UNE VOIX DANS LA
NUIT - CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ CẢI TẠO TƯ SẢN
Trong buổi nói chuyện trên RFI tháng 9/1995, trả lời câu hỏi:
"Từ sự đoàn kết dân tộc thời toàn quốc kháng chiến 1946, đến thời kỳ phân
hoá chia rẽ dân tộc chỉ có 10 năm. Tại sao?" Nguyễn Hữu Đang giải
thích:
"Có thể hiểu việc đó như thế này: Ngay trong cương
lĩnh của đảng Cộng Sản Đông Dương cũng ghi rõ là làm cách mạng để tiến tới Cách
Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Cho nên 10 năm sau, nhất định nước Việt Nam phải tiến
lên Chủ Nghĩa Xã Hội và muốn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì phải tiến hành Đấu
Tranh Giai Cấp, phải xóa bỏ địa vị, quyền lợi của hai giai cấp bóc lột là giai
cấp địa chủ và giai cấp tư sản. Trước kia đoàn kết Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc,
giờ đây phải Đấu Tranh Giai Cấp để tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong Đấu Tranh
Giai Cấp như thế thì quyết liệt lắm, có ảnh hưởng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa
Mao Trạch Đông là quá tả, rất ác liệt, (...) Chúng tôi chống, là chống cái chủ
nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông.
Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì Chỉnh Huấn, Chấn Chỉnh Tổ Chức, Ðăng Ký Hộ Khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc".
Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì Chỉnh Huấn, Chấn Chỉnh Tổ Chức, Ðăng Ký Hộ Khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc".
Lịch trình 10 năm tiến lên Xã hội chủ nghiã ở Việt Nam đã xẩy ra
như sau:
Đầu năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật đi Liên Xô và Trung Quốc về.
Heinz Schütte phân tích: "Tháng 1/1950, Đại Hội III Đảng Cộng Sản,
tuyên bố Việt Nam chính thức đi theo đường lối Trung Quốc và đẩy mạnh chủ
trương đấu tranh giai cấp trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những
người bị cho là những "phần tử phản cách mạng". Sách vở Trung Quốc, đặc
biệt những tác phẩm của Mao được dịch ra tiếng Việt -vài tác phẩm do chính Hồ
Chí Minh dịch- để truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng
chủ nghiã Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt
Nam. Tại chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khoá chỉnh huấn tư tưởng
dành cho trí thức"[1].
Mấu chốt cuộc cách mạng vô sản là Đấu Tranh Giai Cấp. Từ Đấu
Tranh Giai Cấp nẩy sinh Chỉnh Huấn. Chỉnh Huấn chuẩn bị cho Giảm
Tô. Sau Giảm Tô đến Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản, và Thanh
Trừng Trí Thức. TừTrung Quốc về, Hồ Chí Minh bắt tay vào việc thực hiện những
chiến dịch này từ 1950 đến 1960 để hoàn thành cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghiã.
Cho đến nay, hai tác giả viết về tiến trình 10 năm tiến lên Xã Hội
Chủ Nghiã một cách rõ ràng nhất là Hoàng Văn Chí trong Từ thực dân đến Cộng
sản và Nguyễn Mạnh Tường trong Une voix dans la nuit - Tiếng vọng
trong đêm. Sách của Hoàng Văn Chí - Mạc Định, dưới dạng nghiên cứu, ra đời
từ 1962, nguyên tác tiếng Anh, đã được dịch sang tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha và tiếng Việt do chính tác giả dịch, đã được phổ biến rộng rãi và Phạm
Thị Hoài đưa lên Talawas những năm gần đây.
Tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường, trong khi chờ đợi bản đánh máy,
kèm với bản chụp ảnh và bản dịch sẽ đưa dần lên Internet, chúng tôi dịch và giới
thiệu những phần chính, giống như việc Boudarel đã làm khi ông giới thiệu bài Qua
những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" của
Nguyễn Mạnh Tường sang tiếng Pháp cách đây hơn 20 năm. Nhưng trước khi đọc Nguyễn
Mạnh Tường, chúng ta cần tóm tắt lại chiến dịch Cải Cách Ruộng Đấtqua sự
trình bầy của Hoàng Văn Chí.
● Chỉnh Huấn
Theo Hoàng Văn Chí, hồi ở Khu Tư, Nguyễn Sơn có viết mấy cuốn
sách nhỏ về Chỉnh Quân, Chỉnh Phong, và Chỉnh Đảng[2], vì
không ưa Nguyễn Sơn nên Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp không dùng, chỉ chép lại
những nét đại cương, lập nên phong trào Rèn Cán Chỉnh Cơ[3].
Sau này, khi Nguyễn Sơn đã trở lại đất Tầu, năm 1951 và các cố vấn Trung Quốc
đã sang Bắc Việt để huấn luyện, Đảng mới áp dụng phương pháp "cải tạo
tư tưởng" hoàn toàn theo kiểu Mao, gồmChỉnh Phong, Chỉnh Đảng hợp
lại gọi là Chỉnh Huấn.
Vì mọi cấp bậc đều phải đi học, nên Chỉnh Huấn chia
làm nhiều đợt để mọi người có thể thay phiên nhau nghỉ việc, đi học. Mỗi khoá chỉnh
huấn dài ba tháng, thêm một tháng sắp xếp ăn ở. Vì vậy, mỗi chiến dịch chỉnh
huấn kéo dài từ 1 năm đến 18 tháng, cán bộ cao cấp đi học trước, rồi về dạy học
viên khoá đầu.
Bài học do Trường Chinh soạn, nhưng một phần được in lại từ cuốn
sách Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc của XYZ - một biệt hiệu của Hồ Chí Minh
- do nhà xuất bản Sự Thật in và chính ông Hồ viết năm 1946. Vẫn theo Hoàng Văn
Chí, khi học viên có thắc mắc mà giáo viên đả thông không nổi, thì ông Trường
Chinh, tổng bí thư Đảng sẽ đến. Nếu ông Trường Chinh cũng không thuyết phục được,
thì ông Hồ sẽ thân hành đến. Chưa có thắc mắc nào mà ông Hồ không đả thông nổi.
Khoá chỉnh huấn 1953-1954, mà ông Hoàng Văn Chí tham dự, gồm 5 bài học: 1- Thái
độ học tập. 2- Lịch sử cách mạng Việt Nam. 3- Tình hình mới, nhiệm vụ mới. 4-
Tác phong cán bộ và đảng viên. 5- Cải Cách Ruộng Đất.
Bài học thứ 5, về Cải Cách Ruộng Đất, nhắm vào năm điểm chính:
1/ Bản chất nông dân rất thực tế - tức là hám lợi.
2/ Vậy để họ phấn khởi, ta nên cấp phát cho họ đủ ruộng đất cầy
cấy, thành chủ nhân ông ruộng đất của mình.
3/ Địa chủ là thành phần bóc lột. Là kẻ thù số một của nhân dân.
4/ Nhưng chỉ có nhân dân mới biết rõ, ai là địa chủ phản động
gian ác.
5/ Vậy phải để cho nhân dân lãnh đạo đấu tố. Đảng đứng sau hướng
dẫn.
Tài liệu chính trong bài học thứ 5 này là bản báo cáo của Trường
Chinh đọc tại Đại hội I của Đảng Lao Động, họp tại Việt Bắc từ 14 đến
23/11/1953.
Trường Chinh lập luận: Chế độ cũ là chế độ bóc lột. Việt Nam có
5% dân số địa chủ, chiếm 70% diện tích ruộng đất trong nước. Nếu lấy lại ruộng
đất ấy, chia đều cho mọi người thì mỗi gia đình sẽ được 1 héc-ta. Địa chủ luôn
luôn cấu kết với đế quốc Pháp. Địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù. Phải tiêu
diệt cả hai: Phản đế là tiêu diệt đế quốc Pháp. Phản phong là chống phong kiến,
tức là tiêu diệt giai cấp địa chủ[4].
Vì người Việt không dễ dàng chấp nhận chính sách Cải Cách
Ruộng Đất theo kiểu Mao, nên Đảng phải tổ chức các chiến dịch Chỉnh
huấn để đả thông tư tưởng.Những người tham dự Chỉnh huấn xuất thân trung
lưu hoặc khá giả, họ phải chấp nhận lập luận của Đảng, với hy vọng, nếu có bị
ghép vào thành phần địa chủ, thì cũng là địa chủ tiến bộ, đã theo kháng chiến
và theo Đảng[5].
● Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất
Cuộc Cải Cách Ruộng Đất được thực hiện qua hai chiến dịch: Giảm
Tô 1953-54 và Cải Cách Ruộng Đất đích thực 1954-56, đều có đấu tố và xử bắn địa
chủ. Hai chiến dịch này không thực hiện cùng một lúc trên toàn quốc, mà làm từng
đợt ở những vùng mà đảng cộng sản nắm vững, thành một vết dầu loang.
Mỗi chiến dịch có 5 đợt. Cả hai chiến dịch đều nhắm mục
đích tiêu diệt toàn bộ địa chủ để thành lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông
thôn.
Vài tháng sau cuộc "Đấu Tranh Chính Trị" - là cuộc khủng
bố từ tối 23/12 Nhâm Thìn tức là ngày 7/2/1953, nhằm ngày ông Táo chầu trời,
kéo dài trong nửa tháng, tiêu diệt tất cả thành phần phản động - chính quyền mới
bắt đầu thực hiện chiến dịch Giảm Tô.
Về Giảm Tô[6], từ
1949 đã có sắc lệnh Giảm Tô của Hồ Chí Minh, bắt địa chủ phải giảm
thu địa tô 30%, giống chính sách Giảm Tô thuần tuý thực hiện ở Trung
Quốc trước 1949, trong vùng Mao chiếm đóng. Chiến dịch Giảm Tô 1953 của
Hồ Chí Minh, là phần đầu chính sách Cải Cách Ruộng Đất, có đấu tố và xử bắn
địa chủ; chỉ khác Cải Cách Ruộng Đất ở điểm: Giảm Tô giới hạn
trong số ít người, còn Cải Cách Ruộng Đất, số người bị quy là địa chủ tăng
gấp năm lần so với Giảm Tô.
Thực chất Giảm Tô như sau:
Một đoàn cán bộ đã được huấn luyện ở Trung quốc giả dạng làm
nông dân bí mật về làng. Họ thực hành chính sách gọi là ba cùng -
cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với chủ nhà- trong ba tháng, làm giúp mà không lấy
công, góp phần ăn với chủ nhà. Họ có nhiệm vụ điều tra và "giác ngộ" người
nông dân về sự tàn ác của địa chủ. Người nông dân được "giác ngộ" gọi
là "rễ", và công tác kể trên gọi là"bắt rễ". Từ
đó, cán bộ chỉ hành động qua cái "rễ", và rễ A sẽ
kết nạp B, B kết nạp C... việc này gọi là "xâu chuỗi"; B,
C, D... được gọi là cốt cán. Sau vài tháng hoạt động như vậy, cán
bộ có đầy đủ thông tin về cả làng và sẽ báo cáo bí mật với Đoàn Cải Cách Ruộng
Đất đóng ở tỉnh. Cán bộ quy định tất cả các thành phần trong làng, đặc biệt
thành phần địa chủ và gán cho người nào những tội gì.
Tới lúc đó Đội Cải Cách Ruộng Đất mới ra mắt công
khai, đứng lên điều khiển mọi việc trong làng, thay mặt cơ quan hành chính địa
phương. Chiến dịch có 6 bước liên tiếp:
1/ Định thành phần.
2/ Phân loại địa chủ.
3/ Tống tiền: Địa chủ bị bắt rồi, vợ con sẽ phải trả ngay một số
tiền gọi là"thoái tô" hoặc "nợ nông dân" tức
là phải trả lại số tô đã thu "quá mức" trong 4, 5 năm vừa qua.
4/ Tố khổ: Nông dân được học tập cách tố khổ, lập danh sách tội
ác của địa chủ.
5/ Đấu địa chủ: Địa chủ được mang ra đấu trường.
6/ Xử án địa chủ: Vài ngày sau cuộc đấu, một toà án nhân dân đặc
biệt tới xã, xử những người bị tố, toà án toàn là bần cố nông không ai có kiến
thức về luật pháp.
Chiến dịch Giảm Tô, đánh vào thành phần địa chủ "đầu
sỏ" phản động, bóc lột. Khoảng một năm sau chiến dịch Giảm Tô, Đảng
thi hành chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất Đích Thực.
Cải Cách Ruộng Đất Đích Thực là cuộc thanh trừng quy mô
trong toàn quốc, thực hiện ngay trong hàng ngũ Đảng. Đảng viên cũng bị thanh trừng
như quần chúng ngoài đảng. Lần này Đảng ấn định cho mỗi xã một con số tối thiểu
địa chủ gấp năm lần chiến dịch Giảm Tô. Và như vậy, không đủ con số địa chủ để
đánh, phải đánh tới các thành phần dưới là phú nông, có nơi tới cả bần nông.
Khi Cải Cách Ruộng Đất đợt 5, tức là đợt cuối cùng, chấm dứt,
Đảng mới tuyên bố Sửa Sai[7].
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội Nghị Nông Vận Và Dân
Vận Toàn Quốc ngày 5/2/1953, Hồ Chí Minh nói rõ lập trường và mục đích của
ông trong Cải Cách Ruộng Đất:
"Sau 80 năm nô lệ, nhân dân ta nổi lên đánh đổ đế quốc
giành độc lập. Bọn phong kiến địa chủ lại mưu bán nước. Trong chính phủ bù nhìn
là những ai? Bảo Đại và những tên đầu sỏ khác đều là bọn đại địa chủ phong kiến.
Đế quốc lợi dụng phong kiến địa chủ để cướp nước ta. Phong kiến địa chủ bám vào
đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta. Vì thế, muốn kháng chiến thắng lợi không
những phải đánh đổ đế quốc mà còn đánh đổ cả phong kiến địa chủ".
Để thuyết phục thành phần xuất thân địa chủ ủng hộ Cải Cách Ruộng
Đất, ông hứa: "Vấn đề xuất thân có quan hệ thật nhưng nếu xuất thân
là địa chủ nhưng đứng hẳn về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa.
Trung Quốc gọi những địa chủ hoan nghênh Cải Cách Ruộng Đất là "thân sĩ
khai minh". Cho nên, nếu kiên quyết rửa sạch tư tưởng địa chủ thì dù xuất
thân là địa chủ vẫn tham gia được cách mạng".
Hồ Chí Minh xác nhận sự lãnh đạo và trách nhiệm của ông trong Giảm
Tô và Cải Cách Ruộng Đất: "Vì giảm tô chưa thực hiện được triệt để
nên năm nay(1953) Đảng và Chính phủ phải chủ trương phát động quần chúng
triệt để giảm tô. Từ năm 1949 đã có sắc lệnh giảm tô, đến nay đã 4 năm mà vẫn
chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì biết rằng giảm tô không phải là vấn đề giản
đơn, nó là một bộ phận của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với
giai cấp địa chủ. Đây cũng là một chiến dịch nhưng chiến dịch này to và rộng
hơn chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó hơn đánh
giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến dịch này nông dân
không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức
là lực lượng tổ chức và lực lượng đoàn kết của hàng triệu nông dân. Đảng và
Chính phủ là Bộ Tổng Tư Lệnh, Bộ Tổng Tham Mưu của cuộc đấu tranh này.
Cũng như mọi chiến dịch khác, nó phải có chính sách rõ ràng,
phương châm đúng đắn, kế hoạch đầy đủ, có tổ chức, có lãnh đạo, chứ không phải
nói "phóng tay phát động" quần chúng là phóng tay lung tung (...)
Tư tưởng và hành động phải nhất trí, lý luận và thực hành phải
nhất trí, cán bộ trên dưới phải nhất trí, cán bộ và nông dân phải nhất trí, thì
mới chắc thành công"[8].
● Cải Tạo Tư Sản
Chiến dịch Cải Tạo Tư Sản ở thành thị cũng không kém
phần khốc liệt và cũng gặp những khó khăn như Cải Cách Ruộng Đất, nghiã là
những thương gia, những sở hữu chủ giầu có, phần lớn đã đi Nam hay ra ngoại quốc,
Hà Nội chỉ còn lại những người buôn bán nhỏ, và giai cấp công chức, trước làm
việc cho Pháp, nay đã về hưu mà cụ Cát, cha của Nguyễn Mạnh Tường là một trường
hợp. Những người này, sau năm 1954, không còn được lĩnh lương hưu của Pháp nữa,
sống nhờ vào căn nhà - tiền dành dụm một đời- ngày trước ở cả, nay dọn lại, cho
thuê một phần để có lợi tức sống qua ngày.
Chính sách Cải Tạo Tư Sản xác định bất cứ nguồn lợi nào không do
bàn tay làm ra, là bóc lột. Vì vậy, người nào có một phần nhà cho thuê, dù lớn
dù nhỏ, đều bị chính quyền tịch thu, quản lý và thu tiền thuê nhà. Nhiều người
không còn nguồn lợi nào khác, đành chết đói.
Sau những ngày tháng rộn ràng của chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy
đất nước bị chia đôi, nhưng đến 10/10/1954, khi quân đội Việt Minh tiếp thu Hà
Nội, mọi người đều ít nhiều hy vọng ở chính phủ mới. Tuy nhiên những tin tức về Giảm
Tôvà Cải Cách Ruộng Đất bắt đầu lan rộng. Người di cư đi Nam càng
ngày càng đông, nhất là thành phần công giáo. Để trấn an dân chúng, năm 1955,
chính quyền tạm ngưng chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất trong một thời gian, nhưng
rồi vẫn tiếp tục đến 1956. Đợi xong đợt Cải Cách Ruộng Đất đợt 5, cuối
cùng, tháng 8/1956, Đảng mới chính thức tuyên bố Sửa Sai.
Từ 1953 đến 1956, với Chiến dịch Giảm Tô và Cải
Cách Ruộng Đất, chính quyền đã tiêu diệt xong thành phần địa chủ ở nông thôn.
Từ 1956 đến 1960, là cuộc Thanh Trừng Trí Thức trong một quy mô
rộng lớn mà NVGP là tâm điểm. Cùng thời điểm ấy diễn ra cuộc Cải Tạo Tư Sản ở
thành thị.
Cả ba giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản và Thanh Trừng
Trí Thức được Nguyễn Mạnh Tường phản ánh trong tiếu tuyết Une voix dans la
nuit.
● Une voix dans la nuit.
Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm có tiểu tựa: Tiểu
thuyết viết về Việt Nam từ 1950 đến 1990. Trang cuối ghi: Viết xong
ngày 19/3/1993, giữa tuổi 84 và 85.
Bản thảo đánh máy khổ 20,6x31,1cm gồm 109 trang, thiếu 16 trang
đầu. Mục lục đề rõ bốn phần:
I- Cải cách ruộng đất.
II- Cải tạo tư sản.
III- Vấn đề trí thức.
IV- Độc quyền đảng trị.
Và thêm phần cuối: Đối thoại giữa một người trí thức và một
người cộng sản.
Vậy có thể hiểu: 16 trang đầu, tác giả tự ý bỏ đi. Đây là cuốn
tiểu thuyết chính trị, mô tả và phân tích những giai đoạn chính trong đời sống
Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
Nguyễn Mạnh Tường soi ống kính vào chiến dịch Cải Cách Ruộng
Đất, tìm hiểu bộ não điều khiển mà vị lãnh tụ tối cao gọi là "tổ chức" để
biến những người dân quê hiền lành chất phác thành những kẻ tàn ác trong đấu tố.
Ông mô tả guồng máy bào chế căm thù đã được kiến trúc như thế nào, với con mắt
quan sát tinh vi của một chứng nhân sống từ bên trong.
Tác phẩm có giá trị như một tư liệu lịch sử. Nếu Un
Excommunié - Kẻ bị khai trừ mô tả phương pháp thanh trừng các trí thức
tham gia NVGP, thì Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm mở
địa bàn rộng hơn, truy nguyên đến nguồn cội, tìm hiểu lý do vận hành và mục
đích của ba chính sách tiêu diệt: địa chủ, sở hữu chủ, và trí thức, để thiết lập
chế độ chuyên chính vô sản, rồi độc tài toàn trị ở Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Tường chú ý đến những gì xẩy ra trong hậu trường Cải
Cách Ruộng Đất, mô tả quá trình rèn luyện chính trị, học tập căm thù, tập dượt
đấu tố, trước ngày vở kịch mở màn thực thụ trên đấu trường.
Địa điểm là một làng nghèo trong phủ Nho Quan.
Lan, con gái út một công chức về hưu, nhà ở số 13, phố Hàng Giấy,
Hà Nội, đang học năm thứ nhất trường Cao Đẳng Sư Phạm Sinh Ngữ, môn Pháp văn,
và Hiên, một bộ đội, cả hai được gửi đi học tập Cải Cách Ruộng Đất. Tình cờ gặp
nhau, tình yêu chớm nở giữa hai người. Một cặp thanh niên khác, sau cũng trở
thành vợ chồng, đó là Năng, ủy viên chính trị, đội phó đội cải cách, và Thủy,
thành viên đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Năng và Thủy sẽ trở thành giai cấp lãnh đạo.
Người đọc dễ dàng nhận ra: gia đình Lan chính là gia đình Nguyễn
Mạnh Tường mà ông Cát, công chức thời Pháp thuộc về hưu, vai chính trong bi kịch
Cải Tạo Tư Sản, là cụ Nguyễn Căn Cát, cha của tác giả. Những nhân vật cùng nhau
xuyên qua ba thời kỳ: Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản và Thanh Trừng Trí Thức,
trong vị trí đối lập: một bên là trí thức, một bên là cộng sản, trong cuộc chiến
một mất một còn. Vào truyện bằng những dòng lãng mạn pha lẫn kinh hoàng, Nguyễn
Mạnh Tường viết:
"Mặt trời chiều tan loãng trong ao vàng, quét những tia
sáng xiên lên bầu trời phía tây tới tận thiên đỉnh. Theo đúng mệnh lệnh, Nho
Quan, chôn vùi trong im lặng chết chóc, không động tĩnh, không một bóng người,
chó mèo cũng không dám phóng qua đường! Không biểu hiệu sống nào chứng tỏ những
cơn cuồng nộ, tàn ác của phi công địch sẵn sàng thả bom hay nã liên thanh từng
loạt.
Trong cảnh ngày tàn, giữa lúc nhá nhem ma quỷ hiện, Nho Quan biến
thành nơi tụ họp của những đoàn người buôn bán, ban ngày ẩn núp trong các làng
mạc xung quanh, cách trung tâm thị trấn năm cây số: có người, vì khôn ngoan hay
cẩn thận, đã đào cả hầm sâu ngoài đồng. Nhưng giờ thì bà tiên hoàng hôn đã cầm
cây đũa thần đánh thức mọi người ra khỏi trạng thái hôn mê. (...)
"Trên không, nền trời xanh thẫm làm nổi bật ánh sáng rực rỡ
từ các vì sao ganh đua nhấp nháy, rung động. Dưới đất, bóng tối âm u dâng ngọn triều,
bao trùm lên cảnh vật mênh mông, hàng đoàn bạn hàng đi về phía chợ, vai gánh
hai thúng đầy nông sản; những ngọn đèn nhỏ, móc trên đòn gánh, theo nhịp chân rảo
bước, ngời lên ấn tượng nên thơ của những ngọn lửa vàng dắt tay nhau nhẩy
múa"[9].
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng thơ mộng đầy bí mật,
nhưng rồi tác giả rời dần bút pháp văn chương, để đi vào bút pháp chính trị.
● Bài học thứ nhất về sự bóc lột và sự căm thù
Trên đường đêm từ Nho Quan về làng cách phố phủ hai cây số, Lan
và Hiên tình cờ gặp nhau, họ theo Đội Cải Cách về đây để sống ba cùng. Đội
trưởng là một nhà cách mạng lão thành và đội phó, Năng, một uỷ viên chính trị.
Tám thành viên khác đều là cán bộ làm việc trong những cơ quan kháng chiến, tuổi
không quá 20. Đêm đầu trước khi vào làng họ được nhận bài học khai tâm của ông
đội trưởng:
"Thưa các đồng chí, qua những lớp học chính trị, chắc các đồng
chí đã biết rằng Đảng ta, sau khi đánh đuổi bọn thực dân hút máu mủ đồng bào,
giải phóng Việt Nam khỏi ách nô lệ ngoại bang, trả lại cho người dân phẩm giá
và danh dự của họ, đã tự lãnh nhiệm vụ tạo hạnh phúc cho dân. Một mai khi người
lính thực dân cuối cùng rời bỏ xứ này, khi chúng ta trở lại làm chủ những tài
nguyên thiên nhiên của chúng ta, thì ta phải xây dựng lại tổ quốc và sản xuất.
Kẻ thù bên ngoài không còn dầy xéo lãnh thổ, nhưng chúng ta vẫn còn vướng mắc kẻ
thù bên trong, không kém phần nguy hiểm, vì tiềm lực của nó rất phức tạp, đa diện,
mờ ám, vô hình, bí mật và ẩn sâu trong nội tạng! Đó là sự ham thích bóc lột. Nó
đẩy tới chỗ chiếm hữu của cải không do ta làm ra bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng
chúng ta không thể sống như ký sinh trùng trong xã hội, bằng sức lao động của kẻ
khác.
Bản thân tôi chưa dám nghĩ chế độ cộng sản sẽ cố chấp đến độ
tuyên bố rằng tất cả mọi hạt gạo kiếm được không do sức lao động, đều là sản phẩm
của sự bóc lột con người. Nếu như thế, thì tất cả các sở hữu chủ, cho thuê động
sản hay bất động sản để kiếm lời, đều là bóc lột. Ở thôn quê, mọi địa chủ không
cầy cấy đất đai của mình mà cho cấy rẽ, đều là bóc lột. Trong làng này, chỉ có
khoảng 15 héc-ta đất trồng cấy. Người giầu nhất có 7 héc-ta. Ba người kia chia
nhau chỗ còn lại.
Đến đây, diễn giả ngừng một chút để đợi phản ứng của cử toạ.
Không một lời nào cất lên phàn nàn vì chiến lợi phẩm nhỏ nhoi mà người săn sẽ
thu lượm được. Biết rõ những gì xẩy ra cho những kẻ hay phản đối, hoặc bướng bỉnh
muốn tỏ mình hay ho, ra cái điều "ta đây gì cũng biết", tất cả ê-kíp ẩn
trong im lặng, ngậm tăm đầy ý nghiã. Diễn giả tiếp tục:
"Trong các đồng chí có người sẽ nghĩ rằng, con thú mà chúng
ta lùng bắt không xứng với công săn. Tôi xin trả lời: ta không săn một con thú
mà ta săn con trùng của một căn bệnh mà ta phải trừ tuyệt nọc, bằng mọi giá, để
nó khỏi nhiễm độc xứ sở, lây lan dân tộc. Xã hội chủ nghiã chỉ có thể chiến thắng
sau khi đã tiêu diệt sự bóc lột và những kẻ bóc lột tàn nhẫn và ác độc nhất. Vậy
các đồng chí đã hiểu rõ ý nghiã của cuộc cải cách ruộng đất.
Những ai góp phần vào công cuộc cải cách ruộng đất, cũng là góp
sức củng cố vững bền niềm tin vào chủ nghiã cộng sản và cũng tự dọn cho mình một
chỗ đứng vinh dự trên Thành đài mới mà chúng ta đang xây dựng".
Diễn giả lại ngừng một lát để cho những kiến thức mới nhập vào
óc người nghe, thấm thật sâu, rồi mới tiếp tục:
"Thưa các đồng chí, tôi vừa nhắc các đồng chí thế nào là
chiến lược cộng sản. Bây giờ tôi sẽ nói tới cái mưu lược phải dùng ở nơi hẻo
lánh này, mặc dù nghèo khổ cùng cực, cũng không ngăn được sự bóc lột lan vào
tàn phá. Chúng ta sẽ dành những đòn thâm độc nhất cho tên đại địa chủ làng này.
Việc quan trọng nhất không phải là kết án tử hình nó, mà trước hết phải hủy hoại
thanh danh nó, giết chết lòng tự hào của nó, cắt tuyệt những hoài nghi cho rằng
nó vô tội, đập vỡ lòng tự tin của nó về bản thân, về của cải mà nó đã chiếm đoạt
bằng tội ác trên lưng người nông dân nghèo mà cuộc sống hàng ngày tưới đẫm mồ
hôi và nước mắt, phải hạ nhục nó, kéo nó xuống địa vị con giun bò dưới đất mà
ta nghiền nát dưới gót giầy! Những đãi ngộ mà ta dành riêng cho nó, không chỉ
nhắm đưa đến cái chết đáng đời của nó mà hơn nữa, ta phải giật cái vòng hoa
trên đầu nó xuống, cái vòng nguyệt quế cho phép nó đứng ngang hàng với thánh thần
trong đầu óc người dân quê, họ đã quỳ mọp và hiến dâng lòng sùng kính của họ.
Đó là phương tiện hữu hiệu nhất để đem lại cho những kẻ thanh bần này lòng tự
tin và phẩm giá con người. Nhưng kết án và trừng phạt kẻ bóc lột, hãy còn là nhẹ.
Ta còn phải bôi đen nó hơn nữa, không chỉ phơi bầy ra ánh sáng những hành vi
ghê tởm trái với luật pháp và đạo lý của nó, mà còn nên chế thêm vào đó những
hành động nhơ nhuốc bị luật pháp và đạo đức kết án. Kẻ bóc lột, có thể không
làm những việc này, nhưng vì bị bản năng kích thích, nó vẫn vi phạm trong đầu.
Những người nghiêm khắc, quan tâm đến sự công bằng, sẽ phản đối phương pháp
này, nhưng tôi sẽ trả lời là tôi đứng trên bình diện chính trị chứ không phải
trên khoa pháp lý, và nói theo ý thức quần chúng, ai muốn cứu cánh thì phải
dùng đến phương tiện.
Thưa các đồng chí, tôi đã cho các đồng chí biết những thông tin
cần thiết để thi hành bổn phận của các đồng chí. Tôi không nói quá khi tuyên bố
rằng sự bóc lột và kẻ bóc lột là tử thù của chủ nghiã xã hội. Các đồng chí là
những cán bộ có kinh nghiệm, là những chiến sĩ xung phong của Đảng. Vận mệnh của
Đảng, hạnh phúc và tương lai của dân tộc tùy thuộc vào chiến thắng của chủ
nghiã cộng sản mà các đồng chí là những người thợ thủ công. Ngay từ ngày mai,
chúng ta bắt tay vào việc. Đảng muôn năm! Chủ nghiã Cộng sản muôn năm!"[10]
Sau bài học thứ nhất của ông đội trưởng, cả đội lên đường vào
làng, mỗi người được phái ở một mái tranh, tập sống ba cùng: cùng ăn, cùng
ở, cùng làm với chủ nhà, trong cùng một điều kiện sống.
● Hiện tượng vắng bặt căm thù
Lan và Hiên được phân phối ở hai nhà cạnh nhau, đầu làng. Hai
thanh niên tiểu tư sản thành thị lần đầu tiên tiếp xúc với cảnh khốn cùng, cuộc
đời tăm tối, rách rưới, đói khát, bệnh tật của dân quê. Lan không tin trên thế
gian này lại có những người cùng khổ như thế.
"Cả Hiên lẫn Lan đều không khỏi rùng mình khi bước qua ngưỡng
cửa ngỏ gió lùa tứ phía, một tấm phên tre khép hờ rách mướp đầy những lỗ hở há
miệng cho gió bấc ùa vào trong những đêm đông. Mái tranh, nhiều chỗ rơm đã bị bầy
chuột ngự trị ở đấy cắp đi hay chọc thủng, lộ những mảnh trời. Vách đất tróc từng
mảng vì mưa gió và loài gặm nhấm tàn phá: ruồi chui đầy nhà qua những vết nứt dọc,
kêu ầu ầu rất khó chịu"[11].
Sau một đêm thức trắng dưới mái tranh lộ thiên, sáng tinh mơ hôm
sau Lan và Hiên gặp lại nhau, Lan se sẽ lên tiếng bình luận phương pháp "ba
cùng" của Đảng, nhưng Hiên chặn lại ngay và giảng cho Lan biết những
kinh nghiệm đầu tiên về cách ứng xử trong môi trường cộng sản mà anh đã học được
trong quân đội: Im lặng. Không phê bình. Tránh phát biểu. Và họ bắt đầu áp
dụng bài học đầu tiên của ông đội trưởng, về sự bóc lột và sự
căm thù ở ngay gia đình mà họ tá túc. Lan tìm cách trò chuyện với người chủ
nhà để kích động lòng căm thù của họ đối với những kẻ bóc lột:
"Nàng nói nhỏ với người chủ nhà:
- Có thể nào trên thế gian này, trong thời đại chúng ta đang sống
lại có những khổ đau nhường này? Tôi thật không tin được những điều mắt thấy
tai nghe. Còn bác, bác có ý thức được cái khổ của bác không?
- Cô chỉ hỏi lẩn thẩn. Nhà tôi từ ba đời nay vẫn vậy, có biết
cái gì khác đâu. Riết rồi quen, chẳng còn tơ tưởng gì nữa. Muốn có miếng cơm
vào miệng thì phải vã mồ hôi. Mà đau ốm hay xấu giời không ra đồng được thì phải
nhịn đói. Các cụ vẫn bảo tay làm hàm nhai mà.
- Nhưng khi bụng đói, gạo hết, thì có ai giúp bác không?
- Cùng khổ như nhau cả. Chẳng ai giúp được ai. Ấy cái số nó vậy.
- Bác có xin được người giàu tí gì không?
- Xóm này làm gì có người giàu? Ngay địa chủ cũng chỉ có vài mẫu
ruộng thừa kế, hay người ta đem cầm rồi bỏ, mà họ cũng chẳng giàu có gì, chỉ đủ
ăn ngày hai ba bữa.
Lan hỏi:
- Thế bác không thù họ à?
- Sao lại thù? Giời thương ai thì người ấy được. Ông giời có cái
lý của ông ấy. Mình cãi làm sao được với giời mà thù với hận?"[12]
Trước những lập luận như vậy, Lan chịu thua. Không chỉ Lan mà
nhiều người trong đoàn cùng có chung nhận xét: sự quái lạ của cái làng này. Mặc
cán bộ tìm mọi cách kích động lòng căm thù giai cấp, họ vẫn trơ ra. Buổi họp
tối hôm đó, sau khi đội viên đã trình bày những điều mắt thấy tai nghe về các
gia đình họ tá túc, hầu như mọi người đều gặp nhau ở điểm: làng này không hề
căm thù địa chủ. Hiện tượng "vắng bặt căm thù giai cấp" ở
cái làng nghèo mạt rệp này làm cho mọi người hoang mang, trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng
Thủy, một Thanh Niên Cộng Sản đứng lên xin phát biểu:
"Thưa các đồng chí, xin cho phép một thành viên của đoàn
Thanh Niên Cộng Sản được phát biểu vài cảm tưởng. Tôi xin nhắc lại rằng Đảng ta
đã bảo đảm sẽ thực hiện sự lãnh đạo của vô sản trên toàn đất nước. Đấu tranh
giai cấp là khí giới lợi hại nhất để đạt tới mục đích này (...) Kẻ bóc lột, dù
nhỏ mọn thế nào, vẫn là kẻ thù của người nông dân lao động. Gia sản đất đai của
nó dù chẳng đáng là bao, dù nó có đối xử tử tế với những người sắp chết đói đến
ngửa tay xin ăn, và trở thành ân nhân của họ, gợi lên trong họ lòng biết ơn, ta
vẫn phải chỉ đích danh nó ra để cho nông dân căm thù. Ta phải phát huy căm thù,
nuôi dưỡng căm thù, bành trướng căm thù bằng tất cả mọi phương tiện, thậm chí,
sáng chế những căm thù mới, bịa đặt những tổn thất nếu cần, để truy bức nó, để
đánh qụy nó. Để chống kẻ thù giai cấp, tất cả mọi phương tiện đều tốt. Có quan
hệ gì cách giết một con rắn độc, bằng hòn đá, bằng gậy gộc, hay bằng gót giầy!"
Trong khi Thủy thao thao bất tuyệt, cử tọa há hốc mồm nghe, và
kinh hoàng tự hỏi không biết Thủy học ở đâu những điều này, mà dường như, Thủy
cũng chẳng nói để trình bầy ý kiến riêng tư và thành thực của mình, mà chỉ nói
cho những thành phần của Đảng nghe để lấy điểm. Toan tính rất đúng, bởi vì ủy
viên chính trị của đội cải cách tức khắc đứng lên khen ngợi"[13].
● Bài học thứ nhì
Lời khen ngợi Thủy của Năng, ủy viên chính trị, đội phó đội cải
cách, là bài học thứ nhì về sự bóc lột và căm thù, lần này quyết liệt hơn bài học
học thứ nhất của ông đội trưởng đội cải cách. Uỷ viên chính trị nói thẳng đến
những phương pháp phải dùng để đạt kết quả, đặc biệt đối với dân làng này:
"Thưa các đồng chí, tôi thật không ngờ trong Đội ta lại có
một thiếu nữ như cô Thủy, đã trình bầy và bảo vệ một cách nhiệt tình và mãnh liệt
quan điểm của Đảng đến thế. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh Thủy đã tìm thấy đường
đi. Nếu kiên trì cố gắng, cô sẽ tiến bộ rất xa. Về phần tôi, tôi xin phép được
nói thêm vài câu, nhất là được nhấn mạnh ý nghĩa cuộc đấu tranh giai cấp. Tất cả
lý thuyết cộng sản nằm trong đó. Không có đấu tranh giai cấp thì không có cộng
sản. Đấu tranh giai cấp và cộng sản là một, một khối duy nhất. Thật vậy, nếu
không có đấu tranh giai cấp, thì không có cộng sản. Sự thể là như thế bởi vì
trong xã hội phân chia giai cấp, sự bóc lột ngự trị và những kẻ bóc lột muốn bảo
tồn vĩnh viễn xã hội giai cấp, kéo dài cuộc chiến giữa người bị bóc lột và kẻ
bóc lột. Người lao động gánh trên vai gông cùm của sự bóc lột, bắt buộc phải đấu
tranh quyết liệt chống lại những giai cấp áp bức, bắt chúng phải chết trong bần
cùng, đói khát.
Đấu tranh giai cấp là định mệnh của lịch sử, là con đường duy nhất
giải phóng quần chúng lao động, dìu dắt họ lấy lại phẩm cách của con người.
Bình thường ra, những kẻ bị bóc lột phải cảm thấy sự căm thù không nén được đối
với đao phủ của họ. Tuy nhiên, như các đồng chí cũng đã nhận thấy ở đây, qua
các cuộc nói chuyện với nông dân nghèo bị chiếm đoạt đất đai tổ tiên để lại, là
họ không nuôi lòng thù nghịch thâm căn cố đế đối với những kẻ đã dìm họ xuống
hàng súc vật! Hẳn các đồng chí đã hiểu những lý do giải thích thái độ, thoạt
nhìn, không thể hiểu được này: Mỗi nông dân sắp chết đói được chúng bố thí cho
một bát cơm! Để thổi phồng trái tim đói khát, có gì hơn là lòng biết ơn đối với
kẻ đã cứu họ khỏi cái chết cận kề.
Thưa các đồng chí, đến đây, chúng ta cần phải kết án bọn thực
dân, không những, chúng đã cướp hết tài sản của nhân dân ta, mà chúng còn dìm sự
bần cùng trong vũng bùn ngu dốt và mù chữ. Làm sao những người thất học và thiếu
văn hoá có thể hiểu được phương pháp phân tích phê bình thực tế để có một phán
đoán lành mạnh? Nếu lương tri bẩm sinh của họ được đào luyện thêm về mặt tri thức,
họ đã có thể phán đoán sáng suốt về ý đồ của lòng "từ thiện" này, mà
mục đích duy nhất chỉ là cứu vớt nhân công, mà thiếu nó, đất đai của chúng sẽ bị
bỏ hoang, không ai cầy cấy!
Vì thế, sự căm thù của vô sản đối với những kẻ chiếm đoạt đất
đai của họ, phải được nẩy nở, phải được đào luyện vun trồng, để sản xuất ra những
thành quả mong muốn trong cải cách ruộng đất. Tôi để các đồng chí tìm tòi những
phương pháp nẩy nở căm thù, cung cấp thức ăn cho nó, nuôi dưỡng nó, đưa nó lên
đỉnh cao, làm nở rộ động lực và tiềm năng của nó. Tiếng chủ lệnh là căm thù. Và
để có căm thù, đôi khi phải sáng chế ra những hành động tán tận lương tâm của địa
chủ, để kích thích sự phẫn uất nơi những kẻ biết ơn chúng. Triết học Tây Phương
đã minh định: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Muốn có cứu cánh, phải dùng đến
phương tiện!
Căm thù và dối trá phải đi đôi với nhau. Cứu cánh mà chúng ta mơ
ước, vinh quang đến độ chúng ta không thể trì hoãn trong sự lựa chọn phương tiện.
Để tận diệt những kẻ bóc lột, tất cả mọi hình thức dối trá, dù trắng trợn đến
đâu, đều có thể và phải được áp dụng, ngõ hầu biến bọn chúng thành ghê tởm,
không xứng đáng sống làm người!
Trên mặt đất đã tẩy sạch sự bóc lột và kẻ bóc lột, những dân tộc
có thể xây dựng xã hội chủ nghĩa và hưởng thụ một thứ hạnh phúc không ai mường
tượng được! Thế giới mà chúng ta để lại cho con cháu, rạng ngời ánh sáng xã hội
chủ nghiã, sẽ trong sạch, không một vết nhơ, như ngày sáng thế, và con cháu
chúng ta sẽ được thụ hưởng hạnh phúc khiến chúng đời đời nhớ ơn chúng ta!"[14]
Bài học chính trị thứ nhì chấm dứt.
Mọi người ra về.
Đêm ấy, Hiên và Lan gặp nhau thì thầm, nỗi sợ bắt đầu. Lan đã thấy
lại ở Thủy hình ảnh những thành viên của đoàn Thanh Niên Cộng Sản xuất thân tiểu
tư sản, mà nàng đã gặp ở Hà Nội, luôn luôn năng nổ, không ngần ngại làm bất cứ
công việc đê tiện nào để đẹp lòng thượng cấp, dưới lốt "chiến sĩ vô sản"
vẫn còn nặc mùi tiểu tư sản: trước đó không lâu, còn chăm lo tô son trát phấn để
hy vọng kiếm tấm chồng giầu, chỉ một thời gian sau đã xoay ngược 180 độ, xin
vào đoàn Thanh Niên Cộng Sản, trở thành "chiến sĩ thi đua", thậm chí
còn chọn người bạn đường thuần tuý gốc vô sản để tiến thân. Hiên điềm tĩnh phân
tích tình hình chung:
"Nếu ngày mai những mẫu người như Thủy và Năng sinh xôi nẩy
nở, dân tộc ta sẽ có những ngày đen tối. Những kẻ khát máu này đã đẩy sự dã man
của chúng tới mức bịa đặt những dối trá giết người, tra tấn, cực hình những người
lương thiện vì lòng tham, để chiếm của cải của họ, tệ hơn nữa, vì cuồng tín
chính trị, để bảo đảm sự thắng lợi của ý thức hệ của chúng. Nếu lên cầm quyền,
chúng sẽ tiêu diệt tất cả đối lập để giữ vững chỗ ngồi"[15].
● Cuộc điều tra lần thứ nhì
Sau bài học thứ nhì về căm thù giai cấp, do ủy viên chính
trị Năng thuyết dậy, các đội viên cải cách bắt buộc phải tìm đủ mọi cách, để giải
thích cho dân làng biết là họ bị bóc lột, và để kích động lòng căm thù, đội
viên phải dùng cả cách khảo hạch, gần như đe doạ:
- "Bác có biết rằng mình bị bóc lột không? Rằng tất cả những
khổ đau thể xác và tâm hồn của bác là cùng một mối mà ra, đó là sự bóc lột, mà
bác là nạn nhân không?
- Tôi chả biết thế nào là bóc lột. Chỉ biết cái nghèo cứ đeo hết
đời này sang đời khác, quanh đây hai ba cây số, rặt người nghèo. Con trai con
gái, tới 15 tuổi là bỏ làng đi chỗ khác kiếm ăn. Tôi chẳng biết bóc lột là gì
và cũng chẳng thấy mình bị bóc lột. Khi ốm đau thì hàng xóm láng giềng đến xức
dầu bóp chân, cho bát cháo thay thuốc. Lá lành đùm lá rách vậy thôi. (...)
- Bác có đất cày không, đất của bác đâu rồi?
- Tổ tiên để lại vài mẫu ruộng. Những năm đói kém, không có gì
ăn, phải đến gõ cửa địa chủ, xin họ cho cầm, đổi lấy mấy giạ gạo. Nhờ lòng tốt
của họ mới có cái bỏ bụng cầm hơi, không thì đã chết rục lâu rồi. Năm này qua
năm khác, không đủ tiền trả nợ, đành coi như mất.
- Cái đó người ta gọi là bóc lột đấy. Bác là nạn nhân của bọn
lòng lang dạ sói, lợi dụng cảnh khốn cùng của bác để chiếm đoạt ruộng đất của
bác. Bác phải căm thù đến tận xương tuỷ những kẻ khốn nạn đã cưỡng đoạt tài sản
của bác.
- Sao cô lại xui tôi phải vong ân bội nghĩa, phải căm thù ân
nhân đã cứu mình thoát chết? Khi chúng tôi sắp chết đói, có thấy mống cộng sản
mà cô ca tụng nào mở tay làm phúc cho tôi miếng ăn, cứu tôi thoát chết đâu? Bây
giờ lại bảo tôi phải căm thù kẻ đã cứu mình? Cô có biết là cô đang tuyên truyền
cho cách cư xử vô nhân đạo, trời đất chẳng dung không"[16].
Không thuyết dụ được người nghèo căm thù địa chủ, Lan và Hiên
quyết định tìm đến tận chỗ ở của kẻ "hút máu mủ đồng bào" để xem
chúng sống thế nào:
"Tưởng kẻ được gọi là kẻ thù của nhân dân đang sống xa hoa
trong một lâu đài nào cách đó vài trăm thước. Cặp thanh niên ngạc nhiên trước bụi
tre vây quanh nhà người địa chủ. Tường gạch và cửa có then gài, nhưng cũng là
mái tranh, tuy dầy dạn thật và không có lỗ thủng nên mưa gió không thốc được
vào nhà. Ba gian thông suốt thành một, chống cột gỗ thị. Trong góc, một cái giường,
trên trải chiếu cũ, ông chủ ngủ đó. Ở chéo đầu kia, một chiếc giường không chiếu,
dành cho cô con gái. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên sơn son nhưng không có bài vị
thiếp vàng như những nhà giàu có. Dấu hiệu duy nhất của sự sung túc là một cái
chum tròn đựng gạo. Bên ngưỡng cửa, có một chậu thau rửa mặt. Gia cảnh khá hơn
người dân quê nghèo, nhưng cũng chỉ là thanh bạch. Bây giờ họ hiểu tại sao vợ
chồng người chủ nhà họ ở không ghét địa chủ. Nếu dùng ngôn ngữ cộng sản, thì cả
hai ở cùng một giai cấp"[17].
Các đội viên khác đi làm ăng-kết cũng đều đưa đến kết luận tương
tự. Một người kể lại:
"Người đàn bà mà tôi lên lớp, hết sức "quần", buộc
chị ta phải tố cáo tên địa chủ đã làm chị ô nhục, chị ta cực lực phản đối:
"Không được đâu, cậu không thể bắt tôi làm cái việc tồi bại để phải hối hận
suốt đời ấy. Không có, cái người hiền lành mà cậu lập mưu hành hạ không hề có
thói trăng hoa. Ông ta có chạy theo đàn bà đâu, ông ta không hề có thói ấy,
tính tình ông ta đứng đắn lắm!"[18]
● Tổng dượt đấu tố
Cách đem các đội viên về sống ba cùng trong làng để
tìm hiểu thực tế và hướng dẫn quần chúng, thực ra chỉ là hình thức, vì các màn
đấu tố, các vai đã được chỉ định và đạo diễn từ bên trong. Các đội viên cải
cách như Lan và Hiên chỉ là những người ngoại cuộc như những người khác.
"Nghi lễ xử tội được dự định vào tối hôm sau trong ngôi
chùa bỏ hoang đầu làng. Nhưng ngay từ sáng hôm sau, người ta đã bắt đầu tập dượt.
Khi Hiên và Lan đến nơi, phần trang trí đã xong. Trên sân chùa căng một băng vải
đỏ lớn dán những chữ cắt bằng giấy thiếp vàng công thức nghi lễ: Đảng Cộng
Sản muôn năm. Dưới khẩu hiệu, là cái bàn phủ khăn trúc bâu xanh dành cho ba vị
thẩm phán. Trong sân bày những hàng ghế dành cho cử tọa. Một xe phóng thanh
trên đường mời dân chúng đến xem xử kẻ thù dân tộc, tên địa chủ hút máu mủ nông
dân!
Ba vị thẩm phán, một nam hai nữ, được chọn trong đám người nghèo
nhất vùng. Quần áo rách rưới được thay bằng một bộ đồ lành lặn. Họ có vẻ không
thoải mái trong vai trò của mình, mắt xáo xác nhìn quanh, cái nhìn hoảng hốt của
những con thú bị rình bắt. Tất cả đoàn Thanh Niên Cộng Sản được điều động dàn
hàng hai bên sân chùa. Khi mặt trời vừa ló dạng dưới chân trời, Năng, đội phó Đội
Cải Cách hiện ra chỉ đạo việc dàn cảnh; điều chỉnh điệu bộ của các vị thẩm
phán, bắt họ phải ngồi ngay ngắn, đầu ngửng cao; Năng cất giọng lên lớp:
"Lời khuyên đầu tiên mà tôi dặn các anh chị là phải quên
mình là nông dân nghèo. Các anh chị là đại biểu của nhân dân và nhân danh nhân
dân để phán quyết. Vậy cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà chúng ta đang chấp hành đây,
là gì?
Có phải mục đích duy nhất chỉ là lấy lại đất đai mà những kẻ bóc
lột đã chiếm đoạt của các anh chị không? Nếu chỉ có thế, thì Đảng chỉ cần ra một
nghị quyết là xong ngay. Có phải là để loại trừ tầng lớp địa chủ ra khỏi xã hội
không? Cũng không phải. Bởi Đảng chỉ cần hạ lệnh bỏ tù hoặc xử tử là đủ! Không,
thưa các đồng chí nông dân, vấn đề phức tạp hơn nhiều!
Vấn đề cơ bản không phải là trả lại ruộng đất cho những người đã
bị cướp; cũng không phải là trừ khử khỏi xã hội những kẻ bóc lột vô liêm sỉ, mà
là tái thiết lại ở người nông dân, cái nhân phẩm và danh dự của một con người,
như một thành viên trọn vẹn của xã hội, người nông dân bên cạnh người thợ, bạn
đồng hành muôn thủa. Chúng ta đã làm cách mạng để quét sạch xã hội những rác rưởi,
những sở hữu chủ sống xa hoa trên mồ hôi và sự nhọc nhằn của quần chúng cần
lao! Vậy làm sao ta có thể chấp nhận cho bọn ăn bám ấy phát phì bằng máu mủ người
lao động?
Có cần phải nhắc lại cho các đồng chí biết rằng, để bảo tồn sự
thống trị vĩnh viễn của chúng, những kẻ bóc lột này, còn chó má đến độ, chúng
rao giảng cái chủ nghiã nhục nhã được gọi là tiền định và chúng truyền bá trong
thành phần lao động cái chủ thuyết không thể chấp nhận được, theo đó, số phận của
mỗi người đã được số mệnh xác định từ thiên cổ.
Số mệnh do trời định và con người bị bắt buộc phải chấp nhận phận
mình. Con người không thể chống lại mệnh số cũng không thể hướng số mệnh theo ý
mình. Cái thuyết định mệnh này xâm nhập vào trí óc của đồng chí, thấm vào máu,
trở thành da thịt thân thể đồng chí. Niềm tin vào định mệnh không những hủy diệt
tất cả mọi cố gắng cá nhân để con người thoát khỏi ngõ cụt dẫn vào tuyệt lộ, mà
còn chỉ đạo cả tình cảm lẫn thái độ của người bị bóc lột trước kẻ bóc lột! Kẻ
bóc lột được hưởng sự phù hộ của trời, vì vậy chúng có quyền nhận tất cả mọi
hình thức tôn kính, mọi hình thức tận tụy, hoặc ít ra là thương mến, từ phía
người bị bóc lột. Cuộc Cải Cách Ruộng Đất của chúng ta chiến đấu chống lại sự
phục tòng và áp chế này!
Trái tim của người bị bóc lột phải đơm đầy thù hận kẻ bóc lột.
Người bị bóc lột được hưởng sự nâng đỡ và thế lực của Đảng trong công cuộc đấu
tranh cho chính nghiã, để đưa toàn thể giai cấp trở lại địa vị con người. Đừng
ngại thô bạo trong lời nói, trong cử chỉ, trong những lăng mạ, những bất công,
đối với kẻ bóc lột! Ta càng quyết liệt bao nhiêu, càng sớm thoát khỏi sự hạ
mình mà chúng đã buộc ta vào, và các đồng chí càng xứng đáng là người vô sản, xứng
đáng trở thành giai cấp lãnh đạo của thế giới mới!
Chiến thắng mà các bạn mang lại đêm nay sẽ mở đường cho các bạn
vào hàng ngũ của Đảng đang hân hoan đón chờ các bạn!"
Năng đã thuyết pháp với tất cả ngọn lửa hùng biện võ biền và phe
phái. Những Thanh Niên Cộng Sản ngồi hàng ghế hai bên sân, lắng nghe, miệng há
hốc trong khi ba vị thẩm phán hồn xiêu phách lạc; mắt trợn ngược đảo tròn khắp
không gian, như muốn kêu trời đến cứu! Trong hai ngày qua Năng và Thủy đã tìm hết
cách giải thích cho họ những điều mà Đảng muốn họ làm và chờ đợi ở họ. Đã dạy họ
phải gào thét, phải chỉ tay về phía bị cáo đòi đền tội, phải giơ tay lên trời để
tỏ ý phẫn nộ. Bắt họ lập đi lập lại những câu hỏi đập nát đầu bị cáo. Bảo cho họ
biết phải tuyên bố án quyết như thế nào, và cả "lý do" của cái án tử
hình! Sửa lỗi câu cú, lỗi phát âm sai, có thể làm cử tọa cười bò. Nghệ thuật
dàn cảnh của họ không chê vào đâu được. Dù muốn dù không, cũng phải công nhận ở
những người cộng sản, thuật hoá trang, trá hình, trang điểm, diễn kịch, tạo
nhân vật, phối hợp các màn diễn, đã được huấn luyện với một nghệ thuật hoàn mỹ."[19]
Sau buổi tổng dượt, Hiên và Lan đều kinh hoàng.
Họ thì thầm hỏi nhau:
- Chẳng biết Đảng âm mưu gì đây? Đảng chơi cái trò gì đây?
- Một trò không tinh vi, không tế nhị, phô bầy sự trơ tráo vô
liêm sỉ. Những người chính trị đã cùng nhau thoả thuận như thế. Họ sáng chế ra
một thứ tội ác mới: tội bóc lột và đổ lên đầu giai cấp mà họ muốn trừ khử, tiêu
diệt tận rễ, giai cấp giàu có. Phương pháp giản tiện và nhanh chóng nhất là tập
trung những sở hữu chủ động sản và bất động sản lại và nã súng liên thanh vào
như một số nước đã làm trong thế chiến thứ nhì. Nhưng làm như vậy sẽ phạm tội
ác chống nhân loại và sự trả thù của các dân tộc sẽ kinh hồn đối với bọn đao phủ.
Vì vậy họ chọn dùng khí giới luật pháp để đạt mục đích mà không bị trừng phạt.
Do đó mà có cả: Tội ác, toà án và bản án! Nhưng sự mạo nhận pháp luật này không
đánh lừa được ai: mọi người đều biết tỏng những ý đồ xấu xa của những kẻ chủ
mưu tiêu diệt hàng triệu người vô tội, mở trong tâm hồn người Việt một vết
thương há miệng có thể không bao giờ lành!"[20]
Đó là những lời phê bình cuối cùng của Hiên, trước khi kịch mở
màn. Sau bữa ăn tối, buổi đấu tố diễn ra đúng như đã được tập diễn:
"Ăn vội vàng cơm tối, rửa bát xong, Năng và Thủy gặp lại
nhau trên đường cùng đến chùa, duyệt lại lần chót buổi trình diễn sẽ bắt đầu
khi trời vừa tối. Khi họ tới nơi, tất cả đã đâu vào đấy. Ba vị thẩm phán
nhân dân do Đảng chỉ định đã có mặt, hăng hái đợi lên diễn đàn. Theo nhận xét của
Thủy, hai phụ nữ vào vai dễ dàng vì họ chuyên cãi lộn với bạn hàng và những con
mẹ lắm điều ngoài chợ, họ sành sỏi ngôn ngữ hàng tôm hàng cá và tối ưu trong việc
vận dụng tiếng chửi thề. Họ còn biết đủ trò lườm nguýt và la làng. Ngược lại
người đàn ông có vẻ rụt rè sợ sệt, bối rối. Những Thanh Niên Cộng Sản được
chiêu mộ trong vùng, khoảng hai chục người, sẵn sàng ném mệnh lệnh cho khán giả,
và hò hét những khẩu hiệu thích ứng, tay nắm chặt những bó đuốc chốc nữa sẽ đốt
lên để soi tỏ sân khấu. Chưa bao giờ xóm này tổ chức một cuộc liên hoan như vậy.
Tất cả những người hiếu kỳ bị tính cách dị thường của ngày hội lôi cuốn, đều
không hiểu sự khác biệt giữa buổi diễn tuồng và một toà án quyết định số phận một
con người! Trong khi chờ đợi, trẻ con chơi diều và những người đàn bà nhà quê
thi nhau nói huyên thiên chả đâu vào đâu cả"[21].
Trong cảnh trí lễ hội, nạn nhân được đưa ra đấu trường:
"Đêm vừa xuống, bỗng một thứ im lặng nặng nề đổ xuống kềm
chặt mọi người. Bọn Thanh Niên vội vã châm đuốc, các vị thẩm phán vội vàng an tọa
sau chiếc bàn phủ khăn màu. Ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu tố cáo nét xương
xẩu trên những khuôn mặt hóp má.
Bị cáo đến, bước nặng nề, vòng còng sắt xích chân đập vào sân gạch
vang âm ghê rợn. Áo quần hoen ố bùn và máu. Mặt sưng vù điểm những vết bầm tím
quanh hai mắt mở hé. Tội nhân khó nhọc bước đi giữa hai người gác, một cầm gậy,
một cầm gươm phường tuồng tuốt trần. Đoàn tùy tùng ô nhục hộ tống bị can chân lảo
đảo bước chỉ chực ngã. Hai nữ thẩm phán theo đúng lệnh đứng dậy chửi phủ đầu:
- Thằng khốn nạn kia, mày đóng kịch để những kẻ yếu bóng vía
thương hại mày, nhưng không qua mặt được bà mày đâu! Ngày trước, khi bà mày đến
xin bố thí bát cơm cho con bà sắp chết đói chết bệnh, mày đứng trên ngôi cao,
nhìn bà từ đầu đến chân, rồi ra lệnh cho con gái thả chó đuổi ăn mày. Đồ tồi bại,
lúc ấy mày đâu ngờ có ngày sẽ bị bà xử tội, tử hình đấy con ạ!"[22]
Buổi đấu tố đạt thành quả mỹ mãn.
Nhưng sau đó, ông tổng bí thư nhận được bản phúc trình của Năng
và Tụy, một cán bộ khác của Đội Cải Cách, nội dung tố cáo hành động của viên đội
trưởng Đội Cải Cách, nhấn mạnh đến sự kiện viên đội trưởng tuy theo cách mạng từ
lâu nhưng trong những buổi học tập chính trị, lại có những lời lẽ đáng ngờ, chủ
yếu là sau khi giải thích ý nghiã cuộc Cải Cách Ruộng Đất, hắn còn chêm vào: nếu
ta làm cách mạng để đoạt lại phẩm giá con người cho thành phần bị bóc lột thì
ta cũng không thể coi kẻ bóc lột là con vật. Khi trừng trị họ rồi thì cũng phải
cho họ cái quyền làm người.
Nếu hắn chỉ phát biểu trong nội bộ, thì ta cũng có thể làm ngơ
vì không nên để cho bên ngoài biết có sự bất đồng nội bộ, nhưng ngày hôm qua hắn
làm nổ một xì căng đan lớn giữa công chúng. Mặc dù hai bồi thẩm phụ nữ đã rất
xuất sắc trong vai trò của mình, khiến bị cáo phải vòng tay, cúi đầu, nhắm mắt,
nhục nhã, đi không vững, nhưng chưa ngã. Nhưng khi chánh án tuyên bố tử hình,
vì bị sốc mạnh, cộng thêm bị đánh và bỏ đói trong nhiều ngày, hắn đưa tay lên
chặn tim rồi ngã lăn đùng ra đất.
Bản phúc trình viết: "Người đầu tiên đến cứu kẻ hấp hối
là đội trưởng Đội Cải Cách, đã bế xốc hắn lên đưa vào trong chùa". Một
xì căng đan không thể tha thứ được. Tổng bí thư chấp thuận ý kiến của Năng và Tụy.
Sau vụ thanh trừng đội trưởng Đội Cải Cách, bị quy là có nguồn gốc "quốc
gia", không còn một tiếng nói lương tri nào dám đứng lên chống lại những
tàn ác trong Cải Cách Ruộng Đất nữa. Năng và Thủy toàn thắng trong nghĩa vụ. Từ
đây, Năng sẽ được tổng bí thư tin dùng.
● Cải Tạo Tư Sản
Sau Cải Cách Ruộng Đất, Hiên và Lan trở về Hà Nội và họ làm lễ
cưới. Lương hai người sống chật vật, không đủ tiền thuê nhà, phải ở nhờ cha mẹ
Lan. Ông Cát là công chức thời thuộc địa về hưu. "Sau một đời tằn tiện,
hai ông bà có được căn nhà nhỏ số 13 phố Hàng Giấy. Hai tầng, mỗi tầng 28 mét
vuông. Tầng dưới cho một tiệm hớt tóc thuê. Dưới thời Pháp thuộc, lương một người
thư ký trong chính quyền Pháp, cần kiệm sống được ba người. Khi ông Cát về hưu,
số tiền cho thuê tầng dưới cộng với lương hưu đủ ba người ăn tiêu tằn tiện.
Nhưng sau khi chính phủ kháng chiến về Hà Nội, quỹ lương hưu cũng rời Hà Nội, tất
cả những người về hưu bị cắt nguồn lợi tức chính thức cuối cùng, giúp họ có bát
cơm hàng ngày. Ông bà Cát phải thắt lưng buộc bụng, nếu không còn món tiền thuê
của tiệm hớt tóc nữa họ sẽ phải ăn xin"[23].
Trong câu lạc bộ đói, những bạn đồng hành của ông Cát có những
người tứ cố vô thân:
"Đó là những người không gia đình, vừa chôn vợ xong, không
con, hay con cái đã chết trong chiến tranh. Người ta bố thí cho họ một góc bếp,
đêm lạnh như những mũi kim châm giết người chọc thủng da thịt. Sáng ra, người
ta thấy họ co quắp trong tấm chăn thủng, chiếc chiếu rách. Thời gian đầu, những
người bạn cùng khốn nhịn ăn bóp chắt chút tiền góp mua cho họ chiếc quan tài. Rồi
sau, những người bạn ăn mày đó cũng chỉ hai ba ngày mới có miếng cơm vào miệng,
không ai còn khả năng đóng góp gì nữa. Những xác bị chất đống trên xe ba gác, rồi
quẳng vào hố công cộng, như thời cả nước chết đói trước đây! Chỉ vài người như
ba, nhờ có tý nhà cho thuê là còn sống". Người cha già lau những giọt lệ
cay đắng chảy từ khoé mắt"[24].
Ông bà Cát còn chút may mắn hơn họ, nhưng cũng không yên thân được
lâu.
"Một thời gian sau, người cha già nhận được "giấy mời"
đi dự hội nghị Cải Tạo Tư Sản ở Hà Nội. Có những "giấy mời" không thể
chối từ (...) Người thuyết trình không ai khác hơn là Năng (...) Hôm nay với tư
cách phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội, Năng, khéo léo ban cho những
"kẻ thù của dân tộc" hai chữ "đồng chí", nhắc lại công lao
giải phóng dân tộc và đưa đất nước lên hàng quốc tế của Đảng, trước khi vào
chính đề:
"... Trên bình diện nguyên tắc, các đồng chí cũng biết rằng
chủ nghiã cộng sản quyết tâm chiến đấu chống tất cả mọi hình thức bóc lột. Chế
độ của chúng ta chỉ cho phép người lao động sống, và phải sống bằng kết quả việc
làm của mình. Chúng ta chiến đấu kịch liệt chống những ký sinh trùng xã hội sống
không làm việc mà nhờ chiếm đoạt kết quả lao động của người khác! Nhờ ăn cắp
hay bóc lột. Ví dụ kẻ bóc lột, có một toà nhà: nó có quyền ở cùng với gia đình.
Nhưng một khi nó cho thuê một phần hay cả nhà để lấy tiền sống, là nó đã bóc lột,
bởi vì nó không sống bằng việc làm mà sống bằng lợi tức thu được. Xã hội cộng sản
không có chỗ cho kẻ bóc lột, chỉ có người lao động mới được vinh dự hưởng mọi
quyền lợi trong xã hội này. Trong trật tự chính trị mới này, không có chỗ cho bọn
ký sinh, cũng không có chỗ cho bọn bóc lột. Chúng ta kịch liệt chống lại những
cái ác và không sờn lòng quyết chí trừ khử tận rễ (...)
Tôi xin nhắc lại với các đồng chí rằng Đảng ta, sau khi lấy lại
nền độc lập và tự do, đã trân trọng cam kết sẽ đem lại thịnh vượng và hạnh phúc
cho dân tộc và đã quyết định phát động cuộc chiến một mất một còn với sự bóc lột
dưới mọi hình thức.
Thế nghiã là gì? Nghiã là tất cả lợi tức trái phép từ việc cho
thuê nhà, thuê đất kiếm lời, đến cán bộ ăn đút lót bán chữ ký, bán đặc ân, đều
bị luật pháp trừng trị...
Luật chứng nhận hợp pháp tiền cho thuê nhà, xuất thân và mang
tính cách tư bản chủ nghiã. Chúng ta bãi bỏ luật này từ hôm nay. Ở chế độ ta,
chính trị đi trước pháp luật và chỉ cho luật pháp con đường phải đi. Chính trị
là lệnh đầu và lệnh cuối của tất cả. Tôi xin lưu ý các đồng chí rằng, ngay một
nghị quyết được thảo dưới định chế của một bộ luật cũ và được bộ luật ấy công
nhận giá trị, cũng sẽ bị tước bỏ giá trị của nó nếu chính trị quyết định khác.
Thậm chí, một biện pháp chính trị có thể có tác dụng hồi tố chống lại quan niệm
của luật gia tư bản. Trong trường hợp mà chúng ta đang xét, sự hồi tố của quyết
định chính trị, bắt buộc những người chủ nhà phải trả lại những số tiền thuê
nhà đã thu được trong quá khứ. Có thể họ đã mua vàng với những số tiền này: vậy
vàng hay tiền mặt còn lưu trữ trong nhà phải được trả lại cho Nhà Nước. Các đồng
chí đừng vội hoảng, Đảng ước định rằng, sau khi các đồng chí đã trả hết số vàng
và tiền mặt còn giữ, các đồng chí cũng chẳng chết đói đâu mà sợ. Các đồng chí vẫn
còn đủ để sống một đời sang trọng gần như trước. Dĩ nhiên là từ nay, các đồng
chí sẽ bị tịch thu hết bất động sản, chỉ được giữ đúng một diện tích để ở với
gia đình. Chỗ còn lại sẽ được cơ quan thành phố quản lý và tất cả quyền sở hữu
đều bị hủy bỏ! (...)
Xin nhắc lại rằng trong tất cả xã hội loài người, hai yếu tố cấu
thành chung thân xung đột nhau là cá nhân và tập thể. (...)
Chiến thắng mà cha ông ta hằng mơ ước sở dĩ chúng ta đạt được là
bởi vì chúng ta nghe theo tiếng gọi của Đảng, chấp nhận hy sinh xương máu. Đảng
độc quyền lãnh đạo và quyết định rằng chính trị là trên hết, trên các luật lệ,
trên cả luật pháp và đạo đức, nhất là nếu chúng tán dương cá nhân chủ nghiã và
cá nhân con người.
Khả năng của cá nhân bị giới hạn trong thời gian và không gian,
bị giảm hiệu năng vì luôn luôn bị lôi kéo trong đam mê và tội lỗi, làm sao có
thể ganh đua với sức mạnh vô song, khôn lường của một tập thể đã được sự chỉ đạo
của một quyền lực sáng suốt và có ý thức? Nhất là khi cá nhân chủ nghiã cho
phép những hoạt động đi ngược lại con đường chính trị của tập thể, ví dụ, nó chấp
nhận quyền bóc lột, trong việc nhận tiền thuê nhà! Chính vì tình trạng này mà Đảng
ban bố sắc lệnh Cải Tạo Tư Sản để triệt hạ quyền bóc lột mà chủ nhà được hưởng.
Thưa các đồng chí, vấn đề trước mặt các đồng chí thật rõ ràng:
Chịu ở mãi địa vị bóc lột, ngửa tay nhận tiền puốc-boa trái phép, nhục nhã,
thêm sự căm thù của người thuê? Hay ngược lại, quyết định lấy lại phẩm cách con
người, người lao động trong một nước tự do, độc lập, theo Đảng, tuân lệnh Đảng,
cùng góp phần với Đảng trong công cuộc đấu tranh giai cấp? Đảng mở ra trước mặt
các đồng chí con đường vinh quang và hạnh phúc trong sự xây dựng xã hội chủ
nghiã, bằng cách tiêu diệt hoàn toàn sự bóc lột trong xã hội ta. Nay, Đảng dạy
rằng sự bóc lột chỉ biến mất nếu ta thi hành chính sách tập trung tất cả của cải,
bất luận thứ gì, thậm chí, tập trung cả mọi phương tiện và trung tâm sản xuất kỹ
nghệ cũng như thương mại. Chắc chắn các đồng chí sẽ mất sự hưởng thụ quyền sở hữu
nhà cửa. Tôi đồng ý đối với một số đông, sẽ là khó khăn đấy. Nhưng các đồng chí
và thế hệ con cháu sẽ thắng lợi vì đã lấy lại được phẩm chất của một công dân
bình đẳng, trong một quốc gia tự do và độc lập! Tôi bảo đảm: không bao giờ các
đồng chí sẽ phải hối tiếc đã theo Đảng, đã tuân thủ những mệnh lệnh của Đảng!"
Diễn giả ngừng. Đảo mắt khắp phòng. Có thể, vì thói quen, trong
những cuộc họp khác, y đợi những tràng pháo tay của một cử toạ đã được huấn luyện
trước?
Nhưng lần này, một sự im lặng chết chóc chào đón lời y. Trong mắt
một số sở hữu chủ lớn, ngời lên một tia sáng: Phải chăng đó là sự tức giận, sự
căm thù, hay là để diễn tả cơn cuồng nộ báo oán, hay một quyết định yếm thế giữ
khoảng cách với cộng sản và nếu cần thì bỏ xứ ra đi? Mọi ức đoán đều khả thể.
Ngược lại, phản ứng của những người chủ nhỏ giống nhau, không thể
lầm lẫn được bởi trên mặt họ hiện nên những nét nặng nề đau khổ, tất cả đều
rưng rưng nước mắt. Họ đã bị mất phần lương hưu, chỉ sống bằng món tiền nhỏ mọn,
nhờ cho thuê lại một vài mét vuông phần nhà đang ở. Bây giờ, tất cả mọi diện
tích cho thuê, lớn nhỏ, đều bị giật khỏi chủ nhà, để cho Nhà Nước quản lý, và tất
cả người thuê phải được một cơ quan hành chính chấp nhận, cơ quan này thu tiền
nhà và trả vào quỹ Nhà Nước; những chủ nhà nhỏ, độc thân, không có gia đình,
không được hưởng bất cứ trợ cấp hay sự giúp đỡ nào, thấy trước mắt hình ảnh khủng
khiếp của cái đói một khi đã tiêu hết tiền tháng trước. Cơn ác mộng chết chóc mỗi
đêm ám ảnh cướp giấc ngủ. Có người còn đủ sức, lê gót đến bờ sông gieo mình xuống
nước rút ngắn nợ đời. Có người, co quắp, mặt không còn thịt, hai gò má hõm sâu
hoắm, rơi xuống vỉa hè ngủ giấc cuối cùng. Có người giữ phép lịch sự và chững
chạc tới phút chót, mặc bộ quần áo cũ lành lặn nhất nằm dài trên sân căn nhà
nát, một phần đã cho thuê, nhường chỗ của mình cho một kẻ trú đêm. Sáng ra người
ta khám phá những xác chết không gia đình ấy quận tròn trong manh chiếu rách
thay quan tài và được vất trong hố công cộng. Sự bóc lột của thực dân chấm dứt
không kèn không trống như thế![25]
"Bỗng nhiên trên báo chí hàng ngày, con số tai nạn lưu
thông vọt lên cao như tên bắn và kỳ lạ là tất cả những nạn nhân bị xe hơi cán
thường là những người già gầy trơ xương. Chưa bao giờ người ta vớt được trên
sông Hồng nhiều xác ốm o đầu bạc như thế. Ấy là chưa kể đến những người sáu bẩy
chục tuổi, không chịu được cái sốc bị mất phần lợi tức nhỏ nhoi giúp họ có miếng
lấp bụng đói đang reo: đầu óc rối loạn, áo quần rách rưới, họ bỏ chiếc ghế bố
đi rong khắp phố phường vừa đi vừa nói lảm nhảm, không ai hiểu, trước khi ngã
lăn đùng bên một bờ dốc"[26].
Sau khi thuật cho con nghe tình hình chung của các bạn mình, người
cha già kết luận:
"Cuộc cải tại tư sản do Đảng ban hành để chấm dứt sự bóc lột
dưới tất cả mọi hình thức để xây dựng xã hội chủ nghiã, đã chiếm đoạt quyền sống
của cha mẹ. Chưa bao giờ ở nước ta và trong cả lịch sử loài người, một chính
quyền dám khẳng định sự áp chế vô nhân đạo đến độ không đoái hoài đến nỗi đau
khổ cá nhân và gia đình như thế; chưa bao giờ, kể cả trong lúc thác loạn điên
khùng nhất, một bạo chúa dám động đến quyền sở hữu cá nhân và đập vỡ viên gạch
nền móng của xã hội loài người. Con người chỉ làm việc để bảo đảm quyền sống.
Trong số những giấc mơ thúc đẩy họ sốt sắng theo đuổi những cố gắng là có mái ấm
gia đình. Khác với một số loài vật dã man tụ tập thành lũ, thành bầy, con người
luôn luôn cảm thấy cần phải cá nhân hoá sự hiện hữu của mình. Nếu hắn làm việc,
là để có một đời sống cá nhân theo sở thích của hắn, để sống những ngày bình
yên trong lòng một gia đình với người vợ hắn đã chọn và những đứa con sinh ra từ
máu mủ của mình. Hắn chỉ mong ước có một mái nhà cho những người thân yêu trú
ngụ, với họ, hắn sẽ học hỏi, xây đắp, làm nẩy nở nhân cách, để cho cuộc đời hắn
đạt cái ý nghiã cao nhất và đầy đủ nhất. Đối với hắn, quyền sở hữu cá nhân đối
với gia đình và mái nhà, cũng cần thiết như khí trời để thở, như bát cơm để ăn.
Chính vì thế mà con người khác loài vật, chính vì thế mà văn minh tiến bộ. Ngay
từ lúc nhà cầm quyền khởi sự đấu tranh chống sở hữu cá nhân nhà cửa, hướng đòn
đánh vào cá nhân, nhân danh tập thể, họ phải biết rằng họ đã phá vỡ cơ sở căn bản
của xã hội, đã đánh sập nền móng Nhà Nước, do đó phá vỡ bệ trụ trì quyền uy của
họ"[27].
[1] Heinz Schütte, Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua đua nở ở
Việt Nam 1954-1960, bản dịch từ tiếng Đức của Talawas.
[2] Chỉnh là chỉnh đốn tư tưởng và tác phong. Chỉnh
Quân cho quân đội, Chỉnh Đảng cho đảng viên, và Chỉnh Phong cho
người ngoài đảng.
[4] Trường Chinh "phỏng theo" nội dung Đấu
tranh giai cấp trong Luận Cương chính trị của Đảng, do Trần Phú
soạn năm 1930, đại ý: Tất cả giai cấp tư sản đều phản động dù là bộ phận
"hiệp tác" với đế quốc hay bộ phận "thỏa hiệp" với đế quốc.
Thoả hiệp như: bọn Huỳnh Thúc Kháng, bọn Phạm Quỳnh, bọn Ngọ Báo... Các đảng
phái tiểu tư sản như Quốc Dân Đảng, Nguyễn An Ninh... đều dính dáng đến bọn địa
chủ và tư bản... (Văn kiện đảng toàn tập, Tập 2, nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 1998, trang 88-103, dẫn theo Lữ Phương, sđd).
[6] Tô là địa tô viết tắt, địa tô là
tiền hay hiện vật người thuê đất -tá điền- phải giả cho người chủ đất - địa chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét