Bửu Long
Cho đến thời điểm bây giờ,
có thể nói rằng âm mưu độc tài của đảng Cộng sản chỉ đạt được chưa tới 50% mục
đích, và con đường đi đến độc tài của họ nghe ra còn quá xa vời, thậm chí có
những lúc rơi vào trục trặc, để ổn định cơ chế, họ phải chấp nhận tình thế “con
lừa chui qua lỗ kim”. Nhưng dẫu sao, họ vẫn có được quyền lực trong tay và cơ
hội duy nhất dành cho họ là hiện thực hóa độc tài bằng con đường ngu dân tiệm
tiến.
Chỉ có ngu dân tiệm tiến mới là cơ hội duy
nhất để đi đến độc tài, nếu ngu dân bạo phát hoặc ngu dân cưỡng chế bạo phát
đều cho họ kết quả ngược lại. Vấn đề này được những nước Cộng sản còn sót lại
trên thế giới thực hiện triệt để, bằng chứng cụ thể và rõ nét có thể nhắc đến
Việt Nam qua một vài thông số:
Lượng bia Heineken tiêu thụ ở Việt Nam được
xếp vào diện top-ten thế giới trong năm 2012; Số lượng người biết nhậu ở Việt
Nam có thể lên đến 90% dân số và số lượng người có thói quen nhậu vào mỗi chiều
cuối tuần hoặc mỗi chiều trong ngày chiếm đến gần 50% dân số; Quán nhậu có mặt
khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ hang cùng ngõ hẻm cho đến đường phố; Cá độ bóng đá
và đi nhậu sau mỗi trận bóng trên tivi đã thành nếp văn hóa trong giới trẻ;
Nghề nấu rượu, nấu bia luôn là ngành có thu nhập siêu lợi nhuận; Bạo phát nạn
mại dâm.
Song song với tính năng vật dụng này, tính
năng tinh thần cũng được “cởi mở” đến cực điểm: Cổng chat trên internet được ưu
tiên duy trì nhiều nhất; Một số nick name có gốc gác không phải dân thường luôn
hiển thị với nội dung liên quan đến sex; Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được qui định
và định nghĩa đồng nhất với Tính Đảng; Hàng ngàn hội nhà văn cấp huyện ra đời,
nó nghiễm nhiên trở thành những phân hội dùng cho mục đích đấu tố văn nghệ và
ca ngợi đảng Cộng sản; Nền giáo dục được nhồi nhét bởi Mac-Lê và tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Về phía hàng hóa tiêu thụ hằng ngày, dường như
nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, ngay cả trong giường ngủ, nếu không cẩn
thận, made in China cũng có thể xuất hiện. Hình ảnh cờ đỏ sao vàng và tiêu
chuẩn “cháu ngoan bác Hồ” luôn là nỗi ám ảnh đối với học sinh mẫu giáo, học
sinh các cấp, nó xói mòn tuổi thơ bằng những thứ hình tượng phù phiếm, giả tạo
theo kiểu “đêm qua em mơ gặp bác Hồ…”; Giáo dục được định nghĩa
theo kiểu cung – cầu, tính mua bán trong truyền đạt tri thức bội phát và hình
ảnh người thầy giáo trở thành một thứ con buôn chữ nghĩa trong mắt học trò; Vấn
nạn tham nhũng tràn lan trong mọi ngành, mọi giới, niềm tin bị mất, những thứ
thuộc về giá trị nhân bản được thay thế bằng kim bản vị…
Và nhiều vấn đề khác có tính liên đới dẫn đến
sự lụn bại tư tưởng, tinh thần cũng như khí chất dân tộc dưới triều đại Cộng
sản xã hội chủ nghĩa. Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao nói rằng đảng
Cộng sản chỉ đạt được chưa tới 50% mục đích độc tài? Vì sao nhà nước Cộng sản
phải chọn kiểu ngu dân tiệm tiến để hiện thực hóa độc tài?
Ở câu hỏi thứ nhất, thử xét lại quá trình lịch
sử từ năm 1932 cho đến năm 1975 và cho đến hiện tại cùng những sự kiện nổi cộm
của nó. Đầu tiên, có thể nhắc đến nạn đói năm 1945 đã cướp đi gần ba triệu sinh
mạng, trong lúc đó, dân số Việt Nam chỉ ngót nghét mười bảy triệu cho cả hai
miền. Nói riêng miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản cùng với chủ
trương “góp gạo nuôi quân” nhưng trong thực tế là đàn áp, bắt buộc nhân dân
phải nhịn ăn để nộp gạo nuôi quân đội, dự trữ cho chiến tranh và nuôi bộ máy
Cộng sản. Kết cục của sách lược này là nhân dân chết đói la liệt, nhưng, trong
quân đội và chính phủ Cộng sản Bắc Việt không có bất kỳ một người nào bị chết
đói.
Nạn đói này đã lấy đi rất nhiều sinh mạng và
lấy đi toàn bộ niềm tin của người dân miền Bắc vào đảng Cộng sản, họ bắt đầu
hoài nghi sự tồn tại của đảng này. Nhưng, chính vì tính giảo quyệt và dã man
của đảng Cộng sản đã cứu họ bằng một chiến thuật mới, đó là đấu tố và ngậm máu
phun người.
Cuộc đấu tố toàn triệt miền Bắc Việt Nam vào
những năm 1955, 1956 đã ném toàn bộ tội lỗi vào giai cấp phong kiến. Với chiêu
bài “lấy lại ruộng đất cho nhân dân, cho người cày có ruộng…” và tranh thủ sự
yếu mềm cũng như thiếu hiểu biết, dễ nóng giận vì thân phận nhỏ nhoi của người
nông dân chân lấm tay bùn, đảng Cộng sản đã đẩy họ đi từ chỗ nể sợ tầng lớp địa
chủ đến chỗ hoài nghi, thù hận và cuối cùng là biến sự hoài nghi, thù hận này
thành hành động giết chóc.
Có những người mới buổi sáng còn xưng ông xưng
con, còn “tạ ơn ông giúp cho nhà con được có chén cơm ăn…” thì
cũng con người này, buổi chiều lại trói gô “ông cho nhà con chén cơm” và đẩy
xuống hố, tha hồ ném đất, ném đá dập đầu mẻ trán, miệng chửi như hà rầm: “Mả
cha nhà mày đồ phong kiến bóc lột cướp miếng ăn, cướp đất đai nhà ông…!”. Và
cứ thế, cuộc đấu tố được phát triển theo hiệu ứng đám đông, lây lan và kích
thích máu thù hận, máu giết người lên đến đỉnh điểm, không có thù hận gì cũng
cố mà moi cho ra lý do thù hận theo kiểu “hôm qua mày chửi tao là nông
dân không biết chữ, tội mày đáng chết!”. Kết cục, hàng triệu con người
lao vào giết nhau để lòi ra một diện tích đất tương đối lớn, đủ để nhà nước
Cộng sản dùng nó chia cho nông dân canh tác, đến mùa lại thu thuế, gọi là “góp
gạo nuôi quân”.
Và đáng kể hơn cả là hàng triệu lượng vàng
trong tay tầng lớp phong kiến được thu về một mối: Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa. Người dân nghiễm nhiên trở thành đầy tớ, tá điền của nhà nước
Cộng sản. Việc lấy lại niềm tin bằng cách ngậm máu phun thẳng vào tầng lớp
phong kiến coi như tạm ổn, chính sách mị dân và biến dân thành nô lệ Cộng sản
thành công, vấn đề tiếp theo là thu thập lợi nhuận từ mồ hôi nhân dân và bành
trướng chủ nghĩa Cộng sản trên đà hội nhập Cộng sản quốc tế.
Để đạt được bước tiếp theo này, nhà nước Cộng
sản tiếp tục chính sách phân hóa dân tộc, gây chia rẽ và gieo lòng thù hận, nồi
da xáo thịt. Thay vì lấy tinh thần dân tộc để xây dựng một Việt Nam vững chãi,
hùng mạnh và thịnh vượng thì người Cộng sản lại lấy tinh thần Cộng sản quốc tế
và đấu tranh giai cấp để xây dựng chủ nghĩa và hội nhập vào khối Cộng sản Nga –
Xô. Mục tiêu này đã đẩy đất nước Việt Nam vào cuộc chiến tranh Nam – Bắc kéo
dài hơn hai mươi năm, tốn phí không biết bao nhiêu xương máu và tài sản nhân
dân. Mãi cho đến bây giờ, chính những cán bộ lãnh đạo của nhà nước Cộng sản
cũng phải thừa nhận là họ không đủ khả năng để xây dựng trở lại một Sài Gòn –
hòn ngọc viễn Đông của những năm trước 1975.
Mục tiêu hội nhập Cộng sản Quốc tế, lấy Quốc
tế Cộng sản làm mái nhà chung của nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đẩy cuộc nội
chiến từ ngưỡng chiến tranh ý thức hệ lên ngưỡng chiến tranh ủy nhiệm. Nếu như
ban đầu, cuộc chiến có mức độ rỉ rả của hai ý thức hệ Cộng sản – Tư bản của hai
miền Nam – Bắc Việt Nam, thì chỉ vài năm sau, cuộc chiến lún sâu vào thù hận
của một dân tộc bị chia cắt hai miền và họ đánh nhau dưới sự ủy nhiệm của hai
khối Cộng sản – Tư bản. Xương máu bị mất đi lúc này không còn là xương máu cho
một khối chung dân tộc mà là xương máu cúng thí cho những thứ ủy nhiệm ý thức
hệ hết sức mơ hồ, lạnh nhạt. Đương nhiên, phía miền Nam Cộng Hòa không mang
nặng ý thức hệ và không nhận chịu sự ủy nhiệm như phía Cộng sản Bắc Việt. Cuộc
chiến của phía Việt Nam Cộng Hòa có tính chất tự vệ, chống sự xâm thực của khối
Cộng sản đỏ nhiều hơn là chiến tranh ủy nhiệm.
Và, đỉnh cao của cuộc chiến tranh ủy nhiệm này
là trận Mậu Thân – 1968. Thực ra, trận chiến Mậu Thân 1968 có tính chất giải
quyết lương thực nhiều hơn là đánh chiếm và “giải phóng miền Nam” như các tài
liệu lịch sử của nhà nước Cộng sản vẫn hay ca ngợi.
Cần phải nói thêm là đến đầu năm 1968, dân số
miền Bắc đã tương đương 11 triệu người, trong khi đó, số lượng quân nhân đã lên
quá cao, và số thanh niên trong độ tuổi động viên lên đường nhập ngũ cũng phát
triển rất cao, ngoài ra còn người già và trẻ em. Điều này cho ra một bài toán
khó cho Bắc Việt, họ không có bất kỳ một khu công nghiệp hay một cánh đồng năng
suất cao nào, mọi nguồn lương thực của họ bị bế tắc bởi chính sách quá chú
trọng chiến tranh và quân nhân dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng sản xuất.
Hệ quả là không đủ lương thực nuôi quân, trong lúc này, Trung Quốc và Nga – Xô
liên tục giảm viện trợ, khủng hoảng đói và bóng ma 1945 đang ngấp nghé ngoài
cửa Bắc Bộ Phủ.
Nguy hiểm hơn cả là lúc này, nếu đói, không
phải là đói toàn dân mà là đói toàn quân, nguy cơ bất bình toàn quân nhân là
thấy được trước mắt. Dựa vào tình thế quốc tế có nhiều biến động, họ phát động
tổng tiến công Mậu Thân. Cuộc chiến Mậu Thân gây tổn thất về mặt sinh mạng cho
quân đội Cộng sản Bắc Việt lên đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu. Nhưng
đó là một thành công của họ. Vấn đề gánh nặng lương thực đã được mang trút vào
miền Nam trong cuộc chiến Mậu Thân.
Mãi cho đến 1975 và những năm sau này, qua
nhiều cuộc thay hình đổi dạng, nhà nước Cộng sản nhận ra rằng họ không thể tiếp
tục duy trì độc tài bằng miếng ăn, sự ngu dốt và sợ hãi như đã từng làm. Họ
chuyển hình thái chăn trị dân từ kiểu quan niệm cũ sang một hình thái mới: Để
cho ăn no và trác táng trong sự dốt nát.
Và, tất cả những biểu hiện từ văn hóa, giáo
dục đến xã hội và chính trị của nhà nước Cộng sản Việt Nam kể từ sau Đổi Mới
1986 đến nay, đều cho thấy họ đã nhận biết rằng chính sách chăn dân trước đây
không thể dùng được nữa, thay vào bằng chính sách ngu dân tiệm tiến thông qua
nhiều hình thức mới có thể đảm bảo duy trì độc tài (ít nhất là gần 50% thành
công trước đây), nếu không làm thế, sự sụp đổ của chế độ Cộng sản đang nằm sát
thềm Ba Đình, Hà Nội. Đương nhiên là duy trì được bao lâu nữa, điều này bây giờ
không phụ thuộc vào chính sách mị dân của nhà nước Cộng sản nữa mà phụ thuộc
vào độ lỳ của những bộ não còn ám tối trong nhân dân, nếu họ được phát sáng,
câu chuyện sẽ thay đổi rất đột ngột!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét