Tết xưa
Sắc trong
Thanh Ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần...
(Nhất Linh 28-10-1957)
Hàng năm mỗi lần Tết đến khi tôi hồi tưởng về những cái Tết đã đi qua trong đời
mình thì hình ảnh Tết Kỷ Hợi bao giờ cũng hiện lên trước nhất. Nó nổ trong ký ức
tôi tiếng pháo đùng đón giao thừa từ Thanh Ngọc Đình vọng vào đêm rừng. Nó loé
trong trí nhớ tôi hình bóng căn nhà chập chờn ánh lửa toả từ đám củi cháy dưới
nồi bánh chưng sôi sục và tiếng kèn của cha tôi lan đi trên giòng suối Đa Mê. Suối
mơ! Bên rừng thu vắng. Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...
Thanh Ngọc Đình là tên cha tôi đặt cho một căn nhà ông xây cất ở giữa rừng Fim
Nôm vào những năm cuối đời, để thưởng cho một loài hoa ông cho là tiên cách nhất.
Căn nhà do chính cha tôi vẽ hoạ đồ, được xây toàn bằng vật liệu nhẹ, toạ lạc
bên giòng suối Đa Mê, cách Quốc Lộ 20 Sài Gòn-Đà Lạt khoảng một nghìn thước,
ngang cây số 27 tính từ thành phố Đà Lạt, và thuộc xã Fim Nôm.
Thực ra đó chỉ là một căn nhà trong mộng. Bởi vì Thanh Ngọc Đình không bao giờ
được hoàn thành. Năm 1959 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn sau một đêm giông gió, chỉ
còn trơ lại cái nền nhà trống. Cũng may là nó sụp đổ sau Tết Kỷ Hợi (ngày 8
tháng 2 năm 1959), là năm mà đông đủ chúng tôi đã ăn cái Tết sau cùng ở Fim
Nôm.
Năm ấy là năm đầu tiên cha tôi tổ chức ăn Tết trong rừng. Một phần để ăn mừng
căn nhà xây gần xong, phần khác chắc là ông muốn làm sống dậy không khí những
cái Tết xưa ở trại Cẩm Giàng. Hồi đó chúng tôi đều ở Sài Gòn. Năm trước cha tôi
đã bỏ Đà Lạt về Sài Gòn làm báo. Tháng Giêng năm 1959 ngay sau khi số báo Văn
Hoá Ngày Nay số Xuân Kỷ Hợi được phát hành, cha tôi lên Fim Nôm đôn đốc việc
xây nhà và sửa soạn đón xuân. Ông mời một số thân hữu và gia đình của họ lên
Fim Nôm ăn Tết. Tôi nhớ có gia đình các bác Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Sĩ Dinh,
Bùi Khánh Đản, Lê Đình Gioãn... Thời gian đó tại Fim Nôm bà nội tôi ở chung với
người em trai của bà là cụ Nghị Biên trong một căn nhà gỗ sơ sài ở cây số 27
ngay sát quốc lộ. Bà nội tôi tu ở đó, mẹ tôi thuê một con bé giúp việc tên là
Tình lên ở Fim Nôm trông nom bà nội tôi. Bà lúc này đã yếu nên không muốn bầy vẽ
tổ chức Tết lớn. Nhưng cuối tháng chạp cha tôi khẩn khoản bà nội đứng ra phụ
trách nấu nồi bánh chưng. Ông nói:
"Mẹ ơi mẹ, Tết mà mẹ không nấu bánh chưng thì kể như không phải là Tết.
Con nhớ những ngày ở Cẩm Giàng, ở quê nhà, bao giờ nhà cũng có gói bánh chưng
vui lắm".
Bà nội tôi trả lời:
"Mẹ bây giờ già lắm rồi. Không gói bánh được đâu".
Cha tôi năn nỉ:
"Thôi mẹ ơi, mẹ gói bánh chưng đi cho con vui".
Bà nội tôi cũng chiều ý cha tôi nhận gói bánh chưng. Thật ra vai trò nấu bánh của
bà nội chỉ có tính cách tượng trưng vì trên thực tế có bà Trẻ là vợ của cụ Nghị
và chị Thoa tôi làm hết mọi việc. Bà nội tôi bấy giờ đã trên bẩy mươi đâu còn
khoẻ mạnh như hai thập niên trước, những năm của thập niên 19(30) một mình bà
đã quán xuyến tổ chức những cái Tết thật to ở trại Cẩm Giàng, mời bao nhiêu là
văn nhân thi sĩ, tạo nên một không khí Tết đặc thù mà sau này nó đã được ghi lại
trong nhiều áng văn của Tự Lực Văn Đoàn.
Tôi còn nhớ buổi chiều ngày hôm ấy, chiều 30 Tết, trong bộ áo quần mới tôi xúng
xính bước vào tuổi đôi mươi.
Ngày chưa đi sao gió vương... Ngày của những giờ phút năm cùng tháng tận.
Chúng tôi ngồi trong một quán lá ở Fim Nôm uống bia nhìn ra ngoài quốc lộ. Chiều
cao nguyên hiu hắt. Ngay bên kia đường là ngã ba đi Đơn Dương. Nhìn suốt từ cả
ba hướng, hướng Sài Gòn, hướng Đà Lạt, hướng Đơn Dương, không một chiếc xe chạy
đến Fim Nôm. Thỉnh thoảng lắm mới có chiếc xe đò Minh Trung chạy vù qua từ hướng
Di Linh lên, mang theo những hành khách cuối cùng của Sài Gòn lên Đà Lạt. Xã
Fim Nôm xơ xác những căn nhà xiêu cũ bên kia đường, ẩn sau những bụi chuối.
Phía xa trên nền trời là dẫy núi cao, trên đó, người thượng đốt rừng làm rẫy từng
đám, khói lam từ những mảng đen bay lên toả trong sương chiều. Bên này con phố
quán chúng tôi ngồi duy nhất còn mở cửa. Mặt lộ vắng. Lề phố vắng. Sinh hoạt của
Fim Nôm thu hẹp lại. Mấy con chó gầy gò loăng quăng sục sạo tìm thức ăn trước
những quán hàng giờ này đã đóng cửa. Anh tôi nói:
"Chúng mình về thôi cho họ còn đóng cửa sửa soạn Tết chứ!"
Như để nhắc nhở, có tiếng pháo đì đạch ở sau quán. Ngay sau đó tiếng pháo nối
nhau ở phía xa trên con phố vắng. Không gian ở đây loãng quá. Tiếng pháo không
nổ vang mang lại niềm vui hay niềm phấn kích như tiếng nổ trong thành phố, nó
chỉ lẹt đẹt mấy tiếng rời rã càng làm tăng cái yên vắng buồn bã của thôn xã vào
buổi chiều cuối năm.
Fim Nôm nằm trên cây số 25. Tôi theo chân người anh yên lặng đi men theo quốc lộ
20 về phía quận Đức Trọng. Quãng đường về Thanh Ngọc Đình khoảng hai cây số.
Hai anh em quần áo mới, giầy tây mới, đi trên mép quốc lộ vắng ngắt. Tôi lấy
trong túi quần ra cái kèn Harmonica hình cong cong rồi vừa đi tôi vừa thổi vang
lên ca khúc "Đường Lên Sơn Cước":Đường lên núi rừng, sao hãi hùng, ôi
gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương... Vài đứa bé con cởi trần
bận quần đùi thò ra khỏi bụi chuối tò mò nhìn chúng tôi, hai thanh niên tỉnh
thành, đi lạc lõng ở xóm quê.
Ở một khúc đường cong ngang cây số 27 có vài tiếng pháo lẻ tẻ đón chúng tôi. Tại
cây số này hai năm trước cha tôi đã mua một lô đất rộng chừng vài mẫu. Lô đất
phía trước tiếp giáp quốc lộ phía sau tận cùng suối Đa Mê, nằm giữa hai lô đất
của cụ Nghị Biên và của bác sĩ Nguyễn Sĩ Dinh. Trên lô đất của cụ Nghị gần quốc
lộ là một căn nhà gỗ, nơi bà nội tôi và ông bà cụ Nghị Biên ở. Cha tôi thì ở một
căn nhà nhỏ bên suối Đa Mê. Thật ra đây chỉ là căn bếp của Thanh Ngọc Đình được
xây xong từ cả năm trước, dùng làm chỗ ở tạm trong thời gian cha tôi cho xây
căn nhà trong mộng bên bờ suối. Cả hai căn đều không có hệ thống điện nước dẫn
tới. Đêm đến căn nhà tù mù ánh đèn dầu. Tết này mẹ tôi từ Sài Gòn mang lên hai
cái đèn măng-xông mới tinh làm quà cho cha tôi. Giữa hai lô đất là một con đường
đất hẹp đi vào suối Đa Mê. Khi chúng tôi tới nơi tôi thấy có hai chiếc xe hơi đậu
trước căn nhà gỗ. Tôi nhận ra một chiếc của nhà bác Gioãn.
Anh tôi đi thẳng vào suối. Còn tôi bước vào nhà cụ Nghị. Trong nhà tôi chỉ thấy
bác Gioãn gái, còn bác trai và mấy người con của hai bác tôi đoán đã vào nhà
trong suối thăm cha tôi. Có năm người ngồi trên phản gỗ. Bà nội tôi, cụ Nghị
Biên, bà Trẻ, bác Gioãn và cô Năm. Bà nội tôi bận áo nâu, đầu chùm cái mũ len dầy
cũng màu nâu. Bà ngồi yên như một pho tượng. Cụ Nghị đang rít hơi thuốc lào kêu
sọc sọc. Bà Trẻ, bác Gioãn và cô Năm trò chuyện. Trừ bà Trẻ và bác Gioãn, ba
người kia nom rất giống nhau, mắt sâu, mày rậm, mũi cao. Đặc biệt là cụ Nghị
trông cứ y như cha tôi. Cụ rít xong điếu thuốc lào, ngồi lịm đi một lát rồi cụ
ôm ngực ho sặc sụa. Chặp sau tiếng ho đổi ra tiếng khò khè nghe như cưa gỗ. Cụ
ngửa cổ ra, há to miệng như con cá lên cạn ngáp ngáp để đớp không khí. Bà Trẻ
xoay qua vuốt ngực cụ Nghị nói:
"Cái ông này đã suyễn kinh niên rồi mà không chịu bỏ thuốc lào!"
Bà Trẻ nom trẻ lắm. Đầu bà vấn khăn như kiểu các bà già xưa và có nét mặt thanh
tú. Nghe nói bà Trẻ trước kia là cô đầu đi theo cụ Nghị làm vợ bé. Lát sau mẹ
tôi bước vào, có thằng Trợ theo sau bê một rổ to đựng trái cây. Mẹ tôi bày trái
cây lên bàn thờ để sửa soạn cúng giao thừa. Thằng Trợ mẹ tôi thuê làm cau ở Sài
Gòn, bà cho nó lên Fim Nôm để trồng cây ăn trái trên miếng đất của cha tôi. Cây
được trồng từ hai năm trước. Tôi không biết là những trái cây này được hái
trong vườn hay là mua từ chợ ở quận Đức Trọng. Trên phản có cái tráp đựng trầu
cau. Bà Trẻ và bác Gioãn vừa cơi trầu vừa nói chuyện với cô Năm. Miệng hai bà
nhai trầu bỏm bẻm. Căn nhà ngoài này là chỗ mẹ tôi ở trong mấy ngày Tết ở Fim
Nôm. Còn căn nhà trong suối Đa Mê mới là thế giới của cha tôi và tất cả chúng
tôi. Hai căn cách nhau non cây số. Bà nội tôi lúc này đã yếu nên không cuốc bộ
vào rừng được, mẹ tôi vì vậy phải ở căn nhà ngoài để trông nom bà mẹ chồng. Số
phận của cha mẹ tôi là như vậy. Ít khi cha mẹ tôi được ăn Tết cùng nhau dưới một
mái nhà. Ngay cả trong cái Tết này, cái Tết mà chính cha tôi đã phải nài nỉ mẹ
tôi lên Fim Nôm thật sớm vì mẹ tôi không bao giờ muốn rời cửa hàng cau ở chợ An
Đông Sài Gòn vào những ngày trước Tết là thời gian việc bán buôn bận rộn nhất
trong năm. Cạnh tráp đựng trầu cau, tôi thấy có một cái tráp nữa có chia nhiều
ngăn đựng đầy hạt dưa và mứt kẹo. Tôi bốc một nắm hạt dưa thủ túi, lại bốc thêm
một nắm mứt sen rồi tôi bước ra ngoài.
Con đường đất hẹp dẫn tôi vào suối. Hai bên đường cứ cách một quãng lại có một đống
củi chất cao. Đi được nửa đường tôi thấy có mấy thanh niên và một đám trẻ con
đang bẻ củi khô chất thành từng đống y như những đám củi tôi đã thấy ở ngoài. Mặc
dù những người ấy là bà con nhưng tôi chẳng nhận ra ai là ai. Hình như đám đó
là con cháu phía bên cụ Nghị. Nghe họ nói chuyện với nhau tôi mới biết là cha
tôi nhờ họ kiếm củi khô chất đống để chờ tối đến sẽ đốt lửa suốt đêm. Tối nay
những thân hữu của cha tôi và gia đình họ từ xa đến dự giao thừa ở Thanh Ngọc
Đình. Họ cứ lần theo ánh sáng đám củi cháy mà vào trong suối. Hoặc giả sau giao
thừa nếu không tiện ngủ lại trong rừng thì họ có thể theo ánh lửa mà lần ra chỗ
xe đậu ở nhà ngoài để về lại Đà Lạt. Rừng Fim Nôm là rừng thưa. Ngoài cây thông
ra còn nhiều loại cây khác mà tôi không biết tên. Có một loại cây không cao lắm,
thân nhỏ, vỏ cây sần sùi, nhánh khẳng khiu, là loại cây mà hoa phong lan, đặc
biệt là Nhất điểm hồng, rất thích bám vào. Sau hai năm liền nhiều lần đi theo
cha tôi vào rừng kiếm lan bấy giờ tôi có thói quen cứ hễ vào rừng mắt tôi lại
ngước nhìn những thân cây loại ấy.
Chưa tới suối tôi đã nghe tiếng kèn clarinette của cha tôi vang lên. Nghe kỹ
thì có hai tiếng kèn hoà tấu. Tôi biết tiếng kèn kia là của anh Hậu, con bác
Gioãn. Họ hoà tấu bản nhạc "Hẹn một ngày về" của giáo sư kiêm nhạc sĩ
Lê Hữu Mục. Cha tôi năm trước có dậy tôi học kèn clarinette, nên tôi có thể
phân biệt được tiếng kèn của hai người. Tiếng kèn của cha tôi điêu luyện hơn,
nó "đanh" và "tròn" hơn tiếng kèn của anh Hậu. Cha tôi đã
rành sử dụng nhạc khí này trên hai mươi năm, từ cái thời Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội.
Vào tới suối nghe tiếng cười nói trong trẻo của các thiếu nữ tôi biết là ở
trong này đã có khá đông khách tới. Các người con của bác Gioãn, bác Dinh, bác
Đản đã có mặt ở đây. Năm đó tôi chưa đến tuổi đôi mươi. Các cô Mai, cô Thục con
bác Gioãn; cô Kim, cô Vân con bác Đản tôi xem như bậc chị vì họ chơi thân với
chị Thoa tôi. Chỉ có hai cô Dung và Diễm con bác Dinh là nhỏ thua tuổi tôi.
Trong đám các cô gái tôi chỉ đế ý đến chị Mai con bác Gioãn. Tôi thấy chị đẹp lắm.
Người chị cao, gương mặt trái xoan, đôi mắt to và nước da trắng. Lúc tôi đến suối
thì các cô ấy đang nghịch nước, có chị Thoa tôi trong đám. Ở cách một quãng, chỗ
có mắc một cái võng cha tôi thường nằm để viết truyện, anh Triệu tôi và anh Tố,
một người cháu của cụ Nghị đứng bên bờ suối. Tôi đến gần và nghe anh tôi hỏi
anh Tố:
"Không biết suối này có cá không nhỉ?"
Người cháu của cụ Nghị trả lời:
"Anh này hỏi ngu quá. Chỗ nào có nước thì phải có cá. Đây là định luật tất
nhiên của tạo hoá!"
Anh tôi tỏ vẻ tức nhưng không nói gì. Anh lẳng lặng bước xuống suối, vốc nước đầy
trong hai lòng bàn tay chụm nhau rồi vừa đi lên vừa nhìn chăm chú vào lòng bàn
tay, nói trống không:
"Rõ ràng là có nước ở đây mà sao quái lạ nhìn mãi không thấy cá!"
Người kia biết là anh tôi nói xỏ xiên nên bỏ đi chỗ khác chơi. Vừa lúc ấy cha
tôi bước xuống, tay ông lần một sợi dây buộc vào một rễ cây, kéo lên một cái giỏ
nằm dưới lòng suối. Trong giỏ có khoảng chục chai bia Larue con cọp. Ông lấy ra
một chai rồi lại đặt cái giỏ xuống suối. Đa Mê là tủ ướp bia thiên nhiên của
cha tôi.
Có tiếng một cô gái từ dưới suối đưa lên:
"Bác Tam ơi! Cháu đọc báo Văn Hoá Ngày Nay của bác mới biết tên của con suối
này. Cháu không nhớ bác gọi suối này là suối Đam Mê hay là suối Đa Mê?"
Cha tôi trả lời:
"Đa Mê không phải Đam Mê".
"Tên Đa Mê hay quá có phải bác đặt tên cho nó không?"
"Không, tên suối Đa Mê có ghi trên bản đồ. Cũng như suối Đa Tam chạy song
song với con suối này nhưng nằm phía bên kia quốc lộ. Rất nhiều con suối ở vùng
này có tên bắt đầu bằng chữ Đa".
Cha tôi nói rồi lật đật rời suối, tay mang chai bia, vì có tiếng gọi rất to của
bác Phiếm. Bác vừa đến nơi. Chưa thấy bác đâu mà giọng nói cứng cỏi và khoẻ mạnh
của bác đã đi trước. Bác Phiếm tôi thấy lúc nào cũng vui vẻ. Mặt ông hồng hào.
Đi theo bác Phiếm có hai cô con gái bác là cô Tuyết và cô Chi. Tôi theo ba người
đi về phía Thanh Ngọc Đình. Căn nhà bếp khá rộng được xây trên một nền đất cao.
Ở bốn đầu nhà có căng bốn cái bạt lớn để hứng nước mưa vào trong bốn cái lu
sành. Bác Dinh nghe tiếng bác Phiếm thì ở trong bước ra. Vào trong nhà tôi thấy
bác Gioãn và bác Đản đang ngồi chụm đầu hai bên chiếc bàn. Trên bàn phủ kín những
tờ giấy bản viết chi chít những chữ Hán còn nguyên mùi mực tàu. Chắc bác Bùi
Khánh Đản đang làm thơ vịnh xuân. Ở trên vách có treo nhiều bức Hán tự của bác
và của cha tôi. Trong thời gian gần đây tôi thấy bác Đản, bác Gioãn và cha tôi
hay nghiên cứu và tập viết chữ Hán. Tôi nghe cha tôi nói với bác Đản là ông rất
thích nét bút của Tô Đông Pha. Một bức tranh cha tôi vẽ suối Đa Mê cũng được
treo. Tôi lại gần bức vẽ. Phía dưới có câu thơ "Nhớ người lòng suối Đa Mê
gợn buồn" (Nhất Linh- 19-1-59) cho tôi biết bức tranh này được cha tôi vẽ
mới hai tuần lễ trước. Ngoài những bức chữ Hán, trên vách cha tôi còn treo nhiều
giò phong lan với đủ kiểu hoa khác nhau. Trong số tôi chú ý nhất đến một chùm
hoa sắc đỏ thắm như màu máu mà cha tôi đặt tên là Huyết nhung lan. Mới tháng
trước tôi đưa cha tôi xem một truyện ngắn của tôi mang cùng tên, truyện ngắn đầu
tay, trong đó tôi tả về cái chết của cha tôi. Tôi tưởng tượng một hôm đi kiếm
lan, ông với một nhánh Huyết nhung lan ở bờ vực rồi hụt chân rơi xuống khe núi.
Có tiếng pháo nổ ran ở bên ngoài. Khi tôi bước ra thì ở bên bờ suối cha tôi
đang cầm bản hoạ đồ và chỉ cho bác Phiếm căn nhà đang xây cất. Thanh Ngọc Đình
mới chỉ có khung và mái rạ. Trông nó phảng phất như dẫy nhà ngang của trại Cẩm
Giàng tức căn nhà Ánh sáng mà hình ảnh còn in lại mơ hồ trong trí nhớ tôi. Sau
đó cha tôi dẫn bác Phiếm xuống suối. Tôi ngửi thấy vương trong không khí mùi
khói pháo thơm của mùi Tết. Một đám đông cháu cụ Nghị, chắc vừa trở về sau khi
hoàn tất công việc chất củi mà cha tôi giao phó, đứng tụ ở đó. Vài đứa nhóc
trong đám này không biết kiếm đâu ra một số pháo đùng nổ rất to và cứ rình rình
để vứt vào chân các cô gái lúc này đã rời suối và đang đứng quây quần quanh nồi
bánh chưng.
Đang đi cha tôi chặn bác Phiếm đứng lại. Trên mặt đất ngay phía trước hai người
có ai vừa thẩy một chiếc pháo lớn đang xì khói. Cha tôi nói với bác Phiếm:
"Tiếng pháo thì tôi không sợ. Ghét nhất là cứ phải nhìn cái pháo nó sắp nổ
trước mặt mình. Cứ phải chờ đợi hồi hộp. Này, nó sắp nổ đấy, nó sắp nổ đấy. Gặp
pháo nào tịt ngòi lại càng phải hồi hộp lâu hơn. Dạo này tôi bị cái bệnh hồi hộp
không căn cớ, lúc nào cũng ở tâm trạng y như một người sắp sửa đi thi".
Bác Phiếm nói:
"Bệnh đó không có gì lạ. Tại năm vừa rồi anh về Sài Gòn làm báo đấy. Anh
mà cứ ở đây tu tiên thì bệnh gì cũng hết".
"Tôi cũng tính thế đấy, ít tháng nữa căn nhà này xây xong thì tôi cũng dẹp
luôn tờ Văn Hoá Ngày Nay lên đây vui với hoa lan. Chuyện thế sự gác sang một
bên. Tôi cũng mệt mỏi rồi".
Lúc ấy trời ngả sâu về chiều. Bác Phiếm đòi đi về Đà Lạt trước khi tối trời.
Cha tôi muốn lưu bác ở lại đón giao thừa nhưng bác từ chối. Bác quay lại nhờ
tôi đi kiếm hộ hai cô con gái mà tôi không biết chị Thoa tôi đã dẫn họ đi chơi
đâu ở trong rừng. Lát sau cha tôi đưa tiễn ba cha con bác Phiếm ra tận nhà
ngoài.
Chị Thoa từ trong căn nhà bếp ra đưa tôi một nắm xôi. Chị nói:
"Em ăn đỡ xôi. Đêm nay thằng Trợ sẽ bưng vào đây nồi cháo gà. Mình sẽ ăn
cháo và canh bánh chưng đón giao thừa. Chị phải chạy ngay ra nhà ngoài trước
khi trời tối để phụ mẹ làm cơm ở ngoài đó. Mắt chị dạo này kém lắm. Trời tối
nhìn không rõ đường. Chắc tối chị phải đi theo cậu vào lại đây".
Chị Thoa đi rồi tôi trở ra suối. Không có ai ở đấy. Gần suối, chỗ miếng đất trống
trước Thanh Ngọc Đình, trên một bệ gạch dùng làm bếp là một cái thùng phuy làm
nồi bánh chưng đun từ buổi trưa, xung quanh nồi bánh tôi không thấy ai. Tất cả
mọi người chắc đều vào cả trong nhà. Tôi ngồi trên một phiến đá rộng và phẳng
bên bờ suối bốc xôi ăn. Suối Đa Mê nhỏ. Bề ngang nhiều chỗ eo lại chỉ rộng vài
thước, như một con lạch. Nước suối thật trong. Có thể nhìn tận đáy. Dưới chân
những hòn đá lớn rêu xanh bở ra từng mảng tua tua vẫy trong làn nước chảy. Ở một
chỗ nước lặng hình như có một con nhện vừa loáng qua để lại trên mặt một vệt
nhăn. Có thật một con nhện nước vừa băng ngang? Hay vết nhăn trên nước chỉ là
hình ảnh một kỷ niệm vừa thoáng trong trí tôi?
Lửa nồi bánh chưng bỗng sáng lên. Ở đâu đó trong rừng những đám củi đã được đốt
cháy. Tôi rời phiến đá đến chiếc võng mắc giữa hai thân cây bên cạnh suối rồi nằm
gọn lỏn trong lòng chiếc võng của cha tôi. Chiếc võng mà cha tôi vẫn ngồi viết
cuốn trường thiên Xóm Cầu Mới.
Đêm xuống. Cùng với bóng tối phủ xuống thì tiếng động của thiên nhiên lại như
được nâng cao. Không gian ri ri tiếng rạo rực của côn trùng. Rồi thỉnh thoảng
trong vũng tối âm u của suối rừng có tiếng động to lên bất chợt. Một tiếng quẫy.
Rồi tõm một cái. Một con cá vừa ngoi lên? Một con nhái vừa quăng mình?
Tôi nhớ hai hôm trước đúng chỗ phiến đá nơi mà tôi vừa rời chỗ cha tôi ngồi rửa
chân. Lúc ấy nắng ban trưa lọt qua lùm cây rọi trên mặt suối loé những đốm
sáng. Ở bên cạnh chị tôi đang rửa lá dong. Những tấm lá dong xanh mượt ướt át.
Chị nói với cha tôi:
"Nước trong mát quá! Con giúp bà Trẻ rửa lá dong để nấu nồi bánh chưng.
Hôm nay đã hai mươi tám Tết rồi. Cậu mời khách có đông không để bà Trẻ liệu đường
gói bánh?"
"Mời thì cũng nhiều đấy nhưng từ Sài Gòn đến Fim Nôm đâu dễ. Phải có ô-tô
con ạ. Ngày xưa ở Cẩm Giàng thế mà tiện hơn nhiều. Cứ nhẩy lên tàu hoả xuống ga
Cẩm Giàng là tới, mà trại thì lại ở gần ga".
"À, Tết này con nấu cho cậu nồi cá nục kho. Con biết cậu chỉ thích món
kho. Hoặc cá kho hoặc đậu kho. Còn mợ thì chỉ thích món sào. Món hẩu sực của mợ
là món thịt bò sào cải làn cũng như của cậu là cá nục kho".
Chị Thoa thương cha tôi lắm. Mấy năm trước ba cha con tôi sống ở Đà Lạt. Chị
săn sóc cha tôi từ miếng ăn. Cha tôi chỉ thích nồi cá nục kho do chính chị tôi
nấu. Ba cha con thường lặng lẽ ngồi ăn trên chiếc chiếu hoa trải trên sàn gỗ
đánh bóng, trong căn nhà bằng đá ở đèo Prenn. Bữa cơm nào chị tôi nấu cũng có nồi
cá kho và đậu phụ. Đậu thì hết kho lại rán, rồi lại nấu canh. Sau nhà, ở triền
một đồi thông, có một dàn cây su su, quanh năm lúc nào quả cũng chi chít. Chị
tôi biểu diễn làm "su su bẩy món". Không biết chị học nấu những món
này ở đâu hay chị chế lấy. Căn nhà bằng đá ấy rộng và lạnh lẽo lắm. Hồi mới dọn
đến chị nói căn nhà này có ma làm tôi cũng thấy rờn rợn. Chị Thoa bảo tôi:
"Nhà này có ma thật em ạ! Nhưng con ma này hiền lắm, nó chỉ trêu chị thôi
chứ không hại ai cả. Đầu tiên chị không để ý nhưng sau chị thấy là lạ. Cứ mỗi lần
lên giường đi ngủ chị để đôi guốc ở cạnh giường thì sáng ngày hôm sau, lạ quá
em ơi, đôi guốc cứ tự động xoay 90 độ, đúng chiều chị xỏ chân".
Mấy tháng sau chị lại bảo tôi:
"Chị biết con ma ấy là ai rồi. Tối hôm qua chị tỉnh dậy ở giữa đêm rồi cứ
nằm trằn trọc mãi không ngủ lại được. Chị nhìn ra ngoài màn thấy ở bàn trong
góc phòng cái đèn chụp còn bật sáng. Dưới ánh đèn chị chỉ thấy lờ mờ cái lưng của
cậu. Cậu đang ngồi viết văn. Lát sau cậu đứng dậy vươn vai. Rồi cậu quay lại
nhìn về phía giường chị. Trước khi tắt đèn đi ngủ chị thấy cậu rón rén đến bên
cạnh giường cúi xuống xếp lại đôi guốc của chị".
Rồi chị tôi bật lên khóc:
"Cậu vẫn thường nói trong năm giác quan thì thị giác là quan trọng nhất.
Không nhìn thấy được những cái đẹp ở đời thì đời còn gì đáng sống? Chị bị đau mắt
hột từ bé hồi còn ở Hà Nội. Vú em của chị lây bệnh đau mắt hột sang chị và sang
cả anh Thạch nữa. Bây giờ cả anh Thạch và chị mắt kém lắm, phải mang kính cận rất
nặng. Cậu rất khổ tâm về chuyện này và cứ nghĩ rằng vì mình đi làm cách mạng xa
gia đình nên mới thế. Mà nào chị có nghĩ như thế đâu chứ! Chắc là cậu sợ đêm chị
thức dậy đi tiểu mà mắt kém không mò ra được đôi guốc nên cứ xoay sẵn cho đúng
với chiều xỏ chân".
Nằm trong võng trong đêm tối tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện chị tôi kể và tôi ngủ
thiếp đi lúc nào tôi không biết.
Hình như tiếng kèn của cha tôi đánh thức tôi dậy. Trời còn tối đen. Nhưng tôi
có cảm tưởng mình vừa ngủ được một giấc dài và câu chuyện chị tôi kể đã trôi
trong trong giấc ngủ của tôi. Câu chuyện ấy chỉ là mơ? Hay nó có thực? Tôi
không chắc. Tôi chỉ biết khi thức giấc thì bờ mắt tôi đã ướt nhẹp và một cảm
giác vô cùng buồn bã thấm đọng vào không gian. Không gian ngập bóng tối nơi chỗ
tôi nằm. Không gian đầy ánh lửa ở phía ngoài kia.
Từ trên võng tôi nhìn ra ngoài nơi ánh sáng của nồi bánh chưng mà lòng thổn thức.
Cảnh tượng tôi nhìn thấy lúc đó thật ra rất vui. Và đẹp nữa. Nhưng sao tôi thấy
buồn như là một cảnh đã ở sâu trong kỷ niệm? Nó hiển hiện trước mắt nhưng đã bị
trí tưởng tôi đẩy xa, lùi sâu, vào thời quá vãng để trở thành hình bóng đã hoàn
toàn mất. Gợn lên trong tôi một nỗi đau thương rờn rợn toả ra khắp người, y như
cảm giác khi tôi viết xong truyện ngắn đầu tay "Huyết nhung lan", tả
về cái chết của cha tôi.
Trước mặt tôi quanh bếp lửa đỏ rực là một vòng sáng hồng trải rộng trên mặt đất.
Quanh ánh hồng mười mấy người ngồi quây quần canh nồi bánh chưng. Bóng của mấy
người đi qua lại in chập chờn trên mái rạ của Thanh Ngọc Đình.
Có tiếng vỗ tay khi tiếng kèn của cha tôi vừa dứt. Lát sau bác Bùi Khánh Đản đứng
lên. Chắc bác ngâm bài thơ bác vừa sáng tác. Giọng ngâm nhỏ quá tôi không nghe
rõ. Rồi một người khác quay lưng về phía tôi đứng lên, tôi không biết là ai,
nhưng tôi đoán anh ta kể một chuyện vui, vì có nhiều tiếng cười rộ lên.
Sương đêm rơi xuống làm người tôi rùng lên vì lạnh. Ngay cả ở ngoài kia bên ánh
lửa một số các cô gái ngồi ở vòng ngoài đã bắt đầu phải khoác lên vai tấm chăn
dạ. Có hai người vừa đứng lên là cha tôi và chị Thoa. Chị bắt đầu cất tiếng
hát. Tiếng hát của chị lan đi trong bóng đêm. Bài Thiên thai của Văn
Cao. Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng... Cha tôi đưa cây
kèn clarinette lên phụ hoạ (tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...) Nhớ
Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên... Tiếng kèn (nhớ Lưu Nguyễn ngày
xưa lạc tới Đào Nguyên...). Rồi tiếng kèn hoà cùng tiếng hát: Kìa! Đường
lên tiên! Kìa! Nguồn hương duyên! Theo gió tiếng đàn xao xuyến... Tiếng
hát lại tách ra: Phím tơ lưu luyến...
Có ánh đèn pin loáng lên ở ngoài rừng. Rồi tiếng người nói trong đêm vẳng tới.
Dưới ánh lửa của những đám củi cháy trên con đường dẫn từ nhà ngoài vào tôi thấy
thấp thoáng bóng của một đám người. Người đi đầu tiến đến đám lửa, lại gần cha
tôi lúc ấy đã chơi xong bản hoà tấu, nói to:
"Tôi cứ lần theo tiếng kèn của anh mà tìm đến được Thiên thai".
Tôi không nhận ra người ấy là ai. Ông ta nói xong bắt tay cha tôi. Một số người
khác đi theo ông hơ tay trên lửa sưởi ấm rồi nhập chung vào đám ngồi canh nồi
bánh chưng. Lát sau thằng Trợ và con Tình gánh nồi cháo gà tới. Rồi kẻ đứng người
ngồi cầm bát cháo ăn. Tôi đoán tất cả cũng khoảng hai chục người đứng ngồi xếp
thành hai vòng tròn xung quanh nồi bánh.
Thốt nhiên tôi thấy tủi thân. Tôi vừa lạnh lại vừa đói. Tôi có cảm tưởng riêng
mình tôi là một thế giới. Thế giới của bóng tối, cô độc và buồn bã. Ngoài kia
là thế giới của tất cả mọi người, thế giới của ánh sáng và vui vẻ. Không ai
nghĩ đến tôi cả. Cha tôi cũng không nghĩ đến tôi nữa. Ông đang cười nói. Mặt
ông mang đầy ánh hồng trước ánh lửa. Hay cha tôi có nghĩ đến tôi nhưng ông lờ
đi vì còn đang giận tôi về cái truyện ngắn tôi viết? Truyện tôi mơ thấy ông chết?
Không, cha tôi hoàn toàn không có vẻ giận sau khi đọc xong truyện ấy. Hình như
ông chỉ buồn. Linh tính cho tôi biết cha tôi buồn chắc vì ông nghĩ đã truyền cho
tôi cái mầm của sự bất thường trong ông mà vì thương con ông không muốn tôi có.
Tôi lại thiếp đi một lát. Trong mơ màng có ánh lửa chập chờn và tiếng ai gọi
tên tôi như từ ở một nơi xa xăm lắm. Rồi nhiều tiếng gọi theo sau. Bỗng một bàn
tay sờ vào trán tôi làm tôi sực thức giấc. Tiếng chị Thoa bên tai:
"Dậy ăn cháo đi em! Em ngủ say quá cả nhà gọi mãi cứ sợ em đi lạc ở đâu
trong rừng. Mãi sau chị Mai nói có thấy em ở suối nên dẫn chị xuống đây!"
Tôi dụi mắt nhìn lên. Chị Mai đứng ở cách xa tôi hai thước. Vì tối nên cả khuôn
mặt chị chìm trong bóng đen nhưng viền mái tóc của chị thì hoe vàng trong ánh lửa
chiếu từ phía sau lưng chị. Sự hiện diện của chị đột nhiên làm tan hết nỗi buồn
trong tôi. Tôi đứng dậy theo hai người về phía ánh lửa.
Cha tôi nhìn tôi rất lâu. Vẫn cái nhìn đằm thắm mà ông thường có. Nhưng lần này
cái nhìn làm tôi ngượng vì tôi có cảm tưởng ông thấy hết đôi mắt ướt của tôi.
Tôi giả vờ ngáp một cái thật dài, làm như tôi ngáp đến chẩy cả nước mắt, rồi ngồi
xuống trên một khúc cây gần lửa bên cạnh chị tôi. Vừa ăn bát cháo tôi vừa nhìn
những thanh củi cháy dưới nồi bánh chưng. Đó là những thanh củi to gộc cháy đỏ
rực ở một đầu và ở đầu kia khói hun ra có sủi nhựa vàng rỉ trong thớ củi. Tôi lấy
tay cời một khúc củi cháy rồi lấy ngón tay quyệt vào chỗ nhựa cây còn sủi nóng
bôi lên hai bờ mép. Tuần trước tôi mua cây kèn harmonica mới, cả tuần nay thổi
kèn khiến mép bị lở. Tôi nghe nói là nhựa cây trị bệnh lở mép hiệu nghiệm lắm.
Trên bếp trong thùng phuy nước sôi sùng sục, bốc hơi ngùn ngụt. Khói và hơi
nóng khiến tôi phải lùi người lại. Phía bên kia nồi bánh sau làn hơi nước không
khí rung rung những khuôn mặt chập chờn ánh lửa. Lát sau có một người lách phía
sau tôi thọc sâu vào lửa một cây củi lớn, lửa trong bếp bỗng phừng lên, tàn lửa
toé ra đỏ rực. Thoáng bên kia nồi bánh tôi bắt gặp đôi mắt chị Mai nhìn tôi,
ánh mắt sáng lên trong ánh lửa và cả khuôn mặt chị, theo với lửa bùng, đột
nhiên rạng lên. Hình như có một nụ cười của chị thoáng qua trong cặp mắt ấy.
Không một ai đế ý đến tôi. Trừ chị. Chị là người đã lôi tôi ra khỏi vùng tối của
sự buồn bã. Hầu như tất cả đám thanh niên ở đây đều nhìn chị Mai bằng cặp mắt
ngưỡng mộ vì chị đẹp. Thế mà chị không để ý đến ai mà chỉ nhìn tôi và để ý đến
tôi. Ý nghĩ này làm tôi sung sướng. Tuy chị không nhìn tôi nữa nhưng kể từ lúc ấy
lâu lâu tôi liếc sang nhìn trộm chị. Mỗi lần như thế dù chị có vẻ lắng nghe người
ngồi bên cạnh nói chuyện, tôi lại thấy chị hơi nghếch mặt sang một bên đưa tay
vén mái tóc khoác lên vành tai và một nụ cười nhẹ thoáng trong khoé mắt. Mặc dầu
chị không nhìn tôi nhưng tôi luôn luôn có cảm tưởng chị biết tôi đang nhìn chị
và cái dáng điệu có vẻ hơi kiêu sa ấy chỉ vì chị biết có người đang nhìn mình.
Chị Thoa quay sang bên tôi và nói to với tất cả mọi người:
"Em Thiết tôi có một cái tài là em thổi kèn Harmonica rất hay. Nhưng em
tôi dấu tài không bao giờ thổi trước đám đông. Tôi đề nghị tất cả cho một tràng
vỗ tay".
Tất cả con mắt đều quay nhìn về phía tôi vỗ tay. Tôi ngượng ngùng vì chưa bao
giờ có nhiều con mắt nhìn tôi như thế. Tôi toan từ chối vì nghĩ rằng cái nhạc cụ
này chỉ dành cho con nít chơi không đáng để biểu diễn nhưng tôi đổi ý khi thấy
đôi mắt sáng lên của chị Mai nhìn tôi khuyến khích. Tôi đứng dậy lấy kèn trong
túi quần cầm tay. Tôi cảm thấy cha tôi đang nhìn tôi. Tuần trước tôi rụt rè xin
cha tôi một trăm đồng bạc, một số tiền khá lớn hồi đó. Ông hơi ngạc nhiên nhưng
rút ví đưa ngay tiền cho tôi, không hỏi tôi một câu dùng tiền để tiêu vào việc
gì. Bây giờ thì chắc cha tôi biết tôi mua cái kèn hiệu Hohner mắc tiền này. Tôi
nói:
"Chưa đến giao thừa nhưng xuân cũng sắp đến. Tôi xin thổi bài này để đón
xuân. Bài Xuân và tuổi trẻ của La Hối.
Tôi để kèn giữa hai lòng bàn tay gập vào nhau rồi đưa ngang miệng. "Ngày
thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn
hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đoá hồng..." Thổi đến giữa bài thì một
người cháu của cụ Nghị đứng lên hô mọi người cùng hát theo tiếng kèn. "Vui
sướng đi cho đời tươi sáng! Vui sướng đi cho lòng thêm tươi! Ta hát ca đón mừng
xuân mới. Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái..."
Có tiếng pháo nổ trong rừng vọng lại. Lũ trẻ con hiện ra lăng xăng chen vào đứng
gần lửa. Bóng chúng chạy chờn vờn trên vách. Cha tôi và gần hết những người lớn
tuổi vào cả trong nhà. Rồi đám trẻ cũng tản mát đâu mất. Quanh nồi bánh bây giờ
chỉ còn lại một đám mấy thanh niên. Trên một manh chiếu trải dưới đất tôi trùm
chăn dạ ngồi dựa vào một khúc thân cây, lát sau đầu tôi gục xuống.
Vào một lúc nào đó trong đêm tôi nghe thấy có tiếng ai nói mơ hồ: "Giao thừa!
Giao thừa!" Rồi một tiếng nổ đùng xuyên vào giấc mơ. Tiếp theo là một
tràng dài những tiếng pháo lẹt đẹt nối nhau, nối nhau mãi không ngừng.
Có ánh lửa bập bùng. Có tiếng người gọi nhau, chào nhau lao xao trong rừng. Có
tiếng nói của cha tôi như lời giã biệt đám đông. Rồi tiếng kèn lan xa. Suối
mơ! Bên rừng thu vắng... Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng... Chiều chưa đi
sao...
Và cái buồn bã của tôi trở lại, thấm vào trong giấc ngủ.
Seattle,
trước Tết Bính Tuất, 2006
Chị Thoa
Thương nhớ
chị Nguyễn Kim Thoa
Chị Thoa có lần nói với tôi:
"Em biết không? Cậu lấy tên của chị đặt cho một nhân vật trong tiểu thuyết
của cậu đấy!"
Tôi hỏi:
"Truyện gì?"
"Hai buổi chiều vàng. Em đọc truyện ấy chưa?"
"Có lẽ em đọc rồi. Hồi bé. Bây giờ em chả nhớ truyện ấy thế nào".
"Em đọc lại đi. Buồn lắm..."
Bao nhiêu năm trôi qua. Tôi quên lời chị nói và không hề đọc lại Hai buổi
chiều vàng.
Mãi gần đây nhớ đến chị tôi lại tủ sách lục tìm quyển truyện ấy của Nhất Linh
ra đọc lại. Đọc xong tôi gấp sách ngồi thờ thẫn một hồi lâu. Rồi tôi buột miệng
nói với chị như thể chị vẫn còn ở trước mặt:
"Vâng, em cũng thấy truyện ấy buồn man mác..."
Tôi nghĩ thầm trong bụng: "Đời chị còn buồn hơn..."
Nếu chị ở trước mặt tôi sẽ nói với chị thế này: "Chị lầm rồi! Không phải cậu
lấy tên chị đặt cho nhân vật Thoa trong Hai buổi chiều vàng đâu, mà cậu
lấy nhân vật Thoa để đặt tên cho chị đấy! Chị quên rồi à? Hai buổi chiều
vàng xuất bản năm 1937, một năm trước khi chị ra đời".
Bố tôi khi đặt tên Thoa cho chị chắc hẳn mong rằng sau này đời chị sẽ gặp may mắn,
ít ra cũng như cô Thoa trong Hai buổi chiều vàng, bởi vì ở trong chuyện cuối
cùng rồi nàng cũng được sum họp bên chồng, hơn thế, lại có người yêu mình mãi
mãi bằng mối tình thầm lặng.
Thực tế chị Thoa không có cái diễm phúc ấy như cô Thoa trong truyện.
° ° °
Chị sinh ở
Hà Nội năm 1938 và sống bên Pháp lâu năm. Chị ở một mình trong một căn buồng nhỏ
trên lầu hai tại số 3 đường Chateauredon thành phố Marseille. Không chồng con.
Chị ra đi lặng lẽ như cuộc đời chị. Không người thân bên cạnh. Tại Clinique
d’Angelus, lầu hai, phòng 210 vào lúc 0 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 2 năm 2006.
Chị đi êm ả. Đó là niềm an ủi lớn nhất cho chúng tôi. Vào những ngày cuối người
chị yếu dần đi và lả vào cơn hôn mê nó tránh cho chị cái đau đớn tột cùng mà
nhiều người mắc bệnh ung thư ở giai đoạn chót phải chịu đựng.
Khi tôi đáp chuyến xe hoả tốc hành từ Paris đến Marseille thăm chị thì chị đã
hôn mê. Lúc ấy tôi lại tưởng chị ngủ. Tôi ngồi bên giường chị, nắm tay chị, ngắm
chị ngủ say sưa. Kiên nhẫn tôi đợi chị tỉnh.
Tôi đợi. Đợi mãi. Đợi từ sáng đến chiều. Đợi hai ngày liền như thế.
Để qua thì giờ... Tôi viết những dòng sau này cho chị.
° ° °
Em viết
ngay trước mặt chị. Chị không biết đâu. Và có lẽ, có lẽ thôi, em hy vọng là em
lầm, chị sẽ chẳng bao giờ biết được điều này.
Bây giờ là 11 giờ 30 phút trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 2006 và chúng mình đang ở
trong phòng 210 của bệnh viện Angelus. Người ta mới chuyển chị sang phòng này từ
căn phòng số 211 theo lời yêu cầu của chị. Anh Việt nói chị chê căn phòng cũ tối
tăm quá và không có cửa sổ trông ra ngoài. Em không biết là chị có nhìn thấy
căn phòng mới này chưa?
Hay để em tả cho chị nhé. Em hứa là em viết xong đoạn nào thì em sẽ đọc ngay
cho chị nghe.
Em tin rằng mặc dù bây giờ chị đang ngủ nhưng chị nghe được những lời em nói.
Không những chị nghe được mà lại còn nghe rất rõ. Như chị đã nghe rất rõ tiếng
còi tàu xe hoả của năm mươi năm về trước.
Chị nhớ không? Có lần em gọi điện thoại từ Mỹ nói chuyện với chị, chị bảo em
lúc chị mổ trong cơn mê chị đã nghe lại được tiếng còi tàu vẳng lên từ thung
lũng sau nhà. Hồi đó, đúng 5 giờ chiều mỗi ngày chuyến tàu hoả từ Đơn Dương đi
lên cứ đến Trại Mát trước khi vào thành phố thì hụ còi. Tiếng còi tàu lướt qua
thung lũng Prenn loang vào không gian Đà Lạt vọng vào căn nhà đá số 19 đường Đặng
Thái Thân nơi cậu và hai chị em mình ở; tiếng còi hồi đó nghe mơ hồ thế mà sao
mới đây chị lại nghe rõ mồn một.
Marseille hôm nay trời rét lắm. Buổi sáng u ám. Khi em đến đây thì trời bỗng
trong ra và có nắng to, thứ "nắng mới trông ngon lạ" như cậu tả trong Bướm
trắng, chị nhớ không? Nắng lọt qua khung cửa thả xuống sàn phòng vắt ngang giường
chị nằm, nắng đang sưởi ấm đôi chân của hai chị em mình đấy.
Để em đứng lên nhìn ra ngoài nhé!
Bên ngoài đẹp lắm chị ạ! Mình đang ở trên lầu hai của clinique. Cửa sổ trông thẳng
ra một hành lang dài. Hành lang phía trái có rất nhiều cột gạch vuông, ánh nắng
lọt qua những khoảng trống đổ xuống sàn những vệt sáng chéo nối tiếp. Những chiếc
ghế xếp đặt dọc theo hành lang, có lẽ để bệnh nhân ngồi ngả lưng hứng nắng và
hưởng không khí tươi mát bên ngoài. Hôm nay dù nắng to nhưng nhiệt độ hạ thấp gần
không độ nên em không thấy ai ngồi trên những chiếc ghế đó. Hành lang trống trải.
Chỉ có nắng chan hoà. Kiễng chân lên một chút em có thể thấy được công viên của
bệnh viện ở dưới kia, công viên với rất nhiều lối đi trải sỏi, với bức tượng đức
mẹ Maria cúi mặt dựng ở giữa những chiếc ghế đá dài lạnh lẽo. Một cặp vợ chồng
già di chuyển chậm chạp trong vườn cây trên lối đi. Em đoán ông già là bệnh
nhân được người vợ đầm dìu đi dạo nắng.
Em tạm ngừng đọc! Có ai vừa gõ cửa phòng...
Tôi quay người lại. Cửa phòng hé mở. Một người y tá thò đầu vào. Thấy tôi ông
ta gật đầu chào rồi quay nhìn cái bình nước biển treo trên cao. Đoạn ông ta rụt
đầu ra, khép cửa lại, trả căn buồng 210 về sự vắng lặng. Sự vắng lặng làm tiếng
nói của tôi vừa mới thoát khỏi cửa miệng đã lạc lõng quay về với chính mình. Trả
lời tôi là tiếng sủi nhỏ nhỏ đều đều của chiếc bình dưỡng khí.
Chị Thoa đầu ngả một bên. Cứ cách quãng đều đặn có tiếng thở hắt của chị. Tiếng
thở ấy, dấu hiệu duy nhất của sự sống, tôi nghe không tự nhiên, có vẻ như một
nhịp thở nhân tạo. Một ống plastic nhỏ xíu vắt qua mặt dưới hai cánh mũi nối với
bình dưỡng khí đặt ở cạnh giường. Treo trên giá cao là bình nước biển nối thòng
xuống một ống plastic khác truyền vào mạch máu cánh tay dưới tấm chăn trắng.
Tóc chị cắt ngắn, trơ ở dưới chân tóc màu bạc trắng. Hai má chị hóp hẳn vào.
Hai mắt chị không nhắm cũng không mở hẳn, chỉ hé nửa chừng cho thấy tròng mắt đục
đục.
Cặp mắt ấy hướng về một bên tường. Trên tường treo một cây thánh giá nhỏ bằng gỗ
màu nâu. Không biết là vô tình chị quay mặt về hướng ấy hay là chị cố ý nhìn
cây thánh giá cầu nguyện trước khi chị rơi vào tình trạng hôn mê?
Chị thiếp đi vào cõi mê từ thời điểm nào tôi không biết. Có lẽ trong thời gian
khi chuyến tàu hoả từ Paris đưa tôi đến Marseille. Tôi đoán thế bởi vì khi chuyến
tàu rời ga Lyon tôi có cảm tưởng rất lạ là tôi sẽ không bao giờ gặp lại chị.
Chị Thoa à... Em đến thăm chị ngày hôm qua. Anh Việt có nói với chị trước khi
anh ấy đi Paris là em vừa từ Mỹ qua Paris mấy hôm thì bị ốm phải hoãn thăm chị
mấy ngày. Hôm qua dù chưa khỏi hẳn em cũng ráng lấy vé tàu đi Marseille.
Paris mùa Đông năm nay rét quá chị ạ. Nhiệt độ hình như xuống tới 8 độ âm. Lần
đầu tiên đứng trên sân ga Lyon em bỗng nhớ đến bài Tiễn em chị hát
cho em nghe ngày nào tụi mình còn ở Đà Lạt. Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ
buồn thế... Trời mùa đông Paris... Suốt đời làm chia ly... Ga Lyon lúc đó
không có đèn vàng nhưng có tuyết rơi. Tuyết rơi mỏng manh buồn....
Em đứng ngơ ngác trên sân ga. Gió thổi lốc vào nhà vòm. Gió như có hàng trăm
mũi kim chích buốt da mặt. Gió rét em đứng co ro với chiếc mũ len chụp xuống tận
mang tai. Em dáo dác đi tìm bến xe đi Marseille, không biết bến nào, muốn hỏi
thì vốn tiếng tây mấy chục năm không dùng đã bay đâu hết. Em đứng trước một cái
kiosque có đề chữ lớn Accueil. Có phải đó là chòi Information? Em tiến tới cửa
sổ chìa tấm vé hỏi bằng tiếng Anh bến đi Marseille thì người đàn ông sau cửa
cau mày trả lời tiếng tây bằng một giọng rất xẵng: "Tôi chỉ nói tiếng
Pháp!" Em tức quá chị ạ, sao họ bất lịch sự thế, bên Mỹ không thế đâu. Bỗng
em nghe có tiếng nói nhẹ nhàng ở phía sau. Em quay lại bắt gặp nụ cười hiền hậu
của một bà già. Bà lặp lại câu nói của mình bằng một giọng Anh rất "đầm":
"Tôi có thể giúp gì cho ông được không?". Bà ta tốt quá chị ạ. Chỉ
cho em từng ly từng tí. Nào là phải tìm bến Grande Ligne, phải ngó lên tấm bảng
quang điện có hiện lên số tàu, nơi tàu đến và số bến đậu, những chữ này chỉ hiện
ra khoảng 15 phút trước giờ tàu chạy thôi.
Chuyến tàu chạy qua suốt chiều dọc của nước Pháp em chỉ thấy toàn một màu tuyết
trắng. Nhìn qua cửa sổ tàu những bông tuyết bay xiên xiên lặng lẽ. Em có cảm tưởng
con tàu như bất động không di chuyển trên một sa mạc trắng xoá mặc dù đây là
tàu cực nhanh TGV nối Paris-Marseille chỉ trong có 3 giờ đồng hồ.
Ngồi trên xe hoả em lục ba lô lấy bánh mì ra ăn rồi em lấy bản đồ Marseille do
anh Việt đưa tối hôm trước ở Paris ra nghiên cứu. Em cần biết đường từ nhà ga
St. Charles đến nhà chị và đường xe buýt đến bệnh viện Angelus. Anh Việt cũng
giao cho em chìa khoá nhà chị. Em mang theo đầy đủ giấy bút theo lời chị dặn để
viết vì trên giường bệnh chị sẽ kể em nghe về những kỷ niệm với cậu, với mợ từ
thời ở Cẩm Giàng, ở Phượng Vũ. Em rất phục trí nhớ của chị. Bài Thanh Ngọc Đình
em viết trước tết ta vừa rồi tả về đêm giao thừa với cậu ở Fim Nôm phần lớn em
dựa vào lời kể của chị. Em có mang cả cuốn tập san Thế Kỷ 21 số Xuân Bính Tuất
có đăng bài này. Em sẽ đọc bài này cho chị nghe và tặng chị cuốn sách.
Có tiếng gõ cửa rồi cửa mở. Một cô y tá bước vào. Cô nàng rất trẻ, đeo cặp kính
trắng, trông cô như một sinh viên. Trên túi áo blouse trắng của cô có bảng tên
Virgile. Cô nói Bonjour và tiến lại bắt tay tôi. Tôi đứng lên tự giới
thiệu bằng tiếng Pháp tôi từ Mỹ qua, là em của bệnh nhân, mới đến Marseille
ngày hôm trước. Tưởng tôi rành tiếng Pháp Virgile tuôn thêm một tràng dài. Nàng
đâu biết là sau câu nói đó tôi hết đạn. Tôi ngượng nghịu thú nhận bằng tiếng
Anh rằng vốn tiếng Pháp của tôi chỉ có thế và hỏi cô có thể nói chuyện bằng tiếng
Anh được không? Nàng nheo mắt giơ hai ngón tay trước mặt, đầu ngón cái ngón chỏ
khép nhau, chừa một khoảng cách nhỏ tí, nói A little! Tôi cũng bắt
chước, quặp ngón trỏ và ngón cái, nói Un peu! Hai chúng tôi cùng mỉm
cười và dùng cả hai thứ tiếng lẫn lộn nói chuyện với nhau. Tôi hỏi Virgile về
tình trạng của chị Thoa, có phải chị đang trong tình trạng coma không, cô ta gật.
Nhưng khi tôi hỏi sâu hơn như tình trạng coma này kéo dài bao lâu và có hy vọng
hồi phục không thì cô nói là cô không phải bác sĩ nên không có quyền trả lời.
Virgile đến bên giường bệnh. Hai tay cô cầm lấy một bàn tay của chị Thoa xoa nắn
nhè nhẹ. Ở bên này giường tôi cũng nâng bàn tay của chị lên xoa bóp và cảm nhận
qua làn da một bàn tay lỏng le và lạnh lẽo. Chúng tôi yên lặng cúi đầu. Hồi lâu
tôi ngửng lên thấy bên kia giường đôi môi mím của Virgile rung rất nhẹ như thể
cô ta đang cầu nguyện. Rồi cô ta đặt bàn tay chị tôi xuống, lấy tấm chăn phủ
lên, lẳng lặng đi ra khỏi phòng, đôi mắt nhìn xuống sàn, đôi mắt ấy thật buồn.
Chiều hôm qua lúc rời bệnh viện tôi đã ngờ chị Thoa bị coma không phải ngủ mê.
Về phòng nơi chị ở tôi vội gọi điện thoại cho anh Việt báo anh biết tình trạng
bất thường của chị; anh nói sẽ quay trở lại Marseille ngay hôm sau. Tuy nhiên sự
xác nhận của Virgile cộng thêm đôi mắt buồn rượi của nàng làm tôi xúc động. Tôi
nghĩ là Virgile phải còn rất trẻ và mới ra trường vì cái nghề của nàng nhanh
chóng sẽ buộc nàng phải giết chết mọi biểu lộ tình cảm như thế.
Virgile ra khỏi phòng đã lâu. Tôi không còn tâm đâu để viết tiếp. Tôi gấp tờ giấy
có chữ viết rất nhỏ của tôi kẹp vào trong cuốn Thế Kỷ 21 rồi tôi cúi xuống gần
mặt chị Thoa tay sờ má lay chị dậy. Tôi nhìn vào đôi môi chị Thoa và nói với chị:
"Chị Thoa ơi! Em đây. Thiết đây. Chị dậy đi! Chị ngủ lâu quá rồi! Em chờ
chị đã hai hôm rồi. Nếu quả thật chị nghe được lời em nói thì chị hãy cho em một
dấu hiệu. Dấu hiệu nào cũng được. Chị chớp mắt cho em biết. Hay là... để em sờ
các ngón tay chị nhé, chị cử động các ngón tay đi..."
Mặc dù nói thế nhưng tôi chỉ nhìn vào và quan sát đôi môi của chị. Không hiểu tại
sao tôi tin rằng nếu chị Thoa muốn thông tin cho tôi bằng một tín hiệu thì tín
hiệu ấy phải đến từ cặp môi ấy.
Cặp môi có một cái tật nó làm nên dấu ấn của chị Thoa. Môi chị rộng lúc nào
cũng hơi méo méo ở một bên trông tựa như hình quả lê, cặp môi ấy hình như luôn
luôn có ngầm một sự hoạt động liên tục ngay cả khi chị ngừng nói, cứ lát lát bắp
thịt ở cuối môi lại tự động nhích khẽ một cái, giật nhẹ một cái, nhưng chỉ thoáng
thôi, như một nghi ngờ.
Trong bao nhiêu năm hình ảnh đôi môi ấy đã ăn vào tôi không những như một biểu
tượng của chị và còn là hình ảnh linh động của sự sống. Cho nên khi tôi thấy cặp
môi ấy hoàn toàn bất động trên gương mặt chị tôi hiểu là có lẽ tôi đã mất chị
Thoa.
Cả một chuỗi những hình ảnh thời thơ ấu hiện lên từ những ngày xa xưa chúng tôi
ở Hà Nội. Thuở ấy sau cái chết của Thái em tôi thì chị Thoa và tôi bé nhất nhà.
Chúng tôi cùng học mẫu giáo trường Nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội. Vào Sài
Gòn những năm trước hiệp định Genève hai chị em lại học chung trường tiểu học
tư Decroly ở góc đường Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt. Nhưng dạt dào kỷ niệm thân
thương nhất vẫn là những ngày chị em tôi cùng với bố sống trên vùng đất cao
nguyên, chị em tôi theo dấu chân bố qua từng căn nhà, từng con phố của Đà Lạt:
bắt đầu từ 27 Phan Đình phùng cho đến 31 Minh Mạng, 12 Yersin, 19 Đặng Thái
Thân, 7 Yagut và sau cùng là 71 Hoàng Diệu. Trong tất cả những ngày tháng tuyệt
vời ấy của những năm 1955 đến 1958 mẹ không có bên cạnh, chị Thoa đóng vai mẹ
lo cho bố cho tôi từng bữa cơm sáng chiều. Ba bố con những buổi đi chơi núi
picnic, những lần tắm suối vào rừng tầm lan, những buổi hoà nhạc tại gia, tiếng
kèn của bố tiếng hát của chị, những hình ảnh đó thần tiên quá như chỉ có trong
giấc mộng đẹp chứ không thể nào có thực trong cuộc đời này.
Hồi nhỏ chị Thoa bị bệnh đau mắt hột chữa mãi mới hết nhưng từ đó thị giác chị
rất kém. Chị phải đeo kính cận rất sớm. Vì mắt kém chị bỏ học ngang. Kiến thức
chị chỉ ở trình độ trung học phổ thông. Đôi kính dầy cộm làm giảm nhan sắc chị
vốn tự nó cũng chỉ ở mức trung bình. Người chị tương đối cao to so với phụ nữ
Việt Nam. Bên trong cái thân hình ấy là một con người thực thà đến độ ngây thơ,
một lòng tin yêu nhẹ dạ và một tâm hồn mộng mơ xa rời thực tế.
Năm 1966 chị Thoa làm cán bộ xã hội tại Ty Xã hội Tuyên Đức được Bộ Y tế cấp giấy
phép sang Pháp chữa bệnh mắt. Trước khi chị đi tôi đến thăm chị nằm điều trị ở
trung tâm nhãn khoa bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn. Chị khóc. Tôi cũng khóc. Chị nói
là chị em mình không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau vì chị có ý định sau khi
chữa mắt sẽ ở luôn bên ấy không về nước.
Chị em tôi từ đó mỗi người mỗi ngã. Sang Pháp chị định cư ở Paris có anh chị Việt
ở gần giúp đỡ. Chị làm những nghề vặt vãnh để sống trong các nhà hàng ăn nhưng
vì mắt kém và chậm chạp chị khó làm một chỗ nào lâu. Có một nghề, nếu tạm gọi
đó là nghề, hợp với chị Thoa nhất là trông nom người già. Chị ở chung và trông
nom ông bà Hoàng Xuân Hãn trong một thời gian khá dài.
Đời tình cảm của chị tôi không được biết nhiều. Chị không bao giờ lập gia đình.
Trong khoảng thời gian đầu ở Pháp chị sống với anh Hiếu, một bạn trai của chị.
Mẹ tôi biết chuyện này, buồn lắm. Mẹ tôi thuộc thế hệ xưa không thể hiểu nổi lối
sống chung chạ nam nữ của thế hệ mới này. Mẹ tôi rất mong được thấy hai người lấy
nhau. Nhưng mong ấy không thành. Sau một thời gian dài chung sống, chị Thoa và
anh Hiếu chia tay.
Khi ông Hãn mất chị xuống Marseille ở nhà một người chú họ đã cao tuổi cần người
săn sóc. Việc nặng nhọc quá chị không kham nổi. Chị bỏ việc nhưng quyết định ở
lại Marseille không trở lại Paris. Có lẽ thời tiết ấm áp của miền biển hợp với
sức khoẻ của chị hơn. Chị xin vào quốc tịch Pháp và từ đó sống nhờ trợ cấp
chính phủ. Tiền trợ cấp không bao nhiêu. Chị thuê một căn phòng nhỏ trên lầu
hai của một chung cư nằm trên một con đường nhỏ cách nhà ga St. Charles khoảng
15 phút đi bộ. Địa chỉ căn nhà đó tôi thuộc nằm lòng vì bao nhiêu bức thư của
tôi đã gửi đến đó, bao giờ cũng kèm những bài viết mới nhất của tôi. Bao nhiêu
năm, bao nhiêu cánh thư về đó, nhưng mãi đến ngày hôm qua tôi mới có dịp đến tận
nơi.
Bầu trời u ám khi chuyến tàu hoả vào ga. Dù ấm hơn Paris nhưng Marseille vẫn
còn rất lạnh. Tôi ra khỏi ga St. Charles vai đeo ba-lô, một tay kéo va-ly, tay
kia cầm bản đồ, theo đám đông bước xuống những bực thang đá rất dài. Anh Việt dặn
tôi xuống hết bực thang cứ nhắm phía trước đi thẳng. Đại lộ Athènes. Đại lộ
Dugommier. Đại lộ Garibaldi. Gọi đại lộ (boulevard) cho to chứ những con đường
này ngắn và không lớn lắm. Theo bản đồ đi quá đường Académie rẽ tay phải thì đến
đường nhà chị Thoa. Nhưng tôi đi quá rất xa vẫn không thấy đành quay lui và
khám phá ra mình đã đi qua đường ấy mà không biết: Chateauredon chỉ là một con
ngõ bé tí, hai bên nhà cao nhiều từng cũ kỹ. Tôi bước đi trên vỉa hè hẹp tránh
những bãi rác những cục phân chó bị giẫm bết và dò tìm số nhà. Trước một cánh cửa
gỗ lớn tôi tra chìa khoá mở rồi bước lên một cầu thang cuốn tối tăm. Đến trước
phòng của chị tôi dùng ba chìa khoá mở ba ổ khoá khác nhau mới vào được phòng.
Vào phòng tôi quẳng va-ly xuống ghế rồi lật đật quay trở ra ngay, lại dùng cả
ba chìa, khoá đủ ba ổ trước khi xuống cầu thang. Tôi phải đi đến trạm xe ngay để
đáp chuyến buýt số 55 đến bệnh viện Angelus: chị Thoa chắc mong gặp tôi từng giờ
từng phút.
Có tiếng gõ cửa. Virgile bước vào. Nàng nhìn dáo dác quanh phòng rồi cầm lấy
chiếc cặp da lúc nẫy nàng để quên trên bàn. Nàng đi ra. Trước khi đóng cửa,
Virgiles nói vọng vào: "Anh của ông tên là Việt phải không? Tôi vừa nói chuyện
với ông ấy ở dưới nhà. Ông Việt vừa từ Paris tới, đang ngồi dưới nhà đợi nói
chuyện với bác sĩ". Tôi xem đồng hồ. 5 giờ rưỡi chiều. Tôi nghĩ bụng tối
nay không phải ngủ một mình trong căn buồng của chị Thoa.
Cả đêm hôm qua tôi chỉ chợp mắt được khoảng hai ba tiếng. Một mình nằm trên chiếc
giường của chị tôi thao thức. Ánh sáng phòng mờ mờ do ngọn đèn đường chiếu qua
khe cửa sổ chấn song lọt vào. Tôi nhìn khắp căn buồng và cảm nhận một nỗi trống
vắng quạnh quẽ thấm vào da thịt.
Đồ đạc bầy ngăn nắp. Bộ salon giữa phòng chỉ độc một ghế. Sofa đặt cạnh cửa sổ.
Tủ áo cao có tấm gương lớn. Vài bức tranh trên tường. Mấy lọ hoa giấy. Một cái
TV. Một máy nhạc. Trên tủ sách cạnh lò sưởi có đặt hai bức ảnh chụp lại từ hai
bức chân dung của bố mẹ tôi do bác Nguyễn Gia Trí vẽ. Giữa hai bức ảnh là cốc gạo
còn cắm mấy chân hương.
Nửa khuya thức giấc tôi đứng dậy đến sát cửa sổ để khép bớt ánh sáng. Qua khe
song tôi nhìn xuống đường. Dưới ánh đèn đường vàng vọt con phố quạnh hiu. Bên
kia hè từ đáy một thùng rác lớn một con chuột cống chạy vụt ra. Từ một thời quá
vãng một đêm nào không ngủ được tôi ra đứng trên balcon của chung cư nhìn xuống
hè đường chợ An Đông nhìn những con chuột mập ú ướt át thập thò ngoài lỗ cống.
Em biết không có những đêm nằm ngủ trong phòng chị nhìn ra cửa sổ cứ ngỡ như ở
ngoài kia là chợ An Đông. Hồi đó ở Sài Gòn có những hôm chị bị ốm nằm liệt giường
chị nhìn qua cửa sổ hàng giờ ngắm mãi những chữ bằng gỗ sơn màu đỏ tươi, những
chữ gỗ thật to dựng sát nhau trên bờ tường cao xếp thành chữ Chợ An Đông, cái
chữ O sao mà tròn và to thế... Hồi đó ở Đà Lạt... Hồi đó ở Hà Nội... chị miên
man nói với tôi hàng giờ trên điện thoại...
Tôi trở về giường. Chính trên chiếc giường này chị đã sống trọn vẹn cho dĩ
vãng.
Nghĩ đến hình ảnh chị Thoa mắt kém đi mò mẫm trong gian phòng trống trải này
trong đêm tối mà những giọt nước mắt cứ chẩy dài trên má tôi...
° ° °
Vieux
Port là một bến tàu nằm ở mỏm một cái vịnh nhỏ thuộc biển Địa Trung Hải. Vịnh
ăn sâu vào trung tâm của thành phố Marseille. Đến gần bến tàu chúng tôi xuống
xe buýt. Lúc ấy trời vừa tối. Marseille đã lên đèn. Anh Việt bảo tôi:
"Chúng mình ghé Vieux Port tìm cái gì ăn đã trước khi về nhà. Thiết muốn
ăn gì?"
"Tối hôm qua em đã la cà ở đây thấy có nhiều Restaurant nhìn ra view rất đẹp
lại quảng cáo có món soupe bouillabaisse Marseillaise em muốn vào quá, nhưng chờ
hôm nay anh đến cùng vào ăn luôn thể".
"Bouillebaisse ở đây anh ăn rồi. Dở lắm. Soupe ngon thì rất đắt, cả trăm
euros, mà cũng không biết ở đâu có. Thôi mình tìm cái khác ăn. Quán Le Quai có
cá ngon lắm!"
Tôi khẩn khoản:
"Em chỉ muốn ăn soupe bouillabaisse thôi. Ngon dở gì cũng được".
"Vậy thì mình đi xa một chút. Chỗ này tuy không có view nhưng chắc là khá
hơn".
Chúng tôi đi dọc theo bến tàu. Ban đêm tuy rất lạnh nhưng ở Vieux Port vẫn tấp
nập người qua lại, như thể sinh hoạt của cả thành phố đổ dồn về đây. Những chiếc
thuyền đủ loại màu sắc với những cánh buồm trắng đậu san sát ở bến. Nơi này 80
năm trước bố tôi đã đặt chân khi chuyến tàu từ Hải Phòng cặp bến khởi đầu chuyến đi
tây thứ nhất của ông. Cũng nơi này 40 năm trước anh Việt và chị Phượng ra
đứng ở đây đón chị Thoa khi chuyến tàu từ Sài Gòn cập bến Marseille. Tối qua đi
ngang đây tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm xưa ở Đà Lạt bố tôi trổ tài nấu bếp nhân
dịp mẹ tôi từ Sài Gòn lên thăm ông. Mẹ tôi ra chợ Đà Lạt mua đồ biển gồm cá,
cua, tôm, sò và nhìn bố tôi nấu xúp bouillabaisse, cái món xúp màu vàng nghệ lổn
ngổn những sò hến cua cá mà mẹ tôi gọi là xúp bát nháo. Múc thìa xúp còn nóng bốc
khói trong một cái đĩa sâu đưa lên miệng bố tôi xuýt xoa tự khen:
"Ngon không kém gì xúp bouillabaisse Marseillaise!"
Năm mươi năm sau nhớ câu nói đó tôi háo hức đi tìm một món ăn như tìm về một kỷ
niệm. Tôi nghĩ bụng nếu phải bỏ ra một trăm euros để tìm lại được một đĩa xúp đầy
ắp hương vị xưa nhất là hương vị do chính tay bố tôi tạo nên thì cũng đáng tiền
lắm!
Chúng tôi vào một nhà hàng khá sang trọng sau khi đọc tấm menu ở trước cửa có đề
giá 18 euros cho món súp bouillabaisse Marseillaise. Ăn xong tôi thất vọng. Tôi
không nhìn thấy nghêu sò tôm cá mà tất cả đồ biển đã nghiền nát thành một thứ
nước vàng đặc sệt không có một chút nào hương vị ngày xưa. Dù sao thì chúng tôi
cũng uống hết một chai rượu vang. Trong men rượu tôi bồi hồi thương cảm cho chị
Thoa và mong chị sớm tỉnh dậy để chị đưa tôi đi ăn tại một quán "có món
súp bouillebaisse giống y hệt như cậu làm" như chị đã từng hứa.
Chúng tôi trở về nhà chị Thoa. Con đường Chateauredon tăm tối và vắng vẻ. Anh
Việt tra chìa khoá mở cổng ngoài. Tôi bật đèn cầu thang. Ngọn đèn vàng tù mù.
Anh Việt phải loay hoay một hồi lâu mới mở được ba ổ khoá. Vào phòng anh Việt
nói:
"Bác sĩ cũng không biết tình trạng coma của Thoa sẽ kéo dài bao lâu. Thôi
thì cứ chuẩn bị trước mọi việc. Đến ngày về Mỹ thì anh em mình cứ phải về thôi.
Nhiều khi coma kéo dài mấy tháng ấy chứ, nếu đợi thì đợi đến bao giờ? Bây giờ
anh phải lục tìm các giấy tờ quan trọng Thoa cất trong tủ. Còn Thiết thì xem có
những gì quí cần giữ như hình ảnh, vật dụng của Thoa cứ để riêng ra".
Hai anh em cho đến khuya không ai nói với ai một câu, lẳng lặng lục hết tủ áo,
ngăn kéo. Trong một ngăn tủ chị đựng đầy những bức ảnh và giấy tờ lỉnh kỉnh.
Tôi đọc những bài thơ do chị viết. Thơ chị không hay. Lời thơ chất phác như con
người chị. Ảnh thì phần lớn do tôi gửi cho chị chụp trong những chuyến đi chung
về Việt Nam và trong lần cuối hai chị em tôi gặp nhau khi chị đến Seattle vào dịp
giỗ thứ 40 của bố. Tôi nhìn bức hình 5 anh em tôi đứng trên bực thang trước cửa
nhà tôi, đứng theo thứ tự anh Việt trên cùng còn tôi đứng bậc thấp nhất. Mới đó
mà đã ba năm qua. Có một bức ảnh đen trắng của chị được phóng to, bức ảnh chị
Thoa hồi bé tôi chưa bao giờ thấy. Có lẽ chị khoảng 13 tuổi khi chụp ảnh. Phông
của ảnh nhoè mờ nhưng tôi đoán là ảnh chụp chị ngồi uống nước chanh ở Hà Nội
trên con đường Cổ Ngư bên Hồ Tây.
Nửa khuya tôi đi ngủ. Trước khi thiếp đi tôi vẫn còn thấy anh Việt lui cui xem
xét trước đống giấy tờ của chị Thoa.
° ° °
Tôi
choàng dậy. Có tiếng chuông điện thoại reng liên hồi. Trời còn tối. Từ sofa anh
Việt nhỏm dậy bắt ống điện thoại. Đồng hồ bàn của chị Thoa có ánh lân tinh chỉ
6 giờ sáng. Tôi linh cảm ngay có chuyện không hay xẩy ra. Hơn hai mươi năm trước
vào đúng giờ này tôi đã nhận được cú điện thoại của anh Việt từ Paris báo tin mẹ
qua đời...
Có tiếng anh Việt thở dài. Tôi nghe tiếng hỏi của anh: "Vào lúc nào?"
Và tiếng anh nói, chắc là lặp lại những gì anh đã nghe qua đường giây:
"Không giờ ba mươi sáng".
Tôi lặng người. Chị đã mất 5 giờ đồng hồ trước.
Hình ảnh chị Thoa hiện lên trong tôi. Hình ảnh ấy của ba năm trước chị vẫy tay
từ biệt chúng tôi ở phi trường Sea-Tac trên đường trở về Pháp. Cũng với hình
dáng chị vẫy tay ấy tôi tưởng tượng chị đã trở về căn phòng này lần chót vào
lúc nửa khuya nhìn anh Việt và tôi đang ngủ. Rồi chị ra đi. Những bước thanh thản
nhẹ nhàng. Lùi dần sau chị là căn phòng chị ở, chiếc cầu thang cuốn, cánh cửa gỗ
căn nhà số 3, con đường Chateauredon dài hẹp và cả cuộc đời cô đơn của chị.
Marseille vào lúc không giờ hoang vắng. Bóng chị đi về hướng Vieux Port lên lại
con tàu đã đưa chị đến đây 40 năm trước để trở về chốn cũ, gặp lại những người
thân yêu của chị mà có lẽ trong bao năm nằm trằn trọc trên chiếc giường đơn độc
này chị đã nghĩ tới và mong sẽ có ngày gặp.
Seattle
tháng 3 -2006
BẠT
THỤY KHUÊ
°
Thế hệ bắc
cầu
Anh Thiết,
Rất lạ, khi ngồi trước máy vi tính để "viết" những dòng này, tôi đã gần
như quên hẳn những câu chuyện lý thú chúng ta nói với nhau đêm giao thừa Bính
Tuất, cách đây có hơn một tháng. Vậy mà hôm qua, khi đọc lại bài "Niềm vui
chết yểu" của anh, những chi tiết về cái chết Nhất Linh trở lại rõ ràng
như cuốn phim vừa xem xong, hoá ra tôi đã "thuộc" nội dung bài viết ấy,
mặc dầu tôi chỉ đọc có một lần, cách đây cũng đến trên dưới 20 năm, tình cờ trên
một tờ báo hay một cuốn sách không nhớ rõ ở đâu. Đó là lần đầu tôi "gặp
anh".
Đọc hết Nhất Linh cha tôi, thì đấy không phải là "lần đầu", còn
một lần nữa tôi đã gặp anh, xa hơn, mới thật là lần đầu, gặp mà không biết anh
là anh Thiết, lần ấy tôi tưởng anh là "nhà xuất bản". Một hôm (hình
như vào khoảng 79-80) tình cờ đi ngang một tiệm sách Việt ở Paris, tôi thấy họ
bày bán bộ Xóm Cầu Mới. Loại sách chụp và in lại (thời ấy rất thịnh
hành), ấn bản của nhà Phượng Giang. Tôi hết sức ngạc nhiên, vì biết nhà Phượng
Giang "chết" đã lâu rồi, ít ra là cùng với Văn Hoá Ngày Nay, những
năm sáu mươi, hoặc sau cái chết của Nhất Linh. Và Xóm Cầu Mới chưa hề
được Nhất Linh sinh thời nói đến chuyện cho in "toàn tập". Vậy tại
sao lại có bộ sách này? Cũng như nhiều học sinh, sinh viên thời ấy, tôi đã quen
biết với cô Mùi, ông Năm Bụng... trên Văn Hoá Ngày Nay. Nhưng 1962, tôi đi
du học, không biết rõ những biến cố lịch sử xẩy ra sau đó: không biết rõ về cái
chết của Nhất Linh, không biết tại sao Phượng Giang tái hiện, trong hoàn cảnh
nào? Phượng Giang thật hay Phượng Giang giả? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập, thúc giục
tôi phải mua ngay bộ sách quý giá này. Về nhà, việc đầu tiên là lật toàn bộ tác
phẩm để tìm một dấu hiệu nào đó, tôi chú ý ngay đến phần phụ lục ở những trang
cuối, quyển 2. Có mấy lời của Nhất Linh, có bản đồ Xóm Cầu Mới và nhất là có
"Lời nhà xuất bản": "Tập bản thảo mà chúng tôi dùng để in
quyển truyện này đã bị thất lạc từ mười năm nay mới được tìm thấy. Sự tình cờ
là ngày tìm được tập bản thảo lại nhằm vào ngày giỗ thứ mười của cố văn hào Nhất
Linh - ngày 18 tháng 5 Âm lịch - nên chúng tôi quyết định chọn ngày này cho khởi
công ngay việc chép và soạn lại toàn bộ tác phẩm Xóm Cầu Mới để đem in, đánh dấu
ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do Nhất Linh chủ trương từ năm
1952".
Bây giờ ngồi trước máy tính chép lại những "lời nhà xuất bản" trên
đây, lạ thay, tôi dần dần nhớ lại hết những chi tiết khác, trong các câu chuyện
mà anh nói với tôi đêm giao thừa và đêm trước, về việc tìm lại bản thảo, cũng
gay cấn như chuyện trinh thám, mà trong này anh chỉ viết gọn "thất lạc
từ mười năm nay mới tìm thấy". Biết mình may mắn, nhưng tôi lại tham
lam, muốn có nhiều người may mắn như mình, cho nên tôi mong một ngày nào đó,
anh sẽ kể lại cho độc giả, "những bí mật" về việc thất lạc ấy, tôi
tin như thế, bởi nó thuộc về dĩ vãng văn chương của một văn hào. Là một trong
những kẻ ưu tiên được nghe anh kể, và những điều tạm gọi là "bí mật" ấy,
không những đã đọng lại trong tôi (như những chi tiết về cái chết Nhất Linh) mà
nó còn làm sống lại tất cả những chi tiết khác, chung quanh những câu chuyện
chúng ta nói với nhau, đêm giao thừa Bính Tuất.
Trở về lúc "79-80", khi đọc xong lời "nhà xuất bản", tôi mới
yên trí rằng: đây là "sách thật" và thầm cảm ơn "cái ông nhà xuất
bản Phượng Giang" nào đó, chắc phải là "bạn thân" của Nhất Linh,
cho nên mới thiết tha với Nhất Linh và với văn chương đến như thế.
Tôi đâu có ngờ đó là anh. Anh Thiết. Cha anh đã đặt tên anh thật đúng.
Hai kinh nghiệm trên đây làm tôi hoang mang, phân vân không hiểu chính
"cái viết" hay "cái kể" của anh đã mở trong óc tôi một ngăn
kéo riêng "chứa" những gì về Nhất Linh, hay vì cha anh, Linh thiêng
bậc Nhất, cho nên ông biết đúng yếu điểm của con người, lấy làm "căn
cứ" để tồn tại, sau khi chết. Dường như cả ba yếu tố này đều có thật và
chúng hội tụ trong tác phẩm của anh.
Anh viết về Nhất Linh, nhưng thật sự anh đã kể về một thời, về giai đoạn bắc cầu
giữa Tự Lực Văn Đoàn và Sáng Tạo, về thế hệ "di cư", thế hệ
"chúng ta". Những mẩu chuyện nho nhỏ, những chi tiết cỏn con của Hà Nội
những năm 50, của Sài Gòn sôi động những năm 60, những gặp gỡ và xô xát giữa
cái mới và cái cũ. Trong "bọn trẻ chúng ta", "tinh thần" đã
âm thầm chia hai: kẻ đọc Văn Hoá Ngày Nay, kẻ đọc Sáng Tạo. Tôi đọc cả
hai, nhưng tôi thích Nhất Linh hơn; anh, con Nhất Linh, anh lại thích Mai Thảo:
đó là tất cả những phức tạp trong "chúng ta", khác "trường
phái" nhưng chia nhau cái tự do của tuổi trẻ.
Biết bao nhiêu điều để kể về cái quá khứ chưa hết lãng mạn nhưng đã pha chút bụi
đời ấy. Đọc anh mới biết Nhất Linh thích thổi hắc tiêu bài Tennessee Waltz,
bản nhạc đã mê hoặc "chúng tôi": vậy ra cha anh cũng chịu chơi, cũng
rất gần với tuổi trẻ. Anh lén cha đưa chúng tôi vào hậu trường của một nhà văn
lớn, những lúc ông khóc một mình trong đêm khuya: thì ra ông là người cô đơn, đớn
đau và bí mật. Anh chẳng giấu gì, anh kể hết những việc làm hàng ngày của ông,
những thói quen của ông. Nhưng cả anh, người viết lẫn tôi, người đọc, hôm nay
và mai sau, sẽ vĩnh viễn không thể nào "vén" được tấm màn bí mật của
ông: Nhất Linh bình thản sửa soạn cái chết của mình, ông bàn việc đó với
người con, và làm việc đó trước mặt người con, anh Triệu, vậy mà anh
Triệu không hay biết gì. Cái bí mật của ông là một hiện hữu, một bản chất, một
định mệnh.
Tôi còn nhớ, trong Viết và đọc tiểu thuyết ông khen cuốn Wuthering
Heights là cuốn tiểu thuyết hay nhất của mọi thời. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều
về nhận định này, bởi ông rất khâm phục Tolstoi, kỹ thuật viết của ông dựa trên
kỹ thuật của Tolstoi, vậy tại sao ông lại chọn Bronte là tác giả tiểu thuyết
hay nhất của mọi thời? Và trước khi mất, ông "ngồi cạnh" Bronte chứ
không phải Tolstoi.
Bây giờ thì tôi hiểu: cái bí mật trong tiểu thuyết của Bronte đã lôi cuốn ông,
Bronte đã viết được "cái bí mật" trong con người, con người còn sống
và đã chết, trong đó có ông. Bronte với ông là kẻ "đồng hội đồng thuyền".
Bronte ngày trước chắc cũng đã âm thầm khóc trong đêm như ông. Cho nên, trước
khi xuống "dưới ấy", ông đã đọc lại Bronte, để gặp nhau "đào
sâu" thêm những nghi vấn bí mật giữa sống và chết chưa giải mã được.
Những tiếng gõ "cạch! cạch!" của Vũ Hoàng Chương trên quan tài Nhất
Linh. Những tiếng bí mật của định mệnh, của một cái chết, của nhiều cái chết,
trong dòng lịch sử. Dường như anh đã ghi lại được tất cả những âm thanh vô
nghĩa mà lại có khả năng dội vào tâm khảm người đọc như một định nghĩa. Định
nghĩa của bí mật. Đọc anh, "chúng tôi" đã "biết hết" về cái
chết của cha anh và hai chú anh, để rồi kết luận rằng: họ đã mang theo tất cả
bí mật của đời mình, khiến "chúng tôi" ngơ ngác, không hiểu. Nhất
Linh có mặt hay vắng mặt? Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, đã một lần thật sự
hiện hữu?
Bên cạnh Nhất Linh và sự vắng mặt của Nhất Linh là sự hiện diện của những người
đàn bà: những người đàn bà trong Tự Lực Văn Đoàn. Những người đàn bà không viết
văn nhưng nếu không có họ thì không có văn chương, không có Tự Lực Văn Đoàn, thậm
chí không có lịch sử. Anh đã vẽ những bức chân dung họ, vài nét chấm phá về bà
nội anh, "thuỷ tổ" của Tự Lực Văn Đoàn. Những nét đậm đà về bà Cẩm Lợi,
mẹ anh, người đàn bà ít học nhưng thông minh lạ thường. Mẹ anh là bà Tú Xương của
Văn Đoàn, nếu không có bà thì Văn Đoàn không thể "Tự Lực" được. Trong
lúc hiểm nghèo, cũng chính bà đã can trường dẫn con trai ra khỏi "chỗ chết",
trong khi những người thân khác (bác anh và cậu anh) đã không đi thoát. Anh đã
viết những dòng đầy thương cảm về chị Thư, chị cả anh, người con gái 20 tuổi đã
dẫn 4 đứa em chạy loạn, lạc cả bố lẫn mẹ, sau này sống cô đơn, không hạnh phúc,
chết trong tai nạn. Không quên được chị Đạt, người chị dâu họ, đã cơm nước cho
cha anh trong thời kỳ ông lẩn trốn chính quyền (sau biến cố 11/11/60), trong
"sáu mươi đêm ngày" thời gian ông viết lá chúc thư văn học Giòng sông Thanh Thuỷ. Cũng chính chị Đạt đã
giữ trọn bộ Văn Hoá Ngày Nay và một số tư liệu, bản thảo của Nhất
Linh trong 40 năm sóng gió như "khúc ruột của mình". Chị
Thoa, một đời cô đơn, âm thầm sống và âm thầm chết, nhưng bên cạnh chị hiện lên
cha anh, như một "bóng ma thân thiết" che chở người con gái không nhiều
may mắn. Thái Vân, vợ anh, người "cầm vận mạng gia đình" ngày 30/4...
Mỗi quyết định, mỗi hành động của những người đàn bà này, đều mang tính rẽ, ngoặt,
thay đổi cục diện "lịch sử", dĩ nhiên là lịch sử nhỏ của anh, của gia
đình anh. Nhưng tất cả những lịch sử nhỏ ấy tạo thành Lịch sử. Bởi qua chị Thư,
bao nhiêu người tìm thấy chị mình? Qua mẹ anh, bao nhiêu người tìm thấy mẹ
mình?
Anh Thiết ạ, chúng ta có những việc làm giống nhau: anh ra đi ngày 30/4 để về lại
hơn hai mươi năm sau, đem tro cha mẹ về Trung. Chị Trâm tôi cũng đã vượt biên,
và cũng đã, như anh, trở về, cải mộ, đem xương cha mẹ về Bắc. Chúng ta cùng đi
trên một tuyến đường. Một tuyến đường có nhiều cái chết, như chị Thuỳ tôi, ở lại
nuôi chồng đi cải tạo và gửi dần bốn thằng con trai cho chị em vượt biển thành
công, chị Thuỳ đợi chồng về đi sau, để rồi cùng chết với chồng trên đường vượt
biển. Và chị Trâm tôi, cũng một thân một mình, dẫn mẹ và mấy đứa em từ hậu
phương về thành: Người con gái chưa đầy hai mươi tuổi ấy, đã chân đất, mỗi bước
năm ngón bặm chặt vào bờ ruộng trơn như mỡ, trên vai nặng một đòn gánh, gánh một
bên thúng gạo để ăn đường, một bên thúng "đựng" đứa em út chưa đầy 5
tuổi là tôi, qua những đồn bót, ruộng hoang, nhà cháy, bom đạn, vượt hàng trăm
cây số để về Hà Nội. Và vẫn người chị ấy, bốn mươi năm sau, từ Úc, về Sài Gòn
ôm tiểu cha mẹ về Bắc. Chị Thư anh và chị Trâm tôi, là một, phải không anh? Hay
như chị Thuỳ tôi đã chết để các con được sống. Họ đã âm thầm gánh lương tâm của
thời đại. Không có họ thì không còn anh, không còn tôi. Họ là những người đem
thuốc hồi sinh cho một thế giới đầy rẫy chết chóc. Nhưng trong những người chị
của chúng ta, còn hằng hà sa số những người chị khác, chúng ta không biết tên.
Cho nên tôi thành thật cám ơn anh, anh đã viết về họ, anh đã viết về tất cả những
bà Tú Xương không biết viết; anh đã viết về tất cả những người chị không biết
viết văn. Nhưng họ đã sống và đã hành động kịp thời. Họ thật. Và họ cần được viết
lại với sự chân thật, không màu mè, bịa đặt như chúng ta thường thấy trong những
hồi ký trá hình đầy rẫy trên thị trường chữ nghĩa.
Chân thật đối với anh không khó, bởi nó là "cái vốn" của gia đình
anh. Thạch Lam có viết trong Theo giòng, đại ý: sự chân thật không làm nên
nhà văn, nhưng một nhà văn đích thực không thể không chân thật. Sự chân thật ấy,
từ bà cô Nguyễn Thị Thế, ông chú Nguyễn Tường Bách, đến các anh em họ, như Duy
Lam, Thế Uyên, khi viết về gia đình anh đều toát ra, khiến những dòng hồi ký của
họ luôn luôn gây xúc động. Còn anh, anh viết: "Chú Sáu. Thạch Lam.
Tôi không biết làm sao khởi đầu. Tôi không biết gì về chú. Tôi không có một kỷ
niệm nào với chú. Tôi không hình dung nổi ngay cả một khuôn mặt rõ ràng của
chú. Nghĩ mãi sau cùng chỉ có một hình ảnh duy nhất gợi lên trong tôi về chú.
Đó là cây liễu... Cây liễu ven hồ... Thế là tôi bắt đầu." Nào ai bắt
anh phải thực thà như thế? Ở một cây bút khác, chắc gì người ta đã tự nhận là
mình bí. Nhưng trong thực thà có sự thực. Anh có thể viết khác đi, nhưng người
ta sẽ không đọc anh như đọc một sự thực. Và sự thực là điều quý giá nhất mà người
đọc mong mỏi và tìm kiếm khi mở một cuốn hồi ký. Sự thật không cạnh tranh với
văn chương, không làm hao mòn văn chương, không đe doạ văn chương, cho nên dù
viết thật thế nào, cuốn hồi ký của anh cũng vẫn là một cuốn hồi ký văn chương:
mộng và thực giao thoa trong những mảnh đời anh, mảnh đời gia đình, được cắt
dán chồng chéo một cách rất hiện đại, không theo thứ tự thời gian, không trước
sau, không thống nhất, như trong lối viết hồi ký cổ điển.
Hồi ký của anh giống những truyện ngắn, hay nói đúng ra là anh viết truyện ngắn
về gia đình. Nhưng những "truyện ngắn hồi ký" này vừa có chất
"thực" rất thực, mà còn chở những giấc mơ huyền ảo mà hồi ký truyền
thống không có. Anh vừa sáng tạo ra một thể loại mới, anh Thiết ạ. Hôm nọ trong
câu chuyện đêm giao thừa: tôi có mạo muội "khuyên" anh: Nên rút ông
Nhất Linh ra ngoài, để đi con đường riêng của mình. Và trong thư mới viết cho
tôi, anh có ý ngại, anh băn khoăn: nếu "bỏ Nhất Linh đi" thì liệu có
còn cảm hứng để viết nữa hay không? Bây giờ đọc xong hồi ký của anh thì tôi chắc
chắn hai điều: về cảm hứng, tôi nhớ Nhất Linh có khuyên Bình Nguyên Lộc: "Không
có chuyện cảm hứng gì cả, mỗi ngày bắt buộc mình phải ngồi viết một hai trang,
thì cảm hứng sẽ đến". Điều này trước đây tôi cũng đã học được của
Nguyễn Hiến Lê. Còn câu "rút Nhất Linh" ra, thì nay tôi xin "rút
lại", kể như không nói, anh muốn viết gì thì viết, miễn là anh thành thực
với chính mình như anh vẫn làm từ trước đến nay, như trong cuốn sách này. Chính
cái thành thực đã khiến anh gần gụi với độc giả, và tôi là một trong những độc
giả ưu tiên được đọc anh và tôi đã tìm thấy ở anh, dấu ấn của một nhà văn đích
thực.
Paris,
27/3/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét