Đại Tướng Vanuxem
Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Để kính dâng lên những vị anh hùng trẻ tuổi người Việt Nam, người Mỹ và người Pháp, những người đã anh dũng nằm xuống trong một cuộc chiến cùng chung một mục đích thiêng liêng:
"TỰ DO CHO TỔ QUỐC VÀ DÂN TỘC "
Vanuxem
Xin đốt một nén tâm hương, kính cẩn cầu nguyện cho anh
linh Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho Tổ Quốc và cho Chánh Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc
Xin thành tâm kính cẩn cầu nguyện cho tất cả Anh Linh Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng tuẩn tiết hay đã thảm thương chết tức tưởi trong ngục tù cộng sản, hoặc trên đường đi tìm tự do từ sau ngày mất nước 30 tháng 4/1975 ĐƯỢC SỚM VỀ NƠI AN NGHỈ TRÊN CÕI THIÊN ĐÀNG, CỰC LẠC.
Dương Hiếu Nghĩa
THAY LỜI TỰA
Ngày quốc hận 30/4/1975 đã qua đi trên 20 năm rồi.
Trong khoảng thời gian 20 năm đó đã có rất nhiều người viết hay nói về những
ngày cuối cùng của tháng tư đen lịch sử nầy, và gần đây nhất chúng ta thấy có
ông Mac Namara cựu bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, với quyển hồi ký "Nhìn Lại
Thảm Kịch và Những Bài Học Việt Nam" (In Retrospect, The Tragedy And
Lessons Of Việt Nam). Ông cho tung ra quyển nầy vào đúng lúc cộng sản Việt Nam
làm lễ lớn khắp nước ăn mừng 20 năm ngày mà họ cho là "Đại Thắng Mùa
Xuân", mừng ngày chiến thắng "Mỹ-Ngụy"!
Hồi ký của ông đã để lộ hẳn cái hèn của một chánh khách Mỹ có tầm cỡ, vì ông
không biết thẹn là đã có hành động phản bội với đồng minh, vừa bàn giao Việt
Nam Cộng Hòa cho bọn cộng sản (nếu không muốn nói là bán đứng), vừa đổ hết
trách nhiệm mất nước cho quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa.
Ông đã khóc (nước mắt cá sấu!) khi bị phỏng vấn trên đài ABC, thật tội nghiệp !
có lẽ khóc vì quá mắc cở và vì có quá nhiều mặc cảm tội lỗi trong chiến lược
"phải để cho ta bị chiến bại". Ông không hề khóc cho 58,000 quân nhân
Mỹ các cấp dưới quyền ông đã phải bị hy sinh oan uổng cho cái "thuyết
domino" mà đến giờ nầy ông mới cho là sai, làm tủi hổ vong linh những
người đã bỏ mình cho chính nghĩa chống Cộng của Thế Giới Tự Do (trong thời kỳ
còn chiến tranh lạnh) đồng thời làm nhục cả quân nhân các cấp thuộc đủ mọi quân
binh chủng Hoa Kỳ đã từng tham gia anh dũng trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Dĩ nhiên ông cũng không bao giờ nghĩ đến hay nhắc đến quân dân cán chính miền
Nam Việt Nam
mà hai đời Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn gọi và xem họ là người đồng minh kiên cường
trong nhiệm vụ chống Cộng, giữ vững tiền đồn chống cộng của Thế Giới Tự Do ở
Đông Nam Châu Á.
Người ta còn thấy rõ cái tồi của ngài Mc Namara là ngài "phải khóc" để
được Cộng Sản cấp chiếu khán cho ông qua Việt Nam vào tháng 9/95 nầy (cũng lại
là quyền lợi trên hết!) chớ không phải khóc vì trách nhiệm lịch sử của một
"kiến trúc sư" về chánh sách của Hoa Kỳ từ thập niên 60 để nướng sống
trên 50 ngàn chiến binh Mỹ và trên 3 triệu quân dân cán chánh Việt Nam Cộng
Hòa.
Thật đáng tội nghiệp cho một người khoác áo chánh khách Mỹ có tên tuổi như ông
mà cho đến 20 năm sau cuộc chiến ông vẫn còn chưa hiểu tý gì về con người Cộng
Sản, mãi đến 20 năm sau mới vừa "biết được ta mà chưa biết được
người" nên thua nhục là quá đúng!!!
Bây giờ chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với anh chị em trong cộng đồng
người Việt tị nạn cộng sản của chúng ta một quyển sách nhỏ có tựa đề là
"LA MORT DU VIệT NAM"
. Lẽ ra chúng tôi phải dịch là "SỰ SỤP ĐỔ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA".
(Hai chữ "Việt Nam" mà người Pháp thường dùng là để chỉ cho quốc gia
VNCH, và "Bắc Việt" là danh từ họ thường gọi để chỉ cho VNDCCH), hoặc
để tỏ lòng kính trọng tác giả chúng tôi phải dịch sát nghĩa là: "Cái chết
của nước Việt Nam ", nhưng chúng tôi xin dịch là "Việt Nam Cộng Hòa
bị bức tử" để cho thêm rõ nghĩa sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975.
Tác giả quyển sách bé nhỏ nầy là Đại Tướng Vanuxem, từng là sĩ quan cao cấp của
quân đội Pháp tại chiến trường Bắc Việt cho đến 1954, sau đó thỉnh thoảng vẫn
có sang thăm Việt Nam
với tư cách một tướng Pháp, thượng khách của Việt Nam Cộng Hòa.
Ông là sĩ quan trừ bị trong quân đội Pháp. Lúc bị động viên ông là giáo sư, đã
có bằng tiến sĩ Văn Chương (Docteur ès Lettres), bằng tiến sĩ Toán (Agrégé ès
Math.) và bằng tiến sĩ Khoa Học (Agrégé ès Sciences). Ông được Tướng De Lattre
de Tassigny gọi sang Việt Nam
như một sĩ quan tùy viên với cấp bậc trung úy. Nhưng khi sang đến Việt Nam ông lại xin
tình nguyện ra chỉ huy một đơn vị tác chiến để được ra mặt trận, và xin được
phục vụ ở chiến trường Bắc Việt, lúc đó đang thật sôi động. Trong hai năm liền
ông được thăng cấp 3 lần, toàn là tại mặt trận. Sau đó ông được gọi về chỉ huy
Trường "đào tạo chỉ huy trưởng binh đoàn", với cấp bậc trung tá, rồi
đại tá (lúc bấy giờ được gọi nôm na là "cours tactiques", tiền thân
của trường Chỉ Huy và Tham Mưu của QLVNCH sau nầy). Hầu hết các tướng lãnh của
VNCH chúng ta đều xuất thân từ trường nầy.
Ông là một sĩ quan rất bình dân, ăn mặc rất xuề xòa không giống như các sĩ quan
Pháp khác, nhưng tất cả các sĩ quan khóa sinh đều rất mến phục ông sau vài ngày
nhập trường vì tài giảng dạy của ông cũng như về đức tính của ông.
Sau đó Ông ra coi binh đoàn chiến thuật số 3, hoạt động ở Khu Nam, thuộc lực
lượng bộ binh Bắc Việt (Groupement Tactique No 3/ Zone Sud/FTNV). Ông về nước
năm 1954 với cấp bậc đại tá và thỉnh thoãng ông vẫn sang VN. Đầu năm 1975 ông
có mặt thường trực tại VN và bị cộng sản trục xuất về Pháp khoản tháng 5/75.
Ông qua đời năm 1982, nhưng trước khi nhắm mắt ông vẫn còn nhớ đến VN, nên đã
có trao lại cho trung tướng Trần văn Trung Chủ Tịch hội Cựu Chiến Sỉ tại Pháp,
lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, một kỹ vật rất quý mà ông đã được Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu
Bình Long trao tặng lúc Ông tháp tùng Tổng Thống Thiệu đáp trực thăng xuống An
Lộc trong mùa hè đỏ lửa 1972.
Đặc biệt từ đầu năm l975 Ông Vanuxem đã thường xuyên có mặt tại Sài Gòn, nên
ông đã phân tách rất chính xác về những sự kiện, những nguyên nhân và những hậu
quả của sự việc "Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử", chẳng những đối với
quốc gia Việt Nam mà còn đối với nước Pháp và cả Thế Giới nữa.
Những nhận xét rất tỷ mỉ và tế nhị, có lúc hơi tếu và lộ vẻ biếm nhẻ, của từng
sự việc một mà ông đã đích thân mắt thấy tai nghe tại chỗ trong những ngày lịch
sử nầy, khác hẳn những tiếng "khóc dở hơi" của "ngài" Mc
Namara.
Văn ông chan chứa tình cảm rạt rào, khóc cho người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa
và xót thương cho số phận đau thương của người dân Miền Nam Việt Nam dưới ách
thống trị và gông cùm của người Cộng Sản.
Chúng tôi cố gắng dịch sao cho được sát ý sát nghĩa chừng nào hay chừng nấy,
miễn là không "phản ý hay phản nghĩa", vì tiếng Pháp là tiếng ngoại
quốc mà trình độ học vấn của tác giả cao hơn bậc thầy của chúng tôi, trong lúc
chúng tôi thì ngoại ngữ còn quá thấp, văn thì luộm thuộm, chỉ mong sao lột được
hết những lời hay ý đẹp của tác giả, những lời tâm tình của một người không
phải chiến hữu mà như một chiến hữu thân thương, một người không hẳn là một
đồng minh mà như một đồng minh trung tín... Hơn thế nữa, về mặt chánh trị và
quân sự, đại tướng là một nhân vật thuộc đẳng cấp quốc tế, những nhận xét của
ông rất chính xác, có tầm mức chiến lược, đôi lúc ngoài tầm hiểu biết nông cạn
của chúng tôi.
Do vậy, xin quý anh chị em độc giả niệm tình thông cảm cho những sơ sót của
chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng xin được đón nhận những sự góp ý, chỉ bảo và sửa
chửa nếu có, để bản dịch được thêm phần đúng đắn và phong phú thêm.
Kính,
Dương Hiếu Nghĩa
Kính Tặng Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn
Người đã sưu tầm được quyển sách có giá trị lịch sử nầy và đã khuyến khích
chúng tôi dịch ra trong mục đích vinh danh tinh thần và ý chí bất khuất của
quân nhân các cấp trong QLVNCH trong nhiệm vụ chống cộng bảo vệ quê hương, bảo
vệ chánh nghĩa quốc gia dân tộc......đồng thời cho người dân Việt Nam trong
nước cũng như ở hải ngoại nầy, thuộc thế hệ hiện tại hay thế hệ trẻ mai sau
thấy được bộ mặt thật của người cộng sản Việt Nam, thấy rõ bản chất tàn ác vô
nhân đạo của họ khi họ xé bỏ hiệp định Paris 1973 ngang nhiên xua quân vào
cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam năm 1975.
CHƯƠNG 1
SỰ THẬT ĐÓ ĐÂY
Ở xa lắm, xa thật xa phía bên kia trái đất, cách Paris của chúng ta khoảng
12.000 cây số, dọc theo bờ biển Đông, có những quốc gia giống như trong truyền
thuyết hơn là trong thực tế, nơi đó có những câu chuyện gần như hoang đường rất
hấp dẫn, coi như trong tưởng tượng mà là có thật.
Như những biến cố tại nước Việt Nam,
có gì đâu mà những người dân của Thế Giới Tự Do phải quan tâm đến? Vì lúc nào
họ cũng đang bù đầu đối phó với những khó khăn triền miên về kinh tế... và ngay
như những người Mỹ cũng vậy, mặc dầu họ vừa mới khéo léo rút chân ra được khỏi
một cuộc chiến mà họ từng theo đuổi, họ cũng không muốn nghe đến những biến cố
đó... Nhất là người Pháp chúng ta, khi nói đến Việt Nam thì ai cũng chỉ nghĩ
đến các món ăn Việt Nam rất ngon miệng của các tiệm ăn người Việt ở Paris mà họ
cứ gọi là "món ăn Tàu". Họ không còn muốn nghĩ gì cả ngoài những kỹ
niệm không mấy vui của một cuộc chiến đau thương mà người ta thường đề cao là
"cuộc chiến đòi độc lập của các quốc gia thuộc địa", mà nếu là một
cuộc chiến đúng theo trào lưu của lịch sử như người ta nói thì cũng không một
ai muốn tìm hiểu xem vì lý do gì nước Pháp chúng ta đã phải đổ vào đó quá nhiều
công sức, tiền của, và sinh mạng.
Để làm gì ? khi người ta đưa những người lính Pháp vượt trùng dương...trên
những con tàu mà những thú vui đường dài chỉ có một tác dụng nhất thời làm cho
họ quên đi nỗi buồn xa nhà, nhớ quê hương mà thôi, chớ không thể nào làm cho họ
quên được những người chiến hữu thân thương đã được những con tàu nầy đưa đi
luôn, đi mãi mãi không bao giờ trở về lại cố quốc ...
Và như thế thì có ai tin được là người Pháp chúng ta vẫn còn bị xúc động trước
những biến cố mới đây của Việt Nam? Dù sao thì cũng chỉ là một việc nội bộ giữa
người Việt và người Việt với nhau mà thôi phải không? Một cuộc nội chiến đẫm
máu, tàn khốc... kéo dài trên 30 năm mà chỉ đưa đến một nền hòa bình không một
ai mong đợi...
Có ai tin được là nền hòa bình nầy đây, dù có đạt được với bất cứ giá nào, thì
đó cũng chỉ là một sự thất bại của Thế Giới Tự Do, đặc biệt là của Hoa Kỳ, kéo
theo những nguy cơ mới cho nền an ninh của nước Pháp chúng ta?
Tất cả giới chánh trị người Pháp chúng ta đều không đồng ý một nền hòa bình như
vậy, nhưng giới lãnh đạo của cái gọi là "thượng từng luân lý đạo đức"
của thế giới lại tỏ vẻ thích thú! Thực tế hơn bao giờ hết, người dân Pháp chúng
ta chỉ có hai chuyện phải bận tâm, đó là vấn đề kinh tế ở địa phương, và nhất
thời vui hưởng hạnh phúc của chúng ta. Có cái gì quấy rầy chúng ta được nữa
đâu? Người ta muốn đưa ra những chuyện vớ vẫn để khuấy động sự yên tĩnh của
người Pháp chúng ta được sao? Vì làm sao tin được rằng cái hoa hòa bình vừa mới
nở kia lại là một hột giống chiến tranh sắp nẩy mầm?
Dù sao thì Tổng Thống Pháp cũng đã đoan chắc là người Pháp chúng ta vẫn có thể
đi nghỉ hè một cách yên lành rồi!
NƯỚC VIỆT NAM XA XÔI QUÁ !
Viện thăm dò dư luận Sofres vừa đưa ra câu hỏi:"Cuộc chiến ở Việt Nam vừa
được kết thúc bằng một sự thắng trận của phe cách mạng và sự ra đi của người
Mỹ, một sự kết thúc như thế, anh có bằng lòng hay không bằng lòng?"
- Có 57% những người được hỏi trả lời là bằng lòng.
- Có 15% những người được hỏi trả lời là không bằng lòng
- Có 28% trả lời không có ý kiến, tức là dửng dưng.
Nhìn từ xa xa, thì người ta có thể tưởng là chiến thắng của phe cách mạng là
một cuộc giải phóng mà toàn dân hô hào đòi hỏi (có vài nhà báo đã có nhận định
thiển cận như thế), và dân chúng đã tỏ vẻ vui mừng không tả được, giống như
niềm vui của người Pháp chúng ta về ngày đình chiến 11/11/1918 hay niềm vui của
người dân Paris khi Sư Đoàn 2 Thiết Giáp Pháp tiến vào giải phóng thủ đô nước
Pháp hồi thế chiến 2 vậy.
Có vài người trong số không ít phóng viên nói trên đã có mặt tại Sài Gòn hy
vọng nắm bắt được biến cố lịch sử nầy, họ có vẻ bực mình vì không thấy có biển
máu như họ đã mong đợi để cho họ có được những tấm ảnh đẹp và đắt giá... Như
thế là họ chưa biết gì về những người Cộng Sản, thật tội nghiệp !
Sài Gòn năm 1975 cũng giống như Hà Nội năm 1954 vậy mà thôi!
- "Bộ-đội họ cũng đứng đắn quá chứ nhỉ?"
Các phóng viên nầy nói như thế vì họ không biết chờ đợi để mà xem! Họ không còn
nhớ là hồi năm 1940 ngay tại nước Pháp cũng có nhiều người đã từng nói:
- ’Người lính Đức cũng đàng hoàng quá chứ nhỉ?"
Họ cũng ghi lại được một vài mẩu chuyện nho nhỏ, cũng thu được một vài hình ảnh
mà họ luýnh quýnh lượm lặt được một cách vô bổ, có khi không còn có một giá trị
gì nữa cả, trong một thời gian dài họ bị giữ lại tại Sài Gòn; trong khi đó thì
người Nga họ bay ngay về Moscou để bán ngay những hình ảnh, tài liệu và tin tức
sốt dẻo với một giá đắt hơn vàng, cho người Mỹ lúc đó đang đói tin.
Hầu hết các nhà báo người Pháp chúng ta quá thật thà, tuy tin tức có trung thực
nhưng cũng quá chậm so với tin tức mà cơ quan tuyên truyền của Cộng Sản đã
"xào nấu sẵn" và "tung ra từ trước rồi", nên ít được ai tin
nghe.
Vài tuần lễ sau khi Sài Gòn bị thất thủ, người Pháp chúng ta không một ai còn
muốn nghĩ gì nữa cả, ngoài sự nhộn nhịp trên khắp các xa lộ đầy ấp các đoàn xe
đi nghỉ hè.
Thời sự có nóng bỏng thật, hấp dẫn thật, giật gân và có gây xúc động thật,
nhưng rồi cũng theo thời gian mà trôi qua đi trong quên lảng, chỉ có ghi lại
được một sự kiện lịch sử quá bi thảm:
"Một quốc gia bị bức tử; Một dân tộc bị mất tự do và sẽ "bị
sống" trong gọng kềm nô lệ: nước Việt Nam Cộng Hòa bị xóa tên trên bản đồ
của thế giới."
Có một cái gì đó, giữa người Pháp chúng ta và cái miền Viễn Đông xa xôi kia,
như một mối tình thắm thiết mà nước Pháp như một kẻ thất tình muốn cố quên
đi... nhưng làm sao có thể làm ngơ cho được khi mà giữa đôi bên vẫn còn có một
vài kỷ niệm tình cảm quá nồng thắm, và vẫn còn một vài việc chưa giải quyết
xong?
Hai chục năm về trước (1954), lúc đó vì quyền lợi nhất thời, người ta đã thỏa
thuận chia cắt nước Việt Nam ra làm đôi thành hai miền Nam Bắc, tạm thời chỉ
trong vòng hai năm thôi. Giải pháp nầy không tốt hơn biện pháp cưỡng chiếm Miền
Nam Việt Nam bằng võ lực để tái thống nhất đất nước hay sao? Nếu cho biện pháp
nầy là một điều hợp lý thì tại sao người Pháp chúng ta lại không bằng lòng? Hơn
thế nữa các chánh phủ Pháp kế tiếp sau đó chỉ nhìn sự việc trên khía cạnh chánh
trị mà không đánh giá được lòng thành thật của con người nên vô tình có những
hoạt động theo chiều hướng thuận lợi cho một biện pháp như vậy, như bài
"diễn văn PnomPenh" của tướng De Gaulle chẳng hạn (quá thiên cộng),
do đó đã dẫn đến một sự kết thúc bi thảm như vừa rồi, âu cũng là một điều hợp
lý mà thôi!
Dù sao thì cũng là một việc đã rồi! Người ta đã xé nát những Hiệp Ước Genève và
Hiệp Định Paris quá đắc tiền, quá vô ích và quá lỗi thời, theo đó những quốc
gia có trách nhiệm bảo đãm cho sự thi hành đã không hề "nhúc nhích"
theo đúng bổn phận của họ. Thế đấy, vũ khí và võ lực đã giải quyết thay cho
những nhà ngoại giao tất cả những gì mà họ không thể giải quyết được. Quốc gia
Việt Nam Cộng Hòa đã mất, một chánh phủ cách mạng lên nắm quyền, gọi là để mang
lại trật tự và phồn thịnh cho Miền Nam Việt Nam mà họ cho là ở đó chỉ có hỗn
loạn và tham nhũng!
Người Pháp chúng ta cũng chẳng biết phải làm gì hơn, vì dù sao cũng là chuyện
nội bộ của một quốc gia xa lạ, chúng ta lấy quyền gì để "xía vào" để
rồi phải gánh lấy tội vạ lây?
Mặc kệ! Chế độ nào cũng vậy thôi! Chỉ có những sự thật là đáng kể, nếu xét trên
khía cạnh chánh trị. Chúng ta chẳng có gì cần phải thắc mắc để tự đặt ra cho
mình những câu hỏi về một sự việc mà nó chỉ có đem lại phiền não cho lương tâm
của chúng ta mà thôi.
Dù sao thì người ta cũng cho đó là một nền hòa bình, một nền hòa bình mà Đức
Thánh Cha cũng đã khen ngợi... nhưng có một điều mà ai cũng tò mò muốn biết, đó
là sau Lê Đức Thọ và Kissenger (giải Nobel về Hòa Bình năm 1954), ai là người
sẽ được giải thưởng Nobel về hòa bình (1975) đây ???
Tuy nhiên xuyên qua cái tang mà chúng ta phải chịu về cái chết của một quốc gia
bạn, một quốc gia coi như có họ hàng gần với nước Pháp, một quốc gia mà người
dân chỉ mong cầu có được sự tự do mà thôi, vẫn còn một vài điều mà vì quyền lợi
của người Pháp, chúng ta cần phải rút ra những bài học từ biến cố bi thảm nầy,
vì có rất nhiều nguyên nhân đủ loại đã đưa một dân tộc đến chỗ tuyệt vọng để từ
đó phải tự hủy mình sau một cơn hấp hối thật ngắn, nhưng thật kinh khủng. Vì,
nếu hằng ngày vẫn có từ 15 đến 20 vụ tự tử, cá nhơn có tập thể có, chỉ nội
trong một thành phố lớn và đẹp như Sài Gòn mà người ta gọi là "đã được
giải phóng", thì phải chăng đây là cả một quốc gia, cả một dân tộc đang
thật sự lao mình vào cái chết...
LÁO! ÔNG LÀ MỘT NGƯỜ̀I NÓI LÁO !
Người Pháp chúng ta đã bước qua thử thách rồi, nước Pháp chúng ta đã từng chịu
nhiều cay đắng dưới thời chiếm đóng của người Đức rồi! Những mối hiểm nguy mà
nước Pháp chúng ta đang còn gặp phải trong cái thế giới đầy đe dọa triền miên
nầy và những ảo ảnh không mấy sáng sủa của tương lai, bắt buộc chúng ta phải
sẵn sàng đón lấy và phải biết dùng những bài học mà biến cố lịch sử nầy đã mang
đến cho chúng ta. Hơn thế nữa, nhìn những điểm yếu và những sai sót, yếu kém
ghi nhận được trong công cuộc phòng vệ của nước Việt Nam khiến cho quốc gia nầy
phải đi đến cái chết đau thương, bắt buộc người Pháp chúng ta phải lưu tâm đề
phòng cho chính mình...
Đó là những bài học từ những biến cố của các quốc gia Việt Nam, Lào và Cam Bốt.
Có thể chúng ta không muốn ghi nhận, vì con người khi đã có được sự tự do và
sung sướng rồi thì đâu có thể thấy được đó là hạnh phúc của mình, và thường nhắm
mắt trước những cảnh đau lòng của người khác, có khi còn nhún vai không muốn
tin nghe những sự việc như thế nữa.
Một vị linh mục thuộc giòng "Truyền Giáo Hải Ngoại" (Mission
Étrangère) đã thuật lại là ông đã nói chuyện trước một cử tọa Thiên Chúa Giáo hạt
Lyon rằng: "Đây là những gì đã xảy ra cho tôi, đây là những gì chính mắt
tôi đã thấy, chính tai tôi đã nghe được", tức thì có một vị linh mục trong
phòng đứng dậy và nói thẳng với ông rằng: "Láo! Ông là một người nói
láo!". Phải chăng người ta sợ không muốn nhận chân một sự thật vì nó có
thể chạm đến sự yên tĩnh trong con người chúng ta và có thể khuấy động lương
tri mà chúng ta tưởng là đã được bằng an rồi!
Người Pháp chúng ta không có tin tức đầy đủ, lại không chịu tò mò tìm hiểu thêm
và với một cố tật là không chuẩn bị trước hay chỉ có ý kiến giới hạn trong
chừng mực nào đó thôi về mọi diễn biến chánh trị, vì thế có lẽ người ta muốn
tránh cho chúng ta những phản ứng bảo thủ trước một sự kết thúc được cố ý giữ
"mật" nhưng rất đáng được lo ngại. Hơn nữa có ai muốn làm rộn người
dân Pháp chúng ta làm gì khi họ đang yên ổn trên con đường đi nghỉ hè?
Thật vậy, người ta chỉ cần đọc tờ "Le Courrier Du Viêt Nam", (tờ báo
cộng sản in thì in tại Hà Nội, nhưng phát hành thì nói là in tại Paris, phát ra
rất nhiều và cùng khắp nước Pháp), người ta sẽ biết diễn tiến của cái mà người
ta gọi là "giải phóng Sài Gòn" như sau :
"Giải-phóng-quân chúng tôi tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn giữa những
rừng "cờ và tiếng hoan hô vang dậy của hằng trăm hằng trăm ngàn đồng bào
(..?..). Từ "hai bên đường, từ những đại lộ, trên nhiều, nhiều cây số,
đồng bào tràn ra hoan hô "chào đón đoàn quân giải phóng chúng tôi (.?..).
Phối hợp hành động với lực lượng "của giải-phóng-quân, dân chúng Sài Gòn
đã nổi dậy (..?..) trong tất cả các khu "phố, tiếp tục truyền thống đấu
tranh lâu đời xứng đáng được mang tên "Hồ chí Minh". Sài Gòn đã được
giải phóng. Đó là một món quà rất đẹp được kính dâng lên "cho vị lãnh tụ
kính mến vào đúng ngày sinh thứ 85 của Người. Cuộc xăm lăng của "đế quốc
Mỹ đã bắt đầu từ thành phố Sài Gòn, Sài Gòn đã đi đầu trong cuộc chiến,
"và Sài Gòn là nơi đã diễn ra trận đánh vinh quang cuối cùng của cuộc
chiến, một "trận chiến thắng cuối cùng..."
Và đó là sự thật của lịch sử được họ chánh thức đưa ra. Nhưng chỉ là một
"sự thật hoang tưởng" mà Bắc Việt và Việt Cộng dựng lên để dựa theo
đó để còn "cai trị" dân chúng sau khi chiếm được Miền Nam.
MỘT CHIẾN BẠI CỦA CẢ HAI NƯỚC PHÁP VÀ HOA KỲ
Thực tình mà nói thì sự thật lại không đúng như vậy!
Những hậu quả sau đó ngay tại Việt Nam không giống như những hậu quả của một
chiến thắng mà những người mang danh là giải phóng trong một cuộc chiến tranh
cách mạng chỉ nhằm vào một mục đích cuối cùng là "giải phóng" thật sự
cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Biến cố nầy có hậu quả là gây được tiếng vang quốc tế, và có một tầm quan trọng
đặc biệt đến cả tình hình chiến lược toàn cầu.
Thật vậy, không những nước Pháp phải quan tâm vì những thiệt hại trực tiếp mà
quốc gia nầy phải gánh chịu, mà cả Thế Giới Tự Do cũng phải duyệt lại sách lược
phòng thủ, và an ninh và cho sự tự do của mình. Nếu cần có một sự bảo đãm nào
đó thì không gì hơn là hãy nghe chính miệng ông Phạm văn Đồng, Thủ Tướng của
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tuyên bố tại Hà Nội về "ba chiến thắng
đã đạt được" như sau:
- "Quốc gia chúng ta được mang một dấu ấn danh dự, hãnh diện là một nước
đã oanh liệt đánh bại hai đế quốc lớn, đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, đồng thời
bằng hai chiến thắng nầy đã đóng góp rất thích đáng vào phong trào giải phóng
các dân tộc trên thế giới"
Như vậy là chiến dịch Hồ chí Minh xua quân đội Miền Bắc tiến chiếm
Sài Gòn, chấm dứt cuộc chiến vào năm 1975 thật ra là một sự chiến
bại của cả hai nước Pháp và Hoa Kỳ, đồng thời Cộng Sản đã đạt
được một trong những mục tiêu quan trọng trên con đường chiến lược
toàn cầu của họ.
Thế nhưng, người ta phải hiểu rằng tất cả những người dân tự do đều rất quan
tâm đến những gì đang xảy ra tại Miền Nam Việt Nam, vì chúng ta ai cũng dư biết
rằng một chánh thể độc tài cộng sản khi đã chiếm được chính quyền rồi thì không
bao giờ biết đến hai chữ "nhân đạo" như họ thường rêu rao, và đối với
người Pháp chúng ta hai chữ "tự-do" lúc nào cũng vẫn là một tài sản
quý báu hàng đầu, không ai chạm đến được!
CHƯƠNG 2
SỰ VIỆC ĐÃ XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?
- 10 tháng 5 năm 1940 ......
- 16 tháng 6 năm 1940
- 12 tháng 5 năm 1975 .......
- 30 tháng 4 năm 1975
Không gian: ở phía bên kia quả địa cầu;
Thời gian: cách đây 35 năm....
Một sự trùng hợp nhau lạ lùng về ngày giờ và khoảng cách thời gian đã đưa trận
chiến bại nhục nhã của nước Pháp (thế chiến 2) và trận chiến bại hoàn toàn của
lực lượng chánh trị quân sự của Miền Nam Việt Nam (qua cuộc tổng tấn công của
chiến dịch Hồ chí Minh) xích lại gần nhau, trong một nỗ lực như nhau là cả hai
cùng chống lại những bọn người man rợ!
Người Pháp chúng ta, những ai đã từng sống trong những giờ phút đau thương của
hai sự kiện trên, giờ phút mà dân chúng hoảng hốt chạy tán loạn trước kẻ thù
xăm lược đã vô tình làm tê liệt mọi hoạt động quân sự, giờ phút kinh hoàng của
cả nước trước một sự mất nước bất ngờ trong đột ngột ...thì những người đó mới
biết được là những hình ảnh của hai sự kiện nói trên rất là giống nhau như in,
không khác! Họ sẽ được sống trở lại những giây phút đau thương và kinh hoàng mà
họ đã từng sống, những giây phút mà họ không bao giờ tưởng tượng rằng còn có
thể tái diễn ngược trở lại y như vậy được.
Những lý do cũng vẫn giống nhau không khác : bị cô lập, sự yếu thế của đồng
minh xa xôi, quyết tâm cao của địch, sự phản bội, sự thờ ơ của dân chúng, một
chánh phủ yếu kém và một quân đội mất tinh thần...
Hậu quả xem ra có phần trầm trọng hơn nhiều vì lần nầy địch là cộng sản, dữ tợn
và tàn bạo hơn phát xít ngàn lần, vì khi đã chộp được con mồi rồi thì không khi
nào cộng sản buông tha ra!
MỘT CUỘC CHIẾN TRANH MỚI MẺ VÀ LẠ ĐỜI
Ở đây cũng vậy, tất cả đều bắt đầu bằng một "cuộc chiến lạ đời". Sau
khi cuộc tấn công mùa hè 1972 của Bắc Việt bị quân đội Miền Nam anh dũng đập
tan (thường được gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa), và sau khi Hiệp-Định Ba Lê 1973 buộc
quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải xoay qua thế bị động, thì quân Bắc Việt chẳng
những cứ nhởn nhơ tiếp tục chủ động gậm nhắm phần đất dọc theo lằn ranh ngừng
bắn một cách tự do, mà còn bắt đầu tiến sâu vào phía Nam, từ đó hai bên Nam Bắc
bắt đầu giành nhau chiếm từng địa điểm quan trọng then chốt nằm trong phần lãnh
thổ Miền Nam Việt Nam.
Những hoạt động và vi-phạm ngừng bắn của phía Bắc Việt thật ra không đáng được
coi là những trận chiến, ấy vậy mà quân lực của Miền Nam Việt Nam vẫn cứ bị
tiêu hao lần mòn, đến mức độ không còn khả năng thành lập hay duy trì được các
đơn vị trừ bị nữa, thậm chí không thể bổ sung các sư-đoàn theo một nhịp độ và
một mức độ bình thường được.
Mức thiệt hại trung bình hằng tháng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào khoản
3000 người, trong khi quân Bắc Việt thì vẫn cứ được tiếp tục bổ sung rất đầy đủ
về quân số cũng như về vũ-khí và quân dụng tối tân.
Chuyện rất dễ hiểu là nếu không có được sự viện trợ mà phía "đồng minh Hoa
Kỳ" đã hứa thì sự phòng thủ diện địa trên một tuyến quá dài của một lãnh
thổ quá hẹp bề ngang, sẽ gặp phải mọi sự khó khăn và nguy hiểm.
Vào tháng giêng năm 1975, để đo phản ứng của Việt Nam Cộng Hòa và nhất là của
Hoa Kỳ, Bắc Việt tung quân từ phía biên giới Campuchia tiến đánh dữ dội tỉnh lỵ
Phước Long. Trong khi Bộ Tư Lệnh Miền Nam Việt Nam dè dặt trong thế bị động,
thì phía Hoa Kỳ không có hành động tiếp ứng.
Do vậy, Bắc Việt rất tự tin, nên ngày 12 tháng 3/75, họ bắt đầu cho mở cuộc tấn
công. Tướng Phạm văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 Chiến Thuật, một trong số các tướng
lãnh giỏi của Miền Nam Việt Nam, đang cố gắng thực hiện một cuộc hành quân
triệt thoái, đưa hết lực lượng ở Cao Nguyên của Ông về Duyên Hải theo lệnh của
Tổng Thống Thiệu. Lực lượng nầy đang nỗ lực phòng thủ tuyến Kontum Pleiku, sau
khi tỉnh Ban Mê Thuột ở phía Nam bị thất thủ.
Cuộc rút quân được diễn ra trong hỗn loạn, quân dân tranh nhau chạy tán loạn
trong kinh hoàng, vô trật tự.... Vùng Cao Nguyên mất, và Miền Nam Việt Nam bị
cắt ngay ra làm hai mảnh.
Quân Bắc Việt khai thác ngay chiến quả bất ngờ nầy, từ phía Bắc tràn xuống, từ
phía Tây qua và từ phía Nam lên, tất cả lực lượng đánh thẳng vào Vùng I Chiến
Thuật, nằm về cực Bắc của Việt Nam Cộng Hòa, nơi đó có đế-đô lịch sử Huế và
thành phố lớn thứ nhì của Miền Nam Việt Nam, hải cảng và phi trường Đà-Nẵng.
Tướng Ngô quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng I / Quân Đoàn I, là một cấp chỉ huy giỏi
và khôn khéo nhanh nhẹn nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong mùa hè đỏ
lửa năm 1972, ông đã rất bình tĩnh ổn định lại tình hình của tỉnh Quãng Trị,
bình tĩnh chịu đựng các lượn sóng liên tục khai thác thành quả của bộ đội Bắc
Việt, để rồi cuối cùng Ông đấy lui họ về tận sông Bến Hải mà không bị một thiệt
hại đáng kể nào. Lúc này (1975) ông đã dùng sư-đoàn Bộ Binh và các đơn vị địa
phương quân như là lực lượng phòng thủ diện địa, giữ hai sư đoàn chánh quy tinh
nhuệ làm lực lượng trừ bị cho quân đoàn, đó là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và
sư đoàn Nhảy Dù. Với phương thức đó ông nghĩ là có thể giữ được cố đô Huế của
mình. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã tuyên bố là cố đô Huế sẽ phải được cố thủ,
nhưng Tướng Trưởng không được biết điều này. Do đó sau khi bất thình lình nhận
được lệnh trả sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và sư đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn (đề
phòng biến cố chánh trị) thì Tướng Trưởng quyết định rút quân, bỏ ngỏ cố đô
Huế. Bất ngờ Tổng thống Thiệu lại ra lệnh tái chiếm cố đô Huế. Hàng trăm ngàn
dân tỵ nạn làm nghẽn tất cả các trục giao thông, mọi phương tiện liên lạc đều
gián đoạn, quân nhân các cấp chỉ còn nghĩ đến việc tự cứu lấy mạng sống của
chính mình và gia đình mình nên các đơn vị chiến đấu tự rã hàng rã ngũ... và
như thế thật sự là "mạnh ai nấy chạy" một cuộc tháo chạy vô trật tự
và không còn một ai nghĩ đến việc phòng thủ Đà Nẵng nữa.
Hai Vùng Chiến Thuật II và I bao trùm tuyến phòng thủ phía Tây và phía Bắc của
Miền Nam Việt Nam coi như bị tràn ngập, binh sĩ lớp bị tử trận, lớp phải đầu
hàng địch, quân dụng coi như mất hết. Hai Vùng nầy được coi như hoàn toàn thất
thủ. Cuộc rút quân về hướng Nam thật sự đã diễn ra hết sức khó khăn và kinh
hoàng vì không có sự yểm trợ của hai sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và sư đoàn
Nhảy Dù vốn đã được Bộ Tư Lệnh Sài Gòn bốc về theo lệnh của Tổng Thống Thiệu từ
trước rồi.
Tuy nhiên, cũng có một số ít binh sĩ còn vũ khí thoát khỏi trận chiến nầy, về
tăng cường được vùng đồng bằng sông Cửu Long và tuyến phòng thủ lưu động vùng
Cao Nguyên, giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang như đã có dự trù rồi, từ trước.
CUỘC TỔNG TẤN CÔNG MÙA XUÂN: CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngay lúc bấy giờ, bất ngờ sau một chiến thắng không mong đợi, thay vì phải chờ
qua một giải pháp chánh trị mới tiếp thu nốt Miền Nam Việt Nam, Bắc Việt quyết
định khai thác thành quả, mở ngay chiến dịch Hồ chí Minh, xua quân tổng tấn
công tiến chiếm Sài Gòn và hai Vùng Chiến Thuật còn lại, Vùng 3 (miền Đông) và
Vùng 4 (châu thổ Cửu Long, miền Tây).
Ở phía Nam, các đơn vị thuộc Vùng 4 và chung quanh Sài Gòn chiến đấu rất dũng
cảm, đã chận đứng dược địch quân. Nhưng dần dà vì không đủ lực lượng để kiểm
soát và chiếm giữ tuyến phòng thủ, họ để mất lần lượt từ thành phố nầy đến
thành phố khác dọc theo duyên hải, cho đến Vũng Tàu.
Cùng lúc, trong nội địa, Đà Lat cũng đươc bỏ ngỏ, rơi vào tay Bắc Việt.
Một lực lượng phòng thủ mạnh được thành lập để ngăn chặn địch ở Xuân Lộc, ở
phía đông bắc thủ đô Sài Gòn, và sau nhiều lần đổi chủ, cuối cùng Xuân Lộc cũng
bị thất thủ. Các lực lượng tổng trừ bị phải được tung ra, không phải tập trung
mà là xé lẽ từng chiến đoàn, lữ đoàn, thậm chí đến từng tiểu đoàn biệt lập, để
giữ các nút chận quan yếu dọc theo các tuyến đường dẫn về thủ đô, vì lực lượng
địch rải rác tiến quân nhiều mặt lúc bấy giờ, rộng như một mạng nhện. Tiếp theo
đó, ngay sát cạnh Xuân Lộc, thành phố và phi trường quân sự Biên Hòa cũng bị
tràn ngập.
Về mặt chánh trị, Tổng Thống Thiệu bàn giao chánh quyền cho Phó Tổng Thống
Nguyễn văn Hương, một "ông trí thức già", để chạy ra ngoại quốc..
Nguyễn văn Hương sau đó lại trao chánh quyền cho tướng Dương văn Minh, một
người tự xem mình là lãnh tụ của lực lượng thứ ba, tự tin là mình có thể thương
lượng với Việt Cộng để giải quyết vấn đề giữa người Việt và người Việt với
nhau.
Sáng ngày 30/4/1975, Tướng Vĩnh Lộc, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng từ đêm
qua, đã xòe bàn tay lật ngữa ra với lời tuyên bố: "Hết rồi,
không còn gì nữa cả... lữ đoàn Dù ở Vũng Tàu đã mất liên lạc...
Cầu Bình Lợi trên đường Biên Hòa Sài Gòn đã bị giật sập... Không
còn gì nữa, không còn trận chiến nào cho Sài Gòn nữa. Tôi đã trình
cho Tổng Thống... Tất cả coi như xong rồi..."
Thế nhưng, không phải "danh dự" mà là "mạng sống" sẽ không
còn nữa đối với các chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nầy!
CÁC BẠN! CHÚNG TA HÃY DIỄN LẠI TRẬN CHIẾN “CAMERONE" !!
Tại Căn Cứ Huấn Luyện Nhảy Dù BETAP ở Tân sơn Nhứt, có nhiều sĩ quan đã từng
phục vụ trong những tiểu đoàn Lê Dương Nhảy Dù (B.E.P) của quân đội Pháp. Họ
sực nhớ hôm nay là ngày 30/4, và cũng chính vào ngày này, ở các đơn vị Lê
Dương, theo truyền thống, người ta làm lễ kỷ niệm trận chiến Camerone, thuộc Mễ
Tây Cơ, một trận chiến mà chỉ với một nhúm người họ đã cầm cự với cả một
binh-đoàn địch, và anh dũng giữ vững được vị trí cho đến sự gục ngã của người
binh sĩ cuối cùng.
- "Anh em ơi ! chúng ta hảy diễn lại trận chiến "Camerone".
Họ nói như vậy, và họ thực hiện đúng y như vậy!!!
Và cũng giống y như người lính Lê Dương của Pháp vậy. Hùng hổ như những con sư
tử ! Họ đã anh dũng vừa chống trả từng đợt xung phong dữ dội nầy đến đợt xung
phong dữ dội khác của Bắc Việt, vừa chịu đủ các loạt pháo kích đủ cỡ đủ loại,
kể cả rốc kết tầm xa, tầm gần, vừa chịu đựng các đợt tấn công tới tấp của hằng
loạt chiến xa T.54....
Họ đã thực sự diễn lại trận chiến Camerone đến người binh sĩ cuối cùng, hạ tại
chỗ 9 chiến xa kiểu T.54 của Nga Sô và một số lớn quân Bắc Việt...
Một tuần sau đó người ta phải dùng xe ủi đất để gom hơn trăm xác chết lại thành
từng đống một, người ta chế xăng lên, và cho lửa đốt các xác nầy. Ngọn lửa bùng
lên cao ngút, như nói lên cho kẻ chiến thắng biết là những người lính chiến
Miền Nam Việt Nam chỉ biết chọn cái chết trong vinh quang và trong danh dự hơn
là phải chịu thất trận và đầu hàng địch quân cộng sản, và cái chết hôm nay cũng
chưa phải là đã hết...
Đường phố chung quanh sân bay Tân Sơn Nhứt vắng lặng và rải rác những xác chết,
chỉ có tiếng rốc kết réo vang và tiếng nổ máy của chiến xa... Ở một vài ngả tư
đường, đây đó vẫn còn nhiều binh sĩ và đặc biệt là các cán binh chiêu hồi đang
kháng cự hết sức anh dũng, ở vùng Chợ Lớn.
Tại một ngả tư nọ, có sáu chiến binh cùng tựa lưng vào tường đang chận đứng một
toán Việt Cộng, làm họ không tiến lên được phải gọi chiến xa tới tăng viện.
Chiến xa Bắc Việt đến, sáu chiến binh bèn gom lại thành một nhóm ngay giữa ngả
tư, một người có lẽ là người chỉ huy mở chốt lựu đạn, một loại lựu đạn tròn của
Mỹ, và cho nổ ngay chính giữa nhóm sáu người... sau đó cuối cùng các chiến xa
kia cũng không khoan nhượng khách sáo gì, tiến lên cán nát hết những thây ma
phản động!
Trong lúc đó tại tư dinh Thủ Tướng, đang có một buổi họp cuối cùng của ủy ban
quốc phòng. Có mặt tại buổi họp nầy, ngồi quanh chiếc bàn có trải thảm xanh,
người ta thấy có tướng Dương văn Minh, người vừa nhận chức Tổng Thống, Luật sư
Vũ văn Huyền cựu chủ tịch Thượng viện, vừa nhận chức Phó Tổng Thống, một tín đồ
công giáo La Mã thuần thành, ông Vũ văn Mẫu, Thủ Tướng và một vài người khác...
Tất cả đều có bộ mặt tái mét như người chết, tay bấu chặt vào tấm thảm xanh, và
đồng có một kết luận là chẳng còn gì để làm nữa, chỉ còn có một cách duy nhất
là đầu hàng mà thôi.
Sau đó, hướng về một tướng lãnh người Pháp hiện đang có mặt trong phòng, Tổng
Thống Dương văn Minh đứng lên và nói: "Trước đây các ông đã có mặt trong
cuộc chiến đúng lúc chúng tôi đang cần, hôm nay các ông lại đến với chúng tôi
đúng vào lúc chúng tôi đang là người chiến bại và đang gặp những điều đại bất
hạnh. Chúng tôi rất cám ơn các ông. Dưới con mắt của chúng tôi, các ông thật sự
là nước Pháp, là quốc gia mà chúng tôi đang mong đợi. Chúng tôi đã có thử nói
chuyện với họ, để giải quyết việc nội bộ giữa người Việt và người Việt với
nhau, nhưng họ đã từ chối. Chúng tôi chỉ còn cách là phải đầu hàng thôi. Tuy
nhiên, chúng tôi xin nhờ ông chuyển đến Tổng Thống của Cộng Hòa Pháp lời chúc
cuối cùng, của chánh phủ cuối cùng của nước Việt Nam Tự Do. Chúng tôi mong mỏi
nước Pháp sẽ mở rộng tay đón nhận những người Việt Nam, những người cùng có một
nền văn hóa, một tinh thần, và một lý tưởng như người Pháp..."
Sau đó họ bắt tay nhau, buồn bã, rã rời, nét mặt bồn chồn lo âu. Họ
uể oải đứng dậy, đi đến Dinh Độc Lập... tự nộp mình cho kẻ chiến
thắng mặc cho họ muốn làm gì thì làm....Khi bộ đội Bắc Việt tiến
vào dinh Độc Lập, tướng Minh nói với người chỉ huy:
- "Chúng tôi chờ các ông để trao cho các ông chánh quyền."
Tức khắc, người đó trả lời ngay, thẳng thừng:
- "Chúng tôi đã có chánh quyền từ lâu rồi, còn các ông hả, các ông đâu còn
chánh quyền nữa đâu mà bàn với giao...."
Trong lúc đó thì tại Hà Nội người ta mừng rỡ tuyên bố:- "Một cơ hội
như vậy hả, chúng ta không thể bỏ qua được! Ngàn năm một thuở không khi
nào gặp được cơ hội như thế!"
KHÔNG! NHẤT ĐỊNH SÀI GÒN KHÔNG PHẢI "ĐƯỢC GIẢI PHÓNG"
Các chiến xa Nga tiến vào Sài Gòn, một thành phố vui vẻ, sống động,
lúc nào cũng nhộn nhịp và ồn ào với những tiếng xe du lịch lẫn xe
mô tô..... Khi những trận chiến vô vọng vừa "bị chấm dứt" là
các sự đi lại bắt đầu tấp nập bình thường ngay, như chẳng có việc
gì xảy ra.Các toán tuần tiểu của Việt Cộng, những người nhỏ thó
bé nhỏ trong bộ quân phục rộng phùng phình màu xanh lá cây, đầu đội
nón lá, một mảnh vải đỏ cột quanh bắp tay, chân mang dép râu làm
bằng lốp xe cũ, đang nhè nhẹ bước đi, thận trọng tiến từ góc đường
nầy sang góc đường khác, dừng lại ở mỗi ngả tư đường, hơi khó chịu
trước những cặp mắt lạnh lùng và khi dễ của khách bộ hành đang tản
bộ bị bắt buộc phải bước chậm lại tránh xe Honda (vì các xe nầy
không bao giờ ngừng xe lại để tránh khách đi đường) chớ không phải để
tránh tiếng súng vốn đã chấm dứt hẳn từ lâu rồi.
Bộ đội Bắc Việt thì từ trên xe cam nhông Molotova, tự vỗ tay để dân chúng vỗ
tay theo, đúng y kiểu cộng sản, nhưng những cô gái đẹp trên đại lộ Tự Do
(Catinat) lờ đi, không buồn đáp ứng... Một nỗi buồn vô tận được in đậm nét trên
gương mặt của mọi người dân, vì Sài Gòn không còn nữa, Sài Gòn không còn là Sài
Gòn đẹp, Sài Gòn vui nhộn nữa rồi......
Cũng đúng Sài Gòn là một rừng cờ thật đấy! Như một ngày lễ 14 tháng 7 thật sự
vậy. Nhưng dĩ nhiên không có bóng một lá cờ nào của chế độ cũ, đó là một sự cẩn
thận bắt buộc. Tuy nhiên người ta vẫn thấy nhiều lá cờ Pháp, cờ thật lớn, mà
những người Pháp còn kẹt lại hay những người có quốc tịch Pháp cố ý treo lên
trước cổng rào, hy vọng có được một sự bảo đãm an toàn nào đó.
Người ta bận rộn suốt cả đêm, người ta đem ra những lá cờ hai màu xanh đỏ có
ngôi sao vàng ở giữa của Việt Cộng, mãi đến hai ngày sau cờ đỏ sao vàng của Bắc
Việt mới thấy xuất hiện. Và sau đó thì có lệnh của Ban Quân Quản Sài Gòn cấm
treo cờ ngoại quốc, do đó cờ tam tài của nước Pháp không còn thấy phất phơ
trong thành phố nữa.
Một vài xe Molotova đầy nghẹt "bộ đội", một vài chiến xa còn được cố
ý cho ngụy trang để làm dáng với một vài cành lá xác xơ héo vàng cốt để nhắc
cho người ta đừng quên đó là "xe tăng" của kẻ chiến thắng, được cho
chạy rảo trên các đường phố.
Đêm xuống... thay cho pháo bông mừng chiến thắng, người ta chỉ thấy được những
vùng sáng rực của một vài kho đạn bị cho nổ đâu đó, và những tiếng nổ lớn trong
các ngọn lửa đang bốc lên từ vài chiếc tàu chiến còn sót lại ở khu vực Bộ Tư
Lệnh Hải Quân mà các thủy thủ đoàn không quên đốt bỏ trước khi hạ súng đầu
hàng.
Buổi trưa, tại phòng ăn của khách sạn, người ta vẫn còn dọn cho khách ăn như
thường lệ, và một người bồi bàn đã đưa tay chỉ qua cửa kính, vừa cho các khách
ăn trưa chú ý vừa reo to:
- "Kìa, bọn Việt Cộng kìa".
Anh ta nói rõ là "Việt Cộng" chớ không nói là "quân giải
phóng". Một người khác vừa cúi xuống dọn ăn cho khách vừa nói khẻ bên tai:
- "Chúng nó toàn là người Bắc! Người ta sẽ không chấp nhận chúng
đâu, toàn là bọn người man rợ!"
Và người ta nhắc lại nhận xét xa xưa của người dân Miền Nam: dân miền
Bắc nhỏ con, có lẽ vì thiếu ăn, họ thấp hơn người dân miền Nam
khoảng 20 phân. Thật vậy, đó là một loại người "Phổ" của
Việt Nam, cũng giống như người Đức lúc mới bước chân vào nước Pháp
vậy.
Ngày hôm sau, người bạn trẻ gác thang máy cũng có nhận xét theo nhãn quan mơ
mộng của anh, giọng buồn buồn:
- "Bây giờ thì "bùm bùm" là để cho người khác! Đối với
chúng tôi thì chiến tranh đã chấm dứt rồi, nhưng luôn luôn giống như
còn chiến tranh vậy!
Họ cũng vậy thôi, những công chức, cán bộ, thợ thầy và công nhân thuộc mọi loại
hãng xưởng, và dân chúng... họ đều "bị gọi" phải đến họp mít tinh
ngày mai, một cuộc họp "bất thần", để kỷ niệm ngày lễ lao động 1/5 và
mừng "ngày giải phóng Sài Gòn".
Trên bãi cỏ trước dinh Độc Lập, họ được nghe tướng chỉ huy ban quân quản Sài
Gòn - Gia Định hô hào cổ võ. Họ bắt buộc phải để lộ bộ mặt vui vẻ và hoan
nghênh đúng mức. Sau đó họ phải diễn hành, tay phải phất cờ Bắc Việt và cờ Việt
Cộng, cờ giấy dĩ nhiên... Vẻ mặt buồn đau tủi nhục của một số lớn được che dấu
rất kỹ và họ cũng không cần phải tiết lộ điều gì, hay đúng hơn là không dám nhỏ
to với bất cứ ai dù là trong chỗ riêng tư thầm kín.
Không, Sài Gòn không phải đã "được giải phóng"!
Không, Sài Gòn cũng không phải đã "tự giải phóng"
Tuyên truyền là một điều rất cần thiết cho tinh thần của quân đội xăm lăng Bắc
Việt, họ hết sức ngơ ngác, ngỡ ngàng trước sự trù phú của thành phố Sài Gòn, vì
họ vẫn đinh ninh như Bác và đãng đã khẳng định rằng họ vào Nam để giải phóng
đồng bào của họ khỏi sự nghèo đói và nô lệ. Sự thật không phải như vậy ! Nhưng
rồi tuyên truyền cũng rất cần thiết để "giáo hóa" người dân Miền Nam
lúc nào cũng ương ngạnh và "phản động".
Con cá đã ở trong nước rồi, nhưng là nước "lạnh" và nó phải hiểu như
vậy.
Một trong những nhà báo có mặt tại Sài Gòn lúc đó, anh Lartéguy, một người mà
ai cũng biết là rất vô tư, đã nói một câu nhận xét thẳng thừng:
-"Cộng sản Miền Bắc đã chiếm thành phố Sài Gòn,
"chiếm" chớ không phải "giải phóng". Đây là một
chiến thắng lớn về mặt quân sự, nhưng cũng là một chiến bại to về
mặt tâm lý."
Muộn rồi! Đã muộn quá rồi! Dân chúng Sài Gòn đã từng không chịu nhận ách nô lệ
lên cổ, đang khóc cho những chiến binh xấu số của họ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét