Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

HỒI KÝ BAO NỖI TANG THƯƠNG CỦA TÂM NGUYÊN TRÍ LỰC - KỲ CUỐI

1      2      3      4      5      6      7
THẢM TRẠNG NGHIỆT NGÃ CỦA NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN TẠI CAM BỐT
1.     Cài đặt
2.     Đánh lừa
3.     Những hiểm họa của đồng bào Thượng lánh nạn bởi đặc tình cộng sản
4.     Những mối nguy khốn của người Kinh tỵ nạn bởi tình báo mật vụ cộng sản
                                                                                                 
Tình Báo Nguyễn Công Cẩm
Niềm tin tôn giáo là niềm tin mãnh liệt nhất của tất cả mọi người. Đó chính là đời sống tâm linh không thể nào thiếu vắng trong cuộc đời nhiễu nhương loạn lạc này. Đạo Phật đem lòng từ bi trải khắp mọi loài chúng sinh, từ có nghĩa là ban vui, bi là cứu khổ. Thiên Chúa rao giảng tin mừng với đức bác ái là lòng yêu thương và ơn cứu rỗi rộng khắp. Giáo lý Khổng Mạnh lấy đức tính nhân nghĩa làm đầu, rằng mọi người hãy đem lòng nhân từ để đối xử với nhau.

Chủ nghĩa cộng sản vốn dĩ vô thần, xem tôn giáo như là thuốc phiện, mê hoặc và ru ngủ quần chúng. Bởi thế, bản chất cố hữu của chế độ cộng sản là phi nhân, tàn bạo. Chúng ta hãy tưởng nhớ đến những nhà hoạt động tôn giáo trong nước, chỉ vì tận hiến cuộc đời để đi gieo trồng hạt giống nhân từ đức hậu cho chúng sinh, hay đi rao giảng tin mừng cho bá tánh, mà phải mắc vòng lao lý tù đày. Không ít những chức sắc của các tôn giáo đã vĩnh viễn gởi lại nắm xương tàn trong các ngục tù cộng sản. Vào ngày 25 tháng 01 năm 2006, Quốc Hội châu Âu đã thông qua Nghị quyết 1481 lên án các tội ác chống nhân loại của các chính thể cộng sản tại Liên Xô và các quốc gia khác.

     Trong công cuộc đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền; trong đó có hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền cộng sản Việt Nam đang tâm chà đạp, bản thân tôi đã trải qua bao phen vào ra trong ngục tù cộng sản. Nay, biết mà không nói là bất nhân, xin chân thành chia sẻ những nỗi niềm với bao người đang bị bức ép đọa đày bởi chính sách hà khắc của chế độ cộng sản gian ác, nhằm đối phó với những sự lường láo tráo trở,  xảo quyệt điêu ngoa  của bản chất cộng sản.

     Như đã có dịp trình bày với quý độc giả trong và ngoài nước trong các bài trước, do không chịu nổi cảnh cá chậu chim lồng, bởi sau khi mãn hạn tù, tôi còn phải chịu cảnh  5 năm quản thúc. Tôi sống trong tình trạng không có bất cứ một quyền căn bản nào của một con người, tất cả các quyền công dân hoàn toàn bị chính quyền cộng sản tước đoạt, trên mảnh đất Việt Nam thân yêu không còn một nơi nào khả dĩ dung thân. Bởi thế cho nên, tôi không còn sự chọn lựa nào khác, phải đành lòng tìm đường vượt biên giới sang Cam Bốt lánh nạn.


     Sau khi trình diện với văn phòng phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh, trong thời gian chờ đợi cơ quan này cứu xét quy chế tỵ nạn, tên tình báo cộng sản Nguyễn Công Cẩm đã vài ba lần gặp gỡ tôi ngay tại văn phòng phủ Cao ủy. Y đã gạ gẫm tôi, hãy đưa cho y các loại giấy tờ để y giúp dịch sang Anh ngữ, sau đó gửi lên phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để được phỏng vấn và công nhận tư cách tỵ nạn nhanh hơn. Mặc dù tôi đã hết sức cảnh giác, đã khước từ, nhưng rồi không bao lâu sau khi tôi được công nhận quyền tỵ nạn, thì hàng chục hàng trăm tên tình báo mật vụ cộng sản Việt Nam hoạt động tại Cam Bốt trong đó có tên Nguyễn Công Cẩm cũng đã trắng trợn bắt cóc  tôi giữa chốn đông người ngay trước khu chợ Orussey, thủ đô Nam Vang.  Bọn chúng áp giải tôi về trại giam B34 của bộ Công an cộng sản tại Sài gòn, giam giữ một cách nghiêm ngặt để điều tra, xét hỏi. Với lối chứng minh bắt cầu theo nghiệp vụ điều tra kiểu cộng sản, bọn chóp bu an ninh điều tra A24 cho rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức chống phá nhà nước, nên đã kết tội tôi với tội danh ” Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” theo điều 91 luật Hình sự.

1. Cài đặt

     Bước đầu, để phục vụ cho việc điều tra xét hỏi, công an điều tra và quản lý trại giam luôn luôn cài đặt ”ăng-ten”. Chúng đưa những tội phạm hình sự hay kinh tế nhảy xô”, nhằm khai thác thông tin từ các bị can liên quan đến vấn đề chính trị và tôn giáo. Những tay nhảy xô chuyên nghiệp này thường có mức án cao nên mong được giảm án, họ đang lao động ngay tại trại giam, hoăc từ các trại tù cưỡng bức lao động di lý về. Có trường hợp trại giam ngụy tạo ra quyết định thi hành kỷ luật để có cớ đẩy người vào buồng giam, chịu khổ nhục kế như bị cùm chân hòng đánh lừa, đồng thời dằn mặt chúng ta để khai báo. Trước khi nhận lãnh công tác nhảy xô, chúng được những tên cán bộ điều tra dặn dò kỹ lưỡng, đồng thời họ được hứa hẹn giảm án, tùy theo mức độ lập công chuộc tội. Qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta không dại gì tâm sự kể lể dài dòng, cứ nói chuyện bình thường, vô thưởng vô phạt. Khoảng thời gian chừng một tuần, hay mười ngày, kẻ ăng-ten lại được gọi ra làm việc kết hợp với việc thăm nuôi, y sẽ báo cáo những thông tin nghe ngóng được từ chúng ta. Ăng-ten sẽ được thay đổi liên tục, tôi có cơ may đã cảm hóa được nhiều người, khiến họ phải thú nhận ngay từ những buổi đầu được giao nhiệm vụ nhảy xô, nên tôi được hiểu thêm phần nào những trò lọc lừa của bọn điều tra.

2. Đánh lừa

     Đây là trường hợp trại giam B34 Sài Gòn ngụy tạo tình huống nhằm đánh lừa tôi. Ngày 25-07-2002, tôi bị bọn công an tình báo mật vụ cộng sản Việt Nam hoạt động tại Cam Bốt bắt cóc đưa về Việt Nam. Có những buổi hỏi cung, chúng đưa thêm công an điều tra vào, như thể lấy thêm lời khai của tôi để sang thẩm vấn người chung vụ với tôi,  để tôi lầm tưởng rằng, người đồng hành với tôi cũng đã bị bắt, khiến tôi phải thành thật khai báo, ngụy tạo ba mặt một lời. Thêm nữa, trước khi chuyển tôi sang buồng biệt giam ở một khu khác, tôi sẽ ở chung với bị can A, công an trại giam xếp đặt một người nào đó như thể bị tạm giam ở gần buổng với A,  nêu tên xưng họ, quê quán và giọng nói (Nam, Trung hay Bắc) y chang như thiệt. Sau đó, A sẽ nói lại với tôi rằng, y có nghe được giọng nói người tên đó họ đó, để tôi lầm tưởng, người đồng sự cũng đã bị chúng bắt giam ở đây  rồi, phải thành thật khai báo thôi, vì nghĩ rằng, nếu mình không khai thì có thể người kia cũng khai ra. Thế nhưng, hình như tôi có linh cảm và không tin đó là sự thật, tôi bèn rà hỏi một gã công an trại giam vào đưa cơm, gã công an ấy xác nhận chắc chắn rằng, ở trại giam B34 này, không có ai tên họ như vậy. Thế là, bọn chóp bu điều tra bể mánh đánh lừa.
     
        Sau khi mãn hạn 20 tháng tù, Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã điều đình với chính phủ  Thụy Điển đồng ý cho tôi được tỵ nạn chính trị tại vương quốc này theo quy chế tỵ nạn ngày 28.06.2002 vẫn còn hiệu lực. Tại xứ sở này, tôi lại có cơ duyên thường xuyên được tiếp xúc gặp gỡ và trao đổi chuyện trò với những người Thượng Tây Nguyên hiền lành chất phát, được biết họ chạy sang lánh nạn tại Cam Bốt vào những năm gần đây. Chính những người đồng cảnh này lại là nguồn cung cấp thông tin vô cùng chính xác và trung thực, về những hiểm họa mà cả đồng bào Thượng lẫn người Kinh tỵ nạn  phải đối mặt từng giờ từng ngày tại xứ Chùa Tháp. Những đồng bào Thượng này vẫn chưa hoàn hồn và thỉnh thoảng không cầm được nước mắt, khi họ chân tình kể cho tôi nghe những thông tin về những hoạt động tình báo của bọn mật vụ cộng sản Việt Nam. Họ cũng chỉ đích danh tên tình báo đội lốt người tỵ nạn Nguyễn Công Cẩm, cùng những đe dọa của bọn chúng đối với những người Thượng và người Kinh tỵ nạn tại đó như thế nào?

3. Những hiểm họa của đồng bào Thượng lánh nạn bởi đặc tình cộng sản

Người Thượng xin tỵ nạn tại Cam Bốt (Hình: AFP)
     Những người Việt gốc Kinh từ Việt Nam sang đây lánh nạn, cũng như những người tỵ nạn thuộc các dân tộc khác đến từ châu Phi, Trung Đông hoặc Trung Cộng được gọi là Urban Refugees. Sau khi họ đã trình diện với phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc để xin tỵ nạn, thì họ phải tự thuê mướn nhà cửa để tạm trú qua ngày cho đến khi được phỏng vấn, được cấp giấy tạm thời, quy chế tỵ nạn, sau đó họ được đi định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó. Liên Hiệp Quốc sẽ không thiết lập trại tỵ nạn cho nhóm này, nên vấn đề an ninh hết sức mong manh. Bởi lẽ,  theo nhận thức của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn tại đây, thì nhóm những người tỵ nạn này có khả năng xoay xở, cũng như có điều kiện kiếm sống qua ngày, ngay tại đất nước tạm dung. Thêm nữa, chính phủ hoàng gia Cam-Bốt phải cho phép họ tạm dung theo Công ước Quốc tế về người tỵ nạn năm 1992 mà Cam Bốt đã đặt bút ký kết.

     Khác hẳn với nhóm này, đối với các sắc tộc thiểu số khác từ Việt Nam sang đây lánh nạn, đa số là đồng bào Thượng ở vùng Tây Nguyên, Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc thấu hiểu rằng, họ không đủ trình độ hay khả năng để hội nhập với xã hội Cam-Bốt. Họ cũng không thể nào tự xoay xở để kiếm kế sinh nhai, hoặc có thể trang trải các khoản tiền thuê nhà. Ngoài ra, chính phủ Cam-Bốt cũng không cho phép họ tạm dung trên đất nước Chùa Tháp này. Bởi thế cho nên, Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc phải thiết lập ba trại tỵ nạn: trại 1 tọa lạc ở thủ đô Phnom Penh, trại 2 tại khu vực Tuol Kork và trại 3 ở khu vực Toeuk Thla. Ngay sau khi trình diện với Cao ủy tỵ nạn, tất cả những người Thượng Tây Nguyên được tập trung vào trại 2 để chờ phỏng vấn. Sau khi được phỏng vấn, họ sẽ được thuyên chuyển sang trại 3 để chờ kết quả. Đến khi phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc thông báo kết quả, người nào được công nhận tư cách tỵ nạn, sẽ được chuyển qua trại 1 để chờ lên đường định cư tại một nước thứ ba. Còn lại những người bị từ chối tư cách tỵ nạn, họ sẽ được đưa trở lại trại 2 đề chờ ngày bị cưỡng bức hồi hương.
     Dù ở trại nào chăng nữa, mỗi người Thượng đều được cung cấp chỗ nghỉ ngơi khoảng chừng ba mét vuông và được cung cấp lương thực tối thiểu vừa đủ để sống qua ngày. Những người Thượng đáng thương khi kể chuyện với tôi, họ vẫn không khỏi bàng hoàng và bật khóc, khi nhắc đến hàng rào an ninh rất nghiêm ngặt bởi những tên tình báo cộng sản Hà Nội  mang quốc tịch Cam Bốt, chúng sử dụng thành thạo ngôn ngữ Khmer. Ngoài ra, cũng có cả một số nhân viên an ninh người Khmer đã từng được đào tạo nghiệp vụ tình báo tại Hà Nội. Chỉ huy tất cả lực lượng này là tên trung tá an ninh đang làm việc cho bộ Nội vụ Cam Bốt mang tên Ly Heng, đích thị là tên Nguyễn Công Cẩm, người Việt tỵ nạn ở đây đã từng vạch mặt chỉ tên hắn ta. Nguyễn Công Cẩm có vỏ bọc là người tỵ nạn được phủ Cao ủy công nhận, song thực chất chính là loài lang sói quỷ đỏ được sản sinh ra bởi tập đoàn cộng sản Hà Nội. 

     Chính vì lý do này, mặc dù khi tiếp xúc với các nhân viên của phủ Cao ủy tỵ nạn, họ được cam kết chắc chắn rằng, tất cả hồ sơ, thông tin và lời khai về nhân thân của người xin tỵ nạn sẽ được bảo mật, nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược với những cam kết đóBởi chỉ sau khoảng vài  ba ngày trình diện với Cao ủy tỵ nạn, thì oái oăm thay, những lời khai báo về những sự áp bức, khủng bố hay việc cướp đoạt đất đai bởi chính quyền cộng sản đã được phía Việt Nam nắm rõ. Ngoài ra, toàn bộ hồ sơ, hình ảnh... đã từ những bàn tay lông lá của những tên mật vụ này chuyển về đến tận buôn làng của họ. Thế là, bọn công an ở các buôn làng này mặc tình tự tung tự tác. Chúng mời thân nhân của người tỵ nạn lên tra hỏi và cho xem bằng chứng, hình ảnh, lời khai... Đồng thời, chúng ép buộc những người này phải liên lạc thuyết phục người thân của mình ở Cam Bốt quay về đầu thú, hoặc tự nguyện hồi hương.


Tên mật vụ Cộng sản Nguyễn Công Cẩm

     Ngoài những trò bỉ ổi lường láo đó, Ly Heng tức Nguyễn Công Cẩm còn chỉ đạo cho các trưởng trại phải móc nối một số người Thượng nhẹ dạ cả tin trong trại. Những người Thượng này sẽ làm ăng-ten hay tố giác chỉ điểm cho chúng về những trại viên có hành vi chống đối, hoặc là những trại viên nào thường nhảy hàng rào trốn ra ngoài, để tiếp nhận sự trợ giúp của nhóm tỵ nạn người Kinh. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên tiếp nhận những kế hoạch biểu tình phản đối sự đàn áp và cưỡng bức hồi hương của bộ Nội vụ Cam Bốt ngay trong trại. Những người này chắc chắn phải đối diện với những khó khăn về pháp lý, khi họ bị ép buộc  phải quay trở lại buôn làng tại quê nhà như trường hợp Mục sư A Đung.

     Bọn tình báo mật vụ này còn dối trá với những lời hứa hão huyền, rằng ai cung cấp được nhiều thông tin về những người tỵ nạn chống đối khác, thì người ấy sẽ sớm được cấp quy chế tỵ nạn và sẽ sớm được đi định cư. Bởi thế, không ít người Thượng đã vào cuộc. Họ chỉ điểm và tố giác lẫn nhau, khiến cho không khí chia rẽ và hận thù trong mỗi trại ngày càng sôi sục trầm trọng. Thảm trạng này tăng cao đến mức báo động, khiến nhiều người phải vượt qua nhng mối hiểm nguy để vượt trại vào giữa đêm hôm khuya khoắt, ngõ hầu mong thoát được cái bẫy giết người và cảnh địa ngục trần gian này. Đó chính là cõi A tỳ địa ngục mà bọn công an mật vụ tình báo nối dài cánh tay quyền lực cho đảng Cộng sản Việt Nam cùng với bộ Nội vụ Cam Bốt lập nên. Chính quyền cộng sản Việt Nam và Cam Bốt đã nhẫn tâm đọa đày các sắc tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đang bị truy bức, đàn áp. Quyền sống của họ đang bị chà đạp một cách trắng trợn ở quê nhà và ngay cả trên xứ sở Chùa Tháp nữa.


4. Những mối nguy khốn của người Kinh tỵ nạn bởi tình báo mật vụ cộng sản  

     Số lượng người Việt gốc Kinh tỵ nạn tại Cam Bốt không nhiều, so với đồng bào  thuộc các sắc tộc thiểu số, có khi lên đến con số gần hai nghìn người. Thời điểm được xem là cao điểm, khi người Kinh trốn sang Cam Bốt lánh nạn vào năm 2007, con số lên đến khoảng chừng tám chục người. Tuy nhiên, bộ Công an cộng sản Việt Nam cũng cảm thấy hết sức quan ngại, bởi vì nhóm những người Kinh tỵ nạn xuất phát từ nhiều thành phần mà không ít là hàng trí thức. Trong số đó, có những sĩ quan, binh sĩ thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa; nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã từng có những hoạt động đòi hỏi tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở quê nhà. Nhóm người Kinh này dù số lượng không đáng kể, nhưng lại có khả năng tổ chức tốt, vẫn còn tâm huyết với phong trào dân chủ quốc nội. Thêm nữa, đây chính là trung tâm trợ giúp tinh thần lẫn vật chất cho cả người Kinh và đồng bào Thượng tỵ nạn giữa chốn đất khách quê người.

     Trong thời gian sang lánh nạn ở đây, tôi đã tìm hiểu được rằng, ngoài cơ quan tình báo đặc vụ có trụ sở tại Đại sứ quán cộng sản tại Nam Vang, còn có một hệ thống chân rết tình báo gián điệp hoạt động trên khắp lãnh thổ Cam Bốt lên đến hàng nghìn tên. Chúng núp dưới lớp vỏ thương gia, doanh gia, chủ thầu xây dựng, kết hôn với người bản xứ... Đa số những tên này là bộ đội, cán bộ cộng sản Việt Nam, chúng được cài cắm lại trưóc khi rút quân ra khỏi Cam Bốt vào đầu thập niên 90. Nhiệm vụ của bọn đc tình này là theo dõi nhất cử nhất động của mọi người dân Việt định cư trên đất nước Chùa Tháp, cũng như những người Việt vãng lai tại đây. Ngoài ra, chính quyền cộng sản Việt Nam cũng đã cài đặt một tên tình báo cao cấp vào hàng ngũ người Việt tỵ nạn. Với cái vỏ bọc tỵ nạn chính trị, tên này không những gần gũi với những người Việt tỵ nạn, mà còn dễ dàng tiếp cận với văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh, cùng với những cá nhân hay tổ chức quốc tế có những hoạt động trợ giúp nhóm những người Việt tỵ nạn tại đây. Chính quyền cộng sản độc tài toàn trị hình như đã thành công trong thủ đoạn này. Bởi lẽ như chúng tôi đã trình bày, ngoài cái vỏ bọc của một người tỵ nạn mang tên Nguyễn Công Cẩm,  tên tình báo này còn là một nhân viên an ninh cấp tá của chính phủ hoàng gia Cam Bốt mang tên Ly Heng.

     Tôi đã từng gặp mặt Nguyễn Công Cẩm tại văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh. Thật tình mà nói rằng, y có một thái độ lễ phép, lịch thiệp và hòa nhã một cách hết sức nghiệp vụ, nên người tỵ nạn mới gặp gỡ lần đầu rất dễ bị mắc lừa. Theo lời kể của những người tỵ nạn lâu năm, những người này đã biết quá rõ chân tướng của y, thì hắn ta hết dụ dỗ lại hăm he. Đã có lần y đem lời đường mật để câu nhử anh Ngô Văn Tài là người tỵ nạn làm chỉ điểm viên cho y với nhiều hứa hẹn, nhưng đã bị anh ấy khước từ. Y đe dọa bằng những cách hành xử y chang bọn xã hội đen, đối với bất cứ ai dám tố giác y trước Cao ủy tỵ nạn hay các cơ quan quốc tế đang hoạt động tại Cam Bốt. Mặt khác, y xoa dịu rằng, các anh chị hãy an  tâm, dù tôi có lên cấp tướng hoặc làm gì đi nữa, thì cũng không bao giờ quay lại hãm hại anh các người đâu.

     Đối với những người mới sang lánh nạn sau năm 2005, ngoài những cựu đảng viên của đảng Nhân Dân Hành Động và của Chính Phủ Tự Do, dường như không ai biết được Nguyễn Công Cẩm là ai? Đây chính là lợi điểm cho tên tình báo mật vụ này trong sự tiếp cận với họ. Một mặt y thu thập thông tin về lý lịch nhân thân, mặt khác y tung hỏa mù nhằm gây ly gián, bằng một số thông tin bâng quơ cho rằng, những người tỵ nạn kia chính là mật vụ hoặc tình báo của cộng sản đánh đi. Tiếc thay, có một số anh em dân chủ tuổi trẻ nhẹ dạ không tin rằng, tên Cẩm chính là công an mật vụ tình báo của cộng sản Việt Nam, mặc dù hàng ngày họ vẫn thấy tên này trong quân phục an ninh Hoàng gia Cam Bốt mang quân hàm trung tá, đi đâu cũng lè kè súng ống hẳn hoi.

     Đầu năm 2005, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam ra đời. Chi hội tại Cam Bốt cũng đã được người tử tù Nguyễn Phùng Phong đang tỵ nạn tại đây làm đại diện, nhằm tương thân tương tế người đồng cảnh gặp lúc khó khăn. Chính sự ra đời của Chi hội này, nên đã hơn một lần khiến cho người cựu tử tù này phải đối mặt với một vụ mưu sát của những sát thủ thuộc cơ quan tình báo cộng sản tại Nam Vang.

     Ngoài ra, tổ chức Trà Đàm Dân Chủ tập hợp mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước. Họ có cơ hội gặp gỡ nhau để nói lên niềm thao thức và luận đàm về hiện tình đất nước mà thôi. Thế mà báo chí của chính quyền cộng sản Việt Nam lên tiếng đả kích, bôi nhọ, bằng những luận điệu hết sức vu vơ, để kiếm cớ truy bắt các vị này. Trong khi đó, tên Cẩm mang lốt tỵ nạn vẫn nghênh ngang giữa phố chợ đông người với súng ống và quân phục hẳn hoi. Giả sử rằng, nếu y là người tỵ nạn đích thực, thì liệu tình báo mật vụ cộng sản dày đặc ở đây có để yên hay không? Đáng tiếc thay, một số anh em của chúng ta vẫn không nhận ra chân tướng của tên tình báo này, đến nỗi nhà  dân chủ trẻ Lê Trí Tuệphải sa vào tay của chúng nó, mãi cho đến nay, vẫn không ai biết số phận anh ấy sống chết ra sao!

     Xin cảm ơn những đồng bào ruột thịt của chúng ta hiện đang định cư tại Thụy Điển, các vị đã chân tình góp thêm tiếng nói với chúng tôi, ngõ hầu vạch trần những âm mưu và thủ đoạn hiểm độc của chính quyền cộng sản Việt Nam. Về hình thế địa lý, xứ Chùa Tháp là đất nước duy nhất mà những nhà dân chủ, những nhà bất đồng chính kiến trong nước lúc bị đàn áp, họ có thể vượt biên giới sang đó bằng đường bộ. Đặt bút viết bài này, không ngoài mục đích chia sẻ thông tin và lên tiếng cảnh giác cho những ai đang bị chế độ cộng sản truy bức đọa đày ở quê nhà, khi không còn sự lựa chọn nào khác, đành lòng phải tìm đường sang đây lánh nạn. Mong rằng, sau khi được tái định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó, quý vị sẽ hoan hỷ góp tiếng nói cùng chúng tôi, nhằm chỉ tên vạch mặt những tên tình báo mật vụ cộng sản tại Cam Bốt đang ngày đêm gieo rắc tai họa cho người Việt tỵ nạn chúng ta.

     Ước mong rằng, với những thông tin được thu thập ở đây, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Quan sát Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, cùng các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, sẽ có cơ sở ngõ hầu trợ giúp và bảo vệ người Việt tỵ nạn một cách hữu hiệu hơn. Đồng thời, tôi cũng khẩn thiết kêu gọi chính quyền cộng sản Việt Nam hãy ngưng ngay tội ác chống lại những người bất đồng chính kiến, những người đang ngày đêm đòi hỏi tự do, dân chủ và quyền con người trên đất nước Việt Nam thân yêu. Bởi lẽ, những nhà dân chủ, những nhà bất đồng chính kiến là những người yêu nước đích thực. Những người này đang ngày đêm mong muốn cả dân tộc Việt Nam được ấm no hạnh phúc. Họ ước mơ tổ quốc giang sơn Việt Nam được hưng thịnh, phú cường. Các vị ấy không phải là mối đe dọa hiểm nguy đối với tổ quốc và dân tộc Việt Nam, mà chính bè lũ Tàu cộng đang mượn cớ đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên mới là hiểm họa khôn lường, đối với sự tồn vong của tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Tập đoàn bộ Chính trị cộng sản Hà Nội đã và đang tiếp tay với quan thầy Bắc Kinh để bán đứng đất nước này, mà quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã rơi vào tay bọn chúng, đây chính là tội đồ của dân tộc Việt Nam, lịch sử mai hậu sẽ phán xét tội ác này.

     Bao nhiêu năm sống trong cảnh hà khắc dưới chế độ cộng sản, ngần ấy năm người dân Việt phải gánh chịu bao nỗi tang thương, đọa đày khốn khổ. Chúng ta hãy cùng nhau chắp tay thành tâm cầu nguyện, ngưỡng vọng hồn thiêng sông núi, anh linh tổ quốc, thùy từ giáng lâm phù hộ cho con dân Lạc Việt, sớm thoát khỏi sự dày xéo lầm than bởi chế độ cộng sản bạo tàn.

Thụy Điển, ngày 24-05-2009
Trí Lực
  
SUY NGẪM TỪ VỤ ÁN
 CU LỤT GIÚP DÂN

1.     Ngược dòng thời gian
2.     Chính sách tiêu diệt tôn giáo
3.     Mào đầu chiến dịch trấn áp
4.     Cuộc đàn áp nước lũ
5.     Rắp tâm ma mãnh
6.     Hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp và thả tù chính trị là đảng Cộng sản tự mở cho mình con đường sống   
                                                                              
     Cách nay gần mười sáu năm, ngày 6.11.1994, thật khó ai có thể tưởng tượng nỗi, những người tham gia cứu trợ đồng bào đang lâm cảnh khốn cùng bởi thiên tai lũ lụt, trở lại bị một guồng máy công an trị khủng bố, hăm dọa. Một số bị bắt bớ tù đày, toàn bộ phẩm vật và tiền bạc cứu trợ đều bị tịch thu. Theo sau đó, hàng loạt chiến dịch đấu tố, vu khống, xuyên tạc, mạ lỵ trên các phương tiện truyền thông và báo chí nhằm khỏa lấp sự ngang ngược này.

     Chuyện xảy ra có một không hai dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị trên đất nước Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra ở đây, tại sao chính quyền cộng sản lại hành sử một cách càn bừa và thô bạo như vậy? Có lẽ tập đoàn Hà Nội sẽ không còn một cơ hội nào khác để vin cớ bắt giam hàng lãnh đạo và một số Tăng Ni Phật tử trung kiên, nhằm xóa sổ dứt điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Giáo hội vốn dĩ bị chính quyền cộng sản đang tâm đàn áp nghiệt ngã suốt bao năm qua.

1.     Ngược dòng thời gian
     Tháng tư đen năm 1975, Hà Nội xua quân cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, trắng trợn vi phạm các hiệp định và hòa ước đã được ký kết. Hòn ngọc Viễn Đông là miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, dân chúng lầm than dưới gót giày tàn bạo phi nhân, biết bao nỗi đắng cay uất hận đè nặng lên kiếp sống người dân hai miền Nam Bắc.

     Cái gọi là chính sách ”cải tạo công thương nghiệp”, nhưng thực chất là chủ trương cướp bóc trắng trợn tài sản, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn... của dân lành. Đã thế không thôi, chủ nhân còn bị quân cướp bóc bắt bớ, tra tấn, tù đày, của cải tan hoang, gia đình ly tán! Hơn thế nữa, có đến hàng trăm nghìn viên chức hành chính, sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị xua vào cái gọi là trại ”tập trung cải tạo”, mà thực chất là chính quyền cộng sản rắp tâm giam cầm, đày đọa, giết lần giết mòn, nhằm trả thù dân tộc sau cuộc chiến. Nhiều người không chịu nỗi cảnh đói rét, bệnh tật, cộng thêm sự đắng cay lao khổ, nên đành phải bỏ lại nắm xương tàn dưới ngôi mồ hoang lạnh trong trại lao cải này. Suốt năm tháng dài, con cái họ bị phân biệt đối xử ở học đường, nhà cửa bị tịch thu, đành phải ký giấy chấp nhận lên đường đi vùng kinh tế mới, khi được hứa hẹn, người chồng người cha của họ sẽ được trả tự do, nhưng chỉ là lời hứa suông vô vị. Thế nào gọi là vùng kinh tế mới? Nói mới nói mẻ cho hay vậy thôi, chính đây là những vùng đồi núi hoang vu, rừng thiêng nước độc, mìn bẩy hay bom đạn trong thời chiến có thể hãy còn nằm im dưới lớp đất đá hoặc bụi bờ rậm rạp, chưa chừng sẽ phát nổ bất cứ lúc nào. Người dân ở đây phải phát quang rừng rú, khai hoang, cày xới để có đất trồng khoai sắn hoa màu, rủi ro động tới bom mìn là có thể kết liễu mạng sống một cách oan uổng.

     Ngoài ra, hơn cả triệu người dân Việt Nam đành lòng rời bỏ quê hương làng mạc, nơi chôn nhau cắt rốn, để vượt biển ra đi tìm tự do, lánh nạn cộng sản. Quá hơn số phân nửa bất hạnh mất tích trên biển cả bởi cuồng phong bão tố, hay chẳng may gặp bọn cướp biến ngang tàng, hoặc bị chính bộ đội biên phòng cộng sản xả súng bắn chết, chúng là những kẻ máu lạnh, không chút tình người. Số còn lại gặp may mắn được cứu vớt, lần lượt đặt chân đến bến bờ tự do, tạo lập cuộc sống mới ở xứ người.

2.     Chính sách tiêu diệt tôn giáo
     Chế độ cộng sản từ Liên bang Sô viết qua các nước cộng sản vùng Đông Âu, đến Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, đều cùng chủ trương một chính sách tiêu diệt tôn giáo. Chủ thuyết Mác Lê cho rằng, tôn giáo là thuốc phiện, làm mê hoặc và ru ngủ quần chúng.

     Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Giáo hội truyền thống, được truyền thừa suốt chiều dài hơn hai nghìn năm lịch sử. Chính quyền cộng sản đã đang tâm đàn áp nghiệt ngã và đặt Giáo hội này ra ngoài vòng pháp luật. Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ - Viện trưởng và Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN – quý ngài muốn thống nhất Phật giáo hai miền Nam Bắc  nhưng phải là một Giáo hội độc lập, không thể bị xem như một trong những hội đoàn trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản.

     Bởi thế cho nên, vào đầu thập niên 80, hai ngài bị đưa đi quản thúc lưu đày ở quê nhà. Chính quyền cộng sản dựng lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 7.11.1981, làm công cụ chính trị phục vụ đảng và làm chia rẽ nền Phật giáo dân tộc. Tăng tín đồ trung kiên với GHPGVNTN trở thành đối tượng thường xuyên bị guồng máy công an trị sách nhiễu và đàn áp không chút nương tay.

     Điển hình, ngày 2.11.1975, mười hai vị Tăng Ni tự thiêu tập thể tại thiền viện Dược Sư, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, để phản đối Ủy ban quân quản chiếm dụng các cơ sở thuộc Giáo hội. Năm 1978, Hòa thượng Thích Thiện Minh vô cớ bị bắt giam và đã không chịu nỗi những đòn tra tấn dã man của bọn cai ngục đỏ, đưa đến cái chết vô cùng thê thảm trong ngục tù ở đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn.

3.     Mào đầu chiến dịch trấn áp

      Năm 1992, khâm thừa di chúc của trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Chính thư ký kiêm xử lý Viện Tăng Thống, GHPGVNTN – Hòa thượng Thích Huyền Quang phụng mệnh trọng trách tiếp tục lèo lái con thuyền Giáo hội, điều hành mọi Phật sự. Công cuộc phục hoạt GHPGVNTN bắt nguồn, văn phòng lưu vong Viện Hóa Đạo là chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi, chính là nơi ngài đang bị quản thúc nghiêm ngặt.

     Chính quyền cộng sản Việt Nam mào đầu chiến dịch trấn áp nhắm vào GHPGVNTN bằng tài liệu ”Tuyệt mật” mang số 106/PA15-16 của bộ Nội vụ, do Trương Hữu Quốc ký ngày 18.8.1992, ra lệnh cho các ngành công an mật vụ khắp các tỉnh thành phải ”chặt đứt tay chân” khối Phật giáo Ấn Quang, để chẳng còn phương nào hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN.

     Năm 1992, thầy Thích Không Tánh, Thích Trí Lực và giáo sư Nhật Thường bị bắt. Chính quyền cộng sản gán ép tội danh ”Phá hoại chính sách đoàn kết”, theo điều 81, luật Hình sự. Đúng vào thời điểm người hùng Lý Tống tung rải truyền đơn kêu gọi toàn dân đứng dậy lật đổ bạo quyền cộng sản, sau đó ông ấy nhảy dù và bị bắt tại Nhà Bè, Sài Gòn. Lợi dụng sự việc này, công an điều tra tại trại giam đã tìm đủ mọi cách vu khống chúng tôi đã cấu kết với Lý Tống nhằm lật đổ chính quyền. Thế nhưng, họ không có chứng cớ và đã bị chúng tôi cực lực bác bỏ cáo buộc này.

     Tưởng đâu chính quyền cộng sản có thể giam tù kết án chúng tôi một cách dễ dàng, nhưng Hà Nội đã thất bại. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Quan sát nhân quyền...qua sự nỗ lực vận động của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, chính quyền cộng sản đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt để thả chúng tôi, kèm theo lệnh quản thúc vô thời hạn mà không thông qua một tòa án nào phán quyết cả.

4.     Cuộc đàn áp nước lũ

     Mùa đông năm 1994, nước sông Mê Kông lai láng tràn bờ. Hầu hết các tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long ngập chìm trong thác lũ, dân chúng lâm vào cảnh cơ cực lầm than, màn trời chiếu nước. May ra còn có bông điên điển nổi trôi trên dòng nước bạc mênh mông, khả dĩ hái làm thức ăn lót bụng qua cơn đói lả. Trước cảnh thương tâm đó, Hòa thượng Thích Quảng Độ kêu gọi cứu tế đồng bào. Ngài cũng không quên gửi văn thư thông báo cho chính quyền, về việc đoàn cứu trợ của GHPGVNTN sẽ lên đường đến huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp ngày 6.11.1994, đây là một trong những vùng chịu thiệt hại nặng nề.
     Thế nhưng hỡi ôi! Cộng quyền nào có lương tâm, ngày hôm ấy, hàng trăm công an điên cuồng lồng lộn, tìm đủ mọi cách nhằm chặn đứng, bao vây, cô lập các đoàn xe của Tăng Ni Phật tử. Toàn bộ phẩm vật cứu trợ, thức ăn, thuốc men, mùng mền... đều bị bọn chúng tịch thu. Thầy Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực, giáo sư Nhật Thường và Phật tử  Đồng Ngọc đều bị bắt. Đầu tháng giêng năm 1995, công an bắt nốt Hòa thượng Thích Quảng Độ.

     Tội danh tiếp tục gán ép để bắt bớ chúng tôi là tội ”Phá hoại chính sách đoàn kết”, bổn cũ hai năm trước được soạn lại. Chưa đầy một tháng sau, tập đoàn Hà Nội sáng kiến đẻ ra thêm một bổn mới 205a, ”Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”, nhờ Quốc hội bù nhìn thông qua cho có vẻ dân chủ để gán thêm tội. Sau khi hoàn tất các thủ tục tố tụng, tòa án ở Sài Gòn ra quyết định xét xử, nhưng lần lữa ba phen bốn lượt, xử rồi lại hoãn, hoãn rồi lại hoãn tiếp. Bởi lẽ, khoảng giữa năm 1995, chính phủ Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận, đặt quan hệ ngoại giao sau hai mươi năm kết thúc cuộc chiến. Hà Nội cò kè bớt một thêm hai, nhằm kiếm chác điểm tốt nhân quyền.

     Mặc dầu vậy, một phiên tòa giả trá thực thi chỉ thị ”Tuyệt mật” 106 nhắm vào GHPGVNTN, ngày 15.8.1995, tòa án ở Sài Gòn nhận lệnh chóp bu Hà Nội đưa Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực, giáo sư Nhật Thường và Phật tử Đồng Ngọc ra xét xử theo luật rừng xã hội chủ nghĩa.

     Sáng sớm hôm ấy, khi rời chiếc xe tù, chúng tôi đã trông thấy Hòa thượng Thích Quảng Độ ngồi lặng lẽ bên hàng hiên, cạnh vài gã công an áp giải. Lời dạy ngắn gọn của ngài, cho đến nay, tôi vẫn mãi mãi khắc ghi:

-         Hôm nay, chính quyền cộng sản xét xử chúng ta, tôi chỉ khuyên các thầy một điều, không cần tranh luận hoặc chống án, việc làm của chúng ta hôm nay, hãy để cho lịch sử mai hậu phán xét, thế thôi.
     Ôi! Cao cả làm sao! Lời nói của bậc chân tu khả kính.

     An ninh tòa án được thắt chặt, một lực lượng hùng hậu gồm công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được trang bị vũ khí, lựu đạn, dùi cui, roi điện... đến tận răng. Chính quyền cộng sản đã chuẩn bị một cuộc trấn áp dữ dội có thể bột phát từ phía quần chúng và Tăng Ni Phật tử nhằm phản đối phiên tòa. Đồng bào Phật tử tràn ngập trên đường Công Lý ngay trước cổng tòa, qua đến đường Tự Do mà nay được đổi thành: Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do.

     Chúng tôi không cần nhờ luật sư theo yêu cầu của tòa án, bởi chúng tôi tự tin rằng, mình đủ khả năng biện hộ. Thế nhưng, phiên tòa đã bịt miệng chúng tôi như sau này họ đã từng bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa ngày 30.3.2007 tại Huế, họ cắt ngang lời chúng tôi bào chữa. Chúng tôi dự tính trong thâm tâm, vành móng ngựa này chính là diễn đàn dân chủ để vạch trần tội ác lọc lừa, tráo trở, phi nhân của bạo quyền cộng sản. Nếu Hòa thượng Thích Quảng Độ không ân cần dạy bảo chúng tôi lúc sáng sớm, thì có lẽ sự việc đã xảy ra. Công lý ư? Luật pháp ư? Với chế độ cộng sản thì chỉ có luật rừng, hành sử như thời Trung cổ.

(Từ trái sang phải: Hòa thượng Thích Quảng Độ, Nhật Thường, Thích Nhật Ban, Đồng Ngọc, Thích Trí Lực, Thích Không Tánh - Nguồn ảnh: Lê Hiệp, phóng viên hãng thông tấn AP)

     Chúng tôi phá hoại chính sách đoàn kết? Không, chính tập đoàn toàn trị cộng sản Hà Nội, đứng đầu là mười mấy gã trong cái gọi là bộ Chính trị mới chính là những kẻ chủ mưu phá hoại sự đoàn kết của Giáo hội chúng tôi. Chính nhà nước cộng sản đã đang tâm đàn áp nghiệt ngã và đặt GHPGVNTN chúng tôi ra ngoài vòng pháp luật, thay vào đó, dựng lên một Giáo hội công cụ năm 1981. Thứ hai, chúng tôi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước? Thử hỏi, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào, có ai đành đoạn ngoảnh mặt khoanh tay mà nhắm mắt làm ngơ, trước cảnh đau thương khốn khổ của đồng bào ruột thịt đang lâm cảnh cơ hàn? Nhớ đến cố Hòa thượng Thích Huyền Quang, một đời vì đạo vì dân, thì Hòa thượng Thích Quảng Độ thật sự là một bậc dũng khí. Ngài tổ chức đi cứu trợ là thể hiện lòng từ bi cứu khổ của đạo Phật. Sau này, ngày 18.7.2007, ngài cũng đã vượt qua hàng rào canh gác của công an trước thiền viện Thanh Minh, để đến chia sẻ với dân chúng đồng bào đang gánh chịu nỗi oan khuất. bởi nhà cửa đất đai của họ bị mất trắng vào tay quan quyền cộng sản tham nhũng khắp các tỉnh thị thành.

5.     Rắp tâm ma mãnh

     Công cuộc vận động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN vẫn không chùn bước. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền, cộng đồng các quốc gia dân chủ đều lên tiếng hậu thuẫn nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, đồng thời lên án chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền. Bởi thế, tập đoàn cộng sản Hà Nội xoay qua dở trò ma mãnh, rỉ tai một số nhẹ dạ cả tin, rằng họ sẽ chấp thuận cho GHPGVNTN sinh hoạt trở lại, với điều kiện duy nhất, GHPGVNTN không Huyền Quang, không Quảng Độ. Thủ đoạn này chẳng khác gì chính quyền cộng sản cho thay chiếc bình mới, nhưng rượu cũ vẫn y chang, có nghĩa là Giáo hội vẫn chịu sự kiểm soát của đảng và nhà nước. Âm mưu ấy hoàn toàn bị thất bại nhờ sự sáng suốt của Hòa thượng Thích Huyền Quang. Giáo chỉ số 09 do ngài ban hành, ủy nhiệm cho Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo tại Hoa Kỳ toàn quyền điều hành Phật sự Giáo hội, phòng khi Giáo hội trong nước bị chính quyền cộng sản thẳng tay đàn áp, hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội bị bắt giam, sẽ rơi vào tình trạng mọi sinh hoạt hoàn toàn bị tê liệt.

     Nhưng thật đáng tiếc thay, một số cá nhân ở hải ngoại đã không màng đến sự sống còn của Giáo hội ở quê nhà. Họ lại càng không nghĩ đến bao nỗi khổ nhục oan khiên của chư Tăng Ni và Phật tử ngày đêm đang sống trong sự áp bức nghiệt ngã của bạo quyền cộng sản, thế nhưng vẫn quyết giữ chặt một mảnh lòng son, một dạ trung kiên, kham nhẫn, âm thầm chịu đựng và hy sinh để bảo vệ dân tộc và đạo pháp. Số cá nhân này đã công khai lên tiếng thị phi, thậm chí còn báng bổ cả nhị vị Hòa thượng lãnh đạo, đưa đến thảm trạng phân hóa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

     Nỡ đành quên sao? Những lúc tìm đường lánh nạn cộng sản, lênh đênh trên Đông hải, sóng dập gió dồi, nay được đặt chân đến bến bờ tự do, chùa ngang điện dọc, sớm mõ chiều chuông. Sao nỡ đành quên? Những năm tháng rày đây mai đó ở quê nhà, chùa chiền bị chiếm dụng, hộ khẩu bị cắt ngang thì biết khai báo tạm trú tạm vắng vào đâu? Sống nơi nào cũng bị công an khu vực ngày đêm dòm ngó rình mò, chạm trán liền bị điều tra hạch hỏi. Nay cư an sao chẳng tư nguy, lại nỡ lòng nào êm xuôi xuề xòa với lũ phi nhân. Dẫu có được hứa hẹn gì đi chăng nữa, cũng chỉ toàn là bánh vẽ mà thôi!

     Chúng ta là những kẻ hậu học, may gặp duyên lành được hun đúc từ những bậc thạc đức cao Tăng. Từ miền sông Hương núi Ngự, phố cổ Hội An, Bình Định, Phú Yên, vào tận Cà Mau, Rạch Giá, không ai là không ngưỡng vọng quý ôn Tây Thiên, Thuyền Tôn, Linh Mụ, Trúc Lâm. Linh Quang, Viên Giác, Thập Tháp... Đạo pháp trải qua bao nỗi thăng trầm, có bao giờ quý ngài khuất phục trước sự áp bức, kỳ thị của bạo quyền, xứng đáng cho kẻ đời sau muôn vàn kính ngưỡng. Lời nói thẳng thường nghe chối tai, vô phép thử hỏi, ai trong chúng ta khi trông thấy cảnh cha làm thầy con đốt sách mà trong dạ không cảm thấy nao nao!


6.     Hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp và thả tù chính trị là đảng Cộng sản tự mở cho mình con đường sống

     Bao nhiêu năm người dân Việt lầm than khốn khổ bởi chế độ cộng sản hung tàn, ngần ấy năm biết bao kẻ anh hùng nặng lòng với non sông tổ quốc bị bạo quyền tử hình hoặc giam hãm. Chúng ta hân hoan đón mừng ông Trương Văn Sương vừa mới được ra khỏi lao ngục sau 33 năm đày đọa và ông Nguyễn Anh Hảo trải qua 23 năm tù. Chính quyền cộng sản hiện đang giam giữ ông Nguyễn Hữu Cầu và Trần Văn Thiêng đã hơn ba chục năm trời, cả hai người đang lâm trọng bệnh trong tù ngục.

     Đã đến lúc chính quyền cộng sản Việt Nam hãy trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ bởi những bản án đầy phi lý bất công. Có những người bị giam giữ nhiều năm qua mà chưa hề được đem ra ánh sáng, như trường hợp bắt giam ông Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Văn Diên, Đoàn Huy Tâm v.v... Ông Lê Trí Tuệ bị mật vụ cộng sản bắt cóc ở Nam Vang ngày 6.5.2007 vẫn còn biệt vô âm tín, mãi đến nay chẳng ai biết số phận ông ấy sống chết ra sao!

     Chúng ta hoàn toàn ủng hộ bản Kiến nghị thư đủ cả lý và tình do thầy Thích Thiện Minh - người đã trải qua 26 năm tù - gửi chính quyền Hà Nội ngày 1.8. 2010, kêu gọi hãy trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, chính trị và tôn giáo. Đã đến lúc đảng Cộng sản Việt Nam hãy phản tỉnh để đừng lún sâu vào vũng lầy tội ác chống lại loài người. Hãy tỉnh thức để mạnh dạn hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp (đảng Cộng sản độc tôn đảng trị) để tiến tới một nền dân chủ đa nguyên.

     Thêm nữa, cộng sản Hà Nội vì sự khiếp nhược đê hèn, nên đã lén lút dâng đất, bán biển cho quan thầy Bắc Kinh. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã mất trắng vào tay Trung cộng. Nguy cơ mất nước đã gần kề, rồi biết đâu một ngày nào đó, hơn tám mươi triệu đồng bào trong nước bỗng dưng trở thành dân tộc thiểu số ngay chính trên dải đất hình cong chữ S của mình! Nếu thảm cảnh xảy ra, nguyên nhân chính là đám cộng sản Hà Nội tham quyền cố vị, bán nước cầu vinh. Không còn phương cách nào khác là toàn dân Việt ở trong và ngoài nước, hãy chung sức đồng lòng đạp đổ chế độ cộng sản, ngõ hầu cứu lấy thảm họa mất nước về tay Tàu cộng!

     Tội đồ Hồ Chí Minh, kẻ đã mang thứ nước đỏ độc hại là chủ nghĩa cộng sản về đất Việt. Chủ thuyết này đã bị vứt bỏ vào sọt rác cách nay hơn hai chục năm, ngay chính đất nước Nga sô, nơi sản sinh ra nó. Thế mà oái oăm thay! Hiện giờ tập đoàn toàn trị cộng sản Việt Nam lại bắt đồng bào dân tộc của mình tiếp tục uống thứ nước đỏ vô cùng độc hại đó! Ngày nào chế độ cộng sản còn trên quê hương Việt Nam, thì ngày ấy hãy còn:

     Oán hờn chất ngất trời cao,
     Nỗi đau dậy đất, hận gào trùng khơi!


Thụy Đin, ngày 11.08.2011

Trí Lực

     XIN ĐỪNG LÃNG QUÊN LÊ TRÍ TUỆ
                                                                                        
Kính thưa toàn thể đồng bào trong và ngoài nước.

 Kính thưa quý diễn đàn của người Việt đang đấu tranh giành lại tự do và dân chủ cho toàn dân Việt và quang phục quê hương.

Lê Trí Tuệ
Hôm nay, ngày 6 tháng 5 năm 2009, vừa tròn hai năm, kể từ ngày nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ bị công an mật vụ của chính quyền cộng sản Việt Nam bắt cóc tại thủ đô Nam Vang, Cam Bốt, vào ngày 6 tháng 5 năm 2007. Mãi  đến nay, vẫn chưa có ai biết được số phận của nhà dân chủ trẻ này hiện giờ ra sao? Liệu nhà dân chủ trẻ, sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam  này vẫn còn được giam giữ đâu đó trong các nhà giam bí mật của chính quyền cộng sản Việt nam trong khuôn viên của bộ Nội vụ Cam Bốt tại Nam Vang. Tên trùm mật vụ đội lốt người tỵ nạn chính trị cộng sản Nguyễn Công Cẩm sẽ khai thác triệt để khả năng sử dụng máy vi tính của anh ta, nhằm mục đích đánh phá lại các cá nhân và tổ chức của người Việt quốc gia đối kháng với chính quyền cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị, như một số thông tin không chính thức vẫn đang lan truyền khá rộng rãi trong cộng đồng người Việt định cư tại xứ Chùa Tháp, cũng như trong nội bộ những người Việt quốc gia đang tỵ nạn cộng sản tại đây. Hãy liệu rằng Lê Trí Tuệ đã bị thủ tiêu, đã bị làm mồi cho cá sấu như lời tên mật vụ Nguyễn Công Cẩm vẫn thường dùng để răn đe những người Việt tỵ nạn không kín lời tại xứ Chùa Tháp này.
  
 Thưa quý vị, trước hết xin cho tôi được phép nhắc lại với quý vị rằng, nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ là một trong những người sáng lập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam Đây là một tổ chức dân sự được thành lập để bênh vực cho tầng lớp lao động Việt Nam thấp cổ bé họng đang bị giới chủ hãng và các chủ đầu tư bóc lột, chèn ép và ngược đãi trước sự cố tình làm ngơ, hoặc thậm chí là bao che của chính quyền cộng sản Hà Nội. Ngoài ra, Lê Trí Tuệ cũng là một thành viên tích cực của khối 8406, góp tiếng nói kêu gọi chính quyền cộng sản tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền. Tổ chức này đòi hỏi chính quyền cộng sản Việt Nam xóa bỏ điều 4 trên Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một điều khoản mà theo đó, đảng Cộng sản tự cho mình cái độc quyền được vĩnh viễn cai trị đất nước và mãi mãi được độc quyền đè đầu cởi cổ hơn tám mươi triệu người dân Việt Nam. Chính vì điều này mà nhà dân chủ trẻ Lê trí Tuệ đã thường xuyên bị công an của cộng sản Việt Nam đe dọa và sách nhiễu nhiều lần. Bằng đủ mọi hình thức, công an còn dùng đến cả các băng nhóm xã hội đen để hành hung và truy sát nhà dân chủ trẻ này trên đường phố. Không còn sự chọn lựa nào khác, Lê Trí Tuệ phải đào thoát sang Cam Bốt để lánh nạn vào thượng tuần tháng 4 năm 2007.

     Về đất nước Cam Bốt, nơi mà bản thân tôi cũng như Lê Trí Tuệ và nhiều nhà bất đồng chính kiến khác phải sang đó lánh nạn lúc bị truy bức ở quê nhà. Cũng cần nói thêm rằng, vào khoảng cuối thập niên 70, với chiêu bài làm nghĩa vụ quốc tế, đánh đuổi Pol Pot và cứu dân tộc Khmer khỏi họa diệt chủng, hòng lừa bịp dư luận  trong nước cũng như thế giới, tập đoàn cộng sản Hà Nội đã xua quân sang xâm lược Cam Bốt. Cho đến những năm đầu của thập niên 90, nhờ  áp lực quốc tế và sự lên án mãnh liệt của của Liên Hiệp Quốc, cán binh cộng sản Việt Nam bị buộc phải rút khỏi đất nước này để nhường chỗ cho UNTAC vãn hồi an ninh trật tự. Tất nhiên, trước khi rút quân đội về nước, tập đoàn cộng sản Việt Nam đã cài cắm lại trên đất nước này một mạng lưới tình báo lên đến hàng chục ngàn người, bao gồm nhiều đảng viên Cộng sản trung kiên núp bóng dân sự, kết hôn với người bản xứ, hay chỉ là những doanh gia, những nhà thầu xây dựng và thậm chí là cả những cán bộ tình báo cao cấp được đào tạo văn hóa và ngôn ngữ bản xứ, rồi bố trí vào nắm những chức vụ chủ chốt trong các cơ quan cấp bộ của xứ Chùa Tháp này. Trong số những tên trùm tình báo đó không thể không kể đến Nguyễn Công Cẩm, một tên tình báo trong lốt áo người Việt tỵ nạn, người đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc tôi vào chiều ngày 25-07-2002 giữa thanh thiên bạch nhật, nơi đang đông đúc người qua kẻ lại trên đường số 185, ngay trước chợ Orussey ở Nam Vang.

     Thưa quý vị, tôi không thể nhầm lẫn Nguyễn Công Cẩm với bất cứ ai cả, vì đã vài ba lần tôi tình cờ gặp gỡ y tại văn phòng của Phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại số 02, đường 352. Tại đây, y đã gạ gẫm tôi đưa cho y những giấy tờ tùy thân của tôi, những loại giấy tờ quản thúc quản chế do cơ quan an ninh của cộng sản Việt Nam cấp, cũng như một số tờ khai của tôi với phủ Cao ủy tỵ nạn và đơn xin tỵ nạn chính trị của tôi. Y gạ gẫm rằng, sẽ giúp tôi dịch sang tiếng Anh trước khi đệ nạp lên cho phủ Cao ủy tỵ nạn, để được phỏng vấn và cấp quy chế tỵ nạn nhanh hơn. Tôi đã nghi ngại trước những lời gạ gẫm này nên  đã nhất định không giao trứng cho ác. Thế nhưng, tâm địa của y quá gian độc, nên cuối cùng tôi cũng đã trở thành nạn nhân của y và của chế độ cộng sản. Từ Nam Vang với tư cách của một người tỵ nạn chính trị đã được Liên Hiệp Quốc bảo vệ, tôi đã phải trở thành tù nhân của trại giam B34 thuộc cơ quan an ninh điều tra A24 Sài Gòn, với bản án 20 tháng tù với tội danh ”Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.

     Để hoạt động tình báo của cộng sản Việt nam ở xứ Chùa Tháp này thêm hữu hiệu, bên cạnh những tình báo người Việt Nam, chính quyền cộng sản Hà Nội cũng đã đào tạo rất nhiều công an mật vụ người bản xứ. Sau một thời gian được huấn luyện nghiệp vụ tại Việt Nam, họ được trở lại Cam Bốt là quê hương xứ sở của mình để hoạt động tình báo, nhằm nối dài cánh tay quyền lực cho chính quyền độc tài toàn trị. Dù vậy, công bằng mà nói, thì những người Khmer bản xứ này tiếp tay cho cộng sản Hà Nội để đàn áp hay truy bức những người Việt tỵ nạn, cũng chỉ vì quyền lợi vật chất hay vì miếng cơm manh áo mà thôi, chứ từ trong sâu thẳm của lòng họ, thì cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là kẻ thù, hay chỉ là những tên xâm lược. Thêm nữa,  họ cũng thừa biết rằng, cả dân tộc của họ đang sống kiếp nô lệ lầm than, mà bản thân họ, dù có quyền cao chức trọng đến đâu đi nữa, chứ thực ra, đâu có hơn kém gì những tôi đòi cho ngoại bang cộng sản Việt Nam.

     Thưa quý vị, nạn nhân của mạng lưới tình báo Việt nam tại Cam Bốt này là những tổ chức hoạt  động nhằm quang phục quê hương Việt Nam, là những phong trào Đông Tiến và cả những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền ngay tại đất nước Việt Nam thân yêu, các vị ấy đã bị chính quyền cộng sản bức hại nên đành phải sang đây lánh nạn.

     Nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ cũng không là một ngoại lệ. Anh ầy vì quyền sống, quyền làm người và quyền được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của toàn dân để rồi anh đã bị hành hung, bị sách nhiễu, bị truy sát phải chấp nhận cuộc sống lưu đày nơi xa xứ, ngõ hầu tiếp tục con đường đấu tranh nhằm quang phục quê hương. Thề rồi cũng giống như số phận nghiệt ngã của tôi, nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ cũng đã bị  bắt cóc giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại thủ đô Nam Vang.

     Sau khi tôi mất tích, Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, v.v... đã tiến hành điều tra, chất vấn, nhưng tập đoàn cộng sản Hà nội vẫn quanh co  bao biện, dối trá suốt mười mấy tháng trời và phủi bỏ hết mọi trách nhiệm về sự việc tôi bị mất tích. Cộng sản Hà Nội vẫn cứ cãi chày cãi cối rằng, họ không hề hay biết gì về tung tích của tôi. Trong khi đó, cơ quan an ninh điều tra A24, Sài Gòn, đã thẩm vấn, điều tra và giam giữ tôi một cách nghiêm ngặt trong trại giam B34 suốt bao nhiêu tháng trời. Nhưng rồi cuối cùng, trước áp lực của cộng đồng người Việt quốc gia ở hải ngoại và của cộng đồng quốc tế, Hà Nội bất đắc dĩ phải thừa nhận hành vi bắt người tỵ nạn đã được Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Quốc thể của cộng sản Việt Nam có còn hay không, khi trước công luận thế giới họ đã phơi bày sự dối gạt, xảo trá, gian ngoa, bịp bợm chính là bản chất cố hữu của chế độ cộng sản ?

     Tôi được mãn án và được đi tỵ nạn chính trị tại vương quốc Thụy Điển sau 20 tháng giam cầm, phải chăng nhờ tôi đã được Cao ủy Liên Hiệp Quốc cấp cho quy chế tỵ nạn? Vậy còn nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ, chỉ mới được cơ quan này cấp giấy chứng nhận tạm thời thì cái giá mà nhà dân chủ Lê Trí Tuệ phải trả cho tư tưởng và hành động vì tự do dân chủ và nhân quyền của toàn dân Việt là bao  lâu? Liệu nhà đương cục cộng sản Việt Nam có dám thẳng thắn nhìn nhận trước cộng đồng quốc tế, rằng họ đã bắt cóc Lê Trí Tuệ như họ đã  bắt cóc tôi vào ngày 25 tháng 7 năm 2002, để rồi họ cũng dũng cảm phóng thích Lê Trí Tuệ như họ đã dám phóng thích tôi, hay vì quốc thể mà họ phải tiếp tục bịp bợm, dối trá cả thế giới loài người, bằng cách thủ tiêu nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ, để tiếp tục che giấu tội ác “thiên bất dung gian” của chúng?

     Hỡi Nguyễn Công Cẩm! Nếu thực sự mẹ của ông cũng là một Phật tử như ông đã có lần bộc bạch với tôi, thì xin ông hãy ghi nhớ lời Đức Phật dạy về luật nhân quả báo ứng, để đừng tiếp tục lún sâu vào tội ác giết hại đồng bào yêu nước của ông nữa!

     Hỡi đảng Cộng sản Việt nam ! Con người sinh ra trên cõi đời này ai ai cũng có ước mơ và hoài bão của mình. Anh Lê Trí Tuệ chỉ vì khát vọng một nền tự do, dân chủ và an lạc cho toàn dân Việt mà phải mắc vòng lao lý tù đày.

     Xin những đảng viên trung kiên của đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động tình báo tại Cam Bốt hãy ngưng tay một giây phút thôi, để xem chúng tôi và các ông có giống màu da, tiếng nói hay không, để các ông đừng tiếp tục vấy máu của đồng bào mình vì tham vọng cuồng điên  của tập đoàn bạo quyền cộng sản nữa! Nếu các ông đã lỡ bắt cóc và giam giữ nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ, hãy mạnh dạn đưa ra xét xử công khai như chế độ cộng sản đã từng xét xử bản thân tôi, ngõ hầu anh ấy còn có ngày được sống trong tự do và an lạc dù phải biệt xứ lưu đày. Bằng nếu các ông đã thủ tiêu Lê Trí Tuệ để che giấu tội ác của mình trước thế giới loài người, thì xin các ông hãy ăn năn sám hối tội lỗi của mình trước hồn thiêng sông núi và trước anh linh các bậc liệt thánh tiên hiền. Với truyền thống hiếu hòa và lòng khoan dung của tổ tiên Lạc Việt nghìn đời, tội lỗi của các ông rồi cũng sẽ được vơi bớt đôi phần, miễn là các ông đừng tiếp tục cúi đầu khom lưng làm thân khuyển mã cho loài sói lang cộng sản khát máu đồng loại nữa!

     Vào ngày 12-09-2005, trong buổi điều trần trước Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội châu Âu (vương quốc Bỉ), tôi đã tố cáo sự việc chính quyền cộng sản Việt Nam đã bắt cóc tôi tại thủ đô Nam Vang vào ngày 25 tháng 7 năm 2002. Nay xin được góp tiếng cùng Mục sư Ngô Đắc Lũy, quý bạn đồng cảnh ngộ Nguyễn Phùng Phong, Ngô Văn Tài, Thạch Nhỏ, Đỗ Hữu Nam ... Với tư cách là một nạn nhân của mạng lưới mật vụ cộng sản Việt Nam tại Cam Bốt, đã từng bị chúng bắt cóc áp giải về Việt Nam giam cầm phi lý, tôi thiết tha kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, chính phủ và Quốc hội thuộc cộng đồng các quốc gia dân chủ, cùng các tổ chức bảo vệ quyền con người trên thế giới, xin hãy cùng nhau lên tiếng và gây sức ép với tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội, ngõ hầu kịp thời cứu nguy cho nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ.

     Tôi kêu gọi chính quyền cộng sản Việt Nam hãy dừng tay để đừng gây thêm tội ác chống lại lại loài người, chống lại những nhà bất đồng chính kiến, hay những người đã và đang đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự và đúng nghĩa trên quê hương Việt Nam.

     Tôi kêu gọi bộ Chính trị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam hãy trả tự do vô điều kiện cho Lê Trí Tuệ!

     Tôi cũng xin tha thiết kêu gọi cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới hãy sát cánh cùng chúng tôi, hãy cùng gióng lên lời kêu gào bi thương của toàn dân tộc Việt Nam đang đau thương, đang rên siết dưới sự cai trị vô cùng bạo tàn và hà khắc của chế độ cộng sản Hà Nội. Xin hãy khẩn thiết yêu cầu nhà đương cục cộng sản Hà Nội tôn trọng quyền sống, quyền làm người của con dân Lạc Việt mà hãy chấm dứt mọi hành vi bức hại những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và những nhà bất đồng chính kiến trong nước!

     Một lần nữa, cùng toàn thể những người Việt yêu chuộng tự do dân chủ và nhân quyền, tôi khẩn thiết kêu gọi chính quyền cộng sản Hà Nội hãy trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ.


Thụy Điển,  ngày 06-05-2009

Trí Lực

     Kính nguyện hồi hướng công đức và chân thành cảm tạ:

     Quý vị đạo hữu, thiện hữu tri thức trong cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản hiện định cư ở các châu lục, đã hoan hỷ phát tâm chung góp tịnh tài và hổ trợ tinh thần để hoàn thành ấn phẩm này.
Thư từ liên lạc xin gửi về: 

Phạm Văn Tưởng
Sandgatan 1 E - Lgh 1203
331 34   VÄRNAMO
              SWEDEN

Điện thoại: (+46) 737 429 156

Điện thư:    tamnguyentriluc@gmail.com
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.

Trông ra bến hoặc bờ mê,
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương.
Ta van cát bụi bên đường,
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.

                                Vũ Hoàng Chương


1      2      3      4      5      6      7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét