Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM TRƯƠNG TẤN SANG SẼ NÓI GÌ VỚI TỔNG THỐNG OBAMA CỦA HOA KỲ?


Thanh Quang
Theo thông cáo báo chí mới đây của Tòa Bạch Ốc thì Chủ tịch Trương Tấn Sang của VN sẽ chính thức viếng thăm Hoa Kỳ vào ngày 25 tháng 7 này theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, chuyến đi mà báo Tổ Quốc lưu ý rằng “Ít ai còn hy vọng gì ở ông Trương Tấn Sang sau những gì ông đã thay mặt lãnh đạo CSVN thỏa thuận với Trung Quốc trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi; câu hỏi đặt ra là ông, đúng ra là lãnh đạo Việt Nam, còn có gì để nói với Hoa Kỳ không ?”. Tờ báo phân tích:
Rất ít về mặt ngoại giao, vì Việt Nam không còn tiếng nói độc lập sau khi đã cam kết "điều phối" và "phối hợp" với Trung Quốc, nghĩa là nhận chỉ thị của Trung Quốc, trong quan hệ đối ngoại. Càng ít về hợp tác quân sự vì sau thỏa thuận gắn bó hai quân đội Trung Quốc và Việt Nam chuyển giao vũ khí và kỹ thuật cho Việt Nam tương đương với chuyển giao cho Trung Quốc, điều mà Hoa Kỳ và các nước dân chủ không thể chấp nhận. Họ đang nhìn Trung Quốc như một thách thức.
Bản thông báo ngắn của tòa Nhà Trắng về chuyến viếng thăm này đã chỉ nói tổng thống Obama mong muốn thảo luận với ông Sang về các chủ đề nhân quyền, môi trường, khí hậu và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà nhiều nước đang cố gắng để hoàn tất. Không thể đơn giản hơn. Thông cáo này cũng có nói tới hợp tác Mỹ - ASEAN nhưng Việt Nam không còn tư cách để nói chuyện về đề tài này bởi vì Việt Nam không còn là một thành viên bình thường của ASEAN nữa; dưới mắt đa số các thành viên ASEAN, Việt Nam đã trở thành tai mắt của Trung Quốc…

Qua bản thông cáo “không thể đơn giản hơn” ấy của Toà Bạch Ốc, theo tác giả Tư Ngộ của bài “Ông Trương Tấn Sang đi Mỹ kiểu ‘đồng sàng dị mộng’ ”, Tổng thống Obama muốn hạn chế cuộc gặp mặt mà Hà Nội rất mong mỏi là “tìm cách củng cố đối tác về các vấn đề chiến lược khu vực và làm sâu sắc hơn sự hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN”, “muốn Mỹ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương, muốn Mỹ đừng quá gắt về điều kiện đàm phán Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)…”. Tác giả trích dẫn lời các chuyên gia đề cập tới việc lãnh đạo VN cần sang Mỹ để tìm kiếm “sự chống lưng” của Washington về nhiều phương diện, từ kinh tế đến quốc phòng, nhằm ra sức duy trì chế độ:
CSVN muốn có cái dù của Mỹ che chở mạnh hơn trong tranh chấp Biển Đông, muốn Mỹ hiện diện quân sự thường xuyên hơn ở khu vực để cản sự lộng hành của Bắc Kinh, muốn có những điều lợi hơn trong quan hệ mậu dịch thương mại và đầu tư, nhưng lại ngày càng tồi tệ hơn về nhân quyền.
Như vậy là một trở ngại để 2 nước cựu thù này trở thành đối tác chiến lược chính là thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ của VN, cũng như việc Hà Nội không tuân thủ các Công ước Quốc tế dù đã ký kết. Blogger Tư Ngộ nhân tiện lưu ý rằng giới chuyên gia không tin đề tài nhân quyền là cái mà Hà Nội muốn nghe tại phiên họp thượng đỉnh Việt-Mỹ sắp tới; và khi “bị nghe” về nhân quyền, thì hẳn ông Tư Sang đã thủ sẵn những lý lẽ chống chế như những lãnh đạo Hà Nội đã từng làm, bất chấp sự thật tại VN ra sao.
Vẫn theo tác giả Tư Ngộ thì nhu cầu và ưu tiên số một của Ba Đình là, bằng mọi giá, phải duy trì cái chế độ độc tài, tham nhũng để tiếp tục “đục khoét”, bòn rút túi ngày càng teo tóp của dân đen. “Khẩu hiệu của guồng máy công an ‘còn đảng còn mình’ diễn tả đầy đủ lý do tại sao chế độ Hà Nội bằng mọi giá giữ chặt lấy quyền lực chính trị. Bởi vậy, họ không ngần ngại bỏ tù những ai lên tiếng đả kích các sai trái của chế độ hay đòi đa nguyên đa đảng”.
Nhận xét về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang, blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội “không đặt một kỳ vọng nào lớn lắm về những chuyến viếng thăm như vậy”:
Đây là một quá trình dài chứ không phải là một cá nhân hay một nhân vật hay một chuyến đi thăm của một ông Chủ tịch nước, một ông Tổng bí thư hoặc ông nọ, ông kia mà nó có thể tạo ra một sự thay đổi để mà hy vọng. Chúng tôi không có hy vọng như vậy bởi vì đây là sản phẩm của một chế độ, một thể chế, một chính sách của một đảng lãnh đạo chứ không phải một cá nhân nào làm nên điều đó.
Lực bất tòng tâm?
Hải quân Trung Quốc đang giám sát tàu cá Việt Nam. AFP photo
Nêu lên câu hỏi rằng “Trương Tấn Sang làm gì ở Mỹ?”, blogger Lê Diễn Đức lưu ý rằng ngoại trừ giai đoạn Lê Đức Anh nhờ “sau lưng” có hậu thuẫn của tình báo quân đội, Chủ tịch nước của CHXHCN Việt Nam thực chất chỉ là một chức vị “ít có thực quyền”, khiến vai trò của các chủ tịch tiền nhiệm Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết trong cán cân quyền lực mờ nhạt. Bây giờ tới phiên chủ tịch Trương Tấn Sang, có muốn thay đổi nhưng “lực bất tòng tâm” như từng “thấy rõ” qua cuộc xung đột, tranh giành ảnh hưởng mới đây với ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị 6 và Hội nghị 7 Trung ương Đảng, khiến “Tư Sang chùng hẳn”. Do đó, theo blogger Lê Diễn Đức, thực ra, “Tư Sang không có quyền hạn nào trong chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại được chỉ đạo bởi Bộ Chính Trị, nơi mà Tư Sang không có đủ hậu thuẫn cần thiết. Tư Sang chỉ làm công việc giao liên. Cho nên Hoa Kỳ khó có thể hy vọng gì nhiều từ cá nhân Tư Sang”.  Nhà báo Lê Diễn Đức phân tích tiếp:
Việt Nam đang rất cần Hoa Kỳ, đó là điều không thể chối cãi. Trước hết, Hoa Kỳ là một thị trường rất lớn, chỉ kém chút ít so với Liên minh Âu châu và Trung Quốc… Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ…dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỉ USD trong năm 2013. Trong khi đó, Trung Quốc trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, giai đoạn 2002 – 2010, nhập siêu Việt Nam từ Trung Quốc tăng khoảng tám lần và không có dấu hiện suy giảm, ở mức … 16,7 tỷ USD năm 2012. Đáng lo ngại là Uỷ ban châu Âu đã cảnh báo có tới 58% sản phẩm đồ chơi, hàng tiêu dùng, hàng dệt may Trung Quốc là hàng nhái và nguy hiểm đến sức khoẻ…
Ngoài  việc hợp tác với các nước trong khối Asean, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, sự hợp tác chặt chẽ với Hoa kỳ, một siêu cường về quân sự và kinh tế, mới có thể chống lại sự quyết đoán ngang ngược đang phát triển của Trung Quốc trong mộng bành trướng bá quyền trên Biển Đông. Chuyến đi của Tư Sang không thể nằm ngoài chủ đề quan trọng này. Nhưng đây là chủ đề khó khăn. Làm thế nào để hợp tác với Hoa Kỳ sâu rộng hơn mà không làm mất lòng Trung Quốc đã bị lệ thuộc?
Blogger Lê Diễn Đức không quên nhấn mạnh rằng “Quả đắng trong chuyến công du của Tư Sang là Tổng thống Obama ‘cũng mong muốn thảo luận về nhân quyền’ ” trong khi các nhà lập pháp Mỹ trong thời gian gần đây hầu như liên tục “nhắc nhở, đòi hỏi, buộc” tổng thống Obama không thể không đề cập nhân quyền với phía VN giữa lúc tình hình nhân quyền của VN hiện là một “thảm hoạ”. Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Diễn Đức, không có hy vọng “Tư Sang nhượng bộ về nhân quyền”; mà nếu có chăng thì chỉ là những lời hứa suông hoặc chống chế rằng “VN không có tù chính trị”, chỉ có những thường phạm mà thôi, như tội “trốn thuế” của các blogger Điếu Cày, Lê Quốc Quân hay tội “2 bao cao su đã qua sử dụng” của TS Cù Huy Hà Vũ…
Qua bài “Nhân Quyền Với Tư Sang”, nhà báo Trần Khải nhận xét rằng “Các khái niệm nhân quyền là một ngôn ngữ lạ với Chủ Tịch Trương Tấn Sang – và thực tế cho thấy cũng là “tiếng nói lạ đối với toàn bộ Chính Trị Bộ” cho dù thế giới đã ghi rất cụ thể vào Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ”. Và “ngôn ngữ lạ” ấy cũng diễn ra với Bắc Kinh dù Hoa Lục ra sức “chơi nổi” bằng “Giải thưởng Nhân quyền Khổng Tử”!
VN, theo tác giả Trần Khải, chưa “chơi nổi” được như đàn anh TQ nên đành rán “đánh bóng tư tưởng Hồ Chí Minh” mà xem chừng như đang “lộ ra” chuyện muốn trao giải nhân quyền này trong khu vực !
Hà Nội không muốn hiểu?

Triển lãm bản đồ Việt Nam tại Bảo tàng Quân đội, Hà Nội hôm 10/7/2013. AFP photo
Có lẽ vì Hà Nội không hiểu – hay cố tình không muốn hiểu - nhân quyền theo ý nghĩa và giá trị phổ quát toàn cầu của nó vốn là tiêu chuẩn chung cho nhân loại, nên, nhà báo Trần Khải nhận thấy, “hễ ai sang Mỹ du học về nhân quyền là tuần tự bị kẹt, nghĩa là Hà Nội theo dõi rất kỹ, hễ hở ra là chụp mũ, vây bắt ngay” và cho “ nếm mùi nhà tù CSVN”, như trường hợp Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân…Thậm chí Nguyễn Tiến Trung chỉ gặp Tổng thống Bush cũng bị “công an kiếm chuyện”, mà tới bây giờ vẫn còn ở tù ! Blogger Trần Khải khẳng định:
Tất nhiên là Tư Sang không hiểu nổi ngôn ngữ nhân quyền kiểu Mỹ. Bởi vì thực tế, nhà nước Hà Nội dường như chỉ hiểu nổi nhân quyền kiểu Giải Thưởng Nhân Quyền Khổng Tử…Có một cách để Tư Sang xuất chiêu nhân quyền, học y chang kiểu Bắc Kinh năm xưa.
Tư Sang nên chỉ thị cho Hà Nội lập Giải Thưởng Nhân Quyền Hồ Chí Minh…Nhưng nếu Tư Sang không lấy võ nhân quyền (kiểu Bắc Kinh) để đỡ chiêu nhân quyền (thế giới), thì không lẽ lấy võ công an và côn đồ ra xài?”
Chuyến công du sắp tới của ông Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang sau chuyến “phụng mệnh chiếu chỉ Thành Đô II” của ông ở Trung Nam Hải, theo GS Tương Lai, là “mối bận tâm của rất nhiều người đang trĩu nặng suy tư về vận nước”. Bài viết của GS Tương Lai tựa đề “Đôi điều suy nghĩ nhân chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới của ông Chủ tịch Nước” có đoạn lưu ý rằng “Những hoạt động đối ngoại gắn liền máu thịt với hoạt động đối nội, mà về thực chất, thì nội lực của dân tộc, thế đứng của đất nước là nhân tố quyết định chiến lược và sách lược đối ngoại. Tiếng chuông đánh ở nước người vang đến đâu là tùy thuộc vào sự dồn sức, góp lực của cả toàn dân. Đương nhiên, khôn khéo và thông minh để nắm bắt thời cơ, khai thác và phát huy tối đa hợp lực được tạo ra từ hoạt động đối ngoại với nhận thức rằng, bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ đáng tiếc nhất để rồi cái giá mà dân tộc phải trả là không sao tính xuể! Chẳng thế mà Nguyễn Trãi từng căn dặn ‘Thời! Thời! Thực không nên lỡ’ ”.
Trong khi blogger Trần Khải lưu ý rằng “có thể đây là cơ hội cuối để VN bắt tay thân hơn với Mỹ ? Và nếu lỡ cơ hội này, có thể VN sẽ sớm trở thành một Tây Tạng thứ 2 ?”, thì chuyến Mỹ du sắp tới của ông Trương Tấn Sang – nói theo lời blogger Lê Diễn Đức – “ hứa hẹn một sự đón tiếp ‘nồng nhiệt’ của cộng đồng người Việt tự do” hải ngoại. Vẫn theo nhà báo Lê Diễn Đức thì chuyện biểu tình hẳn nhiên là sinh hoạt dân chủ bình thường tại Mỹ, thế nhưng có lẽ chưa có nguyên thủ quốc gia nào - như của VN trong giai đoạn hiện nay – viếng thăm chính thức Hoa Kỳ mà lại vào Toà Bạch Ốc bằng…cổng sau !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét