còn kẹt lại ở các trại biên giới Thái-Miên nên không mặc được. Rồi hắn tặng cho cô ta thùng quà đó.
Cô ta mừng rỡ nhận ngay. Thế rồi hắn đòi cô ta cho hắn được chụp vài hình làm kỷ niệm. Cô gái kia thật thà cho chụp hình ngay. Sau đó, hắn gửi hình cô ra ngoại quốc để thanh minh với anh chàng kia. Anh kia bèn gửi thêm một lá thư cho ban đại diện building để chửi họ. Thế là mọi sự mới đổ bể ra.
Bọn bất lương này đã làm giàu nhờ việc giả mạo để chơi mục ”Tìm bạn bốn phương”. Bọn họ rất phe phỡn. Họ tuyên bố rằng họ có thể mua xe hơi ngay tại Thái, nhưng họ sẽ để dành tiền để ra ngoại quốc sống.
Sau này, vì tò mò, tôi mới tìm hiểu và được biết rằng đây là một tổ chức có quy mô, từ trên xuống dưới, đều chia nhau ăn. Ban lãnh đạo người Thái thường đi ra lãnh thư. Khi đi, có cả ban an ninh đi theo. Hễ thư của anh nào mang tên con gái thì ban an ninh nhận hết về phần họ.
Khi về, tùy theo số tiền gửi trong thư nhiều hay ít thì cô gái giả mạo kia phải chia tiền cho người Thái và ban an ninh. Ví dụ thường thì một trăm đô la đổi được hai ngàn bahts. Nay một trăm đô chỉ đổi được một ngàn hai trăm bahts hay một ngàn năm trăm bahts. Người trưởng trại Thái nhận đổi theo kiểu này.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao ban an ninh biết mà không ăn chận thư ngay mà lại đưa trả cho kẻ chủ sự việc này? Câu trả lời là họ muốn ăn dài lâu nên không thèm ăn chận một lần. Họ cố tình nuôi dưỡng vấn đề này để cùng ăn chia dài dài.
Ban lãnh đạo người Việt tuy biết tệ trạng này nhưng không có thực quyền nên đành làm ngơ. Nếu làm ra chuyện, họ sẽ có thể bị chụp mũ là Cộng sản và bị nhiều điều bất lợi cho cá nhân họ. Có nhiều người bị ghét nên bị ghép tội rồi bị bắn chết.
Tôi được nghe rằng vào năm 1979, có người tị nạn bị người Thái ghét nên họ đem ra hàng rào bắn chết vào ban đêm rồi gắn tội cho anh ta là tình báo trốn ra ngoài nên bị bắn khi đang chui hàng rào ra.
Vì làm ăn khấm khá nên những cô gái giả mạo này cứ cố tình trì hoãn để khỏi phải chuyển trại. Họ muốn ở lại Sikiew mãi để làm tiền những người ở ngoại quốc.
Tóm lại, đời sống ở Sikiew rất tù túng và gò bó. Tệ nạn tại đây cũng nhiều hơn các nơi khác. So với các trại tị nạn khác thì trại Sikiew này chính là trại tù khổ cực nhất và đầy dẫy sự bất công.”

Nguyễn Văn Thụy Viễn


1     2      3      4      5     6      7      8      9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét