Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

HỒI KÝ NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG CỦA PHẠM GIA ĐẠI - KỲ 6

1      2      3      4      5      6      7
Thiên Hồi Ký về "Những Người Tù Cuối Cùng" nhằm nói lên tinh thần bất khuất, sức chịu đựng phi thường cùng lòng dũng cảm và sự tương thân tương ái của những quân dân cán chính VNCH đã bị giam giữ, lưu đầy trong các trại gọi là "Tập Trung Cải Tạo" của Cộng Sản sau khi miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

Thiên Hồi Ký cũng để nêu lên những sự diệu kỳ và linh thiêng của Ơn Trên, của Trời Phật của Mẹ Việt Nam đã che chở cho những người tù....trong nhà tù CS.

Đọc xong thiên Hồi Ký này, chúng ta sẽ thấy những sự tuyên truyền xuyên tạc của Cộng sản nhắm vào chế độ VNCH đã từ từ tan rã như bọt nước; và những sự trả thù tàn bạo của Cộng Sản dành cho những người tù chế độ cũ đã không thành công như ý chúng muốn và thế cờ đã được lật ngược như thế nào.
Vũ Trụ Và Con Người

Vũ trụ thì bao la bát ngát đến vô tận và huyền hoặc nhưng con người tuy nhỏ bé khiêm cung nhưng cũng đầy huyền bí. Đấng Tạo Hoá hay Đấng Toàn Năng đã tạo dựng nên một vũ trụ với không gian hầu như vô tận hầu như không có điểm bắt đầu và cũng không thấy đâu là điểm tận cùng. Con người chưa được là hạt cát so với vũ trụ nhưng cũng chứa đầy những điều kỳ bí mà khoa học phát triển ngày này cũng chưa tìm hiểu hết được.

Con người rất là tự hào đã gửi những phi thuyền con thoi đi vào vũ trụ nhưng cũng chỉ quanh quẩn bên cạnh Mặt Trăng, Hỏa Tinh của Thái Dương Hệ. Nhiều phi thuyền không gian đã được gửi vào vụ trụ những năm trước đã ra đi với những tín hiệu yếu dần và biệt tích không biết về đâu hay chỉ còn là một cái xác kim loại chết đứng cô đơn một nơi nào đó cách Trái Đất bao xa?

Sâu thẳm trong Vũ Trụ cách  chúng ta cả triệu năm ánh sáng vẫn có những hành tinh, những thiên thể nhưng không thể biết rằng ở đó có sự sống như trên Trái Đất hay không?

Nhìn những hình ảnh mà phi thuyền không gian đã gửi về Trái Đất của vùng mênh mông vô tận của những ánh sáng đầy màu sắc lung linh chúng ta chợt nhận thấy cái quyền năng cũng vô hạn của Đấng Tạo Hoá hay Đấng Toàn Năng. Ngài là ai có lẽ chỉ một số bậc Giác Ngộ mới có thể tri cảm được mà thôi.

Trong cuốn "Đức Phật và Phật Pháp" khi Đức Phật Thích Ca đã Giác Ngộ lên quả Phật và có những tín đồ của tôn giáo khác như Ấn Độ giáo và tu Khổ Hạnh hỏi ngài rằng vũ trụ là hiện hữu và vô tận ? Thì Ngài trả lời rằng cuộc sống con người ta quá là ngắn ngủi và tất cả chúng ta đều đang bị như trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc và chưa kịp tìm hiểu gì về vũ trụ thì chúng ta đã giã từ thế giới này rồi.

Ý của Ngài là khuyên con người nên đi vào con đường tu hành và từ từ chúng ta sẽ hiểu được sẽ một ngày nào đó Ngộ được chân lý.

Não bộ con người thật là bé nhỏ nhưng nếu mà sử dụng được hết những neuron của nó thì không khác gì một bộ máy điện tử tinh vi hoàn hảo nhất trên thế giới này, và có thể biết đâu sẽ thông tin và liên lạc được với những bộ não còn thong minh hơn nó nhiều trong vùng không gian bao la vô cùng tận kia?

Cách đây cũng gần nửa thế kỷ trước, tờ báo Paris Match đã đăng một bài báo làm chấn động dân chúng thời bấy giờ là có một đĩa bay đã hạ cánh xuống một cánh đồng thuộc một thị trấn của nước Pháp và có những nhân chứng đã trông thấy nó.

Bài báo với nhiều trang tường thuật và vẽ lại những hình ảnh theo lời kể của nhân chứng thì khi chiếc đĩa bay nầy hạ cánh xuống thì tất cả nhà cửa, phố phường chung quanh vùng đó đều bị mất điện và các xe cộ đang chạy đều đứng khựng lại. Có hai cảnh sát viên đã núp sau một gốc cây và rút súng ra bắn về phía đĩa bay nhưng không gây hề hấn gì mà bất ngờ một lằn ánh sáng xanh từ đĩa bay như luồng điện xẹt ra và cả hai cảnh sát viên đó đều thấy tê đầu cổ tay và khẩu súng rớt xuống đất.

Ngũ Giác Đài của Hoa Kỳ cũng có rất nhiều tài liệu của những phi công Hoa Kỳ đã nhìn thấy những hình thể như đĩa bay và đã bay đuổi theo những chỉ tic tắc là mất hút.
Có lẽ rằng nếu có sinh vật ngoài hành tinh thì họ thấy chúng ta còn qúa là lạc hậu và cách xa họ hàng triệu năm ánh sáng về văn minh cho nên chỉ đến thăm Trái Đất chúng ta mà thôi chứ không muốn gây phương hại?
Linh hồn chúng ta khi chết rồi có phải nó sẽ bay về để hội ngộ với khối tâm linh ngoài vũ trụ bão la kia không? và Tiểu Ngã sẽ đoàn tụ với Đại Ngã?

Từ khi xuất hiện trên Trái Đất, con người đã chứng tỏ sự thông minh với một bộ óc biết suy luận nên đã đứng trên tất cả muôn loài. Loài người đã làm nên những kỳ tích trong việc đưa con người từ ăn lông ở lỗ cho đến ngày nay trong xã hội văn minh với những biệt thự nguy nga, những quần áo sang trọng, phương tiện tối tân và đưa cả phi thuyền lên chinh phục Mặt Trăng và thám hiểm Thái Dương Hệ nữa.

Mặt khác, con người cũng đã tạo nên những tội ác không thể nào xóa đi được dù đã trải qua mấy ngàn năm với những cuộc chinh chiến tàn sát hủy diệt lẫn nhau như Thành Cát Tư Hãn, quân Minh, quân nhà Thanh phương Bắc đã bao lần xâm lược nước ta trên hai ngàn năm qua.
Hai cuộc Thế Chiến I và II, sự cướp chính quyền và xâm lược của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ Hai Mươi đã nhuộm đỏ toàn những máu và xác người từ Âu Châu sang Á Châu, những toán quân Khủng Bố Hồi Giáo, v.v.
Có nhiều điều chúng ta có thể hiểu được và lý giải nó được nhưng cũng có những sự kiện vẫn không thấu hiểu được.

Phải chăng vì tham vọng của con người hay vì trong con người chúng ta vẫn luôn có cái Thiện và cái Ác hay bởi vì chúng ta đang phải hít thở bầu không khí trong Cõi Dục nên cái Ác trong Dục Vọng thôi thúc con người tìm cách chiếm đoạt lấy để thỏa mãn cái tính Dục ấy?
Phải chăng nếu biết hướng về cái Thiện hay đi vào con đường Tu Hành thì chúng ta sẽ từ từ một kiếp nào đấy sẽ thoát ra khỏi được cái Dục Giới này và bay cao lên dần vào Cõi Trên trong vùng vũ trụ bao la kia? Cõi đó phải chăng là Cõi Thiên Thai?

Xuân Canh Dần Nhớ tết Năm Xưa

Tôi đi dạo một vòng phố phường trên đường Bolsa tại Little Sàigòn nơi được gọi là thủ đô của những người tỵ nạn và trong lòng vui vui bởi vì Tết sắp đến qua hình ảnh của những chậu hoa Cúc đại đóa hay những cành Quất nặng trĩu những trái hay những cành lay-ơn đủ mầu. Little Sàigòn và Cali đang đi vào Mùa Xuân, Mùa Xuân thứ ba mươi sáu trên miền đất tạm dung. Những cái rét lạnh sương mù bão rớt của Mùa Đông đang từ từ nhường bước cho cái nắng ấm còn nhạt mầu đang chiếu hắt bên thềm nhà trong buổi sáng sớm. Các gia đình có con cái thì dù là kinh tế vẫn chưa hồi phục hay nói đúng hơn thì vẫn còn trong khủng hoảng vẫn chắt bóp để mua quần áo giầy dép mới cho con cái và chuẩn bị cho ngày Tết họp mặt cũng đúng vào Chủ Nhật ngày Valentine's Day; cho nên các cậu con trai có người yêu năm nay lại phải chuẩn bị hai món quà vừa lì xì vừa gift card cho người yếu bé bỏng.

Tôi ghé vào vài gian hàng cửa tiệm trong khu thương xá Phước Lộc Thọ bày bán những tấm thiệp chúc Tết, những phòng bao mầu đỏ lì xì và cả những bánh mứt ngày Tết và hỏi thăm thì đều nhận được những câu trả lời giống nhau là con chậm lắm và hy vọng tuần sau giáp Tết thì thương vụ sẽ lên cao. Nhìn qua nhìn lại thì chỉ có ông đi qua bà đi lại là đông hay vào các nơi ăn uống mà thôi. Có những ngân hàng Mỹ tại vùng Quận Cam này cũng biết đến Tết của Việt Nam cho nên đã chuẩn bị để tặng cho khách hàng những phong bao mầu đỏ hay có thể đổi các tiền giầy mới để lì xì đầu năm.

Gia đình tôi năm nào cũng vậy, tối Giao Thừa là sửa soạn cho tục lệ "Xông Đất" bởi vì Bà Cụ thân sinh ra tôi giữ rất là đúng những lễ nghi phong tục của ông bà ngày trước. Ngày hăm ba là "Đưa Ông Táo Về Trời". Ba mươi là đón ông Táo về nhà đồng thời cúng ông bà, Mùng Ba là Hoá Vàng,v.v.

Dù rằng sống trên đất Mỹ với cuộc sống đầy đủ hơn rất nhiều so với Những ngày còn sống tại quê nhà nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những cái Tết đầy hương vị của mùa Xuân tại Sàigòn những năm khi miền Nam còn trong không khí an bình của thập niên sáu mươi và những năm đầu bảy mươi. Sàigòn của những năm tháng đó tuy rằng đất nước còn trong chiến tranh mịt mù nhưng những người ở thành phố vẫn còn được hưởng một không gian yên bình để đón Xuân.

Những ngày giáp Tết, chúng ta có thể như thấy mùa Xuân hiện diện trong bầu không khí quanh mình chưa kể mỗi buổi chiều tối rảo bước quanh khu Chợ Hoa chiếm hẳn một góc đường Nguyễn Huệ và một phần đường Lê Lợi đông nghẹt những người là người. Chiều ba mươi Tết tôi thường có thói quen chạy xe một vòng quanh khu Catina để nhìn cái hình ảnh cuối cùng của ngày cuối năm và nhìn những người vì bận rộn chưa mua sắm được gì đang vội vã mua bánh trái chậu hoa để đem về nhà kịp đón Giao Thừa và trong lòng thoáng một chút buồn vì một năm đang từ từ đi qua trong đời mình.

Đêm Tất Niên, tuy rằng tôi là người ngoại đạo, đúng hơn lúc đó chỉ biết thờ ông bà gia tiên theo những cúng kiếng của Mẹ tôi, nhưng vẫn tụ họp các cậu em họ để đến khu vực chung quanh nhà thơ Đức Bà, chạy xe vòng vòng hay nghẹt xe cộ đứng một chỗ để nhìn thiên hạ diện trong những bộ quần áo thời trang đi vào nhà thờ hay đi bộ chung quanh. Đúng là chẳng có việc gì nhưng năm nào cũng vậy không bỏ được cái việc chạy xe đến nhà thờ trước Giao Thừa hay vào một quán kem trên đường Tự Do ngồi nhâm nhi và ngắm thiên hạ rồi mới yên tâm về nhà coi TV chờ đón giờ phút thiêng liêng đưa năm cũ và đón năm mới..

Tôi là người luôn được gia đình ủy thác cho việc chọn các kênh TV nào để xem những chương trình chọn lọc trong buổi tối Tất Niên bởi lẽ nếu mà chọn chương trình không hấp dẫn là bị Mẹ tôi chê bai thì thiệt là "quê".

Thế rồi sáng ngày Mùng Một sau khi chúc Tết Mẹ tôi và các anh em trong nhà và lì xì cho các cháu xong là chuẩn bị đi lễ Xuân Đầu Năm mà nơi tôi thường đến nhất vẫn là Lăng Ông Lê Văn Duyệt, Bà Chiểu. Lúc đó tôi vẫn còn độc thân và dù rằng chẳng có gì để cầu xin nhưng vẫn cố chen chân vào được bên trong để thắp một nén nhang và cắm lên lư hương bằng đồng trong không khí phủ đầy sương khói của nhang đèn đôi lúc làm cho tôi ho hen đến sặc sụa và như vậy mới an tâm thong thả ra về.

Những món ăn ngày Tết tôi thích nhất lại không phải là bánh chưng mặn hay đường mà là vài món đặc biệt mà Mẹ tôi nấu hay mua về nhà ăn và chỉ trong dịp Tết mà thôi. Đó là món soup cải bắp nấu với măng tây và thịt heo và thêm bún tầu nữa bên cạnh vài đĩa hột vịt bắc thảo và vịt nhồi nếp với hạt sen. Con vịt thì đích thân Mẹ tôi phải đi chợ để chọn con nào thật là béo và chọn loại nếp và hạt sen và nấm mèo thứ thượng hạng thì nhồi nó mới ngon và con vịt mới có màu óng vàng.

Ba ngày Tết thì đúng là chỉ nghĩ đến ăn chơi vì hết ăn rồi đến chơi với các bàn 21 điểm, Tam Cúc hay Bầu Cua Cá Cọp cho con nít và bạn xì phé cho người lớn kéo dài suốt ba ngày Tết.

Thế rồi, những cái Tết sau năm một chín sáu hai thì vắng dần và bớt vui dần đi vì ba anh lớn của tôi và cả bẩy cậu em họ con của bà cô ruột gần nhà cũng từ từ nhập ngũ tòng quân vì chiến sự đang lan tràn khắp cả bốn vùng Chiến Thuật và vì làm thân trai thời đó cũng không thể khoanh tay ngồi yên được trước những tin tức đốt làng mạc giết dân lành, giật cầu đắp mô phá hoại đường xá của Việt Cộng.

Người Việt chúng ta lúc nào cũng nặng lòng với quê hương đất nước cho nên dù sống xa trên nửa vòng trái đất mà lúc nào cũng nhớ đến những kỷ niệm khôn nguôi của thời gian còn là người Sàigòn, sống tại Sàigòn, đi học đi làm hay khoác áo lính để bảo vệ Sàigòn.

Không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể trở về lại Sàigòn để sống lại được những ngày tháng đong đầy kỷ niệm của một đất nước tự do và an bình.

"Saigon ơi! Ngày đó uất hận mà ra đi."
"Bởi vì Em đang trầm mình trong Lửa Đỏ."
"Bao năm qua dù vật đổi sao dời,"
"Em vẫn là Em của ta Sàigòn ngày đó,"
"Để ta về sẽ ngắm lại dung nhan."

Viết xong Rằm tháng Chạp năm Kỷ Sửu 
Công Cha Nghĩa Mẹ

(Lời Tác Giả: Nhân ngày lễ Father's Day năm 2010, Tùy Bút này như một nén hương dâng lên Ba và là lòng biết ơn của con đối với công ơn sinh thành và nhất là sự hy sinh không bờ bến của Mẹ - người mà vẫn đứng vững như cây cổ thụ qua bao nhiêu là cuộc chiến thê lương trên quê hương mình.)

Hồi nhỏ chúng ta học nằm lòng câu thành ngữ gần như ca dao trong văn chương Việt Nam: "Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra" nhưng ít khi nào chúng ta ngẫm nghĩ về sự so sánh rất là sâu sắc đầy ý nghĩa về công ơn của hai đấng sinh thành.
Thật vậy, khi còn nhỏ tôi thường nghĩ rằng cả hai ơn đức nuôi dưỡng của cha mẹ đều to lớn ngang nhau, nhưng càng lớn lên và nhất là sau những năm tháng trong ngục tù "cải tạo" thì tôi mới nhận thức được cái vai trò vô cùng quan trọng và bất khả thay thế được của người Mẹ.
Chả thế mà ta có câu:"Con không Cha như nhà không nóc" nhưng "Con mất Mẹ liếm lá ngoài đường".
Công Cha thì to lớn, vĩ đại và hùng vĩ  như ngọn núi Thái Sơn và Nghĩa Mẹ thoạt nhìn thì nhỏ bé và dịu dàng như giòng suối trong nguồn, nhưng giòng suối đó vẫn róc rách chẩy ngày đêm qua bao nhiêu là năm tháng thì sẽ thành giòng sông, thành biển cả bao la, và đó chính là tình của Mẹ vẫn êm đềm yêu thương và chăm sóc con cái từ lúc con sinh ra đời hàng ngày và hàng đêm cho đến khi trưởng thành.
Nhất là người Mẹ đó lại là bà Mẹ Việt Nam đã sống kinh qua bao nhiêu cuộc chiến điêu tàn trên quê hương VN không lúc nào ngưng tiếng súng, từ những phong trào chống Pháp của vị anh hùng Nguyễn Thái Học và 13 nhà chí sĩ Yên Bái đến chiến tranh Pháp - Nhật, rồi Việt Minh, chia đôi Nam Bắc di cư vào Nam, đến cuộc chiến Quốc - Cộng 1954-1975 và những năm tháng gian khổ dưới ách cai trị hà khắc và phi nhân của Cộng Sản tại miền Nam sau năm 1975.
Những bà Mẹ Việt Nam đó chính là những thỏi vàng ròng quí hiếm đã không bị khói lửa chiến tranh làm cho sói mòn mà còn vươn lên và làm được những kỳ tích mà ít bà mẹ nào trên thế giới có thể sánh được trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn đó của đất nước.
Trong gia đình từ nhỏ, anh em chúng tôi gọi Bố là Ba và gọi Mẹ là Mợ. Đúng ra thì Ba đi với Mẹ và Cậu đi với Mợ mới là cách xưng hô của người Hà Nội ngày xưa.
Người Hà Nội mà tôi đề cập ở đây là người Hà Nội lịch lãm của Thăng Long thành, và của văn hóa trước năm 1954, chứ không phải đám người từ trong rừng rú, trong hang Pắc Bó đi ra và mang theo cái học thuyết Cộng Sản quái thai và ngoại lai về để cướp chính quyền, rồi về Hà Nội cướp nhà cướp đất của dân chúng rồi vỗ ngực tự xưng là dân Hà thành và đã làm băng hoại hết những giá trị văn hóa và đạo đức từ ngàn xưa của dân tộc.
Tuy nhiên tôi cũng không để ý lắm đến cách xưng hô ấy trong gia đình mà chỉ biết rằng Ba tôi là một người theo Tây học và học sinh trường Bưởi ngày trước, và là một người có đầu óc đầy sáng kiến.
Ông Nội tôi lại là một nhà nho và một thầy thuốc Bắc sau này ra làm nghị viên thành phố nên ở nhà thường gọi là ông Nghị. Ông Nội tôi cũng nhiều sáng kiến nhưng ông chỉ dùng nó để sáng chế ra những đồ chơi thật là lạ lùng hấp dẫn mà đã làm cho các anh em chúng tôi say mê lúc còn nhỏ như lồng đèn Trung Thu khi thắp nến lên thì thấy có đoàn quân cầm cờ hay ngồi trên lưng ngựa chạy vòng chung quanh, hay chiếc tầu thủy bằng thiếc chạy được trên chậu thau hay bể nước khi gắn một miếng sà bông dưới đáy tầu.
Trong khi đó Ba tôi lại biết áp dụng sáng kiến vào thương mại vào đầu tư cho nên đã ba lần Ba Mẹ tôi trở thành triệu phú từ những năm trưóc khi sanh ra tôi.
Ba tôi đã đem sáng kiến vào ngành dệt và phát triển ngành này trong kỹ nghệ dệt tại Nam Định và là chủ nhân ông của một nhà máy dệt lớn trong thành phố nơi sinh ra tôi.
Lúc đó, Nhật đang chiếm đóng thành phố này và một hôm có một người đàn bà là tình nhân của một viên sĩ quan Nhật đến nhà Ba Mẹ tôi và đòi hỏi một cách hách dịch là phải có phần chia trong xưởng dệt đó nếu không bà ta sẽ cho đóng cửa nhà máy. Bà ta ngồi trên ghế tay phe phẩy chiếc quạt vừa nói mà không thèm nhìn Ba Mẹ tôi nữa với thái độ rất là kênh kiệu. Ba tôi thì quá tức giận vì con người trơ tráo này và nhất định không chịu vì nhà máy dệt mới xây dựng lên chưa bao lâu, nhưng Mẹ tôi bảo người đàn bà đó hãy về cho gia đình thu xếp.
Sau đó Mẹ tôi mới khuyên Ba tôi là nên chấp nhận, nếu không thì hàng trăm công nhân sẽ bị mất việc vì cơ xưởng đóng cửa, và con đàn bà nhân ngãi của Nhật đó làm ác thì sẽ gập quả báo, còn mình thì cứ làm gì cho phải đạo mà thôi.
Lúc đó Ba tôi mới thấy sự khôn ngoan của người vợ mình và nhờ đó mà xưởng dệt không bị đóng cửa.
Quả thật, một thời gian ngắn sau thì Ba Mẹ tôi nghe tin người đàn bà đó bị té ngã từ trên lầu xuống gẫy chân và không biết vì sao mà không thể đi lại được nữa.
Nhưng rồi cũng không ai qua khỏi định mệnh vì chiến tranh Nhật-Pháp lan rộng khắp các tỉnh thành và cả thôn xóm miền Bắc, và nhà máy dệt của Ba Mẹ tôi cùng nhiều nhà máy khác đã bị bom đạn san bằng.
Ba Mẹ tôi lại phải tản cư qua tỉnh khác lánh nạn.
Mẹ tôi kể rằng lúc đó mới có bốn anh em trai và Mẹ đã phải gánh bốn anh em tôi trong đôi thúng đi khắp làng này qua làng khác trong khi Ba tôi thì hướng dẫn cả một đoàn người đi chạy loạn trong đó có hai gia đình của ông Đốc là em ông Nội.
Ba Mẹ tôi lúc đó còn rất trẻ nhưng Ba tôi là trưởng tộc lại có học thức và biết tiếng Pháp nên hầu như là trưởng đoàn và từ ông bà đến các cô chú ai cũng nghe theo.
Nhiều tháng trời, Ba Mẹ tôi theo dòng người tản cư như thác lũ hướng về Hà Nội, vượt qua bao nhiêu trận ném bom của Pháp vào vùng Nhật chiếm đóng và tránh né được bao nhiêu là cuộc càn quét của Nhật vào những nơi còn quân Pháp đồn trú.
Sinh mạng con người trong thời loạn ly mong manh như cành hoa trước giông bão và Mẹ tôi vẫn thường nhắc lại rằng quả thật con người ta có số mạng vì hàng ngày nhìn thấy bao nhiêu người chết bị thương vì bom đạn vì kiệt sức mà gia đình mình nhờ Trời Phật vẫn bình an dù là lao đao trong khói lửa.
Trong tình hình gian nan nguy hiểm như vậy thì ông anh thứ hai của tôi lại bị bệnh "cam tẩu mã" làm cho hai hàm răng lung lay sắp rụng hết, may mắn nhờ có thuốc cao của ông Nội tôi bào chế ra và đắp vào cả hai hàm răng và lợi nên đã chữa được và giữ lại được hàm răng cho anh tôi kịp thời.
Chưa hết, sau đó lại đến người anh thứ ba bị phù thủng đi không được và Mẹ tôi nghe lời ông Nội là phải cho anh tôi ăn chuối mới trị bệnh được nhưng đang tản cư thì kiếm đâu ra được. Lúc đó mới thấy tình Mẹ, không chỉ là nuớc chẩy trong nguồn mà bao la như biển Thái Bình, vì Mẹ nhất quyết phải vào trong các làng mạc bên đường rất là vất vả và nguy hiểm để kiếm cho bằng được một nải chuối cho anh tôi ăn dần và không ngờ bệnh phù thủng đã lui đi một cách lạ lùng.
Nhưng thật là "phước bất trùng lai họa vô đơn chí", phước chẳng đến hai lần nhưng họa thì chẳng đến một lần rồi thôi,
vì trong khi theo đoàn người lũ lượt tản cư Ba Mẹ tôi lại lạc mất nhau.
Lúc đó Mẹ tôi đang gánh bốn anh em trai trong đôi thúng và khi nhìn lại thì không thấy Ba tôi và các ông bà cô chú đâu nữa. Mẹ tôi ngồi nghỉ lại bên vệ đường và chờ cả buổi vẫn không thấy tăm hơi gì nên một hồi suy nghĩ Mẹ tôi đoán rằng đoàn người đã gập phải chuyện gì không hay dọc đường rồi nên quyết định đi ngược lại dòng người để quay lại đi tìm Ba tôi.
Đến sẩm tối, khi Mẹ tôi tưỏng đã hết hy vọng thì mới thấy đoàn người trong đó có Ba tôi đang bị một toán võ trang Việt Minh giữ lại bởi vì Ba Mẹ tôi đang tản cư ngang qua một vùng do Việt Minh chiếm đóng. Họ bảo là đoàn ngưòi này đang trên đường vào dinh Tề tức là vào thành Hà Nội và bắt phải quay lại về hướng Nam Định.
Mẹ tôi hết sức thuyết phục họ là đoàn người chỉ chạy tản cư khỏi vùng bom đạn thôi chứ không vào Thành nhưng họ không tin. Suốt đêm hôm đó không ai chợp mắt được vì nếu quay lại có nghĩa là đi tìm về cái chết.
Rồi như một phép lạ xẩy ra, bất ngờ Ba tôi được gọi vào gập tay trưởng toán Việt Minh vì anh ta đã nhận ra Ba tôi là bạn học trường Bưởi ngày trước và viết một tấm giấy cho phép đoàn người được tiếp tục tản cư.
Lúc đó Mẹ tôi mới thở ra nhẹ nhõm và thầm cảm ơn Trời Phật và nhờ vậy mà Ba Mẹ và cả họ hàng của tôi mới vào được trong Thành an toàn.
Thế nhưng quân phiệt Nhật lại bắt dân chúng nhổ lúa và trồng đay cho kỹ nghệ chiến tranh của họ và năm đó Ất Dậu đã xẩy ra nạn đói gây cho hàng triệu người chết một cách thảm khốc nhất là những nơi vựa lúa như Thái Bình, trong khi miền Nam gạo thóc dư thừa không thể chuyển ra Bắc được.
Trong gia đình tôi, Mẹ kể lại thì Cụ Ông biết xem thiên văn cho nên một hôm Cụ bảo Mẹ tôi là phải tích trữ lúa gạo vì sắp đói to rồi. Mẹ tôi bèn thông báo cho hết họ hàng và quả thật miền Bắc đã hết thóc lúa và dân chúng đào cả củ khoai sắn, rồi củ chuối lên ăn và lũ lượt hàng đoàn người phải bỏ làng xã về thành phố đi ăn xin.
Mỗi ngày, hàng chục chiếc xe ba gác chở đầy người chết vì đói chất đống bên trên đi ngang nhà Ba Mẹ tôi, có những người vừa đến trước cửa nhà xin ít cơm cháo thì ngã lăn ra chết vì kiệt sức.
Mẹ tôi cứ nắm sẵn từng nắm cơm nhỏ một và cùng một người tớ gái đứng trước cửa nhà để phân phát cho họ, không dám cho ăn nhiều vì họ đã đói khát nhiều ngày nếu cho ăn no lại chết vì bội thực.
Mỗi khi nghĩ đến nạn đói năm Ất Dậu, chúng tôi lại vô cùng kính phục Mẹ tôi vì lòng thương người vị tha với Tâm Từ Bi của Mẹ đã giúp cho Mẹ làm được những chuyện phi thường. Nhất là lúc đó Mẹ tôi còn rất trẻ, mới 25 tuổi và chỉ theo Đạo Thờ Cúng Ông Bà và chưa hề được học qua đạo Phật hay một tôn giáo nào khác về vấn đề hành Thiện hay làm Phước.
Thế rồi Nam Bắc bị chia đôi ngày 20-7-1954, Ba Mẹ tôi di cư vào Nam như hàng triệu người VN khác không chấp nhận Cộng Sản.
Những tưởng sẽ được yên thân trong miền Nam thanh bình nhưng chiến tranh lại nổ ra khốc liệt đưa đến sự sụp đổ của chế độ Tự Do tại miền Nam.
Trong những năm tháng khi mà anh em chúng tôi đang trong tù thì gia đình Mẹ tôi bị đánh tư sản, chúng đóng quân trong nhà và đào bới khắp nơi để tìm vàng, tiền bạc cho bọn cầm quyền ngoài Bắc. Bọn Cộng Sản và VC địa phương tìm cách trục gia đình Mẹ tôi đi kinh tế mới để tịch thu căn nhà nhưng Mẹ tôi nhất quyết không đi.
Bao nhiêu lần chúng rình lúc gia đình vừa dọn cơm chiều lên là "mời" Mẹ tôi qua Phường "làm việc" và bắt ký vào lệnh giao nhà cho chúng để đi kinh tế mới rồi dụ dỗ không được thì quát tháo và vu cáo cho tội chống lại chính sách Nhà Nước của chúng. Mẹ tôi vẫn tìm kế hoãn binh mấy năm trời ròng rã, thấy không lay chuyển được Mẹ tôi, chúng cuối cùng mới chịu buông tha.
Những năm sau này khi tôi và ông anh Cả được thăm nuôi trong tù thì chính Mẹ tôi mà các con cháu thường gọi đùa và âu yếm là "Mẫu Hậu" là người chỉ huy mọi thứ, đã chắt chiu từng đồng một kiếm được hay từ những gói quà của anh thứ ba và của một em gái tôi từ bên Mỹ gửi về để gửi vào trong tù cũng như giúp đỡ thêm cho vợ con tôi và gia đình anh Cả tôi nữa cũng đang gập nhiều khó khăn tại Sàigòn và Lái Thiêu.
Bây giờ, qua bao nhiêu gian lao và khổ ải, đại gia đình tôi đều đã được định cư tại Hoa Kỳ trong nhiều chuyến ra đi khác nhau mà tôi là người sau chót,
Mẹ tôi vẫn tự hào nhắc lại lời Ba tôi trước khi nhắm mắt là:"nếu tôi mà không lấy được Mợ thì chắc gia đình mình đi ăn mày quá".
Bây giờ dù là Ba tôi mất đã lâu nhưng hình bóng của một con người học thức, hào hoa phong nhã, giầu có không kiêu căng mà chan hòa tình cảm cho cả họ hàng vẫn luôn là gương mẫu cho tôi trong cách sống ở đời.
Bây giờ dù là Mẹ tôi đã già nhưng tôi vẫn như thấy ẩn hiện hình bóng của một người phụ nữ trẻ đẹp và giầu lòng nhân đạo và quả cảm không hãi sợ trước bạo quyền Cộng Sản, suốt một đời hy sinh cho chồng cho con; một người đã đưa được gia đình mình vượt qua hết mọi sóng gió của một nước VN đắm chìm trong khói lửa chiến tranh và đến được bến bờ Tự Do an toàn như ngày hôm nay.
Tôi viết lên những giòng tùy bút này như lời cám ơn chân thành đến Mẹ và anh Ba và các em đã gửi những gói quà gói ghém tình thương gia đình trong đó vào tận trong tù nơi rừng sâu núi thẳm. Tôi muốn nói với Mẹ rằng con rất thương Ba nhưng con thương Mẹ còn nhiều hơn nữa.

Viết xong vào đầu tháng Sáu năm 2010 
Mùa Xuân Và Tình Yêu

Như mọi buổi sáng khi vừa thức dậy, tôi kéo tấm màn cửa và tấm mành mành che cái cửa sổ nhìn ra vườn sau nhà. Qua khung cửa kính còn hơi chút sương mờ là những tia nắng sớm ban mai đang lung linh chiếu qua những cành cây trong vườn.
Tiếng chim chóc vui mừng hót líu lo làm đôi lúc tôi có cảm giác như mình đang sống trong một vùng thôn dã nào đó chứ không phải tại Thủ Đô Tỵ Nạn của người Việt tại Hoa Kỳ.

Cảnh vật xanh tươi và tiếng chim hót chào bình minh như thầm bảo cho tôi biết là Mùa Xuân đã về rồi với đất trời.

Trong vườn thì cây chanh lá vẫn còn xanh tươi sau một mùa Đông dài, cây hoa Anh Đào vẫn còn những nụ hồng xinh xinh, chỉ riêng cây ổi thì hoàn toàn héo úa lá vàng, và cây chuối thì tả tơi những lá cành sau những cơn mưa bão.
Đúng như vậy các bạn ạ, tiết Xuân vừa mới trở lại với California và chúng ta vừa giã từ một mùa Đông với nhiều mưa bão nhất trong hai thập niên gần đây.

Một năm thì có bốn mùa, nếu có ai hỏi tôi thích nhất mùa nào thì thật ra mùa nào cũng có cái đẹp và hấp dẫn của nó.


Mùa Hè thì ra bãi biển và nơi tôi cư ngụ thì rất gần biển- bờ biển của Thái Bình Dương nối liền California với Việt Nam bên kia bờ đại dương.
Những bãi biển đẹp và nổi tiếng như Laguna Beach, Huntington Beach, Santa Monica, xa hơn chút nữa là bãi cát nổi tiếng với thành phố kiểu Châu Âu tại La Jolla, sát bên San Diego, nơi chúng ta có thể ngồi ăn những con cua, sò, ốc, ngay tại chỗ.

Mùa Thu thì thời tiết đã bắt đầu se lạnh và những bộ quần áo ấm bắt đầu được đem ra mặc để đi shopping hay đi xem những khu rừng mà lá bắt đầu vàng úa hay chuyển sang mầu đỏ tuyệt đẹp. Những shopping malls tại Cali cũng là những trung tâm thương mại lớn vào bậc nhất Hoa Kỳ.

Nếu bạn đến miền nam Cali mà chưa đi shopping tại South Coast Plaza, hay chưa đến thăm viếng khu Thành Phố Cổ "Old World" của Châu Âu, để ngồi trong cái làng nhỏ của người Đức này ngay trong lòng Quận Cam và nhâm nhi một ly bia đen của Đức hay Hòa Lan, thì quả là một thiếu sót.

Mùa Đông Cali không lạnh lắm, nếu so sánh với miền Đông Hoa Kỳ hay với nhiệt độ luôn dưới zero của Canada, thì phải nói là ấm áp rất nhiều. Chính vì thế mà dân Cali lại thèm những cảnh tuyết rơi trắng xóa của miền Đông cho nên lại rủ nhau leo núi tới Big Bear hay Arrowhead để được hưởng khung cảnh tuyết trắng.

Nhưng, mùa Xuân vẫn là mùa mà tôi thích nhất, thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó. Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, ai cũng đã trải qua bao nhiêu là mùa Xuân và bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm.

Thời gian đầu tiên lúc ấu thơ sống trong nhung lụa tại Hà Nội và sau cùng là Hải Phòng trước khi di cư vào Nam năm một chín năm tư.

Đó là những mùa Xuân vô tư nhất trong cuộc đời với những ngày Tết rộn rã tiếng cười trong tình thương yêu và tình người của gia đình họ hàng đoàn tụ và được mặc những bộ quần áo mới để đón Xuân.

Đó là lúc đầu tiên trong đời mà tôi đã để ý nhìn thấy những mầm non đâm chồi nẩy lộc trong vườn hay dọc theo trên đường đi học từ nhà đến trường Saint Joseph. Những mùa Xuân vô tư ấy đã mất đi cùng với hàng triệu người rời bỏ quê hương miền Bắc để di cư vào miền Nam.

Miền Nam nắng ấm hiền hòa là nơi đất lành chim đậu, và những mùa Xuân trong Nam cũng là những kỷ niệm khó quên dù lúc đó gia đình tôi đã sa sút, nhất là sau khi ông cụ thân sinh ra tôi qua đời.

Những mùa Xuân đó tôi không còn áo mới những ngày Tết nữa mà chỉ đón Xuân trong không khí đạm bạc của Sàigòn phảng phất khói súng vì những năm sau đó chiến tranh bắt đầu lan rộng.

Tuy vậy, những đêm Giao Thừa hay Mùng Một Tết đi lễ Đền Lăng Ông Bà Chiểu hay lễ Phật tại chùa Xá Lợi hay chùa Vĩnh Nghiêm với các cậu em họ tôi vẫn là kỷ niệm sâu trong ký ức.

Tôi có duyên với mùa Xuân vì những thành công đầu tiên trong đời cũng đều bắt đầu trong tiết Xuân. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần và giã từ ngôi trường Chu Văn An thân yêu để bước vào Văn Khoa, thì đầu năm sau đó, tôi được giới thiệu ngay một chỗ dậy học.

Mùa Xuân năm sau thì chính thức làm việc cho Đệ Thất Không Đoàn Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất. Rồi năm năm sau, ngay sau những ngày Tết Nguyên Đán thì tôi chuyển qua nhiệm sở mới là Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên đại lộ Thống Nhất, Sàigòn.

Mùa Xuân cũng là mùa của Tình yêu nhưng với tôi thì nó cũng là mùa đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu đậm của tình yêu học trò đầu tiên trong đời.

Thời gian đó gia đình tôi cư ngụ trên đường Trương Minh Giảng, Quận Ba và ngay sát bên là rạp hát Văn Lang, sau này đổi thành rạp Minh Châu thì phải.

Lúc đó tôi vừa theo học tại Văn Khoa - có một chứng chỉ học cùng lớp với Hoàng Oanh, cònThanh Lan thì học sau tôi hai năm, Đức Huy thì sau một năm - vừa đi làm lại vừa theo học một khóa Tae Kwon Do ngay dưới dốc cầu Trương Minh Giảng.

Nhà của nàng nằm trong ngõ hẻm dưới chân cầu và chỉ cách võ đường nơi tôi theo học vài căn mà thôi.

Mỗi tuần ba lần tôi và cậu em họ cùng tản bộ từ nhà tôi đến võ đường để tập môn võ của Đại Hàn này cũng vừa là để rèn luyện thân thể; và chiều nào cũng vậy, nàng đều đứng trước cửa nhà khi tôi đến võ đường cũng như khi ra về.
Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là sự tình cờ, nhưng sau đó cậu em họ tôi thì nói nhỏ vào tai tôi là cô bé có vẻ thương tôi đó làm cho tôi rất là lúng túng mỗi lần sau đó phải đi qua nhà nàng, ngặt là vì không còn con đường nào khác.

Thế rồi hai đứa quen nhau lúc nào không hay, có lẽ là nhờ cậu em họ của tôi tính bạo dạn hơn tôi nên đã làm quen được nàng trước; và mỗi tối thứ Bẩy là tôi và Khiêm cậu em họ lại đến thăm nhà nàng và nghe nhạc thật hay của những ban nhạc lừng danh thời đó như Cliff Richard với “The Young Ones”, “Evergreen Tree”, The Beatles với những nhạc khúc “Yellow Submarine”, “Michelle” và “Yesterday” qua cái máy quay đĩa và hai cái loa Akai tối tân lúc đó.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ là nàng để ý cậu em họ của tôi hơn vì cậu ta cao lớn hơn dáng thư sinh của tôi nhiều. Nhưng sau này có nhiều nam ca sĩ trẻ và cả ban nhạc Spotlight của Đức Huy cũng đến chơi và mỗi lần như thế thì nàng đi ngang qua tôi và nói nhỏ là tôi để dành một chỗ cho nàng bên cạnh tôi trong phòng khách trong lúc nàng lo chạy đi pha nước; và nàng luôn đến ngồi bên tôi suốt buổi tối trong sự ghen tức ra mặt của các anh chàng trồng cây si khác.

Tình yêu thời sinh viên là thế, thật là đẹp, thật là êm đềm và thơ mộng. Kỷ niệm nàng dành cho tôi là những cái lồng đèn bé xíu xiu bằng ngón tay thật là xinh với chữ ký của nàng bên dưới; hay những tấm các và những giòng chữ và những giọt nước mắt vì thứ Bẩy tuần trước nàng đã ngồi nói chuyện với tôi thật lâu và đã bị ba nàng la rầy.

Mẹ nàng cũng đã đến thăm Mẹ tôi và hai cụ rất là tương đắc tôi cũng mừng, nhưng gia đình nàng thì khá giả trong lúc gia đình tôi thì đang còn chưa hết nợ nần sau khi ông cụ thân sinh tôi đã mất.

Trong lòng tôi thật là hãnh diện có một người yêu bé nhỏ tiếng nói thật dịu dàng, người đã dành trái tim cho tôi và đã tế nhị từ chối hết những tình cảm của bao nhiêu là cây si đến thăm nàng mỗi tối thứ Bẩy.

Nhưng không ai học được chữ ngờ, không hiểu sao bố mẹ nàng lại muốn cho nàng lập gia đình khi nàng mới hơn hai mốt tuổi, có thể vì thấy quá nhiêu người theo đuổi nàng chăng?

Chị của nàng rất ủng hộ cho cuộc tình của hai đứa chúng tôi và nói là rất đẹp đôi và bảo tôi hãy mau về thưa lại với Mẹ. Tôi quả thật rối như bòng bong vì lúc đó ba anh trai lớn đều vào quân đội, còn tôi là lớn nhất nhà và là cột trụ gia đình và tôi dự định là vài năm nữa học xong Cử Nhân ra ngành dậy học thì mới tính đến chuyện hôn nhân.

Nếu tôi ngỏ lời xin với Mẹ thì chắc vì lòng thương con mình Mẹ tôi sẽ ráng lo cho tôi, nhưng tôi biết gia đình còn khó khăn nhiều lắm, nên tôi đành giữ kín trong lòng và đành phải trình bầy hết cho bà chị của nàng biết là nếu Bố Mẹ nàng cho phép nàng chờ tôi vài năm nữa?

Thế rồi mùa Xuân năm đó, khi tôi đang cùng Phân Đội Sáu thuộc Đệ Thất Không Đoàn, đi ra Đà Nẵng công tác thì được tin nàng phải vâng lời Bố Mẹ để lập gia đình. Tôi bèn cấp tốc lấy một chỗ trên phản lực cơ loại nhỏ "Bitchcraft" để bay về Sàigòn.

Tiếng hát của Andy Williams mà tôi vẫn thích với bài hát "Hawaiian Wedding" qua speakers của máy bay nghe như từ vùng nào xa xôi đưa lại vì tâm trí tôi như đang ở tận đâu đâu.

Người mà tôi tìm gập đầu tiên là cậu em họ và khi nhìn thấy tấm thiệp cưới của nàng thì tim tôi như muốn ngừng đập.

Tôi được cậu em họ cho biết rằng nàng đã buồn bã không ăn uống gì mấy ngày hôm nay nhưng có lẽ vì gia đình bên kia rất giầu có nên mọi việc coi như đã xong. Nàng cũng gửi lại tôi những món quà nhỏ kỷ vật tôi đã tặng nàng suốt hai năm quen nhau và một lá thư nhạt nhòa những giọt nước mắt, và nói tôi nhận lấy vì nàng không đủ can đảm giữ lấy và nhìn thấy những kỷ niệm đó nữa.

Buổi tối hôm đó tôi nói với Mẹ rằng mới công tác về rất nhức đầu không ăn cơm nhà và hai anh em xuống Hầm Gió ngồi uống cà phê nghe nhạc đến đêm khuya.

Sau này mỗi khi vào dịp Tết Trung Thu tôi lại nhớ đến những cái lồng đèn bé xíu xinh xinh, và mỗi độ Xuân về thì lại tự hỏi lòng mình buồn hay vui. 
Hải Ngoại Thành Trì Chống Cộng Cuối Cùng


Nhận Định của:  Phạm G. Đại


Nếu chúng ta không giữ được thành trì cuối cùng này tại hải ngoại thì người Việt Quốc Gia hiện đang cư ngụ trên hơn 80 nước trên thế giới sẽ không còn đất dung thân trên cái hành tinh này.

Cộng Sản Việt Nam (CSVN) dưới sự chỉ đạo của Cộng Sản Quốc Tế (CSQT) Nga-Tầu đã không từ một thủ đoạn tàn ác, vô nhân đạo, ám muội và đê hèn nào để trừ khử các nhà yêu nước, các đảng phái Quốc Gia, các vị tu hành, giết hại dân lành,v.v. để sau cùng cướp lấy chính quyền vào tay họ, và một triệu người miền Bắc đã phải bỏ quê hương di cư vào Nam sau hiệp Định Genève 20-7-1954.

Biến miền Bắc thành Địa Ngục trần gian từ 1945 và sau 1954 chia hai đất nước. Hố Chí Minh và bè lũ Đảng Cộng Sản cướp nước và bán nước là tội đồ lớn nhất của dân tộc VN.

Chúng không dừng ở đó mà xua quân vào xâm nhập miền Nam và cùng với bọn VC đốt làng phá xóm với vũ khí của CSQT.

Trong khi chúng được yểm trợ tối đa thì Mỹ tính chuyện của họ để rũ áo ra đi sau hơn 17 năm giúp miền Nam chống Cộng (1954-1972).

CSVN đã chiếm được miền Nam với sự trợ giúp của CSQT và của Hoa Kỳ (Nixon & Kissinger: hai tay sát thủ làm cho miền Nam kiệt quệ, QLVNCH không còn súng đạn để phải thua trận. CIA Mỹ thổi bùng phong trào Phản Chiến tại Mỹ châm ngòi cho Mỹ và toàn thể Đồng Minh rút lui mau lẹ khỏi VN trước khi chúng ta có thể một mình tự vệ được.)

30-4-1975 mất miền Nam, cả nước bị nhuộm một mầu máu đỏ. Sau một thời gian củng cố quyền hành xong, cướp xong hết tài sản của dân và tài nguyên của đất nước vào trong tay bọn cầm quyền Hà Nội thì chúng bắt đầu nhìn sang hải ngoại để đánh phá cộng đồng chúng ta để đẩy chúng ta vào chỗ suy vong.

Một mặt, qua hình thức kinh tài, địch vận, văn hóa vận, lũng đọan các tổ chức của chúng ta, gây chia rẽ qua Nghị Quyết 36 thâm hiểm của chúng; mặt khác thì tìm mọi cách chiêu dụ để moi tiền chúng ta đem tiền về nước đầu tư, "xây dựng quê hương", trường học, bệnh viện cho chúng,v.v., rồi dùng tiền này đem qua cho cán bộ chúng bên này đánh phá lại chúng ta.

Cộng đồng VN tại hải ngoại rất là mạnh vì có học thức cao, tích lũy nhiều sau 35 năm lập nghiệp, dân số đã lên đến ba triệu người nhưng có nhiều khuyết và yếu điểm mà CSVN đang lợi dụng triệt để như:

* AN PHẬN, KHÔNG CÓ THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ RÕ RỆT, MAU QUÊN QUÁ KHỨ ĐAU THƯƠNG, TỰ CAO TỰ ĐẠI VÀ THIẾU ĐOÀN KẾT.

Khi thấy một người ăn nói ba láp có lợi cho CSVN thì thường bỏ qua không dám lên tiếng sợ liên lụy hay mất lòng hay cho rằng ăn thua gì kệ họ.
Nếu CSVN thành công trong việc hủy diệt tiềm năng của chúng ta bên này thì còn có thì giờ ngồi hối hận vì sự "không dám lên tiếng" của mình hay không?.

Chúng ta cần phải đề cao cảnh giác rằng người Mỹ đang công khai nối lại, làm ăn, giao dịch với CSVN và CSTC cho nên họ không muốn chúng ta đi ngược lại chính sách của họ.
NHƯNG, việc của người Mỹ thì họ cứ làm
Công cuộc chống Cộng của chúng ta , ta cứ làm.
Không phải Mỹ họ không chống Cộng nữa thì chúng ta buông xuôi hay theo Mỹ chạy về VN làm ăn, sinh sống hay trở cờ.

Hành động xịt hơi cay vào ĐVH của anh Lý Tống, tuy là một việc nhỏ của một cá nhân anh hùng mà tôi vô cùng kính phục nhưng đã làm cho bọn văn công VC phải khựng lại, bọn cai thầu văn nghệ không còn coi thường cộng đồng chúng ta nữa, và bọn CSVN phải xem xét tín tóan lại.

Hoa kỳ trong thập niên 50 phong trào chống Cộng lên cao nhất là nhờ những người như TNS Mc Cathy (Cathyism).

Bức tường Bá Linh sụp đổ cũng một phần nhờ TT Ronald Reagan, TT Gorbachev và bao nhiêu là anh hùng vô danh đã tranh đấu và hy sinh cho tổ quốc của họ.
Tự Do cho quê hương VN không thể tự nhiên nó đến vì Tư Do không ai cho không mà là kết tinh của bao nhiêu sự tranh đấu bền bỉ của cả một dân tộc (như Độc Lập sau ngàn năm Bắc Thuộc).

Lịch sử VN sau này sẽ phán xét nếu chúng ta thờ ơ với vận mệnh Quốc Gia hiện nay hay sống quá tiêu cực và vinh thân phì gia mặc cho đồng bào và các tôn giáo trong nước vẫn đang bị đàn áp, bắt bớ giam cầm tù đầy hãm hại bởi sự cai trị hà khắc của Đảng Độc Tài Cộng Sản.
  
Chào Đoàn Kết!

Ngôi Chùa Bỏ Hoang  

Bút Ký của: Phạm G. Đại


(Lời Tác Giả: Nhân dịp năm mới Canh Dần 2010, chúng ta thử trong một khoảnh khắc tưởng tưởng như đang sống lùi lại thời gian hơn nửa thế kỷ trước để đi vào câu chuyện có thật về một ngôi chùa trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung nằm ven đô thành phố Sàigòn năm xưa. Kính dâng lên hương linh của Thầy Tâm, cố Hòa Thượng Thích Thiện Chánh)

Ngôi chùa Thới Bình với bức tường gạch xây chung quanh, nhìn từ xa thì trông như một cái am lớn dành cho những người muốn tìm một nơi chốn yên tịnh để quên đi những phiền toái và trầm luân của cuộc đời. Khi vào bên trong sân để vãn cảnh thì thấy chùa cũng khá rộng và khang trang, gần cuối sân có một cây đa cổ thụ với tàng cây che phủ rợp cả một góc sân chùa nhưng hình như thiếu tay người chăm sóc cho nên cỏ mọc đầy cả sân và tường thì loang lổ nhiều chỗ vị thấm nước mưa, trong chánh điện thì một lớp bụi dầy phủ trên nền xi măng và nhện giăng mấy góc.

Theo dân mấy thôn làng kế bên kể lại thì trước kia đây là một doanh trại của lính Lê Dương thuộc quân đội Pháp trấn đóng để bảo vệ cửa ngõ vào thành phố Sàigòn. Sau khi đại đội lính Lê Dương rút đi thì một thời gian sau người ta thấy ngôi chùa được xây dựng lên với sự đóng góp tài vật của dân làng và những gia đình mộ đạo Phật và bá tánh trong vùng lân cận và do lực lượng công binh của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đảm nhiệm phần kiến tạo.

Mấy năm trời sau khi khánh thành ngôi chùa nhưng vẫn chưa tìm ra được vị sư để trụ trì vì thời gian đó luật quân dịch không chừa một ai và các chú tiểu hay nhà sư đến tuổi vẫn phải thi hành nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ.
Đại Đức Minh Tâm, pháp danh Thích thiện Chánh lúc đó 22 tuổi cũng nằm trong số những vị sư được đưa vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để thụ huấn về quân sự.

Thầy đã qui y Tam Bảo từ thuở nhỏ lúc còn để chỏm và theo học đạo với Sư Ông từ lúc thiếu thời tại chùa Châu Viên nằm dưới ngọn Núi Lớn thuộc vùng Thất Sơn, tỉnh Châu Đốc.

Thất Sơn là vùng linh địa với bẩy ngọn núi và có lẽ là nơi quy tụ nhiều chùa chiền nhất trong nước và cũng là nơi nổi tiếng về sự linh thiêng huyền bí. Thất Sơn là nơi mà dân gian truyền tụng rằng Đức Phật Di Lặc là vị Phật Tương Lai sẽ hiện thân xuống trong Hội Long Hoa và khi đó thì thế giới mới có hòa bình và hạnh phúc thật sự mới đến với nhân loại.

Ước mơ của thầy là được xuất gia nương nhờ cửa Phật để theo chân Đức Phật Tổ, nhưng quốc gia đang trong thời chinh chiến nên thầy đành tuân theo luật pháp, tạm gác việc tu hành để làm tròn bổn phận của người dân.
Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lúc đó là Thiếu Tá Trần Tử Oai một hôm nằm mộng thấy một vị Bồ Tát hiện xuống với ánh sáng chói lòa mà ông nghĩ rằng đó là Đức Phật Bà Quán Thế Âm. Ngài nói rằng trong tay Thiếu Tá đang có một viên ngọc quí và hiếm, hãy cho người đó được trở lại cuộc sống tu hành và cho về trụ trì ngôi chùa bỏ hoang kia thì sẽ được nhiều phước đức.

Buổi sáng khi thức dậy Thiếu Tá Oai vẫn còn ghi nhớ như in giấc mộng thần linh tối hôm qua nhưng bán tín bán nghi nên bèn kêu viên sỹ quan phụ tá tìm xem thử trong đám người mới nhập trại có ai tên là Minh Tâm hay không.

Sau khi được xác nhận là có một vị đại đức tên họ tục danh như vậy, ông bên cho kêu vào để gặp mặt. Khi thấy Đại Đức Minh Tâm với khuôn mặt hiền hòa và từ con người của thầy như toát ra một cái gì thật là nhân hậu thì ông nổi giận và gọi viên Trung Úy vừa thì hành xong nhiệm vụ đưa các tân binh vào Trung Tâm để thi hành nghĩa vụ quân dịch và khiển trách viên sỹ quan này sao lại bắt một người tu hành như vậy.

Đại Đức Tâm liền được thả ra khỏi trại lính và được đưa qua trụ trì chùa Thới Bình để thầy từ nay sẽ lo vấn đề đạo pháp cho các tân binh và sỹ quan tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Từ khi thầy về trụ trì thì ngôi chùa Thới Bình được tu sửa quét vôi lại và dân làng chung quanh lại được nghe tiếng tung kinh gõ mõ và tiếng chuông chùa ngân vang mỗi khi chiều xuống.

Chẳng bao lâu sau thì Chùa Thới Bình trở thành một ngôi chùa được nhiều thiện nam tín nữ kể cả các tân binh quân dịch đến thăm viếng, nhất là những ngày Rằm và Lễ Tết trong năm. Bên cạnh chánh điện là một căn phòng nhỏ được thiết trí thành một nơi để thờ vong linh những người quá cố.

Dân làng bên và ngay cả một số gia đình từ Sàigòn cũng đem ảnh thân nhân quá vãng của họ đến để tại chùa để mong thân nhân họ được nghe kinh kệ và sớm siêu thoát.

Thế rồi trong Trung Tâm bỗng xôn xao vì một tin là nhiều tân bình quân dịch thường hay bị quấy phá ban đêm khi đang say ngủ bởi những ma nữ dấu mặt.

Các tân binh thường vẫn ngủ chung với nhau trên những sạp bằng ván gỗ trong những lán trại, nhiều người trong đêm bỗng giật mình thức giấc vì có những bàn tay lạnh toát đang kéo giật chân mình hay đầu tóc họ hoặc phà hơi lạnh vào gáy của họ.

Gọi là ma nữ dấu mặt vì nhiều tân binh khi tỉnh dậy thì đều thấy giống nhau là có hai bóng người nữ mảnh mai trắng toát đi lướt ngang qua nhưng không nhìn rõ được mặt của họ.

Tin nầy loan truyền đến tai của vị chỉ huy trưởng trung tâm nhưng ông cho rằng các tân binh ban ngày luyện tập nhiều quá và mỏi mệt nên đêm thường ngủ mộng mị như vậy mà thôi chứ làm gì có ma quái nào. Có tân binh đem chuyện ma nữ nhát họ qua kể cho thầy trụ trì chùa Thới Bình nghe và hỏi ý thầy thì thấy thầy nghe rất là chăm chú và có vẻ trầm ngâm như đang suy nghĩ và đối chiếu một điều gì.

Sự việc đó lại xảy ra lần nữa nhưng không phải trong trung tâm mà ngay tại chùa Thới Bình.

Một buổi tối lúc trời đã khuya rồi, và thầy Tâm đang cùng một chú tiểu nữa đang ngồi trong chánh điện để tụng kinh niệm Phật thì thấy nghe như gió thoảng qua từ phía cuối sân chỗ cây đa cổ thụ và cái giếng nước có tiếng ai đang than khóc thảm thiết và tiếng những miếng gach đá ném lên nóc chánh điện.

Thầy từ từ đứng dậy và khoác trên vai một miếng vài thô có dệt những sợi chỉ ngũ sắc mầu lóng lánh và một tay cầm chiếc roi mây và tay kia lần chuỗi hạt bước ra cửa và hướng về phía giếng nước.

Thầy thấy hai bóng trắng vừa vụt chạy như bay quanh miệng giếng và quanh cây đa và vừa liệng mấy miếng gạch đá nghe loảng xoảng lên nóc chùa.

Thầy chợt quắc mắt lên và chỉ roi mây về phía hai bóng trắng:
-Các người có khôn hồn thì lại đây nghe ta dạy bảo, không được phá phách như vậy!
-Ta nói các người có nghe không? Các người ở đâu và cớ gì đến chùa phá phách?

Hai bóng trắng như khựng lại một lúc rồi vụt bay tới quỳ xuống dưới chân thầy và gục đầu khóc nức nở.
-Chẳng hay các ngươi có điều gì oan ức nói cho ta nghe. Có phải các ngươi là thủ phạm quậy phá giấc ngủ của các tân binh bên trung tâm hay không? Tại sao các người dám lộng hành như vậy?
-Bạch thầy đúng là chúng con đã chọc phá họ nhưng vì chúng con bị giết quá ư là tàn nhẫn và oan ức cho nên chúng con không siêu thoát được và cứ phiêu dạt bao nhiêu năm nay cho nên mới tìm người quậy phá cho vơi đi niềm u uất trong lòng.
-Hay kể cho ta nghe thì ta sẽ giúp cho còn nếu cứ khuấy động lên như vậy thì chiếc roi này không tha cho hai ngươi đâu nghe chưa?
-Thưa thầy câu chuyện rất dài nhưng chúng còn vì kính trọng đạo đức của thầy nên xin nhờ thầy giúp cho sớm được siêu thoát nếu không chúng con sẽ không bao giờ ra khỏi được nỗi khổ nhục nầy.
Nguyên chúng con là hai chị em trong thôn Hai của làng bên kia cánh đồng, cách đây gần tám năm trước có việc phải đi ngang qua khu trại lính Lê Dương này vào buổi chiều sắp tối thì bị bọn chúng bắt giữ vào trong trại và hãm hiếp hai chị em con cho đến chết rồi ném xác xuống chiếc giếng kia và đổ gạch đá phủ kín giếng nước từ đó.
Gia đình đã đi tìm kiếm khắp nơi và có xin vào cả trại này hỏi thăm nhưng đâu ngờ xác con mình đang nằm dưới giếng sâu kia. Nỗi oan ức và nhục nhã này chúng con cứ mỗi đêm gào thét mãi mà không sao vơi được.
-Hai người nữ tên họ là gì, con cái nhà ai và ở đâu? nếu nói đúng, ta sẽ tìm cách đưa về chùa và sẽ cầu siêu giải oan cho. Thật là oan nghiệt!
-Bạch thầy, chúng con ở nhà gọi là cô Hai và cô Ba, con ông bà N. V. Ng. trong thôn Hai.
-Được rồi! Để mai ta sẽ nhờ người đào giếng xem sao đã.
Hai bóng trăng không còn than khóc nữa và vụt chạy như bay về phía giếng nước và biến mất.
Sáng hôm sau, thầy Tâm bèn qua bên trung tâm và xin gặp vị chỉ huy trưởng để trình bày sự việc và xin một số binh sĩ qua đào giếng để xem sự thật có đúng như hai hồn ma nữ thuật lại hay không.

Chiếc giếng nước này khi thầy về trụ trì thầy thấy nó rất lạ với đường kính rộng đến gần hai thước nhưng lại cạn khô và phủ đầy đất đá và gạch vụn lấp lên đến gần một phần tư của chiều sâu của nó.
Một mặt thì thầy sai chú tiểu vào thôn Hai hỏi dò xem có gia đình nào họ tên như vậy không. Buổi chiều hôm đó có hai ông bà dáng người khắc khổ, chống gậy vào chùa và xin gặp thầy trụ trì.
Lúc đó toán lính đang đào bới đến đáy giếng thi lòi ra hai bộ xương người. Khi đem hai bộ xương với những mảnh vải còn sót lại lên trên mặt đất thì hai ông bà già từ thôn Hai đến đã nhận ra ngay là hai đứa con gái của mình đã mất tích tám năm về trước.

Hai ông bà già nắm lấy tay thầy Tâm mà nước mắt tuôn rơi trên hai khuôn mặt mà những khổ đau đã in hằn lên những vết nhăn của năm tháng.
Hai người con gái xấu số đó cuối cùng đã được yên nghỉ trong cái nghĩa trang nhỏ bé của thôn Hai bên cạnh giòng suối có nước chảy róc rách ngày đêm.
Gia đình đã nhờ người vẽ lại chân dung hai người con và đem qua chùa nhờ thầy để trong căn phòng nhỏ thờ vong để được nghe kinh kệ và sớm siêu thoát.
Từ đó trong trung tâm huấn luyện không còn cảnh ban đêm ma nữ chọc phá các tân binh quân dịch nữa. Chùa Thới Bình nằm trong phạm vi của trung tâm và được các tân binh theo đạo Phật thương yêu gọi là ngôi chùa của Trung Tâm.
Qua thập niên sáu mươi, nhờ công đức đóng góp của các Phật tử, thầy Thích Thiện Chánh này là Thượng Toạ đã xây xong một ngôi chùa mới là chùa Thới Hòa nằm trên đường Quang Trung, Quận Gò Vấp. Thầy rời chùa Thới Bình giao lại cho một vị sư khác trụ trì và về trông coi ngôi chùa Thới Hòa cho đến sau tháng Tư năm 1975 khi Cộng Sản vào xâm chiếm Miền Nam thì thầy Tâm và các vị sư trong Nha Tuyên Úy Phật Giáo thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi cải tạo tập trung.
Thầy và thầy Thích Thành Long, quyền giám đốc nha Tuyển Úy, cùng các vị Đại Đức, các Linh mục và Mục sư khác được thả ra khỏi trại Ba Sao, Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh sau mười ba năm giam giữ.
Khi trở về chùa Thới Hòa thì ngôi chùa này đã tan hoang chỉ còn cái xác chùa. Thầy ra sức tu sửa lại và từ chối ra đi theo chương trình Nhân Đạo của Hoa Kỳ (HO: Humanitarian Operation) để ở lại với ngôi chùa thân yêu của mình cũng giống như tháng Tư năm 1975, thầy đã từ chối rời bỏ Sàigòn để qua Hoa Kỳ theo chương trình di tản của sứ quán Mỹ.
Ngôi chùa Thới Hòa đã được trùng tu trở lại và bắt đầu có đông đảo các Phật tử đến thăm viếng như xưa sau năm năm thầy trở về nhưng đó cũng chính là lúc mà thầy viên tịch, rời bỏ chốn hồng trần này để trở về với cõi vĩnh hằng.

Tản Mạn Về Những Kỷ Niệm Vui Buồn

Hồi Ký của Phạm Gia Đại

(Trích Tập San Hôi ngộ CVA646566 2009, Little Saigon, California.)

Trong mọi người đang sống trên miền đất tạm dung nầy, chúng ta đều có những kỷ niệm vui buồn thật là sâu đậm mỗi khi nhớ lại những tháng năm còn sống tại quê nhà. Những người sinh sống tại miệt vườn hay tại các tỉnh nhỏ thì không thể không nhớ đến các khu vườn trái cây sum suê nào mãng cầu, nào ôi, nào mít tố nữ, nào chôm chôm, v.v, nhớ đến những áo ca, những cánh đồng lúa vàng chạy tit chân trời. 
Còn như tôi trưởng thành tại Saigon, thành phố hoa lệ và thường được coi như là Hòn Ngọc Viễn Đông thì kỷ niệm lúc nào cũng đầy ắp và một niềm nuối tiếc không nguôi về những ngày tháng năm cũ trong đó có những năm tháng miệt mài học thi tại trường trung học Trần Lục và trường Chu Văn An.

Cũng giống như hàng triệu người Miền Bắc sau Hiệp Định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, Ba Mẹ tôi đành phải quyết định di cư vào Nam để lánh nạn Công Sản. Lúc đó tôi mới lên 9 tuổi cho nên những ký ức về những thành phố lớn mà tôi đã trải qua thời thơ ấu như Nam Định , Hải Phòng và Hà Nội chỉ là những hình ảnh chưa in đậm rõ nét trong tâm khảm dù rằng lúc đó tuổi thơ ấu tôi đã sống trong nhung lụa của một gia đình khá gia vào bậc nhất nhì thành phố Hải Phòng.

Vào tới Miền Nam vì có cô ruột tôi đã vào trước nên cô tôi thuê cho gia đình Ba Mẹ tôi một căn nhà rất là rộng rãi tại Bến Chương Dương để hai gia đình ở gần bên nhau và Ba Mẹ tôi mở một cửa hàng buôn bán gạo.

Khi việc buôn bán đang phát triển rất khả quan thì Ba tôi sức khỏe suy yếu vì đau buồn đã phải bỏ tất cả tài sản tại Hải Phòng để di cư vào Nam với hai bàn tay trắng.

Mẹ tôi đã quyết định ra Nha Trang, thành phố biển với khí hậu trong lành, để làm ăn và cho Ba tôi dưỡng bịnh. Lúc đó tôi theo học lớp Nhất tại trường Nam và năm sau thì lên Đệ Thất tại trường trung học Võ Tánh, Nha Trang.

Sau hơn hai năm tại Nha Trang, sức khỏe của Ba tôi đã khá hơn và tình hình buôn bán tại Nha Trang cũng không phát triển được nên gia đình tôi lại di chuyển vào lại Sàigòn và đơn về cư ngụ lúc đầu tại Trương Tấn Bửu và sau một năm thì về tại đường Trương Minh Giảng nơi tôi được nhận vào lớp Đệ Lục của trường Trần Lục trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Tận Định.
Đây là ngôi trường mà lần đầu tiên từ khi di cư vào Nam năm 1954, tôi đã có được nhiều bạn bè thân quen và tình bản đó đã gắn bó từ thuở chưa trưởng thành cho đến tận ngày nay.

Năm tôi học Đệ Tứ tại Trần Lục đánh dấu hai sự kiện quan trọng xảy ra trong đời mình. Đó là năm mà Ba tôi sau nhiều năm sức khỏe suy giảm vì đã quá đau buồn và mất đi dù rằng đã được các bác sỹ người Pháp tận tình cứu chữa tại nhà thương Grall, Saigon. Lúc đó Mẹ tôi mới ngoài bốn mươi nhưng tôi thấy Mẹ tôi thật là lớn tuổi và chững chạc lo toan được mọi việc.

Đến bây giờ nhìn lại mới thấy lứa tuổi bốn mươi thật ra còn quá trẻ và Mẹ tôi quả thật rất là giỏi giang mới vượt qua được khoảng thời gian khó khăn và nợ nần chồng chất đó. 
Sự kiện thứ hai là cuối năm Đệ Tứ, tôi đã may mắn thi đậu hạng Bình, Trung Học Đệ Nhất Cấp, những năm sau đó thì kỳ thi này đã được hủy bỏ và học sinh cứ học thẳng lên Đệ Nhị Cấp mà không cần phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp nữa. 
Một người bạn rất thân với tôi lúc còn học Trần Lục chung một lớp là Nguyễn Văn Duyệt và anh cũng đậu hạng Bình, là thứ hạng cao nhất lúc đó tại Trần Lục.
Nhờ đó mà tôi xin qua học Đệ Tam Chu Văn An rất là dễ dàng. Và khi theo học những năm tháng tại CVA, tôi lại có thêm những người bạn mới mà tình bạn hữu vẫn còn kéo dài cũng cho đến ngày hôm nay.

Nói đến những kỷ niệm mà thời đang trưởng thành từ Đệ Tâm đến Đệ Nhất tại CVA thì không thể nói đến các người bạn thân thiết nhất của mình thời đó và những vị giáo sư đã dạy dỗ mình.

Những người bạn thân nhất của tôi thời trung học từ Trần Lục qua CVA rất nhiều những nổi bật nhất là Nguyễn Văn Duyệt và Đặng Trần Đắc.

Nguyễn Văn Duyệt tính tình rất hiền lành và khiêm tốn, anh học rất giỏi nhất là về môn Toán học vì thời đó tôi ở Trương Minh Giảng còn Duyệt ở trong cư xá Trần Quang Diệu (trước là Trương Tấn Bửu) cách nhau chưa đến một cây số và thường chạy xe đạp qua nhà nhau hàn huyên hay học chung và Duyệt cũng từng chỉ dẫn cho tôi nhiều về Đại Số và Hình Học những bài toán hóc búa anh cũng giải ra một cách dễ dàng. Sau này khi rời sân trường CVA năm 1965 thi Duyệt vào học tại Đaị Học Sư Phạm và được bổ về dạy học tại một trung học tại Rạch Giá.

Anh thường mời tôi xuống chơi thăm trường và nói rằng Rạch Giá đẹp lắm nhất là những buổi chiều lúc hoàng hôn ra bãi biển thì nhìn thấy Mặt Trời đỏ hồng đang từ từ lặn xuống sâu dưới biển. 
Đến bây giờ tôi vẫn cứ tiếc nuối mãi là lúc đó một phần quá bận rộn đi làm để giúp thêm cho Mẹ tôi một phần nữa là ba anh trai lớn của tôi đều đã lần lượt nhập ngũ vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, vào trường sỹ quan Hải Quân Nha Trang và vào ngành Quân Y, nên tôi trở thành anh lớn trong gia đình và nhiều việc phải cáng đáng thêm cho nên đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội xuống chơi thăm Rạch Giá và thăm người bạn thân của mình và từ đó đến nay không ngờ là không còn gặp được nhau nữa.

Đặng Trần Đắc thì là công tử con nhà giàu trong lúc đó thì gia đình tôi đang sa sút nhưng không hiểu sao Đắc lại rất thích lui tới chơi với tôi và tôi cũng hàng tuần chạy chiếc xe Vélo Solex cọc kệch lên nhà chơi với Đắc tại đường Hồng Thập Tự. 
Tôi còn nhớ là lúc tôi còn chạy xe đạp thì Đắc đã ung dung lái Vélo Solex rồi và đến khi tôi có được chiếc xe Vélo Solex cũ kỹ mỗi khi đến ngã tư dừng lại thì phải kéo cái cần nó lên và khi chạy đi thì hạ cái cần nó xuống thì Đắc đang lại chiếc Solex đời mới và tự động trông thật là oai. Đắc và Nguyễn Văn Chính hay Chính Móm đã học nhảy Đệ Tam và tốt nghiệp Tú Tài II trước tôi một năm. 
Đắc có người anh trai đang sinh sống tại Pháp cho nên tôi đã đến nhà Đắc để gặp bạn mình chia tay và chúc bạn những điều tốt lành lên đường qua Pháp tiếp tục con đường học vấn. Đắc, sau vài năm đầu vất vả về vấn đề sinh ngữ vị tụi tôi chọn Anh Văn là chính tại trung học, đã dần dần thành công và chiếm đuoc mảnh bằng Tiến Sỹ và giảng dạy tại một đại học bên Pháp mà tôi không rõ tên.

Đó là gương thành công của một trong rất nhiều bạn bè của tôi từ Trần Lục đến CVA, mà tôi không kể hết ra đây được, những người đã làm rạng danh tên trường và làm tôi hãnh diện mỗi khi nghĩ đến các bạn đồng môn đó.

Tôi cũng đến thăm gia đình hai anh em học chung với tôi lúc đó là Nguyễn Hoàng Cương và Tuấn. Ba của Cương và Tuấn mở phòng mạch tại đường Cao Thắng và sau này khi tôi đi tù cải tạo tập trung trở về lại Sàigòn với thành phố đã đổi tên này và môi lần đi qua đường Cao Thắng thì vẫn nhìn vào căn nhà cũ đó dù rằng gia đình bạn mình đã không còn ở đó nữa và nhớ lại những hình bóng cũ thoáng qua.

Một người bạn mà cũng ở rất gần nhà của tôi là Uyên, Bùi Đức Uyên. Từ Trường Minh Giang tôi thường chạy xe rẽ qua Kỳ Đồng và rẽ vào cuối đường Nguyễn Thông để đến thăm Uyên. Tôi thích nhất là nhà Uyên có cái giếng nước và thường đến đó kéo gầu múc nước chơi vì tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố nên những gì thuộc về thiên nhiên và không máy móc thì tôi rất thích.

Về những vì giáo sư đã dạy dỗ tôi tại CVA, ngoài những giáo sư dạy toán rất là hấp dẫn như Nguyễn Văn Kỷ Cương, Bạch Vân Ngà, thì tôi nhớ nhất là Cụ Mại dạy Pháp Văn, thầy Y dạy Việt Văn và một thầy rất trẻ đeo kính rất trí thức, mới ra trường Sư Phạm dạy tôi môn Anh Văn tại Đệ Tam mà tôi chưa nhớ ra được tên thầy. Cụ Mại với làn da trắng hồng hào khỏe mạnh, có lần tôi đã hỏi thầy rằng tại sao thầy có được là đã hồng hảo như vậy, thì thầy mỉm cười nói rằng mỗi buổi sáng khi thức dạy là thầy moi từ trong gầm giường ra chai rượu nếp than và tu một hơi.

Thầy Y thì lúc nào cũng "com-lê" tề chỉnh nhưng lại chạy xe...đạp. Một điều thú vị là mỗi khi sắp dừng xe lại tại đầu ngã tư hay vào sân trường thì thầy nhảy phốc xuống xe mà không cần "phanh" gì hết. 
Sau khi mất miền Nam vào tay Công Sản, tôi cũng như hàng triệu người khác trong chế độ cũ VNCH bị gọi đi cải tạo tập trung và không ngờ nơi chỉ định cho tôi đến để trình diện lại là trường Chu Văn An. 
Sau 10 năm kể từ khi tôi tốt nghiệp trung học đến lúc đó, bất ngờ tôi quay lại trường trong một hoàn cảnh thật là tang thương và cũng bất ngờ tôi gặp lại vị thấy trẻ tuổi dậy Anh Văn tôi lớp Đệ Tam CVA. 
Lúc đó chúng tôi nằm ngồi la liệt trong các lớp học và ra cả ngoài hanh lang nữa với một tâm trạng nặng trĩu ưu tư và đang chờ đêm đến các xe bít bùng sẽ chở đi đến một nơi nào không biết được, thì thầy lặng lẽ đi ngang qua các lớp học đầu hơi cúi xuống, vẫn gọng kính đó vẫn khuôn mặt trẻ và trí thức đó nhưng sao tôi quá nghẹn lời không nói lên tiếng để chào thầy được.

Khi bước chân vào lớp Đệ Tam CVA năm 1962, điều đầu tiên và cảm xúc đầu tiên của tôi là một niềm hãnh diện khi mặc đồng phục là một học sinh Đệ Nhị Cấp CVA. Niềm hãnh diện này lại gia tăng mỗi khi nhìn thấy các nữ sinh Trưng Vương trong tà áo xanh và Gia Long trong tà áo trắng vì thời đó không hiểu sao lại có một sự gán ghép CVA với Trưng Vương và Gia Long cho Petrus Ký; có lẽ vì đã số học sinh tại CVA và Trưng Vương đều là trong gia đình những người Bắc di cư vào miền Nam năm 1954. Đến khi thi đậu Tú Tài I và lên học Đệ Nhất thì niềm hãnh diện lại tăng thêm khi nghĩ rằng bây giờ mình đã là "đàn anh" trong trường rồi và muốn mặc đồng phục hay không cũng không còn bị hỏi thăm sức khỏe như những học sinh các lớp dưới nữa. Các vị giám thị và cụ Tổng khi nhìn thấy các học sinh không mặc đồng phục đi học vào sân trường là các thầy biết ngay chúng nó là lớp Đệ Nhất và giả bộ làm ngơ, ngay cả khi thấy "cúp cua" thì cũng biết rằng tụi tôi đi học thêm các lớp luyện thi hay về nhà "học gạo" thêm bài vở vị học sinh CVA nổi tiếng là học giỏi và chăm chỉ và mỗi kỳ thi đều có tỷ lệ thi đậu rất cao so với các trường khác.


Một biến cố lịch sử xảy ra trong thời gian tôi theo học lớp Đệ Nhị tại CVA là vấn đề có tính cách “kỳ thi Phật Giáo” của chính phủ TT Ngô Đình Diệm. Sự kiện này đã nổ bùng ra sau khi Thượng Tòa Thích Quảng Đức tự thiêu tại trung tâm Sàigòn và các trường học lần lượt biểu tình và bãi khóa. 
Tôi đang ngồi học trong lớp thì những viên đá ném lên loảng xoảng làm bể những cửa kính và các bạn bè dưới sân trường đang hô hào bãi khóa và biểu tình. 
Bên ngoài thì từ lúc sáng sớm đã có những xe cảnh sát và cả xe thiết giáp bao vây quanh trường từ lúc nào rồi và việc gì phải đến đã đến. Học sinh CVA đã xung đột với cảnh sát dã chiến và một người bạn học của tôi lúc đó bị thương tích nhiều nhất là Nguyễn Minh tự là Minh Râu. Một số học sinh nhảy qua tường trốn được còn tất cả đều bị lùa lên xe lưới mắt cáo và về giam giữ tại Quân Lao Gò Vấp. Tôi ở trong Quân Lao được hai ngày thì ông chú tôi là Trung Tá trong Ủy Hội Quốc Tế tại Sàigòn đến bảo lãnh về lại gia đình.

Thời gian trôi qua rất là nhanh và năm 1965 chúng tôi thi đậu Tú Tài toàn phần và mọi người túa ra đi theo một phương như những cánh chim trời bay đến những vùng đất xa lạ.

Tôi vì phải gánh vác thêm giúp Mẹ tôi cho nên đã chọn Văn Khoa để có thể vừa đi làm vừa đi học trong lúc đa số các bạn tôi đã xin được học bổng và lên đường đi du học khắp năm châu và một số khác thì đã lên đường nhập ngũ tòng quân vì tình hình chiến sự lúc đó đang dần dần lan rộng từ thôn quê ra đến các thinh thành và đi đâu cũng nghe bàn tán đến những vụ khủng bố của Việt Cộng như đắp mô gài mìn trên quốc lộ, phá sập cầu cống, giết hại dân lành,v.v.

Sau biến có đau thương mất nước tháng Tư năm 1975, tôi cũng như bao nhiêu trăm ngàn quân dân cán chính khác của chế độ cũ VNCH đã bị cải tạo tập trung, trại tù mọc lên như nấm khắp hai miền Nam Bắc. 
Sau khi được tha ra từ trại giam và đi định cư tại Hoa Kỳ, có nhiều người bạn Mỹ đã hỏi tôi rằng những kỷ niệm nào mà tôi ghi nhớ nhiều nhất thời gian còn ở Việt Nam thì tôi đã trả lời họ rằng thời còn là học sinh Đệ Nhị Cấp tại CVA là đáng ghi nhớ nhất. 
Lý đó là chính trong thời gian theo học tại trường này đã hun đúc cho tôi tinh thần CVA, chăm chỉ học hành theo gương bạn bè, có thêm tinh thần trách nhiệm, và đây chính là thời gian như bản lề cho tôi trước khi chuyển sang giai đoạn bước chân thực sự vào đời. Những gì chúng ta thành công trong trường đời một phần chính là những gì chúng ta đã thâu lượm được trong những năm trung học và đại hoc.

Viết xong vào dịp lễ Memorial Day 2009

Tiếng Việt Từ Ngàn Xưa

Bài Viết của: Phạm G. Đại


Theo ngôn ngữ học thì tiếng Việt là một thứ tiếng nói và viết chỉ có một âm mà thôi (monosyllable: độc âm) và có các dấu sắc huyền hỏi ngã nặng làm cho tiếng nói của chúng ta lúc lên bổng lúc xuống trầm vả lại thay đổi cả ý nghĩa của chữ ấy nữa nếu khác dấu. Người ngoại quốc khi học tiếng Việt đều thấy đây là một sự thử thách khi trau giồi tiếng Việt.

Theo sử liệu ghi lại thì chúng ta có được chữ viết theo alphabetic này là công ơn của một nhà truyền giáo người Pháp là Giám Mục Bá Đa Lộc; một sử liệu khác lại nói rằng Bá Đa Lộc là người đã kiện toàn chữ viết cho chúng ta chứ nó đã có từ trước đó rồi nhưng chưa được hệ thống hoá.

Dầu sao đi nữa, ngày nay khi chúng ta sử dụng tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh mà không phải viết ngoằn ngoèo thì rất là biết ơn người xưa. Bởi vậy, chúng ta cũng phải cố gắng giữ gìn tiếng Việt chúng ta cho chính xác kể cả văn nói lẫn văn viết để không những chúng ta cùng ôn lại ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà còn để nó lưu truyền lại cho các con cháu chúng ta nữa kẻo mai đây chúng nó vốn đã yếu về tiếng mẹ đẻ của mình mà rất để sử dụng sai các từ ngữ làm mất đi vẻ đẹp thuần túy của tiếng Việt mà ông cha chúng ta để lại.

Sau tháng Tư năm 1975 thì những người miền Bắc họ đã đưa vào trong Nam chúng ta những từ ngữ rất lạ lung và quái dị, và cách diễn đạt những tư tưởng của họ cũng rất là phi văn hóa với ngôn ngữ Việt.

Đó là những danh từ mà Công Sản phổ biến trong dân chúng, những từ ngữ này có thể đã được Cộng Sản Việt Nam phỏng dịch từ những từ ngữ mà Cộng Sản Liên Sô và Tàu Cộng sử dụng sang tiếng Việt cho nên nhiều chữ rất là không có trong tư điển hay nghĩa của chúng hoàn toàn khác với chữ vẫn được cha ông chúng ta sử dụng.
Sau này nghe quen chúng ta mới hiểu được là họ người miền Bắc sau năm 1954 muốn nói cái gì.

Điều này cũng xảy ra tại các nước có Đảng Cộng Sản hoạt động như tại Pháp thì người dân Pháp cũng phải thốt lên rằng không biết những người Cộng Sản Pháp này đang nói cái thứ tiếng gì không giống tiếng Pháp thường nhật.

Người Mỹ trước năm 1975 tại Saigon thì gọi những danh từ này là từ ngữ Việt Cộng (VC terminology). Đôi lúc chúng ta quen miệng có thể sử dụng những từ ngữ này mà không để ý. Tuy nhiên, nếu chúng ta cẩn thận và loại bỏ những VC terminology ra khỏi câu chuyện hay đối thoại của mình thì chúng ta đã giữ gìn được sự thuần khiết và đẹp đẽ của tiếng Việt mà cha ông đã để lại cho chúng ta từ ngàn xưa.

Nước Tàu là một nước lớn ngay phương Bắc của Việt Nam và lúc nào từ hai ngàn năm nay họ cũng rắp tâm thôn tính nước Việt thành một tỉnh hay quận huyện của họ và đồng hoá dân tộc chúng ta và bắt dân ta học chữ Hán.
Dù đã nhiều lần bị Bắc thuộc và có lần đã lâu đến cả ngàn năm nhưng ông cha chúng ta vẫn luôn luôn bất khuất và giành lại được giang sơn gấm vóc và chống lại được âm mưu thâm độc muốn đồng hoá chúng ta cũng như giữ gìn được phong tục văn hóa và tiếng nói riêng của người Việt.

Chúng ta đã ghét đến ghê tởm cái chế độ độc tài đảng trị và côn đồ của Công Sản Việt Nam theo gót Tầu Cộng thì chúng ta nhất định không bao giờ sử dụng một ngôn từ nào của chúng.

1      2      3      4      5      6      7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét