GIAI PHẨM MÙA XUÂN
Giai Phẩm Mùa Xuân do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương.
Hoàng Cầm trong bài Con người Trần Dần[1], và
sau này, trả lời phỏng vấn RFI, đều xác nhận Trần Dần không biết gì về việc in
bài thơ Nhất định thắng vì lúc đó đang tham gia Cải Cách Ruộng Đất ở
xa. Có lẽ là để gỡ tội cho Trần Dần. Sự thực Trần Dần có tham gia Giai Phẩm Mùa
Xuân: Sau khi bị bắt lần thứ nhất, bị cấm trại 3 tháng, Trần Dần và Tử Phác bị
gửi đi tham gia Cải Cách Ruộng Đất. Trong lời"thú tội", Trần Dần
viết: "Sau thời gian đó, trên có cho tôi đi tham quan cải cách ruộng
đất để tự cải tạo. Song, tôi lại dựa vào cái thế tham quan, cứ đi lại Hà Nội,
tiếp tục quan hệ với một người vợ chưa được phép. Hơn nữa lại quan hệ với Hoàng
Cầm, Lê Đạt, ra Giai Phẩm Mùa Xuân. Tuy là họ đề ra, song sau khi thống nhất
trước với nhau là: “Tự do lấy bài tôi đưa vào”, thì tôi hoàn toàn đồng tình. Mỗi
lần gặp lại thúc đẩy, dục dã, ra cho nhanh. Việc tập hợp bài vở, tôi không rõ
chi tiết. Bài Lão Rồng là do tôi viết. Tôi ví đồng chí Văn Phác như tên lý trưởng
đã chà đạp Lão Rồng[2]".
Lê Đạt cũng xác định việc chủ trương và tổ chức Giai Phẩm Mùa
Xuân như sau: "Trần Dần ra rồi, chúng tôi mới nghĩ đến chuyện này:
bây giờ làm sao mà in được một tập thơ, trái với nguyên tắc lúc bấy giờ -
nguyên tắc bấy giờ là tất cả các bài đều bị kiểm duyệt. Tôi chủ trương tập này
phải là một tập tự do sáng tác hoàn toàn, tức là mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm
về bài của mình và không có kiểm duyệt gì cả. Tôi có bàn với Dần, Cầm, với Văn
Cao, Tử Phác và mấy anh hội họa nữa là Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng. Lúc đó thì chưa
tìm được chữ gì hay lắm. Tôi cũng không thích chữ Giai Phẩm tại chữ Giai Phẩm
có vẻ Tự Lực Văn Ðoàn, nghe chữ ấy nó sang trọng quá tôi không thích. Nhưng lúc
đó anh Minh Ðức và anh Ðang đều thích chữ ấy. Trước tôi định cái tít là
"Thơ năm người", nhưng mọi người bảo thế là "gây sự" quá,
thì sau cũng đành lấy chữ Giai Phẩm[3]".
Căn cứ vào các sáng tác trong Giai Phẩm Mùa Xuân, ta có thể xác
định: Giai Phẩm Mùa Xuân là giai phẩm đầu tiên ở Bắc, sau cách mạng tháng Tám,
đáp ứng hai đòi hỏi: tự do sáng tác và đổi mới văn học do Lê Đạt, Hoàng Cầm chủ
trương, với sự cộng tác của Trần Dần, Văn Cao, Tử Phác...
Giai Phẩm Mùa Xuân chuyên về thơ. Tất cả có 9 bài thơ - Lê Đạt
ba, Hoàng Cầm hai, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Phùng Quán, mỗi người một và Nhất
định thắng của Trần Dần. Ngoài ra, có truyện ngắn Sổ tay của Sỹ
Ngọc và truyện phiếm Lão Rồng của Trần Dần.
Về hình thức, thơ trong Giai Phẩm Mùa Xuân khác với Thơ Mới: câu
dài, ngắn, không đồng đều; nhịp điệu phóng khoáng; có thể nói đây là giai phẩm thơ
đầu tiên thể hiện thơ hiện đại không vần ở miền Bắc.
Sáng tác trong Giai Phẩm Mùa Xuân có ba hướng:
- Khuynh hướng tuyên truyền cách mạng: Cổ động cho
chính sách Cải Cách Ruộng Đất: Chống địa chủ, cường hào ác bá, đề cao cách mạng
(Mùa xuân đến rồi đây của Hoàng Cầm); thơ chiêu hồi gửi miền Nam (Thơ qua
đài phát thanh, Hoàng Cầm); thơ đề cao chiến thắng và công lao của Đảng (Hoa
đào vẫn nở, Nguyễn Sáng); thơ kiến thiết đất nước, xây dựng xã hội mới (Mỗi
ngày mỗi lớn - Gửi kế hoạch nhà nước 1956, Lê Đạt); thơ ca tụng công nhân quét
đường (Thi sĩ và công nhân, Phùng Quán); văn tả cảnh đói khổ của người lao động,
sự bóc lột của địa chủ, nhưng nhờ ánh sáng của Đảng, từ nay, trời sẽ "trong
sáng vĩnh viễn"(Sổ tay, Sỹ Ngọc).
- Khuynh hướng vừa chống vừa theo: Trần Dần (Nhất định thắng).
- Khuynh hướng chống đối và đòi tự do sáng tác: Văn Cao (Anh
có nghe thấy không) và Lê Đạt (Làm thơ và Mới).
● Thơ Hoàng Cầm
Tiểu biểu cho khuynh hướng đầu tiên là thơ Hoàng Cầm. Là một
trong những người xây dựng nên phong trào, nhưng khác với Trần Dần và Lê Đạt,
hai nhà thơ trẻ, Hoàng Cầm thuộc lớp đàn anh, đã có vị trí vững vàng trên nhiều
địa hạt văn nghệ. Trái với Tố Hữu, được coi là chủ soái dòng thơ cách mạng, ca
tụng Bác và Đảng, Hoàng Cầm là nhà thơ dân tộc. Từ Bắc chí Nam, trước và sau
1954, thơ Hoàng Cầm được mọi người yêu mến. Hoàng Cầm cũng làm thơ tuyên truyền,
nhưng tuyên truyền cho lòng yêu nước, rất ít những câu ca tụng đảng, ca tụng
lãnh tụ. Ông giữ được ngòi bút độc lập, có uy tín đối với quần chúng.
Vì vậy, không phải tình cờ mà Nguyễn Hữu Đang, khi ra Nhân Văn số
1, đã hết sức vận động Hoàng Cầm và nhờ Hoàng Cầm viết bài bênh vực Trần Dần: Bởi
trong nền thi ca cách mạng, chỉ Hoàng Cầm mới có đủ tư thế văn học để đương đầu
với Tố Hữu lúc bấy giờ.
Hoàng Cầm cùng với Lê Đạt tổ chức Giai Phẩm Mùa Xuân, nhưng thơ
ông trong Giai Phẩm Mùa Xuân, còn rất hiền lành, nếu không muốn nói là vẫn theo
đường chính thống, không có tính cách quyết liệt như thơ Văn Cao, không tố giác
như thơ Trần Dần và cũng không đòi đổi mới thi ca như thơ Lê Đạt.
Bài Mùa xuân đến rồi đây theo đúng chính sách Cải Cách
Ruộng Đất lúc bấy giờ, nói lên nỗi khổ của người dân trong bảy mươi năm nô lệ,
đói khổ, dưới sự thống trị của bọn "địa chủ cường hào ác bá", nhưng rồi
cách mạng thành công đem lại ấm no, công bằng, hạnh phúc:
Bẩy mươi mùa xuân không xuân
Bảy mươi năm cùng tháng tận
Dòng sông Nhị ơi! Con cò lận đận
Bãi ngô dài cát trắng
Lòng sông cuốn nặng
Phù sa
Nước mắt mẹ con ta
Chảy ra ngoài biển rộng
Réo lên đầu sóng
Đùn đùn mây đen
Mưa lọt mái nhà rách thủng.
Mưa thốc xuống tàu chuối khô
Ướt đẫm manh tải
Mẹ con nằm trong đêm mưa
Nằm trong nước mắt đỏ như máu
Nằm trong nước sông đầy bùn nhơ
Dòng sông Nhị ơi! Lúa mượt hai bờ
Địa chủ đứng trên đê
Mắt ngầu hổ dữ ...
Sau khi duyệt lại những năm tháng tối tăm cùng khốn đói khổ, bị
đàn áp, Hoàng Cầm ca tụng mùa xuân trở về -cách mạng thành công- mang lại ấm
no, công bằng:
Dòng sông Nhị ơi! Mùa xuân đến rồi đây
Mẹ con được chia: hai gánh thóc đầy[4]
"Thơ qua đài phát thanh" là bài thơ gửi "người
em" bên kia vĩ tuyến, người yêu hiện đang ngâm thơ trên đài Sài Gòn,
trong khi Hoàng Cầm ngâm thơ trên đài Hà Nội, bài thơ có những câu rất lãng mạng:
Tôi tìm Em trên sóng điện bao la
Thơ đã đứng lên, vút đi, cao lớn
Ống nói như môi em chờ đón
Trầm ngâm, ấp một nụ cười
Tôi sung sướng truyền thơ tôi
Cho những Người yêu khắp nước
Tóm lại, trong Giai Phẩm Mùa Xuân Hoàng Cầm mới chỉ thử nghiệm mấy
câu thơ không vần, tinh thần cách mạng, chưa đả động đến những vấn đề gai góc
như tự do tư tưởng, tự do sáng tác, chưa có câu thơ nào "bôi
đen" chế độ.
● Trần Dần
Trần Dần đưa ra một nhân vật kỳ quái trong truyện ngắn Lão
Rồng, một bần nông say rượu bét nhè, nhưng là một "nhà sáng
tác", chuyên làm những bài vè phạm thượng, chế giễu, từ bọn sư mô đến
lũ tai to mặt lớn trong làng. Lão Rồngvừa "sáng tác" xong
một bài vè là đã có bọn con nít lập tức "xuất bản và phát hành". Cuối
cùng lão bị người ta lập mưu đánh chết.
Truyện ngắn Lão Rồng mở đầu phong cách đổi mới tư tưởng
trong văn xuôi miền Bắc. Ngòi bút sắc sảo của Trần Dần đã chọc thủng những cấm
kỵ, để lộ sự khao khát tự do của con người cùng khốn.
Bài thơ Nhất định thắng là tác phẩm chính của
ông trong thời kỳ NVGP, giọng anh hùng ca, phản ánh tính mâu thuẫn trong tư tưởng
tác giả. Trần Dần lồng bi kịch cá nhân -yêu người con gái ở phố Sinh Từ- trong
bối cảnh chung của đất nước sau hiệp định Genève:
Miền Bắc nghèo đói, thất nghiệp "Anh bước đi không thấy phố
không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ". Miền Nam dưới gót dày của "giặc": "Ở
miền Nam có tên giặc họ Ngô, tài của hắn là Khuyển Ưng của Mỹ". Nhưng
chúng ta "Nhất định thắng", đất nước sẽ thống nhất: "hàng
triệu tâm hồn, đã bỏ miền Nam ra Bắc", và "kẻ thù"
-nghèo đói, Ngô, Mỹ- sẽ phải thua: "bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi". Rồi
trời lại xanh: "Anh bước đi đã thấy phố đã thấy nhà, không thấy mưa
sa, chỉ thấy nắng lên, trên màu cờ đỏ".
♦ Nhất định thắng, như một bài thơ tuyên truyền
Đây là đoạn mở đầu:
Tôi ở phố Sinh Từ:
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
Tổ Quốc hôm nay
tuy gọi sống hoà bình
Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ - chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt,
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta?
Người ta nói thằng Ngô con đĩ
Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô
Tài của hắn là: Khuyển Ưng của Mỹ
Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi đao cùn
Hắn nhay mãi cố xẻ đôi Tổ Quốc.
Tác giả trình bày cảnh đói khổ của miền Bắc, nhưng thầm ngụ ý Mỹ
Diệm mới là nguồn cơn của mọi đớn đau: "Em ơi, Em có biết đâu, Ta khổ
thế này, Vì sao? Em biết đâu, Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?". Khi chửi Ngô
Đình Diệm, Trần Dần có những câu sắt máu: "Hắn thét lên ộc máu mũi
máu mồm", "Đất trời sâu / đương vẩy máu / đuổi theo chân hắn. Hắn run
sợ - Quỳ xin đã muộn! / Dù đêm khuya, bóng tối đặc ngầu ngầu / Máu vẫn đỏ /
trúng đầu trúng mặt / Tên tội nhân kia! / Lịch sử vang tên mày!"
Bài thơ kết thúc có hậu: "Em có thấy bay trên trời
xanh / Hàng triệu tâm hồn / Họ đã bỏ miền Nam ra Bắc! / Chúng đem súng mà ngăn
/ Đem dây mà trói! / Giữ thân người không giữ được nhân tâm / Người Nam gửi tâm
hồn ra Bắc cả / Bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi / Đổ lên chúng nó / Mây đen / lửa loạn
/ bão thù".
Và khi "ta" đã toàn thắng: "Anh
bước đi / đã thấy phố thấy nhà / Không thấy mưa sa / Chỉ thấy nắng lên / trên
màu cờ đỏ". Người dân phố Sinh Từ đóng cửa xuống đường đi mít tinh: "Vung
cờ đỏ hát hò vỡ phổi".
Đó là một bài anh hùng ca theo lối cách mạng, có nhiều câu tuyên
truyền rập thông tin nhà nước. Thực ra, tháng 4/1955, khi Trần Dần viết Nhất
định thắng, Mỹ chưa vào miền Nam. Ngô Đình Diệm mới về, chỉ là thủ tướng, đang
lo dẹp Bình Xuyên, Hoà Hảo, chưa thật sự nắm quyền và chưa có chính sách chống
Cộng triệt để như sau này. Ngày 23/10/1955, ông mới tổ chức cuộc trưng cầu dân
ý truất phế Bảo Đại. Vì vậy, bài Nhất định thắng, trong bối cảnh lúc bấy
giờ, là một bài thơ "hai hàng".
Cho nên, khi Chế Lan Viên buộc tội Trần Dần phản động, chống Đảng,
ông chứng tỏ mình là tay sai đắc lực của Tố Hữu.
Và khi Hoài Thanh viết: "Toàn bài của Trần Dần toát ra
một sự hằn học sâu sắc đối với chế độ tươi sáng ở miền Bắc, đối với sự nghiệp đấu
tranh cho hòa bình, thống nhất của nhân dân ta. Tôi không kết luận về người.
Tôi chỉ căn cứ vào bài văn. Tự nó, bài “Nhất định thắng” trong lời và chữ của
nó, chứa đựng những tư tưởng phản động, đứng về phía địch chống lại nhân dân
ta, chống lại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong nền văn nghệ chúng ta đầy
tin tưởng ở hiện tại và tương lai của chế độ, của dân tộc, bài "Nhất định
thắng" của Trần Dần thật đúng như lời đồng chí Nguyễn Tuân nói, là một thứ
mụn lở trên một cơ thể lành mạnh[5]".
Viết như vậy, Hoài Thanh không còn đứng ở cương vị một nhà phê bình, dựa trên
văn bản để xét, mà ông đã xuyên tạc, nói ngược lại ý nghiã của bài thơ.
Thế nhưng chính Trần Dần cũng lại viết trong bài "tự
thú" như sau:
"Bài Nhất định thắng sinh ra trong cái nôi những tư tưởng
chống đối như thế. Dưới chiêu bài “phát hiện mâu thuẫn xã hội”, "chống
công thức, tìm cái mới”, bài Nhất định thắng bôi đen miền Bắc. Thất nghiệp hàng
ế, đi Nam, hai năm không thống nhất được v.v… và cái điệp khúc “mưa sa trên màu
cờ đỏ” nó nhấn mạnh: “Đảng là nguyên nhân của cái xã hội thê thảm này.” Những sự
quy kết khác ép cho địch, thực chất chỉ là chiêu bài. Có những câu đả kích cán
bộ chính trị “nhà chính trị lắm mưu trong bụng” về sau in xoá đi. Bài Nhất định
thắng là một cuộc đánh thẳng vào tư tưởng của Đảng, trắng trợn và hung hăng[6]".
"Thú nhận" như thế tức là đã hoàn toàn chấp nhận
luận điệu của các ông Chế Lan Viên, Hoài Thanh, hoàn toàn nhận lỗi chống chế độ
về mình. Mà thực tế văn bản đâu phải thế? Tại sao? Vậy có thể hiểu trong bối cảnh
trù dập của lớp học Thái Hà, Trần Dần đã phải thú nhận tất cả mọi "tội", kể
cả những tội không phải của mình, ví dụ như "chống công thức, tìm cái
mới" là "tội" của Lê Đạt. Nhất định thắng không
thể "là một cuộc đánh thẳng vào tư tưởng của Đảng, trắng trợn và hung
hăng" như Trần Dần đã tự xác nhận.
Tóm lại xung quanh bài Nhất định thắng có ba vấn đề:
- Tính mâu thuẫn trong tư tưởng Trần Dần
- Việc bắt buộc phải nhận tội dưới áp lực của Đảng.
- Bi kịch Trần Dần.
♦ Nhất định thắng, như một tác phẩm văn học
Nhất định thắng trước hết là một bài thơ tuyên truyền, nhiều
câu khẩu hiệu, có lẽ vì thế mà cả Hoàng Cầm lẫn Phan Khôi, hai người cực lực
bênh vực Trần Dần, đều không cho Nhất định thắng là một bài thơ hay.
Nhưng nếu cắt những đoạn tuyên truyền máu mê thô thiển đi, như
Hoàng Văn Chí đã làm thì Nhất định thắng trở thành một tác phẩm
văn học giá trị. Bởi khi đem bi kịch riêng lồng vào lịch sử, Trần Dần đã có những
câu thơ thật xúc động:
Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ!
họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
ba tháng rồi
em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khi nói đến tình trạng thất nghiệp ở miền Bắc, Trần Dần có những
hình ảnh thơ mộng và nhức nhối:
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ,
họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
ba tháng rồi
em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi.
Khi nói đến nghịch cảnh chia đôi đất nước, Trần Dần có những lời
thiết tha, đòi đoạn:
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
...
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
- Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?
Đất níu chân đi
gió cản áo bay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống
...
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống
quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
Khổ nhiều rồi!"
Chính những câu thơ hay này đã khiến Nhất định thắng sống
mãi trong lòng người dân miền Nam. Toàn bài phản ánh tâm sự mâu thuẫn của Trần
Dần về tình hình đất nước, vừa nói lên cái khổ của người dân Bắc dưới chế độ cộng
sản: tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà... nhưng lại mong miền Bắc
thắng trong việc thống nhất đất nước. Hoặc khi nói về màu cờ: Trần Dần vừa thấy "mưa
sa trên màu cờ đỏ", nhưng lại cũng thấy "nắng lên đỏ phố đỏ
cờ", "cờ bay đỏ phố đỏ nhà", và có lúc ông còn "cầm
cờ đỏ hét hò vỡ ngực".
Phần dở là những câu, những đoạn gợi căm thù: "Hôm nay
hàng triệu mối thù sâu / Tới đập cửa lão già Ngô đòi mạng / Vung đao cùn chém
phải quãng trời không".
Phần hay là những đoạn nhân bản, nói lên những đau đớn của người
dân đói khổ, thất nghiệp, ở Bắc; của người dân lìa bỏ quê cha đất tổ, đi Nam,
và mong một ngày sẽ có hiệp thương, thống nhất, để hai miền cùng đọc tác phẩm
và như thế độc giả sẽ tăng lên gấp bội.
Hoàng Văn Chí khi in Nhất định thắng trong Trăm
hoa đua nở trên đất Bắc, đã cắt những câu, đoạn, những lời sắt máu, oán thù,
khiến bài thơ hay hơn, nhân bản hơn. Nhưng việc cắt xén này làm thay đổi ý
nghĩa của bài thơ và lập trường chính trị của Trần Dần năm 1956, làm cho Nhất
định thắng trở thành một tác phẩm chống cộng, được chính quyền miền Nam
trưng dụng như một biểu tượng"tố cộng". Và chính quyền miền Bắc
dựa vào đó để buộc tội Trần Dần.
Bi kịch của nhà thơ là tác phẩm của ông, đã bị/được, bên
này, bên kia gán cho những ý nghĩa không có trong văn bản, sử dụng để tung hô
hay buộc tội. Độc giả miền Bắc, năm 1956, theo lời Lê Đạt, khi đọc Nhất định
thắng, cũng chỉ giữ lại những câu hay nhất: "Tôi bước đi không thấy
phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ". Bởi nó đã nói
lên được tâm sự của con người sống dưới chế độ cộng sản. Hậu thế sẽ nhớ đến Trần
Dần qua hai câu thơ kiệt tác đó.
● Thơ Văn Cao
Hai tác giả đích thực "có vấn đề" trong Giai
Phẩm Mùa Xuân phải là Văn Cao và Lê Đạt, bởi họ đã nói đến thực chất của chế độ,
đòi quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, và chủ trương đổi mới văn học. Với
bài Anh có nghe thấy khôngVăn Cao nói đến sự bế quan toả cảng tinh thần
trong chế độ cộng sản, đến khát vọng tự do của con người:
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi (...)
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm (...)
Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng (...)
Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy
Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời
Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta
Giọng Văn Cao nhẹ nhàng, nhưng ý thơ quyết liệt: đòi tự do, lên
án sự bưng bít của chế độ và kêu gọi mọi người đứng dậy tranh đấu đến cùng. Những
lời đầu, mở vào không gian kín mít, không gian nghẹt thở sau khi cách mạng
thành công:
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
Đó là thứ không khí thiết quân luật. Cửa đóng. Không có sách hay
không còn sách. Mặc dù sao -vàng- lấp lánh trên trời. Mặc dù mùa xuân đã đến. Mọi
con mắt đều hướng ra biển -về phía tự do- nhưng cửa biển vẫn im ỉm đóng:
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
Giọng ôn hoà nhưng không kém phần khắc hạch, Văn Cao trỏ thẳng bọn
gian thần, bọn dốt nát, bọn kìm kẹp văn hoá tư tưởng, mắng và đuổi, khi nào
"chúng nó" còn đây thì:
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Chúng nó là ai? Nhà thơ trả lời: "Chúng là:
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người".
"Chúng nó", bọn áo thụng, len lỏi khắp nơi, từ
trong tủ sách gia đình đến điếu thuốc trên môi đứa bé mười lăm, quẩn trong bước
chân người con gái. "Chúng nó"nấp trong mọi lứa tuổi, mọi từng lớp
xã hội, "chúng nó" trà trộn vào đời sống hàng ngày, làm ô uế
không gian, lũng đoạn thời gian. Sách cũ, sách mới đem bán cân giấy lộn, đến cả
những bài thơ mới nhất của Anh. Những kẻ "khôn ngoan" thì
ngậm miệng "mắt không bao giờ nhìn thẳng".
Nhưng Anh, người nghệ sĩ tự do, Anh có nghe thấy
không?
Bọn chúng đã "đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời".
Còn Anh, anh phải bước vào cuộc đấu tranh mới: mở
tung các cửa bể, và anh phải tung ra những con người thật của chúng
ta, để thay thế "chúng nó",những con người giả.
Thơ Văn Cao là nộ khí trầm lặng của một nghệ sĩ bị
giam hãm tư tưởng, của một kẻ sĩ can trường hạch tội gian thần. Giọng
nhẹ nhàng nhưng tha thiết kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh cho tự do tư tưởng.
Văn Cao là một nghệ sĩ và cũng là một kẻ sĩ.
Nhưng lạ lùng là cả triều đình và bọn nịnh thần không ai dám động
đến Văn Cao. Chẳng lẽ họ không hiểu? Kể cả những người lắm chữ như Hoài Thanh,
Nguyễn Đình Thi?
Dĩ nhiên là họ hiểu. Nhưng bởi Văn Cao là một tài năng lớn, trên
tất cả"chúng nó". Văn Cao là tác giả quốc ca. Chính bài quốc ca
đã đỡ đòn cho Văn Cao trong toàn bộ hành trình Nhân Văn Giai Phẩm.
● Thơ Lê Đạt
Lê Đạt là nhà thơ trẻ chưa có tên tuổi gì khi chủ trương Giai Phẩm
Mùa Xuân, nhưng đường lối tranh đấu của Lê Đạt đã rõ ràng qua hai bài: Làm
thơ vàMới.
Bài Làm thơ nói lên tâm trạng và hoài bão của một nhà
thơ trẻ, trước tình thế đất nước:
Đêm khuya
Bóng đầu anh
Hằn lên trang sách nhỏ
Như bóng hàng cây
quặn gió
Lắng xuống mặt đường
Giông bão mênh mông
Anh nhìn Tổ quốc
Đất nước đêm nay trĩu đầu ngòi bút
Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người
Anh nghe tiếng đất trời
Xao động lùm cây ngọn cỏ
Như hiệu thính viên
Đêm không ngủ
Ghi những lời cuộc sống
điện về
Những tiếng nặng nề
Những tiếng cục cằn uất ức
Những tiếng căm thù chua xót
Những tiếng yêu thương
Những tiếng căm thù chua xót
Những tiếng yêu thương
Lê Đạt tự coi mình như một hiệu thính viên lắng nghe tất
cả những tiếng đau thương do người đồng loại điện về và thầm
kín nói lên tham vọng "Anh nghe tiếng đất trời" như một lãnh tụ. Năm
1956, với những câu thơ như:
Ghi những lời cuộc sống
điện về,
hoặc:
Óc anh là một công trường,
mỗi dòng thơ là một cây số mới,
hoặc:
Một tiếng súng tương lai
nổ vào đầu dĩ vãng
Lê Đạt là người đầu tiên làm thơ hiện đại ở miền Bắc,
đã thực sự đưa ra cách suy nghĩ, cách tạo hình và kiến trúc tư tưởng rất mới.
Trước đó có Nguyễn Đình Thi với bài Đất nước, nhưng ý thơ Nguyễn Đình Thi
còn nằm trong không gian lãng mạn.
Lê Đạt còn là người đầu tiên đặt vấn đề nhà văn dấn thân -
écrivain engagé: nhà văn không thể làm ngơ trước những khó khăn của dân tộc, của
con người và của cuộc sống. Sự dấn thân này là tự thân Lê Đạt, không do ảnh hưởng
của JP Sartre, vì năm 1956, ông chưa đọc Sartre và cả sau này ông cũng không mấy
chú ý đến tư tưởng của Sartre.
Tóm lại, Lê Đạt là người có hoài bão chính trị cho dân tộc ngay
từ những bước thơ đầu, khác hẳn với Trần Dần là nhà thơ "nổi loạn" chống
lại mọi áp bức bó buộc bản thân, nhưng không có mục đích tranh đấu chính trị
cho quốc gia dân tộc. Lê Đạt xác định một lần nữa, bản chất và nhiệm vụ của một nhà
thơ dấn thân, phải đi vào cuộc sống, phải tìm cách thay đổi xã hội, xây dựng lại
con người:
Người làm thơ nắng mưa thiêu đốt
ăn nằm với cuộc đời
Thai nghén đất trời
sinh ra sự sống (...)
Như người thợ
chui xuống lòng hầm mỏ
chui xuống lòng hầm mỏ
Moi than moi lửa
đốt sáng cuộc đời
Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi
hội ý về cuộc sống
Điều động anh vào
bộ Tâm Hồn quần chúng
Giúp Trung Ương
xây dựng
những con người
Từng từng giọt mồ hôi
đẫm bản đồ chính sách
Anh mở lối giữa cuộc đời ngóc ngách
Óc anh là một công trường
Mỗi dòng thơ là một cây số mới
Trên con đường đi tới
xã hội
ngày mai
Một tiếng súng tương lai
nổ vào đầu dĩ vãng
Anh vác bút đi theo Đảng
xông lên hàng đầu
Năm 1956, khi chủ trương Giai Phẩm Mùa Xuân, Lê Đạt vẫn còn làm
việc ở Tuyên Huấn, cạnh những cột trụ Trường Chinh, Tố Hữu. Lê Đạt chưa thể
tách rời khỏi Đảng. Đoạn kết bài Làm thơ có những câu tỏ ý ông vẫn
tin tưởng vào Đảng, một Đảng sẽ lành mạnh hơn, biết đặt văn nghệ sĩ vào những vị
trí xứng đáng để họ có thể nhả tơ xây dựng lại đời sống con người. Đó là chiến
lược của chính trị gia Lê Đạt, hay niềm tin của nhà thơ Lê Đạt? Khó biết.
Tố Hữu nhìn thấy những "nguy cơ" trong bài
thơ thứ nhì của Lê Đạt, bàiMới, như một lời tố cáo, mạnh mẽ và quyết liệt của lớp
đảng viên trẻ, muốn đổi mới văn học, muốn "đập cánh bay lên", muốn
chống lại "bao nhiêu gồng xiềng tập quán / cột lấy bước chân", muốn
chống lại những thành phần kỳ cựu đã sống quá lâu, trở thành những ông
bình vôi, khép kín trong công thức, bị xỏ dây vào mũi:
Tôi mới hai mươi lăm tuổi
Chung quanh tôi bao cuộc đời mệt mỏi
Thất bại cúi đầu
Công thức xỏ giây vào mũi
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Ỳ như một chiếc bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại
Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm bại
Khôn ngoan không dám làm người
Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi
Lê Đạt nhìn quanh: một xã hội "công thức giả tạo", với
những ông bình vôihủ lậu kéo dài cuộc sống và nhìn lại chính mình, còn trẻ,
nhưng đã tự đánh mất mình, vì "khôn ngoan", nên không
dám làm người! Cuối cùng nhà thơ mạnh dạn đứng lên hô hào đổi mới toàn diện
thi ca, xã hội và con người:
Mới Mới!
Luôn luôn Mới
Bay cho cao
Bay cho xa
Trên những vết già nua cũ kỹ
Trên lề đường han rỉ
Vượt ngày hôm nay
Vượt ngày mai, ngày kia,
Vượt mãi
Tố Hữu khó chịu nhất những câu thơ này, có thể coi là bản tuyên
ngôn, là lời kêu gọi của Lê Đạt cho một đường hướng sáng tác mới vượt
trên lối mòn cũ của các bậc đàn anh Xuân Diệu, Tố Hữu. Thấy sự nghiệp thi ca
cách mạng của mình có thể bị chao đảo, sẵn quyền uy trong tay, Tố Hữu đã thẳng
tay triệt hạ mầm mống nổi loạn đòi thay đổi cục diện văn nghệ, đòi "chôn
đàn anh" của nhà thơ trẻ.
● Phục xuống mà sáng tác
Theo Hoàng Cầm, sau khi Giai Phẩm Mùa Xuân bị phê phán, Trần Dần
Tử Phác được về rồi, chúng tôi vẫn họp nhau ở phòng trà Phúc Châu: Văn Cao, Lê
Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng. Một hôm, bàn nhau: mình mới
ra được Giai Phẩm Mùa Xuân, chỉ mới hoe hoe lên gọi là đổi mới một chút, mà nó
đã đánh như vậy, liệu mình có chịu được không? Đéo thằng nào chịu được chuyện
phê phán như thế, tức là chính quyền nó không cho mình ra một tờ báo nào hết.
Thế thì Văn Cao mới nói một câu có thể ghi vào văn học sử: Nhưng quyền
sáng tác là ở mình, vậy mình phải phục xuống mà sáng tác. Những chữ ấy chính là
của Văn Cao: Phải phục xuống mà sáng tác.
Sau này khi phê phán Nhân Văn, họ cứ vin vào câu ấy mà
đánh: Cái âm mưu của bọn NVGP nó kiên trì lắm: nằm phục xuống, tức là
chúng nó nằm im, giấu mình một chỗ, để mà sáng tác chống Đảng. Họ phê phán Nhân
Văn ghê gớm hơn phê phán Giai Phẩm nhiều, các ông văn nghệ sĩ chính cống như Chế
Lan Viên, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi... rồi những nhân vật như Lê
Đình Kỵ, Vũ Tú Nam, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ... nhất là Vũ Đức Phúc, lúc bấy giờ
đã ở Viện Văn Học rồi, nhân vật này nó đánh Nhân Văn ghê gớm nhất. Bọn phê bình
chỉ đánh theo khẩu hiệu, còn bọn văn nghệ sĩ nó đánh mới ác, đánh sâu sắc chứ
không như bọn phê bình đâu, nó đánh ác mà trúng: Đại khái nó bảo bọn NVGP chúng
nó không yêu gì Đảng cả, chúng nói yêu Đảng chỉ là nói giáo đầu, nói để đỡ đòn,
chứ sự thực thì chúng chẳng yêu gì Đảng cả. Mà nó đánh như vậy là đánh trúng,
đánh vào tâm mình, sự thực thì cũng không sai đâu.
Cho nên Văn Cao nói : Phục xuống mà sáng tác, thì tất cả
chúng tôi đều tán thành, nó không cho mình ra báo thì mình phục xuống mà sáng
tác: Trần Dần bắt đầu viết Cổng Tỉnh, Lê Đạt bắt đầu viết những bài thơ về
quê hương, tôi viết trường ca Tiếng hát quan họ... Vậy, ngay từ năm 1956,
sau Giai Phẩm Mùa Xuân, chúng tôi đã "phục xuống mà sáng tác" như
lời Văn Cao[7].
Giai Phẩm Mùa Xuân là tác phẩm đầu tiên ở miền Bắc chủ
trương đổi mới thi ca, tự do sáng tác, với những khuynh hướng khác nhau: tuyên
truyền theo đường lối cách mạng của Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Phùng Quán; nói lên
tình hình nghèo khổ thất nghiệp ở Bắc và tố cáo tội ác Mỹ Diệm trong Nam của Trần
Dần; đòi tự do tư tưởng và chửi bọn nịnh thần của Văn Cao; xây dựng một xã hội
mới, một nền thơ mới của Lê Đạt.
Bài thơ quyết liệt nhất là của Văn Cao. Nhưng không ai dám đánh
Văn Cao. Chế Lan Viên khai ngòi đánh Trần Dần, nhưng không dám đụng đến Văn
Cao. Tất cả mũi dùi đổ vào Trần Dần, Lê Đạt, hai nhà thơ trẻ chưa nổi tiếng.
Chính vì vụ đánh Trần Dần và Lê Đạt mà trí thức nhập cuộc. Lúc đầu trí thức
chưa tham gia, nhưng việc đánh hội đồng Trần Dần, Lê Đạt khiến Phan Khôi trở lại
vai "ngự sử văn đàn" với bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ.
Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc trước lớp học 18 ngày và
bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi là hai yếu tố chủ chốt,
đã thuyết phục Trương Tửu và những trí thức khác tham gia, tạo nên một phong
trào rộng lớn: Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
[5] Hoài Thanh, Vạch trần chất phản động của bài Nhất định
thắng của Trần Dần, Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 110 (1.3.1956), Lại
Nguyên Ân sưu tầm.
CHƯƠNG 4
NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN CUỘC CÁCH MẠNG MÙA THU CỦA TƯ TƯỞNG
Hiện nay, thời điểm chính thức xác định chính sách Đấu
Tranh Giai Cấptheo đường lối Trung Quốc là tháng 1/1950, tại Đại Hội III của Đảng
Cộng Sản, sau khi Hồ Chí Minh bí mật đi Liên Xô và Trung Quốc về.
Thời điểm quyết định và giải thích chính sách Cải Cách Ruộng
Đất là bài diễn văn Hồ Chí Minh đọc tại Hội Nghị Nông Vận Và Dân Vận Toàn
Quốc ngày 5/2/1953.
Thời điểm chính thức áp dụng chính sách Cải Cách Ruộng
Đất là tại Đại Hội I của đảng Lao Động, họp tại Việt Bắc từ 14 đến
23/11/1953, với bản báo cáo của Trường Chinh.
Đấu Tranh Giai Cấp -phát sinh Cải Cách Ruộng Đất- là
nguyên nhân sâu xa đưa đến chia rẽ, hận thù.
Heinz Schütte, trong bài Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua đua
nở ở Việt Nam 1954-1960, tóm tắt khá rõ tình hình miền Bắc thập niên 1950
như sau:
"Tháng 1/1950, Đại Hội III Đảng Cộng sản, tuyên bố Việt Nam
chính thức đi theo đường lối Trung Quốc và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp
trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những người bị cho là những
"phần tử phản cách mạng". Sách vở Trung Quốc, đặc biệt những tác phẩm
của Mao được dịch ra tiếng Việt -vài tác phẩm do chính Hồ Chí Minh dịch- để
truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng chủ nghiã
Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt Nam. Tại
chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khoá Chỉnh huấn tư tưởng dành
cho trí thức[1]".
Đấu Tranh Giai Cấp phát sinh Chỉnh Huấn, chuẩn bị
cho chiến dịch Giảm Tô, rồi Cải Cách Ruộng Đất[2]... kéo dài từ 1950 đến 1956, đã gây
những tội ác làm đảo lộn xã hội Việt Nam. Sự phát động Đấu Tranh Giai Cấp là
yếu tố chính trị có tính cách quyết định đối với những người không theo cộng sản.
Nhưng sự bất mãn của trí thức bắt đầu từ trước.
Trường hợp Nguyễn Hữu Đang, sự bất mãn có thể đã bắt đầu ngay từ
1930, với bản Luận Cương Chính Trị của Đảng do Trần Phú soạn, nội dung ngụ ý: "Tất
cả giai cấp tư sản đều là phản động", nhưng chỉ thực sự thành hình khi Trường
Chinh, lý thuyết gia Đảng Cộng sản, hoàn thành bản "Đề Cương Văn Hoá
Việt Nam", năm 1943, nội dung thu gọn trong công thức: Đảng
lãnh đạo tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, mà không một người làm văn hoá chân
chính nào có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, bản Đề Cương chỉ lưu hành trong đảng Cộng Sản, và đảng
này đến năm 1945, theo Nguyễn Hữu Đang, chỉ có khoảng 5000 người. Vì vậy, đến
tháng 12/1946, khi hầu hết trí thức văn nghệ sĩ đi theo tiếng gọi toàn quốc
kháng chiến của Việt Minh, phần lớn chưa biết có một chính sách văn hoá như vậy.
Tạ Tỵ, Hoàng Cầm, Trần Duy... đều nói lúc đó không biết Cộng Sản là gì và Hồ
Chí Minh là ai.
Nhưng ngày 19/7/1948, khi Trường Chinh đọc bài Chủ Nghiã
Mác Và Văn Hoá Việt Nam tại Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc II, ở Việt Bắc, xác
định đường lối văn nghệ kháng chiến: Văn nghệ thi đua, văn nghệ tuyên truyền,
phục vụ công nông binh, văn nghệ phân biệt ta-địch, văn nghệ hiện thực xã hội
chủ nghĩa, thì sự đổ vỡ bắt đầu: Nguyễn Hữu Đang bỏ về Thanh Hoá.
1948 chắc chắn là năm bản lề: kết thúc sự hợp tác chặt chẽ trong
kháng chiến giữa hai thành phần dân tộc: cộng sản và không cộng sản. Từ 1949 trở
đi, nhiều văn nghệ sĩ bỏ kháng chiến về thành, hoặc vào Khu Bốn với tướng Nguyễn
Sơn.
● Nguyễn Sơn và vùng văn nghệ tự do Khu Bốn, từ 1948 đến
1951
Đối với những văn nghệ sĩ sống gần tướng Nguyễn Sơn (1908-1956) ở
Khu Bốn, như Phạm Duy thì Nguyễn Sơn là một khuôn mặt huyền thoại[3]. Làm Tư lệnh Quân Khu Bốn[4] Nguyễn Sơn đã để họ tự do sáng tác.
Nguyễn Tiến Lãng[5], sau khi ra tù, được phái làm thư ký riêng
cho Nguyễn Sơn, mô tả[6] vị tướng này như một người hiếu học,
lãng mạn, yêu văn chương, cô đơn và bí mật. Nhưng đối với những người sống ở Việt
Bắc, gần Trung Ương như Lê Đạt, thì Nguyễn Sơn chẳng có tài cán gì. Vậy sự thực
Nguyễn Sơn là ai?
Đáng tin cậy nhất có lẽ là chân dung do Hoàng Văn Chí, anh rể
Nguyễn Sơn viết, ở chương XI, cuốn Từ thực dân đến cộng sản, xin lược
trích sau đây:
"Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Văn Bác, sinh tại làng Kiêu Kỵ,
huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; bên Tầu ông lấy tên là Hồng Thủy. Con một nhà nho
tham gia Đông Kinh Nghiã Thục. 1925, đang học trường Sư phạm Hà Nội, vì theo
phong trào sinh viên bãi khoá, nên bị truy nã, phải trốn sang Tàu và được vào học
trường quân sự Hoàng Phố. Là người Việt Nam duy nhất tham gia Quảng Châu Công
Xã, trở thành đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa. Nổi tiếng về tài lãnh đạo quân
sự trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934-1936), được bổ làm tùy tướng cho Bành
Hoài Đức, chỉ huy trưởng Đệ Bát Lộ Quân. Nguyễn Sơn là một trong bẩy tướng còn
sống sót của Quảng Châu Công Xã và một trong 18 tướng sống sót sau cuộc Vạn Lý
Trường Chinh. Vì vậy, năm 1949, sau khi Mao Trạch Đông toàn thắng, Nguyễn Sơn
được tuyên dương là "Anh Hùng Dân Tộc" của Trung Quốc.
Cuối 1945, Nguyễn Sơn đang ở Diên An, gặp một ký giả Canada vừa
từ Hà Nội qua, báo tin Việt Nam đã tuyên bố độc lập, nhưng Pháp vẫn tấn công,
mưu chiếm lại. Nhà báo này nói đã gặp vị chủ tịch chính phủ lâm thời, một ông
già biết nói tiếng Anh tên là Hồ Chí Minh. Đoán chắc Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái
Quốc, Nguyễn Sơn bèn xin lãnh đạo Trung Quốc cho phép hồi hương chống Pháp. Mao
Trạch Đông giữ lại, nhưng Nguyễn Sơn cứ nằng nặc đòi về, nên Mao cũng thuận cho
về, làm giấy tờ chứng nhận Nguyễn Sơn và Nguyễn Khánh Toàn là nhân viên phái
đoàn Trung Cộng từ Diên An xuống Trùng Khánh để điều đình với chính phủ Trung
Hoa dân quốc, rồi nhân dịp đó trốn xuống Hoa Nam, về Việt Nam.
Vì quyết tâm về nước kháng chiến, nên ngay khi về, Nguyễn Sơn đã
bị Trung Cộng phê bình là nặng tinh thần quốc gia, nhẹ tinh thần quốc tế. Có lẽ
ông Hồ Chí Minh cũng phê bình Nguyễn Sơn như vậy, nên đầu năm 1946, khi Sơn về
tới Hà Nội, ông Hồ không thèm tiếp và các lãnh tụ cộng sản khác cũng lạnh nhạt.
Nhưng vì Pháp tấn công mỗi ngày một mạnh ở miền Nam và cộng sản Quảng Ngãi bất
chấp lệnh, giết bừa bãi, nên ông Hồ phái Sơn vào Khu Năm (miền nam Trung Việt)
với nhiệm vụ đình chỉ chém giết và điều khiển công việc chống Pháp. Sau đó Sơn
được đổi ra Khu Bốn (miền bắc Trung Việt) làm "Khu phó" phụ trách huấn
luyện quân đội. Chẳng bao lâu, khu trưởng là Thiết Hùng bị mất chức vì liên can
đến một vụ buôn thuốc phiện lậu, nên Sơn được cử lên thay thế. Nhờ hai mươi năm
kinh nghiệm hành quân, nên Nguyễn Sơn được quân đội Khu Bốn rất mến phục. Lại
có tâm hồn nghệ sĩ và tận tâm giúp đỡ văn nghệ sĩ, nên Nguyễn Sơn cũng được giới
văn nghệ sĩ hết sức hâm mộ.
Năm 1948, ông Hồ phong Võ Nguyên Giáp làm đại tướng và Nguyễn
Sơn làm thiếu tướng, khiến Sơn khó chịu vì Sơn chê Giáp "i-tờ" về
quân sự. Sự thực thì Giáp chỉ là sinh viên trường Luật, được huấn luyện qua loa
về du kích chiến trong một khóa do quân đội Mỹ mở ở Tinh Tây, hồi thế chiến thứ
hai.
Tuy nhiên, mối bất hoà lớn giữa Nguyễn Sơn và các lãnh đạo, không
phải vì kèn cựa địa vị mà vì Sơn phản đối việc xin viện trợ Trung Quốc, vì Sơn
cho rằng hễ nhận viện trợ của Trung Quốc thì sẽ mất hết chủ quyền. Theo Sơn, hồi
chiến tranh chống Nhật, Mao không thèm xin viện trợ Nga, cứ để Nga tiếp tế cho
Tưởng Giới Thạch. Nên tự lực kháng chiến, đánh Pháp bằng vũ khí thu được của
Pháp, tuy gian lao nhưng không bị lệ thuộc bất cứ ngoại bang nào. Sau một cuộc
thảo luận to tiếng với ông Hồ, Sơn bực mình, nhắm hướng bắc, đi thẳng sang
Trung Quốc[7]. Vì đã được tôn là
"Anh Hùng Dân Tộc", nên từ Lạng Sơn đến Bắc Kinh, qua các tỉnh, Sơn đều
được tiếp đón trọng thể. Nhưng ông Hồ đã điện sang Bắc Kinh, bá cáo với ông Mao
là Sơn vô kỷ luật, và Võ Nguyên Giáp cũng bắt quân đội Việt Minh học tập một
tài liệu đặc biệt, tả Sơn là một cán bộ "điển hình xấu".
Vì bị ông Hồ bá cáo trước, nên khi tới Bắc Kinh, Sơn phải đi chỉnh
huấn ngay. Sau chỉnh huấn, Sơn tình nguyện đi học Đại Học Quân Sự ở Nam Kinh,
do chuyên viên Nga dạy về chiến thuật quân sự hiện đại. Năm 1956, Sơn bị ung
thư dạ dầy và khi biết mình sắp chết, xin phép mang vợ con về Việt Nam. Hai
ngày sau khi về tới Hà Nội, Sơn chết và Võ Nguyên Giáp phải đi đưa đám. Những
người quen biết Nguyễn Sơn đều công nhận ông có tinh thần quốc gia mặc dầu suốt
đời tranh đấu trong hàng ngũ cộng sản[8]".
Heinz Schütte, trong bài đã dẫn, cho rằng: Trung Quốc chỉ cho
"mượn" Nguyễn Sơn và chính Nguyễn Sơn cũng miễn cưỡng về Việt Nam, việc
ông trở lại Trung Quốc đã được thoả thuận ngay từ đầu. Nhưng thông tin của
Hoàng Văn Chí có lẽ đúng hơn, vì Hoàng là anh rể Nguyễn Sơn, nên biết rõ những
uẩn khúc chỉ trong gia đình mới biết: Nguyễn Sơn xin về Việt Nam vì tin Hồ Chí
Minh là Nguyễn Ái Quốc, như hầu hết mọi người Việt[9].
Nguyễn Sơn chống lại việc nhận viện trợ của của Tàu, sự kiện này một số người
biết nhưng không dám nói ra. Sau cùng, vì sự hiềm khích với Võ Nguyên Giáp, nên
sau khi Nguyễn Sơn bỏ đi, Giáp cho quân đội học tập Sơn là điển hình xấu, để
xoá huyền thoại về Nguyễn Sơn,việc này giải thích tại sao những người ở gần
trung ương, như Lê Đạt, có định kiến không tốt về Nguyễn Sơn.
Tuy Nguyễn Sơn không ảnh hưởng đến phong trào NVGP nhưng ông
cũng tạo cho văn nghệ sĩ một khoảng trời tự do sáng tác, ít nhất từ 1948 đến
1951, trước khi ông trở lại Trung Quốc.
Trong thời gian này, những trí thức và văn nghệ sĩ tên tuổi như
Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu... đã lên tiếng phản đối
chính sách lãnh đạo tư tưởng của Trường Chinh. Nhưng bản thân Nguyễn Sơn là một
mâu thuẫn: ông chủ trương tự do sáng tác, nhưng ông cũng là người đầu tiên đem
phương pháp chỉnh huấn của Mao vào Việt Nam.
● Sự đối lập giữa Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang
Khảo sát bị kịch Nhân Văn, ta thấy rõ sự đối lập giữa hai nhân vật:
Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh, cả hai đều được Hồ Chí Minh tin dùng. Trường
Chinh là Tổng Bí Thư từ 1941 đến 1956, còn Nguyễn Hữu Đang là ai?
Vì bất đồng ý kiến với Trường Chinh, năm 1948, Nguyễn Hữu Đang
đã bỏ Đảng. Nhưng sau 1954, ông lại được Đảng gọi về và đến tháng 8/56, ông được
cử ra tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày và trở thành nhà lãnh đạo
phong trào NVGP.
NVGP chống lại toàn bộ chính sách văn hoá văn nghệ của đảng Cộng
Sản. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu chính sách văn hoá văn nghệ ấy như thế nào?
Nói đến đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng Sản là phải nói đến Trường
Chinh, lý thuyết gia của Đảng, người soạn thảo những văn bản chính thức theo chỉ
thị của Hồ Chí Minh.
● Trường Chinh
Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988), nhà chính trị nhưng cũng
là nhà báo, có viết văn, làm thơ dưới bút hiệu Sóng Hồng. Năm 1927, gia nhập Việt
Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội - tiền thân của đảng Cộng Sản. 1940, làm
chủ bút báo Cờ Giải Phóng, cơ quan của Xứ Ủy Bắc Kỳ. Sau đó làm
chủ bút tờSự Thật, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản. Từ tháng 5/1941 đến
tháng 9/1956, làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đảng Cộng Sản thành lập tháng 2/1930.
Từ tháng 9/1930 đến tháng 11/1945, lấy tên là Đảng Cộng Sản Đông
Dương. Tháng 11/1945 Đảng "tự giải thể", rút vào bí mật. 1951, Đảng
công khai trở lại với tên Lao Động và đến năm 1976, mới chính thức lấy tên là đảng
Cộng Sản Việt Nam. Đảng này trải qua hai biến cố quan trọng:
Ngày 2/9/1945: Tuyên ngôn độc lập. Hơn hai tháng sau, ngày
11/11/1945, Đảng tuyên bố "tự giải tán", đổi tên thành Hội Nghiên Cứu
Chủ Nghiã Mác ở Đông Dương. Chính phủ lâm thời tạm giấu cái gốc quốc tế cộng
sản, lấy danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh, để tập hợp mọi thành phần dân tộc cả quốc
gia lẫn cộng sản trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hà Xuân Trường kể lại: "Đảng lúc bấy giờ, sau khi tuyên bố
"tự giải tán", để chuyển thành Hội nghiên cứu chủ nghiã Mác ở Đông
Dương (ngày 11/11/1945). Anh Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí thư
Đảng, trưởng tiểu ban tuyên truyền của Trung ương, kiêm chủ bút (tức Tổng biên
tập) tờ Sự Thật"(ra số 1, ngày 5/12/1945 ở Hà Nội)[10]".
Nguyễn Hữu Đang cho biết: "Vai trò của Hồ chủ tịch rất
quan trọng. Cụ có thành lập Mặt Trận Việt Minh thì mới có Cách Mạng Tháng Tám. Nếu
đảng Cộng Sản đứng ra vận động cuộc Cách Mạng Tháng Tám, tôi tin là không được
kết quả như là Mặt Trận Việt Minh. Đó là một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều
tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta hưởng ứng hơn chứ
còn nếu đảng Cộng Sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế đấy". "Đảng Cộng
Sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu[11]".
Trường Chinh, được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ viết đề cương, chỉ
đạo đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng Cộng Sản bằng hai văn bản: "Đề
Cương Văn Hoá Việt Nam" (1943) và Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt
Nam đọc tại Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc II, ở Việt Bắc, ngày 19/7/1948, văn
bản này là nguồn gốc đoạn tuyệt giữa Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang.
Giá trị và ảnh hưởng của hai văn bản này đối với chế độ Cộng Sản,
được Hà Xuân Trường so sánh với lập thuyết của Mao: "Chúng ta chỉ cần
nghiên cứu Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943, báo cáo Chủ nghiã Mác và văn hoá
Việt Nam năm 1948 của đồng chí Trường Chinh, và so sánh những văn kiện đó với
phần "Văn hóa dân chủ mới" và "Tọa đàm văn nghệ ở Diên An"
của Mao Trạch Đông thì rõ ràng khác nhau lắm, khác từ gốc, khác từ mục tiêu đến
phương pháp nhận thức (...) Công tác văn hoá - văn nghệ lúc bấy giờ nằm
trong sự chỉ đạo của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố
Hữu lúc này được Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ"[12].
Vậy Trường Chinh là người chỉ đạo chính sách văn hoá văn nghệ kháng chiến. Tố Hữu,
giữ nhiệm vụ tổ chức.
● Đề cương văn hoá Việt Nam
Bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam có 5 phần chính:
1- Cách đặt vấn đề.
2- Phân đoạn văn hoá VN.
3- Nguy cơ văn hoá dưới ách phát-xít Nhật, Pháp.
4- Xác định văn hoá cách mạng VN.
5- Nhiệm vụ của các nhà văn hoá mác-xít VN[13].
Văn bản chính quy này xác định sự lãnh đạo văn hoá của Đảng: "đảng
tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong". Và định nghiã văn hoá theo
quan niệm của Đảng: "Văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật". Tóm
lại, Đảng lãnh đạo: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.
Ở phần hai, Trường Chinh chia văn hóa Việt Nam làm ba giai đoạn
một cách rất bất kỳ: Trước Quang Trung -tại sao lại Quang Trung?- là "phong
kiến, nô lệ, phụ thuộc Tàu". Từ Quang Trung đến Pháp thuộc là "phong
kiến, tiểu tư sản"; và từ Pháp thuộc đến 1943, là "phong kiến,
tư bản, thuộc địa". Tóm lại, có thể thayvăn hóa bằng bất cứ một danh
từ nào khác như: chính trị, kinh tế, giáo dục, pháp luật... cũng được.
Phần ba, Trường Chinh buộc tội: "những thủ đoạn
phát-xít trói buộc văn hoá và giết chết văn hoá Việt Nam", để đi đến
phần bốn, xác định: cách mạng văn hoá phải do Đảng lãnh đạo, và nền văn hóa được
Đảng chọn là văn hoá xã hội chủ nghiã.
Phần năm, kê khai những nhiệm vụ cần kíp mà các nhà văn
hoá mác-xít phải làm ngay:
Đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều
ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son
(Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche) v.v... Làm cho thuyết duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử thắng. Chống chủ nghiã cổ điển, chủ nghiã lãng mạn, chủ
nghiã tự nhiên, chủ nghiã tượng trưng v.v... Làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ
nghiã thắng.
Bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam chính là nguyên nhân sâu
xa của tình trạng suy đồi của văn hoá văn nghệ Việt Nam: bắt buộc sáng tác và
phê bình phải theo con đường duy nhất phục vụ sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng
Sản. Triệt hạ những đường hướng tư tưởng khác. Triệt hạ tài năng cá nhân và
tiêu diệt tự do sáng tác.
● Nguyễn Hữu Đang
Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) theo cách mạng từ buổi đầu, có óc tổ
chức và tài hùng biện, Nguyễn Hữu Đang từng được coi là "cánh tay phải" của
Hồ Chí Minh.
Năm 1929, Nguyễn Hữu Đang gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng
Đồng Chí Hội. Hoạt động đắc lực trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ từ 1938.
1937- 39, làm báo cùng Trường Chinh Đặng Xuân Khu và Trần Huy Liệu.
1943: Tham gia đảng Cộng Cản Đông Dương, liên lạc mật thiết với Tổng bí thư Trường
Chinh và Thành ủy Hà Nội, nhưng chưa được kết nạp.
1943-46: Cùng Trường Chinh sáng lập và lãnh đạo Hội Văn Hóa Cứu
Quốc. Được Hồ Chí Minh giao trách nhiệm tổ chức ngày tuyên ngôn độc lập
2/9/1945. Tham gia Chính phủ lâm thời, làm thứ trưởng Bộ Truyên Truyền, rồi Bộ
Thanh Niên, Chủ tịch Uỷ Ban Vận Động Mặt Trận Văn Hoá. Tổ chức Hội Nghị Văn Hoá
Toàn Quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, "Khai mạc Đại hội văn hoá toàn quốc
lần thứ nhất vào chiều 24/11/1946 có Bác Hồ đến nói chuyện[14]".
Nhưng mãi đến năm 1947, Nguyễn Hữu Đang mới được chính thức kết
nạp vào Đảng. Và năm sau, 1948, ông rời mọi sinh hoạt của Đảng, lui về Thanh
Hoá.
Từ vị trí được xem như "cánh tay phải của cụ Hồ",
"trên cả Ủy Ban Kháng Chiến", tại sao năm 1948, Nguyễn Hữu Đang
lui về Thanh Hoá?
Hoàng Cầm kể: "Vào khoảng tháng 7 năm 48, có Đại Hội
Văn Hóa Toàn Quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch (...) đề ra Văn
Nghệ Kháng Chiến (...) Trong hội nghị có mặt anh Nguyễn Hữu Đang. Sau hội nghị
đó, không hiểu vì lý do gì thì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh
về Thanh Hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh
Đức(...) hình như trong Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường
lối văn nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được,
cho nên anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh Hóa[15]".
Vũ Tường phân tích:
"Trong thời kỳ ban đầu Trường Chinh không thể chi phối được
mọi hoạt động của Văn Hoá Cứu Quốc do đa số những người thực hiện là các trí thức
có ảnh hưởng tư tưởng Dân Chủ Tư Sản. Do điều kiện kháng chiến, Việt Minh không
thể thành lập bộ máy văn hóa riêng để áp đặt đường lối của mình. Mâu thuẫn đã bộc
lộ ra giữa Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh ngay từ lúc tổ chức Hội Nghị Văn Hoá
Cứu Quốc toàn quốc tháng 10 năm 1946 và có thể nói kết thúc bằng Hội Nghị Văn
Hóa toàn quốc lần thứ II xóa bỏ Văn Hoá Cứu Quốc thành lập Hội Văn Nghệ Việt
Nam hoàn toàn theo quỹ đạo của đường lối văn nghệ Maois vào thời điểm tháng 7-
1948[16]".
Vũ Tường có lý, bởi sự bất đồng ý kiến giữa Nguyễn Hữu Đang và
Trường Chinh lộ rõ trong những bài Nguyễn Hữu Đang viết trên Tiên Phong năm
1945. Cách tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc I của Nguyễn Hữu Đang cũng bất chấp
đường lối độc tôn của Đảng Cộng Sản (Xem chương 9, về Nguyễn Hữu Đang).
Tháng 7/1948 tại Việt Bắc có hai hội nghị:
Hội Nghị Văn hoá Toàn Quốc II (15/7/48) do Trường Chinh chủ trì,
đọc bàiChủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam, quyết định bỏ Hội Văn Hoá Cứu Quốc, lập
Hội Văn Nghệ, Nguyễn Hữu Đang có tham dự.
Hội Nghị Văn Nghệ Toàn Quốc I, từ 23 đến 25/7/48, chính thức ra
mắt Hội Văn Nghệ, Nguyễn Hữu Đang không tham dự. Sự đoạn tuyệt này có nhiều lý
do, nhưng lý do chính đến từ nội dung bài Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt
Nam của Trường Chinh.
Vậy nội dung bản báo cáo này ra sao?
● Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam
Bản báo cáo Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam được nhà
xuất bản Sự Thật in thành sách - Chúng tôi không có văn bản này. Phần VII, được
in trên báo Văn Nghệ số 6 tháng 11/48, dưới tiêu đề "Mấy vấn đề thắc
mắc trong văn học nghệ thuật[17]".
Bài "Mấy vấn đề thắc mắc trong văn học nghệ thuật" đặt
trọng tâm trả lời những thắc mắc của người làm văn học nghệ thuật, đồng
thời đưa ra những chủ đích:
1- Đồng hoá nghệ thuật với tuyên truyền và xác định: "Tuyên
truyền của phe xâm lược, phản động là tuyên truyền phản chân lý. Tuyên truyền của
phe cách mạng là tuyên truyền chân thật, phù hợp với chân lý rõ ràng".
2- Khẳng định khuynh hướng sáng tác: Hiện thực xã hội chủ nghĩa.
3- Chỉ ra đường lối "phê bình đúng nguyên tắc",
"chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch".
4- Cho rằng "Quần chúng là nhà phê bình nghệ thuật
sành hơn ai hết, chính vì quần chúng gồm nhiều tai, mắt, óc khôn và có cảm giác
chung đấu lại. Không một nhà phê bình nào sánh được với quần chúng về mặt
đó".
5- Chỉ 4 điều cho nhà văn noi theo, để "làm sao cho
sáng tác văn nghệ được tốt".
6- Xác định sáng tác thi đua: "Đối tượng sáng tác văn
nghệ của ta là nhân dân". "Sáng tác văn nghệ có cả một nguồn cổ vũ mạnh
mẽ là phong trào thi đua".
Tóm lại, con đường văn học nghệ thuật của Đảng do Trường Chinh vạch
ra năm 1948, gồm những yếu tố: Văn nghệ tuyên truyền. Văn nghệ thi đua. Hiện
thực xã hội chủ nghĩa. Đả kích tư tưởng phản động của địch. Sáng tác cho nhân
dân. Nhân dân làm chủ phê bình.
Là người làm văn hoá, dĩ nhiên Nguyễn Hữu Đang từ chối con đường
văn nghệ này. Và trong kháng chiến, không chỉ có một Nguyễn Hữu Đang chống lại
đường lối văn hoá văn nghệ của đảng, còn nhiều tiếng nói khác, Hoàng Trung
Thông kể về Nguyễn Mạnh Tường và Trương Tửu:
"Cuộc tranh đấu tư tưởng duy nhất ở Liên Khu Bốn
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cuộc đấu tranh với một số quan điểm của
Nguyễn Mạnh Tường. Trong một cuộc nói chuyện Nguyễn Mạnh Tường cho rằng văn nghệ
ta như một cái chuồng nhốt các văn nghệ sĩ trong đó".
"Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - bấy giờ là bí thư Đảng bộ
Liên Khu Bốn, đã có ý kiến về những luận điểm tơ-rốt-kít của Trương Tửu trong
buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong cuộc đấu tranh
chính trị năm 1952, Trương Tửu bị đưa ra phê phán gay gắt[18]".
Hà Xuân Trường kể về Tô Ngọc Vân:
"Anh Tô Ngọc Vân tỏ ý không đồng tình về sự phân tích
của đồng chí Trường Chinh về chủ nghiã "quy-bít". Nhưng anh Trường
Chinh không trực tiếp trả lời, và tờ Sự Thật không lên tiếng, để tránh gây các
mặc cảm không cần thiết đối với anh chị em văn nghệ đang đến với Đảng, và tự
giác chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bài viết của tôi thảo luận với anh Tô Ngọc
Vân, ký tên Lê Trọng Lâm, lại đăng trên tạp chí Văn Nghệ".
Thái độ của Trường Chinh đối với những người chống đối rất khôn
khéo: ông không ra mặt trả lời, chỉ khuyên cấp dưới "cần phải đấu tranh tư
tưởng nhưng đừng nặng lời quá; vì lúc bấy giờ chúng ta đang cần phải đoàn kết để
kháng chiến chống Pháp, mặc dầu đoàn kết không có nghiã là thủ tiêu đấu tranh[19]".
Tóm lại, đã có những người làm văn hoá văn nghệ bắt đầu thắc
mắc về đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng Sản và lên tiếng phản đối
ngay từ 1948. Những thắc mắc này càng lớn mạnh sau 1954, kết hợp
thành sự phản kháng toàn diện trong phong trào NVGP.
Nguyễn Hữu Đang, bỏ về Thanh Hoá, cộng tác với nhà xuất bản Minh
Đức từ 1948. Nhưng tại sao năm 1954, ông trở lại hoạt động? Mọi việc trong chế
độ cộng sản không thể tình cờ, ngoài ra Trường Chinh mâu thuẫn với Nguyễn Hữu
Đang, chưa chắc đã muốn Đang về. Vậy việc gọi ông trở lại phải do lệnh của Hồ
Chí Minh. Hoàng Cầm kể: "Đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, tôi cũng
chỉ được nghe kể lại chứ không được chứng kiến, là như sau: Ông Trường Chinh có
hỏi ông Tố Hữu: Anh Đang anh ấy đã không làm việc gì từ lâu rồi, từ mấy năm
nay, thì bây giờ hòa bình thắng lợi rồi, ta phải mời anh ấy ra làm việc chứ. Thế
là anh Tố Hữu cũng nghe theo và mời anh Đang ở Thanh Hóa ra[20]".
Nguyễn Huy Tưởng, là người được cử vào Thanh Hoá mời Nguyễn Hữu
Đang. Và theo Hoàng Cầm, khi Nguyễn Hữu Đang ra, Tố Hữu đề nghị chức giám đốc Sở
Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu Đang từ chối, ngỏ ý muốn làm báo Văn
Nghệ, Tố Hữu đành phải bằng lòng.
● Những thắc mắc
Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI: "Anh Đang về báo Văn Nghệ,
nhưng anh Đang là người đặc biệt có tài tổ chức: trong kháng chiến anh ấy đã tổ
chức Thanh Niên Xung Phong, tổ chức Mặt Trận Bình Dân Học Vụ, sau đó lại là tổ
chức Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc. (...) Vì anh ấy có tài tổ chức cho nên anh ấy
tổ chức ngay hai cuộc phê bình trong văn học:
Thứ nhất là cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng Quán
(...) Và tổ chức một lớp học tập chính trị, đầu đề tài liệu học tập là "Những
tài liệu của Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ".
Về không khí của lớp học này, Hoàng Cầm kể:
"Buổi sáng học, buổi chiều làm việc cơ quan. Tôi nhớ học 18
ngày. Nhưng từ hôm mở lớp đến độ ngày thứ năm thì có cái mục gọi là liên hệ thực
tế. Tất cả các văn nghệ sĩ ở các tỉnh hoặc đi tập kết về Hà Nội, thì họ đều
nêu lên những thắc mắc, mà phải nói là những thắc mắc ghê gớm về vấn đề văn nghệ
và lãnh đạo văn nghệ. Nó gần như là một cuộc tố khổ: các văn nghệ sĩ đều nói ra
những thắc mắc về việc lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo trung ương nữa, đối với
văn nghệ (...) Toàn là những thắc mắc mà anh em lôi ra từ thực tế trong kháng
chiến và thực tế trong hòa bình lập lại".
Trong băng ghi âm Hoàng Cầm cho biết: Đến năm 1956, chúng
tôi, tức là một số văn nghệ sĩ trí thức tự nhận thấy những trái ngược trong xã
hội, những lý tưởng mà mình mang đi kháng chiến chống Pháp đều sụp đổ hết. Những
nhà trí thức như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường,
cũng đều thấy chán nản, hụt hẫng, thấy bị rơi vào cái bẫy.
Georges Boudarel, trong Cent fleurs écloses dans la nuit du
Vietnam đặt trọng tâm trên hai chữ thắc mắc mà Hoàng Cầm dùng,
theo ông đây là một thứ mây mù của ý thức, một kỷ xảo nói mà như không nói, một
nghệ thuật không gọi sự vật theo tên của nó.
Hai chữ thắc mắc theo Boudarel, không thể dịch sang tiếng
Pháp, là trung tâm của vấn đề:
Trong một nước mà cuộc đấu tranh chống thực dân, giành độc lập,
bảo vệ truyền thống dân tộc, được phất lên dưới ngọn cờ của chủ nghiã
Mác-Lê-Mao như một nghịch lý, thì thắc mắc là đứa con lai lạ lùng, sinh ra từ
cuộc tình vừa nóng bỏng vừa tương phản vừa không thể thú nhận được giữa quốc tế
vô sản và lòng ái quốc cực đoan.
Chủ nghiã cộng sản mà người ta du nhập vào đã thủ tiêu nhanh
chóng mọi hình thức tự do phát biểu của xã hội dân sự kể cả những người ủng hộ
nhiệt thành. Năm 1950, khi chủ nghiã Mao ào ạt tràn vào, với những đợt chỉnh huấn,
phát hiện, tố giác, kiểm thảo, tự kiểm thảo... mang lại những hậu quả tai hại.
Nếu năm 1946, hầu hết mọi thành phần dân tộc đều đi theo kháng
chiến chống Pháp, thì tới 1950, nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong đó
có Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương... đã không thể chịu được, họ phải quay "về
thành".
Sự phản kháng của họ mang tính chất bi đát, bởi họ phải chọn lựa
giữa hai con đường: hoặc tiếp tục chống thực dân Pháp thì phải theo chủ nghiã cộng
sản Mao; hoặc chống cộng sản Mao thì phải vào vùng Pháp đóng. Bị xâu xé giữa, một
bên là lòng yêu nước thúc đẩy họ phải chấp nhận tất cả để chiếm lại tổ quốc đã
mất và một bên là cái vốn văn hoá Tây phương thúc đẩy họ đòi hỏi một thứ tự do
không thể có được với đảng Cộng Sản. Người trí thức, những năm tháng ấy, vừa
như sống một bản hùng ca, lại vừa chịu một bi kịch gậm nhấm từ bên trong.
Đại đa số thành phần dân tộc, trong đó có người trí thức, tìm
cách hoà mình với đời sống mới, từ đó nẩy sinh những thắc mắc: Nền dân chủ cộng
hoà, do Hồ Chí Minh tạo dựng, có mang lại độc lập thật sự cho nước Việt không?
Những người có thắc mắc trong lòng muốn tin vào lãnh đạo của họ nhưng trong
thâm tâm vẫn không thể nào tin được. Chỉ biết là mình có những thắc mắc không
thể nói ra. Cái hình thức đối lập bị dồn nén, sự phản kháng bị chôn vùi, chỉ được
nói thầm, nói một nửa, đọc giữa hai hàng chữ, đoán ngầm những ngụ ý... trở
thành một phần của đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Và những vấn đề mở
ra từ năm 1956, với NVGP, vẫn còn đúng với hôm nay[21].
Những thắc mắc tạm ngủ yên trong chiến tranh, nhưng
bùng lên sau 1954, và trong lớp học 18 ngày, Nguyễn Hữu Đang đã bắt mạch được
tình thế, mạnh bạo đứng lên, đặt với lãnh đạo những câu hỏi cần thiết.
Đáp lời ông, văn nghệ sĩ trí thức cùng đứng lên xây dựng phong
trào NVGP.
Trong tiểu thuyết Une voix dans la nuit - Tiếng vọng
trong đêm, viết 37 năm sau, luật sư Nguyễn Mạnh Tường cho rằng Đảng giăng ra một
chính sách quỷ quyệt đưa những trí thức dân chủ vào bẫy để bắt trọn ổ.
● Từ xuân 1956 sang thu 1956
Có thể chia NVGP làm hai giai đoạn: Giai đoạn I gắn bó
với Giai Phẩm Mùa Xuân và giai đoạn II gồm toàn bộ những tờ báo
phát hành từ tháng 8/1956 đến tháng 12/56.
Giai đoạn I: Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời cuối tháng
1/1956. Hơn một tuần sau, nhiều sự kiện quan trọng xẩy ra:
9/2/56, Tố Hữu sai người gọi Lê Đạt lên Tuyên Huấn.
16/2/56: Lê Đạt lên trình diện, bị giữ lại kiểm thảo 15 ngày. Hạ
tuần tháng 2/56 có hai "đại hội":
- Đại Hội Tuyên Huấn luận tội Giai Phẩm Mùa Xuân. Tố Hữu ra lệnh
bắt Trần Dần, Tử Phác. Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ, được đưa đến bệnh viện.
Ngày 21/2/56 Trần Dần viết thư cho tướng Nguyễn Chí Thanh. Trần Dần, Tử Phác được
tha ngày 5/5/56.
- Đại Hội Văn Nghệ, ở 51 Trần Hưng Đạo, khoảng 150 văn nghệ sĩ,
chủ yếu đánh Trần Dần.
Chiến dịch đánh Trần Dần trên báo bắt đầu ngày 7/3/1956 với bài
viết của Hoài Thanh trên báo Văn Nghệ số 110. Giai phẩm bị dập tắt lần thứ nhất.
Giai đoạn II, khởi sự sau biến cố lớn ở các nước cộng sản
và trong đảng Cộng Sản VN:
Ngày 24/2/1956, tại đại hội XX của đảng Cộng sản Liên Xô:
Khrouchtchev đọc bản phúc trình mật về tội ác của Staline. Ngày 26/5/1956, Mao
Trạch Đông phát động phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng".
Ngày 28/6/1956, Ba Lan nổi dậy. Những biến cố này ảnh hưởng trực tiếp đến chính
quyền miền Bắc, luôn hành động rập theo đường lối Liên Xô - Trung Quốc:
Đảng Lao Động mở rộng chính sách học tập tự do dân chủ - Lớp học
18 ngày trong tháng 8/1956. Đảng phát động chính sách Sửa Sai, sau cuộc Cải
Cách Ruộng Đất 1953 -1956. Tại Hội Nghị Thứ X của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng,
từ 25/8/56 đến 24/9/56, Trường Chinh bị "nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm"trong
công tác Cải Cách Ruộng Đất, phải tự kiểm thảo và xin từ chức. Hoàng Quốc Việt
và Lê Văn Lương bị loại khỏi Bộ Chính Trị. Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp Hành
Trung Ương Đảng. Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức Chủ tịch Đảng và Tổng bí thư từ
9/1956 đến 9/1960[22].
Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, đọc bản "thú nhận" bẩy
sai lầm, đại ý:
1/ Phủ nhận thành tích của những người chống Pháp.
2/ Coi phú nông như địa chủ.
3/ Đả kích tràn lan, không phân biệt những người có công với
cách mạng.
4/ Dùng những biện pháp trấn áp, đánh địch, tràn lan phổ biến.
5/ Làm sai phạm chính sách tự do tôn giáo.
6/ Không coi trọng phong tục tập quán địa phương (các vùng thiểu
số).
7/ Không dùng giáo dục mà truy bức (tra tấn) để chính đốn[23].
Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11 năm 1956: không những Giai Phẩm
Mùa Xuân được in lại mà còn ra tiếp 4 số nữa, tổng cộng là 5 số Giai Phẩm và 5
số Nhân Văn. Ngoài ra, còn có 1 số Đất Mới của sinh viên và 11 số Trăm Hoa
của Nguyễn Bính, ra từ tháng 10/56 đến tháng 1/57; thêm báo Nói Thật của Hoàng
Công Khanh và Tập San Phê Bình, xuất hiện tới cuối năm 1957. Cuối tháng 11/56,
trên các báo Nhân Văn và Giai Phẩm, nhà xuất bản Minh Đức còn quảng cáo mời độc
giả tìm đọc Tự Do Diễn Đàn và Sáng Tạo (chuyên về điện ảnh kịch trường). Rút cục
Tự Do Diễn Đàn in xong bị cấm. Nhưng Văn, báo chính thức của Hội Nhà Văn, sang
năm 57 vẫn còn in bài của những người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đến số 36,
ra ngày 10/1/58, Văn mới bị đình bản vì đăng bài Ông Năm Chuột của
Phan Khôi.
Cuộc Cách Mạng Mùa Thu Của Tư Tưởng đã xẩy ra.
Nhân Văn Giai Phẩm được phát triển trở lại cùng thời với vụ Sửa
Sai Cải Cách Ruộng Đất và bị dập tắt bốn tháng sau, dưới thời Hồ Chí Minh
làm Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư. Vậy ai là người trách nhiệm chính?
● Ai trách nhiệm vụ Nhân văn giai phẩm?
Trả lời câu hỏi chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm như thế nào
về vụ NVGP, Nguyễn Hữu Đang tuyên bố: "Cái việc mà người ta cứ nói là
việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ Hồ không thực tiễn
làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc gì mà có dư luận
kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng vào vị lãnh tụ
mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh hóa cụ Hồ. Vì
cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hóa
trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy
đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc nào cụ cũng có uy tín với
dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng, đối với những người lãnh
đạo khác. Chắc bà cũng biết rằng những vị lãnh đạo khác của đảng, đối với cụ Hồ
là học trò chứ không phải như ở các đảng Cộng Sản khác đâu. Cho nên uy tín của
cụ Hồ, quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc
đó cụ Hồ cũng đồng tình làm.
Có thể nói tóm một câu là cho đến mấy năm sau cùng, vì cụ
yếu cụ ít chăm nom công việc, cụ khoán cho Bộ Chính Trị, cụ ít can thiệp trực
tiếp, chứ còn trước đó thì bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ
cả. Hay cũng ở cụ, dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm, điều đó rõ ràng.
Có khi nào một lãnh tụ tối cao đối với dân tộc, lãnh tụ tối
cao của Đảng mà lại không có trách nhiệm về việc nọ, việc kia. Điều đó không
đúng. Chế độ gọi là "báo cáo thỉnh thị" rất chặt chẽ trong nội bộ đảng
Cộng Sản và trong bộ máy chuyên chính của nhà nước cũng thế, nghiêm ngặt lắm[24]".
Nhận định trên đây của Nguyễn Hữu Đang phù hợp với một số nhận định
khác của những người trong Đảng về vai trò của Hồ Chí Minh trong đời sống văn
hóa văn nghệ. Hà Xuân Trường viết về vai trò của Đảng trong "Mặt trận văn
hoá văn nghệ" và địa vị chỉ đạo của Hồ Chí Minh như sau:
"Sự đầu tư công sức và tâm huyết của Đảng vào mặt trận này [tức
"Mặt trận văn hoá văn nghệ"] là đáng kể: từ Bác, đến các anh Trường
Chinh, Tố Hữu. Cần nhắc thêm vai trò của Bác và các ý kiến của Bác căn dặn
giới báo chí và văn hoá - văn nghệ ngay từ buổi đầu này. Bác thường gửi bài cho
báo Đảng, trên Sự Thật lúc ấy, cũng như trên tờ Nhân Dân sau này[25] dưới
các bút danh ta đã quen thuộc: C.B[26],
X.Y.Z[27],
A.G (chúng tôi thường gọi Anh Già)... Điều đặc biệt là Bác viết rất ngắn và mỗi
lần gửi bài cho báo, Bác thường viết luôn một loạt có đánh số thứ tự. Bác dặn
anh em chúng tôi là đánh số như thế để cho bạn đọc và cả Bác dễ nhớ, bao giờ gần
hết bài thì Bác chỉ cần xem trên báo là Bác biết để Bác kịp viết tiếp,
"các chú không cần phải nhắc[28]".
Và ông xác định vai trò của từng người trong giai cấp lãnh đạo:"Công
tác văn hoá - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ đạo của Tiểu ban tuyên truyền
do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này được Trung Ương giao trực tiếp
tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ. Tôi là người của Tiểu ban tuyên truyền, làm
tờ Sự Thật, do vậy mà có trách nhiệm liên lạc giữa Trung ương và bộ phận văn
hoá - văn nghệ, giữa anh Trường Chinh và anh Tố Hữu. Trách nhiệm chính là làm
sao giúp Trung ương nắm tình hình văn nghệ, và từ góc độ báo Đảng, mà góp phần
gợi giúp cho người văn nghệ mạnh dạn đi vào quần chúng, dần dần nắm hiểu đời sống,
tham gia công tác cách mạng, và khắc phục từng bước các ảnh hưởng của cách nhìn
và thói quen cảm xúc tiểu tư sản (...) Anh (Trường Chinh) còn cho biết
thêm là bản báo cáo (Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam)tuy là do anh trực
tiếp soạn thảo, nhưng đã được ban thường vụ Trung ương thông qua và Bác đã xem
và góp ý kiến[29]".
Hoàng Trung Thông cũng cho biết: "Sau này tôi mới biết
cuốn truyện về chiến sĩ thi đua đầu tiên là do Bác Hồ viết để làm mẫu cho những
người khác viết theo[30]".
Tháng giêng năm 1956, Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, thể hiện tự
do sáng tác, bị dập tắt ngay. Vậy có thể hiểu là Trường Chinh đã giao cho Tố Hữu,
người có tư thù với Hoàng Cầm, Trần Dần và Lê Đạt trong việc phê bình tập thơ
Việt Bắc, xử lý vụ Giai Phẩm Mùa Xuân, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh.
Trong tháng 8 và 9 năm 1956, có hai sự kiện trùng hợp đáng kể: Đảng
phát động Sửa Sai trong đại hội X và phong trào NVGP phát triển trở lại.
Vậy quyết định cho phép Hội Văn Nghệ tổ chức lớp học tập dân chủ
18 ngày, theo đường lối Liên Xô, trong tháng 8/1956, đến từ ai, nếu không là Hồ
Chí Minh?
Lớp học này do Nguyễn Hữu Đang phụ trách. Chọn Nguyễn Hữu Đang
cũng là do Hồ Chí Minh bởi Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang là kình địch về mặt
chính trị văn hoá.
Vai trò của Nguyễn Hữu Đang sẽ nổi bật trong lớp học này và bài
tham luận ông đọc ngày 26/8/56 tổng kết lớp học sẽ là cái mốc quan trọng đẩy mạnh
tiến trình đòi hỏi tự do dân chủ, việc thành lập báo Nhân Văn và tục bản
Giai Phẩm, tạo nên cuộc Cách Mạng Mùa Thu của Tư Tưởng.
Tháng 10/56 Hungary nổi dậy. Tháng 11/56 xe tăng Xô Viết tiến
vào Budapest.
Ngày 9/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ quyền tự do báo
chí. Đóng cửa báo Nhân Văn. Nhân Văn và Giai Phẩm bị dập tắt, lần thứ nhì,
tháng12/56.
Tháng 2/57 trong Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quốc II, họp từ 20 đến
28/2 tại Hà Nội, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát âm mưu phản
động" của nhóm NVGP.
Năm 1957, Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô và Mông Cổ, ghé Bắc Kinh để
học tập chính sách của Mao Trạch Đông đánh phái hữu[31].
Huy Cận và Hà Xuân Trường cũng được cử đi học tập chính sách của Trung Quốc.
Khi họ trở về, tháng 2/58 việc thanh trừng NVGP được tổ chức quy mô và toàn diện
trong hai lớp đấu tranh Thái Hà.
[1] Trích bản dịch từ tiếng Đức của
Talawas.
[2] Vấn đề Cải Cách Ruộng Đất sẽ được
trình bầy trong chương 24.
[3] Phạm Duy, Hồi ký II, Thời cách mạng
kháng chiến, Phạm Duy Cường, California, 1989.
[4] Quân Khu Bốn: từ Thanh Hoá đến Thừa
Thiên.
[5] Con rể Phạm Quỳnh, bị bắt cùng với Phạm
Quỳnh năm 1945.
[6] Nguyễn Tiến Lãng, Les chemins de
la révolte - Những nẻo đường nổi dậy, Amiot-Dumont, Paris, 1953; Ý Việt,
Paris, 1989.
[7] Theo Heinz Schutte, Nguyễn Sơn trở lại
Trung Quốc năm 1951.
[9] Sự thực Hồ Chí Minh không phải là người viết những văn bản
ký tên Nguyễn Ái Quốc, xin xem phần "Phân tích văn bản Nguyễn Ái Quốc",
ở chương 18, 19.
[13] Tiên Phong số 1, 10/11/45, Sưu tập trọn bộ Tiên Phong
1945-1946 của Lại Nguyên Ân, Hội Nhà Văn, 1996.
[16] Lê Hoài Nguyên, bđd, trích Vũ Tường, Ngày nay cách mạng
Đông Dương phải hiện nguyên hình: Bước ngoặt dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp và
nội chiến Việt Nam vào năm 1948. Journal of Southeast Asian Studies, 40, 3/10/
2009), 519- 542. Bản dịch tiếng Việt của Talawas số Mùa Thu chuyên đề Bao
nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?
[17] In lại trong cuốn Cách Mạng kháng chiến và đời sống
văn học, tập II, đổi tên thành "Mấy vấn đề cụ thể trong văn học
và nghệ thuật".
[18] Trích bài Trên địa bàn văn nghệ khu Bốn và Việt Bắc,
Hoàng Trung Thông kể, Tôn Phương Lan ghi, in trong Cách mạng kháng chiến
và đời sống văn học, tập I, Tác Phẩm Mới, 1985, trg 181-187.
[21] Tóm lược phân tích của Boudarel trong Cent
fleurs écloses dans la nuit du Vietnam từ trang 9 đến 20.
[22] Sau đó là thời kỳ Lê Duẩn làm Tổng bí thư, từ 9/1960 đến
7/1986, thời kỳ này xẩy ra vụ Xét Lại Chống Đảng.
[23] Toàn văn in trên Nhân Dân số 970, ngày 31/10/1956, in lại
trong Từ thực dân đến cộng sản của Hoàng Văn Chí, Chân Trời Mới,
Paris 1962, trang 281-282. Sách có bản điện tử trên Talawas.
[28] Hà Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn
học, tập II, Tác Phẩm Mới, 1987, trang 44-45.
[30] Hoàng Trung Thông, Cách mạng kháng chiến và đời sống
văn học, tập I, Tác Phẩm Mới, 1985, trang 191.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét