Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

PHAN NHẬT NAM – NGƯỜI LÍNH CHƯA RA KHỎI CUỘC CHIẾN

Phan Nhật Nam
Phạm Trần - Tổ tiên người Việt có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, sự đau nhớ đời”, nên nếu cái đau ấy là của cả dân tộc thì làm sao mà chúng ta có thể quên được. Cũng như dân tộc Do Thái, có bao giờ họ quên được nỗi đau Holocaust với khoảng 6 triệu người bị Đức Quốc Xã giết hại trong Thế chiến II?

Nhưng có ai trong chúng ta biết đã có bao nhiêu triệu người Việt Nam bị chết oan trong 4 cuộc chiến 1945-1954, hay còn được gọi là cuộc chiến Đông Dương dưới thời Pháp đô hộ Việt Nam; Cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam từ 1960-1975, hay với thói quen Tây phương đặt tên là “cuộc chiến Việt Nam” với sự hy sinh của 58 ngàn quân nhân Mỹ và hàng ngàn quân đội đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa; và sau cùng là 2 cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979-1984 và biên giới Việt-Miên 1977-1978?



Con số thương vong phỏng chừng từ 3 đến 6 triệu người nhưng dù chỉ 1 người dân Việt Nam vô tội chết thì cuộc chiến ấy cũng đáng bị lên án tàn ác và bi thảm vì người này có làm gì nên tội mà phải chết?

Nhưng dường như cả nhân loại chỉ nhớ đến sự tàn bạo và hung tàn của Đức Quốc Xã đối với hành động vô nhân đạo giết người Do Thái, bất kể phụ nữ và trẻ em, bằng hơi ngạt.

Còn đối với người Việt Nam thì sao? Có ai trên Thế giới đã nghĩ đến vào mỗi dịp ngày đầu của Năm, những oan hồn trong cuộc chiến Mậu Thân 1968 ở thành phố Huế đã hiện về?

Có ai muốn nhắc đến những hầm xác đào lên bị mất đầu, cổ còn bị giây kẽm gai xiết chặt, hai tay quặt về sau nằm úp vỡ sọ đầu, hay những vết đâm thấu qua lưng một cụ già mắt vẫn mở toang?

Sự tàn bạo của chiến tranh và của những con người mang danh “giải phóng” vẫn còn in trên từng viên gạch ở Cổ thành Quảng Trị, dọc theo Đại lộ Kinh hoàng số 1, trên Quốc lộ 13 Bình Long và dọc đường 14 Kontum chạy về đến đồng bằng Cửu Long trên Quốc lộ 4. 

Từ cầu Bến Hải xuống mũi Cà Mâu dài trên 1 ngàn cây số, có chỗ nào không dính máu người Việt? Và từ Bến Hải lên tận biên giới Việt-Tầu, cũng trên ngàn cây số, có nơi nào không có máu người Việt Nam sau 39 năm chinh chiến (1945-1984)?

Tại sao? Lỗi tại ai?

Những người Cộng sản Việt Nam, vẫn tự mãn đã có công lớn trong cuộc kháng chiến giành độc lập 1945 và thống nhất đất nước năm 1975, chưa khi nào giải thích được tại sao họ phải gây ra chiến tranh để đạt được những “thắng lợi” cho đến 38 năm sau ngày chiếm được Sài Gòn, đã có rất nhiều người trong họ hối hận, ăn năn cho một thời lầm lẫn đã mù quáng nghe theo đảng, nghe theo lời đường mật của Hồ Chí Minh “không gì qúy hơn độc lập tự do”?

Và cũng chính nhiều người Cộng sản từng ở cấp lãnh đạo, chỉ huy bây giờ mới thấy những hy sinh, mất mát của chính họ, của đồng đội và của đồng bào đã bị phản bội nhưng họ đã bất lực để nhìn ra dân tộc mỗi ngày một suy tàn, đất nước mỗi ngày một tan hoang trong chia rẽ, hận thù chồng chất lên từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Hãy nghe Phan Nhật Nam tâm sự: “Huế trước mắt tôi sụp vỡ từng mảng một, nghe đau xót như chứng kiến người thân bị hành xác… Tất cả những linh hồn, không phải đất đá, cỏ cây thuần túy, chúng có kỷ niệm, trong lòng chúng là vết tích hoài hoài mà chúng ta ghi nhớ…”

“Ở đây, thôn Giáp Hậu, Mai Đẳng, Hải Lâm, quận Hải Lăng, Quảng Trị thì khác hẳn. Khác hẳn với An Lộc. Cao hơn An Lộc một bậc. Trên hơn An Lộc một tầng. Tầng cao ngất thảm thiết. Dài hơn An Lộc một chặng. Dài hun hút thương tâm. Sự chết trên chín cây số đường này là chín cây số trời chết, đất chết. Chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh thịt, chết từng cụm xương sống, đốt xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong đen đúa.

Nhiều quá, chín cây số hay chín ngàn thước, mỗi thước trung bình hai bộ xương tung tóe. Vậy tất cả là bao nhiêu? Không làm sao phân biệt được tay này, chân kia, đầu lâu người nọ…”

Ai đã gây ra những cảnh kinh hoàng này? Chẳng lẽ do những người lính Việt Nam Cộng Hòa chưa hề đặt chân “xâm lăng” lên bờ bên kia Vỹ tuyến 17?

Những xác người ấy là thường dân đã chết trên đường chạy giặc.

“Chẳng lẽ thằng cha này còn sống?! Hùng và vài người lính đi đến. Hóa ra chỉ là phần thân thể còn lại của một người, lũ chuột đang cấu xé trên phần chân thối rữa… Trời sáng hơn, nên cũng thấy rõ những chiếc sọ vữa nát nằm lềnh kênh. Không có cái nón sắt nào thì đây chắc là đầu của dân thôi, sao Việt Cộng sao nó ác vậy hở trời! Lính Tiểu đoàn 9 ghìm xuống những phản ứng xa xót, họ biến mối đau thương nên thành nguồn lực mạnh mẽ…”

“…Trong 68 ngày, bao nhiêu cân bom, trái đạn đã rơi xuống trên mỗi phân đất của thị xã chiều dài không quá 15 phút Honda ấy? Quảng Trị! Muốn được kêu lên một tiếng, muốn nhỏ xuống dòng nước mắt-Thành phố Quê Hương là Thánh Địa chịu nạn cho hết tai ương nhân loại—Không một nơi chốn nào trên địa cầu này phải chịu cảnh huống điêu linh khốc liệt bằng vùng đất gọi tên Quảng Trị, nơi thị xã có khối Cổ Thành Đinh Công Tráng. ”

Trên đây là một vài đoạn tôi trích từ Cuốn hồi lý chiến tranh “Phân Người-Phận Nước” của Nhà văn Phan Nhật Nam khi ông tròn 70 tuổi. Ông đã tiêu hao cuộc đời trong 14 năm tù Cộng sản, nhưng không trở nên khô cằn như nhiều cựu tù khác.

Ông vẫn đầy ắp tình người, tình đồng đội và tình bạn khi kể về cuộc chiến và những nơi chốn in vết chân ông trên khắp chiến trường khốc liệt nhất ở miền Nam.

Đại úy Nhảy Dù Phan Nhật Nam đã để lại lịch sử chiến tranh với hai sự việc mâu thuẫn. Một tấm hình chụp anh đối diện với viên Sỹ quan Cộng sản trong đợt trao đổi Tù bình sau Hiệp định Paris 1973 và một ảnh Phan Nhật Nam phát thực phẩm cho một em bé trên con lộ tử thần số 7 rút quân từ Phú Bổn về Tuy Hòa mà tôi còn giữ với tờ Việt Báo do tôi và Linh mục Trần Duy Nhất chủ trương hồi năm 1977.

Nhưng tôi không đủ can đảm đọc hết bút ký vẫn như kể chuyện vừa mới xảy ra của Phan Nhật Nam, dù cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng 38 năm. Bởi vì những câu chuyện trong cuộc chiến, những mẩu đời đi qua và những người lính Việt Nam Cộng hòa anh hùng qua ngòi bút hừng hực như lửa cháy của Phan Nhật Nam vẫn lừng lững trước mắt trên gần 400 trang sách.

Sự tàn ác và khốc liệt của “Phận Người-Vận Nước” không nằm trong tình cảm con người mà do chính con người, những người Cộng sản đã gây ra cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”.

Ở tuổi 70 mà người lính Phan Nhật Nam vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến không phải là thảm họa của một người mà là của cả dân tộc. -/-

(11/2013)

Phạm Trần


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét