Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

TẠI SAO TÔI DỊCH 'BÊN THẮNG CUỘC'?

I   2 A    2 B    3   4   5   6   7   8   9   10   11 12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   KẾT
Cuốn 'Bên Thắng Cuộc' của nhà báo Huy Đức hiện đang được giáo sư người Nhật Ari Nakano, nhà nghiên cứu chính trị tại đại học Daito Bunka, Nhật Bản, dịch sang tiếng Nhật.
Bà cũng là người đã từng dịch hai cuốn 'Hoa Xuyên Tuyết' và 'Mặt Thật' của nhà báo Bùi Tín.
BBC đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bà qua điện thoại bằng tiếng Việt vào ngày 14/7.
BBC: Trước hết, lý do nào khiến giáo sư quyết định dịch cuốn "Bên Thắng Cuộc" của nhà báo Huy Đức sang tiếng Nhật?
Ari Nakano: Tôi nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam hiện đại, đặc biệt là thời kỳ sau khi chiến tranh với Mỹ kết thúc năm 1975.
Đầu năm nay, một người bạn giới thiệu cuốn Bên Thắng Cuộc cho tôi. Tôi rất quan tâm đến nội dung sách ấy vì có nhiều thông tin về tình hình xã hội Việt Nam sau thống nhất như là chính sách cải tạo, chính sách kinh tế mới, kể cả chiến tranh ở Campuchia, .v.v.
Tôi muốn dịch sách này sang tiếng Nhật để người Nhật biết thêm về lịch sử hiện đại của Việt Nam.
BBC: Bà nghĩ bạn đọc Nhật có quan tâm đến cuốn sách này hay không, hay chỉ những học giả, nhà nghiên cứu khác?
"Có những người không biết đến sự thật về Việt Nam mà chỉ là những ảo tưởng, nghĩ rằng Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa nên mọi người bình đẳng, có phúc lợi xã hội, phải nói là ảo tưởng hoàn toàn."
Ari Nakano: Nói chung là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhiều người Nhật rất quan tâm đến Việt Nam và thông cảm, ủng hộ trong cuộc chiến với Mỹ. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, người Nhật dần mất quan tâm đến Việt Nam vì thiếu thông tin từ nước này.
Cũng có những người không biết đến sự thật về Việt Nam mà chỉ là những ảo tưởng, nghĩ rằng Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa nên mọi người bình đẳng, có phúc lợi xã hội, phải nói là ảo tưởng hoàn toàn.
Bởi vì người Nhật rất ít thông tin về Việt nam từ năm 1975 đến khi Đổi mới bắt đầu, cho nên một mặt vẫn có ảo tưởng từ thời kỳ chiến tranh, mặt khác chúng tôi chỉ nghĩ rằng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ mà thôi.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng Việt Nam vừa thành công phát triển xã hội chủ nghĩa, vừa thành công về phát triển kinh tế, phải nói là có nhiều người nghĩ sai về Việt Nam.
Các học giả Nhật Bản chuyên nghiên cứu Việt Nam thì không có nhiều người nghiên cứu về chính trị Việt Nam hiện đại, vì có nhiều vấn đề nhạy cảm như vấn đề nhân quyền, dân chủ, vv. Nhưng các học giả ở Nhật phụ trách giới thiệu tình hình thực sự ở Việt Nam với người dân Nhật Bản, nên tôi nghĩ sách Bên Thắng Cuộc sẽ giúp ích cho việc đấy.
BBC: Trong thời gian qua, bà có liên lạc với tác giả cuốn sách và nhận sự giúp đỡ nào từ ông trong việc dịch thuật hay không?
Ari Nakano: Trước khi được biết về sách Bên Thắng Cuộc, tôi chưa bao giờ biết về nhà báo Huy Đức. Nhưng khi được biết về cuốn sách này, tôi đã liên lạc với tác giả qua Facebook.
Người Nhật bắt đầu ít quan tâm tình hình Việt Nam sau năm 1975.
Cho đến nay, tôi có thể liên lạc với anh Huy Đức qua email, tôi gửi những câu hỏi về nội dung cuốn sách và anh ấy trả lời rất nhanh.
Tôi chưa hiểu về những sự kiện hoặc tình hình xã hội ở Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Có những ngữ vị đặc biệt về chính trị mà tôi thường gửi câu hỏi và anh ấy đã giải thích một cách cụ thể.
BBC: Cuốn Bên Thắng Cuộc hiện nay không được chính quyền Việt Nam chào đón, bà có lo rằng việc dịch cuốn sách này sẽ ảnh hưởng tới công việc hay dự án tương lai của mình ở Việt Nam hay không?
Ari Nakano: Tôi muốn được nghiên cứu và trao đổi với người dân Việt Nam. Tôi mong được làm việc ở Việt Nam để nắm tình hình ở Việt Nam một cách khách quan.
Vì thế tôi hy vọng công việc của tôi ở Việt Nam sẽ không bị ngăn chặn vì lý do chính trị.
BBC: Đã có nhà xuất bản nào tại Nhật ngỏ ý muốn phát hành cuốn sách mà bà đang dịch hay chưa?
Ari Nakano: Năm 2015 là kỷ niệm 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cho nên tôi muốn xuất bản nhân dịp này.
Nhưng hiện nay, dù sao hiện nay tôi còn đang dịch sang tiếng Nhật nên trước hết tôi muốn hoàn thành công việc dịch sách, sau đó sẽ nghĩ đến nhà xuất bản.

I   2 A    2B    3   4   5   6   7   8   9   10   11 12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   KẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét