Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

VÀI LỜI CÙNG CÁC ÔNG NGHỊ BÀ NGHỊ THAM DỰ KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIII

Thưa 500 vị Đại Biểu Quốc Hội kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khoá 13!
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam hôm.
Động tác bấm nút thông qua hay không thông qua cái gọi là “DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI” mà thực ra là chẳng sửa đổi gì, đang gây nên sự chú ý đặc biệt không chỉ cho riêng ĐCS Việt Nam mà còn cả 90 triệu con dân Đại Việt đang trông ngóng vào thời khắc định mệnh này. Quý vị bấm nút không thông qua, nhân dân Việt Nam vui mừng vì vẫn còn có khả năng được “…nhi thoát!”. Vì áp lực của Đảng mà quý vị bấm nút thông qua thì các ông lớn, các đại gia tư bản đỏ trong chi chít là những nhóm lợi ích từ trung ương tới địa phương sẽ… vô cùng hả hê vì “Bao nhiêu lợi quyền vẫn trong tay mình!”.
Thông thường, người ta chỉ soạn thảo Hiến Pháp mới sau những biến động chính trị ở tầm vĩ mô như sau một cuộc cách mạng, một cuộc đảo chính thay đổi thể chế chính trị… và cũng có thể có sự sửa đổi Hiến Pháp cho phù hợp với những chuyển hướng lớn về đường lối kinh tế và chính trị như những gì đã diễn ra sau Đại Hội đảng 6 (1986) với tiêu chí “Đổi Mới”, với sự hiện diện của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, với sự xuất hiện của “Kinh Tế Thị Trường” theo “Định Hướng XHCN” và đảng viên được quyền làm giầu…cùng với ngoại cảnh giai đoạn đó là sự sụp đổ của Đông Âu cộng sản, sự biến mất của Liên Xô thành trì của CNXH… HIẾN PHÁP 1992 đã ra đời trong một bối cảnh như vậy.
Còn lần này… vận động toàn dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp với tiêu chí ban đầu là “Không có điều gì là cấm kị, kể cả Điều 4”… nhưng kết cục lại phớt lờ mọi sự góp ý, kể cả những góp ý chân thành của nhân sĩ và trí thức qua Kiến Nghị 72 với hàng vạn chữ ký ủng hộ từ trong và ngoài nước…để quay lại hiến pháp “1992 VŨ NHƯ CẪN” mà Đảng sắp yêu cầu các quý vị bấm nút thông qua là thông qua cái mà các khoá trước đã thông qua rồi.
Xin Hỏi:…
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi dự thảo Hiến Pháp thay đổi mà hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào trong các vấn đề hệ trọng như: Chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của ĐCS, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân…đều không thay đổi so với Hiến Pháp 1992.
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi “Hiến Pháp là văn bản quan trọng đứng sau cương lĩnh của Đảng” (Nguyễn Phú Trọng) và Hiến Pháp đang trở thành “Lá Chắn” hữu hiệu để che đậy cho những sai lầm, bất cập của đảng và nhà nước hơn là giúp cho nhà nước thực thi những điều đã hiến định theo trách nhiệm của mình.
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi ngay ở những dòng đầu của Dự Thảo hiến pháp mới  vẫn là sự khẳng định học thuyết Mác Lê vẫn là cơ sở lý luận của nhân dân ta, tức là …:
- Phải thực hiện chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của ĐCS … để Đảng mãi mãi được độc quyền làm vua.
- Phải công hữu hoá tư liệu và công cụ sản xuất để thực hiện kinh tế nhà nước là chủ đạo để tiếp tục có điều kiện để lại có nhiều Vinashin, Vinaline khác…
- Phải hợp tác hoá nông thôn để đất đai tiếp tục là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý để “Bao nhiêu lợi quyền vẫn trong tay mình!”.
- Sản xuất phải theo kế hoạch và do nhà nước phân phối để mãi mãi là độc tài toàn trị, mãi mãi dân tộc phải mỏi mòn vì cơ chế xin cho.
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi tên nước Việt Nam vẫn phải mang tiếp đầu ngữ CHXHCN, một ảo tưởng chẳng  nước văn minh nào theo, chính ông Nguyễn Phú Trọng gần đây cũng thừa nhận là đến cuối thế kỷ này vẫn chưa chắc thấy được cái ảo tưởng hư vô đó.
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi Điều 4 vẫn tồn tại, tức là dù là cơ quan quyền lực cao nhất thì Quốc Hội cũng chẳng hơn gì các thứ Mặt Trận, Hội Đoàn quần chúng… chỉ là những cánh tay nối dài của Đảng!
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi đất đai vẫn là sở hữu toàn dân do nhà nước đứng ra quản lý, tức là vẫn còn nguyên những gì để lại tiếp tục có những vụ Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, Văn Giang, Dương Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và nhiều nơi khác…
· Quý vị sẽ bấm vào nút bấm nào khi “Toàn bộ cơ chế nhục hình và bắt ông Chấn ngồi tù 10 năm, bất chấp các tiếng kêu oan liên tục từ khi ông Chấn bị đưa ra toà…vẫn còn y nguyên đó” (Phạm Hồng Sơn)                
Tức là vẫn còn nguyên cái cơ chế để bất cứ người dân nào, vào bất cứ thời điểm nào cũng quá dễ dàng để trở thành một Nguyễn Thanh Chấn trong vụ đại oan ở Bắc Giang đang gây xôn xao dư luận.
Thưa các quý vị ĐBQH khoá 13! Các quý vị nghĩ gì khi… theo kết quả của cuộc khảo sát “Chỉ Số Công Lý 2012” do Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Luật Gia Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và hỗ trợ cộng đồng thì 42.4% dân chúng Việt Nam không biết gì về Hiến Pháp hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến Pháp. Với 57.6% còn lại là những người biết Hiến Pháp là gì, những người đã từng được nghe nói đến Hiến Pháp thì có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý sửa đổi Hiến Pháp.
Với một tập thể đại cử tri vô tư và hồn nhiên như thế… tôi nghĩ rằng, nếu thực sự Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, của dân – do dân – vì dân…thì người đại biểu chân chính của nhân dân quyết định bấm nút bấm nào sẽ là một quyết định thực sự khó khăn và không hề đơn giản.
***
Quá mệt mỏi trước những gì đang hiển hiện giữa đời sống thường nhật… tôi mang những âu lo này tới giãi bày cùng người thầy, người bạn vong niên, nhà hoạt động xã hội, nguyên Chánh Văn Phòng Bộ Công An, nguyên uỷ viên đảng đoàn Bộ Công An… Đại Tá Lê Hồng Hà, chia sẻ với tôi. Cụ Hà bảo:
“Đất nước vẫn đang ở giai đoạn khủng hoảng toàn diện, nguy cơ Bắc Thuộc mới thực sự là nhãn tiền… Đảng đã mất uy tín ở mức độ nghiêm trọng, con đường đi lên XHCN là vô vọng, là sai lầm hoàn toàn… vậy mà các văn kiện của Hội Nghị TW 8 không một dòng nào nhắc đến những hiểm hoạ này. Thay vào đó, Đảng chỉ dốc sức để sớm thông qua Dự Thảo Hiến Pháp mới để củng cố địa vị độc tài, toàn trị của Đảng, biến Hiến Pháp từ ý nghĩa là một khế ước, một cam kết của toàn thể cộng đồng, thành một văn bản pháp lý để ước vọng  mãi mãi  được làm “VUA”của Đảng trở thành hiện thực. Cho nên…sự xuất hiện của Diễn Đàn Xã Hội mang dáng dấp của một đối trọng lành mạnh trước Đảng là một tất yếu tích cực, điều này ai cũng thấy chỉ mình Đảng là không thấy và không công nhận.
         Theo tôi, lúc này dù >92% ĐBQH là đảng viên thì Quốc Hội vấn phải cố mà giữ được chức năng là cơ quan dân cử có chức năng giám sát Đảng, chứ không phải là công cụ của Đảng. Đại Biểu Quốc Hội dù có ở cấp bậc nào thì trước hết phải là đại biểu của dân, do dân và vì dân. Nếu ĐBQH lúc nào cũng run rẩy trước mệnh lệnh của Đảng thì…xin lỗi, quý vị  đại biểu đó nên từ chức đi.
 Kể từ Hội Nghị Thành Đô (1990) đến nay, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, Chính Phủ và Quốc Hội Việt Nam qua lại Trung Quốc nhiều lần, đã có những nhượng bộ rất bất lợi cho tổ quốc, là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc Hội phải đòi Chính Phủ giải trình rộng rãi về các vấn đề này.
 Theo tôi, không thể thông qua Dự Thảo Hiến Pháp mới vào lúc này, phải tiếp tục  tiếp xúc, trao đổi  giữa các tầng lớp dân chúng sâu rộng hơn nữa về các nội dung của Hiến Pháp và quyền phúc quyết Hiến Pháp sẽ phải trả lại cho người dân, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý chứ công việc này không phải là của Quốc Hội”. (Lê Hồng Hà)
Tôi chia tay cụ Hà vào lúc bản tin thời tiết của VTV đang lan toả thông tin cơn thịnh nộ của thiên nhiên, qua siêu bão huỷ diệt có tên là Haiyan đã có phần ưu ái cho người Việt Nam. Giữa dòng xe cộ trộn rộn và rất vô tình, tôi chạnh lòng ao ước: Những gì mà cụ Hà vừa chia sẻ với tôi sớm trở thành hiện thực, thì người Việt Nam có thể cũng “…nhi thoát” được những hoạ hại dai dẳng về xã hội, những hoạ hại đó cũng chẳng kém những gì mà siêu bão Haiyan mới gây ra cho người dân Philippin.
Hà Đông, một chiều tháng 11 – 2013

Nguyễn Thượng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét