Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

CUỘC THẢM SÁT TẠI KHE ĐÁ MÀI

Vài lời mở đầu


Biến cố tết Mậu Thân sắp được hầu hết toàn thể dân tộc VN, đặc biệt nhân dân miền Nam, kỷ niệm lần thứ 40 với trái tim vẫn còn rỉ máu, vì hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc thảm sát này –mãi cho tới hôm nay- chưa bao giờ nghe được một lời tạ lỗi và thấy được một cử chỉ sám hối từ phía các tay đồ tể là đảng CSVN, đồng bào ruột thịt của họ. Chúng tôi nói là hàng trăm ngàn người, vì ngoài con số 14.300 nạn nhân vô tội gồm tu sĩ, công chức, giáo sư, giáo viên, sinh viên, học sinh, dân thường ở miền Nam (riêng Huế chiếm gần một nửa), còn phải kể đến 100.000 bộ đội miền Bắc (con số do chính CS đưa ra) đã bị nướng vào cuộc tàn sát dân tộc này, cuộc tàn sát man rợ nhất lịch sử đất nước mà người chủ xướng là Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao cấp trong đảng CS thời đó.

Chúng tôi viết lên bài này như nén hương lòng tưởng nhớ các ân sư, thân nhân, bằng hữu, đồng nghiệp của chúng tôi đã bị CS tàn sát trong biến cố ấy như 3 linh mục người Huế là Hoàng Ngọc Bang, Lê Văn Hộ, Nguyễn Phúc Bửu Đồng, ba linh mục người Pháp là Guy, Cressonnier và..., 3 tu sĩ dòng Thánh Tâm là Héc-man, Bá Long, Mai Thịnh, ba chủng sinh là Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Vụ và Nguyễn Lương, hai sư huynh dòng La San là Agribert và Sylvestre cùng nhiều người khác… Chúng tôi cũng viết lên bài này như lời kêu gọi đảng và nhà cầm quyền CSVN phải biết thừa nhận sự thật, lãnh nhận trách nhiệm, công nhận tội ác tầy trời mà chính họ đã gây ra cho dân tộc VN trong những ngày xuân năm 1968, phải chấm dứt ngay việc trình bày biến cố Mậu Thân như một chiến thắng lừng lẫy, phải phục hồi danh dự cho các oan hồn bằng cách chính thức tạ tội và để tự do cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào tưởng nhớ các nạn nhân này, phải tôn tạo ít nhất ngôi mộ tập thể chôn cất di hài của họ tại núi Ba Tầng (núi Bân), phía Nam thành phố Huế. Ngôi mộ này lưu giữ hơn 400 bộ hài cốt chủ yếu bốc từ Khe Đá Mài nhưng đã bị chính CS phá đổ trụ bia và để cho hoang phế suốt 32 năm trời.
Đây cũng là điều mà mới đây, trong Thỉnh nguyện thư viết ngày 29-09-2007 cùng 124 Kitô hữu VN khác, chúng tôi đã đề nghị với Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Việc tưởng nhớ, cầu nguyện, minh oan cho họ (các nạn nhân biến cố Mậu Thân) để linh hồn họ được giải thoát, gia đình họ được an ủi là căn cốt trong truyền thống của mọi tôn giáo và nhất là của Kitô giáo. Đây cũng là cơ hội để các đao phủ thảm sát đồng bào bày tỏ thành tâm thiện chí, thống hối lỗi lầm, dọn đường cho việc hòa giải dân tộc cách đích thực. Nhớ lại năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm biến cố Đại lộ kinh hoàng Quảng Trị (1972), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân. Chúng con thiết tưởng Công giáo chúng ta cũng nên nhân cơ hội tưởng niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân để làm nghĩa cử đối với các oan hồn uổng tử đồng bào đồng đạo. Vậy chúng con kính xin Quý Đức Cha và Hội đồng Giám mục can đảm tổ chức lễ cầu nguyện khắp nơi cho các nạn nhân vô tội, đặt ra một ngày tạm gọi là “ngày nhớ Mậu thân”. Đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản dựng một tấm bia mới tại nghĩa trang Ba Tầng (thành phố Huế), nơi chôn cất hài cốt của hơn 400 nạn nhân, vì tấm bia cũ đã bị phá hủy ngay sau năm 1975”.

Trong toàn bộ biến cố Tết Mậu Thân, có lẽ những gì xảy ra tại Huế là đau thương và đánh động hơn cả. Nhưng trong những gì xảy ra tại Huế, thì có lẽ cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài là rùng rợn, dã man và thê thảm nhất. Tiếc thay, theo sự am hiểu của chúng tôi, hình như người ta chỉ biết đến kết cục của nó là hàng trăm bộ hài cốt dồn lại một đống dưới khe sau khi thịt thối rữa bị nước cuốn đi lâu ngày, từ đó suy diễn ra sự việc hơn là biết rõ diễn tiến của toàn bộ sự việc kể từ lúc các nạn nhân bắt đầu bị dẫn đi đến chỗ hành quyết. Lý do là vì chỉ có hai con người duy nhất trong đoàn tử tội đã chạy thoát được trước khi thảm kịch xảy đến, họ nắm được một ít chi tiết nhưng lại chẳng biết rõ địa điểm, do vụ việc xảy ra giữa đêm khuya trong rừng già; họ lại còn quá trẻ rồi sau đó đăng lính, mất hút vào cơn bão chiến tranh, khiến mãi tới ngày 19-09-1969, tức gần hai năm sau, nhờ khai thác tù binh Việt cộng, chính phủ VNCH mới biết đó là Khe Đá mài trong vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, thuộc quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên (xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy ngày nay) và mới tiến hành việc tìm kiếm hài cốt các nạn nhân xấu số. Thời gian sau, một trong hai người đã chết trận, đem theo bí mật xuống đáy mồ. Chúng tôi may mắn gặp được chứng nhân duy nhất còn lại, nay gần lục tuần. Ông đã tường thuật mọi việc cho chúng tôi khá tỉ mỉ. Nhưng vì lý do an ninh của đương sự, chúng tôi viết theo dạng tự thuật để khỏi nêu tên ông. Chúng tôi cũng xin phép bỏ đi nhiều chi tiết có thể giúp CS lần hồi dấu vết của ông để báo thù.
Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải
Lm Phêrô Phan Văn Lợi



Hồi ấy tôi mới 17 tuổi, đang là học sinh trung học đệ nhị cấp. Vì tình hình bất an, gia đình tôi đã từ quê chạy về thành phố, cư ngụ tại giáo xứ Phủ Cam, thôn Phước Quả, xã Thủy Phước, tỉnh Thừa Thiên (nay gọi là phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) từ mấy năm trước.

Sáng sớm mồng một tết Mậu Thân, tôi cùng gia đình đi thăm bà con thân thuộc và du xuân với các bạn đồng trang lứa, trong một khung cảnh tạm an bình, vắng tiếng súng, nhờ cuộc hưu chiến mà hai miền Nam Bắc đã cam kết tuân giữ.
Bỗng nhiên, khuya mồng một rạng mồng hai tết, nhiều tiếng đại bác và súng lớn súng nhỏ vang rền khắp xứ đạo của chúng tôi. Sáng hôm sau, tôi nghe nói Việt Cộng đang tấn công vào toàn bộ thành phố Huế và đã chiếm nhiều nơi rồi. Hoảng hốt, cả gia đình tôi cũng như rất nhiều giáo dân chạy đến nhà thờ (lúc ấy mới hoàn thành phần cung thánh và hai cánh tả hữu) để ẩn trú, vì đó là nơi an toàn về mặt thể lý (xây vững chắc, tường vách dày, trần xi măng rất cao) cũng như về mặt tâm lý (có thể trông cậy vào ơn phù hộ của Chúa và đông đảo người bên nhau thì bớt hãi sợ…). Tôi thấy đủ hạng: nữ nam già trẻ, linh mục tu sĩ, ngồi chen chúc nhau cả mấy ngàn người (giáo xứ Phủ Cam lúc đó lên tới 10.000 giáo dân). Đang khi ấy, ở bên ngoài, lực lượng địa phương quân, nhân dân tự vệ cùng các quân nhân chính quy về nghỉ phép hợp đồng tác chiến, chống giữ không cho Cộng quân tiến vào giáo xứ từ hướng An Cựu, Bến Ngự, Nam Giao, Ngự Bình... Cuộc chiến đấu xem ra rất ác liệt!
Thế nhưng, đến chiều mồng 6 Tết, do lực lượng quá nhỏ, lại không có tiếp viện (vì mặt trận lan khắp cả thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên), các chiến sĩ đang bảo vệ giáo xứ đành phải rút lui, bỏ chạy. Thế là VC tràn vào! Khuya hôm đó, lúc 1g sáng, chúng mang AK và đèn đuốc xông vào nhà thờ Phủ Cam để gọi là “bắt đầu hàng” và lục soát mọi ngõ ngách. Sau này tôi mới biết chúng có ý lùng bắt cha xứ mà chúng nghi là người chỉ huy cuộc kháng cự, lùng bắt tất cả những ai mà chúng nghĩ đã chống cự lại chúng trong 5 ngày qua, cùng mọi cán bộ viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, như xảy ra tại nhiều nơi khác trong thành phố Huế lúc ấy.
Thấy chúng vừa xuất hiện, tôi liền lợi dụng bóng tối, nhanh chân chạy đến cầu thang sắt phía cánh trái nhà thờ (gần mộ Đức Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền hiện nay), leo lên trần xi măng, sát mái ngói. Từ trên đó, qua mấy lỗ trổ sẵn để gắn đèn cao áp (nhưng chưa gắn), tôi mục kích khá rõ sự việc diễn ra bên dưới. Tôi thấy lố nhố VC địa phương (du kích nằm vùng) lẫn bộ đội chính quy miền Bắc. Chúng lật mặt từng người, chỉ chỏ bên này bên kia. Một câu nói được lặp đi lặp lại:
- Đồng bào yên tâm! Cách mạng đến là để giải phóng! Các mẹ, các chị, các em có thể ra về. Còn các anh được mời đi học tập, chỉ 3 ngày thôi! Không sao đâu!!!
Thế là mọi tráng niên và thanh niên từ 15 đến 50 tuổi đều bị lôi đứng dậy và dẫn đi, dù là học sinh, thường dân hay công chức…. Tiếng kêu khóc thảm thiết vang động cả nhà thờ. Con khóc cha, vợ khóc chồng, cha mẹ khóc con. Ai nấy linh cảm chuyến đi “học tập” này sẽ chẳng có ngày đoàn tụ. Sau này tôi biết thêm là linh mục quản xứ chúng tôi, cha Nguyễn Phùng Tuệ, nhờ ngồi giữa đám nữ tu dòng Mến Thánh Giá với lúp đội trên đầu, nên may mắn chẳng bị VC nhận diện. Bằng không thì bây giờ ngài đã xanh cỏ. VC ở lại trong nhà thờ suốt đêm hôm đó vài tên, còn những tên khác đi lùng khắp giáo xứ để bắt thêm một số người nữa, cũng từ 15 đến 50, thành thử có nhiều thanh niên hay học sinh gặp nạn.
Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, bỗng có hai tên VC theo thang sắt trèo lên trần và khám phá ra tôi. Một đứa tên Hồ Sự, du kích gốc Long Hồ, vừa được đồng bọn giải thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (là nhà lao nằm giữa lòng thành phố Huế, ngay sau lưng tòa hành chánh tỉnh). Tên kia là Đỗ Vinh, sinh viên, người gốc làng Sịa. Sau khi lôi tôi xuống, chúng hỏi tôi tại sao lại trèo lên núp (nấp). Tôi trả lời là vì nghe con nít khóc ồn ào, chịu không nổi, phải trèo lên đấy để nghỉ.
Chúng dẫn một mình tôi -lúc ấy chẳng còn hồn vía gì nữa- đi xuống dốc nhà thờ, nhưng đến chắn xe lửa thì quẹo trái, men theo đường xe lửa tới chắn Bến Ngự. Từ đây, chúng dẫn tôi lên chùa Từ Đàm là nơi VC đang đặt bản doanh. Chúng rất đông đảo, vừa sắc phục vừa thường phục, vừa bộ đội miền Bắc vừa du kích nằm vùng miền Nam. Vào trong khuôn viên chùa, tôi nhận thấy ngôi nhà tăng 5 gian thì 4 gian đã đầy người bị bắt, đa số là giáo dân giáo xứ Phủ Cam của tôi. Gian thứ 5 (đối diện với cây bồ đề) còn khá trống, để nhốt những người bị bắt trong ngày mồng 7 Tết. Tôi cũng trông thấy ông Tin, chủ hiệu ảnh Mỹ Vân, người rất đẹp trai, đang bị trói nơi cây mít. Một tên VC nói:
- Thằng ni trắng trẻo chắc là cảnh sát, bắn quách nó đi cho rồi!
May thay, có một người trong nhóm bị bắt đã vội lên tiếng:
- Tội quá mấy anh ơi, đây là ông Tin chụp ảnh tại Bến Ngự, cảnh sát mô mà cảnh sát!
Nhờ thế ông Tin thoát nạn, được cho về. Tiếp đó, VC đưa cho tôi một tờ giấy để làm bản lý lịch. Chúng bảo phải khai rõ tên cha, tên mẹ, tên mình, nguyên quán ở đâu, cha mẹ làm chi, bản thân bây giờ làm chi. Khai rõ ràng chính xác, Cách mạng sẽ khoan hồng. Khai tơ lơ mơ, khai dối láo là bắn ngay tại chỗ. Lúc ấy không hiểu sao Chúa cho tôi đủ sự thông minh và điềm tĩnh nên đã khai hoàn toàn giả, giả từ tên cha mẹ đến tên mình, và giả mọi chi tiết khác, như nghề của cha là kéo xe ba gác, nghề của mẹ bán rau hành ở chợ Xép, bản thân thì đang học trường Kỹ thuật!?! May mà bọn VC chẳng kiểm tra chéo bằng cách hỏi những người cùng giáo xứ bị bắt đêm hôm trước. Bằng không thì tôi cũng rồi đời tại chỗ!
Chúng tôi ngồi tại chùa Từ Đàm suốt cả ngày mồng 7 Tết, không được cho ăn gì cả. Lâu lâu tôi lại thấy VC dẫn về thêm một số tù nhân, trong đó tôi nhớ có cậu Long, 16 tuổi, học sinh, con ông Nguyện ở xóm Đường Đá giáo xứ Phủ Cam. Thỉnh thoảng chúng lại trói ai đó vào gốc cây bồ đề, bắn chết rồi chôn ngay trong sân chùa. Sau này người ta đếm được có 20 xác, trong đó có anh Hoàng Sự, vốn là cảnh sát gác lao Thừa Phủ, bị đám VC khi được thoát tù đã bắt đem theo lên đây.
VC cũng cho một vài kẻ về nhắn thân nhân bới cơm nước lên cho người nhà, nhưng với điều kiện: nhắn xong phải đến lại trong ngày, bằng không bạn bè sẽ bị chết thế. Thế là một số anh em Phủ Cam lên tiếng xin thả ông Hồ (khá lớn tuổi, làm nghề hớt tóc, nhà ở gần cabin điện đường Hàm Nghi) để ông về lo chuyện tiếp tế thực phẩm. Tay VC liền hỏi: “Ai tên Hồ?” thì có một cậu thanh niên nào đó nhảy ra nói: “Hồ đây! Hồ đây!” Thế là nó được thả về và rồi trốn luôn, thoát chết. Một vài bạn trẻ cùng tuổi với tôi cũng được cho về nhắn chuyện bới xách rồi quyết không lui, nhờ vậy thoát khỏi cơn thảm tử. Còn ai vì hãi sợ hay thương bạn mà lên lại Từ Đàm thì cuối cùng bị mất mạng như tôi sẽ kể. Các “sứ giả” về thông báo với bà con là ai có thân nhân “đi học tập” hãy bới lương thực lên chùa Từ Đàm. Vậy là vài hôm sau, người ta ùn ùn gánh gồng lên đó gạo cơm, cá thịt, muối mắm, bánh trái ê hề (Tết mà!)… Họ chẳng thấy thân nhân đâu mà chỉ gặp mấy tên cán bộ VC bảo họ hãy an tâm trở về nhưng để đồ ăn lại. Nhờ mưu mô thâm độc này mà VC tạo được một kho lương thực khổng lồ để ăn mà đi giết người tiếp!!
Lân la dò hỏi và nhìn quanh, tôi thấy trong số thanh niên Phủ Cam bị bắt có rất nhiều người bạn của tôi: anh Trị tây lai con ông Ngọc đàn ở nhà thờ, con trai ông Hoàng lương y thuốc Bắc ở chợ Xép, hai con trai ông Thắng nấu rượu, hai con trai ông Vang thổi kèn, anh Thịnh con ông Năm, hai anh em Bình và Minh con ông Thục mà một là bạn học với cha Phan Văn Lợi… Tôi cũng nghe nói có hai thầy đại chủng viện mà sau này tôi mới biết là thầy Nguyễn Văn Thứ, nghĩa tử của cha Nguyễn Kim Bính và bạn cùng lớp với cha Nguyễn Hữu Giải, rồi thầy Phạm Văn Vụ, đồng nghĩa phụ với cha Lợi…
Khi trời bắt đầu sẫm tối, VC bắt chúng tôi ra sân xếp hàng và một tên tuyên bố:
- Anh em yên tâm! Như đã nói, Cách mạng đưa anh em đi học tập 3 ngày cho thấm nhuần đường lối rồi sẽ về thôi! Bây giờ chúng ta lên đường!
Rồi chúng bắt đầu dùng dây điện thoại trói thúc ké từng người một chúng tôi, trói xong chúng xâu lại thành chùm bằng một sợi dây kẽm gai, 20 người làm một chùm. Tôi nhớ là đếm được trên 25 chùm, tức hơn 500 người.
Khi chúng tôi bị lôi ra đường (đường Phan Bội Châu hiện giờ), chừng 7g tối, tôi thấy có một đoàn cố vấn dân sự Hoa Kỳ khoảng 14 người cũng bị trói nhưng sau đó được dẫn đi theo ngã khác hẳn. Áp giải chúng tôi lúc này không phải là VC nằm vùng, địa phương, nhưng là bộ đội miền Bắc, khoảng 30 tên. Bọn nằm vùng ở lại để đi bắt người tiếp. Bỗng một kẻ mặc áo thầy chùa xuất hiện, đến cạnh chúng tôi mà nói:
- Mô Phật! Dân Phủ Cam bị bắt cũng nhiều đây! Chỉ thiếu Trọng Hê và Phú rỗ!
- Trọng (con ông Hê) và Phú (mặt rỗ) là hai thanh niên công giáo, nhưng lại là “tay anh chị” khét tiếng cả thành phố. Về sau tôi được biết đa phần những thanh niên bị bắt đêm mồng 6 Tết tại nhà thờ Phủ Cam và sau đó bị giết chết đều là học sinh, sinh viên, thanh niên nhút nhát hiền lành. Còn hạng can đảm, có máu mạo hiểm hay hạng “du dãng, anh chị” đều đã đi theo binh lính, dân quân để chiến đấu tự vệ hoặc nhanh chân trốn chạy, không tới nhà thờ trú ẩn, nên đều thoát chết. Sự đời thật oái oăm!
Hết đường Phan Bội Châu, chúng tôi đi vào đường Tam Thai (bên trái đàn Nam Giao), sau đó men theo đường vòng đan viện Thiên An, xuôi về lăng Khải Định (xin xem bản đồ). Từ con đường trước lăng Khải Định, VC dẫn chúng tôi bọc phía sau trụ sở quận Nam Hòa (lúc đó chưa bị chiếm), ra đến bờ sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương). Chúng tôi lầm lũi bước đi trong bóng tối, giữa trời mờ sương và giá lạnh, vừa buồn bã vừa hoang mang, tự hỏi chẳng biết số phận mình rồi ra thế nào, tại sao VC lại tấn công vào đúng ngày Xuân, giữa kỳ hưu chiến!?!
Tới bờ sông, VC cho chặt lồ ô (nứa) làm bè để tất cả đoàn người vượt qua phía bên kia mà sau này tôi mới biết là khu vực lăng Gia Long, thuộc vùng núi Tranh hay còn gọi là vùng núi Đình Môn Kim Ngọc. Lúc ấy vào khoảng 9g tối. Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng, lúc lên đồi, lúc xuống lũng, lúc lội qua khe, lần theo con đường mòn mà thỉnh thoảng lại được soi chiếu bằng những cây đèn pin hay vài ngọn đuốc của 30 tên bộ đội. Tôi thoáng thấy tre nứa và cây cổ thụ dày đặc. Trời mưa lâm râm. Đến khoảng 11g rưỡi đêm, chúng tôi được cho dừng lại để tạm nghỉ ăn uống. Tôi đoán chừng đã đi được hơn chục cây số. Mỗi người được phát 1 vắt cơm muối mè, đựng trên lá ráy. Hai cánh tay vẫn bị trói. Ít người ăn nổi. Riêng tôi làm 2 vắt.
Ăn xong thì được cho ngủ. Chúng tôi ngồi gục đầu dưới cơn mưa, cố gắng chợp mắt để lấy lại sức. Bỗng nhiên như có linh tính, tôi chợt choàng dậy và thấy rung động toàn thân hết sức dữ dội. Máu tôi sôi sùng sục trong đầu. Có chuyện chẳng lành rồi đây! Quả thế, tôi thoáng nghe hai tên VC gần kề nói nhỏ với nhau: “Trong vòng 15–20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết bọn này!” Tôi nghe mà bủn rủn cả người! Nghĩ mình đang là học sinh vô tội, lại còn trẻ trung, thế mà 15 phút nữa sẽ bị giết chết, tôi như muốn điên lên. Dù thế tôi vẫn cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ lâu Chúa dạy con phải hiền lành thật thà, không được làm hại ai, vậy mà giờ đây lại có người muốn giết con và các bạn của con nữa. Xin Chúa ban cho con mưu trí, can đảm và sức mạnh để tự giải thoát mình…”. Tôi ghé miệng vào tai thằng bạn bị trói ngay trước mặt: “Tụi mình rán mở dây mà trốn đi! Mười lăm phút nữa là bọn hắn bắn chết hết đó!”. Chúng tôi quặt ra tay sau, âm thầm lần múi dây trói. Nhờ trời vừa mưa vừa tối, dây điện thoại lại trơn nên chỉ ít phút sau là nút buộc lỏng, vung mạnh cánh tay là sẽ bung ra. Chúng tôi cũng mở múi buộc dây thép gai đang nối mình với những người khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ vị thế bị trói thúc ké, để bọn VC khỏi nghi ngờ. Tôi dặn thằng bạn tiếp: “Hễ tao vỗ nhẹ sau lưng là tụi mình chạy nghe!”
Đánh thức chúng tôi dậy xong, một tên lên tiếng nói lớn cho cả đoàn:
- Chúng ta sắp đến trại học tập rồi. Vậy trong anh em ai có một là vàng, hai là tiền, ba là đồng hồ, bốn là bật lửa thì nộp lại để Cách mạng giữ cho, học xong 3 ngày sẽ trả. Kẻo vào trại, ăn cắp lẫn nhau rồi lại đổ lỗi cho Cách mạng, nói xấu cán bộ!
Thế là mọi người riu ríu và khổ sở móc ra những thứ quý giá còn giữ trong người. Ai chậm chạp hoặc ngần ngừ thì mấy tên bộ đội tới “giúp” cho. Bọn chúng lột sạch và cho tất cả vào mấy cái ba lô vải. Lúc đó tôi mới để ý thấy tay bộ đội áp giải chùm của tôi đang mang trên hai vai và cột quanh lưng ít nhất cả chục cái radio lớn nhỏ mà chắc hắn đã cướp được của dân dưới thành phố. Với khẩu AK trên tay lại thêm từng ấy máy móc trên người, hắn bước đi lặc lè, chậm chạp, khá cách quãng mấy tên khác.
Chúng tôi lại bắt đầu đi xuống dốc. Tôi nghe có tiếng nước róc rách gần kề. Lại một khe nữa! Được vài bước, tôi vỗ nhẹ vào lưng thằng bạn. Cả hai chúng tôi vung tay, dây tuột, và nhanh nhẹn phóng ra khỏi hàng. Lấy hết sức bình sinh, tôi đá mạnh vào gót rồi vào dưới cằm tên bộ đội áp giải (tên mang cả chùm radio ấy!). Hắn ngã nhào. Hai chúng tôi lao vào rừng lồ ô. Bọn VC tri hô lên: “Bắt! Bắt! Có mấy thằng trốn” rồi nổ súng đuổi theo chúng tôi. Chạy khoảng mấy chục mét, thoáng thấy có một lèn đá -vì trời không đến nỗi tối đen như mực- tôi kéo thằng bạn lòn vào trong mất dạng. Tôi dặn hắn: “VC nó kêu, nó dụ, tuyệt đối không bao giờ ra nghe! Ra là chết!” Một lúc sau, tôi nghe có tiếng nói trong bóng đêm: “Bọn chúng chạy mất rồi, nhưng rừng sâu thế này khó mà thoát chết nổi! Thôi đi tiếp!!!”.
Khi nghe tiếng đoàn người đi khá xa, chúng tôi mới bò ra khỏi lèn, đi ngược lên theo hướng đối nghịch. Chừng 15-20 phút sau, tôi bỗng nghe từ phía dưới vọng lên tiếng súng AK nổ vang rền và lựu đạn nổ tới tấp, phải mấy chục băng và mấy chục quả. Một góc rừng rực sáng! Chen vào đó là tiếng khóc la khủng khiếp –chẳng hiểu sao vọng tới tai chúng tôi rõ ràng- khiến tôi dựng tóc gáy, nổi da gà và chẳng bao giờ quên được. Hai chúng tôi đồng nấc lên: “Rứa là chết cả rồi! Rứa là chết cả rồi! Trời ơi!!!” Lúc đó khoảng 12 đến 12g30 khuya đêm mồng 7 rạng ngày mồng 8 Tết. Tôi bàng hoàng bủn rủn. Sao lại như thế? Các bạn tôi dưới ấy đều là những người hiền lành, chưa lúc nào cầm súng, chưa một ngày ra trận, chẳng hề làm hại ai, họ có tội tình gì? Bọn chúng có còn là người Việt Nam nữa không? Có còn là người nữa không? Sau này tôi mới biết đấy là vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong cuộc chiến Quốc-Cộng. Địa danh Khe Đá Mài –mà lúc ấy tôi chưa rõ- in hằn vào lịch sử nhân loại và cứa vào da thịt dân tộc như một lưỡi dao sắc không bao giờ cùn và một thỏi sắt nung đỏ chẳng bao giờ nguội.
Chúng tôi tiếp tục chạy, chạy mãi, bất chấp lau lách, gai góc, bụi bờ, vừa chạy vừa thầm cảm tạ Chúa đã cho mình thoát chết trong gang tấc nhưng cũng thầm cầu nguyện cho những người bạn xấu số vừa mới bị hành quyết quá oan ức, đau đớn, thê thảm. Sáng ra thì chúng tôi gặp lại con sông. Biết rằng bơi qua ngay có thể gặp bọn VC rình chờ bắt lại, chúng tôi men theo sông, ngược lên thượng nguồn cả mấy cây số, đến vùng Lương Miêu thượng. Tới chỗ vắng, tôi hỏi thằng bạn:
- Mày biết bơi không?
- Không!
- Tao thì biết. Thôi thì hai đứa mình kiếm hai cây chuối. Mày ôm một cây xuống nước trước, tao ôm một cây bơi sau, đẩy mầy qua sông. Rán ôm thật chặt, thả tay là chìm, là chết đó. Trời này lạnh tao không lặn xuống cứu mày được mô!
Đúng là hôm đó trời mù sương và lạnh buốt. Thời tiết ấy kéo dài cả tháng Tết tại Huế. Có vẻ như Ông Trời bày tỏ niềm sầu khổ xót thương bao nạn nhân vô tội ở đất Thần Kinh này. Vừa bơi tôi vừa miên man nghĩ tới các bạn tôi. Máu của họ có xuôi theo triền dốc, hòa vào giòng nước sông Tả trạch này chăng? Oan hồn họ giờ đây lảng vảng nơi nào? Có ai còn sống không nhỉ?
Chúng tôi cập gần bến đò Lương Miêu. Từ đây, xuôi dòng sẽ về trụ sở quận Nam Hòa, hy vọng gặp binh lính quốc gia, nhưng cũng có nguy cơ gặp bọn VC chặn đường bắt lại. Thành thử chúng tôi nhắm hướng bắc, tìm đường về Phú Bài. Thằng bạn tôi, do suốt đêm bị gai góc trầy xước, đề nghị đi trên đường quang cho thoải mái. Tôi gạt ngay:
- Ban đêm thì được, chớ ban ngày thì nguy lắm. Chịu khó lần theo đường mòn!
Chúng tôi thấy máu và bông băng rơi vãi nhiều nơi, chứng tỏ có trận đánh gần đâu đó. Đang đi, tôi đột nhiên hỏi thằng bạn:
- Chừ gặp dân thì mày trả lời ra răng, nói tao nghe.
- Nhờ anh chứ tôi thì chịu!
Lúc khoảng 9g, chúng tôi gặp 3 thằng bé chăn trâu. Tôi lên tiếng nói:
- Hai anh là học sinh ở đường Trần Hưng Đạo dưới phố (con đường chính của khu buôn bán, không nói là Phủ Cam). Cách mạng (không gọi là Việt cộng) số về đánh dưới, số còn trên ni. Hai anh vừa mang gạo lên chiến khu hôm qua cho họ. Nay họ cho hai anh về, nhưng ướt cả áo quần lại đói nữa. Mấy em biết Cách mạng có ở gần đây không, chỉ cho hai anh, để hai anh kiếm chút cơm ăn, kẻo đói lạnh quá!
- Hai anh qua khỏi đường này thì sẽ thấy mấy ông Cách mạng đang hạ trâu ăn mừng!
Thế là chúng tôi hoảng hốt tuôn vào rừng lại. Chạy và chạy, chạy tốc lực, chạy như điên, không dừng lại để nghỉ. Một đỗi xa, chúng tôi mới hướng ra lại đồng bằng. Bỗng một đồn lính xuất hiện đằng xa, đến gần thấy bên trong lố nhố mũ sắt. Phe ta rồi! Lần này thì vô đây chứ không đi mô nữa cả. Nhất định vô! Lúc đó khoảng 10 giờ trưa. Đây là đồn biên phòng của một đơn vị quân lực VN Cộng Hòa. Chúng tôi nghe từ trong đồn có tiếng dõng dạc vang vọng:
- Hai thằng VC muốn về hồi chánh hả? Vào đi! Nhớ để tay lên đầu. Thả tay xuống là bắn đó!
Chúng tôi nhất nhất tuân theo. Vào được bên trong, hoàn hồn, chúng tôi mới nói:
- Hai đứa em là học sinh ở dưới Phủ Cam, Phước Quả, bị VC bắt lên rừng từ tối hôm qua với mấy trăm người khác. Nghe tụi nó định giết hết, hai đứa em đã liều mở dây trói, đánh thằng VC rồi bỏ chạy. Còn mấy người kia chắc là chết hết cả rồi! Giờ tụi em chỉ có một nguyện vọng : xin đồn phát súng cho bọn em đánh giặc với, chớ không thể đi ra khỏi đồn nữa.
Viên sĩ quan chỉ huy cất tiếng:
- Tổ quốc đang lâm nguy! Đứa con nào trung, đứa con nào hiếu lúc này là biết liền. Thôi, mấy em thay áo quần, xức thuốc xức men, ăn uống thoải mái rồi ở lại với mấy anh. Tội nghiệp!!!
Họ hỏi chúng tôi về chỗ xảy ra cuộc hành hình nhưng chúng tôi hoàn toàn không thể trả lời được. Giữa rừng rậm lại đêm khuya, biết đâu mà lần. Gần nửa tháng sau tôi mới gặp lại gia đình họ hàng, bằng hữu thuộc giáo xứ Phủ Cam đang chạy về lánh nạn tại Phú Lương và Phú Bài. Hai chúng tôi quyết định bỏ học để đăng lính. Phải cầm súng bảo vệ tổ quốc thôi. Phải báo thù cho anh em bạn bè bị VC giết quá ư dã man, tàn ác, vô nhân đạo. Tôi nhập bộ binh. Thằng bạn tôi đi nhảy dù. Nhưng vài năm sau, tôi nghe tin nó chết trận! Tội nghiệp thật, nhưng đó là cái chết ý nghĩa!
Đến gần tháng mười năm 1969, nhờ bắt được và khai thác mấy tù binh VC, chính phủ VNCH mới biết địa điểm tội ác chính là Khe Đá Mài, nằm trong rừng Đình Môn Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa (nay là xã Dương Hòa, quận Hương Thủy). Nơi đây không thể vào được bằng xe vì đường đi không có hoặc không thể đi lọt, mà chỉ vào được bằng lội bộ. Cây cối chỗ này rất cao, lá dày và mọc theo kiểu hai tầng, tầng thấp gồm những bụi tre và cây nhỏ, tầng cao gồm những cây cổ thụ, với những nhánh lớn xoè ra như lọng dù che khuất đi những gì bên dưới. Bên dưới hai tầng lá này, ánh sánh mặt trời không chiếu sáng nổi. Đúng là nơi có thể giết người mà không cần phải chôn cất. Công binh đã phải bỏ hai ngày, dùng mìn phá ngã các cây cổ thụ để tạo ra một khoảng trống lớn đủ cho máy bay trực thăng đáp xuống, và tiểu đoàn 101 Nhảy Dù Quân lực VNCH đã phụ trách việc bốc các di hài nạn nhân. Các binh sĩ đã tìm thấy cuối một khe nước chảy trong veo (về sau mang thêm tên Suối Máu, Phủ Cam Tử lộ), cả một núi hài cốt, nào sọ, nào xương sườn, nào xương tay xương chân trắng hếu, nằm rời rạc, nhưng cũng có những bộ còn khá nguyên. Xen vào đó là dây điện thoại và dây thép gai vốn đã trói chúng tôi thành chùm. Rồi áo quần (vải có, da có, len có) nguyên chiếc hay từng mảnh, lỗ chỗ vết thủng. Rồi tràng chuỗi, tượng ảnh, chứng minh thư, ống hít mũi, lọ dầu nóng… vương vãi trên bờ, giữa cỏ, dưới nước. Nhờ những di vật này mà một số nạn nhân sẽ được nhận diện. Khi tất cả hài cốt, di vật được chở về trường tiểu học Nam Hòa (nay gọi là Thủy Bằng) bên hữu ngạn sông Hương, đem phân loại, thân nhân đã ùa đến và không ai cầm nổi nước mắt. Tất cả òa khóc, nghẹn ngào. Có người cầu nguyện, có người nguyền rủa, có người lăn ra ngất xỉu khi khám phá vật dụng của người thân. Cái chủ nghĩa nào, cái chế độ nào, cái chính đảng nào đã chủ trương dã man như thế? đã tạo ra những con người giết đồng bào ruột thịt cách tàn nhẫn như thế?
Cuối cùng, đa phần các hài cốt (hơn 400 bộ) được quy tập một chỗ, mang tên nghĩa trang Ba Tầng, nằm phía Nam thành phố Huế, khá cận kề khu vực Từ Đàm (đất của Phật giáo) và Phủ Cam (đất của Công giáo). Nghĩa trang xây thành hình bán nguyệt. Hai bên, phía trước, có hai bàn thờ che mái, cho tín đồ Phật giáo và Công giáo đến cầu nguyện. Ở giữa, phía sau, một trụ đá dựng đứng với giòng chữ Hán làm bia tưởng niệm. Từ đó, tại giáo xứ Phủ Cam của tôi, hàng năm, ngày mồng 10 Tết được coi là ngày cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân Mậu Thân. Chúng tôi có thể tha thứ cho người Cộng sản nhưng chúng tôi không bao giờ quên được tội ác của họ, y như một câu ngạn ngữ tiếng Anh: “Forgive yes! Forget no!”
Tiếc thay, sau khi vừa chiếm được miền Nam, Cộng sản đã dùng mìn phá ngay trụ bia và hai bàn thờ. Lại thêm một phát súng vào hương hồn các nạn nhân mà nỗi oan vẫn chưa được giải. Đến bao giờ họ mới được siêu thoát đây? Cũng phải nói thêm một điều đáng tiếc nữa là trong Đại hội thường niên từ 8 đến 12-10-2007 năm nay tại Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước đề nghị Giáo hội Công giáo VN hãy tưởng niệm 40 biến cố này, theo như Thỉnh nguyện thư mà cha Giải, cha Lợi cùng nhiều linh mục và giáo dân khác đã viết hôm 29-09-2007.
Kể lại cho hai cha Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi trong tháng kính các đẳng linh hồn, 11-2007.
Nhân chứng trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế

Phát biểu của GS Nguyễn Lý-Tưởng, cựu dân biểu VNCH
Nhân chứng trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế cách nay 40 năm (1968-2008) trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại Việt Nam Center (Lubbock, Texas) từ ngày 13 đến 15/3/2008
Kính thưa quý vị,

Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là Nguyễn Lý-Tưởng, bốn mươi năm trước đây, lúc đó tôi là dân biểu Hạ Nghị Viện (1967-1971), tôi đại diện cho cử tri tỉnh Thừa Thiên, nơi đã xảy ra cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào thành phố Huế vào ngày 31 tháng 01 năm 1968 đúng vào dịp Tết Mậu Thân, khiến cho hàng ngàn người dân vô tội bị Việt Cộng giết chết một cách dã man, trong đó có những nhà tu hành, sinh viên học sinh, người buôn bán và làm nghề tự do và các công chức, quân nhân đang ăn Tết với gia đình trong tay không có vũ khí...
Trước Tết mười ngày, tôi đã có mặt tại Huế, đã đi thăm và tiếp xúc với cử tri của tôi tại các quận trong tỉnh Thừa Thiên. Sáng 30 Tháng Chạp (29/1/1968), tôi đã thăm và chúc Tết các cấp lãnh đạo chính quyền quân sự, hành chánh và tôn giáo tại địa phương như Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tá Phan Văn Khoa, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu...

Khi tiếng súng bùng nổ tại Huế và Quảng Trị, tôi đã có mặt trong vùng này... Ngày 3 Tết (01 tháng 2/1968) tôi đã có mặt tại nhà của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm tại Ðà Nẵng, tôi đã gặp ông Võ Lương (giám đốc cảnh sát 5 tỉnh vùng I tại Ðà Nẵng), tôi đã dùng điện thoại liên lạc với Ty Cảnh Sát Thừa Thiên... Từ Ðà Nẵng, tôi vào Nha Trang, ở lại một đêm, sáng hôm sau, ngày 5 Tết (3 tháng 2/1968), tôi có mặt tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn để họp tại Quốc Hội.

Ngày 9 tháng 2/1968, từ Sài Gòn , tôi trở ra Huế , lúc bấy giờ quân đội VNCH và Mỹ đã chiếm lại phía Hữu Ngạn sông Hương (quận 3) nhưng vùng Phủ Cam, Vỹ Dạ, Gia Hội và Thành Nội còn trong vùng Việt Cộng kiểm soát. Tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Tăng(quận trưởng Hương Thủy) gặp các sĩ quan tại Tiểu Khu Thừa Thiên, đã ở lại 01 đêm tại Ty Cảnh Sát Thừa Thiên và 01 đêm tại Tiểu Ðoàn 12 Pháo Binh (gần phi trường Phú Bài), tôi đã có mặt trong cuộc họp tại phi trường Phú Bài (ngày 9/2/1968) cùng với phái đoàn Trung Ương Sài Gòn (do Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Ðại Tướng Cao Văn Viên... hướng dẫn ra Huế) để nghe các vị chỉ huy quân sự tại Ðà Nẵng và Huế (Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I; Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1 và Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh trưởng Thừa Thiên)... báo cáo tình hình...

Tôi đã gặp các sĩ quan tại Tiểu Khu Thừa Thiên như Ðại Tá Cao Khắc Nhật (trưởng phòng 3 Quân Ðoàn I tăng cường ra Huế, Trung Tá Nguyễn Giang, trưởng phòng 3 Tiểu Khu...). Tôi đã ở lại một đêm tại Ty Cảnh Sát Thừa Thiên và một đêm tại Tiểu Ðoàn 12 Pháo Binh (gần phi trường Phù Bài)... Ngoài ra, tôi cũng đã đến thăm và tiếp xúc với các gia đình nạn nhân bị VC sát hại và đã chứng kiến các mồ chôn tập thể... Gia đình tôi có 5 người chết trong Tết Mậu Thân trong đó có bố vợ (nhân viên của công ty Thủy Ðiện Huế, 56 tuổi), em vợ (học sinh 16 tuổi), người cháu của tôi (học sinh 13 tuổi)... Tôi đã nghe các nhân chứng kể lại những gì họ đã trải qua... Như thế, tôi đã có được các điều kiện thuận lợi nhất để tìm hiểu, thu thập các dữ kiện... Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tết Mậu Thân (1968-1998), tôi và một số nhân chứng đã thực hiện một tuyển tập tài liệu về “Thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại Huế” và năm 2008 nầy, kỷ niệm 40 năm (1968-2008) chúng tôi đã bổ túc và tái bản sách nầy...

Với tư cách một nhân chứng, tôi xin trình bày một vài nhận xét như sau:

(1). Trước Tết Mậu Thân (1968), đài phát thanh Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (do Hà Nội lãnh đạo) đã đưa ra đề nghị ngưng chiến trong 01 tuần. Phía Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đề nghị 03 ngày để cho quân đội và dân chúng vui Tết.
Theo tinh thần tôn giáo và văn hóa của dân tộc Việt Nam, Tết là một ngày thiêng liêng, mọi người thường chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, và không bao giờ có hành động gây tổn thương cho kẻ khác, nhất là không làm những điều tàn ác, dã man như bắt bớ, giam cầm, đánh đập, tra tấn, giết người vô tội... Nhưng Việt Cộng đã tấn công vào các thành phố miền Nam, đặc biệt tại thành phố Huế...
(2). Cung điện của các vua nhà Nguyễn tại Huế là di tích văn hóa, lịch sử được UNESCO (Tổ Chức Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận, nhưng Việt Cộng đã biến nơi đó thành chiến trường để cho bom đạn tàn phá!
(3). Hàng chục, hàng trăm nạn nhân bị chôn trong một cái hố sâu, tay bị trói bằng dây điện, giây tre, bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc, bị bắn bằng súng hoặc bị chôn sống. Ða số các nạn nhân là những nhà tu hành, sinh viên học sinh, những người dân vô tội, những người không có vũ khí trong tay, những người đang ở trong nhà với vợ con, những người đã chấp hành lệnh trình diện để được học tập về chủ trương chính sách của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam...

Mồ chôn tập thể: Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Therevada, Bãi dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Ðức và lăng Ðồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Ðông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Ðông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thượng Hòa, Vinh Hưng, Khe Ðá Mài... tất cả 23 địa điểm tại tổng cộng 2326 xác chết (sọ người). Còn khoảng trên 3,000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích... không biết họ đã bị giết chết và chôn xác ở đâu?!

Dã man nhất là tại Khe Ðá Mài (thuộc vùng núi Ðình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên) Việt Cộng đã dùng súng trung liên, đại liên, lựu đạn và mìn giết tập thể các nạn nhân, vất xác xuống dưới khe, lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta đã dựa vào các dấu vết còn lại của nạn nhân như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa (ID)... để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Ða số những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam vào đêm mùng 5 Tết (3 tháng 2/1968) Người ta cũng tìm thấy vết tích của hai ông Lê Hữu Bôi (chủ tịch sinh viên Phật tử năm 1963) và Lê Hữu Bá (sĩ quan Quân Cảnh) tại Khe Ðá Mài. Các em học sinh như Bùi Kha (16 tuổi), Phan Minh (16 tuổi), Nguyễn Duyệt (17 tuổi) và nhiều bạn trẻ khác thuộc giáo xứ Phủ Cam cũng bị VC giết hại tại đây...

Một nhân chứng còn sống sót đã kể lại cho 2 Linh Mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi vụ thảm sát những giáo dân vô tội tại Khe Ðá Mài như sau:

“Hồi ấy, tôi mới 17 tuổi, đang là học sinh trung học đệ nhị cấp. Vì tình hình bất an, gia đình tôi đã từ quê chạy về thành phố, cư ngụ tại giáo xứ Phủ Cam, thôn Phước Quả, xã Thủy Phước, tỉnh Thừa Thiên (nay gọi là phường Phước Vĩnh , thành phố Huế) từ mấy năm trước... Khuya mùng Một rạng mùng Hai Tết, tôi nghe tiếng súng nổ khắp nơi và được tin Việt Cộng đã chiếm nhiều nơi trong thành phố Huế... Cả gia đình tôi cũng như nhiều giáo dân ở Phủ Cam đều chạy đến ẩn núp trong nhà thờ để tránh bom đạn. Lính Nghĩa quân của xã và một số quân nhân về phép chiến đấu bên ngoài để bảo vệ đồng bào. Sau mấy ngày, không có tiếp viện nên chiều mùng 5 Tết ( 3 tháng 2 / 1968) phải rút chạy... Khuya mùng 5 Tết, Việt Cộng tràn vào nhà thờ bắt những người từ 15 tuổi đến ngoài 50 tuổi bất kể là học sinh hay thường dân ... và tuyên bố ‘cho đi học tập trong vòng 3 ngày sẽ trở về’ trong đó có tôi... Sáng hôm sau, chúng tôi bị dẫn đi theo đường xe lửa từ Phủ Cam ra Bến Ngự và đến chùa Từ Ðàm... Tại đây tôi thấy Việt Cộng rất đông vừa du kích địa phương vừa bộ đội miền Bắc... Ngôi nhà 5 gian thì 4 gian đã đầy người bị bắt từ mấy ngày trước, còn một gian để giam giữ những người mới bị bắt... Tôi gặp những người quen như ông Tín (thợ chụp ảnh), ông Hồ (thợ hớt tóc), anh Trị (con ông Ngọc người đánh đàn trong nhà thờ), ông Hoàng (Ðông y sĩ ở Chợ Xép), hai người con trai ông Thắng (làm nghề nấu rượu nuôi heo), hai người con trai ông Vang (nhạc sĩ thổi kèn đồng), anh Thịnh (con ông Năm),hai anh em Bình và Minh (con ông Thục), anh Minh (16 tuổi, con ông Danh nhân viên Công Ty Thủy Ðiện Huế) đều là học sinh... Chúng tôi ngồi tại chùa Từ Ðàm suốt cả một ngày từ sáng tới tối không được ăn uống gì cả... Họ đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để viết bản ‘khai lý lịch’ tên, nghề nghiệp, tên cha mẹ, sinh quán ở đâu... Ai khai gian sẽ bị đem ra bắn... Tôi thấy một số người bị trói vào gốc cây bồ đề và bị đem ra bắn chôn ngay trong sân chùa, trong đó có anh Hoàng Sự (Cảnh Sát) mà tôi biết tên. Họ cho một vài người về nhắn với gia đình tiếp thế lương thực và quần áo, thuốc men cho những người đang bị giam giữ... Khi trời sẩm tối, họ bắt chúng tôi ra ngồi xếp hàng giữa sân chùa. Một anh cán bộ tuyên bố:
- Anh em yên tâm, Cách Mạng sẽ đưa anh em đi học tập trong 3 ngày rồi sẽ cho về với gia đình! Bây giờ chúng ta lên đường!.

Rồi họ dùng dây điện thoại trói tay chúng tôi ra phía sau lưng từng người một, rồi dùng dây kẽm gai nối 20 người làm một toán. Tôi đếm được trên 25 toán như thế (tất cả 500 người). Một người địa phương đi nhìn mặt anh em chúng tôi và nói với nhau:
- Không thấy Trọng Hê và Phú Rỗ trong số giáo dân Phủ Cam ở đây.

(Anh Trọng con ông Hê và anh Phú là hai thanh niên ở Phủ Cam có võ nghệ mà giới du đãng ở Huế biết tiếng. Hai anh đã chạy theo lính Nghĩa Quân xã rút lui khi Việt Cộng vào nhà thờ! Những người bị bắt đến đây đều là dân lành vô tội).

Họ dẫn chúng tôi đi vào đường bên trái Ðàn Nam Giao, vòng qua Dòng Thiên An, đến lăng Khải Ðịnh, vòng phía sau trụ sở Quận Nam Hòa, ra đến bờ sông Tả Trạch (Thượng nguồn sông Hương)... Ðến bờ sông, Việt Cộng cho chặt cây lồ ô (nứa) làm bè để tất cả đoàn người vượt qua sông (khu vực lăng Gia Long), thuộc vùng núi Ðình Môn, Kim Ngọc(vùng núi tranh). Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng, ban đêm, trời lạnh lắm, khi lên đồi, lúc xuống lũng, lúc lội qua khe... Khoảng 30 bộ đội miền Bắc dẫn chúng tôi đi, họ dùng đèn pin hay đuốc để soi đường, chúng tôi đi trong rừng tre nứa và cây cổ thụ dày đặc... Khoảng nửa đêm, chúng tôi được dừng lại để nghỉ và mỗi người nhận được một vắt cơm. Chúng tôi đoán đã đi được trên 10 cây số rồi! Chúng tôi ngồi gục đầu dưới cơn mưa, cố gắng ngủ một chút để lấy sức còn phải đi tiếp... Bỗng như có linh tính báo trước, người tôi run lên bần bật... Tôi nghe hai tên bộ đội nói nhỏ với nhau:
- Trong vòng 15-20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết bọn nầy!

Tôi liền ghé miệng vào tai thằng bạn bị trói ngay trước mặt:
- Tụi mình ráng mở dây trốn đi! Mười lăm phút nữa là bị bắn chết hết đó!

Trời mưa, dây điện trơn trợt, lát sau, chúng tôi mở được giây nhưng vẫn ngồi yên sợ chúng biết. Tôi nói nhỏ:
- Hễ tao vỗ nhẹ sau lưng là tụi mình chạy nghe!

Bọn Việt Cộng đánh thức chúng tôi dậy, một tên nói lớn cho mọi người nghe:
- Chúng ta sắp đến trại học tập rồi. Ai có vàng, tiền, đồng hồ, bật lửa... thì đem nộp, không được giữ trong người... Học tập xong sẽ được trả lại...”

Thế là bọn chúng lột sạch và cho tất cả vào mấy cái ba lô vải. Tên bộ đội đứng gần chúng tôi còn mang trên vai cả chục cái radio mà chúng đã cướp được của dân ở thành phố... Một tay mang súng, một tay mang các thứ vừa cướp được, hắn đi chậm lại cách xa mấy tên kia một quãng... Chúng tôi bắt đầu xuống dốc, nghe tiếng nước chảy róc rách... Tôi vỗ nhẹ vai thằng bạn và cả hai chúng tôi vung tay và nhanh nhẹn phóng ra khỏi hàng. Tôi đá mạnh và tên bộ đội mang nhiều radio... Hắn ngã nhào! Hai chúng tôi lao vào rừng...

Trời tối, rừng già chúng không giám đuổi theo... Khi nghe tiếng đoàn người đi khá xa, chúng tôi mới bò ra khỏi chỗ ẩn núp và đi ngược trở lại... Chừng 15-20 phút sau, chúng tôi bỗng nghe từ phía dưới vọng lên tiếng súng AK, rồi lựu đạn nổ vang rền... Một góc rừng rực sáng! Chen vào đó tiếng khóc la khủng khiếp... không hiểu sao lúc đó, tai tôi nghe rất rõ ràng... Lúc đó khoảng 12-12 giờ 30 khuya... đầu ngày 8 Tết (6/2/1968). Về sau tôi mới biết chỗ đó là Khe Ðá Mài...”.

Một nhân chứng khác, anh Quỳnh, sinh viên Huế, con một vị y sĩ làm việc tại bệnh viện Huế đã về hưu. Gia đình anh có 3 anh em bị bắt tại nhà thờ Phủ Cam đưa lên giam giữ tại chùa Từ Ðàm. Tối hôm đó, Việt Cộng cho mỗi phòng cử hai người về để nhắn gia đình mang đồ tiếp tế đến chùa Từ Ðàm cho những người đang bị giam giữ... Vì có người anh và người em cùng bị giam chung một phòng nên anh được cho về liên lạc với gia đình... nếu anh không trở lại thì hai người kia sẽ bị giết. Suốt đêm hôm đó, anh cầm giấy phép trong tay, đi liên lạc gõ cửa từng nhà... Sau đó anh trở lại chùa thì không thấy ai ở đó nữa. Tất cả những bánh trái, thức ăn, áo quần mà các gia đình mang lên chùa tiếp tế cho các nạn nhân là để cho bộ đội Việt Cộng ăn... Khi anh Quỳnh trở lại chùa thì tất cả đã được dẫn lên núi và đã bị thảm sát tại Khe Ðá Mài! Anh là người may mắn thoát chết trong vụ đó. Anh Quỳnh cũng cho biết:
Lúc 3 giờ chiều mùng 4 Tết, anh dang ngồi trong căn phòng giam thì Lê Hữu Bôi từ phòng bên cạnh đi qua, biết anh là sinh viên nên Bôi đến làm quen và nói nhỏ với anh: “Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi nơi đây ngay!”

Anh nhớ rất rõ: “Lúc đó trời đang rét lạnh, Lê Hữu Bôi khoác một cái áo choàng rộng, màu xám”.

 Lê Hữu Bôi và người anh ruột là Lê Hữu Bá cũng đã bị đem đi giết trước khi anh Quỳnh trở lại chùa Từ Ðàm...

Thảm sát tại khu vực Thành Nội và Gia Hội Huế
Anh Tuấn (học sinh trường Nguyễn Du, 16 tuổi) nhà ở góc đường Nguyễn Thành và Mai Thúc Loan, thành nội Huế (gần cửa Ðông Ba)  kể lại:
“Sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, Việt Cộng bắt được 5 người đang mặc áo quần ngủ hoặc áo quần thường, đi chân không đem ra cho đứng sắp hàng ở cửa thành... Trong số Việt Cộng có mặt ông Tôn Thất Dương Tiềm là giáo sư trường Nguyễn Du... và cũng là thầy dạy của tôi trước đây... Ông Tiềm mang súng AK, quần kaki xanh, áo sơ mi trắng... hễ thấy ông gật đầu thì tên cán bộ ra lệnh cho mấy tên bộ đội bắn các nạn nhân... Thân nhân chạy ra kêu khóc, xin đem xác các nạn nhân đi chôn... nhưng chúng không cho, cứ để xác chết nằm đó đến mấy ngày... Mấy hôm sau, người ta mới lén đem xác về chôn... Mấy ngày sau máy bay trực thăng của VNCH và Mỹ xuất hiện bắn xuống cửa Ðông Ba. Cha tôi nói: ‘Bây giờ ở đây cũng chết, phải chạy thôi’... Chúng tôi chạy về hướng Mang Cá, gặp du kích chặn lại, bắt tôi đi khiêng đồ đạc... chúng tập trung được 5 đứa trong xóm như tôi, đợi đến đêm mới dân chúng tôi ra cửa Ðông Ba đi qua chùa Diệu Ðế, bắt đi khiêng gạo, súng đạn... mấy hôm sau, máy bay bắn xuống dữ quá ... Tối đó, chúng tập trung được chừng mười mấy đứa 15, 16 tuổi, phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái cuốc, bắt đi đào hầm... cái hố bề sâu một thước, bề ngang bằng một sải tay... mỗi đứa đào một đoạn, nối liền nhau... Tôi tưởng đào hầm để tránh máy bay... Lúc 3 giờ sáng, sau khi đào xong, thì chúng dẫn ra một số người, tay bị trói đàng sau, cột thành từng chùm bằng sợi dây điện thoại màu đen, mỗi toán chừng 15 người. Chúng bắt những người đó đứng xoay lưng về cái hố... Thằng cán bộ đọc bản án... nói những người nầy có tội với cách mạng, có tội với nhân dân... Chúng vừa đọc xong thì tên du kích bắn một loạt đạn AK... nạn nhân rơi xuống hố... có người trúng đạn, có người không trúng... cũng ngã lăn xuống hố... chúng bắt tôi lấp đất lại... Tôi thấy người ta còn sống, tôi không chịu lấp đất, chúng đánh tôi... tất cả mấy đưa chúng tôi đứa nào cũng khóc rống lên... chúng dùng AK đánh vào đàng sau lưng chúng tôi... và còn dùng cả lưỡi lê đâm chúng tôi nữa... Chúng nó dùng cán cuốc đánh vào đầu các nạn nhân cho chết... Chúng nó bắt tôi đi chôn người như vậy đến mười mấy lần... Bộ đội Việt Cộng toàn nói giọng Bắc... Những người bị chôn sống, chưa chết, thở phì phì, ngột thở, chết dần dần.... Về sau chúng bắt đi chôn ban đêm, không bắn vì sợ máy bay trên trời phát hiện...”.

VC vào nhà số 176 đường Bạch Ðằng (gần cầu Ðông Ba), Huế, bắt vợ con ông Từ Tôn Kháng ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông không ra trình diện thì tất cả vợ con ông sẽ bị giết. Vì thế ông phải ra nộp mạng. VC trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn ông trước mặt vợ con, ccho đến chết, thật là dã man và kinh hoàng! Ông Từ Tôn Kháng là Thiếu Tá, Tỉnh Ðoàn Trưởng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên.

Sinh viên bị Việt Cộng giết:
- Anh Trần Mậu Tý, sinh viên, cũng bị bắt, bị tra tấn dã man cho đến chết.
- Anh Trần Ðình Trọng, sinh viên trường Kỹ Thuật Huế, bị bắt ngày 06 tháng 2/1968, tìm được xác ngày 26/2/1968...

Người buôn bán, làm nghề tự do bị Việt Cộng giết:
- Chị Nguyễn Thị Lào, tiểu thương, 48 tuổi, bị bắt trên đường đi, tay bị trói, miệng bị nhét giẻ, tìm được xác tại Gia Hội, bị chôn sống, không có vết thương.

Nhân sĩ, trí thức, cán bộ chính đảng bị Việt Cộng giết:
- Ông Phạm Ðức Phác, giáo sư, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng, ông Lê Ngọc Kỳ, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng... cũng bị bắt đem đi giết...
- Ông Trần Ngọc Lộ, đảng viên Ðại Việt Cách Mạng ở Phú Vang, làm nghề tự do, dạy võ thuật, bị Việt Cộng bắt và bị giết một lần với người vợ tại Cồn Hến , để lại bầy con dại...
- Ông Võ Thành Minh, một nhân vật hướng đạo kỳ cựu, một người đấu tranh cho hòa bình, người thổi sáo ở hồ Leman, Geneve 1954 kêu gọi hòa bình, cũng bị bắt tại từ đường cụ Phan Bội Châu (Bến Ngự) bị đem lên núi và bị giết... vì ông từ chối không chịu làm chủ tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình tại Huế sau đó VC đã mời Giáo Sư Lê Văn Hảo... (Theo lời ông Bảo Lộc, phó tỉnh trưởng Thừa Thiên, bị bắt lên núi, giam chung với ông Võ Thành Minh... kể lại với Nguyễn Lý-Tưởng).
- Ông Trần Ðiền, nghị sĩ Thượng Nghị Viện bị bắt và bị chôn sống tại Lang Xá Cồn, phía sau chợ An Cựu... tìm được xác ngày 9 tháng 4/1968.

Các linh mục và tu sĩ bị giết:
- Linh Mục Bửu Ðồng (56 tuổi) chôn chung với Linh Mục Hoàng Ngọc Bang (73 tuổi) và 2 sư huynh Dòng La San là Agribert và Sylvestre tìm được xác ngày 8 tháng 11/1969 tại Lương Viện (Sư Lỗ) quận Phú Thứ, tỉnh Thừa Thiên.
- Ngoài ra, còn 3 sư huynh Dòng Thánh tâm là thầy Bá Long, thầy Mai Thịnh và thầy Héc Man cùng 3 linh mục người Pháp là Cha Guy, Cha Urbain và Cha Cressonnier cũng bị bắt đem đi giết, tìm được xác ngày 27/3/1968 tại gần lăng vua Ðồng Khánh .
- Ba chủng sinh là Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Vụ và Nguyễn Lương, cũng bị bắt tại Phủ Cam và cũng bị đem đi giết, chết chung với giáo dân tại khe Ðá Mài.

Các bác sĩ của Cộng Hòa Liên Bang Ðức bị giết:
- Vợ chồng Bác Sĩ Horst Gunther Krainick,
- Bác Sĩ Raymund Disher
- Bác Sĩ Alois Alterkoster

Các bác sĩ nầy đến giảng dạy tại trường Ðại Học Y Khoa Huế và giúp bệnh viện Huế... đã bị bắt và bị giết tại khu vực gần chùa Tường Vân, phía Tây Huế... Nhân chứng là Bác Sĩ Tôn Thất Sang (học trò của các giáo sư y khoa nói trên) kể lại:
“Tôi vội nhìn xuống chỗ tay anh quân nhân đang chỉ , thì thấy 3 quân nhân đang cùng vài người dân, tay cuốc, tay xẻng, đang nhẹ nhàng xúc đất và cát lên từ một chiếc hầm đào vội, bề dài khoảng 2,5 m, bề ngang khoảng 0,7 m và chiều cao khoảng 0,9 m, trong đó có 4 người, đều bị trói thúc ké (hai tay quặt ra sau lưng), bằng dây điện thoại truyền tin, người này trói dính với người kia và tất cả đều ở tư thế quỳ thẳng đứng, ở thái dương trái là lỗ đạn vào và thái dương phải là lỗ đạn ra, to hơn và tàn phá hơn! gương mặt giờ đây đã đổi dạng, mắt lồi hẳn ra ngoài thái dương và hàm toang hoác...”.

Ông Hồ Ðinh là một đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3, sư đoàn 1 bộ binh, kể lại:
“Sau khi quân ta đánh tấn Việt Cộng ra khỏi Huế, tôi bị thương điều trị tại quân y viện Nguyễn Tri Phương. Tình cờ gặp đoàn xe của Tiểu Khu Thừa Thiên đi đào xác hai hố tập thể Xuân Ổ và Diên Ðại, tôi đi theo xem. Vùng đó tôi quá quen thuộc vì hơn 2 năm qua, đơn vị tôi bảo vệ an ninh cho vùng đó. Ðoàn xe đi theo tỉnh lộ rải đá về hướng Tây Bắc thành phố Huế. Ðến chợ Sam xe dừng lại vì chỉ còn cách xa một cây số, chúng tôi đã ngửi trong gió biển mùi hôi thối. Ðoàn người đi bộ tiến về bãi chôn người cách 500m thì một cảnh tượng hãi hùng xảy ra. Rõ ràng là một bức tranh của quỷ trong truyện Liêu Trai: Trên các giồng(lằn) của bãi cát là những người được đứng bởi một cọc tre hoặc xuyên từ đít lên tới đầu chừng 40 cụm, mỗi cụm 5 đến 10 người, phía dưới chân là những người bị chặt ngang cổ, có người bị chặt chân ngang bụng. Phía dưới chân các giồng cát thì nước còn ríu ríu vì trời còn mưa lai rai suốt cả tháng là những người bị chôn sống, 2 tay bị buộc chặt sau lưng rồi chôn quay mặt lại như đang nói chuyện với nhau, có người trên đầu có mũ, có người có một tàn thuốc gắn vào nón. Tất cả đều tím đen hoặc rỉ nước vàng hôi thối ghê gớm. Sau cùng là các hầm, hầm được lấp đi lòi chân tay ra ngoài, mỗi hầm có 4 đến 5 xâm, xuyên qua lòng bàn tay bằng dây kẽm gai và bị đánh bằng vật cứng ở sau đầu, cũng có người bị tan nát mặt, tất cả đều bị rữa thối rất khó nhận dạng.

Những nơi khác ngoài Huế

Có người cho rằng những vụ tàn sát dã man chỉ xảy ra tại Huế, nhưng các nơi khác đã không xảy ra như thế! Ðiều đó không đúng. Chúng tôi được biết, ngoài Huế ra, còn có những nơi khác như Quảng Trị, Bình Ðịnh, Gia Ðịnh,v.v...

- Tại Quảng Trị: ngày 9 tháng 2/1968, tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng đã tấn công vào làng Dương Lộc (xã Triệu Thuận, quận Triệu Phong), chúng bị tổn thất nặng nề trước sức kháng cự của nghĩa quân và thanh niên trong làng, theo một tên Việt Cộng về hồi chánh tại Quảng Trị cho biết, có 104 lính bộ đội Việt Cộng bị giết. Sau khi rút lui, Việt Cộng đã bắt Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ (62 tuổi) và hai em học sinh là Nguyễn Tiếp(13 tuổi) và Nguyễn Lụt (15 tuổi)... Ngày 31 tháng 5/1969, nhờ đồng bào địa phương hướng dẫn, đã tìm được xác Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ bị chôn sống tại vùng Chợ Cạn thuộc miền biển quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị... Hai em Tiếp và Lụt mất tích, không biết đã bị Việt Cộng giết và chôn ở đâu!

- Tại Gò Vấp, gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn (Thiết Giáp) và vợ là Từ Thị Như Tùng, bị Việt Cộng giết cả nhà: vợ chồng và các con nhỏ bị bắn B.40 chết hết, chỉ còn một em bé nằm lọt dưới gầm xe bị thương, còn sống sót mà thôi. Em nầy hiện còn sống ở Mỹ.

- Tại Bồng Sơn (quận Hoài Nhơn, Bình Ðịnh) Việt Cộng đã tấn công vào trụ sở xã, người chỉ huy xã là ông Nguyễn Giảng không chịu đầu hàng... nên Việt Cộng đã giết tập thể hơn 200 người trong đó cả đàn bà và trẻ em 11, 12 tuổi... Nhân dân địa phương có lập bia kỷ niệm. Sau 30/4/1975 bia đá nầy đã bị VC đập phá...

Sau Tết Mậu Thân, đồng bào của chúng ta ở Huế nói riêng và miền Nam nói chung, hễ nghe tin Việt Cộng đến là gồng gánh, bồng bế nhau bỏ hết nhà cửa tài sản, lo chạy lấy thân... Hình ảnh Việt Cộng đi đôi với thảm sát, đấu tố, chôn sống, mồ chôn tập thể...

Biến cố Mậu Thân xảy ra chưa đầy một tháng, theo báo chí Cộng Sản tiết lộ vào năm 1998 (kỷ niệm 30 năm Mậu Thân 1968-1998)thì đã có trên 100,000 lính Việt Cộng chết hoặc mất tích. Theo thống kê của VNCH có 4954 binh sĩ tử trận, 15,097 bị thương. Cộng Sản đã làm cho 627,000 dân vô tội phải cảnh màn trời chiếu đất, phải bỏ vùng quê chạy về thành phố, có 14,300 dân bị chết và 24,000 người bị thương. Chính phủ VNCH phải lập ra các trại tỵ nạn Cộng sản để tiếp đón, lo ăn, ở, săn sóc thuốc men cho dân... Riêng tại Huế, chính quyền VNCH công bố có 6,000 người chết trong đó có 384 binh sĩ VNCH chết và 1800 bị thương. Về phía Mỹ có 147 chết và 857 bị thương. Thời gian làm dân biểu, tôi được biết có 4,000 gia đình nạn nhân CS trong Tết Mậu Thân, ít nhất có một người chết hoặc mất tích (riêng gia đình tôi có 2 người chết và 3 người mất tích). Như vậy tổng số người chết và mất tích cả hai bên khoảng 120,000 người. Sau Tết Mậu Thân có 9,461 cán binh Việt Cộng bị bắt hoặc ra hồi chánh qua chiến dịch Phượng Hoàng của VNCH. Nhiều đơn vị bộ đội VC tan nát, không còn người nào.

Vụ “Thảm sát Mậu Thân” là một hành động dã man, diệt chủng mà Việt Cộng đã để lại trong lòng thân nhân của những nạn nhân tại miền Nam Việt Nam, điển hình là tại thành phố Huế, một nỗi kinh hoàng, một niềm uất hận nghẹn ngào, một món nợ mà đáng lẽ ra con cháu các nạn nhân phải đòi cho được kẻ sát nhân phải trả bằng máu!

Vụ “Thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế” đến nay đã 40 năm rồi (1968-2008) nhưng phía Cộng Sản không có một chút hối hận, không có một lời xin lỗi... Trái lại, trong những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức rầm rộ “Kỷ Niệm Chiến Thắng Mậu Thân” tại Sài Gòn năm 1998, tại Hà Nội năm 2003 và tại Huế năm 2008... Tại sao Cộng sản lại cố khơi dậy biến cố đau thương đó? Tại sao Cộng Sản lại cố rêu rao thành tích diệt chủng đó? Cuộc chiến được mô tả “Những Người Cầm Súng Ðã Chiến Thắng Những Người Tay Không, Những Người Dân Vô Tội” Thật là điều mỉa mai!

Năm 1997, sáu sử gia Pháp đã cho ra đời một cuốn sách dày 846 trang tựa đề “Le Livre Noir du Communisme” (Sách Ðen về Cộng Sản) cho biết trong vòng 80 năm kể từ ngày Ðảng Cộng sản lên nắm chính quyền tại Nga (1917-1997), đã có trên 100 triệu người bị chết vì họa Cộng Sản. Ngày 12 tháng 6 năm 2007 tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, TT Bush đã khánh thành đài tưởng niệm nạn nhân Cộng Sản trên thế giới. Ðiều đó nhắc nhở mọi người đừng quên tội ác của Cộng Sản trong Tết Mậu Thân 1968.

Chúng tôi không chủ trương trả thù khi nhắc lại vụ thảm sát Mậu Thân 1968. Chúng tôi chỉ muốn nhắn với các thế hệ tương lai “xin đừng bao giờ tái diễn những hành động dã man, tàn ác như thế nữa!”.

Sau Tết Mậu Thân, có một lần tôi được hướng dẫn phái đoàn báo chí, truyền hình ngoại quốc đến Huế chứng kiến các mồ chôn tập thể. Tôi thấy các nạn nhân nằm ôm ấp, gối đầu lên nhau dưới một cái hố sâu trong đó gồm đủ mọi thành phần tôn giáo, chính đảng... Và sau ngày 30/4/1975, tôi đã gặp đủ mọi thành phần quốc gia trong nhà tù như thế... Khi đưa tay ra bốc một nắm đất dưới đáy mồ chôn tập thể ở Huế đã thấm máu các nạn nhân, tôi không thể phân biệt được trong nắm đất đó có máu của ai? Cũng như khi cửa nhà tù đóng lại thì anh em chúng ta bất kể là người của tôn giáo nào, đảng phái nào, đều có một kẻ thù chung là Cộng Sản.

(Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Anh và phát cho một số người Mỹ tham dự hội thảo).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét