Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI DƯƠNG THU HƯƠNG, CỰU PHÓ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CSVN PHÁT BIỂU VỀ HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC

Bà Dương Thu Hương, cựu Phó Thống đốc NHNN VN: "Láng giềng chúng ta sang đây xây dựng làng xã, thành phố rồi!"

Tin Không Lề: Đây là nội dung phát biểu của bà Dương Thu Hương, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, tại Hội thảo Góp ý văn kiện Đại hội 11. Do nội dung phát biểu này vẫn còn tính thời sự, nên mình đã nhờ một CTV đưa lên YouTube để chia sẻ cùng bà con. 
Bà Dương Thu Hương đã phát biểu như sau: 

“Đi vào cụ thể thì tôi thấy rằng, thí dụ như trong cương lĩnh viết thì rất hay nhưng mà tôi nghĩ đưa rất nhiều cái khái niệm mà tôi chẳng hiểu được. Như cái khái niệm mà chúng ta vẫn cứ lúng ta lúng túng là ‘một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’. Mà cũng báo cáo với các anh là riêng ngân hàng thì không biết ‘định hướng XHCN’, kinh tế thị trường có ‘định hướng XHCH’ trong hoạt động ngân hàng, nó là cái gì? Thì chúng tôi cũng khó có thể là cụ thể hóa ra được. Ngoài ra lại còn ‘phát triển công nghiệp hiện đại, trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN’. Thế không biết ‘công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN’ là cái gì? Thế công nghiệp của XHCN nó khác với công nghiệp tư bản à? Thế thì tại sao lại cứ có cái đuôi ‘theo định hướng XHCN’? Thế rồi ‘xây dựng một nền dân chủ XHCN’. Thì đúng ra ngày xưa học về Mác – Lênin có cái câu là ‘dân chủ của CNXH thì dân chủ gấp trăm lần tư bản’.


Thế nhưng mà với cái thiển cận, tôi nghĩ dân chủ ở đâu cũng giống nhau thôi, là người dân được phép nói, đấy là dân chủ. Xã hội tạo điều kiện cho dân được nói, pháp luật tạo điều kiện cho dân được nói, thì đó là dân chủ, xã hội nào cũng thế. Lại còn cái dân chủ XHCN nữa! Cho nên từ công nghiệp hiện đại cũng theo định hướng XHCN, thì phát triển kinh tế thị trường cũng theo XHCN, rồi xây dựng nền dân chủ cũng theo XHCN thì tôi không hiểu nó là cái gì cả.



Trong cái cương lĩnh thì có một ý nữa, tức là vấn đề hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng thì trong đó có ghi là: Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Như vậy là tôi đọc cái này tôi thấy rằng, Đảng vẫn đặt dân tộc sau quyền lợi của giai cấp và của nhân dân lao động, đặt dân tộc thứ ba. Thì tôi thấy cái này rõ ràng là tại sao Đảng không vì quyền lợi của dân tộc là thiêng liêng trên hết, mà lại đặt quyền lợi của giai cấp lên trên hết?


Và tôi cũng đang muốn hỏi các anh, là hiện nay chúng ta còn giai cấp công nhân như ngày xưa không? Còn giai cấp vô sản như ngày xưa không? Hay là bây giờ tất cả các vị hữu sản hết rồi mà lại còn giàu có hơn cả những nhà tư bản mà nó phát triển hàng trăm năm nữa? Vậy tại sao chúng ta cứ phải có cái lý thuyết này? Cho nên tôi thấy điều này lợi ích của giai cấp đã được đặt đứng trên lợi ích dân tộc, thì tôi nghĩ rằng cương lĩnh thế thì không thể nào kêu gọi được đại đoàn kết dân tộc.


Thế rồi về văn hoá, xã hội, môi trường gì gì đấy v.v… Nhận định là ‘cuộc vận động đoàn kết toàn dân xây dựng đời sống văn hoá từng bước đi vào chiều sâu, môi trường và bảo vệ môi trường đã được nâng cao’, nhưng nó mâu thuẫn hoàn toàn với thực tế, là tệ nạn xã hội tăng, an toàn xã hội không đảm bảo, văn hoá thì tôi nói thật là chưa lúc nào văn hoá Việt Nam đồi truỵ đến như thế. Bật TV ra, phim Việt Nam ngay cả quảng cáo cũng là mầu sắc sexy rất là mạnh. Tôi không hiểu là, nó [chẳng] có một cái thuần phong mỹ tục gì cả mà tôi xem tôi phát ngượng. Rồi ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm v.v… Cho nên cái nhận xét này, đánh giá này với cái thực tế tôi nghĩ rằng nó không trúng một tí nào cả.

Thế rồi, nhận xét về dân chủ xã hội có tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được nâng cao, dân chủ trong đảng được mở rộng. Tôi không biết dân chủ trong Đảng được mở rộng kiểu gì, nhưng mà tôi vẫn cảm nhận rằng là cái dân chủ trong đảng vẫn là mất dân chủ nhất so với Quốc hội. Và đấy, tôi nghĩ rằng mình là Đảng viên, mà mình cũng không được đi bầu Tổng bí thư của mình, chẳng được cái quyền gì cả ngoài cái quyền họp chi bộ hàng tháng để ngồi kể lể cho nhau nghe thôi. Cho nên tôi nghĩ rằng đánh giá như thế này vẫn không đúng với thực tế.

Thế rồi ‘xây dựng nhà nước pháp quyền, Quốc hội tiếp tục được kiện toàn về tổ chức’. Cái vấn đề này cũng là một đại sự. Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu ạ mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế rồi ĐBQH và nếu ĐBQH là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu là một ĐBQH mà là vừa là đảng viên vừa là ĐBQH thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử chi mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri đi.

Cho nên là cái nhận định về xã hội pháp quyền và Quốc hội được tiếp tục hoàn thiện thì tôi cho rằng là, tất nhiên tuy có tiến bộ hơn nhưng mà nó vẫn đầy rẫy những cái gì đấy làm cho Quốc hội không thực quyền được, không thể thực quyền được. Và nhất là cái cơ cấu Quốc hội như hiện nay thì rõ ràng người ĐBQH là đảng viên, thì rõ ràng là người đó phải hy sinh quyền lợi của cử tri, chứ không phải là người đó bảo vệ quyền lợi của cử tri nữa...


Các anh thấy đại hội của những nhà chống tham nhũng mà được có lèo tèo vài người, có ai dám chống đâu, mà tham nhũng nghĩa là đầy ra. Là các anh cứ nói, tôi nói thật với các anh về kinh tế hai chữ ‘dự án’ nó thiêng liêng vô cùng, người ta cố gắng phải tìm ra được ‘dự án’, vì có dự án thì mới có tiền, có phần trăm. Cho nên cái đó là cái mà chúng ta cứ nói rằng thế nọ thế kia thì tôi nghĩ rằng nó cũng không thực tế, mà thấy cái tham nhũng và cái lãng phí của Việt Nam quá lớn. Rồi cũng nhận định là xử lý nghiêm những tổ chức, đảng viên sai phạm. Không đúng. Tôi nghĩ không đúng, không nghiêm. Tôi đặt câu hỏi là có thực sự nghiêm không hay là không muốn xử lý? Thì lúc nghỉ buổi trưa, tôi cũng có nói chuyện, tâm sự với các anh có những phi vụ cực lớn nhưng cuối cùng cũng im luôn. Nếu phi vụ đó ở Trung Quốc chắc bị bắn rồi. Nhưng ở Việt Nam bây giờ coi như chẳng có chuyện gì cả. Thế nhưng mà bây giờ vẫn cứ… Đã thế nó lại còn cứ thích lên DẠY CHO MỌI NGƯỜI VỀ ĐẠO ĐỨC, tôi rất khó chịu ở cái chuyện đó.

Về hạn chế trong báo cáo chính trị, thì tôi thấy rằng cái hạn chế mà chúng ta thấy rất rõ nhất mà trong này không đề cập đến, đó là cái khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng giãn rộng ra, ngày càng trầm trọng, chứ không phải là cái đó được thu hẹp lại. Cho nên, không phải là chênh lệch giữa các vùng các miền còn lớn đâu, mà trong này không hề nói tới khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Và bây giờ hình thành nên những nhà gọi là tư sản nhưng mà cộng sản, những nhà tư sản cộng sản: Tư sản đỏ. Còn dân nghèo thì, tôi cũng được vinh dự vào mấy năm Quốc hội được tiếp cận với nông dân, tôi thấy họ quá khổ luôn, họ quá bị áp bức bóc lột luôn. Hơi một tí bị tù, hơi một tí thì bị thế nọ thế kia và đất đai bị cướp đoạt luôn và cướp xong thì…


Ba mươi Tết tôi nhớ, có một ông thương binh gọi điện đến cho tôi là đến giờ này họ còn đuổi tôi ra khỏi nhà để họ giải phóng mặt bằng. Tôi phải gọi điện lên cho đồng chí bí thư dưới tỉnh mà tôi làm đại biểu: ‘Anh ơi, có gì đấy anh để qua tết đi. Anh đừng làm như thế này, đến Tết, mà người ta thương binh, người ta ăn Tết ở đâu?’ Thì như vậy, ông ta không nói gì cả, nhưng mà sáng hôm sau cái anh thương binh gọi điện cho tôi: ‘Chị Hương ơi, NÓ TRÓI TÔI NHƯ MỘT CON CHÓ, NÓ ĐÃ QUẢNG RA GIỮA ĐƯỜNG, và đất đai của tôi nó đã tịch thu’. Tôi nói thật, mà người ta thương binh chứ không phải là một dân thường, cái điều đó tôi rất là đau. Và tôi cảm nhận rằng cái bao nhiêu năm, bao nhiêu người hy sinh chiến đấu để được cái ngày hôm nay nhưng mà bây giờ người ta cư xử với những người cống hiến cho xã hội, cho nền độc lập của đất nước này như thế. Tôi đau vô cùng nhưng tôi không làm cái gì được. Mà Tết nhất đến nơi rồi mà còn làm như vậy. Cho nên tôi thấy cái này là cái mà trong cái hạn chế này không nói hết được những cái đó.

Về an ninh quốc phòng thì sáng nay các anh cũng ít nói đến nhưng quả thật tôi đang rất là lo sợ về cái việc này. Vì cũng dính dáng đến Quốc hội, cho nên tôi cũng thấy rằng những vấn đề về bauxite Tây Nguyên, vấn đề về cho thuê rừng, vấn đề về lao động nước ngoài không được giải quyết triệt để. Tất cả những vấn đề kinh tế này nó dẫn đến, nó dính đến vấn đề an ninh quốc phòng mà hiện tại không được giải quyết dứt điểm. Không rõ ràng, không dứt khoát, còn chần chừ và e ngại.

Thôi bauxite thì các anh cũng biết rồi không nói nữa. Nhưng rừng, cho thuê rừng: Xin báo cáo các anh là các đoàn ĐBQH ở những địa phương mà có rừng cho thuê người ta nói rằng sau khi cho thuê nó rào hết tất cả lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không biết bên trong nó làm cái gì. Mà cho thuê tối thiểu là 50 năm. Mà tôi rất buồn là một đồng chí Phó chủ tịch tỉnh một tỉnh cho thuê rừng này lại tuyên bố rằng: ‘50 năm sau có người thực hiện, sẽ có người kiểm soát giám sát’. Sao mà ngây thơ thế!

Thế rồi lao động nước ngoài, thưa anh rằng nước ngoài láng giềng chúng ta sang đây xây dựng làng xã thành phố rồi, mà nó không mang tên China Town đâu, chưa mang tên thôi nhưng mà nó sẽ mang tên. Rồi Quốc hội hỏi thì Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội chần chừ, không dám nói. Giả sử nhà tôi có phúc tôi được ở vị trí đó thì tôi sẽ trả lời Quốc hội một câu rằng: “Tôi sẽ về kiểm soát, kiểm tra và nếu mà không đúng theo pháp luật Việt Nam tôi sẽ trục xuất ngay”. Nhưng mà không dám nói câu đó mà lại phát biểu trước Quốc hội rằng “khó lắm, tế nhị lắm”. Thế thì thôi, đặt họ vào, họ chiếm đất của mình hết rồi.

Và các anh cứ đi từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn xem, tất cả các dự án, những chỗ nào đất đai màu mỡ nhất là ở đấy các dự án của đồng chí bạn lớn của chúng ta hết. Mà người ta đã mang dự án sang, người ta mang công nhân sang, công nhân Trung Quốc sang, lấy vợ Việt Nam cắm đất đây luôn, sát ngay Hà Nội luôn. Tôi lo cái chuyện này vô cùng tận, nhưng mà không biết rằng trong báo cáo, trong cương lĩnh chính trị cũng như trong báo cáo chính trị, tôi thấy cái vấn đề này quá mờ nhạt luôn, quốc phòng an ninh chép đúng như những ngày xưa viết. Cái đó là cái rất đáng lo ngại.

Tôi có đọc cái quyển sách … của Thông tấn xã Việt Nam, họ nói trong cái quyển sách đó nó nói rằng tại sao Liên Xô sụp đổ? Liên Xô sụp đổ chẳng phải vì diễn biến hoà bình từ bên ngoài, mà Liên Xô sụp đổ từ lòng tin của người dân Liên Xô tan rã. Vậy thì Việt Nam chúng ta đang trên con đường đó, nhưng chúng ta vẫn rất chủ quan. Vẫn vẽ cho chúng ta một cái màu hồng vô cùng lớn, vô cùng đẹp, để [không] thấy rằng cái lòng tin với Đảng, với chính quyền này rất là sa sút rồi. Mà cái điều đó rất là nguy hiểm, nhưng mà trong này đánh giá rất là nhẹ nhàng.

Về nguyên nhân thì quả thật đánh giá cũng rất sơ sài, rất sơ sài, đổ cho khách quan, đổ cho khủng hoảng, đổ cho suy thoái, đổ cho thiên tai dịch bệnh, đổ cho yếu kém vốn có của nền kinh tế. Tôi hỏi rằng nền kinh tế nó có tội tình gì mà tự nhiên nó yếu kém? Có phải cái yếu kém đó tự nó phát sinh ra không hay là do cơ chế chính sách của mình tạo ra để cho nó yếu kém?

Ngày xửa ngày xưa còn bảo đất nước lạc hậu bao năm gì gì đấy, nhưng bây giờ 35 năm rồi, 40 năm rồi làm sao còn cái chuyện đất nước nông nghiệp lạc hậu, yếu kém nữa. Nó là do chúng ta, do cơ chế chính sách chúng ta làm cho cái nền kinh tế này yếu kém. Chứ đừng nói nó vốn có, cái vốn có này nó xa xưa lắm rồi. Cho nên cái nhận định này tôi cho là không đúng.

Thế rồi nhận định nữa là do ‘sự chống phá của các thế lực thù địch’. Tôi thấy chưa tìm đâu thấy cái chống phá bên ngoài, nhưng cái niềm tin của dân đã giảm, thì còn nguy hiểm hơn cả thế lực bên ngoài. Cái điều đó là cái mà tôi cho rằng cần phải đánh giá như thế, chứ còn ba cái thằng Việt kiều nó về lọ mọ vớ vẩn, không thèm chấp. Tất nhiên chúng ta vẫn cảnh giác nhưng chưa thấy ai chống phá chúng ta những cái gì mà gọi là để cho đất nước này đổ cả. Mà tôi chỉ sợ cái lòng dân này làm cho chúng ta sụp đổ. Nó như là một toà nhà mà bị mối, mặt bên ngoài toà nhà vẫn rất đẹp nhưng mà nó bị mối hết rồi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét