Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG - VỊ “LƯỠNG KHOA TIẾN SĨ” CỦA HAI NƯỚC VIỆT-PHÁP

Phạm Khải
 Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường là một trí thức Việt Nam có học vị cao nhất thời Pháp thuộc. Chưa đầy 23 tuổi, tại một trường đại học vào loại danh giá của nước Pháp, ông đã giành trọn hai tấm bằng: Tiến sĩ Luật và Tiến sĩ Văn chương, trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử của hai nước Việt - Pháp. Được biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Nguyễn Mạnh Tường vào cuối tháng 12/2009 vừa qua,... 
Sức học phi thường
Tháng 10-1927, sau khi tốt nghiệp tú tài triết học loại ưu ở trường Albert Sarraut, chàng trai quê Từ Liêm, Hà Nội Nguyễn Mạnh Tường được cấp học bổng sang học tại ban Văn- Trường đại học Montpellier, một trong những trường có truyền thống lâu đời của nước Pháp.
Tại đây, bằng sức học phi thường của mình, chỉ trong vòng ba năm ông đã liên tiếp đỗ các bằng: Cao đẳng Văn chương, Cao đẳng Cổ văn Hy- La, cử nhân Văn khoa, cử nhân Luật khoa, Cao đẳng Ngôn ngữ và văn tự cổ điển. Thành tích của Nguyễn Mạnh Tường đã khiến thầy trò người Pháp phải vô cùng kinh ngạc. Đặc biệt, lễ bảo vệ luận án tiến sĩ Luật (đề tài Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam. Tổng luận về Luật nhà Lê) diễn ra ngày 28-5-1932 của ông đã thu hút nhiều người và được đánh giá là một sự kiện làm rạng danh Trường đại học Montpellier. Bài luận văn của ông vừa là một kiệt tác về luật học, vừa về văn học nữa 23 tuổi đã đỗ Luật khoa tiến sĩ, lại sắp thi Văn khoa tiến sĩ, thật là 'cổ lai hãn hữu'- Ông chánh chủ khảo, một giáo sư danh tiếng người Pháp, đã phải trầm trồ. Quả tình, từ trước cho tới bấy giờ (và cả đến tận năm 2001 này nữa) nước Pháp vẫn chưa có ai ở tuổi 23 giành được một lúc hai bằng tiến sĩ như thế.
Tuy nhiên, song song với lời khen ngợi vô tư ấy, trên báo chí Pháp cũng đã xuất hiện lời 'cảnh báo' của nhà bình luận Clément Vautel:'Người Pháp nên cẩn thận, để người Việt Nam được học, và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?'
Quả nhiên là không. Nếu như trước đây, vì lòng tự hào dân tộc, chàng trai Nguyễn Mạnh Tường đã không ngừng vươn lên trong học tập, thì bây giờ, với quan điểm học cao không phải để lấy mảnh bằng về bóc lột nhân dân, ông đã dứt khoát từ chối những thứ quyền chức mà chính quyền thực dân chèo kéo. Nguyện vọng của ông là muốn được đứng trên bục giảng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
Tháng 9-1932, Nguyễn Mạnh Tường về nước. Chán nản vì thấy chính quyền thực dân không sắp xếp công việc cho mình như nguyện ước, ông lại bỏ sang Pháp. Từ đó, bằng tiền học bổng để đi nghiên cứu, suốt ba năm liền Nguyễn Mạnh Tường ngao du khắp các xứ Âu, Phi. Dấu ấn lưu lại những tháng năm này là mấy cuốn sách ông viết bằng tiếng Pháp, trong đó có cuốn Sourire et larmesdune jeunesse,...(Nụ cười và giọt lệ của một tuổi thanh niên) nói lên nỗi tủi cực của thanh niên các nước thuộc địa trong bước học hành và một cuốn sách ca ngợi tình yêu được các nhà phê bình tên tuổi Pháp chú ý.
Nhà sư phạm lỗi lạc
Năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường về nước. Chính quyền thực dân vẫn có ý canh dè ông. Bấy giờ, Pháp đang trù tính xây dựng một trường đại học Văn ở Việt Nam, nhưng vì thấy tất cả các giáo sư Pháp ở đây không ai có được bằng tiến sĩ như Nguyễn Mạnh Tường, nên lại thôi. Thay vì việc đó, Nguyễn Mạnh Tường được bổ nhiệm về dạy Trường trung học bảo hộ (dân gian quen gọi là Trường Bưởi), ở lớp đào tạo các tú tài bản xứ.
Tôi đã được nghe rất nhiều lời ca tụng của các cựu học sinh Trường Bưởi (trong đó có nhiều người hiện là giáo sư đầu ngành) về tài năng sư phạm của thầy Nguyễn Mạnh Tường. Giáo sư Trần Văn Hà, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi và Thú y nhớ lại: Thật là diễm phúc được học thầy. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường hấp dẫn, cuốn hút chúng tôi trong tất cả các buổi truyền thụ kiến thức văn học Pháp, tư duy triết học Pháp, La Mã, Hy Lạp, đặc biệt là tính lôgic của tư duy triết học Montaigne, Rousseau. Điều lạ là, suốt bao năm theo học thầy, tôi chưa bao giờ thấy thầy đến lớp mà mang theo giáo trình. Cứ vừa đi giữa hai hàng ghế, hai ngón tay cái móc vào túi áo gilê, thầy vừa đọc, giảng, rất ấn tượng. Theo nhận xét của Giáo sư Hà thì về giảng dạy văn học Pháp ở Trường Bưởi, thế kỷ XX không ai giảng hay hơn thầy Tường. Và sang thế kỷ XXI cũng chưa dễ có ai vượt qua được.
Về việc giảng bài không cần giấy tờ, trong một bài kể về thời kỳ ở Trường Bưởi, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường giải thích: Tôi đã học được ở bên Pháp rằng muốn cho các thính giả giữ trật tự, diễn giả cần đưa mắt nhìn thẳng vào các thính giả. Nếu diễn giả lúc nào cũng cúi đầu nhìn tờ giấy mình mang đi để nhớ lại những điều mình cần nói thì các thính giả cũng khó giữ được trật tự. Do đó, khi vào lớp không bao giờ tôi mang theo giấy tờ. Tất nhiên, nói là vậy, để thực hiện được như Giáo sư Tường phải là người có trí nhớ tuyệt vời và suy ngẫm rất thấu đáo về những điều mình nói.
Là một người thông minh, tài hoa, lại giàu lòng yêu nước, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đặc biệt tỏ ra chăm chút những học trò hội đủ các yếu tố ấy. Thậm chí, khi họ gặp hoạn nạn, cần đến bàn tay giúp đỡ, không bao giờ ông từ nan. Câu chuyện sau đây là một ví dụ: Trong số các học trò được thầy Tường chú ý, có một người sớm bộc lộ khả năng thiên phú về thơ văn và âm nhạc. Vậy mà một lần, người học trò này bị mật thám Pháp xộc vào bắt ngay tại lớp, trước mặt thầy Tường và tất cả chúng bạn. Trước hành động bạo ngược đó, thầy Tường rất phẫn nộ. Ông đã đích thân đi gặp Thống sứ Chatel, yêu cầu thả người học trò của mình. Mặc dù viên Thống sứ giải thích với thầy Tường lý do anh học trò bị bắt vì có tham gia vào một tố chức âm mưu chống lại nước Mẹ Đại Pháp, song vì 'nể lời' ông, nên y đồng ý thả anh ra. Chuyện này rất ít người biết và bản thân Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cũng chưa hề kể với ai (và người học trò được tha năm ấy cũng không biết đến sự can thiệp của ông). Tuy nhiên, đối chiếu với các tình tiết mà những bạn đồng lớp với người học trò ấy cung cấp (trong cuốn Thầy trò Trường Bưởi- Chu Văn An), ta có thể xác định đó chính là nhà văn Nguyễn Đình Thi bây giờ.
Sự nghiệp dạy học của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường tạm thời đứt đoạn vào năm 1944, do ông mâu thuẫn với nhà trường thực dân vì không chịu tham gia tuyên truyền cho chính sách thu mua lúa giúp Nhật của họ. Để giữ được cốt cách ngay thẳng của mình, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường nộp đơn xin ra khỏi giáo giới và về nhà mở văn phòng luật sư.
Khi tiến sĩ luật khoa vào cuộc
Cách mạng Tháng Tám thành công. ánh nắng vừa mới bừng lên thì đồng thời mây đen cũng ùn ùn kéo tới. Đã có lúc vận mệnh dân tộc ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc.
Một ngày đầu xuân 1946, Hồ Chủ tịch cho mời luật sư Nguyễn Mạnh Tường tới, đề nghị ông tham gia vào phái đoàn Chính phủ chuẩn bị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thưa với Người là ông sợ không kham nổi việc lớn đó. Bác nói: Chúng tôi đã thăm dò ý kiến của nhiều anh em. Anh em đều tán thành: Việc này thì phải nhờ luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Trở về nhà, ông Tường đem chuyện đó trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người bạn thân với ông từ thời bên Pháp. Ông Huyên cổ vũ: Đây là lúc cần thực hiện chí hướng của chúng ta từ bao lâu nay. Nghe lời bạn, ông Tường cho đóng cửa văn phòng luật sư, suốt hai tháng trời dốc sức sưu tầm, nghiên cứu các luật về chủ quyền quốc gia của các nước để chuẩn bị cho cuộc đàm phán.
Ai từng đọc hồi ký Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hẳn sẽ nhận thấy vai trò của từng cá nhân trong đoàn ta tại hội nghị này. Tuy nhiên, khách quan mà nói, được ghi lại đậm nhất là các hoạt động của đồng chí Võ Nguyên Giáp (Phó đoàn, Chủ tịch ủy ban quân sự) và luật sư Nguyễn Mạnh Tường (một trong số 24 thành viên của đoàn, Chủ tịch ủy ban Văn hóa). Bấy giờ Pháp đang cậy thế mạnh quân sự muốn ép ta trên bàn hội nghị. Lý lẽ chúng đưa ra là lý lẽ cá lớn nuốt cá bé. Nhưng, với thái độ găng mà không gãy (lời Hồ Chủ tịch dặn đoàn trước khi đi), cộng với trí nhớ phi thường và khả năng lập luận sắc sảo, vị luật sư của nước Việt Nam mới đã khiến không ít đối thủ người Pháp phải rơi vào tình thế lúng túng, kinh ngạc bởi những viện dẫn chính xác của ông về những điều khoản đã được ghi trong luật quốc tế.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cùng toàn thể gia đình rời Hà Nội. Kể ra, với học vấn như ông, chỉ cần chấp nhận ở lại Hà Nội hoặc chuyển sang Pháp hành nghề là ông có thể có một cuộc sống đặc biệt sung túc. Song, người trí thức yêu nước đã dứt khoát gắn bó cuộc đời mình với cuộc sống chiến đấu của nhân dân. Bỏ lại 4 cơ ngơi, dinh thự trong thành phố tạm bị chiếm (3 trong 4 tòa nhà đó sau này về tiếp quản ông đã hiến cho Chính phủ, trong đó có một biệt thự ở Hồ Tây, hiện là trụ sở của Ban Thanh tra Chính phủ). Nguyễn Mạnh Tường lăn mình vào khói lửa kháng chiến. Ông được đồng chí Bùi Lâm đón lên Việt Bắc tham gia công tác luật sư cho Chính phủ, mỗi tháng phải đi một tỉnh, tùy theo Tòa án Quân sự, Tòa án Nhân dân điều động. Tuy suốt thời gian công tác như vậy (đến năm 1951), ông không hề có lương, vì bấy giờ ở ta chưa có biên chế cho luật sư, song qua những mẩu hồi ức của Nguyễn Mạnh Tường, ta có thể thấy với ông, đó là những ngày tháng lý thú nhất. Với tài lập luận của mình, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã gỡ tội cho nhiều người, đem lại sự công bằng và làm người dân thêm tin yêu chế độ. Trong đó có một câu chuyện đến nay vẫn được truyền tụng, như thể giai thoại.
Năm ấy, ở làng Xuân Thọ, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình có xảy ra vụ giết người. Thủ phạm là một nông dân. Anh này trong một lần đi làm đồng về, bất thần chứng kiến cảnh một gã đàn ông đang ôm ấp vợ mình. Quá uất hận, sẵn có cái cuốc trên tay, anh thẳng cánh giáng cho kẻ tình địch một nhát, khiến y chết ngay tại chỗ. Tòa mở phiên xét xử. Anh nông dân bị khép án tử hình. Nhưng thật bất ngờ, khi nói lời cuối cùng, anh này đã xin phép cho anh ta được hôn vợ ông chánh tòa trước khi chết. Mới chỉ nghe vậy, ông chánh tòa đã đập bàn quát mắng ầm ĩ, nói anh nông dân kia hỗn láo, chết là đáng. Trên cương vị luật sư bào chữa, Nguyễn Mạnh Tường bấy giờ mới cất lời: Thưa ông chánh tòa, ông là người có học thức, suy nghĩ chín chắn mà trước một câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế, nói chi anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được. Vậy là người nông dân kia được giảm án.
Ngoài các hoạt động đơn lẻ ở một số tỉnh, thành trong nước, từ sau 1950, khi ta mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã được lựa chọn vào đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị Bảo vệ hòa bình thế giới ở Bắc Kinh năm 1952 và ở Vienne năm 1953. Năm 1956, ông là Trưởng đoàn Luật gia Việt Nam đi dự Hội nghị Luật gia dân chủ thế giới họp ở Bruxelles (Bỉ).
Còn đó những công trình
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường được Chính phủ tín nhiệm giao phó một số công việc quản lý (có thời kỳ ông giữ tới 10 chức vụ): Phó giám đốc Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Luật sư, ủy viên BCH Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới, ủy ban Đoàn kết á Phi của Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đoàn kếtttt Tuy nhiên, như ước nguyện ở tuổi 20, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ mong sao được sống, hoạt động trong môi trường văn chương. Sau khi lần lượt rời bỏ các chức vụ kể trên, ông chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Giáo dục, sau đó làm chuyên viên nghiên cứu Văn học nước ngoài ở Viện Khoa học giáo dục. Đến năm 1970 thì ông chính thức nghỉ hưu.
Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã cho xuất bản 18 đầu sách, có 4 cuốn bằng tiếng Việt. Trong đó, cuốn 'Lý luận giáo dục Châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII' được các nhà lãnh đạo ngành Giáo dục đánh giá là một công trình nghiên cứu đồ sộ lần đầu tiên giới thiệu ở nước ta một cách có hệ thống các lý luận giáo dục điển hình của thời kỳ Phục hưng và thời kỳ ánh sáng.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường qua đời ngày 13-6-1997, hưởng thọ 88 tuổi. Đám tang của ông là một cuộc hội ngộ đầy xúc động của các thế hệ học trò ông, trong đó có rất nhiều người nay đã thành danh, được cả nước biết đến. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mặc dù khi đó đã ngoài 90 tuổi, nhưng không quản ngại tuổi cao sức yếu vẫn nhờ người đưa đến viếng Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Thay mặt BCH Trung ương Đảng, các đồng chí Đỗ Mười (khi đó là Tổng Bí thư) và Nguyễn Đức Bình (khi đó là ủy viên Bộ Chính trị) đã đến viếng Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và xúc động viết vào sổ tang, khẳng định ông là một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam.

 Hiệu trưởng Trường ĐH Paris VII danh tiếng từng nói về Nguyễn Mạnh Tường: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một SV Pháp hay SV quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22”.
Đó là lời chào ấn tượng của vị hiệu trưởng dành cho người cựu học sinh quốc tịch Việt Nam, năm 1989, khi Nguyễn Mạnh Tường có dịp trở lại mảnh đất nơi ông đã thành tài.

Luận văn là một kiệt tác

Ngày 29/5/1932, nhật báo Le petit Meridional xuất bản ở thành phố Montpellier đăng bài diễn văn của Chủ tịch Hội đồng giám khảo trường Đại học của thành phố, nhận xét về luận án của một nghiên cứu sinh Việt Nam. Vị Chủ tịch phải thốt lên những lời mang tính ngoại lệ: “Luận văn của Ngài quả là một tác phẩm pháp lý, hơn nữa còn là một tác phẩm pháp lý và văn học. Nền tảng của tác phẩm thật là vững vàng và không hề có một lời chỉ trích nào. Cả hình thức cũng thật xán lạn... Công trình nghiên cứu của Ngài thực sự là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh.

Đại học Montpellier rất hân hạnh được chứng kiến Ngài đã thành công huy hoàng trong cả hai khoa khác nhau. Cử nhân Luật khoa vào năm 22 tuổi, Ngài đã sẵn sàng để trở thành Tiến sĩ Văn chương. Điều đó thực sự lập nên một kỷ lục, và trên đất Pháp này, người ta chưa từng thấy bao giờ một vị tiến sĩ văn chương 22 tuổi...

Còn đối với tác phẩm pháp lý của Ngài, chúng tôi chỉ có thể nói lên một lời duy nhất thật tốt đẹp và cũng thật đầy đủ rằng luận văn này thật mạnh mẽ, nó là một kiệt tác với đầy đủ ý nghĩa của từ này, nó làm chúng tôi phải suy nghĩ. Tác phẩm này thật xứng đáng với Ngài và nó làm vẻ vang cho tất cả Khoa Luật của trường đại học. Hội đồng giám khảo xin dành cho Ngài số điểm cao nhất và với lời phê: “Xuất sắc với lời khen ngợi của cả Hội đồng”.

Tên gọi của luận văn ấy là “Cá thể trong thành phố An Nam cổ xưa - tiểu luận tổng hợp về Bộ Luật của nhà Lê (thế kỷ XV)”. Và tác giả được Hội đồng trân trọng gọi bằng “Ngài” ấy là chàng trai Việt Nam 22 tuổi Nguyễn Mạnh Tường.

Dư luận cảm phục - Thực dân e ngại

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909 tại phố Hàng Đào, vốn gốc ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình rất coi trọng việc học. Ở tuổi 16, Nguyễn Mạnh Tường đã hoàn thành tấm bằng tú tài triết học loại ưu tại một trong những Trường trung học danh giá nhất Đông Dương, mang tên viên Toàn quyền Albert Sarraut. Cũng nhờ học lực xuất sắc mà mới 16 tuổi, cậu học trò Việt Nam ấy đã lên đường sang du học ở Pháp.

Chỉ ba tháng sau khi nhập học vào Trường Đại học Montpellier, ở tuổi 17, Nguyễn Mạnh Tường đã có trong tay Chứng chỉ Văn chương Pháp (Certificat de la Littérature Francaise) trước sự kinh ngạc của các thày trò người Pháp đối với tài học của một chàng trai bản xứ. Năm 19 tuổi, cậu lại đoạt bằng cử nhân văn chương hàng ưu đẳng khiến cho các thày dạy kính nể và tạo điều kiện cho Nguyễn Mạnh Tường lấy luôn mảnh bằng danh giá Tiến sĩ Văn chương Nhà nước Pháp.

Và đến năm 1932, bước qua tuổi 23, Nguyễn Mạnh Tường đã làm nên một kỳ tích như các thầy đã đánh giá: cùng một lúc đạt cả hai bằng Tiến sĩ Nhà nước Pháp trên cả hai bộ môn văn chương và luật học. Sự kiện liên quan đến một trí thức trẻ người thuộc địa gây sự cảm phục của dư luận bao nhiêu thì chính quyền thực dân cũng e ngại bấy nhiêu như lời doạ dẫm của một phần tử thực dân tên là Clémenti Vautel trên tờ “Nhật báo” (Journal): “Người Pháp nên cẩn thận. Để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”.

Một ấn tượng không bao giờ phai

Quả y như rằng, Nguyễn Mạnh Tường về nước với những thành tích vang dội, dân chúng ngưỡng mộ, giới trí thức đón tiếp ông nồng nhiệt, nhưng học lực của ông vấp phải sự thờ ơ của chính quyền.

Lúc này, trong nước bắt đầu khủng hoảng kinh tế, phong trào cách mạng bị đàn áp đang lắng xuống. Không có ai trọng dụng, Nguyễn Mạnh Tường lại qua châu Âu thực hiện một chuyến đi khảo sát và tiếp tục học hỏi ở nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bỉ, Đức, Áo-Hung... Đó cũng là thời kỳ ông sáng tác được nhiều cuốn sách viết bằng Pháp ngữ chất chứa trong đó khát khao hiểu biết và cống hiến của một người trẻ tuổi đang khắc khoải vì đất nước mình còn là thuộc địa của một quốc gia được coi là văn minh mà ông rất ngưỡng mộ.

Sau này, Nguyễn Mạnh Tường từng kể rằng, khi mới 23 tuổi, còn trẻ măng vừa về nước với hào quang danh dự mang từ chính quốc về, ông gặp một người luống tuổi ngang bậc cha chú của mình quỳ xuống vái ông và khẩn cầu ông đừng lấy cái tài của mình làm việc cho Tây. Sự việc đó đã để lại một ấn tượng không bao giờ phai trong ông.

Vì thế, năm 1936, khi ở chính quốc và Việt Nam dấy lên Phong trào Mặt trận Bình dân, Nguyễn Mạnh Tường đã về nước và tham gia giảng dạy tại một trường trung học danh giá nhất dành cho người Việt Nam và sau này cung cấp nhiều nhà cách mạng: Trường Bưởi (mà ngày nay mang tên Chu Văn An).

Ông dạy các bộ môn kinh điển của nền văn hoá phương Tây liên quan đến văn chương và luật pháp. Đồng thời ông cũng mở văn phòng luật sư được nhiều người biết đến ở đường Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), Hà Nội. Nguyễn Mạnh Tường có một số bài giảng tại Đại học Đông Dương như một ngoại lệ dành cho một tri thức thuộc địa.

Góp phần quảng bá Việt Nam kiên cường, trí tuệ

Cách mạng tháng Tám bùng nổ mở ra cho Nguyễn Mạnh Tường cơ hội cống hiến cho Tổ quốc. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp, cùng nhiều trí thức yêu nước khác như Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền... và cả những nhà hoạt động chính trị theo nhiều khuynh hướng như Nguyễn Tường Tam (trưởng đoàn) và Võ Nguyên Giáp (phó đoàn). Trong bối cảnh ấy, cái mẫu số chung là tinh thần ái quốc đã gắn kết họ lại trong một mục tiêu chung là bảo vệ nền độc lập.

Chiến tranh bùng nổ, Nguyễn Mạnh Tường cũng như số đông trí thức ViệtNam khác chấp nhận cuộc sống và chiến đấu gian khổ ngoài chiến khu.

Với tầm kiến thức rộng lớn, ông tham gia vào các Đoàn Đại biểu của nhà nước kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hoà bình ở Bắc Kinh (1952), Đại hội Hoà bình Thế giới ở Vienna (1953), rồi làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles. Lập luận và hiểu biết của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Namkháng chiến, kiên cường và trí tuệ...

Những tháng năm sóng gió

Kháng chiến thành công, vị giáo sư được nhà nước cách mạng phong bước lên bục giảng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những tưởng, cơ hội để Nguyễn Mạnh Tường có thể đóng góp nhiều nhất cho nền giáo dục và học thuật của nước nhà, nhưng cuộc đời  trớ trêu lại đẩy ông đến một bi kịch lớn.

Vị giáo sư đầy trí tuệ nhưng lại không đủ khả năng vượt qua những thử thách trên con đường phát triển của đất nước giữa lúc vừa lo xây dựng đất nước theo một mô hình chưa rõ ràng, đầy những khúc quanh và cạm bẫy của những sai lầm tả khuynh, lại vừa phải đi tiếp cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vô cùng gian khổ. Đó là thời kỳ mà những lời nói thẳng luôn bị va đập vào bức tường của những giáo điều.

Nguyễn Mạnh Tường không những không phát huy được những điều ông học hỏi và tích lũy được cho đến độ mà ông đã nhiệt tâm phụng sự mà còn rơi vào những khủng hoảng về tư tưởng và gánh chịu nhiều thử thách mà chỉ có những người trí thức thực tâm yêu nước như ông mới vượt qua nổi.

Chính trong thời gian đầy sóng gió này, ông đã dồn tâm lực vào những công trình như một sự hồi cố về một thời nhớ nhung (nostalgie) rực rỡ hào quang: “Lý luận giáo dục châu Âu từ Erasme đến Rousseau thế kỷ XVI” (NXB KHXH, 1994), “Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp” (NXB Giáo dục, 1996), “Virgille, nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại” (NXB KHXH, 1996).

Một tên tuổi đáng kính trọng nhưng không dễ noi theo

Năm 1989, Nguyễn Mạnh Tường có dịp trở lại mảnh đất nơi ông đã thành tài. Hiệu trưởng Trường Đại học Paris VII danh tiếng đã chào cựu học sinh của nhà trường bằng một lời văn đầy ấn tượng: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp hay một sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22” và mời Nguyễn Mạnh Tường nói trọn một ngày cho sinh viên nhà trường về cách học của mình...

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã qua đời, tấm gương trí tuệ cũng là kỷ lục ông đã giành được khi trai trẻ, và ngay cả cái bi kịch mà ông đã trải qua ở một thời kỳ đầy thử thách cũng mãi mãi là một bài học sâu sắc về số phận người trí thức trước những thăng trầm của đất nước, mà chỉ có lòng yêu nước cùng lòng tự trọng của người có học mới vượt qua nổi để nguyên vẹn cho đời sau một tên tuổi đáng kính trọng nhưng không dễ noi theo.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét