Nguyễn Thị Thanh Bình
“Chưa chặt tay anh nhưng biệt giam người tù
trung kiên
Hội tụ sông về tranh đấu cho một dòng tự do”
(N.T.T.B) (*)
Điếu Cày ơi, chim báo bão phải sống! Phải sống để soải dài đôi
cánh khí phách, mở rộng không gian của một dân tộc đang bị trói lại bởi những
tham vọng cường quyền, bạo lực và tù đày. Phải sống để vực chúng ta cùng đứng
dậy và không thể chần chờ gì được nữa. Phải sống để nói với đồng bào, thế giới
về một sự thật không thể chối cãi và cam chịu. Sự thật nào khi con đã không còn
nhận ra sự tang thương đày ải mà cha mình đang gánh chịu, mà họ càng tỏ ra
trâng tráo, sự thật càng phơi bày lộ liễu, trắng trợn trong mỗi cách hành xử.
Điếu Cày không thể chết. Cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ
của Việt Nam đâu thể mất, nếu chưa bước qua xác của 90 triệu dân. Buổi sáng tôi
thực sự muốn tin như vậy, khi hòa mình vào dòng người Việt hải ngoại đoàn kết
khắp nơi cùng “hội tụ sông về”, ở quảng trường LaFayette trước tòa Bạch Ốc, để
có thái độ với một-nhân-vật không hề biết thái độ là gì. Không phải sao, khi
blogger Điếu Cày, người tù lương tâm trung kiên nhất của chúng ta đang thì thào
trong mê thiếp với hai chữ Việt Nam, thì nơi đây trên chiếc máy bay vừa đáp
xuống ở phi trường quân sự Andrews là cả một phái đoàn “triều thần lơ láo” khá
đồ sộ, theo chân vị nguyên thủ thứ hai của CSVN công du nước Mỹ. Và cho dẫu Mỹ
tỏ ra chỉ đón chào chiếu lệ theo phép lịch sự văn minh, thì họ cũng đã được
chạm chân vào thảm đỏ, tòa sảnh, ghế bành, rượu ly sóng sánh của Nhà Trắng.
Không biết họ có mang về lại được trong mớ hành trang của mình một chút học hỏi
của nên văn minh của Nữ Thần Tự Do, và khi đến New York sau đó nơi vốn mang biểu
tượng này, liệu có làm họ mủi lòng cho đất nước mình?
Điều đáng nói là lần gặp gỡ này, dường như chẳng ai màng đến “ba
thứ lẻ tẻ” về nhân quyền, và nhắc đến quyền làm người dưới môi mép của họ chỉ
là chút son phấn qua loa lấy lệ và lấy lòng. Trong buổi ăn trưa ngắn ở Bộ Ngoại
Giao với ngoại trưởng John Kerry, vị chủ tịch nước CSVN cũng chỉ nhắc tới quyền
con người một cách phơn phớt tổng quát, mặc dù họ cũng thừa sức hiểu rằng sự
chú trọng nhắc nhở của vấn đề nhân quyền đối với chính phủ Mỹ.
Nói về hố sâu nhân quyền, một cách nào đó ông Sang chỉ muốn vịn
vào cách nói “tiếp cận” của những dị biệt văn hóa lịch sử giữa một siêu cường
quốc luôn luôn coi trọng chủ nghĩa tự do cá nhân như một sức mạnh phát huy sáng
tạo, trong đó quyền tự do thể hiện ý kiến cá nhân của con người vốn là điều căn
bản nhất, và một nước luôn bỏ tù nhân dân chỉ vì họ muốn được bày tỏ, phát biểu
ý kiến thì quyền tự do ngôn luận như tổng thống Obama có nhắc đến trong ngày
25/7 cũng không có gì đảm bảo nhà cầm quyền VN sẽ nỗ lực thực hiện, và ban bố
cho dân được nhờ. Nói chi đến những quyền khác đã được ghi nhận đẹp đẽ, màu mè
và chỉ giỏi chơi trò mà mắt ảo thuật, hay trò hề Hiến Pháp. Và dù bản chất với
lòng nghĩa hiệp cao ngút trời, người Mỹ cũng phải nghĩ đến lợi ích của đất nước
mình trước hết. Nhất là một khi họ nhìn thấy rõ quan hệ của đối phương chẳng có
thực chất, thành thật gì với mình, và sẵn sàng làm thương tổn oai danh nước Mỹ,
khi đi ngược lại mọi giá trị căn bản của con người mà chính phủ Mỹ hằng nhắn
nhủ giao phó. Ngài Obama có “xoa đầu” ông Sang một cách chung chung, hời hợt
thì coi như chỉ có nước cười trừ, như những giấc mộng vàng được trở thành thành
viên đối tác TPP, thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ thì cũng sẽ bị “cười
trừ” lại thôi. “No human rights, no trade”, vì cải cách kinh tế đi đôi với cải
cách chính trị thì nước nhà mới hòng được thịnh vượng.
Nhìn mà xem, ngay cả một vị tổng thống Mỹ và khôi nguyên Hòa
Bình thế giới mà vẫn không thể can thiệp được cho sinh mạng của blogger Điếu
Cày? Điều mà chúng ta không tài nào hiểu được là một khi blogger Điếu Cày được
tổng thống Mỹ ưu ái khen ngợi, thì lại bị lãnh đủ một bản án chí tử là 12 năm
(?!) Rồi thì khi những người Việt hải ngoại vận động được hơn 150.000 chữ ký,
theo chỉ dẫn Thỉnh Nguyện Thư do chính hệ thống cải cách của Obama lập ra, thì
y như rằng họ lại giáng xuống ngay một tống giam 4 năm cho nhạc sĩ Việt Khang.
Vậy coi như họ muốn bắn một viên đạn trúng hai con chim: một là họ dằn mặt được
những người có lòng sát cánh ở hải ngoại và hai là có thể lấy điểm với mấy đấng
quan thầy khi họ dám cãi lời ủy thác của Mỹ.
Không trách sau cuộc gặp gỡ, chúng ta thấy rõ ràng là “hồ sơ
Nhân Quyền” tuồng như chẳng được ai buồn ngó ngàng tới. Không lẽ cả hai vị
nguyên thủ mỗi người đều tỏ ra ngượng nghịu mỗi cách, và sợ nói ra mắc quai
chăng? Kỳ thực nói mà không làm thì chỉ là những lời hứa suông chẳng ai còn
tin, và chẳng thú vị gì khi phải “dây với hủi”, vì rốt cuộc mình cũng sẽ bị
mang tiếng chỉ nói mà không hành động cụ thể, xứng đáng sĩ diện của một kẻ bề
trên.
Ở đây cũng có thể là Tổng Thống Obama đã không hoàn toàn muốn
đẩy mạnh những can thiệp. Sự thả lỏng, chỉ vì bị ngụy biện là xen chuyện nội bộ
“gia đình” người khác, lại càng khiến Hà Nội có thêm lý do để theo cách giáo
huấn răn đe của quan thầy và chỉ biết trừng phạt vô cớ những tiếng nói phản
biện.
Vậy sao sáng nay bạn lại phải phiền hà hỏi rằng tôi nên kỳ vọng
vào một điều gì? Kỳ vọng ư, khi nơi quê nhà Điếu Cày đang gần chết và người đã
đi bên cạnh cuộc đời ông cũng “suýt” cùng quẫn châm lửa đốt mình, mà vẫn chưa
thấy một thiện chí nào từ phía nhà cầm quyền nghĩa là mọi niềm tin đều đổ vỡ
không phải sao.
Dĩ nhiên có những phút giây yếu mềm như hôm qua chẳng hạn, chính
tôi cũng phải có hai câu thật chí tình: “Save blogger Dieu Cay’s life
now. Free Dieu Cay & all political prisonners”và nhờ một anh bạn đồng
hương làm thành một “banner” dài. Để lòng mình đỡ ray rức mà thôi, chứ không
biết phải xoay xở cách nào hơn. Thật sự vì ai trong chúng ta cũng quá lo lắng
cho Điếu Cày, khi mỗi ngày qua ngồi nhìn Danlambao tính sổ những khoảnh khắc
thoi thóp của Điếu Cày mà tưởng chừng như chúng ta đều bất lực không làm được
điều gì. Con số càng chồng chất lên cao, ruột gan chúng ta càng thắt nhỏ lại.
Kỳ thực chúng ta cũng không biết họ đang toan tính giở trò gì, nếu không được
cơ may kiểm chứng.
Ờ nhỉ, tại sao người ta có thể đày đọa Điếu Cày song hành với
chuyến gặp gỡ lịch sử? Đã có nhiều bình luận khá thuyết phục để giải mã cho
những uẩn khúc này, về một thứ quyền lực chỉ muốn so găng và luôn tận dụng cơ
hội để đem những kẻ dám chống đối bậc nhất làm vật tế thần, nhất là nếu kẻ
chống đối ấy lại được hậu thuẫn và vinh danh.
Ẩn số vẫn là bản án nặng nề 12 năm đã phải chấp hành và đang thi
hành trước đây, khi từ trước cho đến giờ này mọi người cũng đã thừa biết bản
chất khí khái của Điếu Cày là không thỏa hiệp nhận tội vì không bao giờ Điếu
Cày cho phép mình là người làm ra tội với đất nước và có tội, nhất là tội vì
yêu Tổ Quốc mà nên nỗi thì quả thật đã quá xúc phạm đến con người nhiều tiết
tháo ấy.
Dạo này người ta cũng nói quá nhiều về những ngọn sóng ngầm.
Những phân hóa nội bộ là điều có thật, chứ không phải là lời của sấm đi truyền
lệnh tiên tri giả ám hại Điếu Cày. Sự cạnh tranh tị hiềm về quyền bính đã làm
cho thời của những tiên tri giả lộng hành.
Ông Trương Tấn Sang vừa được chiếm 64% túc số tín nhiệm, đi
Indonesia ngoại giao, rồi lại được thăm viếng Mỹ một cách bất ngờ, sau khi đi
Tàu hàng phục, như để tìm thế quân bình nào đó đã làm bài toán trở nên khó hiểu
và không dễ tìm câu giải đáp. Giả như có kẻ nào vì một chút lòng không vui, đã
đem lòng muốn gây xáo trộn, thì sự cố Điếu Cày chắc chắn sẽ làm sự có mặt của
ông Sang khó ăn khó nói, nếu không muốn nói là ê mặt, trước một thủ lãnh có
truyền thống dân chủ tự do cao nhất hành tinh này.
Thì ra đó là lý do khiến ông chủ tịch nước chơi bài lờ, và đã
không đá động gì đến người tù lương tâm Điếu Cày, người được tổng thống Obama
coi trọng như một chiến sĩ kiên cường của Tự Do Báo Chí và dĩ nhiên cả những tù
nhân chính trị đặc biệt khác.
Liệu có hay không một thỏa thuận ngầm, sẽ cho Điếu Cày được mang
về nhà nằm chờ chết, khi mọi sức lực của blogger này đã bị vắt cạn giọt máu
cuối cùng. Nhiều phần điều này có thể xảy ra, bởi vì không những chỉ Nhà Trắng
thấy được cơn sốt ủng hộ Điếu Cày được vỡ bùng ra từ những tấm biểu ngữ, đại
loại: “Save DieuCay’s life now. Free DieuCay & all political
prisoners” của cộng đồng Thủ Đô, hoặc khắp nơi của bà con hải ngoại
như: “Release Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải Now!”, “Free DieuCay
before he dies!” hay ngắn gọn: “Free DieuCay!”, “Tự Do cho
Điếu Cày!”... Đó là chưa kể đã có vô số những vận động tổ chức nhân
quyền quốc tế đã lên tiếng can thiệp và Danlambao vẫn tiếp tục tìm cách hỗ trợ
thêm bằng cách này cách khác.
Tự Do cho Điếu Cày, hoặc hơn bao giờ hết Tự Do hay là chết. Rồi
nào là Phản Kháng Hay Là Chết, Tổ Quốc Hay Là Chết..., mỗi người tùy nghi muốn
được chọn cho mình một cái chết, một cách chết nào. Vâng, khi Điếu Cày và mỗi
người trong chúng ta biết tự chọn cho mình một cách chết đẹp hơn là sống nhục.
Một cái chết đẹp lắm khi là cái chết của một thánh tử vì đạo. Việt Nam chúng ta
đang cần một thánh tử đạo như người sinh viên bán hoa trẻ tuổi ở Tunisia chăng.
Một cái chết ảo diệu như đường sáng xẹt ngang bầu trời đen câm nín, của một lời
nguyện ước sao băng như tuổi trẻ không thể sống dật dờ hệt những xác sống.
Đã đến lúc phải nói lời cuối cùng: No! No! No! “NO” độc diễn,
độc ác, độc hại, độc tài toàn trị... Và dĩ nhiên một lần nữa chúng ta xác
quyết: “No”! bản Tuyên Bố Chung trong chuyến “đi đêm” cấu kết và ký kết ngày
21-6-2013 giữa hai chủ tịch nước cộng sản là hoàn toàn đi ngược lại ý nguyện
của toàn dân Việt Nam, nếu không muốn nói là làm trào máu họng thân phận nhược
tiểu, khơi gợi lại mối thù truyền kiếp ngàn năm Bắc thuộc. “Ngoài kia Biển
Đông, nơi đây tù đày” là một điều không thể chấp nhận được. “Eastern Sea” nghe
hợp lý hơn “South China Sea”, ngài Obama ơi! Nhiều người VN đã cảm thấy cần
phải sửa lại tên gọi như vậy cho hợp tình hợp nghĩa.
Lời chưa nói hôm nào không thể ngậm câm như hến, và để có tiếng
nói này chúng ta phải cùng nhau biểu tỏ: “Tổ Quốc hay là chết”.
Thật ra chúng ta không chỉ muốn nói vì đã bị bóp họng quá lâu bằng những họng
súng, dùi cui, côn-an-trị và những chấn song tù, nhưng kỳ thực chúng ta đang bị
đẩy tới chân tường và không thể không gào thét. Phải nói là đớn đau gào thét,
tủi nhục gào thét, đắng cay gào thét, phẫn nộ gào thét...
Và để cất lên được tiếng nói, tiếng thét đồng thanh, đồng vọng
của hôm nay, chúng ta biết mình cũng đã sẵn sàng để bốc lên thành một đám cháy.
Một đám cháy khổng lồ chứ không chỉ từng một nhóm lửa. Ai chẳng
lạ gì những tên thú mặt người này lúc nào cũng chực chia đứt hay bẻ nát chúng
ta thành từng mảnh nhỏ, rồi lại cho người làm phân hóa nội bộ, như gài mìn nổ
chậm. Lũ sâu bọ gớm ghiếc càng giở thủ đoạn chia-để-trị, chúng ta càng một lòng
sát cánh không thể phân ly. Bất khả phân ly.
Hiệu ứng của một đám cháy trong tình thế hết sức nguy khốn này,
sao lại không (?!) Hãy lấy đôi chân mình tạo thành những vòng tròn lửa luân vũ,
lan tỏa. Và cả đôi tay nữa, sẽ phải bùng lên trong mỗi đầu ngọn viết. Và dĩ
nhiên đâu chỉ có yêu nước ở những bàn phím, cách mạng cuối tuần karaoke, cách
mạng salon... Ma lực của lửa tỏa sáng rực rỡ, nhưng cũng đốt cháy tàn rụi bất
cứ thể chế nào chỉ biết cúi rạp mình như cỏ hèn trước quân xâm lấn, nhưng lại
tha hồ giấu những bầu dao găm sau mỗi “ban bố” toan tính, mỗi nghị quyết, mỗi
tước đoạt trấn áp quyền tự do tối thượng của một công dân, cũng như quyền căn
bản con người của chính đồng bào, nhân dân mình.
Một ngày trước khi có cuộc dàn chào ngoạn mục với ông Tư Sâu của
nhà nước CSVN, dĩ nhiên chúng ta đã hơn một lần đồng cảm, thán phục và tủi hổ
vì khí thế dàn chào Toàn Cầu của dân tộc Phi, với sự điều động của một nhóm
nhân sĩ trí thức trong nước mà thủ lãnh của cuộc xuống đường này là một cựu bộ
trưởng nội vụ Phi, cũng như sự kiện chính phủ Phi đem Tàu Khựa ra tòa án LHQ để
tranh cãi những cưỡng ép Biển Đông.
Trong khi Biển Đông sẽ mãi mãi là một đề tài, một vấn đề cấm kỵ
nhạy cảm, có khoanh vùng không hề dám đá động trong chuyến đi nhất trí phò Tàu
của “ngài” Tư Sâu.
Nếu ngày 24/7 là mốc điểm đánh dấu ngày toàn dân Phi đứng dậy
biểu tình trên thế giới, thì ngày nào sẽ ngày của Việt Nam đi cùng với dân tộc
mình để nói “Không!” với Tàu Khựa? No China và No China, một ngày toàn cầu
trong và ngoài nước phải có mặt!
Dĩ nhiên ở một nơi mà lòng yêu nước đã bị chính những kẻ tham
quyền cố vị tìm cách triệt sản, chúng ta vẫn phải tin rằng những nhiễm thể yêu
nước của dân tộc Việt từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn là có một không hai.
Mãi mãi không ai tước đoạt nổi thứ khí giới này, và chúng ta phải biết lợi dụng
nó để cùng nhau vươn lên.
Và chỉ có thể nói rằng, một số người trong chúng ta đã bị chúng
lén lút tiêm vào đầu những liều lượng bùa mê thuốc lú, hay thuốc ngủ hà bà rầm,
đến không tài nào mở mắt và cất đầu lên nổi. Một ngày rất gần chính những người
sẽ tỉnh ra, như một người cần có rượu để giải khuây hoặc cần cơm để ăn, nhưng
khi tỉnh ra nỗi buồn nước mắt nhà tan quá lớn vẫn còn đó và lại càng hiện ra
lớn hơn thì chuyện áo cơm, sổ hưu... có nghĩa lý gì. Chưa kể nếu họ còn nghĩ
đến thế hệ con cháu, nói xa xăm chi cho tội nghiệp đến giống nòi.
Tâm sự những điều này, tôi thấy mình muốn mềm ra như nước mắt.
Hôm nay thì những bài thơ của tôi, của bạn bè, của đồng bào quả thật quá bé
mọn. Bao giờ cho tôi được phép chỉ làm thơ tình đi hát đồng dao? Và bao giờ thì
những người có trách nhiệm nào sẽ trả lại nụ cười cho Uyên và Kha? Hay nói đúng
hơn chính những người bạn tuổi trẻ căng đầy nhiệt huyết sẽ phải tự mình đứng
dậy đòi lấy môi cười cho Uyên, Kha và cho chính mình, cũng như cho mỗi người
dân trong mỗi góc phố Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Huế... Và liệu bản án của
Điếu Cày, Uyên và Kha... là những bản án dành cho chế độ thì bao giờ nhân dân
VN mới hành xử?
Ước mơ lớn nhất của chúng ta là gì, nếu không phải là mang trả
nụ cười cho từng mỗi người?
Lại “vâng”, tôi muốn khóc nhưng tự nhủ hãy thôi đừng khóc nữa.
Và dân tộc của tôi ơi! Hãy đừng khóc, đứng dậy và phải tự lau nước mắt cho
chính mình. Nơi đây liệu có còn ai thương hại chúng ta nữa đâu, và truyền thống
bất khuất của chúng ta đâu rồi, sao cứ phải chỉ biết cúi đầu van xin lòng
thương hại vì nhân đạo tình người, hoặc chỉ vì lợi ích chung được hóa thân
thành mưu cầu riêng?
Bằng mọi giá, những giông cùm xiềng xích sẽ phải bị bứt tung.
Chim báo bão thề sẽ báo hiệu vòm trời tự do. Lịch sử không thể đè mãi trên đầu
trên cổ nhân dân Việt Nam, trong đó blogger Điếu Cày và cả 120 người tù lương
tâm khác sẽ phải được thấy trời xanh.
Nguyễn Thị Thanh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét