Vũ Ánh
LTG - Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông
nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả
lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền
mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp
nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi
đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì
đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những
cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi
và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong
danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại
học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này.
Tôi hy
vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của
không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối
chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều
thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng
cũ: đàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị
ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách
nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam
thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con
cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay
cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.
Ðặt tên cho
một lòng chảo
Cái tên này được các tù cải tạo vốn là những sĩ quan quân đội và
các cấp chỉ huy trong công chức VNCH từ trưởng phòng trở lên và tù chính trị án
nặng kể cả tử hình đặt cho một cái lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước thuộc
quận Ðồng Xuân thuộc tỉnh Phú Khánh (tên gọi mới của tỉnh Phú Yên), nơi có trại
cải tạo A-20. Từ ga xe lửa La Hai trên Quốc Lộ 1 muốn vào đến lòng chảo này
phải vượt qua 60 cây số đường rừng, tức là phải vượt qua trạm cuối cùng nơi có
một trại Lực Lượng Ðặc Biệt cũ thời chiến tranh cách A-20 khoảng 10 cây số,
vượt qua một vòng đai gồm khu kinh tế mới và một vòng đai gồm gia đình công an
và dân làng do Việt Cộng kiểm soát thời chiến tranh. Từ ga xe lửa La Hai vào
đến trại, thân nhân các tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối vào mùa mưa,
trong đó nguy hiểm nhất là suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ và chảy xiết. Về vị
trí thì theo nhiều tù cải tạo rành về địa thế cho biết trại A-20 nằm trong một
khu rừng già bên cạnh con đường mòn mới mà người Cộng sản gọi là Trường Sơn Tây
bên này dãy Trường Sơn.
Theo lời kể của cựu trung úy bộ đội xe tăng của CSBV tên là Hội
thì vào năm thứ hai của thập niên 1980, mẹ tôi đã suýt chết đuối tại con suối
này khi cố lặn lội lên trại thăm tôi. Hội chính là người đã cứu bà khi mẹ tôi
làm rớt túi bánh mì khô cụ đem lên trại cho tôi nhưng trại không cho gặp vì lúc
đó tôi đã bị kỷ luật vô thời hạn trong xà lim cá nhân mà đám tù nhân chúng tôi
gọi là “hộp” hay “chuồng cọp.” Hội vốn là chi đội trưởng một chi đội xe tăng
T-54 từ Ðồng Hới vượt cầu Hiền Lương vào Huế rồi dừng lại ở Ðà Nẵng đầu Tháng
Năm, 1975. Một năm sau, khi đang đóng quân và hoạt động tại Hòa Cầm, Hội bị bắt
vì tội biển thủ, một loại tội gán cho hành động trộm xăng quân đội đem bán lấy
tiền tiêu xài. Bị đưa ra tòa án quân sự và bị kết án 10 năm tù, viên cựu trung
úy xe tăng này đã được giảm án vài lần vì thực ra tội tham ô này chẳng đáng gì
so với những “anh lớn ăn cắp và biển thủ công khai” nhưng có ô dù che đỡ nên
chẳng sao cả, theo như lời Hội nói. Tôi nghe câu chuyện này do chính Hội kể khi
anh ta bị đưa vào biệt giam nơi tôi đang bị cùm vì anh ta liên lạc giúp đỡ các
thân nhân đi thăm gặp qua đò ngoài giờ qui định. Ghi lại sự kiện này, tôi muốn
nhấn mạnh đến một thành phần khác đặc biệt được đưa đến trại A-20 Xuân Phước để
làm những công việc mà chúng tôi không được phép làm. Thành phần ấy là những tù
hình sự gồm phần lớn có án tù vì tội danh cướp có vũ khí hay những cựu sĩ quan
quân đội CSBV tham ô, biển thủ. Họ được phân bổ các công việc thuộc “diện rộng”
mà ban quản trại gọi là diện “tự giác” vì được tin tưởng là thành phần này sẽ
không trốn trại.
Trại A-20 Xuân Phước có từ bao giờ và có bao nhiêu phân trại?
Thật ra, khó biết được ngày chính xác trại tù cải tạo này được thành lập từ vì
có nhiều câu trả lời khác nhau từ các nguồn tin. Nhưng theo lời một bạn tù cải
tạo thuộc nhóm người di tản sang Guam rồi đòi trở về trên con tầu Việt Nam
Thương Tín vào mùa Hè năm 1975 thì trại được xây dựng khi phần lớn số người di
tản trở về từ Guam bị đưa vào cái lòng chảo này và bị bắt buộc phải phá rừng,
xây dựng trại cuối năm 1975 và kéo dài sang đến các năm 1976-1977. Một số anh
em này được thả dần dần, nhưng cũng có người vẫn còn bị tù cho tới năm 1985.
Những tháng cuối năm 1975 khi bị đưa từ trại B-5 Tân Hiệp, Biên Hòa, về biệt
giam khu ED ở nhà tù Chí Hòa để thẩm cung, tôi có liên lạc được với một số anh
em từ Guam trở về trên chuyến tầu Việt Nam Thương Tín cũng bị biệt giam tại khu
này. Một năm sau tôi được chuyển xuống phòng giam tập thể và có dịp sống với họ
trước khi bước vào cuộc lưu đầy dài hạn ở các trại lao cải (các trại tù mà
trong đó tù cải tạo phải lao động khổ sai).
Thời gian tôi sống trong biệt giam ở khu ED nhà tù Chí Hòa đã
xảy ra một số các ngộ nhận, tức giận và có những lời lẽ quá đang đối với các
anh em trở về trên chuyến tầu Việt Nam Thương Tín xuất phát từ các phòng biệt
giam khác. Vào lúc ấy, tôi đã cho rằng đây là sự bất công vì khi chưa tìm hiểu
nguyên nhân khiến họ dù đã di tản đến Guam, có người đã vào tới Camp Pendleton
rồi lại đòi trở về thì không nên vội vã khi cùng đồng cảnh với nhau. Khi gặp
lại cựu Trung Tá Trần Văn Nam, một trong những viên chức cao cấp của Bộ Chiêu
Hồi cũng nằm trong số những người trở về, tôi hiểu được hành trình quay ngược
lại đất nước của những tù nhân từ chuyến tầu Việt Nam Thương Tín bắt nguồn từ
động lực của trái tim. Ông đã nói với tôi trong bữa cơm tù chúng tôi ngồi ăn
chung tại phòng giam 14 khu ED: “Lúc bỏ đi mình như người bị tê liệt suy nghĩ.
Nhưng sang đến Guam rồi, bình tâm trở lại nỗi day dứt thương gia đình bố mẹ vợ
con còn kẹt lại, ăn một miếng cơm mà như một khúc gỗ chặn lại ở cổ họng, tôi
không còn lựa chọn nào hơn là quay lại xứ sở mà tôi biết sẽ bị đày đọa. Nhưng
thà là như thế.” Ông Nam bị “vác bao bố chỉ xanh” (bị lưu đày ở ngoài Bắc) năm
1977. Trong chuyến ra Bắc cùng với ông Nam có cựu Bộ Trưởng Thông Tin Nguyễn
Ngọc An, Trung Tá Thạch chánh văn phòng của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và
nhiều cựu viên chức cao cấp khác của chính phủ VNCH. Kể từ đó, tôi không còn
dịp nào gặp lại họ nữa.
Vài năm sau, khi bị giải giao đến phân trại E thuộc trại A-20
Xuân Phước mà chúng tôi gọi là trại trừng giới, tôi có gặp lại vài anh em nhóm
Việt Nam Thương Tín ở cả trại E (trại ngoài cùng) lẫn trại B (cách trại E
khoảng 5 cây số). Một phần trong số anh em này lao động ở “diện rộng.” Hầu như
không một ai trong số những anh em trên chuyến tầu định mệnh mà khi di tản có
trọn vẹn gia đình bên cạnh. Có những người đi cả hai vợ chồng nhưng con bị kẹt
lại, có những người cả gia đình di tản, nhưng kẹt lại mẹ già, nên đành để vợ
con ở lại Guam còn mình phải quay về, có người di tản với gia đình nhưng không
mang được hôn thê sắp cưới theo mà cuối cùng cũng phải theo tiếng gọi của trái
tim mù lòa quay lại cố quốc cho trọn tình. Tôi chỉ sơ lược vài nét chấm phá về
hoàn cảnh của những người bạn tù thuộc nhóm Việt Nam Thương Tín.
Nói cho ngay là nếu muốn viết lại những trang sử đặc biệt của
những người đã bỏ nước di tản trước hay trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 đến Guam
rồi phải quay trở lại quê nhà vì nhiều nguyên nhân tình cảm gia đình khác nhau,
thì vẫn còn nhiều nhân chứng hiện cũng đã được tái định cư lại ở nước Mỹ, nhưng
đây không phải là mục tiêu của loạt bài này. Cá nhân, tôi vẫn quí những anh em
tù Việt Nam Thương Tín vì thực ra cái giá mà họ phải trả bằng cuộc sống lao tù
trong các nhà tù cộng sản sau khi từ Guam trở về dù có bị nhìn theo lăng kính
nào thì hành động bất chấp đến hiểm nguy cho cá nhân họ để quay lại với gia
đình cũng còn có giá trị văn hóa nhất định của người Việt Nam. Cho nên, bây giờ
tôi quay lại câu chuyện của tôi, của chúng tôi, những người tù tại một trong số
những trại tù được xếp vào loại khắt khe nhất trên toàn cõi Việt Nam vào giai
đoạn ấy.
Chế độ “lao
cải” Việt Nam: Một chu kỳ khép kín
Tổng quát về chế độ lao cải ở Việt Nam, tôi có thể vạch ra một
chu kỳ khép kín như thế này: tù cải tạo được đưa vào những khu rừng già, phát
quang, tự tay dựng trại để “tự quản” nghĩa bóng tức là tự nhốt mình, phải lao
động để làm ra “của cải vật chất” để tự nuôi sống và có thể góp phần nuôi sống
cả đám cai tù nữa. Trong thời gian lao cải, nếu người tù nào “cải tạo tốt” sẽ
được thả, người tù nào chưa tốt hay chưa “an tâm cải tạo” thì phải tiếp tục cải
tạo cho đến khi tốt thì mới được “tha ra khỏi trại.” Tôi xin nhấn mạnh ở đây
một lần nữa là trong loạt bài này tôi dùng đúng thứ chữ nghĩa che đậy hành động
bóp chẹt bao tử để tẩy não tù nhân của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những văn
bản nói về các trại cải tạo với các nhà báo nước ngoài, Hà Nội thường dùng chữ
“re-education camp” và họ dịch nguyên ngữ là “trại cải giáo.”
Có những trại lao động cải tạo (lao cải) đưa ra một nội qui cấm
dùng chữ “tù cải tạo” mà phải dùng chữ “trại viên.”
Bản thân, khi bước vào khu biệt giam của nhà tù B-5 Tân Hiệp
Biên Hòa, nơi tạm giam một số cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn thuộc Ðoàn 59 người của
VNCH, một số xã trưởng từ miền Trung di tản vào miền Nam bị truy đuổi và bắt giữ
sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 và một số sĩ quan bị bắt làm tù binh trong trận đánh
cuối cùng tại Long Khánh, tôi và một số anh em khác đã được một cán bộ tên là
Bé nhắc đi nhắc lại tư cách “trại viên” trong khi tay tôi bị trói và vài phút
sau đó hai chân bị cùm cứng bằng chiếc còng tự chế gắn chặt vào bệ nằm trong
phòng biệt giam cá nhân. Gần đây có một khán thính giả nghe tôi nói trên màn
ảnh truyền hình đã gởi e-mail đưa ý kiến là chúng tôi không nên dùng chữ tù cải
tạo hay trại cải tạo mà cứ dùng thẳng là tù nhân hay nhà tù. Vị khán thính giả
này nói cũng có lý. Nhưng nếu dùng hai chữ này thì người ngoài có thể đồng hóa
chúng tôi với những tù hình sự (trộm cắp, cướp, hiếp dâm, buôn bán ma túy, tham
ô, biển thủ...) nên tôi dùng chữ tù cải tạo hay trại cải tạo để đề cập tới một
kiểu nhà tù được đặc biệt thiết lập nhằm nhốt và hành hạ những người thua trận.
Cá nhân, tôi hiểu cuộc tranh luận về chữ nghĩa sẽ không bao giờ có kết thúc và
vì thế nếu thấy tiện thì chúng tôi sử dụng, ngoài ra không có một hậu ý nào
khác. Vì theo tôi, vấn đề quan trọng không phải là chữ nghĩa che đậy mà là nhà
cầm quyền Việt Nam đề ra mục tiêu cải tạo và áp dụng những biện pháp trừng phạt
về thể xác cũng như tinh thần tàn bạo thật đấy, nhưng liệu họ có cải tạo được
chúng tôi theo ý họ muốn không, nhất là về khoản bản năng đối kháng. Sự tranh
luận và những đánh giá về bản năng đối kháng mà chúng ta đọc được phần lớn là
dựa trên cảm tính và lập trường chính trị chứ chưa có một cuộc điều tra nào
mang tính chất tâm lý chuyên môn được thực hiện trong số những nhân chứng còn
sống ở hải ngoại. Nhưng nếu căn cứ vào sự kiện có những người tù cải tạo chân
ướt chân ráo về tới nhà khi được thả ra là đã tìm đường vượt biển ra nước ngoài
hoặc khi có chương trình nhân đạo HO nhận những thành phần cựu tù cải tạo từng
bị đẩy vào các trại cải tạo ít nhất là 3 năm định cư ở Hoa Kỳ thì chỉ có một số
rất ít những người lựa chọn sự ở lại để “góp phần xây dựng đất nước,” còn phần
lớn đều lựa chọn sự ra đi đã là những minh chứng cho thấy sự thất bại của chính
sách cải tạo con người của chính quyền Việt Nam cộng sản. Cho nên khi những năm
gần đây xuất hiện một số những hoài nghi hay cáo buộc người này người nọ bị tẩy
não, tôi cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ và coi nhẹ những chịu đựng và
đau khổ mà người tù cải tạo phải trải qua, không nên duy trì mãi những ý tưởng
ấy. Nó vừa bất công, vừa không có chứng cớ thuyết phục.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét