(Tầm Văn hóa thấp của trào lưu Cộng sản) [1]
Hà Sĩ Phu (Danlambao)
Đôi lời viết thêm năm 2013
Thực tiễn 18 năm qua chỉ cung cấp thêm những ví dụ ngày càng
phong phú minh chứng cho bài viết này. Dân chết trong tay công an, sự đàn áp
kèm thêm màu sắc “còn đảng còn mình”, màu sắc côn đồ và thú tính tình dục... là
những biểu hiện sa đọa mới của một hệ thống quyền lực văn hóa thấp, thiếu tự
tin, thiếu quân tử, thiếu chính danh và liêm sỉ.
Sự đàn áp, vi phạm nhân quyền luôn song hành với sa
đọa văn hóa như một cặp bài trùng, đương nhiên làm gia tăng sự đấu
tranh của dân chúng, lập thành ba mặt tương sinh của thực tiễn xã hội, như được
đặt ra ngay từ đầu bài viết.
- Gia tăng đàn áp, vi phạm nhân quyền không phải là phương thuốc
giữ ổn định xã hội, mà ngược lại, có nâng cao văn hóa cai trị và thực sự tôn trọng
nhân quyền mới có một xã hội ổn định bền vững.
- Trên cái nền thấp về văn hóa không thể có giá trị cao về nhân
quyền. Trào lưu Cộng sản mới chỉ thỏa mãn những nhu cầu ở tầm thấp về văn hóa
không thể làm nền cho sự phát triển cao về nhân quyền. Bởi đặt “đảng quyền”
trùm lên trên nhân quyền và dân quyền nên hệ thống Cộng sản quốc tế tất yếu phải
sụp đổ. Dẫu cố gắng cải tổ bao nhiêu ở trên ngọn cũng không thể bù đắp cho những
khuyết tật từ trong gốc rễ.
Một nước chưa ra khỏi quỹ đạo Cộng sản (tức chế độ Phong kiến mới,
Phong kiến biến tướng) không thể có vị trí cao trong nền Nhân quyền của thế giới
văn minh. Còn nhớ trong chế độ Phong kiến cũ ngày trước cũng đã có những chức
“lý trưởng mua”, “chánh tổng mua”... nhưng đó chỉ là những tước vị để trang trí
cho những anh trọc phú mua danh mà thôi. Song, mua danh cũng tốt, vì đã có chút
danh cũng không thể dễ dàng làm những điều ô danh như trước.
H.S.P
________________________
1- Quan hệ giữa Tranh đấu, Nhân quyền và Văn hóa
Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim, không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác, từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn.
Đã có nhiều cách tiếp cận để phân loại Quyền Con người, nhưng
cách tiếp cận sáng tỏ nhất cho nhận thức là tiếp cận từ quan điểm Tiến hóa. Khi
từ bầy đàn chuyển thành xã hội, Con người cũng chuyển từ cuộc sống Sinh vật
sang cuộc sống Con người, rồi từ chưa văn minh đến văn minh hơn... Càng văn
minh, nội dung tính"Người" càng mở rộng, thì "Quyền Con người"
cũng do đó được nâng cao dần. Càng cao bao nhiêu thì càng có tính VĂN HÓA bấy
nhiêu.
Với cách tiếp cận Tiến hóa, cũng là cách tiếp cận mang tính Văn
hóa, nội dung Nhân quyền có thể và cần phải xếp thành 3 bậc:
a) Quyền làm Người trước hết là QUYỀN ĐƯỢC SỐNG, hay quyền sinh
tồn một cách tối thiểu như một sinh vật, tức quyền được sống và tự do về
thân thể. Tạm gọi là "NHÂN QUYỀN BẬC 1".
b) Tiếp sau đó là QUYỀN ĐƯỢC "ẤM NO", nói rộng ra là quyền
được chia sẻ những tiện nghi vật chất với những người trong cộng đồng trong đó
con người sinh sống và làm việc. Quyền này tuy mang tính vật chất, nhưng cũng
là sản phẩm đặc hiệu của xã hội loài người.
Quyền này tuy đã có tính VĂN HÓA, nhưng còn thấp (Văn hóa theo
nghĩa rộng, là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo
và tích lũy, trong sự tương tác với tự nhiên và xã hội.). Tạm gọi là" NHÂN
QUYỀN BẬC 2"., phần nào tương đương với "quyền Kinh tế".
c) Cao nhất là những quyền của "Con người văn minh",
là những quyền mang giá trị "tinh thần", gồm các sinh hoạt tư tưởng,
khoa học, văn hóa, nghệ thuật... liên quan đến các nhu cầu hưởng thụ cao, nhu cầu
thẩm mỹ, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị tinh thần, và nhu cầu
làm chủ xã hội. Tạm gọi là"NHÂN QUYỀN BẬC 3" (hay QUYỀN TỰ DO-DÂN CHỦ).
Đây là những quyền có tính VĂN HÓA cao.
(Tất cả những khái niệm vẫn được dùng trong Quyền Con người như
quyền kinh tế-xã hội, quyền chính trị, quyền dân sự, quyền văn hóa..., rồi quyền
sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc... vân... vân... đều mang những nội
dung không thể tách biệt rành mạch, chỉ nên hiểu một cách linh động, qui ước
thôi.).
2- Vị trí của phong trào CỘNG SẢN trong tiến trình phát triển
VĂN HÓA và QUYỀN CON NGƯỜI
Ba bậc thang nói trên của Quyền Con người không hoàn toàn tách rời
nhau, song về cơ bản nếu chưa có nhân quyền bậc thấp thì chưa thể có nhân
quyền bậc cao hơn, ví dụ chưa được sống và được ăn thì chưa thể nói đến quyền tự
do ứng cử!
Chưa có bậc thang nào thì phải đấu tranh cho bậc thang đó. Loài
người phát triển không đều, nên cả 3 cấp Văn hóa, 3 cấp Nhân quyền, và do đó 3
cấp Tranh đấu luôn cùng có mặt trên thế giới. Trong khi người này, ở đây, đang
đòi quyền tự do tư tưởng, tự do ứng cử (nhân quyền bậc 3) thì người kia, ở kia
còn phải đòi quyền được làm việc và trả lương công bằng (nhân quyền bậc 2), và
có khi ở ngay nơi đó, có người chỉ mong đòi cho được quyền tự do thân thể, an
toàn sinh mạng (nhân quyền bậc 1).
Trong bài "Đôi điều suy nghĩ của một công dân" trước
đây, tôi đã đưa ra khái niệm "Quan hệ dọc" và "Quan
hệ ngang" trong sự tiến hóa xã hội. Một "Hình thái Kinh tế-Xã hội"
tốt hay xấu cho thấy mối quan hệ dọc của xã hội ấy trong dòng thời
gian, là tiến hóa hay thoái hóa. Nhưng không phải mọi thành viên trong xã hội đều
được hưởng (hay bị chịu đựng) mức độ cao hay thấp của xã hội ấy. Có sự không đồng
đều hay sự lệch pha văn minh giữa các quốc gia đương thời, thậm chí giữa các
nhóm người trong cùng một xã hội, gây nên áp bức bất công, đó là mối quan hệ
ngang trong không gian địa cầu giữa những người đang sống. Quan hệ dọc và
ngang độc lập với nhau nhưng tác động tương hỗ tới nhau.
Thế kỷ 18-19, con tàu Văn minh Công nghiệp bắt đầu tăng tốc, gây
sốc mạnh trên khắp thế giới, khiến cho khoảng cách Nhân quyền tách ra rất xa.
Trong "quan hệ dọc", đây là sự tiến bộ rất lớn của xã hội, nhưng
trong "quan hệ ngang" nó tạo ra sự mất công bằng ghê gớm. Một loạt
ông chủ thành tỷ phú trong khi vô số người khác bị bần cùng hóa. Hình thành một
"giai cấp Vô sản" đông đảo, chẳng những bị bần cùng hóa mà bị đe dọa
cả sự sống còn. Được trang bị bằng lý luận Mác xít, họ cùng với những người lao
khổ khác trở thành lực lượng trung tâm của phong trào Cộng sản.
Từ một mức sống thấp như vậy, cả về vật chất cũng như tinh thần,
họ đứng lên đòi Quyền Con người, thực chất là đòi Quyền sinh tồn tối thiểu và
Quyền được "ấm no", tức là tranh đấu cho bậc thang thứ nhất và thứ 2
của thang Nhân quyền, ứng với tầm Văn hóa thấp, như trên đã trình bày.
(Có thể họ có ước mơ xây dựng một cuộc sống Cộng sản rất cao sau
này, nhưng đấy lại là chuyện khác, chuyện ấy không thuộc phạm vi "tranh đấu"
và "đòi". Ai ước mơ gì cứ việc ước mơ, nhưng không ai có thể đòi xã hội
cái sản phẩm mà chưa ở đâu có, lại càng không có quyền bắt người khác phải ước
mơ như mình.)
Nội dung phong trào Cộng sản gồm 2 mặt:
* Nhu cầu có tính chất khách quan đối với trào lưu "Cộng sản"
là một cuộc đòi "Quyền Con người tối thiểu" cho những người cùng khổ,
tức là để giải quyết mối "quan hệ ngang" về sự công bằng, trong đó có
sự công bằng giữa các dân tộc. Ở thời điểm lịch sử này phong trào Cộng sản đã
có những đóng góp xuất sắc.
* Còn việc muốn tạo ra một xã hội mới khác hẳn, văn minh hơn, giải
quyết sự nghiệp tiến hóa trong "quan hệ dọc", thì đây là một hoang tưởng,
phi khoa học. Hoang tưởng này tuy có cung cấp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh
trên kia, nhưng không được "lịch sử giao phó" nên lịch sử cũng không
cung cấp những tiền đề, do đó chẳng những không thành sự nghiệp gì mà trái lại
còn gây ra những điều kỳ quái, mà bây giờ "lịch sử" đang đòi hỏi,
đang “giao nhiệm vụ” phải sửa chữa, xếp dọn lại tất cả những ngổn ngang bê bối
do ảo tưởng Cộng sản gây ra.
Tóm lại Cộng sản là một trào lưu đấu tranh cho Nhân quyền tối
thiểu, lật đổ vì nhu cầu sinh tồn, nhưng còn ở tầm Văn hóa thấp, có lý và
chỉ có ích cho những xứ sở còn chậm phát triển. Giai đoạn ”phá” thành công
nhưng giai đoạn “xây” thất bại nên kết quả cuối cùng là tác hại, gây khó cho
con đường phát triển.
Muốn hiểu điều này, cần phân biệt giữa tính chính đáng hay tính
bức thiết của một phong trào tranh đấu với tầm văn hóa của phong trào ấy. Thật
dễ hiểu, cuộc tranh đấu cho những nhu cầu càng ở tầm sinh tồn sinh vật bao
nhiêu thì càng bức thiết, càng chính đáng bấy nhiêu, bởi không có nó thì xin đừng
đòi hỏi nhu cầu Văn hóa gì hết. Tuy nhiên, tính "chính nghĩa" không đồng
nghĩa với tầm cao Văn hóa. Nổi dậy chống bất công là chính đáng, nhưng sau đó
xây dựng thế nào là điều quan trọng hơn.
Điều thứ hai cần đề cập là quan hệ giữa Chiến thắng và Văn hóa.
Về toàn cục thì kẻ chiến thắng sau cùng là Văn hóa, nhưng trong một trận cọ
xát trực tiếp thì thường xảy ra điều ngược lại: càng có tầm văn hóa thấp càng dễ
chiến thắng, cái bạo tàn dễ thắng cái văn minh. Quy luật này thấy rõ ngay trong
đời sống hàng ngày. Cũng dễ hiểu vì ở tầm văn hóa cao người ta bị hạn chế bởi rất
nhiều điều không thể làm nên tự mình trói tay mình còn kẻ văn hóa thấp thì có
thể giành chiến thắng bằng mọi giá, có thể “phóng tay phát động quần chúng” dù
có phải đốt sạch cả dãy Trường Sơn... Chủ nghĩa Cộng sản sẵn sàng hy sinh cả
100 triệu người thì chiến thắng nhất thời là dễ hiểu.
Tính Văn hóa thấp của "Quốc tế" Cộng sản được in dấu ở
tất cả mọi mặt của phong trào ấy. Chỉ cần dẫn ra mấy dấu vết đã in vào bài
"Quốc tế ca" cũng đủ chứng minh:
Về lời ca để hiệu triệu và tập hợp lực lượng: "Vùng
lên, hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn...". Những
đối tượng này là ở bậc thang đáy của xã hội. Xã hội phải bức thiết dành hết
tình cảm cho họ, phải bức thiết đem lại ngay quyền sống cho họ, nhưng trào lưu
tranh đấu mà do họ "lãnh đạo" thì chỉ có thể là một trào lưu ớ tầm
văn hóa thấp, tương xứng với họ, chắc chắn sẽ bị kẻ gian lợi dụng, là điều quá
hiển nhiên.
"Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình" là động cơ
thật của cuộc tranh đấu. Biện pháp giải quyết là "phá sạch tan
tành", "quyết phen này sống chết mà thôi" để "tước
đoạt lại kẻ đã tước đoạt" như Chủ nghĩa đã chỉ rõ.
Cả đối tượng, mục tiêu lẫn biện pháp đều ở tầm văn hóa thấp.
Bây giờ nhiều người trong đội ngũ Vô sản ấy đã thành đại hữu sản
do tước đoạt. Họ sẽ nghĩ sao nếu những người dưới mức nghèo khổ đông đảo ở nước
ta bây giờ cũng theo chủ nghĩa Mác hô hào nhau lặp lại một phong trào tước đoạt
lại như thế? Hẳn họ phải lên án đó là cách làm vô văn hóa chứ gì nữa?
Nếu thấy cần làm lại những bài ca, thì đáng lẽ phải làm lại bài
"Quốc tế ca" này chứ không phải làm lại Quốc ca như đã từng chủ
trương! Sản phẩm nào của phần "Dân tộc" nói chung là lành mạnh, chỉ
những sản phẩm của phần "cách mạng" "giai cấp" mới là cái cần
được làm lại!
Nhưng nói vậy thôi. Cái đáng phải làm lại nhất là “làm lại” toàn
bộ Học thuyết, mà tính khoa học của nó đã được ngộ nhận hoặc được châm chước, bởi
khi ấy người ta nghĩ rằng "đấu tranh đây là trận cuối cùng". Cốt sao
lợi quyền về tay cái đã. Ta đấu tranh rồi, ta tước đoạt được rồi thì trường đấu
tranh từ đây khóa sổ, không ai được đấu tranh lộn xộn gì nữa, từ đây là hợp lý
rồi, không phải "xét lại" nữa, ai chống lại ngai vàng mà ta cướp đoạt
thì quy thành phản động hết?
Liệu như thế có phải là "qua cầu rút ván" chăng? Tầm
Văn hóa như vậy là cao hay thấp?
Ý tưởng lấy Búa và Liềm làm biểu tượng cho lực lượng tiên tiến
nhất, tiêu biểu cho Thời đại cũng là một cảm hứng ở tầm Văn hóa ấy. Nhưng có thể
nào khác được, khi trào lưu "Tiến hóa" ấy lấy động lực ở người cùng
khổ, lấy điểm tựa ở sự bần cùng?
Ở một cuộc tranh đấu có tầm văn hóa cao, sự chọn lựa chỉ là giữa
cái đã tốt (tương đối) với cái tốt hơn, tức là đấu tranh trong hòa bình, không
có tình huống"một mất một còn".
Cuộc đấu tranh giai cấp "một mất một còn" luôn gắn liền
với bạo lực và chiến tranh, nó sẵn sàng mua chiến thắng bằng cách hủy diệt mội
trường (như "dẫu phải đốt sạch cả dẫy Trường sơn"!), hủy diệt những
công trình văn hóa (như chính sách tiêu thổ kháng chiến), và hủy diệt con người
("đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng"," Tổ quốc hay là chết",
và cả mấy triệu người Việt đã thành vật hy sinh cho một cuộc chiến...) thì dẫu
có anh hùng và chính nghĩa đến đâu cũng chỉ là những trào lưu có tính văn hóa
thấp. Khi nào vươn được tới tầm văn hóa cao hơn, người ta sẽ thấy những chiến
thắng ấy thật đáng ghê sợ. Lúc ấy hồi tưởng lại những bà mẹ đã tự hào vì cống
hiến cả chồng và 7-8 người con cho cách mạng, người ta sẽ rùng mình hơn là kính
phục.
Ở tầm văn hóa cao, người tranh đấu không bao giờ chỉ quan tâm đến
chiến thắng của mình mà quên những giá trị chung của xã hội. Ở tầm văn hóa cao
thì sự tranh giành quyền lãnh đạo sẽ xảy ra giữa những người đã ở tầm cao, có
tài sản và sự nghiệp để bảo hành. Trong thực tế, không ai dám chơi với những kẻ "nếu
mất, nó chỉ mất cái xiềng, còn nếu được thì lại được cả thế giới" (!).
Vì trong trường hợp ấy, con người không còn gì để đắn đo cân nhắc, nó chỉ có một
con đường là lao vào cuộc sinh tử (quyết phen này sống chết mà thôi!), và sẵn
sàng "phá sạch tan tành" tất cả những gì cản đường.(Ta nhận
rõ tính kém văn hóa của những người ấy nhưng không quy lỗi cho họ!). Họ sẽ tuyệt
đối hóa mục tiêu "Thiện" một cách chủ quan và sẵn sàng làm mọi việc
Ác mà không hề phải cắn rứt lương tâm. Họ sẽ quyết định những điều hệ trọng một
cách đơn giản, họ sẽ coi rẻ sinh mạng của họ cũng như sinh mạng của cả dân tộc!
Một sức mạnh như thế rất khó cho việc chống lại, nhưng lại rất dễ
cho việc lợi dụng! Xta-lin, Mao trạch Đông... đã là “những nhà lợi dụng vĩ
đại”, và đã đào tạo biết bao nhiêu học trò!
Nhân đây, tôi xin "mở ngoặc" để nói đôi lời về những
tác phẩm viết về chiến tranh.
Người ta thấy "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo
Ninh là không chấp nhận được. Quan điểm Cộng sản không cho phép được buồn trong
chiến tranh, trên đường ra trận phải vui như trẩy hội (!). Bây giờ hãy ví dụ:
gia đình ta đang sống yên ổn thì bị cướp. Đương nhiên cả nhà phải đứng dậy đánh
cướp, bỗng dưng ta thành những kẻ phải giết người để tự vệ. Giả sử ta đã giết sạch
được cả mười tên cướp chết nhăn răng ra, thì khi phải nhìn lại cuộc chiến đấu ấy
ta có nên kể lại một cách hứng khởi, vênh váo hay nên coi đó là một kỷ niệm
"buồn" trong đời? Tôi nghĩ chẳng những phải biết "buồn" mà
suốt đời còn phải tự day dứt. Càng phải day dứt hơn nếu đã hy sinh mất những
người thân và những người ưu tú. Càng có văn hóa càng thấy day dứt. Bởi mình
còn tồi, còn kém nên có nhiều cuộc chiến tranh bất đắc dĩ phải làm, nhưng không
có cuộc chiến tranh nào lại đáng tự hào cả.
3- Đâu là tương lai của nền Văn hóa Vô sản
Mỗi Thời đại có Văn hóa đặc trưng của nó. Bằng biện pháp
"Cách mạng", với bạo lực quần chúng và tận dụng thời cơ, người Cộng sản
có thể cướp chính quyền ngay tức khắc, nhưng văn hóa thì không cướp được; có
xây dựng nổi nền Văn hóa đặc trưng của mình hay không, điều ấy mới xác định vị
trí của mình trong lịch sử là có thật hay không. Thành bại cuối cùng là ở Văn
hóa.
Hãy nhìn lại xem việc xây dựng nền Văn hóa Vô sản thành bại ra
sao?
3a- Chiến dịch xây dựng "Con người mới"
- Suốt từ những năm 60-70, khi ấy tôi dạy học nên được chứng kiến
một chiến dịch dai dẳng và vất vả để cố xây dựng cho được hình mẫu "Con
người mới Xã hội Chủ nghĩa". (Vì bác Hồ nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa Xã hội
phải có những Con người Xã hội chủ nghĩa.)
Sách giáo khoa, tài liệu tuyên giáo, truyện ngắn, truyện dài,
sân khấu, điện ảnh, báo chí, phong trào Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đội Thiếu nhi
Bác Hồ... xây mãi mà không mẫu nào có thể đứng được. Nếu không bám víu vào những
phẩm chất của “con người cũ truyền thống” như lòng yêu nước, lao động cần cù,
chịu đựng gian khổ hy sinh, thương người hoạn nạn... thì "Con người mới"
không còn có xương có thịt gì cả.
Cái chất "mới" và "xã hội chủ nghĩa", chất
"giai cấp", chất "Đảng", chất "thời đại" tô vẽ
mãi vẫn cứ mờ nhạt, khô cứng, thậm chí (nhiều nhà văn, nhà báo kể cho tôi nghe)
khối lời nói anh hùng, nhân vật anh hùng là do ta bịa ra. Nhưng ngần ấy thứ con
người mới giả vẫn không địch nổi cái đội ngũ hùng hậu của những “con người mới
thật”, tệ hại, bằng xương bằng thịt cứ tuôn ra từ cuộc đời thật, ngày càng đông
về số lượng và chủng loại, càng điển hình và độc đáo về phẩm chất.
Học dốt, bị cô giáo cho điểm kém, bèn lừa lúc cô một mình trong
lớp, dùng dao dọa, bắt cô đứng lên bàn, tụt quần ra, thế thôi!... Con muốn lấy
tiền của bố, bèn cắt tiết bố hứng vào chậu hẳn hoi rồi cho lợn ăn. Chồng băm thịt
vợ cho vào chum nước rồi dùng dây may-xo để nấu. Công an bảo vệ trên cầu Chương
dương Hà Nội cũng cướp của, giết người (mà có cấp chính quyền còn định bao
che)... vân vân... Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng nhiều độc giả nhất
vì chuyển tải được cái vốn "người tốt việc tốt " rất phong phú ấy!.
Xe khách đang chạy, bỗng trước mặt hiện ra hai ông Công an mặc sắc
phục, cầm "dùi cui" đàng hoàng, đưa còi lên miệng. Người tài xế bảo
phụ lái: Hôm nay làm ăn không được, mày "thí" cho chúng nó 5 đồng
thôi! rồi quay sang cười với tôi: bây giờ đâu cũng thế cả, bác đừng cười! Anh
phụ lái giở cái giấy phép ra, khéo léo kẹp tờ 5 ngàn vào giữa, hơi thò ra một
tý để ai có tình ý thì nhìn thấy, rồi nhảy xuống để trình...! Xe lại chạy ngay
chẳng cần kiểm tra.
Giữa giờ, một anh bạn đến thăm tôi. Tôi hỏi đùa: Đang "giờ
chính quyền" mà đi được à? Anh bạn tôi cũng cười: "Mình không có tài
ăn cắp thì ăn cắp tý thời gian vậy. Ăn cắp thời gian bây giờ là lương thiện nhất
đấy ông ạ!. Tôi bảo: Sao bây giờ cậu ăn nói "mất lập trường" thế? Anh
lại bô bô: Mình là "con người cũ" nên cứ nói toẹt ra, chứ có phải
"con người mới" đâu mà vòng vo!
Trong một cục diện xã hội như thế, "con người mới" lý
tưởng nào có thể sống được?
Có thể nói 90 phần trăm tác phẩm văn học được giải trong những
năm gần đây là tác phẩm "phản diện"mang tính phê phán, và những
"điển hình" xây dựng thành công là những điển hình về mặt trái của
Con người và xã hội. Người ta bảo: hãy quên chuyện "Con người mới"
đi! hãy tìm lại những "Con người cũ" tử tế. Nhiều bài báo viết: Bao
giờ cho đến Ngày xưa?
Rất nhiều cuộc "Về nguồn" được tổ chức: Nào thi sáng
tác văn thơ "Về nguồn", đua xe đạp "Về nguồn"! Nào thi học
sinh giỏi theo nghi thức thời cổ "Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ!... Chưa biết
trong đục thế nào, và mỗi người "Về nguồn" với một ý đồ khác nhau,
nhưng người ta đua nhau "Về nguồn", vì ai cũng thấy trước mắt mình
nhiều cái "mới" nhăng nhít quá! Có lời bình rằng: Trước đây bỏ
"nguồn" để đi tìm Thiên đường Cộng sản, nay lại hò nhau Về nguồn, thật
như đèn cù!
Còn đang cố tìm một mẫu người "Trung với Đảng, Hiếu với
Dân" thì đùng một cái, một ông cán bộ Cộng sản khá cao cấp là Thân
Trung Hiếu, đầy đủ cả "Trung" cả "Hiếu", làm tiêu luôn của
Dân 48 tỷ đồng! Dân bảo: Tay này chắc là "Trung", nhưng mà bất
"Hiếu"!
Truyện "Con người mới" kể cả ngày không hết.
Không gì bê bối hơn một nền Văn hóa như thế.
- Nói đến Văn hóa Vô sản không thể quên nước Cộng sản lớn, quê
hương của "Con người mới" Lôi Phong, của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa,
với mười mấy triệu Hồng vệ binh vô học choai choai, dám đốt hết sách vở và lôi
cả những nhà Văn hóa ra đấu tố, quét sơn đỏ khắp người rồi lôi đi diễu trên đường
phố, với hàng đoàn xe tăng đi nghiến nát những em sinh viên nhịn đói để đòi dân
chủ, với công đào tạo ra những tên lính Pôn pốt ở tuổi chưa ráo máu đầu đã một
mình dùng cuốc đập chết cả ngàn người trong tay!...
Những hiện tượng "đại văn hóa" ấy mà không phải do bản
chất thì do ngẫu nhiên chăng? Hay do Đế quốc Phong kiến để lại? Hay chỉ có thể
từ Văn hóa Vô sản, Văn hóa Đảng mà ra?
Không phải ngẫu nhiên mà cái pháo đài Cộng sản nổi tiếng giáo điều
với quan điểm "Đế quốc Mỹ là con hổ giấy", "gió Đông thổi bạt
gió Tây"... lại cũng chính là nơi sản sinh ra quan điểm "đổi mới"
thực dụng nổi tiếng" Mèo trắng mèo đen" không quan trọng, miễn
là"bắt được chuột"! Có thể coi hai thái độ cực tả và cực hữu ngược
nhau ấy (từ quá giáo điều sang quá thực dụng) là quan hệ bù trừ, nhân quả,
Nhưng nghĩ lại thì thấy hai thái độ ấy cũng từ một gốc mà thôi, đều phản ánh
cùng một bản chất duy lợi của tầng lớp cầm quyền, cùng một xảo thuật tuyên truyền,
và cùng một tầm văn hóa.
Khi trước giáo điều bao nhiêu thì nay lại thực dụng bấy nhiêu,
ta với Tàu cũng "một mẹ sinh ra" cả!
Tóm lại, khi mẫu người Phong kiến đã hết thời thì phải hướng con
người theo những giá trị phổ quát của thế giới hôm nay: con người của văn minh
công nghiệp và tin học, của kinh tế thị trường, của dân chủ pháp trị. Nếu cứ chập
chờn, nghĩ đến một thứ "con người mới xã hội chủ nghĩa" giả
định nào đấy, thì kết quả là dứt con người ra khỏi văn minh nhân loại, nếu
không ù lỳ như những bóng ma ảo tưởng cổ lỗ lỗi thời thì lại thành những kẻ lừa
đảo, lưu manh... rất hiện đại!.
3b-Thiếu Văn hóa từ gốc
Một nền văn hóa có thể bị băng hoại dần dần do những sa sút của
chính trị và kinh tế.
Nhưng nền Văn hóa Vô sản tự nó đã có những khiếm khuyết, ngay cả
lúc còn thịnh trị.
* Nền Đạo đức Vô sản thâu nạp đủ điều đạo đức của Nho giáo, từ
Trung, Hiếu, Đức, Tài, Lễ, Nghĩa, đến Cần Kiệm Liêm Chính, đến Chính tâm tu
thân, đến kế hoạch trăm năm trồng người, đến điều lo trước thiên hạ, hưởng sau
thiên hạ, đến Dân là gốc, coi cán bộ là nô bộc của dân, dĩ bất biến ứng vạn biến...
tất cả đều đã có trong sách vở Nho giáo.
Duy có chữ QUÂN TỬ là cái tử tế nhất của Nho giáo thì ta tránh hẳn.
Các nhà lý luận viện cớ rằng Quân tử là tầng lớp bóc lột nên ta
không học.
Nếu những phạm trù NHÂN, THIỆN, ĐỨC còn mang tính lý tưởng, hoặc
còn chung chung, trừu tượng, thì phạm trù QUÂN TỬ đưa thiện-ác vào tới con người
cụ thể, tới tình huống cụ thể, thái độ ứng xử cụ thể. Mỗi tình huống ấy là một
cuộc thử thách quyết liệt: anh nói anh "thiện", anh "đạo đức"
thì anh thể hiện ra đi, quyết định lấy một thái độ ứng xử đi; hoặc là hành động
một cách"QUÂN TỬ", hoặc là hành động một cách "TIỂU NHÂN"!
Những bài học về QUÂN TỬ thiết thực lắm. QUÂN TỬ rất gần với TRƯỢNG
PHU và THƯỢNG VÕ. Người ta thua trận, người ta nằm trong tay anh rồi, anh làm
gì người ta cũng phải chịu, thì anh sẽ đối xử thế nào? Hoặc là anh học người
xưa, đem tất cả sổ sách thù hận đốt đi để coi nhau như anh em, hay anh lục đống
hồ sơ cũ ra, bới lông tìm vết để phân biệt đối xử?.
Anh có mọi quyền lực trong tay, anh muốn nói gì, nói cả ngày
cũng được, thì anh có nhường một tờ báo, một diễn đàn cho những người khác
trình bày tiếng nói của họ hay không?
Anh nắm hết mọi sức mạnh trong tay, muốn bày đặt cái gì cũng được,
thì anh có dành cho Nhân dân một Hội đồng thật sự để giúp anh thu thập tiếng
nói của Dân, hay anh lại tìm cách đưa Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy sang phụ
trách luôn "Hội đồng Nhân dân" cho nhất quán?
Anh có quyền ký một chữ thì người khác có nhà ở, vậy anh có thắng
nổi cái lòng tham của con người, dám trọng nghĩa khinh tài mà từ chối mấy lạng
vàng đút lót để dành cái nhà ấy cho một thầy giáo nghèo được không?
Người Cộng sản thích chơi trò "Đạo đức" nhưng không
dám chơi trò "Quân tử", thiệt đến quyền lợi sát sườn ngay!. Mặc dù
trên đời cái gì cũng có thể làm giả nhưng thực tế cho thấy Đạo đức giả thì
dễ nhưng Quân tử giả thì khó hơn nhiều. Chủ nghĩa Phong kiến so với ngày nay
thì vô cùng tồi tệ, nhưng thời thịnh trị nó đã cung cấp cho loài người rất nhiều
Người Lớn, là nhờ có một tinh thần QUÂN TỬ. Dùng Đạo đức, con người vẫn có thể
lừa cả mình, nhưng khi trong lòng đã cất lên tiếng QUÂN TỬ thì con người phải đối
diện với chính lương tâm nó, khó trốn tránh hơn.
* QUÂN TỬ thì phải CHÍNH DANH! Có người bảo "Chính
danh" là thủ đoạn của bọn thống trị nhằm phân biệt ngôi thứ. Không đúng!
Công bằng hay không là ở chỗ "định danh", định nội hàm của Danh, chứ
khi định Danh rồi thì phải theo Danh mà làm! "Danh" một đàng "Thực"
một nẻo thì đại loạn.
Trước tình hình giáo dục lộn xộn bát nháo phải kêu gọi “Trường
ra trường, lớp ra lớp, thày ra thày, trò ra trò” là rất đúng, là phải
"chính danh"!.
Nhạc trưởng cũng phải ra Nhạc trưởng! Anh muốn điều khiển dàn nhạc
thì anh đứng ra giữa sân khấu mà bắt nhịp cho mọi người trông thấy, chứ không
thể chơi trò "giật dây" từ trong hậu trường, hay đứng lấp ló ở chỗ
"cánh gà" sân khấu, chờ xem nếu được hoan hô thì ra nhận hoa, mà bị
la ó thì chuồn thẳng, tìm mãi chẳng biết ai vừa chỉ huy!
Anh muốn chỉ huy cũng được (cứ cho là "được" đi),
nhưng nếu chỉ "hiến định" sự chỉ huy, mà không "luật hóa" sự
chỉ huy ấy thì ai chẳng thích chỉ huy? Mà phải là luật của Dân, chứ ĐCS tự làm
luật cho mình thì đâu cũng hoàn đó. Nếu có "luật lãnh đạo" cho nghiêm
minh (lãnh đạo kém, gây thiệt hại lớn sẽ bị đi tù!) thì chắc Đảng sẽ tự xin rút
điều 4 trong Hiến pháp. Có luật ấy thì khối lãnh tụ Cộng sản đã đi tù lâu rồi,
không tin cứ đưa ông Lê đức Thọ ra Tòa án của Nhân dân làm ví dụ thử xem.
Trong dân mình có thói khôn vặt: nói thế mà không phải thế! Nói
"dzậy" mà không phải "dzậy" nên khi gặp chủ nghĩa Mác Lê
thì tâm đắc vô cùng, cả hai đều thích "nhân danh" nhưng không thích CHíNH
DANH.
Trong cuốn "Đề cương giới thiệu Dự thảo Cương lĩnh Xây
dựng chủ nghĩa Xã hội trong thời kỳ quá độ" (tức Cương lĩnh của Đại hội
Đảng lần thứ 7) có câu: "Nguyên tắc thứ nhất nói về xây dựng Xã hội
chủ nghĩa, tuy không dùng chữ Chuyên chính Vô sản, nhưng nội dung của nó vẫn
quán triệt bản chất Chuyên chính Vô sản" (Sđd. trang 15). Thế thì còn
đâu là chính danh?
Có lẽ do quá quen với "phương pháp luận" Mác xít nên
người viết câu ấy không cảm thấy tính TIỂU NHÂN trong đó. Thử hỏi tại sao lại
thế: nếu thấy Chuyên chính Vô sản là hay thì phải công khai bảo vệ luận điểm ấy,
nếu thấy là dở thì phải thực tâm từ bỏ, chứ ngoài mặt nói với dân không có
Chuyên chính mà nội bộ Đảng thì lại dặn nhau: Cứ Chuyên chính mà làm! Thì chẳng
Quân tử tý nào?
Điều nói dối ấy đã làm dân mất lòng tin, đã đành, nhưng trong Đảng
thì đấy chính là sự dạy nhau nói dối, và Đảng viên sẽ dùng cách ấy để ứng xử với
Đảng: Nghị quyết nói thì cứ để Nghị quyết nói, mình có cách "vận dụng"
của mình, Nghị quyết "dzậy" mà không phải "dzậy"!
Người Việt nam muốn ra người Quân tử đã khó, người Cộng sản Việt
nam muốn ra người Quân tử lại càng khó hơn. Bởi thế tôi thật kính trọng thái độ
Quân tử của tướng Trần Độ khi ông viết cho Đảng những dòng sau đây: "Cần
phải dứt khoát chọn một trong hai tư tưởng chỉ đạo: Hoặc thực hiện Chuyên chính
Vô sản, mà Đảng là đại diện và nhân danh (liệu có dám ngang nhiên như vậy
không-HSP bổ sung). Hoặc thực hiện một Nhà nước Dân chủ pháp quyền, một Nhà nước
của Dân, do Dân, vì Dân. Không thể cứ nói nửa nọ nửa kia nhập nhằng."
* QUÂN TỬ lại gắn với LIÊM SỈ. Liêm sỉ là biết tự xấu hổ, trước
hết là với lương tâm mình. Bậc trượng phu không được lấy nê vì Nghĩa lớn mà bước
qua những điều Sỉ nhỏ. Hoàng Diệu, Phan thanh Giản, Nguyễn tri Phương tuy không
có tội, nhưng xấu hổ vì không làm tròn nhiệm vụ giữ thành nên quyết tự vẫn.
Càng là bậc đàn anh thiên hạ, lòng tự sỉ càng phải lớn. Có khi đời tha cho mình
mà mình không tha cho mình được. Ở ta, người Cộng sản làm hỏng việc thì tìm
cách chuồn lên ghế cao hơn (mà lại chuồn được!). Chuyện ấy địa phương nào cũng
có, Trung ương lại càng điển hình. Phải chăng vì bài ca "lợi quyền"
kia đã ngấm vào xương thịt?
Để riễu cái thói đạo đức giả nhưng lại vô sỉ, bám ghế đến cùng,
người dân nhại lời các quan chức “cách mạng giả cầy” thế này: "Ông
không ham chức quyền, ông chỉ ham phục vụ, ông quyết ở lại làm đầy tớ của dân!
Đứa nào ngăn không cho ông làm đày tớ ông đánh bỏ mẹ."(!)
Nhiều lúc tôi tưởng tượng như cả dân tộc mình đang ở trong trạng
thái thôi miên.
Tôi nghĩ đến một ví dụ khác, một người đủ tư cách thay mặt cho Đảng.
Tôi không có ý định chỉ trích cá nhân ông, nhưng trường hợp của ông lại rất điển
hình. Trước đây ông nổi tiếng là người Mác xít gang thép, chẳng những trong việc
“đánh Đế quốc Mỹ và tay sai”, mà cả trong việc đánh đồng bào mình, những nhà
"công thương nghiệp tư bản tư doanh"(họ mang tiếng là Tư sản nhưng
chưa giàu bằng các vị Tư sản đỏ bây giờ). Hiện ông cũng đang rất gang thép
trong việc kiên trì Mác-Lê và định hướng Xã hội chủ nghĩa. Ấy thế mà đùng một
cái, ông ngồi sánh vai với " bọn tay sai Nam Hàn" (cái "bọn"
mà tôi còn nhớ trước đây chúng "giết bộ đội mình như ngóe"), ngồi để
ký kết những chương trình mà chắc chắn là phản lại cái "chủ trương cải tạo
công thương nghiệp tư bản tư doanh" của ông trước đây (và nhận quà biếu tới
2 triệu đô-la). Tôi tự giải thích: có thể sự quay ngoắt 180 độ này là một sự tỉnh
ngộ, đổi mới chân thành, muốn làm bạn với tất cả mọi người.
Có thể thế lắm chứ! Nếu ông đổi mới như vậy thật thì quá tốt.
Nhưng, người sám hối có những "triệu chứng lâm sàng" rất
dễ nhận thấy. Biểu hiện buộc phải có là "ngượng", là "thẹn",
khiến cho những người khó tính nhất cũng phải tha thứ.
Trong trường hợp này, các "triệu chứng lâm sàng" đáng
yêu kia hoàn toàn không có. Người đã có sai lầm tội lỗi chẳng những cứ thản
nhiên cười nói, mà còn giữ tư thế huấn thị, kiên trì chủ nghĩa, xử tội, “chém
tay” quát nạt thiên hạ, thì đây chỉ có thể là sự thiếu nhân cách đến vô liêm sỉ.
Điều lạ nữa là tại sao tất cả những cán bộ xung quanh, trước hết
là những người hữu quan, lại không ai lấy thế làm xấu hổ, một thứ xấu hổ mà chỉ
cần là một người có nhân cách bình thường thôi cũng không chịu nổi! Mà đâu phải
riêng việc đó, bao nhiêu điều quay quắt, lộn ngược lộn xuôi rành rành trước mắt,
mà lại có thể tươi tỉnh như không? Mà đều nghĩ được cách giải thích, mà lại tiếp
tục làm tuyên huấn cho mọi người không hề ngượng mồm?
Tôi không muốn lên án riêng ai, bởi thế tôi thấy chỉ có thể giải
thích đây là một trạng thái thôi miên tập thể. Bên tai mọi người hình như luôn
nghe thấy lời ám thị:" Hãy coi chừng! không được trái ý Mác Lê! Hãy coi chừng,
không được trái ý Mác Lê!" như sợ một bóng ma trong tiềm thức, một tay cầm
gậy một tay cầm củ cà rốt. Mác-Lê thế nào mấy ai biết? Có khi Mác Lê giống mấy
ông Công an, giống bà trưởng phòng Tổ chức, giống khoản lương hưu, giống xấp
đô-la, giống những kỷ niệm kinh hoàng một thời đói rách, giống ngôi biệt thự với
chiếc xe con, giống két bia lon với cô thư ký, hoặc có khi chỉ là một cái bóng
ma rất thiêng trên bàn thờ... Mác-Lê muôn màu muôn vẻ, nhưng đã thành một ám thị
tập thể. Trong khí quyển thôi miên ấy, con người phải quên nhân cách
riêng, đặc biệt là cấm không được hổ thẹn!. Cái gọi là “Lý tưởng Cộng sản”(mà
chưa biết một thế kỷ nữa có thực hay không) bây giờ chỉ còn là cái bình phong tự
lừa dối lương tâm để làm điều vô liêm sỉ, phá bỏ chiếc bình phong che mặt ấy
chính là giúp người ta trở về con người có nhân cách thật, đó là việc làm nhân
ái, cứu người! Bởi Dối trá là điều kiện cần và đủ cho cái gọi là chủ nghĩa
Cộng sản tồn tại và phá phách xã hội. Không có vị anh hùng dân tộc nào đủ sức
chống lại con Quỷ dối trá ấy, trừ phi mỗi người công dân dám tự dấn thân một lần “Nói
thật để cứu nước”!
Khi học môn giải phẫu cơ thể, chúng tôi nhớ mãi một dây thần
kinh chỉ huy việc khép đùi nên tên là dây "thần hinh thẹn". Bây giờ mỗi
khi cùng nhau tâm sự chuyện đời, chúng tôi lại nhìn nhau chua chát: Bọn mình bị
liệt mất dây "thần kinh thẹn" rồi. (nhưng khi nghe những thằng bạn
thao thao bất tuyệt trên Ti-vi chúng tôi vẫn thấy thẹn thay). Cảm ơn Tạo hóa đã
cho Con người biết thẹn, nếu không, ai giữ Văn hóa cho Người!
3c- Hiện tình “Văn học Cách mạng”
Tính cách Dân tộc ấy, hoàn cảnh lịch sử ấy, bản chất ý thức hệ ấy
đã quyện vào nhau nhào nặn nên một tổng thể Văn hóa 'đặc sắc' không bút nào tả
nổi. Nền Văn học "hiện thực xã hội chủ nghĩa" cố kéo dài hơi thở hào
hùng thời kháng chiến một cách đuối sức, tỏ ra bất lực và mất phương hướng trước
một thực tế mà nó không nhận thức nổi hay không dám nhận thức. Một số tác phẩm
bắt đầu bứt ra, thì tránh được sự giả tạo và đạt được sự phê phán sâu cay,
nhưng càng sâu cay càng không có lối ra. Giải thưởng Văn học nào cũng "có
chuyện". Làm sao có thể tổ chức nổi một cuộc thi cho tử tế khi mà bộ Từ vựng
của xã hội đang đòi phải làm lại, làm lại những từ ngữ cơ bản, viết lại những mệnh
đề cơ bản: chẳng hạn "Cách mạng" nghĩa là gì, "phản động"
nghĩa là gì, "yêu Chủ nghĩa xã hội" có phải là "yêu nước"
không?... vân vân... Người chấm thi bị xé về hai chiều, "con người chính
trị " phải đạo không còn chung sống nổi với "con người văn học"
trong một thể xác như ở giai đoạn trước, và mỗi "con người" ấy trả lời
những câu hỏi trên một cách trái ngược nhau.
Tất cả những giá trị văn học chân chính lâu dài mà ta đã gặt hái
được trong mấy chục năm mà ta gọi là 'Cách mạng' thực chất không có gì khác
ngoài giá trị Văn học yêu nước và nhân bản, còn cái chất 'chuyên chính vô sản'
nếu có đóng góp thì chủ yếu là gây nên cái mặt trái của nền văn học đó.
Làm sao có được "tác phẩm tương xứng với thời đại" khi
nhà văn không thể nhìn thẳng vào thời đại bằng con mắt của riêng mình? Vừa phải
nhìn bằng con mắt của người khác, lại vừa nơm nớp lo không biết trong cặp mắt kia
bên nào mắt thật bên nào mắt giả?. Mắt vẫn mở, mồm vẫn lắp bắp, tay vẫn hí hoáy
viết đấy nhưng bị thôi miên rồi.
Trong xã hội quái đản ấy đã bật ra bút pháp Nguyễn huy Thiệp:
Cái khốn nạn, lưu manh hết chỗ nói mà cứ bình thường như không, thương nó cũng
dở, giết nó không nỡ, không lần được cái đầu mối khốn nạn nó nằm ở đâu. Làm điều
đồi bại mà cứ như vô tình... Cái Thiện, cái Mỹ thì mong manh như mây khói. Phải
chửi Trí thức! phải chửi Đạo đức! phải tốc ngược lịch sử lên để nhìn rõ những
chân dung ngụy tạo! Cái nhạy cảm đạo đức tuyệt vời thiên phú của anh xui anh
làm thế! Trong tấn tuồng đời, các vai đạo đức đã bị những kẻ vô đạo giành đóng
hết rồi!
Nhưng anh phải nén tấm lòng xót xa ấy, xã hội không cho anh xót
xa, đất nước đang đi lên không được xuýt xoa. Vì thương con người mà không thể
thương con người (tôi thích lời bình luận ấy của Hoàng Ngọc Hiến), vì quá xúc động
nên phải viết lời vô cảm! Đọc những câu văn tục tĩu, vô cảm hoặc độc ác của anh
tôi cứ ứa nước mắt. Chỉ riêng cái 'vỏ' bút pháp của anh đã chứa hết cái ruột
gan của xã hội trong đó rồi. Cốt chuyện chỉ còn là cái cớ, lúc thực lúc hư.
Xã hội quái đản ấy cũng buộc phải đẻ ra thơ "Bút Tre"
để phản ánh nó, khi văn học chính thống cứ ngồi lù lù đó một cách vô tích sự.
Tôi không nói ông Bút Tre ở Vĩnh phú mà ông Ngô quang Nam vừa mới viết sách ca
ngợi. Cái ngớ ngẩn một cách chân thành, và chân thành một cách ngớ ngẩn, của
người cán bộ văn hóa Vĩnh phú kia chỉ là cái cớ để dân gian tải cái ngớ ngẩn giả
vờ của mình, để riễu cợt những giá trị mà công khai họ cứ phải "hoan
hô". Thơ "Bút tre thật" không ai thuộc làm gì, đọc rồi cũng
không nhớ được, còn"Bút tre dân gian" thì mỗi lần nghe người ta đọc,
tôi lại thấy cái sức sống mới mẻ, say sưa như thể chính người ấy đang sáng tác.
Câu thơ Bút tre chính xác và thông minh, đa nghĩa, lại núp dưới cái vỏ ngô nghê
đơn nghĩa, để nhại chính cái thứ văn học công nông đại chúng tùy tiện giáo điều.
Cười bò ra, rồi chảy nước mắt... vì đau trong ruột. Tiếc rằng chưa tiện trích dẫn
ở đây.
Còn những "cây đa cây đề" trong nền Văn học cách mạng
thì cuộc đời văn học đều bị chia đôi:
"Vị nghệ thuật" nửa cuộc đời,
Nửa đời sau lại "vị" người ngồi trên!
(Xuân Sách, chân dung Nhà văn)
Cái còn lại của những tài năng văn học tiêu biểu ấy là những tác
phẩm thanh xuân đầu đời, của người nghệ sĩ tự do, những Điêu tàn, Lửa
thiêng..., còn nửa sau là cái nửa "lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi
sắc phù sa" (Xuân Sách, chân dung Nhà văn) nên hỏng cả sự nghiệp lẫn
nhân cách. Người bị mất chung quy là Dân tộc. Những bài thơ di cảo "Bánh vẽ",
"Trừ đi", "Ai, tôi" của nhà thơ Chế Lan Viên lỗi lạc (xem
phụ lục 3) đủ để tự phủ định toàn bộ cái nửa đời sau của cả một thế hệ văn
nhân, nhưng những ngày cuối cùng của ông lại cho thấy những nghệ sĩ đã mất nửa
đời người ấy họ đâu có thể tự do "về nguồn" theo lương tri của mình!
Bởi họ không đủ điều kiện để thẳng thắn trả lời câu hỏi:
Cuộc đời hai nửa vì đâu?
Nửa say Quỷ kế, nửa đau Nhân tình!
(HSP, thư gửi Xuân Sách)
Dòng Văn học mới không thể không "phản tỉnh", tự mình
"lật tẩy" mình để tự vượt qua, vượt qua mình, vượt qua một vùng Văn
hóa thấp mà về với loài người văn minh.
*
Tóm lại không thể xây dựng nổi một nền Văn hóa Vô sản, vì không
có một "giai cấp Vô sản tiêu biểu cho thời đại" như Mác tưởng tượng.
Những xã hội trước đây đã lao theo con đường của Mác thì nay chẳng có con đường
nào khác ngoài con đường trở về với Dân tộc truyền thống và mau chóng gia nhập
vào Thời đại, mà nội dung hoàn toàn khác với nội dung Thời đại mà các Đảng Cộng
sản thế giới trước đây ấn định.
Tình hình xã hội trong giai đoạn chuyển đổi tất nhiên rất phức tạp.
Muốn có lối ra tốt đẹp nhất cho Dân tộc thì phải bắt đầu bằng cái nhìn Văn hóa
và phải giải quyết một cách Văn hóa. Nếu tiếp tục duy trì trạng thái Văn hóa cũ
đã kém sức sống thì tình trạng tranh tối tranh sáng sẽ là cơ hội để những thứ
Văn hóa không lành mạnh xâm nhập và chiếm lĩnh. Trong điều kiện ấy xã hội
sẽ có sự ổn định bề ngoài nhưng thoái hóa bên trong, xã hội có thể đạt những tiến
bộ nhất định về Kinh tế nhưng sẽ thoái hóa về Văn hóa nói chung. Văn hóa
thấp kém sẽ phá hoại tất cả!.
Hà Sĩ Phu (1995)
danlambaovn.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét