"Tối hôm ấy là
ngày 28 tháng 3 năm 1980, bọn lính Para đến bắt hai cô gái của gia đình người
Tàu khác và kéo đi. Những người đã sống trong trại Para vào ngày hôm đó thì tất
cả đều sở đến bủn rủn tay chân. Tiếng la hét thất thanh xin cầu cứu của những
người con gái bất hạnh lúc bị sa cơ nghe rùng rợn và bi thương, kèm theo đó là
những tiếng chửi rủa của bọn Para. Rồi sau đó là tiếng thét thê thảm cùng với
những loạt súng. Thế là xong đời hai người con gái vô tội "
Ông Phạm Thanh, tự là Phạm Đình Khanh hiện cư ngụ tại Long Beach, California
cùng với vợ con. Ông sinh năm 1959, vượt biên vào năm 1980, và đến Mỹ vào năm
1981. Ông đang làm việc cho Nha Bưu Điện của chính phủ Mỹ.
Cuộc Hành Trình Vượt Biên Bằng Đường Bộ.
Tôi khởi hành từ Sàigòn để đi vượt biên vào ngày 20 tháng 3 năm
1980. Nói chung, cuộc hành trình của tôi từ Việt Nam đến Thái Lan xét ra thì có
gian khổ nhưng không sánh bằng hoàn cảnh những người tị nạn khác khổ sở hơn nhiều.
Thời gian mà tôi cảm thấy khổ nhất trong đời người tỵ nạn là thời gian ở tại trại
Panatnikhom Holding Center. Tại đây, nhiều người cảm thấy sướng thì trái lại,
tôi cảm thấy cảm thấy khổ.
Khởi đầu cuộc ra đi, chúng tôi gồm 5 người đàn ông, cùng ngồi
trên xe Jeep đi với ba người dẫn đường vốn là bộ đội phục viên đi tới gần thành
phố Sisophon thì rất êm xuôi. Chúng tôi được cấp đầu đủ giấy tờ với tư cách là
các bộ đội trinh sát lãnh công tác ở Sisophon.
Nhưng đến cây cầu sắt gần vào Sisophon thì chúng tôi bị đám lính
kiểm soát cầu cống bắt giữ lại để xét giấy. Những ai đi vượt biên đường bộ đều
rất sợ khi đi qua cây cầu này. Đây là nơi đã bắt giữ rất nhiều người vượt biên.
Nghe đâu họ có một trại giam rất lớn ở gần cây cầu này để giam giữ những người
vượt biên đường bộ. Các người tị nạn này đi từ lối Gò Dầu Hạ thuộc tỉnh Tây
Ninh, Việt Nam.
Tại cây cầu sắt đó, có một viên đại úy Việt Cộng chận xe Jeep
chúng tôi lại và hỏi chúng tôi đi đâu. Chúng tôi đều đáp là đi công tác trinh
sát ở Sisophon, rồi đưa hết giấy tờ ra chứng minh: nào là sự vụ lệnh, giấy công
tác...Tên này không tin và nói rằng đó chỉ là những giấy tờ giả mạo mà thôi.
Chính vì sự làm khó dễ này mà nhóm chúng tôi phải hối lộ một cây
vàng để được đi tiếp. Chúng tôi phải nói lý do là đi qua vùng biên giới để mua
đồ lậu đem về Sàigòn bán để kiếm lời. Họ có vẻ tin là chúng tôi đi buôn lậu hơn
là những người giả dạng bộ đội để đi vượt biên giới.
Thoát nơi nguy hiểm ấy, chúng tôi dừng lại ở chợ trời Sisophon để
mua gà, gạo và các thức ăn để đi nhậu một lần chót, trước khi đi. Qua khỏi
Sisophon độ mười lăm hay mười bảy cây số, chúng tôi dừng chân tại một nhà dân địa
phương.
Lúc đầu, chúng tôi không biết họ có ở trong đường dây vượt biên
nhưng mãi về sau mới biết. Chúng tôi bèn đưa gà và gạo đã mua ở chợ trời để họ
làm đồ ăn cho mọi người cùng ăn. Họ tiếp đãi chúng tôi rất ân cần vì họ được trả
tiền công độ là một chỉ vàng.
Sau này, chúng tôi được biết là những người bộ đội giải ngũ này
đưa chúng tôi đến gặp đám dân địa phương để họ dắt chúng tôi vượt biên giới.
Gía cả mà hai bên thỏa thuận thì chúng tôi hoàn toàn không được biết rõ.
Mọi người ăn uống rất vui vẻ nhưng riêng tôi, tôi không ăn được
gì vì chỉ ngửi mùi đồ ăn Miên là tôi chịu không nổi. Chỉ có khi ăn ở nhà người
Miên mình mới thấy, mới cảm được cái mùi vị đặc biệt ấy. Từ tô nước lạnh đến những
thực phẩm họ ăn đều có một màu sắc và mùi vị riêng mà tôi không thể chịu được.
Mùi vị này không phải là mùi mắm ”Bò hóc”. Trái lại, tôi rất ghiền
ăn món mắm ”Bò hóc”. Khi còn ở các trại tị nạn như Non Chan, tôi và các bạn vẫn
thường kiếm mua mắm Bò hóc để ăn.
Sau đó, khoảng 2:00 giờ hay 3:00 giờ chiều, chúng tôi được những
người dẫn đường căn dặn là hãy nằm nghỉ ở đó để chờ đến 5:00 hay 6:00 giờ chiều,
đợi khi mặt trời lặn rồi mới đi. Chúng tôi lúc ấy rất sợ vì nghĩ đây không phải
là một đường dây vượt biên mà chỉ là nhà của dân địa phương mà thôi.
Bản tính tôi là ưa đi chơi nên tôi tìm cách đi chơi lòng vòng.
Tình cờ, tôi gặp một người đàn bà Miên. Lúc sau tôi mới biết bà này lai Tàu nên
giọng nói lơ lớ. Bà ta hỏi tôi một câu làm tôi vô cùng sửng sốt:
-Cậu là người Việt Nam hả? Bộ cậu tính qua Thái Lan hay sao?
Tôi khựng lại vì không ngờ rằng bà ta nói tiếng Việt rành như vậy.
Bà ta tự giới thiệu là người Miên lai Tàu. Thời kỳ 1970, khi người Miên nổi lên
giết và chặt đầu người Việt Kiều ở Miên thì bà ta có di cư về Sàigòn ở được 5,
6 tháng. Sau đó, bà ta lại rời Sàigòn để trở lại Cambodia sinh sống bằng nghề
buôn đồ lậu.
Tôi trở về nha và thuật chuyện lại với anh Vinh vì anh Vinh được
coi như người trưởng đoàn. Anh tự xưng là một sĩ quan VNCH cấp tá. Anh Vinh là
một người rất sáng suốt và can đảm. Chúng tôi đã nhờ ơn anh rất nhiều trong cuộc
hành trình đầy gian khổ ấy.
Đoàn chúng tôi gồm 5 người: Một ông trên 50 tuổi có tên là
Khanh. Cháu của ông là Liêm, học sinh trung học cũng đi trong nhóm. Thêm anh
Kha là đại úy pháo binh vừa từ trại cải tạo về, để lại vợ và một con tại Việt
Nam. Anh Kha hiện đang ở tại Orange County, California. Còn anh Vinh cỡ 40 tuổi.
Anh Vinh hiện đang ở Los Angeles, California. Người thứ năm là tôi.
Đến chiều hôm ấy, ngày 22 tháng 3 năm 1980, gia đình người Miên
này lại dọn cơm cho chúng tôi ăn lần nữa. Cơm gồm có gà hấp muối và một ít hành
ngò, trông chẳng hấp dẫn gì cả nhưng chúng tôi cũng cố gắng nuốt để có sức mà
đi bộ.
Khoảng 5:00 giờ chiều thì có hai người Miên đến liên lạc với anh
Vinh. Anh Vinh nói tiếng Pháp rất rành, ông Khanh cũng biết tiếng Pháp. Còn
tôi, dù đã học hết chương trình trung học ở trường Pháp nhưng vẫn nói sai văn
phạm.
Vì thế, anh Vinh được coi như người duy nhất nói tiếng Pháp để
liên lạc với bọn dẫn đường. May mắn, người Miên này cũng nói tiếng Pháp. Dĩ
nhiên, tiếng Pháp của họ sai lỗi văn phạm.
Người dẫn đường này báo cho chúng tôi biết là chúng tôi sắp đi.
Họ dặn chúng tôi nên mang giày Bata, mặc quần áo dầy và chắc. Lúc ra đi, tôi đã
mang hai bộ đồ jeans tốt của Pháp do bà cô tôi gửi về cho và mặc một bộ đồ
kaki, một loại vải Jeans của Việt Nam.
Tôi dự định đem hai bộ đồ Jeans này để khi đến trại thì đi diễu
qua, diễu lại, làm ”le” trong trại. Tôi rất qúy hai bộ đồ Jeans ấy vì lúc đó
giá mỗi bộ rất đắt. Vì thế, tôi cẩn thận bỏ hai bộ đồ Jeans hiệu Wrangler ấy
trong một túi xách nhà binh. Nhưng người dẫn đường bảo là không nên xách túi
nhà binh, lỡ gặp Việt Cộng chận bắt rất là phiền phức. Do đó, tôi phải bỏ túi
xách ấy vào trong một túi ni lông khác để dấu.
Toán bộ đội gồm ba người thì đã tạm biệt chúng tôi lúc ở
Sisophon. Họ cho biết là họ rất muốn vượt biên nhưng sợ là vì họ thuộc thành phần
cán binh Việt Cộng, e rằng chính quyền Mỹ và các nước Tây Phương không chấp nhận
cho họ đi định cư. Chi bằng họ ở lại đi buôn lậu và dẫn người vượt biên thì tốt
hơn.
Theo sự nhận xét của tôi thì họ không có lời nhiều trong chuyến
đưa người đi vượt biên như thế này. Mỗi đầu người vượt biên là ba cây vàng.
Chúng tôi đưa trước một cây rưỡi. Khi đến biên giới Thái, sẽ chụp hình, viết
thư và đưa mật hiệu cho người dẫn đường đem về nhà. Lúc đó, người nhà chúng tôi
sẽ giao tiếp một cây rưỡi nữa.
Về sau, họ không lấy được thêm một cây rưỡi vàng nữa vì chúng
tôi có được đưa tới Thái đàng hoàng đâu? Tôi còn hên nữa là khi ở Sisophon, tôi
xin họ lại một chỉ vàng để đến Thái Lan đánh điện tín về. Do đó, tôi chỉ mất
trước sau có một cây và bốn chỉ thôi. Lúc ấy, tôi dặn họ về lấy thêm nơi mẹ tôi
thành một cây và sáu chỉ vàng.
Các anh cán bộ Cộng Sản đưa đường này rất dễ chịu. Họ sẵn sàng
đưa cho tôi một chỉ vàng với hy vọng về lấy lại nơi mẹ tôi. Họ lại sẵn sàng
cung phụng những nhu cầu ăn uống và tiêu xài của chúng tôi. Nào là cơm thịt,
thuốc lá 555, bia Tiger... Vì thế, tôi mới tính ra và đoán rằng họ không có lời
nhiều. Có lẽ họ chỉ có lời khi mang hàng lậu trốn thuế về bán. Lúc ấy, đồng hồ
điện tử ở Thái Lan nhiều đến nỗi họ cân ký bán. Trong khi đó, đồng hồ điện tử ở
Việt Nam lại có giá.
Lúc chúng tôi ra đi thì trời đã xâm xẩm tối. Chúng tôi gồm có 5
người và 2 người Miên dẫn đường. Một người đi đầu dẫn đường, và một người đi
sau bọc hậu. Họ cho biết đoạn đường chỉ dài độ ba, bốn chục cây số. Nhưng chúng
tôi phải đi bọc đường rừng để tránh bộ đội. Do đó con đường dài hơn, chắc phải
độ chừng hai trăm cây số. Chúng tôi phải đi đến hai ngày và một đêm. Cho rằng mỗi
giờ đi được 5 cây số thì không thể nào với lộ trình dài ba mươi hay bốn mươi
cây số mà đi với một thời gian dài như vậy.
Vào buổi sáng, chúng tôi không thể đi được mà phải nghỉ vì bộ đội
Việt Cộng hoạt động gần đó có thể phát hiện ra chúng tôi ngay. Cuộc hành trình
rất là gian khổ. Chúng tôi hoàn toàn đi bộ. Mỗi người đều thủ một bi đông nước.
Khoảng 7:30 giờ tối, chúng tôi rời nhà người Miên để đi theo hai người Miên dẫn
đường, trong đó có một người biết tiếng Pháp. Trước đó, chúng tôi có gặp một
đám người Miên, họ cho biết là họ không đủ người để dắt đi nên chỉ có 2 người
này thôi.
Hôm ấy, khoảng mùng 5 tháng 2, năm 1980 (năm Canh Thân) nên có
trăng lưỡi liềm, cảnh vật rất nên thơ: đồng ruộng trống vắng và hoang vu, bầu
trời đầy sương mù giăng mắc. Đi rất lâu mà vẫn thấy đồng trống. Có những nơi là
vùng đất cỏ tranh, hoặc vùng đất có gốc rạ đâm lên tua tủa làm đau chân vô
cùng.
Chúng tôi đi được bốn, năm tiếng đồng hồ thì qúa mệt mỏi vì đa số
không hề đi bộ lâu như thế. Chúng tôi bèn kêu anh Vinh nói với người dẫn đường
cho nghỉ mệt, nhưng anh dẫn đường nhất định không cho nghỉ. Anh ta bảo rằng Bộ
đội Việt ở đây rất đông, rằng vùng này rất nguy hiểm nên không thể để cho chúng
tôi nghỉ mệt được, vì như thế có thể bị Bộ đội Việt bắt giữ bất cứ lúc nào.
Đến 2:00 giờ sáng thì mọi người đều quá mệt nên khi được lệnh
cho nghỉ lại thì cả bọn chúng tôi té rầm xuống đất và ngủ như chết. Chỉ có một
người không mệt mỏi là anh Vinh. Trước khi đi ngủ, tôi còn cố nhướng mắt để xem
coi anh ta làm gì thì thấy anh Vinh đang tập thể dục rồi hít đất và chạy. Tuy vậy,
chúng tôi cũng chỉ ngủ được có độ 5 hay 10i phút mà thôi.
Trong khi đi tiếp, chúng tôi vừa đi vừa ngủ rất hào hứng: Mắt nhắm
lại để ngủ nhưng chân đi theo người ta mà chẳng biết đi đâu. Lúc đó, tôi rất sợ
vì nếu mình mệt mà ngừng chân một lát thì lạc ngay.
Khoảng cách giữa chúng tôi và người dẫn đường tương đối khá xa.
Người bản xứ đi rất lẹ, còn mình đi chậm nên phải cố gắng đi mau hơn, vừa đi vừa
thở hồng hộc. Mình vừa đi vừa nhắm mắt mà vẫn cảm thấy như có người ở trước mặt
mà đi theo. Đó là điều kỳ diệu nhất.
Ngày còn ở Việt Nam, tôi có một số bạn học chung ở trung học rồi
sau đó họ đi nghĩa vụ quân sự và làm công tác ở Cambodia. Khi đi, họ mang theo
ba lô, túi truyền tin, cuộn dây điện, súng AK, nồi niêu và mấy lít gạo. Họ cũng
vừa đi vừa ngủ mà vẫn đến nơi bình yên.
Giờ đây, tôi cũng đang hưởng những cảm giác kỳ lạ ấy. Dù mệt
nhưng tôi vẫn cảm thấy thích thú bởi vì bản chất của tôi là thích những gì mới
lạ và ngộ nghĩnh. Lúc ấy, tôi chỉ sợ gặp Việt Cộng chứ tôi không hề biết rằng
có thể bị Pol Pot bắt và chặt đầu hay bị bọn thảo khấu, cướp rừng ”làm thịt.”
Tôi cảm thấy thích thú vì đây cũng là một chuyến phiêu lưu. Có
thể người gìa họ sợ khác những điều mà tôi sợ. Còn tôi vì là thanh niên nên vẫn
cảm thấy vui vì nghĩ rằng mình đang đem cuộc đời mình ra để đổi lấy tự do, một
điều mới lạ và vui mà tôi hằng khao khát, dù rằng chưa biết tương lai sẽ ra
sao.
Có lẽ vì từ đầu đến giờ phút ấy, tôi được người đưa đường đối xử
rất tử tế. Ở nhà, tôi không được hút thuốc ngon hay uống bia ngon, mà nay lại
được hút thuốc thơm 555, uống bia Tiger, và ăn toàn đồ ngon. Vì thế mà tôi
thích nên còn hăng, nên chưa biết sợ, ”Trâu nghé không sợ cọp” là vậy đó!
Đi lâu đã qúa mệt nên chúng tôi năn nỉ người dẫn đường cho nghỉ
mệt, nhưng họ nhất quyết không chịu vì đây là vùng nguy hiểm. Đi mãi, chúng tôi
thấy trong cánh đồng trống có ánh sáng từ đàng xa. Lúc đó, chúng tôi mệt qúa, định
nghỉ lại thì nghe người dẫn đường nói:
”Bộ đội, bộ đội.”
Vì thế, sau đó, chúng tôi phải đi đường vòng thật lớn để tránh bộ
đội, chứ không đi đường thẳng như trước đã quy định.
Lần này, chúng tôi phải đi vào những khu rừng nhỏ. Rừng ở đây
không giống rừng già Phi Châu. Vì thế, rừng không rậm rạp đáng sợ nhưng cây cối
đây khô cằn và còn có đồn cát. Cơn khát làm chúng tôi qúa sức mệt, nhưng rồi ai
cũng có bi đông nước riêng nên còn cầm cự được.
Tới khoảng rạng sáng, chúng tôi đến một làng nhỏ và kiếm các lùm
cây để ngủ. Lúc ấy, mọi người đều đã hết sạch nước uống nên mệt vô cùng, cơn mệt
có thể chết được. Ai cũng muốn chết ngay để khỏi chịu cảnh đói khát và mệt này.
Không còn ai tha thiết muốn sống nữa.
Người dẫn đường lúc đó cũng không còn nước để uống. Lúc ấy khoảng
bảy, tám giờ sáng rồi nhưng chúng tôi vẫn lăn ra ngủ. Chỉ có anh Vinh thức canh
chừng bọn dẫn đường. Anh Vinh bảo:
-Nếu mọi người ai cũng mệt mà ngủ hết thì bọn dẫn đường sẽ bỏ đi
mất. Phải có một người mạnh, cho dù không mạnh vẫn phải tỏ ra mình mạnh, để lỡ
nó có ý định bỏ đi là mình giết liền.
Vì lẽ ấy, anh Vinh tình nguyện đứng ra canh họ. Chúng tôi rất
khâm phục anh và gọi anh là ”Superman”. Không biết anh có sức mạnh thật không
hay là anh ngụy tạo. Nhưng dù sao, anh cũng làm cho chúng tôi tin tưởng và làm
cho bọn dẫn đường ngán anh. Anh còn có vóc dáng to lớn, lại biết tiếng Anh và
tiếng Pháp.
Chúng tôi lúc đầu tin tưởng vào hai anh Vinh và Kha. Rốt cuộc
anh Kha còn có vẻ mệt hơn chúng tôi nhiều, có lẽ vì anh mới ở trại cải tạo ra.
Còn tôi, vì đã ở hướng đạo, đã đạp xe đi cắm trại, đi chơi vùng Thủ Đức, Biên
Hòa nên tương đối còn khỏe hơn anh Kha.
Cơn khát lại hành hạ chúng tôi nên mọi người đều lăn lộn, và ngủ
không được lâu. Mà nếu đi thì cơn nắng lên cao, lại càng khát nữa. Chúng tôi
núp vào các bụi rậm, mình có thể nhìn thấy người đi ngoài, nhưng người đi ngoài
lại không thấy được mình.
Dù mệt nhưng tôi vẫn có cảm giác thú vị vì các bụi rậm này giống
như các nơi mà tôi đã đi cắm trại ở Thủ Đức và Đường Sơn Quán. Anh Vinh vẫn tỉnh
táo để canh chừng. Thình lình có một cơn mưa nhỏ đổ xuống. Chúng tôi mừng qúa,
lấy các tấm ni lông mà hai người dẫn đường đã mang theo để hứng nước uống. Quần
áo ai cũng ướt nhẹp vì nước, nhưng ai cũng thấy thoải mái và thích thú. Khí hậu
của Cambodia lúc ấy rất nóng mà nay lại có cơn mưa xuống nên đỡ nóng hẳn.
Khoảng mười hai giờ trưa, chúng tôi lại đi tiếp đến một giờ
trưa. Vẫn hai người dẫn đường cũ. Họ vẫn đem theo hai cái mác (rựa). Hai cái
mác ấy dùng để chặt đầu là ngon ơ. Vì thế, chúng tôi để ý và rất là phiền vì
chúng. Nhất là anh Vinh, anh ta luôn chăm chú nhìn những cái mác ấy vì rằng bọn
dẫn đường chỉ cần ”để nhẹ” một cái là một cái đầu của chúng tôi văng ra. Nào ai
biết được họ muốn làm gì với cái mác ấy. Có lẽ họ dùng nó để chặt cây khi đi
vào rừng.
Chúng tôi thì chẳng ai có vũ khí để tự vệ, anh Vinh có một con
dao nhíp nhỏ dùng để cắt móng tay, móng chân mà nếu đụng trận thì chắc cũng chẳng
làm được gì. Còn tôi, tôi chỉ thủ có hai bộ đồ Jeans mới tinh mà tôi rất qúy.
Đến khoảng một giờ trưa, chúng tôi đến một làng có rừng dừa đầy
trái. Chúng tôi được nghỉ trưa tại đó. Khi ấy, có một số người địa phương ra
nói chuyện bằng tiếng Miên với hai người dẫn đường của chúng tôi. Chúng tôi rất
vui vì biết là họ quen nhau và như thế là mình đã đi đúng đường dây rồi. Lúc ấy,
ông Khanh hỏi:
-Ê! Đứa nào còn tiền, còn vàng thì bỏ ra mua dừa ăn đi!
Dừa trái rất lớn, to bằng đầu người, trông có vẻ ngon lành.
Chúng tôi hỏi họ rằng:
-Chúng tôi muốn ăn và uống nước dừa, muốn ăn cơm trưa nữa, vậy
thì giá tiền là bao nhiêu?
Họ đòi một chỉ vàng. Thế là ông Khanh móc ra ngay một chỉ vàng để
trả tiền ăn uống. Đây phải kể là một hành động hào sảng của ông Khanh. Nếu là một
thanh niên thì đói khát cũng chịu, không sao, nhưng là người lớn tuổi thì có lẽ
ông ta nghĩ:
”Kệ! Ăn đại đi rồi chết cũng được.”
Tôi có bàn với ông Khanh:
-Đi đường đã mệt mà uống nước dừa tươi dễ chết lắm, chú Khanh
coi chừng!
Ông Khanh nổi cục, nạt tôi:
-Tao ăn thì mặc kệ tao. Mày muốn ăn thì ăn, còn sợ chết thì đừng
ăn! Để tao ăn hết cho!
Lúc đó, vì đói khát nên tôi cũng nhào lại, dành ăn với ông
Khanh. Chúng tôi chỉ có 5 người mà ăn làm sao hết được đến mười tám trái dừa,
mà trái dừa nào cũng to bằng đầu người.
Uống xong, anh Vinh dặn mọi người nạo cùi dừa rồi bỏ trong bao
ni lông quấn ngoài một lớp lá chuối để đem theo. Khi nào đói thì ăn cùi dừa cho
đỡ đói. Cùi dừa lại không làm cho khát nước vì nó mỏng lại ướt nữa. Thế là
chúng tôi y lời, mượn đồ của dân làng ấy để nạo ra bỏ vào bao ni lông để dành.
Lúc chúng tôi hoàn toàn no rồi thì có người đàn bà Miên mặc sà
rông, gánh một gánh cơm lại. Cả bọn, không còn ai ăn được, ngoại trừ một mình
tôi. Người Miên này đem cả mắm ”Bồ hóc” ra cho chúng tôi ăn. Ai cũng sợ mắm ”Bồ
hóc”, kể cả người bạo gan như anh Vinh.
Theo truyền thuyết của người Việt Nam khi nói về mắm ”Bồ hóc”
thì đây là loại mắm đặc biệt của người Miên đi rừng làm ra. Họ đeo những ống
tre chứa sẵn muối rồi đi vào rừng. Hễ họ gặp bất cứ sinh vật nào ở rừng như thằn
lằn, kỳ nhông, cắc kè, cóc nhái, giun hay sâu bọ thì họ nhét vào cái ống tre để
dành ăn. Lâu ngày các sinh vật ấy chết và trở thành loại mắm ”Bồ hóc”. Bởi lẽ ấy,
ai cũng chết khiếp khi nghe tên loại mắm này.
Thế nhưng, tôi lại rất ghiền loại mắm ”Bồ hóc” này, là vì nó rất
ngon. Nó được làm bằng cá, có thêm thơm, tỏi, đường nên ăn rất ngon miệng. Nó
giống như mắm Thái ở Việt Nam, ngon tuyệt vời. Hồi tới Non Chan rồi ra trại
Panatnikhom, tôi vẫn kiếm mua mắm Bồ hóc để ăn cho ngon miệng.
Vì không ai ăn cơm nên tôi ăn rất nhiều mắm Bồ hóc. Chính vì thế
mà tôi bị khát nước nhiều vì bị cơn khát hành hạ và dằn vặt. Cho dù chất đường
và tỏi trong mắm làm kích thích thêm, và chất muối làm tôi đỡ mệt nhưng tôi rất
khát nước.
Tuy vậy, tôi vẫn còn đỡ khổ hơn ông Khanh vì ông ta uống qúa nhiều
nước dừa nên mệt. Khi ấy chúng tôi được nghỉ trưa đến ba, bốn tiếng đồng hồ.
Hai người dẫn đường nói chuyện với người địa phương những gì mà chúng tôi không
hiểu. Nhưng chúng tôi nghi ngờ là bọn họ muốn bỏ rơi chúng tôi trong đoạn đường
kế tiếp.
Anh Vinh đã chuẩn bị đối phó. Đoạn đường sắp tới rất nguy hiểm
vì là vùng phi quân sự giữa các lực lượng đấu tranh của hai chủ nghĩa tư bản và
cộng sản như: Việt Cộng, quân đội của chính quyền Nam Vang thân cộng, lực lượng
Khmer Đỏ tức là Pol Pot, lực lượng kháng chiến chống chính quyền Nam Vang như của
lãnh tụ Sihanouk và Lon Nol. Ngoài ra, còn có lực lượng quân kháng chiến của
người Việt Nam tự do và của người Lào do tướng Dàn Pao lãnh đạo.
Chúng tôi sợ nhất là hai lực lượng Việt Cộng và Pol Pot vì họ có
thể cầm tù hay giết chết chúng tôi. Nhưng nếu gặp lực lượng của tướng Dàn Pao của
Lào thì sẽ được tiếp đãi ân cần. Lúc ấy, chúng tôi không hề biết gì về lực lượng
Para người Miên cả. Nghe đâu họ làm việc cho Thái và được Mỹ trả tiền.
Khi hoàng hôn về thì chúng tôi được dẫn đi tiếp. Khoảng mười lăm
phút sau, chuyện bất ngờ đã xảy ra ngoài dự liệu của chúng tôi. Thình lình có
tiếng súng, rồi một đám bốn, năm người ăn mặc như kiểu người da đỏ, ở trần
trùng trục, mặc quần lính, mang dao mác, lựu đạn và một cây súng Colt xông tới
như vũ bão.
Họ dùng cây bao vây và tấn công chúng tôi rồi bắt chúng tôi qùy
xuống để họ khám xét và lấy tiền của chúng tôi. Biết là gặp bọn thảo khấu cướp
rừng nên chúng tôi lột vàng giao cho chúng để được sống yên. Chúng cướp hết những
quần áo và đồ dùng của chúng tôi luôn. Cái buồn và đau nhất của tôi là chúng cướp
mất hai bộ đồ Jeans ”cáo cạnh” nhất của tôi. Chúng còn cướp luôn cái gọng kiếng
vàng của ông Khanh vì chúng nghĩ là gọng có vàng. Ông Khanh tức vô cùng vì mất
cái kiếng là kể như mù rồi.
Hên cho tôi là tuy mọi người mất sạch nhưng tôi vẫn còn sót một
chỉ vàng mà tôi đòi người bộ đội dẫn đường cho mượn. Tôi dấu chỉ vàng này vào một
chỗ kín ở cái bóp da cũ mèm. Cái bóp này cũng đã được bảy tám tuổi. Nó là kỷ vật
mà ba tôi đã cho tôi trước ngày ông tử trận vì tổ quốc. Bọn cướp đã lục xét kỹ
cái bóp ấy, nhưng vì thấy bóp cũ qúa nên chúng vứt lại, vì thế mà tôi vẫn còn
chỉ vàng.
Khi bọn cướp lấy hết của cải thì ai cũng buồn và tiếc của. Tôi
bèn an ủi:
-Bà con đừng lo, Thanh sẽ kiếm được tiền để qua bên Thái Lan
đánh điện tín về Việt Nam.
Mọi người nghe tôi nói thì lên tinh thần. Họ cũng chưa biết là
tôi sẽ làm gì để có tiền. Nhưng nghe vậy thì họ cũng yên tâm. Lúc ấy, tôi cũng
chẳng hào sảng gì vì tôi biết rằng qua đến xứ người mà chỉ có một chỉ vàng là một
điều rất qúy và cần thiết cho mình.
Tuy nhiên, tôi nghĩ lại rằng với các bạn đồng hành đang đói khổ
thì một chỉ vàng rất cần và đáng qúy cho cả đám. Vả lại tôi thấy mình còn nợ
ông Khanh khi ông này dám bỏ tiền ra mua cơm và dừa cho cả nhóm. Anh Vinh thì
đi mình không nên chẳng mất mát gì cả vì anh đã biết có mang tiền đi cũng mất
vì tay bọn cướp hết.
Khi đã móc hết của xong, tên chúa đảng cướp ra lệnh đuổi chúng
tôi trở về Việt Nam mà không cho đi Thái nữa. Hắn còn ra lệnh tuyệt đối cấm người
dẫn đường không được dẫn chúng tôi đi Thái Lan nữa. Người dẫn đường có vẻ sợ
hãi. Tôi không hiểu là họ giả đò đóng kịch hay là thật.
Khi ấy, chúng tôi cố gắng xin họ cho chúng tôi đi theo hướng mặt
trời lặn là hướng tây. Mới đầu họ không cho chúng tôi đi theo hướng ấy, nhưng
vì chúng tôi năn nỉ qúa nên họ chịu cho chúng tôi đi theo hướng tây.
Tội nghiệp anh dẫn đường, anh không nỡ bỏ rơi chúng tôi dù rằng
sau này chúng tôi biết được anh ta ở trong phe của bọn cướp. Khi ấy chỉ còn có
một người dẫn đường mà thôi mà anh này chẳng có kinh nghiệm gì cả, còn người dẫn
đường chuyên nghiệp đã bỏ trốn rồi.
Chúng tôi vẫn cố gắng đi về hướng tây. May là chúng tôi đã đi
vào hướng đường mòn của những người đi xe bò. Người Miên lũ lượt đi xe bò từng
đoàn dài. Họ chở đầy loại hàng hóa trên xe bò và trên cả xe đạp nữa.
Nhìn người ta đi lại chúng tôi cũng cảm thấy vui vui trong lòng.
Đi hướng đường mòn là đi đúng đường tới Thái. Nhưng chúng tôi không dám đi ra
đường mòn vì sợ tông tích mình bị phát hiện. Nếu người dân Miên thấy thì biết
đâu chừng họ sẽ chỉ điểm cho Việt Cộng để bắt mình vì họ cũng đâu có thích gì người
Việt Nam?
Đó là chưa kể là các trạm gác của bộ đội Việt Cộng thường canh
giữ xe bò để đóng thuế và kiếm chác. Nghĩ vậy nên chúng tôi phải tách xa đường
xe bò để đi vòng quanh con đường đó cho bảo đảm sự an toàn.
Trời đã về tối, trong rừng rất nguy hiểm. Xa xa chúng tôi còn được
nghe tiếng nhạc từ các đơn vị đồn trú của Việt Cộng. Chúng tôi hoang mang và lo
sợ vô cùng vì càng đi càng chỉ thấy rừng cây u tối mà chẳng thấy Thái Lan đâu cả.
Nỗi cực khổ gia tăng đến mức trầm trọng. Chúng tôi mệt đến đứt
hơi. Tiếng chân đi sột soạt, rồi tiếng thở dài mệt mỏi. Chúng tôi qúa khát rồi
mà các Bi đông nước đã hết sạch. Cảnh khát nước đường bộ khổ gấp mười lần đường
biển vì khi mình càng đi thì mồ hôi càng ra nhiều và chất nước trong cơ thể
càng mất nhiều hơn. Chúng tôi cứ phải năn nỉ người dẫn đường cho nghỉ lại để xả
hơi và để tìm nước uống ở chung quanh.
Lúc đó, chúng tôi thấy các bờ ruộng ở chung quanh đều gặt hái
xong nên bỏ trống. Chúng tôi đều mệt lả đi, chỉ còn có anh Vinh là khỏe. Anh ấy
bèn cùng người dẫn đường đi vòng quanh để kiếm nước cho mọi người.
Anh Vinh đi rất lâu, có đến một tiếng đồng hồ mà chưa về. Vì thế,
chúng tôi rất lo sợ cho anh ấy, bởi vì anh là người lãnh đạo của nhóm. Chúng
tôi sợ vẩn vơ vì nghĩ dại rằng anh Vinh có thể bị chuyện gì không hay xảy ra.
Lúc ấy chẳng phải là lòng thương yêu mà là do lòng íck kỷ mà ra. Ai cũng thương
và lo cho thân mình cả. Nay thấy người lãnh đạo có chuyện gì xui xẻo thì mình
cũng xui chung.
Khi trở về, anh Vinh kể lại là cách đó độ hai cây số có một dòng
nước rất trong và nước rất ngọt và tốt. Anh ta đã uống no bụng và xách về cho mọi
người một bình nước đầy.
Lúc này mới thấy lòng ích kỷ của con người khi tất cả dành nhau
một bi đông nước. Ông Khanh dành trước và nói:
-Tao già rồi, tụi bay phải nhường cho tao uống trước vì tao
khát.
Anh Vinh đã dặn rằng ai cũng nên uống ít thôi, nếu uống nhiều sẽ
mệt thêm mà thôi. Ông Khanh đã già nên ông ta lấy bình nước uống ừng ực, uống
cho đã miệng, không còn nghĩ tới ai cả. Tôi lúc ấy rất khát nhưng nếu giành giựt
với ông ta thì kỳ nên tôi chỉ nhắc khéo:
-Bác Khanh à! Uống thì uống ít ít thôi, để nhường cho người khác
với chứ, ai cũng khát hết mà.
Nghe tôi nhắc khéo, ý chừng cũng nhột nên ông Khanh đưa bình nước
cho anh Liêm là cháu ông ta. Liêm là thanh niên, uống nhiều cũng thấy kỳ nên
còn biết chừa lại chút đỉnh. Đến phiên tôi, tôi cũng muốn uống cho đã khát
nhưng lại sợ uống nhiều tức bụng làm bao tử mệt. Phải công nhận là nước sao lúc
này qúa ngon và tuyệt diệu. Ông Khanh thì luôn miệng khen:
-Ồ! Nước này ngon giống như sữa đậu nành qúa!
Người khác thi so sánh:
-Nước này ngon như bia 33!
Nghỉ một chút thì chúng tôi lại đi nữa. Bấy giờ thì qúa mệt vì bụng
ai cũng đầy nước, lúc đi thì bụng kêu óc ách, mệt chi lạ! Khi đi nửa chừng thì
anh Vinh nói:
-Tôi thấy cái bảng biên giới Thái Lan rồi!
Nghe đến hai chữ Thái Lan thì mọi người hân hoan, dù đang mệt
cũng thấy khỏe lên liền. Mọi người giờ đây hăng hái đi ào ào. Lúc ấy tôi mới biết
là cái móng chân cái của tôi đã sút hẳn ra vì đi vớ trong giày qúa lâu, lại phải
đi bộ qúa xa. Máu mủ bầy nhầy trong giày nhưng tôi không dám mở giày ra vì khi mở
ra, máu mủ sẽ văng ra và chân ấy sẽ không còn xử dụng để đi bộ tiếp được nữa.
Đau đớn đã nhiều nhưng tôi vẫn cố gắng bước đi vì nghĩ rằng biên giới Thái Lan
đã gần kề rồi.
Một điều đáng buồn cười là ai cũng nghĩ rằng hễ đến biên giới
Thái Lan thì mình chỉ việc nằm xoải tay, xoải chân ra đợi hội HTTQT đưa băng ca
ra đón, rồi họ sẽ chở vào Bangkok cho mình nghỉ ngơi lại sức chừng hai, ba
tháng rồi cho mình lên máy bay đi thẳng tới Mỹ.
Vì thế dù ông Khanh đã già và mệt nhưng ông ta vẫn hăm hở bước
đi thật mau. Dù sức ông không bền nhưng mắt ông vẫn sáng rực niềm hân hoan. Sau
này khi đến trại tị nạn, anh Vinh mới kể cho chúng tôi biết là cái bi đông nước
đó không phải là nước suối mà chỉ là nước sình lầy lấy từ vũng bùn có trâu bò nằm,
tắm rửa và bài tiết ra. Nước chỉ có độ ba, bốn ly cối ở vũng lầy đó; vì thế, nước
xanh lè và đen thui. Nếu nói thật thì không ai dám uống cho nên anh Vinh phải
nói dối thì mọi người mới mạnh miệng uống.
Đến lúc này thì ông Khanh đã đuối sức cũng vì uống nhiều nước
nên mệt sớm. Chân ông cũng bật máu như chân tôi. Ông ta đi lùi lại phía sau vì
chịu đau không nổi. Thế là ông bắt đầu mở giọng van lơn, cầu cứu xin mọi người
và cháu ông đừng bỏ rơi ông ta, mà hãy bước chậm lại để chờ ông ta với vì sức
ông đã tàn ở đây rồi.
Nghe ông van nài thì ai cũng thấy ái ngại . Ông Khanh lại lên tiếng
kêu gọi cháu ông hãy vì tình ruột thịt mà ở lại với ông. Lúc hoạn nạn mới biết
người xấu hay kẻ tốt. Nghe ông ta van lơn đứa cháu trai, ai cũng không cầm lòng
được. Tôi cũng mệt qúa nhưng lòng tự ái không cho mình nói là mình mệt, nên tôi
làm bộ đề nghị:
-Thôi, thấy bác Khanh mệt qúa thì mình cũng nên đi chậm lại hoặc
nghỉ một chút vì biên giới Thái đã ở trước mặt rồi! Tới đó tha hồ mà nghỉ!
Đề nghị này được mọi người hưởng ứng vì ai cũng qúa mệt mỏi rồi.
Việc đầu tiên là mọi người tìm bình nước để uống. Lúc ấy, tôi bèn nói đùa một
câu mà chắc rằng ai cũng còn nhớ:
-Tại sao mình uống nước ở đây làm gì? Gần đến biên giới Thái Lan
rồi, sao không đợi qua Thái uống nước Coca với đá lạnh từ Bangkok đưa qua? Thôi
tôi để chừa bụng để uống Coca ”đã” hơn nước lạnh.
Từ nhỏ đến nay, tôi vẫn ”mê” Coca hơn cà phê vì đó là món giải
khát mà tôi ưa thích hơn mọi thứ khác. Qủa thật, lúc ấy đã gần tới biên giới
Thái rồi. Đi thêm một chút nữa thì người dẫn đường bảo rằng:
-Sắp tới trại Para rồi, chuẩn bị để tụi nó đón tiếp!
Ý của anh ta là nếu ai còn vàng thì lo mà dấu diếm đi. Lúc ấy,
thật sự tôi không biết gì cả. Chỉ ước đoán là trại Para chắc là một trại có
lính canh, có hàng rào kẽm gai, có đèn pha sáng chói như các trại lính của các
nước tư bản khác. Vì thế, chúng tôi vừa đi vừa tò mò nhìn xem trại lính đó ra
sao.
Đồn Trại Của Lực Lượng Para Bên Bờ Biên Giới.
Khi đến trại Para, chúng tôi hoàn toàn thất vọng vì trại này giống
như một cái chợ trời biên giới. Đây đó là những lều nho nhỏ, thắp đèn dầu, đèn
cầy, đèn dầu hôi, lại có chỗ đốt lửa. Khi chúng tôi đến nơi thì gặp những đoàn
xe bò ở đầy tại đó. Trại này nằm trong làng Non Chan. Diện tích trại cũng khá lớn.
Sau đó, chúng tôi phải nhờ những người đi xe bò vào thông báo
cho Para để họ đón tiếp chúng tôi. Lúc này vì quá mừng là đã đến vùng tự do nên
chúng tôi nằm dài, xoải tay chân ra để chờ Para và hội HTTQT ra tiếp đón mình.
Hình như giờ khắc ấy, cả trời mệt nhọc kể như đã qua mất đi hết rồi. Riêng phần
chân tôi đã sút móng ra nên máu tuôn lai láng, vết thương hành tôi đau đớn và
nhức nhối.
1.Cách đối xử của lính Para đối với người dân tị nạn Việt Nam.
Cứ thế, chúng tôi chờ độ một hai tiếng đồng hồ. Sau đó có bốn
tên lính mặc quần áo rằn ri nhảy dù đi ra. Mặt thằng nào cũng non choẹt của con
nít vừa lớn. Chúng không có dáng vẻ gì thân thiện của những người ở xứ tự do ra
đón những người vừa ở ngục tù Cộng Sản đến. Những tưởng rằng họ sẽ đón tiếp
chúng tôi niềm nở và nồng ấm, nhưng thái độ của họ đã làm chúng tôi ngạc nhiên
hết sức.
Họ đồng loạt lên đạn và chỉa súng vào người chúng tôi, rồi họ ra
lệnh bắt mỗi người phải đến gốc cây. Khi đó, chúng tôi sợ rằng họ sẽ bắn chúng
tôi bởi vì đạn đã lên nòng. Ngọn súng thì cứ lăm lăm chỉa ngay vào đầu của mỗi
người chúng tôi. Họ chỉ cần nhả đạn và vùi thây chúng tôi là xong , nào ai biết
được? Luật rừng xanh mà!
Nhưng họ chỉ ra lệnh cho chúng tôi vào những bụi cây um tùm để lục
soát và khám xét để tước đoạt hết những gì còn lại của chúng tôi. Áo của tôi bị
họ đánh đổi bằng cái áo vải xấu, may bằng loại vải áo sà rông của người Miên.
Cái quần Jeans nội hóa đã mòn và trầy của tôi thì chúng không thèm.
Trở lại chuyện anh Miên dẫn đường: Sau khi anh ta giao chúng tôi
cho những người Para thì họ thưởng gạo cho anh đem về xứ. Gạo lúc ấy cũng là một
đơn vị tiền tệ ở Cambodia như vàng, tiền của Việt Nam và tiền của chính phủ Nam
Vang.
Hội HTTQT đã tiếp tế gạo một cách dư dả cho dân tị nạn người
Miên và cho đám lính kháng chiến Para. Hễ chúng giao người tị nạn Việt cho hội
thì hội thưởng chúng khoảng năm tạ gạo, tức là 500 kí lô grams cho việc trao đổi
mỗi đầu người.
Sau đó, chúng tôi được đưa vào gặp bộ chỉ huy của lực lượng
Para. Đây cũng là lúc chúng tôi được hạnh phúc hơn mọi người tị nạn đồng cảnh
ngộ. Anh Vinh rất khôn ngoan, anh chuẩn bị, phân phối và sắp xếp khéo léo. Theo
lời dặn dò của anh Vinh nên ai cũng chuẩn bị tinh thần để đối phó với tình hình
mới đầy bất trắc này.
Trước khi vào gặp họ, anh Vinh đã dặn ông Khanh phải xưng mình
là giáo sư đại học môn Pháp Văn, anh Vinh sẽ xưng là giáo sư đại học môn Anh
văn và Pháp văn. Anh Kha cũng là giáo sư đại học, còn tôi và Liêm thì là sinh
viên đại học, biết cả tiếng Anh lẫn Pháp. Khổ một nỗi là tiếng Pháp của tôi thì
ít ỏi, còn Liêm thì lại không biết cả tiếng Anh lẫn Pháp.
Rất may là chúng tôi được gặp một phụ nữ biết tiếng Việt và tiếng
Pháp thông thạo. Bà ta cho biết rằng bà là người Việt có cha là người Miên. Bà
đã sống ở Cambodia rất lâu rồi. Bà rất thân thiện và lịch sự. Bà dọn đồ ăn và
nước uống cho chúng tôi dùng bữa. Điều làm tôi ngạc nhiên là họ chỉ cho uống nước
thường mà không cho Coca Cola gì cả. Tôi bèn hỏi xin nước đá thì bà trả lời:
-Ở đây là rừng chứ không phải thủ đô, các anh đòi nước đá thì
tui cũng không biết đâu mà kiếm cho anh cả!
Đây cũng là người phụ nữ đầu tiên mà tôi gặp trong rừng đó. Sau
khi bà nói chuyện với ban Chỉ huy Para thì bà cho chúng tôi biết rằng luật ở
đây bắt buộc phải khám xét kỹ lưỡng. Mà họ khám kỹ thật! Đôi giày đầy máu me của
tôi cũng bị họ bắt tháo ra để xét, rồi họ lấy luôn đôi giày ấy. Lúc này, chân của
tôi đã nhức đau qúa chừng, tôi bèn đánh bạo nói với bà ta:
-Chị làm ơn can thiệp để xin lại cho em đôi giày, nếu họ lấy
giày của em đi thì tội cho cái chân đau của em lắm.
Khi ấy, bọn lính Para đứng đầy chung quanh với võ trang và súng ống
chỉa vào chúng tôi. Lạ một điều là tất cả bọn họ còn rất trẻ, chỉ độ mười hai,
mười ba tuổi mà thôi. Bà này liền nói một tràng tiếng Miên. Thế là một thằng
lính Para vội đem đôi giày trả lại cho tôi. Tôi nhận thấy bà là một trong những
người có quyền hành chỉ huy nơi đây. Như vậy, mình có thể nhờ vả bà ta được rồi
đây. Bà ta còn nói:
-Sáng hôm trước có một nhà báo Mỹ vào đây nhưng mà anh ta đã về
vào lúc chiều nay rồi.
Ahh Vinh liền sáng mắt ngay khi nghe tin có một nhà báo Mỹ tới đồn
Para. Anh ta nghĩ đến cách phải liên lạc với những nhà báo ngoại quốc chứ không
thể sống với đám lính Para này được. Còn nhóm chúng tôi thì ai cũng lên tinh thần.
Nếu có nhà báo, có nghĩa là có hội HTTQT, và có lẽ chúng tôi sẽ được đưa đi trại
tị nạn trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ thôi.
Sau đó, bà chỉ huy này nói tiếp:
-Thôi anh em hãy đi nghỉ đi, ngày mai việc gì tới, sẽ tới!
Thế là chúng tôi được đưa đi chỗ khác. Trên đường đi, tôi miên
man nghĩ đến những chiếc lều có giường chiếu tử tế, có mền gối ấm êm để cho
mình ngả lưng cho bõ những ngày gian khổ trong rừng. Đi vòng quanh một hồi thì
chúng tôi được đưa tới một cái chuồng làm bằng những bụi tre đan nhau và chỉ có
một cái lỗ để chui vào.
Vừa bước vào, chúng tôi nghe nhiều tiếng xầm xì bàn tán của người
Việt Nam:
-Ma mới tới kìa tụi bây ơi!
-Có mấy tên mới tới kìa!
-Tới gì mà khuya lơ, khuya lắc vậy?
-Có ai bị làm thịt không vậy?
Tôi và toán của tôi đều hết sức ngạc nhiên và sửng sốt khi biết
là ở đây cũng có thêm nhóm người Việt Nam khác. Một tên lính Para hỏi một người
Việt đã ở đó từ trước:
-Tụi bây còn cơm cho họ ăn với!
Tất cả đều đồng loạt trả lời:
”Không!”
Có lẽ vì lúc ấy đã qúa khuya, họ đang ngủ say nửa chừng lại bị
đánh thức, nên họ nói như vậy. Tên Para không tin, hắn đi sâu vào trong, bươi
trong đám tô chén và lôi ra được một nồi cơm. Hắn bèn nói:
-Tụi bây Việt Nam không tốt!
Ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là những người đồng bào tị nạn
Việt Nam của tôi đã không tốt với chúng tôi là người đồng hương, đồng cảnh ngộ
với họ. Điều đau lòng là từ sự nhận xét của người ngoại quốc trẻ con và thất học
như tên lính Para vừa thốt lên.
Trong đám người tị nạn đến trước đó có anh Cung ( không phải là
tên thật), sau này anh ấy là trưởng trại của chúng tôi. Chúng tôi vì mệt mỏi
nên chỉ ăn sơ vài miếng cơm rồi kiếm chỗ để ngủ. Cho dù nơi đây là cảnh màn trời
chiếu đất, nằm giữa đêm đen với sương khuya gió lạnh, chúng tôi vẫn hân hoan vì
nghĩ là mình đã đến được bến bờ tự do. Trước sau gì thì mình cũng được đi thôi.
Thế rồi chúng tôi ngủ ngay lập tức.
Sáng hôm sau có những người tị nạn Việt Nam đêm hôm qua đến chơi
với chúng tôi. Bọn họ khoảng mười người. Họ hỏi thăm xem chúng tôi đi bằng lối
nào, đi từ hồi nào và cách đi ra sao. Sau khi chuyện trò thì chúng tôi được biết
rằng họ cũng đi từ Sisophon đến, cũng ghé ở nhà người Miên địa phương ở lại như
vậy.
Tôi bèn hỏi một anh rằng anh ta đến trại Para này đã bao lâu thì
anh chàng ”phịa” là đã ở đó khoảng sáu tháng. Có lẽ anh ta muốn tỏ ra ta đây ở
đó lâu nên thành thạo, nói được tiếng Miên, có thể đi kiếm chác thuốc lá cho
các bạn bè.
Có những người khác đứng tuổi và đàng hoàng hơn, gốc từ Sàigòn.
Họ đến đây đã hai ngày, có lẽ ngày mai họ sẽ được hội HTTQT đến đón đi. Thật ra
đó chỉ là cách nói và lối suy nghĩ đầy tưởng tượng rằng có sự đón tiếp ân cần
như một thượng khách. Họ nói rằng:
-Chúng tôi chuẩn bị để lãnh gạo rồi mua thực phẩm, nước uống và
nước tắm.
Tôi nghe vậy thì rất ngạc nhiên vì không biết họ dùng gạo để làm
gì. Sau này thì mới biết đơn vị tiền tệ là lon gạo. Từ đó tôi bắt đầu học chút
đỉnh tiếng Miên để có thể giao thiệp khi đi chợ. Ở làng Non chan có một khu chợ
rất lớn như một cái chợ trời. Ở chợ này có bán đủ thứ. Hễ có gạo là mua gì cũng
dễ dàng như mua bằng đơn vị tiền bạc.
Lúc này, bọn Para cho chúng tôi đi đứng tự do. Đến vài ngày sau
thì dân số tị nạn lên đến mười mấy người. Có một nhóm người Việt gốc Hoa khác vừa
nhập trại, trong đó có ba cô con gái. Chiều hôm ấy, thêm một nhóm khác có hai
cô gái. Hai cô gái đến sau rất đẹp và dễ thương đến nỗi giờ này tôi vẫn còn nhớ
khuôn mặt của các cô. Tất cả các cô gái lọt vào trại này đều gặp bao nhiêu đau
khổ và nhục hình.
Lúc ấy, anh Vinh phải đứng ra lo việc điều hành đám người tị nạn
với mục đích liên lạc với các nhân viên của hội HTTQT để cho sớm được thoát ra
khỏi trại Para sớm chừng nào thì tốt chừng ấy.
2. Sự may mắn của một nhóm nhỏ người tị nạn.
Theo lời người Miên thì tối ngày 28 tháng 3, năm 1980 là ngày
chiến sĩ trận vong của người Miên nên trại Para này tổ chức cúng cô hồn các đẳng
và vui liên hoan. Bọn Para mời Anh Vinh, ông Khanh và tôi đến dự tiệc và nhậu
nhẹt với bọn họ với tư cách là giáo sư và sinh viên đại học. Đây được xem là
vinh dự lớn cho ba chúng tôi nhưng điều này cũng làm những người tị nạn khác
ghen ghét.
Cách mời của bọn lính Para không lịch sự như người Tây phương mà
họ dùng súng AK, B40, lưỡi lê và lựu đạn chỉa vào đầu chúng tôi, rồi kêu chúng
tôi đi theo họ. Ba người chúng tôi tưởng là tận số rồi nên bị chúng bắt đem đi
giết. Vì thế chúng tôi riu ríu đi theo với tâm trạng hoang mang và lo lắng.
Đi theo con đường mòn một hồi thì chúng tôi gặp lại tên chỉ huy
trưởng của đồn Para. Tên này chỉ biết có chút ít tiếng Pháp nhưng lại muốn sử dụng
cái vốn Pháp ngữ ít ỏi của mình. Chúng tôi cũng có thể hiểu và nói lại với anh
ta bằng tiếng Pháp. Dĩ nhiên, dù có tệ, nhưng vốn Pháp Văn của chúng tôi còn vượt
xa anh ta.
Anh chỉ huy Para này chỉ nói bập bẹ vài câu: ” Oui, Monsieur,”
”Non, Monsieur,” ” Qu'est ce que c'est?” ”Bien sure,” Rồi anh ta pha cả tiếng
Miên vào. Lúc ấy, chúng tôi vẫn đoán và hiểu được ý của anh ta. Vì thế mà anh
ta rất hài lòng vì có thể đối thoại và thông cảm được với nhóm chúng tôi. Từ
hài lòng đến sự ưa thích và mến mộ.
Qua một tuần rượu, anh ta khoe rằng anh có mua được một thùng rượu
đế từ Sisophon về. Anh ta muốn uống với chúng tôi cho vui. Lúc này tôi đã đỡ mệt
vì cuộc hành trình nên tôi trổ tài uống rượu đế với anh chàng chỉ huy của Para.
Hễ anh ta uống tới đâu thì tôi cũng uống đến đó.
Trong nhóm ba người của chúng tôi chỉ có tôi là uống được rượu đế
vì tôi được ”chữa lửa” bằng nước Coca Cola. Vốn thèm Coca từ lâu nên nay vừa được
uống rượu, vừa được uống Coca Cola thì dù rượu có thuốc độc tôi cũng không sợ.
Dĩ nhiên tửu lượng của tôi không thể nào theo kịp với một tên chỉ
huy Para nằm trong rừng ngày đêm, nhưng tôi cũng làm cho anh em trong nhóm nở mặt
và đồng thời chiếm được cảm tình của viên chỉ huy Para ấy. Sau đó, có lẽ thích
tôi nên anh ta cao hứng nói:
-Tôi còn món này ngon muốn đãi cho anh em ăn cho vui!
Nói xong, hắn mở đồ hộp gồm có cá mòi và cà ri gà. Tôi mừng quá
vì xưa nay tôi vốn thích đồ hộp. Đã vậy, ở trại tị nạn lâu nay làm gì có đồ hộp
để mà ăn. Thật là tuyệt diệu, tôi ăn rất ngon miệng. Anh Vinh và ông Khanh
không quen uống rượu nên mệt rồi, ăn không được. Vì thế, tôi cứ ăn thẳng cánh.
Thế là tôi đã thành công về vấn đề giao tế trong trại Para rồi.
Vấn đề giao tế thứ hai mà tôi thành công nữa là việc xin lương
thực cho bà con trong toán, nhất là việc xin gạo. Tôi nhờ biết hát và đàn nhạc
Pháp. Hồi còn ở Việt Nam, tôi tham dự văn công cho phường khóm. Vào những dịp
mùa khô, khi Việt Cộng dự định đánh qua Cambodia thì thành đoàn thanh niên dạy
cho chúng tôi học hát những bài nhạc Miên và biết múa những điệu vũ cổ truyền của
dân Miên để dễ tuyên truyền. Thế là nơi đây tôi lại có dịp trổ tài hát và đàn bậy
bạ để mà kiếm ăn rất khá.
Trong khi mọi người đói khổ vì thiếu ăn và thiếu tiền thì tôi sống
rất sung sướng: tôi có thuốc lá Samit mà tụi lính Miên vì thích nghe nhạc nên sẵn
sàng tặng cho tôi. Tôi lại đem về chia cho các bạn tị nạn vì họ rất thèm thuốc
lá.
Trong đám dân tị nạn, tôi và Thiện tương đối kiếm chác thuốc lá
và đồ ăn dễ nhất. Thiện là một lính bộ đội Việt Cộng nhưng biết nói tiếng Miên,
mồm miệng hắn tía lia. Hắn có tài nói dóc và dụ dỗ những tụi lính nhóc con Para
nên chúng thích hắn lắm. Vì thế hai chúng tôi rất khoái chí vì khi nói có người
nghe, mà chúng lại là những kẻ có phương tiện giết người trong tay, rất đáng sợ.
Buổi đầu tiên khi tôi đi tắm thì gặp Lợi, một người tị nạn trẻ
tuổi và biết đánh đàn guitar cổ điển hay. Hai chúng tôi rất thích đánh đàn,
nhưng làm sao tìm được đàn ở trong trại này? Vì thế, khi hai chúng tôi tắm ở một
ao tù thì thấy một thằng lính Para đang cầm một cây đàn guitar và đánh đàn.
Chúng tôi thèm tiếng đàn qúa nên bất chấp sự nguy hiểm, bèn nhào tới mượn hắn
cây đàn để chơi.
Tôi còn nhớ bản đầu tiên chúng tôi chơi là bài ”Guantanamera”. Lợi
còn cao hứng đàn thêm nhiều bài nhạc cổ điển Tây Phương bằng chiếc đàn thùng hiệu
Thái Lan ấy. Cũng chính vì thế mà hai chúng tôi trở nên nổi danh. Tuy đối với với
các ban nhạc trẻ thì chúng tôi chơi không ra gì, nhưng đối với các tên lính
Para trong rừng rậm thì chúng tôi đã là hai ngôi sao sáng rồi.
Khi chúng tôi chơi được một số bài nhạc thì thấy chung quanh
mình có độ năm mươi tên lính Para bao vây. Thằng nào cũng tay súng, tay lựu đạn
hay dao búa. Chúng ngồi uống và yêu cầu chúng tôi chơi những bản nhạc mà chúng
ưa thích, đại loại như những bài: Beautiful Sunday, Never On Sunday, hay bản
Không hát tiếng Việt Nam. Bản nhạc Không đã được dịch ra tiếng Miên và rất thịnh
hành ở Cambodia. Hầu hết dân Miên ai cũng ưa chuộng bài nhạc này.
Thế là từ đấy, chúng tôi trở nên nổi tiếng. Lâu lâu có một thằng
Para đến nhờ chúng tôi ca cho một bài rồi hắn thưởng thuốc lá. Lâu lâu lại có một
thằng xách đàn nhờ chúng tôi chỉ cho một vài nốt nhạc.
Một hôm, chúng tôi đang ngồi ăn cơm thì bỗng nhiên có bốn tên
lính Para cầm súng B40 đến chỉa vào đầu tôi và Lợi rồi bắt chúng tôi đi theo bọn
chúng. Trên đường đi, chúng tôi hoang mang vô cùng, không biết là gặp chuyện
xui hay hên. Từ trước đến giờ,bọn chúng đối xử tốt với mình, tại sao nay lại bắt
mình đi như vầy? Mà nếu mời mình đi đâu, tại sao không mời như kiểu thượng
khách?
Cuối cùng chúng tôi được đưa đến một nơi có khoảng một trăm người
đang ngồi chờ đón chúng tôi. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn là họ mời chúng
tôi ngồi trên một bộ ván ở giữa trời. Trên bộ ván có đầy đồ ăn hấp dẫn như gà
tươi nấu cà ri, mắm và cơm.
Sau đó, chúng tôi gặp một cô gái rất đẹp, đó là vợ của viên chỉ
huy Para. Cô ta có vẻ đẹp Tây phương với làn da trắng tươi. Cô nói tiếng Anh với
chúng tôi, dù rằng giọng Anh của cô không đúng lắm. Đây là lần đầu tiên mà tôi
nghe một người nói tiếng Anh ở trại Para này. Lúc ấy, dù tiếng Anh của tôi cũng
chẳng khá gì nhưng tôi cũng cố gắng để hiểu ý cô ta nói.
Cô này yêu cầu chúng tôi chơi những bài nhạc tình cảm để cô gợi
nhớ kỷ niệm của những ngày xưa cũ ở Nam Vang. Thế là hai chúng tôi trổ hết ngón
nghề ra để trình diễn. Trình độ thưởng lãm của họ cũng không cao lắm nên chỉ cần
nghe na ná giống thì họ vui rồi. Sau đó, họ đối xử rất ân cần với chúng tôi. Họ
còn tiễn chân chúng tôi với mấy gói thuốc lá nữa
3. Thảm cảnh bị hãm hiếp của người phụ nữ Việt Nam.
Trên đường trở về lều, chúng tôi gặp một cô gái đẹp và dễ
thương. Cô này đi một mình và bị bọn Para bắt giam. Cô ta đã một thời làm tôi
mê đắm. Tên cô là KDBC, con gái của nam ca sĩ nổi tiếng KDT. Hiện nay nghe đâu
cô ở vùng Los Angeles, do ca sĩ Khánh Ly bảo lãnh để đến Mỹ.
Lúc ấy, B.C. đang bị bắt giam và khám xét. Cách khám xét của bọn
lính Para thì thô bỉ, không có một chút nhân tính gì cả. Chúng bắt nạn nhân cởi
đồ trần truồng rồi móc đủ nơi. Tôi thấy tội nghiệp cho B.C. nhưng không biết
làm cách nào để giải vây cho cô ta cả. Sau này, khi trò chuyện với cô ta, tôi
được biết rằng hồi ở Sàigòn, cô B.C ở cách nhà tôi không xa. Nhà tôi ở gần đường
Cao Thắng và Hồng Thập Tự, còn cô ta ở vùng ngã bảy, đường Lý Thái Tổ.
Tuy vậy, cô B.C. hên hơn các thiếu nữ khác vì khi vừa vô nhập trại,
cô ta đã bị một tên chỉ huy chụp lấy và giữ làm của riêng. Bà vợ ông ta, tức là
người đàn bà mà tôi đã gặp, biết được nên giữ cô ta ở chung với bà ta. Nhờ vậy,
về sau, khi quen với tôi, mỗi lần ăn món gì ngon thì nàng đều để dành và bưng
qua cho chúng tôi. B.C. ở tại đó ăn uống thỏa thuê vì cùng ăn với gia đình viên
chỉ huy.
Trở lại chuyện đêm 28 tháng 3, năm 1980, chúng tôi cùng ăn nhậu ầm
ỹ với viên chỉ huy trại Para, lúc ấy đàn trống nổi lên inh ỏi, đèn đuốc sáng
trưng. Vào chiều hôm đó, có một gia đình người Tàu với hai cô con gái cũng vừa
đến trại. Anh Vinh bảo tôi:
-Tối nay thể nào tụi nó cũng sẽ mò vô kiếm mấy cô con gái này. Hễ
không có con gái thì thôi, hễ có con gái thì phiền. Vậy mình phải bàn tính cách
nào để bảo vệ những cô con gái đó. Bây giờ mỗi người chịu làm chồng hờ của mỗi
cô thì họa may, tụi nó mới lơ cho!
Nghe nói vậy, ai cũng nhát gan cả. Họ làm ngơ như không nghe và
biết chuyện gì xảy ra bởi vì họ sợ nguy hiểm đến tính mạng của chính họ. Ông
Khanh cũng không dám nhận vì sợ ăn đạn. Rốt cuộc tôi vì nể lời anh Vinh mà nhận
cô chị làm vợ hờ. Còn Vinh nhận cô em là vợ hờ. Sau này họ trở thành vợ chồng
thật. Nhưng cô chị lại không thành vợ của tôi. Đó cũng là điều đáng buồn cho
tôi.
Tối hôm ấy là ngày 28 tháng 3 năm 1980, bọn lính Para đến bắt
hai cô gái của gia đình người Tàu khác và kéo đi. Những người đã sống trong trại
Para vào ngày hôm đó thì tất cả đều sở đến bủn rủn tay chân. Tiếng la hét thất
thanh xin cầu cứu của những người con gái bất hạnh lúc bị sa cơ nghe rùng rợn
và bi thương, kèm theo đó là những tiếng chửi rủa của bọn Para. Rồi sau đó là
tiếng thét thê thảm cùng với những loạt súng. Thế là xong đời hai người con gái
vô tội
Lúc ấy, ai dù có nhẫn tâm cách mấy đi nữa cũng rất đau lòng.
Trong đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi thấy một cảnh tượng vô nhân đạo đến thế.
Một câu chuyện thật rất đau lòng nhưng chúng tôi đành bất lực, không dám can
thiệp nếu còn muốn sống sót.
Sở dĩ có sự hận thù đưa đến việc giết chóc ấy là vì hai dân tộc
Việt Nam và Cambodia có mối thù truyền kiếp từ ngàn xưa. Lính Para rất thù người
bộ đội Việt Nam, do đó họ ghét luôn người tị nạn Việt.
4. Bị lính Para ngược đãi, bị bịnh dịch tả hành hạ.
Từ sau hôm ấy, bọn Para không còn đối xử tử tế với chúng tôi nữa.
Họ bắt các thanh niên và các người già đi đào giao thông hào sâu để chống chiến
xa. Dụng cụ đào đất thì thô sơ, lương thực thì kém dinh dưỡng. Thời tiết khí hậu
ở Cambodia thì nóng khủng khiếp, gấp mười lần cái nóng của miền Tây Ninh. Mọi
người đều cực khổ và vất vả. Hàng ngày, mỗi người phải làm xong phần đất đã được
giao phó theo tiêu chuẩn. Nếu đào xong mới được trở về. Riêng tôi thì may mắn
không phải đi đào mương hay đào kinh.
Tôi chịu khó học tiếng Miên rất lẹ. Chỉ trong vòng ba ngày là
tôi đã biết một số vốn tiếng Miên căn bản đủ để đi chợ và biết cách trả giá. Trời
cho tôi có khiếu ăn nói nên người bản xứ cũng dễ cảm thông. Khi ấy tôi phụ
trách việc đi chợ mua đồ ăn để bồi dưỡng. Hễ mọi người đi lao động về đến lều
thì đã có cơm nước đầy đủ.
Được cái người bản xứ cũng thích tôi nên dễ cho việc đi chợ của
tôi. Như một người nội trợ chuyên nghiệp, tôi cũng trả giá kỹ càng dù rằng tiếng
Miên không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi. Người ta phải tốn chừng mười lon gạo để
mua một cây đường cục, còn tôi chỉ tốn có bảy hay tám lon gạo mà thôi.
Phần lời thì tôi tự bồi dưỡng cho mình như mua Coca Cola uống.
Khi tôi đi chợ thì thường có người trong đám dân tị nạn Việt đi theo vác gạo, mỗi
lần khoảng ba mươi hay bốn mươi kí lô grams để ra chợ đổi đồ ăn.
Cũng tiện nói luôn là trong đám người Việt vượt biên qua Thái
Lan thì cũng có một số bộ đội Việt Cộng đào ngũ trốn đi. Họ ở Miên khá lâu nên
nói tiếng Miên rất rành. Tôi học tiếng Miên là do họ dạy cho. Khi tôi đến trại
Para thì gặp ba người này, đó là Thiện, Hiệp và Hà.
Họ là những thanh niên ở Sàigòn, không được học hành bao nhiêu,
nhưng bị bắt buộc đi thi hành ”nghĩa vụ quốc tế trong sáng ” cho chính quyền Cộng
Sản. Họ sống trong rừng khá lâu nên rành tiếng Miên. Họ cũng có sức chịu đựng
khá dẻo dai. Vì thế tôi dùng trí óc và sự khôn khéo, còn họ thì dùng sức mạnh để
hợp nhau mà làm việc mưu lợi. Thường thì Thiện là người vác gạo từ trại Para ra
chợ để đổi gạo lấy đồ ăn.
Bấy giờ khu tị nạn ở trại Para đã lên tới bốn mươi, năm mươi người
rồi. Vì sống chung đụng trong sự thiếu thốn các phương tiện vệ sinh tối thiểu,
lại thiếu hầm cầu tiêu nên ai cũng đi tiêu bừa bãi, ruồi bọ sinh sôi nẩy nở
theo cấp số nhân.
Hễ ta để cục đường ra ngoài thì một lát sau chỉ thấy một cục ruồi
đen đặc. Nếu ngáp lớn cũng sẽ bị ruồi chui ngay vào miệng. Khi ăn cơm mà há miệng
to thì ruồi sẽ chui ngay vào miệng.
Vì thiếu vệ sinh, thiếu thuốc men và thiếu lương thực bồi dưỡng
nên bịnh tiêu chảy hoành hành dữ dội. Lúc đầu chỉ có một hai người bị tiêu chảy.
Từ từ đến mười mấy người bị bịnh này cùng một lúc. Anh Vinh là người thấy được
vấn đề hệ trọng đó nên anh tỏ vẻ ưu tư và lo lắng cho mọi người. Đã có nhiều
người nằm liệt giường và đi tiêu ngay tại chỗ vì không còn đi nổi được nữa.
Cũng may là chưa ai bị thiệt mạng.
Thấy tình trạng nguy cấp nên anh Vinh liền kêu tôi và Lợi chạy
lên lều của bộ chỉ huy Para để yêu cầu Para hoặc là cho thuốc hoặc là liên lạc
với hội HTTQT để cứu chúng tôi ra khỏi chỗ đó, nếu không thì bịnh dịch tả sẽ giết
hết chúng tôi.
Dạo này, chúng tôi đã chơi nhạc và nhậu chung với viên chỉ huy
Para nên mới dám đánh liều mà lên đó. Ban chỉ huy Para từ chối việc cấp thuốc
nhưng hứa sẽ liên lạc với hội HTTQT để giúp chúng tôi.
Rất may là anh Vinh, tôi và một số người không bị bịnh. Vì thế,
chúng tôi phải bỏ công nhiều để đào hố phân, làm vệ sinh, dọn dẹp để giảm thiểu
mức độ bịnh hoạn được chút nào thì hay chút đó.
Thuốc chữa bịnh cho các bịnh nhân chỉ là cơm nấu cháy đen mà
chúng tôi gọi đùa là Carbon Ganidine, một loại thuốc thông thường chữa bịnh thổ
tả. Bịnh này càng gia tăng và nguy ngập hơn. Trong số năm mươi người thì đã có
ba mươi người bị bịnh này.
Mọi người đều nằm liệt giường và tiêu tiểu tại chỗ. Ruồi cũng từ
đó mà gia tăng thêm. Chúng tôi sợ đến nỗi không dám uống nước vì ruồi đậu từ
phân của người bịnh có thể đậu vào nước rồi lây bịnh cho người uống nước.
Bịnh dịch tả đã đến mức độ tàn hại khủng khiếp. Chúng tôi còn
may nên chưa bị bịnh. Vì thế, chúng tôi cố gắng giảm ăn uống để tránh bịnh.
Không ai ăn gì ngoài cơm cháy khét lẹt. Chúng tôi không dám uống nước trong ao
tù của trại mà phải chạy ra đổi gạo lấy nước từ những hố nước của người Miên ở
ngoài trại. Khi uống xong thì đậy lại và cất thật kỹ và thật xa. Hễ bị cơn đau
bụng nhỏ là chúng tôi lo cuống cuồng.
5. Được hội HTTQT cứu giúp và đưa đến trại tị nạn Non Chan.
Về sau, nhờ sự giúp đỡ của bộ chỉ huy Para mà chúng tôi được gặp
nhà báo Hoa Kỳ mà bà Miên lai Việt, thuộc bộ chỉ huy đã kể cho chúng tôi nghe.
Ông này hứa là sẽ liên lạc với hội HTTQT để xin họ giúp đỡ cho chúng tôi.
Sau này chúng tôi mới biết rằng lính Para giữ chúng tôi ở lâu tại
đó vì họ phải kỳ kèo lên giá đổi gạo với hội HTTQT. Họ muốn đòi số gạo nhiều
hơn thì mới chịu đổi dân tị nạn cho hội. Cuối cùng vì muốn cứu chúng tôi, hội
HTTQT đã nhượng bộ và trả cho họ nhiều gạo hơn để đánh đổi các sinh mạng người
tị nạn Việt.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi được báo chí Âu Mỹ chụp hình và
đăng báo. Anh Vinh hiện còn giữ bài báo mà anh phóng viên Hoa Kỳ đã viết. Sau
đó, tôi cũng được đọc bài báo ấy. Có thể tờ báo chẳng nổi tiếng nhưng sự kiện
được phóng viên Mỹ chụp hình và đăng bài nói về mình trên báo tiếng Anh là một
vinh dự rất lớn đối với chúng tôi, vốn là những kẻ tị nạn ở trong rừng biên giới.
Lúc ấy, chúng tôi cảm thấy rằng sự ra đi của mình không phải chỉ
một ngày, một giờ mà kéo dài qúa lâu. Hôm ấy là ngày quyết định, một số nhân
viên hội HTTQT đến nói chuyện với chúng tôi rất ân cần. Đó là lần đầu tiên tôi
được thấy vài người Âu Mỹ ở khu rừng đó. Thế là bọn chúng tôi nôn nao và rộn
ràng hẳn lên. Ôi thôi biết bao nhiêu mộng đẹp cho ngày được đến trại tị nạn
Trại Tị Nạn Non Chan.
Khi được dời trại, chúng tôi đều đi bộ. Đi chưa được một cây số
thì đã đến nơi gọi là trại tị nạn Non Chan. Chúng tôi cảm thấy thất vọng vô
cùng. Trại tị nạn ở bên hông của nhà thương Non Chan. Nhiều người tị nạn Việt
Nam đã ở sẵn nơi ấy từ lâu rồi. Họ chờ đợi dưới cơn nắng chói chang và cơn nóng
khủng khiếp, với cái đói khát triền miên.
Nỗi thất vọng chán chường lớn mạnh hơn vì chúng tôi cứ tưởng là
được dời sâu vào trong đất Thái hay ít ra cũng gần thủ đô Bangkok. Ai dè nơi
này qúa tệ. Khi còn trong trại Para, tôi còn được ăn uống đầy đủ: ăn nhậu, uống
nước ngọt Coca Cola, có thuốc lá đều đều. Còn khi ra đến trại Non Chan thì tôi
hoàn toàn đói khổ vì ở đó có nhiều tệ nạn xảy ra.
Lúc chúng tôi tới trại Non Chan thì vào khoảng tuần lễ đầu của
tháng 4, năm 1980. Sau đó, khoảng ngày 15 tháng 4, năm 1980 là tết của người
Miên. Nhóm chúng tôi đi từ trại Para đến nơi này, và cảm thấy mình hoàn toàn xa
lạ với những người đã đến từ trước.
Nơi đây, có một số người đến vùng nhà thương này mà không phải
qua trại Para nên họ còn giữ được tiền và vàng. Phần chúng tôi thì bắt đầu hối
hận, vì chỉ cần đi qua một vòng là thoát khỏi trại Para để đến nhà thương Non
Chan thì giữ được của cải để tiêu xài rồi.
Tại sao mình không biết ra vùng này mà lại đâm đầu vào trại Para
cho chúng lột sạch bách? Cuối cùng, ai cũng đành chép miệng mà nói rằng đó là số
mệnh cả.
Lúc ấy có khoảng năm trăm người tị nạn Việt và Tàu Miên nằm chờ
nơi những lều nhỏ làm bằng vải dầu ni lông màu xanh ở bên hông nhà thương Non
Chan. Khí hậu ở Miên lúc ấy thật nóng bức và khô. Vì thế, ít người dám ngồi chịu
trận trong các lều vào mỗi buổi trưa hè oi ả ấy.
Cứ buổi trưa thì họ ngồi hai bên nhà thương để tránh cơn nóng và
hóng gío mát. Khi đó có một số ít người tị nạn còn dấu được tiền nên họ lén đi
chợ mua đồ ăn và dạo cảnh. Thậm chí có một số còn giữ thói quen là buổi sáng ăn
hủ tiếu, uống cà phê và phì phèo điếu thuốc lá. Những người bị Para lột sạch tiền
thì cắn răng nhịn đói.
Khi mới đến nơi, chúng tôi được phát mền và được nhà bếp nấu cơm
cho ăn. Cái khổ nhất là nạn thiếu nước. Nước uống luôn đóng một vai trò quan trọng
trong cuộc sống của dân tị nạn.
Nước được những xe nước từ Thái Lan đem qua. Họ đổ vào bồn nước
chứa chừng một ngàn lít nước ở trên cao. Mỗi ngày họ chở hai xe nước đến cho
người tị nạn Việt, còn các xe khác thì cấp nước cho những người Miên tị nạn ở
quanh đó. Tiêu chuẩn một đầu người khoảng hai lít nước cho một ngày.
Trong khi thiếu thốn này, tôi mới hối hận vì đã bỏ lại ở trại
Para tất cả nồi niêu, tô chén và muỗng nĩa. Tôi chỉ thủ có hai chai nước, loại
vỏ Coca Cola cỡ một lít. Kinh nghiệm đường bộ xương máu cho thấy hai chai nước
rất qúy cho cuộc hành trình. Vỉ thế chúng tôi không dám bỏ vỏ chai đi vì biết
là nó rất cần thiết cho cuộc sống. Có nước là còn cuộc sống.
May là tôi còn thủ theo một cái muỗng ”inoxydable” để mà có cái
múc đồ ăn. Tôi đã mang theo cái muỗng ấy trong suốt thời gian tị nạn, từ trại
này đến trại khác. Chỉ khi lên máy bay đi định cư thì tôi mới vứt bỏ cái muỗng ấy
đi. Như vậy đủ biết cái muỗng qúy hóa đối với một người tị nạn như tôi biết dường
nào.
Đời sống ở Non Chan rất khổ cực. Thực phẩm hiếm hoi. Một hộp cá
được chia cho mười hai người để ăn trong một tuần lễ dài. Chắc chắn là chẳng ai
thấy được con cá hộp như thế nào. Tôi rất khổ vì chung quanh vì có người còn tiền
nên ăn uống đầy đủ, còn mình chẳng phải vì thua kém nhưng vì bị cướp hết nên
đành bó tay thúc thủ, chỉ đành buồn cho số phận hẩm hiu của mình thôi.
Vào khoảng ngày 12 tháng 3 năm 1980, có lẽ vì lý do an ninh bất ổn
nên xe nước không đến, ai nấy đều run sợ. Lúc này trưởng ban chấp hành tạm thời
của trại là anh Cung. Anh này là sĩ quan quân cảnh của VNCH, anh Cung vào trại
Para sớm hơn tất cả mọi người, lại biết tiếng Pháp nên lo về mặt giấy tờ. Anh
ta họp mọi người lại để hỏi ý kiến làm sao để lo cho một trại gần năm trăm người
khi không có nước tiếp tế. Gạo cũng gần hết nếu xe lương thực không đến hôm ấy.
Thế là nhiều lời đề nghị được đưa ra: nấu cháo thì qúa tốn nước,
mà rang gạo ăn thì ăn xong gạo rang là khát khô cổ. Nhân viên hội HTTQT cũng
không đến vì họ bị chận lại tại biên giới. Thế là tại trại Non Chan chỉ có người
tị nạn Miên và Việt. Mạnh ai nấy thủ. Thật là thê thảm vô cùng.
Không ai dám cử động mạnh vì như vậy sẽ đổ mồ hôi và khát nước
thêm. Mọi người nằm chết lịm dưới các lều ni lông, trên thì mặt trời chói nắng,
dưới thì đất nóng bỏng. Chưa bao giờ tôi thấy mình khốn khổ như vậy. Đến khi
chiều xuống thì có cơn gió thổi, tôi bèn thè luỡi ra hít thở để hy vọng sẽ kiếm
được một ít hơi nước lẫn trong không khí.
Người tị nạn Miên vì đã sống nhiều năm ở vùng biên giới này nên
họ đỡ khổ hơn. Họ đào giếng để lấy nước xài và bán. Lúc ấy, chúng tôi cũng đưa
ra biện pháp đào giếng nhưng bị bác bỏ ngay vì không thể nào đào giếng kịp
trong một ngày. Vả lại, vùng đất ở khu nhà thương này là vùng đất khô cằn,
không có mạch nước. Người Miên đã chiếm những chỗ đất trũng hết cả rồi, còn lại
là đất khô, làm gì mà có mạch nước?
Khi đó tôi quá khổ nên không còn biết gì cả. Ai có lén ăn cắp nước
hay không, tôi cũng không thèm để ý nữa. May mắn, sáng hôm sau lại có nước như
cũ. Sau hôm ấy, một ban cấp nước gồm những tay”cao thủ võ lâm” đến đây trước. Hễ
có ban cấp nước là có chuyện rồi.
Các người tị nạn còn tiền thì phòng xa nên mua thuốc lá để hối lộ
những anh chàng cấp nước để họ xịt thêm cho một ít nước. Người khác thì mua
thêm các sô nồi đựng nước dấu trong lều. Còn những người sạch tiền thì chịu chết.
Trong lúc ấy, một số người thì có những sáng kiến độc địa, ích kỷ
và ngu xuẩn hơn. Họ dùng đinh đục lỗ ở các bồn chứa nước để nước rỉ ra từng giọt,
rồi thì họ đứng kiên nhẫn hứng từng giọt nước ở các lỗ bị đục lỗ rỉ ra đó. Dần
dần một lỗ rỉ ra nhiều lỗ rỉ, nên nước nhỏ ra như mưa.
Tôi cũng đã đứng hàng giờ để hứng nước mát trong những ngày nóng
bỏng ấy. Lúc ấy, tôi rất yêu qúy cái bồn nước và chỉ suốt ngày quanh quẩn bên
nó mà thôi. Chỉ có đứng gần bên nó mới đỡ nóng nực.
Thấy đời sống của người tị nạn cơ cực qúa nên hội HTTQT đem phát
thêm mền và dầu ăn. Đây cũng là lúc mà tệ trạng tham nhũng bắt đầu. Nguyên nhân
vì chung quanh trại có chợ búa là nơi cung cấp phẩm vật. Người ta cần tiền để
tiêu pha và mua bán. Dân tị nạn lúc ấy vẫn được tiếp xúc với dân Miên để mua
bán. Lại thêm các món đồ cứu trợ của hội HTTQT rất qúy đối với người Miên như
là: mền, dầu ăn, và gạo... vì họ không có những món đồ viện trợ ấy.
Khi đó, tôi cũng có chân trong ban đại diện với tư cách là một
thư ký. Quyền hạn cũng không có gì ngoài việc ghi chép tên tuổi và lý lịch của
những người tị nạn mới đến. Lúc này anh Vinh cũng ở trong ban đại diện. Rõ ràng
ban đại diện có hai phe. Một phe của anh Cung và Niên. Phe khác thì của anh
Vinh, tôi và một số người khác.
Phe của anh Cung rất mạnh vì anh ta nắm nhóm nhà bếp, có gạo, mền,
dầu ăn và quần áo. Họ ăn chia rất khéo léo. Anh Cung rất khôn ngoan. Có thể anh
không hề đem đồ đi bán, nhưng dưới tay anh có rất nhiều đàn em. Những người này
thì theo đóm ăn tàn nên họ có thể làm hết tất cả mọi việc.
Có một lần chính mắt tôi thấy rõ ràng cảnh họ đem một cái mền ở
kho ra chợ để đổi lấy thuốc lá, bia và nước ngọt. Họ cố che dấu vì tôi cũng ở
trong ban đại diện mà chỗ tôi làm việc lại đối diện với nhà kho. Tôi nghe họ xì
xào bàn tán như sau:
“Đẩy cái này để đổi lấy cái gì ăn.”
Ngoài ra, chuyện ăn cắp 5, 10 lon gạo để đổi chác thực phẩm thì
nhiều như cơm bữa. Một người có thể gom 5 lon gạo gọn trong áo mình để đổi được
một ký đường, mà đường thì qúy giá vô cùng.
Chuyện thối nát của ban đại diện rất tinh vi. Tuy bà con đồng
bào đang đói khổ, nhưng họ nghĩ rằng cho dù họ có lấy đi mấy lon gạo thì cũng
không làm bà con đói khổ thêm hơn. Từ chỗ có nhiều đồ viện trợ nên trong nội bộ
ban đại diện đã nảy ra những sự hiềm khích. Họ ngấm ngầm chơi nhau và hạ nhau để
giành ăn.
Những người này đều có một thế đứng. Vì thế khi muốn chơi nhau,
họ phải thủ thế. Có một số người thì đeo theo những người ngoại quốc như nhân
viên của hội HTTQT để kiếm chác. Đó là trường hợp của anh Triết, người phụ
trách y tế. Anh có nhiệm vụ dẫn người tị nạn đi khám bịnh để xin thuốc tây. Anh
này có thể kiếm thuốc tây dễ dàng mà thuốc tây là nguồn lợi rất tốt vì người
Miên rất cần thuốc tây để chữa bịnh.
Về chuyện thuốc men thì có rất nhiều người than phiền là tại sao
người ta bịnh, vết thương làm mưng mủ, họ đến năn nỉ anh Triết để được anh dẫn
đi xin thuốc thì anh ta không chịu dẫn đi. Trong khi đó, con gái anh ta thì
ngày nào cũng đi xin thuốc như đi chợ.
Cuối cùng vì tôi nằm trong một ổ đang ”ăn bẩn” mà lại không được
ăn nên người ta nghĩ rằng tôi sẽ đi tố cáo họ. Giữa một đám người xấu mà mình
không xấu thì rồi cũng bị gạt ra khỏi đám ấy. Thật sự lúc ấy tôi cũng muốn ”ăn”
nhưng không có hoàn cảnh để mà ”ăn”.
Thành ra họ nghĩ tôi cùng phe đảng với anh Vinh để âm mưu lật đổ
họ. Sau đó, đã có nhiềuâm mưu lật đổ ban đại diện. Đây cũng là điều làm cho tôi
thấy thấm thía tình trạng chung của người Việt Nam:
“Không bao giờ đoàn kết mà chỉ muốn lật đổ và hạ nhau.”
Ngoài ra ban đại diện còn ăn cắp các bao gạo, loại một trăm ký để
bán và đổi vàng rồi chia chác với nhau. Khi việc đổ bể ra thì có một phiên họp
với nhân viên hội HTTQT, ban đại diện tuyên bố rằng họ sẽ xét xử và điều tra.
Sau đó là huề. Người dân chỉ biết giận thì ào ào lên, sau đó vì ”cơm áo gạo tiền”,
vì vật lộn với đời sống vất vả nên dần dần họ cũng quên đi.
Chỉ những khi đói khát, con người ta mới để lộ ra những bộ mặt xấu
xa đê tiện. Vì có tin dời trại để qua trại mới nên ai nấy đều lo thủ, rồi dùng
những mánh khóe vặt vãnh để tạo một cái vốn nhỏ. Nhưng họ có ngờ đâu những lần
dời trại ấy chỉ là đổi trại từ đàng sau ra đàng trước, rồi ra bên hông, lại qua
bên kia đường chứ chẳng đi đâu xa cả.
Khi ấy ở trại Non Chan lại sinh ra một nghề mới, đó là nghề buôn
bán và trao đổi vàng. Những người trung gian buôn bán vàng là người Tàu. Họ móc
nối với những người tị nạn vừa nhập trại mà cần tiền thì họ mua vàng của người
mới tới rồi đem ra chợ bán. Họ có thể lời khoảng hai trăm bahts cho một chỉ
vàng.
Thủ tục cân đo rất đơn giản. Họ chỉ cần ước lượng xem vàng ấy độ
một chỉ, một chỉ hai hay một chỉ rưỡi. Như thế sự cân đo không thể chính xác được.
Về sau, tôi cũng đi theo bọn người Tàu tị nạn này để buôn bán vàng. Do đó, cuộc
sống của tôi cũng đỡ khổ hơn.
Có một lần dân Miên tị nạn ở quanh đó dọa sẽ đánh úp vào trại của
dân tị nạn Việt để cướp tiền. Vì thế, mọi người không ai dám đi chợ cả. Từ đó,
mỗi lần người tị nạn Việt đi chợ thì bị người dân Miên chỉ trỏ, chửi rủa, hăm
he và dọa nạt cướp của.
Có một vài người biết tiếng Miên và thuật lại lời dân Miên dọa rằng:
”Tụi bây cứ ở đó đi, mai mốt tụi tao sẽ cướp hết cho mà coi!”
Còn người Việt Nam thì vì không biết nên cứ tỉnh bơ, mãi về sau
mới biết sợ. Đêm 20 tháng 4 năm 1980, bọn lính Para đánh úp vào trại để cướp phụ
nữ Việt đi hiếp dâm. Nhờ vậy mà hội HTTQT đã can thiệp cho chúng tôi di chuyển
đến trại mới là trại NW 9. Xin xem tác phẩm Qua Cơn Bão Dữ của Kim Hà để biết
rõ về trại NW 9.
Khi nghe được chuyển đến trại mới thì ai cũng phấn khởi, hồ hởi.
Ai cũng nghĩ rằng trại NW9 là một trại tị nạn đàng hoàng. Lại thêm một lần di
chuyển, không phải đi bộ mà đi bằng xe hơi. Ai cũng dệt mộng đẹp là được đi sâu
vào lãnh thổ Thái Lan, chứ không phải dời gần sát nhau như những lần trước.
Nhưng khi tới trại NW 9 thì ai cũng hoàn toàn thất vọng vì trại mới này chỉ là
một nhúm lều vải xanh nằm rải rác trong rừng hoang biên giới.
Tôi xin ngừng ở đây, khi đến trại tị nạn Non Chan, tôi đã viết
những lá thư tỉ mỉ và thật chi tiết để kể lại những nỗi khổ sở và gian truân
trên đường đi vượt biên. Vì thế, bà con và bạn bè của tôi đã khuyên nhau không
dám vượt biên bằng đường bộ nữa.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét